Mẹo nhỏ khi mua sắm Tết
sunflower 05.02.2005 21:55:24 (permalink)
0


Với sự mời chào đủ mọi hàng hóa ở khắp mọi nơi, khi mua sắm Tết bạn cần có chủ định riêng của mình, kể cả việc trang bị thêm những “mẹo nhỏ” khi quyết định xách bóp lên đường...


A. Hàng thời trang

1. Hãy xác định nhu cầu của bạn. Bạn cần hàng hiệu của VN lẫn hàng ngoại? Hãy đến các trung tâm thương mại (TTTM) như Diamond, Zen, Saigon Tourist Plaza, Thương xá Tax. Muốn tìm hàng VN hoặc Trung Quốc chất lượng trung bình, giá mềm, bạn đến các chợ và các siêu thị. Giá “siêu rẻ” mà đôi khi vẫn gặp hàng hiệu? Khu giày dép ở đường Lý Chính Thắng (Q.3), Hồ Xuân Hương (Q.3), Trần Huy Liệu (Q.3 và Q.Phú Nhuận) và khu quần áo mua vét từ các xí nghiệp, công ty may xuất khẩu ở TTTM Saigon Square (Hai Bà Trưng, Q.1).

2. Nên chọn mua quần áo ở nơi bạn có thể thử mặc vào người, vì với nhóm hàng này, chỉ nhìn vừa mắt thôi cũng chưa đủ (kiểu có thể đẹp nhưng không phù hợp với vóc dáng của bạn chẳng hạn).

3. Nên tránh mua quần áo và giày dép vào buổi tối - nhất là tại các khu chợ đêm hoặc lề đường, vì bạn có thể không nhìn rõ màu sắc, chất liệu và đường may của chúng.

4. Nếu buộc phải chọn lựa giữa chất liệu và kiểu dáng, hãy ưu tiên chọn kiểu dáng, vì với phụ nữ hàng thời trang là thứ mau thay đổi và... mau bị chán nhất.


B. Hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng


1. Không nên mua hàng chỉ vì ham khuyến mãi (quà tặng hoặc rút thăm trúng thưởng), vì có thể bạn sẽ mau chóng không biết sử dụng chúng vào việc gì, hoặc bị lừa... mua hàng dỏm với giá trên trời.

2. Hãy mua hàng hóa mỹ phẩm (mỹ phẩm, kem đánh răng, chất tẩy rửa chăm sóc cá nhân và chất tẩy rửa làm sạch nhà cửa) và đồ gia dụng (dụng cụ nhà bếp, các thiết bị nấu nướng, bộ đồ ăn, đồ trang trí nội thất...) theo yêu cầu sử dụng của bản thân và gia đình: cần loại gì mua loại đó chứ đừng mua theo “phong trào”.

3. Không nên trữ hóa mỹ phẩm, cần số lượng đến đâu mua đến đó, vì loại hàng này thường xuyên có sản phẩm mới. Có khi tính năng của sản phẩm mới hoàn toàn khác biệt với sản phẩm cũ, giá lại rẻ hơn.

4. Nhãn hiệu phải là lựa chọn hàng đầu, nhất là loại sử dụng trực tiếp trên da và đồ điện gia dụng. Nếu không mua nổi nhãn hiệu nổi tiếng, hãy tìm nhãn hiệu quen thuộc có nhiều người sử dụng, thậm chí có nhà máy sản xuất tại VN càng tốt.

5. Với hóa mỹ phẩm, ưu tiên chọn loại có sử dụng thành phần cây cỏ tự nhiên, càng ít mùi thơm càng tốt. Đồ gia dụng, nên chú ý đến sự an toàn trong kiểu dáng thiết kế và an toàn khi sử dụng (chẳng hạn giắc cắm hay nút tắt mở của đồ điện gia dụng, chất liệu men và chất lượng nung đối với các bộ đồ ăn bằng sứ...).


C. Thực phẩm, nước uống


1. Đừng bị hoa mắt bởi bao bì, quảng cáo, hãy đọc kỹ nhãn.

2. Mua thực phẩm và nước uống có nguồn gốc, địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng.

3. Đọc kỹ thành phần của thực phẩm và nước uống trên nhãn. Nên ưu tiên chọn nhóm thực phẩm ít chất béo, ít ngọt và các loại nước uống cung cấp ít năng lượng. Đối với nhóm nước trái cây và nước dinh dưỡng, cần đọc kỹ tỉ lệ trái cây tự nhiên và các loại dược thảo đưa vào chai/hộp/lon.

4. Không mua các túi quà đã đóng gói sẵn vì sau lớp vỏ giấy kiếng, bạn không kiểm tra được hạn dùng và nguồn gốc xuất xứ. Hãy tự tay lựa từng món đưa cho người bán gói lại.

5. Không mua các chai rượu vang, nước xi rô, nước ngọt, bánh hộp... bày bán ở lề đường (không có địa chị cửa hàng). Đó là... “kho” hàng nhái, hàng giả với chất lượng kém, gây hại đến sức khỏe.

6. Đối với loại thực phẩm ăn liền (như cá tẩm, mực tẩm gia vị, mứt chà là, nho khô...) không nên mua loại cân xá, chưa được đóng gói, vì khó kiểm tra hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ. Hàng đóng gói công nghiệp có rất nhiều loại để lựa chọn, giá cũng không đắt hơn.

7. Mua thực phẩm đông lạnh phải chọn loại có bao bì kín (không bị hở), thực phẩm bên trong còn đông cứng và ép chặt vào bao bì. Nếu muốn tiếp tục trữ trong tủ lạnh, cần tính toán thới gian từ cửa hàng về nhà để loại thực phẩm đó chưa bị rã đông.

8. Đối với trái cây nhập từ nước ngoài - vùng ôn đới - như nho, táo, cam vỏ vàng... chỉ nên mua tại những cửa hàng có hệ thống trữ lạnh.

9. Nguyên tắc chung khi mua thực phẩm và trái cây: không nên mua quá nhiều một thứ, nên mua mỗi thứ một ít - loại này bổ sung cho loại kia, chất này chua, chất kia ngọt... càng đa dạng càng tốt. Ngoài ra, nên ưu tiên mua nhiều loại thực phẩm và trái cây tươi (trừ thịt và cá các loại, có thể chỉ chọn toàn hàng đông lạnh được đóng gói công nghiệp để bảo đảm an toàn).

10. Đừng quên mua yaourt, để mỗi ngày đều có thể cân bằng hệ tiêu hóa. Loại yaourt có bổ sung nhiều loại trái cây càng tốt.



(PNTP)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9