Truyen ngan
Nghiêm Lương Thành 14.12.2008 19:31:01 (permalink)
Truyện ngan
HE HE …
Nghiêm Luong Thành
 
Nhà máy vừa khuyết chân Trưởng ban tài chính. Ai cũng thấy ngay keo này có hai ứng cử viên nặng ký. Đó là Ngọ và Ngọc. Cả hai đều còn rất trẻ, cùng là đồng chí của nhau, cùng nhận bằng chính trị cao cấp một lượt, cùng trở thành Tiến sỹ ngành tài chính sau một đêm … nghĩa là hồng thắm chuyên sâu, trăm bề ngang ngửa; nghĩa là … kẻ dăm cân, người nửa yến. Những trường hợp thế này, thường khiến các nhà quản lý, dù có anh tài đến mấy mươi, cũng không tránh khỏi được bối rối nghiêm trọng khi phải chọn lấy một trong hai mà bổ nhiệm. Việc này đã làm cho Trưởng ban tổ chức đứng ngồi không yên, ra ra vào vào, vò tai bứt tóc rồi, quả quyết, đem nguyên cả bộ mặt đăm chiêu vò võ, đi vào phòng giám đốc mà ý nhị thổ lộ: “Anh nên ra quyết định bổ nhiệm vị trí này trước khi về hưu mới được”. Giám đốc bảo: “Tôi muốn trở về “đời thường” cho trọn vẹn ông ạ. Thôi, việc này cứ để đồng chí giám đốc mới lo; cũng có cái tốt của nó”.   
Giám đốc cũ vừa đường bệ hạ cánh đúng kỹ thuật, giám đốc mới đã lững lững xuất hiện. Thế mới biết cái ngành tổ chức của ta nó quán xuyến thật, tài tình thật. Chả trách, tục ngữ bảo “Một người hay lo bằng một kho người hay làm”. Ví von như vậy, thiết tưởng cũng  đã hết tầm, vậy mà có kẻ còn dám nói: “Tục ngữ thì cũng phải khuôn theo phép của biện chứng lịch sử chứ. Nếu được phép sửa một chữ, tôi sẽ dùng chữ núi thay cho chữ kho !”. Với ý tưởng này, với cái ngang bứa của cặp vần sóng đôi o và úi, bảo đó là kẻ khùng cũng được, mà bảo là người táo bạo cũng chưa hẳn đã sai. Mà nếu không có những kẻ như vậy, theo cách nói dân gian tân thời, sẽ không thành xã hội, kể cả xã hội tiến bộ.
Với tấm bằng Tiến sỹ quản trị kinh doanh có đóng một vòng tròn đỏ hãy còn nồng khét mùi mực dấu của Bộ giáo dục, với bộ mặt trẻ trung tươi rói, khiêm nhường và công tâm dường như bẩm sinh, giám đốc mới đã gây được nhiều thiện cảm đối với toàn thể giai cấp công nhân lam lũ trong nhà máy. Niềm vui cùng niềm hy vọng rằng nhà máy rồi ra sẽ có nhiều việc làm; rằng cái núi tài sản nhân dân góp lại, nhờ ngành thuế chuyển đến Chính phủ để giao cho nhà máy, sẽ sinh lợi cho đất nước tươi đẹp; lương của công nhân sẽ được trả một cách thỏa đáng và sẽ không bị nợ đọng, nợ xấu … cứ tự nhiên tỏa ra, rạng rỡ trong từng đáy các nếp nhăn trên khuôn mặt các bác thợ cả đã từng kinh qua thời bao cấp, trong nụ cười của đám thanh niên thời đổi mới, không kể là còn son rỗi hay đang trong giai đoạn con mọn nhếch nhác.
            Thế mà vẫn có kẻ lạc loài đấy. Hắn không chịu hòa vào niềm vui chung, cũng chẳng buồn vì nỗi niềm riêng. Thực ra thì hắn chẳng phải là loại người có tâm tư trừu tượng đến độ có nỗi niềm riêng. Kẻ ấy tên là Huy, một gã trung niên gầy guộc, đen đúa, bông phèng ráo hoảnh và luôn có cái cười khiến nhiều người phải giật mình thon thót, mặc dầu phần lớn những cái thon thót ấy cũng chỉ nguồn cơn bởi cái chứng hồ nghi dị tưởng không đâu. Trong nhà máy, gã chẳng thân sơ với ai, cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài cái Chứng chỉ thợ “sam” bậc 7 gã nhận được lúc bước vào tuổi 36.
Mà có lẽ gã có tài thật. Ngọ là dân tài vụ, quanh năm chỉ tiếp xúc với những con số, bảng biểu chi tiêu, quyết toán, nào có biết gì về những nhiệt luyện, biến tần, điện áp, đồ gá, khuôn đúc, phay bào tiện nguội … , nhưng hoàn toàn có thực cứ mà phản vấn những kẻ có ý ghen tỵ chê bai Huy rằng: Không có tài sao các giám đốc lại bắt anh ta phải ngồi trên Ban kỹ thuật, một mình một phòng, làm công việc giải đáp các thắc mắc kỹ thuật và giải quyết các vướng mắc công nghệ cho tất cả các phân xưởng ? Sao các đời giám đốc, kể cả giám đốc mới, lúc nào cũng chiều anh ta như chiều vong vậy ?!
Nhưng tại sao mình cứ bênh gã chằm chặp như vậy ? Ngọ nghĩ và không khỏi buồn cười vì cuối cùng vẫn phải thừa nhận: Hình như, ít nhiều, mình cũng có ý quý mến gã; bởi, tuy mồm miệng sắc nhọn như có gai, nhưng quả thực chưa hề thấy Huy làm hại ai vì cái lợi cái lộc hoặc đơn giản chỉ vì cái ý thích của riêng mình. Phải cái, gã không hề có chí tiến thủ nên, đương nhiên, không thể trở thành cái thá gì trong nhà máy và do đó là kẻ nhàm chán, nhạt hoét. Gã đã bán rẻ tâm hồn mình cho kỹ thuật rồi; kỹ thuật nó hớp mất hồn của gã rồi. Với cái lòng mê muội sắt thép lửa than ấy, dù có giỏi đến mấy, suốt đời cũng chỉ làm kẻ đầu sai, dù là loại đầu sai tay chân không vương lấm dầu mỡ, nào có được ai sợ hãi nể vì, xun xoe kính cẩn. Người tỉnh táo như mình thì quyết chẳng bao giờ có thể ra nông nỗi ấy.
Nhưng hiện thời mình đâu có hơn gì gã ? Vấn đề phấn đấu tiến bộ của mình hiện vẫn còn quá mịt mờ, chưa tìm ra hướng giải quyết tháo gỡ. Chết là ở chỗ mình và thằng Ngọc hoàn toàn ngang phân. Trong trường hợp này chỉ một ly con mò cũng có thể xoay chuyển tình thế, làm nên cơ đồ. Cái “một ly con mò” ấy là gì, cả cái xã hội đổi mới này, ai chẳng biết. Ở cái đời lấy đồng thuận làm lẽ sống này, con người ta hơn nhau là ở cái chỗ quyết liệt thực hành bằng được cái biết ấy. Thằng Ngọc đã có động thái “ly con mò” nào chưa ? Nó mà nhanh chân, đi trước một bước thì cũng kể như mình đứt, biết đến năm nào cơ hội mới lại xuất hiện đây ? Nhưng, khốn nỗi, nghe mọi người xì xào rằng cái tay giám đốc mới này nghiêm lắm, “đạn” bắn không trầy da. Có lẽ, cũng chỉ bởi tại cái nết thanh liêm cổ hủ, lạc thời, dở hơi dở hồn ấy mà gia cảnh của hắn cũng chẳng lấy gì làm phấn chấn cho lắm. Phải cái người như thế, mình cũng không thể ra đòn nói xấu, bôi nhọ kẻ cạnh tranh với mình được; phản cảm … chết tươi ! Mà cái thằng Ngọc này cũng thuộc loại cứng nhắc cố chấp, luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại và dường như luôn tin tưởng vào một cái quái quỷ gì đấy, nên không thể lừa cho nó vướng víu dây dưa vào bất cứ dạng sì-căng-đan nào. Vắt óc, căng trán, nghĩ mãi không nẩy ra được mẹo gì, Ngọ thấy mỏi dừ cả đầu.
Sáng nay, có việc xuống kho, vô tình đi qua phòng thiết kế, thấy mấy bố đang nói chuyện về Khang, một cậu cùng cơ quan đã chuyển công tác sang Bộ Thủy sản cách đấy mấy năm, Ngọ chợt nhớ lại câu chuyện thú vị: Ngày ấy Khang làm đơn trình giám đốc xin chuyển công tác. Giám đốc nhà máy không cho đi dù phía cơ quan bên kia đã có công văn tiếp nhận. Hơn bốn tháng trôi qua, việc ấy cứ dậm chân tại chỗ. Một lần, Khang phàn nàn chuyện ấy với Huy: “Không khéo, lâu quá, không đợi được, bên nhận người ta cho em “ao” mất”. Huy cười và nói nhỏ vào tai Khang câu gì đấy. Đầu giờ sáng hôm sau, Khang đã nhận được tờ Quyết định cho chuyển công tác đánh máy bằng giấy than màu xanh do giám đốc ký vẫn còn tươi nét mực. Ngọ nhớ lúc ấy, tay cầm tờ Quyết định, Khang đã ôm chầm lấy hắn mà hôn đánh chụt một cái vào má. Ngọ hỏi: “Hôm qua ông Huy đã nói thầm vào tai mày câu gì vậy ?”. Khang cười, đứng lại ngay ngắn, rồi, cứ thế, pưng pưng như một cậu học trò nhỏ trả bài học thuộc lòng: “Ban tài chính là nơi có nhiều chị em và thường xuyên có nhiều người lui tới nên nó là trung tâm tin tức của nhà máy. Hãy đến đấy với bộ mặt rầu rĩ và phàn nàn với mọi người rằng Nhà máy không cho chuyển công tác, lâu quá, phía bên kia không đợi được, họ nhận người khác rồi”.
Đến đấy, bất giác, ngọ đưa tay lên túm chặt lấy chỏm tóc trước trán, rồi, như người choàng tỉnh cơn mê, đột ngột buông tay khỏi chỏm tóc, vỗ vào đùi đánh bét một cái: Cầu hiền ! Sao lại không nhỉ ? Phi đáo thảo am bất thành Hán Trung vương ?!
 Tan giờ làm buổi chiều, Ngọ đứng khuất sau một gốc cây ở ngã ba đường gần cổng nhà máy, chờ Huy về ngang qua, nằng nặc mời đi uống bia. Vào quán, an vị, Huy mới hất hàm:
-         Có chuyện gì hả mày ?
-         Ngọ hơi sững người:
-         Sao anh hỏi thế ?
Huy vẫn thủng thẳng:
-   Đã bao giờ được ngồi với mày trong một quán sang trọng thế này đâu. Lại chuyện phấn đấu phải không ?
Ngọ ngượng nghịu:
-   Dạ, đúng vậy. Thật chẳng có gì qua được mắt anh … Cái vụ Trưởng ban tài chính ấy mà … ứng cử viên thì cả một tiểu đội, nhưng em chỉ ngán có thằng Ngọc.
-   Ghế ít đít nhiều. Giời sinh ra thằng nào cũng chỉ có độc một cái đít. Biết tỏng rằng cái đít của mình đâu có sâu rộng gì, thế mà ông con giời đếch nào cũng cố xòe mông phủ cho được càng nhiều ghế càng đã. Thế chó nào được … ngồi không ra ngồi, đứng chẳng ra đứng, khom chẳng ra khom, bò chẳng ra bò, rồi không toang bố nó đít ra mới là lạ. Tội nghiệp !
-         Anh ơi ! – Ngọ khẽ khàng.
-    Gì mày ? À, chết thật, độ này tao đổ đốn, mắc cái chứng ný nuận dai ngoách như thứ cáp lụa phi 6. Trở lại chuyện của mày đi, nhóc.
-         Anh giúp em đi. Cho em một lời khuyên, hoặc tốt nhất là … một cái mẹo.
-    Ốc còn chả mang nổi mình ốc. Nếu sáng dạ đến thế thì đít tao cũng đã ấm rồi.
-    Thôi mà, vòng vo tam quốc mãi, giúp em đi. Tự nghĩ ra được thì đã không phải lụy đến anh. Em xin anh đấy.
Huy cười hề hề:
-         Thèm quá rồi phải không ?
-         …
-         Lại còn e lệ …
-         Vâng - Ngọ gãi đầu, có phần bẽn lẽn.
Huy nhìn Ngọ, ái ngại chép miệng:
-         Tội quá ! Thôi được, vụ này để tao lo.
-         Thế em phải làm gì, anh ?
-         Ngồi yên và ngậm miệng lại.
-         Chỉ thế thôi á ?
            -   Chiều mai tay giám đốc mới hẹn làm việc với tao về chuyện nâng cấp phân xưởng nhiệt luyện. Khoảng gần cuối giờ sẽ có cái cho mày tin là việc đã xong.
-         Anh định làm thế nào ?
-         Vớ vẩn, mày thiếu nhi, biết gì !
-    Sớm mai em sẽ thu xếp … –  Ngọ đưa bàn tay phải lên, hai ngón trỏ và ngón cái làm động tác xoe xoe vào nhau – gửi anh để anh tùy tiện trang trải.
-    Tiên sư thằng ranh … Tao, một thằng hâm … ngời ngời thế này … mày chọc tức tao đấy à !
Việc lớn như thế mà hắn cứ hời hời như trò trẻ con. Ngọ cười nhạt vì chợt nhận ra mình không hề có cơ sở gì để đặt niềm tin vào cái thứ mẹo được thực hiện bằng nước bọt của Huy. Nhưng cũng cứ thử chờ đến chiều mai xem thế nào; cũng là kiểm chứng để biết một tấc của gã có thể lên đến mấy tầng giời.
Chiều hôm sau. Bốn giờ tám phút. Ngọ bước vào phòng Huy. Huy đưa ra một cái USB ghi âm, bảo Ngọ gài tai nghe vào lỗ tai rồi bấm nút play. Ngọ dồn hết tâm lực lên đôi tai, nét mặt vô cùng căng thẳng. Đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa Huy và giám đốc hắn nghe được như sau:

-  Việc nâng cấp công nghệ cho phân xưởng nhiệt luyện vậy là thống nhất. Còn việc này, ngoài phạm vi chuyên môn của tôi, không biết ông có muốn nghe không ? – Huy nói, giọng dưng dửng.
-  Rất tốt, tôi rất muốn nghe, thậm chí muốn được nghe nhiều – Giám đốc nói, giọng đầy hào hứng – có phải lúc nào cũng được anh em nói cho mà biết đâu.
-   Ông nên sớm kiện toàn nhân sự Ban tài vụ để ổn định công việc cho Ban,  tránh tạo ra những tiêu cực không cần thiết trong quan hệ giữa một số anh em ở khối phòng ban.
-  Việc này, mấy hôm nay, thực lòng, tôi cũng đang muốn tham khảo ý kiến của anh mà chưa có dịp. Tiện đây … tôi muốn nói đến việc bổ nhiệm trưởng ban tài chính mới … thực ra tôi đang rất phân vân giữa Ngọ và Ngọc, ác ở chỗ hai cán bộ ngang nhau về mọi mặt. Ý kiến của anh chắc chắn sẽ giúp tôi rất nhiều. Theo anh … Ngọc là người thế nào ?
-  Việc này hệ trọng; trình độ công nhân như tôi, sao dám nhận xét.
-  Anh cứ mạnh dạn, thế mới là chỗ tin tưởng … sai thì bỏ, coi như tôi chưa nghe thấy.
-  Vâng, ông đã có lòng như thế, tôi xin nói, chỉ là ý cá nhân thôi đấy: Ngọc là người hiền lành chất phác, không biết hưởng thụ, lúc nào cũng khư khư chấp hành các nguyên tắc tài chính; thật không hổ danh là thần giữ của cho nhà nước.
Quạch ! – Ngọ quật mạnh đôi tai nghe xuống mặt bàn, ngay trước mặt Huy, hai tay nắm lại, mặt tím ngắt, cặp môi run run, thở dốc:
-  Anh … anh toàn khen nó, đưa nó lên … cao ngất giời ! Anh … anh hại tôi rồi ! Thế là xong ! Xỏ … lá đến thế … là cùng !
Huy nhìn Ngọ, mỉm cười bình thản:
-  Cậu về phòng đi. Nội trong tháng này có tin mừng.
Không thèm nói gì thêm, Ngọ bước nhanh ra khỏi phòng, mang theo toàn bộ những cảm xúc bất bình cao quý về lối hành xử ti tiện của cái kẻ xiên xẹo, vô học kia và không quên kéo cái cánh cửa đánh rầm.
Ba ngày sau, đầu giờ sáng, cô văn thư, mặt lạnh như băng, kiêu sa như một cánh diều Trung hoa, nhẹ bước vào phòng, trịnh trọng đặt tờ quyết định bổ nhiệm xuống trước mặt Ngọ, không nói gì rồi thong thả bước ra; mặt vẫn lạnh như băng và hình thể vẫn thướt tha, kiêu sa như một cánh diều Trung Hoa.
Đọc gần hết Điều 1 thì toàn thân Ngọ bỗng đờ ra, hệ tuần hoàn và hô hấp dường như bị nghẽn. Chừng nửa giờ sau, khi tim và phổi đã làm việc trở lại gần như bình thường, Ngọ mới từ từ gấp tư tờ giấy lại, đút vào túi ngực, rón rén sang mở cửa phòng của Huy. Nhìn điệu bộ vẫn còn thổn thức của Ngọ, Huy phẩy tay, cười nhạt:
-  Biết rồi. Có trật đi đâu được !
Ngọ, không ngồi xuống ghế ngay như mọi lần, vẫn đứng đó, với hình dong khiêm cung của kẻ thừa lộc, thổn thức:
-  Lúc nhận được Quyết định em mới ngộ ra … anh … anh … đúng là kỳ tài ! Có một điều, thú thực, em không sao hiểu được: Trong chuyện này anh được gì ?
Lần này thì Huy cười, vừa tươi vừa quái:
-  Giải chí !
-  Giải trí ?
-  Ừ, giải chí. Tao không có quyền chơi game sao ?
-  Game ? – Vâng, đoạn kết thật ngoạn mục.
-  Mày nghĩ hơi quá. Chẳng qua cũng chỉ là nương theo định dạng phần mềm luật chơi, nhưng trò này chưa over đâu.
-  Úi, có người chơi nào lại mong màn hình của mình hiện lên dòng chữ Game Over chứ … he he …
 
07/08/2008
NLT
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.12.2008 05:20:22 bởi Thanh Vân >
#1
    Nghiêm Lương Thành 14.12.2008 19:35:16 (permalink)
    CẢM VÀ NGHĨ VỀ CÁI SỰ QUẢNG CÁO
    Nghiêm Lương Thành
     
    -   Bố ơi, đến quảng cáo rồi ! - Thằng con ba tuổi vỗ tay, nhẩy cẫng lên và hớn hở ôm lấy cổ tôi mà vui mừng – Uống sữa ... thì thông minh vượt trội thật hả bố ?
    -   Ừ, thông minh vượt trội.
    -   Thông mimh là gì ?
    -   Là nghĩ nhanh, học giỏi.
    -   Học giỏi để làm gì cơ ?
    Thực bụng, về vấn đề này, tư duy gần như mặc định của tôi là: Học giỏi để sau này thi vào đại học, rồi học lên cao nữa. Đi xin việc, dễ được việc tốt, nhàn hạ, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, lên xe xuống ngựa, danh giá thơm tho mà lương lại cao. Nhưng không hiểu thế nào, tôi lại bật ra như một cái máy, bảo:
    -   Để sau này có nhiều hiểu biết, làm được nhiều việc có ích cho nhân dân.
    -   Nhân dân là ai hở bố ?
    -   Là những người quanh ta, là những người ở nước mình ý.
    Thật cao cả, lớn lao và đúng đẹp không chê vào đâu được ! Nhưng sau đó, tôi chợt nhận ra, có cái gì đó, đã biến tôi thành cái máy in, kẻ có lỗi với con của mình: Tờ giấy trắng tinh khôi đó đã được tôi ghi dòng đầu tiên như thế. Tôi sinh ân hận. Một nỗi ân hận âm ỉ, dai dẳng, dấm dứt và hổ thẹn ...
    Rồi, như người ta nói, thời gian trôi đi, làm mờ nhạt và thậm chí xí xóa được khối thứ. Tôi đã vui vẻ, nhẹ nhõm trở lại như đã từng có trước cái hôm xảy ra mẩu đối thoại giữa hai bố con đó. Và, như một kết quả tất yếu, theo lối tư duy đồng lần, tôi tặc lưỡi: Rồi sau này, nó lại cũng đối thoại với con nó như vậy thôi (!).
    Lớp trẻ lớn lên giờ lại bước theo ta,
    Lại hát lại những ngọt ngào thuở trước.
    Vẫn sông Nê Va sớm chiều bóng nước
    Nhưng nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh.
      Câu thơ của Onga Bergon một thời yêu đắm, từ đâu đó, trong tận cùng những nếp nhăn tiềm thức sâu kín, chợt vẳng lên, như một dấu chấm hết, đã kết thúc gọn ghẽ cái cảm xúc cắn rứt lê thê ấy. Mà cũng phải, cũng may: Sống mà cứ theo lương tâm, động một cái là tự cắn rứt, thì chóng chết lắm. Trong cõi nhân sinh, chết là thứ tối kỵ hàng đầu. Chúng ta vẫn không ngừng và bền bỉ chống lại nó. Hệ thống các bệnh viện được xác lập và phân tầng phục vụ theo vị trí địa lý và địa vị xã hội của đối tượng thụ hưởng đã bảo thế. Cảm ơn thời gian dù người không ngừng khách quan đưa chúng con dần đến nơi huyệt mộ tối tăm lạnh lẽo nhưng người cũng đồng thời cởi bỏ, xóa nhòa, lấp liếm cho chúng con khỏi khối thứ rầy rà đau đớn để chúng con tận hưởng được nhiều vị tươi vui khoái lạc của cuộc đời mà người đã rộng lòng đem bày ra ở hai bên con đường dẫn đến huyệt mộ ấy.
     
    *
     
    Thời gian sau, quan sát thêm những đứa trẻ khác, thấy đứa nào cũng giống đứa nào: Rất hào hứng với các mục quảng cáo trên tivi. Thực tế này đặt ra một câu hỏi: Tại sao vậy ? Tôi bắt đầu bỏ công ra tìm hiểu, suy nghĩ. Nhưng cũng không tự trả lời được mà đành chấp nhận một sự tự lý giải thô sơ, lơ mơ, không dựa trên một cơ sở khoa học sắc bén nào, chỉ cho chính mình: Phải chăng các mục quảng cáo thường ngắn, sinh động, diễn biến nhanh và, thậm chí, ngộ nghĩnh đến tức cười ?
    Có lần, khi thằng bé đã lên lớp tám, tôi hỏi nó: “Sao bây giờ bố thấy con ít xem quảng cáo thế ?”. Nó nhoẻn miệng cười: “Con lớn rồi mà bố !”. “Sao lại thế ?”.  “Lớn thì hiểu và không thích nữa”. “Cho một ví dụ nào”. “Vâng, giả dụ uống sữa mà trở nên cao lớn, thông minh vượt trội thì tại sao nhà nước không xây thêm rất nhiều trường đại học hả bố ? Mà như thế thì các bạn ở nông thôn với miền núi gần như hết đường vào đại học rồi !”. Câu trả lời khiến tôi giật mình.
    Xưa nay, lẽ thường, nếu người ta đang yêu đang thích một cái gì đó mà chuyển sang thờ ơ thì thường do chán, không tin nữa. Chán là chán cái huyếnh hoác, tầm thường, nhạt nhẽo, sống sượng. Không tin bởi cái sự dối trá lấy được ấy đã bị người ta vỡ lẽ. Không loại trừ, sẽ có hai khả năng xảy ra với các lớp trẻ: Hoặc lòng tin tính thiện bị tổn thương, thậm chí trở nên què quặt, bệnh hoạn; hoặc, nếu không đủ bản lĩnh, chúng sẽ bị hút vào và, vô hình chung, hình thành một tâm lý huyếnh lố; nếu không tính đến không ít các quảng cáo loại này thì cái đó cũng đã đầy rẫy trong cuộc đời thực; mới trông cứ tưởng như tầm phào, nhỏ nhặt và vô thưởng vô phạt. Quả thực, trong xã hội hiện thời, có khá nhiều thanh niên hay dùng những cụm từ có kèm dấu than như thế này: ... không là cái đinh ! ... chuyện nhỏ ! ... chuyện vặt ! không là gì nhá ! No problem (không vấn đề gì) ! dễ ợt ! ... tóm lại, chẳng có cái gì là cái gì, ứ có cái gì là quan trọng. Thoạt nghe, đây là chuyện vô cùng vi mô, nhưng nghĩ thêm một chút, lại thấy giật mình. Giật mình vì ngờ ngợ rằng cái sự vi mô này dường như lại có nguyên ủy từ cái vĩ mô nào đó, lồng lộng và vị kỷ, vô hồn và cứng lạnh.
     
    *
               
    Mục đích quảng cáo của các nhà sản xuất là để bán được nhiều hàng. Đối tượng quản cáo là người tiêu dùng. Người tiêu dùng không có nghĩa là tất cả, được chia theo nhóm thụ hưởng, theo mức thu nhập, theo tầng lớp xã hội, theo năng lực a dua .... Quan sát thì thấy những hàng hóa được quảng cáo với tần suất cao và liên tục trên đài truyền hình nhà nước gồm vài ba nhóm chính: Mỹ phẩm, Thực phẩm (chỉ có sữa và cà phê là nhiều), Hưởng thụ (du lịch, sân gôn, khu vui chơi...). Thậm chí, có lúc, người ta đã phải kêu lên: Hình như cánh làm dầu gội đầu và kem dưỡng da đã mua lại đài truyền hình !
    Các nhóm hàng trên thuộc nhóm để “sài”. Còn những nhóm dùng làm ra những cái để mà “sài” thì gần như vắng bóng. Đó là các sản phẩm về máy móc, công nghệ, tư liệu sản xuất. Dường như những hàng loại này trong nước chưa làm được nhiều; ra bao nhiêu, hết bấy nhiêu nên không cần thiết phải quảng cáo. Cán cân mậu dịch của Việt Nam thường vẫn bị lệch là bởi hiện tượng nhập siêu nhóm hàng này. Vậy thế nào là một nền kinh tế bong bóng, một nền kinh tế phồn vinh giả vờ ? Thử nghĩ xem, các liên doanh với nước ngoài, vì nguyên nhân nào đó, đột nhiên đồng loạt rút hết khỏi Việt nam, chúng ta sẽ tiếp tục làm được gì với những hiểu biết về thiết kế, công nghệ và tay nghề chế tạo hiện có trong tay ? Cây ghi ta trong tay ông Văn Vượng không giống với cây ghi ta trong tay chúng ta ! Ông Vượng chơi đàn chỉ đơn thuần vì cái tình và niềm say mê trong tâm, vì những người thân yêu của mình mà hóa ra sống, sống tốt được với nó. Trong lúc soạn bản hành khúc Tiến Quân Ca, ông Văn Cao không nghĩ là mình đang làm Quốc Ca nên nó đã trở thành Quốc ca. Người Nhật Bản trước đây, bước vào lĩnh vực công nghệ ôtô bằng cách lắp ráp linh kiện của Mỹ, sau đó mói nhập dây chuyền và sau bao lâu thì họ chủ động sản xuất được hoàn chỉnh ? Người Nam Hàn đã học theo lối của người Nhật và họ đã tốn bao thời gian để đi được vững vàng trên hai chân của mình với những hãng công nghiệp khổng lồ Hyundai, Kia, Asia, Samsung, LG ... ?
     
    *
     
    Ở Việt Nam hiện nay, dù muốn hay không, dù vô tình hay hữu ý, thường chúng ta vẫn phải để mắt đến các chương trình quảng cáo bởi những chương trình này luôn được cài xen kẽ vào giữa những chương trình phim, game show được nhiều người theo dõi. Ừ thì xem, cũng chả hề hấn gì. Nhà nước có thêm tiền nuôi những chương trình mang nhiệm vụ chính trị, những nhà sản xuất đứng đắn có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình trên phạm vi quốc nội.
    Tôi là người hay chạnh lòng, nên cũng có nhiều phần hạn chế trong thưởng thức những sản phẩm của bộ môn quảng cáo.
    Nhìn một cô gái trắng hồng, thơm tho, đang ngồi trên chiếc đệm trắng tinh, xoa thuốc dưỡng da hoặc đang ngập mình, êm đềm trong bồn tắm có pha dầu thơm để làn da thêm trắng hồng quyến rũ thì lại nghĩ tới chị gái mình chiều nay đang cấy ngoài đồng, những đầu ngón tay đen đúa bị chẻ xước và lở loét do nước ruộng vị nhiễm thuốc trừ sâu, diệt cỏ không biết đã đỡ chưa.
    Nhìn chàng trai X-Man, to cao hào hoa lại nghĩ tới chú em còm nhom mới học hết lớp mười một, đang theo bạn lên tận Hòa bình làm phụ hồ xây dựng. Không biết tháng này chú gửi về nhà được mấy trăm ngàn ?
    Nhìn gian hàng nội thất với những chiếc giường bóng lộn, đệm mềm êm ái, đèn ngủ dịu dàng ... lại nghĩ đến mẹ mình đêm đêm vẫn còn phải ngủ trên chiếc giường gồ ghề giát tre, chiếu thâm nước tè của lũ cháu nhỏ; giờ này chắc mẹ vẫn còn loay hoay với nồi cám lợn. Bữa đến, mẹ hay ăn muối vừng; chị tôi giận rỗi ra mặt, ép mẹ ăn phải ăn những thức có đạm cho đủ chất. Nhìn mấy đứa cháu láu tháu đang đua nhau gắp thịt, khuôn mặt răn reo của mẹ rãn ra; mẹ bảo ăn muối vừng nó vừa nhẹ vừa đủ chất, hợp với người già, thế sống mới lâu. Chắc hẳn mẹ đã xem chương trình dinh dưỡng dành cho những gia đình thành phố bị thừa chất dinh dưỡng.
    Nhìn đám thanh niên ăn mặc ngầu ngụa, kính đen, tóc bóng dựng ngược, áo phanh ngực, đi xe máy long lanh phân khối lớn, phóng ràn rạt cả đàn ra bãi biển uống nước đóng lon của một hãng nước ngoài lại nghĩ đến đứa cháu gái đang học lớp 12; sáng học, chiều về ngồi cặm cụi kim chỉ làm hàng thêu hàng năm tiếng đồng hồ liền, giúp bố mẹ mỗi ngày được thêm gần chục bạc. Không biết rồi cháu tôi có đủ thời gian mà học không; thi cử đến nơi rồi? ...
    Năm lên lớp 11, thằng con tôi đột nhiên quay trở lại vấn đề mà tôi cứ ngỡ nó đã quên hẳn:
    -   Bố ạ, nếu đối tượng tiêu dùng là người được chương trình quảng cáo nhắm tới thì sao lại không có nông dân ? Khi xem những chương trình quảng cáo ấy, bà con, họ hàng nhà mình ở nông thôn sẽ có cảm giác như thế nào, nghĩ gì ?
    Câu hỏi của đứa con, lần này, khiến tôi choáng lặng. Nó lớn thật rồi. Quả thật, đấy là điều tôi chưa từng nghĩ tới. Quả thật, với mức thu nhập thực tế, liệu nông dân có thể mua được thứ gì trong những thứ hàng quảng cáo ấy ? Khó lắm, bởi cái túi tiền của họ, trước khi đến được những siêu thị rực rỡ bóng lộn và “chỗ nào cũng mát lạnh” ấy đã hết nhẵn ở những cái chợ quê súi xó nghèo nàn rồi. Mà, xin cứ lãng mạn một chút, cho là họ mua được cái bồn tắm bóng dịu kia đi chăng nữa thì sẽ đặt nó như thế nào trong cái nhà cấp bốn xập xệ suốt ngày kẽo kẹt, trèo trẹo mọt kêu sâu nghiến trên nóc như tiếng võng đưa giữa trưa hè tràn đầy cảm xúc đồng quê kia ?
    Ôi, những con người đã từng là động lực, là nòng cốt của những vận động xã hội long trời lở đất năm xưa. Nhưng con người đã từng đi, từng đưa con em mình, lúa gạo của cải của mình ra mặt trận trong hai cuộc chiến tranh vừa qua. Họ đã từng và sẽ còn cao vời vợi trong thơ ca, nhạc, kịch. Lịch sử sẽ vẫn nói về họ với lòng biết ơn, các em nhỏ sẽ vẫn còn được học về họ với tấm lòng ngưỡng mộ trong sáng. Cũng không nên khắt khe quá mà trách móc những người làm kịch bản và thiết kế các chương trình quảng cáo. Dẫu sao, họ cũng là người làm ăn. Họ phải trả lương cho người làm, họ phải đóng thuế để duy trì xã hội ổn định, họ phải có lãi để tích lũy, để tái sản xuất mở rộng và phòng khi kinh tế suy thoái lạm phát tăng cao ...
    Nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại: Quảng cáo của nhà đài, đôi khi, cũng hướng vào nông dân đấy. Đó là lúc có những công ty nào đó cần bán giống ngô có năng suất cao, cần bán phân NPK, phân lân, phân Ka li, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn vật nuôi (không thấy đề chữ For Pets trên bất cứ bao bì nào) ... Tỉnh táo, nghĩ lại, những thứ đó chỉ thuần về một loại được khoa chính trị kinh tế gọi là Tư liệu sản xuất.
    Tư liệu sản xuất dùng để làm gì ?
    Mong sao, đến lúc nào đó, mỗi khi kết thúc chu kỳ sử dụng những tư liệu sản xuất đó, người nông dân của chúng ta sẽ trở thành đối tượng hướng tới của các nhà quảng cáo và họ có thể bình thản bước vào các siêu thị thơm tho rực rỡ mà yên trí rằng trong túi mình vẫn còn tiền.
    NLT-11/10/2008
    #2
      Nghiêm Lương Thành 14.12.2008 19:46:17 (permalink)
      Nghiêm Lương Thành



      HƠN CẢ BỐ CHÁU ĐẤY !
       
       
                  Đại hỷ lâm môn !
                  Kỳ hỷ lâm môn !
                  Tay cầm tờ Quyết định bổ nhiệm phó giám đốc phụ trách tổ chức - hành chính của xí nghiệp, tôi reo lên, vừa đi vừa chạy, người nhẹ bẫng, tưởng chừng chỉ cần nhún nhẹ một cái là có thể bay lên được. Mà hình như tôi đang bay thật: Gió thổi ù ù bên tai, ngực áo phanh ra bay phần phật, hơi mát tràn ngập không gian khiến toàn thân thoải mái, dễ chịu vô cùng. Dưới kia, trong lòng đường các phố, dòng người vẫn không ngừng ngược xuôi tuôn chảy, tất bật mưu cầu. Những bộ mặt ngơ ngác loay hoay tìm kiếm, những cái cười khoái trá, những khuôn mặt đăm chiêu, những bộ mặt hớt hải, những cặp mắt lơ đãng vô hồn, những cặp mắt quặu vọ như xoắy vào đâu đó, những tờ vé số bay tơi tả, những quyển vở học trò lem nhem quăn mép, mấy quả cà muối lăn ra từ một cái cặp lồng ăn trưa của một viên chức nào đó đang nằm sóng xoài ở một ngã tư vì vừa bị đụng xe … Hình như có ai đó đang nắm lấy vai tôi mà lắc. Sao lại thế này, vớ vẩn, người ta đang bay thì … Đang định quát lên thì cảm thấy bả vai đột nhiên đau rát. Mở mắt, thấy bà xã đang ngồi bên, lấy tay phát đen đét vào vai mình: “Dậy, dậy đi !”. Tôi nhận ra mình đang nằm trên giường, phía chân giường là cái quạt Tàu MD đang quay tít thò lò … Giời ạ ! Té ra là một giấc mơ ! Tôi ngẩn người vì tiếc và, rất nhanh, một phản ứng bực dọc liền phát tác; tôi gắt lên như mắm:
      - Cái gì thế ? Đang ngon lành bay bổng thì …
                  - Ăn gì mà ngon lành ? Mơ thấy con nào mà bay bổng ? - Bà xã kiềm chế, gìm giọng xuống.
                  - Là nói thế, chứ có ăn uống bay lượn gì đâu. Mẹ mày … đúng là … cái đồ sư tử nghiệp dư.
                  - Nghiệp dư … nghiệp dư thế là còn may đời cho anh đấy. Khiếp đời ! Ngủ gì mà lay hết hơi không được. Nhà Hợi Sửu lại có chuyện đấy. Sang xem thế nào, không nó đánh con bé chết mất !
      Tôi vùng dậy như một cái máy, trên người vẫn chỉ có độc cái xà lỏn, mở toang cửa, chạy vội sang. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ vàng cạch, thấy Hợi giơ nắm đấm loạng choạng lao vào vợ. Sửu tránh được và tiện tay vớ lấy con dao chẻ củi dựng ở góc nhà, vung lên. Tôi nhảy vào, đứng chắn ngang giữa cặp gà chọi không chuyên và, lập tức, cảm thấy đau chói ở sống lưng. Sửu vẫn loay hoay phía sau lưng tôi, hổn hển: “Chết, bác có làm sao không ? Bác cứ kệ em, lần này để em tay bo với nó ! Lành làm bát, vỡ cho đi bãi rác Thành Công luôn !”. Thì ra Hợi đi uống rượu ở đâu đó, về nhà lại quậy như mọi khi. Không khó khăn gì lắm, trật tự được lập lại ngay. Tôi ấn Hợi xuống giường, lấy hai tay giữ lấy vai và, chẳng phải chờ lâu, căn phòng tám mét vuông đang lanh tanh bành ấy đã tràn ngập tiếng ngáy hiền lành vui vẻ của gã đàn ông trẻ.
                  Có tiếng loẹt quẹt ngoài cửa. Ngoảnh lại, thấy anh Hoàng đã đứng đấy, hai tay chắp sau lưng, giọng ngái ngủ nhưng nghe vẫn sang sảng, đĩnh đạc:
      -    Hừ ! Chú Hợi lại rượu chè hả ?
      Chị Lan Anh, vợ anh Hoàng, trên đầu đầy những ống nhựa cuốn tóc, lùng bùng trong bộ đồ kimônô hàng chợ, len qua chồng, phả vào nhà mùi nước hoa chợ Đông Hà, dợm bước vào:
      - Khiếp quá, rượu chè thì có ngon lành bổ béo hay ho háo hức hoan hỷ gì làm hàng xóm mất cả ngủ nghê nghỉ ngơi ngày mai lấy sức đâu mà làm việc. Cô Sửu không bị sao chứ thời buổi này bọn đàn ông ra dáng đáng mặt một tý rủ nhau vượt biên hết tiệt rồi hay sao ấy còn lại chẳng được mấy anh ra hồn ra mẽ.
       
      *
       
                  Nhóm tiểu dân cư của chúng tôi có ba gia đình, sống trong ngõ của một con phố cũ. Nói là trong ngõ, nhưng thực ra là nhà trong của một ngôi nhà vốn thời Pháp thuộc là của một chủ. Về sau, không hiểu vì không thích sống chung đụng hay vì lý do nào đấy, con cháu của người chủ đầu tiên bán dần phần được chia thừa kế của ba gian phía trong cho chúng tôi. Thấy bảo mấy gian nhà này trước đây là kho chứa hàng của gia dình.
      Gia đình anh Hoàng ở gian trong cùng, chung một bức tường với khu vệ sinh, chất lượng dưỡng khí không được “ISO” lắm. Chị Lan Anh, vợ anh, tốt nghiệp hệ tại chức trường đại học công đoàn, nói năng lưu loát và đanh thép, là hoà giải viên ở phòng tư pháp quận, rất say mê tin tức và đã từng được Hội phụ nữ quận bình chọn là Người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa. Anh là cán bộ tổ chức của Bộ xây dựng, ứng xử theo phong cách xà quyền, có lúc đạo mạo, nhưng cũng có khi hơi bị lễ độ, tuỳ theo hoàn cảnh và đối tác. Anh chị có một thằng con đang học lớp tám, bé tuổi và ít cười, suốt ngày cứ đăm chiêu, vò võ cắm đầu vào đống sách vở; đôi mắt lúc nào cũng lồi ra sau cặp kính trằng khá dày.
      Gia đình tôi ở gian tiếp theo. Hai vợ chồng cùng làm trong công ty môi trường đô thị, trình độ tuy là trung cấp phọt phẹt, quanh năm chỉ tiếp xúc với những sổ sách và văn bản về rác thải, nhưng được cái “thượng sỹ lâu năm, mằm trong cấp uỷ” kéo lại. Chúng tôi có một bé gái vừa xinh xắn, vừa nhanh nhảu; đi học về, buông cặp sách là tìm ngay một việc gì đó để làm, không cần phân biệt rằng đấy là việc nhà mình hay việc hàng xóm; tính tình thật chẳng khác gì bà nội.
      Ngoài cùng của dãy nhà là gia đình chú Hợi cô Sửu. Chú Hợi làm nghề tài xế, chuyên chở vật liệu cho một công ty xây dựng, đã về nghỉ mất sức vì cơ quan dạo ấy không có việc. Cô Sửu ngồi bán hàng mã ở chợ Đồng xuân. Con Cún, thành quả của một tình yêu ốn ào phớ lớ, năm ấy mới lên năm tuổi, suốt ngày bị giam ở nhà trẻ mẫu giáo lớn; cứ về đến nhà là ca hát luôn mồm và thỉnh thoảng lại vòi vĩnh con gái tôi: “Chị ơi, gấp cho em con chim hoà bình bằng giấy trắng thắt nơ mầu hồng !”. Trong ba nhà, mức sống nhà cô Sửu có lẽ là trội hơn cả, sắm được cả trò chơi điện tử và đầu quay băng video. Nhưng nhà cửa thì chật chội và luộm thuộm cỡ “top”. Và điều làm phiền lòng các hàng xóm nhất là tình hình chính trị gia đình mất ổn định; nội chiến, hoà bình tự do và hạnh phúc đan xen lẫn lộn, tưởng như không bao giờ dứt. Cũng bởi tại cái cô Sửu ngồi lâu ở chợ, những lúc vắng khách còn buôn thêm cả “dưa lê” nên tiêm nhiễm tiến bộ, đột nhiên dở chứng, có ý muốn phá tan cái nền độc trị phụ hệ trong nhà và nhiệt tình cổ vũ cho tinh thần sòng phẳng, chơi đẹp. Dạo này đã đỡ hơn trước vì cô đã nhận ra thế nào là sức mạnh của nền cơ học cổ điển. Quả thụi, hàm chứa khối lượng và gia tốc; tuy là vũ phu, là thô bỉ, có khả năng làm tổn hại đến những cấu trúc hữu cơ chứa gien di truyền và có thể làm đình đốn hoạt động của các phầm mềm điều khiển sự vận hành của các cấu trúc đó, nhưng nó xác lập được lẽ phải và trật tự.
                  Mỗi khi tôi có điều gì bực bội, cáu kỉnh hay vì sơ ý mà tỏ ra bất nhã, vợ tôi lại ca bài: “Lại học theo cái thói của chú Hợi, có hay hớm gì !”. Và tiếp theo, bao giờ cũng là một khúc tâm tình đượm màu tư vấn, đậm đà bản sắc cầu thị và tinh thần hướng thượng: “Chả phải đi đâu xa, cứ nhìn bác Hoàng mà học. Chẳng bao giờ thấy bên ấy to tiếng. Người có học thức người ta sống có học thức … lịch sự, nhỏ nhẹ và trật tự. Để ý mà xem, bác ấy vừa tôn trọng vừa thương vợ con; bác Lan Anh chỉ việc đi chợ, còn lại những thứ nấu nướng, giặt rũ, một tay bác ấy thầu tất !”. Thì vẫn biết là như vậy. Thành thử tôi không bao giờ phản đối bà xã vì những lời tư vấn đúng không cựa vào đâu được ấy. Nhưng, trong thâm tâm, tôi và con gái tôi luôn cảm thấy, với gia đình nhà chú Hợi vẫn có cái gì đấy gần gũi, thoải mái hơn. Nói năng, giao thiệp với bên bác Hoàng là phải nghĩ trước nghĩ sau, mỏi lắm; với nhà Hợi thì vô tư đi ! không phải nắn nót tác phong, so đo câu chữ, ý tứ của mình thế nào cứ việc hồn nhiên mà phát tác ra như thế, nên tâm tư thấy thoải mái bình ổn.
      Sau lần tôi lãnh trọn cái sống dao chẻ củi vào lưng khoảng mươi hôm, có người bạn dưới Hòn Gai gửi lên cho một ít đồ biển. Nhân trong lòng đang có điều vui vẻ đắc ý ở cơ quan, muốn chia xẻ với hai hàng xóm, mới bảo bà xã: “Tôi muốn uống một chút với bác Hoàng, chú Hùng, mình sang mời giúp tôi nhé”. Bà xã tôi cười: “Thôi, em đàn bà con gái, lại đang dở tay nồi niêu, mình mời cũng được, nhưng khi sang bác Hoàng thì phải đi đứng cho ngay ngắn, hai bàn tay phải xoa xoa vào nhau thì mới khiêm tốn, thành khẩn”. Không chấp chi kiến thức nông cạn của đàn bà, tôi cười rộng rãi và ngó sang thấy bác Hoàng đang lúi húi đảo đảo cái gì đấy nghe xèo xèo trong chiếc chảo đen nhẻm.
      - Nhà em hôm nay được thằng bạn gửi cho ít tôm với mực tươi, mời bác sang uống với em chén rượu nhạt cho vui.
      Chính tôi ngạc nhiên đến đỏ cả mặt vì trước đấy một phút, đã rất coi thường lời dặn dò của bà xã, thế mà không hiểu sao lại nhận ra hai bàn tay của mình chẳng ai khiến mà cứ xoa xoa vào nhau thật lực. Bác Hoàng, tay cầm đũa, tay đưa lên quệt mặt, vô tình để lại một vệt đen bóng trên má, trình ra một nụ cười đậm đà bản sắc công quyền, hạ cố:
      -  Được, chỗ anh em, chờ cơm cạn, tôi sẽ sang !
      Sau đó tôi chạy bổ sang nhà Hợi, hí hửng nhắy mắt, tay búng bộp bộp vào cục yết hầu:
      - Này, có tí tươi, chú sang tao làm vài choác cho khí thế !
      - Thế à ? – Mắt Hợi loé lên vui vẻ – Được của nó đấy ! Mấy giờ thì trọng tài cho các cầu thủ ra sân ?
      - Chỉ được thế là giỏi – Cô sửu đang ngồi rửa rau, ngoái lại mỉm cười, liếc xéo chồng, rồi quay sang tôi - Bác cho nhà em uống vừa thôi nhá !
      Hợi đưa tay lên gãi đầu, cười hềnh hệch:
      - Mẹ mày cứ yên tâm, tao chỉ uống đến năm hào là síttốp tắp lự.
      - Dào ôi, còn lạ gì nữa. Thôi, đi rửa mặt, thay quần áo trước đi; lỡ về nhà có say thì lên giường cho đỡ hôi !
      - Mẹ mày thiếu niềm tin vào người nhà. Nói cho mà biết: Một khi nhá, tao nhá, đã nói là năm hào nhá … cứ là kiên định luôn !
      Cô sửu, đôi má ửng lên màu hồng nhẹ, cúi mặt sát xuống rổ rau:
      -  Phải gió ! Có đi xách cho tôi xô nước không thì bảo !
      - Ừ, xách chứ !
      Hùng quơ một lần cả bốn cái xô, tung tẩy nhún nhẩy đi ra phía cái bể nước đào ngoài  hè phố, miệng véo von một điệu “Tuýt” cũ mèm đã từng thịnh hành một thời:
      Ngồi trên chiếc F4H bay tới sông Hồng
      Bị phòng không Miền Bắc bắn rơi xuống đây
      Chiếc xe trâu đưa tôi về (là) nơi cố hương
      Và nụ cười cô du kích (đã) bắn rơi tôi …
      Ta rát … chát chát
      Ta rát … chát chát …
      Khoảng nửa giờ sau, sau khi dọn mâm chỉnh tề, trọng tài (tức là bà xã nhà tôi) mới trịnh trọng “thổi còi”:
      -  Mời bác với chú xơi chén rượu với bố cháu cho vui !
      Thế là hai đội cùng từ tốn ào vào sân. Riêng đội thứ ba, là anh Hoàng, phải mời thêm mấy câu nữa mới từ từ bỏ dép, ngồi xuống chiếu, mắt vẫn ngoái lại không rời cái màn hình tivi, ừng ực theo dõi cái lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội. Thực cũng không uổng cái công của nhà đài.
                  Tôi cầm lấy chai rượu Johnnie Walker nhãn đỏ vẫn để dành từ hôm tết, toan vặn nút thì anh Hoàng ngăn lại, bảo tôi đưa cho anh. Anh cầm lấy, đột ngột lật ngược chai rượu xuống và quan sát.
      -  Bác làm thế để làm gì ? – Tôi ngạc nhiên.
      -  Xem có phải rượu dởm không.
      -  Bác chỉ vẽ ! – Hợi thôi cười, thoáng ý bất mãn.
      Gắp một miếng mực xào, bác Hoàng gật gù:
      -  Cũng tạm được, nhưng cọng hành thái hơi dài.
      Đến đấy, Hợi lừ lừ đứng dậy, bảo không biết tại sao bụng lại hơi lâm râm đau, rồi từ từ đi ra ngoài. Mãi sau mới mò vào. Hôm sau, tôi hỏi:
      -  Bụng dạ chú vẫn ổn đấy chứ ?
      - Có làm sao đâu. Cái lão ấy, rởm bỏ con mẹ. Lúc ý em định bỏ về, nhưng nghĩ làm thế không phải với hai bác quá, nên lại quay sang. Lần sau, nói cho dứt điểm, có lão ấy thì đừng gọi em nữa nhá !
      Cái chú Hợi này, tính khí thất thường, lại không có ý thức kiềm chế, nên không thể lường trước được điều gì. Có lẽ vì vậy, cái gia đình của chú mới không giống ai, chẳng nên học theo, nhưng, thực tình có nhiều cái luôn làm tôi ngạc nhiên và bất ngờ. Một lần, buổi chiều có việc xuống cơ sở, xong việc thì đã bốn giờ. Tôi không về cơ quan nữa mà đi thẳng về nhà. Chú Hợi đang nằm trên ghế xem băng video, thấy tôi liền gọi vào:
      -  Còn sớm, bác gái chưa về, hôm nay có bộ chưởng Hồng Công mới ra.
      Phải rồi, tôi nghĩ, hai mẹ con nhà này đi Bãi Cháy theo công đoàn, sớm thì cũng phải tám chín giờ tối mới về đến nhà. Thế là tôi xà vào thưởng thức nghệ thuật chưởng cùng Hợi.
      Hơn bảy giờ, cô Sửu bước thấp bước cao, tay làn tay nón về đến nhà. Không thấy con Cún đâu, hỏi chồng:
      - Con chưa về à ?  
                  - Bà ngoại vừa sang đón lúc chiều.
                  Sửu treo chiếc nón lên tường, rồi tất tả vào bếp. Lúc sau, bưng vào cho Hợi một bát tộ cơm, phía trên để đầy đủ thức ăn và một cái thìa; ý hẳn là để Hợi vừa ăn vừa xem phim cho tiện. Tôi mỉm cười, nghĩ bụng: Cô này chiều chồng thật. Chú này lởm khởm mà xem ra tốt phúc ! Bỗng nghe một tiếng “cộc” khô khốc: Hợi dữ dằn dằn mạnh chiếc bát xuống mặt ghế, mắt quắc lên, đầy phè bất mãn:
      - Cho bố mày ăn thế này à ?!
      Sửu lừ mắt. Với cái đà này – tôi chột dạ – tình hình sẽ diễn biến phức tạp, có thể sảy ra đàn áp. Nhưng không, nét mặt cô dịu lại:
      - Mệt à ? Hay mua cho bát phở nhé ?
      Hợi nhìn vợ, nghiên cứu, rồi hơi bối rối, làm một động tác phẩy tay và bắt đầu bưng bát cơm lên, chậm rãi ngoan ngoãn xúc từng thìa. Tôi choáng người vì vừa chứng kiến một “xen” vô lý ngoài sức tưởng tượng của nhân loại mà không sao lý giải nổi. Chỉ tiếc tôi không phải nhà văn để có thể dùng con chữ trình diễn lại, một cách toàn vẹn và gợi cảm, cho mọi người thấy những gì có thể xảy ra trong cái gia đình này.
       
      *
       
      Mấy tháng sau, đánh đùng một cái, nhà bác Huy mua được đất, làm nhà và chuyển đi. Qua tết nguyên đán năm ấy, cũng đánh đùng một cái, chúng tôi được cơ quan bán hoá giá cho một căn hộ tập thể. Qua hai việc này, lần đầu tiên trong đời, tôi chợt đoán ra thế nào là tình yêu sét đánh. Nhận thấy tình hình diện tích và các “tiện nghi” của căn hộ “sét đánh” so với căn nhà đang ở là ưu nhiều hơn khuyết, chúng tôi bèn hân hoan quyết định dọn đến cái chỗ “cũ người mới ta” ấy. Trước hôm dọn nhà, cô Sửu nghỉ chợ một buổi, làm một bữa liên hoan hai gia đình. Hôm sau, Hợi đích thân khuân vác, chuyển đồ đạc giúp tôi. Xẩm tối, khi Hợi ra về, bà xã tôi còn kéo lại dặn dò: “Vợ chú là phụ nữ. Phụ nữ người ta như bông hoa ấy chứ. Hoa cũ thì vẫn là hoa. Chú mà không nhẹ nhàng hơn, có ngày chết với tôi !”
       
      *
       
                  Càng ngày, xã hội càng có nhiều rác rưởi. Rác cũng có thứ tử tế, cũng có thứ mất dạy. Rác cổ truyền, rác nhà quê, chóng tự phân huỷ, vẫn còn có cơ trở thành thức ăn cho cây cối, thì ít đi. Rác đời mới, vô cùng sột soạt, óng ánh, nhiều màu sắc, nhưng lại bẩn thỉu, độc hại và bền dai đến lạ lùng; nếu để chúng tự phân huỷ, không biết phải chờ đến bao nhiêu trăm năm. Về vấn đề xử lý rác đời mới, giới kỹ thuật trong công ty của tôi có hai trường phái: Trường phái Tây học cho rằng phải dùng công nghệ khoa học mới để chủ động triệt huỷ trong thời gian ngắn nhất có thể; Trường phái Ta học, ôn hoà hơn, lại chủ trương cứ phủ lên chúng một lượt đất, để cho chúng tự hoại và hoại lẫn nhau, bới lên làm gì, chỉ khổ mũi công dân. Vì vậy, họp hành liên miên, tranh luận gay cấn, công việc lu bù: Hết xây dựng nhà máy rác, lại đến áp dụng công nghệ mới, rồi di dời bãi thải, mua sắm thiết bị vận chuyển … và nỗi lo toan về cái gia đình riêng tư bé nhỏ vẫn cứ dai dẳng như không bao giờ có thể dứt được khiến, bẵng đi mấy năm bù đầu vì công việc, tôi vẫn chưa gặp lại những người hàng xóm cũ như ý định.
      Một buổi chiều, hết giờ làm việc, thấy buồn bã quá, lại không muốn về nhà, tôi đạp xe đi lang thang. Tình cờ lại gặp bác Hoàng, cũng đang lững thững đạp xe. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi rủ nhau vào một quán cà phê. Bác Hoàng nhìn tôi:
      - Hẳn là chú đang có tâm sự !
      Tôi ngạc nhiên bởi giọng nói của bác không còn sang trọng như ngày nào, mà lúc này có phần còn nhuốm màu quần chúng, gần gũi quan tâm.
      - Sao bác biết ?
      - Nhìn bộ mặt và cái cách chú đạp xe thì đoán thế.
      - Chán lắm bác ạ. Chúng em chắc bỏ nhau mất thôi. Về đến nhà, nhìn vợ, thấy cái mặt rắn đanh, cái mồm lúc nào cũng như cái loa phóng thanh cũ, buộc xộc xệch ở cây cột gỗ đã mục ở đầu khu tập thể, hết vấn đề tiền bạc lại đến nhèo nhẽo “ný nuận” về giới, em thấy ớn lắm. Chả nhẽ hôm nào cũng đạp xe lang thang thế này rồi chờ đến khuya mới về nhà !
      - Đời bây giờ nó thế đấy. Chả giấu gì chú, tôi với cô ấy nhà tôi cũng vừa ra toà. Chắc bố con tôi lại dọn về nhà cũ. Thế chú đã ăn gì chưa ?
      Nghe câu hỏi ăn gì chưa, đột nhiên, một ý nghĩ loé lên trong đầu tôi:
      - Tại sao không ghé nhà Hợi Sửu một tý nhỉ ?!
      - Tuyệt ! – Mắt bác Hoàng sáng lên.
      Gặp lại hai ông hàng xóm cũ, Hợi mừng líu lưỡi, chân tay quýnh quáng, hết đứng lại ngồi, loay hoay mãi như không biết phải làm gì. Vừa lúc ấy, hai mẹ con cô Sửu cũng về đến nơi. Hợi reo lên:
      - Mẹ mày ơi, hai bác về chơi đây này !
      Sửu dựng vội cái xe, hấp tấp đi cả đôi dép bẩn vào nhà:
       - Gớm, hai bác đã đi là cứ biền biệt, chả có tình cảm gì cả … con Cún nhà chúng em, không biết làm sao, thỉnh thoảng cứ nhắc đến hai bác, nghe đến sốt cả tiết !
      - Thôi, dài dòng quá, mẹ mày xem có gì để tao uống với hai bác một trận cho đã !
      - Chỉ có thức ăn thường thôi. Để tôi chạy ù ra chợ Hôm, lòng lợn của cái nhà cột đèn ngon lắm.
      Ra đến cửa, cô nàng còn ngoái lại, xoe xoé:
      - Phải giữ hai bác ở lại đấy nhá !
      - Cái giống đàn bà nói dài nói dai – Hùng lừ mắt, dậm chân – có đi nhanh hay không thì bảo !
      Sửu tong tả dắt xe đi ra, chân cuống lên, vướng vào cái bàn đạp, dúi dụi xuýt ngã.
      Con Cún từ nãy vẫn đứng bên cửa. Trông thấy con, Hợi cười ngượng ngịu, vẫy nó lại, bảo: “Cái mày hỏi hôm trước, bố không biết. Tiện có bác Hoàng, để bác giảng cho”.
      Bác Hoàng cười, vẫy con Cún lại bên mình :
      - Cháu yêu ai nhất ?
      - Bố mẹ cháu.
      - Tại sao ?
      Mặt nó ngây ra. Chắc chưa bao giờ nó nghĩ đến điều này.
      - Cháu không biết. Cháu thấy yêu là yêu thôi.
      Bác Hoàng cười, xoa đầu nó:
      - Thế bé muốn hỏi bác cái gì nào ?
      - Bác ơi, con giun có ích không ?
      - Có, nó làm cho đất trở nên xốp hơn, mầu mỡ hơn, cây trái tốt tươi hơn.
      - Chúng nó, ở lớp cháu ý, bảo đem chặt đôi, giun vẫn không chết. Thật thế hả bác ?
      - Thật.
      - Hay bác nhỉ ! Nhưng tại sao cơ ?
      - Vì nó là giống cấu tạo đơn giản.
      - Như thế là ... đơn giản thì không chết ạ ?
      - Chứ sao ? Bé thông minh lắm !
      Con Cún ngẫm nghĩ một lát, rồi hớn hở khoe:
      - Đúng rồi, hôm nọ cháu trông thấy một con kiến bị ngã từ bậu cửa sổ xuống đất mà không bị làm sao, vẫn chạy được luôn như cũ đấy. Bác ơi - Con bé đưa bàn tay xinh xắn lên vén mấy sợi tóc xoà xuống trán, cười thỏ thẻ - sao bác giỏi thế, hơn cả bố cháu đấy !

      NLT
      #3
        Thanh Vân 16.12.2008 05:19:16 (permalink)
        Chào bạn Nghiêm lương Thành

        Những truyện ngắn của NLT đã được đem vào thư viện

        Truyện he he thấy cái tựa cũng đã thấy buồn cười rồi.... he...he

        Chúc vui
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9