RE: Xin bài viết cho "Boat People Retrospective" tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 2 thán
-
03.02.2009 19:14:57
.
TƯỜNG TRÌNH VỀ BUỔI GÂY QUỸ CHO DỰ-ÁN
“Hành Trình Tìm Tự Do: Hồi Tưởng Câu chuyện Thuyền Nhân”
(“JOURNEY TO FREEDOM: A Boat People Retrospective”)
TẠI THƯ-VIỆN QUỐC-HỘI HOA KỲ
ngày 2 tháng 5, 2009
Bài tổng hợp và có sửa đổi
Tâm Việt – Thuyền Nhân
Chủ-nhật 4 tháng 1, 2009 do lời mời của tổ-chức Voice of Vietnamese Americans, khoảng 60 người hoạt-động vùng Virginia, Maryland, Hoa Thịnh Đốn, trong đó có nhiều anh chị em trẻ, đã đến mừng Xuân ở một tư-gia vùng Fairfax gần Annandale, trước hết là để gặp gỡ chia vui trong ngày đầu năm tây và sau là để bàn một vài dự-án có thể làm chung trong năm.
Nhân dịp này, bà Reme Grefalda, người lo về Sưu tập Tài-liệu Người Mỹ gốc Á-châu Thái-bình-dương thuộc Thư-viện Quốc-hội (Asian Pacific American Collection, Library of Congress), được mời nói chuyện về dự-án “Hành Trình Tìm Tự Do: Hồi Tưởng Câu chuyện Thuyền Nhân” (“JOURNEY TO FREEDOM: A Boat People Retrospective” Project) mà văn-phòng của bà đang cộng-tác với một số tổ-chức trong cộng-đồng Việt Nam nhằm ghi lại một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của người Mỹ gốc Việt, hầu trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Đã được bàn từ tháng 5-2008
Theo sự trình bầy của bà Grefalda, dự-án này đã bắt đầu được bàn thảo từ tháng 5 năm ngoái (2008) giữa bà và một số người trong cộng-đồng VN, với sự tiếp tay tích-cực của cô Nguyễn thị Ngọc Giao đại diện cho tổ-chức Voice of Vietnamese Americans. Cộng đồng Việt Nam tại mọi nơi trong và ngoài Hoa Kỳ đã nồng nhiệt cộng tác. Cho đến hôm nay, Dự Án nhận được sự tham gia của nhiều cá nhân và hội đoàn dưới đây:
TS Nguyễn Đình Thắng – Director, Boat People SOS,
GS Nguyễn Ngọc Bích – Chair, National Congress of Vietnamese Americans,
TS Lê Duy Cấn – Former Chair, Vietnamese Canadian Federation,
Sister Trương Mỹ Hạnh, Executive Director, Good Shepherd Services, Atlanta, GA,
Cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc - Founder and Director of the Viet Museum - Director, IRCC (Immigrant Resettlement & Cultural Center, Inc.) in San Jose,
Bà Madalena Lài & Bà. Diệp Fintland - Vietnam Culture House – Freedom Boat.
Kỹ Sư Trần Thành Đông – Văn Khố Thuyền Nhân – Vietnamese Boat People Archive.
Cô Lê Thùy Lan – National Alliance of Vietnamese American Service Agencies.
Ông Võ Thành Nhân – Chair of the International Central Committee of Vietnamese Scouting
Ông Nguyễn Long, President of the Mid-Atlantic Union of Vietnamese Students Associations (MAUVSA)
TS HaDo Conley, President, Vietnamese Association of Illinois (VAI)
Bà Kim Hà, Me Maria Radio Program
Bà. Lê Tống Mộng Hoa, Former Chair of Hội Quảng Đà
Ông Nguyễn Hữu Vinh, President, Westgate Realt
TS Amy Trang, University of Virginia
Cô Celine Duong - BPSOS
Cô Katie Thuc Nhi Đang, Lawyer, Berkeley
Ông John Duy An Nguyên, VP - IT Department, National Geographic
Cô Thuy Huong Evelyn Bui - Television Viêtnam in Hawaii
Ông Hoan Dang - President - The Maryland Vietnamese Mutual Association, Inc.
Mr. & Mrs. Lam Dang Chau - Trung Tam Viet Nam, Germany
Lý Minh Tân - President, Hội Sinh Viên Việt Nam New York, President, Democracy for Vietnam
TS Tạ Văn Tài – Harvard University – Advisor, Voice of Vietnamese Americans
TS Nguyễn Mạnh Hùng– George Mason University – Advisor, Voice of Vietnamese Americans
TS Đinh Xuân Quân – Advisor, Agriculture Ministry of Liberia – Advisor, Voice of Vietnamese Americans.
Nguyễn Thị Ngọc Giao – Voice of Vietnamese Americans
Theo Bà Reme Grefalda: “Người Việt đã có mặt ở Mỹ một cách đông đảo từ mùa Xuân năm 1975, cách đây cũng đã gần 34 năm. Văn-phòng của tôi có trách nhiệm thu thập những ‘tài-liệu gốc’ (original materials) từ chính những người làm nên lịch-sử nước này. Vì thế nên chúng tôi rất mong có những tài-liệu viết hay nói hay thu hình từ chính những người tỵ nạn Việt-nam, đặc-biệt các thuyền-nhân, do đó nên dự-án mới gọi là ‘Boat People Retrospective.’”
Tiếp lời bà Grefalda, ông Nguyễn Ngọc Bích góp ý: “Đây là một cơ-hội rất quý để cho chúng ta viết nên ‘lịch-sử do hàng nghìn người’ bởi để bảo quản những tài-liệu này, chúng ta không thể đòi hỏi những điều-kiện tốt hơn được. Những tài-liệu chúng ta đưa vào mà Thư-viện Quốc-hội Mỹ nhận sẽ nói lên những kinh-nghiệm sống của chính chúng ta mà không ai khác, như báo chí hay đối-phương, có thể xuyên-tạc được vì đó chính là lời chứng của bản-thân chúng ta. Thư-viện Quốc-hội sẽ lưu trữ những tài-liệu này cho con cháu chúng ta, cho những thế-hệ người Mỹ tương-lai, và cho lịch-sử Hoa-kỳ. Vì thế nên chúng tôi xin rất khuyến khích mọi người tham-gia đáp ứng lời kêu gọi của bà Grefalda, viết về mình, viết về gia-đình mình, đặc-biệt là kinh-nghiệm đi qua bao nhiêu hiểm nghèo để có thể ra khỏi VN, đi qua các trại tỵ nạn ở khắp Đông-Nam-Á, từ Nam-dương, Mã-lai, Thái-lan, Phi-luật-tân, Hồng Kông v.v., rồi mới sang được định cư ở Mỹ. Rồi những ngày đầu dựng lại sự-nghiệp ở xứ này…”
Dịp này, bà Grefalda đã trao tận tay mọi người lời “Mời Viết” [“Call for Papers”] để quý-vị nào có kinh-nghiệm đặc-biệt muốn chia sẻ, có thể gởi bài viết khoảng 3000 chữ. Hạn chót nộp bài là ngày 10 tháng 2, 2009. Xin gửi bài qua email về: glenguyen@gmail.com. Xin đề: LOC – Boat People Retrospective. Văn-phòng sẽ mời một ban duyệt lại các đề-tài để lựa chọn một số người có triển-vọng kể lại những câu chuyện thật hấp dẫn. Những tác phẩm hay sẽ được đưa vào Tuyển Tập “Boat People Retrospective” do chính Thư-viện Quốc-hội in và trình làng vào ngày 2 tháng 5 năm 2009 nhân dịp khai mạc Chương Trình “Hành Trình Tìm Tự Do: Hồi Tưởng Câu chuyện Thuyền Nhân” (“JOURNEY TO FREEDOM: A Boat People Retrospective” Project) đúng vào tháng 5 là Tháng Di-sản Người Mỹ gốc Á-châu Thái-bình-dương.
Một ngày dành riêng cho dự-án "Journey to Freedom: A Boat People Retrospective"
Tháng năm là tháng dành riêng cho Asian Pacific Heritage. Tháng này đặc biệt là tháng bắt đầu lịch sử của Thuyền Nhân Việt Nam, trên đường ra khơi đi tìm Tự Do, vào tháng 05, 1975. Nhân dịp này, bà Grefalda cho biết, Thư-viện sẽ dành phòng ốc để làm một ngày hội-thảo (dự-tính vào ngày mồng 2 tháng 5, 2009) về kinh-nghiệm đi tỵ nạn của người Việt chúng ta sang Hoa-kỳ. Ngày hôm đó, một số học-giả sẽ được mời để đọc hay thuyết-trình về cuộc di dân to lớn của người Việt sang Mỹ bắt đầu từ năm 1975. Và tác-giả của một số bài viết về kinh-nghiệm cá-nhân đặc-sắc cũng có thể sẽ được mời lên trình bầy.
Bên cạnh sinh-hoạt hội-thảo còn có một phòng triển lãm tranh về cuộc ra đi vĩ đại của các thuyền-nhân, những chuyến tàu đi cứu vớt, và cuộc sống của người tỵ nạn VN trong các trại ở Đông-Nam-Á, dùng hình chủ-yếu của Uỷ-ban Cứu người vượt biển và của một nhiếp-ảnh-gia người Phi-luật-tân về các trại Morong và Palawan. Đặc biệt còn có sự góp mặt của Con Thuyền Tự Do (The Freedom Boat) do Cô Madelenna Lài, Nhà Văn Hóa Việt Nam, không quản đường xa mang đến từ California. Dự Án cũng nhận được sự hỗ trợ của Văn Khố Thuyền Nhân, Việt Museum, và nhiều kỷ vật quý báu khác do cộng đồng Việt Nam từ mọi nơi đóng góp qua Sister Trương Mỹ Hạnh và nhiều cá nhân, hội đoàn khác.
Gần đây nhất, Dự Án còn nhận được từ nhà văn Nhật Tiến tác phẩm: Thuyền Nhân: Vài Trang Bi Sử, từ nhà văn Vũ Thụy Hoàng 3 tác phẩm: Rồng Vàng Vượt Biển, Quê Hương Thương Ghét, và Sài Gòn Tuyết Trắng. Ngoài ra, còn rất nhiều tác phẩm khác về thuyền nhân và người tỵ nạn Việt Nam đang được tiếp nhận và sẽ trình bày cùng đồng bào tham dự.
Vì tất cả những sinh-hoạt này đều cần tiền nên bà Grefalda có yêu-cầu GS Nguyễn Ngọc Bích đứng ra kêu gọi cộng-đồng chúng ta tiếp tay trong việc gây quỹ, ít nhất 25 nghìn đô-la để có thể hoàn-tất dự-án (chi-phí in ấn, kể cả một cuốn sách để đời do Thư-viện Quốc-hội đứng tên, tiền mời và lo cho các diễn-giả, chi-phí phòng họp và điện nước, an-ninh, chưa kể một bữa ăn cơm VN để đãi các tham-dự-viên v.v.).
Có lẽ vì những điều được trình bầy hôm đó xem ra có lý nên sau khi bà Grefalda và ông Bích dứt lời, sự hưởng-ứng đã tỏ ra khá nồng nhiệt.
Người đầu tiên hưởng-ứng là Tiến-sĩ Đinh Xuân Quân, cố vấn của Voice of Vietnamese Americans. Tiến Sĩ Quân đang làm việc ở tận Liberia bên Tây-Phi (West Africa), trong dịp ghé về Washington tham dự buổi họp mặt, đã cho biết “Đây là dịp chúng ta viết rõ lịch sử của người Việt tỵ nạn, vì rất nhiều tài liệu lịch sử đã bị bóp méo và viết sại.” Để nêu cao chính nghĩa này, Tiến Sĩ Quân đã bắt đầu cuộc gây quỹ bằng số tiền $1000. Sau đó, bà Lê Tống Mộng Hoa cũng xin “match” bằng $1000 nữa.
Cuối cùng, chỉ trong vòng có chừng 10 phút mà đã có tới 4 người góp một nghìn (ngoài ông Quân và bà Hoa còn có ông Vinh của Westgate Realty và nữ-luật-sư Lê Minh Ngọc). Ông bà Nguyễn Văn Khanh (nhà báo nổi tiếng) cũng đi một màn lả lướt góp 2 lần, thành 765 đô-la. Có khách ở xa đến, như Ông bà Lê Duy Cấn từ Ottawa, Canada, sang chơi hay Ông bà Lâm Đăng Châu, từ Đức sang, cũng góp phần mình. Chưa kể nhiều người khác, kẻ $50 người vài trăm. Tổng-cộng, trong có một nhóm nhỏ người hôm đó mà cũng đã thu được $6650.
Tuy nhiên, ngân quỹ dự trù để chương trình có thể thành công tốt đẹp cần đến $25,000.00, nếu chúng ta muốn có buổi triển lãm "Con Thuyền Tự Do" [ The Freedom Boat], do Cô Madelenna Lài của Nhà Văn Hóa Việt Nam phụ trách. Con Thuyền Tự Do là một thuyền tị nạn, ghé bờ Morong Bataan, sau khi tả tơi vì sóng gió, và đã được Phi Luật Tân cứu vớt. Tổng Thống Macros của Phi Luật Tân đã tặng con thuyền này cho Nhà Văn Hóa Việt Nam (Vietnamese Cultural House), đại diện là Cô Madelenna Lài. Cô Lài cùng thân hữu đã tự cố gắng gây quỹ và đưa con thuyền đi khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Gần đây nhất, vào tháng 8, 2009, Cô Lài đã cố gắng mang "The Freedom Boat" sang tận Hawaii. Với sự tiếp tay hỗ trợ của đồng bào Hawaii và Cô Thùy Hương Evelyn Bùi của Vietnam Television Hawaii, Thị Trưởng Hawaii là Ngài Mufi Hannemann, đã làm Proclaimation tuyên cáo ngày 30 tháng 8 là "The Freedom Boat Day" tại Hawaii. Hy vọng nếu chúng ta mang được "Con Thuyền Tự Do" đến Hoa Thịnh Đốn, triển lãm tại "Freedom Plaza", thì sẽ cố gắng vận động cho có một "Ngày của Thuyền Nhân" vinh danh "Hành Trình Tìm Tự Do" của thuyền nhân Việt. Để làm được việc này, chúng ta cần quyên góp thêm $10,000.00 nữa. Mong quý vị mạnh thường quân có nhiều hảo tâm vui lòng hỗ trợ. Xin xem chi tiết đóng góp ở cuối bài này.
Ngoài vấn đề gây quỹ, điểm quan trọng hơn tiền bạc là làm sao cho các bài viết của chúng ta có phẩm-chất, có giá trị lịch-sử đích-thực khi lưu trữ trong Thư-viện Quốc-hội để thành một di sản vô giá cho con cháu chúng ta ngày sau.
(Bài viết xin gửi về: glenguyen@gmail.com, xin ghi “LOC Boat People Retrospective,” hạn chót là 10 tháng 2, 2009)
* Quý-vị hảo-tâm muốn giúp tài-trợ dự-án “Boat People Retrospective” của Thư-viện Quốc-hội xin gửi ngân-phiếu về cho NCVA (National Congress of Vietnamese Americans, tức Nghị-hội), 6433 Northanna Dr, Springfield, VA 22150 (ĐT: 703 971-9178) và xin ghi rõ trong phần Memo: “LOC Boat People Retro.” NCVA là một công-hội bất vụ lợi có quy-chế 501(c) (3), tức người cho tiền có quyền tính miễn thuế.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2009 19:18:04 bởi ngày mai >