THƠ NGÃ DU TỬ
Thay đổi trang: << < 313233 > >> | Trang 31 của 43 trang, bài viết từ 451 đến 465 trên tổng số 635 bài trong đề mục
THƠ NGÃ DU TỬ 28.10.2021 20:04:07 (permalink)
0

VÀNG GIEO TÂM THỨC

                 Đội khi xé một tiếng cười
                 Trào lộng chơi khóc một thời trầm luân ...


Về đâu cuối nẻo xa xăm
Vần thơ thắm thiết trăm năm tặng đời
Đầu xuân nâng chén gọi mời
Nhiều năm nữa như một thời...rất xưa

Trùng trùng trắng mắt giăng đưa
Lẫn trong nhân thế nắng mưa thói thường
Nửa mai phía cuối con đường
Chong mắt đợi lóe ánh dương rực màu

Tìm trong dâu bể mai sau
Yêu thương ơi hãy tin nhau chữ tình
Nỗi buồn nào cũng lặng thinh
Cứ bao dung như có mình ở trong

Miên man lòng nhuộm sắc hồng
Vàng gieo tâm thức thân đồng vọng bay
Cuối đường bắt nhịp vỗ tay
Hát lên từ lúc chân ngày hé duyên.

Ngã Du Tử










r





<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.12.2021 05:33:08 bởi Ct.Ly >
Attached Image(s)
THƠ NGÃ DU TỬ 28.10.2021 21:55:37 (permalink)
0
TRường ca: SÓNG THỊ THÀNH VÀ EM Gồm 3 phần: 
 
Phần 1: Lời Tựa của thi sĩ Võ Thạnh Văn
LỜI TỰA
 
Nguyễn Vỹ (1912-1971) một nhà thơ, nhà báo, nhà văn… đã nhận định về bản chất người dân Quảng Ngãi, trong bài thơ “Quảng Ngãi Quê Hương Tôi” rằng “Dân tình bất ly/ Dân trí bất nhược/ Dân đức bất suy/ Dân tâm bất khuất/ Khí thiêng nung đúc/ Văn chương kiệt phách hào hoa/ Bất chấp cường quyền uy vũ. “Nguyễn Vỹ là người Quảng Ngãi tiêu biểu, Ngã Du Tử cũng là một con dân xứ Quảng mang trong người đầy đủ bản sắc “quảng ngãi” mà Nguyễn Vỹ đã mô tả: Dấn thân, hiện thực, phấn đấu, liêm sỉ … Đọc qua tập trường thi:Sóng Thị Thành và Em của Ngã Du Tử, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Chi tiết hơn, phân tích cặn kẻ hơn, chúng ta sẽ thấy, sau khi đọc qua 131 khổ thơ, gồm 524 câu thơ… Thơ Ngã Du Tử mang mang lưu loát như hành vân, như lưu thủy, dằng dặt như nước chảy như hoa trôi… không có một bố bục nào nhất định theo bất cứ thứ tự hợp lý nào, từ đầu chí cuối. Nhưng, chúng ta có thể thấy được những đề tài nổi bật mà nhà thơ muốn xoáy vào, muốn tô đậm qua 131 khổ thơ “Sóng Thị Thành và Em” Những đề tài nổi bật đó là: (1) Dòng Đời Nghiệt Ngã (2) Quyết Định Ra Đi (3) Vốn Liếng Ra Đi: Vợ (4) Gian Truân Chờ Đợi (5) Ước Mơ và Hy Vọng (6) Tận Nhân Lực, Tri Thiên Mệnh (7) Đồng Vợ Đồng Chồng (8) Vấn Đề Nhân Quả (9) Quê Hương Nguồn Cội (10) Bằng Hữu Chi Giao (11) Song Thân và Chữ Hiếu (12) Tác dụng và Sức Nâng Văn Chương. Ta lần lượt xét sâu hơn, từng điểm một.
(I)
DÒNG ĐỜI NGIỆT NGÃ
(10). Miệt mài lầm lũi hôm mai
Thương em quãy gánh trên vai nhọc nhằn

Hằn từng đêm những vết nhăn
Thâm quầng con mắt buồn, trăn trở nhiều
Đời sống không trắc trở, nhiêu khê, nghiệt ngã… thì không phải cuộc đời. Cuộc sống luôn là

trường thử thách, bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào… Có cuộc sống là có khổ đau, nhưng vào thời ấy, thời mà tác động bạo liệt của nhân họa cộng vào với thiên tai bốn mùa sẳn có, làm cho cuộc sống vốn đau khổ, càng khốn cùng nghiệt ngã hơn… mà sức chịu đựng của con người có hạn – trừ những người buông xuôi đầu hàng. Với ma quỷ yêu tinh, thì chẳng có gì đáng sợ hơn ma quỷ yêu tinh. Tương tự, đối với con người, thì chẳng có gì nguy hiểm đáng lo, đáng sợ, đáng đề phòng hơn loài người và lòng người. Và đáng sợ hơn hết là thái độ kẻ cả đám loài người mang bản chất tiểu nhân hẹp dạ, của những kẻ đắc chí huyênh hoang tự cao, tự đại, tự tôn, tự đắc, tự mãn. Quả thật, lòng người là thứ còn đáng sợ hơn cả quỷ thần yêu tinh quỷ mị…
(6). Cung tay rút ruột thân tằm
Cho tơ vàng ánh trăm năm để dành
Đời sao lắm kẻ đành hanh
Vung tay ngỗ ngáo giữa xanh đỏ vàng
Con người vốn bất lực trước thiên nhiên và những định luật khắc nghiệt của trời đất. Nhưng

thiên nhiệt vận hành và được chi phối vô tư bởi những định luật vật lý, khí tượng, khoa học, nhân quả của thời tiết. Thiên tai, loài người có thể, một phần nào tránh được, nếu không muốn nói là chế ngự một phần nào đó những tai ách do thiên nhiên đem lại. Nhưng, nhân họa khó tránh.
(15). Lạc nguồn sau một cơn mê
Cả dân ta khổ tứ bề lầm than
Cha ông ta, qua bao đời đã chủ trương “thuận thiên giả tồn” hoặc “thuận thiên an mệnh…” mà mưu cầu sự sinh tồn, an bình và phát triển. Đó là thứ triết lý chấp sinh khiêm tốn, khôn ngoan, hài hòa… Nghĩa là tùy dòng nước mà bơi, tùy thời cơ mà biến, tùy thời tiết mà ẩn nhẫn, tùy thời thế mà sống… như mây trôi theo gió, lục bình trôi theo con nước. Mây vừa trôi vừa ngủ vừa mộng mơ. Lục bình vừa trôi nhấp nhô vừa trổ hoa vừa múa hát dưới ánh nắng mặt trời.

(59). Lỡ thời đành chịu thiệt hơn
Thế thời, ta giấu nổi buồn trăm năm
Đất đẹp sinh ra nghệ sĩ. Đất đai hoang vu bất trắc… sinh ra anh hùng. Không có miền đất Lam Sơn chướng khí không sinh ra Bình Định Vương Lê Lợi, không phải là Tây Sơn núi hiểm không sinh ra Nguyễn Huệ, không phải thảo nguyên bát ngát nóng lạnh bất thường không có Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt… Đành rằng đất sinh ra người, nhưng con người lẫy lừng ấy phải kinh qua một chu trình dài của phấn đấu gian truân.

(9). Dòng đời như chuyện dòng sông
Bình yên cũng nhận, bão giông chẳng sờn
Ngã nào đo đếm thiệt hơn
Ngã nào trong đục trước sơn giang nầy
Ta không thể thay đổi thế giới nhưng ta có thể thay đổi chính mình. Việc cần làm là chọn lựa

một con đường đúng đắn và kiên trì bước tiếp. “Nếu bắt đầu thì có khả năng bạn sẽ nhận lấy
thất bại, nhưng nếu không bắt đầu thì bạn đã thất bại rồi.” Lý tưởng, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Cuộc sống quan trọng nhất là sự lựa chọn và bước tới: - Phải ra đi. Nếu cơ hội không gõ cửa, hãy tạo ra một con đường, một lối đi, một cơ hội, một cánh cửa. Với Ngã Du Tử, một chuyến đi với nhiều dằng co, rất bận lòng, đầy ắp ngậm ngùi… Bởi đó, người
bạn thơ trẻ của chúng ta cần can đảm và nghị lực. Chàng luôn tỉnh táo quan sát, dò xét, chọn
lựa, quyết dịnh, bước tới, mỉm cười, tự tin, tỉnh táo, cương nghị, tháo vác, xông xáo, tự quyết,
quyết đoán, chấp nhận rũi ro… Phải xoay xở. Cổ nhân dạy: “Cùng tắc bỉ, bỉ tắc biến, biến tất thông, thông tất cữu.” (Kinh Dịch).
(1). Bước ra từ nhánh Sông Quê
Có chàng Du Tử hướng về phương Đông

Quảy trên lưng khúc phiêu bồng
Tình tang câu hát gió lồng chân mây
(II)

QUYẾT ĐỊNH RA ĐI CHẤP NHẬN BẤT TRẮC, GIAN KHỔ
Ra đi là một lựa chọn sinh tử. Ra đi là đối mặt với định mệnh, với khắc nghiệt, với gian truân. Ra đi là một thái độ thách đố, thách thức. Nhà thơ đất Quảng, Ngã Du Tử, đã lựa chọn sự ra đi, dù biết trước, đoán trước được, thấy trước được những gian truân phải đối mặt… một khi quyết định bỏ làng ra đi lang bạt vì nợ cơm áo, vì nợ làm trai, vì nợ sông hồ. Tùng bách trở nên mạnh mẽ trong cảnh gió ngược, tuyết rơi. Kim cương hình thành dưới áp lực của hàng nhiều nghìn thước đất đá sỏi, và kinh qua hàng nhiều triệu năm thời gian… Cội mai rừng đẹp vì những thế đâm ngang chém dọc của cành nhánh khẳng khiu, và vì lớn lên giữa kẻ đá, 3 mùa khô cằn thiếu nước… Con người cũng thế, không đi qua sa mạc không bao giờ đến Đất
Hứa. Không gian truân thử thách không bao giờ thành kiệt xuất .
(21). Giã từ quê quán, tre xanh
Thôi, ngày tháng ấy cũng đành chia xa
Vẫy tay chào những âm ba
Những ngày hò hẹn cùng ta tự tình
Ra đi, với Ngã Du Tử và hoàn cảnh của chàng, trước tiên là tránh tai họa, nói chính xác, đó là

nhân họa. Vì nhân họa, do con người tạo ra và áp đặt cho con người, nguy hơn hổ dữ… Kế tiếp, sự ra đi của Ngã Du Tử là khám phá, là trưởng thành, là tôi luyện, là làm việc, là thể hiện bản năng làm trai, là sinh tồn, là lẽ sống, là lý tưởng, là tất cả. Nhưng, vạn sự khởi đầu nan… Ngã Du Tử, xuất thân từ một gia đình đọc sách Thánh Hiền, biết lễ nghĩa liêm sĩ, biết tam cương ngũ thường, biết xuất xử, biết lui tới, biết trọng khinh, biết gần xa, biết lớn nhỏ, biết lịch lãm sự đời… Do đó, chàng biết cảm ơn đời, ngay những lúc gặp khó khăn nhất. Bởi, nếu không có khó khăn, ta sẽ không có cơ hội để hiểu mình, không trải nghiệm cuộc sống, và chẳng bao giờ thể hiện chính mình ở mức trưởng thành.
(65). Nhớ ngày canh cánh lo âu
Vàng thau chìm nổi buổi đầu đổi thay
Bao người đối diện đắng cay
Cũng đành chấp nhận cái ngày oan khiên
Bất cư nơi đâu, càng ngày, cuộc sống càng thắt chặt chiếc thòng lọng khắt nghiệt thời gạo châu cũi quế. Thật sự, chẳng có gì trở nên dễ dàng hơn, mà chỉ là nhà thơ của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, thực tế hơn, khôn ngoan hơn, lịch duyệt hơn và kiên vững hơn mà thôi.

(63). Trải qua bao nhịp quan hà
Mới hay rằng lắm phù sa quanh mình
Giục lòng gọi nắng bình minh
Rọi ngày cho ấm gieo tình sắt son
Hoàn cảnh oan trái, đắng cay, khắc nghiệt… không thể thay đổi. Thế nên, nhà thơ Ngã Du Tử 
tự điều chỉnh bản thân mình, qua tư duy, qua quan niệm, qua ý chí, qua sự quyết tâm. Đó là chọn lựa một con đường đúng đắn và kiên trì bước tiếp. Không uốn được quả núi, thì uốn con đường quanh chân núi vậy.
(57). Ngày em còn thắm nét son
Cầu chữ Y, khắp Sài Gòn, ChoLon
Em gồng gánh anh và con
Thương nhau một thuở cùng non nước này
Một khi quyết định, không hối tỉếc, không quay lưng, chỉ có mở đầu, mỉm cười bước tới, nhìn 
vào tương lai, nhìn hướng mặt trời và làm nên một tương lai mới… dù xuôi ngược, dù bôn ba, dù chật vật, dù mệt mỏi thể chất…
(77). Về Bình Thạnh một sớm mai
Thuê vuông nhà nhỏ trăng cài gió mây
Ta về nhập cuộc hội nầy
Còn em xoay xở liền tay mọi bề

Một “vuông nhà nhỏ trăng cài gió mây…” chắc chắn vuông nhà ấy rất nhỏ, rách mái, thủng tường, tềnh toàng thậm tệ… Từ đó, quá khứ và bóng tối đã lùi lại phía sau, đã trở thành dĩ vãng. Không có việc gì là bất khả. Không có việc gì là không thể. Ra đi, chàng thi nhân trẻ nhiều sức sống đã dọc ngang đất người, nơi mà trước đây,
được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông.”
(III)
VỐN LIẾNG VÀO ĐỜI
Từ ngàn xa xưa, Tô Tần, trước khi đeo 6 quả ấn vàng làm Tướng Quốc 6 nước, đã ra đi với chiếc xe song mã và tấm áo hồ cừu; thất bại trở về, bị bà chị dâu chế giểu. Trương Lương sau vụ ném chùy bất thành ở Bát Lãng Sa, đã ra đi với một quyết tâm trả thù cho nước Yên. Sau vụ luồn trôn giữa chợ chẳng vẻ vang gì, Hàn Tín ra đi với thanh trường kiếm và một mối thâm cừu. Trương Nghi ra đi chỉ với ba tất lưỡi làm hành trang. Anh chàng lãng tử phong lưu miền Tây Vực ra đi với bầu rượu túi thơ và con ngựa gầy đói cỏ, đó là Lý Bạch. Lại có người phong lưu hơn, như Tô Đông Pha, trường hợp hiếm hoi, đã ra đi với 7 bà vợ, mà trong đó có Triêu Vân đã đi vào văn học Sử đời Tống…
45. Được làm một gái thuyền quyên
Là vô lượng phúc trên miền nhân gian
Nhủ lòng sống vẹn chữ tâm
Thị phi nào cũng sai lầm nhé em
Một trăm lẽ tám anh hùng Lương Sơn Bạc cũng chỉ vác thanh gươm ra đi vì tránh nạn cường hào ác bà của đám người quyền thế gây ra nhân họa đầy dẫy tham ô bất bình… Biết bao hào kiệt ra đi chỉ với thanh gươm yên ngựa và một ý chí quật khởi làm vốn liếng và hành trang nhập cuộc...

(81). Này em đời lỡ long đong
Cũng đành chịu cảnh long đong cùng người
Thảo thơm sống giữa cõi đời
Mai sau trời đất nhớ lời nỉ non

Ngày nay, nhà thơ đất Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) ra đi với người vợ son trẻ, cành vàng lá ngọc. Đó là tất cả vốn liếng duy nhất mà Ngã Du Tử có trong tay. Đẹp thay. Lý thú thay. Lãng mạn tuyệt vời… Sự ra đi của Ngã Du Tử đẹp và lãng mạn hơn chuyện ra đi của Trần Bình, Khoái Kiệt, Phàn Khoái, Anh Bố, Bành Việt, Chu Du, Gia Cát, Kinh Kha…
(27). Thương em từ lúc còn son
Trắng trong áo mới eo thon rạng ngời
Mùa vui chưa kịp rong chơi
Áo cô dâu mặc vào người theo ta
Chàng dắt vợ hướng về ánh mặt trời, về phương nam, về những hứa hẹn cuộc sống. Thương 
người vợ thục nữ, ngọc diệp kim chi, mà giờ đây, do hoàn cảnh mưu tìm cơm áo, tránh hoạn nạn… phải ra đi. Thương yêu trìu mến người vợ nhỏ, chỉ vì mình mà tin tưởng, vì mình mà dãi dầu, chỉ vì mình mà hy sinh. Bởi đó, không quý yêu, không được, không trân trọng, không phải, không hết lòng, không nên… Tương lai phía trước. Hứa hẹn phía trước. Hạnh phúc phía trước. Thành công phía trước. Tất cả đều ở phía trước. Công việc của chàng là bước tới. Mọi sự khởi đấu bằng bước chân đầu tiên.
(7). Tôi em lỗi nhịp mùa sang
Áo xiêm thất lạc bên đàng trần ai
Ừ thì ngày ngắn, đêm dài
Chung lưng đấu cật miệt mài khổ cam
Ngã Du Tử, quả là thông minh, can đảm và gan lì… Có cứng mới đứng đầu gió… Cái “cứng” của thi nhân, được tôi luyện, được thôi thúc, được kiên vững và được bảo chứng bởi tình yêu, bởi tin yêu, và bởi hy vọng. Với Ngã Du Tữ, cuộc sống không bao giờ bế tắc thực sự khi còn hy vọng. Hoặc, không hề có chút khái niệm mất mát, lạc lõng, thất bại… một khi chàng còn có niềm tin làm chỉ nam và làm phương tiện.

(12). Thương em tôi dỗ với dành
Ráng lên em, mai xứng danh mẹ hiền

Này em, kiếp trước Giáng Tiên
Nên giờ đứng giữa hai miền Nam Trung
Một trong những hành trang của chàng Du Tử, chính là tình yêu người vợ trẻ. Cuộc sống không có tình yêu giống như một hoang mạc. Yêu vợ chính là yêu mình. Hãy để tình yêu, giống như ánh nắng ban mai, sưởi ấm trái tim mỗi con người. Ngã Du Tử đã thực sự truyền cảm hứng cho người vợ yếu, và cho bất cứ những ai, sau nầy đọc được những dòng thơ của chàng.

(IV)
GIAN TRUÂN TRƯỚC MẮT
Vạn sự khởi đầu nan. Ra đi, Mẹ dặn dò (35).
“Mẹ rằng: Lập nghiệp quê xa/ Đầu nan vạn sự trên xa xứ người” Nghịch cảnh càng lớn, người ta càng phải phấn đấu, và do đó mà sớm trưởng thành. Gian khổ càng nhiều, thành công càng đẹp. Muốn đá thành ngọc quý, không thể không dủa mài. Đời ta, chọn lựa là của ta. Chọn lựa là bỏ cái nầy lấy cái kia. Chọn lựa là một hy sinh. Cảm ơn đời những lúc ta gặp khó khăn, bởi nếu không có khó khăn, ta sẽ không có cơ hội để hiểu mình và trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành… Chàng thi nhân tin vào quan niệm “chân cứng đá mềm” của cha ông và động viên người phối ngẫu.
Cụm từ “cũng đành chịu” (khổ thơ 81 dưới đây) nói lên quan niệm thuận thiên, xuôi theo trào lưu, là tùy theo con nước mà bơi theo dòng, là thuận thiên giả tồn… Đó là nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc.
(81). Này em đời lỡ long đong
Cũng đành chịu cảnh long đong cùng người
Ngã Du Tử đã áp dụng thuyết “Bootstrap Theory” của người Mỹ da trắng. Theo thuyết ấy, tự mình phải chống chèo xoay xở để tự kéo mình lên khỏi hoàn cành trái ngang bất như ý, tự mình vươn lên và ngoi lên khỏi vũng bùn suy sụp của hoàn cảnh, của nhân họa… Chàng cũng tin tưởng vào quan niệm “Lao động là vinh quang” của người dân cần cù lam lủ, ham làm việc dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới của thổ dân Châu Mỹ La-Tinh…

(30). Này em gánh biển, trèo non
Vững đôi chân cứng đá mòn vui thay
Trong cuộc đổi đời, đất lạ, người lạ, cuộc sống mới lạ với trăm nghìn khó khăn chưa từng đối 
mặt, vợ chồng nhà thơ chỉ biết tin vào chính bản thân mình và tin vào nhau, người bạn đời chung lưng đấu cật. Trong hoàn cảnh đất mới, người mới… chắc chắn, họ phải chọn cuộc sống thường nhật đơn sơ, giản phác, khiêm tốn, thanh bạch… Từ đó, họ bất chấp, bất sá, bất kể… chỉ nhìn phía trước và bước tới.
(25). Ta còn nhịp đập chung say
Sợ gì em, những rủi may cuộc đời
Phải có một cuộc sống giản dị nhất, cùng ước vọng xa xôi nhất, dù ngày mai trời đông giá rét, 
tuyết rơi phùn thổi bão quét, dù đường dài vạn dặm gian khổ trước mặt. Cuộc sống của ta chỉ thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi ta biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, biết ghi nhận, biết tin vào những hứa hẹn của tương lai, của sức mình, của ý chí tự lập, của luật nhân quả…
(88). Cha dạy anh sống trên đời
Thẳng đường đi trước khóc cười bể dâu
Dặn lòng trong cuộc nông sâu
Ghìm cương nào quản vó câu gập ghềnh
Gian khổ luôn hiện diện. Bởi đó, sự đấu tranh luôn cần phải có thường xuyên trong cuộc sống. Nếu cuộc sống trôi qua thật suôn sẻ, ta sẽ không hiểu được cuộc sống, không có được bản lĩnh và nghị lực như chúng ta cần phải có. Thật công bằng, không phải vô cớ mà mọi điều xảy đến với ta. Cuộc sống chìu lòng kẻ mạnh. Nó ân thưởng kẻ có công. Nó bù đắp kẻ miệt mài trì chí phấn đấu.

(11). Nửa đời vai lệch, chân xiêu
Quên thanh xuân những yêu kiều thuở xưa

Ngày qua, gội nhánh nắng mưa
Đêm về mắt ứa thiếu thừa cơm canh
Ta cần sức mạnh, nghị lực nên cuộc sống đã đặt ra những khó khăn nghịch cảnh để ta vượt qua như một thử thách và từ đó trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là luật sinh tồn. The law of nature selection. Có một danh ngôn: “Giữa thành công và thất bại có con sông gian khổ… mà trên con sông đó, có cây cầu tên là cố gắng phấn đấu ”phải vượt qua.

(38). Kể chi em những nhọc nhằn
Kể chi nhau những trầm thăng một đời
Ta và em dưới vòm trời
Cũng như nhau những con người thế gian
Chẳng có giới hạn nào cả cho sự cố gắng. Có chăng là những đỉnh cao, nhưng đó không phải là nơi để ngự trị mà là nơi chúng ta cần phải vượt lên, chế ngự, chế thắng. Sự vượt trội không phải do vô tình. Mà đó là kết quả của sự chú tâm cao độ, nỗ lực tận tình, định hướng thông minh, thực hành khéo léo, và tầm nhìn tinh tế để thấy được cơ hội trong những trở ngại và miệt mài theo đuổi. Obstacle is the way. Trở ngại, chính là con đường.

(39). Khổ vui lớp lớp hàng hàng
Từ tâm nuôi dưỡng bên đàng trần ai
Thượng Đế đã dẩn dắt Tổ Phụ Abraham về Đất Hứa không phải bằng những thuận lợi nhất 
thời… mà, luôn luôn, bằng những trở ngại phải vượt thắng. Cuối cùng, Đất Hứa hiện ra trước mặt, phía bên kia sa mạc…Thượng Đế ban cho tất cả mọi người 24 giờ như nhau. Còn 24 giờ ấy, có giá trị như thế nào, là do mỗi người tự định đoạt lấy qua cách xử dụng.
(91). Mỗi ngày lên gội nắng sương
Vẫn vui trong cuộc sống thường nhật thôi
Chẳng có gì trở nên dễ dàng hơn. Chỉ là ta trở nên mạnh mẽ kiên cường hơn mà thôi, vì ta đã 
ngẫng đầu ngạo nghễ, chấp nhận bão giông, thách đố số mệnh… Ngay cả Thượng Đế cũng không thích sự lười biếng và những kẻ lười biếng, hèn nhát, ỷ lại… Chàng thi nhân an ủi mình và khuyến khích vợ.
(90). Dễ gì trong cõi nhân gian
Buổi đầu ai chẳng gian nan, thường tình
Nợ nần nhau chuyện ba sinh
Thương em, tôi dỗ với dành yêu thương
(V)

NGÀY MAI, ƯỚC MƠ và HY VỌNG
Hy vọng là thần dược… Sử Gia Will Durant - một sử gia người Mỹ, có tầm ảnh hưởng cả thế giới, một sử gia vĩ đại thứ nhì đứng sau Tư Mã Thiên, hai vợ chồng là đồng tác giả “Lịch Sử Văn Minh Thế Giới”: “Khi còn thở, ta còn hy vọng. While we breathe, we will hope.” Trong những lúc trời quá lạnh, ông bà không có tiền để mua khí đốt, họ phải tháo chiếc bàn viết đốt lên cho khỏi chết rét. Bởi vì, sống là phấn đấu trong hy vọng.
(89). Sóng đời còn lắm nổi nênh
Cùng nhau thong thả giữa mênh mông ngày
Và em hãy nắm chặt tay
Mốt mai ắt cũng có ngày thênh thang
Những hy sinh của ngày hôm nay sẽ được đền đáp vào ngày mai. Hôm nay đầy rẫy những khó khăn, và ngày mai cũng không có điều gì dễ dàng. Nhưng, sau ngày mai, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp. Sau ngày mai, nghĩa là tương lai. Cái mà vợ chồng Ngã Du Tử nhắm tới. Cái ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ trôi qua nếu bạn sống tới ngày mai. Phải nuôi dưỡng ý chí và ước mơ.

(31). Dây trầu đã quyện thân cau
Luôn chăm bón sẽ xanh màu phúc duyên
Trời cao, đất rộng trăm miền
Lẽ nào không thắm giữa triền nhân gian
Nhưng, nói cho chính xác, ước mơ cũng mãi là giấc mơ, nếu ta không thức dậy. Cách duy nhất khiến ước mơ thành hiện thực là hãy tỉnh dậy và bắt đầu thực hiện ước mơ ấy. Mơ ước là một thứ gì đó rất tuyệt vời. Nhưng nó cũng đầy mộng ảo và cách thực hiện ước mơ duy nhất đó là bắt tay hành động ngay, không nghi hoặc, không trì trệ…

(58). Chăm làm. Siêng nhặt liền tay
Rồi ra, đời cũng có ngày an thân
Lật trang đời nhớ thời xuân
Thước phim ngày ấy để dành mai sau
Khi tất cả những cái khác đã mất đi thì tương lai vẫn còn. Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác. Nguyễn Công Trứ: “Thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kỳ… Trót sinh thì phải có chi chi, làm nên đấng anh hùng trong bốn bể”…Hoặc: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh…”

(18). Chiều tàn mơ một bình minh
Dãi dầu sẽ hết nổi linh đinh ngày
Thầm mong chờ một mùa sau
Bội thu từ lúc thắm màu sắt son
Có nỗ lực mới có hi vọng. Có hy vọng mới nổ lực. Cuộc sống không cho ta tất cả những gì ta mơ ước. Nhưng cuộc sống cho ta quyền được lựa chọn ước mơ, và quyền được thực hiện mơ ước mà ta lựa chọn theo cung cách và phương tiện mà ta có.

(44). Ta từ bao nỗi đắng cay
Dòng đời may rủi, rủi may trùng trùng
Thôi em, đừng nghĩ mông lung
Phước duyên nào cũng từ nguồn nhân duyên
Cuộc sống, ngay cả khi có một ngàn lý do để làm cho ta khóc, thì ta vẫn phải tìm một lý do để giữ nụ cười. Có bản lĩnh chịu được cô đơn, mới ôm được náo nhiệt. Vào những tháng năm còn có thể cố gắng, đừng chọn cách sống an nhàn. Hướng ngược gió, nó tạo sức nâng, rất hợp để cất cánh bay (cho chim trời và cho các loại phương tiện không gian phi hành).

(16). Rượu trần gian rót đêm qua
Ngâm sang sảng giọng ta và em nghe
Biết đâu mai mốt xuân hè
Văn theo duyên mệnh gửi về trăm năm
Khi không có hy vọng, bổn phận của chúng ta là tạo ra nó. Where there is no hope, it is incumbent on us to invent it (Thomas Carlyle). Nếu không phải nhờ hy vọng, trái tim sẽ tan vỡ. If it were not for hopes, the heart would break (Albert Camus).

Một tâm hồn mạnh mẽ luôn luôn hy vọng, và luôn luôn có động cơ để hy vọng/ A strong mind always hopes, and has always cause to hope (Victor Hugo).
(64). Cùng em giữa cuộc vuông tròn
Giữ chân dung chuyện nước non một thời
Ta từ bao cuộc rong chơi
Hiểu ra trong cõi khóc cười bể dâu
(VI)

TẬN NHÂN LỰC, TRI THIÊN MỆNH
Thiên Mệnh là mệnh Trời, tức là Ý Trời. Thượng đế đã sắp đặt ngày mai cho tất cả chúng ta. Một vị Triết Nhân Lưỡng Hà Địa đã nói: “Dù chỉ một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài Ý Trời.” Kinh Dịch: “Nhất ẩm ất trác giai do tiền định.” Đó là ý niệm “Quan Phòng” của Ông Trời, của Hóa Công, của Thượng Đế… Nhưng, muốn biết chắc sự quan phòng khôn ngoan ấy ra sao cho đời mình, ta phải tận nhân lực…
(73). Ráng nghe em cứ chân thành
Mai sau trời đất dỗ dành chúng ta
Tĩnh dĩ sĩ mệnh. An thiên tri mệnh. Người quân tử phải im lặng (tĩnh), khiêm tốn và kiên nhẫn lắng nghe Mệnh Trời. Ta không thể điều khiển hướng gió, chỉ có thể điều khiển cánh buồm. Ta không cần phải thấy hết các bậc thang mà chỉ cần đi bước đầu tiên với một niềm tin, tin vào Thiên Mệnh, và với tất cả dũng lực,..

(49). Mặc đời ta cứ thêm hương
Dù cay đắng cũng thế thường vui lên
Buồn làm chi chuyện hư nên
Làm sao biết trước thiên duyên cuộc cờ
Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng vì hoàn cảnh. Bắt đầu từ nơi ta đứng, sử dụng những gì ta có, làm những gì ta có thể, trong khả năng luôn luôn bị hạn chế của chúng ta.

(74). Miệt mài ngày tháng đong đưa
Nghĩ ra chừng cũng đủ vừa tin yêu
Thịnh suy, suy thịnh trăm điều
Lẽ nào no gió cánh diều không bay
Cuộc sống chỉ mang lại cho chúng ta 10% cơ hội, 90% còn lại là do chúng ta trải nghiệm thế 
nào với nó. Đừng nói mà hãy hành động. Đừng hứa mà hãy chứng minh. Sự chân thành là điều tốt đẹp nhất ta có thể trao tặng tha nhân. (xx).
“Trời cao, đất rộng nhiệm mầu/ Ai qua giông tố sống giàu nghĩa nhân.” Sự thật, lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu đều tùy thuộc vào 2 chữ “chân thành” đó cả.
(17). Hát lên em buổi thăng trầm
Thị thành sẽ nhớ thuở cầm cố thơ
Thế gian ai biết chữ ngờ
Thiên đường là mộng, văn thơ là tình
Sống cuộc sống ta mong muốn, chính là những ngày tháng tươi đẹp nhất. Cách sống mà ta mong muốn, mới chính là cách sống tốt đẹp nhất. Hạnh phúc không có một đáp án chuẩn mực, niềm vui cũng không chỉ xuất phát từ một con đường.

(96). Giả từ ngày tháng lênh đênh
Bình an qua những thác ghềnh gian nan
Thẳng lưng, đi tới đường hoàng
Mùa xiêm áo cũng rộn ràng đôi chân
(VII)

ĐỒNG VỢ, ĐỒNG CHỒNG
“Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn.”
(35) “Cha rằng: khó lắm con ơi/ Ráng nghe con, vợ chồng thời đỡ nâng” Muốn đồng vợ đồng chồng, cuộc hôn nhân ấy phải xây trên trên bản tình yêu. Công thức để có một gia đình hạnh phúc: “Yêu thương, tương kính, quan tâm và chia sẻ, thấu hiểu và bao dung”. Đó là một Gia đình hạnh phúc. Mục đích trước tiên và tối thượng của cuộc đời là sống. Nhưng, phải sống hữu ích, sống có trách nhiệm, sống biết yêu thương, và được tôn trọng.

(22). Ngày nào duyên nợ ba sinh
Trầu xanh, cau thắm cho mình chung đôi
Anh còn em, em có tôi
Cùng nhau dìu bước qua đồi mộng mơ
Hãy bước đi song hành. Hãy bộc bạch để được xẻ chia, thông cảm và hỗ trợ. Nhà thơ luôn nhắc nhở và động viện người phối ngẫu (14). “Gập ghềnh nhịp phách chân như/ Khổ vui mặc niệm, tạ từ bước qua/ Đều chân em nhé cùng ta/ Tháng năm thắm áo, ngọc ngà thắm quê”. Hãy mở lòng chia sẻ với bạn đời vì ít nhất bạn cũng sẽ tìm được chút bình yên trong tâm hồn. Hãy sống với người bạn đời như sống với chính mình.

(52). Cùng nhau tay nắm đồng hành
Khổ vui nào cũng xây thành tình yêu
Cuộc sống này cũng không phải toàn niềm vui, hạnh phúc mà xen lẫn vào đó là những nỗi buồn, đau thương. Nhưng dù cho cuộc sống có thế nào đi nữa, hãy sống vì nhau, vì người phối ngẫu, vì gia đình… Ước mơ của mình, cũng là ước mơ chung. Nghĩa là, hãy đồng vợ đồng chồng… Mọi người đều biết cái lẽ đương nhiên ấy.

(46) Cõi người còn có riêng chung
Mong em hãy gắng nắm cùng tay nhau
Khó khăn rồi sẽ qua đi. Vợ chồng, dù có mưa dập gió vùi cũng vẫn đồng hành, che chắn và dìu nhau vượt qua. (100). “Ngày sẽ vui. Đời như tranh/ Hẹn nhau đi hết hành trình trần gian” Hãy hiểu biết nhau. Vô tri bất mộ. Hiểu biết để yêu thương bền lâu. Với thế giới, ta chỉ là một cá nhân. Nhưng đối với người phối ngẫu, ta là cả thế giới. Cuộc sống đã ban cho ta đôi bàn tay và trí óc để khám phá và làm việc với con tim yêu thương. Võ Phiến nói với hiền thê: “Em nuôi con heo, anh nuôi con sáo...” thì Ngã Du Tử đề nghị cùng hiền nội: (23). “Em bán buôn anh làm thơ/ Cung đàn nắn nót xanh bờ thanh xuân /(29). Mong đời liền nhánh thủy chung/ Tháng ngày chia sớt vạn trùng quan san”. Thật lãng mạn và lý thú. Tuy đời sống có gian truân nghiệt ngã thì cung cách của thi nhân vẫn phong lưu đậm chất.

(47). Đường suông hay thác ghềnh sâu
Đồng cam cộng khổ qua cầu sánh đôi
Thương nhau chẳng ngại dốc đời
Núi cao ư, sẽ qua đồi an nhiên
(VIII)

VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ
Những gì cuộc sống đem lại cho ta đều được ghi giá một cách kín đáo. Sự khác biệt giữa những người thành công và thất bại không phải là ở sức mạnh hay kiến thức mà chính là ở ý chí và sự miệt mài. Chính ý chí, nỗ lực, quyết tâm, thông minh… đã trả cho cái giá (kín, ngầm) của sự thành công ta đang hưởng. Đó là vấn đề nhân quả thực nghiệm:
(74). Miệt mài ngày tháng đong đưa
Nghĩ ra chừng cũng đủ vừa tin yêu
Thịnh suy, suy thịnh trăm điều
Lẽ nào no gió cánh diều không bay
Đây là chân lý nghìn đời bất biến: “Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu” Trồng cây gì, thì hưởng quả nấy. Trồng dưa, ta sẽ được dưa, tỉa đậu, ta sẽ được đậu. Cây giống được chăm bón tốt, ta sẽ được mùa bội thu. Cây lành, trái ngọt. Cha ông ta cũng thường nói: “Nhìn quả biết cây, nhìn cây biết quả” Đằng sau mỗi nỗ lực là phần thưởng xứng đáng.

(75). Trời nào phụ kẻ siêng năng
Không gian có chỗ đất bằng sánh vai
Hãy gieo hạt giống của tin tưởng, hy vọng, yêu thương và trì chí… chắc chắn ta sẽ gặt hái thành quả tốt đẹp... Đây là quy luật tự nhiên. Đó là luật nhân quả. The theory of cause and effect… mà thầy trò văn hào/ triết gia Lebnitz đã xiển dương. Kinh Thánh Cựu Ước chép: “Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong tiếng cười.”
(98). Mở lòng đón nhận trên tay
Không gian nan sao có ngày yên vui
Hãy dùng thời gian, nghị lực, tài trí một cách khôn ngoan, lạc quan và tin tưởng vào giá trị 
nhân qủa của chúng. Lạc quan là một đại lượng gắn liền với thành công và hạnh phúc hơn tất thảy mọi thứ. Thời gian tuy miễn phí nhưng nó vô giá.
(108). Không mai sau, cũng đời này
Gẫm ra sẽ thấy bàn tay Đất Trời
Thời gian, ta không thể sở hữu, nhưng ta có thể sử dụng nó. Ta có thể dùng nó, nhưng ta không thể giữ nó. Một khi ta làm mất nó, ta sẽ không thể nào có lại được nó. Les jours s’en vont. Đó là “Le temp perdu.” Thời gian là của Thượng Đế. Và, ta có quyền ân hưởng.

(97). Thương mình chăm bón tình thân
Thương em giờ bớt nhọc nhằn đôi vai
Xưa hàm tiếu, giờ mãn khai
Thời gian rực thắm cánh mai ân tình
(IX)

QUÊ HƯƠNG, NGUỒN CỘI
Quê Hương là Nguồn Cội. Nguồn Cội là Quê Hương. Hai ý niệm nầy không thể tách rời. Chúng dính liền nhau như một hệ luận. Đồng thời, chúng liên đới và ảnh hưởng nhau như một hệ lụy. Nơi ta ở là cái nôi, là cuốn rốn, là nguồn mạch tâm linh. Trong đời, dù ta, vì hoàn cảnh bất khả kháng, có trôi giạt nơi đâu, thì quê hương vẫn là cái mốc để ta nghĩ về, nhớ về, tìm về. Những bộ tộc sơ khai thời du cư, du canh, du mục… không bao giờ có được tâm tình cao thượng ấy…
Một nhà văn Do Thái, trong diễn văn nhận giải Nobel văn chương, ông nói: “Hầu hết những tác giả, khi đi ra khỏi quê hương đều héo úa khô cằn tàn lụi và khả năng hay hứng khởi sáng tạo không còn… Nhưng tôi ra đi mang cả quê hương trong lòng. Cho nên, hoàn cảnh lưu đày của tôi không ảnh hưởng gì đến vấn đề sáng tác.”
(33). Đường tàu bắt nhịp rời ga
Làng quê từ ấy mờ xa, xa dần
Ta cùng nhau nhé ân cần
Đời hăm hở gọi theo chân bụi đường
Câu nói này thể hiện tấm lòng nhớ nhung quê hương đất nước của những người xa xứ. Thân lữ khách ở đất người, nhưng lòng thì vẫn mãi hướng về quê cha đất tổ. Câu nói ấy thể hiện sự 
quan trọng của cội nguồn quê hương. Cây có cội, nước có nguồn – đây là chân lý, là đạo đức mà ai ai trên đời này cũng từng ghi nhớ. Với mỗi chúng ta, quê hương và gia đình luôn là điều quan trọng và là niềm tin của mỗi người.
(109). Gìn ân giữ nghĩa em ơi
An nhiên vui sống giữa đời bao la
Thênh thang mở lối người ta
Văn chương là đạo, quê là nhớ thương
Với tâm tình ấy, thì ta có cảm giác trăng quê nhà sáng hơn trăng đất khách (mà trăng nơi đâu 
chẳng phải là trăng), mây quê nhà đẹp hơn mây bốn phương (mà mây nơi đâu chẳng là mây của trời), nước quê nhà trong mát và ngọt ngào hơn bất cứ nguồn nước nơi đâu trên quả đất…
(34). Cuộc ngày đầy những gió sương
Không sao em, chỉ là hương sắc tình

Đầu ngày thắm nắng bình minh
Suy tư cùng những linh đinh quê nhà
Thi nhân ra đi là bỏ lại (hoặc tạm thời bỏ lại) sau lưng gia đình, dòng tộc, nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mã cha ông, làng xóm, bạn bè… Ngã Du Tử ra đi là xa rời quê hương Quảng Ngãi với 12 cảnh đẹp thiên nhiên (Thập Nhị Mỹ Cảnh), cùng với 3 dòng sông bơi lội tuổi thơ: Trà Bồng, Trà Khúc (Trà Giang), Trà Câu.

(51). Chiều qua thẫm một tiếng chuông
Vọng về từ lúc khói sương quê nhà
(X)

BẰNG HỮU TRI ÂM
Bằng hữu là tất cả những liên hệ nơi ta sinh, nơi ta ở, nơi ta sống, nơi ta đến… Với Ngã Du Tử, liên hệ ấy xoay quanh khách văn chương thi phú… Tình bạn không phai nhạt bởi không gian hay thời gian, bởi sự giam cầm của chiến tranh, bởi mệnh số, bởi khổ đau hay sự im lặng. Chính trong những ngăn trở đó mà tình bạn bắt rễ sâu nhất. Chính từ những hoàn cảnh bất lợi ấy mà tình bạn nở hoa.
(69). Vui thay, trời đất dịu kỳ
Khổ đau nào quản đền nghì Trúc Mai
Bạn bè, thơ phú lai rai
Sài Gòn ơi, cứ miệt mài bón chăm
Tình yêu đúng nghĩa đã hiếm, tình bạn thật sự còn hiếm hơn. Và càng hiếm quý hơn nữa, đó là bạn văn, bạn thơ. Chắc chắn, những người bạn ấy là tri kỷ, hoặc tuyệt vời hơn, là thấp thoáng bóng dáng hồng nhan tri kỷ. Đó là những người bạn ơn nhau qua tri ngộ. Gặp nhau, biết nhau, hiểu nhau, rồi quý mến nhau… dù không cùng trường phái sáng tác, dù không cùng lập trường hay quan điểm về tôn giáo, chính trị. Tình bạn đúng nghĩa, vượt lên trên những thứ ấy.

(76). Bạn bè so chén lai rai
Giọt buồn đem cắn chia hai làm mồi

Khổ vui còn lại bên đời
Hoàng kim nào sẽ lên ngôi mai này
Tình bạn, hội đủ hiểu biết, cảm thông, quan tâm và hy sinh. Gặp nhau, quen nhau giữa biển 
người mênh mông chính là duyên, lưu lạc giữa hồng trần lại không lãng quên nhau chính là duyên. Tâm tình tha thiết mến yêu của Ngã Du Tử đã là thâm trọng, nhưng xa hơn chính nhà thơ đã khuyên người phối ngẩu của mình cũng phải trân quý bạn bè của mình như thế.
Người xưa, mà cụ thể là cha ông ta, cũng đã chủ trương: “Dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phù nhân”. Hãy dùng hình thức văn chương để qui tụ bạn bè. Rồi cùng bạn bè giúp người, giúp đời, xây dựng xã hội… Đó là quan niệm tích cực của kẻ sĩ nhập cuộc, dấn thân, vào đời.
(46). Mở lòng với các anh em
Mùa vui rồi sẽ được êm ấm cùng
Cõi người còn có riêng chung
Mong em hãy gắng nắm cùng tay nhau
(XI)

SONG THÂN – CHỮ HIẾU
Bóng cha như vách núi. Dáng mẹ tựa dòng sông. Đạo Nho: “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn” Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính bậc niên trưởng, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức.
(85). Sóng ngày còn những gian nan
Cha đi để lại bên đàng tiếc thương
Ngậm ngùi nhang khói làn hương
Cha ơi, còn nỗi xót vương bên lòng
Bình nhật, trong giao tế thường ngày, sự vô ơn là điều đáng khinh bỉ nhất. Nhưng kiểu vô ơn phổ biến và lâu đời nhất là sự vô ơn của con cái đối với cha mẹ. Vạn hạnh hiếu vi tiên. Một người con bất hiếu chắc chắn không bao giờ là người bạn tốt, một người tôi trung. Kinh Thánh:“Ai hiếu kính với song thân, sẽ được Thượng Đế chúc lành trong cuộc sống”
(84). Tết về, trong những nhành xuân
Mẹ cùng con quấn khăn tang trắng trời
Người vừa cởi hạc xa khơi
Lòng con còn những rối bời trần gian
Một triết nhân nào đó thời xa xưa đã từng nói:“Đem lòng yêu vợ con ra yêu cha mẹ thời là hiếu; đem lòng giữ nhà ra giữ nước thời là trung; đem lòng trách người ra trách mình là tu, đời sống thời ít lỗi; đem lòng dong mình ra dong người thời trọn nghĩa”. Thật quý hóa thay. Lành thay, những người con hiếu. Chàng thi sĩ Ngã Du Tử ân hận và trách mình sao không sớm thành đạt và tiếc rằng phụ thân ra đi quá vội… để chàng có thể trả chữ hiếu vẹn tròn.

(92). Giận mình còn lắm âu lo
Tiếc cha sao vội sang đò trần gian
Để con nước mắt cạn dòng
Thân trai còn những long đong xứ người
Ngã Du Tử, có thể nói được một cách chắc chắn, mà không ngại nhầm lẫn, là nhà thơ đã tròn đạo hiếu thờ Cha, kính Mẹ trọn niềm. Mẹ và Cha cũng là sợi dây ràng buộc, nối kết thiêng liêng giữa người con Ngã Du Tử lưu lạc với quê hương Quảng Ngãi cội nguồn.

(32). Giả từ quê quán thu sang
Hởi non sông, nhịp bước vàng sánh đôi
Thương em đôi chút bồi hồi
Mẹ cùng cha vốn cái nôi quê nhà
(XII)

SỨC SỐNG VĂN CHƯƠNG
Có người nói: “Những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…” thì Ngã Du Tử, chẳng những vịn thơ, dựa thơ… mà sống với thơ nói riêng, và với văn chương nói chung. Anh không chỉ vịn thơ khi cần, mà sống với thơ, ăn với thơ, ngủ với thơ, lớn lên với thơ… Anh là người đọc sách, biết rõ hơn ai hết sức mạnh của thơ văn, của ngòi bút. Anh đã lấy thơ văn an ủi chính mình và vợ con… để di dưỡng tâm tính… để rèn luyện đức hạnh bản thân…
Công dụng và giá trị của văn chương là minh minh triết, là minh minh đức, là minh minh chí…Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh không tự hủy diệt (Albert Camus, một triết gia hiện sinh). Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn, tiếng ta còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh một học giả, một vị đường quan). Văn dĩ tải đạo. Đạo ở đây là đạo lý và đạo làm người…
(104). Thì ra, phù thế rong chơi
Cũng ngần con chữ đầy vơi nỗi niềm
Denis Diderot: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn, đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc.” Hegel: “Sáng tạo là đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn mạch chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”. Văn hóa là tinh hoa, là tinh túy của một dân tộc. Văn hóa, mà văn chương là một biểu tượng 
chính, là linh hồn của dân tốc ấy… Văn chương trở thành ký ức sống động của một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia có biên giới. Chính văn chương (văn hóa nói chung) đã tạo ra bản sắc đặc thù của dân tộc ấy… và giữ gìn cho dân tộc ấy khỏi bị nô lệ và khó bị đồng hóa.
(40). Văn chương là nghiệp đã đành
Núi sông là nợ cùng xanh đôi bờ
Một tác phẩm giá trị là một cuốn sách chẳng bao giờ kết thúc bi quan. Nó luôn gợi lên chân thiện mỹ, và hướng con người bước dần đến đích điểm cao thượng ấy… Nó chuyên chở một nội dung xây dựng, tô bồi lòng tin, ca tụng sự thành tín, xiển dương tình thương và lòng trung nghĩa.

(103). Đi qua cát bụi thưa rằng:
Cả đời còn nợ trang văn tự tình
Nhớ người xưa, viết thi kinh
Áo hoa sẽ thắm bình sinh sắc ngời
Aleksandr Solzhenitsyn: “Thật bất hạnh cho một quốc gia mà nền văn học bị khống chế, cưỡng bức, chèn ép… vì sự cản trở của thế lực. Điều này không chỉ xâm phạm quyền tự do tư tưởng, ngôn luận mà còn đóng kín trái tim của một dân tộc, làm chết những khả năng sáng tạo đặc thù cố hữu của dân tốc ấy…”
(2). Đêm về ngủ trọ lưng mây
Ngày vui theo nhịp thuyền đầy văn thơ


ĐÔI DÒNG TẠM KẾT

Tóm lại, chúng ta có thể thấy được những đề tài nổi bật mà nhà thơ muốn xoáy vào, muốn tô đậm qua 131 khổ thơ “Sóng Thị Thành và Em.” Như đã phân tích (những đề tài nổi bật đó là: (1) Dòng Đời Nghiệt Ngã (2) Quyết Định Ra Đi (3) Vốn Liếng Vào Đời (4) Gian Truân Chờ Đợi (5) Ước Mơ và Hy Vọng (6) Tận Nhân Lực, Tri Thiên Mệnh (7) Đồng Vợ Đồng Chồng (8) Vấn Đề Nhân Quả (9) Quê Hương Nguồn Cội (10) Bằng Hữu Chi Giao (11) Song Thân và Chữ Hiếu, (12) Tác Dụng và Sức Nâng Văn Chương. Qua 12 điểm nổi bật trong Sóng Thị Thành và Em ta thấy rõ tính chất kẻ sĩ của một con dân hay (một nghệ sĩ) xứ Quảng Ngãi đã biểu lộ khá đầy đủ trong phát biều của Nguyễn Vỹ, một nhà thơ/ nhà văn/ nhà báo tiền bối. Và một phần cũng phản ánh trung thực những nhận xét cùa Nguyễn Cư Trinh, một thời làm Tuần Vũ Quảng Ngãi, của Nguyễn Thông, kẻ sĩ đất Gia Định, tránh Tây ra làm quan cho triều đình Nhà Nguyễn, một thời trấn nhậm đất Quảng) 
Sau cùng, xin mời quý bạn yêu thơ, hãy đọc khổ thơ chót (131) trong trường ca lục bát: Sóng Thị Thành và Em để thấy tấm lòng của tác giả - nhà thơ Ngã Du Tử. Thi nhân của chúng ta, vì hoàn cảnh phải ra đi, mang theo hành trang duy nhất là cô vợ bé bỏng, kinh qua bao năm nơi đất lạ quê người, làm việc trong gian truân, ngoi lên từ lòng tự tin và tự trọng để vượt qua gian khổ, mà lòng lúc nào cũng gắn bó với quê hương, nguồn cội, song thân… để cuối cùng, xứng đáng nói được rằng đã trả xong cái nợ làm trai vậy…
(113). Trang văn chừng đủ yêu người
Cung tay dừng bút cho đời phấn hương
Nào ai hiểu hết vô thường
Ta còn đi giữa khói sương đời này.

 
Võ Thạnh Văn
Viết tại Phù Hư Am, tháng 4/2021
Mùa trốn dịch Wu-Han 2019.
 
Phần 2: SÓNG THỊ THÀNH VÀ EM
1.Bước ra từ nhánh Sông Quê
Có chàng Du Tử hướng về phương Đông*
Quảy trên lưng khúc phiêu bồng
Tình tang câu hát gió lồng chân mây

2.Đêm về ngủ trọ lưng mây
Ngày vui theo nhịp thuyền đầy văn thơ
Mặc đời ai gọi ngu ngơ
Áo văn chương khoác tỉnh bơ với ngày

3.Em rằng: thơ phú trắng tay
Nghiệp duyên tôi dẫu đắng cay cũng đành
Ngửa tay hứng nắng siêu linh
Vui tôi còn thắm chữ tình vác vai

4.Mộng mơ ngồi đếm một hai
Đôi khi trầm mặc chiều dài nước non
Thanh lương gõ nhịp vuông tròn
Cung văn gửi một dấu son tặng người
                                                                                         
5.Ngày xưa: học tập giúp đời
Thời nay sương sớm ngậm ngùi đôi vai
Thâu canh chờ đến ban mai
Mong ngày xanh thắm cho dài tháng năm

6.Cung tay rút ruột thân tằm
Cho tơ vàng ánh trăm năm để dành
Đời sao lắm kẻ đành hanh
Vung tay ngỗ ngáo giữa xanh đỏ vàng

7.Tôi em lỗi nhịp mùa sang
Áo xiêm thất lạc bên đàng trần ai
Ừ thì ngày ngắn, đêm dài
Chung lưng đấu cật trước đài nhân gian

8.Mặc đời, suy nghĩ, ân cần
Thương các con, gắng tay làm hàm nhai
Ơn trời bước nhịp một hai
Sóng gian nan gội trên vai vợ chồng

9.Dòng đời như chuyện dòng sông
Bình yên cũng nhận, bão giông chẳng sờn
Ngã nào đo đếm thiệt hơn
Ngã nào trong đục trước sơn giang nầy

10.Miệt mài nắng sớm, sương mai
Thương em quảy gánh trên vai nhọc nhằn
Hằn từng đêm những vết nhăn
Thâm quầng con mắt buồn, trăn trở nhiều

11.Nửa đời vai lệch, chân xiêu
Quên thanh xuân những yêu kiều thuở xưa
Ngày qua, gội nhánh nắng mưa
Đêm về mắt ứa thiếu thừa cơm canh

12.Thương em tôi dỗ với dành
Ráng lên em, mai xứng danh mẹ hiền
Này em, kiếp trước Giáng Tiên
Nên giờ đứng giữa hai miền Nam Trung

13.Bước nhân sinh đến vô cùng
Giờ còn giới hạn trước thung lũng nghèo
Mai nầy hết cảnh gieo neo
Tôi em cùng nắm tay gieo nhân từ

14.Gập ghềnh nhịp phách chân như
Khổ vui mặc niệm, tạ từ bước qua
Đều chân em nhé cùng ta
Tháng năm thắm áo, ngọc ngà thắm quê
 
15.Lạc nguồn sau một cơn mê
Cả dân ta khổ tứ bề lầm than
Thôi thì em, gọi trăng vàng
Xuống cùng ta giỡn với ngàn thi ca

16.Rượu trần gian rót đêm qua
Ngâm sang sảng giọng ta và em nghe
Biết đâu mai mốt xuân hè
Văn theo duyên mệnh gửi về trăm năm

17.Hát lên em buổi thăng trầm
Thị thành sẽ nhớ thuở cầm cố thơ
Thế gian ai biết chữ ngờ
Thiên đường là mộng, văn thơ là tình

18.Chiều tàn mơ một bình minh
Dãi dầu sẽ hết nổi linh đinh ngày
Thầm mong chờ một mùa sau
Bội thu từ lúc thắm màu sắt son

19.Mai về ôn lại nguồn cơn
Nhớ thương một thuở giang sơn thắt lòng
Sông quê nhiều đục, ít trong
Lẽ nào ta chọn long đong quê nhà

20.Này em, lập nghiệp quê xa
Còn hơn bó gối mù sa tháng ngày
Phải không em, cuộc đổi thay
Biết đâu có những mùa may thị thành

21.Giã từ quê quán, tre xanh
Thôi, ngày tháng ấy cũng đành chia xa
Vẫy tay chào những âm ba
Tháng ngày hò hẹn cùng ta tự tình
22.Ngày nào duyên nợ ba sinh
Trầu xanh, cau thắm cho mình chung đôi
Anh còn em, em có tôi
Cùng nhau dìu bước qua đồi mộng mơ

23.Em bán buôn anh làm thơ
Cung đàn nắn nót xanh bờ thanh xuân
Nầy em tuổi ấy như rừng
Suối yêu thương chày thơm lừng mùa non

24.Nụ cười gieo mộng vuông tròn
Trăm năm để một dấu son tặng người
Một đời trổ nhánh ngàn khơi
Mỗi ngày thêm mới dòng trôi tương hòa
 
25.Có người thân ái cùng ta
Có người nhập cuộc mù sa tháng ngày
Ta còn nhịp đập chung say
Sợ gì em, những rủi may cuộc đời
 
26.Hãy vui cùng những rong chơi
Ngại ngùng chi, nhánh thuyền rời bến xưa
Xứ người, đất rộng người thưa
Đãi người mới, ta vốn thừa sắt son
 
27.Thương em từ lúc còn son
Trắng trong áo mới eo thon rạng ngời
Mùa vui chưa kịp rong chơi
Áo cô dâu mặc vào người theo ta

28.Trôi theo nhịp sống quan hà
Chồng con là nợ duyên qua phận nầy
Vu quy em hứng trên tay
Bao chàng thờ thẩn mấy ngày đắp chăn

29.Nhà người sau trước có anh
Bước chân ra có trăng thanh sánh cùng
Mong đời liền nhánh thủy chung
Tháng ngày chia sớt vạn trùng quan san

30.Này em gánh biển, trèo non
Vững đôi chân cứng đá mòn, vui thay
Trần gian ta nhập hội này
Làm sao hiểu được tháng ngày mai sau

31.Dây trầu đã quyện thân cau
Luôn chăm bón sẽ xanh màu phúc duyên
Trời cao, đất rộng trăm miền
Lẽ nào không thắm giữa triền nhân gian

32.Giả từ quê quán thu sang
Hởi non sông, nhịp bước vàng sánh đôi
Thương em đôi lúc bồi hồi
Mẹ cùng cha vốn cái nôi quê nhà
 
33.Đường tàu bắt nhịp rời ga
Làng quê từ ấy mờ xa, xa dần
Ta cùng nhau nhé ân cần
Đời hăm hở gọi theo chân bụi đường
 
34.Cuộc ngày đầy những gió sương
Không sao em, chỉ là hương sắc tình
Đầu ngày thắm nắng bình minh
Suy tư cùng những linh đinh quê nhà
 
35.Mẹ rằng: Lập nghiệp quê xa
Đầu nan vạn sự trên xa xứ người
Cha rằng: khó lắm con ơi
Ráng nghe con, cả một đời đỡ nâng
 
36.Phố Sài Gòn đến rất gần
Người xe như nước ngoài sân ga chiều
Sài Gòn ơi, ta rất yêu
Rồi mai năm tháng dắt dìu cùng nhau
 
37.Trời cao không phụ lòng này
Quê người ngày tháng dần đầy áo cơm
Ta còn nhớ dáng em thon
Bước về qua ngỏ lối mòn thật quen
 
38.Kể chi em những nhọc nhằn
Kể chi nhau những trầm thăng một đời
Ta và em dưới vòm trời
Cũng như nhau những con người thế gian
 
39.Khổ vui lớp lớp hàng hàng
Từ tâm nuôi dưỡng bên đàng trần ai
Theo nhau ngày tháng đường dài
Kệ người, ta cứ miệt mài chính danh
 
40.Văn chương là nghiệp đã đành
Núi sông là nợ cùng xanh đôi bờ
Gõ hoài theo nhịp tim thơ
Mặc đời, ta vẫn ngu ngơ khóc cười
 
41.Nặng lòng con chữ đầy vơi
Nặng lòng cùng với trang đời nhân văn
Nước non ngàn dặm còn hằn
Mai sau ai mở trang văn đọc cùng.
 
42.Ngày trôi theo những dòng sông
Khi nào đục, lúc nào trong cũng thường
Thoảng thơm ngan ngát làn hương
Mười năm qua vội, tuổi hường trôi mau
 
43.Sóng thời gian phủ chân cầu
Rong rêu từ lúc xanh màu phúc duyên
Bến sông xa một lá thuyền
Triền miên trước sóng an nhiên tháng ngày
 
44.Ta từ bao nỗi đắng cay
Dòng đời may rủi, rủi may trùng trùng
Thôi em, đừng nghĩ mông lung
Phước duyên nào cũng từ nguồn nhân duyên
 
45.Được làm một gái thuyền quyên
Là vô lượng phúc trên miền nhân gian
Nhủ lòng sống vẹn chữ tâm
Thị phi nào cũng sai lầm nhé em
 
46.Mở lòng với các anh em
Mùa vui rồi sẽ được êm ấm cùng
Cõi người còn có riêng chung
Mong em hãy gắng nắm cùng tay nhau
 
47.Đường suông hay thác ghềnh sâu
Đồng cam cộng khổ qua cầu sánh đôi
Thương nhau chẳng ngại dốc đời
Núi cao ư, sẽ qua đồi an nhiên
 
48.Đời người biết mấy truân chuyên
Rằng thi vị, nghiệm nhánh phiền nhân gian
Là dân rồi mới nên quan
Hết quan trở lại áo dân lệ thường
 
49.Mặc đời ta cứ thêm hương
Dù cay đắng cũng thế thường vui lên
Buồn làm chi chuyện hư nên
Làm sao biết trước thiên duyên cuộc cờ
 
50.Vui lên em sẽ là thơ
Buồn quanh quẩn chỉ thẩn thờ lòng đau
Lâu lâu cùng đến phố lầu
Còn thưởng ngoạn để mai sau bớt buồn
 
51.Chiều qua thẫm một tiếng chuông
Vọng về từ lúc khói sương quê nhà
Chuyện ngày qua, đã trôi xa
Ngày mai còn phía trước và em anh
 
52.Cùng nhau tay nắm đồng hành
Khổ vui nào cũng xây thành tình yêu
Cày sâu, cuốc bẩm sớm chiều
Không giàu sang cũng cơm niêu qua ngày
 
53.Ngọt bùi chan với đắng cay
Mốt mai thú vị men này sẻ chia
Hai mươi năm tạc văn bia
Làm kỷ niệm lúc ngày dzià quê cha
 
54.Cả nhà ra đón mắt nhòa
Tình yêu thương đã vỡ òa trước sân
Người thân, làng xóm ân cần
Vui nào hơn, bè bạn thân đón chào
 
55.Ban ngày rõ mắt chiêm bao
Trần gian nầy, có ai nào như ta?
Là vui trong cõi người ta
Trùng lai duyên ấy đất và trời thương
 
56.Đã dày bao cuộc nắng sương
Nghiệm ra thấy cả sắc hương cõi đời
Thuyền rời quê cũ rong chơi
Hai mươi năm dạo khắp nơi Sài Gòn
.
57.Ngày em còn thắm nét son
Cầu chữ Y, khắp Sài Gòn, ChoLon
Em gồng gánh anh và con
Thương nhau một thuở cùng non nước này
 

58.Chăm làm. Siêng nhặt liền tay
Rồi ra, đời cũng có ngày an thân
Lật trang đời nhớ thời xuân
Thước phim ngày ấy để dành mai sau.
 
59.Bạn bè mừng gặp lại nhau
Hiểu ra năm tháng dãi dầu áo cơm
Lỡ thời đành chịu thiệt hơn
Thế thời, ta giấu nổi buồn trăm năm
 
60.Thì thôi anh hóa thân tằm
Nhã tơ vàng óng âm thầm văn chương
Kể chi chăm chỉ dưới trường
Hồi hương khổ luyện tỏ tường nhân sinh
 
61.Một đời trước cõi hư vinh 
Trọ mình trong bước đăng trình thơ văn
Trăm năm vỗ cánh chim bằng
Mùa xuân chừng sẽ băng băng lộ trình
 
62.Ta về đối mặt phù sinh
Bên đời còn những tự tình lên khơi
Nhón chân ngắm áng mây trời
Trần gian ta hát giữa đời bao la
 
 63.Trải qua bao nhịp quan hà
Mới hay rằng lắm phù sa quanh mình
Giục lòng gọi nắng bình minh
Rọi ngày cho ấm gieo tình sắt son
 
64.Cùng em giữa cuộc vuông tròn
Giữ chân dung chuyện nước non một thời
Ta từ bao cuộc rong chơi
Hiểu ra trong cõi khóc cười bể dâu
 
65.Nhớ ngày canh cánh lo âu
Vàng thau chìm nổi buổi đầu đổi thay
Bao người đối diện đắng cay
Cũng đành chấp nhận cái ngày oan khiên
 
66.Tội tình chi đến lụy phiền
Gia đình "ngụy", nhận đảo điên đến giờ
Mười lăm năm lệ thành thơ
Mười năm ngồi xếp cuộc cờ thanh xuân
 
67.Cổng trường đại học xa xăm
Nổi oan ngày ấy trăm năm có còn?
Ta về tìm được người con
Nghĩa Hành quê, vốn giống dòng phong gia
 
68.Cùng nhau dưới một mái nhà
Biết sẻ chia gian khó và yêu thương
Mơ trăm năm chuyện con đường
Trần gian mong hiểu để nhường nhịn đi
 
69.Vui thay, trời đất dịu kỳ
Khổ đau nào quản đền nghì Trúc Mai
Bạn bè, thơ phú lai rai
Sài Gòn ơi, cứ miệt mài bón chăm
 
70.Đôi khi nghĩ lại xa xăm
Khá lên, ta sẽ về thăm quê nhà
Hai mươi năm đã rời xa
Nhớ quê, lòng chợt mắt sa lệ buồn

71.Thời gian nhuộm mái tóc suông
Rối bời bởi nắng, gió, sương thị thành
Sá gì con tạo đành hanh
Nhọc nhằn từ thuở tóc xanh theo chồng

72.Sáng cùng em phía đầu đông
Xong. Về chăm sóc cho con đầu lòng
Kể chi ngày tháng long đong
Nợ cơm áo giữa Sài Gòn đua tranh

73.Ráng nghe em cứ chân thành
Mai sau trời đất dỗ dành chúng ta
Nằm mơ có một vuông nhà
Tự do bày biện hát ca vui đùa

74.Miệt mài ngày tháng đong đưa
Nghĩ ra chừng cũng đủ vừa tin yêu
Thịnh suy, suy thịnh trăm điều
Lẽ nào no gió cánh diều không bay

75.Bao nhiêu năm cuộc tĩnh say
Hiểu ra nghĩa lý cuộc ngày trần gian
Trời nào phụ kẻ siêng năng
Không gian có chỗ đất bằng sánh vai

76.Bạn bè so chén lai rai
Giọt buồn đem cắn chia hai làm mồi
Khổ vui còn lại bên đời
Hoàng kim nào sẽ lên ngôi mai này?

77.Về Bình Thạnh một sớm mai
Thuê vuông nhà nhỏ trăng cài gió mây
Ta về nhập cuộc hội nầy
Còn em xoay xở liền tay mọi bề

78.Mắt em nhớ thuở tròn xoe
Mong tôi về buổi xuân hè chiều hôm
Thương em từ độ vừa son
Một sương hai nắng chưa mòn nét xuân

79.Cha vừa rát mặt vào Nam
Quê nhà thiếu áo, đói cơm tội tình
Ta bây giờ cũng linh đinh
Thương cha bệnh hoạn thương mình nghèo ghê

80.Thuốc men, cơm áo trăm bề
Thân cha tù túng giữa “quê xứ người”
Ngày nào thong thả rong chơi
Bây giờ cực nhọc cha ơi... Xót lòng

81.Này em đời lỡ long đong
Cũng đành chịu cảnh long đong cùng người
Thảo thơm sống giữa cõi đời
Mai sau trời đất nhớ lời nỉ non

82.Ta còn một tấm lòng son
Bên cha người đã cùng non nước này
Thời gian còn những bàn tay
Cùng nhau chăm bón cho đầy yêu thương

83.Mai kia còn lại con đường
Ngập tràn hạnh phúc ngát hương ngược dòng
Thế rồi … người cũng thong dong
Về nơi chín suối đau lòng các con

84.Tết về, trong những nhành xuân
Mẹ cùng con quấn khăn tang trắng trời
Người vừa cởi hạc xa khơi
Lòng con còn những rối bời trần gian


85.Sóng ngày còn những gian nan
Cha đi để lại bên đàng tiếc thương
Ngậm ngùi nhang khói làn hương
Cha ơi, còn nỗi xót vương bên lòng
 
86.Ta từ ngày tháng long đong
Vẫn bước đi với cõi lòng bình yên
Đãi nhân gian một chữ hiền
Làm thơ anh viết một thiên sử tình
 
87.Mùa lên theo nhịp bình sinh
Gót ngày không mỏi hành trình áo cơm
Vui nhé em hạt thảo thơm
Thờ cha, ta nhớ nghĩa ơn cùng người
 
88.Cha dạy anh sống trên đời
Thẳng đường đi trước khóc cười bể dâu
Dặn lòng trong cuộc nông sâu
Ghìm cương nào quản vó câu gập ghềnh
 
89.Sóng đời còn lắm nổi nênh
Cùng nhau thong thả giữa mênh mông ngày
Và em hãy nắm chặt tay
Mốt mai ắt cũng có ngày thênh thang
 
90.Dễ gì trong cõi nhân gian
Buổi đầu ai chẳng gian nan, thường tình
Nợ nần nhau chuyện ba sinh
Thương em, tôi dỗ với dành yêu thương
 
91.Mỗi ngày lên gội nắng sương
Vẫn vui trong cuộc sống thường nhật thôi
Bán mua tiếp diễn liên hồi
Vui nào hơn cả một đời tự do
 
92.Giận mình còn lắm âu lo
Tiếc cha sao vội sang đò trần gian
Để con nước mắt cạn dòng
Thân trai còn những long đong xứ người
 
93.Sinh tiền cha chứng nghiệm đời
Hiểu con trong cảnh nổi trôi phận mình
Gội ngày sương gió mưu sinh
Tình yêu con vẫn màu xanh vô cùng
 
94.Cha giờ mây gió ung dung
Trả trần gian lại, dạo cùng Bồng Lai
Các con tháng rộng, năm dài
Con đường trước mặt tương lai đón chờ
 
95.Gìn lòng theo những trang thơ
Mùa vui em nhé bến mơ ngọt ngào
Cha giờ dong ruổi trên cao
Độ trì con cháu lẽ nào chẳng nên?
 
96.Giả từ ngày tháng lênh đênh
Bình an qua những thác ghềnh gian nan
Thẳng lưng, đi tới đường hoàng
Mùa xiêm áo cũng rộn ràng đôi chân
 
97.Thương mình chăm bón tình thân
Thương em giờ bớt nhọc nhằn đôi vai
Xưa hàm tiếu, giờ mãn khai
Thời gian rực thắm cánh mai ân tình
 
98.Lấp đầy khoảng trống bình minh
Tạ ơn em, nắng vàng xinh cõi ngày
Mở lòng đón nhận trên tay
Không gian nan sao có ngày yên vui
 
99.Thị thành còn sóng ngậm ngùi
Ta còn em, vẫn cái cười nợ nhau
Vốn đời sống đủ muôn màu
Chọn màu xanh thắm qua cầu cùng anh
 
100.Ngày sẽ vui. Đời như tranh,
Hẹn nhau đi hết hành trình trần gian
Sóng thị thành viết trang văn
Gửi nhân gian thắm trời xanh mây hồng…
 
101.Đi qua năm tháng phiêu bồng
Ô hay, còn lại tiếng lòng thanh yên
Còn bao trăng mộng rất hiền
Còn bao dự liệu bên triền văn chương
 
102.Đời người trọ quán mù sương
Mai sau còn mất? Giữ hương quê nhà
Oanh nào còn lại câu ca
Ta giờ còn lại ngọc ngà nết văn
 
103.Đi qua cát bụi thưa rằng:
Cả đời còn nợ trang văn tự tình
Nhớ người xưa, viết thi kinh
Áo hoa sẽ thắm bình sinh sắc ngời
 
104.Thì ra, phù thế rong chơi
Cũng ngần con chữ đầy vơi nỗi niềm
Người mơ danh lợi áo xiêm
Ta từ tốn chọn thanh yên một đời
 
 105.Lẽ nào chữ nghĩa rong chơi
Lại quên danh dự giữa thời vàng thau
Muôn màu trong cuộc bể dâu
Làm sao giữ được thanh cao mỗi ngày
 
106.Một đời ấm lạnh đôi tay
Một đời thơm thảo ta bày cuộc vui
Mai sau còn những ngậm ngùi
Muôn sau còn những nụ cười trần gian
 
107.Nhị nguyên một cặp sinh tồn
Tương tác nhau để sống còn có nhau
Trời cao, đất rộng nhiệm mầu
Ai qua giông tố sống giàu nghĩa nhân
 
108.Đời người chẳng trọng thâm ân
Núi vàng, bể bạc dần dần xa bay
Không mai sau, cũng đời này
Gẫm ra sẽ thấy bàn tay Đất Trời
 
109. Gìn ân giữ nghĩa em ơi
An nhiên vui sống giữa đời bao la
Thênh thang mở lối người ta
Văn chương là đạo, quê là nhớ thương
 
110.Trăm năm một cuộc hí trường
Ghét ghen nhau, nhận đau thương riêng mình
Một đời tranh đấu mưu sinh
Tự tồn nhưng thắm chữ tình, chữ tâm
 
111.Đi qua bể khổ phận tằm
Suy mình, nghiệm lại trăm năm phận người
Nổi nênh ngày cũng mỉm cười
Khổ vui, lòng cũng giòn tươi thật thà
 
112. Đêm về thơ nhạc hoan ca
Mặc người ta, kệ người ta mưu cầu…
Đời người bao cuộc bể dâu
Nói sao cùng những nông sâu sự đời
 
113.Trang văn chừng đủ yêu người
Cung tay dừng bút cho đời phấn hương
Nào ai hiểu hết vô thường
Ta còn đi giữa khói sương đời này.
 
NGÃ DU TỬ
SÀI GÒN VIỆT NAM (2004)
 
PHẦN 3: ĐỌC SÓNG THỊ THÀNH VÀ EM của Châu Thạch 


 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.10.2022 18:20:54 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
Attached Image(s)
THƠ NGÃ DU TỬ 07.11.2021 15:12:27 (permalink)
0
 
LỜI THƯA
Thưa độc giả cùng bè bạn thân mến,
 
Không ai có quyền chọn nơi sinh ra, nhưng có quyền chọn nơi mình sinh sống miễn là phù hợp với hoàn cảnh và phương tiện của mình. Rồi chúng tôi nắm tay nhau ra đi trong ý thưc đó.
Ai không gian nan trong buổi đầu đầy sóng gió trước vùng đất lạ. Cuộc sống lắm nước mắt buồn vui, gian khổ, hãy giữ lấy niềm tin và nụ cười. Lần lửa rồi cũng trôi qua.
Tôi viết trường ca này như sự trân trọng cùng người phối ngẫu cả đời tận tụy, hy sinh và chăm chỉ với gia đình. Mong cho chồng con bớt lao lung hầu bước đi tới hành trình còn trùng trùng khó nhọc phía trước.
Cảm xúc giữa em và sóng đời cứ trùng vây lớp lớp hết đợt này đến đợt khác xô nhau vào bờ bãi gia đình nhỏ chúng ta. Lá thuyền nhà mãi chòng chành trước nhiều đợt sóng cao gió cả. May thay còn vững tay chèo, cuối cùng cũng đến bình yên trong tiếng reo ca bát ngát của dòng lục bát thuần Việt đầy dân tộc tính, sự tin yêu và chan chứa ân tình.  
Này em,
Anh viết cho em theo chiều nước non cơ cực với khối óc và đôi tay nhũn nhặn, lòng chân thành tin yêu vô biên trước nỗi đời nhọc nhằn triền miên trên phận người chưa có hồi kết.
Mỗi thời lên là một dấn thân trên đường dài gập ghềnh bao dòng thác khó nhọc. Lòng bình an, thong thả một niệm an lành cùng ý thức bước đi.
Thời gian, chỉ thời gian mới xóa mờ hay bào mòn vết tím bầm trên thịt da phận người trước nỗi đời đầy rẫy gian nan, thử thách. Thời gian công bằng trên từng mỗi mỗi người, hãy an tâm điều ấy em nhé.
Có lẽ nào mùa đông u ám mãi kéo dài, sẽ nhường chỗ cho một mùa xuân đầy sắc hương đang giục giả dâng hương sắc cùng loài người mà may thay anh và em được dự phần bơi lội trên dòng sông đời này.
Cuộc sống là sự ganh đua không ngừng nghỉ, thong thả cùng nắm tay nhau đi tới hết đoạn đường còn với niềm tin và hy vọng của ngôn ngữ tha thiết đầy đặn chữ tình.
Rất mong sự hoan hỷ lượng thứ của độc giả.
NGÃ DU TỬ
Mùa dịch Covid 19 năm 2020
 

ĐỌC TRƯỜNG CA:
SÓNG THỊ THÀNH và EM của NGÃ DU TỬ
Châu Thạch

Trường ca là thuật ngữ văn học chỉ các tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình. Có nhiều thể loại trường ca: Trường ca anh hùng, trường ca giáo huấn, trường ca châm biếm, trường ca có cốt truyện lãng mạn, trường ca mang tính kịch trữ tình, trường ca mang tính ký…
Nhà thơ Ngã Du Tử là một trong những thi nhân viết nhiều trường ca hiện nay. Ngã Du Tử đã xuất bản tập trường ca “Chơi Giữa Thường Hằng” với những suy tư sâu nhiệm về triết lý Phật giáo, với tiếng thơ âm vọng lời thanh tịnh giải thoát, đã gây tiếng vang trên diễn đàn thi ca và chinh phục lòng ái mộ của bạn thơ, bạn đọc.
Ngã Du Tử còn nhiều trường ca sẽ xuất bản như trường ca “Dòng Sông Đời”, Niềm mơ dũng khách, Trường Ca “SóngThị Thành và Em...”. Hôm nay, Châu Thạch hân hạnh giới thiệu sơ qua tập thơ “Sóng Thị Thành và Em” của nhà thơ Ngã Du Tử. Đây là một bản trường ca Ngã Du Tử tôn vinh người phối ngẫu của mình, đồng thời nhà thơ gởi vào đó quan niệm sống cũng như những ưu tư, những nổi niềm, những thăng trầm trong cuộc sống mà cặp tình nhân yêu nhau, kết nghĩa vợ chồng, nắm tay nhau vượt qua mọi cơn sóng của biển đời trên đất thị thành Sài Gòn hoa lệ với rất nhiều biến động. Trường ca “Sóng Thị Thành Và Em” gồm 113 khổ thơ, mỗi khổ thơ có 4 câu theo thể lục bát. Người viết tạm chia trường ca ra làm 5 phần, mỗi phần là một giai đoạn trong cuộc sống. Tất cả 5 giai đoạn tạo thành một dòng sông có thác, có ghềnh, có con nước êm đềm bình lặng, được đưa vào thơ thành cung trầm, cung bỗng, khi như mưa sa, khi như bão táp, khi như trăng lên, khiến ai đọc, lòng không tránh khỏi vui buồn theo tâm tư tình cảm của tác giả.
Xin theo dõi 5 phần của trường ca sau đây:
Phần 1: Từ khổ thơ 1 đến khổ thơ 4: Ngã Du Tử giới thiệu thân thế của mình:
1.”Bước ra từ nhánh Sông Quê
Có chàng Du Tử hướng về phương Đông
Quảy trên lưng khúc phiêu bồng
Tình tang câu hát gió lồng chân mây”
Thế rồi tình yêu đến, họ yêu nhau, họ lấy nhau, tâm hồn của họ thanh lương, dự phóng tương lai của họ như những dấu son tặng người:

4.Mộng mơ ngồi đếm một hai
Đôi khi trầm mặc chiều dài nước non
Thanh lương gõ nhịp vuông tròn
Cung văn gửi một dấu son tặng người
Phần 2: Từ khổ thơ 5 đến khổ thơ 14: Rồi thì dưới một mái nhà đơn sơ có hai quả

tim vàng vun quắn cho tình yêu trong đời sống khó khăn kinh tế. Chàng thì miệt mài theo đuổi nghiệp văn chương:
6.Cung tay rút ruột thân tằm
Cho tơ vàng ánh trăm năm để dành
Đời sao lắm kẻ đành hanh
Vung tay ngỗ ngáo giữa xanh đỏ vàng
Nàng thì buôn bán, gánh gồng lo kinh tế gia đình:

11.Nửa đời vai lệch, chân xiêu
Quên thanh xuân những yêu kiều thuở xưa
Ngày qua, gội nhánh nắng mưa
Đêm về mắt ứa thiếu thừa cơm canh

Tuy phải “Miệt mài lầm lũi hôm mai/ Thương em quảy gánh trên vai nhọc nhằn” lòng họ không đổi thay, tình yêu chân quê của họ thêm thắm thiết. Họ hứa hẹn cùng nhau “Đều chân em nhé cùng ta/ Tháng năm thắm áo, ngọc ngà thắm quê”.
Phần 3: Từ khổ thơ 15 đến khổ thơ 19.
Đời không phải luôn bình yên. Đến đây thời cuộc đổi thay, số phận con người cũng bị cuốn theo chiều gió:
15.Lạc nguồn sau một cơn mê
Cả dân ta khổ tứ bề lầm than
Thì thôi em, gọi trăng vàng
Xuống cùng ta giỡn với ngàn thi ca
Phần 4: Từ khổ thơ 20 đến khổ thơ 35.

Thời cuộc biến động, xã hội đổi thay, họ phải rời quê hương để mưu cầu một cuộc sống mới:
20.Này em, lập nghiệp quê xa
Còn hơn bó gối mù sa tháng ngày
Phải không em, cuộc đổi thay
Biết đâu có những mùa may thị thành
33.Đường tàu bắt nhịp rời ga
Làng quê từ ấy mờ xa, xa dần
Ta cùng nhau nhé ân cần
Đời hăm hở gọi theo chân bụi đường

Phần 5: Từ khổ thơ 36 đến khổ thơ 113.
Từ đây gia đình tác giả như con thuyền lênh đênh trên “sóng thị thành”. “Và em” là người vợ yêu quý của nhà thơ cùng chung tay chống chèo với chồng mình là một chàng thi nhân trói gà không chặt:
36.Phố Sài Gòn đến rất gần
Người xe như nước ngoài sân ga chiều
Sài Gòn ơi, ta rất yêu
Rồi mai năm tháng dắt dìu cùng nhau
Cuối cùng cuộc sống họ cũng thăng hoa, bình an bước tới đường hoàng trên đôi chân rộn ràng niềm vui:

96. Giã từ ngày tháng lênh đênh
Bình an qua những thác ghềnh gian nan
Thẳng lưng, đi tới đường hoàng
Mùa xiêm áo cũng rộn ràng đôi chân
Sau đây người viết xin trình bày một vài ý kiến của mình về trường ca: “Sóng thị Thành Và Em”

1- Giá trị nhân văn :
- Toàn bộ trường ca chan chứa sự lạc quan, dầu trải qua nghịch cảnh, đối diện gian lao nhưng 
tình yêu vẫn sắt son, mang đầy niềm tin và hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp :
47.Đường suông hay thác ghềnh sâu
Đồng cam cộng khổ qua cầu sánh đôi
Thương nhau chẳng ngại dốc đời
Núi cao ư, sẽ qua đồi an nhiên
- Tình yêu quê hương luôn canh cánh bên lòng. Luôn luôn mơ ước và chuẩn bị cho một ngày đoàn tụ với quê cha đất tổ:

53.Ngọt bùi chan với đắng cay
Mốt mai thú vị men này sẻ chia
Hai mươi năm tạc văn bia
Làm kỷ niệm lúc ngày dzià quê cha
- Tấm lòng hiếu để với cha, trung tín với bạn, chung thủy vợ chồng, yêu tha nhân, dấn thân cho sự nghiệp văn chương như con tằm nhả tơ hiện hữu trong trường ca, thể hiện đầy đủ mục đích sống cao cả:

82.Ta còn một tấm lòng son
Bên cha người đã cùng non nước này
Thời gian còn những bàn tay
Tự do chăm bón cho đầy yêu thương
46.Mở lòng với các anh em
Mùa vui rồi sẽ được êm ấm cùng
Cõi người còn có riêng chung
Mong em hãy gắng nắm cùng tay nhau

2- Giá trị văn chương:
Qua những khổ thơ dẫn chứng ở trên, ta đã có khái niệm về nội dung của tác phẩm, nghệ thuật sáng tác với tiếng thơ bình dị hài hòa nhưng đằm thắm hương hoa trong mỗi câu từ. Ngoài giá trị nghê thuật, trường ca còn giá trị tư tưởng hướng đến chân thiện mỹ với những khổ thơ sâu đậm tình người, thâm thúy triết lý nhân sinh:

110.Trăm năm một cuộc hí trường
Ghét ghen nhau, nhận đau thương riêng mình
Một đời tranh đấu mưu sinh
Tự tồn nhưng thắm chữ tình, chữ tâm
109. Gìn ân giữ nghĩa em ơi
An nhiên vui sống giữa đời bao la
Thênh thang mở lối người ta
Văn chương là đạo, quê là nhớ thương
Kết Luận:
Với một tác phẩm thơ đồ sộ 452 câu thơ, người viết chỉ trích ra trên năm chục câu thơ, cốt chỉ để giới thiệu được một phần rất nhỏ về một trường ca có giá tri văn chương, không chỉ sâu đậm tình yêu vợ chồng mà còn sâu đậm tình yêu quê hương, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người và tình yêu văn chương. Ngoài ra người viết còn muốn giới thiệu một con sông thơ có đôi bờ hương hoa thơm ngát mùi thơm của chữ nghĩa, tinh túy của từ và lung linh của ý. Dòng sông ấy, ta có thể đứng trên bờ của nó là chốn phồn hoa, thả hồn đến hàng cây, bờ cỏ

bình tịnh. Hàng cây bờ cỏ đó chính là những vần thơ mà Ngã Du Tử phổ vào tiếng ca lời cảm tạ của tác giả đến người vợ yêu quý của ông. Đọc thơ, ta rất dễ cảm động, cũng có thể ta dùng sự cảm động ấy để cảm tạ người phối ngẩu thân yêu của mình mà hầu như ai cũng có trên đời.
Mong rằng quý vị sẽ thưởng thức trường ca “Sóng thị Thành Và Em” với tâm thể bình an nhà thơ đã nỗ lực xuất bản mà bạn đọc đã cầm trên tay.
Hy vọng các trường ca khác một ngày gần đây sẽ được xuất bản.
Châu Thạch
(Đà Nẵng)
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.01.2022 18:08:11 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
Attached Image(s)
THƠ NGÃ DU TỬ 10.11.2021 21:06:05 (permalink)
0

TRỒNG CÀ THỜI COVID


Mùa Covid trồng cây cho vui mắt
Thân cà chua được chăm bón hằng ngày
Thương tận tụy nên ra hoa, kết trái
Cũng làm vui mỗi sớm, mỗi ngày


Cây có nghĩa với người trồng thân mến
Cả nhà vui có mặt mỗi buổi chiều
Trái sẽ lớn do tình cây dâng hiến
Mọng trên cành ai cũng muốn tăng tiêu 


Nhà thành phố chật như thùng diêm quẹt
Muốn trồng hoa, kiếm thùng xốp làm vui
Được hạnh phúc chẳng phải là to tát
Niềm đam mê, trái tim biết yêu vì 


Mỗi thành quả có mồ hôi, công sức
Thương người trồng cây cũng muốn đền công
Đời cứ vậy miễn tìm vui với cảnh
Nhân gian ơi làm sao nói cho cùng 


NDT


THƠ NGÃ DU TỬ 19.11.2021 20:57:13 (permalink)
0

NGHE LÒNG ẤM LẠI MÙA ĐÔNG


Uống đi em rượu đã kề môi
Sao không uống? - đôi mắt buồn thăm thẳm
Rượu đã rót nhưng thế gian chật chội
Nổi co ro trước mắt kẻ dã tâm

Đêm đặc quánh trước mặt đời là thật
Bao nhiêu người lầm lạc giữa mê cung
Cảm ơn anh giữa trời đất muôn trùng
Vai kề cận một lần nghe cũng đủ

Có lẽ đời còn nhiều người mê ngủ
Ngày vào đông còn tưởng một xuân hồng
Cũng đành vậy, chuyện thế thời muôn sắc
Thôi quay về cuộn giữa giấc mơ không

Và ta thức bởi lời em chân thật
Dù thân ngà lạnh lắm buổi vừa đông
Em xa rồi ta hiểu thấu nguồn cơn
Trong gang tấc nghe lòng vừa đủ ấm


Ngã Du Tử
Mùa đông 2019


THƠ NGÃ DU TỬ 20.11.2021 10:42:49 (permalink)
0

CÒN MÃI NIỀM TIN


Em ạ,
Mỗi bước ngã mọi điều như đổi khác
Đừng vô tình giẫm lại lối mòn xưa
Trời vô thường lúc nắng, lúc mưa
Ta kẻ sĩ phong trần đâu sá kể

Phải cân nhắc chữ: Tín, nhân, lễ, nghĩa
Để mai sau không u uất nỗi buồn vương
Mười lăm năm mài nhẵn ghế nhà trường
Và chữ nghĩa gieo muôn phương im lặng

Mờ mịt trời Nam chưa chỗ bán
Ừ thôi em, làm bạn với vệ đường
Dầu dãi nắng sương
Sờn vai khuya sớm
Đắp điếm áo cơm
Dòng đời phẳng lặng…

Nam nhi hề, mặc khốn khổ trần ai vang tiếng đục
Bước phong trần rướm máu: bình yên ý thức

Thế sự mười năm buồn nhuộm ý
Tay gầy nguyện ước vẫn tròn câu
Nghiêng bầu ta hát dưới đêm thâu
Tâm sự cùng trăng trút cạn sông hồ

Thiên hạ cần tiền? – ta dâng bầu nhiệt huyết
Thiên hạ cần ư? – ta nào có phân vân
Giữa mất còn đừng giả nghĩa, giả nhân
Ta bình thản như trăng rằm lên xuống

Mới vào thu phải nào đông đến muộn
Mà lo toan áo gấm khoác quanh mình
Áo khinh cừu vắt vẻo dưới bình minh
Trông sông rộng ai hiền ngu, quang chính

Bức dư đồ ai lần tay chỉ đính
Sau trăm năm thăng hóa đến bao giờ
Sao nhọc nhằn còn quá đổi ngây ngô
Chuỗi dài thời gian có gì khác lạ

Rồi bao lâu tổ quốc ngọc ngà
Khoác áo gấm ung dung cùng trẩy hội
Nhọc nhằn thân thế đơn côi
Muộn phiền bưng mặt khóc

Dáng nằm nghiêng theo chiều tổ quốc
Rằng non sông mai mốt sẽ tưng bừng
Cả trăm con Âu Lạc sẽ xanh cành
Cây Tổ quốc có đơm hoa tươi tốt?

Sữa mẹ Việt nuôi đàn con khôn lớn
Như tiền nhân thời nao cũng quật cường.


NGÃ DU TỬ


Attached Image(s)
THƠ NGÃ DU TỬ 06.12.2021 08:49:34 (permalink)
0

12 THẮNG CẢNH QUẢNG NGÃI


Theo Non Nước Xứ Quảng của Phạm Trung Việt, thời trước 1975 và NXB Thanh niên 2003.
Trước đây, từ năm 1750 cụ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh khi nhậm chức ở Quảng Ngãi đã vịnh 10 thắng cảnh:
1. Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời đóng trên sông)
2.Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây)
3. Long đầu hý thủy (Đầu rồng giỡn nước)
4. La Hà thạch trận (Trận đá La Hà)
5. Cổ Lũy cô thôn.
6. Thạch Bích tà dương (Bóng chiều thạch Bích)
7, Hà Nhai vãn độ
8. An Hải sa bàn (Mâm cát An Hải)
9. Liên Trì dục nguyệt (Nguyệt tắm ao sen)
10. Thạch cơ điếu tẩu (Lão câu gành đá)
Người đời sau thêm 2 thắng cảnh nữa:
11. Vu sơn lộc trường
12. Vân phong túc vũ (Núi Vân đêm mưa).(1)
Mới đây, tình cờ tôi có xem trên trang: nuiansongtra.net có 12 bài thơ luật Đường của thi sĩ Phạm Thiên Thư và cuối trang ghi khuyết danh (Chưa có tác giả) người cung cấp cho nuiansongtra.net là anh Lê Văn Công, Tôi lấy làm lạ vì tôi đã họa 12 bài thơ đó, tài liệu do anh Vũ Anh Sương chuyển cho tôi từ năm 2005.
Không ngờ ông vua lục bát Việt lại làm thơ luật Đường rất hay với nhiều thi ảnh đẹp, Tuy nhiên có lẽ người cung cấp dữ liệu về thắng cảnh Quảng Ngãi không chính xác chăng? nên ông viết một số thắng cảnh chưa đúng với tên gọi chính của nó như trong Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt, ví dụ: Thạch bích tà dương thì Phạm Thiên Thư tạm dịch (Đá xanh nắng quái), Chữ thạch bích là vách đá chứ không phải đá xanh; Thạch cơ điếu tẩu (Máy đá chim bay) là Lão câu gành đá, v v. Có tiêu đề thắng cảnh không đúng ví dụ Giang Phong túc vũ tôi chỉnh cho đúng Vân Phong Túc Vũ. Thi sĩ Phạm thiên Thư không biết cũng chẳng sao vì ông chỉ làm thơ khi liên tưởng, đâu phải người bản địa hay khảo cứu Quảng Ngãi, tôi nghĩ vậy nên họa lại với những tâm sự của tôi khi mới về thăm quê nhà trở vào Sài Gòn năm 2005.



1.Bài xướng: THIÊN ẤN NIÊM HÀ (Núi Thiên Ấn)

Vuông vức in xanh núi Ấn trời
Đóa hoa sớm tối bốc mù hơi
Bốn phương quần tụ mây làm tổ
Một nét thơ đề sông hướng khơi
Cong vắt chùa xưa dầm nguyệt dãi
Lô nhô tháp cổ lạnh sao rơi
Có thầy đào giếng khơi dòng nước
Biến mất vào Thiên Ấn độ đời
Phạm Thiên Thư

Bài họa, tất cả đều y đề
THIÊN ẤN NIÊM HÀ (Ấn trời đóng trên sông)

Lưu lạc nhiều năm giữa đất trời
Quê nhà biền biệt chẳng tăm hơi
Mây vươn đỉnh biếc chiều xuân hẹn
Trăng rụng dòng trong sóng nước khơi
Cổ Lũy cô thôn mùa lúa trĩu
Niêm Hà Thiên Ấn tứ thơ rơi
Ngày nay Du Tử về quê quán
Thảo mấy vần thơ để lại đời
Ngã Du Tử

2. Bài xướng: THIÊN BÚT PHÊ VÂN (Bút trời phê mây)

Đất núi lên trời ngọn bút lông
Viết mây năm sắc gió phiêu bồng
Văn chương điệp điệp non hồng ngọn
Phù thế phiêu phiêu liễu biếc lòng
Đầu Phật ai chôn hằn nhật nguyệt
Nóc chùa trời lấp nếp rêu phong
Phê Vân Thiên Bút mây cuồn cuộn
Trời có hay đâu bút nặng lòng
Phạm Thiên Thư

Bài họa:

Điểm lại chữ tâm bằng bút lông
Trăm năm soi xét gánh tang bồng
Bút trời cặm cụi tô mây rựng
Mực ngọc ung dung thảo mấy dòng
Chốn cũ rợp đường tà áo lụa
Đồng xanh lộng gió ngọn nghinh phong
Phê Vân Thiên Bút ta còn nợ
Đất mẹ quê cha trọn tấm lòng
Ngã Du Tử
(Không hiểu sao ông lại dùng vần chính 2 chữ “lòng”, tôi thấy vậy bèn đổi một chữ cho đẹp ra)

3.CỔ LŨY CÔ THÔN
Bài xướng:

Một dãy Trường Sơn trấn ải biên
Còn viền dương lạnh gác bên triền
Cô Thôn trúc lặng sương nhòa khói
Cổ Lũy thành trơ gió thoảng nền
Buồm cá nâu vênh bờ bến đậu
Đàn cò trắng nổi cụm tùng lên
Cô thôn Cổ Lũy hư mà thực
Dù chỉ nghe qua cũng chạnh niềm
Phạm Thiên Thư

Bài họa:

Gió lùa mây lợp phía trời biên
Cao hứng về ngang đậu cuối triền
Mặt nước lững lờ soi dưới bến
Dáng ai vàng võ bước qua nền
Làng xưa thôn lạnh sầu mắt ứa
Ngày mới Em buồn ngóng nước lên
Về lại Cô Thôn thăm Cổ Lũy
Lòng tôi đau đáu biết bao niềm
Ngã Du Tử

Bài xướng:

4.THẠCH BÍCH TÀ DƯƠNG (đá xanh nắng quái)

Nách đá cao xanh trải nắng tà
Lơ thơ cổ thụ lối vàng hoa
Đôi dòng suối nhỏ phơi râu bạc
Một nhịp cầu ngang bắc lược ngà
Thoang thoảng gió vào thơm cửa động
Líu lo chim hót lạnh sơn ca
Tà Dương Thạch Bích còn mây trắng
Tiên nữ xa rồi nhạn vẫn sa
Phạm Thiên Thư

Bài họa: THẠCH BÍCH TÀ DƯƠNG (Vách đá chiều hôm)

Ngày xuân vàng rựng bóng non tà
Soi bắp ven sông rợp sắc hoa
Cố quận làng văn tìm bạn cũ
Đô thành cơm áo thếch tình ngà
Thanh bình Thạch Bích tà dương nhuộm
Lãng đãng Nghĩa Hành ánh nguyệt ca
Lâu lắm quê nhà ngang trước mặt
Mắt tràn giọt lệ chợt trầm sa
Ngã Du Tử

5. HÀ NHAI VÃN ĐỘ
Bài Xướng :

Khói sóng ven sông tỏa ráng điều
Bến đò đôi cụm đá xiêu xiêu
Hắt hiu cầu uốn nhòa sông nước
Róc rách dòng tuôn lạnh thủy triều
Một chiếc đò ngang sầu quạnh quẽ
Dôi dòng khói nhẹ bếp cô liêu
Hà Nhai Vãn Độ vàng hoa nở
Thoang thoảng đò ơi, lá rụng chiều
Phạm Thiên Thư

Bài họa :

Ai đứng bên sông rực áo điều
Bóng dài đất Mẹ đỗ liêu xiêu
Chiều yên mộng cũ lâng hồn nước
Tim nhớ quê xưa lộng sóng triều
Bến đợi tình neo sao lặng lẽ
Người về nhịp gõ bớt hoang liêu
Nghìn sau ai biết mình tâm sự
Vãn độ Hà Nhai nợ ít nhiều
Ngã Du Tử

6. LA HÀ THẠCH TRẬN (Trận đá La Hà)

Bài xướng :

Nghìn trước Sơn Tinh trấn Thủy Tinh
La Hà thạch trận đá bày binh
Sóng xô hai mũi mây giăng lưới
Đá dựng ngàn chòm đất giải đinh
Trận thế thiên thu hoa trắng bãi
Núi sông muôn thuở nước thanh bình
Về thăm di tích con diều đậu
Rúc lạnh trời cao tiếng ốc linh
Phạm Thiên Thư

Bài họa :

Tư Nghĩa ta về buổi nắng tinh
Cảnh xưa còn lại mấy hàng binh
Tan tành trận đá ngùi thương tích
Khô khốc đồng ngô tội tráng đinh
Mãnh đất hoang tàn sông cạn kiệt
Cả trời đau xót …dạ yên bình ?
La Hà thạch trận vàng son cũ
Văng vẳng còn nghe vọng tiếng linh
Ngã Du Tử

7.AN HẢI SA BÀN (Biển yên cát bãi)

Bài xướng:

Biển cát vàng bên biển rất xanh
Đồi cao mây trắng xếp xây thành
Dã tràng giăng đón trùng dương lại
Sóng cát bay mờ ngọn gió quanh
Đêm dưới thuyền trăng neo nửa mặt
Ngày trên xe lửa đẩy nguyên vành
Sa bàn An Hải trần duyên hợp
Bóng mát thùy dương lá mấy nhành
Phạm Thiên Thư

Bài họa: (Mâm cát An Hải)

Ôm trọn quê nhà biển rất xanh
Trùng dương vẫy nước sóng va thành
Một bờ An Hải sa bàn chạy
Hai đỉnh Phượng Hoàng mây lượn quanh
Bến mỏi thuyền yên phơi ý vọi
Trời quang gió nhẹ đón trăng vành
Đồi dương cát trắng hồn thơ dậy
Kết ngọc là sương đọng lá nhành
Ngã Du Tử

Bài xướng:
8.LIÊN TRÌ DỤC NGUYỆT (Ao sen đội nguyệt)

Trên nổi hồ mây dưới đáy mây
Lá sen lam biết nguyệt chan đầy
Sao khuya xuống đậu đôi viền lá
Vạc lạnh về đưa mấy võng cây
Lác đác đài hương vàng cánh đậm
Lơ thơ nhành liễu biếc tơ gầy
Liên Trì dục nguyệt trăng đưa lối
Một chiếc thuyền con rẽ khói mây
Phạm Thiên Thư

Bài họa: (Trăng tắm ao sen)

Một vùng biêng biếc mấy tầng mây
Bàng bạc trời sen mặt nước đầy
Hoa trắng lã hồn linh khóm lá
Trăng xuân giăng mộng thức tàng cây
Hồ êm cảnh nhuộm màu trăng lạ
Chim lạc trời xa mỏi cánh gầy
Dù viếng một lần thôi cũng đã
Liên Trì dục nguyệt khói sương vây
Ngã Du Tử

Bài nầy không hiểu sao thi sĩ viết có hai chữ mây trong vận chính khi họa tôi bớt một chữ cho đẹp ra

Bài xướng:
9. LONG ĐẦU HÝ THỦY (Đầu rồng giỡn nước)

Rồng xanh xuống rỡn nước sông Trà
Nước tỏa đầu rồng – sóng vãi hoa
Lớp lớp đá cao soi đáy biếc
Long lanh cát trắng nhuộm dương tà
Mây nghiêng Thiên Ấn in vàng đậm
Gió vọng Sa Kỳ động sóng xa
Hý Thủy long đầu gieo nhật nguyệt
Sông Trà Khúc nổi cuộn yên ba

Bài họa: LONG ĐẦU HÝ THỦY

Chiều rọi nghiêng nghiêng sóng nước Trà
Mặt sông lấp lánh nước thành hoa
Ông câu bận rộn xâu tay lưới
Đàn cá tung tang giỡn nắng tà
Ai thúc trống dồn trong gió lướt
Sông chờ mây đụn phía trời xa
Long Đầu Hý Thủy rồng thôi giỡn
Quảng Ngãi ta về muộn tháng ba

Bài xướng:

10.THẠCH CƠ ĐIẾU TẨU (Máy đá chim bay)

Vách đá cao cao mây tiếp mây
Chõm xanh oằn xuống nhánh thông gầy
Chiều về cò trắng như hoa rụng
Sáng lại sương hồng tựa khói vây
Róc rách dòng trong khe cá biếc
Chênh vênh cầu uốn nhịp tre gầy
Thạch cơ điếu tẩu ai qua đó
In bóng sườn non chiều nắng bay

Bài họa: THẠCH CƠ ĐIẾU TẨU

Thạch Cơ Điếu Tẩu nước vờn mây
Đá dựng thành non sắp khá dày*
Đâu đó hoa rừng thơm ngát tỏa
Xung quanh con nước lượn vòng vây
Chim bay về tổ dăm chấm phá
Chiều giấu vào đêm một nét gầy
Ai đó ngồi câu thời vận lỡ
Tháng năm hồn nước gội sương bay
Ngã Du Tử

Có lẽ thi sĩ vô ý chăng nên bài thơ cũng có 2 chữ gầy ở vận chính tôi họa có chỉnh lại tí cho đẹp.

Bài xướng:
11. VU SƠN LỘC TRƯỜNG

Trên đỉnh Vu Sơn ngọn cỏ xanh
Khe rêu vàng đẫm nguyệt chia vành
Hoa neo ngọc lại hai bờ mộng
Hưu cõng sao về mấy nét tranh
Một tiếng “tác” ngân sương lác đác
Đôi bờ lá rụng nước chòng chành
Vu Sơn trường lộc hưu quần tụ
Thấp thoáng sao rừng gió uốn quanh
Phạm Thiên Thư

Bài họa: VU SƠN QUẦN LỘC

Trùng trùng điệp điệp cả màu xanh
Ồ dãy núi non nắng liếm vành
Xối xả thác ào tung bọt nước
Rì rào gió giỡn tắp đồi tranh
Vài con nai nhảy lùa mây bạc
Một tiếng lá rơi sóng nước chành
Ai nhớ Vu Sơn quần lộc nhỉ?
Ta còn canh cánh mộng hồn quanh
Ngã Du Tử

Bài xướng :
12. GIANG PHONG TÚC VÕ (Gió sông mưa rụng)

Núi dựng, sông xanh vắt một tờ
Dập dồn ngựa sóng cuộn bờm thơ
Dòng xuôi sàn sạt mài gươm đá
Gió thổi hiu hiu bọt vẫy cờ
Lác đác hoa rừng về góc biển
Cao cao tùng bách trải đồi tơ
Giang phong túc vũ sông thành nhạc
Đậu chiếc đò trăng gác mái chờ
Phạm Thiên Thư

Bài họa: VÂN PHONG TÚC VŨ

Quê quán bao năm trắng nửa tờ
Chạnh lòng thi sĩ tỏ vần thơ
Địa linh anh kiệt vang hồn nước
Túc Vũ Vân Sơn lộng bóng cờ
Mai mốt trăng về gieo đỉnh mộng
Trăm năm người nhớ mẫy cung tơ
Lời thơ, ý nhạc là muôn thuở
Còn với non sông một chữ chờ
Ngã Du Tử


THƠ NGÃ DU TỬ 24.12.2021 16:48:26 (permalink)
0
THẮP LỬA
 
Nhớ thời cái thuở gió mưa
Làm sao quên cuộc đời thừa khổ đau
Xối thơ lên đỉnh tình sầu
Mơ mai sau bắt nhịp cầu yêu thương
Buồn vui từ chuyện lên đường
Cũng vi em gửi chút hương cho ngày
Trăm năm lần giở tỉnh say
Ơn đời văn cũng theo mây ngàn trùng
Nụ hồng nở giữa quê chung
Tôi và em thắp lửa cùng nhân gian. 

Ngã Du Tử
 
*Traduction versifiée en francais de Bich Nhan Ho
ALLUMER LA CHALEUR 

la mémoire du temps plein de vent et pluie,
Comment peut-on oublier la douleur abondante de la vie?
Verser la poésie sur les sommets des sentiments mélancoliques
À espérer un pont futur qui relie les âmes limpides.
À cause de ton envoi du parfum au jour qui pousse,
Joie et chagrin, tous prennent sources de la mise en route.
Les cents ans feuillettent des pages ivres et lucides,
Les bienfaits de la vie littéraire courent aux nuages rapides.
Voilà, les roses s’épanouissent dans le pays commun!
Toi et moi, allumons toujours la chaleur pour tout le monde et pour chacun. 
 
Traduit par Bich Nhan Ho
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.12.2021 04:35:45 bởi Ct.Ly >
THƠ NGÃ DU TỬ 03.01.2022 22:35:09 (permalink)
0


HAPPY NEW YEAR2022
NGÀY MỚI NĂM MỚI


Mặt trời rực rỡ đầu ngày năm mới
Ly Cafe sao đậm chất ngọt ngào
Em mời lại cùng chúc nhau năm mới
Mong bình an, thịnh vượng cả năm này


Con chim đậu trên cành mai tứ quý
Hót vang vang mừng nhịp sống thị thành
Tôi thú vị trong gian nhà ấm áp
Viết dăm dòng khai bút buổi đầu năm 


Một năm mới với thật nhiều hạnh phúc
Dâng hương thơm nguồn thi tứ cho đời
Em hiền thục lắng nghe ngày mới gọi
Để trần gian vang vọng những tiếng cười.

NGÃ DU TỬ
01/01/2022























<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.02.2022 21:26:07 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 04.01.2022 21:00:48 (permalink)
0


XEM TRANH HỌA SĨ PHẠM CUNG
Kính tặng Hs P.Cung triển lãm tranh ở phòng tranh chị Thu Hà
Đồng Khởi, Q1


Phù thủy sắc màu, tiên nét cọ
Nghìn trang tư tưởng mở đời thường
Phơi cả trần gian hình thục nữ
Mà nghe hơi hướm tỏa trầm hương.

NGÃ DU TỬ


THƠ NGÃ DU TỬ 14.01.2022 17:50:39 (permalink)
0

DÁNG XUÂN


Phố dài tóc xỏa chiều xuân
Cây thêm xanh lá Thiên thần âm vang
Cho nhân gian chút bàng hoàng
Bỏ quên thế sự bên đàng thiên lôi


Ngày xuân thấp thoáng bồi hồi
Em liêu trai nép bên đời hoan ca
Bến mơ hương lửa nhạt nhòa
Chiều qua phố bỗng thật thà trẻ thơ


Bao nhiêu năm, chút thẩn thờ
Ta say khướt giữa bất ngờ Thần tiên
Với em lạc nẻo ưu phiền
Thoáng hồn ngự giữa triền miên sóng thần


Phù du bao nỗi phân vân
Em như quên cõi phong trần bể dâu

Ngã Du Tử
1994


<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.01.2022 17:52:17 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 01.02.2022 17:06:33 (permalink)
0

KHÚC XUÂN


Tia nắng đầu xuân vén mây soi xuống
Đụng phải màu vàng của hoa
Màu đỏ của hồng
Và lục biếc chồi xanh em ạ
Trần gian ơi, em rực rỡ lạ thường
Cảm ơn xuân hiển hiện muôn phương
Chồi hy vọng nở nụ nghe tha thiết
Đời trổi dậy khúc nhạc lòng chúc phúc
Ta nghe mình da thịt ngạt ngào hương
Tiếng bi bô rạo rực khắp con đường
Từng cánh rộng mở toang các cửa


Đêm xuân đốt lên ánh lửa
Đuốc thanh bình sáng tỏa khoảng trời yêu
Trong tay nhau những ánh mắt yêu kiều
Mùa đang đến những nụ cười khai mở
Trần gian ơi, nhịp đời theo nhịp thở
Ngày dâng hương thơm lựng đời thường
Loài người vẫn tha thiết yêu thương
Như em và tôi ngày đầu hò hẹn 

Từ ấy có gì như rễ bén
Cây tình yêu xanh ngắt đến bây giờ

Lật trang ngày đẹp như một trang thơ
Lời thân ái trào dâng tim bé nhỏ
Dưới chân mình màu xanh cây cỏ
Thảo nguyên ơi, điệp điệp đến chân trời
Loang ra ngoài biên giới xa khơi
Gieo yêu mến khắp hành tinh mong đợi
Cảm ơn mùa xuân nhuốm lửa
Sưởi ấm cõi người sưởi ấm nhân gian.


NGÃ DU TỬ


THƠ NGÃ DU TỬ 02.02.2022 21:24:52 (permalink)
0

GIAO THỪA

Trong khi đất trời ngưng thở
Trần gian kẻ vạch Giao thừa
Chỉ có màn đêm và gió
Chạm môi hôn Xuân say sưa 

Loài người chí thành đảnh lễ
Nguyện cầu trổ nhánh thiêng liêng
Chúa Xuân vươn mình hiển hiện
Mang theo đầy nụ cười hiền

Ngã Du Tử/SG
Giao thừa 0.20h
r
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.02.2022 19:46:50 bởi Ct.Ly >
THƠ NGÃ DU TỬ 25.02.2022 12:38:20 (permalink)
0
 
THI CA
              Thời nào thơ cũng cô đơn
              May còn Em, chia nỗi buồn cùng tôi
              Mai sau non nước tài bồi
              Ngoài trăm năm, cánh thơ trôi theo dòng
 
Lõm trăng khuyết vừa xanh mầm độ lượng
Áo từ bi vội khoác xuống dương trần
Cảnh thanh bình chạm thật những châu thân
Vườn nhà Mẹ thơm hương mùa rất mới
 
Những con người suốt đời rát mặt
Cũng hân hoan khỏa ánh sáng ngọc ngà
Thật nồng nàn, trời trăng gió bao la
Và như thể hòa mình cùng vũ trụ
 
Ta thi sĩ, mơ được hoài lãng tử
Chân thi ca dạo bước khắp nhân tình
Đời nhọc nhằn bao huyễn hoặc u minh
Xin nhật tụng từng mối tình chân thật
 
Giở trang thơ gọi ngày tràn mặt đất
Cho thương yêu về hội tụ xây thành
Cuộc đời vui theo nhịp những bàn chân
Mùa hạnh phúc mở từng ô cửa một./.
 
NGÃ DU TỬ/SG

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.02.2022 12:48:12 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
THƠ NGÃ DU TỬ 01.03.2022 21:41:04 (permalink)
0

TRĂNG NGUYÊN TIÊU


Vầng trăng lơ lững ngang trời
Tụng ca đất mĩm nụ cười hồn nhiên
Nguyên Tiêu thưởng lãm bình yên
Hèn chi dòng nước ôm nghiêng bóng rằm


NGÃ DU TỬ














<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.03.2022 21:43:58 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
Attached Image(s)
Thay đổi trang: << < 313233 > >> | Trang 31 của 43 trang, bài viết từ 451 đến 465 trên tổng số 635 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9