Phụ Lục 2 : Một vài số liệu về người Hoa tại miền Nam trước 1975 I. Dân số 1. Người Hoa tại Đông Dương (1921-1931) Trong vòng 10 năm số người Hoa tại Đông Dương tăng trên các địa danh
a.- Nam Kỳ từ 156.000 người lên 205.000 (tỉ lệ 31%)
b.- Trung Kỳ từ 7.000 lên 10.000 (43%)
c.- Bắc Kỳ từ 32.000 lên 52.000 (62%)
d.- Campuchia từ 91.000 lên 148.000 (63%)
e.- Lào từ 7.000 giảm xuống còn 3.000 ( - 57%)
Nguồn : Tsai Maw Kuey: Les Chinois au Sud Viet Nam, Paris 1968, tr.41. Tỉ lệ gia tăng dân số người Hoa tại Đông Dương trong thập niên 1920-1930 trung bình là 30%.
Trong thập niên này, chính quyền thực dân Pháp tiếp nhận ồ ạt người Hoa di cư vào Đông Dương nhằm bổ túc số lao động đang thiếu tại các công trường lớn. Tại miền Bắc người Hoa được tuyển vào khai thác các quặng mỏ ở Quảng Ninh và Tuyên Quang. Tại miền Trung, người Hoa được tuyển dụng vào khai thác các hầm mỏ ở Quảng Nam Đà Nẵng và các đồn điền trà, cà phê ở Tây Nguyên. Tại miền Nam và Cam Bốt, người Hoa được tuyển dụng vào việc trồng và cạo mủ cao su ở các đồn điền. Một số đông nhân công trong các đồn điền cao su sau đó đã dời về các thành phố lớn sinh sống và hòa nhập hẳn vào cộng đồng gốc Hoa đã có từ trước.
Riêng tại Lào vì khí hậu khắc nghiệt và không có hấp lực kinh tế cao, việc khai thác gỗ quí đã do các sắc tộc thiểu số địa phương đảm nhận, người Hoa không được khuyến khích vào đây lập nghiệp. Trong khi đó một số cư dân người Hoa đã định cư trước đây tại Lào đã tái di cư xuống Cam Bốt hay vào miền Nam sinh sống.
2. Những nhóm gốc Hoa tại Đông Dương năm 1950 a.-
Quảng Đông : dân số tại ViệtNam là 337.500 người. trong khi tại Lảo và Campuchia là 50.000 người
b.-
Tiều Châu : tại VN là 225.000 tại Lào & Campuchia 150.000 người
c.-
Hẹ : Tại VN là 75.000 - Tại Lào & Campuchia là 10.000 người
d.-
Phúc Kiến : Tại VN là 60.000 - Tại Lào & Campuchia là 15.500 người
e.-
Hải Nam : Tại VN là 30.000 - Tại Lào & Campuchia là 10.000.
Tỉ lệ dân gốc Hoa tại VN khoảng 75% - Tại Lào & Campuchia khoảng 25%
Nguồn: Skinner C. William : Report on the Chinese in Southeast Asia, tr.80, trích lại tài liệu "L'Emigration Chinoise dans le Sud Est Asiatique", La Documentation Française, Notes et Etudes Documentaires, no 2035, ngày 21-6-1955, tr.6. Tại Việt Nam, có khoảng 20 nhóm ngôn ngữ gốc Hoa khác nhau nhưng tựu chung người ta chỉ đề cập đến bốn nhóm chính trên. Dân số Quảng Đông chiếm đa số, hơn 46%, nhưng tại hai nước bạn họ chỉ chiếm hơn 21% dân số gốc Hoa. Người Triều Châu đa số tại Lào và Cam Bốt (63,7%) trong khi tại Việt Nam họ chỉ chiếm gần 31%. Những nhóm thiểu số khác giữ vị trí tương đối nhỏ so với hai cộng đồng chính gốc Hoa này.
Những nhóm thiểu số gốc Hoa đa số là những di dân giữa thế kỷ 19 (sau cuộc chiến tranh nha phiến). Họ xuất phát từ các tỉnh nghèo tại Quảng Châu, Quảng Tây, Phúc Kiến, Lôi Châu và Liễu Châu. Những nhóm thiểu số tự đã là thiểu số tại chính bản quốc.
Do yếu kém về dân số, những nhóm thiểu số tự chuyên môn hóa trong một số ngành nghề nhất định để tránh bị đè bẹp. Từ đó, sự chuyên môn nghề nghiệp ngày càng tăng khiến những nhóm địa phương khác khó có thể lấn lướt họ trong một số lãnh vực kinh tế. Chính vì được chuyên môn hóa, nhiều tranh chấp nghề nghiệp đã diễn ra rất gay gắt ngay trong nội bộ của những nhóm thiểu số. Tuy nhiên những cạnh tranh nghề nghiệp nội bộ không dẫn đến phá sản mà thường được giải quyết một cách khéo léo qua trung gian của vị bang trưởng.
3 - Những nhóm ngôn ngữ gốc Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1948 Quảng Đông : 128.030
Triều Châu :114.390
Phúc Kiến : 24.180
Hẹ : 32.860
Hải Nam : 10.540
Nguồn : Đông Dương Kinh Tế Thời Báo, Số mới, t. 44 "Sinh hoạt kinh tế tại Chợ Lớn", Sài Gòn, 1948. Thật khó xác định sự chính xác về số người sử dụng một ngôn ngữ gốc, vì có những pha trộn nguồn gốc khi người Hoa lập gia đình với nhau. Người Quảng Đông lấy người Triều Châu, người Phúc Kiến lập gia đình với người đã mang sẵn hai, có khi ba giòng máu nguồn gốc địa phương khác nhau. Nói chung sự phân chia này dựa vào những bang của mỗi địa phương.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, người Quảng Đông chiếm tỉ lệ dân số gốc Hoa đông nhất (41,3%), kế là người Triều Châu (36,9%). Sự đại diện này cũng tiêu biểu cho dân số gốc trong cả nước: khoảng 45% dân số Hoa là người Quảng, 30% người Tiều. Số còn lại tùy theo địa phương tập trung mà tăng hay giảm, nhưng nói chung con số đại diện dân số địa phương gốc Hoa cũng đúng với hiện trạng.
Tất cả những người sinh hoạt thương mại đều biết ít nhất hai thứ tiếng địa phương : hoặc Quảng với Tiều, hoặc Phúc Kiến với Quảng, hoặc Hải Nam với Quảng, v.v...
Dân số người Hoa trước và sau ngày ban hành luật quốc tịch (6-9-1956) Sài Gòn-Chợ Lớn : 440.350 giảm xuống còn :106.816. (sai biệt :333.532)
Các tỉnh khác: 180.508 giảm xuống còn :16.820 (sai biệt :163.688)
Tổng cộng 620.858 giảm 123.636 sai biệt :497.220
Nguồn : Nha Thống Kê Sài Gòn, 1958. Con số sai biệt gần nửa triệu người Hoa này có thể được giải thích như là đã gia nhập quốc tịch Việt. Nhưng trong thực tế, theo báo cáo của Bộ Nội Vụ, năm 1961, số người đã xin nhập tịch là 234.753 người (gần phân nửa của con số sai biệt). Vậy số 262.467 người kia đi đâu ?
Theo báo cáo của tòa Tống lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc, cho đến ngày 19-7-1957 đã có 52.144 người hoàn tất hồ sơ xin hồi hương. Phía Việt Nam Cộng Hòa cho biết chỉ có khoảng 3.000 người. Vậy con số trên 200.000 kia được giải thích như được minh nhiên có quốc tịch. Vì từ ngày 7-12-1955, đạo dụ số 10 qui định tất cả người Minh Hương (gốc Hoa hay mang trong người hai dòng máu Việt - Hoa) là người Việt. Danh từ Minh Hương biến mất trên các bản khai sanh, thế vì khai sanh hay trên các thể căn cước. Các văn kiện chính thức, hồ sơ hộ tịch xóa bỏ hẳn hai chữ Minh Hương.
(Minh Hương là gì ? xem
TẠI ĐÂY ) Vấn đề còn lại là con cái những Hoa kiều được sinh ra tại Việt Việt Nam hóa tên các trẻ em Hoa kiều trong các hồ sơ hộ tịch. Tất cả những người gốc Hoa bị cấm viết tên bằng chữ Hoa trong những văn kiện chính thức.
II- Những tổ chức đoàn thể Tổ chức đoàn thể của người Hoa tại Việt Nam có nhiều hình thức : quần chúng, gia đình và nghề nghiệp. Thường những tổ chức đoàn thể được gọi một cách giản dị là bang hội.
A - Những tổ chức quần chúng : Bang Bang là một tập hợp của nhiều người cùng một địa phương xuất phát hay nguồn gốc tổ tiên nói cùng một thổ âm hay có những phong tục tập quán của một địa phương bên Trung Hoa, nhưng sống tại hải ngoại. Mục đích của bang là duy trì sự đoàn kết, phát huy văn hóa của địa phương và giúp đỡ lẫn nhau. Tổ chức cách thức sinh hoạt nội bộ và quản lý nhân sự khác nhau. Đứng đầu mỗi bang là một bang trưởng được bầu theo uy tín hay tuổi tác và mỗi bang trưởng có một hội đồng chuyên viên cố vấn. Tầm vóc của mỗi bang tùy theo số bang chúng gia nhập.
Về mặt tổ chức, bang là một tổ chức chính trị vì có qui mô lớn và tôn ti trật tự. Chính quyền địa phương chỉ cần tiếp xúc với những người trách nhiệm của mỗi bang là có thể thông tin cho tất cả người Hoa của mỗi bang.
Những bang địa phương gốc Hoa tại Việt Nam được thành lập từ năm 1787 dưới triều đại các chúa Nguyễn. Đây là lần đầu tiên những bang địa phương gốc Hoa được thành lập ngoài lãnh thổ Trung Hoa. Ban đầu chỉ có bốn bang, về sau thành bảy bang (1814), nhưng từ năm 1885 được cải tổ thành năm bang. Bang đông người nhất hiện nay là bang Quảng Đông, kế là bang Quảng Châu nhưng mạnh về tài chánh là bang Phúc Kiến. Đến năm 1947, chính quyền thuộc địa Pháp giải tán các bang và thành lập Hội Hoa Liên trực thuộc Tòa tổng lãnh sự Trung Hoa.
Hình thức tổ chức các bang bị nhà cầm quyền Trung Hoa thời đó chỉ trích mạnh mẽ. Họ cho rằng đó là một hình thức gây chia rẽ cộng đồng người Hoa hải ngoại. Ngược lại đối với người Hoa ly hương, đó là một hình thức quản trị để tạo tình đoàn kết và tương thân tương trợ lẫn nhau, và cũng là một đơn vị hành chánh được thành lập nhằm giải quyết một cách linh động những tranh chấp nội giữa người Hoa với nhau thay vì phải qua trung gian chính quyền Trung Hoa (ở quá xa và độc đoán). Về sau dưới thời Quốc Dân Đảng, bang là một hình thức tổ chức nhân sự được chính quyền Trùng Khánh công nhận, nhưng phải nằm dưới sự kiểm soát của trung ương (chính quyền Trung Hoa Dân Quốc).
Đối với chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, Bang người Hoa là cơ quan tiếp nhận những chỉ thị hay trung gian phổ biến những chính sách của chính quyền Quốc Dân Đảng. Bù lại bang chúng trong mỗi bang được chính quyền Trung Hoa bảo vệ hay can thiệp mỗi khi có vấn nạn tại quốc gia địa phương. Tại mỗi quốc gia định cư, tổ chức bang địa phương có thể nói đó là một loại chính phủ bỏ túi.
1. Bang Quảng Đông Dân số Quảng Đông đông nhất tại Việt Nam, 41% dân số tại Sài Gòn và 46% trên toàn quốc. Bản chất là dân miền Nam bờ biển Trung Hoa, người Quảng Đông rất cởi mở, hăng hái nhưng nóng tính, thiếu kiên nhẫn, ít cần cù hơn người gốc Triều Châu và Hạ Phương. Đặc tính của người Quảng là xoay sở rất nhanh và lúc nào cũng tìm cách biết thêm về kỹ thuật, nhất là những kỹ thuật mới của Tây Phương.
Tại Chợ Lớn, tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ thông dụng nhất trong giới người Hoa. Nhiều danh từ Quảng Đông trở thành thông dụng trong dân gian như chữ "chạp phô" chẳng hạn. Chạp phô là nơi buôn bán đủ các loại hàng hóa. Sau này người Việt thay thế bằng chữ "tạp hóa", "bách hóa" cũng mang nội dung tương tự.
Nghề chạp phô gần như độc quyền nằm trong tay người Quảng Đông tại Việt Nam. Năm 1950 có khoảng 110 cơ sở xuất nhập khẩu về hàng tạp hóa. Người Quảng đã thành lập một nghiệp đoàn chạp phô có tên Liên Hiệp Chủ Nhân Tạp Hóa từ những năm 1940. Đến đầu thời kỳ chính phủ Ngô Đình Diệm, năm 1954-1956, có đến 433 chủ nhân tạp hóa gia nhập nghiệp đoàn. Con số cửa tiệm tạp hóa trong thực tế cao hơn nhiều vì những những chủ tiệm có vốn nhỏ không gia nhập nghiệp đoàn.
Người Quảng Đông cũng rất nổi tiếng về nghề phục vụ ăn uống. Trong những năm đầu chế độ miền Nam, tại Chợ Lớn có 26 nhà hàng lớn gồm có cả phòng tổ chức lễ lạc, phòng ăn lớn và 54 nhà hàng bậc trung (không có phòng tổ chức lễ lạc). Ngoài ra rất nhiều tiểu chủ nhân các quầy thịt quay (heo, vịt, xá xíu, phá lẩu...) buôn bán khắp địa bàn chợ lớn và các thành phố lớn khác. Nổi tiếng về thịt quay là các đường Phùng Hưng, Tản Đà (Chợ Lớn) và khu Chợ Cũ, Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng (Sài Gòn).
Người Quảng cũng gần như độc quyền về các nghề buôn bán trái cây. Trong năm 1950, có 30 nhà khai thác và 11 chủ vựa bán sĩ gốc Quảng Đông tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Họ tập trung tại những vựa trái cây lớn như Cầu Muối, Phú Nhuận, Gò Vấp, An Đông, Bình Tây, Phú Giáo, Phú Thọ Hòa... Ngoài ra, họ còn biết chế biến thức ăn khô như làm mứt (21 cơ sở), dầm muối (3 cơ sở sản xuất và 75 cửa tiệm bán hàng). Số người Quảng bán mì nước, chè ngọt rất đông, khoảng 2.000 xe. Những cơ sở chế biến đậu nành đều nằm trong tay người Quảng Đông.
Ngành may mặc cũng có rất nhiều người Quảng tham gia. Họ làm chủ hơn 200 xưởng may, 15 cửa hàng cung cấp hàng thêu, cờ xí và áo quần trong các dịp lẽ lớn. Họ còn làm chủ 13 tiệm may áo, 10 tiệm nhuộm và 85 tiệm giặt ủi.
Ngành xây cất cũng nằm trong tay người Quảng (30 xí nghiệp tại Chợ Lớn). Nhân công và cai thầu Quảng Đông rất lành nghề. Người Phúc Kiến rất khổ sở khi phải cạnh tranh với những cơ Quảng Đông trong nghề khai thác gỗ. Người Quảng làm chủ 30 xí nghiệp khai thác rừng, 62 xí nghiệp gỗ xây cất, 68 xưởng cưa, 51 xưởng mộc, 48 cửa hàng than củi, 20 cơ sở sản xuất guốc, 40 xưởng đóng thùng gỗ và 14 cơ sở đan cần xé, thúng tre mây, rổ rá.
Về dịch vụ giải trí và du lịch, người Quảng sở hữu 54 khách sạn (khoảng 600 giường), 18 rạp ci-nê, 2 rạp hát kịch (tổng cộng hơn 16.000 chỗ ngồi). Nổi tiếng nhất là rạp xi-nê Splendid (Khải Hoàn) tại Chợ Lớn. Ngoài ra họ còn làm chủ 85 thẩm mỹ viện (những phụ nữ Hoa từ 20 đến 40 tuổi thường đi cắt tóc ở tiệm).
Về cơ khí, người Quảng nổi tiếng là không máy gì không sửa được. Họ làm chủ 52 trạm bán xăng, 25 xưởng sửa xe hơi, 3 tiệm sửa xe ba bánh, 8 tiệm sửa xe đạp. Nổi bật nhất là họ mua lại những chiến xa phế thải của quân đội, rồi cải biến động cơ để trang bị cho những xà lang chở hàng trên sông. Họ còn làm chủ 160 tiệm sửa chữa cơ khí đủ loại : đóng thùng xe tải, xe đò, làm nồi niêu, xoong chảo, phụ tùng xe hơi và gia dụng. Người Quảng làm chủ 16 xí nghiệp chuyên chở chuyên nghiệp : dọn nhà cửa, đám tang, xe cưới...
Về nông nghiệp, người Quảng còn chuyên môn trong ngành chăn nuôi vịt (lấy lông, trứng và thịt). Năm 1953, họ còn phát minh ra nghề chăn nuôi chim cút. Họ làm chủ 22 xí nghiệp chăn nuôi gia cầm. Người Việt Nam rất ăn thích trứng vịt lộn do người Quảng cung cấp. Ngoài ra họ còn biết cách khai thác trứng vịt muối và bách thảo để bán trong các tiệm nhậu hay các dịp lễ lạc (Trung thu, Nguyên Đán). Việc chăn nuôi thường ở ngoại thành Chợ Lớn, gần những bờ sông hay chốn sình lầy. Người Quảng không chăn nuôi gà vì sự cạnh tranh của người Khmer, nhưng độc quyền chuyên chở gà từ Nam Vang về Sài Gòn. Người Quảng Đông về mặt thủ thuật kinh doanh đã thành công trong vụ "chim cút" những năm 1966-1968 khi làm khan hiếm rồi phá giá mua trứng chim cút.
2. Bang Triều Châu Người Triều Châu di cư nhiều nhất qua Thái Lan và Campuchea hồi đầu thế kỷ (60% dân số gốc Hoa là người Triều Châu). Là nhóm người Hoa đông thứ hai tại Việt Nam, người Triều Châu chiếm tỉ lệ gần 31% trên toàn quốc và gần 37% tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Người Triều Châu có nguồn gốc địa phương là tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) như người Quảng Đông nhưng ngôn ngữ của họ lại gần giống lối phát âm của vùng Hạ Môn (Amoy) tỉnh Phúc Kiến. Người Triều Châu và Phúc Kiến hiểu nhau rất dễ dàng trong giao dịch. Trong một vài quan hệ gia tộc, người Quảng Châu đôi khi có kỳ thị người Triều khi gả cưới con cái vì bị chê là nghèo (nhất là những người Tiều ở tỉnh nhỏ không có gia tộc định cư ở Sài Gòn - Chợ Lớn).
Đặc điểm của người Triều Châu là kinh doanh trà. Họ làm chủ 42 tiệm bán trà tại Chợ Lớn. Cho đến năm 1949, số trà tiêu thụ tại Việt Nam được nhập thẳng từ Trung Hoa. Khi cộng sản Trung Hoa lên nắm chính quyền, việc thương mại bị gián đoạn, người Tiều phải tìm mua trà ở các đồn điền vùng Cao Nguyên Trung phần (đặc biệt là tại Bảo Lộc và Cầu Đất - Đà Lạt). Danh từ "trà" là cách phát âm đến từ ngôn ngữ Triều Châu.
Người Triều Châu chuyên môn trong ngành chế biến hải sản. Họ làm chủ 25 xí nghiệp chế biến cá (làm mắm, cá khô). Ngư dân Việt Nam đánh cá đem về bán cho các chủ vựa cá người Triều Châu. Tại đồng bằng sông Cửu Long, 60 gia đình Triều Châu độc quyền thu mua và chế biến hải sản. Từ năm 1945, người Triều Châu bắt đầu chú ý tới nghề làm nước mắm, họ làm chủ 12 hãng nước mắm tại Phan Thiết, Phan Rang và Phan Rí và mạng lưới phân phối của họ rất hữu hiệu. Tất cả các chủ hãng sản xuất đều làm chủ những phương tiện chuyên chở nước mắm của riêng họ (ghe tàu và xe tải).
Nghề buôn bán thuốc bắc, người Triều Châu chia sẻ sự độc quyền với người Hẹ. Họ nhập các rễ thuốc ở dạng nguyên trạng sau đó chế biến lại và tung ra thị trường. Những tiệm thuốc bắc lớn tập trung ở đường Khổng Tử Chợ Lớn.
Nghành chế biến đường mía độc quyền nằm trong tay người Tiều cho đến năm 1956, sau đó người Việt thay thế. Hãng đường lớn nhất của người Triều Châu ở Tây Ninh nhưng phải bỏ vì chiến tranh.
Phần lớn phương tiện chuyên chở tại miền Nam đều nằm trong tay các gia đình người Tiều. Họ làm chủ 25 hãng xe khách liên tỉnh và Việt Nam - Cam Bốt trong tổng số 30 hãng xe đò tại Việt Nam trước 1975.
Ưu điểm của người Triều Châu là ngoại thương. Mặc dầu dân số có ít hơn người Quảng nhưng họ có quan hệ mật thiết với những gia đình tài phiệt khác ở Đông Nam Á. Đối với người Tiều, ngoại thương đôi khi là chuyện nội bộ của gia tộc. Đường giây thông tin liên lạc của nhóm người này rất hữu hiệu : những biến động của thị trường đều được loan đi nhanh chóng giữa những người trong bang hội liên quốc.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nguồn giao lưu tư bản của họ (thường là những chuyển ngân bất hợp pháp) khiến ngoại tệ mạnh ngày càng hiếm trên thị trường. Giá ngoại tệ trên thị trường tự do đều do những nhóm tài phiệt Triều Châu quyết định, giá cả lên xuống tùy theo giá tại các thị trường hối đoái Hồng Kông, Bangkok, Singapore, đôi khi của thị trường New York hay Paris. Người Triều Châu rất lương thiện và biết giữ uy tín trong việc trao đổi ngoại tệ với đệ tam nhân một khi đã chịu giá. Cho đến nay (1991), người Triều Châu vẫn còn độc quyền trên thị trường này, nhưng rất kín đáo. Nạn chảy máu vàng và ngoại tệ cho đến nay vẫn còn tiếp tục, không có giải pháp.
3. Bang Phúc Kiến Về mặt dân số, người Phúc Kiến chỉ tượng trưng gần 8% dân số gốc Hoa tại miền Nam. Vì là một nhóm thiểu số trong cộng đồng người Hoa, người Phúc Kiến thể hiện lòng nhẫn nại, tính kiên quyết, sự linh động và tình đoàn kết trong sinh hoạt. Bang Phúc Kiến nổi tiếng là một bang hòa thuận nhất tại Việt Nam.
Điểm nổi bật của người Phúc Kiến tại miền Nam l^à nắm quyền chủ động trong việc thu mua và phân phối lúa gạo. Họ nắm độc quyền về các hoạt động mua bán vật liệu kim loại tạp nham và kim khí. Đa số những thợ uốn tóc lành nghề là người Phúc Kiến.
Nhóm Phúc Kiến của tỉnh Hạ Môn tạo thành một trục kinh tế tài chánh vững chắc tại vùng Chợ Lớn. Người Phúc Kiến của tỉnh Phúc Châu chỉ tập trung tại Chợ Lớn.
Đối với dân cư bản địa, người Phúc Kiến biết cách giao thiệp để lấy lòng như thiết lập quan hệ gia đình với người địa phương (cưới gả con cái với người Việt). Do những liên hệ gia tộc đó, người Phúc Kiến nắm rõ tình hình sản xuất lúa gạo của từng hộ canh tác tại miền Nam, rồi từ đó tìm cách cung ứng những nhu cầu của các gia đình nông dân. Nông dân sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ bán lúa gạo cho những thương gia Phúc Kiến. Tín dụng của người Phúc Kiến dành cho nông dân canh tác rất dễ dàng, ngược lại nông dân cũng không được quyền bán lúa cho người khác. Nhiều ngân hàng tín dụng nông nghiệp tư được thành lập với đa số vốn của tài phiệt Phúc Kiến. Thời gian đen tối của những chủ vựa gạo Phúc kiến là trong những năm 1965-1968 khi Việt Nam cho nhập gạo Mỹ vào thị trường nội địa, nhiều thương gia đã sạt nghiệp. Năm 1964, một thương gia Phúc Kiền tên Tạ Vinh bị xử tử vì đầu cơ gạo, Tạ Vinh cho người mua hết lượng gạo của tư nhân và chính phủ (Quân Tiếp Vụ) rồi nâng giá. Bù lại, thương gia Phúc Kiến có một thị trường lúa gạo mới là cung cấp gạo cho bộ đội miền Bắc qua trung gian những tay kinh tài cộng sản đang hoạt động ở miền Nam trong những năm 1960-1975.
Trong hai cuộc chiến tranh vừa qua tại Việt Nam, thương gia kinh doanh sắt thép vụn gốc Phúc Kiến độc quyền thu mua các phương tiện chiến tranh phế thải, sau đó tân trang rồi bán lại trên thị trường hoặc xuất khẩu sang Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore. Những người mua bán ve chai, kim khí vụn, đồ phế thải trên khắp đường phố miền Nam đa số là người Phúc Kiến. Những cơ sở mua bán kim loại đều tập trung tại Sài Gòn - Chợ Lớn (Chợ Thiết quận 11, quận 6 và quận 8), Phú Giáo. Nhóm Phúc Kiến sở hữu 188 tiệm sắt thép, 57 tiệm đồng thau, 50 cửa hàng kim loại tạp nham, 121 tiệm bán đồ phụ tùng bằng kim loại, 20 tiệm bán vật dụng kim khí tân trang và rất nhiều tiệm mua bán đồ nhôm. Hiện nay, vì bị chính quyền cộng sản kiểm soát gắt gao, thương gia Phúc Kiến tập trung sản xuất hàng kim loại kiểu gia đình, tập trung đông nhất là tại quận 6, 8 và 11 Sài Gòn : phụ tùng xe đạp, xe gắn máy, máy nổ...
Vì vấn đề cạnh tranh nghề nghiệp, khuyết điểm của nhóm tài phiệt Phúc Kiến là sẵn sàng bỏ tiền mua chuộc hay hối lộ những viên chức chính quyền để được trúng thầu những lô hàng quân sự phế thải. Thương gia Nhật Bản cũng không thể cạnh tranh với người Phúc Kiến vì không biết đút lót và không có người tại chỗ nên đành phải mua lại của họ những lô hàng sắt thép vụn. Chiến tranh càng dữ dội, thương gia Phúc Kiến càng trúng mối vì nguồn hàng dồi dào và có thể mua chuộc nhân viên chính phủ, sau đó ép giá thầu để mua với giá hạ.
4. Bang Hạ Phương (Hẹ) Người Hạ Phương trước kia ở miền Bắc Trung Hoa (Thượng Phương), di dân vào Quảng Tây, Phúc Kiến rồi sau đó định cư tại Quảng Châu ở thế kỷ thứ 13. Không có lằn ranh địa dư để phân biệt người Quảng Đông và Hạ Phương. Ngôn ngữ Hạ Phương là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất tại Quảng Châu sau tiếng Quảng Đông. Người Hạ Phương ở Quảng Châu đôi khi phải sử dụng tiếng Quảng Đông để trao đổi, do đó họ thông thạo cả hai ngôn ngữ.
Tại Việt Nam, người Hạ Phương tượng trưng khoảng 10% dân số gốc Hoa. Do phải tranh đấu hằng ngày để tồn tại, người Hạ Phương có tinh thần vượt khó và lòng độ lượng rất cao. Tính nhẫn nại của họ cao hơn những nhóm khác.
Người Hạ Phương độc quyền về nghề thuốc bắc và cung cấp bánh mì. Trong hai nghề này không có nhóm gốc Hoa hay người Việt nào cạnh tranh nổi với họ. Sự hiện diện của họ có tại khắp nơi, từ những làng xã xa xôi hẻo lánh đến chốn phồn hoa đô hội. Riêng tại Sóc Trăng vì sự tập trung dân cư gốc Triều Châu quá đông, các cửa hiệu thuốc bắc của người Hạ Phương ít hơn người Triều Châu. Nhưng sự tập trung chính của họ vẫn là Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại đây, họ nhập cảng từ Hồng Kông, Đài Loan, Nam Hàn, đôi khi nhập gián tiếp từ Trung Quốc những loại cây lá thuốc, sau đó chế biến, đóng gói, cân đo lại rồi bán lại cho những hiệu thuốc bắc bán lẻ.
Nghiệp đoàn xuất nhập cảng Y Dược (thuốc bắc) qui tụ 81 hội viên, trong đó chỉ có vài người Quảng Đông, tuyệt đại đa số là người Hạ Phương. Trên khắp cõi miền Nam có khoảng 250 tiệm thuốc bắc tại các thành phố lớn, số tiệm ở các làng xã xa xôi thì vô số.
Nghiệp đoàn sản xuất bánh mì được thành lập từ năm 1938, qui tụ 26 thành viên. Năm 1953 tăng lên 43 nhưng sau năm 1955 còn lại 29, vì khách hàng chính là lực lượng viễn chinh Pháp đã rút hết về nước, khách hàng còn lại là người Việt Nam.
Cũng trong lãnh vực lúa mì, người Hạ Phương làm chủ rất nhiều lò xây bột mì. Từ năm 1926, nghiệp đoàn xay bột mì qui tụ được 13 chủ lò ; năm 1965, có 18 lò đang hoạt động. Người Hạ Phương chiếm đa số trong nghề làm sợi mì : 7 cơ sở sản xuất mì khô, 5 cơ sở mì tươi. Về phân phối, họ làm chủ 40 cửa hàng bán sỉ, 21 tiệm bán mì tươi và 7 tiệm sản xuất bột đậu nành.
Ngoài ra, người Hạ Phương còn chuyên môn về nghề làm da thuộc. Những tiệm thuốc bắc tại các làng xã còn có nhiệm vụ thu mua da thú vật do nông dân hay thợ săn Việt Nam, sau đó mang về Sài Gòn bán lại cho những người Hạ Phương khác làm nghề thuộc da ở Phú Thọ Hòa. Nghiệp đoàn da thuộc qui tụ 35 trong tổng số 48 tiệm thuộc da. Khách hàng của nghề này là các cơ sở sản xuất vật dụng bằng da. Nghiệp đoàn sản xuất giầy da năm 1948 có 105 xí nghiệp. Nghề sản xuất vật liệu bằng da (va-li, cặp-táp, túi xách...) qui tụ 38 nhà sản xuất nhưng không có nghiệp đoàn. Tất cả những cửa hiệu bán đồ da trên đường Đồng Khánh và quanh đó đều nằm trong tay người Hạ Phương. Những người Việt Nam từ miền Bắc di cư cũng làm nghề da thuộc nhưng không có sự cạnh tranh lẫn nhau vì cả hai đầu có thị trường riêng. Nhưng về tầm vóc và qui mô hoạt động, người Việt Nam không thể sánh bằng.
Vì không thể cạnh tranh với người Quảng Đông và Triều Châu trong dịch vụ thương mại, người Hạ Phương chuyên chú vào lãnh vực tiểu thủ công nghiệp và kỹ nghệ, đặc biệt là trong ngành dệt vải. Chỉ riêng về ngành dệt vải bông (gòn) có 580 cơ sở của người Hạ Phương sử dụng từ 1 đến 50 nhân công. Được biết đến nhiều nhất là hãng dệt tân tiến Vinatexco, hãng này bị hư hại sau vụ Mậu Thân 1968 (quân cộng sản vào ẩn nấp bị máy bay Mỹ ném bom). Năm 1970, hãng này được tân trang lại với tư bản Đài Loan.
Khi nghề da không còn ăn khách, người Hạ Phương chuyển sang nghề sản xuất vật dụng bằng nhựa dẻo PVC. Ngành này phát triển rất nhanh chóng vì thị trường Việt Nam đang thiếu. Cái bung của nghề này đánh dấu một giai đoạn kỹ nghệ hóa trong công nghiệp nhẹ. Tất cả vật dụng bằng da đều được "nhựa hóa" : văn phòng phẩm, dụng cụ học đường, đồ gia dụng, trang trí, đồ chơi trẻ em... Sự may mắn của những "kỹ nghệ gia" Hạ Phương là không cần bỏ vốn nhiều và có tỉ lệ thu lời nhanh.
Người Hạ Phương còn chuyên môn trong nghề làm đồ gốm (chén bát, tô chậu bằng sành). Đa số cơ sở ở vùng ngoại ô Sài Gòn và Đà Lạt (Trại Mát và Cầu Đất).
Sau cùng là nghề chữa răng. Nghề này do những người Thượng Phương đảm nhi_ệm, họ đa số là nha công hơn là nha sĩ vì không có bằng cấp đại học. Người Thượng Phương hành nghề chữa răng theo những cách thức cổ truyền như bắt sâu răng, nhét thuốc trừ sâu, làm răng vàng, v.v... Nha sĩ có cấp bằng đại học đa số là người Quảng Đông và Việt Nam. Tuy nhiên người Thượng Phương làm chủ trên 3.000 phòng chữa răng trên toàn cõi Đông Nam Á, trong đó có khoảng 1.000 phòng tại Đông Dương. Riêng tại Chợ Lớn họ có khoảng 100 phòng khám và chữa răng.
5. Bang Hải Nam Người Hải Nam gồm những dân cư trên đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu. Người Hải Nam có tỉ lệ dân số thấp nhất (trên 3%) trong cộng đồng gốc Hoa tại Việt Nam.
Do có một dân số ít, người Hải Nam tự chuyên môn hóa trong ngành ăn uống phục vụ các thức ăn tây phương để tránh cạnh tranh với người Quảng Đông về các món ăn Trung Hoa. Không có cạnh tranh. Tại Sài Gòn khoảng 12 nhà hàng kiểu này, được biết đến nhiều nhất là nhà hàng Chí Tài, Tháp Ngà và Sing Sing. Ngoài ra còn có hơn 50 nhà hàng nhỏ phục vụ kiểu tây phương (có dao, muỗng, nỉa). Tại các thành phố khác những nhà hàng kiểu này đều do người Hải Nam làm chủ.
Hoạt động nổi bật nhất của họ là làm chủ những quán nước ở các góc đường phố chính tại các thành phố : quán cóc, tiệm cà-phê, quày bán rượu v.v... Đó là nơi tụ họp của những thương gia, công nhân viên, những người lao động, sinh viên học sinh đến giải khát và ăn uống. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn có 375 quán nước loại này. Ở các tỉnh nơi nào có chừng mươi căn nhà là có một tiệm nước như vậy. Một số người Quảng Đông cũng làm chủ một vài tiệm nước kiểu này nhưng quan trọng bằng người Hải Nam.
Nghiệp đoàn quán nước năm 1926 đã qui tụ hơn 200 chủ quán. Ngoài ra còn phải kể thêm khoảng 450 quán ăn vây quanh chỉ để phục vụ khách hàng của các quán nước. Đại để sinh hoạt của họ như thế này. Khách hàng đến quán giải khát của người Hải Nam muốn ăn mì và chè, phô kyï (bồi bàn) quán nước kêu một chủ xe mì (có thể là người Quảng hay Tiều) gần đó mang tô mì, sau đó kêu một chủ xe bán chè cũng gần đó mang chè v.v... Khi tính tiền, phổ kyï hoặc tính chung các thức ăn và giải khát, hoặc kêu từng chủ xe tới tính tiền với khách hàng. Chủ tiệm nước chỉ bán nước giải khát. Cuối tháng hay đầu tháng, các chủ xe thức ăn chung quanh phải trả tiền thuê chỗ cho chủ quán nước. Các chủ xe bán thức ăn không cần phải trang bị bàn ghế hay phòng ăn.
Đôi khi, nếu địa thế làm ăn thuận lợi, các chủ quán Hải Nam thuê người Quảng Đông làm bếp rồi phục vụ trực tiếp khách hàng, những chủ xe bán hàng ăn chung quanh cung cấp những món ăn khác như chè, đồ nhậu, hột vịt lộn, bột chiên, giò chéo quảy, bánh bao, bánh ngọt, v.v... Những nơi nổi tiếng nhất là tại các trung tâm thành phố, đường Tổng Đốc Phương, khu La Cai, Tản Đà, Chợ Cũ, ngã Sáu, ngã Bảy, An Đông, Nguyễn Thiện Thuật, Tân Định, Đa Kao, Bà Chiểu, v.v... Khách hàng đến những nơi này ăn uống không phải lo lắng về vấn đề an ninh cá nhân hay xe cộ. Tất cả đều được chú ý, lo lắng chu đáo.
Bên cạnh sinh hoạt vừa nói trên, người Hải Nam còn làm chủ 79 phòng trà, 59 quán rượu bia, 86 quày giải khát, 68 tiệm bánh ngọt. Nghiệp đoàn nhập cảng rượu tây qui tụ 70 chủ xí nghiệp Hải Nam. Họ còn làm chủ 65 lò sản xuất rượu đế, 35 tiệm bán kem và nước mía (tiệm nước mía Viễn Đông, đường Pasteur rất nổi tiếng). Ngoài ra họ còn làm chủ 10 hãng nước đá, 7 hãng làm si-rô nước trái cây và 2 xí nghiệp lớn sản xuất nước giải khát có hơi (đa số vốn của hãng SEGI là của người Hải Nam).
Trong những năm 1960-1970, người Hải Nam tập trung vào việc nhập cảng phim ảnh ngoại quốc (của Tây Phương, Hồng Kông và Đài Loan) rồi cho phiên âm ra tiếng Việt. Nhưng các rạp hát vẫn thuộc quyền sở hữu của người Quảng Đông. Người Hải Nam có nhiều phần hùn trong các hãng làm phim và hãng chuyển âm phim truyện ngoại quốc ra Việt ngữ.
(Còn tiếp)