HỆ THỐNG TIẾNG VIỆT VÀ NGUYÊN TẮC CHÍNH TẢ
Huyền Băng 03.11.2008 11:19:30 (permalink)
Nghiên cứu của Giáo Sư LÊ NGỌC TRỤ
trong VIỆT-NGỮ CHÍNH-TẢ TỰ VỊ
Được biên sọan năm 1959 qua tham khảo với nhiều học giả đương đại như Nguyễn Hiến Lê, Tạ Quang Phát...

 
HỆ THỐNG TIẾNG VIỆT VÀ NGUYÊN TẮC CHÍNH TẢ
 
HỆ THỐNG TIẾNG VIỆT (1)
 
Vì là tiếng mẹ-đẻ, nói ra hiểu liền, nên chúng ta thường ít để ý đến tánh cách của mỗi phần tử tạo nên tiếng Việt. Chớ khi khảo-xét tường-tận, ta thấy từ sự kết cấu các âm thể đến cách tiếng-nói biến đổi chuyển-di, hầu hết đều có mạch-lạc, ở trong vòng hệ-thống tinh-thần ngôn-ngữ học.
 
Hệ-thống tinh-thần Việt-ngữ ấy, chúng ta có thể tóm lược đại thể thành nguyên-tắc trụ cốt là “luật tương-đồng đối xứng của các âm-thể: các âm-thể đồng tánh-cách phát âm và đồng chỗ phát âm đi chung nhau và đổi lẫn nhau.”
 
1. Nguyên-âm và vận.
1/ Nguyên-âm.- Theo chỗ phát âm, có ba lọai: nguyên-âm trước [i(y), ê, e], nguyên âm giữa [ư, ơ(â), (ă) a mà ă ở trước a, â ở sau ơ], và nguyên-âm sau (u, ô, o)
 
Theo cách phát-âm cũng có ba lọai: nguyên-âm hẹp (i, u, ư), nguyên âm trung (ê, ô, ơ mà â gắt hơn ơ) và mguyên-âm rộng (e, a, o mà ă gắt hơn a).
 
Các nguyên-âm tóm thành bảng dưới đây:
 
                            Trước              Giữa                     Sau

Hẹp                      i(y)                     ư                         u

trung                      ê                       ô                          ơ

Rộng                     e                       a (ă)                     o

 
Theo nguyên-tắc trên, các nguyên-âm đồng tánh-cách đổi lẫn nhau.
 
a)      Đồng chỗ phát-âm:
-         Nguyên-âm trước:
i  ∞ ê : bịnh = bệnh; lịnh = lệnh; nghinh= nghênh; kỷ > ghế
i  ∞ iê : kính  kiếng; chinh > chiêng; thinh > tiếng…
i  ∞ êy : chỉ > giấy; vi > vô; thi > thây…
i ∞ ă : niên > năm; tiến > giắm; thiết > sắt…
ê ∞ e : kế (mẫu) > (mẹ) ghẻ; tế >cha; mệ ∞ mẹ
ê ∞ ay : để > đáy; tề  > tày; thế > thay ; lễ > lạy…
ê ∞ êy (ây): tệ > bậy; trệ > chày; nê > lầy…
 
-         Nguyên-âm giữa :
ă ∞ iê …
â ∞ ă : cân > khăn; bắc > bấc; ân (hận) > ăn năn…
â ∞ ơ : nhân = nhơn; hận > hờn; chân = chơn…
â ∞ ư : câng = cưng; bậc = bực; chân = chưn
ơ ∞ ư : thơ = thư ; tợ = tự…
ươ ∞ ư : khương > gừng; cương > cứng…
ưu ∞ âu: ngưu > ngâu; khưu  = khâu…
a vì là nguyên-âm gốc nên đổi lẫn với các nguyên-âm khác:
a ∞ ă : làm > lằm; đạm > đằm thắm; giáp : cặp;…
ă ∞ ươ : bằng = bường; hằng > thường; trương > giăng;…
a ∞ e : đam = đem; sàm > gièm; xa > xe; hàn > hèn;…
a ∞ ê : mạng = mệnh; trát = trết, phết…
a ∞ iê  càn = kiền; cang > giềng; phàn = phiền; …
a ∞ i : lãnh = lĩnh; sanh = sinh; thạnh = thịnh;…
a ∞ ơ : đan = đơn; can = cơn (cớ); san = sơn;…
a ∞ â : bàu = bầu (cử); mày = mầy; này = nầy;…
a ∞ o : giác > góc; lãng > sóng; đánh ∞ đóng;…
a ∞ ô : kháng > chống; manh (nha) > mộng; nam > nôm;…
 
-         Nguyên-âm sau:
u ∞ â : Hấp > hút; sập ∞ sụp; nấm  núm;
u ∞ o : thụ > thọ; trú > trọ; trọc > đục; tùng = tòng;. ..
u ∞ ô : chủng > giống (nòi); chúng : đông ; trùng : chồng (chập);…
ô ∞ o : hộ > họ; cộng : cọng; độc > đọc (sách); long > rồng;….
o ∞ uô :phòng > buồng; phóng > buông;…
u ∞ uô: chung > chuông; hung > huông ; hùng > huồng;…
 
b/ Đồng cách phát-âm
-         Nguyên-âm hẹp:
i ∞ ư : đình > dừng; ti = tư; thịnh > đựng;…
ư ∞ u : tự > chùa…
u ∞ ư : cũ > mưa; phủ > vừa; tu > sửa; phụng > vựng;…
 
-         Nguyên âm trung: 
ô ∞ ơ : ô > dơ (nhơ); cố > cớ; độ > cỡ;…
iê  ∞ ươ : kiếm > gươm; kiếp > cướp; liễm > lượm;….
iê ∞ uô : liên > luôn; tiến > tuôn; nhiễm > nhuộm;…
iê ∞ â : tiến = tấn;…
ươ ∞ ô : lương > (xương) sống; hường = hồng…
ươ ∞ uơ : thương > chuộng; dược > thuốc.
 
-         Nguyên-âm rộng:
a ∞ e : tham > thèm; giảm > kém; …
a ∞ o : bác > bóc; lạc > lọt; hát ∞ hót; lát ∞ lót;…
 















Dấu riêng
< : do gốc Hán-Việt, như cũ < cựu.
< : tiếng Hán-Việt cho ra chữ nôm cựu > cũ.
∞ : đổi lẫn nhau.

(còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2009 04:21:23 bởi Huyền Băng >
#1
    Huyền Băng 03.11.2008 18:28:54 (permalink)
    2/ Vận.
    Có vận trơn (nguyên-âm ở cuối) và vận cản (phụ-âm cuối) họp theo lối dịu giọng, nhị-trùng âm hoặc tam-trùng âm.
    a) Lỗi dịu giọng, để cho tíếng “dịu” bớt, thường thêm nguyên-âm a (trở thành bán-âm) trong vận trơn, hoặc một nguyên-âm đồng lọai khi là vận cản.
    Vận trơn       Vận cản
    - Nguyên-âm trước:
           i + a = ia                                             i + ê = iê
    bi > bia; li > lìa; thì >thìa           linh : thiêng; tỉnh > giếng; Kính > kiếng
    - Nguyên-âm giữa:
    ư -> ư + a = ưa    ư -> ư + ơ
    ơ  -> ư + a = ưa    trưng = trương
    dư > thừa; cứ > cựa;…
    sở > thửa; tợ > tựa;…
    - Nguyên-âm sau
    u
    ô -> u + a = ua                   u -> u + ô = uô
    o
    du > dua; vụ > mùa ;           chung > chuông
    tu > tua; thố > chua            lung > luông (tuồng)
    vũ (võ) múa;…
    b) Lối nhị-trùng-âm và tam-trùng âm.
    Vận trơn. Các nguyên-âm giữa họp được với hai lọai nguyên-âm trước và nguyên-âm sau.
    Nguyên âm giữa   Trước (i,y)  sau (o,u)  
            a               ai            ao
            ă              ăy (ay)     ău (au)
            ơ               ơi            ơu
            â               ây           âu
            ư               ưi            ưu
            ươ              ươi         ươu
    Nguyên-âm dài (a, ơ, ư) ghép với bán âm dài (i,o) : ai, ao, ơi, ưi. Hai nguyên-âm gắt ă, â ghép với bán-âm đồng tánh-cách gắt y, u: ăy, (ay), ău (au), ây, âu.
    Với tính-cách đối-xứng tương-đồng, lọai nguyên-âm trước ráp với loại nguyên-âm sau, và ngược lại:
                                Trước               Sau
    Nguyên-âm trước
    i                                                     iu
    iê                                                   iêu
    ê                                                    êu
    e                                                    eo
    Nguyên-âm sau
    u                             ui
    uô                           uôi
    ô                             ôi
    o                             oi
    Trong lọai “họp khẩu”, bán âm o ghép với a (ă), e (hoa, hoặc, khỏe…), bán-âm u ghép với â, y (tuân, thủy…)
    Vận cản.- Vận cản là vận có phụ-âm cuối. Phụ-âm cuối có hai lọai: tỵ âm cuối (m, n, nh, ng) và tắc-âm cuối (p, t, ch ). Mỗi loại có bốn phụ âm, tùy chỗ phát âm tai môi, tại nớu (răng), tại cúa và tại màng-cúa, đối-chiếu nhau:
     Môi    nớu   cúa  màng-cúa
    tỵ âm      m     n     nh  ng
    tắc âm     p     t      ch   c
    Các phụ-âm cuối của hai lọai cùng một chỗ phát-âm có liên quan; hoặc đi chung với nhau, hoặc đổi lẫn nhau:
    - đi chung với nhau theo luật thuận-thinh-âm.
      môi    nớu    cúa    màng-cúa
        m/p  n/t    nh/ch     ng/c
    nươm-nướp;  chan chát; thinh-thích; phong-phóc
    sùm-sụp;  vùn-vụt; xình-xịch; vằng-vặc
    - đổi lẫn nhau, vì gần nhau, phụ-âm môi gần phụ âm nớu; phụ âm cúa gần phụ-âm màng-cúa.
    1
    m ∞ n : niên > năm; tiễn > giắm; thôn > xóm; bàn > mâm; hõan > chậm
    p ∞ t : hấp >hút; sáp ∞ sát; ngột ∞ ngộp; dụt ∞ dập; lạp > dắt
    2
    nh ∞ ng: kính > kiếng; tỉnh > giếng; trình >chừng; lương > lành; linh > thiêng
    ch ∞ c: bích > biếc; xích > thước. tích > tiếc; họach > vạc; bạch > bạc
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2008 19:08:02 bởi Huyền Băng >
    #2
      Huyền Băng 04.11.2008 21:59:53 (permalink)
      II. Phụ âm.
      Có hai lọai chánh, kể khi luồng âm bị chận tạm trong miệng (tắc âm) hay bị ép sát gần cúa (sát âm) trước khi phát ra thành tiếng. Mỗi lọai phụ âm trong (hoặc thanh) đói-chiếu với lọai đục (hoặc trọc) và chia làm bốn bộ, tùy chỗ phát âm.
      Các phụ-âm sắp thành bảng như dưới đây:

      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/9684/C062723D37D14DF780903F4C6FB1AD84.jpg[/image]

      Theo nguyên tắc trên, chẳng kể các tiếng đã biến-đổi do ảnh-hưởng giọng Tàu hoặc mấy tiếng láng-diềng khác, các phụ-âm đồng bộ đỗi lẫn nhau.
      - âm môi:
      b ∞ b : bại > (ống) bễ; bạn > bọn; bỉnh > bánh; …
      m ∞ m : ma > mè; ma > mài; mãnh > mạnh; mi > mày; …
      ph ∞ ph : phế > phổi; phái > phe ; phan (phiên) > phướng …
      v ∞ v : vạn > vàn; viên > vườn; việt > vượt; …
      b ∞ m : bàn > mâm; muộn > buồn; mồ (côi) ∞ bồ côi; …
      ph ∞ b : phòng > buồng; phán > bán; phủ > búa ; …
      ph ∞ m : phẩu (phẫu) > mổ; …
      ph ∞ v : phủ > vừa (mới); phụ > vợ; phương > vuông; …
      v ∞ m : vạn > muôn; vụ > mùa; vọng > mong; …
      - âm nớu:
      đ ∞ đ : đái > đội; điện > đền ; đảo > đổ; đỗ ∞ đậu; …
      t ∞ t : tá > tớ; tản > tan; tàm > tằm; tề : tày; …
      th ∞ th : thì > thìa; thể > thái; thán > than; …
      n ∞ n : nam > nồm; ni ∞ nầy; nương > nàng; …
      x ∞ x : xa > xe; xung > xông; xúy > xúi; …
      d ∞ d : dị > dể; di > dời; dụng > dùng; duy > dây; …
      l ∞ l : lợi > lời; lễ > lạy; lị  > lài; liên > liền; …
      r ∞ r : rồi ∞ rỗi; ran ∞ rền; …
      đ ∞ t : đại > túi; đội > tụi; tỳ > đày (tớ) ; đà (công) > tài; …
      đ ∞ d : đao > dao; đái > dải; đình > dừng; …
      đ ∞ th : đại > thay; đề (lại) > thầy; đà : (ngựa) thồ; …
      đ ∞ n : điếm > niệm; đổi ∞ nỗi; nối > đói; …
      đ ∞ x : đang > xanh; …
      d ∞ t : dựa ∞ tựa; …
      d ∞ th: dược > thuốc ; du > thau; dũng > thùng; …
      d ∞ l : dần ∞ lần; day ∞ lay; lánh  > dành; …
      d ∞ r di > rợ; danh > (con) ranh ; dổi ∞ rổi
      th ∞ x : thanh > xanh ; thành > xong ; thường > xòang; xích > thước; xuy > thổi; xá > tha; …
      th ∞ l : thiểm > liếm; linh > thiêng ; la > thét; …
      n ∞ t : tiêu > nêu; …
      n ∞ l lọai : nòi; nê > lầy; …
      l ∞ r : liêm > rèm ; lan > ràn; lương > rường; lánh > riêng; …
      - âm cúa:
      Ch ∞ ch: chinh > chiêng; chính > chiếng ; chẩu  > (cùi) chỏ; ….
      tr ∞ tr : trệ > trễ; trú > trọ; trình > (ở) truồng; …
      gi ∞ gi : giác > gióc; …
      s ∞ s : sái > sai ; sài > sói; si > say (mê); …
      ch ∞ tr : chè < trà; chén < trản; chém < trảm ; trầm > chìm; …
      ch ∞ gi : tranh > giành; trương > giương ; trượng > giượng (dượng); …
      s ∞ gi : sàm > gièm; sàng > giường; sát > giết; …
      nh ∞ gi : gia > nhà ; nha (thái) > giá (đậu); …
      - âm màng cúa:
      k ∞ k : cá > cái; cát > cắt; cấp > kíp; …
      k ∞ g : các > gác; cân > gân; can > gan ; ký > ghi ; …
      k ∞ kh : can > (khô) khan; cân > khăn; cuồng > khùng; khiếu > kêu; …
      kh ∞ kh : khai > khui; khê > khe ; khiếp > khớp; …
      kh ∞ g : khiêu > gợi; khương : gừng ; khóai > gỏi; …
      kh ∞ qu : khuẩn ∞ quẫn; khóang > quặng; …
      kh ∞ h : khí > hơi; khứu > hửi; khái > ho; …
      h ∞ h : hàn > hèn ; hàng > hãng; hận > hờn; …
      h ∞ ng : ngọai > ngòai; nga > ngài; nghi > ngờ; …
      qu ∞ qu : quá > qua; quái > quẻ; quỹ > quầy; …
      qu ∞ k : quyển > cuốn; …
      qu ∞ g : quả > góa; …
      Ngòai ra, cách phát-âm của v giống như cách phát-âm của mấy tiếng “họp khẩu” có h hoặc q khởi đầu, nên cũng có sự đổi lẫn giữa hai loại phụ-âm v và h : hòa > và; họa > vẽ; họach > vạch; hòang > vàng; hoang > vắng; …
      Đây là đại-cương về nguyên-tắc căn bản của hệ- thống ngôn-ngữ. Nhờ đó ta hiểu được then-chốt biển-đổi của một số nhiều tiếng Việt, bởi, ngòai luật phát-âm kể trên, tiếng nói còn bị ảnh hưởng của luật suy-lọai, do các âm thinh kế gần thường ảnh-hưởng với nhau, hoặc do tập-quán tạo nên, như âm d cũng đỗi với nh ( dơ ∞ nhơ; nhện ∞ dện;…) hoặc l đổi ra s hay ch: lạp > sáp; lực > sức; lang > chàng; làm > chàm; … 


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.11.2008 22:28:30 bởi Huyền Băng >
      Attached Image(s)
      #3
        Huyền Băng 06.11.2008 23:15:18 (permalink)
        III Thinh.

        Tiếng Việt có tám giọng, thành hệ-thống liên-hệ nhau: bốn giọng bổng đối-chiếu với bốn giọng trầm:
        Bổng: ngang, hỏi, sắc, sắc nhập
        Trầm: huyền, ngã, nặng, nặng nhập
        Đối-chiếu với tứ thinh tiếng Hán-Việt: bình, thượng, khứ, nhập thì giọng bổng là thanh thinh, giọng trầm là trọc thinh, tóm thành bảng như dưới đây:

                                  bình    thượng   khứ  nhập 
        thanh hoặc thượng  ngang      hỏi      sắc  sắc     bổng
        trọc hoặc hạ           huyền     ngã    nặng  nặng   trầm
        Luật “tương-đồng đối-xứng” càng thấy rõ rệt trong thinh tiếng Việt. Các thinh đồng bực đi chung và đổi lẫn nhau: thinh bổng với thinh bổng, thinh trầm với thinh trầm. Riêng về tiếng Hán-Việt, các thinh còn tùy thuộc âm khởi-đầu: âm khởi đầu là thanh âm thì thuộc thanh thinh (giọng bổng) :âm-đầu là trọc âm thì thuộc trọc-thinh (giọng trầm).

        A. Tiếng Nôm với luật Bổng-Trầm.
        Xét về đại-thể, dầu là tiếng “đơn” hay tiếng “đôi lấp-lày”. Thinh của tiếng ta đã theo luật căn-bản mà chúng tôi gọi luật bổng-trầm, hoặc chuyển đổi nhau hoặc đi chung với nhau.

        a) bổng:
        1/ Chuyển đổi nhau:
        Tan ∞ tản ∞ tán; không > chẳng; chỉ > giấy; bản > ván; gián > can; giảm > kém; tủa ∞ tua; giới > cai; kế (mẫu) > (mẹ) ghẻ; kỷ > ghế > tỉnh > giếng; tiển (tiễn) > tên.

        2/ đi chung với nhau
        - ngang-ngang: hay-ho; bơ ngơ
        - ngang-hỏi: bây bẩy; dể duôi; năn nỉ; nghỉ ngơi; …
        - ngang-sắc: mau-mắn; lơ láo; nói năng
        - hỏi-hỏi: bải hỏai; tỉ mỉ; xửng-vửng;…
        - hỏi-sắc: giỏi-giắn; khỏe-khoắn; mát-mẻ; chải chuốt; … 
        - sắc-sắc: đứng-đắn; dính-dấp; nhúc-nhích; …

        b/ trầm:
        1/ chuyển đổi nhau
        lời ∞ lãi ∞ lợi; dẫu ∞ dầy; đã ∞ đà; cũng ∞ cùng; đôi > đợi; mãnh > mạnh; quỹ > quầy; trệ > trễ; trì > chầy; kỵ > giỗ; kỵ > cữ; tự > chữ; độ > cỡ.

        2/ đi chung với nhau
        huyền-huyền: dôi dào; nồng-nàn; dần-dà;
        huyền-ngã: cằn-cỗi; lần-lữa; dễ dàng; giữ-gìn;
        huyền-nặng: đầy-đặn; rời-rạc; lẹ-làng; ngại-ngùng.
        ngã-ngã: kỹ-lưỡng; lằng-nhằng; chẫm-rãi
        ngã-nặng: nghĩ-ngợi; mạnh-mẽ; rực-rỡ; chững chặc; …
        nặng-nặng : cặm-cụi; chậm-chạp; ngượng-nghịu.
        Luật bổng trần được chứng-minh với tiếng đôi lọai “bình nhập” họp theo thuận-thinh-âm: tiếng đầu thuộc thinh bình (ngang huyền) tiếng kép thuộc thinh nhập, theo vận m/p, n/t, nh/ch,ng/e;
        bổng: nươm nướp; vun-vút; thinh-thích, rưng rức;
        trầm: nườm-nượp, vùn-vụt, thình-thịch, vằng-vặc;
        Loại tiếng nầy nếu không giữ đúng luật bổng-trầm thì nghe không thuận tai được.
        Muốn mạnh ý, người ta thêm vận a hoặc ơ ghép vào giữa hai tiếng đôi sẵn có thành tiếng kép bốn chữ. Vận a hoặc ơ cũng giữ đúng luật bổng-trầm, nghĩa là nếu hai tiếng thuộc lọai bổng thì vận a hoặc ơ ở thinh bổng, thuộc lọai trầm, thì ở thinh trầm:
        lắc-lẻo = lắc-la lắc lẻo; vất-vưởng = vất-vơ vất-vưởng.
        đì-đùng = đì-đà đì đùng; trặc-trẹo = trặc-trờ trặc trẹo; …
        Với giọng mai mỉa bỏ lừng, thì ghép vận iêc để kéo dài tiếng ra; học-hiệc; giỏi-giếc; thôi-thiếc; dược-diệc; … vận iêc nầy vẫn theo đúng luật thuận-thinh-âm.
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.11.2008 18:51:26 bởi Huyền Băng >
        #4
          Huyền Băng 09.11.2008 18:57:38 (permalink)


          B. Tiếng Hán-Việt với Luật Thanh-Trọc.-

          Tiếng Hán-Việt là chữ Hán đọc theo giọng Việt, nên còn giữ đặc tánh của tiếng Trung Hoa là theo nguyên-tắc thanh trọc:”những thanh-âm thuộc thanh thinh, những trọc-âm thuộc trọc thinh”, tóm lược đại thể như bảng sau đây:


          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/9684/6D14DB464B07492786BD14CA2576D2D8.jpg[/image]

          Nhưng vì lâu đời biến-đổi, hai lọai thanh-âm và trọc-âm của tiếng Hán-Việt hỗn hợp nhau. Như tíếng Việt không có âm môi thang p, âm nầy đã trở thành âm môi trọc b, vì vậy ta thấy những tiếng khởi-đầu bằng b, thuộc trọc-thinh viết dấu ngã, như bãi, mà cũng thuộc thanh thinh viết dấu hỏi, như bổn. Xét tiếng Hán-Việt ngày nay ta thấy tình trạng các âm  như vầy

          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/9684/1F25D960240848569D243B29E0F50032.jpg[/image]

          Theo đây thì các nguyên-âm thuộc thanh thinh và các hữu âm thuộc trọc-thinh; còn mấy phụ âm khác thì thanh, trọc lẫn lộn. Như vậy, làm sao phân biệt? Nhờ vịn theo phiên-thiết của tự-điển chữ Hán, phương pháp nầy còn giữ đúng nguyên-tắc thanh-trọc của giọng Trung-Hoa.

          Chữ Hán là lỗi chữ biểu-ý. Muốn ghi âm phải dùng hai chữ mà nói lái theo lối phiên-thiết; lấy âm khởi-đầu của tiếng trước với vận của tiếng sau, đọc nối-liền lại; tiếng đầu định bực thanh, trọc, và tiếng sau dùng
          làm vận và định lọai thinh của tiếng tìm.

          Thí-dụ chữ khứ.
          Khang-Hi tự-điển ghi: khưu + cứ thiết
          Từ nguyên ghi : khúc + dự thiết
          Tiếng đầu khưu hoặc khúc cho ra âm khởi-đầu kh, thuộc tiếng không dấu (khưu) hoặc dấu sắc (khúc) và làm đại-biểu cho thanh-âm, thì tiếng tìm phải ở trong một của bốn thanh thinh: ngang, hỏi, sắc, sắc nhập.
          Tiếng sau, cứ hoặc dư cho ra vận ư, thuộc khứ thính, vì hai dấu giọng sắc, nặng thuộc thanh khứ thinh và trọc khứ thinh.
          Nhưng tiếng đầu thuộc thanh âm, vậy kết-quả tiếng tìm phải thuộc thanh khứ thinh:
          Kh + ư sắc = khứ.


          1/ Tiếng đầu định bực thanh, trọc, nghĩa là: nếu tiếng đầu là thanh-âm, tiếng tìm phải ở thanh-thinh; tiếng đầu là trọc-âm, tiếng tìm phải ở trọc-thinh.
          Thí-dụ mấy tiếng sau nầy khi viết dấu hỏi, dấu ngã khác nhau là do tiếng đầu định bực thanh, trọc:



          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/9684/DECA29ABFCDB44E9965F70EBF7867454.jpg[/image]

          Chúng ta thấy rõ: sự định bực cho mỗi tiếng tùy âm khởi-đầu . Đổ và đỗ cùng vận ngũ, đồng một vận mà khác bực là tại tiếng đầu đổng hoặc đô là tiếng có dấu hỏi hoặc ngang thuộc thanh-âm nên đổ phải ở thanh.thanh, viết dấu hỏi. Còn đỗ, viết dấu ngã vì tiếng đầu: đọng hoặc độc là tiếng có dấu nặng, thuộc trọc-âm, (1)

          2/ Tiếng sau định vận và lọai thinh.
          Các tự-điển Trung-Hoa thường không chỉ tiếng đương-sự ở lọai thinh nào. Phải bằng-cứ vào tiếng sau làm vận mà hiểu ra. Xin trở lại thí-dụ tiếng khứ.
          “Muốn cho âm chữ khứ cho là (khưu + cứ thiết) hay (khưu + cự thiết) cũng được.
          “… Thay vào chữ cư hay cừ (bình thinh) thì chữ đương-sự phải đọc là khư;  thay vào bằng chữ cử hay cữ (nếu có chữ cữ, thượng thinh) thì chữ đương sự phải đọc là khử, chớ không còn là khứ được nữa.” (Trúc-khê, báo Nước Nam, số 107, 1941).
          Tóm lại, âm và thinh của tiếng Hán-Việt đã quy-định theo “nguyên tắc thanh-trọc”, đối với hệ thống ngôn-ngữ của tiếng ta.
          Và trong ba phần của tiếng Việt, âm, vận, thinh, xét về phương diện tác dụng, mỗi phần đã theo đúng hệ-thống tinh-thần ngôn-ngữ.









          (1) Khi tiếng khởi đầu bằng nguyên âm thì tiếng tìm phải khởi đầu bằng nguyên-âm và kết quả của tiếng tìm là vận của tiếng sau.
          Thí dụ: a= ư + hà thiết ; ác = ô + các thiết
                      á = y + giá thiết.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.11.2008 18:19:04 bởi Huyền Băng >
          Attached Image(s)
          #5
            Huyền Băng 10.11.2008 18:21:43 (permalink)
            NGUYÊN TẮC CHÁNH-TẢ

            Có bốn phương-pháp chánh-tả:
            - theo giọng đọc, đọc sao thì viết vậy;
            - theo phương-pháp phân-biệt, để tránh sự lầm-lẫn;
            - theo sự quen-dùng, viết theo phần đông, hoặc theo các nhà văn tên tuổi.
            - viết theo tự-nguyên, vì tiếng đó đã chuyển gốc nơi một tiếng khác.
             
            Bốn lối nầy bổ-cứu lẫn nhau, bởi ta không thể dùng hẳn một lối nào, nếu chẳng phát-âm được đúng. Song lối theo tự-nguyên hợp lý hơn, khi ta phát-âm sai; nó giúp ta  giải-thích được lý –do chánh-tả và hiểu được nguồn gốc, nghĩa-lý rành-rẽ mỗi tiếng.


            Có một số ít tiếng, vì lâu đời bị phát-âm biến đổi trại lạc cách xa tiếng gốc, nên viết khác đi, - ta có thể sắp các tiếng ấy về ngọai-lệ, chánh-tả mỗi tiếng đúng ra tùy theo tự-nguyên, bởi chánh-tả là ghi lại sự phát-âm bằng chữ viết, sự phát-âm thuộc trong hệ-thống ngôn-ngữ.
            Tiếng Việt gồm hai loại, liên-hệ nhau, nhưng vẫn giữ đặc tánh riêng-rẽ:
            - Tiếng Hán-Việt là chữ Hán đọc theo giọng Việt;
            - Và tiếng nôm, là tiếng người Nam tạo nên, với những tiếng hoặc đã Việt-hóa tiếng mượn các nước ngòai, hoặc đã biến-trại tiếng của mình.


            Vậy nên xét chánh-tả mỗi loại.



            1.- Tiếng Hán-Việt.
            Chánh-tả tiếng Hán-Việt đã quy-định nhờ vịn theo phiên-thiết của tự-điển Trung-Hoa, lấy 36 âm gốc, 106 vận, và tứ thinh làm mực-thước để tiêu âm (coi: Luật Thanh-trọc, quyển 2, tr. 31-45)

            a) Âm.- Tuy vậy, có một số ít tiếng, vì kiêng-húy hay vì lẽ gì khác đã phát-âm sai, lâu đời thành quen, ví dụ như: bỉ, bịnh,phất; phí, trở thành: tỉ, tịnh, thất, thí hoặc tỷ…Hoặc những tiếng: hõan, hoanh, khảng, khảo, lõa, sất, siết, tuẩn, trậm, trùy… thì đọc ra ảo, oanh, cang (lệ), xảo, khỏa, trất, triệt, duẫn, chẫm, chùy…

            Vậy trừ một số ít tiếng, tất cả đều theo đúng luật phiên-thiết:

            1/ phụ âm d.- âm dụ và các đại-biểu : dư, di, dĩ, dương, dực, dữ, doanh, duyệt dùng ghi cho âm d của Hán-Việt.

            2/ Phụ-âm gi.- âm kiến và các đại-biểu: cổ, công, cách, cô… dùng ghi âm gi khởi-đầu của tiếng Hán-Việt, hoặc nói cách khác, những tiếng Hán-Việt khởi-đầu bằng ghi thì tự-điển Trung-Hoa dùng âm kiến hoặc các âm đại-biểu cho nó để phiên-thiết. Vì vậy mấy tiếng giá, giả, giác mà Hán-Việt từ-điển Đào Duy-Anh ghi: dá, dả, dác, thì phải viết với gi khởi-đầu, bởi tự-điển Trung-Hoa phiên-thiết là: cổ + nhạ, cổ + nhã,  cổ + nhạc.

            Và ngược lại, chữ dã (Hán-Việt từ-điển Đào Duy-Anh ghi giã) thì tự điển Trung-Hoa phiên-thiết là dương + giả hoặc dĩ + giả, nên phải viết với d.

            Về hai âm x, s,cũng có mấy tiếng đại-biểu dùng phiên-thiết riêng biệt.

            3/ Đại-biểu cho phụ-âm s có : sở, sơ, sang, sô, dùng cho “âm thanh” và sàng, sừ, sui, sĩ, sùng, dùng cho “âm trọc”
             
            4/ Về phụ-âm x, thì đại-biểu cho “âm thanh” có: xương, xích, xứ, xuân, và đại-biểu cho âm trọc của tiếng Hán-Việt có: thì, thực, thường, thần v.v… Như chữ:
            Xà : thực : cha (giá) thiết;
            Xã: thường + giả thiết…
            Như thế, chánh-tả tiếng Hán-Việt được giải-quyết nhờ một phần lớn vịn theo luật phiên-thiết của tự-điển Trung-Hoa.

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2008 12:51:45 bởi Huyền Băng >
            #6
              Huyền Băng 11.11.2008 20:02:01 (permalink)
              b/ Vận.- Theo luật gieo vận trong thi-ca, có một số vận phải đọc trại, như an đọc ra ơn; ang: ương; anh: inh; at: iết; ao: iêu; ân: ơn hoặc iên: oan: uyên; oat: uyêt; oc: ươc; ong: ung hoặc ương; uc: uôc… Trại âm chớ chánh-tả vẫn giữ đúng theo vận chánh, nghĩa là mấy vận chánh, thí dụ, viết có g hoặc c cuối, thì mấy vận trại cũng theo mà viết có g hoặc c cuối.
              Số vận của tiếng Hán-Việt ít hơn số vận của tiếng nôm. Ta có thể lập thông-lệ như sau để viết chánh-tả. Tiếng Hán-Việt chỉ có:


              1/ Vận ao, iêu, ưu, nghĩa là không có vận ay, au, iu, ươu hoặc nói cách khác tất cả tiếng Hán-Việt vận ai, ao… đều viết với i hoặc o cuối: vận iêu thì đều viết có ê, còn vận ưu, đều viết không ơ.


              2/ Vận ac, óac, ăng, oăng mà không có vận ă, óat, ăn, oăn trừ sắt (cầm), đúng giọng là sát; đắt (kỷ) (trại giọng của đát); và căn, văn, trán, chánh vận là cân, vân, trân;


              3/ Vận uc, ung, uôc, uông mà không có vận ut, un, uô, uôn trừ bứt (chánh vận bất), phún (phun) chính vận phấn) , và muộn (chính vận mận);


              4/ vận ưc, ưng, ươc, ương mà không có vận ưt, ưn, ươt, ươn, trừ hai tiếng nhựt, nhựt là trại giọng của nhất, nhật;


              5/ vận oan, oat mà không có vận oang, oac trừ mấy tiếng hoang, hòang, hoảng, khóang; và quang, quáng, quảng.
              6/ Vận ân, ất, uân, uất mà không có vận âng, ấc, uâng, uâc trừ tiếng quấc trại giọng của quốc.


              7/ vận iên, iêt, uyên, uyêt mà không có vận iêng, iêc, uyêng, uyêc, trừ tiếng diệc, trại giọng của dịch; tiếng kiểng, thiềng, yếng … là trại giọng của cảnh, thành, ánh…


              8/ vận inh, ich mà không có vận in, it, trừ hai tiếng tín ( chánh vận tấn) và thìn (trại giọng của thần);


              9/ vận âm, âp mà không có vận ăm, ăp;
              10/ vận iêm, iêp mà không có rận im, ip, trừ hai tiếng kim (vàng) , kim (ngày nay);


              11/ Tiếng Hán-Việt đáng lý ra chỉ có vận ôc, ông. Vận oc, ong chỉ trại giọng của vận uc, ung. Mấy vận ấy cũng đọc ra ươc, ương.

              12/ Hai tiếng mùi, muội là trại của giọng vị, mội; và muộn (môi + hồn = môn) là tiếng môn đọc trại.


              C.- Thinh.- Về thinh, cũng nhờ luật phiên thiết của tự-điển Trung-Hoa mà định được chánh-tả, đại để những âm khởi-đầu thanh thuộc dấu hỏi, những âm khởi-đầu trọc thuộc dấu ngã. Ta có thể lập lệ cho dễ nhớ như sau:


              1/ Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng nguyên-âm: a, â, ê, i, y, o, ô, u, ư đều viết dấu hỏi, vì các nguyên-âm thuộc thanh-âm.


              2/ Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng ch, gi, kh, đều viết dấu hỏi, vì các phụ-â, ấy thuộc thanh-âm;

              3/ Tất cả tiếng Hán-Việt khởi-đầu bằng hữu-âm: l, m, n, ng, nh, đều viết dấu ngã, vì thuộc trọc-âm trừ chữ ngải. Phụ-âm v,d thuộc âm trọc cũng viết d6ấu ngã, trừ phiếu-diểu.
              Mấy phụ-âm khởi-đầu khác, vì đều có ở hai bực thanh và trọc, khó phân biệt, nên phải tra tự-điển; nhưng cũng theo luật chung: thanh viết dấu hỏi, trọc dấu ngã.
              Theo luật trên, ta thấy một tiếng Hán-Việt có khi đọc nhiều cách, và tùy âm khởi-đầu mà định chánh-tả. Như tiếng hoạn, Khang-Hi tự-điển ghi: hồ + quán thiết, âm hoạn; hoặc hồ + hiện thiết, âm hiện. Vậy phải đọc: họan hay hõan, huyện hay huyễn, nghĩa là kết quả phải dấu nặng hoặc dấu ngã, vì âm h có hai bực thanh và trọc. Ở thí-dụ này nó thuộc trọc-âm. Nhưng lại quen đọc là ảo là tiếng khởi đầu bằng nguyên âm thuộc thanh-âm nên phải viết dấu hỏi.
              Chữ duẫn đúng âm là tuẩn (dấu hỏi), tự-điển phiên-thiết là tư + dẫn thiết, nhưng vì phát-âm là duẫn, âm d thuộc hữu-âm ở bực trọc, nên phải viết ngã.
              Lõa dấu ngã, khi đọc khỏa thì viết dấu hỏi.
              Chữ trậm, trẫm, Việt-Nam tự-điển ghi chẫm (dấu ngã), tự-vị Genibrel và Paulus Của viết chẩm (dấu hỏi). Khang-Hi tự-điển ghị: trực + cấm thết, vậy phải đọc trậm hoặc trẩm. Nhưng thay vì đọc trầm (dấu ngã) lại đọc chẩm thì phải viết dấu hỏi, bởi âm tr có ở hai bực thanh và trọc, mà tiếng nầy thuộc âm trọc, vì tiếng dùng phiên-thiết là trực, dấu nặng thuộc trọc-âm, nên kết quả phải thuộc trọc-thinh, viết dấu ngã (trẫm), còn âm ch của tiếng Hán-Việt chỉ có một bực thuộc thanh âm, nên phải viết dấu hỏi mới hợp lệ. Hán-Việt từ-điển Đào-Duy-Anh nơi chữ Đam cũng ghi: “cũng đọc chẩm” (dấu hỏi).

              <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.11.2008 21:08:39 bởi Huyền Băng >
              #7
                Huyền Băng 14.11.2008 21:16:22 (permalink)
                II. Tiếng nôm.

                Có hai lọai tiếng nôm: tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt và tíêng nôm lõi. Chánh tả của hai lọai tiếng nầy, ngọai trừ một số ít, đại-để cũng tùy tiếng gốc.



                A. Tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt.

                a. âm._Chúng ta hãy lẫn-lộn âm d với gi, s với x. Theo nhận-xét chung thì:

                1. âm d của tiếng nôm thường chuyển bên gốc Hán-Việt khởi-đầu bằng âm d, đ, y, l: dây <duy; dễ < dị; dì <di…;dao < đao; dải < đái…; dìm < yểm; dắt < lạp; dầm < lâm; diềm < liêm…
                2. âm gi của tiếng nôm thường chuyển bên gốc Hán-Việt khởi-đầu bằng âm gi, k, ch, tr, s, t, th: giả < giả; gieo <giá; gióng < giang…; giờ < tjò’ giục < thúc;  giỗ < kỵ; giềng (giường) < cương; giấy < chỉ; giống < chủng; giành < tranh; giễu < trào…; giặc < tặc ; giã < tạ; giáo < sáo; tiết < sát…
                3. âm s của tiếng nôm thường chuyển bên gốc Hán-Việt âm s, h, l, t: sói < sài; sống < sanh; sai < sai…; sau < hậu; sợ < hãi; sao < hà…; sáp < lạp; sen < liên; sức < lực; sường < lương …; say < túy; sửa < tu ; sáo < tiêu…
                4. âm x của tiếng nôm, trừ mấy tiếng: xét < sát; xát < sát; sâu <  sưu xưa < (cổ ) sơ…, thường chuyển bên gốc Hán-Việt âm khởi-đầu bằng x, th, hoặc kh:
                Xe < xa; xấu < xú; xơm < xâm; xua < xu (khu)…; xanh <thanh; xen < tham; xẩm < thẩm; xòang < thường; xóm < thôn ; xinh < thanh (lịch) hoặc thiến; xảy < khỉ; xem < khán…

                b/ vận_ Trừ một số ít tiếng như : bài > bày; bất-thần > thình-lình; đán > tảng (sáng); đăng > đèn ; điểm > chấm; lân-cương > láng-diềng; thăng > lên…các tiếng nôm chuyển bên Hán Việt đều suy lọai tiếng gốc mà viết.

                Xét tiếng Hán-Việt chuyển ra tiếng nôm, lấy phần đa-số, có mấy thông-lệ này giúp ta viết ít sai:
                - vận ai đổi ra ai; đổi ra ay, khi âm khởi-đầu đã đổi như: đại < thay; hài > giày; sái ; rảy; trai > chay; trái > vay…
                - vận ao đổi ra ao; đổi ra au, có khi au cũng đọc âu:
                bảo > bàu (bầu); đào > cô dàu (ít dùng) (đầu); tào > tàu (tầu); tạo > tạu (tậu)…
                - vận a đổi ra ă:
                đam > đăm-đăm; đam > đằm (thắm); đáp > đắp; giáp > gặp, cắp, gắp; hàm > cằm; sáp (tháp) > chắp, lắp, giắt; tàm > tằm; thám > thăm…
                - vận âm, ấp đổi ra im, ip:
                cầm > chim; cầm > (đờn) kìm; cấp > kíp; cập > kịp; châm > kim; chấp chíp; tâm > tim ; tầm > tìm; thẩm : thím ; trầm > chìm, gìm…;
                - vận ê, I đổi ra ay:
                - dề (lại) > thày (thầy); để > đáy; lễ > lạy; tề > tày; thế > thay; mi > mày ; phi > bay; quy > quay (quây); quy > quày; tì > đày (đầy) (tớ) ; trì chày (chầy)…
                - vận iêm, iêp đổi ra ăm, ắp:
                hiềm > hằm-hằm; niêm > nắm; tiêm > tăm, xăm; thiêm > giặm; hiệp > chặp; kiếp > (ăn) cắp; tiếp > chắp…
                - vận ai, ôi, oi đổi ra ui:
                dại > túi; đội : tụi; hỉ > vui ; hội > hụi; khai > khui; phôi > phui; sỉ > tủi; tị > mũi; thôi > xui, xúi; thối > lui, lùi; vị > mùi…
                - vận ich đổi ra iêc, ươc:
                bích > biếc; chích > chiếc; dịch > diệc; tích > tiếc; tích > thiếc; tịch > tiệc; nghịch > ngược : xích > thước…
                - vận inh đổi ra iêng:
                chinh > chiêng; chính > chiếng; chính (ngọat) > (tháng) giêng; kính > kiêng; kính . kiếng; linh > thiêng-liêng; (bản) lĩnh > (vốn) liếng; minh; miệng; tinh > siêng; tỉnh > giếng; thinh > tiếng ; trình > chiềng…
                Về các phụ-âm cuối, ta thấy sự liên-hệ đỗi lần nầy trong tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt:
                - ch đổi ra c : bích > biếc; nghịch > ngược…
                - nh đổi ra ng : dình > dừng; trình (độ) > chừng.
                - p đổi ra t: hấp > hút; lạp > dắt…
                - m đổi ra n : niên > năm ; thôn > xóm ;
                Mấy thong lệ trên để chỉ những tiếng nôm đã biến trại âm tiếng góc, chớ mấy tiếng không biến vận thì vẫn giữ chánh-tả của tiếng Hán-Việt như: 
                Dải < dái; ; dao < dao; giặc < tặc; (con) lằng < nhăng; gấp < cấp; rậm < sâm; tiệm < điếm; bắc < bắc; gân < cân; ngất < ngật…
                Trừ mấy tiếng : bày < bài; cọng < cộng; đọc < độc; khóc < khốc; rồng < lòng.
                Lộc thì cho ra tiếng lọc và lược (nước)


                c/ thinh.- thinh của tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt thì theo bực thinh của tiếng gốc, nghĩa là tiếng gốc là một tiếng dấu hỏi, dấu sắc hoặc không dấu thì tiếng nôm viết dấu hỏi; tiếng gốc là một tiếng dấu ngã dấu nặng hoặc dấu huyền thì tiếng nôm viết dấu ngã, như: 
                giả > kẻ ; giá > gả; hô > thở; tu > sửa…
                dĩ > đã; kỵ > cỡi; hàng (hành) > hãng (buôn) …
                Trừ
                Dụ > dủ, rủ, ; lý > lẽ; (làng Kim) Lũ > (làng)  lủ; lõa > (ở) ; miếu > miễu; nỗ > (cung) nỏ; nỗ (lực) > (năng) nổ; ngại > ngải, (bôi) nghỉ; ngưỡng > ngẩng, ngửa; nhĩ > nhữ (mồi)
                Hai tiếng nê, ni thuộc hữu-âm, đáng lý chuyển ra tiếng nôm dấu ngã nhưng có lẽ suy lọai nơi tiếng không dấu, nên kết-quả viết dấu hỏi : (sình) nẩy, nỉ (nhung). Tự-vị Genibrel và P. Của viết nĩ (dấu ngã).

                <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.11.2008 19:22:16 bởi Huyền Băng >
                #8
                  Huyền Băng 19.11.2008 19:24:10 (permalink)
                  B.- Tiếng nôm lõi.-


                  Có hai loại: tiếng đơn và tiếng đôi.
                  1.- tiếng đơn.
                  a/ âm.- Hai âm của s và gi phát-âm khác với hai âm nớu x và d, vậy nên phải giữ đúng chánh-tả:
                  -         âm d thường đổi với nh, l, r: dần ∞ lần; nhử ∞ rử; nhơ ∞ dơ;
                  -         âm gi thường đổi với c, ch, tr: giăng ∞ căng; giờ ∞ chừ; giặm ∞ chêm; giời ∞ trời; giăng ∞ trăng.
                  Với âm s, phát âm phải cong lưỡi và xịt hơi mạnh ơn khi phát-âm x.
                   
                  b/ vận.- Tiếng Việt có nhiều tiếng đồng họ, ý-nghĩa liên-quan, thường đồng một vận với nhau. Mấy tiếng ấy tùy nhau mà viết: 
                  cắt, chặt, gặt, ngắt, xắt;
                  cuối, đuôi, chuôi, nuối;
                  họng, giọng, ngọng, nọng.
                   
                  Bị ảnh-hưởng của tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt, tiếng nôm đơn cũng có mấy thông-lệ:
                  -         a đổi ra ă: càm ∞ cằm; nạm ∞ nắm; ba mươi ∞ băm; hai mươi ∞ hăm…
                  -         a đổi ra u: ấp ∞ úp; nấp ∞ núp; nấm ∞ núm; ngất ∞ ngút; sập ∞ sụp…

                  Mấy phụ âm-âm cuối cũng đổi lẫn nhau:
                  ch đổi ra c: mách ∞ méc;
                  nh đổi ra ng: mảnh ∞ miểng;
                  m đổi ra n: mỉm ∞ mỉn;
                  p đổi ra t: dập ∞ dụt; núp ∞ đụt; mấp ∞ mút; ngập ∞ lụt…
                  Ngòai ra, lấy phần đa-số, ta có thể lập thông-lệ dễ nhớ như vầy:
                  -         vận en, eng, trừ (rối) beng, leng-keng (kẻng-kẻng), phèng (la) xẻng, tất cả đều viết en, không g.
                  -         vận ec, et, trừ (con) kéc, (chọc) léc, méc (trại giọng của mách), tất cả đều viết et với t cuối.
                  -         vận êc, ê, êch, trừ chệc (1), ếc (cũng viết ếch), (quêng) quếc, tất cả đều viết ê với t cuối.
                  -         vận êch khi trại giọng của vận ich.
                  -         vận ên, êng, trừ quêng (quếch), tất cả đều viết ên không g.
                  -         vận ênh là trại giọng của inh.
                  -         Vận âng là trại giọng của ưng, trừ tiếng chân là chưn, tất cả đều viết có g.
                  -         Vận ân, âng, trừ lâng-lâng, quầng (do chữ vòng), tất cả đều viết ân không g.
                  -         Vận ui, ươi, trừ hửi (ngửi), cử, chửi (cũng viết chưởi), tất cả đều viết ươi có ơ, như: bưởi, lưỡi, rưỡi…
                  -         Vận ưu, ươu, trừ cưu (mang), trưu-trức, trừu, tất cả đều viết ươu có ơ, như: bướu, hươu,  khướu, mưỡu…
                   
                  c/ thinh.- Trừ một số ít tiếng, phải biết đọc trúng giọng, vì không rõ căn-nguyên hoặc vì bị biến giọng, mấy tiếng nôm đơn, khi trại bên một tiếng khác, đều tùy tiếng chánh, hoặc bổng oặc trầm, mà viết hỏi hay ngã.
                   
                  1.     Bổng
                  -         hỏi chuyển ra sắc và ngược lại :
                  búa ∞ bửa; hả ∞ há; lén ∞ lẻn; miếng ∞ miểng; mủn ∞ mún; rải ∞ rưới; thế ∞ thể; ván ∞ phản...
                  -         hỏi chuyển ra hỏi:
                  bảo ∞ biểu; bổ ∞ mổ; cổi ∞ cởi; (khi) dể ∞ (coi) rẻ; (quên) lảng ∞ (quên) lửng; (mệt) lả ∞ (mệt) lử; nhỉ ∞ rỉ; nhỏ ∞ rỏ; rủ ∞ xủ; tỏa ∞ tủa; tủi ∞ mủi (lòng); xẻ ∞ chẻ…
                  -         hỏi chuyển ra ngang và ngược lại:
                  cản ∞ can; chẳng ∞ chăng; chưa ∞ chửa; dải ∞ dai; không ∞ khổng; nhủi ∞ chui; quăng ∞ quẳng…
                  2.     Trầm
                  -         ngã chuyển ra nặng và ngược lại:
                  bạm (ăn) ∞ bám; cỗi ∞ cội; đậu ∞ đỗ; chậm ∞ chẫm (rãi); chẵn ∞ trọn; chõi ∞ chọi; chữ ∞ trự; giẵm ∞ giậm; giữa ∞ trựa; lưỡi ∞ lợi; trịu ∞ trĩu.
                  -         ngã chuyển ra ngã:
                  bã ∞ rã; bẽ ∞ bẽn-lẽn ∞ trẽn; chỡ (dậy) ∞ chỗi (dậy); dõi ∞ rõi; đĩa ∞ dĩa; giễu ∞ riễu; hãng ∞ hẵng ∞ hãy; khẽ ∞ sẽ; lỗ ∞ rỗ; nỗi ∞ dỗi; ngẫm ∞ gẫm; ruỗng ∞ luỗng ∞ rỗng; ũi ∞ dũi, (dế) nhũi.
                  -         ngã chuyển ra huyền và ngược lại:
                  cùng ∞ cùng; dầu ∞ dẫu; đã ∞ đà; bõ ∞ bù; cõi ∞ cỗi ∞ còi; đầy ∞ dầy; chình ∞ chĩnh; giũa ∞ giồi; lời ∞ lãi; mõm ∞ mồm; ngỡ ∞ ngờ; nhằng ∞ nhẵng; thòng ∞ thõng…
                  Trừ:
                  Dẫy (xe) ∞ đẩy; gõ ∞ khỏ; hõm ∞ (sâu) hóm; kẻ ∞ gã; (thuộc) làu ∞ làu; lõm ∞ lóm; (mệt) lử ∞ (đói) luỗi; mặn ∞ mẳn; ngõ ∞ ngả; phồng ∞ phổng; quãng ∞ khỏang; rải ∞ vải, rõ ∞ tỏ; trội ∞ trổi…
                  Ngòai ra, mấy tiếng nói ríu, hợp với tiếng “ấy” đều viết dấu hỏi, như: anh + ấy = ảnh; bà + ấy = bả ; cậu + ấy = cẩu ; chị + ấy = chỉ, năm + ấy = nẳm; người + ấy = nghỉ; thằng chả ( cha + ấy), con mẻ (mẹ + ấy); mủ (mụ + ấy) …

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2008 12:42:30 bởi Huyền Băng >
                  #9
                    Huyền Băng 26.11.2008 20:08:58 (permalink)
                    2) Tiếng đôi:

                    Bởi tính cách độc-vận ngắn-ngủn, nên tiếng Việt thường hợp tiếng đôi để cho dịu giọng hoặc đổi nghĩa.

                    Khác với tiếng ghép, thường là tiếng hán-Việt, do hai hoặc ba tiếng có nghĩa riêng ghép lại để chỉ một ý-niệm mới, tiếng đôi, thường là tiếng nôm, do hai hoặc nhiều tiếng hiệp lại, để rõ ý, hoặc dịu giọng.
                    Có lọai tiếng đôi do hai tiếng đều có nghĩa, và lọai tiếng đôi, cũng  gọi là tiếng lấp-láy, do một tiếng có nghĩa hợp với một tiếng không nghĩa, hoặc do hai tiếng không nghĩa hợp lại, nhưng giọng nghe hài-hòa, thuận tai, dễ đọc.
                    a/ Tiếng đôi mà hai tiếng đều có nghĩa, thì mỗi tiếng đều giữ chánh-tả riêng của nó, về âm, vận, cũng như về thinh: bàn-ghế; bồng-ẵm; cổi-gỡ; chống đối; đầy-đủ; heo-cúi; lỡ-dở; mỏi-mệt; sàng-sảy; sâu-xa, tìm-kiếm; tỏ-rõ, ủ-rũ…
                    Như tiếng dì-giượng, dông-gió, có bạn đề-nghị viết dì-dượng (chánh Việt-Nam tự-điển cũng viết dượng) và giông-gió, lấy lẽ rằng, hai tiếng đừng gần nhau, chúng nó bị đồng-hóa với nhau: vậy hai tiếng đều viết với d hoặc gi hết.
                    Trường-hợp”đồng-hóa” cũng thường xảy ra, với tiếng đôi, mà một tiếng không nghĩa bị đồng hóa với một tiếng có nghĩa, như: giỏi giắn, giỏi-giang, dần-dà, xa-xôi, say-sưa… Còn ở đây, mỗi tiếng dì, giượng, dông, gió, đều có nghĩa riêng nên không bị đồng-hóa, và giữ chánh-tả riêng-biệt của mỗi tiếng:
                    - Dì do chữ di (tiếng Hán) là chị hoặc em của mẹ;
                    - Giượng do chữ trượng (tiếng Hán) là chồng của cô (cô trượng), hoặc của dì (dì trượng). Trượng cho ra tiếng giượng, cũng như trăng ∞ giăng, tranh ∞ gianh, tro ∞ gio; trời ∞ giời…
                    - Tiếng gió, không rõ nguồn gốc, nhưng viết với gi khởi đầu, trái lại dông, do chữ dương (tiếng Hán) là gió nổi lớn lên, mà tiếng gốc viết với d (dương) thì tiếng trại phải viết với d: dông.
                    Hoặc như mấy chữ đứng-đắn, vuông-vắn, mỗi tiếng đều có nghĩa riêng, chớ không thể suy-lọai tiếng trước có g mà viết sau đắn (g)  hoặc vắn (g) có g được.
                    - Đứng-đắn do gốc từ-ngữ đoan-chính (tiếng hán – ngay thẳng, không cong-lệch) Chữ đoan cho ra tiếng đắn trong tiếng đôi: đúng-đắn; chữ chính cho ra tiếng đứng; đứng-đắn là nghiêm-chỉnh không cong-lệch.
                    -  Còn tiếng vuông chuyển bên tiếng phương (tiếng Hán); tiếng văn, bên tiếng doản (tiếng Hán).
                    Như thế, mỗi tiếng có nghĩa riêng của nó và tùy tiếng gốc mà được viết ra.


                    b/ Tiếng đôi do một tiêng có nghĩa hợp với tiếng đệm, thường không nghĩa và tiếng đôi do hai tiếng không nghĩa hợp lại.
                    Vì không nghĩa riêng, tiếng đệm phải tùy tiếng chánh, hoặc tiếng đầu (nếu hai tiếng đều không nghĩa) mà viết, theo âm, vận, thinh:
                    - dí-dỏm, giỏi-giang, sáng-sủa, xót-xa…
                    - áy-náy, ăn-năn, bần-thần, lao-đao…
                    - bẽn-lẽn, lẵng-nhẵng, võ-vẽ…
                    - bẩu-lẩu, hể-hả, nhỏng-nhẻo, xẩn-bẩn…
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2008 12:19:22 bởi Huyền Băng >
                    #10
                      Huyền Băng 30.11.2008 12:37:09 (permalink)
                      1/ Âm khởi đầu.-
                      Những tiếng đệm không nghĩa bị đồng-hóa thì viết một thể với tiếng chính, như đã nói trên: giấu giếm, dư-dả, say-sưa, xa-xăm…

                       
                      2/ Vận.-
                      Những tiếng đôi điệp-vận, nghĩa là vận tiếng sau đồng một vận với tiếng trước, thì chánh-tả tiếng sau tùy tiếng trước:
                      Ăn-năn, tằn-mằn, lăng-căng, xăng-văng…
                      bủn-rủn, lùn-đùn, bung-xung, lủng-củng, lui-cui, lụi-đụi…



                      Về những tiếng đôi không điệp-vận, có mấy vận sau nầy, lấy phần đa-số, ta có thể lập thành lệ:

                      1.- Vận âp: trừ mấy tiếng đắp đổi, đắp-điếm, lắp-bắp (lặp-bặp), rắp-ranh, vì nó có nghĩa riêng, hai tiếng đôi không nghĩa, mà vận âp đứng trước thì tiếng ấp viết với â:
                      Bấp-bênh, bập-bẹ, bập-bệu, chập-chững, gập-ghềnh, hấp-hối, lấp-lánh, lấp-láy, lập-lòe, phập-phều, rập-rộn, xấp-xỉ…
                       
                      2.-Vận ang, àng: tất cả tiếng đôi không điệp-vận mà tiếng sau không nghĩa xuống vận ang, àng đều viết có g:
                      dở-dang, hở-hang, mở-mang, nể-nang…
                      bẽ-bàng, bộn-bàng, dịu-dàng, gọn-gàng, lẹ-làng, mịn-màng, ngó-ngàng, nhẹ-nhàng, sẳn-sàng, vội-vàng…
                      Trừ: chứa-chan, hỏi-han, nồng-nàn, việc-vàn;

                      3. Vận ắn: trừ lo-lắng, sốt-sắng, tằng (đằng, dặng) hắng, tất cả tiếng đôi không điệp-vận xuống vận ắn đều viết không g:
                      Đứng-đắn, giỏi-giắn, may-mắn, ngay-ngắn, xinh-xăn…

                      4.- Vận ằng: trái lại, những tiếng không điệp vận xuống vận ằng đều viết có g:
                      dùng-dằng, đãi-đằng, gùng-gằng, khùng-khằng, ngùng-ngằng, vùng-vằng.

                      Trừ: cọc- cằn (tiếng cằn có nghĩa riêng), dử-dằn, nhọc-nhằn.
                      5.- Vận ẩn, ẫn: những tiếng đôi mà tiếng sau không nghĩa xuống vận ẩn, ẫn, đều viếng không g:
                      đú-đẩn, ngớ-ngẩn, sơ-sẩn, thơ-thẩn…
                      đờ-đẩn, thờ-thẩn, vờ-vẫn…

                      Trừ khi vận ẩng, ẫng cũng đọc ửng, ững thì mới viết có g:
                      Hí-hẩng = hí hửng;…
                      Hờ-hẫng = hờ-hững; …

                      6. Vận ưng: trái lại, những tiếng đôi mà tiếng sau không nghĩa xuống vận ưng đều viết có g:
                      Bửng-tưng, đứng-sựng, lưng-chừng, mí-mửng, pha-lửng, tưng-bừng...

                      7.- Vận ung: những tiếng đôi không điệp-vận mà tiến sau không nghĩa xuống vận ung đều viết có g:
                      ấp-úng, bão-bùng, lạ-lùng, ngại-ngùng…

                      Trừ : Mảy-mún, ngắn-ngủn, vắn-chủn vì tiếng sau có nghĩa là “vắn, nát vụn”

                      8.- Vận iu, ui thường đi chung với một tiếng thuộc vận cản nớu, ăn, ân, ăt, it, ut:
                      Bận-bịu, chắt-chiu, dắt-díu, kĩu-kịt, mắt-míu, nhăn-nhíu, ríu-rít, trằn-trịu (trĩu), dìu-dắt…
                      Cui-cút, gần-gũi (gụi), hân-hủi, ngui-ngút, sùi-sụt…

                      Trừ lăng-líu, mắc-míu, nâng-niu, phẳng-phiu, tằng-tịu, tục-tĩu, xằng-xịu.
                       
                      3/thinh.-
                      a) Tiếng đôi lấp-láy.-
                      Về thinh của tiếng đôi lấp-láy, thì theo “luật bổng-trầm”



                      1. Những tiếng dấu hỏi, thuộc bực bổng, trong tiếng đôi lấp-láy thường đi chung với một tiếng dấu ngang, hoặc dấu hỏi, hay dấu sắc:
                      Dở-dang, nghỉ-ngơi, thẩn-thơ, nho-nhỏ, xây-xẩm, bải-hỏai, đỏ-đẻ, đủng-đỉnh…
                      Chải-chuốt, khỏe-khoắn, mải-miết, nhảm-nhí, bóng-bẩy, chớn-chở, mắt-mỏ, gắng-gỏi…

                      2. Những tiếng dấu ngã thuộc bực trầm, trong tiếng đôi lấp-láy thường đi chúng với một tiếng dấu huyền, hoặc dấu gã, hay dấu nặng:
                      Hờ-hẫng, dằng-dẵng, rờ-rẫm, nhão-nhẹt, giặc-giã, vạm-vỡ…

                      Trừ những tiếng sau nầy không giữ lệ ấy;
                      bền-bỉ, binh-bãi, chang-bảng, chàng-hảng, chèo-bẻo, ẻo-ẹo, giãy-nảy, hòai-hủy, ĩnh-ương, lãng-xẹt, lý lẽ, mình-mẩy, mủ-mỉ, ngoan-ngõan, nhểu-nhão, sành-sỏi, sừng-sỏ, sửng-sờ, thỏng-thừa, thung-lũng, trễ-nải, trọi-lỏi, trơ-trẻn, ve-vãn, vỏn-vẹn, vương-vãi, xảnh-xẹ.

                      Để ý.-
                      1. Có nhiều tiếng đôi, vì thuận-thinh-âm phải bỏ bớt một dấu giọng, mấy tiếng mất giọng đó cũng là tiếng chánh lặp lại, chớ không phải tiếng đệm, nên không theo luật bổng trầm:
                      dê dễ là dễ-dễ: đa-đã là đã-đã,
                      đăng-đãng là đằng-đẵng; khe-khẽ, se-sẽ là khẽ-khẽ, sẽ-sẽ…
                      2.- Có tiếng đôi bị đổi giọng như:
                      Hẳn-hoi trở thành hẳn-hòi; kỹ-càng trở thành kỹ-cang.

                       
                      b/ Tiếng đôi gồm hai tiếng có nghĩa.-
                      không theo luật bổng-trầm, mỗi tiếng giữ chánh-tả riêng của nó, như:



                      bằng : bằng + phẳng-phiu.
                      Cổi-gỡ : cổi <giải + gỡ-gạc.
                      Cú-rũ : co-cú + rũ-rượi
                      Chia-rẽ : chia + rẽ-rời.
                      Tách-tẽ : tách ra + tẽ = (rẽ-rời)
                      Chồm-hỗm : chồm + xổm (hổm là xổm biến thành)
                      Chống-chõi : chống + chõi (chọi)
                      Dở-lỡ : dỡ-dang + lỡ-làng
                      Đầy-đủ : đầy-dẫy + đều-đủ
                      Lẳng-lặng : lẳng (lắng nghe) + im lặng.
                      Lú-lẫn : lú-lấp + lẫn-lộn.
                      Mồ-mả : cái mồ (mộ : chỗ chôn người chết mà bằng mặt đất, + mả là núm đất niêm phong cái mồ.
                      Mỏi-mệt : mỏi + mê-mệt.
                      Riêng-rẽ : riêng lánh + rẽ-rời
                      Rỗi-rảnh : nhàn-rỗi + rảnh-rang
                      Trồng-tỉa : trồng-trặc + trỉa (tỉa ra mà trồng)
                      ủ-rũ : ủ-ê + rũ-rượi
                      vỡ-lở : vở < hoại + lở-lói
                      kiêng-cữ : kiêng < kính + cữ , kỵ
                      sửa-chữa : sửa < tu + chữa < trừ
                      vỉ-vạt : vỉ < va, th đổi ra v + vạt < mạt là “cuối”. Tiếng mạt bị tiếng vỉ đồng-hóa âm v thành vạt.
                       
                      c/ Tiếng đôi hợp theo thuận-thinh-âm.-
                      Mỗi tiếng Việt có thể hợp thành tiếng đôi dễ-dàng. Ví như tiếng thấp, ngòai tiếng đôi thấp-thỏi, ta có thể nói thấp-thiếc, thấp-thấp, thâm-thấp.



                      Vậy có ba cách đổi tiếng đơn thành tiếng đôi:
                      1. Lặp lại tiếng đó, có khi đổi thinh, như: áy thành áy-áy hoặc ay-áy.

                      2. hợp với một tiếng vận iếc (giọng bổng hoặc iệc (giọng trầm) như: học = học-hiệc; nói = nói-niếc. Vận iêt hợp với một tiếng vận cản nớu (có n, t cuối) và p, còn vận iêc hợp với mấy vận khác. Nhưng thông thường, điều viết với iêc cả.
                      3. hợp theo lối “bình-nhập”, với những tiếng thinh bình mà âm rốt là tỵ-âm: m, n, nh, ng, và những tiếng nhập-thinh (p,t,ch, c cuối) đối chiếu. Mây tiếng đôi nầy phải điệp-âm, như:
                      ăm-ắp, thinh-thích, ang-ác, in-ít, nườm-nượp, chành-chạch, vằng-vặc, kìn-kịt…

                      Theo lệ nầy thì dễ biết chánh-tả của tiếng hợp thành tiếng đôi. Nếu tiếng chánh viết với nh cối thì tiêng đệm viết ch cuối, hoặc ngược lại. Tiếng chánh viết n hoặc ng cuối, thì tiếng đệm viết t hoặc c cuối, trừ những tiếng đôi mà hai tiếng có nghĩa riêng, như : chằng-chịt, khắng-khít, man-mác…

                      Tóm lại, bốn phương-pháp chánh-tả bổ-cứu lẫn nhau; khi phát-âm sai mà cũng chẳng rõ tự-nguyên, người ta thường dùng phương pháp phân-biệt hoặc viết theo sự quen-dùng, nhưng với lý lẽ giải thích ở trên, chúng ta thấy, trừ một số ít tiếng ngọai-lệ, mỗi chánh-tả tiếng Việt đều có lý-do là vịn theo tự-nguyên.




                      xong phần Hệ thống Tiếng-Việt và nguyên tắc Chánh-Tả, nghiên cứu của giáo sư Lê ngọc Trụ (giáo sư diễn giảng trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, (trích từ quyển Việt Ngữ Chính-Tả Tự-vị - Xuất bản năm 1967)
                      #11
                        Chuyển nhanh đến:

                        Thống kê hiện tại

                        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                        Kiểu:
                        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9