Tập Tục Cổ Truyền trong 3 ngày Tết
YesMan 20.01.2009 17:56:52 (permalink)
Tập Tục Cổ Truyền trong 3 ngày Tết
Vinh Hồ

Á châu ăn Tết khác Âu Mỹ. Các nước Á Châu ăn Tết cũng khác nhau, Ấn Độ ăn Tết từ tháng Ba, Lào trung tuần tháng Tư, Cao Miên cuối tháng Tư, Giao Thừa rơi vào giữa trưa, các nước này ăn Tết theo Phật lịch, theo ngày Đản Sinh hay Xuất Gia của Đức Phật Thích Ca. Riêng Việt Nam, rung
Hoa, Nhật, Đại Hàn ăn Tết ngày mồng Một tháng Giêng ta, gọi là Tết Nguyên Đán (Nhật ngày nay ăn Tết theo Dương lịch).

Nói "ba ngày Tết" chứ thật ra là bảy ngày, từ Giao Thừa đến mồng Bảy Tết.
Chữ "tết" theo tự điển là ngày lễ hằng năm thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè theo truyền thống dân tộc, như tết Trung Thu, tết Đoan Ngọ... Chữ "Tết" viết hoa là khoảng thời gian có cúng lễ, vui chơi, hội hè để đón mừng năm mới theo truyền thống dân tộc. "Nguyên" là bắt đầu, "Đán" là buổi sớm mai, "Nguyên Đán" là ngày đầu năm âm lịch. "Tết Nguyên Đán" là Tết vào dịp đầu năm Âm lịch. (Có người cho rằng chữ Tết là biến âm từ chữ Tiết mà ra, chữ tiết này là chữ tiết trong 1 năm có 8 tiết, tiết Lập Xuân, tiết Lập Hạ v.v... Có người lại cho rằng chữ Tết xuất phát từ chữ Tét Siêu, Tét Siêu là hoàng tử Tiết Liêu trong sự tích Bánh Dày Bánh Chưng).
Hàng năm cứ đến đầu tháng Chạp, khí trời lành lạnh, màu nắng chiều ngã vàng trên các lối đi... tự nhiên trong lòng cảm thấy bâng khuâng xao xuyến như có ai vô hình giục giã: "Ai ơi Tết đã cận kề".
Đó là thời gian mà mỗi tâm hồn Việt Nam đều náo nức tràn dâng... và đẹp như một đóa hoa hàm tiếu sẽ xòe nở trong đêm Giao Thừa lộng lẫy.
Đó là thời gian mà người nông dân lo hoàn tất khâu làm cỏ vụ 3, gặt vội một phần vụ 12 để có lúa mới nếp mới ăn Tết, người thợ may lo may ngày may đêm để có quần áo mới giao đúng hẹn kỳ, v.v... Chợ Tết ngày càng đông người buôn kẻ bán. Sau ngày 23 đưa Ông Táo về Trời, những lễ tiệc tưng bừng mở ra, lễ cúng Tổ, tiệc liên hoan cuối năm, pháo nổ bụp xẹt suốt ngày, nhất là khi đi ngang qua khu chợ hoa với trăm màu nghìn sắc thì ai cũng giựt mình biết là "Xuân đã về nơi đầu ngõ".
Giờ Giao Thừa pháo nổ dồn vang báo hiệu "Năm mới đã đến".
Sáng mồng Một tất cả mọi người đều dậy sớm mặc áo mới để "mừng Xuân". Nhưng lạ lùng thay! Bao nhiêu rộn ràng náo nức hôm qua bỗng biến mất nhường chỗ cho sự trống vắng, vô vị của thời khắc giao mùa. Giữa ý Xuân đang hồi cực thịnh, Đỗ Phủ nhìn thấy bước chân thời gian rơi trên một cánh hoa:
Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân
Phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân
Nói đến Tết Nguyên Đán, Tết Cổ Truyền VN mà không nói đến tập tục, tức phong tục tập quán là một sự thiếu sót, vì qua tập tục, Tết Việt Nam mới đích thực là Tết Việt Nam.

CÚNG ÔNG TÁO:
Ngày 23 tháng Chạp ÂL người ta cúng để tạ ơn và tiễn đưa ông Táo về Trời tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế mọi việc nhà mình đã làm trong năm cũ, cầu mong Thượng Đế ban phước cho nhà mình trong năm mới. Lễ vật gồm có hương hoa trầm trà chè xôi cá chép, ông Táo sẽ cỡi cá chép mà đi. Nhân dịp này người ta thay các ông táo, bình vôi đem bỏ dưới gốc cây cổ thụ. Người Việt xưa quan niệm Táo Quân là vị quan Khâm Sai được Thượng Đế sai xuống trần gian để trông coi mọi tội phước của mỗi gia đình, được gọi là: "Đông Trù Tư mạng táo phủ thần quan". Táo Quân được thờ tại phía Hữu Ban của đình làng. Mỗi khi ngự du ghé đình, vua không lạy Thành Hoàng bản xã mà lạy Táo phủ Thần quan. Ngoài Táo Quân còn 2 vị Thần trông coi mọi sinh hoạt trong mỗi nhà, đó là:

Thổ địa long mạch tôn thần: trông nom nhà cửa
Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần: trông nôm mọi phúc lợi trong vườn tược đất đai và mọi việc chợ búa của đàn bà.


DẢY MẢ:
Ngày 25 tháng Chạp con cháu xa gần phải về nghĩa trang thăm mộ, dảy mả, bồi đắp hoặc sơn phết mồ mả tổ tiên ông bà cha mẹ cho mới mẻ, nếu không sẽ mang trọng tội bất hiếu.

BÁNH MỨT, DƯA HÀNH:
Gần Tết các bà các cô thức đêm để lo làm các món đặc sản Tết như cốm, rim mứt, nem chua, chả lụa, dưa hành, dưa món, củ kiệu, dưa giá, củ cải... Riêng bánh tráng phải đặt trước từ đầu tháng Chạp để các lò kịp đổ bánh, phơi bánh. Bánh tráng thịt kho hoặc nem nướng cuốn với khế dưa leo, rau sống... là món ăn thông dụng trong ba ngày Tết.

TRANG HOÀNG NHÀ CỬA:
Các ông phải mất nhiều ngày để quét dọn lau chùi nhà cửa từ trong ra ngoài, có nhà còn sơn phết, quét vôi cho mới để ăn Tết. Những tranh cổ lợn gà, sơn thủy, mai lan cúc trúc, hoành phi, câu đối kể cả bình tách, chén ly... được mua về để trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ cho có không khí Tết.

CHƯNG BÀY BÀN THỜ GIA TIÊN:
Bàn Thờ Gia Tiên đặt ở gian giữa hoặc nơi cao trọng tôn nghiêm nhất trong nhà. Trên bàn thờ chưng bày Bài Vị là một hộp gỗ hình chữ nhật có cánh cửa, chạm trổ lưỡng long triều nguyệt, sơn màu đỏ, đề tên tuổi ngày sinh ngày mất của người quá cố. Ngày xưa còn ghi cả tên Húy (tên kiêng không gọi), tên Thụy (tên vua ban) tên Hèm (đặt cho người chết để dùng khi cúng giỗ), ngày nay còn thêm hình ảnh chân dung.
Bát nhang hay bát hương (tượng trưng cho Vô Cực) đ?t chính giữa trước bài vị, Lư hương (tượng trưng cho âm dương) dùng để đốt trầm. Hai chân đèn cầy đặt 2 bên cùng với lư hương gọi là bộ Tam Sự), nếu có thêm ống đựng nhang và ống đựng đủa thì gọi là bộ Ngũ Sự. Bình bông đặt bên trái, đĩa hay mâm ngủ quả đặt bên phải bàn thờ. Có 3 ly rượu và 3 tách nước.
Người ta trang hoàng bàn thờ bằng 2 màu chính là vàng và đỏ. Vàng đỏ tượng trưng cho khí âm dương tiên thiên. Nước, rượu thuộc hành Thủy. Lư hương, chân đèn thuộc hành Kim. Chân nhang, bài vị, đủa thuộc hành Mộc. Cát cắm nhang, ly, tách thuộc hành Thổ. Đèn thuộc hành Hỏa. Mâm ngủ quả tượng trưng cho ngủ hành, ngày nay người ta bới mãng cầu, xoài, đu đủ, sung, thơm... ngụ ý "cầu mong đủ xài, sung túc, có tiếng thơm". Bình bông và mâm ngủ quả được bày theo nguyên tắc "Đông bình Tây quả". Ba chén nước hay rượu tượng trưng cho tam tài "Thiên Địa Nhân" liên quan đến lẽ biến dịch tuần hoàn của vũ trụ.

Việc chưng bày bàn thờ tùy theo mỗi gia đình, đơn bạc cũng không sao, miễn có lòng thành là được, vì "Lễ bạc lòng thành". Việc cúng kính thể hiện qua câu "sống sao thác vậy" nghĩa là lòng kính yêu chăm sóc cha mẹ lúc còn sống như thế nào, thì khi cha mẹ mất đi cũng tỏ ra như thế ấy, cha mẹ lúc còn sống thích món gì thì khi mất được con cháu cúng món ấy là tốt nhất, không cần phải mâm cao cỗ đầy, vì mâm cao cỗ đầy chẳng qua chỉ để "trả nợ miệng" và "làm văn tế ruồi" mà thôi.
Vào những ngày giáp Tết, nhà nào cũng mua dầu chùi đồng về chùi chân đèn lư hương cho thật sáng, chưng bày bàn thờ tổ tiên cho thật ấm cúng tôn nghiêm đầy ý nghĩa.

HOA KIỂNG:
Nhà nào có trồng mai thì ngày Rằm tháng Chạp phải lo lặt lá để hoa nở đúng đêm Giao Thừa. Nhà không trồng hoa thì đi chợ mua vài chậu cúc, thược dược, vạn thọ, sống lâu... về trang hoàng bàn thờ, phòng khách, thềm nhà. Những nhà giàu có, buôn bán... thích chưng hoa thủy tiên, hoa đào, hoa mai. Ngày Tết có một cành mai chưng giữa nhà nở rộ vào sáng mồng Một là điềm kiết tường báo hiệu năm mới phước lộc dồi dào buôn may bán đắt, người ta tin như vậy.

BÁNH CHƯNG, BÁNH TÉT:
Theo truyền thuyết, bánh chưng có từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi dẹp tan giặc, đất nước vui hưởng thái bình, một hôm vào tiết Lập Đông thấy mình tuổi hạc đã cao, nhà Vua mới triệu tập tất cả các hoàng tử lại và phán rằng:
"Ngày giỗ Tổ Tiên vào dịp Xuân sắp đến, các con mỗi người hãy tự làm một món ăn mang đến để cúng Tổ Tiên, nếu ai làm được một món ăn ngon và có ý nghĩa nhất thì ta sẽ truyền ngôi cho."
Các hoàng tử vâng lời người nào cũng tìm những sơn hào hải vị, những của ngon vật lạ để làm những món ăn sang trọng cầu kỳ mang đến dâng Vua, nhưng Vua vẫn chưa chấm được món nào. Hoàng tử thứ 9 là Tiết Liêu (Tét Siêu) nghèo nhất chẳng có cao lương mỹ vị, chỉ lấy bột gạo nếp mới trộn với đường, nước, đem giã nhuyễn gói cái bánh hình tròn rồi bỏ vào nồi hấp chín gọi là bánh dày tượng trưng cho Trời, lại cũng lấy gạo nếp mới đem ngâm nước gói cái bánh hình vuông ở giữa độn nhân thịt heo, đậu xanh, hành, tiêu, muối... rồi bỏ vào nồi nấu chín gọi là bánh chưng tượng trưng cho Đất. Tiết Liêu đem dâng lên Vua, Vua thấy bánh dễ làm, ăn ngon và thơm, để dăm ba ngày vẫn không thiu, dùng làm lễ vật cúng Tổ Tiên trong dịp Tết rất tốt, lại có ý nghĩa cao siêu, là biểu tượng của Trời Đất, con người nhờ Trời Đất mà sinh tồn nên phải luôn luôn nhớ ơn Trời Đất là nguồn cội của mình. Vua rất mừng, ban lệnh cho dân chúng gói bánh chưng bánh dày để cúng Trời Đất Tổ Tiên trong ba ngày Tết đồng thời truyền ngôi cho Tiết Liêu.
 
Trên thế giới có lẽ không có một loại bánh nào có sự tích và ý nghĩa cao siêu tuyệt vời như thế. Bánh tét là một hình thức cách tân của bánh chưng, dễ gói, dễ cắt bánh ra dĩa. Khi cắt bánh phải dùng sợi dây lạt gói bánh, hay sợi chỉ để cắt chứ không dùng dao, vì dùng dao bánh sẽ dính theo dao làm khó cắt và lát bánh trông không đẹp. Bánh gói bằng lá dong thơm hơn lá chuối. Nấu bánh mất độ 10 tiếng trở lên.
Đêm 30 thời tiết lạnh lẽo, mưa phùn bay lất phất, thì còn gì tình tứ hơn được ngồi bên người yêu để canh thùng bánh chưng? Tiếng nước sôi ùng ục cùng ngọn lửa bập bùng là những âm thanh và hình ảnh khó phai mờ trong lòng những tân lang và tân giai nhân ngày xưa.
THỊT MỠ:
Ngày Tết phải có đủ:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh

(Trần Tế Xương)

Chiều 30 hầu như nhà nào cũng có một nồi thịt heo nấu nhừ gọi là thịt nhừ hay thịt mỡ để cúng và ăn trong ba ngày Tết.
LỄ DỰNG NÊU VÀ CÚNG TẤT NIÊN:
Chiều 30 tháng Chạp cúng tạ ơn Trời Đất Thần Linh cùng các bác âm hồn cô hồn đã phù hộ gia đình trọn năm, lễ vật gồm đầu đuôi heo, gà vịt chè xôi rượu bánh. Đặc biệt có một mâm cỗ để cúng tại bàn thờ gia tiên gọi là " rước ông bà" mời Ông Bà về ăn Tết với con cháu. Có một bàn cúng con cháu tảo vong, cùng hữu danh vộ vị hữu vị vô danh...
Đồng thời người ta cũng làm lễ dựng nêu trước nhà, nêu là một cây tre cao róc sạch nhánh, nhưng trên ngọn chừa nguyên cành lá, cột một miếng vải đỏ để làm lá phướn, treo một chiếc khánh sành lủng lẳng sẽ phát ra tiếng khi có gió, treo một giỏ tre đựng trầu cau và các thứ bùa ngải để ếm trừ ma quỷ, dưới đất rắc vôi trắng theo hình cung tên để ma quỷ sợ mà tránh xa.
Tương truyền đời xưa ở Trung Hoa ma quỷ thường đến quấy nhiễu dân chúng, Đức Phật Thích Ca sai đệ tử đến tiểu trừ, ma quỷ van lạy xin tha, hứa không hại người nữa và xin Đức Phật cho một dấu hiệu để biết đường mà tránh, Phật bảo:
"Nơi nào có cây nêu, lá phướn và rắc bột trắng, nơi đó là đất Phật."
Cúng Tất niên xong đốt pháo, cả nhà cùng quây quần ăn uống vui vẻ. Từ đó trên bàn thờ đèn nhang được thắp sáng liên tục cho đến ngày mùng Bốn cúng đốt giấy "đưa ông bà" mới thôi.
QUÉT NHÀ, KHÓA TỦ, MÚC NƯỚC DỰ TRỮ:
Trước giờ Giao Thừa phải lo quét nhà, khóa bàn tủ, múc nước đầy lu đầy ghè, vì 3 ngày Tết cữ quét nhà mở tủ múc nước, nếu không sẽ bị động nhà động tủ động giếng là điều cấm kỵ vì sẽ làm hao tài tốn của đau bệnh xui xẻo suốt cả năm.
CÚNG GIAO THỪA:
Còn gọi là cúng Trừ Tịch vào lúc nửa đêm 30 tháng Chạp. Trừ là Trao, Tịch là Đêm, cúng Trừ Tịch là cúng để tiễn vị Thần cũ ra đi, rước vị Thần mới về nhà gọi là "Tống Cựu Nghinh Tân". Người ta tin mỗi năm có một vị Thần đến trấn tại nhà mình để biên chép mọi chuyện trong năm, đến cuối năm sẽ trình lên Thượng Đế. Sách Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính in năm 1930 chép:
"Tục lệ nước ta tin rằng, mỗi năm có một ông Hành Khiển trông coi mọi việc ở nhân gian. Khi hết năm vị thần năm trước bàn giao mọi việc cho vị thần năm sau."
Lễ vật gồm bánh trái trà nước để rước ông Táo, ông Địa, lời ĩkhấn trong lúc cúng Giao Thừa là:
"Thổ thần quan địa, tam vị Táo quân, mời về chứng minh đầu năm phù hộ cho gia đình được mạnh giỏi."
Cúng thủ kỳ trước sân là nơi thờ Hoàng Thiên Hậu Thổ, nếu không có thủ kỳ thì đặt bàn giữa sân để cúng.
Cúng xong đốt pháo để cầu may đầu năm, nếu tiếng pháo nổ giòn giã liên tục là triệu chứng tốt lành. Đó là trong nhà, còn ngoài làng thì cúng Giao Thừa tại đình, miếu.
Trong giờ Giao Thừa người ta lắng nghe tiếng "con gì kêu đầu tiên" để đoán thời vận năm ấy tốt hay xấu. Thí dụ gà gáy hạc kêu là điềm tốt mà cú kêu mễnh tát là điềm xấu.
TỤC ĐỐT PHÁO:
Pháo được khai hỏa chính thức trong đêm Giao Thừa để đón mừng năm mới và trừ ma quỷ.
Tục này xuất phát từ thời nhà Chu bên Tàu, theo Đông Phương Sóc, ngày Tết ma quỷ thường xuất hiện, nhất là Xuy Vu và Uất Lũy đã gây ra lắm cảnh tang tóc, nên vào giờ Giao Thừa dân chúng mang ống tre ra đốt để phát tiếng nổ trừ đuổi ma quỷ. Khi chế được pháo, người ta dùng pháo để đốt thành tục lưu truyền đến bây giờ.
Tai nghe tiếng pháo: ờ ờ Tết
Chân đạp cây nêu: ủa ủa Xuân

(Trần Tế Xương)

XUẤT HÀNH VÀ HÁI LỘC ĐẦU NĂM:
Cúng Giao Thừa xong, người ta xách đèn đi theo hướng đại lợi đến một nơi đã định sẳn, đốt 3 cây nhang, vái 3 vái, cắm nhang xuống đất, nói "xuất hành" 3 lần, rồi hái một cành lá gọi là hái lộc đầu năm mang về giắt dưới mái nhà gian giữa trước bàn thờ gia tiên tin tưởng và hy vọng tiền tài phước lộc sẽ đến với gia đình mình trong năm mới.
Có người đi lễ chùa hay nhà thờ trong đêm Giao Thừa, trước khi ra về hái một cành lộc.
Có người đi lễ chùa hay đi lễ nhà thờ và hái lộc vào sáng mồng Một Tết.
MẶC QUẦN ÁO MỚI:
Tết là dịp để tất cả mọi người từ già đến trẻ mặc quần áo mới để mừng năm mới, để hòa vào niềm vui chung của trời đất vạn vật và mùa Xuân đang rộn rã thắm tươi với niềm ước mơ gia đình mình sẽ được khá giả sung túc đẹp đẽ trong năm mới.
CÚNG MÙNG MỘT TẾT:
Vào sáng sớm mùng Một Tết làm một mâm cơm chay để cúng gia tiên. Cúng xong đốt pháo đầu năm để chào mừng năm mới và lấy hên. .
MỪNG TUỔI, CHÚC TẾT VÀ LÌ XÌ TẠI NHÀ:
Sáng mồng Một cả nhà ăn mặc chỉnh tề, ông bà ngồi vào chỗ cao trọng nhất để con cháu làm lễ mừng tuổi chúc Tết ông bà "mạnh khỏe sống lâu trăm tuổi" chúc thọ xong lạy 2 lạy, kế đến mừng tuổi chúc Tết cha mẹ và lạy 2 lạy. Lạy 2 lạy là bày tỏ sự kính trọng, thương yêu, biết ơn và vâng lời ông bà cha mẹ.
Sau lễ mừng tuổi chúc Tết của con cháu, ông bà cha mẹ lấy tiền mới ra lì xì cho con cháu, mừng con cháu thêm 1 tuổi, chúc con cháu mau lớn khỏe mạnh ngoan ngoản nghe lời ông bà cha mẹ thầy cô giáo... và cố gắng học hành giỏi dang tiến bộ trong năm mới.
XÔNG ĐẤT XÔNG NHÀ:
Người khách đầu tiên bước vào nhà vào sáng mồng Một gọi là xông đất xông nhà. Người ta tin người vui vẻ, mau mắn, hiền lành, đạo đức đến xông đất xông nhà thì cả năm mọi việc nhà mình đều được hanh thông may mắn. Nếu lỡ gặp người hung dữ, rượu chè cờ bạc bê tha đến xông đất xông nhà thì cả năm lân đận cất đầu không lên. Gặp trường hợp này người ta lấy giấy vàng bạc ra đốt và rải gạo muối ra cửa, sân để tống khứ đi. Có nhiều gia chủ nhờ người hiền hậu hợp tuổi tác với mình đến xông đất xông nhà vào sáng sớm đầu năm.
Sau khi người xông đất ra về, con cái mới được bước ra khỏi nhà.
CÂU ĐỐI ĐỎ:
Là mảnh giấy đỏ có viết câu đối treo hai bên cửa cái, dán vào cột nhà, trước hiên, ngoài cổng. Nếu không biết viết thì ra phố nhờ ông Đồ viết hoặc mua những câu viết sẵn. Có những câu đối thông dụng như:

Tam dương khai thái, Ngũ phúc lâm môn
(Trời mở quẻ thái, Phúc đến cửa nhà)
(Vô danh)
Xuân lai tăng thọ lộc, Phúc đáo vĩnh khang ninh
(Xuân về tăng thọ lộc, Phúc đến mãi khang ninh)
(Vô danh)
Xuân tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ(Xuân thêm ngày tháng người thêm tuổi)
Phúc mãn càn khôn lộc mãn đường(Phúc đầy trời đất lộc đầy nhà)
(Vô danh)
KHAI BÚT ĐẦU NĂM:
Đầu năm các cụ Đồ Nho, các văn thi sĩ thường khai bút đầu năm bằng một câu đối hoặc một bài thơ Đường luật. Họ gặp nhau để cùng họa vận, ngâm vịnh và nhâm nhi ly trà Bắc Thái, thưởng thức miếng cốm Vồng Hà Nội, hay khề khà chung rượu nếp Nàng Hương trong tình "thi văn hội hữu"
THĂM VIẾNG CHÚC TẾT:
Trong ba ngày Tết sau lễ Chúc Tết Ông Bà Nội Ngoại Cha Mẹ đôi bên, người ta còn đi chúc Tết Thầy, chúc Tết bà con trong họ tộc và cô bác anh em bạn bè trong làng xóm.
Mùng Một thì ở nhà cha
Mùng hai nhà vợ mùng Ba nhà thầy

CHÀO HỎI:
Không có ngày nào người ta chào hỏi đón tiếp vui vẻ niềm nở như ba ngày Tết:
"Tử tế như ngày Tết"
Theo tập tục cổ truyền người dưới chào người trên, người nhỏ tuổi chào người lớn tuổi, không bắt tay như người Tây phương, mà khoanh tay cúi đầu hay chắp tay trước ngực cúi đầu. Người được chào chắp tay gật đầu để chào lại.
Chắp tay trước ngực và cúi đầu gọi là xá hay vái, là cách chào hỏi của người Việt xưa.
 
MÚA LÂN:
Đầu năm người ta tin Lân đến nhà thì bao chuyện xui xẻo trong năm cũ vì cái uy vũ của Lân mà tiêu tán hết và mọi điều phước lộc may mắn sẽ theo tiếng trống Lân và nụ cười ông Địa mà tuôn vào nhà. Vì thế các nhà giàu có thường rước Lân về nhà để múa vào sáng sớm mồng Một Tết.
Theo truyền thuyết xa xưa, Lân tức là Ly hay Nghê, là biểu tượng của lòng nhân ái, hễ Lân hiện diện nơi đâu thì nơi đó sẽ có thánh nhân xuất hiện. Đức Khổng Tử đang viết pho Kinh Xuân Thu thì hay tin có người bắt con Lân bị què một chân, Ngài liền gác bút không viết nữa, vì thế Kinh Xuân Thu còn gọi là Lân Kinh. Trong dân gian khi nghe tin Kỳ Lân xuất hiện, người ta rất đỗi vui mừng và tin rằng thiên hạ sẽ được thái bình. Tục múa Lân phát sinh từ đó.
Kỳ Lân là con vật tưởng tượng của người Đông Phương thời cổ, có cái sừng trước trán rất hiền lành không ăn thịt sống. Kỳ Lân được Trời sai xuống dùng chiếc sừng để đâm chết kẻ gian tà. Đặc biệt không những Đông phương tôn thờ mà nhiều nước Tây phương cũng ca ngợi Kỳ Lân là 1 con thú linh thiêng can đảm và có lòng bao dung.
Kinh Veda (viết bằng tiếng Phạn) có câu: "Lân là hóa thân của nhiều vị thần linh trong đó có thần Civa và thần Vishnou".

Kinh Cựu Ước có nhắc đến Kỳ Lân với tên là Unicorne (độc sừng).
Kỳ là con đực, Lân là con cái, múa Lân còn có ý nghĩa là tôn vinh phái nữ và chúc mừng sự sinh sôi nẩy nở.
Nếu Lân là một hình ảnh oai dũng mang lại sự may mắn thịnh vượng thì Ông Địa đi bên cạnh (đầu bịt khăn một tay cầm quạt lông phe phẩy) với nụ cười bất hủ là một liều thuốc bổ làm tiêu tán mọi phiền não, do đó người ta thờ ông Địa để cầu phúc cầu tài. Có 2 truyền thuyết nói về nụ cười và cái bụng bự của ông Địa. Trống Lân gọi là Cổ Bề, mặt trống vẽ hình âm dương tượng trưng cho Trời Đất, khi đánh, tiếng Trống hòa nhịp với tiếng Chập Chỏa bằng đồng và tiếng pháo tạo thành một âm điệu dồn dập hùng tráng vui tươi ước mong một cuôc sống thái bình thịnh trị ấm no hạnh phúc.
Ngày xưa các đội Lân đi trình diễn thường đến chào trước tại các công môn. Về sau có nhiều đội Lân chuyên nghiệp được thành lập từ các võ đường có các màn biễu diễn võ thuật công phu hào hứng, có các tiết mục kinh hồn như Lân leo cột (cao 15m), Lân giựt cờ (tại các cao ốc). Từ đó có Lân râu đen, Lân râu bạc (Lân râu đen gặp Lân râu bạc phải chào) đi lưu diễn trong ba ngày Tết để mang niềm vui và hy vọng đến với muôn người.
CÚNG ĐẦU NĂM:
Từ mùng Một đến mùng Bốn Tết ngày nào tốt thì cúng, thường cúng vào chiều mùng Hai. Đặt một bàn giữa sân, lễ vật gồm 2 con gà luộc, 1 bộ tam xên, hoa quả hương đăng chè xôi, bộ đồ mã.
Dưới đất trải một chiếc chiếu cúng các bác âm hồn cô hồn đầu ngõ góc vườn, lễ vật gồm một con gà luộc, chè xôi rượu bánh hoa quả muối gạo.
Bên cạnh đặt 1 bàn nhỏ gọi là bàn "ông Hổ" có dán hình cọp, lễ vật gồm một con gà luộc chè xôi rượu bánh hương đăng. Bàn nào cũng có một bánh tráng nướng đặt trên con gà, một bộ đồ mã. Gà thì phải chọn gà cồ giò mới tập gáy mới tốt.
Khi cúng bàn chính thì khấn: "Đương niên hành khiển hành binh chi thần , lịnh bà cô cậu thổ công tiền hiền bổn xứ, long thần quản cuộc, hoàng thiên hậu thổ, diệu tú phu nhơn, cảm ứng chứng minh phù hộ cho gia chủ và gia đình sức khỏe bình an trong năm."
Khi cúng ở bàn ông Hổ thì khấn: "Sơn lâm chúa tướng lý nhĩ chi thần chứng minh và phù hô cho gia chủ và gia đình được bình an khi đi vào núi, rừng, riêng trâu bò vào rừng ăn cỏ nhờ ngài che chở." Cúng xong lấy hình cọp dán lên cửa chính ngụ ý nhà đã có ông Hổ giữ cửa thì ma quỷ sợ sẽ không dám vào nhiễu hại.
Khi cúng ở chiếu cô hồn thì khấn: "Bộ hạ tùy tùng đẳng chúng các đẳng âm hồn cô hồn uổng tử đồng lai thọ hưởng."
Trong nhà có một mâm cỗ để cúng gia tiên.
LỄ HỘI MÙA XUÂN:
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi" nên ngày xưa các nơi thường tổ chức hội hè đình đám gọi là Hội Tết, Hội Xuân, hay Lễ Hội Mùa Xuân. Các cô các cậu tha hồ đi trẩy hội:
Qua Tết tôi mong Rằm tháng Giêng
Trên con đường nhỏ đến thôn trên
Tôi theo người chị lên chùa lễ
Tay xách vàng hương với giấy tiền
(Nguyễn Bính)

Ngoài Bắc có nhiều điệu hát như hát quan họ, trống quân, cò lả...
Hát Quan Họ: Các trai gái trong làng họp nhau thành nhóm từ 5 đến 10 người trở lên để hát đối đáp với các nhóm ở làng khác, thường kéo dài nhiều ngày. Các bài thường nghe như: cây trúc xinh, qua cầu gió bay, chẻ tre đan nón, trèo lên quán dốc, ngồi tựa mạn thuyền, trống cơm.
Hát Trống Quân: Có từ đời Trần, hát và gõ để nung chí người trai, thường mở đầu bằng câu thơ lục bát, khi tới chữ thứ tư của mỗi câu thì ngân nga những tiếng í ư...
Ở miền Trung có hát đối, hát nam ai, hát bài chòi, hát bội...
Hát Bội: có nghiều đoàn hát bội đi lưu diễn ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Khi hát sử dụng nhiều tiếng "ứ ự" phối hợp với điệu bộ giống như võ thuật, các tuồng hát mượn từ các truyện Tàu được dân chúng hâm mộ như: Quan Công, Tiết Đinh San - Phàn Lê Huê, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu Thành...
Bài Chòi: do làng tổ chức, chơi bài chòi phối hợp với các màn hô bài chòi. Chung quanh địa điểm người ta dựng chừng 8 cái chòi tre lợp tranh hay rạ, chính giữa có 1 chòi trung ương lớn hơn. Giữa sân có trồng một trụ tre để đặït ống thẻ. Thẻ là một mảnh tre dẹp, mỏng, có dán một con bài tứ sắc, khi xốc ống thẻ, sẽ có 1 thẻ văng ra, người phụ trách hô tên thẻ: - xe xanh! (hay ngựa đỏ...) chòi nào trúng thì la lên để người chạy thẻ mang thẻ tới. Chòi nào tới trước sẽ thắng. Tiền thắng không nhiều lắm nhưng người thắng rất vui mừng vì tin rằng mình sẽ gặp hên trong năm mới.
Những tiết mục hô bài chòi đươc bố trí xen kẽ trong cuộc chơi. Hô bài chòi là một điệu hát dân ca nổi tiếng ở 3 tỉnh Bình, Phú, Khánh, được phụ họa bằng đàn cò và song loan gõ nhịp, bài hô là những câu thơ lục bát.
Người ta chơi bài chòi để thử thời vận đầu năm.
Ở miền Nam có hát xuân tình, hát vọng cổ, hát lý con sáo... thịnh hành nhất là các đoàn hát cải lương được thành lập và đi lưu diễn khắp 3 miền đất nước đã từng làm say mê hàng triệu khán giả.
CỜ BẠC:
Là trò giải trí để thử thời vận hên xui trong ba ngày Tết. Người lớn thì chơi bài cào, tứ sắc, tổ tôm, chẳn lẻ... trẻ con thì chơi bầu cua cá cọp... Ngày Tết gặp nhau người ta thường hỏi: "Phát tài chưa?"
ĐÁ GÀ:
Cùng với đấu bò, chọi trâu, đua ngựa, đá dế, đá cá thia thia, đá gà là một trong những cách loài người sử dụng thú vật để giải trí. Đấu bò phổ biến ở Tây Ban Nha, trong lúc đá gà thường thấy ở Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Cao Miên, Việt Nam. Tục lệ đá gà trong ba ngày Tết đã có từ xưa. Làng Đình Bảng ở Miền Bắc còn những di tích bằng gỗ khắc hình đá gà. Trong bài "Hịch Tướng Sĩ" của Trần Hưng Đạo có câu:
Hết cờ bạc, vui chơi gà chọi
Thôi rượu chè lại mãi hát hay

Thời Pháp hầu như mỗi xã đều có một trường gà, ngay tại Dinh Toàn Quyền ở Sài Gòn cũng có những độ gà lớn. Trước 1975 nhiều vị tướng tá có khi mang gà tới trường bằng trực thăng.
Có 2 loại: gà nòi và gà cựa. Gà nòi phổ biến ở miền Trung miền Đông, gà cựa được yêu thích ở miền Tây nhất là Cao Lãnh:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân

Có câu "Chó giống cha gà giống mẹ" hay "Gà bền tại mái" nên việc chọn giống chú trọng vào gà mái, lựa những con mái gà dòng khỏe mạnh đúng sức đúng tuổi để cho những con trống đã ăn nhiều độ đúc mái (đạp mái), nhưng một bầy gà con đẻ ra, nhiều khi chỉ chọn được có một con. Gà quý tướng có nhiều loại như gà phụng vĩ tốt mã, gà mắt sao mỏ bén mắt lanh, gà "chân xanh mắt ếch đá chết không chạy", gà "cổ công mình cốc cánh vỏ trai, cựa thài lài chân ba hàng vảy, đấu bảy ngày chết không chịu chạy", gà nhật nguyệt cựa một đen một trắng. Gà ẩn tướng là gà hay nhưng mặt hiền, như gà song sanh, gà tử mị, gà voi, gà lưỡi rùa... Dù quý tướng hay ẩn tướng cũng không qua câu: " hay không bằng hên" do đó khi xem gà thực tế nhất là phải xem cẳng (đùi lớn nhưng ống chân tức cẳng phải nhỏ) xem cựa (cựa đóng sát thới, cựa song đao, cựa giao chỉ, cựa chỉ địa), xem vảy (vảy mỏng, đóng thành hàng đều đặn như: vảy án thiên, phủ địa, liên giáp nội, huyền châm, khai vương...). Gà đá trên là gà đá vào phần trên của địch thủ, gà đá dưới chun vào phần dưới của địch thủ, gà đá lông, gà xạ rơi, gà hồi mã thương, gà đá sỏ, đá vai, đá hầu, đá yếm... Nuôi gà đá trong lồng tre cho ăn lúa đãi sạch, uống nước trong vắt, có người còn cho ăn thêm thịt bò, lòng đỏ trứng gà, thịt lươn, rau tươi, tôm, tép, ào cào... rồi thoa rượu thuốc, tỉa lông, chuốc cựa, vỗ hen, vô nghệ... và thường 2 tuần xổ gà một lần.
Người Việt mê đá gà nên trường gà lúc nào cũng chật ních người. Trường gà được giới hạn bởi một tấm vĩ đan bằng tre cao tới đầu gối giăng theo hình tròn. Cáp một độ gà rất kỷ, nếu 2 con "vừa chạn" nhau, và được 2 bên chủ gà đồng ý thì người ta viết thành văn bản, thí dụ: chủ gà A đá 4 trăm ngàn, bọn ăn ké đá thêm 1 trăm ngàn, vị chi 5 trăm ngàn, chủ gà B đồng ý bao độ. Tiền độ chồng trước 100% cho chủ trường gà giữ. Tiền xâu tính 10% chia ra: chủ trường 5%, người cho nước gà 2,5%, chủ gà ăn độ 2,5%. Khi gà đá, bên ngoài bọn hàng xáo quăng bắt loạn xà ngầu, nhưng không tính tiền xâu. Đá một hiệp khoảng 10 phút, một nhang gồm 3 hiệp. Có nhiều độ gà nòi đá từ sáng tới chiều vẫn chưa kết thúc. Có nhiều con đá tới chết chứ không chạy. Nhiều con lúc đầu thì đá lờ khờ như gà chết, nhưng càng về khuya đá càng hay, ra đòn độc hiểm làm đuôi mắt, gảy cần, bể bầu diều giết đối thủ tại chỗ hoặc đối thủ bỏ chạy. Khi chạy gà la lên những tiếng oang oác đầy sợ hãi.
ĐUA THUYỀN:
Tục lệ này phổ biến ở những vùng sông nước. Hiện nay ở các tỉnh miền Tây còn tục lệ này. Người Việt gốc Miên rất thích xem đua thuyền trên các kinh lạch.
CÚNG TẾT NHÀ, TẾT VƯỜN, TẾT GIẾNG
Mồng Hai hoặc mồng Ba ngày nào tốt thì cúng Tết Nhà, đặt bà giữa nhà, lễ vật gồm hương đăng, trà quả, bánh trái... để cúng vị "Chúa Tiên huyền nữ, mộc trụ thần quan". Theo tập quán xưa chiều 30 tháng Chạp người ta quét nhà sạch sẽ, khóa tủ kín đáo, đến khi cúng Tết Nhà xong mới được quét nhà mở tủ, bỏ vào vài đồng bạc để lấy hên đầu năm, lấy giáy tiền dán lên cột nhà đầu tủ để mong năm mới tiền vô như nước.
Cúng Tết Vườn thì đặt bàn trong vườn để cúng "Hoàng Thiên Hậu Thổ, Long Thần quản cuộc", lễ vật giống như Tết Nhà. Cúng xong lấy giấy vàng bạc dán lên vài ba cây để mong cho vườn tược tươi tốt cây trái sum sê. Từ đó mới được hái trầu cau, xé lá chuối, động đất (đào đất).
Cúng Tết Giếng thì đặt bàn cạnh giếng để cúng "Thủy Long Thần Nữ" cầu cho nước giếng được tốt lành, lễ vật cũng giống như Tết Nhà. Theo tập tục chiều 30, người ta lo múc nước đổ đầy lu, đầy ghè để dự trữ. Cúng xong, đốt giấy vàng bạc và bỏ 3 đồng tiền xuống giếng mới được múc nước dùng.
Ba lễ cúng trên đây có nhiều nhà không cúng riêng từng địa điểm mà cúng chung một chỗ.
TẾT TRÂU BÒ:
Vào ngày mồng Bốn Tết đặt một bàn ngoài sân, bên cạnh có bàn ông Hổ, dưới đất trải 1 chiếc chiếu, lễ vật mỗi nơi gồm hương đăng trà quả rượu bánh. Nhà nuôi mấy con trâu đực (hay bò đực) thì sắp mấy đòn bánh tét, mất con trâu cái thì sắp mấy cái bánh ú hay bánh chưng, còn nghé hay bê thì bánh tét đòn nhỏ, bộ đồ mã. Cúng xong lấy giấy tiền dán nơi cửa chuồng trâu, hay bò. Tất cả bánh tét bánh ú bánh chưng đều đem phát cho trẻ mục đồng.
CÚNG ĐỐT GIẤY:
Thường cúng rất lớn vào chiều mùng Bốn, cúng để tiễn đưa Ông Bà, cầu nguyện Ông Bà phù hộ cho gia đình năm mới được bình an, lễ vật giống như cúng đầu năm. Kể từ đây bàn thờ trở lại bình thường. Tất cả trái cây chín mùi được dọn xuống, chuối đem ép mỏng phơi khô.
Thường thì người ta cúng đốt giấy chung với cúng Tết trâu bò.
LỄ HẠ NÊU:
Còn gọi là lễ Khai Hạ, hay lễ Nhân Nhật (lễ Người). Theo cụ Vương Hồng Sển, sách Phương Sóc Chiêm Thư cho biết 7 ngày đầu năm, mỗi ngày thuộc về một giống:
- Mùng Một thuộc gà
- Mùng Hai thuộc chó
- Mùng Ba thuộc heo
- Mùng Bốn thuộc dê
- Mùng Năm thuộc trâu
- Mùng Sáu thuộc ngựa
- Mùng Bảy thuộc người gọi là nhân nhật.
Lễ Khai Hạ có nguồn gốc từ Trung Hoa xưa, tổ chức trọng thể vào nửa đêm mồng Sáu bước qua mồng Bảy tại đình làng, có treo đèn kết hoa, dân chúng nhảy múa ca hát vui Xuân, sau lễ các tiệm quán mở cửa đốt pháo, họ tin tiếng pháo nổ sẽ xua đuổi tà ma và mang lại nhiều may mắn.
Mặc dù hạ Nêu hết Tết, nhưng trong dân gian vẫn còn hội hè đình đám ăn chơi cho đến hết tháng Giêng.
NGHI THỨC CÚNG GIA TIÊN:
Trong các lễ cúng ba ngày Tết, lễ nào cũng có một mâm cỗ cùng hương hoa trầm trà rượu bánh chén bát muỗng đủa để Cúng Gia Tiên tại Bàn Thờ Gia Tiên.
Cúng là bày lễ vật, lên đèn, thắp nhang, khấn, vái, lạy. Khấn là lời cầu khẩn lầm rầm trong miệng, khấn xong thì vái từ 2 vái đến 5 vái, tùy theo từng trường hợp, mỗi lần vái đầu cúi xuống:
Lầm rầm khấn vái nhỏ to
(Kiều)
Nếu vái là cử chỉ chào hỏi kính cẩn, thì lạy là hành động bày tỏ sự tôn kính từ tâm hồn đến thể xác đối với người trên hay người quá cố ở vào bậc trên của mình.
Đàn ông lạy đứng nghiêm, 2 tay chắp lại để trước ngực giơ lên ngang trán, mình cúi xuống, 2 bàn tay xòe ra úp xuống chiếu, quỳ gối trái rồi gối phải, rạp đầu xuống theo thế phủ phục, sau vài giây cất người lên 2 bàn tay để lên đầu gối trái vừa co lên đưa tới trước nửa bước để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quỳ cũng theo đà đứng lên, rút chân trái về ngang với chân phải đứùng nghiêm, là xong một lạy. Lạy xong vái 3 vái rồi lui ra.
Các nhà sư lạy hơi khác 1 chút, phất tay áo cà sa đưa 2 tay xuống đất rồi quỳ 2 đầu gối xuống luôn, khi đứng lên đẩy 2 bàn tay để lấy thế đứng thẳng lên khỏi phải tì bàn tay lên đầu gối.
Đàn bà lạy ngồi trệt xuống đất để 2 cẳng chân vắt tréo về bên trái, bàn chân phải ngửa lên để dưới đùi chân trái, nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải về phía trước và kéo tà áo sau trải về phía sau, rồi chắp 2 bàn tay để trước ngực đưa lên ngang trán cúi đầu xuống, 2 bàn tay úp xuống chiếu, đầu đặt lên 2 bàn tay. Sau vài giây đẩy 2 bàn tay để lấy thế ngồi thẳng lên, chắp 2 bàn tay đưa lên ngang trán, là xong 1 lạy. Lạỵ xong đứng lên vái 3 vái rồi lui ra.
Nhiều bà theo cách lạy khác, 2 đầu gối quỳ xuống chiếu, mông để lên 2 gót chân, 2 bàn tay chắp lại đưa lên ngang trán, 2 bàn tay giữ ở thế chắp, mình cúi xuống khi gần tới chiếu thì 2 bàn tay xòe ra úp xuống chiếu đặt đầu lên 2 bàn tay, cứ thế mà lạy.
Lạy người quá cố có vai vế lớn hơn mình đang còn quàn trong nhà quàn thì lạy 2 lạy có thể thế bằng 2 vái (2 lạy tượng trưng cho âm và dương), nếu đã chôn rồi thì lạy 4 lạy, có thể thế bằng 4 vái. Lạy Phật 3 lạy (3 lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng) có thể thế bằng 3 vái. Lạy Tổ Tiên Thánh Thần 4 lạy (4 lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, tứ phương) có thể thế bằng 4 vái. Lạy Vua hay lạy Quốc Tổ Hùng Vương 5 lạy (5 lạy tượng trưng cho ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ) có thể thế bằng 5 vái. Cô dâu chú rễ lạy cha mẹ còn sống 2 lạy, có thể thế bằng 2 vái.
Cúng Gia Tiên là cúng tổ tiên trong nhà, là nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu để tỏ lòng nhớ ơn nguồn cội của mình:
Cây có cội nước có nguồn.
Cúng Gia Tiên là một cái Đạo, Đạo Thờ Cúng Ông Bà, gọi tắt là Đạo Ông Bà. Đạo ở đây không phải là một tôn giáo vì không có Giáo Chủ, môn đệ... mà chỉ là Đạo Làm Người trong gia đình, lấy tình cảm và sự liên hệ máu mủ ruột thịt trong gia đình làm chủ yếu. Cúng Gia Tiên là phản ảnh sự hiếu thảo và tình thương yêu của con cháu đối với người quá cố. Cúng Gia Tiên trong ba ngày Tết hay trong các ngày giỗ kỵ là bày tỏ lòng tri ân, thương nhớ của con cháu đối với Tổ Tiên Nguồn Cội. Việc cúng kính không chú trọng ở hình thức, ở mâm cao cỗ đầy mà chú trọng ở nội dung, đó là tấm lòng thành kính tri ân thương nhớ và noi gương. Vua Hùng Vương thứ 6 không chọn cao lương mỹ vị để cúng gia tiên mà chọn bánh dày bánh chưng là món đơn sơ giản dị nhưng hàm chứa nội dung ý nghĩa sâu sắc.
Khi cúng chủ gia phải ăn mặc chỉnh tề, lên đèn, đốt nhang, đánh chuông, hai tay chắp lại đưa lên ngang trán và khấn, khi khấn nêu ngày tháng, làng xã, tên mình, tên vợ con, tên người quá cố, lễ vật cúng, lý do cúng, cầu nguyện... rồi tùy theo địa vị lớn nhỏ của mình đối với người quá cố, nếu nhỏ thì lạy 4 lạy hoặc vái 4 vái.
Việc cúng kính tùy thuộc vào đức tin và đời sống đạo đức của mình:
- Linh tại ngã bất linh tại ngã
- Đức trọng Quỷ Thần kinh


KIÊNG CỮ:
Trong ba ngày Tết người ta kiêng cữ đủ thứ, như không giết gà đầu năm, không cúng vịt đầu năm, ra vườn gặp mít chín không được hái, nấm mọc không được sờ, ra đường gặp khăn rơi không được nhặt, tiền rớt không được lượm.
Đi mừng tuổi chúc Tết phải lựa lời hay, chuyện vui, việc lành mà nói, không được nhắc đến những chuyện ốm đau, chết chóc, thưa kiện... Ra đi khăn đóng áo dài nghiêm chỉnh lúc về cũng giữ y như thế không được áo dài vắt vai, khăn đóng cầm tay, lúc về nên mua thịt heo rừng đem về nhà để mỗi người ăn một miếng lấy hên vì thịt heo rừng rất tốt lành, nhưng các loại thịt nai, mễnh thì chẳng nên ăn. Từ mồng Bốn Tết trở đi lựa ngày tốt ra đồng gặt vài tay lúa gọi là gặt lấy ngày.
Đầu năm cử quét nhà, cử cho vay, cử mượn tiền. Không nên để người ta tới nhà đòi nợ trong ba ngày Tết. Người có tang cử thăm viếng, cử đến nhà người khác, cử du Xuân.
ĐI LỄ ĐẦU NĂM VÀ LỄ KHAI MÕ:
Sáng mồng Một Tết kiêng cữ không dám xông đất nhà người, nên người ta thường đi lễ đầu năm tại đình, chùa, nhà thờ... là những nơi tổ chức đón Xuân vui Tết rất trọng thể.
Đặc biệt tại đình làng có lý trưởng, hương chức, bô lão và các nam phụ lão ấu trong làng đến dự lễ cúng đình đầu năm và lễ khai mõ. Nơi bàn thờ Thần tại gian giữa chánh điện trầm hương nghi ngút, một cụ lão mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đóng thay mặt làng đứng cúng, khấn và lạy 4 lạy, rồi lui ra đánh 3 hồi mõ để mở đầu năm mới. Sau đó, dân làng lần lượt vào lạy, cuối cùng là đốt pháo.
VÀI SUY NGHĨ VỀ NHỮNG TẬP TỤC:
Chuẩn bị một cái Tết hết sức công phu và đợi chờ từng ngày từng giờ, nên mồng Bảy là ngày hạ Nêu hết Tết nhưng người Việt xưa vẫn chưa muốn kết thúc:
Tháng Giêng ăn Tết tại nhà
Tháng Hai cờ bạc tháng ba hội hè

Trên thế giới không một dân tộc nào có máu nghệ sĩ ăn Tết cả một tháng Giêng mà vẫn còn mong mỏi ước ao:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè

Nhà khảo cứu Vương Kỳ Sơn Viết:
"Cái Tết của ta rất lớn lao trọng thể, có thể nói chưa có dân tộc nào bằng: ăn Tết mấy tháng."
Những tập tục cổ truyền ghi trên chưa đầy đủ, tuy nhiên qua đó chúng ta có thể thấy được phần nào đời sống văn hóa, tâm linh, tinh thần của người Việt xưa. Họ sống rất thoải mái, vui trong cảnh nghèo của mình, an bần lạc đạo. Đạo ở đây là Đạo Thờ Trời Đất Thần Linh, tôn trọng Con Người, yêu quý thiên nhiên, sống hòa nhập hòa đồng với đại vũ trụ, lấy Thiên Địa Nhân làm nền tảng.
Người Việt xưa sống có tín ngưỡng và rất sùng đạo. Đạo ở đây là đạo Thờ Cúng Tổ Tiên, còn gọi là Đạo Ông Bà, tức Đạo Hiếu, dạy dỗ con cháu cách ăn ở đối xử có hiếu thảo với ông bà cha mẹ lúc còn sống cũng như khi đã khuất bóng. Đạo Hiếu không đóng khung trong việc cúng kính lễ bái mà được hiểu rất sâu rộng xuyên suốt tam cương ngũ thường đối với nam giới và tam tòng tứ đức đối với nữ giới, gần nhất là phải biết tu thân tề gia, công dung ngôn hạnh, phải biết ăn ở đối xử từ trong gia đình tộc họ ra ngoài làng nước làm rạng danh cha mẹ tổ tiên, lưu lại tiếng thơm cho con cháu.
VN là nước nông nghiệp nên rất nhạy cảm với thời tiết, mùa Đông lạnh lẽo nhường chỗ cho mùa Xuân ấm áp, vụ 3 vừa mới gieo cấy xong mọi người đang lúc rảnh rỗi, thì đó là thời điểm lý tưởng nhất để tổ chức lễ đón Xuân vui Tết. Trong ba ngày Tết, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến cử chỉ, hành động... nhất nhất đều phải giữ gìn cho đúng với "chân thiện mỹ" để làm mẫu mực cho cả một năm, đồng thời cũng là những biểu tượng mang nội dung triết lý sâu sắc Thí dụ nhóm chữ "Ba Ngày Tết" Ba không chỉ là số 3 thông thường mà còn là số 3 Tam Tài Thiên Địa Nhân, nền tảng của tư tưởng triết học Đông Phương. Ngày mùng Một cúng Trời Đất Thánh Thần Tổ Tiên, đi lễ đình chùa, nhà thờ, là ngày dành cho "Thiên". Ngày mùng Hai đi thăm viếng chúc tụng năm mới mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt là ngày dành cho "Địa". Ngày mùng Ba ăn chơi thỏa thích là ngày dành cho "Nhân". Người Việt xưa ăn Tết bảy ngày, ăn Tết một tháng mà vẫn gọi Ba Ngày là vì cái ý nghĩa triết lý đó. Tết là quãng thời gian mà người Việt xưa sống hòa nhập hòa đồng với Trời Đất trọn vẹn nhất. Những từ ngữ ăn Tết, ăn chơi, ăn mặc, ăn học... chữ "ăn" không còn mang ý nghĩa thông thường mà đã vượt trên trên tinh thần đạo lý sâu xa:
"Có thực mới vực được đạo"
Chỉ người VN mới dùng chữ "Ăn Tết". Người Tây phương Happy New Year (mừng năm mới hạnh phúc) gởi thiệp chúc mừng, được nghỉ một ngày đi dự party, rồi sáng hôm sau lại tiếp tục đi làm, không khác những ngày lễ khác bao nhiêu.
Bàn Thờ Tổ Tiên có tính cách linh thiêng nơi đặt Bài Vị của ông bà cha mẹ, có đèn sáng, có trầm hương nghi ngút, có rượu trà hoa quả, là nơi để người sống tưởng nhớ đến người đã khuất. Khi sống phụng dưỡng báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như thế nào, thì khi cha mẹ qua đời khuất bóng con cái cũng tưởng nhớ tri ân thương tiếc như thế ấy, mới là Đạo Hiếu trong văn hóa Việt Nam. Ánh Nến là ánh sáng soi đường để con cháu thấy mà đi mà học hỏi noi gương nối nghiệp tiền nhân. Hương Trầm nghi ngút là mùi thơm tinh khiết vừa tôn nghiêm vừa nhắc nhở con cháu hãy làm điều hay lẽ phải như ông cha đã làm để tiếng thơm còn lưu mãi ngàn năm. Trầu Cau là lời khuyên "thủy chung như nhất" và tượng trưng cho lễ.
Mâm Ngủ Quả nhắc nhở Ngũ Hành: cam chuối bưởi màu vàng thuộc thổ, ổi dưa màu xanh thuộc mộc, thanh long quít chín màu đỏ thuộc hỏa, đào mận trắng thuộc kim, xay đen thuộc thủy. Ba ly nước, ba ly rượu, ba nén hương, ba lạy, ba vái, ghế thờ ba bực... tượng trưng cho Tam Tài mong sống sao cho phải Đạo Làm Người từ trong gia đình ra ngoài xã hội, kể cả thế giới tâm linh siêu hình huyền bí.
Có người nhận xét Thờ Cúng Tổ Tiên hay Đạo Ông Bà là mẫu số chung về tín ngưỡng của dân tộc VN, vì ngoài lòng tôn kính tri ân Ông Bà Cha Mẹ ra, người VN còn theo một tôn giáo nào đó như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài v.v... Do đó việc thờ cúng ông bà cha mẹ không thể hiểu là "thờ hình tượng" như một số người ngộ nhận. Người Việt quan niệm bất hiếu là trọng tội đứng đầu trong các tội, cho nên Thờ Cúng Tổ Tiên là thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Việc thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ quan niệm thờ cúng thần linh, tin tưởng giữa thế giới hữu hình và vô hình có một sự liên quan mật thiết với nhau, người chết chưa hẳn đã dứt hết mọi liên hệ với con cháu, dù thể xác không còn nhưng linh hồn vẫn luôn lui tới và có những nhu cầu căn bản không khác người sống, cho nên trong việc thờ cúng luôn luôn có lời cầu nguyện van vái Tổ Tiên phù hộ ban phước. Giáo sư Vũ Ký viết:
"Thờ cúng ông bà, sùng bái tổ tiên chính là một biểu hiện đặc trưng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, một phát lộ của tinh thần duy linh truyền thống cố hữu của tâm hồn Việt Nam."
Như đã nói, qua tập tục cổ truyền trong ba ngày Tết, người Việt xưa có tín ngưỡng thờ Trời Đất và các vị Thần như Táo Quân, Thổ Thần, Thủy Thần... Họ quan niệm tất cả các vị Thần đều được Ngọc Hoàng sai xuống thế gian để lãnh những trọng trách khác nhau. Thổ Công coi về đất đai, Hà Bá coi về sông nước, Táo quân coi về việc ăn ở trong gia đình... Nếu có vị Thần nào lơ là trong nhiệm vụ thì dân chúng đặt bàn hương án thiết lễ dâng sớ lên Thượng Đế xin thay đổi vị Thần đó, đôi khi họ ném tượng thần đó vào bếp lửa. Tinh thần Nhân Chủ Làng Xã lâu đời của Việt Nam xuất phát từ quan niệm này. "Phép Vua thua lệ làng". Nhờ thế mà tránh được sự nô lệ thần thánh quá đáng dễ dẫn tới cuồng tín cực đoan. Học giả Eberhard nhận xét:
"Sự liên hệ giữa người và thần linh rất bình đẳng."
Trong tinh thần nhân chủ làng xã, đạo làm người là đạo đối nhân xử thế của con người trong đời sống, cho nên khi con cái tới tuổi dựng vợ gả chồng người ta chúc mừng: "thành nhân chi mỹ" và có một điều không ngờ là qua các tập tục Múa Lân, cúng Ông Táo, Tết Bò, Tết Trâu, Tết Vườn ... người Việt xưa đề cao phụ nữ, coi trọng bếp núc, yêu thương mục đồng, quý mến vườn tược, con trâu, con bò...
 
KẾT LUẬN:
Tết là ngày lễ bái thiêng liêng, ngày sum họp, đoàn kết, yêu thương, tha thứ, vui chơi, hội hè và ước mơ, ước mơ một đời sống thái bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.
"Tháng Giêng ăn Tết tại nhà"

Chữ "tại nhà" tiềm ẩn một ý nghĩa sâu xa. Mỗi nhà là một tổ ấm thiêng liêng, nơi sum họp vui vầy trong ba ngày Tết. Nhà là nền tảng của xã hội VN, nơi đoàn tụ giữa người với người, giữa người với Trời Đất Thần Linh, giữa người với Ông Bà Tổ Tiên và thế giới vô hình.
Tết là ngày trọng đại, thiêng liêng, cao quý nhất của người VN và cũng là ngày có nhiều tập tục cổ truyền nhất. Nhờ tập tục, Tết in đậm màu sắc văn hóa Dân Tộïc như một đóa hoa ngào ngạt hương thơm.
Qua Tết, Quốc Hồn Quốc Túy hiển hiện sinh động rộn ràng. Vì thế cho nên cứ mỗi lần Xuân về Tết đến là mỗi lần những trái tim Việt Nam lại rung lên bao niềm xúc động bồi hồi có khi bâng khuâng trầm lắng.
Tác giả Vương Kỳ Sơn viết:
"Ngày mồng Một Tết được coi là độ cao chót vót của đời sống gia đình, trong đó mọi người đều được nhắc đến".
Cho nên dù ở xa xôi mấy người ta cũng cố gắng thu xếp để kịp trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết.
 Tài liệu tham khảo:
Non Nước Khánh Hòa, Nguyễn Đình Tư
Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính
Múa Lân Ngày Tết, Tập Tục Kỳ Thú Của Người Việt Nam, Mường Giang
Ngày Tết Viết Về Những Biểu Tượng, Nguyễn Việt An
Nhân Ngày Tết, Bàn Về Việc Thờ Cúng Ông Bà Tổ Tiên, Vũ Ký
Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Cái Pháo, Ngày Tết Và Táo Quân, Vương Kỳ Sơn
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9