MỘT NHÀNH CÂY TRONG MÙA LÁ RỤNG
Trần Huy Thuận 18.12.2008 06:24:13 (permalink)
MỘT NHÀNH CÂY
TRONG MÙA LÁ RỤNG

 
(Một nén tâm nhang cho người quá cố)
 
 
I
Tôi không thể không viết về cái chương đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ngạn ngữ phương Tây  có câu: “Người ta phải lấy lửa từ quá khứ, chứ không phải tro tàn”. Tôi muốn làm theo câu ngạn  ngữ đó.
            … Từ lúc nhận kết quả sinh thiết về bệnh của anh, tôi đã lấy hết can đảm, nhưng không tài nào điều khiển nổi đôi chân. Người tôi cơ hồ rời rã, lơ lửng ở đâu. Làm sao tôi có thể đi trên đường phố sài Gòn với một tâm trạng như vậy! Đường phố vào giờ tan tầm, người xe như mắc cửi. Tâm trạng bối rối,  tuyệt vọng, tôi không sao dắt nổi chiếc xe. Cố gắng lắm tôi mới nhích được nó đến trước cửa trường Y. Tôi ngồi xuống lặng lẽ nhìn những kẻ bụi đời ngồi đây đó và cái cảm giác sợ hãi họ thường ngày mỗi khi qua đây, lúc này biến đâu mất. Trong đầu tôi chỉ còn một chuyện: Tôi phải nói với anh thế nào? Nên cho anh biết sự thật, hay nên giấu biệt, để anh được thanh thản những ngày cuối cùng? … Tôi không quyết  định được mình nên ra sao và cứ ngồi đó lo lắng sợ hãi. Cho đến khi bóng tối đã phủ xuống các lùm cây  và những chiếc đèn thủy ngân ở đường Hùng Vương đã bật sáng, nhắc nhở tôi không còn có thể ngồi thêm được nữa, tôi mới lên xe, chậm chạp về nhà. Sài Gòn về đêm rực rỡ ánh đèn, vậy mà lòng tôi thảm  đạm, u tối. Phải đương đầu với thực tế khốc liệt này thôi, chứ biết làm sao đây! Tôi dắt xe thật êm, với hy vọng có thể kéo dài giây phút gặp anh. Nhưng cửa phòng xuống ga ra bật mở. Anh đã đứng đó chờ  tôi không biết tự bao giờ. Một phản xạ tự nhiên mỗi khi gặp chuyện buồn đau, tôi lao đến định ôm chầm lấy anh. Nhưng chợt nhớ ra cảnh ngộ của mình, tôi đứng sững lại bối rối:
            - Xe hỏng, em phải chờ sửa lâu quá.
            Anh khóa giúp tôi chiếc xe và nôn nóng hỏi dồn:
            - Kết quả ra sao, em đưa anh coi nào?
            Tôi cố lấy giọng thản nhiên để trấn an anh và để lấy lại bình tĩnh cho chính mình:
-   Chưa có kết quả anh ạ. Họ nói phải chờ bác sỹ “đọc” phiếu sinh khiết, vì ông ấy hôm nay
đi vắng.
            Anh cầm tay tôi, nửa bực bội, nửa nghi ngờ:
-   Sao kỳ cục vậy? Chỉ có một mình ông ta “đọc” được thôi sao? Bệnh chết người mà làm ăn  tắc trách quá vậy. Hay là em gạt anh? Em sợ anh qụy ngã ư? Không đâu. Anh là người  phát hiện ra bệnh của mình. Anh đủ nghị lực để chịu đựng số phận.

            Vâng, chắc tôi không thể nói dối. Làm sao dối lừa được một người đã tự đến bệnh viện nói rằng: “Tôi đã đọc sách. Tôi thấy tôi có nhiều triệu chứng mắc bệnh hiểm nghèo…”. Lúc ấy là lúc  anh đang khỏe mạnh, sung sức. Nhưng kết quả lần khám đầu lại không chính xác. Chúng tôi đã ăn  mừng vì tưởng mình thoát nạn. Nhưng rồi một lần đến chơi, ngắm nhìn sắc diện của anh, một chị bác sỹ bạn tôi, mời anh đến trung tâm tai mũi họng Thành phố xét nghiệm lại. Và kết quả là đây:  ung thư xoang lệ trái! Khi đưa kết quả sinh khiết, chị còn buồn rầu bảo tôi:
-                     Bệnh rất khó chữa. Giá phát hiện sớm cũng có thể giữ được năm bầy năm…

            Tôi bàng hoàng, đau đớn. Vậy là anh đã phát hiện bệnh của mình rất sớm. Vậy mà do nhiều  lẽ, người ta đã không nói được kết quả chính xác. Có thể là vì bệnh nhân quá nhiều, cơ sở chưa bệnh nhỏ bé, thiếu phương tiện và máy móc đã cũ?! Có thể vì người ta còn quá khó khăn về đời sống, nên không đủ sức quan tâm đến sinh mệnh của đồng loại! Thật không may! Còn biết oán  trách ai trong lúc này. Không, tôi không muốn giấu anh. Một người có nghị lực và hiểu biết như  anh, giấu giếm chỉ thêm đau đớn cho anh và cho cả mẹ con tôi nữa mà thôi. Âu cũng là số mình!  Hình ảnh cái bệnh viện ung biếu vào mùa mưa vừa vắng lạnh, vừa nghèo nàn cứ chập chờn trong những suy tưởng đau đớn của tôi. Và tôi chỉ còn biết khóc khi đưa kết quả sinh khiết cho anh. Anh lặng lẽ đọc. Còn tôi, tôi không hiểu mình ra sao nữa. Chẳng nhẽ “bản án tử hình” đã rơi đúng  gia đình tôi sao! … Mới tuần trước, khi đi đưa đám tang một anh bạn làm thơ, anh còn ngậm ngùi nói với tôi: “Tội nghiệp vợ con anh ấy. Sao một người hiền và tốt, có tài năng, lại phải chết quá trẻ như vậy, trong cái thời đại văn minh này?”. Ấy thế mà bây giờ, lời nói đó lại giành cho chính vợ con anh.

            Mâm cơm dọn ra, nhưng không ai đụng đũa. Không ai dám bắt đầu câu chuyện. Nỗi kinh hoàng làm người ta không hiểu mình sẽ ra sao nếu nói nó thành lời. Nhưng rồi, không chịu đựng nổi cái không khí im lặng nặng nề ấy, tôi đành lên tiếng:
-                     Em đã hỏi bác sỹ. Bệnh của mình mới thời kì đầu, có thể chạy chữa. Miễn là phải tin tưởng
 và bình tĩnh.
            Như không nghe thấy tiếng tôi, anh lẩm bẩm điều gì rồi đột ngột nói:
-                     Em phải đi xông và uống thuốc đều cho khỏi dứt cái bệnh viêm xoang đi. Phải gọi thợ mở
thêm cửa sổ phòng ngủ của em, kẻo nóng quá, rất hại sức khỏe. Cái phòng người ta thiết  kế có máy điều hòa nhiệt độ. Bỏ máy thì phải thiết kế lại chứ. Còn Hà, con nên nhận một công việc gì đi, đừng kén chọn nữa. Con ra trường đã ba năm rồi còn gì.
            Anh cứ thế, bàn đủ mọi chuyện. Cứ như là ngày mai thôi, anh không còn có thể bàn gì được  nữa. Tôi sợ hãi nhìn anh:
-                   Trời ơi, anh nói gì mà lung tung cả lên vậy. Phải bàn xem nên bắt đầu chạy chữa ra sao chứ. Đừng làm em sợ. Anh không thể chết. Anh đang còn sung sức mà. Còn  bao nhiêu dự định chưa làm. Và em, em chưa hề chuẩn bị sẽ sống ra sao nếu còn lại mình em… Tôi lỡ lời nói nặng với anh.


           
II
 
            Thế rồi một buổi chiều mưa gió, tôi đi làm về, vừa mở được cái cửa thì Hà cũng ở đâu đó chạy ùa vào theo. Và khác với mọi ngày (thường nếu gặp mặt tôi một mình, Hà chỉ cúi chào rất nhỏ:  “Thưa cô con đã về”). Bưa ấy Hà la lớn:
            - Mẹ ơi, nấu cơm mau. Tối nay mẹ với con đi xem phim.
Và cháu ôm chầm lấy tôi. Bối rối, tôi gỡ tay Hà ra và hỏi:
            - Mưa gió thế này cô cháu mình đi sao nổi. Mà vé ở đâu Hà có vậy?       
            Hà mở cặp lục tìm và xòe hai chiếc  vé ra trước mặt tôi, nhí nhảnh:
-                     Cô giáo cho con và dặn đi xem cùng với mẹ. Phim hay cực mẹ ạ. Thôi con đi xách nước
mẹ nhé.
            Thấy tôi lưỡng lự, Hà quay lại ôm tôi, ép mặt vào ngực tôi… Tôi không giấu nổi xúc động của mình, òa khóc trong vòng tay bé nhỏ của đứa con riêng, mà tuy từ lâu tôi đã rất yêu thương, nhưng thực sự chưa hiểu được tâm trạng của cháu. Tâm trạng bàng hoàng của một đứa trẻ sớm phải chứng kiến cảnh cha mẹ lìa nhau, gia đình tan vỡ!
            Tối đó, chúng tôi đi xem phim với nhau một cách vui vẻ, như chưa hề có gì vướng bận với nhau trong chuỗi ngày qua. Khi chúng tôi về, anh đón chúng tôi bằng một tiệc nhỏ, gồm một đĩa bánh và mấy cốc kem. Khi Hà đã đi ngủ, nét mặt rạng rỡ, anh nói với tôi:
-                     Em biết không. Thật là tuyệt vời. Anh sung sướng quá khi em và Hà thực sự hiểu và thương
yêu nhau.
            Mãi sau, qua cô giáo của Hà, tôi mới biết chính anh đã góp phần rất lớn vào việc “bình thường hóa” quan hệ giữa tôi và Hà. Cô giáo kể lại cho tôi nghe chuyện anh đến gặp cô, nhờ cô tác động trong việc khuyên can giáo dục cháu như thế nào. Rồi anh tâm sự với cô về nỗi băn khoăn của anh  khi thấy cháu chưa chịu thừa nhận vai trò của tôi trong cái gia đình này…
            - Em ngạc nhiên khi nghe anh ấy tâm sự như vậy, bởi thường ngày em thấy cháu Hà tỏ ra rất biết ơn sự săn sóc của chị đối với cháu. Cháu kể, từ ngày có chị, bữa cơm của bố con cháu có  tính chất gia đình chứ không như hồi trước, bố con tự nấu lấy, cứ như cơm tập thể! Cháu cũng kể, mấy lần ba bị bệnh, có “cô Vân” cháu cũng đỡ lo nhiều lắm… Em nghĩ, vậy là có một cái gì đó còn  khúc mắc, khiên tình cảm cháu Hà với chị, không thể bộc lộ ra được. Thế rồi, ngay ngày hôm sau gặp anh, em mua hai vé xem phim, đưa cho cháu:
-                     Hà ơi, cô có hai vé xem phim tối nay. Phim cực hay đấy, vậy mà chú mắc bận không đi được. Hà mời mẹ Vân đi xem với cháu nhé.
            Hà đứng sững nhìn em, rồi lo lắng:
-                     Sợ cô Vân không chịu đi quá. Cô ấy chỉ đi xem phim với ba con thôi!
-                     Thế Hà vẫn gọi cô Vân bằng cô à, sao kỳ vậy?
Hà bẽn lẽn:
-                     Thì em cũng không biết sao nữa!..
Em ôm Hà vào lòng rồi ôn tồn bảo nó:
-                   Cô nói Hà nghe này. Thế Hà có công nhận cô Vân chăm sóc nuôi nấng Hà còn hơn cả mẹ đẻ của Hà không. Hôm Hà bị bệnh ấy, có phải chính cô Vân, ngày đi làm, tối vào  viện trông nom con, đúng không? Hà lại vẫn gọi cô Vân bằng “cô”, hẳn là cô Vân buồn lắm đấy! Hà nghe em nói thế thì im lặng, rồi chào cô giáo, cắp cặp lững thững ra về…


 
III
 
Buổi sáng ngày ba mươi tháng một năm một ngàn chín trăm tám chín – tức ngày hai mươi ba tháng chạp năm Kỷ Tị, tôi đang định đến cơ quan giải quyết một vài công việc. Nhưng như có linh tính chẳng lành, đã ra vào mấy lượt mà tôi vẫn không dắt được xe ra cửa. Thấy vậy, anh mỉm cười, cầm bút viết cho tôi: “Hôm nay anh cảm thấy bình thường, có vẻ dễ chịu nữa. Chỉ có cái bụng sao ậm ạch quá. Em chịu khó lại cơ quan mượn bơm rửa ruột cho anh. Nói với mấy đứa nhỏ ở cơ quan, khi nào khỏi bệnh, anh sẽ lại đệm đàn cho chúng nó hát nghe em. Cứ yên tâm mà đi đi, có Linh ở nhà với anh rồi”. Ôi chao! Làm sao anh lại có thể nghĩ đến chuyện đệm đàn trong lúc này! Hôm qua, bác sỹ  điều trị của anh, nói với tôi: “Cố gắng lắm, anh ấy cũng chỉ có thể qua được Tết”. Ôi, sự chờ  đợi khủng khiếp làm sao. Những cái chết đột ngột có sự bất ngờ để chỉ đau đớn một lần. Còn tôi, tôi cứ phải nhẩm tính và góp nhặt sự đau đớn mỗi ngày! Có lẽ trời xui đất khiến và có lẽ bởi cả anh nữa, anh không muốn tôi chứng kiến cái giây phút đau lòng ấy, giây phút anh quặn đau vĩnh viễn từ biệt cõi đời này, nên anh cứ giục tôi đi… Vâng, cuối cùng thì tôi cũng dắt xe đi. Nhưng tôi chỉ vừa mới có mặt ở cơ quan độ mười lăm phút, đang làm việc với ông giám đốc về mức thưởng và trợ cấp Tết, thì chuông điện thoại réo vang. Ông giám đốc cầm ống nghe: “A lô! Sao? Con nói sao? Ba mệt lắm hả? Muốn gặp mẹ hả? Được rồi, cứ bình  tĩnh, mẹ con sẽ về ngay!”. Chỉ kịp nghe thấy thế, tôi lao xuống lấy xe về nhà. Anh đang nằm trên giường, đôi mắt hé mở, nhưng đôi chân đã lạnh giá. Cháu Hà vừa khóc tức tưởi, vừa kể:
-                     Ba đang coi ti-vi với con. Ba bám tay vào ghế. Con bình luận về một đôi trượt băng nổi tiếng mà không thấy ba viết giấy trả lời con như mọi ngày. Con quay lại thì đã thấy hai mắt ba đờ ra. Sợ quá, con mới dìu ba xuống giường, rồi gọi điện thoại cho mẹ. Ôi, sao ba có thể bỏ mẹ con mình một cách thản nhiên như vậy! Sáng nay ba còn vui vẻ  mà, ba có nói gì đâu! Tiếng kêu thảm thiết của Hà làm tôi bối rối. Mọi người đều cho là anh đã chết. Riêng tôi, tôi  không tin. Tôi đổ hết cả lọ dầu vào đôi chân giá lạnh của anh và dùng đôi tay run rẩy của mình, hy vọng làm cho nó ấm lại… Người ta phải gạt tôi ra, để có thể đưa anh đến bệnh viện. Phòng cấp cứu bệnh viện sau khi khám nghiệm, đã trả lời, anh đã mất cách đó một giờ! Thế là hết! Tôi lau mặt, thay băng sạch cho anh và vuốt đôi mắt vẫn hé mở nhìn tôi đăm đắm. Tôi phải quỳ xuống hứa với anh: “Anh hãy thanh thản yên nghỉ. Em sẽ làm mọi việc theo  ý muốn của anh…”Và lạ thay, thân hình anh như mềm mại hẳn, đôi mắt anh từ từ khép lại. Môi anh hé mở như mỉm cười. Nét mặt thanh thản hiếm thấy ở một người chết vì bệnh ung thư.

            “… Hỏa táng anh được hai ngày. Làm theo di chúc của anh, tôi ôm bình xương cốt đến nhà thờ dòng họ, phần còn lại, tôi cùng các con thuê thuyền ra rải xuống dòng sông Sài Gòn – những chứng tích cuối cùng một tình yêu…”. Bàn tay tôi như một phản xạ: cầm và rắc. Những thứ rơi xuống dòng sông không phải  hoa  trong ngày lễ hội, mà là tro, tro tàn thân thể anh! Nước mắt cạn khô, tôi nhìn xuống dòng  sông, trống rỗng, vô hồn…Khi chiếc hộp đựng tro anh đã nhẹ tênh, tuột khỏi tay tôi, lạnh lùng trôi theo dòng nước vô tình, tôi chợt bừng tỉnh, muốn lao theo, muốn tan chảy ra để được trôi theo anh. Mắt tôi mờ đi, chân tay run rẩy và chợt văng vẳng giọng nói anh, như  từ đâu đó xa xăm:
-                     Hãy can đảm lên em… Trong bất kì hoàn cảnh nào, em cũng không được gục ngã…

…Em tin điều này không
Nước mắt rơi buồn tủi
Sẽ thành bão thành giông
Buốt lòng anh nơi ấy…


Đó chính là những lời anh đã viết ra giấy cho em trong tuần qua…
            Con đường ven sông Sài Gòn chiều hôm nay vắng lặng và buồn đau. Tôi lang thang  một mình trên đó, trên con đường quen thuộc mà khi anh còn sống, chúng tôi vẫn thường thả bộ trong những buổi hoàng hôn. Có nhiều lần, đi biểu diễn về, anh và tôi đã ôm đàn ngồi  hát cho đến khuya, những bài hát tiền chiến mà chúng tôi yêu thích. Vậy mà giờ đây, chỉ còn bước chân tôi cô độc. Chợt,  tiếng ngâm thơ của ai đó, rất khẽ:

“Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!
Nhắc suốt dọc đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi
Xin đừng đụng vào cây, mùa lá rụng…”[1]
Vâng! Tôi là một nhành cây đang trong mùa lá rụng!
 

PHƯƠNG THỦY[2](Nam Định)

 
Vĩ thanh của người chép chuyện:
 
Sau cái chết của Người tình muộn màng, Phương Thủy như kẻ bơ vơ giữa đất khách quê người, như con thuyền không lái trôi theo dòng vô định. Đó là lý do để  cô quyết định trở về Nam Định quê hương. Tại đây, Phương Thủy gặp lại rất nhiều người thân, trong đó có các bạn đồng môn trường Trung học Nguyễn Khuyến, trường cấp ba Liên khu ba,… Phương Thủy lại làm thơ, viết văn, tham gia hội khuyến học, hội cựu giáo chức, hội Đồng môn,… Có thể nói, cô đã sống những ngày rất đẹp trong tình cảm quê hương, gia đình và bè bạn – Những ngày cuối cùng của một đời đầy nỗi truân chuyên.
 Tôi viết tặng Phương Thủy:
 
“Biển đời dù đục dù trong
Trước sau nguyện chỉ làm dòng “nước thơm”
Một dòng mà chẳng cô đơn
Câu thơ bè bạn, tiếng đàn tâm giao”

 
Nhưng cuộc đời đã không cho Phương Thủy nhiều hơn được nữa, mấy năm sau cô mắc chính căn bệnh của chồng và đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất quê cha đất tổ. Một nhành cây đã rụng theo chiếc lá cuối cùng của chính  nó. Cả nhành cây, cả chiếc lá, đều cô đơn như cuộc đời Vân.

Ngày đưa tang, Hà, đứa con riêng của chồng, đứa con duy nhất của Vân, chắc là được phép của mẹ đẻ, đã bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra chịu tang “mẹ”! Thi hài Vân cũng được hỏa táng theo di chúc của cô. Trên tấm  bia mộ tại nghĩa trang Cánh Phượng Nam Định, người ta khắc lên đôi câu  đối buồn, buồn như cuộc đời của cô:
“Một cõi đi về” thăm thẳm hàng cây Lựu phố
Trăm năm “Tự khúc” nghẹn ngào ngọn gió Hoa Nha
“Một cõi đi về” và”Tự khúc” là hai trong các tác phẩm của “Vân” – Phương Thủy. Lựu phố, Hoa Nha là tên làng, nơi Vân đã được sinh ra trên cõi đời này.
Vậy đó, vậy là em đã thành NGƯỜI THIÊN CỔ. Một cuộc đời đầy nỗi đa  đoan, đã kết thúc; một kết thúc nói rằng có hậu cũng được mà  không có hậu, cũng được. Có điều, ai dám chắc rằng như thế nào là có hậu, như thế nào là không? Và cái kết thúc nào hạnh phúc hơn cái kết thúc nào, thì cho đến thời buổi này, thời buổi mà khoa học kỹ thuật đã tiến rất xa về phía trước, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào có thể khẳng định được. Âm dương hẳn phải là cõi đi về mãi mãi, không chỉ của em mà của tất cả; cả anh, cả tôi, cả những người khác. Thôi đừng nghẹn ngào, cho dù đó chỉ là tự khúc!..

 (Theo vietvanmoi.com)


Chú thích:


[1] “Mùa lá rụng – thơ  Ônga Bécgôn – bản dich Bằng Việt
[2]  Trần Huy Thuận  chép và soạn lại từ  tập truyện ký “MỘT CÕI DI VỀ” của Phương Thủy, để tưởng nhớ  tác giả,  một bạn đồng môn đã quá cố.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2008 20:25:32 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9