TÔI LÀM CHÁNH ÁN
Phạm Đà Giang
((o-o))
Tại một làng quê hẻo lánh, nơi mà văn minh thành thị chưa ảnh hưởng đến tâm hồn tư tưởng người dân địa phương; họ sống mộc mác, chất phác, thanh thản, an vui với những gì xóm làng họ có. Họ không bị ánh sáng đèn điện, TV, tủ lạnh làm vẩn đục lương tri… Ấy thế mà lại xảy ra vụ trộm giết chết chủ nhà!
Tôi ngồi ghế chánh án tại thị xã miền thượng du Bắc Việt, để xét xử vụ Trần Lâm gây án giết người. Sáng hôm ấy, núi rừng còn mờ đục hơi sương giăng mắc khắp bờ suối, thung lũng ven đồi. Mà người dân từ các Bản thượng, các Buông làng lục đục keo nhau về thị xã dự kiến phiên tòa Đại hình xét xử kẻ giết người xem có bị lên án: “Sát nhân trả tử” hay không?
Sáng sớm, bên trong tòa án đã chen chúc nhau đông nghẹt, ngoài hành lang cũng không còn chỗ trống, người dân còn phải đứng cả dưới sân và ngoài đường quanh tòa án nữa. Trong tòa, đã đầy đủ các viên chức Lục sự, Viện công tố và càc trạng sư tình nguyện biện hộ không thù lao, và thân nhân của cả bên bị lẫn bên nguyên… -Phiên tòa khai mạc, một hồi chuông rung leng keng! Leng keng! Tiếng hô “Nghiêm”, mọi người đứng lên, im bặt tiếng xì xầm… Tôi ung dung đi trên bục từ sau tấm màn nhung màu đỏ thả từ trên trần xuống tận sàn bục tòa án. Đứng vào chính giữa bục, kéo ghế ngồi xuống. Đọan đưa tay ra dấu cho mọi người an tọa.
Viên lục sự đem hồ sơ bị cáo trình lên cho tôi.
Viên công tố ngồi bàn kế bên đứng lên, dõng dạc đọc bản cáo trạng: “Bị cáo Trần Lâm, 36 tuổi. Có 1 vợ và 2 con. Nguyên quán tại Nam Định, trú quán ở Nha Lộng, Thái Nguyên. Nghề nghiệp giáo viên cấp 1”. -Diễn biến gây án: khoảng chừng 12 giờ đêm ngày 18 rạng 19 tháng 7… bị cáo chui hàng rào vào nhà của vợ chồng Nguyễn văn Thành bắt trộm con gà mái đoạn chui lỗ rào ra về… Nhưng vừa ra khỏi rào thì bên trong rào chủ nhà, tức Nguyễn văn Thành phát hiện, nên đuổi theo kẻ trộm. Chẳng may, anh Thành vấp phải tảng đá làm té nhào xuống bờ vực… Bị cáo Trần Lâm nghe tiếng ối! Và tiếng huỳnh huỵch tiếp theo lăn xuống khe… Trong lúc nguy khốn của người khác, bị cáo đã quên mình là kẻ trộm; là nguyên nhân gây ra sự nguy khốn đó! Tâm từ bi bác ái trong bị cáo bỗng bừng sáng. Y liền quay trở lại, chui vào lỗ rào rồi lần mò trong bóng tối xuống khe vực để cứu chủ nhà… Nhưng hỡi ơi! Nguyễn văn Thành đã chết vì đầu đập vào những tảng đá trên trườn dốc khi anh ngã lăn xuống khe. -Bị cáo ôm xác nạn nhân leo lên khỏi vực, thì vợ con nạn nhân và bà con chòm xóm đã đứng lố nhố ở trên… -Trước mặt mọi người, Trần Lâm tự nhận mình là kẻ vừa ăn trộm vừa sát nhân!
Tại Biện Lý Cuộc, thẩm vấn viên tra hỏi bị cáo:
- Dân địa phương, ai cũng khen ngợi anh là người đàng hoàng, lương thiện, thật thà, tử tế! Dù nghèo khó nhưng luôn có lòng giúp đỡ người khác trong điều kiện mình có thể, đã vậy anh còn là người có học và theo Đạo Phật, một tôn giáo lấy Từ bi, Hỷ, Xả làm phương hướng tu hành… nên anh có phẩm giá, nhân cách và đức tự trọng cao… Vậy cớ sao khiến anh phải đi ăn trộm một con gà mái của nhà hàng xóm trong lúc đồ đạc có giá trị của nhà ấy thiếu gì mà anh không lấy?
Bị cáo ngẩng mặt nhìn ông Biện lý, với vẻ chân thành, chất phác và đôn hậu. Đoạn anh thong thả trả lời:
- Bẩm ngài biện lý, xin đa tạ sự nhận xét của ngài về bản chất của tôi. Thật vậy thưa ngài, tôi sống luôn thấy đủ và an vui với những gì mình có, cho nên tôi xem cuộc đời đẹp tựa đóa hồng đang độ nở! Nhưng không ngờ, bông hồng luôn có gai… Vâng! Thưa ngài. Gia đình tôi đang sống an vui, bỗng một tai họa ập tới: -Vợ tôi sau hai tháng bệnh nặng, thuốc thang đủ thứ vẫn không thuyên giảm. Nay thì thầy thuốc đã khước từ chữa trị vì thiếu tiền thuốc đã nhiều mà không biết có thể trả nổi hay không? Nên đành nằm chờ chết vậy. –Hai đứa con đã phải nghỉ học, đứa lớn đi làm mướn ngoài chợ Choom Pao, đứa nhỏ đi mót sắn, ngô, khoai trên nương rẫy. Cha con bữa rau bữa cháo qua ngày. -Rồi một hôm có bà người “Mường” thương tình chỉ bầy cho một phương thuốc và bà cả quyết chữa cho vợ tôi sẽ hết bệnh, nhưng phải có một con gà mái mới được. Rồi bà hẹn sáng mai bà trở lại sẽ làm giúp cho. Tôi thầm nghĩ: Thật phúc đức quá! Nhưng chẳng ngờ lại là tai họa quá lớn! Tai họa bởi làm gì có tiền để mua một con gà mái? Bất chợt, một ý nghĩ đen tối hiện lên trong đầu tôi là vào nhà ông chánh Thành bắt trộm một con!!! Vì đây là bước đường cùng để cứu mạng cho vợ tôi. –Thưa ngài Biện Lý, thế là vụ án mạng xảy ra như ngài đã biết…
Ông biện lý vừa chăm chú nghe, vừa ghi chép, vừa suy nghĩ miên man… Vừa bồi hồi xúc động! Rồi ông đặt câu hỏi tiếp:
- Anh đã lấy trộm được con gà rồi và ra ngoài được an toàn, sao anh không chạy về nhà mà còn quay trở lại chi vậy?
- Thưa ngài biện lý, trộm nghĩ: đã là người! Thì không thể quay lưng lại với một người khác khi người ấy đang bị hoạn nạn (ngoại trừ trường hợp mình không đủ khả năng đương đầu với sức mạnh và quyền lực hơn mình như mãnh thú hay chính quyền...). Hơn thế nữa, hoạn nạn đó lại do chính tôi gây nên, Bởi vậy tôi quyết định quay trở lại cho dù phải trả giá cao nhất bằng chính sinh mạng của mình đi nữa… -Thưa ngài, tức là tôi đã chấp nhận một bản án: “Sát nhân, trả tử” và tôi sẽ không kháng cáo và cũng không xin ân xá. Đồng thời còn phải chấp nhận một tình huống cao hơn thế nhiều, là lúc tôi thọ án cũng là lúc gia đình của tôi vỡ nát, tan tành!!!
Nghe bị cáo trình bầy, ông biện lý gỡ cặp kính cận xuống, lấy vạt áo lau đi lau lại, phải chăng để thời gian nén niềm chua xót đắng cay đang trào dâng trong ông… Rồi ông nói như tâm sự với chính mình:
- Anh vừa ví cuộc đời đẹp tựa bồng hồng! Nghe anh nói về quan niệm sống của anh cũng đẹp không kém bông hồng. Mà bông hồng thì luôn có gai! Nhưng anh có hay chăng: Hoa hồng luôn tàn tạ héo úa và rơi rụng trước, trong khi gai vẫn còn xanh tươi trên cành cây. Cuộc đời cũng tương tự anh ạ! Những người lương thiện, có tâm hồn nhân ái, đạo đức thì thường gặp cảnh gian truân, cơ cực hơn là những kẻ lưu manh, lừa lọc, tàn ác… anh có nghĩ như thề không?
- Vâng, đúng là như vậy thưa ông Biện lý. Nhưng chẳng phải vì thế mà khiến những người có lòng nhân, lại có thể đánh mất lòng nhân được sao !
Đoạn, Công Tố viên, nhìn Chánh án, nhìn bị cáo, đảo mắt nhìn một lượt cử tọa. Xong ông lên tiếng, giọng lí nhí run run như chính ông là bị cáo vậy:
- Kính thưa quí tòa, đó là cung khai và nhận tội của bị cáo trước Biện Lý Cuộc. Về phía Viện Công Tố, chúng tôi không cách chi có thể buộc tội bị cáo đước. Vậy kính trình quí tòa thẩm định. Đọc xong bản cáo trạng, viên Công Tố ngồi xuống.
Không khí trong tòa căng thẳng, có tiếng nấc, tiếng xụt xịt và không ít người đã lau nước mắt… Giây phút im lặng, mọi người hồi hộp; nín thở chờ lời phán quyết của Chánh án.
Mình là Chánh án ngồi nghe Công Tố Viên đọc xong bản cáo trạng và xem hồ sơ của bị cáo, mà lòng thấy hoang mang, hoang mang vì không biết phải xét vụ án này ra sao! Xử thế nào cho tròn nhiệm vụ một Chánh án mà lương tâm không bị giày vò cắn rứt… Nhìn xuống hàng ghế trạng sư thiện nguyện bào chữa cho bị cáo, tôi nói:
- Mời quí vị trạng sư phát biểu.
Trạng sư Lê Quang từ Hà nội lên, ông là chủ tịch Luật sư đoàn Bắc Việt. Ông nổi tiếng là một trạng sư hùng biện nhất của xứ Bắc Kỳ. Ông đứng dậy và đi ra khỏi hàng ghế. Dáng ung dung, tự tin và dõng dạc, ông nói:
- Kính thưa ngài Chánh án, kính thưa quí tòa. Cho phép tôi được cải danh phiên tòa đại hình hôm nay, thành phiên tòa lương tâm. Tại sao vậy? Vì căn cứ vào điều nọ chương kia của luật hình sự tố tụng để xét xử nội vụ, thì chúng ta trở thành cái máy được vận hành theo nhịp độ vô tri, vô giác, vô cảm… Nếu xét xử như vậy, thì cần chi phải có phiên tòa này, chỉ việc đưa dữ kiện vào máy computer rồi bấm nút sẽ in ra bản án và phán quyết theo bản án đó… -Bởi thế, xin quí tòa hãy tự đặt mịnh vào hoàn cảnh của bị cáo Trần Lâm. Khi ấy, quí tòa sẽ hành động như thế nào? -Với riêng tôi, tôi cũng làm như bị cáo và có thể làm hơn thế nữa là đằng khác. -Vậy, xin quí tòa. Nếu quí tòa kết án bị cáo thì tôi, trạng sư Lê Quang trân trọng được thọ án thay cho Trần Lâm, để y được phóng thích về cứu giúp gia đình mà không ai có thể thay thế y được. –Nói tới đây, ông trở về chỗ ngồi của mình.
Các trạng sư khác, thay nhau bào chữa cho bị cáo… Sau cùng đến lượt vợ nạn nhân; bà quả phụ Nguyễn văn Thành phát biểu:
- Nam Mô A Di Đà Phật! -Kính bẩm ngài Chánh án, kính thưa quí tòa. Chồng tôi đã chết! Không cách chi có thể cứu sống lại được, cho dù bản án có tuyên phạt bị cáo nặng tới đâu đi chăng nữa. Vì lẽ đó, xin được bãi nại và yêu cầu tha bổng cho bị cáo… Nếu quí tòa tuyên phạt bị cáo, thì chẳng khác nào: “Chồng tôi bị chết lần thứ hai”, bởi vợ con nhà bị cáo sẽ chết nếu thiếu Trần Lâm.
Bà dứt lời, làm mọi người có mặt trong tòa đứng cả lên vỗ tay khen tặng vì tấm lòng độ lượng của bà…
Địa vị là một Chánh án, tôi chẳng biết tính thế nào! Về “Dân tố quyền” đã được bà vợ nạn nhân bãi nại. Nhưng còn về mặt “Công tố quyền” thì sao? Nếu xử theo tình thì vướng “Lý”. Nếu xử theo lý thì vướng ‘Tình”… -Tôi đành tuyên bố:
- Bản tòa đành bất lực xét xử vụ này, nên hoãn lại một tháng sau, để đồng bào Làm Chánh án thay tôi, đưa ra một bản án như thế nào khả dĩ có thể “Đạt lý, thấu tình”. Và xin gửi văn thư cho Bản tòa càng sơm càng tốt.
Trân trọng tuyên bố bãi phiên tòa hôm nay./.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2009 20:34:00 bởi kim Hồ >