THƠ NGÃ DU TỬ
-
Số bài
:
1041
- Điểm: 0
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 26.01.2009
|
Re:THƠ NGÃ DU TỬ
-
22.02.2024 21:58:27
XIN GIỚI THIỆU VỚI CÁC BẠN: TRƯỜNG CA CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG (THIỀN THI) VIẾT THEO THỂ LỤC BÁT THUẦN VIỆT. Được Xuất Bản bởi NXB HNV TPHCM giấy phép XB : XNDKXB số 1029 - 2017/ CXBIPH/47 - 29/ HNV. số QĐXB 658/ QĐ NXB HNV ký ngày 07/6/ 2017, SỐ LƯỢNG 1000 bản Bìa: của họa sĩ Mi Ki, Phụ bản ảnh thơ của: Bùi thị Lê Dung và Võ Thạnh Văn PHẤN THỨ NHẤT: Lời tựa của Luân Hoán, Lời thưa của Ngã Du Tử (Nội dung CGTH gồm 10 chương) Chương mở đầu VƯƠNG VẤN Chương 2: QUÁN CHIẾU Chương 3:THƠM ÁO ĐƯỜNG MÂY Chương 4: TRIỀN PHƯỢC Chương 5: DỤNG TÂM Chương 6: TRANG ĐỜI LẦN GIỞ Chương 7: TRƯỚC MINH KÍNH ĐÀI Chương 8: NGHI TÂM Chương 9: CHUYỂN HÓA Chương 10: THẮP ĐUỐC CHƠN TÂM Lời cảm nhận: 1. văn: NGÃ DU TỬ - CUỘC RONG CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG của Ninh Giang Thu Cúc 2. Văn: RONG CHƠI LÀ BẮT ĐẦU MỘT Ý TƯỞNG của Đông Nguyên 3. Thơ Miên Trường : CẢM NHẬN VỀ CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG 4. Thơ Tâm Nhiên : SÁNG TẠO LÀ CON ĐƯỜNG THI SĨ Lời giới thiệu của nhà thơ Luân Hoán: Nói về Thơ Lục Bát, chúng ta không lạ với những nhận xét quen thuộc, từ đám đông sinh hoạt chữ nghĩa, cụ thể: 1. Thơ Lục Bát là một hồn vía tinh túy từ một dân tộc lạc quan yêu thích thanh bình mà có. 2. Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ lục bát dù có dùng văn tự hay không. 3. Ngôn ngữ Việt Nam vốn là cội nguồn của dòng thơ câu sáu, câu tám; luôn ẩn hiện, sinh động những cảnh sắc đời thường khởi đi từ dân dã. 4. Thơ Lục Bát là một thể loại dễ làm nhưng khó hay. vân vân ... Tất cả những nhận xét trên nghiêm chỉnh và chuẩn mực. Với nhận xét riêng tôi, điều thứ tư, ngày nay đã được sự giàu có của giáo dục ngôn ngữ đã cải thiện rất nhiều. Có thể nói ngày nay, thơ lục bát hay gần như có mặt trong mọi người viết dùng thể loại này, nhất là các bạn trẻ tuổi. Nhờ thơ lục bát không bị đánh ngã bởi những tiến bộ của thơ Tự Do, thơ Tân Hình Thức... nên chính những người theo đuổi lối thơ giàu trí tuệ này lại có những tay lục bát rất xuất sắc. Sở dĩ nhiều như vậy, chỉ để lót lời giới thiệu chân thành đến các bạn ngọn thơ lục bát của nhà thơ Ngã Du Tử. Xin nói ngay, tôi sẽ không dám bàn về nội dung của bài thơ dài mà tác giả cho là trường thi, mang tên "Chơi Giữa Thường Hằng". Vui trước tin tưởng, đề nghị của anh, tôi chỉ giới thiệu vài nét đặc biệt trong lục bát của anh. - Rõ nhất là chữ dùng. Ngã Du Tử thường dùng từ cổ kính nhưng đã khá quen thuộc. Những từ này nhiều khi mang cả điển tích, trước đây trong sách thường có chú thích. Cũng qua cách dùng chữ này, thơ lục bát của tác giả có bóng dáng thức giả, bác học và đường bệ hẳn ra. Những "trăng cổ độ", "giang đầu" "bể dâu" ... hơi xa xưa ấy, vẫn còn thích hợp, nhờ vần điệu và ý tưởng đẹp của bài thơ. - Không khí cảnh tình trong lục bát Ngã Du Tử, sát rạt với những danh tác văn học Việt Nam, tôi tin mọi bạn đọc đều dễ nhận ra. - Thơ, theo tôi, là sự lặp lại và làm phong phú thêm do đó ý tưởng nhiều khi không mới, nhưng nhờ cách viết khéo ngôn ngữ làm đẹp câu thơ. Dĩ nhiên cái đẹp này phải phát xuất từ cảm nhận có hồn và chân tình của người viết. Những điểm mạnh này không thiếu trong mười bài lục bát Chơi Giữa Thường Hằng, được tác giả cho mỗi bài là một chương. Nội dung tư tưởng, tình cảm của tác giả trình bày, diễn tiến ra sao, mời quí bạn đọc để cảm nhận. Riêng tôi, đây là một sáng tác hết lòng của Ngã Du Tử, và như vậy đã là tác phẩm tuyệt vời của anh. Anh đang chờ chúng ta đồng tình sau khi thưởng ngoạn. Tôi xin ghi tên tôi vào danh sách bạn đọc yêu thích thơ anh, trong đó có những dòng lục bát mà các bạn đang cầm trên tay. LUÂN HOÁN Lời Thưa (Ngã Du Tử) Thưa các bạn, thưa các độc giả thân mến Mỗi hành trình một đời người trú ngụ trên trần gian đều chứng nghiệm muôn màu muôn vẻ của sinh lão bệnh tử, của thành trụ hoại diệt cái ấy là bất biến, khái niệm của Phật giáo là thường hằng. Như thế thường hằng là hành trình đi của một kiếp người trú ngụ trên trần gian, bao giờ quay về với cõi vĩnh hằng là hết một hành trình, hết thực chứng thường hằng. Như vậy thường hằng là bất biến trong cõi vô thường. Khi đã giáp một vòng mưa nắng hoa giáp, sự chứng nghiệm của đời người đã khá dày, khá đầy đủ trong cuộc làm người trước dâu bể cuộc đời đa đoan, đa gian nan, và thường họ quay về với cõi tâm linh để tìm cho mình với chốn an bình cho tâm thể. và tôi cũng vậy, với triết lý Phật giáo mênh mông bát ngát mà tôi may mắn dự phần nghiên cứu, nghiền ngẫm, công phu tu tập tôi nhận ra rằng chỉ nương vào diệu pháp ấy là đã nhẹ nhàng cho tâm thức lẫn tâm thể, và cảm thấy thật bình yên trong đối đãi cho từng mỗi mỗi người trong thế gian muôn mặt. Tôi nghĩ rằng thời nào thì sông vẫn chảy, thời nào ngày vẫn trôi, và thời nào mùa cũng đi như nhau, chúng ta hiện hữu trong cõi sinh diệt vô biên làm sao mà cưỡng lại được qui luật vô thường ấy, thù ghét hay giận hờn, oán trách chỉ làm cho ta thêm mõi mệt, phiền trược khổ não mà thôi chỉ có mở rộng vòng tay đối đãi bằng thương yêu dẫu chưa được trìu mến cũng đem lại lợi lạc và bình yên cho tâm thức và thể xác " bâng khuâng trên nhánh sông băng/ sao bằng tắm gội thường hằng pháp luân/ diệu thay dưới cội vô ngần" nếu chưa hài lòng với sự đối đãi với ai đó nhẹ tránh sang bên, có ai bảo mình dại dột hay hiền ngu đâu nào và nếu có như vậy cũng chẳng sao " Đi về gặp chuyện bất bình/ tránh qua ai bảo tâm mình hiền ngu" lòng lại nhẹ tênh dẫu có lênh tênh gợn chút sóng buồn, Trường thi CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG được chia ra 10 chương để các bạn và độc giả dễ nhận dạng từng hoàn cảnh đối đãi với tha nhân trong mỗi hành trình gặp nhau, làm sao nói cho hết chuyện đối đãi cuộc đời với cảm xúc đến đâu tôi viết đến đó trong vô cùng vô tận của trần gian vô biên. Dẫu gì thì đây là tập thơ viết về thiền thi, bằng thể loại thuần chất thơ lục bát Việt vẫn còn nhiều điều mà kiến giải của tôi còn hạn chế về thiền đạo, bời vốn nó to lớn quá, mênh mông quá, hy vọng là các bạn hay độc giả khi đọc xong thi tập nầy các bạn cũng có dăm ba phút vui vì lẫn trong những con chữ của thi tập nầy hoàn cảnh của mình hình như cũng được phản chiếu qua sự hiển hiện trong một vài hoàn cảnh nào đó. Văn chương là thú chơi tao nhã, là nghiệp của mỗi thi nhân và tôi viết CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG như sự trả nghiệp chân thành mà chính mình tự chọn lấy trong hành trình đời sống của trần gian. Rất mong sự lượng thứ của các bạn và các độc giả vì tình văn nghệ mà hoan hỉ trong cái nhìn thiền thi qua lăng kính ngôn ngữ của bản thân tác giả. Kính, NGÃ DU TỬ /SG VN SÀI GÒN cuối xuân Đinh Dậu 2017 CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG CHƯƠNG MỞ ĐẦU Vương Vấn Bến tình còn nổi vương mang Vầng trăng cổ độ vừa ngang giang đầu Trăng khuya xanh ngát một màu Người tìm gieo hạt bên cầu tâm linh Phải chăng đối bóng lẫn hình Dòng sông trực ngộ khi bình minh lên Rằng quê quán lẫn tuổi tên Hình như từ ấy lỡ quên mất rồi Chiều nào giủ áo ra phơi Bên đường gặp phải một lời từ tâm Từ khi trăng đã là rằm Còn đâu quê quán trăm năm cõi người Ta về ngắm khóm vô ưu Gặp em trên nhánh ưu tư phận mình Ô hay một nhánh phù sinh Còn bao nhiêu mộng phiêu linh rợp ngày Nghêu ngao mở lỏng vòng tay Con chim mộ đạo đậu vào tánh không Hát vang câu hát phiêu bồng Ngàn năm không sắc, sắc không bên trời Em từ theo đuổi cuộc chơi Đuối bao nhiêu mộng bên đời thanh lương Gặp nhau trong cõi hằng thường Ai hay trăm nhánh sầu vương tơ vò Nổi niềm đầy rẫy âu lo Đã bao nhiêu lệ đẫm pho sử tình Một đời cay đắng điêu linh Còn không lối rộng giữa thinh không nầy? Trời xanh biết mấy tầng mây Tầng nào vừa nở chân ngày bước vô Khoan dung từng bước giang hồ Giục người khách tục tung hô lên rằng : “Bâng khuâng trên nhánh sông băng Sao bằng tắm gội thường hằng pháp luân Dịệu thay dưới cội vô ngần Vui thay nhận ánh hào quang rạng ngời” CHƯƠNG 2: Quán Chiếu Em từ quán chiếu sang ngôi Vầng mây mở lối bên đồi tịnh yên Thênh thang đón gió chơn thiền Mùa vui chừng đã gọi riêng tên mình Hỏi rằng trong cuộc tử sinh Áo vui ai khoác sau minh kính đài Bước dài theo cuộc minh khai Nụ tầm xuân nở theo mai mốt này Rộng vòng tay, mấy đường bay Theo nhau trổ đóa trên tay diệu thường Từ tâm nở giữa thanh lương Đường đi có ngát trầm hương thế tình Ngụp chìm trong cõi u minh Ngàn năm nào biết sự tình mù khơi Nghiệp duyên trong cõi luân hồi Ngày nào rủ áo bên trời hắt hiu Ngôi sao đã vắt ngang chiều Còn chi trong nỗi liêu xiêu phận người Sao bằng thong thả một đời An nhiên trú ngụ trong trời tự do Không còn canh cánh âu lo Núi sông tự tại giữa bờ thực hư Ta về khoác áo chân như Gối lên Bắc đẩu làm thơ theo mùa Thôi thì danh lợi, được thua Trả cho thế tục vui đùa thế gian Chữ nào lạnh tiếng đa đoan Gửi vào nhân thế mà toan liệu mình Một đời sa mạc mưu sinh Một đời khổ lụy tự tình cùng em Một đời trong cõi chông chênh Một đời chân bước lênh đênh phận người Một đời theo giọng khóc cười Một đời rã cánh bên trời phù du Ta từ trả gánh thiên thu Về trong tự tại ngẫm pho kinh đời Thơ đời, khăn gói rong chơi Theo nhau trở gót bên trời nắng sương Phong phiêu còn đẫm bụi đường Hình như cuộc lữ còn vương tháng ngày CHƯƠNG 3: Thơm Áo Đường Mây? Em từ thơm áo đường mây Chân vui theo nhịp thương vay phận mình Lã ngày theo cuộc mưu sinh Tưởng rằng hạnh phúc cùng vinh quang về Giả hình giả tướng u mê Cứ vui vọng niệm bên lề khói sương Phố vui cùng khắp nẻo đường Bàn chân khẽ chạm bụi vương nắng hồng Ngày lên như có như không Khi thì trong đục, khi thông phấn vàng Lúc vui ham những giàu sang Khi buồn tê tái riêng mang phận mình Muôn đời lớp lớp hóa sinh Hết vui, tới khổ bất thình lình thôi Thì ra trong sóng luân hồi Nghìn năm mãi miết xa trôi mịt mù U huyền treo nhánh âm u Khổ vui từ đó thiên thu phận người Bể dâu từng chuyện khóc cười Mùa đi chừng cũng xa vời vợi nhau Đêm ngày nối tiếp qua mau Tuổi xuân chừng đã sang cầu hoàng hôn Trăm năm còn lại dỗi hờn Oán than trong cuộc cát cồn nợ duyên CHƯƠNG 4: Triền Phược Từ em lạc bến qua miền Sầu gieo trên nhánh ưu phiền nỉ non Ngày đi theo nhánh sông mòn Phận người treo vách núi non muộn phiền Biết rằng trong cuộc nhân duyên Muôn đời tụ tán qua triền nhân gian Theo nhau lớp lớp hàng hàng Khổ vui cứ thế tràng giang liên hồi Mai về bên nhánh tao nôi Vui như trẻ nhỏ theo môi mắt và ... Thân nào trụ giữa ngọc ngà Thân nào ngồi khóc giữa ta bà nầy Suốt đời vây giữa trả vay Hình như huyễn mộng quanh đây tự tồn Vui chi chỉ một nụ hôn Buồn trăm năm đợt sóng cồn bể dâu Người về cánh hạc chân mây Bay qua đậu lại giữa ngày hốt nhiên Vỡ ra trăm mối tình thiêng Soi vào tâm, dội qua miền trầm thăng Đi qua cát bụi lạm bàn Sáng soi có ánh sáng vàng ngộ chưa Là thân từ độ mấy mùa Trải qua dâu bể sau xưa phận người Thưa rằng truông dốc cuộc đời Hằng hà sa số mỗi thời bước qua Từ em trong cõi người ta Khổ vui với nổi mù sa vô tình Dụng tâm trước mỗi bình sinh Thanh lương nở rộ sẽ bình minh tươi Nào hay từ ấy nên lời Giục mình trong thể mù khơi đọa đày Pháp vô tướng nở trên tay Ngàn năm tụ lại vơi đầy thế gian Xanh thơm mở cánh địa đàng Ai người còn tưởng bên trang sử hồng Ta về nhặt gốc tánh không Trồng trong tâm thức nở lòng từ bi Suối thiêng tắm gội đương thì Trổ hoa thơm ngát bước đi người về Lần theo dấu tĩnh, cõi mê Thế gian còn lắm lời thề riêng mang Lệ thường trên nhánh ngỗn ngang Buồn vui hạt lệ đa đoan phận người Chìm theo tiếng khóc cái cười Oán than cùng với thế đời riêng chung Lụy lâm muôn nhánh vô cùng Treo thân trên đóa phù dung thường hằng Chừng như mờ mịt ăn năn Trăm năm mõi mệt phận căn nổi mình Mù tăm trong biển vô minh Xênh xang với mộng vô tình thái hư Căn nguyên chỉ một chữ từ Miệt mài chăm bón chân như hiển bày Hạnh thơm bay ngược gió lay Thế gian ai hưởng phước nầy là vui Đầu sông treo nhánh ngậm ngùi Cuối sông còn biết nụ cười về đâu? Nào hay dòng chảy nông sâu Có ai hiểu nước qua cầu tử sinh CHƯƠNG 5: Dụng Tâm Người về soi lại bóng mình Dòng sông phẳng lặng rọi hình rõ rân Mắt môi hiển hiện trong ngần Dội vào tâm thể cứ bâng khuâng hoài Mắt này còn đọng cơn say Môi nầy thương nhớ tỏ bày quanh ta Tấm thân giữa chốn phù hoa Cùng bao thanh thế mù sa ngọn nguồn Âm vang dội lại sóng buồn Theo vào mạch sống bên truông dốc đời Mịt mùng dòng chảy ra khơi Về đâu con nước đầy vơi phận nầy Soi mình suy niệm hôm nay Ngày mai còn biết hiển bày ra sao Cứ khoác lên tấm lụa đào Tưởng rằng ở giữa tầng cao ngọc ngà Suốt ngày chăm bón cái ta Mãi vui trong nhánh mù sa giả hình Trăm yêu ngập cõi phù sinh Ngỡ rằng hạnh phúc giữa mình với ai Khổ thay bao cuộc tình dài Sát- na lầm tưởng chữ tài thiên niên Bước chân gặp lắm muộn phiền Chữ tình, chữ hiếu nợ duyên một đời Từ em soi lại cái tôi Thì ra thấm đẫm một thời sông mê Bước ra từ một bến quê Theo dòng bao lối chân khuê cát đài Ngủ quên trong mộng hoàng khai Thị phi nào biết ngày dài oan khiên Khổ vui đeo đẳng triền miên Tấm thân đối phó theo miền ngược xuôi Thì ra lòng cứ bồi hồi Giận hờn thương ghét nổi trôi phận mình Hoàng hôn đã chạm tử sinh Mới hay yên ắng chỉ bình an thôi … Ta về lên vọng lâu xưa Thẩm kinh vộ tự cho vừa nhiếp tâm Bi trí dũng ngắm ánh rằm Tròn vành vạnh một đêm trăng ngọn nguồn Ngoài xa lớp lớp đời suông Ngược xuôi trên những lạch truông sông đời Mịt mùng giữa cuộc mù khơi Trăm năm hò hẹn rồi vời vợi trông Mùa đi theo mối tơ lòng Càng xa càng mệt theo vòng trần ai Khổ vui cùng tháng năm dài Làm sao tìm thấy hiển bày Chân như Trên sông có chiếc thuyền từ Đậu từ cổ độ bao thu một mình Nẻo nào nhận được minh minh Nẻo nào đứng ngắm tự tình thiên di CHƯƠNG 6: Trang Đời Lần Giở Nầy thôi, còn một chữ nghi Tại sao cô lẽ giữa đi và về? Phải chăng chưa thoát u mê Hay còn nặng nợ với quê, với tình Thì ra lầm lũi mưu sinh Bỏ quên pháp luận buổi bình minh trao Chẳng thơm má phấn lụa đào Cũng từng quan cách trong tao nhã đài Tay nầy còn đẫm sương mai Chân nầy còn đẫm gót hài quan san Bước vui theo nhịp thế gian Cùng bao trăng nước bên đàng trần ai Vung tay hứng lấy ngày dài Bỏ quên vô lượng đôi vai xuân nồng U hoài một nổi mênh mông Mai sau ai hiểu gió lồng lộng bay Hay là tiền kiếp đắng cay Nợ duyên còn lại kiếp nầy chưa thôi Muôn đời bên lỡ, bên bồi Dòng sông nào biết nổi trôi phận mình Theo dòng chảy suốt bình sinh Nghiệp duyên theo mãi hành trình xuôi trôi Ngày nào thanh thản cùng trời Khi nào giông tố rã rời tấm thân Đôi khi trổ nhanh phân vân Duyên và nghiệp thấy như gần mà xa Giữa đời câu hát ngân nga Lướt theo gió thoảng bay qua ngọn nguồn Niềm vui chảy với ngàn sông Về cùng biển sẽ hòa cùng nhân gian Cung vui bật dậy thênh thang Tung tăng nhảy múa tràng giang liên hồi Niềm yêu thương với nụ cười Khúc duyên hưng chấn cho đời thêm hương Chạy vào khúc khích mười phương Nở trang giấy thắm trong vườn nghĩa nhân CHƯƠNG 7 : Trước Minh Kính Đài Là em xin cứ ân cần Niềm vui thành nụ trước sân, sau nhà Mốt mai lên đỉnh non ca Bao nhiêu vườn mộng có ta với người Trống chiêng thúc giục liên hồi Đợi người bước tới chân đồi an nhiên Bỏ quên trăm nhánh muộn phiền Người về đậu lại trên miền tân thanh Ngày thơm hương phúc an lành Hoa thanh lương nở trên nhành ruỗi rong Ta về thắp lửa, đèn chong Soi vào tục lụy trước vòng bể dâu Dòng sông nào nước đỏ ngầu Thì thôi đừng nhuộm mà đau lòng mình Nợ nần chi chuyện linh tinh Áo cơm cũng phải tận tình áo cơm Thà rằng đội chiếc nón rơm Mà nghe nhẹ hẫng giữa cơn phù trầm Tiếc gì một nổi ơn thâm Thân mình sao nỡ đành tâm cúi đầu Dặn lòng trong cuộc thương đau Thẳng đường đi dẫu nông sâu khó lường Bàn chân dạo khắp muôn phương Phương nào cũng vẫn buồn thương đôi bờ Trọ mình trong những trang thơ Mốt mai em có tình cờ mở ra Là ta trong cõi người ta Áo xiêm thẳng nếp đi qua đời nầy Mở lòng ra, rộng đôi tay Nhân gian còn biết tỏ bày làm tin Là đi là đến phận mình Hành trình còn những thình lình đục trong Dễ chi hạt ngọc mà mong Đôi khi đắng chát cũng trong cõi này Tìm chi góc bể chân mây Thế gian trước mặt hiển bày ngỗn ngang CHƯƠNG 8: Nghi Tâm Ta từ hạt bụi mây ngàn Về đây tụ với trần gian vơi đầy Tìm vui trong những đắng cay Ngộ chưa? – Rất tuyệt chân ngày rộng thinh Chiều nay giữa chợ thình lình Lắng nghe mới hiểu sự tình oan nghi Đêm về chiêm nghiệm thị phi Trần gian lắm mộng kẻ đi, người về Tội tình gì chốn sơn khê Nằm rừng ngủ núi nhớ quê vô cùng Ra sông về biển mênh mông Nhớ về cố quận mây lồng lộng xa Có ai thức với quan hà Cùng nhau tình tự giữa ta với người Mỗi ngày mong thắm cuộc chơi Sát- na nào vỡ tiếng cười thinh không Bước ra gặp lạnh mùa đông Bình an đắp chiếc áo bông nhẹ mình Đi về gặp sự bất bình Tránh qua ai bảo tâm mình hiền ngu Lỡ vào vùng tối âm u Niệm suy sẽ hiểu mùa thu lá vàng Dòng đời cứ chảy mang mang Xuân đi, xuân đến chớ ngần ngại chi Nào thương, nào ghét được gì Việc đời lắm mộng đôi khi mệt mình Là ta trong cõi hữu tình Rong chơi mãi giữa phù sinh yên lòng Mặc đời cứ thế thong dong Cùng đàn thi phú ruỗi rong chơi cùng Mai về dưới cội bách tùng Hát ca theo nhịp mùa rung chân thành Hạ vàng lên lũng đồi xanh Nằm nghe tình tự suối lành hát ca Ô kìa, cánh hạc bay qua Tự do thư thái trên tà mây xanh Con chim hót điệu trong lành Dội vào lá thắm trên cành thanh lương Hạ thơm nở ngát muôn phương Hoa vàng vương lại mùa hương xuân nồng Nằm nghe mây trắng thinh không Đùa vui trên những cánh đồng tầng cao Thu về lòng cứ xốn xao Ngắm tranh sắc úa buồn thao thức và… Lá vàng thỉnh thoảng lìa xa Thì ra đoạn nghiệp đi qua đời nầy Con sâu ngủ dưới lá bay Rụng theo cơn gió của ngày thổi sang Kể từ định mệnh quá giang Nghiệp duyên thuở ấy về ngang tim người Mùa vui theo những trận cười Nổi buồn theo chuyện ngậm ngùi bể dâu Mùa đông về dưới chân cầu Nằm nghe róc rách chảy sâu dòng thiền Đi qua muôn nhánh triền miên Vui say cùng với muộn phiền thiên di Chuyện đời cứ đến cứ đi Dù to nhỏ giữ được gì trên tay Mùa xuân vừa đậu trên cây Hương hoa thơm ngát cho ngày xuân tươi Đầu năm trao những niềm vui Nụ hoa, lộc biếc cho đời xôn xao Lòng người rộn rã nao nao Mùa xuân trời đất tặng trao cõi người Lòng phơi phới giữa đời tươi Áo hoa rợp đất trong trời bao la Nổi chìm trong cuộc mù sa Ngọt bùi cay đắng thân ta đã từng Làm sao nói hết riêng chung Khổ vui ai biết trên thung lũng buồn Lắng tâm nghe thấu ngọn nguồn Hiểu ra sẽ biết tiếng vuông tròn dần … CHƯƠNG 9: Chuyển Hóa Pháp ngôn chuyển hóa bàn chân An nhiên cư trú giữa thân tâm hồng Mặc đời trong đục, bão giông Có đi có đến, không mong không cầu Ngày dài cho đến canh thâu Vui chân sãi bước qua cầu đợi trăng Hẹn nhau lên tận cung Hằng Thưởng hoa, ngắm trái thơm vàng ngát hương Vui trong tự tại ngàn phương Xanh cành tươi nhánh thanh lương ngạt ngào Hòa cùng trời đất trăng sao Gặp nhau thêm một câu chào nghĩa nhân Cúi đầu muôn lạy thâm ân Tình như sau trước lối gần đường quen Tịnh tâm mà gửi trước đèn Nhiếp tâm đãnh lễ lời văn thiện lành Thiết tha cùng đất trời xanh Trăng sao cùng với gió lành, lành thay Áo người mong thắm cuộc ngày Chân người mong mở lối đầy nhân tâm Vượt qua gian khổ mê lầm Tay người còn rõ nét xuân một thời Tấc lòng thư thái rong chơi Chơn tâm đã nở ngời ngời ánh dương Mai sau thâm tạ mười phương Hòa cùng nhật nguyệt ngát hương cõi đời Trái tim từ ấy lên ngôi Ta về tự tại bên đồi an nhiên Vui thay từng giấc mộng hiền Yêu đời, yêu đạo, yêu triền núi sông Nụ thơm nở giữa trời hồng Cùng theo gió mới cứ lồng lộng bay Ngát hương tại cuộc đời nầy An nhiên ca hát từ tay mỗi người Đang là hạnh phúc nhất đời Kết bè thanh thản rong chơi suối ngàn CHƯƠNG 10: Thắp Đuốc Chơn Tâm Yêu ta, yêu cả muôn vàn Con ong cái kiến cùng toàn sinh linh Mặt người sẽ rạng bình minh Đuốc tâm thắp suốt hành trình nhân gian Độ nầy ngắm áo quan san Nhẹ như mây, rộng như ngàn biển khơi Nắng lên từ phía mặt trời Chân tâm bừng sáng giữa thời nhiễu nhương Sự đời rẽ nhánh vô thường Mong sao giữ trọn trong vườn nghĩa nhân Mỗi ngày lên mỗi ân cần Mốt mai ai cũng một lần tử sinh Còn chăng chỉ một chữ tình Thì thôi hãy sống chân thành trước sau Một đời thấm đẫm bể dâu Gọi người an trú qua cầu nhân gian./. NGÃ DU TỬ/ SG VN RONG CHƠI LÀ BẮT ĐẦU MỘT Ý TƯỞNG Câu nói hàm một triết lý sống của Âu Châu từ thế kỷ trước: "Rove est commencé pour pensée" ( Rong chơi là bắt đầu một ý tưởng) nay tôi bắt gặp trường ca lục bát CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG của Ngã Du Tử, tôi có liên hệ ngôn ý sở dụng. Chủ thể lang bạt cùng với khách thể đối đãi đó là thể chất vui buồn, thương ghét được dồn cả vào 10 chương Trong chương thứ nhất Ngã Du Tử xây dựng hình tượng nhân vật là ngôi thứ nhất (Ta) phiêu lãng vai nặng túi sông hồ, vương vấn nợ trần gian cũng có thể là nợ tình, nợ văn chương : Bến tình còn nỗi vương mang Vầng trăng cổ độ vừa ngang giang đầu Trăng khuya xanh ngát một màu Người tìm gieo hạt bên cậu tâm linh... Khởi động của nhân vật ta được xem là chủ thể trong tác phẩm bắt đầu cuộc rong chơi, bạc vai áo lạnh thấm phong trần buộc tâm thức trên muôn dặm hành trình để tìm thú bình nhiên trong vòng tay nhân thế giữa lộ trình ngữ ngôn giao cảm, ta vừa đi vừa hoài niệm mặc dầu ta xuyên qua bao thác ghềnh từ đầu sông, cuối bãi, đến bìa rừng thu lá úa gió cuộn rập rờn mà lòng nhẹ tênh : Nằm nghe mây trắng tầng không Đùa vui trên những cánh đồng tầng cao Thu về lòng cứ xốn xao Ngắm tranh sắc úa vàng thao thức và ... Lá vàng thỉnh thoảng lìa xa Thì ra đoạn nghiệp đi qua đời nầy Con sâu ngủ dưới lá bay Rụng theo cơn gió của ngày thổi sang Ta cứ đi nguyên thủy với vầng trăng đa cảm, buổi phân ly nhòa nhạt vào trăng choáng ngợp một linh hồn trước ánh bình minh sau mỗi chặng hành trình. Từ góc mây che ta ngộ ra cái duyên cớ của đất trời vì sao mà thân tâm được yên bình không bạo loạn ngữ ngôn, không đục ngầu với sát - na ngẫu biến, có lẽ ta tìm thấy được chân lý của tâm thức : "Diệu thay dưới cội vô ngần/ Vui thay nhận ánh hào quang rạng ngời " 9 chương còn lại nhân vật ngôi thứ nhất (Ta) không quay mặt với cuộc viễn du gọi mời tất cả của đối đãi nhân gian nơi ta đến và sẽ đến được sự đón nhận của đất trời vì hối hả mãn khai cho tình yêu đầy vị ngọt, có nơi là dòng văn chương phụng hiến, có nơi bên triền núi sinh tồn, bình sinh giấc mộng hiền hòa, vì người và đời từ chối nhọc nhằn cám dỗ nhường chỗ cho tiếng chuông ngân mù xa sương khói vọng về với chính ta đã từng nhìn lại mình bao lần bao lượt trước minh kính đài : Hỏi rằng trong cuộc tử sinh Áo vui ai khoác sau minh kính đài Bước dài theo cuộc minh khai Nụ tầm xuân nở theo mai một này Trường ca CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG là mẫu khái quát tư tưởng giữa (Ta) ngôi thứ nhất và em (ngôi thứ hai) đậm nét chấm phá khai thông cho tồn nguyên ý thúc đối đãi giữa ta với tha nhân trong lớp lớp nhân duyên gặp gỡ, tụ tán. Nếu xem trường ca là trang " cảo thơm" của chính tác giả người đọc cũng có thể thông cảm xem tác giả bắt đầu vận hành uyên nguyên đi qua trường giác thức làm lộ giới tướng : Chân thiện mỹ của nghệ thuật văn chương trong bình diện chơn nhân hành khởi giữa quá nhiều cát bụi mơ hồ cũng có thể đúng vì lẽ dựa trên câu nói kinh điển người Pháp " Rong chơi là bắt đầu một ý tưởng" Ngã Du Tử đúng là đã rong chơi, anh đã thấm đẫm những hổn độn trong tinh thể của kiếp trầm luân nầy: Thơ đời khăn gói rong chơi Theo nhau trở gót bên trời nắng sương Phong phiêu còn đẫm bụi đường Hình như cuộc lữ còn vương tháng ngày hay, Ta về thắp lửa đèn chong Soi vào tục lụy trước vòng bể dâu Dòng sông nào nước đỏ ngầu Thì thôi đừng nhuộm mà đau lòng mình Không biết ngày mai và ngày mai nữa tác giả còn vác trên vai những phù trầm nhân thế thông qua ngôn ngữ hay không, và sự bắt đầu nầy có tạo được cho tác giả ý tưởng nào đẹp hơn hoặc lung linh hơn trong cảm thụ mang tính thể nghiệm được mỹ mãn, nhưng nếu dừng lại ở đây cũng đã đủ những chất liệu cấu trúc có được trong dòng suy tư Ngã Du Tử mà giữa cuộc rong chơi đang còn chập chùng réo gọi. ĐÔNG NGUYÊN SÀI GÒN tháng 5/2017
|