Hương Đồng Gió Nội
Trương Củng 12.02.2005 18:32:13 (permalink)
Hương Đồng Gió Nội

*****thân tặng NHDT*****



Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Nguyễn Bính
.



Xin lấy hai câu cuối trong bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính để mở đầu bài tản mạn về sự xê dịch ngôn từ qua thời gian. Lúc Nguyễn Bính viết bài thơ này chiếc áo tứ thân đã trở nên lỗi thời. Bây giờ, sau gần 70 năm, cả chiếc áo dài, chiếc áo bà ba cũng đã trải qua nhiều gian truân thăng trầm. Chiếc áo dài Lemur từ ngày ra đời đã phải chịu bao nhiêu lần cắt xén, cải biến. Thử lướt qua vài điểm chính, này nhé: cổ tròn cao, cổ vuông thấp, xếp ly bên ngực, cổ Trần Lệ Xuân, tay cắt raglan, eo xẻ cao, tà mini quá gối, tà trước xẻ đôi... và trong tương lai còn nhiều nữa.

Y phục mỗi lần cải biến là mỗi lần gây ồn ào, sôi nổi từ nghệ sĩ, tới giới trẻ, báo chí, học đường, lắm lúc vào tận cả giới chính trị. Nhưng có những cuộc cải biến âm thầm, kiên quyết, không ngưng nghỉ, đó là cuộc cải biến về ngôn ngữ. Người Việt không thể một sớm một chiều, nhận ra ngay một vài từ hay câu tiếng Việt mình đang sử dụng đang bị đào thải. Mãi đến một hôm, hắn nhận ra cái tiếng hắn học từ mẹ, từ bà ngoại khi đem ra dùng bị bạn bè trang lứa chế giễu và nhìn hắn như là một người nhà quê mới lạc vào thành phố.

Có những từ bây giờ dùng lại chắc chắn sẽ bị coi là nhà quê. Thí dụ, bạn cần mồi một điếu thuốc, quay sang hỏi người bên cạnh cũng đang hút thuốc, thì với câu nói: “ Xin phép anh cho tôi mượn cái máy lửa.” Sẽ bị coi là nhà quê, cổ lổ. Trong khi câu nói: “ Xin phép anh cho tôi mượn hộp quẹt”; sẽ được coi là lịch sự, hợp thời hơn. Cho dù cái bạn hỏi mượn không phải là hộp diêm, mà là một cái bật lửa ga hiệu Bic hoặc một cái bật lửa hiệu Zippo, những thứ khi sử dụng không phải quẹt như khi dùng que diêm. Số phận của từ máy lửa thế là hẩm hiu, bị xếp xó vào bảo tàng viện như chiếc áo tứ thân. Người ta khi dùng một từ ngữ nào đó thường không đặt vấn đề sai hay đúng, mà chỉ là do thói quen, hợp nhãn giống như sở thích về một kiểu áo, một món ăn. Một cách nói, một từ ngữ thường hình thành bất chấp mọi phân tích lô-gích của các nhà ngôn ngữ học.

Bây giờ chúng ta hãy quay qua một thí dụ khác. Có người bạn đặt vấn đề bây giờ người ta hay nói “trời có khả năng mưa” trong khi đúng ra nên nói “ trời có thể mưa”. Quả thật người ta thích nói một trong hai cách trên, trong khi tiếng Việt có những cách nói khác mà bây giờ bỗng trở nên ít dùng và bị cho là hơi nhà quê. Sẽ trở lại với những cách nói vào loại nhà quê này sau, còn bây giờ chúng ta hãy xét cách sử dụng của hai từ khả năng và có thể trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt từ khả năng được dùng để mô tả khả tính của một chủ thể. Khi mô tả khả tính của một chủ thể, từ này không thể đồng thời mang theo thời gian tính của hiện tượng, ở đây là hiện tượng mưa. Nói một cách khác, khả tính của một chủ thể, mô tả bằng chữ khả năng, là một khả tính phi thời gian, phi hiện tượng. Trong câu “Chiếc cầu có khả năng chịu đựng được xe tải 20 tấn” hay “Hắn có khả năng nhấc nổi một bao gạo 100 ký” không có việc một chiếc xe 20 tấn nào chạy qua, hay một bao gạo nào được nhấc lên ở bất cứ thời gian nào hết. Chủ thể khi được mô tả với một khả tính bằng chữ khả năng, khả tính trở nên trơ trơ, không có tính hiện tượng và tính thời gian. Như vậy câu “ trời có khả năng mưa” hoàn toàn bất hợp lý. Vì trong câu này, mưa, là một hiện tượng mà người nói có ý định dự đoán, không thể trở thành một thành phần bổ nghĩa cho một khả tính vốn phi hiện tượng. Câu nói chỉ được dùng trừ khi người nói định diễn tả một ý khác: làm ra mưa là khả tính của ông trời; ông trời có khả năng làm mưa, làm gió, làm bảo...

Chữ khả năng do thiếu thời gian tính, không thể diễn tả được sự diễn biến của hiện tượng, nên người nói có thể thêm vào một trạng ngữ chỉ thời gian, để xác định một cách hiển thị thời gian tính của hiện tượng muốn đề cập. Mục đích muốn biến chữ khả năng thành một từ có thể diễn tả được diễn biến của một hiện tượng, thay vì chỉ mô tả khả tính mà thôi. Thí dụ: “ Trời có khả năng mưa chiều nay”. Đây là một sự cố gắng khôn khéo thông minh, tuy nhiên chưa thuyết phục được những người sử dụng tiếng Việt khó tính. Ở đây xin mở một dấu ngoặc nhỏ, trong một vài trường hợp câu “trời có khả năng mưa” mang ý vị trào phúng của ngưòi nói, tuy vậy ý nghĩa đã trình bày ở trên vẫn không đổi.

Đối với từ có thể, việc sử dụng có phần phức tạp hơn, chỉ xin đưa ra một số cách sử dụng tiêu biểu. Do tính chất biến chuyển của ngôn ngữ, cách dùng một từ ngữ có thể biến đổi theo dòng lịch sử, theo từng miền; nên những ý kiến sau đây không phải là những nhận định có tính cách kết luận chung cuộc mà là những nhận xét có tính gợi ý.

Có ba cách sử dụng cho chữ có thể như sau.

Cách thứ nhất, từ có thể được sử dụng giống như chữ khả năng, chỉ mô tả khả tính của chủ thể mà thôi, và do đó thiếu thời gian tính, không diễn tả được hiện tượng. Thí dụ “Hắn có thể chạy được 100m trong vòng 10 giây.” Tương tự như với chữ khả năng, chữ có thể trong câu trên chỉ mô tả sức chạy, khả tính, của chủ thể “hắn”; còn việc chạy xảy ra ở thời gian nào không đưọc đề cập đến, cũng như không nhắc đến có việc chạy hay không.

Khi nói “ trời có thể mưa” chơi vơi một mình như vậy câu nói sẽ bất ổn, không diễn tả được ý định dự đoán hiện tượng mưa. Để giải quyết vấn đề, cần có thêm một phần phụ trong câu để biến ý nghĩa chữ có thể từ vai trò mô tả khả tính ù lì bất động của khả tính sang vai trò diễn tả sinh động của một hiện tượng. Phần thêm vào có thể là một trạng ngữ chỉ thời gian để xác định một cách hiển thị thời gian của hiện tưọng. Câu nói sẽ là: “ Trời có thể mưa chiều nay”. Hoặc thêm vào từ sẽ để thời gian tính được biểu hiện một cách mặc định, “Trời có thể sẽ mưa”. Vậy đây là cách dùng thứ hai của từ có thể. Ta có thể thắc mắc tại sao với cùng một cấu trúc, câu “ Trời có thể mưa chiều nay” thì chấp nhận được còn câu “Trời có khả năng mưa chiều nay” thì không? Vấn đề hãy còn mở ngõ. Hoặc trong tương lai từ khả năng sẽ đạt sự linh động giống như từ có thể, để hai từ này có thể dùng thay đổi lẫn lộn với nhau chăng? Bây giờ chúng ta có thể dùng từ khả năng theo cách đó hay chưa? Cái đó còn tuỳ thuộc vào các bạn những người đang sử dụng tiếng Việt.

Nói thêm về cách biểu hiện thời gian tính mặc định dùng chung với từ có thể. Đó là cách dùng đã hay sẽ chung với nó. Thí dụ: “ Có thể trời đã/sẽ mưa”, “ Có thể con nước lớn đã xoi lở bờ đê”. Từ đã giúp cho từ có thể diễn tả được diễn biến của hiện tượng. Tuy nhiên khi đảo lộn vị trí chữ có thể lên đầu câu, nó trở thành từ bổ nghĩa cho toàn câu chớ không phụ thuộc vào từ mưa nữa. Từ sẽ và đã bây giờ được dùng thường xuyên, tuy hãy còn phảng phất văn phong ngoại quốc, như câu “Trời có thể sẽ mưa” đã dẫn ở trên.

Một cách dùng thứ ba của từ có thể, tuy không liên hệ gì đến câu “trời có thể mưa” cũng xin đề cập ở đây cho trọn vẹn. Đây là một cách dùng rất mới của từ có thể, khi tiếng Việt va chạm cọ xát nhiều với tiếng Anh. Từ có thể ở đây dùng trong lời đề nghị, cầu kiến. Thí du: “ Anh có thể đỡ hộ tôi một đầu được không, cái bàn này hơi nặng?”, “Tôi có thể làm được việc đó, để tôi làm cho”. “Tôi có thể giúp được gì cho bạn đây?” Những câu này có thể nói một cách khác, dễ nghe hơn, “ Việt” hơn, nhưng người ta lại thích nói như vậy. Nó có vẻ lịch sự lắm chăng, lịch sự như người Ăng-Lê!?

Trở lại với câu dự đoán về hiện tượng mưa, nói chung chữ có thể khi dùng để dự đoán một hiện tượng cần phải đi chung với một trạng ngữ thời gian, hoặc trong câu nói phải có một thành phần dùng để ám chỉ mặc định về thời gian. Tuy vậy tiếng Việt vẫn còn có những cách khác tránh được sự lúng túng về thời gian khi người nói muốn diễn tả ý định dự đoán một hiện tượng.

Hãy tưởng hình dung một cảnh trưa ở đồng quê, bạn nghỉ hè, về thăm quê ngoại. Trời trưa nắng. Lúc nãy bạn vừa giặt xong bộ đồ vía, đặng tối nay bận đi xem hát. Bạn đem treo trên sào, phơi nắng bên hiên nhà, rồi đu đưa trên võng đọc sách. Vài cơn gió mát chợt thổi qua, nắng tắt. Bà ngoại bước ra sân, ngước nhìn chiều trời rồi nói: “Chắc trời sắp mưa rồi đó con, ra lấy đồ vô để ướt.” Chữ sắp trong câu “trời sắp mưa” diễn tả chính xác tính sinh động cần thiết cho sự dự đoán hiện tượng mưa, đồng thời cũng ám thị được một thời gian mặc định mà đôi bên, người nói và người nghe, cùng hội ý.

Một câu nói khác có vẻ quê mùa hơn câu trên: “ Trời muốn mưa rồi”. Chữ muốn ở đây thật hay, nhưng không hiểu sao giới trẻ bây giờ không còn thích dùng nữa. Có lẽ với tư duy hiện đại, thời nay trời không còn được nhân cách hoá thành ông trời nữa, nên trời không thể muốn được, chắc chỉ còn có người mới muốn thôi! Một vài câu nói khác cũng hơi nhà quê với chữ muốn: “Cây muốn rụng lá”, “Buồng chuối muốn chín”, “Mệt muốn bở hơi”.

Hồi còn học trung học ngưòi viết bài này dịch một câu tiếng Anh ra tiếng Việt như thế này: “ Cậu Tom còn nhỏ tuổi quá để lái xe”. Kết quả là bị cô giáo gạch một đường mực đỏ, phê một bên: “dịch không ra tiếng Việt”. Sau này khi qua đến Mỹ, người viết thường nghe người Việt xa xứ nói những câu như “Nó còn nhỏ tuổi quá để vô quán bar”. Gần đây cả những tờ báo lớn ở Việt Nam có đăng trên mạng đôi khi cũng viết những câu đại loại như “ Hãy còn quá sớm để khẳng định về.....”

Vậy đấy, âm thầm và lặng lẽ từng chữ, từng câu xưa củ dần dần bị đào thải và được thay bằng những chữ, những câu mới, lạ lẫm hơn. Thuở xưa, vào thời của Xuân Tóc Đỏ(1) người ta bắt đầu Âu hoá tiếng Việt. Khoảng 30 năm sau, vào thời Kháng chiến II (2), người ta lại hiện đại hóa nó. Và bây giờ giới trẻ đang cố gắng cải cách tiếng Việt, đưa tiếng Việt lên ngang tầm “tư duy liên mạng” để ganh đua với cuộc cách mạng “thông tin toàn cầu”.

Nguyễn Bính ngày xưa khổ vì người yêu bỏ áo tứ thân, mặc áo cài khuy bấm. Người tình nhỏ của tôi bây giờ không ưa mặc áo dài, nàng chỉ thích mặc áo thun, quần jean. Chiếc áo thun thì thun ngắn quá hở cả rốn. Còn chiếc quần jean nàng mặc bị xẻ rách thành những đường ngang vắt vẻo giống như bộ da của con ngựa vằn. Những cái vằn trên bộ da ngựa thì màu đen, còn những đường xẻ trên quần jean của nàng thì lộ ra một lớp da trắng nõn. Nàng cười nói liếng thoắng hồn nhiên, tiếng Việt của nàng đầy đặc những từ ngữ trên báo chí truyền thông đương đại (3), trong đó có những từ ngữ mà tôi vô phương tìm ra trong từ điển. Tiếng Việt đã có một thời bắt chước theo Tây, một thời bắt chước theo Anh Mỹ; không biết hương đồng gió nội bây giờ bay về đâu.

(1) Nhân vật trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng.
(2) Chiến tranh Việt Mỹ, Kháng chiến I là Chiến tranh Việt Pháp. Từ của các cụ già miền Trung hay dùng sau 1975.
(3) Từ đương đại này ngày xưa theo Từ Điển Hán Việt của Thiều Chửu có nghĩa là đương thời, một thời gian nào đó trong lịch sử đang được đề cập đến. Bây giờ, từ này có nghĩa là hiện nay, ngày nay, (từ dùng trong bài có nghĩa này). Xem ý kiến của Bùi Việt Bắc trên talawas.org về từ này (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3581&rb=07&von=0)

Tết Ất Dậu
Trương Củng

<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.02.2005 12:18:06 bởi Trương Củng >
#1
    NuHiepDeThuong 13.02.2005 00:18:31 (permalink)
    Chào TC,

    TC viết 1 bài tản mạn về tiếng Việt quá hay.
    Nhờ vậy, NH hiểu được thêm về tiếng Việt xưa và nay.
    NH xin cảm ơn TC thiệt nhiều đã bỏ thời gian quý báu để viết bài "Hương đồng gió nội". NH rất cảm ơn TC về món quà đầu năm bất ngờ và thú vị.

    Qua bài viết của TC, NH mới chợt nhớ ra rằng bà nội của NH thường sử dụng câu, "Trời sắp chuyển mưa rồi, con ra lấy đồ vô, kẻo ướt."
    Cái "hộp quẹt" nếu là Zippo hay Bic thì NH có nghe người ta gọi là "bật lửa, quẹt máy"...
    Mong là không nhớ sai !

    TC ơi, NH có thêm vài thắc mắc nhỏ.

    1. "Khẩn trương" có khác với "lo âu, lo lắng" hay không? Và "đồng ý" với "nhất trí" khác nhau thế nào?

    2. Tết Ất Dậu - Tại sao có chữ Ất đàng trước vậy TC? Ất tượng trưng cho cái chi thế?

    NH không hiểu rõ lắm. Khi nào TC rảnh thì giúp NH nhen. Xin cảm ơn TC trước.

    Có lẽ chừng vài chục năm nữa, tiếng Việt chắc sẽ còn biến đổi nữa.
    Tuy vậy, NH cũng mong là tiếng Việt sẽ biến đổi tốt hơn... chứ không phải tệ hơn. Và sẽ bị Việt hóa hơn là Tàu hóa.



    #2
      Tiêu Phong 13.02.2005 01:16:16 (permalink)
      Theo tp hiểu thì như sau:

      1> Khẩn trương với lo âu và lo lắng
      - Khẩn chương: thiên về nghĩa vội vàng, cấp bách cần phải giải quyết nhanh một vấn đề nào đó, tranh thủ thời gian để giải quyết.
      - Lo lắng, lo âu: thể hiện sự bồn chồn, tư tưởng bất an, không an tâm về một việc gì đó.
      Như vậy Khẩn chương và lo âu không thể đồng nghĩa với nhau rồi, và không thể dùng thay cho nhau được. Thử so sánh hai câu họ đang khẩn trươnghọ đang lo lắng thì câu thứ nhất thể hiện rằng nhóm người (họ) đang gâp rút cố gắng làm để hoàn thành một hành động nào đó, còn câu thứ 2 thì không hề thể hiện ý đó.
      Còn khi tra tử điển việt-việt thì tp thấy họ cắt nghĩa như sau:
      + Khẩn trương: 1. Cấp bách, cần giải quyết ngay: nhiệm vụ khẩn trương. 2. Nhanh gấp, tranh thủ mọi thời gian: làm khẩn trương, tác phong khẩn trương.
      + Lo lắng: Suy nghĩ nhiều đến việc gì: Thân ta ta phải lo âu, Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này (K).

      2> Đồng ý với Nhất trí
      hai từ này đồng nghĩa, và có thể sử dụng thay cho nhau. Xem trong từ điển thì được cắt nghĩa như sau:
      + Đồng ý: đgt. Có cùng ý kiến, bằng lòng, nhất trí với ý kiến đã nêu: đồng ý cộng tác
      + Nhất trí: Toàn thể giống nhau, có cùng một ý kiến : Nhận định nhất trí.

      3> Tết Ất Dậu - Tại sao có chữ Ất đàng trước vậy TC? Ất tượng trưng cho cái chi thế?
      Câu này quả là khoai quá đi mất, cần phải hỏi những người có kiến thức về âm dương ngũ hành, biết cách tính lịch. Tp dạo qua một vòng trên net và tổng hợp về đây cho bạn vây:

      - Đầu tiên xin cắt nghĩa về chữ Dậu
      Ở Vn hiện nay đang tồn tại song song hai loại lịch là Âm lịch và Tây lịch, hầu hết các hội hè chuyền thống cho đến những cách tính ngày rằm, ngày lễ tết đều dựa theo âm lịch do vậy có thể nghĩ rằng âm lịch ở ta rất được coi trọng. Hết một năm tính theo âm lịch sẽ là một cái tết Nguyên Đán và mỗi năm thế này người ta lại nghênh đón một con vật biểu trưng cho năm. Và có cả thảy 12 con vật biểu chưng cho từng năm, cũng có nghĩa là sau 12 năm một con vật sẽ quay trở lại. Người ta gọi những con vật biểu trưng cho năm đó là con giáp, và 12 năm được tính là 1 giáp Năm nay là năm Dậu - hay còn gọi là năm con gà.

      Âm Dương Ngũ Hành gắn liền với tư duy Dịch lý là nền tảng để xây dựng các quan điểm trong đó có thiên văn . Người xưa xuất phát từ quan sát thực tiễn để định dạng sự vật :
      + Âm là thái âm tức là Mặt trăng
      + Dương là Thái dương tức là Mặt trời
      + Ngũ hành là Kim , Mộc , Thuỷ , Hỏa ,Thổ

      Là năm hành tinh mà người cổ đại sớm nhận biết được cuả hệ mặt trời . Bên cạnh đó , quan niệm Trời = cha , Ðất= mẹ và quan niệm về một vũ trụ hài hoà cũng đóng vai trò quan trọng đối với người xưa . Và như vậy Trời = thiên là dương , Ðất = địa là âm , thượng giới và hạ giới được phân định , trật tự của vũ trụ được xác lập và trật tự xã hội cũng theo đó được hình thành . Trong xã hội có quan hệ vua - tôi , quân tử - tiện dân , có nội trị - ngoại giao , trong - ngoài ,trên - dưới , trước - sau , phải - trái , đúng - sai , thật- giả . tất cả đều được quy tụ vào phạm trù âm dương , được quy vào các phẩm chất ngũ hành . Tuy nhiên , sự phân chia âm - dương không phải thùân tuý máy móc mà nó xuất phát từ nguyên lý của dịch học : : "Dịch có thái cực , thái cực sinh lưỡng nghi , lưỡng nghi sinh tứ lượng , tứ lượng sinh bát quái " , nghĩa là trong sự xếp đặt đó đã bao hàm một sự vận động biện chứng , đặc biệt là quan niệm trong "âm có dương , trong dương có âm " trỡ thành nguyên tắc cấu trúc sự vật . Do đó , khát vọng về một cuộc sống hiền hòa , một xã hội ổn định , một trạng thái cân bằng là giấc mộng đẹp và là đích hướng tới , của người xưa . Vậy thì quan niệm âm dương ngũ hành có liên quan gì đến mười hai con giáp .

      Theo sự phân tích của người xưa , mưòi hai con vật được tuyển chọn , bao gồm cả vật nuôi lẫn thú vật hoang dã , vừa có thật vừa tưởng tượng , đều đáp ứng nguyên tắc âm dương , chẵn lẽ . Ở đây cũng cần nói thêm về dương cơ , âm ngẫu , cơ là số lẽ , ngẫu là số chẵn . Các con vật được chọn đều có phẩm chất chẵn lẽ mang đặc trưng loài của chúng , thể hịên qua số ngón chân của chúng . Cụ thể là :


      Tý = con chuột = 5 ngón = lẻ = dương .
      Sửu = con trâu (trong thiên văn Trung Quốc nghĩa là ngưu = con bò ) = 2 ngón = chẵn = âm
      Ngọ = con ngựa = một ngón = lẻ = dương
      Mùi = con dê = hai ngón = chẵn = âm
      Thân = con khỉ = năm ngón = lẻ = dương
      Dậu = con gà = bốn ngón = chẵn = âm
      Tuất = con chó = năm ngón = lẻ = dương
      Hợi = con lợn = bốn ngón = chẵn = âm

      Như vậy , số ngón tối đa là 5 , tối thiểu là 1 , còn lại là 2 và 4 . Tuyệt nhiên không có số 3.

      Số 3 được đưa vào hệ tam tài : Thiên - Ðịa - Nhân , hệ tọa độ quan trọng mà người xưa xác nhập được nhằm khẳng định vai trò của nó trong vũ trụ . Con người luôn có ý thức dùng kích thước vũ trụ để đo bản thân . Vì thế , người Hy Lạp cổ mới mãn nguyện về việc "con người sánh tựa thần linh " , và họ sáng tạo ra thế giới điêu khắc có một không hai để ca ngợi vẻ đẹp này . Con người không hề ích kỷ khi cố gắng hoàn thiện bức tranh vũ trụ . Họ đưa các con vật thực vừa huyền thoại tạo ra sự đúng lúc cho thế giới nhân quần , nhưng đồng thời đó cũng là những con vật mà họ thuần hoá hoặc những con vật họ thường gặp và thường gây những nguy hiểm cho họ .

      Như vậy , tiêu chuẩn số chẵn lẻ của ngón chân đã gíup các loài vật được chọn làm 12 con giáp . Nhưng số ngón chẵn lẻ cũng như cái tên chuột , mèo , rồng , rắn .của chúng chưa đủ để đưa chúng vào vũ trụ . Con người lại phải gán cho chúng các phương vị :

      Tý = Bắc Ngọ = Nam
      Mão = Ðông Dậu = Tây

      Và hàng đêm khi quan sát sao Bắc Ðẩu , người ta thấy cái đuôi của nó cứ quay đều đặn trên tinh cầu theo một vòng tròn , duy có điều nó giống kim đồng hồ quay ngược . Vòng tròn đó được chia theo phương vị 12 cung và 12 con giáp được trấn giữ 12 phương vị này .

      Chuyện vẫn chưa hết .Trong những phát hiện quan trọng của thời tối cổ có việc phát hiện ra đường hoàng đạo -đường dịch chuyển của mặt trời .Vòng Hoàng đạo được chia làm phù hợp với mười hai tháng của năm .Và 12 con giáp lại được trấn giữ 12 cung Hoàng đạo này . Tuy nhiên con số 12 được người xưa chọn không phải là một con số tuỳ tiện mà là một con số hoàn toàn khoa học và để hiểu được diều đó thì không đơn giản một tẹo nào cả.

      - Cắt nghĩa về chữ Ất

      Chữ Ất ở đây liên quan đến khái niệm về Can chi. Can chi là hệ đếm số 60,nó phối hợp các hệ đếm cơ số 2,10,12 và một hệ đếm liên quan tới nhiều nền văn minh cổ . Người Babilon cách đây 3000 năm với hệ đếm 60 đã chính xác một năm có 360 ngày . Với hệ đếm 60 hệ can chi dẫn đến các tiện lợi cho phép tính thời gian vì 60 là bội số của nhiều số như :

      Số 3 = số tháng trong một quí

      Số 6 = số tháng trong nửa năm

      Số 10 = số ngày trong một tuần trăng (âm lịch)

      Số 12 = số tháng của một năm -số năm của một con giáp

      số giờ trong một ngày (giờ âm lịch)

      Số 15 = số ngày trong một tiết

      Số 30 = số ngày của một tháng.

      Hệ đếm này xuất hiện từ lâu, được ghi lại trong giáp cốt văn.

      Can có nghĩa là thân cây có gốc ở Trời (nên gọi là Thiên can) . Người ta dùng ngũ vận để tính Thiên can : tức là 2 x 5=10 Thiên can . Bản thân Thiên can cũng có âm dương :

      Dương can :Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm.

      Âm can : Ất, Ðinh, Kỷ, Tân, Quí.

      Chi có nghĩa là cành (cây) bị lìa khỏi thân, là cành nơi mặt đất (nên gọi là Ðịa chi). Ðiạ chi được tính theo lục khí là 2 x 6=12 . Ðịa chi cũng có âm dương .

      Dương chi : Tý,Dần, Thìn,Ngọ,Thân,Tuất.

      Âm chi :Sửu,Mão,Tỵ,Mùi,Dậu,Hợi.

      Ngyên tắc phối hợp can chi là dương hợp dương , âm hợp âm ,thiên can là cha(cũng có nghĩa là dương ), đứng trước địa chi (có nghĩa là âm )đứng sau.

      Ta có:

      Giáp tý......................

      .....................Ất sửu

      Bính dần...............

      ....................Ðinh mão . Cứ thế tiếp tục mãi. Song thiên vì can thiên có 10 , Ðịa chi có 12, nên một vòng can chi là 60 . Số 60 được gọi là lục thập hoa giáp , Nguyên tắc dương kết hợp với dương ,âm kết hợp với âm là bất di bất dịch, vì vậy không bao giờ có Giáp sửu , Mậu dần cả , nguyên tắc kết hợp này cho phép từ dương tạo ra dương , từ âm tạo ra âm, trong 60 ngày thì có 30 ngày âm, 30 ngày dương tạo ra nhịp vận động của thời gian , tạo ra sự thăng giáng .

      Cách gọi can chi trước tiên là để chỉ ngày,sau đó vì tính tiện ích tổng hợp của nó , nó được dùng gọi giờ , tháng và năm. Như vậy can chi trở thành đơn vị thời gian âm lịch . Nếu có điều kiện để kiệm thì các nhận xét về bệnh tật của các con giáp đã nêu ở trên , cho phép thừa nhận sự chặt chẽ và khoa học hệ đếm can chi này .

      Ðể hiểu rõ hơn trước hết ta tìm hiểu ý nghĩa của can chi . Nguồn gốc của can chi đều từ cây :

      Thiên can:

      1. Giáp=cây cỏ đội đất nẩy mầm,dương cốt âm bì.

      2. Ất =cây cỏ mới mọc yếu ớt, cong gập.

      3. Bính=là cán , như mặt trời sáng chói , mọi vật đều sáng rõ.

      4. Ðinh=cây cỏ trưởng thành mạnh mẽ , như người lớn đã trưởng thành "tráng đinh".

      5. Mậu=rậm rạp ,nghĩa là cây cỏ phát triển rậm rạp

      6. Ky=là ghi chép. Các con vật từ cong(Ất) nay đã thẳng dậy, nên ghi chép lại.

      7. Canh=thay đổi , lúc này là mùa thu , mùa hái lượm , thu cất,tất cả hẹn mùa sau.

      8. Tân=là mới muôn vật thay đổi , hoa quả mới thành . Tân cũng có thể là hợp chất của kim loại , là vị cay , quả chuyển vị , vật thành có vị.

      9. Nhâm=là thai nghén , dương khí tiềm ẩn trong đất,mọi vật đang kỳ thụ thai.

      10. Quí=là đỏ ,mọi vật mang mầm thai đang ẩn tàng, bản thân thai mầm đang từng bước chuyển hoá.

      Ðịa chi :

      1. Tý=là mầm cây , là hạt giống cây cỏ đang hút nước trong đất để nẩy mầm , là hiện tương hạt trương nước để khởi đầu một mầm dương .

      2. Sửu=mầm nảy trong đất , trạng thái cong queo , đang chờ đội đất để mọc lên .

      3. Dần=phát triển,từ chỗ uốn gấp , mầm đón ánh sáng để đội đất vươn lên .

      4. Mão= rậm tốt , mặt trời từ phương đông toả sáng rực rỡ giúp muôn loài sinh trưởng tươi tốt

      5. Thìn =chấn động,dương khí tràn về , muôn vật thoả sức phát triển .

      6. Tỵ=vươn dậy và phát triển sung mãn , âm khí đã hết , thuần dương .

      7. Ngọ=muôn vật đã trưởng thành đầy đủ , dương khí đầy đặn , mùa gặt hái đã về .Âm khí đã bắt đầu hình thành .

      8. Mùi = là vị , quả đã chín và có vị ngọt .

      9. Thân = thân thể ,vật đã trưởng thành

      10. Dậu = co lại phát triển bên ngoài ngừng .

      11. Tuất = diệt cành khô lá úa héo cây cỏ úa tàn sinh khí không còn.

      12. Hợi = bóp chết , âm khí tràn ngập , mọi vật chìm trong chết chóc.

      Người ta dùng can chi để đặt tên cho năm, và cứ 60 năm lại quay trở lại 1 vòng tròn. Và một vòng tròn 60 năm như thía người ta gọi là một hội hoặc một hoa giáp. Năm 2005 là năm Ất Dậu, thía cũng có nghĩa là quay trở lại 40 năm về trước tức vào năm 1945, năm nổi tiếng trong lịch sử Vn ta mà sau này mọi người hay nói đến nạn đói năm Ất Dậu - cũng chính là năm này.



      <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.02.2005 01:35:11 bởi Tiêu Phong >
      #3
        Ct.Ly 13.02.2005 01:23:08 (permalink)
        #4
          Trương Củng 13.02.2005 12:57:41 (permalink)
          Cám ơn các bạn đã đọc bài của TC và cho Ý Kiến.


          Cái "hộp quẹt" nếu là Zippo hay Bic thì NH có nghe người ta gọi là "bật lửa, quẹt máy"...
          Mong là không nhớ sai !

          to NH
          Đúng là như vậy rồi NH, hình như từ hồi nào tới giờ TC vẫn không tìm ra được từ để thay thế cái từ máy lửa cổ lổ đó mà. Hoá ra lên thành phố sống đã lâu mà vẫn còn nặng chất nhà quê quá ;-). Bài viết ở trên chỉ trả lời được có một nữa đầu câu hỏi của NH thôi, nữa sau TC xin hẹn hôm khác. Sẽ đăng tiếp ở đây.



          1>Khẩn trương với lo âu và lo lắng
          - Khẩn trương: thiên về nghĩa vội vàng, cấp bách cần phải giải quyết nhanh một vấn đề nào đó, tranh thủ thời gian để giải quyết.
          - Lo lắng, lo âu: thể hiện sự bồn chồn, tư tưởng bất an, không an tâm về một việc gì đó.
          Như vậy Khẩn trương và lo âu không thể đồng nghĩa với nhau rồi, và không thể dùng thay cho nhau được. Thử so sánh hai câu họ đang khẩn trương và họ đang lo lắng thì câu thứ nhất thể hiện rằng nhóm người (họ) đang gâp rút cố gắng làm để hoàn thành một hành động nào đó, còn câu thứ 2 thì không hề thể hiện ý đó.
          Còn khi tra tử điển việt-việt thì tp thấy họ cắt nghĩa như sau:
          + Khẩn trương: 1. Cấp bách, cần giải quyết ngay: nhiệm vụ khẩn trương. 2. Nhanh gấp, tranh thủ mọi thời gian: làm khẩn trương, tác phong khẩn trương.
          + Lo lắng: Suy nghĩ nhiều đến việc gì: Thân ta ta phải lo âu, Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này (K).

          2> Đồng ý với Nhất trí
          hai từ này đồng nghĩa, và có thể sử dụng thay cho nhau. Xem trong từ điển thì được cắt nghĩa như sau:
          + Đồng ý: đgt. Có cùng ý kiến, bằng lòng, nhất trí với ý kiến đã nêu: đồng ý cộng tác
          + Nhất trí: Toàn thể giống nhau, có cùng một ý kiến : Nhận định nhất trí.


          Nghĩa thì đúng là như vậy đó, nhưng lịch sử và cách dùng của 2 từ này thì phong ba bão táp lắm.

          Với lo lắng thì vấn đề hãy còn nằm trong tình cảm, tâm tư; chỉ biểu hiện ở trên con mắt, vẻ mặt. Còn khẩn trương thì nó đã ra đến tác phong, hành động rồi. Lúc trước ở miền Nam người ta không dùng chữ khẩn trương như ở trong câu “ tình trạng khẩn trương”, chữ khẩn cấp thế vào chổ đó; còn những những câu“ tác phong khẩn trương”, “này, khẩn trương lên đi chứ!” thì hoàn toàn xa lạ đối với người miền Nam. Bây giờ, thành ngữ “ tình trạng khẩn trương” đã có vị trí lấn áp, từ “khẩn cấp” chắc đang sắp hàng chờ đến lượt đi vào viện bảo tàng rồi.

          Cũng có cùng một lịch sử tương tự như “khẩn trương” nhưng chữ nhất trí thì sôi động hơn, leo lên tới tột đỉnh quang vinh, để rồi trở thành quá quan liêu xa cách với người dân.

          Từ đồng ý hàm ý trong đó có sự điều đình thoả thuận, có cả nhượng bộ, giữa các bên tham dự. Thoả thuận thì có những điểm chấp nhận, có điểm không, muốn hợp tác với nhau thì phải nhượng bộ. Do đó đồng ý hàm chứa tinh thần bình đẳng giữa các bên tham dự.

          Vào thời chiến, từ nhất trí sinh ra đời và trở nên đắc dụng. Lúc đó anh là thủ trưởng, là đồng chí của tôi; chúng ta cần nhất trí chiến đấu để bảo vệ quê hương. Trong chiến tranh, trước mũi súng quân thù không có sự thoả hiệp, nhượng bộ; mỗi người dân là một chiến sĩ, chỉ có một hướng là nhất trí tiến lên, mọi hướng khác là phản bội tổ quốc. Sau khi hoà bình, trong thời đại mà cơ cấu kinh tế còn quản lý theo kiểu bao cấp, chính trị còn nặng nề với chế độ chuyên chế, từ nhất trí lại càng được tôn vinh hơn. Tuy nhiên, khi từ nhất trí leo lên đến đỉnh quang vinh của nó, chiếm một ưu thế độc tôn so với từ đồng ý; thì đây đó bắt đầu có sự phản ánh, những tác phẩm như “Đứng Trước Biển”, “Chuyện Thường Ngày Ở Huyện” của Nguyễn Mạnh Tuấn báo hiệu vị thế của từ nhất trí sắp lung lay. Hồi ấy ngay ở trong đảng người ta cũng bắt đầu nói: “ Tôi đồng ý với đồng chí, nhưng không thể nhất trí với đồng chí được”. Rồi sau đó ít năm, cơ cấu chính trị và kinh tế thay đổi. Khi cơ chế kinh tế thị trường phát sinh, anh và tôi là hai đối tác kinh tế, muốn làm ăn với nhau thì ngồi xuống thương lượng, trả treo để đi đến một sự thoả thuận, đồng ý với nhau. Tôi với anh đều có vị trí bình đẳng; chúng ta hợp tác để đôi bên cùng có lợi. Tôi với anh không việc gì phải nhất trí với nhau cả, không có lợi thì anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Từ đồng ý bấy giờ được trở về vị trí của nó. Còn từ nhất tuy vẫn sống nhưng rút vào nơi thâm cung thượng tầng của cơ cấu chính trị. Thỉnh thoảng, khi nào Đại Hội Đảng, hay Quốc Hội họp ta mới thấy những cơ quan phát ngôn của đảng và nhà nước nói: “Sau khi nghe báo cáo của ..... các Đại biểu QH / Uỷ Viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng..... đã nhất trí thông qua Quyết định/Nghị quyết.....” Báo chí trong nước càng ngày càng tránh dùng từ nhất trí, vì nó có vẻ chuyên chế, quan liêu, và bao cấp quá.



          Ðể hiểu rõ hơn trước hết ta tìm hiểu ý nghĩa của can chi . Nguồn gốc của can chi đều từ cây :

          Thiên can:

          1. Giáp=cây cỏ đội đất nẩy mầm,dương cốt âm bì.

          2. Ất =cây cỏ mới mọc yếu ớt, cong gập.

          3. Bính=là cán , như mặt trời sáng chói , mọi vật đều sáng rõ.

          4. Ðinh=cây cỏ trưởng thành mạnh mẽ , như người lớn đã trưởng thành "tráng đinh".

          5. Mậu=rậm rạp ,nghĩa là cây cỏ phát triển rậm rạp

          6. Kỷ=là ghi chép. Các con vật từ cong(Ất) nay đã thẳng dậy, nên ghi chép lại.

          7. Canh=thay đổi , lúc này là mùa thu , mùa hái lượm , thu cất,tất cả hẹn mùa sau.

          8. Tân=là mới muôn vật thay đổi , hoa quả mới thành . Tân cũng có thể là hợp chất của kim loại , là vị cay , quả chuyển vị , vật thành có vị.

          9. Nhâm=là thai nghén , dương khí tiềm ẩn trong đất,mọi vật đang kỳ thụ thai.

          10. Quí=là đỏ ,mọi vật mang mầm thai đang ẩn tàng, bản thân thai mầm đang từng bước chuyển hoá.

          Ðịa chi :

          1. Tý=là mầm cây , là hạt giống cây cỏ đang hút nước trong đất để nẩy mầm , là hiện tương hạt trương nước để khởi đầu một mầm dương .

          2. Sửu=mầm nảy trong đất , trạng thái cong queo , đang chờ đội đất để mọc lên .

          3. Dần=phát triển,từ chỗ uốn gấp , mầm đón ánh sáng để đội đất vươn lên .

          4. Mão= rậm tốt , mặt trời từ phương đông toả sáng rực rỡ giúp muôn loài sinh trưởng tươi tốt

          5. Thìn =chấn động,dương khí tràn về , muôn vật thoả sức phát triển .

          6. Tỵ=vươn dậy và phát triển sung mãn , âm khí đã hết , thuần dương .

          7. Ngọ=muôn vật đã trưởng thành đầy đủ , dương khí đầy đặn , mùa gặt hái đã về .Âm khí đã bắt đầu hình thành .

          8. Mùi = là vị , quả đã chín và có vị ngọt .

          9. Thân = thân thể ,vật đã trưởng thành

          10. Dậu = co lại phát triển bên ngoài ngừng .

          11. Tuất = diệt cành khô lá úa héo cây cỏ úa tàn sinh khí không còn.

          12. Hợi = bóp chết , âm khí tràn ngập , mọi vật chìm trong chết chóc.

          Người ta dùng can chi để đặt tên cho năm, và cứ 60 năm lại quay trở lại 1 vòng tròn. Và một vòng tròn 60 năm như thía người ta gọi là một hội hoặc một hoa giáp. Năm 2005 là năm Ất Dậu, thía cũng có nghĩa là quay trở lại 40 năm về trước tức vào năm 1945, năm nổi tiếng trong lịch sử Vn ta mà sau này mọi người hay nói đến nạn đói năm Ất Dậu - cũng chính là năm này.

          to Tiêu Phong:
          TC Cám ơn TP về đoạn sưu tầm này nghen, TC in ra giấy từ từ đọc và ngâm..... Về Ý nghĩa uyên nguyên của 12 con giáp và 10 thiên cang TC chỉ thấy được đây đó lác đác vài từ thôi, chưa bao giờ thu thập được trọn một bộ như vầy hết, hay lắm.



          Chà Tiêu Phong có phải là thầy bói hong, sao mà rành qua 12 con giáp vậy à.


          to ct.ly:

          Cái này không phải là bói toán đâu, khoa học đó, đúng hơn là môn thiên văn học của TQ. Vì hồi xưa mấy ông quan làm ở toà khâm thiên giám, nhiệm vụ chính là làm lịch, cũng kiêm luôn chức coi bói cho vua; nên ngôn ngữ bói toán và thiên văn trộn lẫn với nhau. Các ông quan khâm thiên ở TQ xưa có vài ông được sắp vào hàng những nhà toán học nổi tiếng trong lịch sử toán học thế giới.

          Thân ái
          Trương Củng
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.02.2005 18:43:02 bởi Trương Củng >
          #5
            NuHiepDeThuong 14.02.2005 03:35:33 (permalink)
            Xin chân thành cảm ơn TP và TC đã trả lời cặn kẽ 2 câu hỏi của NH.



            Gửi TP :

            Không ngờ TP võ công thâm hậu mà về thuật ngũ hành, âm dương cũng giỏi ghê.
            Cảm ơn TP nhen. TP có bài nào về bói toán mà hay thì xin ghé qua mục Khoa Học Huyền Bí đăng vào đấy cho bà con thưởng thức nhen. Xin cảm ơn trước.


            Gửi TC :


            to NH
            Đúng là như vậy rồi NH, hình như từ hồi nào tới giờ TC vẫn không tìm ra được từ để thay thế cái từ máy lửa cổ lổ đó mà. Hoá ra lên thành phố sống đã lâu mà vẫn còn nặng chất nhà quê quá ;-). Bài viết ở trên chỉ trả lời được có một nửa đầu câu hỏi của NH thôi, nửa sau TC xin hẹn hôm khác. Sẽ đăng tiếp ở đây.


            NH sẽ kiên nhẫn trông chờ để xem đoạn trả lời kế tiếp của TC. Xin cảm ơn TC trước nhen.

            Nói về cái "bật lửa, quẹt máy" NH mới nhớ tới những từ mà dịch sang tiếng Việt thì không thấy "ổn" chút nào. Nhất là những từ chuyên môn về kỹ thuật... Có những chữ được dịch sát nghĩa... nghe mà... "nổi da gà"... Chẳng hạn : "hardware, software"....
            Không biết các bạn có ai nghĩ ra từ chi hay hơn những từ hiện tại không?
            Nếu "kẹt" quá, không dịch được thì sao không phiên dịch... như chúng ta từng phiên dịch những từ : cà-phê (café), savon (xà-bông/phòng)....??

            Lại "théc méc" nữa rồi. Mong TC rảnh rang để giúp NH nhen.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.02.2005 03:51:06 bởi NuHiepDeThuong >
            #6
              Tiêu Phong 14.02.2005 20:46:04 (permalink)
              hehe! ban NHDT quá lời rối há! Tp đâu có bít gì về bói toán đâu, đã nói ở trên rài á, là tp sưu tầm thôi
              #7
                Trương Củng 26.02.2005 10:18:12 (permalink)
                Khi cô Kiều bị đẹp.


                ***** Thân Tặng NHDT *****




                Bài viết này không dựa theo một luận điểm ngữ pháp nào để thuyết phục người đọc nên theo một cách đặt câu nào đó, hoặc đưa ra một thiên kiến cho rằng viết như thế này là nên theo hoặc không nên theo. Bài viết chỉ nhằm phân tích về ý nghĩa và cách dùng của một từ và tính cách hợp pháp của nó về phương diện ngữ pháp, và cũng không có ý muốn cổ vũ cho cách dùng của từ ấy; nhưng chỉ xem sự hiện diện của nó là một sự đã rồi. Đúng như truyền thống phân tích ngữ pháp: luôn luôn là một phương tiện theo sau một hiện tượng ngôn ngữ đã có sẵn, và để phân tích một cách hiển ngôn hiện tượng đó.

                Có những cách hành văn được mến mộ trong văn chương, thậm chí vì những cách hành văn độc đáo đó mà tác giả của nó được ca tụng như những người tiên phong trong công cuộc cải tiến tiếng Việt. Thí dụ, cách sử dụng từ ngữ của Bùi Giáng và phép chấm câu của Mai Thảo, được coi là những phát kiến lớn trong tiếng Việt vào cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, những cách hành văn đó chưa bao giờ được chấp nhận trong khuôn khổ mô phạm của học đường, và theo chủ quan của người viết điều đó có lẽ sẽ không xảy ra trong một tương lai khả quan.

                Cũng như bao nhiêu người trước đây mỗi lần gặp khó khăn thường hay đưa cô Kiều ra để biện minh cho mình, người viết bài này cũng xin được bắt chước, mượn cô Kiều để “chống chế” cho một câu nói kỳ lạ đang được giới trẻ Việt Nam ưa thích trong khoảng thời gian gần đây. Cô Kiều có sống khôn thác thiêng xin cô đừng giận.

                Kiều của Nguyễn Du thì tài của nàng họa may có người thứ hai, chứ sắc của nàng thì thế gian chỉ có mình nàng là một. Tả một trang quốc sắc thiên hương, chỉ vài câu chấm phá cũng đủ để lòng người đọc vấn vương bao nhiêu nỗi mơ màng. Này nhé: đôi mày lá liễu vươn vươn cong xanh mướt, sóng mắt hồ thu nghiêng ngữa mộng anh hùng. Nhan sắc của nàng đã vượt trội hơn vẽ đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa đã dày công tô điểm. Một làn thu thuỷ, một nét xuân sơn đủ khiến cho hoa lá vô tình cũng phải ngẩn ngơ hờn dỗi. Người như thế tránh sao cho khỏi thế nhân ganh tỵ, tạo hoá ghét ghen.

                Đọc đến đây hẳn bạn sẽ sốt ruột: “ Này! biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Kiều đẹp thì đã có bao nhiêu là giấy mực đã bàn rồi ông tán thêm nữa làm chi cho phí lời. Cô Kiều đẹp là chuyện trời ban cho nàng, chớ nào có liên hệ chi đến cái chữ “bị” trên đề bài ông đã đưa ra đâu."

                Hãy gượm đã, người bạn quí của tôi, nếu cô Kiều sinh ra trong đời với một nhan sắc tuy cũng đẹp nhưng không có quá mực thường, khiến người ganh trời ghét, thì có lẽ nàng sẽ được hưởng một cuộc sống yên nhàn phúc phận như Thuý Vân. Đời nàng đâu phải luôn gặp những nỗi bất bình khảm kha(1), 15 năm lưu lạc chốn bụi hồng, thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Lắm khi quá uất ức muốn dùng một nhát dao đưa để trút nỗi hận lòng, hay phải mượn sóng nước Tiền Đường hòng rửa sạch nỗi nhục oan khiên. Tài sắc như vậy mà sao đời lại oan khổ truân chuyên như vậy. Tại trời chăng? Trời già sao khéo cay nghiệt gieo chi cái cảnh lá lay, khiến người hồng nhan phải mang điềm họa thuỷ.

                Thói thường hễ là phúc phận, là may mắn được trời ban cho thì dùng chữ được, còn kém phần, xui rủi thì dùng chữ bị. Tài sắc hơn đời mà chẳng đem đến may mắn phúc phận cho cuộc đời, chỉ thấy ròng những là rủi ro kém phúc tiếp nối nhau - như thể khi sinh ra trong đời đã bị ông trời chiếu cố bằng một ngôi sao xấu, thì sao ta không gọi cái đẹp kia là bị đẹp, cái tài kia là bị giỏi. Và trong trường hợp của Kiều như thế sao ta không thể gọi là cô Kiều bị đẹp hơn đời và bị giỏi hơn đời.

                Phần trên là để truy xét về ý nghĩa của từ bị trong câu: “cô kiều bị đẹp”. Nó thuộc về ngữ nghĩa học (semantics), nên văn phong có hơi lãng mạn phiêu bồng; mục đích là để giải rõ nghĩa của từ bị trong một ngữ cảnh diễn tả một tình huống quá éo le.

                Sau đây chúng ta hãy qua về với gốc tích từ nguyên (etymology) của chữ bị, và xem thử chữ này đã phát triển vị trí của mình trong tiếng Việt như thế nào.

                Theo Lê Xuân Mậu (2) trong “Chữ bị và con đường Việt hóa”, tiếng Việt xưa có chữ được để diễn tả nhận được chuyện tốt, may mắn, lạc quan; và ngược lại có chữ phải với nghĩa gặp chuyện xấu, rủi, bi quan. Theo Khang Hi Tự Điển chữ bị 被, với nghĩa xấu rủi, còn có cách phát âm là bãi 罷. Theo suy diễn của người viết, trước đây, lúc người Việt bị Bắc thuộc, và người Hoa phát âm chữ bị 被 là bãi, người Việt đem chữ ấy vào tiếng Việt và biến thành âm phải. Một cách suy diễn khác, chữ bị gồm hai phần ghép lại: chữ Y (áo) 衣 ở bên trái ghép với phần âm là 皮bì bên phải, chữ bì 皮 này là da thú (chữ da của tiếng Việt từ chữ này mà ra). Xin độc giả xem lại phần âm 皮 này, nằm bên phải của bị 被, phần âm 皮 này được dùng để kết cấu một số từ khác và đọc là pha: thí dụ ghép với thổ tạo thành 坡 pha: sườn núi, ghép với ngọc tạo thành 玻璃: pha lê - thuỷ tinh. Nên ngờ rằng xưa kia bị 被 có thể phát âm là pha, dẫn đến người Việt đọc trạnh chữ 被 từ âm pha thành âm phải.

                Cũng theo Lê Xuân Mậu thì chữ phải, có gốc Hán là bị, nhập vào tiếng Việt trước đời Đường. Từ lúc ấy trở về sau, chữ phải với ý nghĩa bị, chịu - một cách xui rủi, cộng với những nghĩa khác của chữ phải vốn có trong tiếng Việt khiến chữ phải bị “quá tải”. Phải phải mang rất nhiều nghĩa, ngoài nghĩa chịu bị như phải phạt, phải đòn còn có: phải là bên phải đối với bên trái; phải là đúng đối với quấy; phải là gặp, dịp, trúng, nhiễm như “Tiểu thư phải buổi mới về ninh gia (Kiều)”, phải bệnh, phải gió (trúng gió ---> lên cơn ---> cảm thán từ: bực mình), vớ phải, ăn phải, đĩa phải vôi; phải là nếu, nếu như trong phải dè, phải chi ngày ấy chúng mình... và phải là cần thiết, bắc buộc như việc gấp phải làm ngay, trát đòi phải trình diện. Quá nhiều nghĩa được gán cho phải; nên một lần nữa bị lại nhảy vào cứu, lần này nó giữ nguyên âm Hán bị. Và dần dần bị mở rộng tầm hoạt động trong tiếng Việt để thay thế chữ phải. Phải đòn ---> bị đòn, phải phạt ---> bị phạt, phải bệnh ---> bị bệnh.

                Xét về mặt ngữ pháp (grammar) bị khi dùng trong tiếng Việt có thể đứng chung với nhiều loại từ khác trong câu; ở đây không đề cập đến vị trí của chữ bị trong cụm danh từ như: bị can, bị cáo, số bị chia; hay cụm tính từ: bị động, bị trị; mà chỉ xét vị trí của bị trong câu hoàn chỉnh.

                Có ba cách dùng của bị trong câu tiếng Việt:

                1) Bị + trạng/tính từ:
                Thí dụ nói:
                Cơm (thì) khê ---> Cơm bị khê.
                Đoá hoa (thì) héo ---> Đoá hoa bị héo.
                Con dao (thì) sét ---> Con dao bị sét.
                Năm ngoái hắn thi rớt ---> Năm ngoái hắn (đi) thi bị rớt.

                2) Bị + tự (nội) động từ (intransitive)
                Em bé té ---> em bé bị té.
                Nhà cháy ---> nhà bị cháy.

                3) Bị + tha (ngoại) động từ (transitive)
                Bài kiểm tra bị (thầy) cho điểm xấu.
                Chiếc thuyền bị (gió) thổi giạt lên hoang đảo.
                Cây đinh bị (búa) đóng lút vào cột.

                Khảo sát ba trường hợp trên, chúng ta có thể thấy chữ bị trong câu “ Cô Kiều bị đẹp” rơi vào trường hợp một, bị + trạng/tính từ - ở đây là tính từ. Chữ bị ở vị trí này có cùng chức năng ngữ pháp như chữ thì. Loại câu này theo GS Cao Xuân Hạo (3) là câu có cấu trúc đề thuyết (Dũng Vũ, trong Tiếng Việt và ngôn ngữ học hiện đại - Sơ khảo về cú pháp, gọi là cấu trúc đề diễn)(4). Đề bao gồm “Nàng Kiều” và thuyết là “bị đẹp”. Câu “Cô Kiều bị đẹp” không phải là một câu thuộc về bị động cách (passive voice), một loại câu thường coi là bị ảnh hưởng cấu trúc ngữ pháp Tây Âu. “Cô Kiều bị đẹp” phải được hiểu là một câu rất thuần Việt, với cấu trúc đề thuyết. Mặc dầu câu văn trên được sinh sau đẻ muộn, chỉ mới thấy chừng mươi, hai mươi năm trở lại đây, nhưng cấu trúc câu lại mang một sắc thái rất cổ xưa.

                Tóm lại, vị trí và ý nghĩa của chữ bị trong câu “Cô Kiều bị đẹp” là hợp pháp và đặc thù. Hợp pháp vì vị trí ngữ pháp của nó đúng. Đặc thù vì chữ bị ở trong câu diễn tả được một tình cảnh éo le của số phận, một tình cảnh mà những cấu trúc câu khác phải trình bày dài dòng mới diễn tả được.

                Để kết thúc, người viết xin có lời thưa rằng: câu nói “Cô Kiều bị đẹp” tuy đặc sắc và hợp pháp về mặt ngữ pháp nhưng hãy còn quá mới, người nghe hãy còn quá bỡ ngỡ với nó. Hãy còn lâu lắm câu nói này mới được nhận vào văn viết, vào sách báo; nói chi đến khuôn khổ mô phạm của học đường.

                Trương Củng


                -----------------------------------
                1)Khảm kha: Chữ của Mộng Liên Đường Chủ Nhân trong bài tựa của Đoạn Trường Tân Thanh; kha là trục xe, đường đi gập ghềnh khuất khúc làm xe lắc lư chao đảo gọi là khảm kha, đời người lắm nỗi truân chuyên trắc trở cũng gọi là khảm kha.
                2) Xem “Chữ bị và con đường Việt hóa của Lê Xuân Mậu”, đăng trong diễn đàn Học Đường http://diendan.vnthuquan.net/tm.asp?m=39410.
                3) Xem “ Sách dạy tiếng Việt và tiếng Việt thật” và “Về khái niệm quy tắc ngữ pháp” của GS. Cao Xuân Hạo, đăng trong diễn đàn Học Đường http://diendan.vnthuquan.net/tm.asp?m=39410.
                4) Xem Vũ Dũng,Tiếng Việt và ngôn ngữ học hiện đại - Sơ khảo về cú pháp http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3244&rb=08&von=0,
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2005 14:35:57 bởi Trương Củng >
                #8
                  Viet duong nhan 26.02.2005 10:28:37 (permalink)

                  Khi cô Kiều bị đẹp.
                  ***** Thân Tặng NHDT *****


                  "Khi cô Kiều bị đẹp."
                  Sao 7_NN cảm thấy buồn chất ngất... Tội nghiệp Kiều thật !!!
                  [sm=mecry.gif][sm=mecry.gif][sm=mecry.gif][sm=mecry.gif][sm=mecry.gif]
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.02.2005 10:29:25 bởi Viet duong nhan >
                  #9
                    NuHiepDeThuong 26.02.2005 23:31:14 (permalink)
                    NH xin chân thành cảm ơn Trương Củng đã bỏ thời gian quý báu viết bài "Cô Kiều bị đẹp"để giải thích về ngữ nghĩa của từ "BỊ".

                    NH đọc bài của TC thì hiểu như vầy : (Nếu NH hiểu sai thì xin TC giúp đỡ NH lần nữa.)

                    - Từ "Được" => khi "được" sử dụng thì mang tính cách tốt đẹp.

                    - Từ "Bị" => khi "bị" sử dụng thì mang tính cách ngược lại.

                    Do đó, nếu đẹp mà phải truân chuyên, đau khổ triền miên thì là "Bị đẹp".

                    Còn như đẹp mà được hạnh phúc, mọi việc hài hòa thì dùng chữ "Được đẹp".

                    Như vậy, khi mình dùng 2 từ "được / bị" trong 1 câu, thì tùy vào cách sử dụng 1 trong 2 từ đó mà định nghĩa được ý mình muốn nói.

                    Tóm lại, nếu mình tùy tiện lạm dụng từ "Bị" thì vô tình làm sai đi ý nghĩa thực thụ của câu nói.

                    Không biết NH có hiểu đúng không nữa... Có gì thì TC giúp đỡ dùm NH nha.

                    Xin cảm ơn TC trước.

                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9