Hương Đồng Gió Nội
Trương Củng 12.02.2005 18:32:13 (permalink)
Hương Đồng Gió Nội

*****thân tặng NHDT*****



Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Nguyễn Bính
.



Xin lấy hai câu cuối trong bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính để mở đầu bài tản mạn về sự xê dịch ngôn từ qua thời gian. Lúc Nguyễn Bính viết bài thơ này chiếc áo tứ thân đã trở nên lỗi thời. Bây giờ, sau gần 70 năm, cả chiếc áo dài, chiếc áo bà ba cũng đã trải qua nhiều gian truân thăng trầm. Chiếc áo dài Lemur từ ngày ra đời đã phải chịu bao nhiêu lần cắt xén, cải biến. Thử lướt qua vài điểm chính, này nhé: cổ tròn cao, cổ vuông thấp, xếp ly bên ngực, cổ Trần Lệ Xuân, tay cắt raglan, eo xẻ cao, tà mini quá gối, tà trước xẻ đôi... và trong tương lai còn nhiều nữa.

Y phục mỗi lần cải biến là mỗi lần gây ồn ào, sôi nổi từ nghệ sĩ, tới giới trẻ, báo chí, học đường, lắm lúc vào tận cả giới chính trị. Nhưng có những cuộc cải biến âm thầm, kiên quyết, không ngưng nghỉ, đó là cuộc cải biến về ngôn ngữ. Người Việt không thể một sớm một chiều, nhận ra ngay một vài từ hay câu tiếng Việt mình đang sử dụng đang bị đào thải. Mãi đến một hôm, hắn nhận ra cái tiếng hắn học từ mẹ, từ bà ngoại khi đem ra dùng bị bạn bè trang lứa chế giễu và nhìn hắn như là một người nhà quê mới lạc vào thành phố.

Có những từ bây giờ dùng lại chắc chắn sẽ bị coi là nhà quê. Thí dụ, bạn cần mồi một điếu thuốc, quay sang hỏi người bên cạnh cũng đang hút thuốc, thì với câu nói: “ Xin phép anh cho tôi mượn cái máy lửa.” Sẽ bị coi là nhà quê, cổ lổ. Trong khi câu nói: “ Xin phép anh cho tôi mượn hộp quẹt”; sẽ được coi là lịch sự, hợp thời hơn. Cho dù cái bạn hỏi mượn không phải là hộp diêm, mà là một cái bật lửa ga hiệu Bic hoặc một cái bật lửa hiệu Zippo, những thứ khi sử dụng không phải quẹt như khi dùng que diêm. Số phận của từ máy lửa thế là hẩm hiu, bị xếp xó vào bảo tàng viện như chiếc áo tứ thân. Người ta khi dùng một từ ngữ nào đó thường không đặt vấn đề sai hay đúng, mà chỉ là do thói quen, hợp nhãn giống như sở thích về một kiểu áo, một món ăn. Một cách nói, một từ ngữ thường hình thành bất chấp mọi phân tích lô-gích của các nhà ngôn ngữ học.

Bây giờ chúng ta hãy quay qua một thí dụ khác. Có người bạn đặt vấn đề bây giờ người ta hay nói “trời có khả năng mưa” trong khi đúng ra nên nói “ trời có thể mưa”. Quả thật người ta thích nói một trong hai cách trên, trong khi tiếng Việt có những cách nói khác mà bây giờ bỗng trở nên ít dùng và bị cho là hơi nhà quê. Sẽ trở lại với những cách nói vào loại nhà quê này sau, còn bây giờ chúng ta hãy xét cách sử dụng của hai từ khả năng và có thể trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt từ khả năng được dùng để mô tả khả tính của một chủ thể. Khi mô tả khả tính của một chủ thể, từ này không thể đồng thời mang theo thời gian tính của hiện tượng, ở đây là hiện tượng mưa. Nói một cách khác, khả tính của một chủ thể, mô tả bằng chữ khả năng, là một khả tính phi thời gian, phi hiện tượng. Trong câu “Chiếc cầu có khả năng chịu đựng được xe tải 20 tấn” hay “Hắn có khả năng nhấc nổi một bao gạo 100 ký” không có việc một chiếc xe 20 tấn nào chạy qua, hay một bao gạo nào được nhấc lên ở bất cứ thời gian nào hết. Chủ thể khi được mô tả với một khả tính bằng chữ khả năng, khả tính trở nên trơ trơ, không có tính hiện tượng và tính thời gian. Như vậy câu “ trời có khả năng mưa” hoàn toàn bất hợp lý. Vì trong câu này, mưa, là một hiện tượng mà người nói có ý định dự đoán, không thể trở thành một thành phần bổ nghĩa cho một khả tính vốn phi hiện tượng. Câu nói chỉ được dùng trừ khi người nói định diễn tả một ý khác: làm ra mưa là khả tính của ông trời; ông trời có khả năng làm mưa, làm gió, làm bảo...

Chữ khả năng do thiếu thời gian tính, không thể diễn tả được sự diễn biến của hiện tượng, nên người nói có thể thêm vào một trạng ngữ chỉ thời gian, để xác định một cách hiển thị thời gian tính của hiện tượng muốn đề cập. Mục đích muốn biến chữ khả năng thành một từ có thể diễn tả được diễn biến của một hiện tượng, thay vì chỉ mô tả khả tính mà thôi. Thí dụ: “ Trời có khả năng mưa chiều nay”. Đây là một sự cố gắng khôn khéo thông minh, tuy nhiên chưa thuyết phục được những người sử dụng tiếng Việt khó tính. Ở đây xin mở một dấu ngoặc nhỏ, trong một vài trường hợp câu “trời có khả năng mưa” mang ý vị trào phúng của ngưòi nói, tuy vậy ý nghĩa đã trình bày ở trên vẫn không đổi.

Đối với từ có thể, việc sử dụng có phần phức tạp hơn, chỉ xin đưa ra một số cách sử dụng tiêu biểu. Do tính chất biến chuyển của ngôn ngữ, cách dùng một từ ngữ có thể biến đổi theo dòng lịch sử, theo từng miền; nên những ý kiến sau đây không phải là những nhận định có tính cách kết luận chung cuộc mà là những nhận xét có tính gợi ý.

Có ba cách sử dụng cho chữ có thể như sau.

Cách thứ nhất, từ có thể được sử dụng giống như chữ khả năng, chỉ mô tả khả tính của chủ thể mà thôi, và do đó thiếu thời gian tính, không diễn tả được hiện tượng. Thí dụ “Hắn có thể chạy được 100m trong vòng 10 giây.” Tương tự như với chữ khả năng, chữ có thể trong câu trên chỉ mô tả sức chạy, khả tính, của chủ thể “hắn”; còn việc chạy xảy ra ở thời gian nào không đưọc đề cập đến, cũng như không nhắc đến có việc chạy hay không.

Khi nói “ trời có thể mưa” chơi vơi một mình như vậy câu nói sẽ bất ổn, không diễn tả được ý định dự đoán hiện tượng mưa. Để giải quyết vấn đề, cần có thêm một phần phụ trong câu để biến ý nghĩa chữ có thể từ vai trò mô tả khả tính ù lì bất động của khả tính sang vai trò diễn tả sinh động của một hiện tượng. Phần thêm vào có thể là một trạng ngữ chỉ thời gian để xác định một cách hiển thị thời gian của hiện tưọng. Câu nói sẽ là: “ Trời có thể mưa chiều nay”. Hoặc thêm vào từ sẽ để thời gian tính được biểu hiện một cách mặc định, “Trời có thể sẽ mưa”. Vậy đây là cách dùng thứ hai của từ có thể. Ta có thể thắc mắc tại sao với cùng một cấu trúc, câu “ Trời có thể mưa chiều nay” thì chấp nhận được còn câu “Trời có khả năng mưa chiều nay” thì không? Vấn đề hãy còn mở ngõ. Hoặc trong tương lai từ khả năng sẽ đạt sự linh động giống như từ có thể, để hai từ này có thể dùng thay đổi lẫn lộn với nhau chăng? Bây giờ chúng ta có thể dùng từ khả năng theo cách đó hay chưa? Cái đó còn tuỳ thuộc vào các bạn những người đang sử dụng tiếng Việt.

Nói thêm về cách biểu hiện thời gian tính mặc định dùng chung với từ có thể. Đó là cách dùng đã hay sẽ chung với nó. Thí dụ: “ Có thể trời đã/sẽ mưa”, “ Có thể con nước lớn đã xoi lở bờ đê”. Từ đã giúp cho từ có thể diễn tả được diễn biến của hiện tượng. Tuy nhiên khi đảo lộn vị trí chữ có thể lên đầu câu, nó trở thành từ bổ nghĩa cho toàn câu chớ không phụ thuộc vào từ mưa nữa. Từ sẽ và đã bây giờ được dùng thường xuyên, tuy hãy còn phảng phất văn phong ngoại quốc, như câu “Trời có thể sẽ mưa” đã dẫn ở trên.

Một cách dùng thứ ba của từ có thể, tuy không liên hệ gì đến câu “trời có thể mưa” cũng xin đề cập ở đây cho trọn vẹn. Đây là một cách dùng rất mới của từ có thể, khi tiếng Việt va chạm cọ xát nhiều với tiếng Anh. Từ có thể ở đây dùng trong lời đề nghị, cầu kiến. Thí du: “ Anh có thể đỡ hộ tôi một đầu được không, cái bàn này hơi nặng?”, “Tôi có thể làm được việc đó, để tôi làm cho”. “Tôi có thể giúp được gì cho bạn đây?” Những câu này có thể nói một cách khác, dễ nghe hơn, “ Việt” hơn, nhưng người ta lại thích nói như vậy. Nó có vẻ lịch sự lắm chăng, lịch sự như người Ăng-Lê!?

Trở lại với câu dự đoán về hiện tượng mưa, nói chung chữ có thể khi dùng để dự đoán một hiện tượng cần phải đi chung với một trạng ngữ thời gian, hoặc trong câu nói phải có một thành phần dùng để ám chỉ mặc định về thời gian. Tuy vậy tiếng Việt vẫn còn có những cách khác tránh được sự lúng túng về thời gian khi người nói muốn diễn tả ý định dự đoán một hiện tượng.

Hãy tưởng hình dung một cảnh trưa ở đồng quê, bạn nghỉ hè, về thăm quê ngoại. Trời trưa nắng. Lúc nãy bạn vừa giặt xong bộ đồ vía, đặng tối nay bận đi xem hát. Bạn đem treo trên sào, phơi nắng bên hiên nhà, rồi đu đưa trên võng đọc sách. Vài cơn gió mát chợt thổi qua, nắng tắt. Bà ngoại bước ra sân, ngước nhìn chiều trời rồi nói: “Chắc trời sắp mưa rồi đó con, ra lấy đồ vô để ướt.” Chữ sắp trong câu “trời sắp mưa” diễn tả chính xác tính sinh động cần thiết cho sự dự đoán hiện tượng mưa, đồng thời cũng ám thị được một thời gian mặc định mà đôi bên, người nói và người nghe, cùng hội ý.

Một câu nói khác có vẻ quê mùa hơn câu trên: “ Trời muốn mưa rồi”. Chữ muốn ở đây thật hay, nhưng không hiểu sao giới trẻ bây giờ không còn thích dùng nữa. Có lẽ với tư duy hiện đại, thời nay trời không còn được nhân cách hoá thành ông trời nữa, nên trời không thể muốn được, chắc chỉ còn có người mới muốn thôi! Một vài câu nói khác cũng hơi nhà quê với chữ muốn: “Cây muốn rụng lá”, “Buồng chuối muốn chín”, “Mệt muốn bở hơi”.

Hồi còn học trung học ngưòi viết bài này dịch một câu tiếng Anh ra tiếng Việt như thế này: “ Cậu Tom còn nhỏ tuổi quá để lái xe”. Kết quả là bị cô giáo gạch một đường mực đỏ, phê một bên: “dịch không ra tiếng Việt”. Sau này khi qua đến Mỹ, người viết thường nghe người Việt xa xứ nói những câu như “Nó còn nhỏ tuổi quá để vô quán bar”. Gần đây cả những tờ báo lớn ở Việt Nam có đăng trên mạng đôi khi cũng viết những câu đại loại như “ Hãy còn quá sớm để khẳng định về.....”

Vậy đấy, âm thầm và lặng lẽ từng chữ, từng câu xưa củ dần dần bị đào thải và được thay bằng những chữ, những câu mới, lạ lẫm hơn. Thuở xưa, vào thời của Xuân Tóc Đỏ(1) người ta bắt đầu Âu hoá tiếng Việt. Khoảng 30 năm sau, vào thời Kháng chiến II (2), người ta lại hiện đại hóa nó. Và bây giờ giới trẻ đang cố gắng cải cách tiếng Việt, đưa tiếng Việt lên ngang tầm “tư duy liên mạng” để ganh đua với cuộc cách mạng “thông tin toàn cầu”.

Nguyễn Bính ngày xưa khổ vì người yêu bỏ áo tứ thân, mặc áo cài khuy bấm. Người tình nhỏ của tôi bây giờ không ưa mặc áo dài, nàng chỉ thích mặc áo thun, quần jean. Chiếc áo thun thì thun ngắn quá hở cả rốn. Còn chiếc quần jean nàng mặc bị xẻ rách thành những đường ngang vắt vẻo giống như bộ da của con ngựa vằn. Những cái vằn trên bộ da ngựa thì màu đen, còn những đường xẻ trên quần jean của nàng thì lộ ra một lớp da trắng nõn. Nàng cười nói liếng thoắng hồn nhiên, tiếng Việt của nàng đầy đặc những từ ngữ trên báo chí truyền thông đương đại (3), trong đó có những từ ngữ mà tôi vô phương tìm ra trong từ điển. Tiếng Việt đã có một thời bắt chước theo Tây, một thời bắt chước theo Anh Mỹ; không biết hương đồng gió nội bây giờ bay về đâu.

(1) Nhân vật trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng.
(2) Chiến tranh Việt Mỹ, Kháng chiến I là Chiến tranh Việt Pháp. Từ của các cụ già miền Trung hay dùng sau 1975.
(3) Từ đương đại này ngày xưa theo Từ Điển Hán Việt của Thiều Chửu có nghĩa là đương thời, một thời gian nào đó trong lịch sử đang được đề cập đến. Bây giờ, từ này có nghĩa là hiện nay, ngày nay, (từ dùng trong bài có nghĩa này). Xem ý kiến của Bùi Việt Bắc trên talawas.org về từ này (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3581&rb=07&von=0)

Tết Ất Dậu
Trương Củng

<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.02.2005 12:18:06 bởi Trương Củng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9