ĐI MÔ CŨNG NHỚ VỀ HÀ TĨNH
venus4t.vns_hnu 26.12.2008 22:56:20 (permalink)
Các bạn thân mến.
Hà Tĩnh - một mảnh đất với bề dày lịch sử truyền thống văn hoá - đang vươn mình phát triển cùng sự phát triển của đất nước. Một trong những yếu tố để Hà Tĩnh phát triển bền vững chính là "nền công nghiệp không khói". Mình lập topic này ra nhằm sưu tầm và giới thiệu đến các bạn về các điểm du lịch ở Hà Tĩnh cũng như lịch sử truyền thống văn hoá mảnh đất này. Mong các bạn cùng giúp mình nhé! Cám ơn bạn trước!
#1
    Raindrop 28.12.2008 04:53:53 (permalink)



    Chào Chị Venus,

    Đọc nhiều bài cũa Chị mờ chưa có dịp chào hõi chừ thí topic về Hà Tĩnh...Mưa có chiện nói rùi, chạy nhanh làm wen chị nè. Nhắc Hà Tĩnh Mưa có 1 kỹ niệm thật vui vào hè 2 năm trước được du lịch đi ngang đấy nghe nói làng nì nổi tiếng có kẹo Cu Đơ, nghe tên lạ wá Mưa đòi đến tận nơi... xui lắm hôm đó mưa thật lớn xe đi ko sâu được..nhưng Mưa hông ngại chạy vèo theo sự dẫn đường cũa tour guide xách ra hơn chục gói Cu Đơ, người ướt nhoẹp nhưng thật vui, cũng may kẹo gói kỹ nên hông ướt. Nhắc lại thấy thèm ghê chắc sis bít kẹo nì hah, thơm ngon lắm, chừ nghe ai nói đến Hà Tĩnh là em phải quoãng cáo kẹo nì liền và nhớ hoài kỷ niệm thật dễ thương đễ lại trên quê hương chị Venus ơi!


    Chúc Chị dịp lễ vui hén!

    Huyền Thoại Kẹo Cu Đơ

    Theo Bảo Thiên (Báo Thanh Niên)







    Làng Cu Đơ

    Mỗi buổi chiều tàn, khi những đụn khói bắt đầu len qua những nóc nhà tranh thì ở phía tây cầu Phủ, người đi đường như bị níu kéo bởi mùi thơm của mật mía, đường, mạch nha, gừng hòa quyện vào nhau. Đó là những nguyên liệu làm nên kẹo cu đơ, một loại kẹo đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh mà người xưa đã từng ngâm nga: "Chè xanh thêm chút gừng cay, cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người".

    Huyền Thoại Kẹo Cu Đơ

    Ngày xưa, ở một làng thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một gia đình nọ có hai đứa con trai khôi ngô tuấn tú nhưng nhà lại rất nghèo. Họ làm quần quật suốt ngày mà cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Một hôm cậu con trai cả về thưa với cha mẹ là sẽ cưới vợ. Hai ông bà lo lắng không biết lấy đâu ra đồ sính lễ. Nhà lại không có rượu, không có heo, không có nếp lấy gì mà đãi bà con chòm xóm. Trong lúc bế tắc, người cha mới đánh liều nấu mật mía sôi lên rồi đổ lạc (đậu phộng) vào. Khi đem ra đãi, ai ăn cũng thấy ngon. Được mọi người ưa thích, ông tiếp tục nấu và đem đi bán ở những làng lân cận. Từ đó, kiểu nấu mật mía với lạc lan rộng khắp huyện Hương Sơn.

    Ban đầu nó có tên là kẹo lạc (vì chỉ có mật mía và lạc) nhưng người ta thấy như vậy là bất công cho người sáng chế nên gọi là kẹo “cu Hai” (một người cha có hai thằng con trai). Khi phong trào Tây học nở rộ, những ông nghè ở đây mới đổi từ "Hai" thành "Deux" (tiếng Pháp có nghĩa là hai, số 2) cho "trí thức". Còn "cu" chỉ có người Việt Nam mới dùng, là tên gọi thân mật dành cho con trai (cu Tý, cu Tèo). Các cụ vắt óc suy nghĩ cũng không biết đổi từ “cu” như thế nào, đành kết hợp cách gọi Việt - Pháp là "cu deux" (cu đơ). Xung quanh cái tên gọi dân dã này cũng có nhiều cách giải thích. Đó là vào thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, khi những người lính Pháp vô tình ăn trúng kẹo “cu Hai”, ghiền quá mới cho người truy tìm. Khi biết tên gọi của nó, họ mới đổi từ "Hai" thành "Deux" cho phổ thông, để người Pháp tiện gọi. Còn "cu" thì chịu, không biết đổi cách nào đành kết hợp đầu Việt, đuôi Pháp là "cu Deux" (cu đơ).

    Những bậc cao niên xưa của vùng đất Hà Tĩnh có một thói quen rất tao nhã. Đêm đêm bên ấm nước chè xanh cùng dăm ba miếng cu đơ, các cụ ngồi "tức nguyệt, ngắm hoa, chờ sao rụng". Cu đơ ngày xưa chỉ có lạc với mật mía, khi nguội, nó cứng như đá, mà kẹo thì không ghi "chống chỉ định: để xa tầm tay những người răng yếu". Thế là sau một đêm "tức nguyệt", các cụ nhà ta răng còn, răng mất. Đó là giai thoại vui mà các bậc cha chú thường kể cho con cháu nghe để so sánh với miếng kẹo cu đơ ngày nay.

    Nhà nhà nấu kẹo Cu Đơ

    Không phải là nơi xuất xứ, nhưng phường Đại Nài (thị xã Hà Tĩnh) là nơi giữ được cái tinh túy của kẹo cu đơ. Phường này nằm gần cầu Phủ nên đã hình thành một thương hiệu: "Cu đơ cầu Phủ". Chỉ có 154 hộ dân nhưng mỗi hộ dân là một lò nấu kẹo nên người ta gọi phường này là "Làng cu đơ". Đây là làng duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận hành nghề thông qua "Chương trình phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ở miền Trung Việt Nam giai đoạn II". Vì thế ở làng này đã có một thư viện lớn trưng bày kẹo cu đơ qua các thời kỳ.

    Gia đình bà Sáng có lò kẹo cu đơ khá nổi tiếng. Bà năm nay đã gần 70 tuổi. Bà nấu kẹo cu đơ đã mấy chục năm nay. Con cái bà đã thành đạt, bà bảo là "nhờ vào những nồi kẹo cu đơ, chứ làm nông nghiệp, lấy đâu ra tiền cho chúng học hành". Cái quán nhỏ của bà lúc nào cũng đầy khách. Vào buổi trưa, khi xung quanh đã chìm trong giấc ngủ, bà lại ngồi xắt từng lát gừng mỏng. Bà giải thích rằng, ban đầu người ta dùng gừng như một liều thuốc để chống sôi bụng. Nhưng bây giờ không có gừng thì không phải là kẹo cu đơ.

    Trước kia, kẹo cu đơ chỉ đơn thuần chỉ là mật mía và lạc thì giờ nguyên liệu vô cùng phong phú. Người làng này đã biết kết hợp một cách hoàn hảo giữa mật mía, đường, mạch nha, gừng, lạc và bánh tráng. Chính những thứ gần gũi đó đã tạo nên một hương vị độc đáo cho kẹo cu đơ. Theo bà Sáng, có một số làng chỉ nấu đường hoặc mật, còn lạc thì rang lên. Nhưng như thế thì không ngon. Lạc không cần rang mà phải phơi cho thật giòn. Theo quy trình, mật mía, đường, mạch nha trộn chung nấu trước, khi sôi mới đổ lạc vào. Đây là lúc khó khăn nhất vì cần phải khuấy đều liền tay, nếu không sẽ bị cháy dưới đáy nồi. Sau cùng mới bỏ gừng vào. Vào mùa nắng phải nấu đến 1 tiếng đồng hồ, gọi là nấu già, còn mùa mưa thì nấu non, chỉ cần 45 phút. Lò cu đơ của bà đã được nhân rộng ở một số địa phương như Huế, Đà Nẵng.


    Những người khách ở quán bà Sáng

    Làng Đại Nài phất lên nhờ có thêm nghề tay trái, nghề nấu kẹo cu đơ. Dì Quế năm nay 53 tuổi. Dì mới nấu kẹo cu đơ được 4 năm, một ngày dì phải nấu tới 3 nồi. Mía, lạc, gừng đều tự trồng. Còn mạch nha và bánh tráng thì phải mua. Với nguyên liệu sẵn có như thế, số tiền lời dì kiếm được rất khá. Thấy dì kiếm tiền nhanh và đơn giản, anh em của dì trả bớt ruộng đất để đầu tư vào lò cu đơ. Và bây giờ, gia đình dì ai cũng được cấp giấy chứng nhận.

    Còn gia đình dì Sương thì có truyền thống làm cu đơ đã mấy đời. Trước đây, các cụ cũng chỉ nấu đơn giản với hai loại nguyên liệu. Nhưng giờ con cháu đã biết kết hợp nhiều loại để có miếng kẹo ngon nhất nên lò cu đơ của dì đã được người trong tỉnh truyền tai nhau. Mỗi dịp cưới hỏi hay liên hoan, mọi người đều đến lò cu đơ của dì để đặt hàng. Những người đi xuất khẩu lao động hay đi du học cũng đến đây để mua, mang sang nước bạn làm quà.

    "Làng cu đơ" trải dài từ bến xe Hà Tĩnh cho tới cầu Phủ. Những chuyến xe khách Bắc - Nam mỗi lần qua đây đều dừng lại để khách mua quà. Vào buổi sáng, ở làng này nhộn nhịp bán hàng cho khách vào Nam, ra Bắc. Thế nhưng vào buổi chiều thì khá im ắng. Vì thế, mỗi buổi chiều tàn, khi những đụn khói bắt đầu len qua những nóc nhà tranh thì ở phía tây cầu Phủ, người đi đường như bị níu kéo bởi mùi thơm của mật mía, đường, mạch nha, gừng hòa quyện vào nhau. Mùi dẻo quẹo của mật mía nguyên chất, mùi cay cay của gừng, mùi ngọt lịm của mạch nha khiến cho mọi người chỉ cần ngửi đã "say".

    Người Hà Tĩnh xem kẹo cu đơ như như linh hồn của quê hương. Những gia đình có con đi làm ăn xa, cứ mỗi lần có người cùng quê vào thăm, nhất định họ phải gửi theo vài bịch kẹo. Nếu như lâu lâu không có ai về, họ sẽ gửi qua đường bưu điện. Ông Hùng, có 5 người con đều đi làm ăn ở trong Nam, cứ vài tháng ông lại gửi kẹo cu đơ cho các con. Ông bảo rằng, chúng nó đi gần 5 năm mà chưa về thăm quê, cứ sợ chúng quên. Ông phải gửi để nhắc nhở con cái.

    Ban đầu nhìn thấy miếng cu đơ sần sùi, chẳng bắt mắt tí nào, ai cũng ngại ăn. Nhưng ai có "dũng cảm" nếm một lần sẽ không bao giờ quên. Lúc miếng kẹo hòa tan trong miệng, ta không thể phân biệt được có bao nhiêu thứ cấu thành. Tất cả là một cảm giác ngọt lịm trên đầu lưỡi, vị cay cay của gừng và chất bùi bùi của hạt lạc đọng lại mãi trong cảm giác. Kẹo cu đơ mang đậm dấu ấn của con người Hà Tĩnh, bên ngoài thì sần sùi chất phác, tên gọi thì dân dã, đơn sơ nghe đến nực cười nhưng bên trong là cả một nội lực tiềm tàng. Có phải đó là thứ để mà "Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh!".


    #2
      venus4t.vns_hnu 28.12.2008 23:59:15 (permalink)
      Mưa à! Hà Tĩnh đẹp đúng không bạn!
      Mình biết đến Hà Tĩnh qua bạn bè, biết bánh cu đơ, biết đến Đức Thọ.... với truyền thống hiếu học của mảnh đất và con người nơi đây!
      Mình sẽ giành thời gian để sưu tầm về Hà Tĩnh sau nhé! Hiện giờ mình hơi bận một chút. Nếu Mưa có thời gian hãy giúp mình post bài về Hà Tĩnh nhé, được không bạn?
      #3
        Raindrop 30.12.2008 02:54:04 (permalink)
        Dạ đúng đó Chị Hà Tĩnh rất đẹp tuy chưa ghé thăm được hết nhưng mí điểm ko thể bỏ qua khi đi ngang như Chùa Hương Tích, Biển Thiên Cầm và Kẻ Gỗ ...có điều cho Mưa nói thật lòng là  người Hà tĩnh các Bác rất hiếu khách nhưng giọng mí Bác ... nặng quá mà nói nhanh Mưa nghe ko quen nên ko hỉu gì cho Mưa xin lỗi đã ko biết trả lời khi có Bác hỏi chiện...


        Tỉnh Hà Tĩnh


        Hà Tĩnh nổi tiếng về "Văn vật Hồng lam với các di chỉ khảo cổ rú Dầu, rú Rơm, bãi Phân phối, đồ sắt Vân Chàm, Minh Long, đồ đồng Ðức Lâm, đồ gốm Cảm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, vải Hồ. Dãy Hoành Sơn còn lưu giữ lũng cổ đắp ghép từ thế kỷ thứ 4. Ðạo Mẫu, đạo Nho, đạo Phật và tín ngưỡng thành Hoàng để lại hàng trăm đền, chùa, miếu mạo như tháp Cửa Diêu, chùa Hương Tích, đền Tam Lang...

        Hà Tĩnh nổi tiếng về "Văn vật Hồng lam với các di chỉ khảo cổ rú Dầu, rú Rơm, bãi Phân phối, đồ sắt Vân Chàm, Minh Long, đồ đồng Ðức Lâm, đồ gốm Cảm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, vải Hồ. Dãy Hoành Sơn còn lưu giữ lũng cổ đắp ghép từ thế kỷ thứ 4. Ðạo Mẫu, đạo Nho, đạo Phật và tín ngưỡng thành Hoàng để lại hàng trăm đền, chùa, miếu mạo như tháp Cửa Diêu, chùa Hương Tích, đền Tam Lang...

        Hà Tỉnh có nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người như một Hoành Sơn kỳ vỹ, Thiên Cầm bãi biển tuyệt đẹp, hay Kè Gổ, Chùa Hương Tích trên núi Hồng, Đảo Ngư thắng cảnh đặc trưng của bãi tắm Cửa Lò, và còn nhiều điểm du lịch khác thác Vũ Môn, rừng quý Vũ Quang (Hương Khê), suối nước nóng Sơn Kim, đèo Ngang, ...

        Món ăn Hà Tĩnh thì không chê vào đâu được Bánh Cặp ở thị xã Hà Tĩnh, đặc sản biển Con Moi, đến Cửa Lò du lịch tắm biển có lẽ chẳng mấy ai bỏ qua không thưởng thức món Mực nhảy Cửa Lò, hoặc uống Chè Vằng vào mùa hè, ... ẩm thực Hà Tỉnh thật là phong phú.

        Lễ chùa Hương Tích, Hội Chiêu Trưng, Hội Hạ thuỷ, Hội đền Bích Châu, Hội đua thuyền, Hội Xuân Điển là những lễ hội đặc trưng của vùng đất này.


        Trần Thảo


        Thiên Cầm "Đàn Trời" Trên Biển


        Thiên Cầm là một khu du lịch mới được qui hoạch xây dựng từ ngày 2/11/1993. Tổng thể khu du lịch rộng 200 ha, kéo dài từ ranh giới xã Cẩm Hoà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đến bãi Cu Kỳ xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh. Phía Đông Nam kéo dài đến xã Cẩm Nhượng và phía Bắc tính từ đỉnh núi xuống bờ biển, chiều rộng từ mớn nước đi vào trung bình 1-1,2 km.

        nơi chỉ có tiếng sóng dội vào hang núi rồi khiến những chuông đá, khánh đá vọng vang và bàn trời đá bỗng trở thành khúc nhạc muôn điệu như những tiếng đàn trời bên biển đã có từ ngàn xưa. Đó là eo biển Thiên Cầm.

        Từ Thiên Cầm nhìn ra ánh mắt người chạm phải lô nhô hòn Bớc, hòn Én trông như những cánh phao nâu đang dập dềnh ngoài biển. Ở quanh đó những chiếc thuyền đánh cá trông như những chiếc là hình thoi đang cày tung sóng trắng với những gọng vó, guồng te để đem tôm, cá, mực về cho vùng biển nhất nhì này ở Hà Tĩnh.

        Đối xứng với bên này Thiên Cầm sơn (núi Thiên Cầm) bên kia là núi Đầu Voi cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) như hai mảnh của phím đàn trời đã án ngự dòng Kỳ La, buộc dòng suối trong văn vắt này uốn lượn rồi đổ êm ra biển.

        Truyền thuyết kể lại rằng, thời Vua Hùng thứ 13, khi qua đây nghe tiếng sóng biển và thông reo, ngỡ tiên gẩy đàn, nhà Vua bèn lệnh cho quần thần leo lên núi thấy giống chiếc đàn tỳ bà liền hạ bút phê ba chữ "Thiên Cầm Sơn".

        Từ đó núi đá có tên Thiên Cầm. Hàng năm, khi mùa xuân đến, các Vua Hùng đều lên đây thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước, nghe thông reo và thưởng thức những đặc sản biển.

        Đồn rằng, vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm có thể nghe được một thứ âm thanh rất lạ như là thứ nhạc của trời. Có lẽ vì vậy mà Thiên Cầm theo nghĩa đen là Đàn trời.

        Thiên Cầm còn là nơi chứng kiến sự sụp đổ của một triều đại. Đấy là vào năm 1407, khi giặc Minh tràn sang, quân nhà Hồ bị bại ở Bạch Hạc, lui về miền Thanh Hoá cố thủ nhưng vẫn không thành, tướng giặc Minh là Trương Phụ đã đuổi theo cha con Hồ Quí Ly vào núi Thiên Cầm.

        Con đường Bắt đỏ au màu đất chạy quanh co dưới những rừng thông dẫn đến chùa Thiên Cầm chính là dấu tích bị thương của Hồ Quý Ly khi ông bị thất thủ tại phòng tuyến Đa Bang và thành Vĩnh Lộc chạy trốn về đây rồi bị bắt:

        ""Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
        Cao vọng sơn đầu khách tử sầu"

        Sau khi bắt được Hồ Quí Ly trong hang núi, tướng giặc Minh bắt dân ta đổi chữ "Cầm" là đàn thành chữ "Cầm" là bắt. Mãi đến khi đất nước sạch bóng quân Ngô, Thiên Cầm mới được trở lại đúng với nghĩa chiếc đàn trời.

        Núi cách thị xã Hà Tĩnh khoảng 20 km. Núi không cao, lại nằm kề biển, tạo thành một nơi sơn thủy hữu tình. Cách chân núi một trảng cát là chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13, một di tích đã được nhà nước xếp hạng, nơi có bộ tranh "Thập điện Diên Vương" nổi tiếng.

        Những biệt danh núi Thiên Cầm, Cao Vọng, con đường Bắt, hang đá Hồ Quý Ly đã tạo nên những nét khắc vừa hùng vĩ, vừa thanh tao bên bờ biển vốn rất hoang vu.

        Từ đầu thế kỷ, người Pháp đã xây dựng ở Thiên Cầm một khu nghỉ mát, nhưng do chiến tranh, các công trình ấy đã bị phá hủy. Ngày nay, vùng biển nguyên sơ ấy đã được tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch thành khu du lịch biển. Bắt đầu từ Thiên Cầm, khu du lịch vươn ra phía Bắc 8km và chạy dài vào Nam hơn 3km. Thiên Cầm ngày nay là vùng du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn bạn mà ít nơi trên đất nước ta có được.

        Thiên Cầm có tới 3 bãi tắm, mỗi nơi một vẻ, chiều dài tổng cộng gần chục cây số. Từ đỉnh núi nhìn xuống bãi tắm trông như một đường cong gợi cảm với bãi cát trắng phau, mịn màng. Nước biển Thiên Cầm về mùa hè xanh màu ngọc bích.

        Bờ biển thoai thoải, ra tới chừng trăm thước mà không hề có lồi lõm, sau một hồi thoả thuê tắm mình trong làn nước biển, bạn có thể thả mình trên những phiến đá ngắm mây trôi bồng bềnh. Đá ở đây đủ hình thù xếp chồng lên nhau tha hồ theo trí tưởng tượng của con người.

        Những bãi tắm, nhà nghỉ, khách sạn cao tầng, những con đường nhánh khiến Thiên Cầm có những sức quyến rũ mới giữa một vùng thiên nhiên với một bên là rừng núi tĩnh lặng, một bên là tiếng sóng biển dập dồn. Ở đó điều đầu tiên bạn sẽ cảm nhận được là vị mặn mòi của những làn gió biển luôn hướng về phía núi và những ngọn gió mát lạnh từ rừng núi nguyên sinh bay tràn ra biển rộng.

        Biển Thiên Cầm có nhiều hải sản quí hiếm mà con số lên tới cả trăm loài nhất là tôm, sò, cua, cá, mực... Theo con đường dọc bờ biển, bạn sẽ đến thăm cảng cá Cửa Nhượng.
        Nhìn về hướng đông, nơi ngọn núi nhô mình ra biển kia chính là Bãi Lài. Bạn có thể đi thuyền máy du lịch sang đó.

        Hang động Bãi Lài đủ chỗ cho vài trăm người vào ngắm cảnh cùng một lúc. Phía trên hang động huyền bí này là nơi những thợ săn đang kiên nhẫn bẫy chim Cu Kỳ nghe đâu từ bên Tây Tạng (Trung Quốc) di cư sang Trường Sơn kiếm ăn. Những lão ngư, những thợ săn giầu kinh nghiệm đã khéo léo xếp hàng ngàn viên đá thành bậc thang. Trên những bậc thang chuẩn bị sẵn những giếng nước ngọt tự nhiên.

        Thợ săn giấu mình vào cây cỏ, cầm chắc tay lưới. Từng đàn chim Cu Kỳ sau thời gian bay mỏi cánh và khát nước trên biển thấy có nước ngọt liền sà xuống. Chọn đúng thời cơ, những chiếc lưới được chụp lên, có lúc bắt gọn cả trăm con Cu Kỳ. Chim Cu kỳ chỉ to bằng con gà thường, lông mầu nâu hoặc xanh, có chấm xanh viền ở cổ. Thịt chim Cu Kỳ có vị thơm, ngon đặc biệt.

        Nếu thích bạn có thể leo lên đỉnh ngọn núi, cao 108 m so với mặt biển. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra xa hàng chục hải lý dõi theo những con thuyền đang miệt mài thả lưới. Sau lưng bạn là một vùng quê Cẩm Tú, xa hơn là Trường Sơn xanh ngăn ngắt. Núi Thiên Cầm có nhiều thắng cảnh để bạn thưởng ngoạn. Đó là bàn cờ tiên, giếng tiên, hang Hồ Quí Ly, phiến đá có dấu chân người khổng lồ..

        Bạn sẽ được thưởng thức nước ngọt từ mạch ngầm tuôn chảy trong lòng núi. Đồn rằng, ngày xưa mùa hè đến, các nàng tiên đã đáp xuống Thiên Cầm và tắm ở giếng này. Có lẽ vì thế mà có tên giếng Tiên.

        Thiên Cầm còn có Hòn Én. Đảo nhỏ Hòn Én trông như một bàn tay che chở cho dân vạn chài tránh bão tố từ đời này qua đời khác. Gần bờ hơn một chút là Hòn Bớc, bãi đá kỳ thú để bạn tung tăng dạo chơi. Giữa biển trời mênh mông này, cát và đá vươn ra biển nhẹ nhàng, thoai thoải. Tại đây, bạn có thể tìm thấy hải sản từ các hốc đá rồi đem nướng hoặc luộc...

        Khi bóng mặt trời sắp khuất núi, xin mời bạn hãy trở lại khu nhà nghỉ. Nhiều khách sạn đã được xây mới với những phòng khép kín đầy đủ tiện nghi. Bạn sẽ được tắm nước mát bơm lên từ giếng Tiên. Bữa ăn của bạn sẽ có nhiều đặc sản biển. Về đêm, tầng thượng của khách sạn được thiết kế có nơi để bạn có thể ngắm cảnh biển, có sàn nhảy cho người thích khiêu vũ.

        Rảo bước dọc bờ biển từ Bãi Trang, qua Bãi Tép rồi Nhượng Bạn, chúng tôi liên tưởng đến một ngày mai của Thiên Cầm. Con đường nhựa từ thị trấn Cẩm Xuyên tới khu du lịch dài 12 km đã được nâng cấp cải tạo.

        Từ khu trung tâm các con đường nối với các danh lam thắng cảnh cũng đã được láng nhựa. Chùa Thiên Cầm cũng đã được đầu tư tôn tạo. Những pho tượng và chiếc chuông cổ đã được đưa về. Tiếng chuông chùa "Thiên Cầm Tự" ngân nga trong thinh không làm thanh thản lòng bạn. Thiên Cầm đang hình thành một thị trấn của du lịch và kinh tế biển...

        Thiên Cầm đất dịu, người hiền và biển đẹp đầy kỳ thú đang rộng tay chào đón bạn. Rời Thiên Cầm trong tôi như còn dư âm của sóng biển và thông reo. Bất chợt khe khẽ trên môi mấy câu thơ của một nhà thơ xứ biển:

        "Đàn trời gẩy một nét thơ
        Nửa miên man cát, nửa mơ mộng ghềnh
        Sóng rạo rực, gió xông xênh
        Thương nhau xin nhớ bồng bềnh cõi tiên".


        Trần Thảo (theo TBDL)




        Chùa Hương Trên Đĩnh Non Hồng - Tỉnh Hà Tĩnh


        Có một chùa Hương trên đỉnh non Hồng Hồng Lĩnh là thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Từ xưa, dãy núi 99 ngọn vút cao này đã được xếp vào trong 21 danh thắng của nước Nam. Ðặc biệt sự hiện hữu của chùa Hương Tích với nhiều kỳ quan liên kết đã xứng danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam".

        "Phiên bản" chùa Hương
        Chùa Hương Tích ở Hà Sơn Bình thật ra chỉ là một "phiên bản" đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo cuốn Hương Sơn thiên trù thiền phả, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương Tích ở Hà Sơn Bình từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1904).

        Trong khi theo sách Hương Sơn báu quyển, chùa Hương ở Hà Tĩnh là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ. Chùa này được chính thức xây dựng từ đời Trần (có thể đồng thời với chùa Yên Tử). Khi Trần Nhân Tông lên tu ở chùa Hoa Yên (Yên Tử), trại trạng nguyên Bạch Liêu, quê huyện Yên Thành (phủ Diễn Châu), cũng dời nhà vào chân núi Hồng Lĩnh cho tiện việc thắp hương ở chùa Hương Tích.

        Vậy vì sao lại có thêm một chùa Hương "phiên bản" ở phía Bắc? Câu trả lời là vào thời Lê - Trịnh, các vua Lê - chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh (xem Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18-2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ).

        Mỗi lần những "người đẹp" đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân (tuy đã bố trí lính vệ phục dịch dọc đường), do đó chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình để xây chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng để các "người đẹp" đi trẩy hội gần hơn (theo dẫn giải của ông Bùi Văn Nguyên, nguyên tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN). Như vậy nhờ "sáng kiến" của chúa Trịnh mà nước ta có hai chùa Hương Tích.

        Chùa Hương gốc
        Nếu đường vào chùa Hương ở Hà Sơn Bình bắt đầu từ dòng suối Yến tấp nập những du thuyền thì lối vào chùa Hương ở Hà Tĩnh cũng từ mênh mông hồ nước nhà Ðờng (Ðường) theo dòng suối rộng có tên là suối Hương Tuyền đi ngược lên. Nhưng do nhiều năm trước trung tâm chùa Hương Tích mờ dần (ba lần chùa Hương này bị tàn phá bởi giặc Minh, thực dân Pháp và cháy rừng).

        Vì thế có nhiều khoảng thời gian chùa không, rừng quạnh bởi không có sư về trụ trì. Chùa Hương vắng bóng du khách, suối Hương Tuyền chỉ dành cho thuyền đi chở đá núi về kè đập, xây hồ.

        Nhưng từ năm 1990 trở lại đây cứ vào dịp 18-2 âm lịch hằng năm (đúng như lịch trẩy hội chùa Hương ở Hà Sơn Bình) có hàng ngàn du khách đủ mọi lứa tuổi, từng lớp từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Ðà Nẵng... rẽ đường, vượt dốc núi dài gần tới 4.000m để tới chùa Hương.

        Giống như chùa Hương ở Hà Sơn Bình, quần thể chùa Hương ở Hà Tĩnh gồm có thượng điền (chùa chính), đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Ngoài ra chùa còn có những cảnh đẹp liên kết: động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên tắm... và luôn tịnh yên giữa rì rào gió lá rừng trúc, rừng thông cùng tiếng thác đổ trầm đều từ bốn phía trên đỉnh núi.

        Chùa tĩnh nhưng mỗi năm cũng có hơn vạn người đến viếng. Ðông nhất là tháng giêng, hai và ngày rằm tháng bảy. Dịp đó dân nghèo xã Thiên Lộc mở quán dày đặc dọc lối lên phục vụ du khách. Năm 1990 chùa được Nhà nước cấp bằng di tích văn hóa - thắng cảnh.
        Trần Thảo (theo TTCN)


        Kẻ Gỗ Khu Du Lịch Sinh Thái- Tỉnh Hà Tĩnh


        Cách trung tâm thị xã Hà Tĩnh chưa đầy 20km về phía tây nam Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ có diện tích tự nhiên 35.159ha, nằm trên địa phận hành chính của ba huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê thuộc thuộc Hà Tĩnh.


        Khu BTTN Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ quý có giá trị kinh tế cao, có tên trong sách đỏ Việt Nam như: lim xanh, sến mật, gụ lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung bộ, bời lời vàng...

        Ðây là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa; luồng thực vật Indonesia - Malaysia; và luồng thực vật Hymalaya.

        Ðến nay, ở Khu BTTN Kẻ Gỗ đã phát hiện được 364 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ. Kẻ Gỗ cũng là nơi duy nhất trên thế giới đã phát hiện gà lôi lam đuôi trắng, một trong ba loài gà lôi đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng, và nhiều loại quý hiếm khác.

        Trong 47 loài thú ở đây có 18 loài (chiếm 21%) được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của các loại mộc lan, phong lan đẹp và quý như: Quế hương, tai tượng, tai trâu, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ...

        Trong những năm qua, do đời sống của người dân ven khu BTTN Kẻ Gỗ còn thấp nên hiện tượng vào rừng khai thác gỗ, củi, đến than, săn bắn động vật và khai thác các loại lâm sản có xảy ra:

        Mặc dầu vậy, Kẻ Gỗ vẫn còn giữ được sự hào phóng của thiên nhiên với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt vào những ngày hè nóng bức, khi nhiệt độ tại trung tâm thị xã Hà Tĩnh lên tới 37-38oC, thì ở đây nhiệt độ cũng chỉ xấp xỉ 30-32 oC. Trong những ngày đông giá rét, thời tiết ở đây cũng rất dễ chịu.

        Hồ Kẻ Gỗ được khởi công xây dựng vào ngày 26.3.1976 và hoàn thành vào ngày 26.3.1979, là công trình đại thủy nông với trữ lượng 350 triệu m3 nước, tưới cho gần 17.000ha lúa, màu vùng đất thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh và phía bắc huyện Kỳ Anh

        . Hồ còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho các vùng với chiều dài hơn 30km, hồ len lỏi giữa các triền núi, như chim gương khổng lồ soi bóng những đãy núi, những rừng cây ngút ngàn.

        Nếu đi du ngoạn trên hồ bằng thuyền máy, bạn không chỉ có dịp chiêm ngưỡng phong cảnh thơ mộng, mà còn được tận hưởng hương thơm cỏ cây và hơi nước tỏa ra mát rượi.

        Lên thượng nguồn, bạn còn được gặp nhiều nhánh khe đẹp như: rào Trâm, rào Bưởi, rào Khe, rào Cời, rào Trường... Nhưng đẹp nhất là rào Bưởi với những bậc đá được thiên nhiên sắp xếp hữu tình, vẽ nên một bức tranh kỳ thú.

        Giữa dòng nước chảy xiết vẫn có những loài cây sinh trưởng và tỏa bóng mát. Mặt hồ còn được điểm trang bởi nhiều ốc đảo nhỏ, mỗi ốc đảo là một thế giới riêng huyền bí.

        Từ lâu, Kẻ Gỗ đã được đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
        Hiện nay, ngành du lịch Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống các dịch vụ để sớm xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình giải trí như: Ðua thuyền, lướt ván, leo núi câu cá; cùng các khu thể thao như: tennis, cầu lông bóng chuyền; xây dựng vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh.

        Tin rằng một ngày không xa, khi khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ được xây dựng, có hệ thống giao thông thuận lợi, và các loại hình du lịch hấp dẫn, tương xứng với tiềm năng, thì Kẻ Gỗ sẽ là điểm hẹn lý tưởng của du khách gần xa.

        Trần Thảo (TBDL)




        Con Moi Đặc Sản Tỉnh Hà Tĩnh



        Vùng biển Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng cho một loài hải sản quý, đó là con moi. Có nhiều nơi gọi con này là con tép biển, con khuyết, con ruốc. Người dân nơi đây đã dùng con moi chế biến ra nhiều loại thức ăn, nước chấm rất ngon và thú vị.

        Món ăn quê tôi

        Mùa hè là dịp người dân quê tôi đi xúc moi về để bán hoặc chế biến các loại mắm. Thường vào buổi trưa, trên mặt biển nổi lên một vùng nước màu hồng di chuyển dần ngoài xa vào bờ, có khi rộng đến dăm ba sào. Người dân đứng trên bờ thấy vậy liền kêu to cho cả làng nghe: "moi về", "moi về". Dân làng rủ nhau mang vợt, lưới, mang rổ ra xúc moi. Không biết vì lý do gì, có lẽ là do mùa sinh sản, hàng tỷ con moi đỏ au tụ tập lại thành đàn quấn quýt nhau, kéo nhau vào gần bờ. Người dân chỉ chờ có vậy, mang vợt ra xúc. Vợt là một cái túi lưới, mắt mau cỡ 4-5 ly, đầu vợt to hơn cái thúng, có khung tre và cán để cầm, đuôi vợt bé dần lại và thắt chặt bằng một sợi dây. Moi về, người ta cầm vợt chao xuống nước, cứ đi lùi để xúc moi vào vợt. Đi vòng độ 5-7 phút lại bưng vợt đầy moi lên đổ vào rổ. Không khí bãi moi lúc này thật nhộn nhịp, ai cũng tranh thủ vớt moi cho được nhiều; trẻ con, người già cũng có thể lấy rổ xúc được, bởi vì mật độ moi dày đặc, người không quen, không mặc áo mà lội xuống lúc này thì giống như bị hàng trăm cái gai nhỏ đâm vào người. Tuy thế không phải ngày nào moi cũng về, có khi lại về nơi khác, vùng khác. Mỗi vụ chỉ có dăm bảy lần moi về mà thôi. Cũng thật bất ngờ, đám moi cũng chỉ tồn tại chừng 30-40 phút, sau không biết vì sao tan dần và biển trở lại xanh như cũ. Có lẽ phần vì moi bị người vớt đi nhiều, phần vì moi tự động lặn xuống và tản ra vùng nước sâu.

        Sau đó mọi người lại sửa soạn rửa moi, lên quang gánh, gánh moi về chợ, chạy đi bán rong hoặc đưa về nhà để chế biến. Thôi thì đủ thức ăn được làm từ con moi nhỏ bé này. Ngon nhất là moi luộc, moi đang tươi, rửa nước biển lại cho sạch, cho vào nồi luộc cùng mấy lá bưởi, không cần đổ nước vì moi tự ra nước. Sôi lên là được. Moi luộc có màu đỏ au, màu tôm luộc. Ăn với bánh đa gạo rắc vừng đen, nướng giòn. Ai nghiện thì kèm thêm rau mùi, tía tô, kinh giới, ớt cay và mấy chén rượu. Mỗi người chỉ một chiếc bánh đa to, dày, một bát ô-tô moi luộc (không cần chấm gì cả vì moi đã vừa mặn) thì có thể ăn trừ bữa thay cơm, khoai được rồi.

        Moi chủ yếu được dùng để chế biến các thứ khác: phơi khô để dự trữ, mùa động biển thì đem ra bán, moi muối nước mắm. Đặc biệt người Hà Tĩnh dùng moi để làm ruốc (nên có nơi gọi là con ruốc). Ruốc có nơi gọi là mắm tôm, nhưng khác ở chỗ ruốc chỉ có màu đỏ hồng, không có màu đen. Có nhà vào vụ có thể làm hàng dăm ba chục chum ruốc, mỗi chum 200-300 lít để bán quanh năm. Ruốc là món ăn, món nêm, món làm nước chấm mà ở quê tôi không nhà nào, mùa nào không có.
        .VietAdTextLink{text-decoration:underline;border-bottom:1px solid #2B9900;padding-bottom: 0px;color:darkgreen;background-color:transparent;cursor:pointer;cursor:hand;}.VietAdTooltip{border:none;border-style:none;padding:0px 0px 0px 0px;margin:0px 0px 0px 0px;background-color:transparent;}.VietAdTextLink{padding-bottom: 0px;}
        Gia Dũng


        nguồn:
        http://www.mangdulich.com/home/modules.php?name=News&file=article&sid=2789



        #4
          venus4t.vns_hnu 03.02.2009 21:49:14 (permalink)
          CHÙA HƯƠNG TÍCH

          *************

          Để chạm hình tượng tiêu biểu của danh sơn Hồng Lĩnh lên “Anh đỉnh” (một trong 9 đỉnh đồng ở nội thành Huế, đúc năm Minh Mạng thứ 17 (1936) ) các nghệ nhân đã chọn cảnh động Hương Tích. Hương Tích động, Hương Tích phong là gọi theo tên ngôi chùa cổ ở đây – Hương Tích Tự – Hoan Châu đệ nhất danh lam, Hương Tích nghĩa đen là “chứa mùi thơm”. Chùa Hương Ngàn Hống dựng đời Trần, có thể đồng thời với chùa Yên Tử (Quảng Ninh) thế kỷ XIII, qua những biến thiên lịch sử cảnh cũ đổi thay nhiều. Trong chuyến lên thăm chùa năm 1794, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ghi lại trong thơ:
          "Hương Tích ngôi chùa đời Trần
          Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống
          Am cũ còn lưu lại đá trắng
          Nền Trang vương xưa chỉ những thông xanh"
          (Thái Kim Đỉnh dịch nghĩa)
          Chùa Hương Tích nằm trên ngọn Hương Tích trong dãy Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Tục truyền chùa do công chúa Diệu Thiện, con gái út của Sở Trang Vương (Tàu) tạo dựng khi đến tu hành ở đây. Một truyền thuyết có vẻ hợp lý: Xưa kia người ta thường đến am Thánh Mẫu để cầu tự, ông Hiệp trấn họ Trần cầu tự ở đây sinh được 3 con trai đặt tên là Hồng, Hương, Tích và một chúa Trịnh không rõ chúa nào cũng vào cầu tự và sinh được Thế tử. Hàng năm chúa sai người vào đây tạ ơn Phật tổ, sau thấy vùng Hương Sơn - Hà Tây phong cảnh đẹp lại gần kinh thành nên cho xây chùa để tiện đi lễ Phật, khỏi phải vào Ngàn Hống xa xôi. Vì vậy chùa Hương - Hà Tây cũng gọi theo tên chùa chính: Hương Tích tự.
          Những vết tích còn lại và tài liệu cho hay chùa được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), được tu sửa nhiều lần. Năm 1885 chùa bị hoả hoạn cháy trụi (cùng với chùa Thiên Tượng) và được tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn - nhà soạn Tuồng nổi tiếng đứng ra vận động xây dựng lại vào năm 1901. Hiện nay các công trình kiến trúc chính (đền, am, chùa) vẫn giữ được gần nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu thế kỷ XX. Phật phả, bia ký chùa Hương Tích không còn. Do đó chúng ta không biết năm tháng chính xác xây dựng chùa, các nhà tu hành đầu tiên và các thời kỳ tiếp theo ở chùa này.
          Quần thể di tích chùa Hương gồm có: 2 toà chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (đền thờ Hồng Sơn Đại Vương), và lên cao hơn nữa có nền Trang Vương. Chùa Hương với cảnh đẹp thiên nhiên mang nhiều cảnh sắc khác nhau, với quần thể kiến trúc tôn giáo đã phối hợp tài tình với vẻ đẹp thiên nhiên ở đó những hình khe thế núi đúng là “Tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”.
          Hội chùa Hương Tích vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm, ngày Diệu Thiện hoá Phật. "Tháng giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích", Hội chùa Hương Tích thu hút khách thập phương trong nam ngoài bắc về hội đông đúc, nhưng cứ 3 năm mới có hội chính một lần, kéo dài suốt hàng tháng. Dọc đường từ chân núi đến cửa chùa, lều quán san sát, người đi dự hội tấp nập, ban đêm đèn đuốc sáng rực một vùng.
          Thắng cảnh Hương Tích danh lam Hương Tích Ngàn Hống từ xưa đã được nhắc đến không chỉ ở Châu Hoan mà khắp nơi đều biết. Ngọn núi chùa này đã từng in sâu dấu ấn đậm đà trong thơ văn tao nhân mặc khách. Thái Thuận phó nguyên suý Tao đàn của Lê Thánh Tông đã viết trong bài “nhớ Chùa Hương”:
          “Bỗng nhớ chùa Hương Tích
          Khe suối đá gập ghềnh
          Dấu Quan Âm ẩn náu
          Am Thánh Mẫu tu hành
          Biết gì ngoài mây rũ
          Muôn thuở tiếng Châu Hoan”
          Năm 2003, với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và công sức của nhân dân địa phương, chùa Hương Tích đã được tu bổ tôn tạo lại khang trang.

          Nguồn sưu tầm:
          http://www.hatinh.gov.vn/Home/index.asp?module=news&act=show&nid=164
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2009 21:54:47 bởi venus4t.vns_hnu >
          #5
            venus4t.vns_hnu 03.02.2009 21:57:12 (permalink)
            ĐỀN CHIÊU TRƯNG (THẠCH HÀ - HÀ TĨNH)
            *****************

            Đền Chiêu Trưng còn gọi là đền Võ Mục, thuộc xã Kim Đôi nay là xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Đền xây dựng trên núi Long Ngâm ngọn núi cuối cùng của dãy Nam Giới, từ đất liền uốn lượn ra biển làm bức bình phong án ngữ phía đông cửa Sót. Ngọn Long Ngâm hình núi như trán con rồng chúi xuống biển sâu "Ai biết núi Nam Giới. Đá cũng hoá ra rồng" (thơ Bùi Dương Lịch).
            Lê Khôi, thuỵ là Võ Mục con ông Lê Trừ anh thứ hai của Lê Lợi, cha mẹ mất sớm ở với chú Lê Lợi tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ ngày đầu cho đến lúc giải phóng hoàn toàn đất nước, có tên trong Hội Thề Lũng Nhai và danh sách 35 công thần khởi nghĩa. Lê Khôi làm quan trải 3 triều (Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) lên tới chức: Khâm sai tiết chế thủy lục như dinh, Hộ vệ thượng tướng quân.
            Năm 1443 ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu thời gian này ông chú trọng phát triển nông nghiệp đắp đập khai hoang lập làng. Năm 1446 phụng mệnh vua Nhân Tông, cầm quân đi đánh Chiêm Thành, trên đường trở về ông bị bệnh nặng, đoàn chiến thuyền đến Cửa Sót dưới chân núi Nam Giới thì ông mất. Triều đình làm quốc tang thi hài ông an táng tại chóp núi Long Ngâm và cho lập đền thờ tại đó hàng năm quốc tế truy phong. Năm 1487 được vua Lê Thánh Tông tặng phong “ Chiêu Trưng đại vương”.
            Đền Chiêu Trưng gồm 3 toà được xây dựng năm Đinh Mão (1477) một năm sau khi ông mất, đến nay sau nhiều lần trùng tu song vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu. Từ chân núi leo lên các bậc đá hai bên cây cối cổ thụ um tùm sừng sững hai cột nanh của đền. Qua cổng và vọng lâu vào đền Hạ là nơi đón tiếp quan khách về tế lễ, đền Hạ thoáng rỗng, đền Trung có treo bức hoành đề bốn chữ “ Vạn khoảnh ân ba” (sóng ân muôn dặm). Một số nhà nghiên cứu cho rằng các đường nét khắc chạm ở trung điện đền Chiêu Trưng in đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ XVII đến nay vẫn còn bảo tồn được.
            Hai bên trung điện là hai cửa nách thấp hẹp phải cúi đầu mới được đi lên Thượng điện, giữa Thượng điện trên hương án sơn son thiếp vàng là bức tượng Chiêu Trưng Lê Khôi bằng gỗ sơn son, nét chạm đẹp trang nghiêm phúc hậu.
            Hàng năm vào ngày 1, 2, 3 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ và hội đền Chiêu Trưng, trước ngày chính giỗ thường có trận mưa rào chiều hoặc tối mồng 1. Nhân dân trong vùng nói rằng đó là trận mưa “ tắm tượng” “ rửa đền” đón khách thập phương về tế lễ. Sau tế lễ có rước kiệu đua thuyền trên sông từ Mai Phụ đến Cửa Sót.
            Nguồn sưu tầm:
            http://www.hatinh.gov.vn/Home/index.asp?module=news&act=show&nid=163

            #6
              venus4t.vns_hnu 03.02.2009 22:03:18 (permalink)
              NGÃ BA ĐỒNG LỘC(HÀ TĨNH)
              ************

              Là chứng tích hùng hồn về cuộc chiến chống đế quốc Mỹ hết sức là ác liệt và quả cảm của nhân dân Hà Tĩnh là bản hùng ca chiến đấu và chiến thắng của tuổi trẻ Việt Nam.

              Ngã ba Đồng Lộc là một trọng điểm của tuyến đường Hồ Chí Minh. Tại đây, người Mỹ đã ném xuống 42.900 quả bom phá, 12.000 bom từ trường, 96 bom bi mẹ các loại, 94 quả rốc két. Quân và dân ta đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, đảm bảo giao thông thông suốt trong 8 năm liền (1964 - 1972), góp phần quan trọng để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng tại đây hàng trăm chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng. Sự hy sinh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một biểu tượng đẹp, một kỳ tích anh hùng và cảm động của tuổi trẻ Việt Nam.

              Ngày nay, ngã ba Đồng Lộc đã trở thành Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc. Từ một chiến trường ác liệt, ngã ba Đồng Lộc trở thành một trường học lớn về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu cho thế hệ trẻ. Từ ngã ba Nghèn lịch sử - nơi đặt tượng đài Xô - Viết Nghệ Tĩnh, đi theo tỉnh lộ 6 chừng 12km về hướng Trường Sơn, là tới ngã ba Đồng Lộc.


              Nguồn sưu tầm:

              http://www.hatinh.gov.vn/Home/index.asp?module=news&act=show&nid=162
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2009 22:10:25 bởi venus4t.vns_hnu >
              #7
                venus4t.vns_hnu 03.02.2009 22:16:21 (permalink)
                ĐÈO NGANG
                ***o0o***

                Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
                Cỏ cây chen lá đá chen hoa
                Lom khom dưới núi tiều vài chú
                Lác đác bên sông chợ mấy nhà
                Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
                Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
                Dừng chân đứng lại trời non nước
                Một mảnh tình riêng ta với ta
                (Bà Huyện Thanh Quan)


                Đèo Ngang ở trên núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256m, dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển, trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa, và nay là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Theo sử cũ thì đường thông qua Đèo Ngang đã có 1000 năm nay từ thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005) nhưng phải đến 500 năm đầu thì Hoành Sơn - Đèo Ngang mới được biết đến nhiều và trở thành điểm xung yếu chia cắt Đàng Ngoài - Đàng Trong. Từ thời vua Lâm ấp đã xây luỹ Lâm ấp để chống giữ quân Tấn thì đến thế kỷ XVII, quân Trịnh lại một lần nữa xây dựng một hệ thống đôn luỹ ở đây, gọi là luỹ Đèo Ngang hay luỹ ông Ninh.
                Kể từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc. Với vẻ đẹp thiên nhiên tạo cùng với những sự kiện bi hùng của hàng ngàn năm lịch sử, Đèo Ngang là thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung.
                Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4 m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.
                Dưới chân đèo về phía Bắc vốn xưa là cửa biển Xích Mộ. Cửa biển nay đã bị bồi lấp, nhưng bù lại, ngược lên phía Tây, cùng dưới chân đèo, mộ hồ khá lớn đã được xây dựng, quanh năm đầy nước.
                Ngược về phía Bắc đèo khoảng 3km là con Đèo Con, tuy thấp hơn nhưng lại nằm sát ngay trên biển Đá Nhảy. Gọi vậy vì ở đây một bãi đá khá lớn từ núi ăn lan ra biển, to nhỏ, nhấp nhô với rất nhiều hình dạng khác nhau. Sóng biển đập vào bãi đá, ta cứ có cảm giác đá và sóng cùng nhảy, cùng nô đùa với nhau để cùng nhau tận hưởng vẻ đẹp kỳ thú của rừng và biển.
                Và hình như ít nơi có được, suốt từ Đèo Ngang ra tận Đèo Con là một bãi thật đẹp, cát trắng mịn màng, trời cao, đèo cao và biển mênh mông… Theo quốc lộ 1 A đến với Đèo Ngang, Đèo Con bạn sẽ được ngắm nhìn non nước kỳ vĩ quê tôi và nghe kể chuyện một địa danh mà sử sách từ hơn ngàn năm trước đã ghi.

                Nguồn sưu tầm:

                http://www.hatinh.gov.vn/Home/index.asp?module=news&act=show&nid=161


                <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2009 22:17:50 bởi venus4t.vns_hnu >
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9