Những viên sỏi bên lề cuộc sống
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 19 bài trong đề mục
YesMan 06.01.2009 23:07:32 (permalink)
Đi bộ trên đường, đôi khi ta gặp những viên sỏi nhỏ, nhiều hình dạng và màu sắc. Đôi khi, ta dừng lại và nhặt lên xem...thích thú, rồi sau đó vứt chúng lại trên đường hay mang theo trên tay trong chốc lát.
Nhưng trong hành trình đi suốt cuộc nhân gian của một kiếp người, mấy ai nhận thấy rằng, bên lề cuộc đời ta có vô vàn viên sỏi nhỏ mà ta gọi là kỷ niệm. Có ai nhặt chúng và đặt vào một góc tâm hồn, để ngày nào đó, khi không còn hơi sức bươn chải trong cõi đời ô trọc, ta trút chúng ra nhìn ngắm, để nhớ về một quãng đời không chỉ có bướm và hoa.
Hồi còn sinh tiền, ba tôi có nói với tôi: "Người ưa nói về quá khứ là người hiện tại không có việc gì để làm và trong đầu không có kế hoạch nào trong tương lai". Điều đó đúng với tôi hiện tại, vì tương lai sắp tới thật là vô định...
Thôi thì ta nhặt từng viên sỏi trong quá khứ ra để lau chùi kỷ niệm và đặt vào từng ô thích hợp. Vì hồi tưởng và ghi lại trực tiếp trên ngăn kéo internet, nên những kỷ niệm này không theo bất cứ một thứ tự nào về không gian, thời gian; và được đánh số từng đoạn ngắn theo những gì chợt nhớ lại.
Có thể đến ngày nào đó thật sự rảnh rang, tôi sẽ hệ thống hóa lại cho có vẻ văn chương một tí. Chứ giờ đây, chúng ta nên coi đây chỉ là lời lẽ lẩn thẩn của kẻ đang mộng du trong cõi trần vô định.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.01.2009 21:54:03 bởi YesMan >
#1
    YesMan 06.01.2009 23:16:50 (permalink)
    1.
    Người phụ nữ đầu tiên tôi yêu
     
    Tôi biết yêu rất sớm!
    Từ lúc 12 tuổi tôi đã yêu. Trời ạ!
    Người tôi yêu lớn hơn tôi 10 tuổi và là cô giáo dạy văn của tôi.
    Lúc tôi học lớp 7 và sau ngày tựu trường độ hơn tháng, thầy On dạy văn đưa đến lớp cô Th. và nói rằng từ nay cô sẽ dạy môn văn thay cho thầy. Cô mới ra trường và lớp tôi là nhiệm sở đầu tiên cô nhận, lúc đó là tháng 9 năm 1972.
    Hôm đó, theo thời khóa biểu thì tổ tôi "trần thuyết" chuyện ngắn "Đại dương trong lòng con ốc nhỏ" của nhà văn Duyên Anh, và tôi là thuyết trình viên chính trong tổ. Không hiểu bài thuyết trình của tôi có gây xúc cảm nào không, mà cuối buổi tôi thấy mắt cô long lanh ướt và cho cả tổ điểm số gần như tuyệt đối 19/20.
    Sau đó, cô rất quan tâm tới tôi. Nhớ lại hồi đó, tôi phát âm ngọng ngịu, không thể uốn lưỡi được vần R mà chỉ toàn G; hay tất cả nguyên âm  tôi đều cho xếp chung thành Ă hết. Chính cô là người sau mỗi tiết học bảo tôi ở lại, và cô luyện uốn lưỡi cho tôi từng từ, từng ngữ.
    Quả thật, trong mắt tôi lúc đó, ngoài má tôi ra, cô là người phụ nữ tuyệt diệu nhất. Hỏi vậy làm sao không yêu cho được?
    Cô chu đáo và tinh tế với học sinh. Tôi nhớ mãi cuối năm lớp 7, khi đi lãnh thưởng cuối năm, vì ham giỡn nên áo tôi bị sứt một cái nút, khi cô thấy đã kêu tôi cởi chiếc áo đó ra và cô ngồi lấy kim chỉ ra tra lại cho tôi chiếc nút đó, ngay dưới bục sân khấu lãnh thưởng.
    Hơn nửa đời người trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh đó.
    Sau này, tôi nghiệm ra rằng, chỉ bởi một hành động chăm sóc đúng lúc, hình ảnh một người phụ nữ sẽ không bao giờ phai nhòa trong lòng người khác phái. Hay do tôi là một người đa cảm?
    Có lẽ vậy! Vì tôi yêu cô câm lặng và đơn phương, nhưng không kém phần nồng nhiệt. Hồi đó, tôi đọc truyện "Vách đá cheo leo" của Đinh Tiến Luyện; trong truyện có nhân vật nữ trùng tên với cô và nhân vật này chịu nhiều thiệt thòi, chỉ có vậy mà nằm trên giường, tôi vừa đọc vừa khóc vì...thương cho thân phận của cô.
    Năm đó, cô góp vào phần thưởng cho tôi quyển "Chánh tả phân minh" của Hoàng Lan, và quyển sách kỷ niệm này đi theo tôi từ đó đến nay, cho dù tôi vẫn còn luôn lẫn lộn giửa dấu hỏi và dấu ngã.
    Đầu năm 1974, cô có chồng và theo định cư tại Pháp, vậy là từ đó đến nay, 35 năm, tôi không biết được chút tin tức nào về cô.
    Hình ảnh người phụ nữ đầu tiên tôi yêu là vậy đó, nhưng người được yêu mãi mãi không biết rằng mình là kẻ bị yêu.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.01.2009 21:58:12 bởi YesMan >
    #2
      YesMan 07.01.2009 11:40:26 (permalink)
      2.
      Bửa điểm tâm của sói và phụ lưu sông Hồng hà

      Sao lại thế nhỉ? Hai chuyện này có liên quan gì đến nhau, mà hai viên sỏi lại nằm kề nhau vậy?
      Năm đó, tôi được 9 hay 10 tuổi gì đấy và ba tôi cho tôi đi Hướng Đạo sinh. Những em mới vào được gọi là sói con, mới vào chưa mở mắt rồi đến mở từ từ 1 mắt xong 2 mắt, rồi sói cứng cáp và biết ăn. Bữa ăn đầu tiên của sói gọi là bữa điểm tâm. Thực ra, bữa điểm tâm là dịp một sói trưởng thành trước chỉ bảo lại cho sói mới những nghi thức hướng đạo căn bản. Nhưng lúc đó tôi đâu có biết, chỉ nghĩ rằng bữa điểm tâm cho sói chắc là ngon và lạ miệng lắm.
      Cũng năm đó, tôi được trường tiểu học chọn đi thi "Đố vui để học", do tỉnh trưởng tổ chức tại nhà hội đồng trên tỉnh. Thầy Ích cũng là một giáo viên và là huynh trưởng đội hướng đạo nơi tôi sinh hoạt, bảo tôi lên nhà thầy sớm để dùng "điểm tâm của sói" luôn, sau đó thì qua tỉnh thi đố vui lúc 7 giờ tối.
      Tới ngày đó, tôi náo nức vì bữa "điểm tâm" đến mức gần như bữa trưa tôi không ăn gì, dành bụng để chiều đến nhà thầy. Chưa 5 giờ tôi đã đến và chơi với anh Hùng, con của thầy và là lớp sói đàn anh. Nhà thầy ăn cơm và cô có bảo tôi ăn, nhưng tôi lại thoái thác nói là "con ăn ở nhà rồi", mà trong bụng thì chờ coi cái bữa điểm tâm nó ra làm sao.
      Kết quả là khi tôi bước vào phòng thi "đố vui để học" thì bụng tôi réo sôi lên vì...đói.
      Thể lệ cuộc thi là mỗi thí sinh bước lên bục, chọn cho mình 1 gói câu hỏi treo trên cây ở giữa hội trường, rồi ngồi giữa bục sân khấu trả lời từng câu do ban giám khảo hỏi. Mỗi gói có 10 câu hỏi, và các bạn lên thi trước tôi hầu hết tới câu thứ 5, thứ 6 là tịt.
      Tôi còn nhớ đến câu thứ 8 dành cho tôi thì câu hỏi là: " Phụ lưu của sông Hồng hà là những sông nào?". Câu này thì quá dễ, nhưng không hiểu vì đang đói quá hay vì run bởi ngồi trước quá đông khán giả, mắt tôi hoa lên và thay vì trả lời sông Đuống và sông Luộc thì tôi lại đáp: "Dạ thưa, là sông Đà và sông Lô". thầy giám khảo thấy vậy thương tình mới nói: "Em trả lời có chút nhầm lẫn đó, cho phép em nói lại". Đầu óc tôi nghe lùng bùng và tôi trả lời như cái máy: "Dạ thưa, là...sông Bến Hải ạ", cả hội trường vang ầm tiếng cười và tôi thì gục xuống bàn...xỉu.
      Tuy không đạt giải cao, nhưng phần thưởng được trao khá nhiều và nặng. Vì thế, thầy lấy xe đưa tôi về nhà, trên đường thầy hỏi han tại sao tôi lại ngất trên bục thi; thế là tôi thỏ thẻ kể lại cho thầy nghe về mong đợi "buổi điểm tâm cho sói" của tôi.
      Thầy cười ngất vì suy nghĩ ngu ngơ của tôi và phán một câu xanh rờn: "Sao em không hỏi? Nhút nhát như em sau này lớn lên chắc ế vợ quá!"
      Tiên đoán của thầy giáo cũ và cũng là huynh trưởng hướng đạo của tôi, có lẽ sai hoàn toàn! Vì chỉ hơn 30 năm sau, đứa bé nhút nhát ngày ấy, lại ngồi nhậu nhẹt với những tay giang hồ ngang tàng nhất tại ngã ba biên giới Thái - Ai Lao - Miến Điện, nơi những người khách yếu bóng vía không bao giờ dám đặt chân đến, và ... con thì có khắp bán đảo Đông dương.
      Sau này, khi nào xem một chương trình thi hỏi đáp trên ti vi, tôi đều nhớ lại phụ lưu của sông Hồng Hà (còn gọi là Nhị Hà); dường như con sông này gắn với số mệnh của tôi thì phải!
      Ôm bụng đói và không còn sức lực để bước vào một cuộc thi, có khác chi, khi tôi ôm nỗi cô đơn trong tâm hồn để bước vào vòng tay của nhiều người đàn bà.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.01.2009 12:56:09 bởi YesMan >
      #3
        YesMan 09.01.2009 09:30:09 (permalink)
        3.
        Bài học vỡ lòng
         
        Sắp đến tuổi đi học thì má tôi cho tôi vào trường cô Bầu, giống như nhà trẻ ngày nay, do các Sơ nhà thờ dạy; tuy rằng nhà tôi theo đạo Phật chứ không phải công giáo. Tôi học ở đây tới lúc chuyển ra trường công thì vào thẳng lớp 3 luôn, dù học trước 1 năm nên phải ngồi học lớp ba tới...2 lần cho đủ tuổi.
        Tôi thuận tay trái, do đó khi bắt đầu tập viết thì tay tôi bị đánh bầm dập te tua luôn, vì cứ quen cầm viết bằng tay trái. Các Sơ vô cùng nghiêm khắc nên bài học đầu tiên tôi phải nhận là: Phải bị đau đớn để làm cho mình...giống mọi người. Sau này lớn lên, tôi thấy có nhiều người trên thế giới, họ viết hoặc vẽ bằng tay trái thì cũng tốt đó thôi, đâu có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới.
        Chính lối rèn giũa con người theo một khuôn mẫu như vậy, đã khiến người Á Đông chúng ta rất khó có sáng kiến, vì mỗi khi có suy nghĩ khác với nếp nghĩ thường có thì bị mọi người chung quanh dè bỉu chê trách.
        Nhưng dù sao cũng rất mang ơn các Sơ, đã huấn luyện cho tôi cầm viết bằng tay phải; dù trong đời tôi luôn làm mọi việc khéo léo hơn khi làm bằng tay trái, trừ một việc, đó là cầm viết.
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.01.2009 11:12:32 bởi YesMan >
        #4
          YesMan 10.01.2009 18:27:41 (permalink)
          4.
          Tôi là hướng đạo sinh
           
          Có lẽ kỷ niệm đẹp nhất thời niên thiếu, chính là thời gian tôi đi hướng đạo.

          Dù tôi tham gia chỉ 4-5 năm (vì sau 1975 thì chính quyền mới không cho hướng đạo được hoạt động nữa), trong vai trò chú nhóc "sói con" và là "thiếu" trong một thời gian ngắn, nhưng những gì học được trong thời gian đi hướng đạo đã giúp ích cho tôi rất nhiều sau này, cũng như tinh thần hướng đạo cho tôi khả năng đương đầu trước mọi thử thách cam go nhất.

          Tôi thích nhất là bức hình một hướng đạo sinh lưng mang ba lô, tay chống gậy và mang trên mình các vật dụng cần thiết của một hướng đạo sinh, đang gò lưng leo dốc, đặc biệt nằm trên ba lô là chiếc thuyền độc mộc nhỏ, dưới tấm hình là hàng chữ "Hãy tự mang lấy gánh nặng của bạn".
          Tấm hình này được in trên bìa quyển "Cẩm nang hướng đạo", dịch từ sách của BP (Baden Powell) người sáng lập phong trào hướng đạo.

          Lúc đó hàng tuần tôi sinh hoạt tại liên đoàn Quang Trung, thuộc đạo Hoa Lư tại Sài Gòn. Mỗi sáng chủ nhật đều "cắm trại" tại một địa điểm nào đó ở ngoại ô để cùng nhau vui chơi. Nghi thức đầu tiên là chào cờ, hát quốc ca, sau đó là hát và chào cờ hướng đạo. Bao nhiêu năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in bài tráng ca khi chào cờ.
          "Nâng cao lá cờ hướng đạo nhuộm oai hùng sáng ngời, ta cùng nhau dựng xây đời mới, vui tươi hát ca đi trên con đường lạ, chúng ta nguyện thẳng tiến xông pha. Anh em ta rèn cánh tay sẵn sàng, anh em ta rèn trái tim vững vàng, chúng ta nguyện kiên tâm tiến lên. Hướng đạo Việt nam khó khăn coi thường, hướng đạo Việt nam hiểm nguy không sờn, luôn luôn ta bền gan rèn tâm hồn trong sáng, mong cho nước non nhà sau này sáng tươi, cho nước Việt muôn đời xứng danh lạc hồng".
           
          Hướng đạo sinh khi gặp luôn bắt tay nhau bằng tay trái, vì là tay gần tim hơn. Và khẩu hiệu là <Hướng đạo sinh> <Sẵn sàng>, do đó anh chị em hướng đạo sinh luôn đối xử trên tinh thần thương yêu, giúp đỡ nhau. Sau hơn 20 năm từ lúc không còn trong đoàn hướng đạo, tôi có dịp gặp lại vài anh chị em ngày xưa và mọi người ai cũng còn giữ tinh thần ấy.

          Người hướng đạo sinh từ lúc còn là sói, đã được học thắt nút dây, đánh tín hiệu morse..., lên thiếu sinh thì được học các kỹ năng "mưu sinh thoát hiểm". Đặc biệt, hướng đạo sinh được dạy không phải căm thù ai hết, dù đó là kẻ thù của mình; mà trong luật hướng đạo qui định hướng đạo sinh có nhiệm vụ phải giúp đỡ mọi người, bất cứ là ai và bất kỳ lúc nào.
          Ngày cắm trại thì các đoàn giao lưu với nhau, cùng nhau ca hát và chơi nhiều trò chơi thú vị mà giờ đây không tài nào nhớ hết; chỉ nhớ trò chơi "tìm mật thư" cũng có nhiều kỷ niệm vui, lúc khác có thời gian sẽ kể...Những bài tráng ca hướng đạo luôn có âm điệu hào hùng và ý nghĩa, như bài "Cùng đi":
          "Cùng đi lay Trường sơn, cùng đi xoay Hoành sơn, cùng đi biến đồng hoang ra lúa non. Người thanh niên Việt nam quay về với xóm làng, với ruộng đồng, với mẹ cha..."
           
          Lâu lâu lại có những đêm "họp bạn" và "đốt lửa trại", vui không thể tả.
          Mọi người quây quần quanh đống lửa thật to, tay nắm tay nhau hát..."Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung. Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng. Giăng tay nhau nhảy vòng quanh lửa hồng trong khói xanh gió đưa bốc cao, và cùng nhau hát vang lừng ta đốt lửa cho xóa tan bóng đêm. Anh em ta đùa vui ca hát, phỏng người đời như ta được bao...". Nhờ những dịp họp bạn này, mọi người từ nhiều nơi có dịp làm quen và kết bạn với nhau.

          Không phải chỉ vui chơi cắm trại hay họp bạn thôi đâu nhé! Sinh hoạt hướng đạo dành phần lớn thời gian đi làm vệ sinh đường phố, đi giúp đỡ những gia đình nghèo khó hay gia đình thương binh tử sĩ...Mùa hè 1972, trong khói lửa của Bình long, An lộc...những gia đình chạy tị nạn chiến tranh về tạm cư ở Phú lợi, đã được bọn hướng đạo sinh chúng tôi đến giúp đỡ nhiều việc.
          Nói chung, tuy không có nhiều thời gian trong phong trào hướng đạo, nhưng tôi đã được học nhiều điều, để có thể giữ tư cách làm người. Dù quá khứ đã xa xăm, nhưng tôi vẫn tự hào nói rằng: Tôi là một hướng đạo sinh.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.01.2009 21:44:13 bởi YesMan >
          #5
            YesMan 28.04.2009 22:38:29 (permalink)
            5.
            Rất nhiều hòn đá tảng

            Chủ ý đi nhặt tìm những viên sỏi kỷ niệm trong tiềm thức, nhưng khổ cho thân tôi, lại nhìn thấy vô vàn tảng đá của những kỷ niệm buồn.
            Vì vậy, mấy tháng nay tôi không muốn viết tiếp trang hoài niệm này.
            Nhưng vì một thôi thúc từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi quyết định nhớ lại và viết tiếp. Viết về quá khứ u buồn và biết bao quyết định sai lầm trong đời, chắc chắn là điều không dễ dàng gì; nhưng có lẽ, nó là cách giãi bày dễ dàng nhất với người mình đang rất quí mến...
            Ngày 30 tháng 4 năm 1975, là ngày mà như ông cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: " Có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn". Tôi không nằm trong số triệu người vui hay buồn ấy, vì lúc ấy tôi chỉ là đứa trẻ vị thành niên, chưa có công trạng hay tội ác gì với cách mạng. Nhưng chính bởi ngày "giải phóng miền nam" này mà cuộc đời tôi đi theo một con đường khác, đầy nhọc nhằn và khổ nhục.
            Chính đoạn đường đời, từ ngày 30/4/1975 còn 2 ngày nữa là tròn 34 năm, là đoạn đường chất đầy đá tảng đè nặng hồn tôi. Có lúc tự an ủi rằng mình cũng có chút thành công hơn so với bạn cùng lứa, nhưng thật ra, cả lớp tuổi chúng tôi đều bị thiệt thòi và mất mát quá nhiều.

             
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 29.04.2009 16:33:15 bởi YesMan >
            #6
              YesMan 08.05.2009 00:08:53 (permalink)
              6.
              Xác chết của người Việt có màu gì?

              Ngày 30/04/1975 tôi nhìn thấy rất nhiều xác chết trên đường, nhưng đó không phải lần đầu tôi nhìn thấy xác chết.
              Lần đầu tiên tôi nhìn thấy xác chết nằm trên đường là trước đó vài năm. Sau một cuộc hành quân của quân đội quốc gia vào rừng Cò Mi, lính kéo về 3 xác người nói là việt cộng và phơi xác nằm nơi ngã ba đường xa lộ, nơi đông người qua lại. Trong đó có một là nữ độ hơn 20 tuổi, nhưng bị lột trần truồng và nằm phơi xác loã thể như vậy. Bọn trẻ con chúng tôi cũng hùa theo những người tò mò đến xem, nhưng tình trạng vậy không được lâu. Chỉ hơn tiếng sau thấy ông cha xứ nhà thờ, cùng vài ông nữa trong đó có ông hiệu trưởng trường tôi học, sau này mới biết gọi là giới "thân hào nhân sĩ", ra tới và nói chuyện với đám lính sao đó, mà lát sau các xác chết được đắp lại bằng chiếu, dù rằng cũng để nơi đó tới bữa sau mới cho đem chôn.
              Nhắc lại chuyện này để so với việc để xác chết đến hôi thối ngày 30 tháng 4 ngay trên đường phố là một việc nhẫn tâm của chánh quyền cách mạng. Lúc đó nhiều người dân tình nguyện đứng ra lo đem chôn, nhưng mấy ông cách mạng 30/4 đeo băng đỏ ngăn lại và biểu chờ lịnh từ cấp trên. Vậy là mấy chục cái xác chết phải chịu phơi nắng mấy ngày tới sình thúi lên mới được đem chôn, khiến trong mấy ngày không ai dám ra đường ban đêm.
              Mà những người lính này chết không phải do giao tranh, mà đang trên đường tháo chạy về Sài Gòn trong buổi sáng ngày 30/4 và bị phục kích, vì nơi tôi ở tương đối yên ổn trong thời đó.
              Việc này tạo một ấn tượng xấu đối với những người tự xưng là vào "giải phóng" cho chúng tôi. Vì lúc đó tuy còn nhỏ, nhưng tôi cũng quan sát được những người lính chết trên đường kia, cũng có màu da không khác gì những anh chị việt cộng bị chết mấy năm trước.
              Có khác chăng là bộ quần áo họ bắt buộc phải mặc trên người, nếu không muốn bị loã thể.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.05.2009 00:41:49 bởi YesMan >
              #7
                YesMan 11.05.2009 22:33:58 (permalink)
                7.
                Nghĩa mẹ ai cũng giữ, nhưng mấy ai nhớ đến công cha

                Mấy lúc đi cùng má tôi về chùa, trước là lễ Phật, sau là thăm cốt của ba tôi được gởi thờ tại đây sau khi thiêu.
                Tôi để ý thấy mọi người, dù thiện nam hay tín nữ, đều thành tâm khấn vái nơi bệ thờ đức Quán Thế Âm bồ tát, hơn là nơi đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Có lẽ do tâm tưởng mọi người ăn sâu ý nghĩ, xin xỏ người mẹ việc gì cũng dễ dàng được cho hơn.
                Thời bọn tôi còn nhỏ, mọi người đều nằm lòng câu:
                Công cha như núi Thái Sơn
                Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
                Một lòng thờ mẹ kính cha
                Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
                Nhưng về sau này, cái công cha ngày càng bị xem nhẹ, trong khi người cha, thực tế, để kiếm miếng ăn cho cả gia đình, ngày một khó khăn hơn.
                Khi đứa con đủ lông đủ cánh bước vào đời, thì người quyết định cho sự nghiệp của nó là cán bộ tổ chức hay trưởng phòng nhân sự của một công ty. Khi tự kiếm sống được rồi, những đứa trẻ chưa thành người này luôn nghĩ rằng chính bản thân mình tạo nên được cuộc sống.
                Tôi cũng đã từng vấp sai lầm này, cho đến trước khi tôi có con. Lúc này mới thấm thía công lao của cha, thì cũng không còn được bao thời gian đền đáp công ơn của người.
                "Nước mắt chảy xuôi - Lỗ mũi ngó xuống", vì vậy cuộc đời này là một vòng luẩn quẩn khép kín. Ta vay của cha bao nhiêu thì rồi đây mấy đứa con cũng hỏi mượn ta bấy nhiêu mà thôi.
                Chợt nhớ lại quyết định của ba lúc còn sống, ông nhất định biểu khi ba chết thì đem hoả thiêu. Lúc đó cũng hơi thắc mắc vì đất thổ mộ nhà còn nhiều mà sao ông lại muốn vậy. Sau này phải nhìn nhận rằng ông quá sáng suốt. Hoả táng vừa sạch sẽ, hợp vệ sinh, lại không bị ông nhà nước qui hoạch đuổi chạy phải cải táng, chưa kể phòng ngừa trường hợp con cháu so bì nhau việc tảo mộ hàng năm.
                Sau này tôi chết cũng quyết định hoả thiêu, và mang tro cốt rải xuống sông. Tôi cũng không muốn lê mảnh xương tàn vào ngồi trong chùa nghe kinh làm gì, thấy tù túng quá!
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.05.2009 17:48:42 bởi YesMan >
                #8
                  Vui Vẻ 15.05.2009 15:28:13 (permalink)

                  "Nước mắt chảy xuôi - Lỗ mũi ngó xuống", vì vậy cuộc đời này là một vòng luẩn quẩn khép kín. Ta vay của cha bao nhiêu thì rồi đây mấy đứa con cũng hỏi mượn ta bấy nhiêu mà thôi.


                  ngày trước ba của vui vẻ cũng nói như YesMan vậy ! vừa nói mà vừa chảy nước mắt ! vui vẻ cũng nhận ra được điều đó, nhưng vui vẻ không thích trả lại cho con cháu mà chỉ muốn đền đáp chăm sóc lại cho ba má thôi ! Nhưng cuộc sống này có rất nhiều chuyện mình muốn nhưng không thể nào làm được nữa !

                  #9
                    Ct.Ly 15.05.2009 16:03:25 (permalink)
                    #10
                      Quynh 15.05.2009 20:32:16 (permalink)
                      Q cũng được ba nói thế ! cũng như "sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó" mình đối với cha mẹ, mọi người thế nào thì sau này con cái sẽ đối xử với mình cũng như thế ....

                      ....người cha nào cũng thế khi nhìn thấy những đứa con mình hết lớp này đến lớp khác lớn lên bao giờ cũng hạnh phúc mà chắc nhìn thấy con người khác cũng sẽ như thế ...
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.05.2009 20:38:36 bởi Quynh >
                      #11
                        BlackRose 26.07.2009 21:23:31 (permalink)
                        Tôi nghĩ rằng không nên sống quá nhiều với quá khứ mà phải biết hướng tới tương lai. Đúng là khi nhìn về tương lai tôi thấy vô định và mịt mờ, nhưng ko ai đoán trước được rồi điều gì sẽ xảy ra vì cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ mà....
                        #12
                          Ái Khanh Hà 01.08.2009 22:33:48 (permalink)

                          Nhưng về sau này, cái công cha ngày càng bị xem nhẹ, trong khi người cha, thực tế, để kiếm miếng ăn cho cả gia đình, ngày một khó khăn hơn.


                          Có thể vì đa phần những người đàn ông chưa làm được chữ "Trách nhiệm" trong gia đình như những gia đình khác, mỗi gia đình mỗi cảnh, đèn nhà ai nấy rạng, v.v...

                          Những người họ tôn vinh được 1 cái gì khác vì họ thấy rằng điều đó or ng đó vĩ đại trong tầm mắt của họ. Và tất nhiên là điều ngược lại, 1 người sống cho gia đình và 1 người sống chỉ cho bản thân thì sẽ có những gia đình ấm áp hay hỗn độn bi kịch cho xã hội....!


                          #13
                            YesMan 26.10.2009 18:58:35 (permalink)


                            Ai cũng có một nơi đã sống và để nhớ…dù trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời, vì dấu ấn của nó khó phai nhòa trong trí nhớ.

                            Tôi cũng có một nơi như vậy, dù nơi đó không phải là quê hương bản sở gì cả; chỉ là nơi tôi đến để theo học trung học chuyên nghiệp trong 2 năm tại trường Thương nghiệp Vũng Tàu…

                            Tôi xin viết bài thơ cho sóng,
                            từ đất liền gởi biển rộng bao la,
                            để mai này mình có phải chia xa!
                            Còn nhớ mãi trường Thương trên đất Vũng…

                            (1979)

                            Thời đó (1979-1980) còn bao cấp nặng nề, đời sống mọi người ai cũng khổ cực nên “thằng nhà quê” tôi xách cái đệm bàng đi xe đò từ dưới Long Xuyên ra đến Vũng Tàu mà không ai thấy lạ! Chớ bây giờ mà xách bị đi như vậy dám bị mọi người tránh xa vì sợ… bị móc túi!!!

                            Mất gần hai ngày mới ra tới nơi, dù quãng đường chưa tới ba trăm cây số; vì tham gia XHCN (xếp hàng cả ngày) để có được vé xe đò qua ba chặng LX-CT- SG-VT. Tới nơi tôi hầu như hết hơi vì đói và khát ( trời ơi,con đường đi tìm tri thức hay đúng ra là kiếm cần câu cơm) của thanh niên thế hệ 6x sao mà nhiều mồ hôi và… nước miếng (vì đói) đến như vậy…

                            Bù lại, nhờ làn gió biển mát và lạ làm tôi cũng an ủi đôi phần. Thằng tôi nào giờ hưởng gió đồng thì phủ phê chớ gió biển có được hưởng bao giờ đâu, nên nghe gió biển nó mát… hơn gió nhà, và… mặn nữa! (tưởng tượng ra thôi, chứ mặn thiệt có nước chết khát).

                            Sinh viên vô trường được nhà nước nuôi cơm ngày ba bữa, hằng tháng lại có lương, dù chỉ có mười mấy đồng. Và mỗi tháng được mua nhu yếu phẩm như xà bông kem để giặt đồ…, thuốc lá Hoa Mai nữa chứ, bởi vậy tụi tui ghiền thuốc lá là nhờ nhà nước “quan tâm và giúp đỡ” chứ không thì làm gì có tiền mua thuốc hút mà ghiền!

                            Được mấy bữa ăn không ngồi rồi là tới tháng học…lao động! Ái chà, tội cho mấy đứa con gái nào giờ có biết đào ao cuốc đất gì đâu, bây giờ xắn quần xuống móc sình thấy dễ thương ác…, đây là cơ hội cho mấy anh chàng Don Kihote thời đại ra sức o bế mấy nàng; cũng hổng phải tốt lành gì, mà tranh thủ cơ hội làm quen để ăn cơm chung ( mấy nàng mắc cỡ nên ăn ít), vậy là… tèn tén ten.

                            Đúng ra thì cũng vài mối tình bàn cơm trở thành tình bãi biển. Chiều chiều sau buổi lao động, mấy đôi kết nhau cùng lang thang trên bãi Chí Linh để làm…gì, có trời biết! Ăn uống kham khổ thiếu thốn, vậy mà tình yêu lúc nào cũng có chỗ dung thân; bởi vậy cho nên… bây giờ nước ta mới phải đối mặt với nạn nhân mãn…

                            Khu Chí Linh nơi trường chúng tôi làm rẫy, lúc đó phải đi từ Rạch Dừa vào,  hầu như toàn cát và cát… mọc những chòm dương biển ken dày, trừ những vạt có pha đất thì người ta trồng khoai lang hay bầu bí… Mà ngộ lắm, thấy sát mé biển vậy chứ đào xuống chừng hai mét là có giếng nước ngọt, nhờ vậy mới có nước để trồng trọt chớ! Vun giồng khoai ở đây cũng hổng giống ai hết, dẫy cỏ độn giữa rồi vun đất lên mà đất gì bời rời như cát; trời nắng mà không tưới chừng một bữa là dây lang héo queo như bị luộc. Hồi đó dân miền đông bị đói, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đầu tôi lại nghỉ tại… hổng biết làm rẫy nên đói là phải! Thật tức cười.

                            Bãi Chí Linh lúc đó còn hoang sơ và sạch sẽ lắm, trên bãi có loài sò nhỏ tí, nhiều màu. Các cô bạn học mê lắm, gom về cả bịch và vài ngày sau thì không ai chịu nổi cái…”hương biển” này! Hết phong trào lụm ốc tới gom rong biển về chất đầy cho khô rồi… vụt. Đúng là trò chơi trẻ con…

                            ***

                            Và tôi cũng có một mối tình… nho nhỏ tại nơi này.

                            Nói là mối tình cho ra vẻ vậy thôi! Chứ thực ra chỉ dám để ý “người ta” nhưng… lời không dám ngỏ.

                            Nàng thuộc dạng hoa khôi của lớp, quê TN. Lúc đó tôi chỉ dám ngắm và… làm thơ. Còn nhớ lúc đó làm bài thơ tặng em mà mẫu tự đầu mỗi câu ghép lại thành tên của nàng.

                            Vơ vẩn nhìn mây bay,
                            Ôm khối tình trong tay.
                            Não nùng trên bãi vắng,
                            Gởi lòng trong đắng cay

                            Ơi này! Cô em nhỏ,
                            Có hiểu nổi lòng anh.
                            Dùng dằng không muốn thức,
                            Ươm mộng đẹp vì em.

                            Ơi người đẹp, ta mê nàng…
                            Nhưng lời không dám ngỏ!
                            Gởi gắm nỗi lòng trong mấy vần thơ.

                            Ngây ngô và dại dột vậy đó…, nhưng cũng làm nàng cảm động, và chúng tôi có những ngày chúa nhật cùng nhau dung dăng dung dẻ suốt từ bãi Sau qua Ô Quắn với con tàu sắt bị mắc cạn, đi vòng ven biển qua bãi Trước với bờ kè xi măng trước khách sạn Thắng lợi…

                            Qua bãi Dâu với những tảng đá to bằng cái nhà, bên trên cây cối um tùm. Khi mỏi chân chúng tôi chui xuống ngồi nghỉ, nghe sóng biển vỗ vào bờ đá ì ầm, xao xuyến dữ lắm nhưng lời ILL không dám ngỏ… chỉ dám xem nhau là bạn thân.

                            Hè năm thứ nhất, tôi còn dám theo về quê nàng,

                            Anh đi cùng em về quê xưa,
                            đường quanh cây trúc lá đong đưa…


                            Chỉ vậy thôi…, và vẫn không dám ngỏ lời.

                            Đến năm sau thì tôi phải bỏ học, vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, khốn khó!

                            Đành rời xa VT, với mối tình đầu của tôi, với vùng biển nhiều sóng và gió…

                            Ơi cô gái Vũng Tàu da ngăm vì sương gió!
                            Có cặm sào trên bến đợi đò xưa?
                            Hay cô sợ đời tôi mãi đong đưa?
                            Trôi đi mãi không trở về bến cũ.


                            ……

                            Và mãi gần 25 năm sau, tôi mới có dịp trở lại thăm VT với người xưa, cảnh cũ.

                            Nhưng người xưa giờ ở nơi nao?

                            Cảnh vật cũng thay đổi quá nhiều, con đường mới mở chạy vào khu Chí Linh ngày ấy, ven đường nhiều tòa chung cư đang mọc lên. Nhà cửa đẹp hơn, đường xá khang trang nhiều… Không thể nhìn ra cảnh cũ!

                            Tôi ngồi tại resort Biển Đông, nơi ngày ấy bọn trẻ chúng tôi gom rong bắt ốc; giờ đã là khu du lịch đẹp đẽ, sang trọng. Nhiều cặp tình nhân tay trong tay qua lại…

                            Chạnh lòng, tôi cảm thán câu thơ của Thế Lữ:

                            Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu.
                            (Thế Lữ)

                            Than ôi! Thời tuổi trẻ nay còn đâu.
                            (Lyenson đạo thơ để…than thân)

                            Đoạn kết:

                            Năm 2006 trên đường từ PhnomPenh về VN, ngang SvayRieng, tôi ghé vào uống nước 1 quán ven đường. Thấy cô chủ quán có vẻ quen quen, nên hỏi thăm, ngờ đâu là người ấy trong bài viết trên…

                            Nàng có chồng là sỹ quan biên phòng, và sang Campuchia lập nghiệp hơn 10 năm nay, giờ đã… 8 đứa con (hic)

                            Qua phút giây bủi ngủi bùi ngùi, nàng e dè …thả câu:

                            - Hồi đó em …thương anh lắm! Mà anh nhát quá, phải chi….

                            Ừ, phải chi…

                            Về nhà, tôi kể lại chuyện này với cô bạn online, cô bạn cười khanh khách và type:

                            - Phải chi anh mà lấy được nàng, chắc giờ anh còn… khốn nạn hơn!

                            Phải à nghen, thà tình lỡ dỡ vậy mà giờ đây tôi có cái để nhớ và để…viết. Chứ tưởng tượng cảnh tôi và nàng cùng bầy con 8 đứa bên Campuchia, chắc… CHẾT CÒN SƯỚNG HƠN.

                            (Post này là 1 bài dự thi cho cuộc thi "Viết về nơi bạn từng sống" trên diễn đàn ttvnol.com, với nick lyenson - năm 2007)
                            #14
                              YesMan 26.10.2009 19:03:08 (permalink)


                              Chuyện tình...tê tê


                              Trước khi lập gia đình vào năm 21 tuổi, tui đã kịp có vài mối tình...con nít lẫn tình "con nít tập làm người lớn". Bởi tui đã "dại dột" đánh mất đời con trai từ năm 17, nhưng entry tiếp theo này tôi muốn kể về mối tình dẫn đến 1...đám cưới.
                              Bởi vì nói gì thì nói, người con gái từng mang danh "vợ tui" - duy nhất - và dù bây giờ không còn là vợ nữa, cũng xứng đáng được xếp đầu danh sách "Những người phụ nữ xé nát đời tôi".

                              So ra, cuộc tình dẫn tới hôn nhân của tui hổng có lãng mạn tẹo nào, so với những cuộc tình lăng nhăng sau này hoặc trước đó.

                              Tới đây phải kể lại đôi chút về "tay nghề sự nghiệp" của tui mới dễ hiểu. Vốn tui biết làm ăn kiếm tiền rất sớm, con nhà nghèo mà...! Sau 75, điện đóm thiếu hụt nên nghề làm bình điện accu và nạp điện (charge accu) rất ăn tiền. Tui mày mò tự học làm accu từ lúc còn học phổ thông và đã vừa đi học vừa làm kiếm tiền lúc đang học ở Vũng Tàu. Sau chuyến vượt biên bất thành và hết vốn, tui về quê mở tiệm charge accu và làm bình điện bán để tự sống và phụ giúp ba má chút đỉnh.
                              Năm 1981, ông anh kết nghĩa ngoài VT nhắn tui ra hùn mở tiệm làm accu cho tàu vượt biên. Nên tui sang đồ nghề cho 1 người vừa mở tiệm làm bình ở gần nhà nàng (vợ tui sau này), với điều kiện phải đến truyền nghề.
                              Tui ok, nhưng sau 1 tháng, nắm được sơ sơ bí quyết thì tay này trở mặt không mua số đồ nghề của tui. Lúc đó đồ nghề tui sắm được chỉ phần điện, tức dynamo và dụng cụ làm accu, phần quan trọng là máy kéo vẩn chưa có, lúc ở quê nhà cũng phải hùn với 1 người khác bỏ máy nổ ra mới mở tiệm được.

                              Buồn cho thế thái nhân tình, vừa buồn vì không bán được dynamo thì vốn đâu mà ra VT làm với ông anh...! Tui lang thang như kẻ bất đắc chí, đi ngang nhà máy xay lúa thấy để bảng bán 1 máy dầu yanmar, liền quẹo vô và trổ tài "du thuyết" để thuyết phục ông chủ nhà máy dùng cái máy dầu này...hùn với tui mở tiệm charge bình.
                              Cuộc thương thảo thành công ngoài sự mong đợi, khi phát hiện con gái ông chủ nhà máy là bạn học cùng trường cấp III. Nàng tuy bằng tuổi nhưng học sau tui 1 lớp và tui là...thần tượng của nàng (hehe..khoe chút, thời PT tui nổi tiếng là học sinh...cá biệt nhưng học giỏi, niên khóa 78-79 trường có 2 đứa đi thi HS giỏi toàn quốc là...tui và bạn Trương Nguyện Thành).

                              Vậy là tui dọn sang...nhà ba má nàng, và sau 1 năm thì coi như tui hết đường thoát thân. Chỉ còn một lựa chọn duy nhất là...cưới nàng làm vợ, tuy rằng đến lúc đó tình yêu chưa kịp nảy nở nhưng chỉ cần tình cảm quý mến nhau cũng đủ cho rơm bùng cháy, bởi quá gần...ngọn lữa.

                              Ba má nàng cho vợ chồng tui miếng đất cất nhà ở riêng cũng gần đó, và sau 5 năm, cơ ngơi hai vợ chồng thuộc hàng "có máu mặt" toàn vùng.
                              Một sự thật tui không bao giờ chối cãi, là tuy sự nghiệp làm ăn do 1 tay tui gầy dựng, nàng chỉ lo việc nội trợ, nhưng phải nói có nhiều thuận lợi là do uy thế bên vợ. Bà con bên vợ có ít nhất 1 ông chú là UVTWĐ, bí thư tỉnh ủy và cỡ chừng...5 ông anh là tỉnh ủy viên, riêng 2 anh nàng là sếp đầu ngành của 2 cơ quan tỉnh.
                              Có lẻ do vậy mà nàng xem nhẹ gia đình ba má tui, năm 1987 đã 1 lần tui phải tự hủy thân vì mâu thuẫn giữa má tui với nàng...! Cho qua.
                              Nhưng đến khi nàng sinh đứa con thứ 3 năm 1990, cộng với việc tui vừa bị thất bại trong việc làm nhà máy sx than hoạt tính ở Bến Tre. Tôi biết chắc rằng nàng chỉ xem tôi là một "công cụ" của nàng mà thôi...!
                              Đau xót, tôi đề nghị chia tay. Nàng thản nhiên: "Anh muốn ly hôn hay ly thân gì cũng được, chỉ cần anh ký giấy để lại toàn bộ tài sản cho tôi là được".

                              Câu nói này chấm dứt hơn 10 năm tình nghĩa vợ chồng.

                              Tui đưa con gái đầu về SG học năm 1994, 2 đứa con nhỏ ở với mẹ. Với giao ước không cho các con biết tình trạng gia đình, cho đến khi đứa út được 18 tuổi.

                              Tui đi tỉnh khác và về SG mần ăn, thậm chí có lúc sang Cambodia buôn bán.
                              Với các con khi thắc mắc tại sao tui ít hoặc không thấy về nhà, tui luôn nói do tui không còn thương má nó nữa, nên giờ ba đi kiếm vợ khác...!
                              Và nói thêm: "Má con là người mẹ rất tuyệt vời, các con cần phải kính yêu và chăm sóc bà ấy, không được phép bỏ bê, tội nghiệp bả lắm..."

                              Một mũi tên bắn trúng...cả bầy chim hehe...! Mấy đứa con quan tâm tới nàng đến nỗi nàng không thể đi tìm mối tình nào khác để bù đắp.

                              Trong khi tớ ở xa thì mặc sức...dung dăng dung dẻ.

                              Chuyện còn dài...hẹn nhiều tập kế.

                              (Bài đăng trên blog http://nguyenyenson.multiply.com/journal/item/460)
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 19 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9