Những cảm nhận về Ca dao - dân ca Việt Nam
TranMinhThuong 24.11.2008 07:49:40 (permalink)
Các bộ phận trong cơ thể người qua ca dao dân ca người Việt.
Thạch Ba Xuyên

Ca dao dân ca là sản phẩm tinh thần và trí tuệ của người bình dân. Có thể nói ở kho tàng ca dao nhiều lĩnh vực trong cuộc sống con người, đặc biệt là những tình cảm, những cảnh sinh hoạt  thường nhật của người lao động được khắc hoạ một cách chân thực, sắc nét. Việc ý thức về bản thân mình, ý thức về vẻ đẹp của chính cơ thể con người là một bộ phận khá phong phú được người bình dân thể hiện và truyền cho bao thế hệ mai sau. So với các thể loại của loại hình văn học dân gian khác nói chung và thơ ca dân gian nói riêng thì có lẽ ca dao dân ca là nơi thể hiện đầy đủ và đậm nét nhất “chân dung” của con người. Từ các từ ngữ chỉ bộ phận trên cơ thể đến những nghĩa phát sinh từ của các từ ngữ đó để nói rộng hơn, sâu hơn, những điều người chân đất chân quê muốn nói.
Trước hết, hãy đề cập đến lớp ca dao được coi là “xem tướng”. Trải qua quá trình cải tạo cuộc sống, sinh hoạt giao lưu, người bình dân đã khéo léo đúc kết những kinh nghiệm để đời:
Mua cá thì xem lấy mang
Cưới vợ chọn lấy hai hàng tóc mai.
Đọc câu ca ấy, con cháu thời đại @ hôm nay vẫn còn nghe vẳng vẳng đâu đây lời nhắc nhở chân thành của người xưa: cái răng cái tóc là gốc con người. Cái gốc quyết định tính tình, nhân cách của cô gái ở nơi … hàng tóc mai ấy!
Một câu ca khác:
Đàn ông miệng rộng thì sang
Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà
Từ chỉ bộ phận “miệng” ở đây đã có phần biến nghĩa để nói đến tính cách của con người. “Miệng rộng” vừa có nét nghĩa thực, vừa có hàm ý sâu xa chứ không chỉ dừng hẳn lại ở dáng hình của nơi “phát ngôn”. Từ chuyện miệng một người, đến miệng của thế gian:
Quần áo tả tơi mỗi nơi một miếng
Biết có chi lành che miệng thế gian.
Đấy chính là dư luận, là những lời đàm tiếu, bàn luận đánh giá, khen chê, … vốn luôn luôn thường trực trong chốn hồng trần!
Trở lại việc xem “mặt mà bắt hình dong”, ta gặp:
 
Những người thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
Chuyện thắt đáy lưng ong của người con gái đã được dân gian khẳng định là người biết chiều chồng, khéo nuôi con. Đọc đến đây người viết chợt nhớ đến một bài vè khuyết danh vốn thường được các nhà Nho truyền tụng, có đề cập đến chuyện “tế yêu” (tức eo lưng nhỏ) nhưng tiếc là nó không được tế nhị lắm nên không dám chép ra đây. Nói thế để xin khẳng định rằng câu thơ bình dân thật kín đáo nhưng cũng thật tinh tế, và rất chính xác cả nghĩa thực lẫn nghĩa sâu xa của từ này.
Từ những kinh nghiệm, những lời khuyên, lời nhắc nhở chân tình, vấn đề là “hình thể” con người được thể hiện một cách tự nhiên, bình dị như những gì nó có và tồn tại.
Cũng từ đây, bao nhiêu vẻ đẹp của cơ thể con người được coi như là tiêu chuẩn trong việc “giao duyên”:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém xa, …
Một lời tỏ tình hay chính là một sự ngợi ca bằng những mỹ từ duyên dáng dành cho người con gái đã được chàng trai nào đấy chọn làm đối tượng. Đó là những từ mang nét nghĩa thực, tương đối đơn giản, dễ hiểu, … cho đối tượng lẫn cho người khác nghe. Nó dịu dàng mà chân thành không sáo rỗng, …một “ước mơ”, một thông điệp được gửi gắm hết sức độc đáo của chàng trai ẩn mặt nào đó!
Từ tâm thức chuyển thành lời tỏ tình chứa chan vẽ đẹp lung linh, làm cho người phát ngôn không giấu được sự xúc động:
Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài bối rối dạ anh.
Táo bạo hơn, nhưng cũng cùng dạng ấy, ta hãy nghe một chàng trai khác “ngẩn ngơ” bởi nét đẹp của đôi má lúm đồng tiền:
Dẫu rằng chẳng đặng bén duyên
Cũng hun má lúm đồng tiền của em
Cái lưng của cô gái cũng nằm trọn trong tầm ngắm và tận trong tâm khảm của anh nông dân si tình nào đấy:
Trèo lên thanh trục cho cao
Thấy lưng em cấy dạ nào hổng thương
Nhưng rồi, như ý thức được chuyện mắt liếc tay đưa không gì lấy làm duyên dáng, cô gái nhẹ nhàng nhắn lại:
 
Anh thương em đừng buông con mắt
Đứng ngoắt ngón tay
Người ta đông như hội cứ ngó ngay mà nhìn.
Cứ đường đường chính chính mà bày tỏ, rồi gìn giữ. Con mắt, ngón tay ở đây dường như đã thay lời cho người trong cuộc, …
Mắt, mặt, má, … là những từ xuất hiện với tần số cao trong ca dao về tình yêu. Đến đây, ta nên thưởng thức nét đẹp của đôi chân mày với vẽ mỹ miều của nó:
Mặt em thơi thới má đào
Chân mày vòng nguyệt lẽ nào anh chẳng thương.
             Ở nội dung biểu hiện tình cảm gia đình, tạo cho người đọc ấn tượng sâu sắc khi tác giả vô danh khắc hoạ nên một số … bộ phận trong cơ thể “mẹ già”:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm bún lưỡi lừa cá xương
             Cái răng, hàm răng, như đã dẫn trên cũng không ít lần lộ diện, ở một trường hợp khác ta thấy, trong nỗi “tương tư”, đợi chờ ngày gặp mặt, hàm răng của “người tình” được bật ra từ nỗi nhớ:
Ai về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Mình và ta trong câu ca dao ấy là những đại từ dùng trỏ ngôi thứ trong giao tiếp. Ta lại gặp một từ “mình” khác:
Mặc ai ép nghĩa liễu nài tình
Phận mình là gái chữ trinh làm đầu
Từ “mình” mà nhân vật trữ tình kia đề cập đến chính là cơ thể, là dáng hình như nghĩa tự điển đã chỉ rõ: Mình = thân thể!
Thì đây:
Con nói mẹ nghe sao đà quá dễ
Áo mặc trong mình nỡ để gió bay!
Có lẽ nên dừng lại đôi chút với một từ vừa xuất hiện: chữ trinh! Nó là danh từ chỉ một bộ phận, vừa là một khái niệm mang tính tượng trưng. Người bình dân lúc thì nói thẳng, nói thật như trường hợp nhân vật trữ tình ở trên đã nói. Nhưng cũng có lúc, người ta cố tình ẩn nó đi, thay bằng một từ khác, tránh đi chuyện “còn mất” vốn rất nhạy cảm nọ:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
Như vậy, duyên ở đây nếu xét tường tận thì nó không chỉ là một từ mà nhà Phật thường sử dụng hay tự điển thường giải thích, duyên trong trường hợp này được xem như một dạng để chỉ … “bộ phận” trong cơ thể người con gái, nó vượt hẳn ra khỏi nét nghĩa quen thuộc, hay dùng …
Thân, mình rồi đến chân, tay, … Những từ ngữ ấy đương nhiên xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống của người nông dân chân lâm tay bùn, suốt tháng quanh năm quần quật một nắng hai sương bên cánh đồng thửa ruộng, hay trong các cuộc hành trình ngược xuôi khắp nẻo, tìm kế sinh nhai:
  Mau chân kẻo lỡ chuyến đò
Đi buôn đi bán những lo cùng phiền.
Bước chân xuống cánh đồng sâu
Mắt nhắm mắt mở, đuổi trâu ra cày.
Bụng đói, đầu gối phải bò
Cái chân phải chạy, cái giò phải đi.
Ngay trong chuyện “ái tình” bước chân vẫn cùng vạn dăm:
Lúc bước chân ra, ở nhà má dặn
Công sanh thành là nặng, đường tình ái chớ khinh.
Từ chân, giò, bụng, đầu gối, … ở các câu ca dao vừa dẫn đích thực là những từ chỉ bộ phận của cơ thể con người. Nhưng không dừng ở đấy, ca dao còn dùng hình ảnh “chân, tay” với nhiều nét nghĩa khác:
Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc dỡ hai đỡ đần.
Một sự so sánh, một nét nghĩa mới chỉ tình thâm máu mủ, được đặt ra từ chuyện quan hệ “như chân với tay” trên cơ thể con người.
Trong một ví dụ nữa:
Mặt nhìn nước mắt rưng rưng
Ở thời khó ở dời chân khó dời
Chân ở đây là hình ảnh hoán dụ được tác giả dân gian dùng để nói đến tình cảnh của con người. Nghĩa của nó rộng hơn và nhiều sắc thái biểu cảm hơn!
Tương tự nét nghĩa phát sinh vừa nêu, chúng ta còn gặp rất rất nhiều hiện tượng ấy trong ca dao:
Áo vải quao lựa xào mà vắt
Tuy xấu mặc lòng chọn mặt gửi thân.
Nước chảy re re con cá he nó xoè đuôi phụng
Em có chồng rồi trong bụng anh vẫn còn thương.
Chị em một ruột mà ra
Chị giàu em khó hoá ra người ngoài
 
 
 
Hay như tạo thành một từ ghép mới:
Mái tóc tơ không chừng phân rẽ
Dạ con thương, cha mẹ khiến đừng
Hai hàng nước mắt rưng rưng
Khổ cam trong dạ, biết chừng nào phai.
Câu thơ dân gian cơ bản là câu thơ điệu nói. Từ góc độ miêu tả, đối tượng được miêu tả thơ ca dân gian đã thể hiện hài hoà nét đẹp giữa hình thể con người và vấn đề thẩm mỹ “tục” hay “nhã”. Ta vẫn thấy ở đó, nhiều trường hợp táo tợn kiểu:
Nước láng linh chảy ra Vàm Cú
Thấy dạng em chèo cặp vú muốn hun
Hay mạnh hơn nữa:
Giữa trưa đói bụng thèm cơm
Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu
Thậm chí cả yếu tố tục cũng được vận dụng hết công suất:
Cô kia cấy lúa nanh chồn
Chổng mông cô để cái l… cô ra.
Nhưng xét cho cùng với thể chất và tư cách là đối tượng miêu tả (cùng với những đối tượng miêu tả khác) nó đã đem đến cho lời thơ một vẻ đẹp khác mang tính tượng trưng, nó là chuyện chung của nhiều người, là sự “xao xuyến” rất nhân bản của con người, chứ không riêng của một anh chàng dung tục nào kia! Người bình dân tiếp nhận nó với tất cả những đặc tính hõm hĩnh, mạnh mẽ vốn có trong lời ăn tiếng nói hàng ngày vậy thôi!
Tóm lại, với những vẽ đẹp về thể chất con người, ca dao đã nói lên được tiếng nói rất nhân bản, đầy tình thương yêu và sự trân trọng con người, đặc biệt là những người quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Họ rất tự hào về vẽ đẹp trần thế ấy mà khẳng định rằng:
Hơn nhau tấm áo manh quần
Khi cởi bốc trần ai cũng như ai
Đấy, chính là tâm hồn trong sáng của những người đã tạo nên những viên ngọc lung linh cho đời.


-----------------
Tôi rất mong nhận được sự nhận xét, đánh giá của các bạn về loạt bài ca dao Việt Nam, đây là bài đầu tiên! Xin chân thành cảm ơn
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.11.2008 08:41:51 bởi TranMinhThuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9