HỌC VĂN HIỆU QUẢ BẲNG SƠ ĐỒ
danchoi05 09.12.2008 17:23:41 (permalink)
CÁI NÀY EM SƯU TẦM THÔI, MUỐN ĐÓNG GÓP CHÚT XÍU








Nhằm khắc phục tình trạng ghi chép khá thụ động dễ đánh mất sự ham mê học hỏi ở học sinh, hướng các em đến một phương pháp học tập tích cực và tự chủ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo..., thầy giáo Hoàng Đức Huy (Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 4, TP.HCM), người đã có nhiều sáng kiến trong việc dạy học như hướng dẫn học sinh soạn bài giáo án điện tử, đưa môn văn lên mạng (báo KHPT 46/07, ngày 23/11/2007), đã có bước đột phá mới trong giảng dạy: áp dụng bản đồ tư duy vào môn văn học.




Bản đồ tư duy là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Đây là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở bậc trung học, đại học cũng như ở các bậc học cao hơn vì chúng giúp người dạy lẫn người học có thể hệ thống lại kiến thức, trình bày ý tưởng rõ ràng, kích thích sự sáng tạo, tăng cường khả năng ghi nhớ, tìm ra nhiều ý tưởng mới... Tuy thế ở chương trình học bậc cơ sở thì việc áp dụng bản đồ tư duy gần như chưa được các trường mạnh dạn ứng dụng.









Bản đồ tư duy được vẽ bằng chương trình Word

Bản đồ tư duy vẽ bằng tay


Theo đó, bản đồ tư duy giống như hình xương cá với cấu tạo phần giữa bản đồ là một ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm. Các ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm này sẽ được phát triển bằng các nhánh rẽ thể hiện ý tưởng chính và đều được nối với trung tâm. Các nhánh rẽ này lại được phân thành các nhánh nhỏ nhằm thể hiện chủ đề ở mức độ sâu hơn. Từ đây các nhánh nhỏ này lại được phân thành các nhánh nhỏ hơn nhằm thể hiện chủ đề ở mức độ sâu hơn nữa. Và cứ thế sự phân nhánh tiếp tục và các kiến thức hay hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Chính sự liên kết này sẽ tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng.      
Theo thầy Hoàng Đức Huy thì so với cách ghi chép cũ thông thường thì học sinh (HS) sẽ khó nắm được khái niệm trọng tâm (vì không xác định được từ khóa chính), nội dung bài học (vì chỉ có một màu đơn điệu và một chuỗi dài không có gì khác biệt), không kích thích não sáng tạo... nên từ đó HS sẽ dễ mất khả năng tập trung cũng như sự ham mê học hỏi. Việc áp dụng bản đồ tư duy vào môn văn học, trong đó cụ thể là việc sử dụng các từ khóa, chữ số, màu sắc và hình ảnh đã đem lại một công dụng trong việc tăng cường kết hợp giữa trí tuệ và tính sáng tạo.
Có 2 cách để tạo ra bản đồ tư duy: vẽ bằng tay hoặc bằng máy vi tính. Nếu vẽ bằng tay thì chỉ cần một tờ giấy trắng A4 hoặc đôi giấy vở, bút mực, hộp bút chì màu. Ngay trung tâm tờ giấy, vẽ một hình ảnh (hay bức tranh). Cũng theo thầy Huy, nếu vẽ hình ảnh trung tâm sẽ có lợi thế hơn chữ vì những hình ảnh vui nhộn, bắt mắt sẽ dễ dàng giúp não tập trung vào những điểm quan trọng và làm cho bộ não phấn chấn hơn. Nếu trong trường hợp phải viết chữ thì hãy cố gắng cô đọng thành một từ khóa chính. Sau đó nối các nhánh chính tới hình ảnh trung tâm và nối các nhánh cấp 2, cấp 3 với nhánh cấp 1, cấp 2... Khi đó, nếu nối các nhánh lại với nhau, ta sẽ hiểu và nhớ nhiều thứ dễ dàng hơn rất nhiều.
Với cách thức vẽ bằng máy vi tính, thủ thuật cũng khá đơn giản, HS chỉ cần tải phần mềm miễn phí MindMapping Software trong mục tài nguyên của trang web Sở giáo dục TP.HCM, địa chỉ http://www.hcm.edu.vn hoặc đơn giản hơn nữa là vẽ bằng Word, hình ảnh trung tâm thì có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet.
Theo thầy Huy, chỉ mất khoảng 30 phút hướng dẫn là ai cũng có thể thực hiện dễ dàng. Kết quả là hiện nay tất cả HS các khối lớp 6, 8, 9 (do thầy trực tiếp đứng lớp) đã có thể thuần thục sử dụng bản đồ tư duy vào môn học.
Việc ứng dụng bản đồ tư duy đã tạo rất nhiều hứng thú nơi học sinh. Em Trần Nguyễn Hà Duyên (HS lớp 9B1, Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TP.HCM) bộc bạch: “Qua bài học bản đồ tư duy, em cảm thấy áp lực học văn không còn nặng nề như trước nữa và em rút ra được một nhận xét rằng khi học cần phải có nhiều màu sắc. Và bây giờ, em đón chào môn văn với một niềm phấn khích và chờ đợi”. Em Nguyễn Đặng Ngọc Linh (HS lớp 9N Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 4) hào hứng bày tỏ: “Em thấy bản đồ tư duy rất hay. Nó như một dàn bài hoàn hảo giúp em có thể phân tích bài văn dễ dàng và hiệu quả hơn. Mong rằng nó sẽ phổ biến hơn trong đời sống hàng ngày của chúng ta”.


                         Trích nguồn "Báo Khoa Học Phổ Thông"
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.12.2008 09:40:50 bởi danchoi05 >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9