Hôn Nhân Những điều nên biết
pham 14.08.2003 23:39:27 (permalink)
Trong GIA LỄ có HÔN LỄ, tức dựng vợ gả chồng, cưới hỏi, một người trong một đời phải trải qua một lần. Hiện nay ở nước ta, đã có nhiều người không biết cử hành hôn lễ như thế nào? Các bậc trưởng thượng hiện nay, giờ có hôn lễ thì họ cũng giảm rất nhiều, hoặc làm lễ mà không rõ ý nghĩa nghi tiết. Còn có người cử hành hôn lễ cho có lệ.

Ðạo Nho đặt ra Hôn Lễ nhằm xây dựng một mỹ tục, một sự ràng buộc linh thiêng của tổ tiên, họ hàng, bạn bè, làng nước chứng kiến, khiến cho có đôi lúc muốn bỏ nhau cũng phải cẩn trọng đắn đo. Không biết thì thôi, đã biết thì phải theo nghi lễ. Thiết tưởng chúng ta nên bảo tồn thuần phong mỹ tục được chừng nào hay chừng đó.


Hôn Lễ là quy cách diễn tiến các tiết mục tổ chức cùng nghi thức khấn vái trong việc dựng vợ gả chồng theo truyền thống từ xưa của tổ tiên. Dù ngày nay vấn đề cha mẹ định đoạt chuyện lứa đôi không còn nữa. Trào lưu tiến triển xã hội văn minh tiến bộ. Trai gái tự do quen biết nhau, tìm hiểu nhau thân thiết trước, nhưng khi quyết tâm tính chuyện ăn đời ở kiếp xây dựng mái ấm gia đình thì nhất thiết phải có sự lạc thành hôn lễ, tức là phải có lễ hỏi, lễ cưới, có lễ vật, được đông đủ cha mẹ thân thuộc tham dự chứng tri, đẹp mặt nở mày người sống, có lễ bái gia tiên rạng rỡ vong linh tổ tiên họ tộc, đúng nề nếp lễ giáo gia phong, bảo tồn mỹ tục của xã hội, đất nước, nêu gương tốt cho hậu thế. Ca dao từng nhắn nhủ: Dẩu yêu nhau thắm thiết đậm đà, Nếu chưa hôn lễ, chưa thành vợ chồng.

Dù không hẳn là tuyệt đối, có nhiều nhận xét cho rằng những cặp trai gái cùng nhau ăn ở dễ dàng không có qua nghi thức hôn lễ thường dể xảy ra đổ vỡ, tan rã hơn vì không có sự ràng buộc tinh thần của hôn lễ, vì thiếu căn bản vững chắc của lễ giáo, trái với thuần phong mỹ tục của xã hội.


Bài này được sưu tầm trên Internet, trong sách vở và những kinh nghiệm của người viết trong những dịp tham dự những buổi lễ cưới hỏi của người Việt tại hải ngoại. Mong rằng tài liệu thu gọn này sẽ giúp các bạn trẻ có một sự chuẩn bị chu đáo & tiết kiệm cho ngày trọng đại của đời người.

Theo tục lệ truyền thống của dân tộc Việt thì Nghi Thức Hôn Lễ được tuần tự chia làm 3 lễ

  • Chạm Ngõ
    Chạm ngõ là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ngày nay ở hải ngoại lễ Chạm Ngõ không còn nữa , tuy nhiên nếu còn thì cũng rất đơn sơ.Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân.
  • Lễ Hỏi
    Sau lễ chạm ngõ là đến lễ ăn hỏi. Dù là tầng lớp nào thì cũng không thể thiếu được cơi trầu. Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cốm và hồng. Nếu gia đình khá giả thì ngoài cốm - hồng và trầu cau còn có thêm lợn sữa quay. Ðồ lễ ăn hỏi gắn liền với đặc sản của vùng đất Hà Thành, gồm có: bánh cốm, bánh su sê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá... Dù lễ vật nhiều, ít nhưng không thể thiếu bánh " su sê" , ngày xưa gọi là bánh " phu thê" , một số địa phương gọi chệch ra là bánh " su sê" là biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Thông thường lễ ăn hỏi gồm có 3 lễ: lễ đàng nội, lễ đàng ngoại và lễ tại gia. Lễ tại gia thường được chia ra đưa kèm theo người được mời cưới.
  • Lễ Cưới
    Thời gian sau khi ăn hỏi đến lễ cưới thông thường là dưới 10 ngày. Lễ rước dâu ngày xưa có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu có địa vị trong làng xã, khi đón dâu ra đến đầu làng còn có lễ chăng dây, đầu làng hoặc đầu phố (lễ chăng dây đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn), muốn đi qua phải đưa một ít tiền. Ăn uống, tiệc tùng diễn ra trước ngày cưới 1 ngày (bây giờ thường tổ chức ngày trong ngày cưới). Sau khi Hà Nội đô thị hóa, dân cư tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố, là khu vực 36 phố phường thì phong tục cưới xin cũng vì thế thay đổi do tiếp thu trình độ văn hóa phương Tây. Ðám cưới bắt đầu xuất hiện thiệp báo hỷ, khi đưa thiệp mời cưới phải đưa kèm theo chè và hạt sen (lấy từ lễ ăn hỏi). Ðến nay tục này vẫn còn được giữ lại. Nếu là đám cưới của những gia đình khá giả, phải có quả phù tang (dùng để đựng đồ lễ, dài từ 80cm đến 1m) do hai người khiêng, đựng trầu cau, lợn sơn son (tục này vẫn được giữ trước năm 1945). Sâm banh được mỡ ra báo hiệu một lễ cưới bắt đầu, rượu sâm banh với bánh sâm ba là hai thứ không thể thiếu trong lễ cưới của những người phong lưu. Nhưng dù là người giàu hay nghèo trong đám cưới cũng chỉ dùng tiệc ngọt (không dùng mặn).
    Trong khi đón dâu, cô dâu chú rể phải làm lễ gia tiên, lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là lễ lại mặt. Lễ này hiện nay một số đám cưới bỏ qua, từ sau lễ lại mặt bố mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà thông gia, vì trong lễ cưới mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau lễ cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ).
    NGUYỄN VINH PHÚC

    (nhà Hà Nội học)


#1
    pham 14.08.2003 23:44:57 (permalink)
    A. LỄ VU QUY (Gái Xuất Giá) Tổ chức tại nhà họ gái.

      Lễ nhập gia: Họ nhà trai đến, báo họ nhà gái biết để xin vào.

    • Lễ trình sính phẩm, lễ vật: Gồm đôi đèn, cặp rượu, trà, mâm trầu cau và các quả bánh, trái cây.

    • Lễ bái gia tiên: Lễ lên đèn, lễ bái Từ Ðường. Người điều hành lễ đứng quay mặt vào bàn thờ, chú rể đứng bên phải và cô dâu đứng bên trái người điều hành lễ. Thân tộc họ đàng gái đứng bên phải cạnh bàn thờ. Thân tộc họ đàng trai đứng bên trái cạnh bàn thờ (nam tả nữ hửu tính từ hướng trong bàn thờ nhìn ra)

    • Lễ khai lộc: (lễ dở mâm trầu), nếu có xem nghi thức cúng vái)

    • Lễ trình sinh nghi: Nữ trang, hoa tai (đôi bông tai, dây chuyền, vòng xuyến) mẹ chồng hay đại diện đeo cho cô dâu, nhẩn (nếu có) trai gái đeo nhẩn cho nhau. Tiền mặt.

    • Lễ yết kiến nhạc phụ mẩu: Rể ra mắt cha mẹ vợ và thân thuộc bên nhà vợ (xem nghi thức diển đạt) Ðược phép gọi cha mẹ nhau.

    • Lễ thân nghinh: (lễ rước dâu) Xin rước dâu và cung thỉnh quý tộc họ nhà gái đưa dâu và mời dự tiệc tại nhà trai.


    B. LỄ THÀNH HÔN (Lễ cưới tổ chức tại họ nhà trai)


    • Lễ trình sính phẩm lễ vật: Lễ vật của nhà gái dâng cúng thường đôi đèn tống hôn và hai quả bánh.
    • Lễ bái gia tiên: Lễ lên đèn, Lễ bái Từ Ðường.
    • Lễ yết kiến công cô: Lễ ra mắt cha mẹ chồng, dâu bái yết cha mẹ chồng và thân thuộc bên nhà chồng (xem nghi thức dẫn đạt)
    • Lễ phu thê giao bái: Vợ chồng giao bái hiệp cẩn ( xem nghi thức dẫn đạt).
    • Lễ từ quy: Lễ kiếu, Lễ cáo từ, do họ nhà gái trình.
    • Lễ tiễn đưa: Lễ đưa do họ nhà trai trình.

    #2
      pham 14.08.2003 23:45:25 (permalink)
      A. LỄ BÁI GIA TIÊN (Lễ lên đèn, Lễ Từ Ðường)
      a. Những điều cần lưu ý

      Khui rượu và rót rượu vào ly trên bàn thờ .

      Các quả bánh, trái cây được mỡ mâm ra. Có thể một ít bánh trái cây được sắp vào đĩa đặt trên bàn thờ.

      Mâm trầu cau (nếu có) giữ nguyên để đến lễ dở mâm trầu mới dở ra.

      Cha mẹ, thân tộc họ hàng nhà trai đứng cạnh bàn thờ phía trái, cha mẹ , thân tộc nhà gái đứng cạnh bàn thờ phía mặt.

      Mai nhơn hay người điều hành lễ đứng trước bàn thờ, mặt day vào bàn thờ, trai (rể) đứng bên phải người điều hành lễ. Gái (dâu) đứng bên trái. Dâu rể đều quay mặt vào bàn thờ.

      Ðốt sẵn bốn cây nhang (nếu có nhang đại càng quý) cháy sẵn để trên bàn thờ khi tới khấn cúng nhang. Người điều hành lễ sẽ lấy cầm vái.

      Ðốt đôi đèn chậm rãi cẩn thận tim đèm cháy thật tốt và hai ngọn cháy bằng nhau, nếu cây nào cháy còn yếu, nghiêng tim xuống cho ngọn lửa cháy đều. Bình tĩnh đợi khi cháy đều mới bắt đầu.

      Cầm đôi đèn nhớ nhìn hàm rồng và mỏ của phượng phải giao nhau. Tức là cây rồng ở tay phải và cây đèn phượng ở tay trái.





      b. Nghi thức khấn vái
      Người điều hành lễ cầm đôi đèn bằng hai tay vòng cung ngang tầm mắt, hình rồng và hình phụng ngay trước mắt mình. Người điều hành lễ quay mặt ra ngoài (hai tay vẫn vòng cung cầm đèn) để khấn vái cáo tri trời đất và vái lớn rõ ràng như sau: (khấn phải thuộc lòng)

      1. Lễ cáo trời đất:

      Từng nghe rằng đạo vợ chồng có thiên chức là trưởng dưỡng và sinh hóa đế gây mối cho ÐẠO TRỜI ÐẤT và là giềng mối chính của ÐẠO CON NGƯỜI.
      Chí thành long trọng khấn cao cùng HOÀNG THIÊN HẬU THỔ linh ứng chứng giám lễ Vu Quy (Thành Hôn).
      Người điều hành lễ dứt lời, quay lưng xoay mặt vào bàn thờ. Tay mặt đưa cây đèn rồng cho rể đang đứng ở tay mặt (cầm hai tay). Tay trái đưa cây đèn phượng cho cô dâu đang đứng ở tay trái (cầm vòng). Trao đèn xong, người điều hành lễ bước tới lấy bốn cây nhang (đã đốt sẵn ở bàn thờ) và vòng cung tay cầm nhang ngang tầm mắt để khấn vái tiếp.



      2. Lễ bái gia tiên (phần 1)
      Hôm nay ngày, tháng, năm (âm lịch) trân trọng Thiết Trần sính phẩm lễ vật cống hiến cùng thành kính dâng lên: Hoàng Thiên Hậu Thổ Chí Linh, Tơ Hồng Nguyệt Lão Thiên Tôn, Chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu.

      Từ ngàn xưa trời đất phối hợp có âm có dương, con người sánh đôi bởi vợ chồng, cho nên có âm dương có vợ chồng. Dẫu thiên địa cũng vòng phu thê.

      Hôn nhân là mối đầu của muôn sự sinh hóa nên được coi là nguồn gốc chính xây dựng gia đình, và gia đình luôn là nền tảng vững bền của xã hội, sức mạnh tiềm ẩn của quốc gia, rất hệ trọng và mật thiết cho sự phát triển giống dòng cũng như duy trì quy luật sinh tồn truyền thống của nhân loại.

      Ðạo vợ chồng là đạo cả tâm can, là nguồn gốc chính nhân luân đạo giới.

      Tình yêu chân chính tiến tới hôn nhân mới là hạnh phúc thật sự vì yêu đương nhau là thuộc về nhau trọn vẹn và kết hợp lại chồng và vợ tuy hai mà một, một tâm hồn cao quý, một thể xác tuyệt vời, cùng quý yêu nhau như yêu chính bản thân mình, không được ghét bỏ nhau cũng như không bao giờ phân rẽ.

      " Nghĩa vợ chồng gắn bó trăm năm,

      Tình chồng vợ thủy chung một dạ."

      Ðể phong tục tập quán có một nền gốc có quy củ vững vàng. Người xưa đã đặt ra nghi lễ hôn nhân, ngoài sự nêu cao giá trị tối quan trọng câu nghĩa vợ chồng với tình cảm yêu đương cao quý cùng sự thủy chung vẹn nghĩa trọn tình, còn có mục đích tối hậu là bảo tồn tinh thần gia tộc, đề cao đạo hiếu thảo, rèn luyện con người biết tự trọng và tôn trọng lẫn nhau, biết giữ tròn nhân cách trong đời sống phù hợp với Ðạo Lý Luân Thường.
      Tôn trọng và tuân hành đúng theo nghi lễ tất nhiên gặp không ít những điều khắt khe phiền toái, nhưng chính đó là yếu tố để bảo vệ tinh túy phong hóa dân tộc theo đà văn minh tiến bộ, phân biệt cái dở biết bỏ, điều hay phải theo, hầu duy trì vĩnh cửu lễ giáo gia phong thuần phong mỹ tục lưu truyền đến ngàn sau hậu thế soi gương. Cho dẫu yêu nhau thắm thiết đậm đà, chưa làm hôn lễ, chưa thành vợ chồng. (dứt lời, người điều hành lễ đưa ra mỗi bên hai cây nhang (họ trai, họ gái) cha mẹ hay đại diện tiếp lấy nhang xá và cắm vào lư nhang trên bàn thờ.

      3. Lễ bái gia tiên (phần 2)
      Trao nhang xong người điều hành lễ khấn vái tiếp nói: Trai (họ tên) tay phải cầm lấy cây đèn rồng của rể và gái (họ tên) tay trái cầm lấy đèn phụng của dâu cầm chung lại và cung vòng tay vái:

      Nay lệnh lang (tên họ người chồng) lệnh ái (tên họ vợ) được sự chuẩn thuận của đáng sinh thành và qua lễ đính hôn ngày tháng năm (âm lịch) vẫn đinh ninh tấc da như có trời sao. Như trăng có nước, như đũa có đôi, đồng nguyện cùng nhau thành vợ thành chồng, trăm năm nghĩa thắm tình nồng, tròn duyên trọn nợ một lòng sắt son.

      Nay chọn được tháng đại lợi, ngày lành, giờ tốt, lạc thành lễ: vu quy, thành hôn, hợp hôn.

      Chi thành khấn nguyện Hoàng Thiên Hậu Thổ Chí Linh, Tơ Hồng Nguyệt Lảo Thiên Tiên, chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu, hiển linh chứng giám.

      Nguyện cầu gia huệ cho hai họ hôn nhân (họ trai, họ gái) bá niên giai lão, tinh hoa cát luôn luôn thuận hão, nghĩa thông gia mãi mãi thắm nồng.

      Nguyện cầu cho đôi hôn nhân (họ tên chồng, họ tên vợ) an khang trường thọ, trọn duyên nợ trăm năm hão hiệp, vẹn thủy chung hạnh phúc trọn đời, phận chồng biết cần biết kiệm, có nhân xứng danh chồng tốt, rể quý; hạnh vợ trinh hậu, đảm đang, đẹp nết vợ hiền, khéo thuận khéo tùy, rạng danh dâu thảo.

      Luôn tâm niệm rằng tất cả kho báu trên thế gian này không có gì sánh được bằng hạnh phúc gia đình để cùng chung nhau đắp xây tô điểm ngày thêm ấm cúng vững bền, gia đình hòa thành, phúc lộc gồm hai, sớm trổ sanh trai hiếu gái hiền, vun bồi đức nghiệp cha ông, tông đường hai họ (họ trai, họ gái) đời đời rạng rỡ.

      Trân trọng vạn vong.

      Dứt lời người điều hành lễ hai tay đưa đèn ra hai bên. Họ trai, họ gái mỗi bên nhận đèn, xá 2 xá và trao cho người tiếp đèn cắm vào lư chân đèn. Khi đôi đèn đã cắm xong hoàn chỉnh, ngay ngắn.

      Rể dâu cùng lạy tổ tiên 4 lạy.

      B. LỄ KHAI LỘC (DỠ MÂM TRẦU)
      (Lễ Vu Quy) Phù Lang

      Người điều hành lễ, rể dâu đứng (y như lễ bái gia tiên)

      Chuẩn bị hai đĩa bàn để đựng trầu cau

      Cũng đốt 4 cây nhang, khi vái xong, dâu sẽ lấy trầu, nhớ lấy chẳn (6 lá hay 12 lá) để vô dĩa. Rể cũng tét cau, cũng chẳn 2, 4 hay 6 trái để vào dĩa trầu.

      Hai đĩa, một cúng trên bàn thờ, một đĩa đem đãi cho hai họ ngồi (mấy bà).

      Người điều hành lễ cầm 4 cây nhang cung vòng tay ngang tầm mắt vái lớn rõ ràng.

      Khấn Vái
      Tục lệ từ HÙNG VƯƠNG, lưu mãi đến ngàn sau, sính phẩm lễ hôn nhân mâm trầu cau truyền thống, kết tinh tình cao quý, thủy chung đạo vợ chồng keo sơn nghĩa đệ huynh.

      Chí thành khấn nguyện Hoàng Thiên Hậu Thổ Chí Linh, Tơ Hồng Nguyệt Lão Thiên Tôn, Chư vị Tổ Tiên Phụ mẫu.

      Linh ứng chứng minh lễ khai lộc phù lang.

      Nguyện cầu phò hộ cho đôi tân hôn ( họ tên chồng, họ tên vợ)

      Phù cho vật đổi sao dời.

      Tình chồng nghĩa vợ trọn đời bên nhau.

      Phu thê giao bái: Chồng vợ cạn chung rượu trao đổi nhau và làm lễ giao bái giữ nhau.
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9