ĐÈO BỒNG truyện ngắn của Trần Đại
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 18 bài trong đề mục
trandaik 01.12.2008 07:24:09 (permalink)
truyện ngắn viết bởi cảm xúc đời thật "true story"
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2009 06:43:26 bởi trandaik >
#1
    trandaik 01.12.2008 07:26:29 (permalink)


    Vầng Sáng Bên Kia Sông
     
    Xin bấm link để xem
    http://vnthuquan.net/truyen/thuyhu.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nmnnn2n31n343tq83a3q3m3237nvn



    <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2008 09:23:34 bởi trandaik >
    #2
      trandaik 01.12.2008 07:30:09 (permalink)


      Liêng

      Thuyền yêu không ghé bến sầu
      Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng
      *




      Liêng nhìn đồng hồ, đã quá hai giờ khuya mà thằng Vinh chưa về. Liêng đứng lên, đi ra, đi vào; sự chờ đợi, lo lắng, sợ hãi ... đã làm tan cơn buồn ngủ. Liêng đuối sức vì công việc khó nhọc ban ngày và những đêm thức khuya chờ cửa đợi con về. Liêng lại mở cửa, một luồng gió lạnh lùa vào nhà, nàng cảm thấy cái lạnh trong hồn còn cóng hơn cái lạnh ở ngoài da. Nước mắt lại đoanh tròng, "có lẽ cái tát tai của mình mà Vinh đi biệt không muốn về nhà", Liêng nhủ thầm khi nước mắt đã tuôn ra thành dòng, "Anh ơi! sao em khổ thế này! sao nỡ nào bỏ mẹ con em mà đi sớm vậy anh!"

      Liêng bước vào nhà, mở tủ lấy nến đốt sáng rồi đặt lên bàn xong nàng tắt đèn điện, chống cằm ngồi im trong bóng đêm nhìn ngọn nến như muốn tìm chút hơi ấm cho cõi lòng giá lạnh. Liêng với tay rút một cuốn tập từ trên giá sách đặt xuống bàn rồi mở ra đọc dưới ánh sáng chấp chờn của ngọn nến. "Những-Vần-Thơ-Non-Kém" nằm ở trang đầu cuốn tập. Liêng tập làm thơ từ những tháng năm yêu mối tình đầu, khi mới biết cảm nhận những cánh phượng hồng lần đầu tiên rơi nhẹ vào hồn và những chòm mây chất đầy tương tư, mong nhớ của Liêng chở về bên kia đồi cỏ hoang liêu, bên kia xa xăm, mịt mùng, thăm thẳm ấy, đã làm dầy thêm trang cho Những-Vần-Thơ-Non-Kém.

      Ngày Liêng và bốn đứa con thơ ném từng nấm đất lên quan tài của Quân, nàng như đã ném cả hồn thơ xuống mồ chàng từ hôm ấy. Liêng mở trang cuối cùng, nàng nghiêng đầu bên ánh nến đọc Bài-Thơ-Cuối-Cùng...


      Trưa vàng vọt, nắng ly tan
      đưa anh lần cuối ngỡ ngàng như mơ
      Duyên em chưa trọn ý thơ
      vẫn còn như thuở tình cờ yêu nhau

      Nay khăn tang, vấn lên đầu
      vòng hoa tàn nhẫn, khoe màu vây anh
      Người buồn, thương khóc chung quanh
      em cầm lệ nhõ để dành đêm nay

      đêm nay sẽ thức chong đèn
      một mình em khóc làm quen đoạn trường
      Hơi anh còn ấm chăn giường
      nỡ đành thiêu cháy theo sương khói mờ

      Vòng tay bé nhỏ con thơ
      chưa dài đủ để ôm bờ vai cha
      Từ đây mỗi lúc trăng tà
      mình em cô quạnh xót xa ê chề

      Ước gì anh chỉ hôn mê
      ngày mai tỉnh dậy quay về bên em
      Thôi còn trang điểm ai xem
      biết chăng cô phụ có thèm ái ân?

      Lệ thương hai mắt thâm quầng
      mà lòng hờn dỗi như lần ghét anh
      Chiều buông, ngày nát tan tành
      em ngồi thêm nữa khiến anh não nề

      Đêm nay nức nở trong mê
      hồn anh chưa vội... hãy về dỗ em




      Liêng nâng tay áo lên lau mắt, nàng có cảm tưởng mình ngồi như vầy đã rất nhiều lần. Từ ngày Quân mất đi thằng Vinh, mười sáu tuổi, bỗng nhiên thay đổi tính tình, nó trở nên lầm lì, ít nói, nhà trường gởi giấy khiển trách về hạnh kiểm xấu một tháng ba, bốn lần. Trước kia Vinh rất sợ đòn nhưng những lúc sau này, cái tát tai, đánh đít y như là phủi bụi, gãi ngứa nó mà thôi. Hai đứa em gái Linh và Lan chẳng còn dám bước vào phòng anh trai mình nữa. Riêng thằng út, Cu-Lấn thì mất hẳn những cuộc đi rong lên đồi, vào rừng, lội suối với anh cả. Sự mất thăng bằng trong cuộc sống như thế, còn phiền não hơn sự ra đi vĩnh viễn của Quân, chồng nàng.

      Đang ưu tư, sầu muộn thì Cu-Lấn từ phòng của hai con chị chạy ra, ôm mẹ, nó ngọng nghịu hỏi:
      _Mẹ! Ông Dinh kêu cu của con là con chim.
      Liêng đang buồn cũng phì cười "cái tên hàng xóm mắc dịch này lại ghẹo con nít nữa rồi". Liêng trả lời cho qua:
      _Ừ thì ...Chim.
      _Nhưng cu đâu có cánh đâu!
      _Chim non mà.
      _Vậy chim của ông Dinh có cánh hở mẹ?
      _Ơ...ơ mẹ không biết...con đi hỏi ông ấy á! Thôi nằm lên đây mẹ ru con ngủ.
      Cu-Lấn xà vào lòng mẹ nằm gọn, ngoan như cừu con, miệng còn nói vớt:
      _Bố thì nói con cu là củ tìu biu,..
      Cơn buồn của Liêng vơi đi gần hết vì sự ngây ngô và hơi thở của Cu-Lấn đang phà ấm dần nơi bụng nàng. Liêng ru con ngủ bằng tiếng ầu ơ không lời, nàng nhìn bức ảnh của Vinh treo trên tường thổn thức " Vinh ơi! tội nghiệp con của mẹ! giờ này con ở đâu?"



      Bóng hai thằng bé in trên đường nhựa lúc dài, lúc thun lại dưới từng ánh đèn khuya đứng lặng một bên lề. Cả hai lặng im đi bên nhau. Phố xá không một bóng người ngoài Hy và Vinh, cứ đi như thế này không sớm thì muộn cảnh sát sẽ bốc về đồn vì chưa đủ tuổi lang thang trong đêm tối. Hy bảo Vinh:
      _Thôi tao về, buồn ngủ lắm rồi.
      Vinh cất giọng khàn khàn:
      _Tao chưa muốn về.
      _Chắc mẹ mày đang chờ cửa.
      _Tao chưa muốn về mà, mày muốn thì về trước đi, tao ra bến tàu
      _Vậy tao về trước.
      _Ừ! về đi!
      Hai đứa trẻ chia tay nhau. Vinh nhìn theo Hy với đôi giầy mới mua đang phát sáng xa dần cho đến đi khuất dạng. Buổi chiều, Vinh ăn cái tát của mẹ vì chuyện ba ngày bị đuổi học bởi đánh bạn cùng lớp u đầu. Sau ba ngày đền tội, Vinh không trở lại trường. Mẹ đánh xong, bà ngồi chết lặng như khúc gỗ. Vinh thì mang vào một cái rể cây to, dài đưa cho mẹ nói:
      _Mẹ đánh nhẹ hều ...Cây đây,..Mẹ...Mẹ đánh chết con đi!
      _Trời ơi! sao mày ra nông nỗi này hở Vinh?
      Vinh ném khúc cây ra sân rồi bỏ đi đến nhà Hy. Bố của Hy chở hai đứa xuống Mall để nhập bọn đi sắm hàng, rong chơi cùng lũ bạn trai, gái trên tám người. Bọn con gái đưọc cha mẹ cưng chìu, cho tiền tha hồ mua sắm. Lũ con trai thì mua giầy, mũ, áo thun và Nintendo, gameboy ... Riêng Vinh thì "không thèm" mua sắm gì cả, vì có thò tay vào túi cũng bằng không ...Hy mua hai đôi giầy và một cái mũ đội bóng Cowboy ... Nhìn ánh mắt thèm thuồng và đôi giầy "một ngày như mọi ngày ...mang mãi một...mà thôi.." của Vinh, Hy ái ngại:
      _Mua cho mày một đôi nhá!
      _Tao không mang tiền.
      _Tao cho mày, Má tao nói tiền chùa cứ lấy mà xài, không lấy ba tao ổng cũng gửi hết về Việt Nam cho con bồ nhí của ổng.
      _Ba mày có bạn gái hả?
      _Có cả con nữa kìa. Má tao kêu mẹ đứa bé đó là "chùm khế ngọt...cho anh trèo hái...mỗi lần về với quê hương...."
      Vinh theo đuôi lũ bạn suốt buổi chiều cho đến khi bố mẹ chúng đến rước về. Còn lại hai đứa, Hy mua hai cái hăm-bơ-gơ chia cho Vinh ăn rồi lang thang cuốc bộ về nhà.



      Hy đi rồi, Vinh bước chân vô định một chập thì cơn đói bắt đầu hành hạ cái bao tử cả ngày cho đến khuya chỉ có miếng hăm-bơ-gơ nhỏ xíu, nó quay bước, lững thững về nhà. Lòng chợt nhớ các em, nhất là Cu-Lấn, như lần cùng bố đi xa nhà mấy hôm. Vinh nghe mũi mình nồng lên sụt sịt, nó không còn biết mình tủi lòng vì giận hay thương mẹ nữa.

      Liêng đẩy xe lại quầy tính tiền thì gặp Đường, nàng chào hỏi qua loa mấy lời rồi chào Đường, dợm bước ra cửa thì Đường gọi "Này! chị gì mẹ của Vinh ơi!" Liêng quay lại chờ, Đường tiến lại gần nói:
      _ Chị cho tui gởi ít tiền cho thằng Vinh. Nó có theo giúp tui sơn hàng rào cho người ta, tui nói với nó là tui đưa tiền công của nó cho chị, nó muốn tiền thì phải hỏi mẹ.
      _ Anh mướn nó làm việc sao không cho tôi biết?
      _ Tui nhận mình sai, xin lỗi chị. Bị tui với nó có nhiều chuyện nói với nhau.
      _Thôi được, Vậy anh rút kinh nghiệm cho lần sau, mà anh với nó có chuyện gì nói vậy?
      _Xin chị chờ một chút nhé!
      Đường chất thực phẩm lên quầy, tính tiền xong anh đẩy xe đến bên Liêng, hắng giọng vài cái,anh mới nói:
      _Thằng Vinh khá lắm, nó thông minh, làm việc mau khéo tay và có thiên phú về hội họa. Tôi mến nó lắm nên khi biết được hoàn cảnh mới xảy ra trong nhà chị ...sẵn đây tôi cũng xin chia buồn về sự ra đi đột ngột của chồng chị...
      Đường dừng lại, nhìn nhanh vào mắt Liêng đo lường mức độ lắng nghe của nàng rồi nói tiếp:
      _Thằng Vinh đổi tính lầm lì, ít nói và xao lãng việc học, thật ra nó không có hư đâu, nó rất thương chị, trong nhà tự nhiên mất đi một người cha mà nó còn nhỏ, tuổi hồn nhiên bỗng nhiên chuyển mình thành đàn ông. Bất ngờ quá! cụ chẳng ra cụ mà nhóc chẳng ra nhóc ... nói hỗn với mẹ thì chưa chắc đúng vì tôi biết nó thương chị vô cùng ... nhưng tôi cũng từng trải qua cái tuổi đó, tôi biết...con trai thì như thế đấy.
      Liêng cố ngăn không cho nước mắt chực trào ra, nàng bóp chặt tay vào thành xe thực phẩm, cố gắng dằn cơn xúc động, nàng khó khăn lên tiếng:
      _Ông nghĩ xem, tôi chỉ biết làm mẹ, bây giờ lại thêm trọng trách làm cha với con cái, thật tôi không còn biết đâu là đúng, là sai việc dạy dỗ con cái nữa.
      _Chị không phải lo, trời sinh phụ nữ với cuộc sống tình cảm hơn là lý trí, không có ai dù là bác học tài giỏi bậc nhất cũng không thể nào pha chế được sữa mẹ. Chị cũng như mẹ và em gái tôi, đều đuợc trời ban cho một cái tủ lạnh biết giữ lạnh và hâm nóng bầu sữa đúng nhiệt độ cho con bú, dầu bên ngoài thời tiết nóng nực hay giá băng và nhất là tình thương trong sữa mẹ, hỏi, có ai pha chế được không... Chính bầu sữa nồng nàn tình yêu của mẹ mà các con không trở thành thú dữ hay gỗ đá vô tình, ngược lại chúng ta biết yêu, thương, giận hờn vì nhau...

      Cả Đường và Liêng đã đẩy xe hàng ra cửa lúc nào không hay, Liêng chỉ tay về phía bàn ghế ngoài trời của một quán ăn của Mễ, hai người tiến đến ngồi và tiếp tục câu chuyện, Đường nói:
      _Chị thì như thế, cư xử bằng tình cảm trong khi đứa con trai đang muốn biến thành đàn ông bắt đầu nghiêng về lý trí nhiều hơn tình cảm và nó muốn lấy thân che chở bảo bọc cho người khác chứ không còn muốn được ai săn sóc bảo vệ như con nít nữa. Xin lỗi, chị có đánh nó bằng que, nó tìm gậy to, cũi đòn đưa chị đánh để chứng tỏ nó chịu đòn như một người đàn ông khỏe mạnh.
      Liêng chớp mắt, tay ôm ngực hỏi:
      _Như vậy từ đây tôi phải đối xử với thằng Vinh như thế nào cho nó nên thân?
      _Chị chẳng cần phải lo, chị cứ tiếp tục thiên chức trời cho làm đàn bà, làm mẹ, vẫn chạy tiếp bằng nhiên liệu tình thương. Tôi xin được phép chỉ đường cho nó trước khi nó trở thành thái quá và người đàn ông của nó biết dùng cái trí, cái dũng và cái nhân có ích cho người thân và xả hội, nhất là hiểu được lòng mẹ.
      Đường nói đền đây thấy đủ để trấn an Liêng nên anh đổi đề tai sang hỏi thăm về công ăn việc làm và cách nấu sao cho ngon một nồi bánh canh tôm thịt.

      Quá trưa mới thức dậy, Vinh làm vệ sinh qua loa rồi đội mũ đi tìm Đường. Trời nắng chang chang như trong bài ca Hạ-Trắng của Trịnh-Công-Sơn, mẹ từng hỏi bố "gọi em cho nắng chết trên sông dài ..." là sao, bố cười tinh nghịch "là nắng chang chang đó, em không nghe à, nắng đưa em về ...trời không có mây ..." Vinh bùi ngùi nhớ bố, mong làm sao, ước làm sao có bố bên cạnh trong lúc này. Vinh gặp Đường đang sơn nốt phần hàng rào còn lại. Vinh chọn một cây cọ, rót nước sơn rồi tiến đến bên Đường giúp anh sơn khe hở hàng rào. Đường không quay qua, anh hỏi:
      _Hôm qua đi chơi vui không?
      _không!
      _Đi đâu?
      _Xuống mall.
      _Mua Được gì?
      _Không có tiền.
      _Sao không hỏi mẹ?
      _Chẳng bao giờ.
      Đường ngừng tay quay qua nói:
      _Tiền lương, chú đưa mẹ mày rồi mà.
      _Kể như mất.
      _Sao lại mất?
      _Chú có câu gì khác để hỏi không?
      Đường nghĩ "thằng này thời tiết bất thường, ngang như cua"
      _Vinh nè!
      _Nghe!
      _Vinh nghe chú nói đây! con trai phải anh dũng, hào hùng, Vinh không sợ mẹ nữa, không kính mẹ nữa vì cái hùng, cái dũng mới thức dậy trong người Vinh, Vinh sẽ trở thành đàn ông nay mai...Thay vì Vinh muốn chứng tỏ điều ấy với mẹ và làm mẹ sợ hãi thì Vinh nên mang cái hùng, cái dũng ra che chở, thương yêu bảo bọc mẹ mình. Vinh có quyền coi thường tình cảm, lo lắng dư thừa của mẹ nhưng Vinh phải tôn trọng nỗi đau, sự lo xa của mẹ. Vinh làm cho mẹ cảm thấy tin tưởng, bình an...đó mới là hùng, dũng của đàn ông. Chắc Vinh không muốn đem cái đàn-ông của mình ra ăn hiếp mẹ hoặc đánh người này, hạ nhục người kia để cho người thân lo lắng và sợ hãi chứ.
      Đường ngừng lại theo thói quen để quan sát, đo lường hiệu quả của lời mình nói, anh thấy Vinh lặng yên, không phản ứng nhưng tay nó quệt cứ quệt mãi một đường sơn.
      Đường hài lòng, anh biết thằng nhóc đang "động não" và chất thương yêu trong dòng sữa mẹ đang chảy về tim nó.

      Liêng đi làm về, mới bước vào nhà đã hỏi:
      _ Ở nhà có nghe ai gọi phôn cho mẹ không?
      Vinh đáp :
      _ Dưới San Diego báo tin bà cụ Bộc bệnh nặng sắp chết.
      _ Sao bà sắp chết à! trời ơi!
      Liêng buông thỏng hai tay, nước mắt đoanh tròng, người thân duy nhất nơi xứ người chỉ còn bà cụ Bộc. Bấy lâu nay, bà lãnh tiền trợ giúp người già để trả tiền thuê nhà, tiền ăn uống, còn dư bao nhiêu bà đều gửi hết giúp Liêng trang trải nợ nần mà nàng mượn để mua hòm và mua đất chôn Quân. Liêng cảm thấy bồn chồn muốn đi thăm bà ngay. Liêng gọi:
      _Vinh ơi! lên đây mẹ bảo!
      Vinh bước ra không nhìn mẹ, chỉ chờ đợi bị la mắng, nó với tay mở hết tủ này tới tủ kia trong bếp nhưng không tìm hay lấy thứ gì cả. Vinh chẳng nghe mẹ rầy la nhưng ngược lại, giọng mẹ hôm nay ôn tồn nói:
      _Chiều nay con có đi đâu không?
      _Không.
      _Mẹ phải xuống San Diego thăm bà Bộc, tối mẹ về, con có trông em ,giữ nhà cho mẹ được không?
      _Được.
      _Mẹ vừa nấu xong nồi nui với nước sốt ở trong bếp, con hăm nóng cho mấy anh em ăn nghe! Nhớ đừng cho Cu-Lấn ăn nhiều kẹo bánh nhé!
      Vinh gật đầu rồi đi thẳng ra sân sau. Liêng vào phòng ôm hôn Linh, Lan rồi bế Cu-Lấn lên nói:
      _Mẹ bế con sang chơi với Nu bên nhà ông Dinh nhé! chốc nữa anh Vinh qua đón con về ăn cơm. Mẹ phải đi thăm bà, tối mẹ về ru con ngủ.
      Cu Lấn đưa hai tay bấu má mẹ bắt nàng phải chú ý tiếng nói ngọng nghịu:
      _Ông Dinh nói ổng quên ... con cu không phải con chim mà là con dế đó mẹ.
      _Ừ thì dế.
      Liêng dặn dò hai chị em Linh, Lan lần nữa rồi đeo sách tay lên vai, bế Cu-Lấn ra cửa.
      _Vinh ơi! Mẹ đi nhé!

      Liêng lái xe ra lộ hướng về thành phố San Diego. Xe chạy đều tốc độ nàng mới thấy lòng bất an, không yên tâm chút nào khi để Vinh ở nhà với mấy em nhỏ. "nó giở chứng bỏ đi chơi thi biết làm sao?" Suốt quảng đường xa xôi còn lại Liêng không nghĩ đến cái chết gần kề của bà Bộc mà chỉ lo cho con cái ở nhà cùng với những điều chú Đường thợ-sơn nói...

      Vinh từ ngoài sân chạy vào, nhấc điện thoại, từ đầu giây bên kia giọng Liêng run run tiếng to, tiếng nhỏ:
      _ Vinh hở con, dưới này cháy lớn... xa lộ bị đóng, mẹ về... không được. Con ở nhà với mấy em đừng đi đâu nhé. Khuya...đói thì mấy anh em làm mì gói ăn nghe! À con đọc số phôn của bác Đường để mẹ gọi bác ấy qua nhà mình trông coi các con.
      _Không cần gọi chú ấy, các em đang chơi trong phòng. Con giữ nhà được rồi.
      _Hay con gửi Cu-Lấn ngủ qua đêm bên bác Dinh đi Vinh!
      _Cu-Lấn mới tắm xong, nó không đi đâu cả, ngủ ở nhà.
      Liêng nghe giọng nói bắt đầu bực tức của Vinh nên không nhắn gì thêm nữa, nàng thấp giọng:
      _Vậy thì cho các em đi ngủ sớm đi! mai mẹ về. Đưa phôn cho mẹ nói với mấy em.

      Dặn dò mấy đứa con và dỗ nín Cu-Lấn xong, Liêng ngồi dán mắt tivi xem tin tức về hỏa hoạn và nhất là tin về giao thông xa lộ.



      Liêng mở cửa vào nhà, không thấy các con, nàng réo lên " Linh ơi!
      Lan ơi! ra giúp mẹ khuân đồ vào nhà!" Cu-Lấn ơi! mẹ về này! không nghe tiếng trả lời của các con Liêng ném cái túi xuống sàn rồi nàng tự mang các thứ vào nhà.

      Tắm gội xong, Liêng sực nhớ đến mấy đứa con, nàng vội bước xuống bếp gọi đìện thoại qua nhà ông Dinh và Đường nhưng không ai biết chúng ở đâu. Liêng nhìn bếp núc sạch sẽ gọn gàng, khăn trải bàn ăn trắng tinh như mới giặt, trên bàn có một bình hoa tươi thật đẹp... Liêng đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, bàn ghế, tủ lạnh, tivi ... tất cả đều được lau sạch, đồ đạc được xếp lại ngăn nắp, gọn gàng. Liêng quên cả gọi phôn tìm con, nàng mở cửa từng phòng ngủ, buồng tắm và kho chứa, Liêng không tin hai mắt mình, y như là phép lạ vửa xảy ra trong gian nhà nghèo nàn, bé nhỏ của mấy mẹ con. Liêng trở về phòng mình, nàng cũng vừa phát hiện ra một lọ hoa hồng ở đầu giường bên cạnh là một khung hình nàng ôm bốn đứa con nhỏ, chăn và áo gối của nàng và Cu-Lấn vẫn còn mùi thơm thuốc giặt.

      Liêng kéo màn ra cho ánh sáng lùa vào phòng ngủ, nàng vừa thấy "thằng con hư đốn" ngồi bên vòi nước tưới vườn, Cu-Lấn đang xịt nước cho anh chà bàn chải đánh sạch vết dơ trên những chiếc giầy của Linh, Lan và trên cái tường thấp ngăn chia bãi cỏ và sân chơi còn một hàng giầy dép đã chải sạch, xếp ngay ngắn đang phơi khô. Nơi góc vườn con chị đang thắc bím cho em. Liêng nhìn các con thật lâu, lòng nàng sung sướng pha lẫn nghẹn ngào. "Vinh dễ dàng thay đổi tính tình vậy sao?", Liêng thầm hỏi khi nhìn thấy Vinh đứng lên, dáng nó bất ngờ cao lớn và điệu bộ giống hệt bố Quân. Liêng nhìn lên trời, nét mặt thành khẩn như tạ ơn... Mây lại hiền hoà trôi sau những ngày gió nóng và Liêng vừa cảm nhận trong người nàng một giòng êm ả, đầy ấp thương yêu đang chảy ngược về hồn. Ngoài sân cũng vừa rực đỏ ánh hoàng hôn.





      ___________
      *LưuTrọngLư


      ****

      Chào tác giả Trần Đại - DinhLang

      Truyện Liêng, Lão và Đoá Hồng Tỉ Muội

      đã được mang vào thư viện

      Sẽ mang ảnh vào sau

      Với cái nick Dinhlang, làm Ct.Ly nhớ đến một người bạn, cũng mang cái nick Dinhlang này, và Liêng, tên của một người chị của Ct.Ly, khg là Liên là là Liêng, vì chị Ct.Ly nói con gái mang tên hoa tức mang nhiều sự phiền muộn của hoa, nên chị tự đổi tên mình là Liêng, Ngọc Liêng.

      Nhưng dịnh mệnh đã ban, thì đổi tên đi vẫn là kiếp hoa muôn đời vẫn làm kiếp hoa phải không Trần Đại

      Chúc bạn luôn vui và năm mới nhiều sự may mắn, an lành

      Thân ái

      Ct.Ly

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2009 17:01:19 bởi Ct.Ly >
      #3
        trandaik 01.12.2008 07:32:23 (permalink)
        Lão

        Lão cũng làm bộ tịch mình sắp sửa ra phi trường đi thăm con. Lão xách túi lên nhìn quanh một vòng rồi nhắc nhở mấy người mướn chung nhà:
        _ Tôi đi trước, nếu có ai mở bếp lò lên thì nhớ tắt gas và nhớ đóng cửa sắt rồi hẵn đi!
        Cặp vợ chồng già đang ngồi trong bếp phàn nàn:
        _ Biết rồi, khổ quá, nói mãi, thế đi thăm con bao giờ về?
        Lão không nhìn thẳng mặt, trả lời:
        _ Tùy, ngày lễ Father-Day mà, con cháu dâu rể cả đàn, chúng dành đưa tôi đi đây, đi đó, khi nào chán thì về.
        Vừa lúc đó một ông già, cũng mướn một phòng ở chung nhà, xách cái túi Nike bước ra cửa hướng mắt về phía bếp, miệng to giọng miệt vườn:
        _ Tui đi nghen! dià thăm sắp nhỏ. Dé xe buýt của dợ chồng ông bà tui để trên bàn cà-phê.
        Rồi quay sang lão, ông ta nói:
        _Cha này đi máy bay sướng thiệt nghen! ăn ở có đức nên con cái nó hiếu thảo hén.

        Lão ngồi ở công viên chờ cho đến chiều mới xách túi quay về nhà. Những người mướn chung nhà đã đi khỏi. Mỗi năm vào các ngày lễ lớn họ đều đi bằng xe bus hoặc con cái lái xe tới đón về nhà chúng chơi. Lão mở cái cửa bây giờ thì như nặng ngàn cân rồi uể oải bước vào, lão gieo mình xuống nệm ghế.

        Sáng nay lão định thú thật với bạn bè là đã mấy năm rồi, con cái đã bỏ rơi, không ngó ngàng đến lão nữa nhưng cũng như năm trước lão không tài nào thú thật được.

        Có tiếng ho vọng ra từ phòng ông già miệt vườn. Lão giựt mình chống đầu gối đứng dậy mở cửa phòng. Cha già kia đang co quắp, chăn không đắp, nằm buồn xo tay còn đang ôm cái túi Nike.

        Ngoài sân trời cũng vừa nhá nhem tối .
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2008 07:34:06 bởi trandaik >
        #4
          trandaik 01.12.2008 07:52:13 (permalink)
          Đoá Hồng Tỉ Muội



          Dưới nắng chiều thật đẹp, gió hiu hiu thổi qua sân vận động, khán giả xôn xao hướng mắt nhìn thân nhân, bè bạn mình đang ngồi xếp hàng thành hai chữ P.H. Hôm nay ngày ra trường. Ngày mai sẽ vào đại học. Ngày mai cũng có những mảnh đời vô định, chẳng biết sẽ trôi giạt về đâu. Mười tám tuổi, get out!
          _Mày ngồi cho yên một chút được không Mai!
          _Ừ, con này hôm nay lạ quá! như con điên!
          _Ra trường thôi, gì mà mày mừng vui quậy như con điên vậy ? Thôi ngồi yên cho thiên hạ nhờ!
          Nghe bạn bè phê bình, Mai thấy vui vui, không biết ăn trúng thứ gì mà hôm nay mình dỡ chứng như thế, Mai hết xoay bên này, lại phá bên kia. Mai ồn ào, át lời những bài diễn văn long trọng.
          Nhất định là không phải niềm vui ra trường hôm nay. Mai đã chờ đợi cái ngày này trong nỗi lo âu, sợ hãi. Cả tuần nay Mai nằm khóc mỗi đêm, được cơ hội có chỗ nào trống vắng, không người là Mai bưng mặt khóc òa như mưa. Hai mươi chín tháng hai vừa qua là sinh nhật thứ sáu* của Mai, vừa mười tám tuổi và cũng là sinh nhật cuối cùng của tuổi ấu thơ dưới mái gia đình.
          Hơn trăm cái nón được tung lên trời. Bọn học trò nhảy tưng lên rồi chạy tìm nhau chia tay như một đàn ong bị động ổ. Dưới nắng chiều sắp tắt, những chiếc hôn từ biệt, những vòng tay xiết chặt luyến lưu, và những dòng người đang tràn xuống sân từ hai bên khán đài để chúc mừng, chụp ảnh lưu niệm.
          Mai chạy loanh quanh như một con thoi. Nàng hết ôm bạn này, ghì chặc bạn khác chia vui, trái hẳn với tính tình lầm lỳ, khép kín của nàng hằng ngày.
          Mai bước theo nhóm người cuối cùng rời sân cỏ. Mấy phút trước đây nàng có nhìn lên cao thấy bố và mấy em dắt nhau ra về. Lúc đi ngang một bức tường cao, Mai lẻn mình nấp vào, hai tay Mai bám vào dây leo có lá nhỏ li ti rồi úp mặt vào tường, Mai khóc oà, hai bờ vai rung mạnh, rồi cả người Mai khụy xuống như không chịu nỗi sức nặng của tủi hờn.
          Mai bước vào nhà thì trời tháng năm đã tối hẳn. Mọi người đang ngồi ở bàn ăn chờ nàng. Bữa "tiệc ly" cuối cùng với không khí nặng nề, khó chịu. Suốt buổi ăn mẹ chỉ nói với nàng vỏn vẹn có một câu:
          _ Lát nữa bố đưa xuống trạm xe buýt, đến nơi rồi nhớ gọi phôn về cho nhà biết.
          Dường như bố nghe lời mẹ có pha chút nhẫn tâm, ông nói:
          _ Nhớ gọi phôn về, mấy em nó trông. Thấy lạnh thì nhớ mặc áo ấm vào kẻo bệnh.
          Mai chỉ gục đầu nhai miếng khoai tây không nói gì. Mai biết nếu nàng mở miệng ra trong lúc này sẽ toàn là những lời giả tao. Mà có gì để nói nữa đâu, Bố mẹ đã quyết định tống cổ nàng ra khỏi nhà. Mai không thắc mắc, vì mười tám tuổi, cuốn gói dọn ra khỏi nhà là chuyện thường trên đất Mỹ, Mai chỉ buồn vì có rất nhiều gia đình Việt Nam không áp dụng cái lệ này như gia đình nàng.
          Xe buýt đang lao mình qua sa mạc trong đêm tối. Mai nhìn ra ngoài càng thấy nỗi cô đơn tràn ngập. Nhưng bây giờ thì lạ qúa vì Mai không tài nào khóc được, mặc dù đôi ba lần nàng lấy tủi thân tự chọc mình ra nước mắt.
          Lúc nãy ngồi dùng bữa cơm tối nàng chỉ nhai miếng khoai tây chiên cho có lệ nên bây giờ Mai cảm thấy đói. Mai sờ cái bụng thóp lại của nàng, Nàng mò mẩm tìm đoá hoa hồng Tỉ-Muội nhỏ bằng đầu ngón tay được xâm phía trên cái rốn. Mai đã bị mấy cái tát tai nháng lửa của mẹ và bị bố túm đầu lấy kìm cắt hết khoen tai vì chuyện xâm mình. Mai không đua đòi, không nông nổi hay đam mê cuồng nhiệt theo thời. Mai thích được xâm cái hoa hồng Tỉ-Muội và một vài chiếc bông tai thời trang, chuyện ấy với Mai thật tự nhiên, một chút nghệ thuật, một niềm tự tin thay cho thẹn thùng, nhút nhát. Ngày trước Mai được ngồi vào lòng bố mẹ để xem những hinh ảnh ngày xưa, trong album ấy có nhiều hình bố mẹ mặc đồ hippy, đeo dây chuyền phản chiến như the Beatles. Vậy mà Mai bị bố mẹ đối xử tàn nhẫn từ ngày có hoa hồng xâm trên bụng. Mấy hôm nay, có khi Mai muốn úp mặt vào lòng mẹ và ôm chân bố như lúc còn bé thơ để xin được ở lại nhà, nàng không muốn đi xa. Nhưng có một tấm chắn vô hình nào đó, dầy lắm giữa mẹ và nàng, nên Mai vẫn giữ nguyên sự ngăn cách, lạnh lùng.

          Mai thức giấc thì mặt trời vừa ló dạng chiếu những tia nắng lạ lùng xuống đồng cỏ hoang hai bên lề đường lộ. Trong xe nhiều người còn say ngủ. Một nỗi buồn nhói vào lòng ngực, mấy giọt nước mắt lăn xuống tan vào trong khóe môi. Mai bật khóc.


          (For M. ma petite n.)

          #5
            trandaik 01.12.2008 08:56:38 (permalink)
            Ảo Tình Ơi! Em Ở Dâu
            http://vnthuquan.net/truyen/thuyhu.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nvn4ntn31n343tq83a3q3m3237nvn

            Ông chủ nhà, Hưng-sói, tuy lỡ thời mà gặp may, ông rước về một cô vợ xinh đẹp, trẻ hơn ông mười tám tuổi. Trước khi từ Mỹ về Việt Nam đón vợ qua, ông dặn dò Kỉnh phải trồng thêm hoa mới trong vườn, dọn dẹp sạch sẽ cửa trước, sân sau và tìm thợ đóng một lều thơ sàn cao, kiểu Nhật ở sau vườn. Lều thơ phải có cửa kéo nhìn ra bên này là hòn non bộ và bên kia là thung lũng mù sương. Kỉnh cũng nóng lòng biết mặt và làm đẹp lòng bà chủ mới, nên thay vì cứ mỗi tuần cắt cỏ một lần, anh lại đến hằng ngày để gia công hoàn tất công việc. Anh không kêu thợ mộc mà tìm hình ảnh rồi tự mình cùng chú mễ José đóng xong luôn cái lều thơ trước thời hạn. Còn cả năm ngày nữa, ông chủ và người vợ trẻ mới về lại Mỹ.



            Trong nhà có mấy tấm tranh bút pháp, họa trên nan tre mà một người bạn thơ trong nước gửi tặng trước đây, Kỉnh cũng mang đến treo trên tường của lều thơ vừa mới đóng. Nhiều lần anh tự hỏi vì sao mình lại sốt sắn với việc đón chào bà chủ mới từ Việt Nam qua nhưng rồi anh xác định là vì anh qúy cái lều thơ như một tuyệt tác do chính tay mình tạo nên. Nghĩ như thế, nên mỗi chiều về, tắm gội xong, Kỉnh lái xe đến ngồi ở lều thơ vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc sách hoặc làm thơ. Nơi đây phong cảnh trữ tình, trong một thời gian ngắn mà Kỉnh đã sáng tác được trên mười bài thơ và ba đoản khúc đề tặng nữ sĩ Nhạ-Vô-Thường, một bạn thơ trong thi đàn trên mạng, thường với Kỉnh họa thơ của nhau.

            Kỉnh quen Nhạ-Vô-Thường qua một diễn đàn thơ văn trên mạng. Kỉnh gia nhập nhiều trang văn học nghệ thuật và một vài diễn đàn sáng tác văn thơ. Tình cờ một hôm bài của anh được Nhạ-Vô-Thường khen ngợi và đăng lên thơ họa. Họ trở thành bạn thơ từ đó và ai cũng cho là hai người có tình ý lãng mạn, mật thiết với nhau.

            Bốn năm về trước Kỉnh đang làm cho một công sở, công việc quá nhàn hạ nên anh đọc sách, nghe nhạc, làm thơ...cho đến giờ tan sở. Khi bút hiệu của anh lan tràn trên mạng thì cũng là vừa lúc anh bị đuổi việc. Kỉnh ăn tiền thất nghiệp, ngồi nhà tiếp tục làm thơ. Chiều chiều kỉnh vác thơ tới nhà Phúc đọc cho bạn bè nghe rồi đăng lên diễn đàn. Nhiều lần bí lời, nghẹn chữ, Kỉnh theo Phúc đi cắt cỏ ở các nhà giàu sang trong vùng, những nơi đó có vườn hoa tươi đẹp, đồi cỏ, bóng mát dưới tàng cây cùng gió biển trong lành...đã gợi cho hồn Kỉnh tràn ngập xúc cảm và ý thơ lai láng.

            Một hôm Phúc nhờ Kỉnh thay hắn theo giúp chú Mễ José công việc thông dịch và thu tiền cắt cỏ để hắn về Việt Nam lấy vợ. Phúc về lần đầu có kết quả khả quan và công việc làm vườn được Kỉnh phụ chú Mễ trông coi tốt đẹp. Nhưng lần về thứ hai thì Phúc bị banh xác vì bạn bè vạch mặt với đàng gái, họ nói Phúc chỉ là dân cắt cỏ làm vườn chứ không phải ngài công-trình-sư tay ôm họa đồ đứng chụp hình trong một khách sạn năm sao nào đó ở Las Vegas. Phúc sầu hận lên ngút trời, chổ nào có vòng tay ôm trọn ân...tiền là anh ghé đến để đốt cháy cuộc tình chết theo mùa đông giữa nắng quái Sài Gòn. Một chiều kia, Kỉnh và José đang làm việc thì có người tới đưa tờ giấy mà Phúc đã ký sang nhượng gánh cắt-cỏ. Người ấy lịch sự tặng Kỉnh một ly cà phê sữa đá và bảo anh từ ngày mai khỏi cần theo chú Mễ nữa. Kỉnh tức giận, về nhà kêu gọi bạn bè từng uống bia, ăn cơm chùa nhà Phúc, anh gom tiền chuộc lại được gánh-cắt-cỏ. Kỉnh và José tiếp tục công việc hằng ngày, chờ Phúc quay về nhưng Phúc thì nghe nói đang gởi cái thân tàn ma dại ở miền băng giá xa xôi Alaska. Nhờ Kỉnh biết ăn nói và chú Mễ José cần cù, chẳng bao lâu nợ đã trả xong và Kỉnh giờ đây thành kẻ làm vườn chuyên nghiệp kiêm thi sĩ Lã-Hư-Vô.

            Thi sĩ Lã-Hư-Vô nhìn quanh lần cuối trước khi rời khỏi lều thơ trong vườn nhà ông chủ Hưng-Sói, từ cái bàn, bộ đồ trà cho đến những chiếc gối hoa đều được Kỉnh chọn lựa, mua về từ phố tàu China-Town. Kỉnh cắm điện cho lồng đèn sáng lên rồi bước ra ngoài. Tất cả cỏ, hoa đều được cắt, tỉa gọn gàng, mỹ thuật, đường nhựa mới xịt nước sạch trơn. Kỉnh khép cổng rồi lái xe ra phi trường đón chủ nhà về từ Việt Nam.

            Kỉnh không ngờ người vợ mới cưới của ông Hưng đã ngoài ba mươi mà còn trẻ đẹp, mặn mòi như gái tơ mới lớn. Đứng trước người đẹp, Kỉnh thấy mình bị lạc giọng như thằng con trai mới lớn "chào...chị, tôi là ...là đến đón ông bà về", nói xong Kỉnh ngượng vì thái độ mất tự nhiên của mình nhưng ông Hưng thì hài lòng lắm khi thấy Kỉnh cũng mất hồn như ông ở phút đầu gặp em ...tinh tú quay cuồng.. và em đây là Nhã.

            Nhã cứ ôm xà nẹo ông Hưng mãi cho đến khi lấy xong hành lý, Kỉnh thì đứng sau lưng quan sát, anh thấy dường như Nhã cao hơn chồng nếu đừng uốn éo cái thân hình thon thả, mềm mại của nàng. Cái đầu to, trán dài ra sau ót của khoa học gia Hưng-Sói chỉ làm cho họ trông giống như là bố con hơn là một cặp vợ chồng. Kỉnh giúp họ xách hành lý ra xe. Trên đường về, Kỉnh liên tưởng đến ngọn đèn lồng đang mờ sáng ở lều thơ, chăc chắn sẽ làm cho cả hai như lạc hồn vào cổ tích.



            Xe lăn bánh từ từ trước cổng, Kỉnh bấm cái khiển cho cửa sắt tự động mở ra xong anh cố ý tắt đèn pha, chỉ để đèn mờ cho xe tiến vào bên hông nhà. Không riêng gì Nhã mà cả ông Hưng đều sửng sốt trước phong cảnh về đêm của căn nhà, đèn hai bên lối đi, đèn viền quanh sân cỏ, đèn chiếu màu lên đá, đèn rọi lên cây và lập lòe trong bụi rậm, khóm hoa... Ông Hưng xém chút nữa thì buộc miệng hớ lời "Trời! anh mới bắt đèn ..." nhưng ông đã kịp thời bịt miệng làm bộ tằng hắng ho. Kỉnh đi vòng qua định mở cửa xe thì Nhã đã tự leo xuống, nàng ngước nhìn toà nhà hai từng sang trọng, cánh cửa đôi to lớn bằng cả diện tích căn phòng của chị em nàng ở Việt Nam ... Nhã như bị thôi miên, nàng bước theo hai hàng đèn mờ uốn lượn dẫn đường cho lối đi, nàng không dám tin ở mắt mình khi lạc vào vườn sau nơi có cái lều thơ mà Kỉnh đã cố tình để sáng đèn lồng lúc ban chiều. Ông Hưng và Kỉnh đang theo sau Nhã, vừa lúc nàng chồm mình vào chiêm ngưỡng lều thơ thì ông Hưng bỗng níu tay Kỉnh kéo anh sang một bên rồi nói khẻ:
            _Anh Kỉnh này ... vườn đẹp quá...tôi không ngờ anh tài đến thế và anh thật tốt với tôi ...nhưng tôi nhờ anh chuyện này ... anh làm ơn nếu vợ tôi có hỏi thì ...hãy nói là tất cả do... do tôi thiết kế nhé! À mà này...tốn kém bao nhiêu, mai anh cứ đưa bill cho tôi tính tiền ngay. José vẫn đi làm thường chứ?
            _Vâng! nó vẫn thường...
            Kỉnh không muốn nói thêm, anh thấy nghẹn họng vì giận, trước mắt anh bây giờ là Hưng-Sói quá tầm thường, Có lẽ ông ta về Việt Nam cũng "nỗ" dữ dội nên bây giờ sợ "lòi đuôi" đây. Bao nhiêu công lao, công trình làm đẹp cho nhà này, Kỉnh nhường cho ông ta không tiếc nhưng cái lều thơ thì không thể để bị tiếm công như thế được. Kỉnh nhìn Nhã hết chỉ tay vào lều thơ lại ôm hôn ông Hưng mấy lần, anh bình tâm lại tự nghĩ "họ thuê mình làm vườn, cất lều thơ... nhà của họ, vườn của họ...ta thật vô lý, hơi đâu mà tức giận...giờ về nghĩ, mai đưa bill tính tiền".

            Xem vườn xong, Kỉnh theo vợ chồng ông Hưng vào nhà. Ông đưa Nhã lên lầu tắm gội rồi xuống bếp mở chai Cordon Blue uống với Kỉnh. anh cố tình uống thật chậm ly rượu đợi Nhã xuống, nhưng dường như nằm ngâm bồn thú hơn tắm giếng Sài Gòn nên Kỉnh đã cạn ly thứ hai mà vẫn chưa thấy nàng xuống lầu. Tuy chưa muốn về nhưng sợ ngồi thêm sẽ "cho chó ăn chè", anh đành từ giả khoa học gia Hưng-Sói, người đàn ông may mắn vừa rước vợ đẹp từ Việt Nam qua.

            Kỉnh cho chiếc Mercedes của Ông Hưng vào nhà xe xong anh mới bước ra đường tìm cái xe truck bầm dập của mình lái về. Đèn đường, dấu mình trong sương đêm dày đặc như đồng lỏa với tâm tư đang nỗi cơn bất chính của Kỉnh, tức thi sĩ Lã-Hư-Vô.

            Về đến nhà Kỉnh đá hai chiếc giầy vào một xó, cởi bộ đồ xịn "quan hôn tang tế" rồi gieo mình lên giường. anh bấm nút mở tivi cho "ma" coi, còn mình thì ôm cái máy vi tính lên mạng, Kỉnh giờ đây đã hoá thân thành thi sĩ Lã-Hư-Vô.



            Việc đầu tiên là mở hộp điện thư và tin nhắn riêng, cả hai đều âm thịnh, dương suy, toàn là thư của đàn bà, con gái, Lã-Hư-Vô không buồn đọc kỷ nội dung, anh cứ cắt và dán mấy lời sáo ngữ, tạ ơn, chúc tụng để hồi âm cho từng người. Làm xong cái công việc "một ngày như mọi ngày... anh trả lời vậy thôi ...", Thi sĩ mới mở thư của Nhạ-Vô-Thường. Thư nàng chỉ có vài dòng và mấy câu thơ bốn chữ:

            "Hai hôm nay NVT bận việc nên không lên mạng để hoạ bài và đọc thơ huynh. Hết bận muội sẽ đền bù. Đừng giận muội nghe!

            Gửi về huynh Lã-Hư-Vô một làn gió ấm ...
            một mai em đi
            chẳng thay đổi gì
            khi hồn trọ mãi
            những bài thơ anh
            NVT"

            Lã-Hư-Vô cảm động lắm, anh gõ phím trả lời:

            "Mụi hãy lo cho xong việc, giữa chúng ta không có thời gian cũng chẳng có không gian...vội gì hở mụi...

            Gửi về em một cơn gió mát ...
            mai kia em về
            tình vẫn đam mê
            hồn thơ ở trọ
            mãi vẹn câu thề
            LHV"

            Kỉnh định làm thêm một bài thơ bày tỏ sự nhớ nhung dựa theo lời ca "chờ em chờ đến bao giờ ...mấy thu tình đã bạc đầu ..." nhưng mới được một câu đầu thì tư tưởng bị vọp bẻ vì hình bóng của Nhã, người vợ mới cưới của ông Hưng đang về gõ cửa hồn anh. Kỉnh gửi điện thư xong anh tắt máy vi tính rồi chọn một đĩa nhạc có bài Torn-between-two-lovers, nghĩa là "vầng trăng ai xẻ làm đôi ... nửa em trên mạng... nửa người mới quen", anh cho vào máy nằm nghe. Trong bóng tối của căn phòng nặng mùi độc thân, thi sĩ Lã-Hư-Vô rưng rưng nghe tim mình đang nứt làm hai, một nửa nghiêng bên Nhạ-Vô-Thường, tiểu muội thi ca còn nữa kia đang xôi máu vì tiếng sét ái tình lúc ban chiều gặp Nhã, vợ của người ta.

            Sáng hôm sau, mới năm giờ sáng, José đã đến nhà. Sau khi chất máy cắt cỏ và đồ nghề làm vườn lên xe, José chở Kỉnh phóng xe ra xa lộ như nhịp sống hằng ngày của công ty Fuc Landscape, tên công ty gánh-cắt-cỏ trước kia của phúc, giờ đang thuộc về Kỉnh. Công ty gồm có một giám đốc kiêm tỉa cây, nhổ cỏ và một phó giám đốc kiêm đẩy máy cắt và hốt rác.

            Nhà ông Hưng không nằm trong danh sách hôm nay nhưng Kỉnh bảo José cứ ghé qua. Kỉnh đi vòng quanh nhà, cửa đóng im lìm như chưa tỉnh giấc, anh bảo José đừng tắt máy xe, cố ý kinh động chủ nhà nhưng chẳng ai ra mở cửa. Kỉnh chợt nhớ ra "À! ban ngày bên đây là đêm ở Việt Nam, có lẽ phải mất cả tuần họ mới quen được giờ giấc ăn ngủ", anh buồn như đứa bé mất đồ chơi đành gọi José quay xe ra cổng. Buổi chiều, sau khi tắm gội xong, Kỉnh làm bộ trở lại nhà ông Hưng để thanh toán tiền bạc. anh chỉ gặp ông Hưng dưới nhà, hỏi thăm thì Nhã vẫn nằm ôm laptop viết thư cho gia đình. Kỉnh vờ vịt dặn dò chủ nhà về chẳng cần canh chừng đèn, nước tưới vì tất cả đều tự động mở, tắt. Kỉnh nhét cái hoá đơn vào túi để có cớ cho ngày mai lại đến nhà. Nhin đôi mi mắt sưng sưng như vừa thỏa mản dục tình của Hưng, Kỉnh chán ngán chào từ giả ra về.

            Đêm đến, Kỉnh mở vi tính lên mạng. Không có thư cùa Nhạ-Vô-Thường.

            Từ hôm ra đón ở phi trường đến nay, Kỉnh tìm đủ cớ đến nhà ông Hưng để gặp Nhã nhưng đã năm ngày rồi mà Kỉnh vẫn chưa gặp lại người vợ trẻ của ông ta. Theo lịch trình thì hôm nay đã tới kỳ cắt cỏ nhà ông Hưng. Măt Trời vừa ló dạng, tiếng máy tỉa cây của Kỉnh cùng với máy cắt cỏ José đang đẩy, xé tan không gian tỉnh lặng còn mờ sương của xóm nhà giàu ngủ muộn. Nhã xuất hiện tren bao lơn, trông nàng đẹp hơn hôm mới đến bội phần. Nước da ngậm nắng nhiệt đới bây giờ lại trắng trẻo, mịn màng. Nhã thấy Kỉnh đứng "hoá đá" nhìn mình, nàng lên tiếng:
            _ Chào hai anh, Còn sớm quá mà sao máy nổ to vậy?
            Kỉnh, hồn đang lạc lối quýnh quáng tìm về:
            _ Làm sớm, nghĩ sớm ...thưa...thưa cô.
            _ Mỗi ngày các anh phải cắt cỏ mấy nhà?
            _ Trung bình là bảy, tám nhà.
            _ Anh có thể làm nhà khác trước, nhà này sau cùng không?
            _ Vâng, cũng được. Nhưng hôm nay thì lỡ rồi, phiền cô đề chúng tôi làm cho xong.
            _ Được, đưọc các anh cứ tiếp tục làm việc đi!
            Kỉnh chuyển đề tài:
            _ Cô có thích cái lều thơ tôi cất không? Tôi nghe anh Hưng nói cô giỏi về cầm-kỳ-thi-họa.
            _ Hổng dám đâu! đừng nghe anh ấy. Lều thơ hả, trời! tôi thích lắm, anh Hưng có nói ảnh thiết kế cho anh đóng phải không? anh tài ghê! cám ơn anh nghe!
            _ Đáng gì, cô quá khen.
            _ À, để tôi thay đồ xong, tôi xuống hỏi anh về mấy bông hoa trong vườn, hoa nhiều và đẹp quá! Có loài tôi chưa tưng thấy bao giờ.



            Kỉnh đưa Nhã đi khắp vườn, anh giải thích đặc tính và tên các loài hoa. Nơi nào có nhánh chết hoăc hoa khô, Kỉnh rút kéo ra cắt bỏ, Nhã cũng theo mở miêng túi rác cho anh bỏ vào. Mặt trời lên cao, nắng chiếu qua những cành cây, kẻ lá. Bấy giờ là đầu tháng năm nên hoa nở khắp vườn, khoe sắc thắm muôn màu. Họ tiến gần tới cái lều thơ, Nhã hỏi:
            _Anh gì ơi! cái nhà nhật này mới cất phải không?
            _Vâng, mới cất xong...Tôi thì gọi cái nhà này là lều thơ...À tôi tên Kỉnh.
            _Còn tôi là Nhã...ai là thi sĩ ở đây mà nhà đó được gọi là lều thơ?
            _Chính là cô! không phải cô là nhà thơ sao?
            _Hổng dám đâu! tôi chỉ tập tành cho vui thôi, chồng tôi nói với anh hả?
            _Ông ấy cho tôi biết cô làm thơ từ khi còn bé.
            _Anh đừng tin nhé! mèo khen mèo dài đuôi đó!
            _Xin lỗi, bút hiệu của cô là gì?
            Nhã dường như không nghe, nàng cúi xuống ngắt một cọng hoa cỏ rồi chu miệng thổi cho bay vào không khí. Kỉnh định hỏi lảng sang chuyện khác thì Nhã cất tiếng trả lời:
            _Bút hiệu à! tôi làm gi có.
            _Cô có đăng thơ lên mạng không?
            _Tôi đang dự tính sẽ đăng lên mạng nay mai.
            Kỉnh rút giấy bút trong túi ra, anh ghi vội địa chỉ điện thư của mình rồi đưa cho Nhã và xin nàng cho biết trang nào để anh vào mở ra đọc, Kỉnh chỉ đưa địa chỉ cá nhân và không muốn tiết lộ mình là thi sĩ Lã-Hư-Vô.

            Về nhà tắm rửa xong, Kỉnh lên mạng mở mục tin nhắn, anh thất vọng không có thư của Nhạ-Vô-Thường. Kỉnh chạy ra mục bài mới đăng, cũng không thấy nàng đăng bài, hay lưu bút. Kỉnh mở Yahoo-chat cầu may nàng thấy anh mà bắt liên lạc rồi anh dạo diễn đàn đọc thơ. Có một bài thơ làm Kỉnh giựt mình, đó là bài của một thành viên mới với bút hiệu là Lý-Bạch-Tân. Bài thơ dùng từng chữ trong tên NHAVOTHUONG, xếp theo hàng dọc thành mười một câu thơ tỏ tình một cách lãng mạn, bay bướm. Đỉnh tuy công nhận bài thơ khá hay nhưng trong lòng hết sức bực bội vì cái câu cuối, "Gợi ta nhớ mãi đôi bờ mi em", vậy là Nhạ-Vô-Thường có tình tứ với cái tên Lý-Bạch-Tân khó ưa này, có lẽ họ quen nhau ở trang web nào khác từ trước rồi, thảo nào mấy hôm nay nàng né Kỉnh, không một lá thư. Kỉnh mở lon bia tu một hơi, miệng chửi thề "mẹ! đúng là xứ ảo, toàn là hư ảo!". Kỉnh nốc thêm một hơi hết sạch bia trong lon, anh tắt máy vi tính rồi lên giường nằm nghe nhạc và để yên cho hình bóng Nhã, vợ Hưng-Sói, hiện đến ôm choàng cái tâm trí đang phiền muộn vô bờ của anh.

            Kỉnh đang làm việc thì nghe ông Hưng gọi anh tới nhà gấp vì Nhã vừa cán bể ống nước trong lúc cùng ông tập lái xe. Nước đang phun ra tràn lan cả vườn. Vừa tới nơi, Kỉnh dụi tắt điếu thuốc, vuốt tóc rồi sửa lại nét mặt cho hợp với phong độ "anh hùng cứu mỹ nhân". Không thấy ông Hưng đâu chỉ có Nhã đứng đó, mặt nàng buồn thiu, trông càng đẹp như...người em sầu muộn của muôn đời. Nàng ra dấu cho José và Kỉnh thấy vết bánh xe làm trũng đám cỏ. "bể ống nước dưới đây" José vừa nói vừa đào đất, nó càng đào, mực nước càng dâng lên. José chạy đi khóa nước. Khi Kỉnh thấy những lọn nước trong sùi lên mặt, anh thọc tay xuống mò tìm ống nước, tay áo Kỉnh xắn không khéo bị xổ ra chạm vào bùn nước. Nhã liền cúi xuống giúp anh xăn lại tay áo, má nàng kề sát bên Kỉnh, một lọn tóc nàng rơi xuống quét ngang cánh tay Kỉnh làm lòng anh thốn lên, cái cảm giác của thằng con trai mới lớn vừa về lại trong anh. Nhã với nét mặt thản nhiên hất đầu sang một bên cho tóc đánh vòng về vắt qua vai, trong chớp mắt, Kỉnh nhìn qua cổ áo nàng, thấy hai quả đào tiên, trắng mịn màng, thon thả, bàn tay Kỉnh bóp vào lớp bùn non không điểm tựa, hơi thở trật tông, nhịp tim sai phách, trong anh đang hoà tấu một bản nhạc kỳ cục vô cùng.

            Suốt buổi chiều làm vườn ở những nhà còn lại, Jose thấy Kỉnh trầm tư, không nói một lời, lâu lâu lại dừng tay đứng lẩm bẩm một mình, khi thì mĩm cười, lúc lại cau mặt buồn như một nhà thơ táo bón ngôn từ... José buột miệng "muy loco!", "đúng là mát giây!".

            Đêm đến, Kỉnh, thi sĩ Lã-Hư-Vô lại lên mạng vào diễn đàn Thơ-Văn-Sáng-Tác. Bên ngoài mưa to, gió lớn gợi lòng anh nhung nhớ người tình "hư ảo" Nhạ-Vô-Thường. Cũng những đêm mưa như thế này, hai người thường tìm đến nhau qua Yahoo-Chat để tâm tình và để trao nhau những câu thơ cảm hứng đối đáp. "Nhạ-Vô-Thường, giờ này mụi ở đâu?" Kỉnh gào lên trong Yahoo message "Mụi có biết huynh lên đây chờ mụi từng giây từng phút ..." Kỉnh ngưng lại vì nếu mà cứ gào tiếp sẽ có lúc xuống "xề" một câu cải lương ...khi mà lòng anh vừa chợt nhớ tới Lý-Bạch-Tân, một tình địch đáng rét, trên thi-đàn. Nhớ tới nhà thơ họ Lý, Kỉnh duyệt qua những bài mới đăng thì thấy bốn năm bài thơ mới của hắn đều tỏ tình với một cái tên lạ hoắc của một thành viên mới vào thi đàn..."Em thay áo mới lụa đào...đôi hài yêu dấu hôm nao vẫn còn..." Hai câu thơ này chứng tỏ họ Lý đã từng quen biết người mới đến thi đàn, "không lẽ đó là Nhạ-Vô-Thường mới khoát áo lụa đào, thay tên đổi hiệu", càng nghĩ Kỉnh càng thấy ghét cay cái tên Lý-Bạch-Tân. Kỉnh đấm vào không khí gọi nàng thơ đến để làm một bài chọi lại cho hả giận nhưng "nàng thơ" không thèm đến mà "cụ bà thơ" lại nhập hồn Kỉnh làm nguyên một bài hận tình đen bạc với những con chữ hoà tan cùng "me chanh khế giấm".

            Trong khi nhà thơ Lã-Hư-Vô thất tình đến biến thành lã-hư...thân thì Kỉnh của ban ngày lại thăng hoa tình ái. Hôm nay Nhã xin được theo Kỉnh đi xem hoa ở trại cây giống Evergreen Nursery. Kỉnh mừng như muôn nghìn giọt máu chen lấn chạy ngược về tim. Kỉnh cho xe chạy đường vòng để được gần lâu bên Nhã như dân cyclo Sài Gòn gạt gẫm dân quê mới lên tỉnh lần đầu. Không ngờ Nhã lại thích hoa đến thế, nàng hết níu áo anh bảo đợi để nhin khóm hoa này hoặc ngữi đóa hoa kia. Hồn Kỉnh lâng lâng như lạc về huyền thoại của Bích-Câu-Kỳ-Ngộ khi Tú-Uyên gặp Giáng-Kiều rồi ôm lòng say đắm. Chiều xuống trên đường về nhà ông Hưng, Kỉnh cho xe ghé một quán cà phê trên đồi cao. Hai người ngồi nhâm nhi, trò chuyện dưới mây trời bàng bạc, gió hiu hiu và ngắm nhìn xa mạc bao la, xa tít ngút ngàn xa. Kỉnh cảm giác hồn mình chơi vơi, lâng lâng...



            _Anh Kỉnh này! anh đang nghĩ gì vậy?
            Kỉnh đáp:
            _Tôi đang tận hưởng cái thú vị của cà phê và ngắm cảnh nơi đây. Cô đang viết gì đấy?
            _Hồi nãy anh đi lấy cà phê, tôi đã làm xong một bài thơ đó!
            _Nhanh vậy à!
            Nhã đưa cuốn sổ nhỏ, bìa màu hồng đã lật sẵn trang mới viết cho Đỉnh xem. Đó là một bài thơ bốn câu, bảy chữ, Kỉnh nói:
            _Tôi đọc to nhé!
            _Ừ, anh cứ đọc to đi.
            Kỉnh vờ tằng hắng để lấy giọng gần như ngâm thơ:

            Chân ngày nở một trời hoa thắm
            Chiều lên đồi huyễn lắng mây trầm
            Hoàng hôn vừa gợi bao niềm nhớ
            Khóe hồn lại hé nụ hoa thơ

            Kỉnh đọc xong, anh đọc lại một hai lần nữa nhưng chỉ đọc thầm chứ không lớn giọng, Nhã ngồi quan sát thái độ bất ngờ trầm tư, sâu lắng và nét mặt trở nên khó coi của Kỉnh, nàng cười thầm "làm sao mà ông làm vườn này hiểu được hết cái hay của bài thơ". Kỉnh trao lại cuốn sổ nhỏ cho Nhã, anh nói:

            _Đúng là một bài thơ ngắn mà hay tuyệt, nếu tôi nghĩ không lầm thì cô đã làm thơ nhiều lắm trước kia, rồi không làm nữa, cho tới hôm nay đi ngắm hoa, ngồi trên xe thưởng thức cảnh đẹp hai bên đường và khung cảnh nơi đây đã làm cho hồn thơ cô vừa thức dậy...có đúng không cô...Nhã?
            _Ơ..ơ ..đúng, y như anh nói...anh tài thật...làm thầy bói được đấy!
            _Tôi mà thầy bói gì, chỉ là thần giao cách cảm...nghĩa là cái cảm xúc trong thơ của cô nó truyền qua người đọc mà thôi.
            _Anh này khéo nói, khéo nịnh đầm, tôi đoán anh đắt đào lắm, phải không?
            Kỉnh nở nụ cười héo hắt, làm sao Nhã biết được đời anh cô đơn như thuyền trôi giữa dòng, chèo không chổ cắm, anh đa mang nghiệp thơ văn, thối chí học hành nên không danh phận, quen người chưa tròn vài ba con trăng thì lại thôi...anh đi về đi...trông mong gì...hoặc, em...trong vòng tay lạ...em thành đàn bà cho anh xót...xa. Lấy vợ thì Kỉnh muốn lắm, đêm nằm có người gác chân, rúc vào ngực mình ngủ say thì hạnh phúc, nồng nàn còn gì hơn nhưng nghĩ tới hoàn cảnh của một người bạn cầm kỳ thi tửu là Tưởng-Phi-Long, Kỉnh lại chột dạ. Đó là một hôm Kỉnh sang nhà Long chơi, Long khoe một bài thơ, nhắc vợ về những kỷ niệm xưa, mới làm nữa chừng rất lãng mạn:

            Còn nhớ không em những buổi chiều
            con đường nhạt nắng gió hiu hiu
            ta dìu nhau buớc qua tình sử
            ngày ấy thương em thương rất nhiều

            Và nhớ không em thuở biết yêu
            em vui hay nói đủ mọi điều
            anh thường ôm chặt hôn lên mắt
            uống lệ em buồn lúc cô liêu

            Long đề nghị Kỉnh làm tiếp tàm câu sau, Kỉnh ngồi vào bàn phím xuất "ngón" thành thơ ngay...

            Ngày ấy thơ ngây dáng mỹ miều
            đã trói tim anh sợi chỉ yêu...

            Mới được hai câu thì Long ghiền thuốc, kéo Kỉnh ra ngoài hút, đến khi vào nhà định làm tiếp bài thơ thì Kỉnh há hốc mồm kinh ngạc còn Long thì mặt trắng nhợt như tử thi bởi vì vợ Long đã ra tay gõ tiếp hai câu của Kỉnh tự hồi nào...

            Ngày ấy thơ ngây dáng mỹ miều
            đã trói tim anh sợi chỉ yêu...
            mà dặn trăm lần như còn thiếu
            đái rồi, phải rửa sạch cầu tiêu!

            Bà đi chợ mới về đây, giặc đồ chưa? thơ với thẩn tối ngày!

            Bà vợ quái thê của Long không biết là nhà có Kỉnh, Kỉnh thì đang vọt ra cửa sau phóng mình ra lộ, xém chút nữa bị xe cán chết...Nghĩ đến trường hợp của Long và một vài chàng thơ khác, Kỉnh mấy lần ván sắp đóng thuyền thì anh lại mang đi đóng hòm chôn những cuộc tình chết nửa chừng xuân.

            Hiện tại thì Kỉnh chỉ có một người tình duy nhất là Nhạ-Vô-Thường, người tình trên xứ ảo làm thơ, hoạ bài với anh. Vì nàng là người tình không "chưn run" nên Kỉnh chưa hề thấy mặt hay thấy ảnh. Kỉnh chỉ rung động vì thơ văn thôi chứ không rạo rực, đam mê và bồn chồn như giây phút ngồi bên Nhã, một người thật, đang thở vào hơi thở anh và đang lúc lắc con tim anh như chuông lục lạc.
            _Mình về chưa anh Kỉnh?
            _Ừ chiều rồi, để tôi đua cô về.
            Kỉnh nghe Nhã dùng chữ mình tưởng chừng như "mình ơi!", anh thấy lòng rộn vui liền đưa tay đẩy lưng Nhã hướng về lối ra chỗ đậu xe. Thấy Nhã để yên không phản ứng gì nên khi ra tới xe Kỉnh làm như lịch sự, anh vòng tay qua eo Nhã như dìu nàng bước lên xe, Nhã vẫn vô tư cũng không phản ứng. Xe về tới nhà Hưng-Sói thì trời sụp tối, đèn đường vừa lên, đủ để thấy ánh mắt đục ngầu dục vọng của Kỉnh.

            Ba ngày sau đó không có cớ gì để gặp mặt Nhã, lòng Kỉnh buồn vô hạn, anh cũng chẳng làm được bài thơ nào. "Quái lạ! khi không có ai để tương tư thì thơ trào ra như tức nước vỡ bờ còn bây giờ cứ làm được một câu lại bí lù", Kỉnh đâu biết là hồn thơ của anh bị hai quả đào tiên mịn màng hôm nào và nụ cười có cái lún đống tiền một bên của Nhã về chiếm chỗ. Mấy đêm liền Kỉnh cũng bỏ lên mạng ghé thi-đàn vì tương tư Nhã.



            Hôm nay đã đến kỳ cắt cỏ nhà Hưng-Sói, Kỉnh tỉa qua loa vài nhánh hoa khô rồi để José vừa cắt cỏ vừa hốt rác anh ra sau vườn sửa cánh cửa của lều thơ theo lời dặn treo trên cửa garage. Kỉnh đến lều thơ, chưa vội bắt tay vào việc, anh leo lên sàn để tìm chút dư hương còn thoảng lại của Nhã. Kỉnh nhìn lên bàn thấy có cuốn sổ nhỏ màu hồng mà Nhã dùng để làm thơ và khoe anh bài thơ mấy hôm hôm trước đây. Anh nhìn quanh sân xong liền mở cuốn sổ ra xem từ đầu đến cuối...

            José ngơ ngác nhìn Kỉnh hốt dụng cụ làm vườn, bao rác ném vội lên xe, nó hỏi "Por que hurry up?", "gi mà gấp vậy?" Kỉnh chẳng trả lời, anh giục José lên xe ngồi rồi lái nhanh ra cổng nhưng xe ông Hưng đã về chắn trước lối vào, Kỉnh đành cho xe lui ngang bồn hoa nhường chỗ. Ông Hưng đậu xe xong tiến về phía Kỉnh lên tiếng:
            _Thường ngày anh xong việc lúc mấy giờ?
            _Dạ có ngày bốn, có ngày sáu giờ chiều
            _Mùa này bảy, tám giờ mới tối hẳn anh có bằng lòng giúp tôi tập lái xe cho bà xã tôi không?
            _Ơ...ơ ... dạ cũng được
            _Nghe giọng anh hình như anh không muốn rồi, vậy anh có thể tìm giùm xem có ai chuyên dạy lái xe hộ tôi không?
            _Không, tôi giúp ông được mà.
            _Anh không miễn cưỡng chứ?
            _Thưa không.
            _Vậy nhá! cách một ngày dợt xe một lần, anh cứ nói thật tiền công bao nhiêu tôi trả.
            Kỉnh định nói không lấy tiền, chỉ dạy free nhưng anh chợt sợ ông Hưng nghĩ rằng anh có ý đồ gì khác mới không tính tiền công nên anh nói:
            _Thường thì khi nào đậu bằng lái mới được trả công...Ông đừng lo! nhất định tôi sẽ giúp bà nhà thi đậu bằng lái chỉ trong thời gian ngắn thôi.
            _Vậy cám ơn anh trước.
            Ông chìa tay ra bắt tay Kỉnh, ngây thơ "giao trứng cho ác". Thật ra Kỉnh định không nhận lời vì anh mới phát giác ra tông tích của Nhã nhưng anh đổi ý chính là vì anh cần phải gần bên Nhã nhiều thêm để cho Nhã từ từ hiểu anh hơn, vì sao một Lã-Hư-Vô phải chọn cái nghề tầm thường đi cắt cỏ.



            Nhã chính là Nhạ-Vô-Thường.

            Những trang trước bài thơ mới làm trong cuốn sổ nhỏ màu hồng là những bài thơ nàng từng họa bài với Kỉnh tức thi sĩ Lã-Hư-Vô.

            Từ khi biết Nhã là người tình trên xứ ảo, Kỉnh tự nhiên xem nàng như một người yêu thực sự ngoài đời cho nên những lúc gặp nhau hay những giờ tập xe, Kỉnh thường có những cử chỉ, cái nắm tay, lắc vai nàng thân mật như một người yêu bé bỏng. Riêng Nhã thì tưởng đấy là cung cách tự nhiên, nam nữ , bình đẳng của những người sống lâu năm trên đất Mỹ. Cho đến một hôm, Kỉnh thò đầu vào cửa xe ghé môi hôn nhẹ lên vai nàng thì Nhã hoảng hồn, tức giận nhấn mạnh ga...chiếc xe tông xầm vào một gốc cây bên đường.

            _Em không muốn ông Kỉnh tập lái xe nữa.
            _Sao vậy em?
            _Ông Kỉnh có những thái độ không phài là người đứng đắn như anh nói.
            _Ông ấy làm gì em?
            _Không gi cả, chỉ là ông ấy coi thường em và đánh giá em quá thấp. Em từ Việt Nam qua chứ không phải là gái quê mới lên tỉnh.
            Nhìn mặt Nhã bực dọc, Ông Hưng không muốn hỏi thêm tuy trong người cũng đang sôi máu khì tưởng tượng những hình ảnh mà nhiều tên đàn ông hay sinh thói gở gạc khi gần đàn bà như chính ông cũng vậy. Ông nắm tay Nhã vuốt cơn giận của nàng:
            _Thôi được, anh không hỏi nữa là hắn đã làm gì cho em bực mình, Ngày mai anh gọi hắn đến tính sổ rồi tìm người làm vườn khác. Em nghĩ sao? Anh xử vậy được chưa?
            _Tùy anh, nhưng nếu anh có tìm thì tìm người nghèo khó, lam lũ, cần cù cho ra dáng dân làm vườn cắt cỏ chứ cái ông Kỉnh này không giống tí nào, người gì mà nhổ cỏ, tỉa cây cũng áo quần bảnh bao, dầu thơm bôi nồng cả mũi.
            _Thì nghe nói ông ta cũng là từng là người học thức.
            _Học thức gì mà cư xử như phàm phu tục tử...
            Hưng sợ vợ lại giận nữa nên cắt ngang
            _Thôi để anh chở cưng đi ăn tối, nhớ mặc áo đậm màu nghe em!

            Kỉnh loay hoay bấm mãi cái khiển cố mở cổng nhà ông Hưng nhưng cái cửa sắt vẫn cứ lỳ lợm nằm yên không nhúc nhích, cuối cùng anh chịu thua dành ghi vài chữ gắn lên cổng nhắn chủ nhà là anh có đến nhưng không vào được. Kỉnh bắt đầu linh cảm chuyện gì không hay đã xảy ra vì ngay cả liên lạc bằng điện thoại cũng không nghe trả lời. "Hay Nhã đã nói hết cho chồng nghe chuyện anh tấn công tình dục, chỉ là một cái hôn nhẹ lên vai thôi mà!" Kỉnh lắc đầu không muốn nghĩ tiếp, anh vừa buồn, vừa tủi thân suốt cả đêm qua khi cứ nghĩ đến chắc Nhã khinh anh chỉ là kẻ làm vườn không xứng đáng với một nhà thơ và cũng là vợ cưng của một khoa học gia. Mấy lần Kỉnh định bụng ngày mai sẽ nói cho Nhã biết chàng chính là thi sĩ Lã-Hư-Vô, người từng được nàng thố lộ tình yêu trên mạng nhưng rồi lại thôi vì biết đâu nàng không chấp nhận ngay được một nhà thơ lớn lại là kẻ đẩy xe cắt cỏ tầm thường, cứ tiếp tục như vậy để được gần bên nàng và gần rơm thì lâu ngày lửa cũng bén. Gắn xong tờ giấy báo tin lên cổng, Kỉnh quay ra xe, đầu óc anh băn khoăn vì một cái hôn lên...vai em...gầy guộc nhỏ...như cánh vạc về chốn...có những ngày đen tối vì tình sắp xảy đến cho anh.

            Kỉnh về đến nhà, anh nhận được lá thơ có tấm chi phiếu của ông Hưng và vài dòng "Đây là số tiền maintenance hàng tháng và tôi tặng thêm ba tháng để bù cho sự mất mát công việc của anh. Kể từ ngày mai nhà tôi đã có người khác đến cắt cỏ, dọn vườn. Tôi cám ơn anh và José đã làm việc tốt bấy lâu nay". Kỉnh gấp lá thư ném lên bàn, anh lấy lon bia ra phòng khách rồi gieo mình xuống ghế nệm như rơi vào cõi chân không, hục hẫng.

            Hưng đưa thiệp mời của hội cựu học sinh OPQ cho Nhã xem, ông nói:
            _ Em nhớ diện thật đẹp cho bạn bè anh lác mắt, Nhã nghe!
            _ Có dạ vũ không anh? Em không biết nhảy, ngại lắm
            _ Bọn anh ra mắt đặc san kỷ niệm nhị thập chu niên chỉ ăn uống thôi, không có nhảy đầm.
            _ Đặc san à! anh có tham gia không?
            _ Có chứ! anh định tới đó mới mở sách ra để em đoán xem bài viết nào là của anh
            _ Vậy là anh dùng bút hiệu không phải tên thật
            _ Ừ! bút hiệu.
            _ Anh viết đề tài gi? về em hở?
            _ Anh. ...anh thì. ..thì anh viết về thưởng thức thi ca.
            _ Bút hiệu anh là gì, nói cho em nghe đi! đi anh!
            _ Không được, nói ra còn gì bất ngờ nữa.
            Nhã nũng nịu làm bộ giân nhưng nàng cảm thấy tôi nghiệp khi nhìn cái mặt méo xệch của chồng nên làm lành ngay:
            _ Anh không tiện nói thì thôi! Nhưng anh muốn em mặc thế nào, màu gì?
            Không đợi chồng trả lời, Nhã đi nhanh vào tủ áo để bắt đầu một sô trình diễn thời trang. Ông Hưng nhìn theo dáng đi làm điệu ỏng ẻo của vợ, ông nhướng mắt gãi đầu: "lại nữa rồi!"

            Vợ chồng Hưng-Sói đến trễ nhưng cũng vừa lúc chương trình bắt đầu. Nhìn đám đông người trong phòng hội không có lấy một người quen, Nhã cảm thấy lạc lỏng. Hơn lúc nào hết nàng thèm được một người nào đó chạy lại la lên giới thiệu với mọi người "tôi xin giới thiệu một người mà tên tuổi sẽ là một ngạc nhiên bất ngờ cho chúng ta, vâng, đây, thi sĩ Nhạ-Vô-Thường ..." Đang thả hồn theo ảo tưởng thì tiếng gõ micro bụp ...bụp từ loa phóng thanh làm cả phòng hội ngưng ngay tiếng ồn ào ..."Tôi xin trang trọng và hân hạnh giới thiệu cùng qúy vị ..."
            Nhã nhìn nhanh lên sân khầu. Tiếng người MC lập lại:
            _ Alô ..Alô một, hai ,ba, bốn ... testing... testing ... Vâng xin trang trọng giới thiệu với qúy vị người mở đầu chương trình cũng là người viết lời bạt cho tập đặc san của chúng ta ...Vâng, xin mời Văn-Thi-Sĩ Lã-Hư-Vô lên sân khấu.
            Tiếng vỗ tay dìu bước một người đàn ông dong dõng với nét mặt trịnh trọng tiến lên sân khấu.
            Nhã ôm ngực, bịt miệng mình, chận tiếng la thảng thốt, nàng không thể nào ngờ được ... Lã-Hư-Vô, người đang đứng trên kia, sắp phát biểu... lại là Kỉnh, Kỉnh cắt cỏ nhà nàng. Cảnh vật trước mặt Nhã lún sâu như đất sụp, ù tai, quay cuồng ... Nhã bước lùi lại rồi đi nhanh ra ngoài, trời rét lạnh, vài chiếc lá rơi trái mùa, hồn Nhã lạc cõi vô thường, tâm tư trống vắng hư vô.

            Ông Hưng lặng lẽ rời phòng hội đưa Nhã về nhà. Suốt thời gian trên xe, hai người chỉ nói một câu:
            _Em thật không ngờ!
            _Anh cũng không ngờ!

            Về đến nhà Nhã than nhức đầu xin lên lầu ngủ, kỳ thực nàng nằm mở vi tính lên mạng để ôn lại một mối tình ảo giờ đây chỉ còn lại nửa hồn thương đau...người tình trên mạng chưa hề gặp mặt, nay gặp thì lại là kẻ làm vườn vừa bị tống cổ vì dê, hay người chiều nay đạo mạo đứng đọc diễn văn ...hay chỉ là giấc mơ...mà thôi để rồi tiếc nuối...xót thương...suốt đời.

            Lý-Bạch-Tân xoá xong hết bài mình đăng trên Thi Đàn, ông rót đầy ly Martini rồi ra đứng ngoài bao lơn nhìn xuống cái lều thơ của vợ, cảnh vật mờ sương, đèn lồng mờ tỏa đẹp như trong phim võ hiệp. Lý-Bạch-Tân vuốt đầu lau một giọt sương vừa rơi trên cái trán hói của mình, ông hài lòng nhìn tấm bảng gỗ mới khắc với nét chữ bút lông "Nhạ-Vô-Thường" treo giữa hai cái lồng đèn trước lều thơ. Một làn sương vừa bay ngang như bàn tay khổng lồ đang cầm cục tẩy xoá dần tranh vẽ chiếc lều thơ.



            Trần-Đại
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.02.2009 08:25:35 bởi trandaik >
            #6
              trandaik 01.12.2008 09:13:31 (permalink)
              #7
                trandaik 01.12.2008 09:16:19 (permalink)
                Ba Và Bố
                http://vnthuquan.net/truyen/thuyhu.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nvn4n2n31n343tq83a3q3m3237nvn





                khung cửa sổ hai nhà cuối phố ...... chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ...

                Nam bước tới quầy mua cà phê, Lũy nhìn theo dáng dấp vẫn còn phong độ trong bộ y phục đắt tiền của Nam, một cảm giác xao xuyến, gợn sóng trong lòng nàng. Người đàn ông ấy, người chồng ấy, đã từng chia nhau hạnh phúc ngắn ngủi trong những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ở quê nhà. nàng nhớ lại cuộc sống phiêu bồng làm vợ lính, với những đêm dài nằm một minh, mắt cứ mở to nhìn nóc màn bởi Nam đi đóng đồn và hành quân liên tục. Lũy mĩm cười, má au au và ngời lên ánh mắt lạ lùng khi nhớ lại những lúc Nam trở về từ trận tuyến. Chàng như kẻ háu đói, ham muốn dồn dập, chàng đã làm cho giường nghiêng, gối lệch, bù lại những đêm dài trống vắng là những cuộc ái ân khi háo hức, lúc êm ái, mặn nồng. Cũng con người ấy, đã từng có thói quen thòng tay sau gáy nàng rồi lần vào cổ áo, đặt bàn tay lên vùng da thịt tròn trịa, mân mê đến ngủ thiếp đi trong hạnh phúc, bình an, Lúc ấy chàng trông dễ thương và đáng yêu làm sao. Lũy cố xua đuổi những kỷ niệm xưa đang dồn dập hiện về trong tâm trí bằng cách dùng ngón tay nhảy lò cò theo hạt nắng đang lung linh trên bàn để kéo mình về thực tại. Lũy vẫn hoang mang không biết trưa nay Nam gọi phôn, hẹn gặp nàng ra đây sẽ nói chuyện gì...

                Nam với tay mở khoá cửa xe cho cô con gái ngồi vào. Nào là kiếng mát, quần áo mô-đen, Tóc hai-lai, đồng hồ, điện thoại di động ... Tất cả cùng mùi nước hoa đều là những món đắt tiền trang điểm cho sự kiêu sa của cô gái tên Crystal, mới mười tám tuổi, năm thứ nhất đại học. Nam nhìn con gái của mình hát bài ca cũ là mắng yêu cho có lệ:
                _ Con diện đẹp như thế làm sao thoải mái tập trung cho việc học, hở Crytal?
                Crystal chỉ cười. Ông hỏi tiếp:
                _ Còn đi học mà lấy tiền đâu mua sắm hoài vậy con?
                _ Tiền ba má cho mỗi tuần chứ ở đâu ra. Quà của con đâu?
                _ Quà gi?
                _ Sinh nhật của con. Ba đã hứa cho con cái laptop mới mà.
                _ Nhưng mẹ mua cho con cái kia chưa được bao lâu mà!
                _ Con hứa với bạn nên đã cho nó rồi.
                _ Được rồi! lúc về, cha con mình sẽ ghé mua.
                _ Hôm nay ba lái xe của con thì hết đường chạy trốn nhá!

                Nói xong Crytal với tay kéo tấm chắn nắng xuống để soi mặt trong gương, con bé nở nụ cười hài lòng vì sắc đẹp và cách trang điểm của mình. Nam loay hoay chỉnh lại ghế ngồi, Kính chiếu hâu xong, chàng lái chiếc BMW mới toanhcủa Crystal ra cổng.



                Tuần tới Nam sẽ là nhân vật quan trọng trong đại hội cựu quân nhân, Hôm nay chàng theo con vào thư viện của trường đại học để tra cứu thêm về lịch sử chiến tranh cho bài diễn văn mà chàng sẽ đọc trong ngày đại hội. Ngoài việc làm cho nhà nước, Nam chỉ có duy nhất một thú đam mê là sinh hoạt chính trị ở hải ngoại, mặc cho bà vợ làm chủ hai tiệm móng tay lớn thu tiền như nước và con cái, ba đứa, tha hồ tiêu hoang, Nam đánh bóng tên tuổi của mình qua hội hè, họp mặt, và đình đám.

                Ngồi trong thư viện chưa đầy ba mươi phút, Nam đã bị ni-cô-tin hành hạ. Chàng ghiền thuốc lá nặng, mỗi ngày hút hơn một gói hai mươi điếu là thường. Nam bước ra ngoài tìm một nơi vắng vẻ để "kéo" vài hơi thuốc. Giờ này đã quá trưa, khuôn viên đại học im lìm, gió hiu hiu mát rượi. Nam ngồi xuống ghế đá moi thuốc ra hút, đang nghĩ ngợi tới dàn bài của diễn văn thì có tiếng bước chân rất gần rồi dừng lại sau lưng.
                _ Bố! Con chào bố.
                _ Ủa! Hiên! là con à!
                Nam còn đang sửng sốt thì đứa con gái tròn to mắt hỏi:
                _ Bố vào trường con có việc gì, Sao bố lại ngồi ở đây?
                _ À, bố vào tìm sách trong thư viện, còn con, con học ...
                Nam ấp úng dừng ngang lời muốn hỏi bởi người thiếu nữ trong cái quần jean sờn rách, áo cánh đơn sơ và lưng cõng cái túi to như cái ba-lô hành quân của Nam ngày nào, Hiên chính là đứa con của chàng và Lũy, người vợ mới sang Mỹ chưa được bao lâu. Nam cứ ngỡ là nó còn đang ở trung học. Chàng sực nhớ ngày nó mời chàng đi dự lễ ra trường lại là ngày nhóm của chàng đi nhậu để chào đón một huynh trưởng từ xa mới đến, tiệc tàn, Nam quên bẵng chuyện lễ ra trường của Hiên, mãi cho đến hôm nay mới gặp lại con bé.
                _ ...Con học... xong rồi à. bao giờ con về?
                _ Dạ chưa bố! Con đang chờ đến lượt mình dùng máy vi tính.
                _ Sao con không dùng máy ở nhà?
                _ Dạ nhà con không có, nên mới xử dụng máy ở trường.
                Nam nhìn con bé thương hại:
                _ Vậy bố mua cho con một cái vi tính nhé, Hiên!
                Hiên phản đối:
                _ Không được đâu bố, mẹ con sẽ không bằng lòng.
                Nam nhớ lại ngày hai mẹ con mới dọn về Cali, chàng đã mang đến cho một cái tivi nhưng hôm sau bị bà vợ mới ghen tuông, lấy lại đem cho nhà chú ruột của bà. Mẹ Hiên vừa giận vừa nguyền: "Từ nay trở đi mẹ con em sẽ không nhận một thứ gì anh mang tới nữa. Hãy để yên mẹ con em như em đã để yên cho anh với gia đình mới của anh". Nam đặt tay lên vai Hiên nói:
                _ Để bố hỏi ý mẹ con. Nhất định bố sẽ cho con cái vi tính.
                _Dạ thôi bố, con chưa cần lắm đâu.
                Rồi Hiên nhin đồng hồ la lên:
                _ Ấy chết! đến giờ con dùng máy rồi, con chào bố con đi. Bố về sau nhé!
                Nam nhìn theo dáng mãnh mai và mái tóc dài bay trong gió của Hiên biến mất sau góc tường, chàng liên tưởng mới ngày nào cùng mẹ nó chia tay nơi góc phố lúc tiễn chồng đi vào vùng hỏa tuyến. Cuộc tình thơ mộng sau đó nên duyên cầm sắt rồi cùng nhau nỗi trôi trên bốn vùng chiến thuật cho đến ngày chàng trở về từ trại cải tạo và Hiên chào đời trong cảnh hết sức cơ bần. Nam bàn với Lũy là chàng muốn đi vượt biên, đi trước tìm tương lai tốt đẹp cho gia đình, cho tương lai của bé Hiên. Chuyến đi thành công trót lọt. Nam đến được trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan, để lại quê nhà người vợ dấu yêu và bé Hiên chưa tròn hai tuổi. Lời người vợ trẻ đêm đêm vọng về: "Đi đi anh, hãy đi trong lúc này đừng để con mình lớn thêm sẽ bịn rịn khó đi đấy!"



                Nam từ trại tị nạn được vớt sang Hoa Kỳ. Chàng may mắn có việc làm ngay. Mới đầu Nam còn đều đặn gửi quá về Việt Nam cho vợ con. Chàng luôn nóng lòng chờ đợi tin tức của đơn từ bảo lãnh cho đến một ngày kia có người cho hay Lũy đã có người đàn ông khác. Những thùng quà vơi dần, không còn thường xuyên nữa, những lá thư quê nhà bị Nam ném vào sọt rác không buồn mở ra xem. Tiền dành cho thuốc lá và rượu bia cứ tăng dần cho đến khi chàng ngưng hẳn việc gởi quà cho vợ con.
                _ Nếu ông ấy không còn thương cô nữa thì cũng phải nghĩ tới đứa con chứ!
                _ Tôi không biết tại sao, hay là tại ông đấy!
                _ Việc gì đến tôi, tôi có làm gì đâu?
                Nàng nhìn ông già bộ đội miền bắc tiêm thuốc lào nói:
                _ Ông Thiêm này! Vì ông chiếm nhà tôi, dọn vào ở ngang xương, tôi nói sao chồng tôi cũng không tin.
                Người lính già phập phập cái ống tre xong kéo một hơi thuốc lào, không thả khói ra, ông ta nói:
                _ Nhà cô bị hóa giá, cô không có tiền nộp thuế, mất hộ khẩu vì diện đi kinh tế mới, tôi mua căn nhà này, có giấy tờ và nộp thuế hẳn hoi...Từ Kinh Tế Mới mẹ con cô trốn về ngủ ngoài hiên, cô còn nhớ chứ! tôi tội nghiệp con bé, sợ nó chết cóng, không đuổi đi mà còn nhường cả một nửa căn hộ còn gì. Cô bảo, có ai mà tốt với người dưng như thế đâu!
                _ Tôi nghĩ thật bất công và buồn cười, tự nhiên lại phải mang ơn kẻ chiếm nhà mình! Cám ơn lòng tốt của kẻ thắng trận nhá!
                _ Nếu tôi cho mình là kẻ thắng trận, tôi đã vinh quang về Bắc rồi. Cô không nhớ lời thề của tôi à?
                Lũy lặng yên, nàng cầm que củi lùa đám than hồng lên củ khoai. Lũy nhớ một lần có người ghé ngang nhờ trao lại gói quà của mẹ ông từ miền Bắc. Lũy mời trà rồi hỏi người ấy về ông Thiêm. Những đêm vượt Trường Sơn, hai người nằm võng kể chuyện cho nhau nghe. Thiêm đang công tác thủy lợi thì có tên đi bộ đội vào Nam. Trước ngày lên đường Thiêm làm đám cưới với Mê. Đêm động phòng lại là lúc Mê đang kỳ kinh nguyệt, sáng hôm sau chàng Thiêm còn trinh trắng theo đoàn người vác bị ra trận. Qua nhiều mùa lá rụng, đường Trường Sơn mài mòn hết đôi dép râu thì Thiêm nhận được thư của Mê từ quê nhà xin ly hôn để được lấy chồng khác. Thiêm chấp nhận dễ dàng như sau đó hắn gửi lại chiến trường một cánh tay không luyến tiếc nhưng hắn thề đến chết cũng không về quê xưa nữa. Từ đó Lũy không thù ghét ông Thiêm, nàng xếp ông ta vào "nỗi buồn chinh chiến".
                _ Cô cứ viết thư nói rõ với chồng cô nếu không tin tưởng thì hãy nhớ đến những ngày khói lửa có nhau của vợ chồng cô.
                Nói rồi ông đứng lên lấy chăn đáp cho bé Hiên và đong đưa cái võng con bé đang nằm ngủ mê man.
                _ Thôi tôi lên gác nằm để cô viết thư cho ông ấy.

                Thế đấy, chỉ vì nỗi kinh hoàng bị đày đi kinh tế mới, vì bàm víu căn nhà tổ bao đời của gia đình chàng mà đã gây nên hiểu lầm đau đớn. Bề ngoài như kẻ vô tình nhưng bên trong già Thiêm nuông chìu bé Hiên lắm. Hiên đi học, ông ta đưa đón, Hiên thèm quà, ông mua cho ăn, thèm rong chơi, ông ta, dù chỉ còn một cánh tay cũng đạp xe đưa nó đi đây đi đó. Bé Hiên thường ngây ngô hỏi:
                _ Mẹ ơi! sao tối ngày ông cứ hát có một câu.
                _ À, "khung cửa sổ hai nhà cuối phố"...chứ gì!
                _ Mẹ! Mẹ! câu đấy đấy "chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ"
                _Chắc ông có tâm sự gì đấy con ạ!
                _Ông kỳ ghê! ông hát câu đầu rồi con chờ mãi thật lâu ông mới hát câu thứ hai
                _Tánh ông thế, con chờ ông hát tiếp chi cho mệt
                _ Ông bỏ nửa chừng chưa hát câu sau là con cứ chờ, chờ mãi cho đến khi nào hát xong ..không khép bao giờ, con mới ăn được, học được, ngủ được.



                Đêm tiễn mẹ con Hiên trồn đi vượt biên, người lính già cụt tay ôm Hiên vào lòng không nói nên lời, Hiên khóc nức nở "cháu đi ông nhé, từ đây cháu không còn nghe ông hát nữa". Ông già siết chặc Hiên vào lòng rồi bồng nhiên cất tiếng "khung cửa sổ hai nhà cuối phố ...chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ.", lần đầu tiên Hiên nghe ông hát liền hai câu. Ông nghẹn ngào bên tai Hiên "lớn lên con sẽ hiểu vì sao cửa sổ không khép bao giờ ... Thôi con đi nhá, ông về!" Hiên kể chuyện ông già bộ đội tên Thiêm, lúc chia tay và chuyện lênh đênh trên biển qua những lá thư gửi cho bố làm Ông Nam càng thêm ghen tức, cả đứa con cũng dành hết tình cảm cho người dưng và người vợ thì không viết một chữ gì thăm hỏi hay nhắn lời cần giúp đỡ. Ông Nam bỏ mặc, bất cần, tối ngày bận rộn nhóm họp, hội hè và với tổ ấm mới của mình.

                Rồi mẹ con Lũy cũng được bảo trợ qua Mỹ. Ở xứ tuyết nơi đồng không mông quạnh của người bảo trợ, chịu không nổi, nàng đành dẫn con về California. Sau bao nhiêu cố gắng, Lũy đã lấy được bằng làm móng tay nhưng rồi cũng đành bỏ nghế vì dị ứng hoá chất. Lũy đi xin việc nhiều nơi nhưng không ai nhận, cuối cùng cũng được một việc là dọn rác ban đêm cho những cơ sở chính quyền. Tất cả khó nhọc và thiếu thốn cũng chỉ vì Lũy không muốn Nam kẹt tội song hôn, nghiã là một chồng hai vợ. Người vợ mới ở với chàng được ba đứa con. Chúng đã khôn lớn và cũng như mẹ, gây khó khăn rất nhiều cho việc đi lại cũng như giúp đỡ của cha chúng với mẹ con người vợ trước, Lũy và Hiên.

                Đưa Crystal đi mua Laptop xong, Nam gọi điện cho Lũy ngay:
                _ Anh muốn gặp em để ta bàn chút chuyện của bé Hiên, được không em?
                Bên kia im lặng khá lâu,..
                _ Vâng, vậy em sẽ gặp anh năm giờ chiều ở cái quán hôm nọ.
                _ Em nhớ mang theo dù nhé, trời sắp mưa to đấy
                _ ...
                Chàng chỉ nghe tiếng gác điện thoại.



                Nam trở lại bàn với hai tách cà phê nóng hỗi. chàng vừa khuấy đường trong ly vừa kể chuyện gặp bé Hiên lúc ban trưa, Nam đẩy ly về phía Lũy nói tiếp:
                _ Anh muốn cho bé Hiên cái máy vi tính, nó ngại không dám nhận vì biết em không bằng lòng.
                _ Vâng, anh đã biết thế nhưng anh không biết là chính nó cũng không muốn nhận đâu.
                _ Nhìn nó thiếu thốn mọi thứ và phải cực khổ ngồi chờ máy ở trường, anh đau lòng lắm!
                _ Anh còn đi lễ nhà thờ không?
                _ Vâng, anh vẫn đi lễ mỗi Chúa nhật...
                _ Anh vẫn còn đức tin chứ?
                _ Vâng, nhưng sao em hỏi thế?
                _ Anh yên tâm, Chúa đã hiểu lòng anh, Vậy xin anh đừng bận tâm đến em và con nữa. Một món quà bé nhỏ cũng sẽ làm xáo trộn cuộc sống bình an của nó.
                _ Nhưng ...
                _ Thôi em về!
                Nói xong nàng đứng lên, băng qua đường. Nam đứng lặng người nhìn theo dáng gầy guộc của người vợ một thời dấu yêu, mặn nồng ân ái, chìm dần vào cơn mưa đang bắt đầu nặng hạt.
                Nhạc trong quán ngẫu nhiên vang giọng hát ca sĩ B.Y "...khung cửa sổ hai nhà cuối phố ..." Nam ném người vào mưa, ngập lụt trong hồn.

                Trần-Đại

                <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.02.2009 08:51:10 bởi trandaik >
                #8
                  trandaik 11.01.2009 08:56:22 (permalink)
                  Đèo Bồng
                  Trần-Đại

                  Trích: http://trandaik.blogspot.com/

                  "quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày ..."




                  Một

                  Bobbi-Đôn sau một chuyến về thăm nhà mấy tháng trước, hắn đã để lại một chút quà cho quê hương trong một cuộc truy hoan lúc nửa đêm về sáng. Bobbi không gửi về cho cha dăm bao thuốc lá, cho mẹ dăm chiếc kim may, cho chị, rồi cho em kẹo, bánh thênh thang...hắn chỉ gửi tiền, tiền thôi, vì cô vợ nhỏ ở Sàigòn chỉ cần tiền, không có tiền, thằng bé trong bụng không chịu chào đời. Mấy chục năm về trước, ngày mà Bobbi-Đôn lạy chào mẹ cha để lên xe bông về nhà vợ, hắn được một ông thầy chấm cho lá số tử vi là số hắn lấy đươc vợ giàu, có đông con và hiền thê sẽ là người vượng phu ích tử nhưng tuổi đời sắp năm bó mà chờ mãi vẫn chẳng có đứa con nào chịu chui ra kêu bố, hắn nghĩ mà bực cái tên thày bói, "vượng phu ích tử gì ...giận phu ít tử thì có ..." Cuối năm ngoái, Bobbi-Đôn làm một chuyến độc hành du lịch về Việt-Nam, ai hỏi thì bảo là về thăm bà cô sắp chết nhưng kỳ thực là hắn chán đời muốn tìm chất khế ngọt quê hương dù có mệt cũng trèo hái mỗi ngày cho bù lại những tháng năm xa quê hương nhớ...bà nội. Câu chuyện đổi đời của Bobbi-Đôn không giống như những lâu đài tình ái xây trên đất lún hoặc bị các bà vợ lớn quát "anh...trở về điên đảo đời tôi ..." trái lại Bobbi bổng nhiên nỗi danh như cồn, Hộp điện thư của hắn choáng nghẹt bởi những lá thư đến từ năm châu, khắp thế giới. Cuộc đổi đời và chuyến phiêu lưu kỳ...cục đã biến một Bobbi-Đôn tầm thường thành một nhạc sĩ lừng danh trên mạng toàn cầu.

                  Lần chia tay vừa rồi với cô vợ nhỏ đang mang bầu, tiền bạc của Bobbi-Đôn gần như cạn sạch, hắn chẳng biết mua thứ gì vừa túi tiền còn lại để làm quà cho vợ lớn nên đành chỉ gói vài cuốn thơ đóng tập nhỏ bằng lòng bàn tay bày bán ở lề đường. Đôn biết vợ rất thích thơ, nhất là thơ TTKH, Hàn-Mạc-Tử, Lưu-Trọng-Lư và của nhiều thi sĩ khác từng gõ trống trong tim nàng thuở ... có thơ đi nhẹ vào đời, đời cô bé học trò mới biết yêu ... Hơn mười một giờ ngồi trên máy bay, Bobbi-Đôn giết thời giờ bằng cách mở mấy cuốn thơ tí hon ra đọc, hắn không ngờ là hắn đọc say mê đến thế, cả một trời ý thơ, cả rừng cây từ ngữ chao động hồn người. Từ nhỏ đến giờ Đôn chỉ ham đá banh, thoọc bi-da, không có duyên với sách vở, bằng đôi "con mắt trần gian... liếc ngang bài bạn bè... nên đường trần rồi khăn gói... hắn cũng vào đại học. Nhờ vốn liếng "học đại" Đôn biết chút ít về thơ văn và sang Mỹ, hắn lấy tín chỉ chung quanh môn âm nhạc và hội họa để né các môn học mất căn bản từ thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường Bobbi-Đôn chuẩn bị đặt chân vào lãnh vực văn học nghệ thuật...Đôn dặn với lòng mình là khi về nhà sẽ bắt đầu lập tủ thơ và giá sách.

                  Về nhà được hai ba tuần lễ thì vợ Bobbi-Đôn khám phá ra tiền trong chương mục cứ vơi dần, thằng chồng dễ thương của mình thường có những cú phone reng một tiếng rồi im, mỗi lần phone reng như thế thì sau đó hắn trốn ra sau vườn hoặc cuốc bộ ngoài đường vừa đi, vừa nói như một thằng điên bị trúng tà ... Cho đến một hôm, Đôn đi ngủ quên tắt máy vi tính thì bà vợ bắt gặp trên màn hình sô của một cô gái chụp ảnh đủ kiểu ...đứng, ngồi, nằm, bò , dạng háng, chống cằm, suy tư, bĩu môi, hờn dỗi ...Nàng sinh nghi, "đúng là thằng chồng phải gió này đang ăn chả ..giò mà giò cô gái lụa kia ắt hẵn là người đang sống ở Việt Nam.




                  Hai

                  Một buổi chiều mây thưa, bầu trời chia hai vạt nắng, nắng nhạt bên này, nắng quái ngoài kia. Tình cảm, con tim, nỗi lòng ...của Bobbi-Đôn cũng chia không đều như hai vạt nắng, tình cho người em "khế ngọt" đã chín mùi yêu đương và duyên với vợ hiền đã hóa thành cái nợ đời tự bao giờ. Bobbi ném cái tàn thuốc lá mới tập hút lại xuống vũng nước đầy váng mỡ rồi bước vào sân sửa xe. Một anh thợ máy thở nồng mùi bia vào mặt Bobbi, cho hắn hay là xe chưa sửa xong, anh thợ máy tình nguyện lấy xe riêng, chở hắn ra trạm xe buýt.

                  Một đêm nhậu giả say để mượn cớ ngủ qua đêm tại nhà thằng bạn, sáng chui vô sở làm và thêm một tối vờ làm khuya cho xong việc để ngủ luôn lên bàn cho tới sáng nay mới ra tiệm lấy xe đang sửa, tổng cộng là hai ngày, hai đêm Bobbi chưa về nhà. Quần áo Bobbi đã bốc mùi, râu ria mọc chĩa ra như bàn chông thời kháng chiến ... trông mà "khiến cháng".

                  Bobbi-Đôn về tới nhà mới hay nhà mình đang cắm bảng cho thuê, tất cả chìa khoá không còn hiệu lực nữa. Đôn bấm phôn gọi vợ, hắn nhận ra đầu giây bên kia là giọng của Julia-Lia, bạn của Lành, "Anh Đôn đó hả ? Chị Lành, bà xã anh lấy phôn mới rồi, chị ấy đưa tôi cái phone này, anh có cần gì thì mai anh ghé văn phòng tôi nhé ! thôi chào anh! Tôi có chuyện phải đi ngay !" Mặt Đôn tái nhợt, hắn đoán được phần nào chuyện gì đã xảy ra và cảm giác được những ngày âm u sắp tới. Bobbi-Đôn tìm số phone thằng bạn làm ở nhà in Quê-Vợ, tính chuyện nhờ vả, tìm chỗ ngủ qua đêm. Bên kia đầu giây là tiếng Toni-Văn thỏ thẻ ngọt như đường:
                  _ Cưng đó hở, em ở đâu... sao tới bây giờ mới gọi anh?
                  Bobbi-Đôn run run, lạc giọng:
                  _ Tao Đôn đây! thằng dâm tặc ! Tối nay...mày mau sửa soạn long sàng đón vua ...về ngự!
                  Nói xong câu đùa chơi như thường lệ với thằng bạn chí thân, tự nhiên Bobbi nghe giọng mình hôm nay trơ trẻn khác thường, bởi hắn đang ở trong tình trạng ruột gan héo úa, nhà cửa bị vợ thay ổ khoá như một lời tống cổ ra đường nhẹ nhàng, êm ái. Đôn đổi giọng thành khẩn:
                  _ Ý tao nói là cần có một chỗ ngủ qua đêm nay.
                  _ Ông nội mày! thằng mắc dịch ! sao gọi tao mà mày không mở I.D lên, làm tao tưởng ...
                  Toni bỏ lửng câu nói, hắn hỏi:
                  _ Mày về hồi nào? Đi Việt Nam ba tháng sao mới có hai tuần lại dông về mậy ?
                  Đôn không trả lời, chỉ hỏi:
                  _Tao cần chỗ tạm trú qua đêm. Đừng hỏi thêm gì cả, cứ thu xếp cho tao, gặp mặt tao sẽ giải thích cho mày nghe sau.
                  _Tao...tao làm chó gì có chỗ, nhà in cũng không cho tao giữ chìa nữa!
                  Bobbi-Đôn thất vọng, buồn thiu, buông thỏng tay đang cầm điện thoai xuống nhưng tiếng Toni đã vọng lên:
                  _ Ê..ê ...hello có rồi ! có rồi ! Mày còn nhớ khu côn-đô La Nena không, ra đó gặp tao, chừng hai mươi phút tao sẽ có mặt. Đợi ngay trước cổng sắt nhe mậy !
                  Đôn chưa kịp dặn Toni ghé xe ngang đón hắn thì thằng bạn đã gác máy. Đôn ném cái vali vô vườn sau nhà hắn rồi cuốc bộ tới điểm hẹn, chỉ cách có hai ngã tư đèn xanh.

                  Lúc Đôn đến nơi thì Toni-Văn đang đứng trò chuyện với một người đàn bà ngay cổng vào, Toni giới thiệu, "đây là Ai-Cơ bà chủ khu này còn đây là Bobbi người mà anh đã gọi phôn cho em nghe lúc nãy", Ai-Cơ chìa tay ra cho Bobbi bắt trong khi vẫn nhìn Toni tiếp tục cuộc đàm thoại bỏ dở :
                  _Anh cứ hẹn lần mà chẳng đặt tiền cọc nên căn đó có người dọn vào rồi, giờ chỉ còn cái condo sát bên em mà thôi, bao giờ thì anh mới chính thức dọn vô.
                  _ Tuần tới, ráng giúp anh đi, đừng để công ty thuê mướn họ quyết định, em là chủ mà !
                  _ Vậy thì anh mau ghé văn phòng đưa tiền cọc cho bà Nancy, càng sớm càng tốt.
                  _ Thì em cũng mau đưa bản thảo đây cho anh in thành sách mới có tiền trả tiền nhà chớ !
                  _ Bài vở em chưa ê-đít xong, đang tính chuyện bỏ bớt mấy bài thơ không ưng ý...
                  Bà chủ nhà chưa nói xong đã xoay qua giục Bobbi:
                  _Anh lái xe vào cổng rồi đậu phía bên guest kia nhé ! Rồi anh cứ mang hành lý theo lối sơn màu gạch đỏ này là tới cái condo, chúng tôi sẽ đợi anh ở trước cửa.
                  Bobbi-Đôn bất ngờ lúng túng vì đã vất hành lý sau vườn nhà hắn và tự cuốc bộ đến đây, chẳng có xe cộ gì cả. Nhưng rồi hắn cũng nhanh trí đáp lời:
                  _Vâng, cám ơn bà chủ, tôi vào cho biết chỗ trước rồi sẽ đi lấy xe sau.
                  _Tùy anh, mời anh theo tôi.

                  Thật ra trước đây Bobbi-Đôn đã từng nghe Toni-Văn nói nhiều về người đàn bà độc thân này. Tên thật của nàng là Huỳnh Thị Thanh Tuyền, phải chăng cái tên định mệnh Huỳnh Tuyền tức là suối vàng nên qua mấy đời chồng, ông nào cũng chết non, về nơi chín suối trong khi nàng, tức Ai-Cơ, vẫn còn đẹp mơn mởn như gà mái tơ... Bobbi-Đôn bước theo sau hai người cố xếp đặt những sự kiện để đoán ra chuyện gì đang chứa trong cái đầu thằng Toni ma lanh kia ... "Có thể hắn mướn cái condo cho con vợ bé ở ... hmm ... hắn không tiện rước mình về nhà vì lần trước bà xã hắn nói xiên, nói xỏ mình là đàn ông có vợ mà còn mê đào nhí ở trong nước. .. nên gửi mình tạm trú trước nơi đây ... hmmm à thì ra là vậy ..."
                  Bobbi-Đôn nghĩ thế, cho là đúng nên yên tâm thọc tay vào túi, thoải mái bước theo hai người. Trời đã ngã màu phai phôi.

                  Đi sau có cái lợi là được ngắm dáng vóc bà chủ trẻ trung này, Tuy gương mặt không mấy gì hấp dẫn để gọi là đẹp nhưng toàn thân và diện mạo đều cân đối, dễ coi và dáng đi thì mới thật là sang trọng, đài các. Đôn nhắm mắt vẽ ra những đường cong không che phủ của người đàn bà mới gặp, hắn linh cảm được một ngã rẽ tâm tình sắp xảy ra cho những ngày gác lạnh về khuya cơn gió lùa... sắp đến ...




                  ba

                  Sau một đêm ngủ không mền gối, Bobbi-Đôn thức dậy liền gọi phôn Julia-Lia hỏi về việc nhà cửa của mình đang treo bảng cho thuê. Julia-Lia cho hay căn nhà hoàn toàn thuộc về hắn, chỉ cần hắn ký tờ đơn ly dị, nếu chấp nhận ly dị, Julia-Lia sẽ sai người đến tháo bảng cho thuê xuống và giao cho hắn chìa khoá mới. Bobbi-Đôn nghe xong thân thể mềm nhũn như cao su, lảo đảo, nằm vật ra salon bất động. Bobbi-Đôn đã đoán được phần nào chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, một tên "cơm đang ngon lại đi thèm phở", ngày hôm qua, lúc nhìn thấy nhà bị treo bảng cho thuê, tưởng vợ chỉ hờn lẫy phút chốc rồi thôi nhưng hắn lại không thể ngờ được Lành đòi ly dị, người đàn bà dễ tính và hồn nhiên như trẻ thơ đó sao lại có quyết định ngang xương như thế này.

                  Thật tình thì Bobbi-Đôn vẫn yêu thương vợ như ngày nào, chỉ có điều là gần đây hắn sinh ra suy tư về thời gian quá tàn nhẫn cho những người đàn ông đốt cả đời trai đi cày trả nợ tiền nhà, tiền thẻ tín dụng, thoáng một cái vụt đã sắp ngoài năm mươi. Hơn nữa, mỗi ngày cứ nghe bạn đồng nghiệp nói về những cặp chân dài, đôi "giò lụa" ở trong nước với những cặp mắt trìu mến... không bao giờ nhìn thấy tuổi già hằn lên "vết lăn, vất lăn trầm ..." của mấy anh trai lão Việt kiều. Quyết định về thăm Việt Nam đã "hằn lên bia đá" và lòng dặn lòng "chờ ta da du một chuyến ...Ôi môi hờn..." xin đừng để ta già hơn ... mà "Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng..."

                  Bobbi-Đôn chẳng biết tính sao, đầu óc hắn lúc này trống rỗng, chẳng tức giận, chẳng bi thương, hắn xuống bếp khui hết ba chai bia còn lại do Toni-Văn mua về cho hai đứa nhậu từ đêm qua. Bobbi-Đôn lại gọi phôn Julia-Lia, nhờ nhắn giùm là hắn muốn gặp vợ nhưng câu trả lời vẫn là ký trước gặp sau ...Đến chiều, Bobbi-Đôn gọi thêm lần nữa, hứa lèo là hắn sẽ ký đơn ly dị nếu hai người gặp nhau tại nhà nhưng vẫn không có kết quả, giận quá Bobbi-Đôn văng tục "mẹ nó ! ông đếch ký !"

                  Khi Bobbi-Đôn thức giấc thì bên ngoài trời vừa mới hoàng hôn có tiếng gõ cửa và nắm khóa tự động mở. Toni-Văn cùng hai người đàn bà bước vào, tự nhiên như không có ai trong nhà. Toni-Văn lên tiếng:
                  _Anh chọn cho Cưng căn này tuy hẹp nhưng đẹp và có quang cảnh thoáng hơn căn kia.
                  Người đàn bà lạ tiến ra cửa sổ đứng nhìn ra phong cảnh bên ngoài. Nằm ở salon, Bobbi-Đôn nghe tiếng thầm thì của Ai-Cơ:
                  _Anh Toni này, có thật anh ly dị vợ hay chỉ ly thân vậy ?
                  _Hai thứ đó có gì khác nhau đâu ? thôi em đừng hỏi, miễn là anh sòng phẳng tiền nhà và hứa sẽ in sách cho em dài dài ...
                  _Được rồi! em mặc kệ anh, đời tư của anh, nhưng còn ông bạn của anh thì sao, nghe nói ổng bị vợ bỏ không cho về nhà nữa phải thế không?
                  _Em đừng lo, lát nữa gặp, anh sẽ đưa nó về nhà dàn xếp chuyện vợ chồng cho nó, chuyện nhỏ !
                  Khi hai người tiến đến cửa sổ nơi người đàn bà đang đứng, Bobbi-Đôn rón rén, bước nhanh vào phòng tắm, giật bồn cầu vờ như nãy giờ đang bận trong đó, không nghe gì về cuộc đàm thoại vừa rồi.
                  Thế rồi sau câu nói của Toni-Văn " Tục tưng của anh ơi ! mình cho hắn ở tạm vài hôm nghen... hết giận bà xã hắn sẽ lôi về nhà" ...là đêm đó và những đêm kế tiếp Bobbi-Đôn nằm phơi một mình, một phòng còn phòng kia, Toni và cô vợ bé tên Liễu tấu những dạ khúc ... bằng những nguyên âm vang lên từ đáy vực... trước vực thẳm sâu hút của đời một Bobbi-Đôn vừa sẩy chân hạnh phúc rơi xuống.
                  Xe sửa xong thì cũng vừa hết hạn nghỉ phép, Bobbi-Đôn trở lại sở làm, cày thêm giờ phụ trội để có tiền chu cấp cho "giò lụa" ở Việt Nam và đêm về nằm nghe điệp khúc của hai người ở chung nhà nài nỉ nhau: " thức đi em ...mộng chẳng bình thường ...à ơi ...chút tí... tì ti tí ...tì"
                  Cuộc đời vẫn có lúc đang nắng trời đổ mưa, vợ Toni-Văn nghe tin con gái có bầu với thằng bạn học, bà liền bỏ cuộc du lịch ba miền ở Việt Nam, vội bay về Mỹ. Thế là Toni đành phải chấm dứt bản tình ca mùa đông hằng đêm với vợ bé. Cái condo nhỏ ban đêm chỉ còn lại hai người Bobbi-Đôn và Liễu, người đàn bà ít nói nhưng cặp mắt thường nói rất nhiều ...





                  Bốn

                  Thấm thoát đã ba tuần kể từ khi Bobbi-Đôn tạm trú cùng Toni và Thu-Liễu trong cái condo sát bên nhà bà chủ Ai-Cơ của La Nena Village. Bobbi-Đôn đã về nhà mình chi tiền cho thợ sửa ồ khóa hai lần nhưng sau đó thì đâu cũng vào đấy, vừa đi khỏi nhà là ổ khóa lại bị thay chìa. Lần thứ ba vừa mới vào nhà thì trộm đã cạy cửa, dọn gần hết không còn một thứ gì đáng giá. Bobbi-Đôn nản lòng ôm gói trở lại cái condo và tiếp tục ở trọ cho đến hôm nay.

                  Qua một đêm lửa còn xa rơm, Bobbi-Đôn thức dậy sớm, thay quần áo chỉnh tề đi lễ Chúa Nhật. Lúc ra đến bãi đậu xe thì gặp Thu-Liễu cũng vừa cho xe ra cổng, nàng dừng xe mỉm cười nói:
                  _Trưa nay...tôi đổ bánh xèo, anh có muốn ăn thì nhịn ăn sáng nhé!
                  Bobbi-Đôn ấp úng:
                  _À tôi ...tôi có thói quen đi lễ xong là ra biển uống cà phê, đọc sách ... đến chiều tối mới về.
                  Nói xong, Bobbi-Đôn cảm thấy mình ngu hơn con bò, ở chung cả ba tuần mới có cơ hội ngồi chung mâm mà lại từ chối.
                  _Vậy tôi làm sẵn rồi chiều về mới đổ bánh nghen!
                  _Vâng, được ! tối tôi về đấy ...
                  "Lại ngu như bò, không về đấy thì đi đâu?" Bobbi-Đôn tự trách mình và cũng không hiểu vì sao hôm nay mình lại cà chớn như thế.

                  Lễ xong, Bobbi-Đôn gặp bà chủ nhà Ai-Cơ, hắn tiến lại chào và ngạc nhiên hỏi:
                  _Chị đi lễ nhà thờ này mà trước giờ sao tôi không thấy ?
                  Ai-Cơ nhún vai:
                  _Tôi vẫn đi lễ nơi đây, chỉ có anh là mới đến thôi.
                  Bobbi-Đôn tẽn tò:
                  _À tôi quên, tôi thường đi lễ Mỹ bên kia xa lộ, gần nhà cũ. Chị ăn sáng chưa ? Tôi mời chị tô phở nhé ?
                  _Cám ơn anh, tôi cũng định đi ăn đây ! Anh đãi tôi ở quán nào ?

                  Ăn sáng xong hai người rủ nhau ra Seaport Village nơi có một tiệm vừa uống cà phê vừa tha hồ lấy sách bày bán mà đọc. Bobbi-Đôn chọn một bàn trên lầu vì muốn nghe một gã tóc vàng đang ngồi khảy ghi-ta chơi nhạc êm diệu. Bobbi-Đôn nhìn Ai-Cơ ngồi im lặng trước ly cà phê, hai tay nàng chắp vào nhau đặt lên đùi, cổ rụt vào vai, hắn nhận ra nàng có vài cố tật rất dễ thương. Hắn bắt chuyện:
                  _Chị đang đọc cuốn gi vậy ?
                  _À! chỉ là tập thơ của một người bạn bên Úc mới tặng.
                  _Tôi nghe Toni đang in sách cho chị phải không, thơ hay là truyện hở chị ?
                  _Thơ ... nhưng vẫn còn đang sắp xếp các trang và tranh phụ bản. Nhiều lần tôi bỏ ý định vì mệt mỏi quá nhưng Toni cứ ép mãi...
                  _Hay là tôi có thể giúp chị được không? Tôi vẫn thường ghé chơi nhà in giúp Toni ba cái việc in ấn.
                  _Anh muốn xem không ? Tôi có đem theo bản thảo đây !
                  _Tốt lắm ! nhưng tôi không rành về thơ đâu nhé, tôi chỉ biết trang trí hình thức thôi.
                  _Anh khách sáo, khiêm nhường thôi chứ tôi nghe Toni nói nhiều về tài của anh.
                  Bobbi-Đôn đổi đề tài:
                  _À xin lỗi ...chị quen Toni qua việc in sách hở ?
                  Ai-Cơ lại nâng vai lên cổ, cúi mặt vừa xoa tay vừa trả lời:
                  _Tôi quen Toni trên mạng, chúng tôi biết nhau khi còn sinh hoạt ở Vietvui.net. Anh ấy đọc thơ và đề nghị in ra tập thơ đầu tay cho tôi.
                  _Vậy nhất định thơ của chị phải hay lắm ! vì thơ ai, Toni cũng chê chỉ trừ có thi sĩ Bùi Giáng.
                  Ai-Cơ úp mặt vào hai lòng bàn tay rồi chẻ ngón ra nhìn Bobbi, giọng nàng e thẹn:
                  _Tôi mà hay gì ... chỉ bắt chước người ta thôi.
                  _Nếu chị không gấp thì cho tôi mượn bản thảo này đọc vài ngày?
                  _Anh cứ giữ đi ! Bao giờ đưa lại cũng được, tôi có trong máy vi tính.

                  Uống cà phê xong hai cuốc bộ dọc theo bến cảng. Bobbi-Đôn lấy phone tay chụp cho Ai-Cơ vài tấm hình đứng dưới chân tượng kỷ niệm thế chiến, đó là tượng khổng lồ về chàng thủy thủ đang hôn một cô y tá. Cả hai ra xe về nhà, hai cái bóng đổ dài theo bóng cây khi hoàng hôn buông xuống.

                  Mới có một đêm vắng mặt mà Toni-Văn đã bị lên cơn tức ngực, khó thở, bụng dạ chẳng yên, thật tình thì Toni-Văn không lo con mèo Bobbi xơi miếng mỡ...ngon mà e rằng ngọn lửa Thu Liễu sẽ bò đến đốt cháy mớ rơm khô. Quen nhau đã lâu, Toni-Văn biết Bobbi-Đôn là thằng ăn ở rất chí tình, chí nghĩa, không làm phật lòng bạn bè, không ham chuyện trai gái nhưng về phần Thu Liễu thì mới đáng lo. Lúc bình thường thì Thu-Liễu khoan thai, từ tốn như một phụ nữ nhu mì, đài các nhưng khi đánh cờ thì nàng nhảy ngựa, ra xe, xuất tướng, banh sĩ, bỏ tượng đi ngay thế công mà không thủ thành... Nghĩ bao nhiêu đó cũng đủ để thấy cái mặt thằng Bobbi bắt đầu đáng ghét, sao nó không biết điều mà dọn ra ngay mà còn ở lì mãi nơi đây!

                  Toni-Văn tìm tới nhà thì thấy ba người Bobbi-Đôn, Ai-Cơ và Thu-Liễu đang ngồi ăn bánh xèo. Những ánh mắt nai tơ nhìn chàng bình thường như mọi ngày, chẳng có gì khác lạ. Toni-Văn nhập bọn, ăn xong hắn kéo Bobbi-Đôn ra ngoài hút thuốc và hỏi:
                  _Chuyện nhà mày tới đâu rồi ?
                  Bobbi-Đôn gõ tàn thuốc nói:
                  _Mày tới đây là đuổi trẫm ra khỏi nhà này phải không ? Mày cứ lánh mặt bà Nancy hoài nên tao đã đưa tiền đặt cọc và tiền thuê tháng đầu cho bà ta rồi. Giờ trễ rồi con ạ ! Mày có lấy long xa tới rước, trẫm cũng đóng đô một chỗ chẳng đi đâu cả.
                  Toni-Văn rơi vào thế bị động, hắn lừ khừ :
                  _Bậy! tao chỉ quan tâm tới nhà cửa và vợ chồng mày thôi!
                  _Toni-Văn ! mày lo cho thân mày đi, tao nghĩ mày nên buông Thu-Liễu ra, tình trạng của cô ta là hôn phối giả nhưng có giấy tờ giá thú đàng hoàng, chuyện lộ ra ...không chừng bị trục xuất về nguyên quán, tội nghiệp người ta.
                  _Tao cũng biết nhưng để từ từ tao tính ...giờ nó đeo tao quá, nên không nỡ ...
                  _Tùy mày! giờ tao vào tắm gội rồi đi ngủ, mai tao phải đi cày sớm.

                  Ai-Cơ ăn bữa bánh xèo xong thì về nhà, nàng không biết gì về chuyện chỉ còn lại hai người đang trọ ở đây, một chú mèo đang rình ăn miếng mỡ hay một ngọn lửa đang bén cạnh bó rơm khô...

                  Thêm một đêm an lành với Bobbi-Đôn tuy lúc gần sáng hắn mộng mị thấy mình trần truồng chạy giữa một cánh đồng cỏ hoang, cơn mơ rõ như thật, ám ảnh hắn mãi cho tới giờ tan sở. Bobbi-Đôn về đến nhà lúc ba giờ chiều. Tắm gội xong hắn mang tập thơ chưa in của Ai-Cơ ra sau vườn vừa nghe nhạc vừa đọc. Bobbi-Đôn đang đọc một bài thơ làm theo thể năm chữ một câu lại tình cờ nghe một điệu tango Latin, ngẫu nhiên nhạc và thơ lại trùng hợp tiết tấu cũng như giai điệu đều ăn khớp, phù hợp với nhau. Bobbi-Đôn liền bỏ ngang đọc sách, hắn chạy ra phố lôi về một cây ghi-ta rồi say mê mò mẫm viết note từ bản tango mới nghe và ghép lời từ bài thơ "Mưa Bụi Đường Chiều" của Ai-Cơ. Bobbi-Đôn làm xong bản nhạc, hắn vừa đàn vừa hát ư ử trong họng vừa cầm viết chì gôm sửa những note nhạc cho hợp âm điệu sắc huyền hỏi ngã của tiếng Việt. Bản nhạc tango Latin không có khúc nào là âm trưởng nên Bobbi-Đôn chế thêm một đọan chuyển hợp âm từ thứ sang trưởng cho vào giữa bài. Thế là xong, hắn nhét bản nhạc nằm kế bài thơ trong tập bản thảo của Ai-Cơ.

                  Đêm nay là đem thứ ba vắng mặt Toni-Văn, hắn có đến một lát lúc ban chiều rồi vội vã ra về. Bobbi-Đôn Đang ngồi dạo lại bản nhạc phổ thơ của Ai-Cơ để tìm thêm hợp âm thì Thu-Liễu mang phim ra phòng khách ngồi xem. Bobbi-Đôn ngưng đàn, đứng dậy đi pha trà, mắt hắn cũng vừa thấy cái tựa đề cuốn phim Thái Lan là "Jan Dara", tựa tiếng Việt là "Mẹ Kế", phim không thích hợp cho trẻ em. dưới 18 tuổi.

                  Năm


                  ]

                  Pha trà xong Bobbi-Đôn mang đàn ra ngoài hiên sau patio tiếp tục việc hoàn tất bản nhạc. Điệu tango thì cần có intro nhạc dạo thật lôi cuốn, phần kết phải gây luyến tiếc và quan trọng hơn nữa là khúc solo nhạc khí giữa bài ca. Bobbi-Đôn cố nhớ lại những khúc dạo học lóm được của một thằng bạn lúc thiếu thời. Thằng này có thiên khiếu chơi những cú ứng tác hay ứng tấu thật tài tình nghĩa là nó không cần bài bản hay dợt trước cứ mỗi khi ca sĩ nghỉ lấy hơi giữa bài là hắn chế ra solo nghe thật đã nhĩ, trống kèn đều hứng khởi chơi theo. Cuối cùng thì cũng xong bài nhạc, Bobbi-Đôn ghi vào mấy chữ ... Nhạc: Bob Vũ Thơ: Ai Cơ, hắn thấy có gì không ổn nên cứ ngồi đực mặt ra tìm cho mình một tên mới, cuối cùng thì quyết định lấy tên thật là tốt nhất. Bobbi sửa lại ...Nhạc: Vũ-bình-Đôn Phổ thơ "Mưa Bụi Đường Chiều" của thi sĩ Ai-Cơ. Ngày mai Bobbi tức nhạc sĩ Vũ-bình-Đôn sẽ nhờ ban nhạc ca-đoàn Đức Mẹ Thánh Tâm thâu âm với giọng ca vàng Tống-Mỹ-Linh.

                  Bobbi xách đàn, ôm nhạc vào nhà thì thấy Thu-Liễu đang thu mình ngủ quên trên salon, hắn thấy một cơn bão thổi nhẹ trong người ... không biết vì Thu-Liễu đang say ngủ hay vì tác phẩm đầu tay còn đè nặng trong đầu mà cơn bão lòng qua rất nhanh. Bobbi-Đôn kéo tấm chăn đắp lên người đàn bà có cái lưng dài, eo thon và hông nhô cao như con ong mật. Một phần ngực Á Đông trắng nõn bám vào tư tưởng Bobbi về phòng riêng cho đến khi tiếng thở của hắn thật đều.

                  Giấy tờ bán nhà đã xong, Julia-Lia bày kế cho Lành tiền lời phải trừ cái khoản tiền mà Bobbi lấy ra từ giá trị tài sản để du lịch Việt Nam. Bobbi chẳng cần tranh cãi dành phần, hắn vui vì trong chương mục vừa có thêm một khoản tiền khá bộn. Bobbi-Đôn dẫn hết ca-đoàn ĐMTT ra nhà hàng đãi một chầu ăn, tặng cho mỗi người một thẻ Starbuck Coffee uống free và tặng cho giọng ca vàng một cái ipod nghe MP3. Bobbi-Đôn cũng không quên khuênh về một cái keyboard chơi nhạc và một cái laptop cùng một phần mềm soạn nhạc.

                  Khi ngang qua một cửa hàng Bobbi-Đôn thấy phản diện mình trong kiếng, hắn tự thấy kính nể mình quá nên khép chân làm một cử chỉ cúi đầu thật nhẹ "dạ xin chào nhạc sĩ Vũ-Bình-Đôn ạ !" Hắn thấy cái bóng nhe răng cười nửa trơ trẽn, nửa trông "đểu" làm sao !

                  _Chào anh bê-đê!
                  Thu-Liễu lên tiếng khi mở cửa cho Bobbi vào, Bobbi giật mình:
                  _Tôi ! pê-đê ? Cô gọi thế là có ý gi ?
                  _anh biết mà còn hỏi.
                  _Cô muốn tôi chứng minh là tôi không pê-đê không?
                  _Bằng cách nào?
                  _Tôi có vợ con đàng hoàng.
                  _Ủa anh có con hồi nào, bao nhiêu đứa ?
                  _Không .. chưa
                  Bobbi-Đôn vừa nói tiếng "không" lại sực nhớ ra mình sắp có thằng nhóc chào đời ở Việt Nam nên liền đổi thành "chưa"
                  _À chưa là sắp có, vậy bao giờ có ?
                  _Ba tháng nữa... mà sao cô cứ hạch hỏi tôi như vậy ? Cô chưa trả lời tôi mà. _Tại sao cô gọi tôi là pê-đê ?
                  _Anh này lạ thật ... tên anh là Bobbi-Đôn tôi gọi tắt là Bê Đê không được sao
                  _Trời ! vậy mà tôi cứ tưởng ... cô nói pê-đê là ám chỉ tôi là ...là đồng tính luyến ái chứ ! Hời !
                  Cả hai cùng cười. "Anh ăn gi chưa ?" Thu-Liễu hỏi " Tôi mới vừa dọn cơm xong."

                  Cơm nước xong, Bobbi-Đôn vào phòng tắm gội sạch sẽ, cạo râu nhẵn nhụi và thoa lên người một ít dầu thơm Boucheron pour Homme. Mặc quần áo xong Bobbi-Đôn soi mình trong gương hắn lại gật đầu chào nhạc sĩ Vũ Bình Đôn, cũng nhe răng cười trơ trẽn, cũng thấy mặt mình khá "đểu" trong gương. Vừa bước ra khỏi phòng tắm Bobbi-Đôn thấy ngay Thu-Liễu đang nằm gác cẳng lên đùi của Toni-Văn nơi salon, không biết Toni đến từ lúc nào, hắn quay lưng vừa đi về phòng vừa nói vọng lại "mới tới hả mày ?" không thiết nghe tiếng trả lời, hắn đóng cửa phòng, lấy thơ Ai-Cơ ra xem và nằm luôn không ra ngoài nữa bởi hắn không muốn Toni ngửi được mùi thơm cả năm trời đêm nay mới xịt.

                  Ngồi bên ngoài, Toni và Thu-Liễu cho là Bobbi-Đôn biết điều nên để hai nguời tự do riêng tư. Thu-Liễu chồm tới tai Toni nói nhỏ vừa đủ nghe:
                  _Anh biết hông, ông Bobbi là dân "gay" pê-đê đó !
                  _sao cưng biết "
                  _Em mới phỏng vấn ổng hồi chiều
                  Toni-Văn cười thầm, khen cho thằng bạn mình biết điều bày kế nói sạo để né lôi thôi với vợ bé của bạn bè:
                  _Ừ bà xã hắn bỏ đi chắc hẳn là vi hắn pê-đê như cưng nói

                  Đêm đó phòng bên kia lại vang lên những nguyên âm vọng từ đáy vực. Bobbi-Đôn kéo gối bịt hai tai, nhắm nghiền mắt thấy đời mình sâu thẳm. Bobbi-Đôn trằn trọc chìm vào giấc ngủ, lại nằm mơ thấy mình trần truồng chạy hoang dưới cơn mưa.

                  Ai-Cơ về trước cửa nhà thì trông thấy một cái CD và một nhánh hoa hồng nhung đặt nằm dưới chân cửa. Nàng vào nhà mở ra xem và nghe thì ra đó là một bản nhạc tango với giọng ca nữ trình bày. Bài ca nghe thật hay. Ai-Cơ bấm máy nghe lại thêm lần nữa thì nhận ra lời thơ của mình được phổ nhạc mà tác giả không biết là ai. Hết ngồi thẩn thờ rồi lên mạng mở điện thư cùng thư riêng ra dò xem có dấu hiệu hoặc tung tích gì về người phổ nhạc hay không nhưng tất cả vẫn chỉ là một bí mật. Bị khúc mắc và bâng khuâng dằn vặt, Ai-Cơ lòng lâng lâng bước sang nhà kế bên gắn giấy nhắn tin lên cửa "chiều nay tôi mời anh đi Seaport uống cà phê nếu anh có thể, Nena 2:15 ngày tháng năm..."

                  Buổi chiều mây bàng bạc trôi, nắng lung linh và gió biển nhẹ hiu hiu, hai người mua cà phê xong, không ngồi lại quán như lần trước, họ sóng bước bên nhau dọc theo con đường lát gạch sát bờ biển. Những cánh buồm chầm chậm ngược xuôi trong vịnh, xa xa là các chiến hạm che khuất một phần bán đảo ngoài khơi. Lòng đang lâng lâng vì dư âm của bản nhạc tango phổ thơ mình, Ai-Cơ nép nhẹ vào vai Bobbi-Đôn ngỡ như đang dạo gót tình xuân với người tình. Bobbi-Đôn ngửi thấy mùi hương tóc mới gội, thơm thoang thoảng, hắn nghiêng đầu nói:
                  _Chị đừng buồn tôi nhé nếu tôi xin chị hồi lại việc in ra tập thơ.. nay mai tôi sẽ cho chị biết lý do!
                  _Sao vậy? anh có thể cho tôi biết bây giờ không ?
                  _Cũng được...thứ nhất là cần thêm tranh cho những bài thơ để tập thơ thêm phong phú và người đọc dễ tìm bài mình ưa thích.
                  Dừng một vài giây, Bobbi-Đôn ngập ngùng nói tiếp:
                  _Thứ hai là tôi nhận thấy vần điệu trong thơ của chị có nhạc và lối chia cụm từ ở một số bài rất dễ mà dùng nhạc phổ thơ... Nói chính xác hơn là thơ của chị cần có thuyền nhạc chở sang bên kia bờ nghệ thuật. Đó là lý do tôi đề nghị chị khoan ra mắt tập thơ...
                  Ai-Cơ vừa ngạc nhiên vừa thẩn thờ khi nghe những lời Bobbi-Đôn vừa nói, nàng ấp úng:
                  _Nhưng tìm ai để họa tranh và tôi đâu có thơ...được phổ nhạc đâu !
                  _Chị đừng lo, chỉ là thời gian thôi chứ nếu được chị tin thì tôi sẽ giúp chị hết mình.
                  _Anh không nói tôi có lẽ tôi đã làm hỏng tập thơ đầu tay. Cám ơn anh nhiều nhưng để chờ xem anh giúp bằng cách nào.

                  Một cặp tình nhân đứng hôn nhau giữa lối đi làm hai người khựng lại và câu chuyện cũng đổi đề tài.
                  _Chị có thích khiêu vũ không ?
                  Ai-Cơ nắm một bên váy mình đong đưa:
                  _Thích chứ nhưng giờ thì tôi hết ham rồi
                  _Vậy chị thích điệu gì nhất ?
                  _Tôi thích valse và boston, còn anh ?
                  _Tôi thích tango.
                  _À lát nữa về nhà tôi sẽ cho anh nghe một bản tango.
                  _Bản gì chị ? may ra tôi biết.
                  _Không, bản này nhất định anh chưa từng nghe qua bao giờ.
                  Bobbi-Đôn mỉm cười kín đáo, hắn cởi áo ngoài choàng cho Ai-Cơ và hai người đi thêm một đoạn rồi quay ngược lại hướng đi. Bóng chiều đổi màu thầm kín những suy tư.

                  Hai người về đến La Nena Village, đang bước lên vài bậc thang cấp hình chữ "Y" thì bên trái phía trên Thu-Liễu đứng khoanh tay tì lên bao lơn nhìn xuống, nàng mặc bộ đồ lụa mỏng, cột khăn búi tóc trông trẻ trung như một nữ sinh. Họ chào nhau và Bobbi-Đôn không biết mình có nên lôi lọ dầu thơm ra xài như tối hôm qua hay không?



                  Sáu

                  Diễn đàn mupo.net là một nơi quy tụ các sáng tác mới về thơ nhạc. Có lẽ chữ mupo được ghép lại từ music và poem nghĩa là nhạc và thơ. Dương-Thủy-Triều sinh hoạt nơi diễn đàn này khá lâu, nàng có hơn hai trăm bài thơ và cũng khá nhiều bài được phổ nhạc. Dương-Thủy-Triều chuyên về thơ tình lãng mạn. Theo thói quen, mỗi khi vào diễn đàn, Thủy-Triều luôn ghé phần âm nhạc trước để xem có bài nào mới được phổ nhạc hay không. Hôm nay nàng thấy có một bản nhạc và lời rất lạ mà người đăng cũng là thành viên mới gia nhập có tên là Vũ-Bình-Đôn. Không như đa số các bài nhạc phổ thơ chỉ có midi nhạc không lời, bài này có ca sĩ hát và ban nhạc chơi hòa âm nghe như là chuyên nghiệp. Dương-Thủy-Triều liền gửi pm, chữ viết tắt từ private massage tức là gởi thư riêng trong diễn đàn cho thành viên mới Vũ-Bình-Đôn: "Thân ái chào VBĐ đến với mupo.net, chúc nhạc sĩ được nhiều niềm vui sinh hoạt và hăng say sáng tác nơi đây! ps: DTT rất ái mộ bản Mưa-Bụi-Đường-Chiều với điệu tango hay tuyệt. Cám ơn VBĐ cho nghe nhạc."

                  Bobbi-Đôn đi làm về chưa kịp mở cửa thì Ai-Cơ đứng bên kia thang cấp chữ "Y" réo gọi, "anh Đôn, anh sang đây tôi cho anh xem cái này !" Bobbi theo Ai-Cơ vào nhà, nàng rót nước mời uống rồi kéo hắn ngồi xuống trước màn hình vi tính, "anh xem, đây là bản nhạc tango anh phổ, nó đã lên mạng toàn cầu, tôi mở âm thanh cho anh nghe nhé !" Ai-Cơ nói với vẻ mặt hân hoan, "tôi đã đăng ký tên anh vào diễn đàn, đây ! anh mở mục hướng dẫn gõ chữ Việt, đăng bài và kèm hình ảnh, âm thanh ... không mấy gì khó đâu anh ạ ! mật mã tạm thời là cumonora, Khi nào anh tự làm được thì anh đổi mật mã khác". Ai-Cơ hướng dẫn thêm cho Bobbi-Đôn vài xảo thuật căn bản xử dụng diễn đàn trên mạng rồi mở cho anh xem trang pm thư riêng. Bobbi-Đôn thấy có rất nhiều thư. Hắn mở lá thư đầu tiên ra đọc, đó là pm của thi sĩ Dương-Thủy-Triều...
                  _Thư nhiều thế này bây giờ tôi phải làm sao ?
                  _Thì trả lời cho họ ! Họ đều ái mộ anh đấy mà ! Nếu hôm trước tôi không phát hiện ra anh phổ bài thơ của tôi thì anh đâu có nổi tiếng như bây giờ ! Anh nhìn kìa ! Mới đó mà có hơn năm chục điện thư gửi cho anh ...

                  Bobbi-Đôn nhớ lại hôm hắn được Ai-Cơ rủ đi uống cà phê về, gặp Thu-Liễu đứng trên bao lơn, Ai-Cơ đề nghị hắn lên nhà nàng uống miếng trà để nàng cho hắn nghe cái CD của kẻ nặc danh phổ thơ nàng đem tặng. Đang nghe thì Thu-Liễu chạy sang, tay cầm một tập giấy đưa cho Ai-Cơ, "sấp giấy này chị bỏ quên dưới vườn phải không?" rồi quay sang Bobbi-Đôn, Thu-Liễu giục, "anh về mau có một người khách đang chờ anh ở nhà !". Ai-Cơ gật đầu cám ơn còn Bobbi-Đôn bước theo Thu-Liễu, bụng phân vân không biết ai đến tìm mình.

                  Lúc Bobbi vào nhà thì ra đó là Tống-Mỹ-Linh, cô bé trong ca đoàn nhà thờ. Hắn lúng túng:
                  _Sao em biết nhà mà đến đây ?
                  Tống-Mỹ-Linh ấp úng trả lời:
                  _Cháu lấy địa chỉ của chú qua anh ca trưởng nhưng không có số phôn của chú. Cháu có làm phiền chú không? Cháu có việc nhờ chú nên mới tìm tới đây.
                  _Chuyện gi vậy em ?
                  _Cháu nghe chú nói về lý thuyết ca nhạc Zazz hay quá và hứa sẽ giúp cháu luyện âm, cháu sắp có trình diễn nên cần chú dạy cấp tốc.

                  Thu-Liễu nghe hai người xưng hô một cách "người dưng khác họ chẳng nọ thời kia ..." nên nàng nghĩ ... đây là chuyện "đừng kiu anh pằng chú", Thu-Liễu bỏ vào phòng đóng cửa để yên cho Bobbi ..."còn tuổi nào cho em" và cô bé thì...em xin tuổi nào ...còn tuổi nào cho ...anh. Cô bé con nhà ai mà xinh thật ...còn cả một...trời xanh trong mắt em sâu ...

                  Sáng hôm sau Bobbi-Đôn thức dậy muộn vì thức đêm trò chuyện với Tống-Mỹ-Linh. Hắn gọi vào sở cáo bịnh không đi làm. Thu-Liễu thấy hắn loay hoay pha cà phê trong bếp, nàng hỏi qua loa mấy câu rồi đeo túi ra tiệm nail. Thu Liễu có một phòng thuê trong tiệm làm móng tay để nhổ ...lông...cho khách đến làm đẹp.

                  Bên ngoài nắng đã lên cao. Bobbi-Đôn không đi làm cảm thấy buồn chán, hắn gọi phôn rủ Toni-Văn đi ăn sáng thì cũng đúng lúc Toni-Văn có chuyện cần bàn với hắn. Vừa mới xuống hết bậc thang thì có tiếng gọi:
                  _Anh Đôn, anh có rảnh không, lên đây một chút ?
                  _Tôi có hẹn với Toni-Văn, phải đi ngay e nó đợi !
                  _Vài phút thôi ... À mà anh đi ăn sáng hở, cho tôi đì với được không?
                  Bobbi biết từ chối không đưọc, miễn cưỡng đáp:
                  _Vậy tôi xin mời chị, tôi đi lấy xe nhé !

                  Xe chạy qua một vài ngả tư chưa ai nói gi với nhau. Bầu trời âm u, hàng cây hai bên đường nghiêng ngã trước gió, báo hiệu sắp có giông to. Ai-Cơ nghiêng đầu dựa vào cửa kiếng quay mặt nhìn Bobbi-Đôn lên tiếng:
                  _Anh Đôn ... chính anh tặng tôi cái CD ...anh có gì phải ngại mà phải giấu tên ?
                  Bobbi-Đôn giật mình quay lại làm xe chao đi:
                  _À ...m...um ...tôi thích bài thơ nên thử phổ nhạc...mà thôi .., Sao chị bìết ...được ?
                  _Hôm qua Thu-Liễu đưa tôi tập bản thảo mà anh để quên ngoài vườn, lúc đó có anh, mãi đến sáng nay, khi ngồi đợi nước sôi, tôi mở ra và tình cờ thấy mấy dòng nhạc anh viết tay kẹp trong đó..
                  _Thú thật với chị tôi chưa cho chị biết ... vì tôi muốn phổ thêm vài bài nữa để dò ý chị xem chị có thích không ? Thơ chị hay lắm!
                  _Cám ơn anh, Thì ra là vậy! Thôi thế này, để tạ ơn anh, tôi xin đãi anh một chầu ăn sáng nay để mừng bản nhạc quá hay của anh.
                  Bobbi-Đôn chưa kịp trả lời thì xe cũng vừa đến nhà in nơi Toni-Văn làm việc.
                  Họ kéo nhau đi ăn. Lúc chia tay nhau, Toni-Văn kéo Bobbi-Đôn ra riêng nói nhỏ vừa đủ nghe
                  _Bà chủ nhà có biết chuyện tao không có mặt qua đêm không mậy ?
                  _Chưa.
                  _Tồt ! Tao có thằng đệ tử làm nghề từ tiểu bang xứ lạnh mới sang Cali này, tao mới đưa nó vào phụ việc, tạm thời tối nay mày cho nó dọn vào ở với mày, ngủ ngoài phòng khách cũng được, chỉ vài ngày nữa là tao có chổ mới cho Thu-Liễu , "ẻm" sẽ dọn ra khỏi condo mày đang ở. À ! nghe mày được chia tiền bán nhà sao không thấy chè cháo gi ráo trơn mậy ?
                  _Dẹp mày đi ! Chuyện thằng nhóc đệ tử mày tao sẽ cho biết sau, tao về đây!

                  Trên đường về Bobbi-Đôn lái xe tốc độ không chừng, não bộ như có cái muỗng vô hình đang khuấy như khuấy một ly nước tràn đầy. Trong cơn lốc não, có lúc hắn thoáng thấy hình ảnh cái lưng ong và phần hông nhô cao của Thu-Liễu khi nàng nằm nghiêng uốn mình nơi phòng khách vào một đêm nào đó chỉ có hai người.

                  bảy
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.04.2009 02:03:35 bởi trandaik >
                  #9
                    trandaik 12.01.2009 02:44:35 (permalink)


                    ba

                    Sau một đêm ngủ không mền gối, Bobbi-Đôn thức dậy liền gọi phôn Julia-Lia hỏi về việc nhà cửa của mình đang treo bảng cho thuê. Julia-Lia cho hay căn nhà hoàn toàn thuộc về hắn, chỉ cần hắn ký tờ đơn ly dị, nếu chấp nhận ly dị, Julia-Lia sẽ sai người đến tháo bảng cho thuê xuống và giao cho hắn chìa khoá mới. Bobbi-Đôn nghe xong thân thể mềm nhũn như cao su, lảo đảo, nằm vật ra salon bất động. Bobbi-Đôn đã đoán được phần nào chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, một tên "cơm đang ngon lại đi thèm phở", ngày hôm qua, lúc nhìn thấy nhà bị treo bảng cho thuê, tưởng vợ chỉ hờn lẫy phút chốc rồi thôi nhưng hắn lại không thể ngờ được Lành đòi ly dị, người đàn bà dễ tính và hồn nhiên như trẻ thơ đó sao lại có quyết định ngang xương như thế này.

                    Thật tình thì Bobbi-Đôn vẫn yêu thương vợ như ngày nào, chỉ có điều là gần đây hắn sinh ra suy tư về thời gian quá tàn nhẫn cho những người đàn ông đốt cả đời trai đi cày trả nợ tiền nhà, tiền thẻ tín dụng, thoáng một cái vụt đã sắp ngoài năm mươi. Hơn nữa, mỗi ngày cứ nghe bạn đồng nghiệp nói về những cặp chân dài, đôi "giò lụa" ở trong nước với những cặp mắt trìu mến... không bao giờ nhìn thấy tuổi già hằn lên "vết lăn, vất lăn trầm ..." của mấy anh trai lão Việt kiều. Quyết định về thăm Việt Nam đã "hằn lên bia đá" và lòng dặn lòng "chờ ta da du một chuyến ...Ôi môi hờn..." xin đừng để ta già hơn ... mà "Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng..."

                    Bobbi-Đôn chẳng biết tính sao, đầu óc hắn lúc này trống rỗng, chẳng tức giận, chẳng bi thương, hắn xuống bếp khui hết ba chai bia còn lại do Toni-Văn mua về cho hai đứa nhậu từ đêm qua. Bobbi-Đôn lại gọi phôn Julia-Lia, nhờ nhắn giùm là hắn muốn gặp vợ nhưng câu trả lời vẫn là ký trước gặp sau ...Đến chiều, Bobbi-Đôn gọi thêm lần nữa, hứa lèo là hắn sẽ ký đơn ly dị nếu hai người gặp nhau tại nhà nhưng vẫn không có kết quả, giận quá Bobbi-Đôn văng tục "mẹ nó ! ông đếch ký !"

                    Khi Bobbi-Đôn thức giấc thì bên ngoài trời vừa mới hoàng hôn có tiếng gõ cửa và nắm khóa tự động mở. Toni-Văn cùng hai người đàn bà bước vào, tự nhiên như không có ai trong nhà. Toni-Văn lên tiếng:
                    _Anh chọn cho Cưng căn này tuy hẹp nhưng đẹp và có quang cảnh thoáng hơn căn kia.
                    Người đàn bà lạ tiến ra cửa sổ đứng nhìn ra phong cảnh bên ngoài. Nằm ở salon, Bobbi-Đôn nghe tiếng thầm thì của Ai-Cơ:
                    _Anh Toni này, có thật anh ly dị vợ hay chỉ ly thân vậy ?
                    _Hai thứ đó có gì khác nhau đâu ? thôi em đừng hỏi, miễn là anh sòng phẳng tiền nhà và hứa sẽ in sách cho em dài dài ...
                    _Được rồi! em mặc kệ anh, đời tư của anh, nhưng còn ông bạn của anh thì sao, nghe nói ổng bị vợ bỏ không cho về nhà nữa phải thế không?
                    _Em đừng lo, lát nữa gặp, anh sẽ đưa nó về nhà dàn xếp chuyện vợ chồng cho nó, chuyện nhỏ !

                    Khi hai người tiến đến cửa sổ nơi người đàn bà đang đứng, Bobbi-Đôn rón rén, bước nhanh vào phòng tắm, giật bồn cầu vờ như nãy giờ đang bận trong đó, không nghe gì về cuộc đàm thoại vừa rồi.

                    Thế rồi sau câu nói của Toni-Văn " Tục tưng của anh ơi ! mình cho hắn ở tạm vài hôm nghen... hết giận bà xả hắn sẽ lôi về nhà" ...là đêm đó và những đêm kế tiếp Bobbi-Đôn nằm phơi một mình, một phòng còn phòng kia, Toni và cô vợ bé tên Liễu tấu những dạ khúc ... bằng những nguyên âm vang lên từ đáy vực... trước vực thẳm sâu hút của đời một Bobbi-Đôn vừa sẩy chân hạnh phúc rơi xuống.

                    Xe sửa xong thì cũng vừa hết hạn nghỉ phép, Bobbi-Đôn trở lại sở làm, cày thêm giờ phụ trội để có tiền chu cấp cho "giò lụa" ở Việt Nam và đêm về nằm nghe điệp khúc của hai người ở chung nhà nài nỉ nhau: " thức đi em ...mộng chẳng bình thường ...à ơi ...chút tí... tì ti tí ...tì"

                    Cuộc đời vẫn có lúc đang nắng trời đổ mưa, vợ Toni-Văn nghe tin con gái có bầu với thằng bạn học, bà liền bỏ cuộc du lịch ba miền ở Việt Nam, vội bay về Mỹ. Thế là Toni đành phải chấm dứt bản tình ca mùa đông hằng đêm với vợ bé. Cái condo nhỏ ban đêm chỉ còn lại hai người Bobbi-Đôn và Liễu, người đàn bà ít nói nhưng cặp mắt thường nói rất nhiều ...

                    (còn tiếp)
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.01.2009 02:55:03 bởi trandaik >
                    #10
                      trandaik 12.01.2009 07:26:33 (permalink)


                      Bốn

                      Thấm thoát đã ba tuần kể từ khi Bobbi-Đôn tạm trú cùng Toni và Thu-Liễu trong cái condo sát bên nhà bà chủ Ai-Cơ của La Nena Village. Bobbi-Đôn đã về nhà mình chi tiền cho thợ sửa ồ khóa hai lần nhưng sau đó thì đâu cũng vào đấy, vừa đi khỏi nhà là ổ khóa lại bị thay chìa. Lần thứ ba vừa mới vào nhà thì trộm đã cạy cửa, dọn gần hết không còn một thứ gì đáng giá. Bobbi-Đôn nản lòng ôm gói trở lại cái condo và tiếp tục ở trọ cho đến hôm nay.

                      Qua một đêm lửa còn xa rơm, Bobbi-Đôn thức dậy sớm, thay quần áo chỉnh tề đi lễ Chúa Nhật. Lúc ra đến bãi đậu xe thì gặp Thu-Liễu cũng vừa cho xe ra cổng, nàng dừng xe mĩm cười nói:
                      _Trưa nay...tôi đổ bánh xèo, anh có muốn ăn thì nhịn ăn sáng nhé!
                      Bobbi-Đôn ấp úng:
                      _À tôi ...tôi có thói quen đi lễ xong là ra biển uống cà phê, đọc sách ... đến chiều tối mới về.
                      Nói xong, Bobbi-Đôn cảm thấy mình ngu hơn con bò, ở chung cả ba tuần mới có cơ hội ngồi chung mâm mà lại từ chối.
                      _Vậy tôi làm sẵn rồi chiều về mới đổ bánh nghen!
                      _Vâng, được ! tối tôi về đấy ...
                      "Lại ngu như bò, không về đấy thì đi đâu?" Bobbi-Đôn tự trách mình và cũng không hiểu vì sao hôm nay mình lại cà chớn như thế.

                      Lễ xong, Bobbi-Đôn gặp bà chủ nhà Ai-Cơ, hắn tiến lại chào và ngạc nhiên hỏi:
                      _Chị đi lễ nhà thờ này mà trước giờ sao tôi không thấy ?
                      Ai-Cơ nhún vai:
                      _Tôi vẫn đi lễ nơi đây, chỉ có anh là mới đến thôi.
                      Bobbi-Đôn tẻn tò:
                      _À tôi quên, tôi thường đi lễ Mỹ bên kia xa lộ, gần nhà cũ. Chị ăn sáng chưa ? Tôi mời chị tô phở nhé ?
                      _Cám ơn anh, tôi cũng định đi ăn đây ! Anh đãi tôi ở quán nào ?

                      Ăn sáng xong hai người rủ nhau ra Seaport Village nơi có một tiệm vừa uống cà phê vừa tha hồ lấy sách bày bán mà đọc. Bobbi-Đôn chọn một bàn trên lầu vì muốn nghe một gã tóc vàng đang ngồi khảy ghi-ta chơi nhạc êm diệu. Bobbi-Đôn nhìn Ai-Cơ ngồi im lặng trước ly cà phê, hai tay nàng chắp vào nhau đặt lên đùi, cổ rụt vào vai, hắn nhận ra nàng có vài cố tật rất dễ thương. Hắn bắt chuyện:
                      _Chị đang đọc cuốn gi vậy ?
                      _À! chỉ là tập thơ của một người bạn bên Úc mới tặng.
                      _Tôi nghe Toni đang in sách cho chị phải không, thơ hay là truyện hở chị ?
                      _Thơ ... nhưng vẫn còn đang sắp xếp các trang và tranh phụ bản. Nhiều lần tôi bỏ ý định vì mệt mõi quá nhưng Toni cứ ép mãi...
                      _Hay là tôi có thể giúp chị được không? Tôi vẫn thường ghé chơi nhà in giúp Toni ba cái việc in ấn.
                      _Anh muốn xem không ? Tôi có đem theo bản thảo đây !
                      _Tốt lắm ! nhưng tôi không rành về thơ đâu nhé, tôi chỉ biết trang trí hình thức thôi.
                      _Anh khách sáo, khiêm nhường thôi chứ tôi nghe Toni nói nhiều về tài của anh.
                      Bobbi-Đôn đổi đề tài:
                      _À xin lỗi ...chị quen Toni qua việc in sách hở ?
                      Ai-Cơ lại nâng vai lên cổ, cúi mặt vừa xoa tay vừa trả lời:
                      _Tôi quen Toni trên mạng, chúng tôi biết nhau khi còn sinh hoạt ở Vietdzui.net. Anh ấy đọc thơ và đề nghị in ra tập thơ đầu tay cho tôi.
                      _Vậy nhất định thơ của chị phải hay lắm ! vì thơ ai, Toni cũng chê chỉ trừ có thi sĩ Bùi Giáng.
                      Ai-Cơ úp mặt vào hai lòng bàn tay rồi chẻ ngón ra nhìn Bobbi, giọng nàng e thẹn:
                      _Tôi mà hay gì ... chỉ bắt chước người ta thôi.
                      _Nếu chị không gấp thì cho tôi mượn bản thảo này đọc vài ngày?
                      _Anh cứ giữ đi ! Bao gìờ đưa lại cũng được, tôi có trong máy vi tính.

                      Uống cà phê xong hai cuốc bộ dọc theo bến cảng. Bobbi-Đôn lấy phone tay chụp cho Ai-Cơ vài tấm hình đứng dưới chân tượng kỷ niệm thế chiến, đó là tượng khồng lồ về chàng thủy thủ đang hôn một cô y tá. Cả hai ra xe về nhà, hai cái bóng đổ dài theo bóng cây khi hoàng hôn buông xuống.

                      Mới có một đêm vắng mặt mà Toni-Văn đã bị lên cơn tức ngực, khó thở, bụng dạ chẳng yên, thật tình thì Toni-Văn không lo con mèo Bobbi xơi miếng mỡ...ngon mà e rằng ngọn lửa Thu Liễu sẽ bò đến đốt cháy mớ rơm khô. Quen nhau đã lâu, Toni-Văn biết Bobbi-Đôn là thằng ăn ở rất chí tình, chí nghĩa, không làm phật lòng bạn bè, không ham chuyện trai gái nhưng về phần Thu Liễu thì mới đáng lo. Lúc bình thường thì Thu-Liễu khoan thai, từ tốn như một phụ nữ nhu mì, đài các nhưng khi đánh cờ thi nàng nhảy ngựa, ra xe, xuất tướng, banh sĩ, bỏ tượng đi ngay thế công mà không thủ thành... Nghĩ bao nhiêu đó cũng đủ để thấy cái mặt thằng Bobbi bắt đầu đáng ghét, sao nó không biết điều mà dọn ra ngay mà còn ở lì mãi nơi đây!

                      Toni-Văn tìm tới nhà thì thấy ba người Bobbi-Đôn, Ai-Cơ và Thu-Liễu đang ngồi ăn bánh xèo. Những ánh mắt nai tơ nhìn chàng bình thường như mọi ngày, chẳng có gì khác lạ. Toni-Văn nhập bọn, ăn xong hắn kéo Bobbi-Đôn ra ngoài hút thuốc và hỏi:
                      _Chuyện nhà mày tới đâu rồi ?
                      Bobbi-Đôn gõ tàn thuốc nói:
                      _Mày tới đây là đuổi trẫm ra khỏi nhà này phải không ? Mày cứ lánh mặt bà Nancy hoài nên tao đã đưa tiền đặt cọc và tiền thuê tháng đầu cho bà ta rồi. Giờ trễ rồi con ạ ! Mày có lấy long xa tới rước, trẫm cũng đóng đô một chỗ chẳng đi đâu cả.
                      Toni-Văn rơi vào thế bị động, hắn lừ khừ :
                      _Bậy! tao chỉ quan tâm tới nhà cửa và vợ chồng mày thôi!
                      _Toni-Văn ! mày lo cho thân mày đi, tao nghĩ mày nên buông Thu-Liễu ra, tình trạng của cô ta là hôn phối giả nhưng có giấy tờ giá thú đàng hoàng, chuyện lộ ra ...không chừng bị trục xuất về nguyên quán, tội nghiệp người ta.
                      _Tao cũng biết nhưng để từ từ tao tính ...giờ nó đeo tao quá, nên không nỡ ...
                      _Tùy mày! giờ tao vào tắm gội rồi đi ngủ, mai tao phải đi cày sớm.

                      Ai-Cơ ăn bữa bánh xèo xong thì về nhà, nàng không biết gì về chuyện chỉ còn lại hai người đang trọ ở đây, một chú mèo đang rình ăn miếng mỡ hay một ngọn lửa đang bén cạnh bó rơm khô...

                      Thêm một đêm an lành với Bobbi-Đôn tuy lúc gần sáng hắn mộng mị thấy mình trần truồng chạy giữa một cánh đồng cỏ hoang, cơn mơ rõ như thật, ám ảnh hắn mãi cho tới giờ tan sở. Bobbi-Đôn về đến nhà lúc ba giờ chiều. Tắm gội xong hắn mang tập thơ chưa in của Ai-Cơ ra sau vườn vừa nghe nhạc vừa đọc. Bobbi-Đôn đang đọc một bài thơ làm theo thề năm chữ một câu lại tình cờ nghe một điệu tango Latin, ngẫu nhiên nhạc và thơ lại trùng hợp tiết tấu cũng như giai điệu đều ăn khớp, phù hợp với nhau. Bobbi-Đôn liền bỏ ngang đọc sách, hắn chạy ra phố lôi về một cây ghi-ta rồi say mê mò mẫm viết note từ bản tango mới nghe và ghép lời từ bài thơ "Mưa Bụi Đường Chiều" của Ai-Cơ. Bobbi-Đôn làm xong bản nhạc, hắn vừa đàn vừa hát ư ử trong họng vừa cầm viết chi gôm sửa những note nhạc cho hợp âm điệu sắc huyền hỏi ngã của tiếng Việt. Bản nhạc tango Latin không có khúc nào là âm trưởng nên Bobbi-Đôn chế thêm một đọan chuyển hợp âm từ thứ sang trưởng cho vào giữa bài. Thế là xong, hắn nhét bản nhạc nằm kế bài thơ trong tập bản thảo của Ai-Cơ.

                      Đêm nay là đem thứ ba vắng mặt Toni-Văn, hắn có đến một lát lúc ban chiều rồi vội vả ra về. Bobbi-Đôn Đang ngồi dạo lại bản nhạc phổ thơ của Ai-Cơ để tìm thêm hợp âm thì Thu-Liễu mang phim ra phòng khách ngồi xem. Bobbi-Đôn ngưng đàn, đứng dậy đi pha trà, mắt hắn cũng vừa thấy cái tựa đề cuốn phim Thái Lan là "Jan Dara", tựa tiếng Việt là "Mẹ Kế", phim không thích hợp cho trẻ em. dưới 18 tuổi.

                      (còn tiếp)
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2009 05:17:38 bởi Ct.Ly >
                      #11
                        trandaik 13.01.2009 13:21:45 (permalink)
                        Năm




                        Pha trà xong Bobbi-Đôn mang đàn ra ngoài hiên sau patio tiếp tục việc hoàn tất bản nhạc. Điệu tango thì cần có intro nhạc dạo thật lôi cuốn, phần kết phải gây luyến tiếc và quan trọng hơn nữa là khúc solo nhạc khí giữa bài ca. Bobbi-Đôn cố nhớ lại những khúc dạo học lóm được của một thằng bạn lúc thiếu thời. Thằng này có thiên khiếu chơi những cú ứng tác hay ứng tấu thật tài tình nghĩa là nó không cần bài bản hay dợt trước cứ mỗi khi ca sĩ nghỉ lấy hơi giữa bài là hắn chế ra solo nghe thật đã nhĩ, trống kèn đều hứng khởi chơi theo. Cuối cùng thì cũng xong bài nhạc, Bobbi-Đôn ghi vào mấy chữ ... Nhạc: Bob Vũ Thơ: Ai Cơ, hắn thấy có gì không ổn nên cứ ngồi đực mặt ra tìm cho mình một tên mới, cuối cùng thì quyết định lấy tên thật là tốt nhất. Bobbi sửa lại ...Nhạc: Vũ-bình-Đôn Phổ thơ "Mưa Bụi Đường Chiều" của thi sĩ Ai-Cơ. Ngày mai Bobbi tức nhạc sĩ Vũ-bình-Đôn sẽ nhờ ban nhạc ca-đoàn Đức Mẹ Thánh Tâm thâu âm với giọng ca vàng Tống-Mỹ-Linh.

                        Bobbi xách đàn, ôm nhạc vào nhà thì thấy Thu-Liễu đang thu mình ngủ quên trên salon, hắn thấy một cơn bão thổi nhẹ trong người ... không biết vì Thu-Liễu đang say ngủ hay vì tác phẩm đầu tay còn đè nặng trong đầu mà cơn bão lòng qua rất nhanh. Bobbi-Đôn kéo tấm chăn đắp lên người đàn bà có cái lưng dài, eo thon và hông nhô cao như con ong mật. Một phần ngực Á Đông trắng nõn bám vào tư tưởng Bobbi về phòng riêng cho đến khi tiếng thở của hắn thật đều.

                        Giấy tờ bán nhà đã xong, Julia-Lia bày kế cho Lành tiền lời phải trừ cái khoản tiền mà Bobbi lấy ra từ giá trị tài sản để du lịch Việt Nam. Bobbi chẳng cần tranh cãi dành phần, hắn vui vì trong chương mục vừa có thêm một khoản tiền khá bộn. Bobbi-Đôn dẫn hết ca-đoàn ĐMTT ra nhà hàng đãi một chầu ăn, tặng cho mỗi người một thẻ Starbuck Coffee uống free và tặng cho giọng ca vàng một cái ipod nghe MP3. Bobbi-Đôn cũng không quên khuênh về một cái keyboard chơi nhạc và một cái laptop cùng một phần mềm soạn nhạc.

                        Khi ngang qua một cửa hàng Bobbi-Đôn thấy phản diện mình trong kiếng, hắn tự thấy kính nể mình quá nên khép chân làm một cử chỉ cúi đầu thật nhẹ "dạ xin chào nhạc sĩ Vũ-Bình-Đôn ạ !" Hắn thấy cái bóng nhe răng cười nửa trơ trẽn, nửa trông "đểu" làm sao !

                        _Chào anh bê-đê!
                        Thu-Liễu lên tiếng khi mở cửa cho Bobbi vào, Bobbi giật mình:
                        _Tôi ! pê-đê ? Cô gọi thế là có ý gi ?
                        _anh biết mà còn hỏi.
                        _Cô muốn tôi chứng minh là tôi không pê-đê không?
                        _Bằng cách nào?
                        _Tôi có vợ con đàng hoàng.
                        _Ủa anh có con hồi nào, bao nhiêu đứa ?
                        _Không .. chưa
                        Bobbi-Đôn vừa nói tiếng "không" lại sực nhớ ra mình sắp có thằng nhóc chào đời ở Việt Nam nên liền đổi thành "chưa"
                        _À chưa là sắp có, vậy bao giờ có ?
                        _Ba tháng nữa... mà sao cô cứ hạch hỏi tôi như vậy ? Cô chưa trả lời tôi mà. _Tại sao cô gọi tôi là pê-đê ?
                        _Anh này lạ thật ... tên anh là Bobbi-Đôn tôi gọi tắt là Bê Đê không được sao
                        _Trời ! vậy mà tôi cứ tưởng ... cô nói pê-đê là ám chỉ tôi là ...là đồng tính luyến ái chứ ! Hời !
                        Cả hai cùng cười. "Anh ăn gi chưa ?" Thu-Liễu hỏi " Tôi mới vừa dọn cơm xong."

                        Cơm nước xong, Bobbi-Đôn vào phòng tắm gội sạch sẽ, cạo râu nhẵn nhụi và thoa lên người một ít dầu thơm Boucheron pour Homme. Mặc quần áo xong Bobbi-Đôn soi mình trong gương hắn lại gật đầu chào nhạc sĩ Vũ Bình Đôn, cũng nhe răng cười trơ trẽn, cũng thấy mặt mình khá "đểu" trong gương. Vừa bước ra khỏi phòng tắm Bobbi-Đôn thấy ngay Thu-Liễu đang nằm gác cẳng lên đùi của Toni-Văn nơi salon, không biết Toni đến từ lúc nào, hắn quay lưng vừa đi về phòng vừa nói vọng lại "mới tới hả mày ?" không thiết nghe tiếng trả lời, hắn đóng cửa phòng, lấy thơ Ai-Cơ ra xem và nằm luôn không ra ngoài nữa bởi hắn không muốn Toni ngửi được mùi thơm cả năm trời đêm nay mới xịt.

                        Ngồi bên ngoài, Toni và Thu-Liễu cho là Bobbi-Đôn biết điều nên để hai nguời tự do riêng tư. Thu-Liễu chồm tới tai Toni nói nhỏ vừa đủ nghe:
                        _Anh biết hông, ông Bobbi là dân "gay" pê-đê đó !
                        _sao cưng biết "
                        _Em mới phỏng vấn ổng hồi chiều
                        Toni-Văn cười thầm, khen cho thằng bạn mình biết điều bày kế nói sạo để né lôi thôi với vợ bé của bạn bè:
                        _Ừ bà xã hắn bỏ đi chắc hẳn là vi hắn pê-đê như cưng nói

                        Đêm đó phòng bên kia lại vang lên những nguyên âm vọng từ đáy vực. Bobbi-Đôn kéo gối bịt hai tai, nhắm nghiền mắt thấy đời mình sâu thẳm. Bobbi-Đôn trằn trọc chìm vào giấc ngủ, lại nằm mơ thấy mình trần truồng chạy hoang dưới cơn mưa.

                        Ai-Cơ về trước cửa nhà thì trông thấy một cái CD và một nhánh hoa hồng nhung đặt nằm dưới chân cửa. Nàng vào nhà mở ra xem và nghe thì ra đó là một bản nhạc tango với giọng ca nữ trình bày. Bài ca nghe thật hay. Ai-Cơ bấm máy nghe lại thêm lần nữa thì nhận ra lời thơ của mình được phổ nhạc mà tác giả không biết là ai. Hết ngồi thẩn thờ rồi lên mạng mở điện thư cùng thư riêng ra dò xem có dấu hiệu hoặc tung tích gì về người phổ nhạc hay không nhưng tất cả vẫn chỉ là một bí mật. Bị khúc mắc và bâng khuâng dằn vặt, Ai-Cơ lòng lâng lâng bước sang nhà kế bên gắn giấy nhắn tin lên cửa "chiều nay tôi mời anh đi Seaport uống cà phê nếu anh có thể, Nena 2:15 ngày tháng năm..."

                        Buổi chiều mây bàng bạc trôi, nắng lung linh và gió biển nhẹ hiu hiu, hai người mua cà phê xong, không ngồi lại quán như lần trước, họ sóng bước bên nhau dọc theo con đường lát gạch sát bờ biển. Những cánh buồm chầm chậm ngược xuôi trong vịnh, xa xa là các chiến hạm che khuất một phần bán đảo ngoài khơi. Lòng đang lâng lâng vì dư âm của bản nhạc tango phổ thơ mình, Ai-Cơ nép nhẹ vào vai Bobbi-Đôn ngỡ như đang dạo gót tình xuân với người tình. Bobbi-Đôn ngửi thấy mùi hương tóc mới gội, thơm thoang thoảng, hắn nghiêng đầu nói:
                        _Chị đừng buồn tôi nhé nếu tôi xin chị hồi lại việc in ra tập thơ.. nay mai tôi sẽ cho chị biết lý do!
                        _Sao vậy? anh có thể cho tôi biết bây giờ không ?
                        _Cũng được...thứ nhất là cần thêm tranh cho những bài thơ để tập thơ thêm phong phú và người đọc dễ tìm bài mình ưa thích.
                        Dừng một vài giây, Bobbi-Đôn ngập ngùng nói tiếp:
                        _Thứ hai là tôi nhận thấy vần điệu trong thơ của chị có nhạc và lối chia cụm từ ở một số bài rất dễ mà dùng nhạc phổ thơ... Nói chính xác hơn là thơ của chị cần có thuyền nhạc chở sang bên kia bờ nghệ thuật. Đó là lý do tôi đề nghị chị khoan ra mắt tập thơ...
                        Ai-Cơ vừa ngạc nhiên vừa thẩn thờ khi nghe những lời Bobbi-Đôn vừa nói, nàng ấp úng:
                        _Nhưng tìm ai để họa tranh và tôi đâu có thơ...được phổ nhạc đâu !
                        _Chị đừng lo, chỉ là thời gian thôi chứ nếu được chị tin thì tôi sẽ giúp chị hết mình.
                        _Anh không nói tôi có lẽ tôi đã làm hỏng tập thơ đầu tay. Cám ơn anh nhiều nhưng để chờ xem anh giúp bằng cách nào.

                        Một cặp tình nhân đứng hôn nhau giữa lối đi làm hai người khựng lại và câu chuyện cũng đổi đề tài.
                        _Chị có thích khiêu vũ không ?
                        Ai-Cơ nắm một bên váy mình đong đưa:
                        _Thích chứ nhưng giờ thì tôi hết ham rồi
                        _Vậy chị thích điệu gì nhất ?
                        _Tôi thích valse và boston, còn anh ?
                        _Tôi thích tango.
                        _À lát nữa về nhà tôi sẽ cho anh nghe một bản tango.
                        _Bản gì chị ? may ra tôi biết.
                        _Không, bản này nhất định anh chưa từng nghe qua bao giờ.
                        Bobbi-Đôn mỉm cười kín đáo, hắn cởi áo ngoài choàng cho Ai-Cơ và hai người đi thêm một đoạn rồi quay ngược lại hướng đi. Bóng chiều đổi màu thầm kín những suy tư.

                        Hai người về đến La Nena Village, đang bước lên vài bậc thang cấp hình chữ "Y" thì bên trái phía trên Thu-Liễu đứng khoanh tay tì lên bao lơn nhìn xuống, nàng mặc bộ đồ lụa mỏng, cột khăn búi tóc trông trẻ trung như một nữ sinh. Họ chào nhau và Bobbi-Đôn không biết mình có nên lôi lọ dầu thơm ra xài như tối hôm qua hay không?

                        (còn tiếp)
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2009 13:25:11 bởi trandaik >
                        #12
                          trandaik 15.01.2009 14:23:21 (permalink)


                          Sáu

                          Diễn đàn mupo.net là một nơi quy tụ các sáng tác mới về thơ nhạc. Có lẽ chữ mupo được ghép lại từ music và poem nghĩa là nhạc và thơ. Dương-Thủy-Triều sinh hoạt nơi diễn đàn này khá lâu, nàng có hơn hai trăm bài thơ và cũng khá nhiều bài được phổ nhạc. Dương-Thủy-Triều chuyên về thơ tình lãng mạn. Theo thói quen, mỗi khi vào diễn đàn, Thủy-Triều luôn ghé phần âm nhạc trước để xem có bài nào mới được phổ nhạc hay không. Hôm nay nàng thấy có một bản nhạc và lời rất lạ mà người đăng cũng là thành viên mới gia nhập có tên là Vũ-Bình-Đôn. Không như đa số các bài nhạc phổ thơ chỉ có midi nhạc không lời, bài này có ca sĩ hát và ban nhạc chơi hòa âm nghe như là chuyên nghiệp. Dương-Thủy-Triều liền gửi pm, chữ viết tắt từ private massage tức là gởi thư riêng trong diễn đàn cho thành viên mới Vũ-Bình-Đôn: "Thân ái chào VBĐ đến với mupo.net, chúc nhạc sĩ được nhiều niềm vui sinh hoạt và hăng say sáng tác nơi đây! ps: DTT rất ái mộ bản Mưa-Bụi-Đường-Chiều với điệu tango hay tuyệt. Cám ơn VBĐ cho nghe nhạc."

                          Bobbi-Đôn đi làm về chưa kịp mở cửa thì Ai-Cơ đứng bên kia thang cấp chữ "Y" réo gọi, "anh Đôn, anh sang đây tôi cho anh xem cái này !" Bobbi theo Ai-Cơ vào nhà, nàng rót nước mời uống rồi kéo hắn ngồi xuống trước màn hình vi tính, "anh xem, đây là bản nhạc tango anh phổ, nó đã lên mạng toàn cầu, tôi mở âm thanh cho anh nghe nhé !" Ai-Cơ nói với vẻ mặt hân hoan, "tôi đã đăng ký tên anh vào diễn đàn, đây ! anh mở mục hướng dẫn gõ chữ Việt, đăng bài và kèm hình ảnh, âm thanh ... không mấy gì khó đâu anh ạ ! mật mã tạm thời là cumonora, Khi nào anh tự làm được thì anh đổi mật mã khác". Ai-Cơ hướng dẫn thêm cho Bobbi-Đôn vài xảo thuật căn bản xử dụng diễn đàn trên mạng rồi mở cho anh xem trang pm thư riêng. Bobbi-Đôn thấy có rất nhiều thư. Hắn mở lá thư đầu tiên ra đọc, đó là pm của thi sĩ Dương-Thủy-Triều...
                          _Thư nhiều thế này bây giờ tôi phải làm sao ?
                          _Thì trả lời cho họ ! Họ đều ái mộ anh đấy mà ! Nếu hôm trước tôi không phát hiện ra anh phổ bài thơ của tôi thì anh đâu có nổi tiếng như bây giờ ! Anh nhìn kìa ! Mới đó mà có hơn năm chục điện thư gửi cho anh ...

                          Bobbi-Đôn nhớ lại hôm hắn được Ai-Cơ rủ đi uống cà phê về, gặp Thu-Liễu đứng trên bao lơn, Ai-Cơ đề nghị hắn lên nhà nàng uống miếng trà để nàng cho hắn nghe cái CD của kẻ nặc danh phổ thơ nàng đem tặng. Đang nghe thì Thu-Liễu chạy sang, tay cầm một tập giấy đưa cho Ai-Cơ, "sấp giấy này chị bỏ quên dưới vườn phải không?" rồi quay sang Bobbi-Đôn, Thu-Liễu giục, "anh về mau có một người khách đang chờ anh ở nhà !". Ai-Cơ gật đầu cám ơn còn Bobbi-Đôn bước theo Thu-Liễu, bụng phân vân không biết ai đến tìm mình.

                          Lúc Bobbi vào nhà thì ra đó là Tống-Mỹ-Linh, cô bé trong ca đoàn nhà thờ. Hắn lúng túng:
                          _Sao em biết nhà mà đến đây ?
                          Tống-Mỹ-Linh ấp úng trả lời:
                          _Cháu lấy địa chỉ của chú qua anh ca trưởng nhưng không có số phôn của chú. Cháu có làm phiền chú không? Cháu có việc nhờ chú nên mới tìm tới đây.
                          _Chuyện gi vậy em ?
                          _Cháu nghe chú nói về lý thuyết ca nhạc Zazz hay quá và hứa sẽ giúp cháu luyện âm, cháu sắp có trình diễn nên cần chú dạy cấp tốc.

                          Thu-Liễu nghe hai người xưng hô một cách "người dưng khác họ chẳng nọ thời kia ..." nên nàng nghĩ ... đây là chuyện "đừng kiu anh pằng chú", Thu-Liễu bỏ vào phòng đóng cửa để yên cho Bobbi ..."còn tuổi nào cho em" và cô bé thì...em xin tuổi nào ...còn tuổi nào cho ...anh. Cô bé con nhà ai mà xinh thật ...còn cả một...trời xanh trong mắt em sâu ...

                          Sáng hôm sau Bobbi-Đôn thức dậy muộn vì thức đêm trò chuyện với Tống-Mỹ-Linh. Hắn gọi vào sở cáo bịnh không đi làm. Thu-Liễu thấy hắn loay hoay pha cà phê trong bếp, nàng hỏi qua loa mấy câu rồi đeo túi ra tiệm nail. Thu Liễu có một phòng thuê trong tiệm làm móng tay để nhổ ...lông...cho khách đến làm đẹp.

                          Bên ngoài nắng đã lên cao. Bobbi-Đôn không đi làm cảm thấy buồn chán, hắn gọi phôn rủ Toni-Văn đi ăn sáng thì cũng đúng lúc Toni-Văn có chuyện cần bàn với hắn. Vừa mới xuống hết bậc thang thì có tiếng gọi:
                          _Anh Đôn, anh có rảnh không, lên đây một chút ?
                          _Tôi có hẹn với Toni-Văn, phải đi ngay e nó đợi !
                          _Vài phút thôi ... À mà anh đi ăn sáng hở, cho tôi đì với được không?
                          Bobbi biết từ chối không đưọc, miễn cưỡng đáp:
                          _Vậy tôi xin mời chị, tôi đi lấy xe nhé !

                          Xe chạy qua một vài ngả tư chưa ai nói gi với nhau. Bầu trời âm u, hàng cây hai bên đường nghiêng ngã trước gió, báo hiệu sắp có giông to. Ai-Cơ nghiêng đầu dựa vào cửa kiếng quay mặt nhìn Bobbi-Đôn lên tiếng:
                          _Anh Đôn ... chính anh tặng tôi cái CD ...anh có gì phải ngại mà phải giấu tên ?
                          Bobbi-Đôn giật mình quay lại làm xe chao đi:
                          _À ...m...um ...tôi thích bài thơ nên thử phổ nhạc...mà thôi .., Sao chị bìết ...được ?
                          _Hôm qua Thu-Liễu đưa tôi tập bản thảo mà anh để quên ngoài vườn, lúc đó có anh, mãi đến sáng nay, khi ngồi đợi nước sôi, tôi mở ra và tình cờ thấy mấy dòng nhạc anh viết tay kẹp trong đó..
                          _Thú thật với chị tôi chưa cho chị biết ... vì tôi muốn phổ thêm vài bài nữa để dò ý chị xem chị có thích không ? Thơ chị hay lắm!
                          _Cám ơn anh, Thì ra là vậy! Thôi thế này, để tạ ơn anh, tôi xin đãi anh một chầu ăn sáng nay để mừng bản nhạc quá hay của anh.
                          Bobbi-Đôn chưa kịp trả lời thì xe cũng vừa đến nhà in nơi Toni-Văn làm việc.
                          Họ kéo nhau đi ăn. Lúc chia tay nhau, Toni-Văn kéo Bobbi-Đôn ra riêng nói nhỏ vừa đủ nghe
                          _Bà chủ nhà có biết chuyện tao không có mặt qua đêm không mậy ?
                          _Chưa.
                          _Tồt ! Tao có thằng đệ tử làm nghề từ tiểu bang xứ lạnh mới sang Cali này, tao mới đưa nó vào phụ việc, tạm thời tối nay mày cho nó dọn vào ở với mày, ngủ ngoài phòng khách cũng được, chỉ vài ngày nữa là tao có chổ mới cho Thu-Liễu , "ẻm" sẽ dọn ra khỏi condo mày đang ở. À ! nghe mày được chia tiền bán nhà sao không thấy chè cháo gi ráo trơn mậy ?
                          _Dẹp mày đi ! Chuyện thằng nhóc đệ tử mày tao sẽ cho biết sau, tao về đây!

                          Trên đường về Bobbi-Đôn lái xe tốc độ không chừng, não bộ như có cái muỗng vô hình đang khuấy như khuấy một ly nước tràn đầy. Trong cơn lốc não, có lúc hắn thoáng thấy hình ảnh cái lưng ong và phần hông nhô cao của Thu-Liễu khi nàng nằm nghiêng uốn mình nơi phòng khách vào một đêm nào đó chỉ có hai người.

                          bảy
                          #13
                            trandaik 12.02.2009 14:52:23 (permalink)
                            ĐÈO BỒNG (phần 7)



                            Người viết xin thành thật cáo lỗi và cám ơn bạn đọc vì sự chậm trể đăng bài. Thân mời xem tiếp phần bảy ...

                            bảy



                            Việc Cu-Giọt dọn vào tạm trú đối với Thu-Liễu không thành vấn đề vì thật ra Thu-Liễu chưa hề góp tiền nhà bao giờ, nàng đinh ninh là mọi chuyện đã có Tony-Văn thu xếp với Bobbi-Đôn. Riêng Bobbi-Đôn thì thoạt đầu hắn bực mình lắm vì Tony-Văn cứ hẹn lần rằng sẽ thanh toán món nợ tiền nhà chia đôi hàng tháng, đến nay chưa thấy một xu cắc bạc nào mà lại gởi thêm thằng nhỏ vào ở free, ở "chùa" vừa làm kỳ đà cản mũi chuyện lửa gần rơm giữa hắn và Thu-Liễu, nhưng một tuần trôi qua Bobbi-Đôn đã bớt khó chịu vì cu-Giọt xem ra rất biết điều, nó ăn ở ngăn nắp, lễ phép và chịu khó trà nước, cà phê cho Bobbi-Đôn như một đệ tử trung thành. Cu-Giọt còn là một tay đầu bếp giỏi, một tay nó trang trí trông thật đẹp mắt, nhà cửa ấm cúng hẳn lên, nào là mẹ con lũ gà bằng sành, ly tách, chén bát mới, thậm chí trong bồn rửa bát lúc nào cũng có một khay nước sạch để ngâm những thứ dùng rồi nhưng chưa kịp rửa, tránh không cho một chị gián hay anh tí nào hưởng lợi thức ăn thừa...

                            Cu-Giọt là tên được mọi người làm việc ở nhà in Quê-Vợ đặt cho từ khi hắn mới chân ướt, chân ráo đến từ tiểu bang Wisconsin. Cu-Giọt họ Ôn, Tên thật là Giáp. Khi bị Bobbi-Đôn và Thu-Liễu chất vấn về lý lịch, Ôn-Manh-Giáp kể rằng lúc thi vào quốc tịch Mỹ, người phỏng vấn hỏi hắn muốn lấy tên mới là gì, có muốn giữ cái tên cúng cơm không, Cu-Giọt rất muốn có một cái tên mới để thay cho cái tên Giáp nghe như "bói toán" và thường bị bạn bè chọc ghẹo là "thua chẳng còn manh giáp", đang lúng túng tìm một cái tên Mỹ cho thật oai thì hắn nhìn thấy cái bích chương hình vị tổng thống mỹ treo trên tường, "George ! George Washington !" Cu-Giọt đắc ý la to "đát cái i sờ mai nêm !, tha't is my name ...." Thế là nhiều ngày sau có giấy gởi về ghi tên là Mr. George-Washington-Ôn và đó là lý do mà mấy người ở nhà in gọi nó là thằng George hay Cu-Giọt bằng âm tiếng Việt.

                            Giang sơn của Cu-Giọt chừng sáu mét vuông bên trong một bức bình phong cũ kỹ mua lại ở chợ trời được đặt che một góc phòng khách cũng là chỗ ngủ. Cu-Giọt chỉ có một cái bàn con, dưới để túi xách quần áo, một cái chăn dầy và một chăn đắp đặt ngay trên sàn thảm. Tất cả rất giản dị, hiền lành, khiêm tốn như con người và giọng nói của nó.

                            Tính đến nay thì Bobbi-Đôn đã hoàn tất tám bản nhạc phổ từ thơ của Ai-Cơ. Tất cả đều được đăng lên ba diễn đàn thơ nhạc trên mạng internet. Một số thi hữu cho hay là có những diễn đàn khác, nhất là ở trong nước, dán link vào trang web riêng để nghe nhạc, thậm chí còn cho thành viên tự do tải nhạc Bobbi-Đôn xuống máy hoặc phone cầm tay. Gần đây nhất có một ban nhạc và ca sĩ khá nổi tiếng ở Việt-Nam trình diễn bài tango "Mưa Bụi Đường Chiều" của Bobbi-Đôn. Tám bản nhạc đầu tay không thể gọi là sáng tác bởi Bobbi-Đôn đã xử dụng xảo thuật "xào" nhạc, cắt xén, pha trộn từ những dòng nhạc trên thế giới mà hầu như người Việt ít khi biết đến mà nếu có người hay nghe nhạc quốc tế cũng khó lòng nhận ra được bởi vi tiết tấu, nhịp điệu và thang nhạc cũng bị Bobbi-Đôn biến hóa một cách thật khéo léo. Tiếng tăm của Bobbi-Đôn bắt đầu lan rộng trên nhiều diễn đàn internet hắn được nhiều trang web gửi thư mời gia nhập để trả lời người ái mộ mà hầu hết là những nàng thơ.

                            Vào một ngày tháng tư trời trong xanh, nắng mai tươi đẹp và hoa nở khắp mọi nơi, hương thơm bay ngát trời ... Bobbi-Đôn lê tấm thân chua lét, râu mọc tua tủa nhiều ngày không cạo đến sở làm. Chàng thợ tiện cơ phận máy bay bị gọi lên gặp xếp để nhận lá đơn xin từ chức. Thật ra đó là giấy sa thải, tống cổ ra khỏi hãng vi theo như lời của xếp thì Bobbi-Đôn gần đây thay đổi qúa nhiều ... như hay ngủ trộm, vừa làm vừa nghe nhạc lén, tay chân thường múa may như vẽ bùa trên không hoặc ngồi tư lự thả hồn ra sân theo bướm mơ tiên ... nhưng vì cảm cái công khó nhọc, siêng năng trước đây nên ông chỉ ghi là sa thải vì hãng ít việc làm để Bobbi-Đôn dễ dàng hưởng tiền thất nghiệp cho đến khi chàng Bết-thô-ven tân thời tìm được việc mới. Không hờn giận, Bobbi-Đôn cầm tờ giấy không buồn bắt tay ông xếp, hắn bước ra ngoài, trong đầu vạch ra một cuộc sống mới ..."Vũ-Bình-Đôn, nhạc sĩ, thân phận, sự nghiệp và âm nhạc" ...sẽ hội nhập vào những tên tuổi lớn của thế giới âm nhạc Việt Nam từ quốc nội ra tới hải ngoại.

                            Việc trước tiên sau khi bị đuổi việc là đặt vé máy bay về Việt-Nam thăm nàng vợ bé có cặp "giò lụa" với đứa con sắp chào đời và trong khi chờ đợi đến ngày đi, Bobbi-Đôn nằm nhà phổ nhạc cho các thi nhân khắp nơi trên mạng internet. Bobbi-Đôn không màng tới việc ăn uống, tắm rửa bởi hắn đang no say với mật ngọt từ lời khen thưởng, tâng bốc của các nàng thơ và có ra ngoài đâu mà bụi bám, mà phải tắm rửa. Mấy ngày trôi qua, hai thùng phở gói với mì cua vơi dần. Bên trong căn phòng thường chớp lên những tia sáng trắng xanh hiện ra dưới khe cửa, Bobbi-Đôn vẫn thường đang ở truồng bận rộn với cây đàn và cái máy scan hình. Hắn như quên hẳn cái thế giới bên ngoài còn có một Thu-Liễu khêu gợi, một Cu-Giọt hiền lành và một bà chủ nhà tốt bụng đang nằm trong bệnh viện đã mấy hôm rồi nhưng không ai hay biết.

                            Ai-Cơ nằm trên chiếc giường sạch sẽ trong một căn phòng có đầy đủ tiện nghi và được trang trí thật mỹ thuật với hoa tươi, tranh ảnh như đang nằm ở nhà riêng. Bên ngoài cửa sổ của bệnh viện, trời trong xanh ngát, những cành cây với lá nhỏ li ti phía bên ngoài đong đưa theo gió nhẹ làm cho nàng rất muốn được bước chân ra ngoài. Ai-Cơ mở cái laptop tìm bản nhạc "Autumn Leaves", nàng vừa ca theo giọng Jazzy vời vợi buồn của Diana Krall vừa nhập tên vào các diễn đàn thơ nhạc. Ai-Cơ nhận ra Bobbi-Đôn đã phổ nhạc khá nhiều và lời ca tụng hắn cũng không ít. Dường như người ta vừa quên các bài nhạc do hắn phổ thơ Ai-Cơ mà giờ đây một tên tuổi khác đang được nhiều người thưởng thức đó là thơ Dương-Thủy-Triều qua dòng nhạc Vũ-Bình-Đôn. Một thoáng buồn lướt qua và nỗi cô đơn lại kéo về vây kín, ngập hồn Ai-Cơ như những ngày vừa qua khi nàng bị tách rời không được thăm viếng vi có chất phóng xạ trong người. Ai-Cơ cảm thấy mệt mỏi, mắt nhíu lại trước màn hình, chẳng bao lâu nàng chìm vào giấc điệp và mơ một cơn mơ dường như đã từng mơ ...nàng thấy mình bay bổng lên không, lướt qua thành phố, núi đồi, thảm cỏ, đồng hoang rồi cuối cùng về đến vùng trời thơ ấu, nơi nàng thường trèo lên đồi hái sim ...và rồi sợ hãi khi không biết làm sao đáp xuống, Ai-Cơ mơ thấy mình rơi vào một vùng tím ngắt, một màu tím sâu hút tận cùng...

                            Những tạ từ, tạm biệt nơi phi trường không còn được cái thú nhìn phi cơ cất cánh nữa vì tình trạng an ninh khắp nơi. Bobbi-Đôn đành chia tay Thu-Liễu và Cu-Giọt ngay bên ngoài lối vào khám xét hành lý. Hắn đưa tay bắt tay Cu-Giọt, cú đầu âu yếm thằng nhỏ có cặp mắt bò một cái rồi xoay qua Thu-Liễu định bắt tay nàng nhưng lại đổi ý, hắn ôm nàng vào lòng, xiết chặc tấm thân có cái eo thon nhỏ, Bobbi-Đôn linh cảm được Thu-Liễu cũng đang vỗ lưng hắn với cùng một cảm xúc không hề có dục vọng. Bobbi-Đôn cởi giầy, nịt lưng, đặt túi xách lên khay rồi chui qua cổng quang tuyến, sau khi naì nịch lại xong, hắn nhìn Thu-Liễu và Cu-Giọt lần cuối, lòng chợt rưng rưng như đang chia tay những người thân yêu nhất. Chuyến bay chở Bobbi-Đôn ghé Hàn-Quốc rồi vào Việt-Nam.

                            Không cần nhìn cái bảng có ghi tên mình trước ngực gã đàn ông cao lêu khêu và một cô gái trẻ đẹp, Bobbi-Đôn cũng nhận ra đó là nhạc sĩ Mộng-Bình-Lân và cô em ca sĩ Mộng-Bình-Lan vì đã nhiều lần xem hình qua thư tín. Ba người chào hỏi nhau rồi lên xe hướng về xa lộ Biên-Hòa. Kế họach về thăm em "giò-lụa" đã bị thay đổi từ trước, đó là Bobbi-Đôn sẽ âm thầm gặp gỡ các bạn bè văn-thơ-nhạc sĩ đang có mặt tại Việt-Nam xong đâu đó rồi mới dành một tuần lễ còn lại cho cô vợ bé "giò lụa". Xe ra tới đường rộng bắt đầu phóng nhanh, tài xế lách qua, lách lại như vừa mới ăn cướp ngân hàng làm Bobbi-Đôn và cô gái ngồi bên cạnh chao người đè lên nhau mấy lần. và cặp mắt "Nhạc-Bất-Quần" của Bobby cứ muốn phọt ra lăn vào cái khe của đôi gò bồng đảo trên ngực Mộng-Bình-Lan.
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.02.2009 08:17:46 bởi trandaik >
                            #14
                              trandaik 15.03.2009 13:46:45 (permalink)
                                ĐÈO BỒNG (phần 8)




                               

                              Tám

                              Xe dừng lại trước một căn nhà cao ba tầng lầu, đây là điểm hẹn cũng là nơi chủ nhà dành riêng cái lầu trên cùng cho Bobby-Đôn tắm, ngủ. Đám rước đưa chàng việt kiều đi ngang qua một cái sân có nhiều cây kiểng rồi vào nhà. Bobby-Đôn thoáng ngộp với cái sang trọng có thẩm mỹ do bàn tay trang trí nội thất nào đó chưng bày, từ vật liệu đến sắc màu đều hài hoà và hợp mắt. Như đã sắp sẵn và không đợi chủ nhà sai bảo, hai người giúp việc tự động mang hành lý của Bobby-Đôn lên lầu trên và mời hắn đi tắm gội. Nơi đây tất cả đều sạch sẻ, ngăn nắp, khăn tắm mới tinh, bàn chải răng và xà-bông còn nằm trong hộp chưa khui. Bobby-Đôn không thể nào ngờ được bây giờ mình đang ở chỗ sang trọng hơn cả những khách sạn cao cấp như thế này.

                              Tắm rửa xong Bobby-Đôn bước xuống nhà thì mọi người mời nhập tiệc ngay. Trên bàn toàn thức ăn hấp dẫn, rượu đắt tiền. Bobby-Đôn được mời vào vị trí thượng khách, ngồi giữa hai anh em Mộng Bình-Lân và Bình-Lan. Chủ nhà là một thanh niên gầy, cao, tuổi chừng hăm lăm, hăm sáu, đang đứng ở đầu bàn đối diện, hắn nâng rượu, mời mọi người cùng nhau cụng ly chúc mừng hội ngộ ... cuộc tiệc bắt đầu với đề tài các ca sĩ hát hay, hát dở nhưng chẳng bao lâu chuyện đã xoay qua những kỷ niệm đi lưu diễn khắp nơi của ban nhạc. Bobby-Đôn đang rơi vào thế bị động, ngồi trơ mắt ếch, miệng lừa xương cá thì Mộng-Bình-Lân to tiếng:

                              _Anh phổ thơ thật là tài tình anh Đôn ạ ! Dường như bài thơ nào được anh phổ nhạc là sẽ nổi tiếng ngay. Ở bên này tên tuổi của anh được người ta bắt đầu nhắc tới luôn !
                              Chàng nhạc sĩ quốc nội Mộng-Bình-Lân đang huyên thuyên ca tụng Bobby-Đôn thì Mộng-Bình-Lan cắt ngang:
                              _ Mộng-Lan xin hỏi, thế nào là một bài thơ được anh để ý đếnas và chọn để phồ nhạc ?
                              Bobby-Đôn nhổ một sợi lông mũi rồi dí ngón tay vào một bên mũi đang đau, hắn đáp:
                              _ Thường thì một bài thơ tự nó có âm điệu trầm bổng đầy nhạc tính, không ngắn và cũng không dài lắm và ý thơ phải đặc sắc,có cảm xúc.
                              Mộng-Bình-Lân xen vào, hắn rót mật ong vào lời nói:
                              _Thảo nào ...tất cả các bài thơ được anh phổ nhạc đều hay cả.
                              Bobby-Đôn sướng rên nhưng giả bộ khiêm nhường:
                              _Mình vì cảm hứng thôi chứ làm sao bì được những tên tuổi lớn.
                              Mộng-Bình-Lân xen vào:
                              _Anh quá tự hạ mình chứ tài phổ nhạc của anh không thua gì họ. anh đang tạo cho mình một chỗ đứng riêng, rất là khác lạ.
                              Câu chuyện đang xoay qua ai là nhạc sĩ phổ thơ hay nhất, tệ nhất ... thì chủ nhà đến kéo Mộng-Bình-Lân đi cạn ly chung quanh bàn tiệc. Bình-Lan đề nghị Bobby-Đôn ra hiên sau trò chuyện. Hai người sóng bước bên nhau trên lối sỏi, nàng hỏi:
                              _Phần đông anh chọn thơ để phổ nhạc hay người ta đưa thơ nhờ phổ ?
                              _À cả hai, số lượng tương đương với nhau.
                              _Tác phẩm nào anh ưng ý nhất ?
                              _Là bài anh sắp phổ nhạc cho thơ của em đó
                              _Anh này ! Chưa thấy thơ em mà đã khéo nịnh rồi !
                              _Hà hà ! vậy thì mau đưa cho anh đi !
                              Mộng-Bình-Lan ngước nhìn Bobby-Đôn với đôi mắt nhảy múa một vũ điệu kỳ lạ, nàng thỏ thẻ:
                              _Bình-Lan cũng có một vài bài thơ định nhờ anh phổ nhạc nhưng vì không phải nàng thơ của anh, không biết anh có phổ không ?
                              _Ồ, tưởng gì, anh mà biết em đăng thơ ở đâu thì anh đã phổ nhạc từ lâu rồi. Lần đầu tiên thấy hình em anh đã thích ...thích ...hợp đồng ...với em ngay. Anh chắc là thơ em hay lắm phải không?
                              Nói xong câu tán gái "thịt ba rọi" Bobby-Đôn cảm thấy mình khá hơn mọi khi, hắn cười hềnh hệch tiếp
                              _Anh lại có cái tật là phổ nhạc ai phải nhìn hình người ấy !
                              Mộng-Bình-Lan làm sóng bàn tay mình rồi đẩy nhẹ mấy ngón tay vào ngực Bobby-Đôn
                              _Em xấu quắc hà ! chắc anh nhìn hình không bao giờ xong bản nhạc
                              Bobby-Đôn ưỡn ngực:
                              _Bảo đảm với em, anh chỉ cần vài phút là sẽ có ngay bài ca cho em.
                              _Mai em mang tới đây, lúc xế trưa nhé, anh đừng đi đâu chơi nha!

                              Bobby-Đôn đặt tay lên vai Mộng-Bình-Lan, thả rơi ánh mắt trìu mến lên làn da mịn màng của nàng. Chưa bao giờ Bobby-Đôn thèm đặt một nụ hôn lên môi người như lúc này nhưng một cái nhích nhẹ khéo léo của Mộng-Bình-Lan đã làm cho môi, râu cũng buồn trong nỗi đau tình cờ ...

                              Cái tên Mộng-Bình-Lan và ước mơ gặp gỡ nàng bắt đầu từ một hôm Bobby-Đôn lên mạng mở hộp thư ra xem thì có một điện thư mà người gởi là Mộng-Binh-Lân có kèm theo hình một ban nhạc gồm tám người đang xử dụng các nhạc khí khá đầy đủ. Mộng-Bình-Lân giới thiệu thành phần trong ban nhạc và ngỏ ý muốn chơi nhạc của Bobby-Đôn với giọng ca của sáu nam, nữ ca sĩ. Mộng-Bình-Lân mời Bobby-Đôn bấm cái link nghe nhạc do chính họ chơi bài Mưa-Bụi-Đường-Chiều theo nhịp Tango qua giọng ca khát khao của Mộng-Bình-Lan. Bobby-Đôn nghe xong, tứ chi rụng rời bởi ban nhạc chơi quá hay đến nỗi chính hắn cũng không ngờ mình vừa nghe xong bài nhạc do chính mình phổ tác. Bobby-Đôn gõ phím trả lời điện thư vừa tạ ơn vừa đồng ý hợp tác nhưng chuyện tài chính và thù lao thì xin hẹn gặp nhau tận mặt mới bàn và hôm nay chính là ngày hai bên họp mặt nhưng điều lý thú hơn cả là được sánh vai bên người đẹp có lẽ phải dệt một mối tình "yêu em bên đời lặng lẽ ...yêu trong ngày gió, yêu trong ngày mưa ...trong nỗi vui tình cờ ..."

                              Rất đúng hẹn, trưa hôm sau Mộng-Bình-Lan đến, nàng vào phòng và tự khép cửa rất tự nhiên như nhà riêng của mình. Mộng-Bình-Lan mặc chiếc quần âu đen bóng và cái áo lụa đỏ có cái cổ xẻ xuống đời làm sóng chênh vênh ...Bobby-Đôn dìu nàng ngồi xuống ghế bành hỏi:
                              _Em muốn uống gì ? Anh gọi mang lên nhé !
                              _Khỏi anh, em vừa mới uống xong
                              _EM đang cầm tập thơ phải không ? Đưa anh xem !

                              Bobby-Đôn ngồi xuống sát một bên gần nhau như hơi thở, hắn mở tập thơ ra đọc, hai môi mấp máy và dưới "đáy trần đời" cũng bắt đầu động đậy ... nôn nao ...

                              Bình-Lan nhích xa một tí mi-li-mét, nàng hỏi:
                              _Anh được mấy cháu rồi, sao không dắt vợ con theo ?
                              Bobby-Đôn thở dài:
                              _Ôi ! đấy là nỗi đau trong đời ... Anh chưa có đứa nào
                              _Sao chị không đi với anh ?
                              _Bọn anh đang trong tình trạng sống ly thân ...hmm ...chắc sẽ phải ly dị thôi !
                              _Sao vậy ?
                              Bobby-Đôn đặt tập thơ lên đùi, vờ phủi hạt bụi vô hình trên vai áo Bình-Lan, hắn đáp:
                              _Lỗi tại anh. Mình nói chuyện khác nghe em ! À thơ em có sẵn các âm đoạn hồi tống rất dễ cho anh phổ nhạc. Em thích điệu nhạc nào nhất ?
                              _Điệu nào cũng thích.
                              _Em thích anh không ? Có thì tự bao giờ ?
                              _Hổng biết, còn anh ?
                              _Anh à ? anh thì ...từ lúc nghe giọng em ca và thấy nụ cười em trong hình.
                              Bình-Lan thoáng bẻn lẻn, nàng với lấy tập thơ, cùng lúc, Bobby-Đôn chộp tay nàng ép chặt lên đùi hắn rồi vòng tay kia đẩy vai nàng cho môi kề sát môi ... hắn dán cặp môi mấy tháng héo hon lên đôi bờ son đỏ và buông lỏng tay nàng, "bàn tay này nọ" từ từ trèo lên ...lên đỉnh phù vân ... mùi nước hoa ngây ngất, nhạc vang nhẹ bên tường ..."môi nào hãy còn thơm ...cho ta phơi cuộc tình ..."

                              Chín
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 18 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9