THƠ NGÃ DU TỬ
Thay đổi trang: << < 101112 > >> | Trang 11 của 39 trang, bài viết từ 151 đến 165 trên tổng số 578 bài trong đề mục
THƠ NGÃ DU TỬ 12.06.2011 13:30:15 (permalink)
0
 
 
                              TÌNH RIÊNG
                        Tặng Đoàn Duy Thanh
 
  Quê nhà khói bụi giăng mù
  Xuôi Nam tháng chÍn viễn du một thời
  Đất người một thuở rong chơi
  Sài Gòn hoa lệ nửa đời dọc ngang
 
  Bến Thành buổi ấy ngang tàn
  Cầu treo còn nhớ tiếng đàn xừ xê
  Đàn ai vọng tiếng lê thê
  Hai mươi năm nhớ… trôi về lãng du
 
  Bây giờ trời lại sa mù
  Bế bồng gia thất chạy vù áo cơm
  Nam nhi cũng một kiếp tằm
  Tài hoa nghèo khó có nằm chung chăn?
 
  Ừ thôi, về với chị Hằng
  Gởi trần gian chút giá băng cơ đồ
  Trăm năm về với hư vô
  Còn chăng là cái xác khô bụi hồng
 
  Gõ thuyền vỗ nhịp xa trông
  Còn ba con giữa bềnh bồng trần ai
  Ai về so chén lai rai
  Đôi dòng tâm sự lấp vài trống canh!
 
  Đời may còn chú bên anh
  Trong ngăn tim máu để dành tình nhau
  Bôn ba tóc ngã phai màu
  Thời gian còn những con tàu rời ga
  Nằm mơ đầy ắp mái nhà
  Giữa Sài Gòn chỉ thật thà tình Em ./.
                           NGÃ DU TỬ 

R
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.06.2011 05:48:01 bởi Viet duong nhan >
THƠ NGÃ DU TỬ 14.06.2011 19:05:54 (permalink)
0
                         Con tim và lý lẽ
            Khi con tim trở thành giếng hoang
            rác cuộc đời ập xuống
            tan hoang
 
            khi con tim nở đóa từ bi,
            đời thăng hoa
            diệu kỳ./.
                              ngã du tử
THƠ NGÃ DU TỬ 21.06.2011 12:25:24 (permalink)
0
           LỤC BÁT DÒNG TRONG
 
Quê hương từ thuở xa người
Vòng tay ngày cũ còn lời xưa sau
Nhớ mùa thơm thoảng hoa cau
Thương nhau sẽ hái thắm trầu mang sang
 
Ngờ đâu tiếng nói trễ tràng
Đến tang thương, em sang ngang theo chồng
Thôi về nhặt kỷ niệm hồng
Ra bến xưa ngắm con sông : - nhớ đò
 
Lòng vòng từng nẻo quanh co
Áo em mất hút đôi bờ quạnh hiu
Từng không một nhánh chim chiều
Cô đơn bay lượn một triều cô đơn
 
Làm sao tìm lại dỗi hờn
Trong mắt nhau mấy nổi buồn vu vơ
Đêm về lần giở trang thơ
ồ! là em, nhật ký mơ mộng đầu
 
Thì ra trong cuộc bể dâu
Còn đâu đây một nổi đau đáu lòng
Tạ từ lục bát dòng trong
Vẫn nhớ nhau giữa mênh mông sóng tình
Tôi về bóng thắm ngày ngày xinh
Thương nhớ ai? Lóng ngóng mình giữa quê./.
                                         Ngã du Tử
 
THƠ NGÃ DU TỬ 21.06.2011 12:36:26 (permalink)
0
sắp đến ngày fatherday NGÃ DU TỬ gửi cho VNTQ bài thơ cho cha, mong anh chị em đón nó như món quà cho cha.
 
             
                       BIỂN BỜ CHA                 
                             thế gian mãi ca tụng mẹ
                             ít người nhắc đến ơn cha
 
ngày mới lớn cha thường ban bảo:
rằng áo cơm cũng khó nhọc khôn cùng
còn tri thức vạn lần hơn thế nữa
và rất nhiều lý lẽ của riêng chung
 
tôi chưa hiểu những cơ, thời, lý, mệnh
nên buâng khuâng trước ngữ nghĩa cha mình
rồi ra đời trong lúc khó mưu sinh
mới lần rõ chuyện nhọc nhằn tình lý
 
cha bấy giờ rong chơi cùng thiên sứ
ông ngao du khắp trời đất muôn trùng
tôi đứng trước đôi bờ phong vận …cùng thông
lòng cứ nhớ những lời cha thời cũ
 
có những đêm trường tư lự
bao mầm xanh bật chết trước can trường
đời có đẹp như điều cha nói :
-‘đạo làm người trên cả những danh xưng’
 
Giữa đời thường, lòng đôi lúc rưng rưng
Thương cha lắm cứ thủ thường liêm khiết
‘ giữ đạo làm người’ có là thua thiệt?
nhưng,cả đời gìn được chữ thanh gia
 
đường trần gian ai cũng phải đi qua
và có lẽ cái nhìn chưa bao quát
hành vi mỗi người là hạt
trái ngọt chua là kết quả mai nầy
 
 đời chập chùng quá khứ đến tương lai
 càng đơn giản khi quay về đạm bạc
 muôn lý giải giữa hai dòng thiện ác
chẳng bằng ung dung trước rộng chật vô cùng
                                            ngã du tử
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
THƠ NGÃ DU TỬ 02.07.2011 16:47:17 (permalink)
0
       NHƯ NHIÊN    
 
 Hỏi sông rằng đâu đến,
- Dòng nước lành trôi xuôi
Hỏi trăng từ đâu tới,
- Vầng trăng sáng giữa trời
 
 Em từ đâu thị hiện,
 Sáng trong lòng thi ca
 Em : - vô chung vô thỉ
 Theo dòng đời ngân nga
 
 Thơm lừng hương đạo hạnh
 Bên đời mãi hoan ca
 Mùa vui nào kịp dậy
 Hòa vào cùng loang xa ?
 
 Đất trời màu xanh ngát
 Lòng người kịp thiết tha?
 Bao năm rời quê quán
 Lòng biêng biếc thềm nhà
 
 Thả tâm mình thật lỏng
 Đón nhận những bình yên
 Có thể là sóng gió
 Chẳng nôn nao lụy phiền
 
 Áo đời mới rồi cũ
 Mặt người trẻ rồi khô
 Lững thững chiều trước cửa
 Song song với sông hồ
 
 Thời nào sông cũng chảy
 Thời nào ngày cũng đi …
 
 Bất ngờ con cu gáy
 Đậu trên cửa xuân thì
 Tiếng chim, ừ rất lạ
 Vọng vào lời tân thi
 
 Đi tìm tôi năm tháng
 Mệt lả giữa trần ai
 Quanh đây con bóng ngã
 Đỗ xuống tôi thật dài
                NGÃ DU TỬ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.08.2011 22:26:41 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 04.08.2011 17:59:18 (permalink)
0
               CẦN MẪN GỌI NGÀY
 
Không còn nhận ra sông khi hòa cùng biển
Nên lan man giữa ranh giới chè hai
Em bước tới, vừa chạm bờ thánh thiện
Tưởng hiển linh hóa Bồ Tát nghiêm đài!
 
Tôi cần mẫn tìm đò sang sông lớn
Giông bão hoài nên chẳng chuyến sang sông
Đời lỡ vận ngậm ngùi mong con trẻ
Phải không Em, chưa sống chết với dòng?
 
Thì lỡ vận về an nhiên tu chí
Gặp anh em đỏ mặt chuyện khóc cười
Bàn quanh quẩn mọi mất còn thế sự
Ô hay cờ thế sự vốn trò chơi?
 
Chẳng yên lặng trước trắng đen thời cuộc
Nhưng quả tình bé nhỏ trong bao la
Rồi chăm chỉ bên cổng ngày vừa mở
Mỗi thăng hoa thêm một chén cười khà
 
                             Ngã du tử
 
 
 
 
 
THƠ NGÃ DU TỬ 08.08.2011 18:29:12 (permalink)
0
               TRIỀU GIÓ MỚI
                 (ngày 7/8/2011)
 
Hởi cuồng nộ cơn đỉnh triều gió mới
Cuốn phăng bao rác rưởi cõi đời nầy
Đất nước vô cùng, chật hẹp những vòng tay
Ôi, cường bạo giết chết bao trí sĩ
 
Có phải tay nhân gian ích kỷ?
Không, bọn người bám quyền lực ngôi cao
Dưới trời quê bật chết những anh hào
Ngọn nến sáng lung linh mùa tưởng nguyện
 
Đầu Bắc Nam nối dòng người phụng hiến
Tiếng vang rền dân tộc thức anh linh
Mùa hạ vàng, dậy con phố bình minh
Vui chào đón nụ cười chưa quen biết
 
Một điểm hẹn: - con dân nước Việt
(Có khoãng cách ngại ngần những kẻ nhân danh…)
Chân thanh xuân rầm rập bước diễn hành
Không phải lính - toàn người dân ra trận
 
Đất nước ơi! Từ bao đời lận đận
Nhưng nổi nhục nào bằng đàn áp lương tri
Ngựa buộc cương chao ôi! – Giống ngựa Kỳ
Đường thiên lý ngùi trông trong uất nghẹn
 
Đứng giữa trần gian lòng không hổ thẹn
Lấy chính danh nguyện gìn giữ cơ đồ
Đời nhọc nhằn nhiều tầng suất quanh co
Nếu phải chọn: - con đường bằng phẳng nhất
 
Quyền lợi tối cao là quốc gia dân tộc
Quyết một lòng bảo vệ biển, non sông
Hởi anh linh của dòng giống Lạc- Hồng
Mùa dân chủ rộng vòm trời kỳ vọng
                            
                                               NGÃ DU TỬ
THƠ NGÃ DU TỬ 16.08.2011 22:32:32 (permalink)
0
CỔ TÍCH MẸ VÀ EM
 
Tiếng Em từ độ thu nào
Còn trôi trong mắt như màu thu nay
Sáng trưng trên mấy từng mây
Lạc vào cổ tích nở ngày trong tôi
 
Rằng xưa một nhánh tao nôi
Huyền xanh sử mẹ mắt môi tượng hình
Cũng từ nhật nguyệt lung linh
Kết tinh thành cả dáng hình của tôi
 
Tháng ngày hạnh phúc êm trôi
Lớn dần từng tiếng từng lời mẹ cha
Niềm vui xanh nhánh trổ hoa
Quây quần quanh lũng yêu và thương ngoan
 
 Từ em lạc chốn địa đàng
  Bao dung trên khoãng ánh vàng nắng sương
  Theo Em đi khắp muôn phương
  Phương nào cũng chỉ một phương Em hồng
 
                         ….
 Yêu em vừa buổi núi sông
   Lặng im tiếng súng phiêu bồng rong chơi
   Cơ đồ trong mái nhà thôi
   Có em từ đó vàng phơi thơ tình
 
   Nảy mầm từng tứ thơ xinh
   Xanh cành tươi tắn có hình dáng Em
   Trôi theo ngày tháng lã mềm
   Giữa đời còn đọng hương đêm của ngày
                                            ngã du tử
 
 
THƠ NGÃ DU TỬ 16.08.2011 23:12:39 (permalink)
0
                            ẤM TRÀ ĐÊM GIAO THỪA
 
     Hồi mới vào bậc trung học đệ nhất cấp khoảng năm sáu tám, sáu chín , lúc ấy ông nội tôi còn tại thế, mỗi lần đi học về, tôi thường lân la với ông để chuyện trò, có những điều không biết tôi thường hỏi ông tôi. Nội tôi có thói quen là đọc sách và uống trà. Sách ông đọc thường bằng chữ Nho, thỉnh thoảng ông vẫn đọc sách quốc ngữ dịch từ tiếng Hán như Tam quốc chí, Thuyết Đường, Đông Chu liệt quốc… nghe ông nói việc uống trà từ rất sớm lúc ấy chắc vào lúc ngoài bốn mươi, tôi còn nhớ những động thái của ông lúc pha trà cũng như lúc uống trà.Thế mới biết thú uống trà cũng công phu quá đổi: ‘nghề chơi cũng lắm công phu’.
    Đầu tiên ông đun nước sôi, không hiểu sao ông nói chỉ ấm đất nước mới ngon pha trà mới tuyệt, lẽ ra phải dùng nước giếng buổi sáng múc từ dưới giếng của nhà cũ của mình hình như là mạch nước đó tốt , tôi thì chả hiểu tốt xấu thế nào nhưng rõ ràng là mỗi lần về quê những lần nghỉ học là khoái uống ngụm nước giếng quê nhà múc từ giếng, nó ngọt ngào làm sao, cái vị ngọt ấy tôi chẳng thể nào quên, nhưng điều kiện ở thành phố không có đành chịu, nước thủy cục thì chẳng thể nào bằng, lúc nước sôi bùng ông vẫn còn để trên bếp bớt lửa cứ dùng từ từ, ông tráng ấm, tráng chén , xong đâu đó ông thận trọng mở lon trà, lon trà làm bằng cạc- tông của Đài Loan màu đỏ, ngoài có viết chữ thảo của Tàu, có ấm trà và chén trà khói nghi ngút , họa sĩ Đài loan vẽ rất đẹp, bên trong  còn tráng lớp ny lông. Trà ông thường uống là  trà Kim Phát do người Tàu định cư ở Quảng Ngãi sản xuất nước có màu xanh thơm lạ thường lúc bấy giờ nó là danh trà ở xứ tôi, thỉnh thoảng ai đó biếu ông bịch trà Đài Loan , ông quý lắm ông cẩn trọng thêm bịch ny –lông dày buột dây cao su đeo tay kỷ lưỡng lắm, ông nói làm như vậy trà sẽ ít bị bay hơi,  mùi trà thơm lâu, rồi ông khum tay dốc trà vào lòng tay mình liều lượng tương đối nhất định, ông bỏ vào bình. Ông tráng ấm, tráng ấm cũng rất điệu nghệ, lắc đều nước quay đều đến thành miệng ấm mà chẳng ra ngoài, rồi ông dốc bỏ nước ấy, sau đó ông chế tiếp nước sôi vào ấm nước đặt trên bếp rề sô nhỏ màu ô liu quân đội ,ba kiềng táo khi không nấu nữa thì xếp vào thân gọn gàng lắm, ông rất ngăn nắp vị trí nào ra vị trí nấy. Cái bình trà cũng ngộ lắm, nhỏ chút xíu màu gan gà nghe ông nói đó là ấm thời nhà Minh bên Tàu. Đặc biệt bên dưới in chữ Tàu trong ô vuông , chữ sắc sảo lắm và lại nữa khi ông úp xuống nó cùng nằm trên mặt phẳng thẳng tắp ba tiếp điểm vòi bình, miệng bình và quai bình.
   Bộ bình của ông chẳng hiểu sao có ba  chén nhỏ và một chén tống,(có lẽ bể một chén chăng?) nước đầu tiên ông rót cả vào chén tống, rồi ông tiếp tục đỗ nước sôi vào bình lần hai, đợi ra trà lần nầy ông rót cả vào chén nhỏ, ông rót tuần tự hết vòng tới vòng, trước khi uống ông đặt vào thành mắt mình cho hơi trà xông vào mắt ông, ông nói rằng như vậy sẽ làm mắt sáng hơn, chẳng biết điều nầy đúng hay sai thế nào nhưng sau nầy thỉnh thoảng khi uống trà buổi sáng tôi cũng thường làm như vậy, tôi cũng thấy mắt mình dễ chịu.Chuyện  uống trà buổi sáng của ông có khi đến 7, 8 giờ sáng mới xong.
     Khi đâu đấy xong xuôi ông thận trọng lau chùi bình tách và đặt lại đúng vị trí cũ, và không quên phủ lên nó miếng nỉ màu cổ trầu.
*  *  *
     Mùa xuân năm ấy, sau khi bàn thờ, nhà cửa được trang trí mới để đón xuân, dù đời sống của cha mẹ tôi là công chức chính phủ tương đối nhưng cái tết cũng bình thường thôi, ba tôi có thói quen là chơi nhành mai, lỡ năm nào mai đắc đỏ quá ba tôi sai anh tôi về quê chặt mai ở vườn nhà ra chơi, năm nào nhành mai ra nhiều cánh mai sáu cánh là ông và ba tôi vui lắm vì ông quan niệm rằng mai sáu cánh là hên lắm. trên nhành mai bao giờ cũng có nhiều thiệp chúc xuân và vài chữ phúc, lộc, thọ vàng mua ở phố về gắn lên.
    Giao thừa năm ấy, tôi cũng đã lớn . Sau thời khắc giao thừa thiêng liêng, khi cái radio nhà tôi bắt đầu lời vang vang chúc tết của Tổng Thống, ba tôi chăm chú nghe, chỗ nào đắc ý thì gục đầu trông có vẻ nghiêm nghị lắm, mẹ tôi thì cứ bảo: ‘mình* lúc nào cũng thời sự’còn ông tôi thì thỉnh thoảng vuốt chòm râu ‘mỹ nhiệm công’** của ông rồi từ tốn:
    - Đàn ông, ngoài công việc của chính phủ cũng phải hiểu thời sự,con à,
mẹ tôi chỉ nghe chứ không trả lời.
  Lúc bấy giờ chiến tranh đã ác liệt, thường đêm đêm những tiếng pháo cứ ầm ì vào khu vực ngoại thành, thỉnh thoảng cũng vào trong thành mỗi lần như thế là xôn xao cả phố. Thị xã Quảng Ngãi là thị xã nhỏ nên mỗi lần như vậy tôi cũng biết được, chẳng những biết mà thậm chí tôi hiếu kỳ rủ bạn bè trương lứa cùng xem.
   Nhang đèn nghi ngút trên bàn thờ, ông tôi pha ấm trà, tết mà, ấm trà Đài Loan chính hiệu, sau khi rót vào ba chén nhỏ xong ông mời ba mẹ tôi uống trà giao thừa, còn chúng tôi thì náo nức các dĩa bánh trên bàn thờ, khi nào hạ là sẽ được ăn thỏa thích. Lúc làm bánh thuẩn tôi chỉ được hưởng những cái bánh thầy tu (không nở) mà đã thấy ngon lành.
-         Trà ngon lắm con à, ông tôi nói vậy, ba mẹ tôi cùng ông ngồi uống.
-         Năm nay đình chiến từ giao thừa đến hết ngày mùng một, nên quân đội có ít người về ăn tết, ba tôi nói với ông tôi như vậy, hình như còn muốn nói thêm điều gì ….trầm ngâm một lúc lâu ông lại tiếp:
-         Ngày Tết là ngày thiêng liêng đó là truyền thống ngàn đời của dân ta, thế mà chiến tranh, chiến tranh khốc liệt quá các con à, không biết năm nay sẽ ra sao? Ông tôi nói rất ôn tồn, rồi ông phe phẩy cái quạt lông ông tự kết bằng lông chim cán gỗ khéo lắm, ông tiếp:
-         Người dân bao giờ cũng muốn thanh bình, an cư lạc nghiệp đó là nguyện vọng ngàn đời duy nhất của dân, chiến tranh chỉ làm khổ nhân dân, nhân dân bao giờ cũng vậy thích thanh bình làm ăn tự do  không biết những người cầm quyền có hiểu điều đó hay không, hay là họ cố tình không hiểu?  và rồi ba tôi và ông tôi mãi miết chuyện trò còn bọn tôi khi hạ đèn là chén sạch các dĩa bánh, trước khi đi ngủ lại ba tôi còn căn dặn:
-         Ngày mai là Tết các con không được dậy trễ, không được khóc, phải cẩn thận không cho đổ vỡ đồ đạc, mặc quần áo mới để mừng tuổi ông bà tổ tiên, ông nội, ba mẹ và được… lì xì.
 Chúng tôi dạ rân và đi ngủ lại, trong đầu tôi còn nghe văng vẳng ông tôi nói với ba tôi:
-         ‘Trà tam , tửu tứ , chu du nhị’, có lẽ bấy giờ mẹ tôi cùng chúng tôi đi ngủ lại chăng không còn đủ ba người nên ông nói vậy?
   Tết nào cũng vậy đó là truyền thống của gia đình cha mẹ tôi, Sau nầy tôi có gia đình tôi cũng sẽ giữ thói quen đẹp và đáng trân trọng như vậy với các con tôi .
    
 
                                         *  *   *
  Sau lần chứng kiến uống trà đêm giao thừa của ông và ba tôi, tôi không có dịp nào nữa nên lần ấy cứ len lén vào tôi mỗi khi tết đến xuân về, nhất là những khi có ai đó nhắc đến việc uống trà
 Chiến tranh kết thúc, thời thế khó chúng tôi vào Nam lập ngiệp , thời gian trôi đi lạnh lùng như thác đổ, mới đó đã mấy mươi năm, ông tôi thì mất ở những năm bảy ba của thế kỷ trước, mỗi lần giỗ ông bao giờ mẹ tôi cũng pha ấm trà đắc tiền, mẹ tôi bảo:
-         ‘Lúc sinh tiền ông nội thích uống trà ngon, ông cẩn thận trong cách pha chế và uống trà’ tri ân cha như thế cũng quí lắm rồi.
  Còn riêng tôi thì cứ băn khoăn hồi ấy tại sao không hỏi ông hoặc ba tôi ‘trà tam, tửu tứ, chu du nhị là gì ? mặc dù tôi vẫn tiếp tục sống với cha mẹ tôi và đã có quá nhiều kỷ niệm vui buồn trong đời với ba tôi nhưng có lẽ tôi không đặt vấn đề đó nữa, có lẽ vì cơm áo, mà thú thật với các bạn đọc ngày ấy khó lắm, tưởng rằng chữ nghĩa không còn nghĩa lý gì khi mọi chuyện bị chi phối bởi cái bao tử, đời sống duy nhất lúc bấy giờ chỉ là lao động, sản xuất. Tủ sách đồ sộ của ba tôi tích cóp từ thời ông còn rất trẻ, tháng lương nào ông cũng sắm năm bảy đầu sách, khi giải phóng Quảng Ngãi ông ‘được’ chính quyền quân quản cho hồi hương, ông cẩn thận bỏ từng cuốn sách vào những  vỏ bao phân hóa học  cột kỹ lưỡng cái gia tài chữ nghĩa ấy, riêng chuyện chuyên chở gia tài sách ấy về quê cũng mất cả ngày vì lúc đó vận tải bằng… xe cộ, ông thì quý sách như thế nhưng lệnh của chính quyền thì tất cả các sách là tàn dư đồi trụy của thực dân, đế quốc phải bị tịch thu, cha tôi sợ quá nên làm củi nấu bếp, trong ánh lửa bập bùng của những trang sách, con chữ tôi thấy cha tôi mắt nhòa lệ, ông nói chỉ chính ông nghe rất khẽ khàng: ‘chữ nghĩa là tài sản quí của đời tôi, nhưng thời thế đành phải đốt, chẳng biết sau nầy thế hệ con tôi có còn...’ hình như ông nghẹn ngào không nói hết câu.
Và  như ông còn tiếc rẻ nên lựa một số sách thuần túy văn học cẩn thận bỏ vào những vỏ bao phân hóa học nhiều lớp và cùng chúng tôi chôn chặt dưới lớp đất trong vườn, mấy năm sau khi tình hình tương đối lắng dịu chúng tôi lại đào lên, than ôi, mối mọt đã tàn phá hơn 3/4 .
    Thời gian lại trôi qua, ba tôi sau khi học tập về quê cha đất tổ, ba tôi bịnh bọn chúng tôi thì thất thời, thuốc thang lúc nầy quá đắc đỏ, mua từng bửa, từng ngày, ông cũng mất cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước, lòng tôi cứ ân hận hoài chuyện cha tôi mất vì lúc ấy quá nghèo, không đủ tiền chạy chữa. Mỗi lần nghĩ đến chuyện nầy lòng tôi lại nhỏ lệ rưng rưng.
  Rồi sau nầy tôi cũng tìm hiểu thế nào về chuyện : - trà tam tửu tứ chu du nhị, khốn thay những lời giải thích của nhiều người tôi chưa thấy thuyết phục nên nửa tin nửa ngờ.
    Mãi khi tôi gặp thầy Thiện Nhơn, người mà tôi rất kính phục về sự uyên bác kiến thức, đặc biệt là thầy kể các chuyện Tàu như Tam quốc, Thủy hử, Đông Châu liệt quốc…những nhân vật thầy nhớ rõ lắm, khi tôi hỏi thầy về vấn đề nầy :- “tại sao người xưa lại bảo:  trà tam, tửu tứ, chu du nhị” thầy  suy nghĩ lục lạo lại trí nhớ của mình, rồi ôn tồn trả lời:
-         Thầy có đọc vấn đề nầy ở đâu đó nhưng bây giờ thì không nhớ chính xác tài liệu nào, đại loại như thế nầy: người xưa cẩn thận lắm, nên thường bàn những việc đại sự của đất nước, dân tộc , chuyện còn mất…phải  kín kẻ, ba người tâm phúc nhau thôi bởi vì ba ít lộ ra ngoài, uống trà ba người để đàm đạo việc đời phải trái, thắng thua, đạo đức, luân lý, chính trị, xã hội, đời sống…nên phải tỉnh táo để thấy được cái thâm sâu của người xưa vì trà là chất làm sảng khoái thần kinh , và ba cũng là cụm đoàn kết ước lệ tối thiểu, tức yếu tố cần và đủ của cổ nhân, nên ca dao có câu ‘ một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao’, khác với rượu, rượu là uống để vui vầy cùng bạn bè, người thân nên không khí ồn ào đông vui là chính nên tửu tứ là vậy chắc các con trong đời cũng từng thấy được điều nầy, có ai bàn việc tối quan trọng  bằng rượu đâu nào. Còn chu du nhị ư? Ngày xưa, đâu có phải ai cũng du lịch được, người đi chơi là giới trung thượng lưu nên đi chơi tức là đi thưởng lãm những danh lam thắng cảnh non nước hữu tình rồi cảm tác, rồi chuyện trò nên  nếu một thì có cảnh buồn vui thì ai chia xẻ, tâm tình lúc thưởng ngoạn, cảm tác…vì vậy đi chơi với hai là thú vị nhất, nên ‘ chu du nhị là như vậy’
        Nghe thầy giải thích như vậy tôi lấy làm vui vì có tính lý luận thuyết                 phục nên tôi tin là như vậy, nhưng trong tài liệu nào thì đến nay tôi vẫn chưa có duyên để đọc được, dù sao cũng nói lên điều nầy để những ai đọc rồi giới thiệu cho nhau cùng hiểu thêm.
        Sau nầy các anh chị em tôi ai cũng có gia đình riêng lẽ nên chẳng thể có được cái hương vị quá khứ ấy.Từ mấy chục năm nay, sống ở đất Sài Gòn hoa lệ nầy nhưng tôi chưa bao giờ tận hưởng cái không khí ấm áp đó, có lẽ phong tục mỗi vùng miền  khác nhau hay là lý do gì nữa hoặc vì không ai đàm đạo.
         Những năm gần đây, cứ mỗi lần tết đến xuân về tôi lại nhớ ấm trà đêm giao thừa xa lắc năm xưa, khi còn ông nội tôi vui vầy với cha mẹ và anh chị em tôi, sao mà nghe ấm áp lạ thường.
        Cuộc đời nầy làm gì có được những chuyện đã mất đi, nếu còn chăng là kỷ niệm của đời người, mà kỷ niệm đẹp thì giữ vào góc riêng hồn mình để tận hưởng ký ức ngọt ngào, việc ấy tự do chẳng ai cấm cản, may thay./.
                                                                     NGÃ DU TỬ
                                                           Đại hàn Kỷ sửu 200231232    

<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.10.2011 16:45:43 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 23.08.2011 19:59:14 (permalink)
0
 
THANH THẢN
Kính tặng nhà thơ, dịch giả Lưu Hoài
 
               
Người trầm mặc bên cuộc đời dung dị
Vẻ ung dung chẳng son phấn đời thường
Đôi mắt ấy có điều chi u uẩn
Nhịp con tim thong thả gõ can trường
 
Căn gác hẹp miệt mài dâng bút ngọc
Cặm cụi cho đời những áng văn chương
Mặc thiên hạ giữa có không trần tục
Giữ lòng nhân thanh thản đến cuối đường
                                           NGÃ DU TỬ
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.08.2011 20:01:16 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 11.09.2011 14:14:24 (permalink)
0
     THƠ TÌNH TUỔI 40

Ngữa tay em hứng hoa vàng
Bắt tình anh buổi tan hoang xuân thì
Bất thần chao cánh thiên di
Gói tình em ngọc lưu ly ẩn mình
Nụ cười hàm tiếu lung linh
Nhốt phong ba buổi đăng trình thuơng yêu
Thuơng sao ngày tháng rong rêu
Không ai thắp gió cánh diều bay cao
Bây giờ còn lại hanh hao
Ngữa tay em hứng lao xao tim mình
Hoa vàng rơi cánh rung rinh
Thảm hoa trải mộng tạ tình em đong
Em về gởi trọn nhớ mong
Giữ tình anh để trong lòng nghìn sau./.

                               ngã du tử
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.09.2011 14:16:44 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 17.09.2011 16:56:39 (permalink)
0
NIỀM TIN ĐÃ CẠN CHÉN LÒNG

Chắc chắn niềm tin trong linh hồn đã cạn
Nên người dân hoài nghi về phía chính quyền
‘Người anh em’ cứ dã tâm lấn chiếm
Làm sao dân tộc ngồi yên?

Đất nước thiên thu
Dân tộc vững bền
còn chế độ chỉ là thời thế
cứ nhân danh để dân tộc đứng lên
dáng tổ quốc thực sự càng bé nhỏ
bởi yếu hằn trước thảm họa ngoại xâm
cái vẫy vùng của dân chẳng phải vô căn cứ
thường dân lật đường cày mong được ấm và no
nhưng người ta tìm mọi cách để lấy đi
làm sao dân không phản kháng
dẫu sức mạnh bạo tàn như vũ bão
lớp người dân sẽ sau trước hàng hàng

tiếng hung dữ của người bảo vệ chính quyền
tâm hồn như bầy thú hoang
cứ cuộng nộ cơn sát khí
bước trăm dân mạnh hơn bước hung tàn

đời thanh bình bỗng chốc tang hoang
con sông chết rùng mình vì môi trường băng hoại
cánh đồng xanh xơ cứng mãnh hình hài
ai, vì ai?

Đạo đức mới là gì, đừng mơ hồ chủ nghĩa?
Tự bao đời luân lý mãi tồn sinh
Hãy bao dung nhìn lại đất nước mình
Đành cúi mặt trước triệu người cô độc

Thầy giáo bán linh hồn cho quyền cao vô đạo
Nữ sinh thơ ngây, sập bẫy tù đày
Mệnh danh Thầy sao chật những vòng tay
Lại tiếp sức cho ma trơi và quỷ dữ


Thầy thuốc thờ ơ không chút nhân từ
Sự lạnh lùng, vô cảm chẳng ưu tư,
Cái nghèo túng có khi vào cõi chết
Nhiều sinh mệnh lẽ ra chẳng mất
Nếu trái tim biết yêu đồng loại
Mắt nhân văn nghiền nhắm tự lúc nào?
Lương tâm người thầy áo blue hóa đá
Lời thề Hyporate bán non lúc mới ra trường
Vịn trang vàng tuyên thệ những yêu thương
Sao có thể đánh đổi bằng vật chất
Thiếu lương tri, và trách nhiệm làm người!?

đất nước nầy mưng mủ hết mười mươi
mọi tốt xấu bắt đầu từ giáo dục (1)
sân trường dày thêm tủi nhục
áo lương tri rách toạc tự bao giờ,
những tâm hồn ngây thơ
ánh mắt sáng ngời lên như tia chớp
mơ mai sau thành những cánh chim xuân .
Thầy không cân phân trong dạy dỗ, học hành
vô tình tưới đen lên đàn chim non chưa biết mỏi cánh
đời sống sẽ nhuộm sắc chàm man dại
Có bao nhiêu người ái ngại
Chẳng lẽ giáo dưỡng con người như thế nầy ư!?

Việc hối lộ : mong yên cho đời sống
(tiền mồ hôi không tiếc rẻ sao đành )
từ cơ quan cao đến tận cô thôn
‘ông đầy tớ’ của những người phận khó
Đẩy nhân dân về phíađối kháng, bần cùng
đôi vai trần dân dã đã rách tươm
và tất cả lương tri đều cúi mặt!

có bao giờ cái thiện run rẫy trước cái ác!
Thương dân tôi trên đất nước ngục tù
Công lý lẽ nào cũng cố cho tội lỗi …
Tổ quốc nầy, hồi phục lại bao lâu ?
Ngã du Tử

<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.03.2012 16:05:36 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 17.10.2011 16:42:46 (permalink)
0
      THI CA

Thời nào thơ cũng cô đơn
may còn em chia nỗi buồn cùng tôi
mai sau đất nưóc tài bồi
ngoài trăm năm, cánh thơ trôi theo dòng

                               NGÃ DU TỬ

THƠ NGÃ DU TỬ 07.12.2011 10:48:00 (permalink)
0
MỘT VẬN QUÊ

Hát với đồng xanh cảm giác quê
Mùa vui chân bước buổi về quê
Chiều lên gió thổi mây dâng lụa
Ngày vắng đời hương lúa ngát quê
Sông núi hiện hình trong đáy mắt
Dáng em còn đọng giữa hồn quê
Sông hồ mê mãi dòn câu nhớ
Lâu lắm nữa đời trở lại quê

Ngã Du Tử
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.12.2011 16:14:36 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 11.12.2011 16:13:04 (permalink)
0
Nguyên Hải họa y đề , giới thiệu cùng anh em thư quán
HỌA Y ĐỀ

Hải hồ muôn dặm với tình quê
Truông ải non ngàn một bến quê
Âu-Lạc Rồng Tiên hồn xã tắc
Cửu Long Đông Hải bóng làng quê
Hồ Trường quặn thắt lòng đau nước
Biên ải âm thầm tiếng xót quê
Ai kẻ anh hùng đâu tá nhỉ?
Muôn dân huyết thệ giữ gìn quê.

Nguyên Hải
Thay đổi trang: << < 101112 > >> | Trang 11 của 39 trang, bài viết từ 151 đến 165 trên tổng số 578 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 8 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9