CHÙA MỘT CỘT
sen dat 01.01.2009 23:50:17 (permalink)
CHÙA MỘT CỘT VỚI VŨ TRỤ QUAN
 
(Tư liệu sưu tầm trong sách bình giảng văn học in tại Sàigòn trước 75)
 
Đại sư Huyền Quang học rộng xem nhiều, tinh thông đạo lý, tăng ni theo học Ngài có đến hàng ngàn.
Từ đấy Ngài cùng với Ngài Pháp Loa và Ngài Điều- Ngự- Giác- Hoàng ba vị Thiền sư danh tiếng của Việt nam xưa đi khắp trong nước thăm các chùa và danh lam để giảng kinh. Nhà vua có sắc lệnh cho được truyền những kinh phẩm và khảo văn của Đại Sư soạn ra mà thôi. Những lời ngự phê hay là giải thích của các khoa giáo đều qua tay Đại Sư Huyền Quang cả, mà không có thể thêm bớt được một chữ, Vua bèn cho khắc và in ra để truyền về sau. Sách ấy là “Chư Phẩm Kinh” và “Công Văn Tập”.
Một năm Đại Sư dâng biểu xin về làng làm chùa Đại Bi ở phía Tây nhà cũ rồi mở Pháp Hội trong bảy ngày, người bốn phương đến lễ bái có hàng vạn.
Sau Đại Sư đến chùa Thanh Mai sáu năm, rồi lên ở chùa Côn Sơn. Đến năm Đại-Trị thứ bảy (1334) mới tịch Được phong tên thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư đệ tam- đại, đặc phong Tự Pháp Huyền- Quang Tôn Giả.
Nay hãy bình giải bài thơ của Đại Sư vịnh chùa Một Cột còn ghi chép trong Việt-Âm Thi Tập hàng1-4 trang 20 quyển ba như sau:

 Phiên Âm
Thượng phương thu dạ nhất chung lan
Nguyệt sắc như ba phong thụ đan
Chi vấn đảo miên phương kinh lãnh
Tháp quang song trí ngọc tiêm hàn
Vạn duyên bất nhiễu thành giả tục
Bán điểm vô ưu nhỡn phóng khoan
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng
Ma cung Phật quốc hiếu sinh quan.

Dịch nghĩa
Trên phương trượng đêm màu thu tiếng chuông đã im lặng
Ngoài sân chùa ánh trăng thu như làn sóng trên ngọn lá bàng đỏ úa
Đầu kèo mái chùa Một-Cột có khắc đầu mỏ con chim cú để yểm lúc này phản chiếu xuống nước hồ trong như mặt gương lạnh mùa thu, tưởng như mỏ chim cú đang ngủ mê
Đôi tháp ngọn sáng ngời đứng song song đối lập, tưởng chừng như ngọn tháp cũng lạnh dưới làn sương thu
Đấy là ngoại giới, đến như nội giới của người đang ngồi thiền định thì bao nhiêu căn duyên nhân quả không còn quấy rối được nữa, ví như cái thành Thăng Long nó che ngăn hết cõi trần tục
Trong lòng bấy giờ một nửa điểm ưu phiền cũng hết,mà tầm con mắt mới mở rộng bao dung
Tinh thần tham gia thấu triệt đến cái chân tướng của mọi lẽ phải trái rút cục cũng ngang nhau bình đẳng. Mà con mắt hiếu sinh của Đức Phật từ bi bác ái nhìn xem thiên đường địa ngục hay Ma- cung Phật Quốcchỉ là hai phương diện của một thực thể tâm linh của Phật tính
 
Dịch Vần Lục Bát
Trên cao Phương trượng chuông tàn,
Ngọn bàng đỏ tía dưới làn trăng thu
Mái chùa in bóng gương hồ
Đầu kèo”Chi vấn” đảo mơ giấc thiền
Song song đôi tháp đứng nhìn
Ngọn cao đối chiếu ngọc trên lạnh lùng
Thành ngăn trần tục sạch không
Muôn duyên khôn quấy tâm trung định thần
Lo âu dã hết phân vân,
Rộng tầm thần nhãn lòng khoan với đời
Thị phi thấu triệt nguyên lai
Cũng trong sắc tướng không hai đâu mà
Cung- Ma Nước-Phật nào xa
Hiếu sinh mở lượng hải hà soi chung.
 
Bài thơ trên đây ông Trần Hàm Tấn tại trường Viễn đông Bác Cổ có tán rằng:
Nếu chúng ta đọc bài thơ tả cảnh của một Đại Thiền Sư ở thời đại nhà Trần tên hiệu Huyền- Quang chúng ta còn tưởng tượng thấy  ngôi chùa Một- Cột của thời đại ấy hơn nữa , và chúng ta thấy như nó hiện ra trước mắt vậy”
Trần Hàm Tấn “Chùa Một Cột”- Tạp chí Dân-Việt Nam số 3 trang 51-52
Một tác phẩm văn nghệ của một nhà Sư lấy đề tài là một tác phẩm Nghệ- thuật Tâm- Linh đặc biệt như chùa Một- Cột đủ tỏ cái tinh thần Nghệ Thuật cổ điển Việt Nam đã hợp nhất văn học, nghệ thuật với tín ngưỡng tâm linh, đúc thành một phiến thuần nhất là nhường nào. Tín ngưỡng này lại là tín ngưỡng của một nhà Thiền Sư mà tinh thần của Thiền lại là tinh thần Phật giáo Việt Nam hoá trước tiên ở Giao Châu trọng về mặt thực hiện nguồn sống tâm linh nội tại hơn là tin vào giáo lý. Một nhà Sư Nhật bản K.Nukariya nói về đạo thiền như sau:
“ Những kẻ thích gió trăng cảnh vật là những kẻ đã gần với tinh thần của Thiền Học. Cảnh vật có lối giải bày còn thanh tao hơn kinh sách ta muốn thấu hiểu nó thì không phải dùng cái trí sáng, cái luận lý hay thuần lý: Ta thấu hiểu là thấu bằng con mắt của Thần- thức, con mắt của tâm- linh, con mắt của linh hồn ta đó. Muốn thấu cảnh vật ta phải cảm thông chứ không phải chỉ quyết đoán, ngắm nhìn chứ không phải tính toán, có tình chứ không phải phân tích, ta phải thấu triệt  cho chắc chắn, cho trọn vẹn chứ không phải khen chê, giãi bày, lừa lọc, ta phải dùng đến ánh sáng của trực- giác mà thông suốt cái vỏ ngoài của mọi vật để đi thẳng vào nội tâm của chúng.
Một vị Thiền Sư Nhật còn nói rằng :
“Lá rụng hoa rơi và cuộc đâm bông trổ trái giãi bày với ta đạo lành của Phật” “Anh muốn được trong sạch và yên tĩnh chăng? Hãy tìm đến cảnh vật trăng hoa chẳng hẹp gì với anh, anh muốn ít mà được nhiều. Anh muốn có sức lực với lòng kiên nhẫn chăng? Hãy tìm đến cảnh vật. Nước non sẽ tập luyện và hun đúc cho anh. Anh muốn có cái cao vọng chăng? Hãy tìm đến cảnh vật. Rừng sâu sông rộng sẽ tiếp  giúp anh được mãn nguyện. Anh muốn được minh tâm kiến tính được giác ngộ chăng? Hãy tìm đến cảnh vật. Nước mây sẽ dang tay ra đón anh và độ cho anh tới đích.”
Đây chẳng đúng như cụ Đồ Chiểu đã nói đấy ư?

Nước trong rửa ruột sạch trơn
Một câu danh lợi chẳng sờn lòng đây

Quả nhiên bài thơ trên  kia đã biểu lộ được rõ ràng minh bạch tinh thần của Thiền Tôn vậy
Tác giả mượn cảnh để tả cái trạng thái biến hoá của tâm lý lúc ngồi tham thiền nhập định của Phật Giáo Thiền Tôn chỉ chú trọng  vào cái điểm giác ngộ của Phật Thích Ca khi ngồi dưới gốc Bồ Đề . Chính đấy là điểm tối chính yếu của Phật giáo nói riêng và của tất cả các nền tôn giáo chân chính nói chung. Vì đấy là một thực kiện tâm- linh thực nghiệm đáng để cho người ta tin.
 
Chú thích:

Chùa Một Cột: còn có tên khác là Diên Hựu hoặc Liên Hoa đài. “Đài hoa sen”. Chùa ở Hà Nội, chỉ có một gian xây dựng lần đầu 1028 theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ, dựng cột đá như trong chiêm bao còn toà sen của Phật Bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng. Đời Trần đã sửa lại chùa Diên Hựu năm 1249
Huyền Quang (1254-1334) tên thật là Lý đạo Tái quê làng Vận Tải huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh. Đỗ tam khoa giáo đời Trần Thánh Tông pháp danh Huyền Quang.


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/49776/E233991A32EE4273BFE95786EA689FA8.jpg[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.04.2009 06:24:27 bởi Ct.Ly >
Attached Image(s)
#1
    sen dat 12.04.2009 01:06:44 (permalink)
    Nỗi oan của nhà sư

     
    Huyền Quang  tôn giả tên thực là Lý đạo Tái quê ở làng Vạn Tải huyện Gia Định (Gia Bình) tỉnh Bắc Ninh sinh năm 1254 mất năm 1334 năm 19 tuổi đỗ khoa Tam giáo đời vua Trần Thánh Tông [1]. Năm 1317 sư Pháp Loa lúc sắp lâm chung đem y bát của Điều Ngụ Giác Hoàng ( tức Trần Nhân Tông) đã truyền cho mình mà truyền lại cho Lý Đạo Tái.  Từ đó Lý được gọi là Huyền Quang tôn giả về tu ở núi Yên tử và trở thành vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm (tổ thứ nhất là Trần Nhân Tông tổ thức hai là Pháp Loa). Lý là người hay chữ có tiếng, vua Anh Tông đã từng khen: “phàm những văn từ đã qua tay Tôn Giả thì một chữ cũng không thể bớt, một chữ cũng không thể thêm”

    Một lần muốn thử đức độ của nhà sư, vua sai chọn một cung nữ tên là Nguyễn thị Điểm Bích nhan sắc tuyệt vời lại có tài thơ phú cho đến thăm sư và nhờ sư xem lại một tập thơ văn. Vua dặn hễ làm cho sư động tình được thì phải nài xin lấy một lạng vàng để về làm tin vì trước dó vua có tặng sư ba lạng vàng.

    Điểm Bích là một người con gái đẹp người xấu nết gian ngoan thâm độc. Thị đến núi YênTử gặp một đêm Huyền Quang mải ngâm thơ tới khuya chưa  ngủ liền lọt vào phòng giở trò trêu ghẹo. Nhưng huyền Quang cự tuyệt thét mắng đuổi ra. Sáng hôm sau Điểm Bích lại lập mưu khác: thị vào lạy lục khóc lóc với nhà sư nói hôm qua sở dĩ liều lĩnh như vậy vì thị đang lâm vào một tình trạng rất nguy cấp: bố thị mắc oan sắp bị xử tử nếu không có ba lạng vàng đút lót cho quan để giảm án xuống thì sẽ bị hành hình nên thị phải tính kế vụng dại là hiến thân cho Tôn Giả để có dịp kể rõ sự tình sau. Huyền Quang nghe xong thương tình liền mở tráp lấy cả ba lạng vàng vua cho mình mà sẽ không bao giờ dùng đến đưa cho Điểm bích

    Được vàng rồi Điểm Bích hí hửng trở về kinh đô tâu rằng:” Tôn Giả không phải là người tốt. Tiếng đạo đức xưa nay của Tôn Giả chẳng qua là ngoa truyền bằng chứng là đây!” Rồi thị chìa ba lạng vàng của Huyền Quang (tức là của vua)cho vua xem. Điểm Bích nói thêm:
    “Thiếp đến thì thấy Huyền Quang tiếp đón niềm nở khác thường Tôn Giả mời cùng ăn cơm cùng uống rượu đến tối mời cùng xem trăng ngâm thơ Tôn đã làm tặng thiếp một bài thơ như sau:

    Vằng vặc trăng mai ánh nước
    Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
    Người hoà tươi tốt cảnh hoà đẹp
    Mâu Thích Ca nào thú hữu tình

    Rồi Tôn Giả mời thiếp vào phòng riêng đến sáng thì cho thiếp ba lạng vàng này và dặn thiếp phải hết sức giữ kín”

    Vua Anh Tông là người nóng tính nghe chuyện nhìn vàng lại thấy bài thơ đầy giọng phong tình lả lơi và có vẻ báng bổ Phật giáo như vậy tức thì nổi giận đùng đùng xuống lệnh đuổi Huyền Quang ra khỏi chùa. Được tin nhân dân địa phương nhao nhao phản đối. Vì chính nhân dân địa phương đã thấu rõ nỗi oan của sư

    Bấy giờ người ta có câu hát:
    Dù mà tát cạn Bình Than
    Rửa làm sao sạch tiếng oan cho thầy?

    Số là đêm hôm Điểm bích về Yên Tử một bà mẹ trong làng, nhân con ốm nặng định đến gọi cửa chùa xin sư thuốc uống như dân làng xưa nay vẫn làm đối với Tôn Giả: vừa vào đến nơi thì nghe trong buồng sư có tiếng nói xẵng, bà mẹ không dám vào nữa mà đứng núp nghe thì ra sư Huyền Quang đang cự tuyệt thái độ khêu gợi của một ả con gái rất đẹp Cuối cùng bà thấy sư giận quá chộp lấy giá gỗ để đèn ném vào người cô ả dầu xối vào loang lổ cả chiếc yếm…Thấy vậy bà đành đi về và sáng hôm sau đem câu chuyện lúc đêm kể cho tất cả dân làng cùng biết ai nấy đều thán phục đức độ của Tôn Giả nay nhân dân nghe chuyện Tôn Giả bị đuổi ra khỏi chùa thì rất bất bình liền phái một đoàn lên ngay kinh đô xin bái yết nhà vua để trình bày sự thật đi đầu là bà mẹ có con ốm Nghe xong sự việc vua Trần Anh Tông cho tra hỏi lại Điểm Bích. Người ta tìm được cả chiếc yếm lấm đầy dầu của thị
    Vua vừa giận Điểm Bích vừa thương Huyền Quang lập tức thân hành về núi Yên Tử xin lỗi Tôn Giả và phong cho làm quốc sư còn thị Bích thì vua cho triều đình xử tội giảo giam hậu [2]. Sau đó tra hỏi kỹ thì ra bài thơ kia chính là Điểm Bích đã sáng tác ra để vu khống Huyền Quang.

     
    Chú thích:

     [1] Tương truyền nhà sư nghèo, lúc chưa thành đạt hỏi con gái làng chả ai thèm gả. Đến khi sư đỗ trạng các nhà quyền quý mới tranh nhau gả con gái cho. Đời sau có câu hát: “Khó khăn thì chẳng ai nhìn; Đến khi đỗ trạng chín nghìn nhân duyên”

    [2] Tội thắt cổ nhưng còn được giam để chờ xét lại.
     
    Tư liệu trích từ  cuốn “Giai Thoại Văn Học Việt Nam” do Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch sưu tầm và biên soạn trang 23 – Nhà Xuất Bản Văn học 2001.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.04.2009 06:25:12 bởi Ct.Ly >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9