Kiêu Hãnh Và Thành Kiến
Thay đổi trang: << < 45 | Trang 5 của 5 trang, bài viết từ 61 đến 63 trên tổng số 63 bài trong đề mục
nguyen_jt 04.01.2009 14:47:20 (permalink)
0
Kiêu Hãnh Và Thành Kiến
 
Nguyên bản tiếng Anh: Pride and Prejudice
Tác giả: Jane Austen
Dịch giả: Thu Trinh
Nhà Xuất Bản: Văn Hoá Sài Gòn - 2008

 
CHƯƠNG 61
 
     Ngày hạnh phúc nhất trong đời bà Bennet là ngày bà gả chồng cho hai cô con gái xứng đáng nhất của mình. Khỏi đoán cũng biết, niềm hãnh diện đó cũng bao gồm cả việc từ giờ trở đi bà sẽ được đến thăm viếng đứa con gái giờ đây đã được gọi là bà Bingley, và nói chuyện với đứa con gái giờ đây được gọi là bà Darcy. Sự hoàn tất tâm nguyện trang trọng nhất của bà trong việc gả chồng cho các con gái đã tạo một tác dụng đáng mừng, nó giúp bà trở nên một người tế nhị, đáng yêu và hiểu biết hơn trong những năm còn lại của cuộc đời. Mặc dù có thể nói đó là điều may mắn cho chồng bà, thế nhưng ông Bennet lại là người không thích gia đình bị thay đổi, do đó với ông bà lúc nào cũng vẫn là một người hay lo lắng và ngu ngốc.
    Ông Bennet nhớ đứa con gái thứ hai của mình rất nhiều, tình thương nồng nàn ông dành cho Elizabeth là lý do khiến ông thường rời nhà đi thăm con hơn bất kỳ những lý do nào khác. Ông rất thích đi thăm Pemberley, nhất là vào những lúc mà không ai ngờ ông sẽ tới.
    Bingley và Jane chỉ ở lại Netherfield vỏn vẹn một năm. Cho dù Bingley là người có tính tình dễ dãi, hay Jane là người có trái tim tràn đầy tình cảm đến đâu đi nữa, sống trong một vùng quá gần với mẹ và những người thân ở Meryton cũng không phải là điều ai cũng muốn. Niềm ước muốn của hai chị em gái Bingley cuối cùng cũng được toại nguyện. Bingley mua một ngôi nhà ở vùng Derbyshire cách chỗ Elizabeth ở chừng ba mươi dặm. Việc hai chị em Jane và Elizabeth chỉ ở cách nhau như vậy khiến họ càng thêm vui vẻ.
    Kitty vì muốn tận hưởng những lợi lộc về vật chất nên đã dành hầu hết thì giờ của mình qua lại sống chung với hai chị. Việc được giao thiệp với một xã hội thượng lưu mà trước kia cô chỉ có khái niệm chung chung đã khiến Kitty tiến bộ rất nhiều. Kitty không còn khó quản thúc hay khó dạy bảo như Lydia trước kia nữa. Vì đường sá xa xôi đi lại bất tiện, cô đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Lydia và không còn bắt chước theo Lydia nữa. Nhờ được chăm trông nom và giáo dục một cách đúng đắn hơn, Kitty ngày càng trở nên bớt cáu kỉnh, hiểu biết và sinh động hơn. Mặc dù Lydia vẫn thường mời Kitty tới thăm và ở lại chơi với mình, kèm theo lời hứa hẹn dẫn đi các buổi dạ vũ để gặp những thanh niên, nhưng ông Bennet không bao giờ cho phép Kitty được đi.
    Mary là cô con gái duy nhất còn ở với cha mẹ, vì vậy cô đương nhiên bị bà Bennet lôi kéo theo bà khiến cô không có thì giờ theo đuổi của những kỳ vọng của mình. Mary đã nghe lời chịu cởi mở và hòa hợp hơn với đời sống bên ngoài, tuy nhiên vẫn không bỏ thói quen giảng luân lý mỗi đi thăm. Mary không còn cảm thấy mất sĩ diện khi bị so sánh về sắc đẹp giữa cô và các chị em gái, ông Bennet đoán rằng cô đã chịu thay đổi và không cảm thấy khó chịu nữa.
    Về phần Wickham và Lydia, tính nết của hai người cũng chẳng cải thiện gì sau cuộc hôn nhân của hai chị. Wickham cho rằng chắc hẳn giờ đây Elizabeth đã biết rành rọt những việc bội ơn và những lời giả dối của chàng trước đây. Dù vậy, Wickham cũng không khỏi hy vọng Darcy sẽ bị Elizabeth thuyết phục để giúp đỡ cho chàng thêm tiền của. Lá thư của Lydia gửi cho Elizabeth chúc mừng cuộc hôn nhân của chị đã khiến Elizabeth thấy rằng, nếu không là Wickham thì ít nhất cũng là Lydia, họ thật sự đang mang hy vọng được giúp đỡ. Lá thư được viết như sau:

     “Chị Lizzy thân yêu,
     “Em chúc chị được vui vẻ. Nếu chị yêu anh Darcy bằng một nửa em yêu anh Wickham thì chị chắc chắn sẽ rất hạnh phúc. Chị quá giàu, như vậy em sẽ có chỗ nương tựa. Những lúc chị không có gì để làm em hy vọng chị sẽ nghĩ tới tụi em. Em tin chắc rằng Wickham rất mong muốn có được một việc làm ở trong triều, và em cũng nghĩ rằng tụi em thật không đủ tiền để sống nếu không có sự giúp đỡ. Chức nào cũng được, kiếm chừng ba bốn trăm Bảng một năm. Tuy nhiên nếu chị không thích hỏi xin anh Darcy thì cũng không sao, xin đừng hỏi”.
     “Em của chị”

     Elizabeth thật sự không muốn hỏi xin Darcy. Trong thư trả lời, nàng đã cố gắng tìm cách nói làm sao để hai người đừng nài nỉ hay mong ngóng như vậy nữa. Nói vậy, nhưng Elizabeth cũng vẫn giúp đỡ hai người trong phạm vi khả năng của mình. Nàng có thói quen để dành tiền riêng và thường xuyên dùng tiền này gửi cho hai vợ chồng Wickham. Tuy nhiên Elizabeth đã nhận thức được rõ ràng rằng họ khó có thể tự sống được bởi cách ăn xài phung phí của cả hai, đã vậy họ còn không hề ngó ngàng lo lắng gì tới tương lai. Mỗi khi Wickham và Lydia thay đổi nhà ở, thế nào họ cũng hỏi xin Jane hoặc Elizabeth giúp đỡ tiền thanh toán những hóa đơn thiếu nợ. Ngay sau khi hoà bình đã lập lại, Wickham được giải ngũ trở về đời sống dân sự không phải di chuyển theo quân đoàn nữa, lối sống của hai vợ chồng họ vẫn cực kỳ bất ổn. Họ dọn nhà từ nơi này đến nơi kia để tìm một chỗ ở rẻ hơn và vẫn luôn tiêu xài nhiều hơn số tiền kiếm được. Tình yêu của Wickham dành cho Lydia nhanh chóng tan biến trở thành dửng dưng không tình cảm, còn tình yêu của Lydia dành cho Wickham kéo dài được một thời gian lâu hơn. Dù cho đang ở vào tuổi trẻ bồng bột và với tính nết như vậy, Lydia vẫn một lòng chung thành với chồng.
    Darcy vẫn chưa thể chấp nhận được sự hiện diện của Wickham ở Pemberley, nhưng vì Elizabeth, chàng đã chịu giúp đỡ Wickham tiến thân trên đường sự nghiệp. Thỉnh thoảng khi Wickham đi London hay Bath, Lydia ghé đến thăm gia đình Elizabeth. Cùng với gia đình Bingley, họ ở lại chơi rất lâu đến nỗi ngay người có tính tình vui vẻ như Bingley cũng không thể chịu được, chàng phải tìm cách nói mách khóe cho họ ra về.
    Caroline cảm thấy rất mất mặt về cuộc hôn nhân của Darcy. Tuy nhiên vì muốn được tiếp tục đến thăm viếng Pemberley, cô ta đã khôn ngoan gác bỏ đi hết mọi oán giận để trở nên gần gũi với Georgiana hơn, quay lại quan tâm đến Darcy như trước và cố đền bù lại những món nợ về sự lễ độ lịch sự với Elizabeth trước kia.
    Pemberley bây giờ cũng trở thành nhà của Georgiana. Sự gắn bó giữa Georgiana và Elizabeth chính là điều mà Darcy mong ước. Hai chị em đều thương yêu lẫn nhau. Georgiana rất kính trọng Elizabeth, mặc dù lúc đầu khi lắng nghe hai người nói chuyện cô đã vô cùng kinh ngạc về cách diễn đạt sống động, hay đùa cợt của Elizabeth đối với anh trai mình, người mà cô luôn luôn kính trọng đến nỗi không dám bày tỏ tình cảm của mình. Georgiana giờ đã bắt đầu được chứng kiến những sự cởi mở thoải mái. Đầu óc của cô có được sự hiểu biết mà trước kia cô chưa bao giờ được tiếp xúc. Với sự hướng dẫn của Elizabeth, Georgiana bắt đầu hiểu rằng một phụ nữ có thể có những thái độ tự do với chồng mình. Tuy nhiên những thái độ đó có thể sẽ không được chấp nhận cho một cô em gái có người anh lớn đến hơn mười tuổi.
    Phu Nhân Catherine rất phẫn nộ về cuộc hôn nhân của cháu trai mình và bà không ngại để lộ tính tình ăn nói thẳng thừng trong lá thư trả lời Darcy khi chàng báo tin đám cưới. Bà lăng mạ xỉ nhục hai vợ chồng một cách tồi tệ, nhất là Elizabeth, và trong một thời gian đã cắt đứt tất cả quan hệ với hai người. Tuy nhiên sau đó ít lâu, do Elizabeth khuyến khích, Darcy đã cố gắng gạt bỏ mọi xúc phạm của phu nhân và chịu hòa giải với dì. Sau cùng, có thể do lòng yêu thương của bà dành cho Darcy hay cũng có thể vì tò mò muốn biết xem vợ chàng sẽ cư xử ra sao, phu nhân Catherine cũng bằng lòng bỏ qua. Bà đã hạ mình đến thăm vợ chồng Darcy ở Pemberley dù bà cho rằng nơi đó đã bị ô uế không những bởi người nữ chủ nhân mà còn bởi cậu mợ của nàng từ thủ đô tới chơi.
    Đối với gia đình Gardiner, Darcy và Elizabeth luôn giữ tình thâm giao thắm thiết. Hai vợ chồng rất thương yêu ông bà và tỏ lòng biết ơn đối với người đã có công mang Elizabeth đến Derbyshire để số mạng đưa đẩy họ được sum họp.

HẾT
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.01.2009 15:48:43 bởi nguyen_jt >
#61
    nguyen_jt 05.01.2009 11:37:30 (permalink)
    0
    Tiểu sử nữ văn sĩ Jane Austen
    (1775-1817)
     
            Jane Austen là một nữ văn sĩ nổi tiếng của Anh. Tiểu thuyết của bà thường viết về đời sống của tầng lớp trung lưu vùng nông thôn Anh cuối thế kỷ thứ 18 đầu thế kỷ thứ 19 và chú trọng phản ánh những vấn đề trọng đại của phụ nữ thời đó, chẳng hạn như giáo dục, hôn nhân, giai cấp và xã hội. Lời văn của bà mang tính châm biếm dí dỏm, thường chứa đựng những triết lý và quan niệm về đời sống. Bà sáng tác không nhiều, trong số các tác phẩm của bà, sáu tiểu thuyết được coi là tác phẩm lớn có giá trị văn học và trở thành những tác phẩm cổ điển, đó là Northanger Abbey (Tòa nhà Northanger Abbey), Sense and Sensibility (Lý trí và Tình cảm), Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và Thành kiến), Mansfield Park, Emma và Persuasion (Thuyết phục). Ngày nay tiểu thuyết của Jane Austen vẫn được in và dịch lại nhiều lần trên toàn thế giới. Nhiều trường đại học lớn lấy các tác phẩm của bà làm đề tài thảo luận và nghiên cứu cho sinh viên. Các nhà sản xuất phim ở Anh và Hollywood cũng thường chuyển thể các tác phẩm của bà thành phim.
            Jane Austen sinh ngày 16 tháng 12 năm 1775 ở làng Steventon, Hampshire, Anh. Bà là con thứ bảy trong một gia đình tám người con và là con gái thứ hai trong số hai chị em gái. Cha của bà, George Austen, là một mục sư. Lợi tức hàng năm của ông cũng thuộc vào loại khá (khoảng 600 Bảng Anh một năm), nhưng như vậy cũng không phải là giàu có. Lúc còn nhỏ, Jane được giáo dục chủ yếu ở nhà và hầu như không hề rời khỏi gia đình. Bà có một thời niên thiếu hạnh phúc. Thời thơ ấu, các anh chị em trong nhà thường viết và đóng kịch với nhau. Ngay khi còn là một cô bé, Jane đã được khuyến khích viết văn. Bà đọc rất nhiều sách. Phòng sách lớn với khoảng 500 tựa sách của cha bà đã cung cấp tài liệu cho Jane Austen viết những vở kịch trào phúng ngắn ngay từ khi còn là một cô bé.
            Jane Austen viết quyển tiểu thuyết đầu tay vào năm 14 tuổi, Love and Friendship. Những năm đầu của tuổi hai mươi, bà đã viết những tiểu thuyết mà sau này bà sửa lại và xuất bản dưới tựa đề Sense and Sensibility, Pride and Prejudice và Northanger Abbey. Sau đó bà viết tiểu thuyết The Watsons nhưng chưa hoàn tất.
            Khi còn trẻ, Jane Austen thích khiêu vũ và dạo bộ, hai môn đã được bà mô tả thường xuyên trong các tiểu thuyết của mình. Bà thích sống ở nông thôn và có rất nhiều bạn ở vùng Hamsphire. Khoảng gần cuối năm 1800, cha bà đột ngột quyết định để lại căn nhà đang ở cho con trai, chuyển vợ và hai con gái về sống hưu trí ở Bath. Cuộc di chuyển này đã gây tác động tinh thần lớn cho Jane vì bà thật sự không muốn dọn đi. Bốn năm sau đó là khoảng thời gian khó khăn cho Jane, bà ghét đời sống xô bồ của thành phố lớn và lúc nào cũng tưởng nhớ về cuộc sống ở vùng quê cũ. Sau khi cha qua đời năm 1805, mẹ và hai chị em bà đã trải qua tình trạng thiếu thốn tiền bạc và phải sống nhờ vào người anh trai trong gia đình. Cũng trong khoảng thời gian này, Jane bắt đầu có tình yêu, nhưng không may người thanh niên này đã sớm qua đời khiến bà vô cùng đau buồn. Sau đó, tuy không hề yêu, nhưng bà đã chấp nhận lời cầu hôn của Harris Bigg-Wither, trẻ hơn bà sáu tuổi, là anh của một người bạn và là một chủ đất giàu có. Thế nhưng bà đã thay đổi ý định ngay vào sáng hôm sau. Chuyện này đã gây cho bà nhiều tai tiếng và bực mình.
            Sau khi cha qua đời, mẹ và hai chị em gái bà dọn về Southampton ở chung nhà với vợ chồng một người anh làm trong ngành hải quân. Ở đó bà thỉnh thoảng có dịp đi London và ở lại chơi với một người anh khác, Henry, đang làm ngân hàng rất khá. Trong thời gian ở Bath bà viết rất ít, khi ở Southampton thì bà hoàn toàn không viết gì cả.
            Tháng 7 năm 1809, người anh trai khác, Edward, đã dành một căn nhà nhỏ trong khu nhà của ông ta cho mẹ và hai chị em Jane Austen về ở. Lúc này bà lại có dịp dọn về vùng nông thôn Hampshire yêu thích trước kia. Căn nhà tuy nhỏ nhưng thoải mái và có rất nhiều vườn tược, điểm quan trọng nó là nơi định cư chắc chắn giúp bà an tâm tiếp tục viết. Trong bảy năm rưỡi sống trong căn nhà này, bà sửa lại Sense and Sensibility và Pride and Prejudice, sau đó xuất bản chúng năm 1811 và 1813. Quyển tiểu thuyết Mansfield Park ra đời năm 1814, sau đó là Emma năm 1816 và bà hoàn tất Persuasion (được xuất bản chung với Northanger Abbey năm 1818, một năm sau khi bà qua đời). Không quyển tiểu thuyết nào xuất bản trong thời gian bà còn sống để tên Jane Austen. Chúng đều được bà ký dưới bút hiệu “Được Viết Bởi Một Phụ Nữ” (“By a Lady”). Mùa đông 1816 Jane Austen bắt đầu viết tiểu thuyết Sanditon, nhưng bệnh tật đã khiến bà không hoàn tất được.
            Jane Austen bị bệnh thận và không thể đi lại được, bà thường đi ra ngoài bằng xe lừa kéo. Đến năm 1817, bệnh tình của bà càng trở nên trầm trọng, chị của Jane Austen, Cassandra phải cùng bà dọn đến mướn phòng trọ ở Winchester để được gần bác sĩ. Tuy nhiên lúc đó y khoa chưa có cách chữa trị căn bệnh này và Jane Austen đã qua đời trên tay của chị gái mình vào sáng sớm ngày 18 tháng 7 năm 1817, lúc đó bà vừa tròn 41 tuổi và chưa từng lập gia đình.
    #62
      Ct.Ly 06.01.2009 04:17:07 (permalink)
      #63
        Thay đổi trang: << < 45 | Trang 5 của 5 trang, bài viết từ 61 đến 63 trên tổng số 63 bài trong đề mục
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9