Chuyện bốn người
spiderkien 20.11.2008 01:00:57 (permalink)
Chuyện bốn người
               -Tuỳ Phong-

  Tôi không muốn viết ra câu chuyện này. Nhiều người có thể sẽ cảm thấy bi quan khi đọc nó và bản thân tôi khi viết câu chuyện này là sống lại một lần nữa những kí ức mà tôi muốn vùi chôn trong lòng. Vậy mà chẳng biết tại sao tôi lại cứ viết, dường như trong tôi có một hi vọng mong manh mình sẽ tìm thấy một điều gì đó trong chính những con chữ của mình…

  Ngày hôm ấy là một ngày lạ lùng. Đáng lẽ sau những giờ vật lộn với những báo cáo phân tích, với đống số liệu tài chính ở công ty, tôi sẽ về nhà đánh luôn một giấc tới tối. Nhưng dù đã mệt, tôi vẫn không về nhà. Ngoài sự mệt mỏi về thể xác và tinh thần, còn một điều gì đó trong lòng cứ thôi thúc tôi rằng mình còn một việc gì chưa làm. Cả ngày hôm nay, tôi cứ làm việc trong trạng thái bất an. Vừa dắt xe ra khỏi công ty, bỗng dưng một cơn gió mạnh cuốn bụi bay mù mịt như một cơn bão cát trên sa mạc và những chiếc lá xào xạc xào xạc trôi trong không trung, rồi bỗng gió bặt im, cát bụi tan biến còn lá rụng lả tả. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy tôi chợt nghe như có tiếng ai gọi mình, có lẽ nào đó là tiếng gọi của quá khứ, của thời gian vọng lại. Tôi chợt hiểu cái gì đã làm xao động lòng tôi. Tôi bèn tới cái quán cà phê ấy, cái quán chứa đựng bao nhiêu kỉ niệm của tôi một thời tuổi trẻ. Mọi thứ dường như vẫn chẳng có gì thay đổi. Cách bài trí nội thất vẫn thế, những bức tranh treo tường hình như có thay đổi nhưng phong cách thì vẫn thế, nhạc bật lên vẫn là thứ nhạc tân thời nhẹ nhàng dễ nghe, và cái chỗ mà ngày xưa tôi vẫn hay ngồi vẫn thế, thậm chí cả cái gương mặt quen thuộc ở góc ấy lại hiện ra rõ mồn một trong tâm trí tôi. Tại sao ảo ảnh lại có thể thật như thế? Tôi tự hỏi và chẳng có đáp án nào xuất hiện. Em hay là ảo ảnh của em, ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt hờ hững như ánh nhìn của Johnsy đang đợi chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Em không nhìn tôi dù tôi đã bước đến gần. “Phải rồi, bởi vì em chỉ là ảo ảnh thôi mà”, tôi tự nhủ.

Nhưng khi tôi ngồi xuống bên cạnh em thì ảo ảnh vẫn không chịu tan biến. Em là thật, là con người bằng xương bằng thịt. Em nói với tôi bằng một giọng mơ hồ:
- Lạ thật. Em đã thầm bảo gió mang anh đến đây. Thế là anh đến thật.
Em vẫn đắm chìm trong cái không gian xa xôi ngoài cửa sổ. Tôi nói với em:
- Có lẽ đúng là gió đã mang anh đến đây.
Mới nói được như thế nhưng một giai điệu không lời đã nhen lên trong em và tôi. Bao nhiêu lời muốn nói bỗng ứ lại trong cổ họng, rồi trôi ngược lại về tim. Chẳng một lời cất lên nhưng chúng tôi đang nói rất nhiều, nói bằng tiếng nói của con tim. Sáu năm đã trôi qua, em vẫn chẳng thay đổi nhiều, khuôn mặt em vẫn tươi trẻ như thế, chỉ có đôi mắt là không còn tươi vui như trước. Ngày ấy em còn là một cô bé tuổi mười sáu hồn nhiên sôi nổi. Những kí ức ngày trước bỗng vụt lướt qua mắt tôi.

Năm ấy tôi mười chín tuổi, đang học năm nhất một trường đại học danh tiếng, thôi thì tôi nói phứt ra là đại học Ngoại thương, nhiều người bảo đó là Harvard của Việt Nam. Tôi không nói nó là một ngôi trường tồi nhưng tôi không yêu nó, hay đúng hơn tôi không yêu môi trường đại học Việt Nam và tôi cũng không yêu nền giáo dục Việt Nam. Tôi không yêu nền giáo dục biến người ta thành những kẻ giả dối, vậy mà đó lại là cách mà người ta dạy học sinh ở đất nước này. Suốt mười hai năm trời phổ thông, những bài văn tôi viết đều là của các thầy cô chứ chẳng phải của tôi, vậy mà tôi vẫn phải điền tên mình vào đó, tôi phải làm vậy để được điểm cao và nếu không làm vậy thì điểm chắc chắn sẽ thấp. Các môn học khác cũng chẳng khá hơn là bao. Tinh thần chung của cái nền giáo dục này là nhồi cho các em học sinh một đống kiến thức lạc hậu rồi bảo chúng mày phải nhớ cho bằng hết và khi bị thắc mắc cái này cái kia thì sẽ bảo chúng mày biết gì mà nói cứ nhớ hết những thứ được dạy là đủ cho chúng mày thi đỗ rồi. Mọi câu hỏi thắc mắc thì đều được khuyến khích nếu hỏi đúng ý thầy cô còn không thì sẽ bị mắng là “cầm đèn chạy trước ô tô” hay nhẹ nhàng hơn thì gặp một thái độ thờ ơ lãnh đạm. Cái nền giáo dục ấy đã biến tôi thành một kẻ sẵn sàng nói dối để đạt được mục đích và thành một kẻ dửng dưng trước những điều ngang trái. Lên đại học, để được điểm cao những môn chính trị, tôi chẳng cần nhọc công đèn sách mà chỉ cần bịa ra những lời văn hoa ca ngợi những thành tựu của Đảng, ca ngợi xã hội chủ nghĩa dù tôi biết tỏng là nhờ Đảng mà kinh tế chúng ta bị kéo lùi mấy chục năm và cái chế độ xã hội chủ nghĩa hoang tưởng kia chỉ còn tồn tại thoi thóp trên thế giới này. Tình hình càng tồi tệ hơn khi tôi không thể chơi được với những đứa bạn ngoại tỉnh cùng lớp, chỉ có thể đạt được mối quan hệ xã giao thông thường bởi khác biệt quá lớn giữa tôi và bọn nó. Nỗi vất vả lo toan với cơm áo gạo tiền khiến cuộc sống của những con người ấy quá ư nghèo nàn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi thì ngược lại, một cuộc sống dễ chịu thoải mái chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu một lí tưởng, một điều gì đó để tôi có thể khao khát, để tôi có thể hi sinh tất cả vì nó. Có thể nói, bi kịch của cuộc đời tôi cho đến lúc ấy là quá thông minh, tôi nhận ra mọi thứ giả dối, bất công, đê tiện của cuộc đời nhưng không thể làm gì để thay đổi nó. Những người bạn cấp ba mà tôi thân nhất người thì đi du học trời Tây, người thì mải mê với bạn bè mới, chỉ còn tôi vốn mang sẵn một tâm hồn cô đơn đành cam phận làm một cơn gió lạc lõng, thả mình phiêu du trong cuộc đời, không quan tâm mình sẽ đi tới đâu.

  Trong hoàn cảnh ấy, tôi đến với Nhân như một lẽ tự nhiên. Nó là thằng con trai duy nhất ở Hà Nội trong lớp ngoài tôi ra. Mặc dù tính cách khác hẳn nhau nhưng cả hai đứa rồi cũng nhận ra đứa kia là người duy nhất trong lớp “giống như mình”. Nhân là thằng con trai kì lạ nhất mà tôi từng gặp, nó biết làm mọi việc từ sửa xe, chữa máy tính đến sơn tường. Từ lâu nó đã biết sống tự lập, năm năm trước ba mẹ nó đã sang Ukraine làm ăn, hình như là mở một nhà máy sản xuất mì ăn liền. Nó sống với chú một thời gian rồi ở một mình, hàng tháng nhận được tiền ba mẹ gửi về. Cũng bởi phải sớm tự lập nên Nhân có một cá tính mạnh mẽ, nếu thấy điều gì sai nó sẽ không chịu bỏ qua như tôi. Tôi rất phục nó ở điểm ấy. Một lần trong giờ kinh tế chính trị, thầy giáo nói chúng ta quyết định bỏ qua nấc thang tư bản để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nấc thang cao nhất của lịch sử loài người. Ôi những điều như thế tôi đã được nghe đến phát chán rồi nên cũng chẳng buồn thắc mắc. Bao nhiêu công phá bỏ nền kinh tế thị trường rồi cuối cùng lại phải đi xây dựng lại, đất nước này càng ngày càng xa rời xã hội chủ nghĩa để tiến gần tới tư bản chủ nghĩa, vậy mà vẫn dạy cho sinh viên những điều như thế. Tôi cũng chẳng để ý lắm nhưng Nhân thì đứng dậy thắc mắc:
- Thưa thầy, thầy bảo chúng ta bỏ qua tư bản để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vậy chúng ta đã tiến tới chủ nghĩa xã hội chưa?
- Chúng ta đang trong thời kì quá độ để lên chủ nghĩa xã hội.
- Vậy cái thời kì quá độ ấy sẽ kéo dài bao nhiêu năm?- nó hỏi tiếp.
- Điều đó thì không ai có thể biết được. Nó có thể kéo dài một trăm năm, hai trăm năm, cũng có thể là một nghìn năm hoặc lâu hơn không biết chừng.
- Cũng có thể chẳng bao giờ chúng ta tiến được tới chủ nghĩa xã hội thì sao hả thầy?

Cả lớp tròn xoe mắt hết nhìn nó rồi lại nhìn thầy. Tôi thì vô cùng thán phục nó đã dám nói lên điều ấy. Đó là điều tôi nghĩ, đó là điều mà nhiều sinh viên chúng tôi nghĩ, đó là điều mà nhiều người trên đất nước này nghĩ, nhưng không phải ai cũng dám nói ra như Nhân. Nói ra điều ấy, nó rất có thể sẽ bị trù dập, sẽ phải nhận điểm kém, thậm chí còn có nguy cơ bị coi là phần tử phản động. Nói ra sự thật, nói lên những điều mình suy nghĩ, không phải là điều được nền giáo dục nước ta khuyến khích, tốt hơn hết là hãy nói theo những điều mà sách dạy ta. May cho Nhân là thầy giáo cũng không quá khắt khe. Thầy chỉ bảo:
- Phải biết tin tưởng em ạ.
“Tin tưởng…Nghe như một thứ tôn giáo vậy”- tôi nghĩ.

Nhân sống một mình trong ngôi nhà rộng rãi nên tôi cũng hay sang ngủ với nó. Chẳng có ai làm phiền, chúng tôi muốn làm gì thì làm, ngày thì bật nhạc ầm ĩ, đêm thì xem phim ma. Kể ra hai thằng mà cứ sống với nhau như thế thì cũng thú vị. Nó bảo tôi:
- Duy này, hay mày chuyến sang sống luôn với tao đi.
- Ừ hay đấy. Tao cũng chán sống với bố mẹ rồi. Sống thế này có phải thoải mái không.
- Đấy, mày về đây muốn làm gì cũng được, chả ai ngăn cấm, mà cơm nước giặt giũ thì tao lo, mày chẳng phải làm gì luôn.
- Đùa chứ bây giờ thì chưa được nhưng về sau ra trường đi làm nhất định tao sẽ đến ở với mày.
- Mày nhớ đấy nhé.
- À nhưng nhỡ lúc đấy bố mẹ mày về đây thì sao?
- Thì ra thuê nhà sống. Nhưng chắc ba mẹ tao chả về nữa đâu. Chắc cũng chả quan tâm đến tao nữa, hàng tháng chỉ vứt cho một cục tiền mà có được câu hỏi han gì đâu.
Trong tôi dấy lên một nỗi thương cảm với nó. Phải sống xa gia đình như nó mới thấy quí trọng tình cảm ruột thịt biết bao, còn với tôi, thứ tình cảm ấy có phần nào mờ nhạt. Tôi coi những thứ mà bố mẹ cho tôi là một điều hiển nhiên, một nghĩa vụ chứ không phải một thứ ân huệ, thậm chí nhiều lúc tôi còn thầm trách bố mẹ không thể cho con cái một cuộc sống xa hoa như nhiều người khác, không thể cho tôi xe ga, điện thoại xịn và những thứ xa xỉ khác. Tôi biết mình là một kẻ ích kỉ và tôi không bao giờ dối mình về điều đó.

Năm học thứ nhất chẳng mấy chốc mà đã sắp hết. Ngoài hai môn kinh tế vi mô và vĩ mô làm tôi thấy hứng thú, những môn khác tôi chẳng học hành gì mấy, kể cả môn tiếng anh vì bài thì dễ mà cô dạy thì như cho xong. Hành trang đến lớp của tôi thường là những cuốn truyện chưởng Kim Dung hay những cuốn tiểu thuyết như Cuốn theo chiều gió, bá tước Monte-Cristo. Trong giờ học, nếu không ngồi đọc truyện thì tôi cũng chơi games trên điện thoại hoặc là ngủ gật. Tôi đùa với Nhân rằng điều tuyệt nhất mà mình học được ở đại học là ngủ gật trên bàn, điều mà hồi học phổ thông tôi chẳng tài nào làm được. Có nhiều thời gian rỗi, tôi cũng đi tìm việc làm thêm nhưng làm gia sư, viết báo rồi dịch bài, chẳng công việc nào tôi làm được lâu dài, nhiều lúc bị quịt tiền mà tôi cũng chẳng thèm đòi, tôi đi làm không chỉ vì tiền, tiền cũng quan trọng đối với tôi nhưng việc phải đi đòi tiền khiến tôi cảm thấy hèn hèn làm sao, có lẽ lòng tự trọng của tôi quá cao. Thực tế phũ phàng cứ thế mài mòn từng chút, từng chút một bao khát khao, hăm hở của tuổi thanh xuân. Tôi muốn làm những việc lớn lao, tôi muốn thay đổi thế giới này, nhưng rồi chính cái thế giới ấy lại thay đổi tôi, tác động một cách lặng lẽ, từng ngày từng ngày một với những điều vô cùng nhỏ nhặt và đơn giản, nhưng chính cái cách ấy khiến tôi hoang mang và sợ hãi biết nhường nào. Cuộc đời tôi cứ chán ngắt như thế cho đến khi Linh xuất hiện…

(còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2008 01:06:18 bởi spiderkien >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9