Mâm ngũ quả ngày Tết
Như Ý P 29.01.2009 11:49:14 (permalink)
Mâm ngũ quả ngày Tết
 
Với triết lý “cầu vừa đủ xài sung túc”, người miền Nam chuộng năm loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Trong khi đó, người miền Bắc lại chưng chuối, bưởi, đào, hồng và quýt.
 
Mâm ngũ quả Miền Nam
 
 
Chuẩn bị: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.
Trình bày: Người ta thường chọn ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp.
 
Mâm ngũ quả Miền Bắc
 
 
Chuẩn bị: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.
Trình bày: Cách trình bày truyền thống sẽ là nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt, đào bày đan xen vào nhau.
 
Ngoài ra, bạn cần tham khảo vài cách chọn quả sau đây:
- Chọn quả đang xanh hoặc chín cây để chưng được lâu.
- Không nên rửa quả vì dính nước, quả sẽ mau héo.
- Chọn quả chắc, không trầy, còn cuống và lá để mâm quả xum xuê.
- Dưa hấu: Muốn biết quả ngon hay không, bạn búng tay vào vỏ dưa. Âm thanh trầm, nghe bịch bịch, tức quả chưa bị nẫu. Quả quýt lõm phía dưới thường ngọt hơn. Quả bưởi tươi, ngon thường chắc, nặng.
(Theo Vào Bếp)
 
http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/Am-thuc/2009/01/3BA0AA0F/
#1
    Như Ý P 29.01.2009 11:55:07 (permalink)
    Ý nghĩa của mâm ngũ quả
     

     Ngũ
    Ngũ (五) (năm, là biểu tượng chung của sự sống, Ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng thờ cúng[5]. Thêm vào đó cư dân vùng nông nghiệp, Ngũ cốc được coi trọng nhiều hơn Ngũ quả. Trong sách Chiêm thư, người ta thường nhìn Ngũ Quả để dự đoán được/mất của các mùa vụ lương thực trong năm[6] Lâu dần, sự xác tín biến thành tập tục, "ngũ quả" có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân.[4]

     Quả
    Quả biểu tượng cho sự sung túc qua cấu tạo của nó: bên trong chứa hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy là Vũ trụ, ý nghĩa là sự sinh sôi trường tồn tái sinh bất tận của sự sống[7]. Mỗi loại quả có ý nghĩa riêng qua hình dáng/cầu tạo/hương vị, màu sắc và cách đọc tên[4]:

     Màu sắc
    Thường hay tuân theo ngũ hành, các loại quả dùng thường mang các sắc màu theo quan niệm là có tính may mắn: Đỏ (may mắn phú quý), Vàng (sung túc)...

    Hình dáng, cấu tạo, hương vị
    Thường là cách hình dáng/cấu tạo có tính chất gợi tả điều tốt lành. Ví dụ: Lựu: có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn, Bưởi và dưa hấu: căng tròn, mát lạnh trong ruột, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống...

    Cách đọc tên
    Cách đọc tên theo kiều gần âm: ví dụ: "dừa" gần âm với "vừa"; đu đủ là "đủ", xoài gần âm với "xài", mãng cầu là "cầu", sung là "sung". Một mâm quả có: mãng cầu ,dừa, đu đủ, xoài, sung đọc thành "cầu vừa đủ xài sung"
     
    http://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%A2m_ng%C5%A9_qu%E1%BA%A3
    #2
      Như Ý P 29.01.2009 11:57:16 (permalink)



      Món ăn - bài thuốc trong mâm ngũ quả ngày Tết

      19:52' 23/01/2006 (GMT+7)


      Mâm ngũ quả - một nét đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, mâm quả này tối thiểu gồm 5 loại trái cây tùy theo ý thích và từng địa phương. Tại miền Nam, mâm ngũ quả thường có dừa, đu đủ, xoài, sung và mãng cầu xiêm (với ý cầu chúc cho mỗi người trước tiên có tiền vừa-đủ-xài rồi sẽ tiến tới sung túc giàu sang và mãn nguyện!), Nhưng 5 loại trái cây này còn có thể dùng chữa trị gì?
       






      Dừa:

      Y học cổ truyền cho biết nước dừa và cùi dừa có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, lợi tiểu, giảm tiêu khát. Vỏ sọ dừa vị đắng, tính ấm, có tác dụng cầm chảy máu mũi, co se, sát trùng, trị ngứa. Một số bài thuốc hay từ dừa như sau:
      - Miệng khô do nóng, trúng nắng, phiền khát phát sốt hay chứng tiêu khát (tiểu đường): dừa 1 quả, lấy nước uống, sáng và chiều dùng 1 quả.
      - Phù thũng: dừa 1 quả, lấy nước uống, mỗi ngày 3 lần.
      - Đại tiện ra máu, nôn ói, mất nước sau tiêu chảy: Nước dừa 1 ly, đường trắng 30 g, muối ăn một ít, uống sau pha với nước dừa, mỗi ngày 3 lần, sau 3 ngày mỗi ngày 1 lần.
      - Táo bón: Cơm dừa nửa đến 1 quả, 1 lần ăn sạch, mỗi sáng chiều ăn 1 lần.
      - Lác, lang ben, viêm da thần kinh, ung nhọt: Cơm dừa tươi 1 lát, chà thoa tại chỗ, mỗi ngày vài lần.
      - Chàm, ngứa chỗ kín: vỏ sọ dừa 1 quả, đập nát nhuyễn, nấu nước cô đặc dùng thoa tại chỗ, mỗi ngày vài lần.
       
      Đu đủ
      Đu đủ chín có vị ngọt mát, có tác dụng nhuận tràng, tiêu tích trệ, lợi trung tiện, lợi tiểu. Đu đủ xanh vị đắng, ngọt có tác dụng tiêu trệ mạnh, không nên ăn nhiều. Nhựa mủ quả xanh có tác dụng chống đông máu, trục giun đũa. Hạt cũng trừ giun, hạ sốt, lợi trung tiện, điều kinh và gây sẩy thai. Rễ hạ sốt, tiêu đờm, giải độc. Vài ứng dụng thực tế:
      - Viêm dạ dày mạn tính: Đu đủ xanh làm gỏi ăn hàng ngày, phụ nữ có thai không nên ăn vì dễ gây sẩy thai.
      - Giun đũa: Lấy 10 hột đu đủ chín giã nát, thêm nước chín vắt lấy nước cốt uống 3 ngày liền vào buổi sáng sớm.
      - Tiểu gắt, buốt: Rễ đu đủ tươi 200 g sắc lấy nước uống cả ngày thay nước uống.
      - Thiếu sữa: Đu đủ hườm bằng nắm tay 1 trái gọt bỏ vỏ, bỏ hạt, đậu phộng sống giã nát 50 g, nếp 50 g, móng chân heo nướng phồng 7 cái, thêm gia vị. Nấu cháo ăn cả ngày, ăn liền 7 ngày. Hay đu đủ hườm 500 g, giò heo 2 cái, nấu canh cho nhừ, mỗi ngày 1 lần, dùng liền 3 ngày.
       
      Xoài
      Quả có vị ngọt, chua, tính bình, có tác dụng lý khí kiện tỳ, trị ho. Hột có vị ngọt, đắng, tính bình, tác dụng hành khí giảm đau. Dùng trị các chứng như miệng khát họng khô, tiểu tiện không thông... Giúp phòng ngừa ung thư kết tràng và bệnh do thiếu chất xơ trong thức ăn. Thực nghiệm chứng minh: saponin trong xoài có tác dụng khử đàm trị ho và ngừa ung thư. Quả chưa chín ức chế vi khuẩn Staphylococcus, Escherichia coli. Một số ứng dụng thực tế:
      - Ho, đoản hơi, đàm nhiều: Quả sống 1 quả, bỏ hột, rồi ăn cả vỏ quả, ngày 3 lần.
      - Đầy bụng, ăn không tiêu: Quả sống 1 quả, ăn cả vỏ, sáng chiều 1 lần.
      - Say tàu xe: Nhai ăn xoài hay nấu nước uống.
      - Viêm họng mạn tính, khan tiếng: Xoài lượng vừa đủ, sắc nước uống thay trà, dùng nhiều lần.
       






      Sung

      Sung có vị ngọt, tính bình, có tác dụng kiện tỳ vị (điều hòa chức năng hệ tiêu hóa); thanh thấp nhiệt, dùng chữa các chứng dạ dày - ruột thấp nhiệt (viêm, sưng…), công hiệu tiêu thũng giải độc, chữa các chứng ung nhọt sưng đau... Ứng dụng như sau:
      - Rối loạn tiêu hóa, chán ăn: Sung quả tươi 1 - 2 quả, mỗi sáng, chiều ăn 1 lần, dùng liền 4 ngày.
      - Ung nhọt ra mủ hay vết thương lâu lành: Quả sung khô sao cho đen, tán bột mịn, dùng băng bó tại chỗ, ngày thay 1 lần.
      - Trĩ đau ra máu: Sáng, chiều ăn 2 quả sung chưa chín, mỗi sáng, chiều 1 lần.
      - Người cao tuổi táo bón: Sung quả tươi 1 - 2 quả, ăn mỗi tối trước khi đi ngủ, dùng liền 5 ngày.
       
      Mãng cầu xiêm
      Thịt quả trắng, mùi dễ chịu, vị dịu, hơi ngọt, chua, có tính giải khát, bổ. Quả xanh làm săn da. Hạt se, gây nôn, sát trùng. Lá làm dịu. Người ta thường dùng quả để ăn. Thịt quả pha thêm nước và đường dùng xay sinh tố để giải khát, bổ mát và chống hoại huyết. Quả xanh phơi khô tán bột dùng trị kiết lỵ và sốt rét. Ngày nay người ta dùng mãng cầu xiêm làm thức ăn trái cây cho người bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Bài thuốc bà con đã dùng trị sốt rét với mục đích thường để chặn cữ (lên cơn sốt rét) như sau: Lá mãng cầu xiêm 15 lá, đâm vắt lấy nước cốt uống 1 lần, ngày uống 4 lần.

      • Lương y BÀNG CẨM
        (Khoa học phổ thông

      http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/skdd/2006/01/535276/
       
      #3
        Như Ý P 29.01.2009 12:13:25 (permalink)



        Thứ năm, 29.01.2009
















        Mâm ngũ quả ngày Tết
        [19.01.2009 10:51]






        Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) - gọi là ngũ hành. Tư tưởng này xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa của các dân tộc phương Đông. Tục lệ chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt Nam là một trong những biểu hiện của tư tưởng này.



        Mâm ngũ quả là mâm trái cây có năm loại quả khác nhau. Tùy theo đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán và quan niệm, người dân mỗi vùng, miền có cách chọn các loại quả đặc trưng mang ý nghĩa riêng.
         




         
        Mâm quả bày theo cách của người miền Bắc, không kiêng cả trái ớt mang vị cay
         

        Nếu căn cứ theo màu sắc trong triết lý phương Đông thì mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với 5 màu khác nhau:
        Đầu tiên là chuối xanh - ứng với mùa xuân (hành mộc). Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bảo bọc.
        Thứ hai là quả Phật thủ màu vàng – tượng trưng hành thổ nên được đặt ở giữa, trong lòng nải chuối. Phật thủ là loại quả có mười cánh múi chụm lên như 10 ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật. Phật thủ được trưng lên bàn thờ với niềm cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc lộc. Nếu không tìm được Phật thủ, có thể thay bằng quả bưởi chín vàng, cũng mang ý nghĩa tương tự.




          
        Chuối xanh ứng với mùa xuân              Phật thủ như bàn tay Phật

         
        Tiếp theo, 3 loại quả khác có các màu đỏ (ứng với mùa hạ - hành hỏa) như ớt sừng, cam - quýt chín, trứng gà, hồng…; màu trắng (ứng với mùa thu – hành kim) như roi, đào; màu đen (ứng với mùa đông – hành thủy) như mận, hồng xiêm…
         
        Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hòa; thể hiện sinh động ý nghĩa triết học - tín ngưỡng - thẩm mỹ, đồng thời cũng chứa đựng ước vọng của con người.
         





           
           Cam đỏ ứng với mùa hạ                  Roi (mận) trắng ứng với mùa thu


        Theo đó, mâm ngũ quả của người dân Nam Bộ thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, ứng với câu “cầu vừa đủ xài sung”; thêm “chân đế” là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Ngoài ra, không thể thiếu cặp dưa hấu. Dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người dân phương Nam…
        Tuy mỗi miền mỗi khác, nhưng tựu trung, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc và của ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân Việt.
         




         
        Hồng xiêm tượng trưng cho hành thủy, ứng với mùa đông

        Nhiều năm gần đây, khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao, giao lưu kinh tế, văn hóa cũng ngày càng được mở rộng, mâm ngũ quả ngày Tết không còn chỉ gồm 5 loại trái mà đã trở thành lục, thất,… thập quả, với đủ sắc màu, kiểu dạng. Song, vẫn có những điều không khác, theo quan niệm của người dân từng vùng, miền.
        Nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được; thì người miền Nam lại có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi”, thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”…
         
        Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân Việt. Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình…



        Phương Thanh (Theo Tuổi trẻ)
        http://www.phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=5052
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9