Truyện thiếu nhi: Phép thuật của bà sư Phù Ái (tập 1)
Sáng tác: Nguyễn Công Liệt. Phép thuật của sư Phù Ái Thế lực Bóng Tối: Trong không gian, đôi khi còn có vài ánh sao lấp lánh nên không sánh bằng Thế lực bóng tối ngay tại trái đất, sâu thẳm trong đại dương mới là vĩnh viễn không hề có một chút ánh sáng nào. Vì vậy thế lực bóng tối ở đó mới là hung tợn nhất. Từ lâu nước biển đè nén chúng với một áp lực kinh khủng, không thể nào chúng làm bá chủ đất liền được. Vua của bóng tối bị giam hãm nơi ấy, mặc dù có một viên ngọc đỏ hồng, nhưng ông ta chẳng có dịp nào để hại người trên mặt đất. Một thiên thạch lao vào trái đất, tại vùng biển Đông Việt Nam, thế là rơi tõm xuống lòng biển. Nó phát nổ dưới độ sâu nghìn mét, khối nước hình nấm bốc cao lên hàng chục mét. Thế lực bóng tối được dịp trở mình, ông vua bóng tối tức khắc được giải thoát. Tức thì ông ta cầm viên ngọc đỏ hồng thoát lên bờ, kéo theo một đạo quân mặt mày rất khác xa các sinh vật trên trái đất. Hình dạng chúng rất dữ tợn, có con trắng muốt không mắt, có con rất quái dị vừa trông thấy đủ khiếp vía. Nước biển quay trở lại không kịp nữa rồi, thế là thế lực bóng tối nhanh chóng chiếm lĩnh nước Việt ta. Ánh nắng yếu ớt không thể chiếu rọi xuống nữa được, đám bụi hạt nhân kết dính với mây trắng thành mây đen bao phủ bầu trời. Thiếu ánh nắng sức mạnh của chúng tăng gấp đôi. Bắt tất cả mọi người phải lao dịch nặng nhọc. Vua của bóng tối thì xa xỉ tột độ, ăn nhậu phè phởn. Bắt người dân phải đàn ca múa hát suốt cả đêm, người người ca thán vì sự cai trị hà khắc của chúng. Dân càng lúc càng nghèo khổ, trẻ em không ai học quá lớp ba lớp bốn. Không ai chăm sóc y tế, bị cha mẹ bỏ bê lang thang, lượm lặt được gì ăn nấy, đói khát nhưng không một ai dám phản ứng lại. Ban ngày mệt mỏi vì suốt đêm đã phải phục dịch bọn chúng, lại thêm không được đi đâu xa nên nỗi khổ của người dân không mấy nơi nào trên thế giới biết đến, tựa như thời kỳ đồ đá không bằng: Điện nước đều không có, con người không minh mẫn để tìm cách chống lại bọn chúng nữa. Bọn chúng canh gác cẩn trọng hết các nẻo đường, vì có ánh sáng mặt trời sẽ làm chúng yếu sức. Bọn chúng cho sơn đen trên mắt, nên trông càng dữ tợn. Tuy vậy, tất cả các hoạt động của con người chúng đều cảm nhận qua viên ngọc đỏ hồng. Vua bóng tối truyền mệnh lệnh cho bọn quái vật canh giữ mọi người cẩn thận, đi đâu làm gì cũng phải nói cho chúng biết, nhất là những người còn sức khoẻ tốt. Chúng sợ họ đoàn kết lại, dùng sức chống lại chúng, thì không còn dịp làm bá chủ trái đất thêm lần nào nữa. Một việc hết sức vô lý khác là, chúng bắt mọi người phải tìm ra được viên ngọc xanh. Bởi vì viên ngọc xanh mới có đủ quyền năng, sức mạnh chống lại thế lực bóng tối. Viên ngọc xanh còn gợi nhớ cho nhiều người chống giặc ngoại xâm, cũng như sự cai trị hà khắc của bọn chúng. Bắt buộc chúng phải tìm cho được viên ngọc bích ấy, đập bể nát viên ngọc ấy thì loài người sẽ bị giam hãm mấy ngàn năm như chúng từng bị giam hãm dưới đại dương. Chúng sợ loài người tìm thấy, sẽ tập hợp đủ lực lượng chống lại chúng. Đây là dịp chúng được cai trị trở lại người trên trái đất, một dịp may nghìn năm một thưở mới có, một dịp được ăn uống phục dịch và bành trướng để tận diệt loài người. Ai ai cũng khổ và sợ bọn chúng vô cùng. Nhà cửa bị tan hoang sau đợt sóng thần gây ra bởi thiên thạch, đói kém mất mùa trâu bò gia súc không còn thấy bóng dáng đâu. Tinh thần sa sút đến độ, con người chỉ biết cúi đầu tuân thủ theo mọi mệnh lệnh, lòng người oán hận. Song bọn chúng thấy một động tĩnh nào là ngay tức khắc cho thủ tiêu người đó ngay. Để tránh hao người tốn của và lấy cho được viên Tinh ngọc xanh, chờ cơ hội hy vọng có một vị anh hùng nào đó xuất hiện. Mọi người sẽ theo người đó chống lại bọn quái vật, đưa chúng trở lại vùng biển sâu. Dưới áp lực hàng tỉ mét khối nước, mới hòng giam cầm chúng lại như xưa. Hai mẹ con chị Hằng và Hồng Phát đang dắt díu nhau đi, bọn thế lực Bóng tối quây lấy mẹ con chị Hằng. Chúng còn trêu cợt chị và Hồng Phát con chị. Nó còn nhỏ nên gặp bọn Bóng tối hình dáng kỳ dị, bé rất sợ. Sư Phù Ái xuất hiện đúng lúc, bà Sư Phù Ái vẽ một vòng hào quang sáng xanh bảo vệ hai mẹ con, bà lâm râm niệm phật. Khi hai kẻ nửa người nửa cua xông tới. Đụng phải vòng hào quang, dội lại…Biết còn người nhà Phật trên núi sống sót, bọn chúng quày quả quay về tìm thêm đồng bọn. Bà Sư Phù Ái hỏi Hồng Phát: - Ngươi có sợ bọn chúng không? - Dạ! Con sợ… - Những đứa bé khác có sợ không? -Dạ! Đứa nào cũng sợ hết bà ạ… - Ngươi có muốn làm anh hùng cứu mọi người không? Hồng Phát nín thinh, mới mấy tuổi, lại kén ăn nên gầy nhom. Chị Hằng đỡ lời cho con: - Bé kén ăn lắm thưa bà! Làm sao trở thành một vị anh hùng cứu đời được… - Con thích làm siêu nhân lắm, nhưng con ngậm không ăn nhanh. - Các ngươi ở đây thật khổ ải, hãy mang thằng bé tới làng Phù Đổng. Bà sư Phù Ái nói gỏn lọn như thế, rồi biến mất. Hai mẹ con không hỏi thêm được điều gì. Chị nghi ngờ lời bà sư ấy nói, làm sao Hồng Phát địch lại bọn cua cồng, chứ đừng nói gì đến vị chúa Bóng tối. Lúc chị mang thai Hồng Phát, bào thai phát triển rất là chậm chạp. Sinh con ra không lớn nhanh như những đứa trẻ khác chị rất buồn. Đến năm tuổi, Hồng Phát nhỏ nhoi như đứa trẻ lên ba. Cậu vẫn chậm nói, chậm lớn, chậm hiểu biết. Không trường nào nhận cậu vào học: Chị mong muốn con mình lớn lên, con được nghe truyện cổ tích, truyền thuyết về các thời xa xưa. Như mọi đứa trẻ bình thường, con nít phải trang bị đầy đủ kiến thức, mới là con người hiện đại. Mong muốn chưa thực hiện thì Thế lực Bóng tối xâm chiếm trái đất, thằng bé kén ăn, cân chưa được mười ba ký nữa là, vậy làm vị anh hùng cứu thế gian này sao được đây. Bóng Tối làm chủ trái đất, phải có một vị anh hùng cứu thế gian. Chị không biết ai có thể làm được việc đó. Hay cứ tới làng Phù Đổng như bà sư nói và đằng nào ở lại cũng bị hành hạ đến chết. Vả lại, câu chuyện Cậu Gióng có thật không. Một cậu bé lớn nhanh như thổi đánh bọn Bóng Tối cứu nước, hay bà sư muốn Hồng Phát đến đó để làm phép giống như vậy. Tầm sư học đạo: Hai mẹ con cố vượt qua mọi gian nan, theo lời bà Sư tìm ra làng Phù Đổng. Ở đây, Bọn Thế lực Bóng tối chưa mon men tới nhiều, có thể nhờ cậy nơi đây nương náu một thời gian. Chị mang con ra làng Phù Đổng, chị muốn xác minh lại câu chuyện ấy có thực không? Hay chỉ là câu chuyện của một bà mẹ nào đó có hoàn cảnh giống như chị, rồi hư cấu. Ai cũng nói tìm lại câu chuyện ấy là phải tin là có thật, niềm tin sẽ được trả công. Chị đầy ấp niềm tin, cho nên chị quyết chí ra làng Phù Đổng là vậy. Chị muốn tìm gởi con tại một ngôi chùa. Một vị sư phải ở một ngôi chùa nhưng chùa nào? Chị cố tìm ngôi chùa tốt cho Hồng Phát nương náu, rồi lân la dọ hỏi tin tức các bà sư . Người ta đồn thổi, một ngôi chùa ở Làng Gióng tên là Giác duyên. Nếu gởi cậu ở đó tu hành, học tập… Hai mẹ con chị trèo lên núi, tìm thấy được chùa Giác duyên như mọi người nói. Các sư sãi ở đó lại cho biết, muốn gặp được sư Phù Ái phải lên thêm một ngọn núi nữa kia, rằng sư Phù Ái rất khó tính, đòi hỏi nhiều điều kiện mới hòng lấy được thông tin cần thiết. Rằng có thể cậu sẽ khỏe mạnh và thông minh, còn việc đánh lại bọn Thế lực Bóng Tối hay không phải gặp được sư Phù Ái. Nhưng bà ấy là một người khó tính, chứ không phải dễ dàng đồng ý dạy phép con chị như chị nghĩ. Vậy thì loại thức ăn gì để lớn nhanh như thổi, không thể lấy một cách đơn giản chút nào, đủ thứ thử thách làm bà toại nguyện mới có thể bà đưa cho. Leo trèo thêm một ngọn núi nữa, hai mẹ con gặp sư Phù Ái. Bà ngồi thiền trên một tảng đá, mây bao quanh rất huyền bí. Hai người sụp quì lạy nhưng chưa nói gì thì bà hiểu hết mọi chuyện. Đúng như là mọi người căn dặn và quả là bà đòi hỏi đủ thứ: - Thưa sư bà! Chúng tôi đã đến làng Phù Đổng, đã tìm được chùa Giác Duyên, đã gặp được sư. Mong sư dạy cháu, để nó lớn lên giống mọi người. - Lớn mà không thông minh, không tốt, không giúp cho đời lớn nhanh làm gì? - Mong bà giúp cho cháu…Bà mong muốn gì ở cháu, cháu sẽ cố gắng. - …Thằng bé phải qua nhiều thử thách đấy! Trước tiên phải học lễ nghĩa nhớ về cội nguồn, sau mới học văn võ để cứu thế gian... Niềm tin đã có và tới ngọn núi này, không lẽ hoảng sợ thì vuột mất thành công. Chị bình tĩnh nhìn thẳng sư, không ái ngại. Muốn chứng tỏ gan dạ cho con thấy, phải quyết chí đến cùng: - Những thử thách ấy đã qua, không lẽ những thử thách tiếp theo bị chùn chân thì trở thành vô nghĩa. Cho nên không ngán ngại thêm bất cứ một thử thách nào. Miễn sao thằng bé được ăn thức ăn mà Phù Đổng Thiên Vương ăn trước đây. - Ngươi không biết đấy! Ý ta là: Mọi người lớn lên mà không làm ra chuyện trò trống gì, thì lớn để làm gì. Thằng bé cần phải trải qua việc học tập và trãi qua nhiều thử thách là để kiểm nghiệm xem hắn lớn nhanh như thổi, hắn có giúp ích đất nước như ông tổ tổ của ta không? - Thưa sư bà, hãy ra điều kiện thử thách… - Các ngươi về lại chùa đi, ba ngày nữa ta sẽ đến đấy. Chị đưa Hồng Phát về lại chùa Giác Duyên. Vài ngày sau, bà sư Phù Ái soạn ra một giáo huấn để dạy bảo Hồng Phát. Khi trở lại chùa, bà vừa đút Hồng Phát ăn vừa kể chuyện cho nghe. Bà kể lại các truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con, bà kể chuyện Phù Đổng Thiên Vương, và cả Sơn tinh Thủy tinh. Hồng Phát ngậm suốt mà không chịu nhai, bà sư không khỏi khó chịu: - Nhà ngươi cứ ngậm mãi như thế là không thể nào trở thành vị anh hùng cứu thế gian này được đâu. Ăn đi, ta sẽ cho ngươi thỏi sôcôla. - Sôcôla đâu?- Hồng Phát muốn thấy mới chịu ăn. Bà sư lấy trong tay áo ra thỏi sôcôla và viên ngọc bích chói lòa, Hồng Phát tựa như mê say nhìn ngắm. Trong ánh sáng xanh, Hồng Phát hòa nhập vào các truyền thuyết bà kể như người trong cuộc. Thỏi sôcôla bùa phép: Mọi người ngồi xoay tròn, bà sư Phù Ái ngồi chính giữa đưa thỏi sôcôla lên đầu. Tất cả đều râm rang kinh kệ, rất huyền bí. Cuối cùng thỏi Sôcôla được để lên bàn, ánh sáng ngũ sắc luôn loé lên đủ màu. Họ hội thảo nhau kỹ lưởng, ý như thỏi sôcôla được bùa phép có công dụng gì. Không ai nói ra, mà chỉ đưa Hồng Phát: - Tuỳ cơ ứng biến, nếu con thông minh rồi con sẽ hiểu. Sư Phù Ái chúm chím nói với chị (mẹ của Hồng Phát): - Ai lớn cũng phải tốt và thông minh. Vậy là, ý bà Sư Phù Ái lần này muốn thử tài trí thông minh của Hồng Phát. Bà mong mỏi trẻ em nào cũng vậy, lớn lên phải làm được việc tốt. Muốn lớn mau chóng, phải thông minh mới giúp người. Chứ không tốt không thông minh, thì lớn nhanh làm chi. Nghĩa là Hồng Phát phải tự đối phó với thỏi sôcôla, nó đã được bùa phép và tác dụng như thế nào phải thử mới biết. Hồng Phát như bị thôi miên vào ánh sáng ngũ sắc ấy, nhất là ánh sáng xanh của viên Tinh Ngọc. Lân lân cậu vào trong trứng của mẹ Âu cơ. Bà sư Phù Ái làm phép, giúp cậu lùi về thời gian hơn bốn nghìn năm trước, vào trong trứng của mẹ Âu Cơ. Bà làm thế, để Hồng Phát hiểu sâu sát truyền thuyết hơn, hòng cho Hồng Phát thấy thời kỳ dựng nước và giữ nước. Hồng Phát như có mặt tại những thời điểm đó. Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, dòng giống tiên rồng nên chỉ thích ở dưới nước mát mẻ. Còn Âu cơ là con của vua Đế Lai. Lạc Long Quân thấy Âu cơ xinh đẹp nên lấy nàng làm vợ, và sinh được một trăm trứng. Hai người rất hạnh phúc, vì đó là dòng giống rồng tiên, là người dân Việt sau này: - Ai nở ra trước, là con trai trưởng. Ta sẽ truyền ngôi cho. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ, rồi bị nhảy mũi nhiều lần: - Ta quen ở dưới nước, lên bờ dễ cảm nắng. Nàng coi chừng các trứng giúp ta, để ta xuống nước một lát. Khi Lạc Long Quân tìm nước để trầm mình cho mát mẻ, còn lại mẹ Âu Cơ ngồi quạt. Bà cũng nóng lòng, mong chờ các con mình ra đời, cho vui nhà vui cửa. Trời nóng nực, các trứng được để trong hang. Âu Cơ thiu thiu ngủ, thỉnh thoảng quạt cho thoáng mát. Lúc đó, một làn sáng xanh từ trên tầng đất phía trên xẹt nhanh xuống. Âu Cơ giựt mình mở mắt, có một trứng nào đó hơi sáng sáng. Bà ngó xem chừng, mừng vui rồi ngủ tiếp. Hồng Phát tọt quá nhanh xuống các tầng đất, lọt vào một trứng. Loay quay trong trứng rất khó chịu. Tư thế nằm như hột vịt lộn, muốn đưa tay gãi đầu một cái cũng rất khó. Bà Âu Cơ thấy một trứng nhúc nhích, bà đến gõ tay nhè nhẹ. Hồng Phát nghe tín hiệu, càng cố vùng vẫy. Được một lúc, vỏ trứng nứt ra. Ánh sáng mặt trời chói lòa, ở trong đó tối om giờ thấy đường chút ít. Hồng Phát vùng vẫy thêm mấy cái nữa, trứng vỡ đôi. Ngột thở nãy giờ, nên Hồng Phát hít thở một thôi một hồi. Giờ nghe khoẻ khoắn, đứng lên. Ai dè bị co ro trong trứng, đột ngột đứng lên chúi nhủi. Hồng Phát chúi mũi lại mẹ Âu Cơ, bà Âu yếm vuốt tóc: - Ôi! Con vịt của mẹ… “Sao?- Hồng Phát tự nhủ- Bộ mình nỏ ra, giống con vịt sao mẹ gọi thế!”. Thuở đó chưa có gương soi, nên Hồng Phát rất lo lắng. - Mẹ!..Mẹ!... - Ôi! Con vịt của mẹ biết gọi ta rồi…-Bà Âu Cơ hôn chùng chụt vào trán Hồng Phát. Lạc Long Quân ngâm mình dưới nước, lên thấy Hồng Phát. Gật gật đầu hài lòng: - Nở rồi à! Lớn lên ta truyền ngôi cho vịt con nhé! Lần này, Hồng Phát tin chắc mình giống vịt thật rồi. Xung quanh, có trứng nhúc nhích trứng không. Một lát sau, một vài đứa nữa ra đời. Lạc Long Quân và Âu Cơ thôi không chăm sóc Hồng Phát nữa, không còn nựng nịu như hồi nãy. Hồng Phát còn phải trông chừng mấy đứa em mới ra lò, đứa nào đứa nấy đẹp trai. Còn mình, không hiểu sao ai cũng gọi là chú vịt. Có mấy trứng không động đậy, Hồng Phát bún lốc cốc, liền bị la mắng: - Con để cho em nó ngủ, đừng phá em. Chừng nào nở thì nở, ta đi ngâm mình chút xíu nữa đây. Hồng Phát cãi lại: - Con sợ trứng không có trống…Con bún tay thử. Lạc Long Quân vừa đi ra ngoài hang, vừa nói: - Không có trống sao được, ngươi còn nhỏ biết gì. Hồng Phát nghe trách cứ, không hiểu bao nhiêu lắm. Nhưng nhớ đến thỏi sôcôla, thử đem ra nhử bên ngoài vỏ trứng. Con nít nào mà không khoái sôcôla. Hồng Phát nghĩ thế nên đem sôcôla, quẹt nhẹ vào trứng nào không nhúc nhích. Một lúc sau, trong hang tùm lum con nít. Bà Âu Cơ chăm sóc bé nào mới nở, đứa nào cứng cáp hẳn thì lại ngồi xếp lớp ở thành hang ngay ngắn (như ngồi học mẫu giáo). Nhưng con nít dễ gì ngồi yên, không quậy phá cái này cũng cái khác. Mấy đứa lớn trêu ghẹo mấy đứa nhỏ khóc la ỏm tỏi. Bà Âu Cơ nghe mét, rầy la hết đứa này rồi đứa nọ không xuể, bảo Hồng Phát làm anh cả phải phụ giúp mẹ. Hồng Phát cầm thỏi sôcôla giấu ra sau lưng, đi tới đi lui theo hàng: - Ai ngoan, anh cho liếm một miếng… Mấy đứa nhỏ ngoan ngoãn ngồi yên lặng, nước miếng rỏ dãi. Hồng Phát dụ khị chúng tin lời, chứ không cho ai tí xíu nào. Mấy ngày sau, ai nấy đều lớn nhanh. Lạc Long Quân và Âu Cơ lo ăn không xuể, một trăm đứa chứ ít sao. Nhờ tình yêu thương con cái bao la, nên có phần vơi bớt phiền muộn. Con đông quá cũng không nhớ hết tên từng đứa, chỉ duy nhất Hồng Phát nhờ gọi trạy là chú vịt, nhờ đặc điểm đó nên hai người không quên. Hồng Phát cũng có biệt tài giữ em. Ba mẹ thường nóng nảy, la thét. Còn Hồng Phát một cách duy nhất là dụ khị, loè thỏi sôcôla ra khoe. Nhưng, không cho ai một miếng nào và hiệu quả vô cùng. Các em nghe lời Hồng Phát răm rắp: - Anh hai ơi! Mai mốt anh làm vua Hùng nhớ cho em một miếng nha… - Ừ! Ai không quậy anh cho… Hồng Phát hứa hẹn thêm khoảng thời gian ra xa, chứ thỏi sôcôla cho bây giờ, coi như mai mốt hết nói đứa nào nghe lời. Ngoài sân dưới biển, chỗ nào cũng thấy mấy đứa nhỏ: Con trai lượm dừa khô đá banh, tàu dừa kéo co. Con gái lấy dây chuối nhảy dây, chơi trốn tìm. Có lúc vui thì lấy cát đắp nhà, lúc buồn thì gái hay trai gì, cũng vật lộn mặt mày đỏ au mới thôi. Con đông quá, Lạc Long Quân coi không xuể, liền bàn bạc với Âu Cơ: - Ta vốn dòng giống tiên rồng, không thể ở trên cạn mãi được. Chi bằng nàng đem năm mươi con lên núi, ta đem năm mươi con xuống biển, dễ bề chăm sóc các con đàng hoàng. Lạc Long Quân và Âu Cơ tiến hành chia các con ra, tưởng dễ nhưng cũng có chút ít khó khăn. Hỏi đứa nào theo mẹ, không đứa nào chịu giơ tay. Lạc Long Quân cũng vậy, hỏi đứa nào theo cha, cũng không đứa nào giơ tay. Anh em xum quầy, đứa nào đứa nấy vui quá vui, nên không muốn chia nhau ra. Hồng Phát hỏi Lạc Long Quân: - Mình làm như vậy, có giống ly dị không cha? - Không có đâu- Lạc Long Quân giải thích- Các con rồi ai cũng phải lớn, rồi ai cũng tự lập. Các con ham vui thì sau này rất khó khăn, cần phải sớm tập tành việc này việc nọ. Vì ta và mẹ các con trước sau gì cũng chết, lúc đó đứa nào không biết tự lập khổ lắm. Chi bằng bây giờ, một số theo mẹ lên núi. Một số theo ta xuống biển…Số lượng ít lại, dễ kèm cặp từng đứa hơn. Mặc dù Lạc Long Quân nói vậy, nhưng đứa nào đứa nấy không chịu giơ tay. Bà Âu Cơ muốn có đứa làm gương, nên chỉ tay vào Hồng Phát: - Vịt con theo mẹ đi…- Bà vừa nói vừa kéo Hồng Phát vào lòng. Y như rằng, 99 đứa còn lại đều đòi theo mẹ. Lạc Long Quân buồn buồn thấy các con không đứa nào chịu theo mình, ngạc nhiên: - Hằng ngày ta vẫn thương các con, sao không đứa nào chịu theo ta cả? Hồng Phát theo ta, sau này ta sẽ truyền ngôi. - Con cũng muốn theo cha, mẹ cứ gọi con: vịt con hoài… Hồng Phát rời khỏi lòng bà Âu Cơ, thấy cha không ai theo cũng đem lòng thương mến. Y như rằng, tương tự như lúc nãy. 99 đứa còn lại, bỗng dưng đòi theo Lạc Long Quân hết cả: - Ủa sao kỳ vậy?- Cả Lạc Long Quân và Âu Cơ thắc mắc. Không ai nói một lời, cứ hễ Hồng Phát nhá nhử nghiêng về bên này. Cả bọn liền nghiêng theo. Hồng Phát thấy lạ, nghiêng lại thì cả bọn nghiêng lại. Vẽ một lằn mực, như nhảy dây. Cả bọn đều nhảy theo. - Sao anh làm gì, mấy em bắt chước theo hết vậy… Một đứa trong bọn, chịu hết nổi. Nó vừa nuốt bọt vừa nói: - Anh có thỏi sôcôla, ai không muốn theo… - À thì ra vậy!- Cả Lạc Long Quân, Âu Cơ và Hồng Phát đều thốt lên như thế. Hồng Phát nhăn nhó. - Thỏi sôcôla này của anh, để dành làm công chuyện… - Công chuyện gì?- Tất cả mấy đứa kia lên tiếng- Hồi đó anh hứa lớn lên rồi cho, rồi làm vua cho…Bây giờ bị chia hai: Năm mươi người lên núi, năm mươi người xuống biển. Anh cũng phải chia hai thỏi sôcôla… - Gì kỳ vậy…của anh mà… - Vậy anh đi đâu, tụi em theo đó. - Thôi chia hai như ta làm đi con, mai mốt ta truyền ngôi vua cho- Lạc Long Quân khuyên nhủ Hồng Phát. Hồng Phát ngờ ngợ: - A! Cha dụ khị con chứ gì. Cái này con rành quá… - Ta là cha các ngươi, ta nói phải giữ lời. Ngươi hay dụ dỗ các em, riết rồi ngươi không tin ai hết. - Con không phải không tin ai. Bây giờ các em đòi theo con, con cần người đánh với bọn giặc Bóng Tối. Hay cha mẹ cứ để các em theo con. Ngẫm nghĩ một lúc, Lạc Long Quân nói: - Nhưng trước giờ, ta đã dự tính chia ra năm mươi người lên núi, năm mươi người xuống biển với mẹ các ngươi rồi. - Nhưng khi có giặc giã, cũng phải xum họp lại chống đỡ chứ. Cho nên, cha mẹ cứ để các em cùng con đánh bọn giặc Bóng Tối. Nếu không bọn chúng sẽ chiếm cứ cả nước Việt và trái đất này. - Sao em?- Lạc Long Quân hỏi mẹ Âu Cơ ngọt ngào. - Cũng được. Sinh tụi nó ra, mà thời loạn lạc cũng có trách nhiệm cứu nước chứ. Thôi cứ để các em đi theo Vịt con, mấy đứa kia có phần cũng thích lắm đó. - Hoan hô cha, hoan hô mẹ… - Chín mươi chín đứa kia nhảy nhót la hét, đồng thanh vui mừng rền vang cả núi đồi. Bây giờ Hồng Phát đã có đông người theo, từng bước chuẩn bị lực lượng, lập kế hoạch để chiến đấu với bọn giặc Bóng Tối. Nhưng về lâu về dài phải chuẩn bị vũ khí lương thực và để tránh sự phát hiện có nhiều người muốn chống lại bọn Bóng Tối. Hồng Phát tạm thời thực thi theo chính sách chia hai của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ: - Các em hãy nghe lời cha mẹ. Vả lại theo truyền thuyết, năm mươi người cứ theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển. Ém quân khắp nơi để bọn Bóng Tối không hay biết, khi nào cần ta gọi các em cùng nhau đoàn kết lại đánh với bọn chúng. Tránh đánh nhau lẻ tẻ, chúng ta sẽ không địch lại bọn chúng đâu. Chừng đó, ta chia thỏi sôcôla. Nói xong, Hồng Phát chia tay mọi người, không cho ai một miếng sôcôla nào. Cái khố sôcôla: Trở lại chùa Giác Duyên, Hồng Phát hơi buồn vì phải chia tay mọi người. Hồng Phát nghĩ mình trở thành một vị anh hùng, phải có một người đẹp ở bên cạnh. Mấy hôm sau, có một người mang một cô bạn tên là Tiên Dung, cũng muốn được học tập ở chùa. Trong lúc, bà sư Phù Ái nói với những người lớn. Không có gì chơi, Hồng Phát lấy thỏi sôcôla cán mỏng ra làm một cái khố. Các người mẫu thường diễn thời trang bằng sôcôla lắm, tựa như sôcôla làm được đủ thứ việc vậy. Bà Phù Ái thì tinh ý nói: - Đó là thỏi sôcôla được bùa phép, ngươi không trân trọng công sức của chúng ta sao? Nói đoạn, bà phất cây phất trần bỏ đi ra. Hồng Phát thấy mình có làm gì sai đâu mà bà giận. Một lúc sau, bà trở vào, lại cằn nhằn: - Ta nói rồi…Nếu ta đếm đến ba, mà người không đem cất miếng sôcôla đó, là ta đẩy ngươi đi xa đó…Một… Hồng Phát nghe mới có một nên không sợ. - Hai…. Hồng Phát nhìn cái khố, định phân trần là các người mẫu hay biểu diễn thời trang bằng sôcôla. Bà Phù Ái gằng giọng: - Ba… - Con thấy… - Thấy hả…đã đếm tới ba rồi, mà ngươi vẫn không chịu đem cất…hô biến. Bà Phù Ái thổi một làn hơi, hình như bà chưa súc miệng. Cây phất trần phất ngang một cái, như cây đuổi ruồi nghe thoáng được một chút. Tưởng như chẳng hề gì, Hồng Phát cùng với cái khố Sôcôla chui tọt xuống tầng đất sâu. Nhìn quanh, Hồng Phát thấy căn nhà sao mà tả tơi. Một ông cụ nằm run run trên nền đất, dưới lưng chỉ lót lá chuối khô. - Nhà nghèo dữ vậy ta…- Hồng Phát rên lên. Nghe tiếng người, ông lão thì thào: - Chử Đồng Tử đó à! - Chửi đổng nào…À, hiểu rồi…thì ra bà Phù Ái bắt ta làm con của Chử Cù Vân, tại làng Chử Xá đây mà. - Ta sắp chết nghe cha dặn. Nhà ta nghèo quá, chỉ có một cái khố che thân. Cha chết, con cứ lấy mặc…chôn ta khỏi mặc gì cũng được. Hồng Phát nhìn thấy cái khố cũng rách nát, mà ông thì không nhìn thấy cái khố sôcôla của mình. Hồng Phát xót xa an ủi: - Con không làm như cha dặn đâu, cha chết không có gì mặc…lạnh lắm. Ông lão khóc rống lên vì nghèo, lại thêm thằng con rất có hiếu. ông qui tiên, nước mắt vẫn còn lưng tròng. Hồng Phát vẫn để ông cụ mặc cái khố ấy, rồi chôn cất. Còn mình chẳng dám gặp ai, cứ lẫn tránh mọi người. Công chúa Tiên Dung đến tuổi yêu đương nhưng không chịu có chồng. Nàng chỉ thích dạo chơi đây đó, rồi tìm bãi đất cồn vừa được bồi đắp. Nàng thấy có chỗ cao cao, nên cho người che kín lại để tắm. Nàng mặc đồ trên người, xối nước. Những chiếc áo bằng lụa mỏng manh, hằn trên da thịt nàng trắng mịn. Nước chảy xối cát đi, lồ lộ cái khố sôcôla của Hồng Phát. Nàng Tiên Dung đang ngồi trên lưng của ai đó, nàng hỏi mà vẫn còn đè không cho người đó quay lên: - Ai ở dưới cát vậy? Để nói tên cho đẹp, hy vọng nàng tha. Hồng Phát thì thào không ra hơi: - Chử Đồng Tử… - Sao ngươi ở dưới cát? - Ta…ta nhà nghèo. Hai cha con ta chỉ có một cái khố. Ta sợ ông chết không có gì mặc, nên ta không đành lấy khố của ông dùng. - Ngươi là người có hiếu quá…- Công chúa Tiên Dung nước mắt rơi lã chã, có cả nước tắm. Nàng khóc vì động lòng. - Nhưng sao chàng lại ở dưới cát… - Ta trốn tránh mọi người vì…vì…không có …khố. Bỗng thấy quân hầu nhiều quá ta sợ, nên vùi mình dưới đây. Ai dè công chúa lại đây tắm…Đè ta nãy giờ, thở hỏng nổi. - Thế ra…Nãy giờ, chàng có thấy gì không? - Thấy chết liền…học bài…bị ngu sao? - Vậy chàng đi lên núi học thầy Phật Quang. Em sẽ làm bạn với chàng, em sẽ đợi. Công chúa đứng lên mặc lại xiêm y kín đáo, rồi quay mặt đi nơi khác. Hồng Phát nhẹ người, không còn bị đè nghe khỏe lại. Liền chạy một hơi lên núi tìm thầy học, thầy cho Hồng Phát một cây gậy và một cái nón. Hồng Phát đem về đưa lại cho công chúa. Công chúa cắm cây gậy và để cái nón trên đầu gậy. Đến đêm, phép màu từ cây gậy và cái nón biến thành cung điện lộng lẫy. Trong đó có đầy đủ người hầu, giường sập. Tiên Dung bảo: - Chàng vào đi… Hồng Phát dùng dằn: - Kỳ quá hà! Làm bạn thôi đó nha… - Thì vào trong đi, rồi mình tính sau… Nhưng lúc đó, nghe người kể lại. Công chúa Tiên Dung đòi lấy Chử Đồng Tử…nhà nghèo. Vua qui vào tội phản loạn, sai quân lính đến vây đánh. - Hay nàng và ta về ở gần chùa Giác Duyên đi… - Cũng được. Lâu đài bỗng nhiên bay lên trời, chở công chúa Tiên Dung và Hồng Phát đi. Đến nơi, biến thành túp lều cạnh chùa. Hồng Phát bảo: - Ông nội mình lấy bà nội mình. Bà ngoại lấy ông ngoại. Hai đứa mình không có bà con, lạ hoắc lạ huơ lấy nhau sao được. Ở gần chùa, hôm nào không đi học qua mình chơi đánh thẻ là được rồi. - Ừa! Hôm nào đi học. Hai đứa mình chơi nha. Thế là Tiên Dung thôi không ôm Hồng Phát giỡn nữa, bà sư Phù Ái nhận dạy cô cùng với Hồng Phát. Nhưng phải ở túp lều bên cạnh chùa. Mọi người bàn bạc xong, ai về nhà nấy. Có cô bạn người đẹp bên cạnh vị anh hùng rồi. Hồng Phát yên tâm chỉ còn tìm vũ khí để chiến đấu với bọn Bóng Tối nữa mà thôi. Miếng sôcôla còn sót lại. Hai mẹ con Hồng Phát không phải là không có những trục trặc. Lúc cậu nói chuyện được nhiều, cậu sinh ra hay cãi lại mẹ. Mẹ cậu bảo cậu đem cho mẹ ly nước, thì cậu thắc mắc vô cớ: - Sao mẹ sai bảo con… - Con tốt, con phải tốt với mẹ nữa chứ! Mẹ nhờ con có ly nước uống, sao con không phụ mẹ. - Mẹ có cho con được gì nhiều đâu nào… - Lạ chưa, sao con lại nói vậy!- Chị rất giận, vì Hồng Phát trả lời với chị như thế. - Chỉ có ly nước thôi, mà sinh ra chuyện như thế. Bà Phù Ái nhỏ nhẹ: - Mẹ nhờ có ly nước mà ngươi thắc mắc đủ điều. Ngươi chưa hoàn toàn tốt hẳn, cần phải rèn luyện thêm. Nói xong, bà Phù Ái bắt Hồng Phát đứng lên tấm thảm chùi chân. Nó được làm rất tròn, mỗi tâm hình tròn có màu khác nhau. Lần đầu tiên, Hồng Phát phải xuống các tầng đất xa xưa trên tấm thảm như vậy. Nghĩa là, cậu không còn là người anh hùng như các chuyện trước. Hồng Phát bị rút vào giữa tâm, cậu bị đày rất là gian khổ. Đó là lúc An Tiêm bị lưu đày ra đảo hoang, được mang theo vợ là nàng Ba, con thơ là Hồng Phát. An Tiêm chỉ vì lỡ lời, rằng “của biếu là của đáng lo, của cho là của mắc nợ”. Nhà vua cho bao nhiêu quà cáp, An Tiêm nhận nhưng thì thào với vợ: “Ta làm gì phải tự tay làm ra mới quí, nhận quà mãi không tốt cho con người mình”. Ai đó nghe được, học lại vua Hùng thứ mười bảy nghe. Vua hiểu nhầm An Tiêm chê bai quà cáp mà mình ban, ra lệnh quân sĩ mang An Tiêm ra đảo hoang vắng, tự tay làm ra của cải như mình nói. Trên đảo hoang vu, chỉ toàn là cây trái. Mới ban đầu Hồng Phát cũng thấy thích, nhảy nhót như chú khỉ. Điệu bộ gãi má y chang, nhưng ăn trái cây chua thay cơm thì thấy khó chịu vô cùng. - Chết rồi!- Hồng Phát hiểu ra chuyện- Lần này ta phải làm sao đây? An Tiêm đi trên đảo hoang tìm muôn thú mang về, hôm có hôm không. Lần lựa, rồi cũng tìm ra được vài củ ăn thay trái cây. An Tiêm trách: - Con cũng phải tự tìm cái ăn, đó là bản năng của con người đó. Ta đâu thể nhờ người khác lo cho mình mãi được. Hồng Phát rời căn nhà lụp xụp, đi len lỏi dưới tán cây, thấy gì ăn đó. Trúng trái ngon ngọt thì te toét cười, trái chua thì lè lưỡi. Mấy con kỳ nhông, tắc kè cũng không tha. Tuy có hơi sợ rắn rít, nhưng giữa đảo hoang ai giúp mình bây giờ. Hồng Phát bắt đầu nhớ mẹ, thì ra mẹ lo cho mình rất nhiều. Hồng Phát nhờ vả An Tiêm đủ thứ, thế mà mẹ nhờ lấy ly nước uống cũng cự nự. Đang dưới nắng chang chang trên một tảng đá, chỗ mấy con chim thường đậu rỉa lông. Nó bị mất chỗ trú chân, liệng ngang đầu Hồng Phát “ị” một bệt lên đầu tóc. Hồng Phát hinh hĩnh lỗ mũi, tay bợ tóc chạy lại dòng suối, rửa sạch sẽ thì thấy có một cái hột. Bầy chim đang ăn một trái dưa đỏ, to chỉ bằng nắm tay. Hồng Phát đến xua chúng đi, lấy trái dưa mang về. Bầy chim hung dữ, chúng tấn công bằng cách “ị” xối xả trên đầu Hồng Phát. Hồng Phát chạy về đưa cho An Tiêm trái dưa, hỏi ăn được không? An Tiêm nói: - Chim ăn được, thì ta ăn được… Nói xong, An Tiêm ăn rất ngon. - Cho con một miếng với…- Hồng Phát giành ăn với An Tiêm, rồi kể công- Mang về đâu có dễ, chim nó ị tùm lum trên đầu. Nghe có vị ngọt và còn mát ruột, nên hai cha con có ý muốn lấy hột trồng lại. Nàng Ba cũng phụ giúp một tay, tài năng canh tác trút hết vào đó. Ngồi trong chòi canh chừng, nhìn cây dưa nẩy mầm vươn thẳng ra đất. Rồi ra bông và ra trái, cả nhà vui mừng hết cỡ: - Trái dưa còn nhỏ quá…Phải to như thế này này. Hồng Phát chỉ cái bụng căng tròn của mình. Cậu sực nhớ trong áo mình còn sót một miếng sôcôla: - Mình trồng lại lần nữa, thế nào trái dưa cũng to hơn cho coi. Hồng Phát ăn hết một trái dưa rồi lấy hột, âm thầm gieo vào đất. Cậu rào một mảnh đất riêng cho mình, chưa chi đã muốn chia đất. Thời gian trôi qua, cây dưa Hồng Phát trồng lớn nhanh. Cậu cho miếng sôcôla còn sót lại bón cho cây. Mấy ngày sau, trái nào trái nấy to bóng. Quạ bay tới la hét cả bầy. An Tiêm đuổi lũ quạ đi, nàng Ba cũng phụ giúp thu hoạch. Hồng Phát kể lể: - Dưa của ba trồng không hơn con…của con là hơn hết. - Con của ba mà- An Tiêm khen ngợi, Hồng Phát thích chí lắm. Thế là quả dưa hiện diện trên đảo hoang bằng cách đó, rồi được vun trồng và chăm sóc ngày một to hơn. Một hôm có chiếc tàu buôn bên Trung Hoa ghé lại, họ hỏi mua vài trái dưa ăn thử: - Hẩu hẩu…- Họ khen ngợi. - Sao? Trái hấu hả…Vậy thì gọi là dưa hấu nghe. Hồng Phát đặt tên luôn là dưa hấu. Nhà buôn đến lấy nhiều và An Tiêm bắt đầu giàu có. Dưa ngon ngọt đồn tới tai vua, vua ăn thử cũng thấy thích lắm. Nhà vua nhớ con, cho An Tiêm trở lại đất liền. Ông khen ngợi An Tiêm có chí khí, tự lập, tự cường. Chiếc bánh kỳ diệu: Bà sư Phù Ái ngẫm nghĩ một lúc, bà nhớ ra đã truyền đạt mấy khóa học vừa rồi tương đối trang bị cho Hồng Phát một số kiến thức sơ đẳng, nhưng bà cũng lo rằng Hồng Phát phải có thể hình to cao mới làm nên chuyện. Nhưng đối với bà, việc gì cũng phải qua thử thách: - Thử thách đầu tiên chắc ta phải cậy nhờ ông tổ tổ ta: Phù Đổng Thiên Vương. Một mình cậu bé này không thể một mình xông pha trận mạt nhưng phải giúp ông tổ tổ ta thật lòng, phải dũng cảm. Đó là bài học ngoài chiến trường đầu tiên nữa đó. Vị sư già lấy ra một cái bánh tráng phồng, đưa cho chị. Bà nói: - Bánh tráng này ăn vào sẽ lớn nhanh chóng, nhưng chỉ tạm thời mà thôi. Nếu thằng bé giúp ích gì đó, giống như tổ tổ của ta (Phù Đổng Thiên vương) trước đây. Ta mới xem xét đề nghị của các ngươi. Ta căn dặn rằng: Cái bánh phải giữ nguyên, cắn miếng nào thì cao lớn hai mét. Còn nếu bị bể, tuỳ miếng bánh lớn nhỏ, thì cao lớn khác nhau đó. Chị nhìn đứa con mình, biết bản tính nó rất tốt, không ái ngại: - Tôi và con tôi đồng ý ạ! Nhưng cho hỏi phải thực hiện điều tốt đẹp ở đâu ạ? - Ngươi hỏi ta câu ấy ư? Tất cả các đứa bé lớn lên đều phải được trang bị bằng những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, theo thời gian xa xưa cho đến ngày hôm nay…Và phải dựa theo truyền thuyết đó. Thằng bé phải làm giống như ông tổ tổ, Phù Đổng Thiên Vương của ta, xem nó có giúp ích điều gì không? Cắn đi… Chị lo lắng một lúc, thì bà sư hối thúc tiếp: - Cắn cái bánh thằng bé đang cầm trên tay ấy… Chị hướng dẫn con mình cắn cái bánh nhẹ nhàng không bể. Đứa bé cũng nghe được bà dặn không làm bể cái bánh ấy. Bỗng chốc một luồng sáng xanh trắng loé lên nghe mát rượi. Hồng Phát lớn dần lớn dần từng chốc từng chốc. Một lúc sau thì cao hai mét, rồi trượt từ trên núi xuống nền đất, nhưng nơi đó là nơi nào thì không biết. Bà sư gật khẽ ra hiệu chị an tâm và bà đặt tên gọi Hồng Phát là Phù Đổng Địa Vương. - Tên đó hơi xấu…- Chị nói, ý như muốn giữ yên tên cũ. - Phù đổng thiên vương bay lên trời, còn cậu ta tọt xuống đất. Ta đặt tên như thế vì ngày xưa đều như vậy. * Hồng Phát, cậu giờ là Phù đổng Địa Vương nghe và hiểu mọi điều kiện mà bà sư căn dặn. Cái bánh tráng ăn vào chỉ cao lớn tạm thời. Phải làm điều gì đó tốt, bởi vì cao lớn mà không làm điều gì tốt đẹp, bà không thích. Tên bà là sư Phù Ái, nhưng cậu thấy bà ghê sợ lắm, đã thầm đặt tên lại là Thuỷ, cậu lẩm bẩm: - Tên Thuỷ khá đẹp, nhưng ghép với họ Phù rất độc ác…Nghĩa là Phù Thủy. Hồng Phát nhìn quanh, khung cảnh không làm cậu ta thích lắm. Chắc là bọn giặc Bóng Tối tàn phá làng Phù Đổng nghèo nàn như mấy ngàn năm trước. Xa xa thấy có một túp lều khói tỏa, cũ mèm. Cậu hơi chán lại đó, cậu nghĩ chắc nhà của Phù Đổng Thiên vương chứ gì…Chắc chỉ có một bà mẹ già và một cậu bé chậm lớn thôi, bà ướm thử bàn chân trời mới sinh ra cậu. Mang thai đến mười hai tháng: - Chữa trâu chứ gì, dân gian thường gọi như vậy. Từ từ đã, Hồng Phát nằm ngã lưng ra. Cậu nghĩ đến nhà của Phù Đổng Thiên Vương chắc không có chỗ nằm. Mình chỉ mặc độc một chiếc khố nên hơi mắc cỡ. Xung quanh vắng vẻ lạ thường, chi bằng mình nằm đây hóng mát, nhìn lên tán cây mát mẻ. Cậu thiu thiu ngủ, gió thổi nhè nhẹ lý tưởng cho một giấc ngủ. Một con heo nhỏ, lý do là nó nhỏ vì thuộc giống heo Mọi. Giống heo này phá phách ghê lắm, nó đi lang thang rồi cũng về nhà. Đến ủi ủi vào chân Hồng Phát. - Bực mình ghê- Hồng Phát đuổi nó đi. Nhưng nó cứ nghe mùi bánh tráng, biết có cái ăn nó cứ bám cậu mãi. - Biết ta là ai không? Phù Đổng Địa Vương đây… Con heo vụt bỏ chạy vì nhút nhát, mà Hồng Phát nghĩ nó nghe uy danh Phù Đổng Địa Vương nó sợ. - Ơ…Sao mình không cho nó một miếng bánh tráng nhỉ… Hồng Phát đi tìm lại con heo. Cậu muốn thử nghiệm xem giống heo này ăn bánh tráng của mình có cao to ra không? Thí nghiệm thành công thì cậu sẽ là một chuyên gia nuôi heo giỏi. Hồng Phát vén cỏ tranh vẹt sang hai bên, vẹt sang bên này bên kia một lúc. Cậu thấy nó hinh hĩnh lỗ mũi hướng về phía cậu: - Ột…ột! - Cậu gọi nó Con heo bình tĩnh hinh hĩnh lỗ mũi ra trước, nó ra chìu đợi chờ. Hồng Phát lấy cái bánh bẻ một miếng đưa ra. Nó lùi vào cỏ tranh một chút, nhưng không chạy đi đâu. Cậu nhích lại gần, một lúc đưa cái bánh tráng vào miệng nó nhai. Con heo nhỏ nhai đi nhai lại, chờ đợi nó không thấy lớn tí nào. Hồng Phát chán lại chỗ nằm cũ, nó đi đâu mặc kệ. - Ngủ một tí…- Hồng Phát nói ai mập cũng thường hay ngủ. Giờ cậu cao to đến hai mét, mà cậu tưởng mình mập. Đang thiu thiu chưa ngủ hẳn, cậu nghe tiếng “bùm” phía bụi cỏ tranh. Hướng về phía đó, cậu thấy lồ lộ cái lưng trắng trắng nhô lên khỏi bụi cỏ tranh: - Ới! Con voi…- Cậu định bỏ chạy, nhưng con voi phải lưng đen chứ. Cậu định thần lại, nhớ ra con heo nhỏ ăn bánh của mình. Con heo lúc này cao to hai mét, bấy giờ nó đói bụng ghê lắm. Nó trở ra tìm Hồng Phát, cái lỗ mũi bây giờ bằng cái thúng. - Ột Ột! –Nó đi tìm Hồng Phát để đòi ăn. - Phải chạy thôi! Nhưng leo lên cây hay hơn. Hồng Phát leo chót vót lên cây. Con heo lúc nhỏ phá phách ghê lắm, giờ nó cao to đến hai mét chịu sao nổi. - Chỉ cái mũi nó bằng cái thúng rồi, ủi vào mình nhột chịu sao nổi… Hồng Phát phải nắm chắc một nhành cây to, con heo ngứa lưng tựa vào cây gãi là muốn rớt rồi. Bỗng nhiên, mấy ngọn giáo từ đâu bay ra tới tấp. Con heo bị một mũi vào mông, “ét” lên bỏ chạy. Một đám bốn tên giặc Bóng tối từ trong bụi tranh phóng ra, đuổi theo con heo. Bọn Bóng Tối tuy không cao đến hai mét nhưng có đến bốn người, Hồng Phát không thể nào đánh lại bọn chúng. - Thôi kệ bọn chúng đi.- Hồng Phát nhút nhát, núp êm ái trên nhánh cây to. Bọn chúng không nhận thấy cậu ta. Bọn Bóng Tối này cướp bóc ghê lắm, con heo to béo thế kia làm sao chúng bỏ qua được. Nhưng nếu mình cứ nhút nhát thế này, không làm việc gì đại loại là tốt thì e bà Phù Ái…Thuỷ chứ Ái gì, sẽ không cho cậu trở về, và cũng không cho cái bánh nào ăn để cao lớn mãi mãi. Bây giờ cậu phải tìm cứu giúp con heo, tại mình cho nó ăn. Bọn giặc tấc nhiên thèm thịt heo, thì nó nguy khốn. Hồng Phát nhanh chóng leo xuống cây đa, lần mò theo tiếng rống. Đám giặc đã trói con heo bốn cẳng đưa lên trời, nhưng khiêng đi không nổi. May mà chúng không đem theo dao, đang tìm những cục đá sắc cạnh để xẻ thịt. Núp trong bụi, Hồng Phát bẻ một miếng bánh tráng. Cậu hy vọng xem có thể thêm một miếng bánh nữa, cao lớn ra thêm không…Ai dè cũng vậy. Ghét quá, vì tầm vóc cỡ này cũng không làm lại bốn tên Bóng Tối kia đâu, nên Hồng Phát đập bể cái báng tráng nhiều mảnh. Bà Phù Thuỷ…í…Bà Phù Ái có căn dặn, bánh tráng bể là lớn nhỏ thất thường…thử xem. Hồng Phát cầm một miếng to to đưa vào miệng. Cậu đang to dần to dần, núp trong đám cỏ tranh nhưng cái lưng cậu nhô cao chót vót. - Ái chà…- Cậu nhìn mấy mảnh bánh tráng bị bể, phải gom lại cần khi hữu sự. Lỡ như con heo thoát thân, nó lao vào đây ăn hết bánh của mình. Hồng Phát gom hết vào cái bị. Một miếng còn sót cậu ta sơ ý bỏ vào miệng, đột ngột bị teo lại như cũ: - Ới… Cậu định đứng lên để hù bọn giặc, mai là bọn chúng đang tìm cách xẻ thịt con heo nên không chú ý. Cậu loay hoay tìm cách giải mã xem số bánh bị bể tác dụng như thế nào? Thò tay vào lấy một miếng nhỏ miếng lớn, cậu ăn miếng nhỏ trước. Cậu bị nhỏ lại một ít, tuỳ theo tỉ lệ miếng bánh. Cậu cắn lại miếng lớn, thì chỉ cao ra một mét rưỡi thôi, vẫn còn thua tầm vóc của bọn giặc. Tiếng xào xạc trong bụi tranh làm chúng chú ý. Một tên hướng về phía Hồng Phát, nghĩ là một con heo khác nữa. Tên giặc lấy đà để phóng mũi lao đi. - Miếng nhỏ là nhỏ lại nữa, miếng lớn là lớn lên…- Hồng Phát lẩm nhẩm sợ lộn, nên kỹ lưỡng thò tay vào bị lấy hai miếng lớn. Cậu nhanh chóng đưa từng miếng vào miệng. Tên Bóng Tối định phóng nhanh mũi lao ra, có thể Hồng Phát không đưa miếng bánh vào miệng kịp. Nhưng tưởng một con heo nữa, e trúng vào mông, bỏ chạy hắn đuổi theo hơi mệt, nên lần này tên giặc muốn tìm ngay tim con heo mới phóng lao. Hồng Phát đã ăn bánh xong, đang cao to cao to dần. Nằm mọp trong bụi tranh giờ nhô người lên trên gấp đôi. - Ới…Người voi!- Tên Bóng Tối la hét, cả bọn ngước nhìn- chạy nhanh thôi… Hồng Phát bò đến gần con heo, nó cũng gống thét sợ hãi vang vọng núi đồi. Chịu không nổi, Hồng Phát cằn nhằn: - Tao đến cứu mày đó, nín đi… Hồng Phát tháo mấy dây rừng cột chặt chân con heo ra, nó bỏ chạy về nhà Phù Đổng Thiên Vương thụt mạng. * Lúc bấy giờ, bọn Bóng Tối đã kéo rầm rộ đến chân núi Quế vỏ. Nhiều người gọi tục là núi Trâu, cách làng Gióng không bao xa nữa. Bà con chờ đợi sứ giả đến có vẻ nóng ruột, túm tụm tại nhà ông bà lão ngóng chờ tin tức. Họ còn tiếp giúp bà lão nấu cơm cho thánh Gióng ăn, một mình bà lão không thể nào nấu ăn kịp. Bà con không ai còn gạo nhiều, ông bà lão cũng bắt đầu xót ruột. Họ nhìn thấy con heo to mập chạy về, ai ai cũng mừng rỡ: - Ô! Một con heo to mập kìa…- Mọi người chỉ tay ra ngoài- Làm thịt cho cậu bé Gióng ăn thôi…khoẻ rồi. Con Heo mới chạy thụt mạng, giờ tiếp tục bị đuổi bắt. Hồng Phát vội núp lại bên ngoài, xem người ta định thịt con heo…chắc mình cũng có công giúp Phù Đổng Thiên Vương mau lớn, đánh bọn Bóng Tối giữ nước là nhiệm vụ của mọi người. Tiếng vó ngựa đã đến thật gần, vì những món đồ cần dùng của Cậu bé đều bằng sắt. Sức người khuân vác đâu có xuể, lại thêm đường xá lúc ấy rất khó khăn. Bọn giặc đến, vó bụi tung bay mờ mịt một vùng. Bọn Bóng Tối đốt làng cướp của, phần lớn là heo bò trâu dê của bà con nuôi nấng cực nhọc. Bọn giặc mặt mày dữ tợn, con nít khóc la òm trời đất. Trong khi đó, từ Phú Thọ nơi vua ngự đến làng Gióng, xa cả chục cây số. Tải số đồ sắt không thể một sớm một chiều, rối ren trăm bề. Cuối cùng, sứ giả đã thấp thoáng phía cánh rừng, không tài nào nhích thêm được nữa. Những thứ đồ dùng bằng sắt nặng cả tấn, người ngựa đều mệt nhoài. Họ đã thấy căn nhà của cậu bé Gióng, nhưng sức người có hạng. - Thôi để ta ra đấy! Chờ họ mang đến chắc mấy ngày. Nói xong, Cậu bé đứng vụt dậy trở thành tráng sĩ. Chiều cao có đến ba mét ba mươi ba nên tráng sĩ đi mấy bước là đến chỗ sứ giả. Tráng sĩ nhìn kỹ con ngựa sắt, hoàn toàn giống như con ngựa thật. Chàng trai liền leo lên rồi vỗ vào mông con ngựa mấy cái. Ngựa liền hí dài vang dội, làm mọi người phải bỏ chạy ra xa. Con Heo mới vừa cột chân, chưa kịp làm thịt, còn nằm chèo veo. Ngựa sắt tung chân trước cao mấy thước, rồi quay đầu xông thẳng vào đám giặc đang đốt làng, cướp của. Nhắc lại Phù đổng Địa vương, lo chúi mũi đuổi theo con heo mập. Phải chi đến sớm, Phù Đổng Thiên Vương còn có thịt heo ăn, nhà hết gạo rồi. Đó là lúc sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt và áo giáp đến. Bỗng chốc cậu bé Gióng cao lớn lên ba mét. Trở thành tráng sĩ leo lên ngựa sắt đuổi đánh bọn Bóng Tối. Đánh đến gãy cây roi sắt, bèn nhổ bụi tre ngà đánh tiếp. Hồng Phát đi ra ngoài chào bà con, ai ai cũng vui vẻ thấy cậu to khoẻ. Cậu lại cởi dây trói cho con heo: - Ta cứu ngươi lần nữa đấy nhé! Vậy ngươi làm ngựa…í…làm heo cho ta cưỡi. Nói xong, Hồng Phát leo lên con heo. Nó vùn vằn như chú bò tót Tây Ban Nha, hất tung Hồng Phát xuống đất. - Ui da!...Làm thịt à! Con Heo nghe Hồng Phát doạ thế, mới chịu đứng yên cho Hồng Phát leo lên. Hồng Phát lượm hai thanh sắt gãy, xông pha theo. Có thánh Gióng đi đầu nên không sợ mấy tên giặc nọ. Con heo giờ cũng góp công đánh giặc, bằng cách giẫm đạp lên người mấy tên giặc Bóng Tối. Sau khi tráng sĩ Gióng xông vào quân giặc, đánh gãy hai cây roi sắt rồi nhổ bụi tre làng đánh tiếp. Hồng Phát cưỡi heo núp phía sau, nhờ thánh Gióng che chắn tên bắn tới. Cuối cùng, cậu cũng chụp một thằng giặc, định lấy cây sắt gãy nện cho nó một trận. Nó la oai oải: - Bên mình mà… - Bên ta, sao ngươi mặc áo của giặc… - Dạ! Vì nước ta chỉ đóng khố thôi…Em lạnh thấy mồ, nên lấy áo của tụi nó mặc cho ấm. Anh nhìn coi, dưới này chỉ quấn lá chuối thôi. Hắn ta dỡ áo lên. Đúng là ở dưới chỉ quấn khố bằng lá chuối. Hồng Phát tha cho hắn, nhưng con heo thì không. Sẵn có lỗ mũi to bằng cái thúng, hất đít hắn lăn lộn mấy vòng. Hắn sợ quá, cởi phăng cái áo bỏ chạy. Bóng Tối chia làm hai cánh. Một đối diện, một cánh đánh thọc sườn. Phù Đổng thiên vương đánh trực diện với kẻ thù. Hồng Phát núp phía sau, ai dè bị cánh thọc sườn kéo tới đánh tới tấp. Bốn tên Bóng Tối bắt con heo vuột, gặp phải người voi là Hồng Phát nên bỏ chạy. Giờ cả bốn tên đều nằm ở cánh thọc sườn. - Bây giờ, người voi không lớn bằng khi nảy, đừng sợ nữa…xông lên… - Xông lên… Trong khi đó, Phù Đổng Thiên Vương mải miết đánh ở phía trước, không quan lắm ở cánh thọc sườn. Hồng Phát la ai ải: - Ta là Phù Đổng Địa Vương đây…Cũng mạnh khoẻ ngang ngửa Phù Đổng Thiên Vương đó. La hét cho bọn Bóng Tối sợ, nhưng hoàn toàn không một tên nào sợ. Còn Phù Đổng Thiên Vương tưởng Hồng Phát mạnh ngang ngửa mình thật nên cứ xông pha lên phía trước mãi. Hồng Phát kẹt quá, nhắm mắt nhắm mũi quơ đại hai thanh sắt gãy. Trúng một vài tên, nhưng thằng đầu đàn võ nghệ cao cường áp sát. Nó nhảy qua nhảy lại. Con heo quá mập không thấy hắn đâu cả. Quay ra sau tìm, thì bốn tên Bóng Tối vào ôm chặt chân con heo. Hồng Phát té chúi nhũi. Con heo và Hồng Phát đều bị trói gô lại. Trong khi đó, Phù Đổng Thiên Vương đánh bọn Bóng Tối phía trực diện tơi tả. Leo lên ngọn đồi kiếm tìm chúng trốn ở đâu, mới hay phía sau mình Hồng Phát bị trói gô lại. Phù Đổng Thiên Vương quay lại, con ngựa sắt tung bốn vó sãi dài như ngựa đua. Xông vào cánh thọc sườn của bọn Bóng Tối. Quân giặc chạy tung toé, những tên ngoan cố bị Phù Đổng Thiên Vương quất tre vào người sưng mày sưng mặt. Con ngựa sắt phun lửa khè khè, đốt cháy một làng quân giặc đang chiếm giữ. Làng cháy rụi, nên người ta gọi là làng Cháy. Quân giặc nóng bỏng, quần áo cháy nám đen. Có tên khôn ngoan cởi bỏ hết, trần truồng chạy tìm vũng nước dơ. Hồng Phát đưa tay vào lửa để đốt sợi dây trói, rồi tháo cả dây trói cho “con ngựa” mập của mình. Con heo của Hồng Phát giờ cũng khôn lanh. Nó lựa những tên hèn nhát, ủi vào đít cho té nghiêng té ngửa chơi. - Giờ có thêm Phù Đổng Địa Vương cưỡi heo, ai chịu cho nỗi. Mấy tên giặc nịnh nọt, chạy có cờ. Hồng Phát được khen, sẵn dịp gào thét ỏm tỏi: - Xông lên… Mấy tên giặc quá sợ sệt, kéo chạy về hướng Bắc. Phù Đổng Thiên Vương mỏi tay quay lại bảo: - Ngươi lên trước một chút coi. Hồng Phát lắc đầu: - Phù Đổng Thiên Vương có ngựa bằng sắt, áo giáp bằng sắt. Ta ở trần trùi trịu thế này, lại cưỡi con heo. Tên bắn trúng chịu sao nỗi. Con ngựa của Phù Đổng Thiên Vương khè lửa, con heo nghe nóng quá chạy lùi lại. Bóng Tối lớp đầu hàng, lớp chạy về biển. Phù Đổng Thiên Vương lên ngọn núi Sóc Sơn, thấy chỉ còn vài tên giặc, nên cởi giáp sắt bỏ lại rồi bay về trời. Còn một mình Hồng Phát ở lại, mượn tạm áo giáp sắt mặc vào. Nhưng cũng chỉ hù hù mấy tên giặc còn sót lại, bọn chúng cũng đủ chạy có cờ rồi. Bà con tung hô, rồi chỉ con heo: - Mình làm thịt con heo này, ăn mừng chiến thắng đi… - Không được!- Hồng Phát tiếc nuối- Dù sao thì nó cũng có công đánh giặc. Ai đó, tức quá đập tay vào mông nó. Đụng phải chổ phỏng, nó la “en ét” chạy ra chỗ cây Đa. Hất Hồng Phát té lăn mấy vòng xuống đất, chạy trốn cho nhẹ. Bà con rượt theo phía sau trấn an: - Chỉ lấy giống thôi.- Mọi người đâm đầu đuổi theo tới cùng. Có đánh trận với Thuỷ tinh, mới hiểu chàng: Trở lại, Hồng Phát nhỏ bé lại như xưa, có điều bên mình còn cất giữ mấy miếng bánh tráng. Bà Phù Ái biểu hiện trầm tư, không khen ngợi mà còn trách cứ: - Ta không hài lòng, nhà ngươi chỉ chạy sau lưng ông tổ tổ của ta mà thôi. Việc đánh giặc Bóng Tối giữ nước là việc tốt, nhưng đợi người khác đi trước, còn mình đi sau đâu có hay… Chị hỏi bà: - Vậy bà cần Hồng Phát làm gì nữa? - Ta cần thấy thêm rằng, thằng bé không những cần phải gan dạ mà còn xử lý những tình huống thế nào. Bây giờ ta xem nó đánh với Thuỷ tinh thế nào? - Sao? - Mẹ của Hồng Phát thốt lên thay con trai mình- Bà định cho bé giao đấu với ai? - Thuỷ tinh ở dưới nước, trước là quân của bọn Bóng Tối. Hắn đã đến chân núi kia rồi - Bà Phù Ái nói như đinh đóng cột. - Mình không giao đấu, mà mình thu phục được không? – Hồng Phát sợ, gợi ý với bà sư Phù Ái. - Ngươi làm sao đó ngươi làm. Chị chỉ biết chấp nhận chứ không dám phản ứng, mặc dù mình cực nhọc nhưng cũng có cái lợi cho nó. Hồi nhỏ câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ tinh nằm lòng với tuổi thơ của chị, có một bài ca chị còn nhớ được đoạn đầu: “ Nhớ Thuở xưa kia, non nước an lạc thái bình (Thái thái bình) Muôn cây xinh tươi, có cô Mỵ nương tuổi xuân vừa lên đôi tám. Cô xinh như hoa, đẹp như tiên nga, non bồng dáng xinh (non bồng dáng xinh- 2 lần)…….” Chị vừa ca nho nhỏ đoạn đầu, nhớ lại trước đây mình đóng vai Mỵ nương chứ ai. Hai người bạn trai hàng xóm, một trắng trẻo thì đóng vai Sơn tinh (đúng ra là ngược lại, vì trên rừng núi ai mà trắng); Còn anh bạn đen đúa thì đóng vai Thuỷ tinh. Ngày nay, các cô kể cho các em mẫu giáo nghe loáng qua, nhưng không có những tiết mục múa ca như ngày xưa, nên chị lúc nào cũng nhớ mãi. Ngày nay chỉ chạy theo số lượng cổ tích, cho có kể, có nghe. Còn nhớ hay không mặc cho các bé, đến độ các câu chuyện bị biến tấu nhiều. Chẳng hạn Thuỷ tinh có răng nanh, rồi có bé không chịu uống nước, nói Thuỷ tinh là cái ly và không suy xét gì nhiều. Cho nên, chị thà gợi lại câu chuyện, xen vào phần ứng xử, cốt để truyền thuyết vào lòng các bé. Chị kể câu chuyện lại cho Hồng Phát nghe, Hồng Phát nhập tâm như đang trở lại thời của Sơn Tinh Thủy Tinh. Thời Sơn Tinh Thuỷ Tinh thuộc đời vua Hùng thứ 18. Vua chỉ có một người con gái tên là Mỵ nương, đẹp tuyệt trần. Nhà vua muốn gả cho ai tài giỏi. Sơn tinh và Thuỷ tinh cùng đến hỏi cưới, cả hai đều có phép thuật ngang nhau, người chỉ tay núi cao, đồng bằng cây lúa tốt tươi. Người thì gọi gió gọi mưa đến, mát mẻ. Nhà vua boăn khoăn bàn bạc với các quan thần, có ai đó đưa ra đề nghị: - Nếu hai người, ai đem lễ vật trước sẽ được cầu hôn công chúa. Lễ vật bao gồm: Một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh trưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì được rước dâu về. Hồng Phát, muốn xen vào chuyện đại sự, biết đâu đó là việc làm tốt được bà Phù Ái khen ngợi. - Thưa vua, ta là Phù Đổng Địa vương đây! Ta có tên như vậy, vì phần lớn chui dưới đất hơn là bay lên trời…. Giải thích sơ sơ uy danh của mình, Hồng Phát tiếp tục can gián: - Chúng ta có thiên vị Sơn tinh quá không vậy? Vua Hùng Vương nhìn kỹ Hồng Phát một hồi, cũng hỏi cho có lý có tình. - Ý ngươi là sao? - Từ lễ vật nói lên điều đó. Một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh trưng, đều từ cây lúa…Ở dưới nước làm sao Thuỷ tinh kiếm được? - Ngươi có ý bênh vực Thuỷ tinh? - Tôi chỉ muốn nói lẽ phải thôi, chứ không bênh ai hết. Nhà vua ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu: - Lời vua ban ra rồi phải tuân theo…Vả lại lúa gạo cũng dễ kiếm lắm… - Thôi thì cơm nếp với bánh chưng cũng được đi- Hồng Phát cố thương lượng- Nhưng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, đều ở trong rừng thuộc đất của Sơn Tinh. Thuỷ tinh ở dưới nước, nếu vua cho lễ vật là bạch tuột chín chân, cá voi chín đuôi, cá nhà táng chín vòi phun nước. Sức mấy mà Sơn tinh tìm được… đúng không? Nhà vua ỡm ờ, các quan xì xào. Ai cũng nhìn Hồng Phát không nể nang, mà còn cho là nhiều chuyện. Một quan bước ra, áo mão cân đai đàng hoàng. Nhìn Hồng Phát có độc một cái khố quấn quanh dưới mông, khinh khi: - Chắn hắn là phe của Thuỷ tinh! Thế là Hồng Phát bị đuổi ra ngoài, nên tức giận lẩm bẩm: - Xử sự ẩu trĩ như vậy. Thuỷ tinh không tức giận, quậy sao được? Ngày hôm sau, Sơn tinh mang lễ vật đến trước và rước Mỵ nương về núi. Còn Thuỷ tinh đến sau, rồi hậm hực đuổi theo. Đem hai cây sắt xuống chân núi, Hồng Phát tưởng tượng mình có mặt vào thời vua Hùng. Gặp Thủy Tinh như sực tỉnh lại. Thuỷ tinh hô mưa gọi gió, làm thành giông bão, sấm chớp rung chuyển cả trời đất, dâng nước sông lên cuồn cuộn. Nước ngập lúa, ngập nhà cửa. Hồng Phát xông pha trong gió mưa, hai khúc sắt cắm vào đất, làm cây thu lôi. Thuỷ tinh đánh sét xuống, cây thu lôi hút hết. Thuỷ tinh hơi mệt liền hỏi: - Ngươi là ai mà bạo gan muốn chiến đấu với ta. - Ta không là ai cả, ta đã từng bênh vực ngươi trước mặt vua đấy… - Ngươi bênh vực thế nào… - Ta nói vua có vẻ thiên vị Sơn Tinh. Nếu quà cưới là bạch tuột chín chân, cá voi chín đuôi, cá nhà táng chín vòi phun nước, chưa chắc Sơn tinh thắng. - Ờ! Ngươi nói đúng đó…Sơn tinh có kiếm được, cũng sức mấy khiêng nổi. Im lặng có vẻ buồn buồn nhớ Mỵ nương, Thuỷ tinh trầm giọng: - Chính vì ngươi có ý bênh vực ta, nên ta không muốn chiến đấu với ngươi nữa. Thôi ta đi đây, hẹn năm sau … Hồng Phát bám theo khuyên giải: - Mình yêu ai phải cao thượng, đừng đánh nhau ì xèo, quậy phá hạnh phúc của người ta. - Khoan kết luận xem ai quậy hơn ai. Tình yêu của họ ta biết, yêu cũng phải có ăn mới hạnh phúc chứ. Hỏi ngươi gió mưa, cây cỏ tốt tươi, ruộng lúa phì nhiêu là công của ai. - À…Nhà ngươi… - Đấy! Ta giúp họ hạnh phúc hơn. Nhưng vừa gặp mặt thì lại sợ ta quậy, có phải vì yêu nên quá ghen. Ta mới có lãng vãng là lo lắng rồi. - Ngươi nói ngươi không quậy. Năm nào ngươi cũng làm ngập lụt hết các cánh đồng, mưa bão thất thường. - Ta có quậy gì đâu!- Thuỷ tinh phân bua- Ta còn giúp họ nữa là đằng khác. - Ngươi nói không quậy, nhưng hỏi ngươi ai làm nước ngập lụt. - Ta bị hàm oan đó thôi, đều là người của Sơn Tinh làm ra… - Là sao? Ngươi giải thích ra coi. Ta bự con vậy chứ còn khờ lắm. Thuỷ tinh trình bày: - Thứ nhất ta hỏi ngươi. Trái đất không có nước, hỏi có sự sống không? - Ờ! Không…Nhưng ngươi quậy quá ai chịu nổi… Thuỷ tinh thở dài, mình phải nói để mọi người cùng hiểu. Mặc dù nỗi oan thường làm cho người ta giải thích lung tung: - Nhà vua cho tìm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao làm gì có. Sơn tinh dùng phép thuật hay sao ấy, rồi người ta tin là có. Người của Sơn tinh vào rừng kiếm tìm, rồi quá tay săn bắt thú, rồi còn đốn cây chặt củi. Rừng từ từ cạn kiệt, không khí ô nhiễm. Trái đất từ từ nóng dần lên. Ta phải ra tay nhanh gột rửa cho họ, chẳng qua đó là hiệu ứng lồng kính do họ làm đó thôi. Ta làm mưa, hồ thuỷ điện có nước có điện, nhiều nơi hạn hán làm lợi cả chục tỉ đồng. Mùa màng xanh ngát, không khí mát mẻ, đường xá không bụi bậm. Ta làm bão, vì phải nhanh chóng gột rửa, chan hoà nóng lạnh. Cây rừng mọc nhanh chóng lại, bởi vì người của Sơn tinh thiếu trách nhiệm với tự nhiên. Không nhận lỗi mà còn đỗ thừa ta làm, mấy ngàn năm nay ta rất buồn. - Nước phăng cuồn cuồn trên núi, cuốn trôi nhiều nhà cửa là lỗi của ai? - Ta đem nước đến. Sơn tinh sợ dời núi dời đồi, chặn nước chặn dòng…Còn người của Sơn tinh chặt phá rừng thành đất trống đồi trọc, không có vật cản nước. Thử hỏi không thành lũ sao được. Mưa nhỏ cũng lũ, mưa lớn cũng lũ, không lẽ ta không mưa… Nói đến đó, Hồng Phát nghe hiểu hiểu ra vấn đề. Hồng Phát nghĩ lỗi là do quan niệm do người của Sơn tinh nhiều hơn. Hồng Phát gật gù, có lẽ Thuỷ tinh nói đúng. Nhìn vào môi trường tự nhiên rõ ràng hoàn toàn là lỗi do người của Sơn Tinh. Hồng Phát phải hỏi kỷ, kẻo năm sau Thuỷ tinh không đến nữa hơi buồn: - Vậy năm sau ngươi có trở lại không? - Ta nói là ta giúp họ hơn là hại họ, tính ta nghĩa hiệp từ lâu rồi… - Thế ngươi có muốn giao đấu với người của Sơn Tinh nữa không? - Giao đấu ư, chỉ người của Sơn tinh giao đấu với nhau, chứ ta mắc mớ gì. Tự họ có biết bảo vệ cây rừng, biết dừng không thải khí lên trời…Những việc đó, đủ để họ tranh đấu với nhau rồi…Nếu ngươi sợ ta đến quậy họ, thì thôi ta không mưa, không gió, không bão… - Ê đừng, không mưa thiếu nước chịu sao nỗi, không gió nóng nực…Ngươi cứ đến nhưng đừng làm ngập lụt… - Còn ngập lụt, ngập đường, ta nói không phải lỗi của ta à nha! Thôi mới đánh nhau thở không ra hơi, cãi chây với ngươi hoài mệt quá. Ta đi đây, hẹn năm sau gặp lại. - Good bye, sea you again!- Hồng Phát chào Thuỷ tinh không quấy rối chàng ta nữa. Trở về, nói lại với sư Phù ái. Sư Phù Ái tỏ tường một đôi điều, nhưng rồi cũng phàn nàn: - Ngươi có nhận thức tốt là bước đầu. Ta chỉ chấp nhận thằng bé này làm theo nhận thức đó như thế nào mà thôi. Phải làm cụ thể như thế nào đó, mới được coi là việc tốt. Cụ thể giữ gìn môi trường như thế nào, giải thích mọi người không được chặt phá cây rừng, tiết kiệm năng lượng ra sao? Để không xảy ra hiệu ứng lồng kính. Hồng Phát góp công góp sức vào việc đánh bọn giặc Bóng Tối. Bước đầu, Làng Gióng bình yên không thấy bọn chúng bén mảng đến nữa. Chắc chắn, bà sư Phù Ái hài lòng xem đó là việc làm tốt, sẽ cho biết Phù Đổng Thiên Vương ăn gì chóng lớn. Giờ cậu trở lại dáng vóc nhỏ lại như trước, thấy có một lớp học mẫu giáo mà cô giáo đi đâu không biết. Hồng Phát thèm vào học quá, nhưng lại gây gổ với những bạn kia không cho vào: - Mình chấp hết cả lớp đó!- Hồng Phát thách đố các bạn. Còn vài miếng bánh tráng, cậu ta lấy ra ăn và cao lớn hơn mấy đứa đứa trẻ kia. Hồng Phát càng thách đố: - Cứ đánh mình đi! Mình không đánh đáp trả lại các bạn đâu, mình nói thiệt đó. Tuy vậy các bạn ngần ngừ không dám đánh. Cô giáo nghe nhao nhao, trở về xem. Thấy cô giáo, Hồng Phát sợ quá bị teo nhỏ lại như trước, thì ra cái bánh còn hạn chế. Nếu ai ăn bánh mà sợ sệt gì đó, thì sẽ nhỏ lại như trước. Các bạn nhỏ bu quanh, đứa đánh vào mông, đứa vào mặt. Về lại chùa, bà sư Phù Ái hỏi: - Tại sao mặt mày ngươi như thế? - Một mình con chấp cả lớp…Tụi nó đánh con sưng mặt. - Đánh giặc Bóng tối không bị gì, ai biểu ngươi hùng hổ vào lớp học của người ta. Giặc đến phải hùng hổ chống trả, còn người trong nhà đều cùng một dòng giống, phải yêu thương đoàn kết lẫn nhau. - Dạ!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.09.2011 17:00:05 bởi clietc >
Tầm sư học đạo: Hai mẹ con cố vượt qua mọi gian nan, theo lời bà Sư tìm ra làng Phù Đổng. Ở đây, Bọn Thế lực Bóng tối chưa mon men tới nhiều, có thể nhờ cậy nơi đây nương náu một thời gian. Chị mang con ra làng Phù Đổng, chị muốn xác minh lại câu chuyện ấy có thực không? Hay chỉ là câu chuyện của một bà mẹ nào đó có hoàn cảnh giống như chị, rồi hư cấu. Ai cũng nói tìm lại câu chuyện ấy là phải tin là có thật, niềm tin sẽ được trả công. Chị đầy ấp niềm tin, cho nên chị quyết chí ra làng Phù Đổng là vậy. Chị muốn tìm gởi con tại một ngôi chùa. Một vị sư phải ở một ngôi chùa nhưng chùa nào? Chị cố tìm ngôi chùa tốt cho Hồng Phát nương náu, rồi lân la dọ hỏi tin tức các bà sư . Người ta đồn thổi, một ngôi chùa ở Làng Gióng tên là Giác duyên. Nếu gởi cậu ở đó tu hành, học tập… Hai mẹ con chị trèo lên núi, tìm thấy được chùa Giác duyên như mọi người nói. Các sư sãi ở đó lại cho biết, muốn gặp được sư Phù Ái phải lên thêm một ngọn núi nữa kia, rằng sư Phù Ái rất khó tính, đòi hỏi nhiều điều kiện mới hòng lấy được thông tin cần thiết. Rằng có thể cậu sẽ khỏe mạnh và thông minh, còn việc đánh lại bọn Thế lực Bóng Tối hay không phải gặp được sư Phù Ái. Nhưng bà ấy là một người khó tính, chứ không phải dễ dàng đồng ý dạy phép con chị như chị nghĩ. Vậy thì loại thức ăn gì để lớn nhanh như thổi, không thể lấy một cách đơn giản chút nào, đủ thứ thử thách làm bà toại nguyện mới có thể bà đưa cho. Leo trèo thêm một ngọn núi nữa, hai mẹ con gặp sư Phù Ái. Bà ngồi thiền trên một tảng đá, mây bao quanh rất huyền bí. Hai người sụp quì lạy nhưng chưa nói gì thì bà hiểu hết mọi chuyện. Đúng như là mọi người căn dặn và quả là bà đòi hỏi đủ thứ: - Thưa sư bà! Chúng tôi đã đến làng Phù Đổng, đã tìm được chùa Giác Duyên, đã gặp được sư. Mong sư dạy cháu, để nó lớn lên giống mọi người. - Lớn mà không thông minh, không tốt, không giúp cho đời lớn nhanh làm gì? - Mong bà giúp cho cháu…Bà mong muốn gì ở cháu, cháu sẽ cố gắng. - …Thằng bé phải qua nhiều thử thách đấy! Trước tiên phải học lễ nghĩa nhớ về cội nguồn, sau mới học văn võ để cứu thế gian... Niềm tin đã có và tới ngọn núi này, không lẽ hoảng sợ thì vuột mất thành công. Chị bình tĩnh nhìn thẳng sư, không ái ngại. Muốn chứng tỏ gan dạ cho con thấy, phải quyết chí đến cùng: - Những thử thách ấy đã qua, không lẽ những thử thách tiếp theo bị chùn chân thì trở thành vô nghĩa. Cho nên không ngán ngại thêm bất cứ một thử thách nào. Miễn sao thằng bé được ăn thức ăn mà Phù Đổng Thiên Vương ăn trước đây. - Ngươi không biết đấy! Ý ta là: Mọi người lớn lên mà không làm ra chuyện trò trống gì, thì lớn để làm gì. Thằng bé cần phải trải qua việc học tập và trãi qua nhiều thử thách là để kiểm nghiệm xem hắn lớn nhanh như thổi, hắn có giúp ích đất nước như ông tổ tổ của ta không? - Thưa sư bà, hãy ra điều kiện thử thách… - Các ngươi về lại chùa đi, ba ngày nữa ta sẽ đến đấy. Chị đưa Hồng Phát về lại chùa Giác Duyên. Vài ngày sau, bà sư Phù Ái soạn ra một giáo huấn để dạy bảo Hồng Phát. Khi trở lại chùa, bà vừa đút Hồng Phát ăn vừa kể chuyện cho nghe. Bà kể lại các truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con, bà kể chuyện Phù Đổng Thiên Vương, và cả Sơn tinh Thủy tinh. Hồng Phát ngậm suốt mà không chịu nhai, bà sư không khỏi khó chịu: - Nhà ngươi cứ ngậm mãi như thế là không thể nào trở thành vị anh hùng cứu thế gian này được đâu. Ăn đi, ta sẽ cho ngươi thỏi sôcôla. - Sôcôla đâu?- Hồng Phát muốn thấy mới chịu ăn. Bà sư lấy trong tay áo ra thỏi sôcôla và viên ngọc bích chói lòa, Hồng Phát tựa như mê say nhìn ngắm. Trong ánh sáng xanh, Hồng Phát hòa nhập vào các truyền thuyết bà kể như người trong cuộc.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.08.2011 15:34:03 bởi clietc >
Thỏi sôcôla bùa phép: Mọi người ngồi xoay tròn, bà sư Phù Ái ngồi chính giữa đưa thỏi sôcôla lên đầu. Tất cả đều râm rang kinh kệ, rất huyền bí. Cuối cùng thỏi Sôcôla được để lên bàn, ánh sáng ngũ sắc luôn loé lên đủ màu. Họ hội thảo nhau kỹ lưởng, ý như thỏi sôcôla được bùa phép có công dụng gì. Không ai nói ra, mà chỉ đưa Hồng Phát: - Tuỳ cơ ứng biến, nếu con thông minh rồi con sẽ hiểu. Sư Phù Ái chúm chím nói với chị (mẹ của Hồng Phát): - Ai lớn cũng phải tốt và thông minh. Vậy là, ý bà Sư Phù Ái lần này muốn thử tài trí thông minh của Hồng Phát. Bà mong mỏi trẻ em nào cũng vậy, lớn lên phải làm được việc tốt. Muốn lớn mau chóng, phải thông minh mới giúp người. Chứ không tốt không thông minh, thì lớn nhanh làm chi. Nghĩa là Hồng Phát phải tự đối phó với thỏi sôcôla, nó đã được bùa phép và tác dụng như thế nào phải thử mới biết. Hồng Phát như bị thôi miên vào ánh sáng ngũ sắc ấy, nhất là ánh sáng xanh của viên Tinh Ngọc. Lân lân cậu vào trong trứng của mẹ Âu cơ. Bà sư Phù Ái làm phép, giúp cậu lùi về thời gian hơn bốn nghìn năm trước, vào trong trứng của mẹ Âu Cơ. Bà làm thế, để Hồng Phát hiểu sâu sát truyền thuyết hơn, hòng cho Hồng Phát thấy thời kỳ dựng nước và giữ nước. Hồng Phát như có mặt tại những thời điểm đó. Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, dòng giống tiên rồng nên chỉ thích ở dưới nước mát mẻ. Còn Âu cơ là con của vua Đế Lai. Lạc Long Quân thấy Âu cơ xinh đẹp nên lấy nàng làm vợ, và sinh được một trăm trứng. Hai người rất hạnh phúc, vì đó là dòng giống rồng tiên, là người dân Việt sau này: - Ai nở ra trước, là con trai trưởng. Ta sẽ truyền ngôi cho. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ, rồi bị nhảy mũi nhiều lần: - Ta quen ở dưới nước, lên bờ dễ cảm nắng. Nàng coi chừng các trứng giúp ta, để ta xuống nước một lát. Khi Lạc Long Quân tìm nước để trầm mình cho mát mẻ, còn lại mẹ Âu Cơ ngồi quạt. Bà cũng nóng lòng, mong chờ các con mình ra đời, cho vui nhà vui cửa. Trời nóng nực, các trứng được để trong hang. Âu Cơ thiu thiu ngủ, thỉnh thoảng quạt cho thoáng mát. Lúc đó, một làn sáng xanh từ trên tầng đất phía trên xẹt nhanh xuống. Âu Cơ giựt mình mở mắt, có một trứng nào đó hơi sáng sáng. Bà ngó xem chừng, mừng vui rồi ngủ tiếp. Hồng Phát tọt quá nhanh xuống các tầng đất, lọt vào một trứng. Loay quay trong trứng rất khó chịu. Tư thế nằm như hột vịt lộn, muốn đưa tay gãi đầu một cái cũng rất khó. Bà Âu Cơ thấy một trứng nhúc nhích, bà đến gõ tay nhè nhẹ. Hồng Phát nghe tín hiệu, càng cố vùng vẫy. Được một lúc, vỏ trứng nứt ra. Ánh sáng mặt trời chói lòa, ở trong đó tối om giờ thấy đường chút ít. Hồng Phát vùng vẫy thêm mấy cái nữa, trứng vỡ đôi. Ngột thở nãy giờ, nên Hồng Phát hít thở một thôi một hồi. Giờ nghe khoẻ khoắn, đứng lên. Ai dè bị co ro trong trứng, đột ngột đứng lên chúi nhủi. Hồng Phát chúi mũi lại mẹ Âu Cơ, bà Âu yếm vuốt tóc: - Ôi! Con vịt của mẹ… “Sao?- Hồng Phát tự nhủ- Bộ mình nỏ ra, giống con vịt sao mẹ gọi thế!”. Thuở đó chưa có gương soi, nên Hồng Phát rất lo lắng. - Mẹ!..Mẹ!... - Ôi! Con vịt của mẹ biết gọi ta rồi…-Bà Âu Cơ hôn chùng chục vào trán Hồng Phát. Lạc Long Quân ngâm mình dưới nước, lên thấy Hồng Phát. Gật gật đầu hài lòng: - Nở rồi à! Lớn lên ta truyền ngôi cho vịt con nhé! Lần này, Hồng Phát tin chắc mình giống vịt thật rồi. Xung quanh, có trứng nhúc nhích trứng không. Một lát sau, một vài đứa nữa ra đời. Lạc Long Quân và Âu Cơ thôi không chăm sóc Hồng Phát nữa, không còn nựng nịu như hồi nãy. Hồng Phát còn phải trông chừng mấy đứa em mới ra lò, đứa nào đứa nấy đẹp trai. Còn mình, không hiểu sao ai cũng gọi là chú vịt. Có mấy trứng không động đậy, Hồng Phát bún lốc cốc, liền bị la mắng: - Con để cho em nó ngủ, đừng phá em. Chừng nào nở thì nở, ta đi ngâm mình chút xíu nữa đây. Hồng Phát cãi lại: - Con sợ trứng không có trống…Con bún tay thử. Lạc Long Quân vừa đi ra ngoài hang, vừa nói: - Không có trống sao được, ngươi còn nhỏ biết gì. Hồng Phát nghe trách cứ, không hiểu bao nhiêu lắm. Nhưng nhớ đến thỏi sôcôla, thử đem ra nhử bên ngoài vỏ trứng. Con nít nào mà không khoái sôcôla. Hồng Phát nghĩ thế nên đem sôcôla, quẹt nhẹ vào trứng nào không nhúc nhích. Một lúc sau, trong hang tùm lum con nít. Bà Âu Cơ chăm sóc bé nào mới nở, đứa nào cứng cáp hẳn thì lại ngồi xếp lớp ở thành hang ngay ngắn (như ngồi học mẫu giáo). Nhưng con nít dễ gì ngồi yên, không quậy phá cái này cũng cái khác. Mấy đứa lớn trêu ghẹo mấy đứa nhỏ khóc la ỏm tỏi. Bà Âu Cơ nghe mét, rầy la hết đứa này rồi đứa nọ không xuể, bảo Hồng Phát làm anh cả phải phụ giúp mẹ. Hồng Phát cầm thỏi sôcôla giấu ra sau lưng, đi tới đi lui theo hàng: - Ai ngoan, anh cho liếm một miếng… Mấy đứa nhỏ ngoan ngoãn ngồi yên lặng, nước miếng rỏ dãi. Hồng Phát dụ khị chúng tin lời, chứ không cho ai tí xíu nào. Mấy ngày sau, ai nấy đều lớn nhanh. Lạc Long Quân và Âu Cơ lo ăn không xuể, một trăm đứa chứ ít sao. Nhờ tình yêu thương con cái bao la, nên có phần vơi bớt phiền muộn. Con đông quá cũng không nhớ hết tên từng đứa, chỉ duy nhất Hồng Phát nhờ gọi trạy là chú vịt, nhờ đặc điểm đó nên hai người không quên. Hồng Phát cũng có biệt tài giữ em. Ba mẹ thường nóng nảy, la thét. Còn Hồng Phát một cách duy nhất là dụ khị, loè thỏi sôcôla ra khoe. Nhưng, không cho ai một miếng nào và hiệu quả vô cùng. Các em nghe lời Hồng Phát răm rắp: - Anh hai ơi! Mai mốt anh làm vua Hùng nhớ cho em một miếng nha… - Ừ! Ai không quậy anh cho… Hồng Phát hứa hẹn thêm khoảng thời gian ra xa, chứ thỏi sôcôla cho bây giờ, coi như mai mốt hết nói đứa nào nghe lời. Ngoài sân dưới biển, chỗ nào cũng thấy mấy đứa nhỏ: Con trai lượm dừa khô đá banh, tàu dừa kéo co. Con gái lấy dây chuối nhảy dây, chơi trốn tìm. Có lúc vui thì lấy cát đắp nhà, lúc buồn thì gái hay trai gì, cũng vật lộn mặt mày đỏ au mới thôi. Con đông quá, Lạc Long Quân coi không xuể, liền bàn bạc với Âu Cơ: - Ta vốn dòng giống tiên rồng, không thể ở trên cạn mãi được. Chi bằng nàng đem năm mươi con lên núi, ta đem năm mươi con xuống biển, dễ bề chăm sóc các con đàng hoàng. Lạc Long Quân và Âu Cơ tiến hành chia các con ra, tưởng dễ nhưng cũng có chút ít khó khăn. Hỏi đứa nào theo mẹ, không đứa nào chịu giơ tay. Lạc Long Quân cũng vậy, hỏi đứa nào theo cha, cũng không đứa nào giơ tay. Anh em xum quầy, đứa nào đứa nấy vui quá vui, nên không muốn chia nhau ra. Hồng Phát hỏi Lạc Long Quân: - Mình làm như vậy, có giống ly dị không cha? - Không có đâu- Lạc Long Quân giải thích- Các con rồi ai cũng phải lớn, rồi ai cũng tự lập. Các con ham vui thì sau này rất khó khăn, cần phải sớm tập tành việc này việc nọ. Vì ta và mẹ các con trước sau gì cũng chết, lúc đó đứa nào không biết tự lập khổ lắm. Chi bằng bây giờ, một số theo mẹ lên núi. Một số theo ta xuống biển…Số lượng ít lại, dễ kèm cặp từng đứa hơn. Mặc dù Lạc Long Quân nói vậy, nhưng đứa nào đứa nấy không chịu giơ tay. Bà Âu Cơ muốn có đứa làm gương, nên chỉ tay vào Hồng Phát: - Vịt con theo mẹ đi…- Bà vừa nói vừa kéo Hồng Phát vào lòng. Y như rằng, 99 đứa còn lại đều đòi theo mẹ. Lạc Long Quân buồn buồn thấy các con không đứa nào chịu theo mình, ngạc nhiên: - Hằng ngày ta vẫn thương các con, sao không đứa nào chịu theo ta cả? Hồng Phát theo ta, sau này ta sẽ truyền ngôi. - Con cũng muốn theo cha, mẹ cứ gọi con: vịt con hoài… Hồng Phát rời khỏi lòng bà Âu Cơ, thấy cha không ai theo cũng đem lòng thương mến. Y như rằng, tương tự như lúc nãy. 99 đứa còn lại, bỗng dưng đòi theo Lạc Long Quân hết cả: - Ủa sao kỳ vậy?- Cả Lạc Long Quân và Âu Cơ thắc mắc. Không ai nói một lời, cứ hễ Hồng Phát nhá nhử nghiêng về bên này. Cả bọn liền nghiêng theo. Hồng Phát thấy lạ, nghiêng lại thì cả bọn nghiêng lại. Vẽ một lằn mực, như nhảy dây. Cả bọn đều nhảy theo. - Sao anh làm gì, mấy em bắt chước theo hết vậy… Một đứa trong bọn, chịu hết nổi. Nó vừa nuốt bọt vừa nói: - Anh có thỏi sôcôla, ai không muốn theo… - À thì ra vậy!- Cả Lạc Long Quân, Âu Cơ và Hồng Phát đều thốt lên như thế. Hồng Phát nhăn nhó. - Thỏi sôcôla này của anh, để dành làm công chuyện… - Công chuyện gì?- Tất cả mấy đứa kia lên tiếng- Hồi đó anh hứa lớn lên rồi cho, rồi làm vua cho…Bây giờ bị chia hai: Năm mươi người lên núi, năm mươi người xuống biển. Anh cũng phải chia hai thỏi sôcôla… - Gì kỳ vậy…của anh mà… - Vậy anh đi đâu, tụi em theo đó. - Thôi chia hai như ta làm đi con, mai mốt ta truyền ngôi vua cho- Lạc Long Quân khuyên nhủ Hồng Phát. Hồng Phát ngờ ngợ: - A! Cha dụ khị con chứ gì. Cái này con rành quá… - Ta là cha các ngươi, ta nói phải giữ lời. Ngươi hay dụ dỗ các em, riết rồi ngươi không tin ai hết. - Con không phải không tin ai. Bây giờ các em đòi theo con, con cần người đánh với bọn giặc Bóng Tối. Hay cha mẹ cứ để các em theo con. Ngẫm nghĩ một lúc, Lạc Long Quân nói: - Nhưng trước giờ, ta đã dự tính chia ra năm mươi người lên núi, năm mươi người xuống biển với mẹ các ngươi rồi. - Nhưng khi có giặc giã, cũng phải xum họp lại chống đỡ chứ. Cho nên, cha mẹ cứ để các em cùng con đánh bọn giặc Bóng Tối. Nếu không bọn chúng sẽ chiếm cứ cả nước Việt và trái đất này. - Sao em?- Lạc Long Quân hỏi mẹ Âu Cơ ngọt ngào. - Cũng được. Sinh tụi nó ra, mà thời loạn lạc cũng có trách nhiệm cứu nước chứ. Thôi cứ để các em đi theo Vịt con, mấy đứa kia có phần cũng thích lắm đó. - Hoan hô cha, hoan hô mẹ… - Chín mươi chín đứa kia nhảy nhót la hét, đồng thanh vui mừng rền vang cả núi đồi. Bây giờ Hồng Phát đã có đông người theo, từng bước chuẩn bị lực lượng, lập kế hoạch để chiến đấu với bọn giặc Bóng Tối. Nhưng về lâu về dài phải chuẩn bị vũ khí lương thực và để tránh sự phát hiện có nhiều người muốn chống lại bọn Bóng Tối. Hồng Phát tạm thời thực thi theo chính sách chia hai của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ: - Các em hãy nghe lời cha mẹ. Vả lại theo truyền thuyết, năm mươi người cứ theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển. Ém quân khắp nơi để bọn Bóng Tối không hay biết, khi nào cần ta gọi các em cùng nhau đoàn kết lại đánh với bọn chúng. Tránh đánh nhau lẻ tẻ, chúng ta sẽ không địch lại bọn chúng đâu. Chừng đó, ta chia thỏi sôcôla. Nói xong, Hồng Phát chia tay mọi người, không cho ai một miếng sôcôla nào.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.08.2011 15:35:17 bởi clietc >
Cái khố sôcôla: Trở lại chùa Giác Duyên, Hồng Phát hơi buồn vì phải chia tay mọi người. Hồng Phát nghĩ mình trở thành một vị anh hùng, phải có một người đẹp ở bên cạnh. Mấy hôm sau, có một người mang một cô bạn tên là Tiên Dung, cũng muốn được học tập ở chùa. Trong lúc, bà sư Phù Ái nói với những người lớn. Không có gì chơi, Hồng Phát lấy thỏi sôcôla cán mỏng ra làm một cái khố. Các người mẫu thường diễn thời trang bằng sôcôla lắm, tựa như sôcôla làm được đủ thứ việc vậy. Bà Phù Ái thì tinh ý nói: - Đó là thỏi sôcôla được bùa phép, ngươi không trân trọng công sức của chúng ta sao? Nói đoạn, bà phất cây phất trần bỏ đi ra. Hồng Phát thấy mình có làm gì sai đâu mà bà giận. Một lúc sau, bà trở vào, lại cằn nhằn: - Ta nói rồi…Nếu ta đếm đến ba, mà người không đem cất miếng sôcôla đó, là ta đẩy ngươi đi xa đó…Một… Hồng Phát nghe mới có một nên không sợ. - Hai…. Hồng Phát nhìn cái khố, định phân trần là các người mẫu hay biểu diễn thời trang bằng sôcôla. Bà Phù Ái gằng giọng: - Ba… - Con thấy… - Thấy hả…đã đếm tới ba rồi, mà ngươi vẫn không chịu đem cất…hô biến. Bà Phù Ái thổi một làn hơi, hình như bà chưa súc miệng. Cây phất trần phất ngang một cái, như cây đuổi ruồi nghe thoáng được một chút. Tưởng như chẳng hề gì, Hồng Phát cùng với cái khố Sôcôla chui tọt xuống tầng đất sâu. Nhìn quanh, Hồng Phát thấy căn nhà sao mà tả tơi. Một ông cụ nằm run run trên nền đất, dưới lưng chỉ lót lá chuối khô. - Nhà nghèo dữ vậy ta…- Hồng Phát rên lên. Nghe tiếng người, ông lão thì thào: - Chử Đồng Tử đó à! - Chửi đổng nào…À, hiểu rồi…thì ra bà Phù Ái bắt ta làm con của Chử Cù Vân, tại làng Chử Xá đây mà. - Ta sắp chết nghe cha dặn. Nhà ta nghèo quá, chỉ có một cái khố che thân. Cha chết, con cứ lấy mặc…chôn ta khỏi mặc gì cũng được. Hồng Phát nhìn thấy cái khố cũng rách nát, mà ông thì không nhìn thấy cái khố sôcôla của mình. Hồng Phát xót xa an ủi: - Con không làm như cha dặn đâu, cha chết không có gì mặc…lạnh lắm. Ông lão khóc rống lên vì nghèo, lại thêm thằng con rất có hiếu. ông qui tiên, nước mắt vẫn còn lưng tròng. Hồng Phát vẫn để ông cụ mặc cái khố ấy, rồi chôn cất. Còn mình chẳng dám gặp ai, cứ lẫn tránh mọi người. Công chúa Tiên Dung đến tuổi yêu đương nhưng không chịu có chồng. Nàng chỉ thích dạo chơi đây đó, rồi tìm bãi đất cồn vừa được bồi đắp. Nàng thấy có chỗ cao cao, nên cho người che kín lại để tắm. Nàng mặc đồ trên người, xối nước. Những chiếc áo bằng lụa mỏng manh, hằn trên da thịt nàng trắng mịn. Nước chảy xối cát đi, lồ lộ cái khố sôcôla của Hồng Phát. Nàng Tiên Dung đang ngồi trên lưng của ai đó, nàng hỏi mà vẫn còn đè không cho người đó quay lên: - Ai ở dưới cát vậy? Để nói tên cho đẹp, hy vọng nàng tha. Hồng Phát thì thào không ra hơi: - Chử Đồng Tử… - Sao ngươi ở dưới cát? - Ta…ta nhà nghèo. Hai cha con ta chỉ có một cái khố. Ta sợ ông chết không có gì mặc, nên ta không đành lấy khố của ông dùng. - Ngươi là người có hiếu quá…- Công chúa Tiên Dung nước mắt rơi lã chã, có cả nước tắm. Nàng khóc vì động lòng. - Nhưng sao chàng lại ở dưới cát… - Ta trốn tránh mọi người vì…vì…không có …khố. Bỗng thấy quân hầu nhiều quá ta sợ, nên vùi mình dưới đây. Ai dè công chúa lại đây tắm…Đè ta nãy giờ, thở hỏng nổi. - Thế ra…Nãy giờ, chàng có thấy gì không? - Thấy chết liền…học bài…bị ngu sao? - Vậy chàng đi lên núi học thầy Phật Quang. Em sẽ làm bạn với chàng, em sẽ đợi. Công chúa đứng lên mặc lại xiêm y kín đáo, rồi quay mặt đi nơi khác. Hồng Phát nhẹ người, không còn bị đè nghe khỏe lại. Liền chạy một hơi lên núi tìm thầy học, thầy cho Hồng Phát một cây gậy và một cái nón. Hồng Phát đem về đưa lại cho công chúa. Công chúa cắm cây gậy và để cái nón trên đầu gậy. Đến đêm, phép màu từ cây gậy và cái nón biến thành cung điện lộng lẫy. Trong đó có đầy đủ người hầu, giường sập. Tiên Dung bảo: - Chàng vào đi… Hồng Phát dùng dằn: - Kỳ quá hà! Làm bạn thôi đó nha… - Thì vào trong đi, rồi mình tính sau… Nhưng lúc đó, nghe người kể lại. Công chúa Tiên Dung đòi lấy Chử Đồng Tử…nhà nghèo. Vua qui vào tội phản loạn, sai quân lính đến vây đánh. - Hay nàng và ta về ở gần chùa Giác Duyên đi… - Cũng được. Lâu đài bỗng nhiên bay lên trời, chở công chúa Tiên Dung và Hồng Phát đi. Đến nơi, biến thành túp lều cạnh chùa. Hồng Phát bảo: - Ông nội mình lấy bà nội mình. Bà ngoại lấy ông ngoại. Hai đứa mình không có bà con, lạ hoắc lạ huơ lấy nhau sao được. Ở gần chùa, hôm nào không đi học qua mình chơi đánh thẻ là được rồi. - Ừa! Hôm nào đi học. Hai đứa mình chơi nha. Thế là Tiên Dung thôi không ôm Hồng Phát giỡn nữa, bà sư Phù Ái nhận dạy cô cùng với Hồng Phát. Nhưng phải ở túp lều bên cạnh chùa. Mọi người bàn bạc xong, ai về nhà nấy. Có cô bạn người đẹp bên cạnh vị anh hùng rồi. Hồng Phát yên tâm chỉ còn tìm vũ khí để chiến đấu với bọn Bóng Tối nữa mà thôi.
Chiếc bánh kỳ diệu: Bà sư Phù Ái ngẫm nghĩ một lúc, bà nhớ ra đã truyền đạt mấy khóa học vừa rồi tương đối trang bị cho Hồng Phát một số kiến thức sơ đẳng, nhưng bà cũng lo rằng Hồng Phát phải có thể hình to cao mới làm nên chuyện. Nhưng đối với bà, việc gì cũng phải qua thử thách: - Thử thách đầu tiên chắc ta phải cậy nhờ ông tổ tổ ta: Phù Đổng Thiên Vương. Một mình cậu bé này không thể một mình xông pha trận mạt nhưng phải giúp ông tổ tổ ta thật lòng, phải dũng cảm. Đó là bài học ngoài chiến trường đầu tiên nữa đó. Vị sư già lấy ra một cái bánh tráng phồng, đưa cho chị. Bà nói: - Bánh tráng này ăn vào sẽ lớn nhanh chóng, nhưng chỉ tạm thời mà thôi. Nếu thằng bé giúp ích gì đó, giống như tổ tổ của ta (Phù Đổng Thiên vương) trước đây. Ta mới xem xét đề nghị của các ngươi. Ta căn dặn rằng: Cái bánh phải giữ nguyên, cắn miếng nào thì cao lớn hai mét. Còn nếu bị bể, tuỳ miếng bánh lớn nhỏ, thì cao lớn khác nhau đó. Chị nhìn đứa con mình, biết bản tính nó rất tốt, không ái ngại: - Tôi và con tôi đồng ý ạ! Nhưng cho hỏi phải thực hiện điều tốt đẹp ở đâu ạ? - Ngươi hỏi ta câu ấy ư? Tất cả các đứa bé lớn lên đều phải được trang bị bằng những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, theo thời gian xa xưa cho đến ngày hôm nay…Và phải dựa theo truyền thuyết đó. Thằng bé phải làm giống như ông tổ tổ, Phù Đổng Thiên Vương của ta, xem nó có giúp ích điều gì không? Cắn đi… Chị lo lắng một lúc, thì bà sư hối thúc tiếp: - Cắn cái bánh thằng bé đang cầm trên tay ấy… Chị hướng dẫn con mình cắn cái bánh nhẹ nhàng không bể. Đứa bé cũng nghe được bà dặn không làm bể cái bánh ấy. Bỗng chốc một luồng sáng xanh trắng loé lên nghe mát rượi. Hồng Phát lớn dần lớn dần từng chốc từng chốc. Một lúc sau thì cao hai mét, rồi trượt từ trên núi xuống nền đất, nhưng nơi đó là nơi nào thì không biết. Bà sư gật khẽ ra hiệu chị an tâm và bà đặt tên gọi Hồng Phát là Phù Đổng Địa Vương. - Tên đó hơi xấu…- Chị nói, ý như muốn giữ yên tên cũ. - Phù đổng thiên vương bay lên trời, còn cậu ta tọt xuống đất. Ta đặt tên như thế vì ngày xưa đều như vậy. * Hồng Phát, cậu giờ là Phù đổng Địa Vương nghe và hiểu mọi điều kiện mà bà sư căn dặn. Cái bánh tráng ăn vào chỉ cao lớn tạm thời. Phải làm điều gì đó tốt, bởi vì cao lớn mà không làm điều gì tốt đẹp, bà không thích. Tên bà là sư Phù Ái, nhưng cậu thấy bà ghê sợ lắm, đã thầm đặt tên lại là Thuỷ, cậu lẩm bẩm: - Tên Thuỷ khá đẹp, nhưng ghép với họ Phù rất độc ác…Nghĩa là Phù Thủy. Hồng Phát nhìn quanh, khung cảnh không làm cậu ta thích lắm. Chắc là bọn giặc Bóng Tối tàn phá làng Phù Đổng nghèo nàn như mấy ngàn năm trước. Xa xa thấy có một túp lều khói tỏa, cũ mèm. Cậu hơi chán lại đó, cậu nghĩ chắc nhà của Phù Đổng Thiên vương chứ gì…Chắc chỉ có một bà mẹ già và một cậu bé chậm lớn thôi, bà ướm thử bàn chân trời mới sinh ra cậu. Mang thai đến mười hai tháng: - Chữa trâu chứ gì, dân gian thường gọi như vậy. Từ từ đã, Hồng Phát nằm ngã lưng ra. Cậu nghĩ đến nhà của Phù Đổng Thiên Vương chắc không có chỗ nằm. Mình chỉ mặc độc một chiếc khố nên hơi mắc cỡ. Xung quanh vắng vẻ lạ thường, chi bằng mình nằm đây hóng mát, nhìn lên tán cây mát mẻ. Cậu thiu thiu ngủ, gió thổi nhè nhẹ lý tưởng cho một giấc ngủ. Một con heo nhỏ, lý do là nó nhỏ vì thuộc giống heo Mọi. Giống heo này phá phách ghê lắm, nó đi lang thang rồi cũng về nhà. Đến ủi ủi vào chân Hồng Phát. - Bực mình ghê- Hồng Phát đuổi nó đi. Nhưng nó cứ nghe mùi bánh tráng, biết có cái ăn nó cứ bám cậu mãi. - Biết ta là ai không? Phù Đổng Địa Vương đây… Con heo vụt bỏ chạy vì nhút nhát, mà Hồng Phát nghĩ nó nghe uy danh Phù Đổng Địa Vương nó sợ. - Ơ…Sao mình không cho nó một miếng bánh tráng nhỉ… Hồng Phát đi tìm lại con heo. Cậu muốn thử nghiệm xem giống heo này ăn bánh tráng của mình có cao to ra không? Thí nghiệm thành công thì cậu sẽ là một chuyên gia nuôi heo giỏi. Hồng Phát vén cỏ tranh vẹt sang hai bên, vẹt sang bên này bên kia một lúc. Cậu thấy nó hinh hĩnh lỗ mũi hướng về phía cậu: - Ột…ột! - Cậu gọi nó Con heo bình tĩnh hinh hĩnh lỗ mũi ra trước, nó ra chìu đợi chờ. Hồng Phát lấy cái bánh bẻ một miếng đưa ra. Nó lùi vào cỏ tranh một chút, nhưng không chạy đi đâu. Cậu nhích lại gần, một lúc đưa cái bánh tráng vào miệng nó nhai. Con heo nhỏ nhai đi nhai lại, chờ đợi nó không thấy lớn tí nào. Hồng Phát chán lại chỗ nằm cũ, nó đi đâu mặc kệ. - Ngủ một tí…- Hồng Phát nói ai mập cũng thường hay ngủ. Giờ cậu cao to đến hai mét, mà cậu tưởng mình mập. Đang thiu thiu chưa ngủ hẳn, cậu nghe tiếng “bùm” phía bụi cỏ tranh. Hướng về phía đó, cậu thấy lồ lộ cái lưng trắng trắng nhô lên khỏi bụi cỏ tranh: - Ới! Con voi…- Cậu định bỏ chạy, nhưng con voi phải lưng đen chứ. Cậu định thần lại, nhớ ra con heo nhỏ ăn bánh của mình. Con heo lúc này cao to hai mét, bấy giờ nó đói bụng ghê lắm. Nó trở ra tìm Hồng Phát, cái lỗ mũi bây giờ bằng cái thúng. - Ột Ột! –Nó đi tìm Hồng Phát để đòi ăn. - Phải chạy thôi! Nhưng leo lên cây hay hơn. Hồng Phát leo chót vót lên cây. Con heo lúc nhỏ phá phách ghê lắm, giờ nó cao to đến hai mét chịu sao nổi. - Chỉ cái mũi nó bằng cái thúng rồi, ủi vào mình nhột chịu sao nổi… Hồng Phát phải nắm chắc một nhành cây to, con heo ngứa lưng tựa vào cây gãi là muốn rớt rồi. Bỗng nhiên, mấy ngọn giáo từ đâu bay ra tới tấp. Con heo bị một mũi vào mông, “ét” lên bỏ chạy. Một đám bốn tên giặc Bóng tối từ trong bụi tranh phóng ra, đuổi theo con heo. Bọn Bóng Tối tuy không cao đến hai mét nhưng có đến bốn người, Hồng Phát không thể nào đánh lại bọn chúng. - Thôi kệ bọn chúng đi.- Hồng Phát nhút nhát, núp êm ái trên nhánh cây to. Bọn chúng không nhận thấy cậu ta. Bọn Bóng Tối này cướp bóc ghê lắm, con heo to béo thế kia làm sao chúng bỏ qua được. Nhưng nếu mình cứ nhút nhát thế này, không làm việc gì đại loại là tốt thì e bà Phù Ái…Thuỷ chứ Ái gì, sẽ không cho cậu trở về, và cũng không cho cái bánh nào ăn để cao lớn mãi mãi. Bây giờ cậu phải tìm cứu giúp con heo, tại mình cho nó ăn. Bọn giặc tấc nhiên thèm thịt heo, thì nó nguy khốn. Hồng Phát nhanh chóng leo xuống cây đa, lần mò theo tiếng rống. Đám giặc đã trói con heo bốn cẳng đưa lên trời, nhưng khiêng đi không nổi. May mà chúng không đem theo dao, đang tìm những cục đá sắc cạnh để xẻ thịt. Núp trong bụi, Hồng Phát bẻ một miếng bánh tráng. Cậu hy vọng xem có thể thêm một miếng bánh nữa, cao lớn ra thêm không…Ai dè cũng vậy. Ghét quá, vì tầm vóc cỡ này cũng không làm lại bốn tên Bóng Tối kia đâu, nên Hồng Phát đập bể cái báng tráng nhiều mảnh. Bà Phù Thuỷ…í…Bà Phù Ái có căn dặn, bánh tráng bể là lớn nhỏ thất thường…thử xem. Hồng Phát cầm một miếng to to đưa vào miệng. Cậu đang to dần to dần, núp trong đám cỏ tranh nhưng cái lưng cậu nhô cao chót vót. - Ái chà…- Cậu nhìn mấy mảnh bánh tráng bị bể, phải gom lại cần khi hữu sự. Lỡ như con heo thoát thân, nó lao vào đây ăn hết bánh của mình. Hồng Phát gom hết vào cái bị. Một miếng còn sót cậu ta sơ ý bỏ vào miệng, đột ngột bị teo lại như cũ: - Ới… Cậu định đứng lên để hù bọn giặc, mai là bọn chúng đang tìm cách xẻ thịt con heo nên không chú ý. Cậu loay hoay tìm cách giải mã xem số bánh bị bể tác dụng như thế nào? Thò tay vào lấy một miếng nhỏ miếng lớn, cậu ăn miếng nhỏ trước. Cậu bị nhỏ lại một ít, tuỳ theo tỉ lệ miếng bánh. Cậu cắn lại miếng lớn, thì chỉ cao ra một mét rưỡi thôi, vẫn còn thua tầm vóc của bọn giặc. Tiếng xào xạc trong bụi tranh làm chúng chú ý. Một tên hướng về phía Hồng Phát, nghĩ là một con heo khác nữa. Tên giặc lấy đà để phóng mũi lao đi. - Miếng nhỏ là nhỏ lại nữa, miếng lớn là lớn lên…- Hồng Phát lẩm nhẩm sợ lộn, nên kỹ lưỡng thò tay vào bị lấy hai miếng lớn. Cậu nhanh chóng đưa từng miếng vào miệng. Tên Bóng Tối định phóng nhanh mũi lao ra, có thể Hồng Phát không đưa miếng bánh vào miệng kịp. Nhưng tưởng một con heo nữa, e trúng vào mông, bỏ chạy hắn đuổi theo hơi mệt, nên lần này tên giặc muốn tìm ngay tim con heo mới phóng lao. Hồng Phát đã ăn bánh xong, đang cao to cao to dần. Nằm mọp trong bụi tranh giờ nhô người lên trên gấp đôi. - Ới…Người voi!- Tên Bóng Tối la hét, cả bọn ngước nhìn- chạy nhanh thôi… Hồng Phát bò đến gần con heo, nó cũng gống thét sợ hãi vang vọng núi đồi. Chịu không nổi, Hồng Phát cằn nhằn: - Tao đến cứu mày đó, nín đi… Hồng Phát tháo mấy dây rừng cột chặt chân con heo ra, nó bỏ chạy về nhà Phù Đổng Thiên Vương thụt mạng. * Lúc bấy giờ, bọn Bóng Tối đã kéo rầm rộ đến chân núi Quế vỏ. Nhiều người gọi tục là núi Trâu, cách làng Gióng không bao xa nữa. Bà con chờ đợi sứ giả đến có vẻ nóng ruột, túm tụm tại nhà ông bà lão ngóng chờ tin tức. Họ còn tiếp giúp bà lão nấu cơm cho thánh Gióng ăn, một mình bà lão không thể nào nấu ăn kịp. Bà con không ai còn gạo nhiều, ông bà lão cũng bắt đầu xót ruột. Họ nhìn thấy con heo to mập chạy về, ai ai cũng mừng rỡ: - Ô! Một con heo to mập kìa…- Mọi người chỉ tay ra ngoài- Làm thịt cho cậu bé Gióng ăn thôi…khoẻ rồi. Con Heo mới chạy thụt mạng, giờ tiếp tục bị đuổi bắt. Hồng Phát vội núp lại bên ngoài, xem người ta định thịt con heo…chắc mình cũng có công giúp Phù Đổng Thiên Vương mau lớn, đánh bọn Bóng Tối giữ nước là nhiệm vụ của mọi người. Tiếng vó ngựa đã đến thật gần, vì những món đồ cần dùng của Cậu bé đều bằng sắt. Sức người khuân vác đâu có xuể, lại thêm đường xá lúc ấy rất khó khăn. Bọn giặc đến, vó bụi tung bay mờ mịt một vùng. Bọn Bóng Tối đốt làng cướp của, phần lớn là heo bò trâu dê của bà con nuôi nấng cực nhọc. Bọn giặc mặt mày dữ tợn, con nít khóc la òm trời đất. Trong khi đó, từ Phú Thọ nơi vua ngự đến làng Gióng, xa cả chục cây số. Tải số đồ sắt không thể một sớm một chiều, rối ren trăm bề. Cuối cùng, sứ giả đã thấp thoáng phía cánh rừng, không tài nào nhích thêm được nữa. Những thứ đồ dùng bằng sắt nặng cả tấn, người ngựa đều mệt nhoài. Họ đã thấy căn nhà của cậu bé Gióng, nhưng sức người có hạng. - Thôi để ta ra đấy! Chờ họ mang đến chắc mấy ngày. Nói xong, Cậu bé đứng vụt dậy trở thành tráng sĩ. Chiều cao có đến ba mét ba mươi ba nên tráng sĩ đi mấy bước là đến chỗ sứ giả. Tráng sĩ nhìn kỹ con ngựa sắt, hoàn toàn giống như con ngựa thật. Chàng trai liền leo lên rồi vỗ vào mông con ngựa mấy cái. Ngựa liền hí dài vang dội, làm mọi người phải bỏ chạy ra xa. Con Heo mới vừa cột chân, chưa kịp làm thịt, còn nằm chèo veo. Ngựa sắt tung chân trước cao mấy thước, rồi quay đầu xông thẳng vào đám giặc đang đốt làng, cướp của. Nhắc lại Phù đổng Địa vương, lo chúi mũi đuổi theo con heo mập. Phải chi đến sớm, Phù Đổng Thiên Vương còn có thịt heo ăn, nhà hết gạo rồi. Đó là lúc sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt và áo giáp đến. Bỗng chốc cậu bé Gióng cao lớn lên ba mét. Trở thành tráng sĩ leo lên ngựa sắt đuổi đánh bọn Bóng Tối. Đánh đến gãy cây roi sắt, bèn nhổ bụi tre ngà đánh tiếp. Hồng Phát đi ra ngoài chào bà con, ai ai cũng vui vẻ thấy cậu to khoẻ. Cậu lại cởi dây trói cho con heo: - Ta cứu ngươi lần nữa đấy nhé! Vậy ngươi làm ngựa…í…làm heo cho ta cưỡi. Nói xong, Hồng Phát leo lên con heo. Nó vùn vằn như chú bò tót Tây Ban Nha, hất tung Hồng Phát xuống đất. - Ui da!...Làm thịt à! Con Heo nghe Hồng Phát doạ thế, mới chịu đứng yên cho Hồng Phát leo lên. Hồng Phát lượm hai thanh sắt gãy, xông pha theo. Có thánh Gióng đi đầu nên không sợ mấy tên giặc nọ. Con heo giờ cũng góp công đánh giặc, bằng cách giẫm đạp lên người mấy tên giặc Bóng Tối. Sau khi tráng sĩ Gióng xông vào quân giặc, đánh gãy hai cây roi sắt rồi nhổ bụi tre làng đánh tiếp. Hồng Phát cưỡi heo núp phía sau, nhờ thánh Gióng che chắn tên bắn tới. Cuối cùng, cậu cũng chụp một thằng giặc, định lấy cây sắt gãy nện cho nó một trận. Nó la oai oải: - Bên mình mà… - Bên ta, sao ngươi mặc áo của giặc… - Dạ! Vì nước ta chỉ đóng khố thôi…Em lạnh thấy mồ, nên lấy áo của tụi nó mặc cho ấm. Anh nhìn coi, dưới này chỉ quấn lá chuối thôi. Hắn ta dỡ áo lên. Đúng là ở dưới chỉ quấn khố bằng lá chuối. Hồng Phát tha cho hắn, nhưng con heo thì không. Sẵn có lỗ mũi to bằng cái thúng, hất đít hắn lăn lộn mấy vòng. Hắn sợ quá, cởi phăng cái áo bỏ chạy. Bóng Tối chia làm hai cánh. Một đối diện, một cánh đánh thọc sườn. Phù Đổng thiên vương đánh trực diện với kẻ thù. Hồng Phát núp phía sau, ai dè bị cánh thọc sườn kéo tới đánh tới tấp. Bốn tên Bóng Tối bắt con heo vuột, gặp phải người voi là Hồng Phát nên bỏ chạy. Giờ cả bốn tên đều nằm ở cánh thọc sườn. - Bây giờ, người voi không lớn bằng khi nảy, đừng sợ nữa…xông lên… - Xông lên… Trong khi đó, Phù Đổng Thiên Vương mải miết đánh ở phía trước, không quan lắm ở cánh thọc sườn. Hồng Phát la ai ải: - Ta là Phù Đổng Địa Vương đây…Cũng mạnh khoẻ ngang ngửa Phù Đổng Thiên Vương đó. La hét cho bọn Bóng Tối sợ, nhưng hoàn toàn không một tên nào sợ. Còn Phù Đổng Thiên Vương tưởng Hồng Phát mạnh ngang ngửa mình thật nên cứ xông pha lên phía trước mãi. Hồng Phát kẹt quá, nhắm mắt nhắm mũi quơ đại hai thanh sắt gãy. Trúng một vài tên, nhưng thằng đầu đàn võ nghệ cao cường áp sát. Nó nhảy qua nhảy lại. Con heo quá mập không thấy hắn đâu cả. Quay ra sau tìm, thì bốn tên Bóng Tối vào ôm chặt chân con heo. Hồng Phát té chúi nhũi. Con heo và Hồng Phát đều bị trói gô lại. Trong khi đó, Phù Đổng Thiên Vương đánh bọn Bóng Tối phía trực diện tơi tả. Leo lên ngọn đồi kiếm tìm chúng trốn ở đâu, mới hay phía sau mình Hồng Phát bị trói gô lại. Phù Đổng Thiên Vương quay lại, con ngựa sắt tung bốn vó sãi dài như ngựa đua. Xông vào cánh thọc sườn của bọn Bóng Tối. Quân giặc chạy tung toé, những tên ngoan cố bị Phù Đổng Thiên Vương quất tre vào người sưng mày sưng mặt. Con ngựa sắt phun lửa khè khè, đốt cháy một làng quân giặc đang chiếm giữ. Làng cháy rụi, nên người ta gọi là làng Cháy. Quân giặc nóng bỏng, quần áo cháy nám đen. Có tên khôn ngoan cởi bỏ hết, trần truồng chạy tìm vũng nước dơ. Hồng Phát đưa tay vào lửa để đốt sợi dây trói, rồi tháo cả dây trói cho “con ngựa” mập của mình. Con heo của Hồng Phát giờ cũng khôn lanh. Nó lựa những tên hèn nhát, ủi vào đít cho té nghiêng té ngửa chơi. - Giờ có thêm Phù Đổng Địa Vương cưỡi heo, ai chịu cho nỗi. Mấy tên giặc nịnh nọt, chạy có cờ. Hồng Phát được khen, sẵn dịp gào thét ỏm tỏi: - Xông lên… Mấy tên giặc quá sợ sệt, kéo chạy về hướng Bắc. Phù Đổng Thiên Vương mỏi tay quay lại bảo: - Ngươi lên trước một chút coi. Hồng Phát lắc đầu: - Phù Đổng Thiên Vương có ngựa bằng sắt, áo giáp bằng sắt. Ta ở trần trùi trịu thế này, lại cưỡi con heo. Tên bắn trúng chịu sao nỗi. Con ngựa của Phù Đổng Thiên Vương khè lửa, con heo nghe nóng quá chạy lùi lại. Bóng Tối lớp đầu hàng, lớp chạy về biển. Phù Đổng Thiên Vương lên ngọn núi Sóc Sơn, thấy chỉ còn vài tên giặc, nên cởi giáp sắt bỏ lại rồi bay về trời. Còn một mình Hồng Phát ở lại, mượn tạm áo giáp sắt mặc vào. Nhưng cũng chỉ hù hù mấy tên giặc còn sót lại, bọn chúng cũng đủ chạy có cờ rồi. Bà con tung hô, rồi chỉ con heo: - Mình làm thịt con heo này, ăn mừng chiến thắng đi… - Không được!- Hồng Phát tiếc nuối- Dù sao thì nó cũng có công đánh giặc. Ai đó, tức quá đập tay vào mông nó. Đụng phải chổ phỏng, nó la “en ét” chạy ra chỗ cây Đa. Hất Hồng Phát té lăn mấy vòng xuống đất, chạy trốn cho nhẹ. Bà con rượt theo phía sau trấn an: - Chỉ lấy giống thôi.- Mọi người đâm đầu đuổi theo tới cùng. Có đánh trận với Thuỷ tinh, mới hiểu chàng: Trở lại, Hồng Phát nhỏ bé lại như xưa, có điều bên mình còn cất giữ mấy miếng bánh tráng. Bà Phù Ái biểu hiện trầm tư, không khen ngợi mà còn trách cứ: - Ta không hài lòng, nhà ngươi chỉ chạy sau lưng ông tổ tổ của ta mà thôi. Việc đánh giặc Bóng Tối giữ nước là việc tốt, nhưng đợi người khác đi trước, còn mình đi sau đâu có hay… Chị hỏi bà: - Vậy bà cần Hồng Phát làm gì nữa? - Ta cần thấy thêm rằng, thằng bé không những cần phải gan dạ mà còn xử lý những tình huống thế nào. Bây giờ ta xem nó đánh với Thuỷ tinh thế nào? - Sao? - Mẹ của Hồng Phát thốt lên thay con trai mình- Bà định cho bé giao đấu với ai? - Thuỷ tinh ở dưới nước, trước là quân của bọn Bóng Tối. Hắn đã đến chân núi kia rồi - Bà Phù Ái nói như đinh đóng cột. - Mình không giao đấu, mà mình thu phục được không? – Hồng Phát sợ, gợi ý với bà sư Phù Ái. - Ngươi làm sao đó ngươi làm. Chị chỉ biết chấp nhận chứ không dám phản ứng, mặc dù mình cực nhọc nhưng cũng có cái lợi cho nó. Hồi nhỏ câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ tinh nằm lòng với tuổi thơ của chị, có một bài ca chị còn nhớ được đoạn đầu: “ Nhớ Thuở xưa kia, non nước an lạc thái bình (Thái thái bình) Muôn cây xinh tươi, có cô Mỵ nương tuổi xuân vừa lên đôi tám. Cô xinh như hoa, đẹp như tiên nga, non bồng dáng xinh (non bồng dáng xinh- 2 lần)…….” Chị vừa ca nho nhỏ đoạn đầu, nhớ lại trước đây mình đóng vai Mỵ nương chứ ai. Hai người bạn trai hàng xóm, một trắng trẻo thì đóng vai Sơn tinh (đúng ra là ngược lại, vì trên rừng núi ai mà trắng); Còn anh bạn đen đúa thì đóng vai Thuỷ tinh. Ngày nay, các cô kể cho các em mẫu giáo nghe loáng qua, nhưng không có những tiết mục múa ca như ngày xưa, nên chị lúc nào cũng nhớ mãi. Ngày nay chỉ chạy theo số lượng cổ tích, cho có kể, có nghe. Còn nhớ hay không mặc cho các bé, đến độ các câu chuyện bị biến tấu nhiều. Chẳng hạn Thuỷ tinh có răng nanh, rồi có bé không chịu uống nước, nói Thuỷ tinh là cái ly và không suy xét gì nhiều. Cho nên, chị thà gợi lại câu chuyện, xen vào phần ứng xử, cốt để truyền thuyết vào lòng các bé. Chị kể câu chuyện lại cho Hồng Phát nghe, Hồng Phát nhập tâm như đang trở lại thời của Sơn Tinh Thủy Tinh. Thời Sơn Tinh Thuỷ Tinh thuộc đời vua Hùng thứ 18. Vua chỉ có một người con gái tên là Mỵ nương, đẹp tuyệt trần. Nhà vua muốn gả cho ai tài giỏi. Sơn tinh và Thuỷ tinh cùng đến hỏi cưới, cả hai đều có phép thuật ngang nhau, người chỉ tay núi cao, đồng bằng cây lúa tốt tươi. Người thì gọi gió gọi mưa đến, mát mẻ. Nhà vua boăn khoăn bàn bạc với các quan thần, có ai đó đưa ra đề nghị: - Nếu hai người, ai đem lễ vật trước sẽ được cầu hôn công chúa. Lễ vật bao gồm: Một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh trưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì được rước dâu về. Hồng Phát, muốn xen vào chuyện đại sự, biết đâu đó là việc làm tốt được bà Phù Ái khen ngợi. - Thưa vua, ta là Phù Đổng Địa vương đây! Ta có tên như vậy, vì phần lớn chui dưới đất hơn là bay lên trời…. Giải thích sơ sơ uy danh của mình, Hồng Phát tiếp tục can gián: - Chúng ta có thiên vị Sơn tinh quá không vậy? Vua Hùng Vương nhìn kỹ Hồng Phát một hồi, cũng hỏi cho có lý có tình. - Ý ngươi là sao? - Từ lễ vật nói lên điều đó. Một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh trưng, đều từ cây lúa…Ở dưới nước làm sao Thuỷ tinh kiếm được? - Ngươi có ý bênh vực Thuỷ tinh? - Tôi chỉ muốn nói lẽ phải thôi, chứ không bênh ai hết. Nhà vua ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu: - Lời vua ban ra rồi phải tuân theo…Vả lại lúa gạo cũng dễ kiếm lắm… - Thôi thì cơm nếp với bánh chưng cũng được đi- Hồng Phát cố thương lượng- Nhưng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, đều ở trong rừng thuộc đất của Sơn Tinh. Thuỷ tinh ở dưới nước, nếu vua cho lễ vật là bạch tuột chín chân, cá voi chín đuôi, cá nhà táng chín vòi phun nước. Sức mấy mà Sơn tinh tìm được… đúng không? Nhà vua ỡm ờ, các quan xì xào. Ai cũng nhìn Hồng Phát không nể nang, mà còn cho là nhiều chuyện. Một quan bước ra, áo mão cân đai đàng hoàng. Nhìn Hồng Phát có độc một cái khố quấn quanh dưới mông, khinh khi: - Chắn hắn là phe của Thuỷ tinh! Thế là Hồng Phát bị đuổi ra ngoài, nên tức giận lẩm bẩm: - Xử sự ẩu trĩ như vậy. Thuỷ tinh không tức giận, quậy sao được? Ngày hôm sau, Sơn tinh mang lễ vật đến trước và rước Mỵ nương về núi. Còn Thuỷ tinh đến sau, rồi hậm hực đuổi theo. Đem hai cây sắt xuống chân núi, Hồng Phát tưởng tượng mình có mặt vào thời vua Hùng. Gặp Thủy Tinh như sực tỉnh lại. Thuỷ tinh hô mưa gọi gió, làm thành giông bão, sấm chớp rung chuyển cả trời đất, dâng nước sông lên cuồn cuộn. Nước ngập lúa, ngập nhà cửa. Hồng Phát xông pha trong gió mưa, hai khúc sắt cắm vào đất, làm cây thu lôi. Thuỷ tinh đánh sét xuống, cây thu lôi hút hết. Thuỷ tinh hơi mệt liền hỏi: - Ngươi là ai mà bạo gan muốn chiến đấu với ta. - Ta không là ai cả, ta đã từng bênh vực ngươi trước mặt vua đấy… - Ngươi bênh vực thế nào… - Ta nói vua có vẻ thiên vị Sơn Tinh. Nếu quà cưới là bạch tuột chín chân, cá voi chín đuôi, cá nhà táng chín vòi phun nước, chưa chắc Sơn tinh thắng. - Ờ! Ngươi nói đúng đó…Sơn tinh có kiếm được, cũng sức mấy khiêng nổi. Im lặng có vẻ buồn buồn nhớ Mỵ nương, Thuỷ tinh trầm giọng: - Chính vì ngươi có ý bênh vực ta, nên ta không muốn chiến đấu với ngươi nữa. Thôi ta đi đây, hẹn năm sau … Hồng Phát bám theo khuyên giải: - Mình yêu ai phải cao thượng, đừng đánh nhau ì xèo, quậy phá hạnh phúc của người ta. - Khoan kết luận xem ai quậy hơn ai. Tình yêu của họ ta biết, yêu cũng phải có ăn mới hạnh phúc chứ. Hỏi ngươi gió mưa, cây cỏ tốt tươi, ruộng lúa phì nhiêu là công của ai. - À…Nhà ngươi… - Đấy! Ta giúp họ hạnh phúc hơn. Nhưng vừa gặp mặt thì lại sợ ta quậy, có phải vì yêu nên quá ghen. Ta mới có lãng vãng là lo lắng rồi. - Ngươi nói ngươi không quậy. Năm nào ngươi cũng làm ngập lụt hết các cánh đồng, mưa bão thất thường. - Ta có quậy gì đâu!- Thuỷ tinh phân bua- Ta còn giúp họ nữa là đằng khác. - Ngươi nói không quậy, nhưng hỏi ngươi ai làm nước ngập lụt. - Ta bị hàm oan đó thôi, đều là người của Sơn Tinh làm ra… - Là sao? Ngươi giải thích ra coi. Ta bự con vậy chứ còn khờ lắm. Thuỷ tinh trình bày: - Thứ nhất ta hỏi ngươi. Trái đất không có nước, hỏi có sự sống không? - Ờ! Không…Nhưng ngươi quậy quá ai chịu nổi… Thuỷ tinh thở dài, mình phải nói để mọi người cùng hiểu. Mặc dù nỗi oan thường làm cho người ta giải thích lung tung: - Nhà vua cho tìm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao làm gì có. Sơn tinh dùng phép thuật hay sao ấy, rồi người ta tin là có. Người của Sơn tinh vào rừng kiếm tìm, rồi quá tay săn bắt thú, rồi còn đốn cây chặt củi. Rừng từ từ cạn kiệt, không khí ô nhiễm. Trái đất từ từ nóng dần lên. Ta phải ra tay nhanh gột rửa cho họ, chẳng qua đó là hiệu ứng lồng kính do họ làm đó thôi. Ta làm mưa, hồ thuỷ điện có nước có điện, nhiều nơi hạn hán làm lợi cả chục tỉ đồng. Mùa màng xanh ngát, không khí mát mẻ, đường xá không bụi bậm. Ta làm bão, vì phải nhanh chóng gột rửa, chan hoà nóng lạnh. Cây rừng mọc nhanh chóng lại, bởi vì người của Sơn tinh thiếu trách nhiệm với tự nhiên. Không nhận lỗi mà còn đỗ thừa ta làm, mấy ngàn năm nay ta rất buồn. - Nước phăng cuồn cuồn trên núi, cuốn trôi nhiều nhà cửa là lỗi của ai? - Ta đem nước đến. Sơn tinh sợ dời núi dời đồi, chặn nước chặn dòng…Còn người của Sơn tinh chặt phá rừng thành đất trống đồi trọc, không có vật cản nước. Thử hỏi không thành lũ sao được. Mưa nhỏ cũng lũ, mưa lớn cũng lũ, không lẽ ta không mưa… Nói đến đó, Hồng Phát nghe hiểu hiểu ra vấn đề. Hồng Phát nghĩ lỗi là do quan niệm do người của Sơn tinh nhiều hơn. Hồng Phát gật gù, có lẽ Thuỷ tinh nói đúng. Nhìn vào môi trường tự nhiên rõ ràng hoàn toàn là lỗi do người của Sơn Tinh. Hồng Phát phải hỏi kỷ, kẻo năm sau Thuỷ tinh không đến nữa hơi buồn: - Vậy năm sau ngươi có trở lại không? - Ta nói là ta giúp họ hơn là hại họ, tính ta nghĩa hiệp từ lâu rồi… - Thế ngươi có muốn giao đấu với người của Sơn Tinh nữa không? - Giao đấu ư, chỉ người của Sơn tinh giao đấu với nhau, chứ ta mắc mớ gì. Tự họ có biết bảo vệ cây rừng, biết dừng không thải khí lên trời…Những việc đó, đủ để họ tranh đấu với nhau rồi…Nếu ngươi sợ ta đến quậy họ, thì thôi ta không mưa, không gió, không bão… - Ê đừng, không mưa thiếu nước chịu sao nỗi, không gió nóng nực…Ngươi cứ đến nhưng đừng làm ngập lụt… - Còn ngập lụt, ngập đường, ta nói không phải lỗi của ta à nha! Thôi mới đánh nhau thở không ra hơi, cãi chây với ngươi hoài mệt quá. Ta đi đây, hẹn năm sau gặp lại. - Good bye, sea you again!- Hồng Phát chào Thuỷ tinh không quấy rối chàng ta nữa. Trở về, nói lại với sư Phù ái. Sư Phù Ái tỏ tường một đôi điều, nhưng rồi cũng phàn nàn: - Ngươi có nhận thức tốt là bước đầu. Ta chỉ chấp nhận thằng bé này làm theo nhận thức đó như thế nào mà thôi. Phải làm cụ thể như thế nào đó, mới được coi là việc tốt. Cụ thể giữ gìn môi trường như thế nào, giải thích mọi người không được chặt phá cây rừng, tiết kiệm năng lượng ra sao? Để không xảy ra hiệu ứng lồng kính. Hồng Phát góp công góp sức vào việc đánh bọn giặc Bóng Tối. Bước đầu, Làng Gióng bình yên không thấy bọn chúng bén mảng đến nữa. Chắc chắn, bà sư Phù Ái hài lòng xem đó là việc làm tốt, sẽ cho biết Phù Đổng Thiên Vương ăn gì chóng lớn. Giờ cậu trở lại dáng vóc nhỏ lại như trước, thấy có một lớp học mẫu giáo mà cô giáo đi đâu không biết. Hồng Phát thèm vào học quá, nhưng lại gây gổ với những bạn kia không cho vào: - Mình chấp hết cả lớp đó!- Hồng Phát thách đố các bạn. Còn vài miếng bánh tráng, cậu ta lấy ra ăn và cao lớn hơn mấy đứa đứa trẻ kia. Hồng Phát càng thách đố: - Cứ đánh mình đi! Mình không đánh đáp trả lại các bạn đâu, mình nói thiệt đó. Tuy vậy các bạn ngần ngừ không dám đánh. Cô giáo nghe nhao nhao, trở về xem. Thấy cô giáo, Hồng Phát sợ quá bị teo nhỏ lại như trước, thì ra cái bánh còn hạn chế. Nếu ai ăn bánh mà sợ sệt gì đó, thì sẽ nhỏ lại như trước. Các bạn nhỏ bu quanh, đứa đánh vào mông, đứa vào mặt. Về lại chùa, bà sư Phù Ái hỏi: - Tại sao mặt mày ngươi như thế? - Một mình con chấp cả lớp…Tụi nó đánh con sưng mặt. - Đánh giặc Bóng tối không bị gì, ai biểu ngươi hùng hổ vào lớp học của người ta. Giặc đến phải hùng hổ chống trả, còn người trong nhà đều cùng một dòng giống, phải yêu thương đoàn kết lẫn nhau. - Dạ!
Uống cà phê phép thuật: Hồng Phát gặp ly cà phê ai để, len lén uống một miếng. Bà Phù Ái bắt gặp khuyên nhủ: - Ngươi còn nhỏ, chớ vội dùng cà phê…Con nít dễ bị ép tim. Lại thêm đó là cà phê bùa phép của ta. - Con uống cà phê để thức canh chừng… - Canh chừng gì, ngươi nói ta nghe… - Canh chừng…dạ …canh chừng… Hồng Phát không nói gì được nữa. Bà Phù Ái giận hờn, bà nói còn nhỏ mà biết đặt điều rồi. - Nếu ngươi muốn canh chừng, thì ta cho ngươi biết: Muốn chiến đấu với bọn Bóng Tối lâu dài, phải có thành lũy vững chắc. Ngoài ra còn phải có vũ khí thì mới hòng canh chừng giặc được. Ta đưa ngươi về lại thời thần Kim Quy, không được nói rõ mình ở đâu đến. Nếu như ở đó tự tìm ra được việc tốt, có thể đem về chiếc nỏ thần. Bà Phù Ái thực sự là người khó tính. Việc Hồng Phát lỡ uống miếng cà phê cũng bị phạt. Lính tráng thời thần Kim Quy đã có khố vải, vai trần bắp thịt rắn chắc. Bọn họ đang tuân lệnh vua An Dương Vương xây thành. Người người nô nức làm theo lệnh vua ban, nhưng ngặt nỗi cứ xây lên thì sáng hôm sau là thành bị sập. Hồng Phát ăn một miếng bánh tráng nhỏ vừa, cao ráo như người khoẻ mạnh. Một tên lại nạnh hoẹ: - Ê! Sao mày to thế kia, không khuân vác gì hết vậy… - Làm chi cho mệt- Hồng Phát lười biếng trả lời - Ta ngồi đợi ông già đến, rồi tính sao… - Ừ Nha! Sao cứ xây thành bao nhiêu bị đổ sập hết…mệt thấy mồ… Hồng Phát nhích sang một bên, thỏ thẻ: - Ngồi xuống đây, cứ tin ta đi. Đợi ông già đến rồi hai đứa mình cùng nhau bắt tay vào việc. Người phu thở dài ngồi xuống, chán nản vì xây thành yếu xìu, chỉ cần con gà trắng gáy sáng cũng đủ sập. Các thợ, các phụ việc vẫn tiếp tục. Người mang gạch người xây, hai người nằm vắt vẻo nói chuyện phiếm, chứ không chịu ra tay: - Anh là thợ hay phụ. - Mới lên thợ - Hèn chi thấy gạch anh để lên tường, vẹo neo cũng xây…trách gì tường không sập. - Ở đây nhiều người tay nghề cũng yếu, chứ mình tôi sao… - Anh ăn công hay ăn tháng? - Nhà vua có trả đồng nào đâu…mấy ngày qua đói quá trời. - Tay nghề như anh, gặp tôi cũng không trả tiền, chứ đừng nói đến vua An Dương Vương. Xây hôm nay, ngày mai sập…thợ thầy không ra trò trống gì. Cứ nghe lời tôi, đợi ông già đến đi. Ngày hôm sau đúng mùng bảy tháng ba, từ phương đông một cụ già đến. Ông thở dài giống như mấy người phu lính: - Nếu không có sứ Thanh Giang, chừng nào mới xây xong. Vua An Dương Vương tên là Thục Phán, mừng rỡ mời cụ già vào hoàng cung than thở: - Ta xây bao nhiêu lần đều bị xói lở, nay nhờ ông chỉ kế mưu ta đội ơn vô cùng. Ngày hôm sau một con rùa vàng từ phương đông nổi lên, biết nói chuyện: - Ta là sứ Thanh Giang đây! Thông tinh trời đất. Nhà vua rước rùa vàng vào thành, cũng bằng xe vàng. Có rùa vàng, xây thành Cổ Loa nửa tháng là xong. Xoắn như hình trôn ốc, rất cao. Vua than rằng: - Thành xây đẹp, nhưng nếu có giặc đến phá thì làm sao giữ? Con rùa vàng là thần Kim Quy, rút một móng chân đưa cho Cao lỗ: - Nhà ngươi làm nỏ, nhằm quân giặc mà bắn…Nói xong, Thần Kim Quy bỏ đi. Nước Âu Lạc có thành Cổ Loa theo hình chôn ốc rất đẹp. Người ta đồn ra đồn vào. Triệu Đà muốn tấn công, chiếm lấy thành. Triệu Đà tấn công mấy lượt đều bị nỏ thần bắn tơi tả, chạy về núi Trâu (Hồng Phát không hiểu sao, chỗ này hết giặc Ân rồi giặc Triệu cứ đồn trú.- Núi cũng có tên là Quế Vỏ hoặc Trâu Sơn). Ở đấy nghĩ kế, Triệu cho Trọng Thuỷ con trai mình cầu hôn với Mỵ Châu con gái của vua. Nhắc lại Hồng Phát, có công cùng với quân lính xây thành Cổ Loa. Từ khi đợi ông cụ tới và Thần Kim Quy giúp vua xây thành, làm việc rất hăng hái. Tinh thần rất vui vẻ, nhưng khi Trọng Thuỷ cầu hôn Mỵ Châu thì không mấy được vui lắm. - Ngươi vào bẩm với vua là giả bộ đó. Hồng Phát nói với một tên lính, tên lính liền cãi lại: - Ý này là của nhà ngươi…ngươi vào bẩm báo sao lại xúi ta. Nếu như bị chém ngươi chịu thế ta không? Xúi dại không à! Hồng Phát lắc đầu biết khó cho tên lính, cũng đúng thôi. Lính lát vào cung nói ai mà tin. Hồng Phát quyết định lẻn vào trong thành, đợi đêm xuống lần mò vào. Mấy tên lính canh ngủ gục, Hồng Phát ép sát vào bờ tường. Thành Cổ Loa rất nhiều cầu thang. Lần lên từng phòng, kiếm phòng của Trọng thuỷ và Mỵ Châu cũng hơi khó. Một tên lính canh đi ngang qua, mấy đứa con gái bưng nước yểu điệu: - Mới cưới…giỡn hoài à! - Công tử đẹp trai, mà còn ga lăng nữa. Công chúa yêu thương lắm. Nghe hai cô gái nói, đợi họ đi lại gần. Hồng Phát khẽ ngoắc lại: - Ê! Nói nghe nè… Hai người hầu thấy lạ, bèn đến chỗ Hồng Phát đang núp: - Làm gì mà núp chỗ tối mò mò vậy anh.- Hai cô gái yểu điệu, cũng có ý muốn giao lưu. - Mình có việc. Chuyện thế này: Trọng Thuỷ yêu Mỵ Châu là giả bộ đó. - Không có đâu, mình thấy hai người hôn nhau thiệt mà… - Hôm qua, mình thấy bạn rình coi đó nghe. Đợi hai cô gái thôi nói, Hồng Phát than thở: - Trời ơi! Giả bộ hôn cũng được vậy…Thôi thế này, còn bộ đồ nào mình giả làm con gái, mình sẽ khuyên can công chúa cho… - Còn…nhưng ngắn quá. Ngươi cao thế kia, chắc hai cái chân bị lòi ra đó… - Ừ! Lòi thì lòi, chứ cứu nước mình ra sao cũng được. Hai người con gái kia mang ra bộ đồ nhỏ xíu. Hồng Phát mặc vào đúng là chỉ che được đầu gối. May là, thời đó chưa có giày cao gót, nếu không thì giống y như cây sào. Hồng Phát yểu điệu đi phía sau hai cô gái, đến phòng Mỵ Châu nghe văng vẳng lời Trọng Thuỷ nói: - Nàng đưa ra đi… Hồng Phát nghi là, thế nào Trọng Thuỷ cũng sẽ đòi lấy nỏ thần. Cho nên nhảy bổ vào can gián: - Đừng đưa công chúa. Lúc đó Mỵ Châu chìa má cho Trọng Thuỷ hôn, thì ra là chàng bảo nàng đưa má ra để chàng hôn. Hai người chới với, mất tự nhiên: - Ới! cô gái này ở đâu ra, cao lều nghều vậy.- Trọng Thuỷ quê quá quay mặt chỗ khác, bêu rếu- Con gái gì lông chân không? Lợi dụng lúc Trọng Thuỷ quay mặt đi, Hồng Phát ghé tai nói nhỏ cho Mỵ Châu nghe: - Yêu giả bộ đó công chúa… - Hỏng dám đâu- Mỵ Châu trả lời- Mấy ngày qua ta biết rành mà…Thôi ngươi ra đi, chỗ phòng ngủ của người ta. Muốn vào là vào sao? Thế là, Hồng Phát bị đẩy ra ngoài, rồi đóng cửa lại. Hồng Phát canh chừng suốt đêm, lúc nghe nói đưa ra là nhảy vào. Ai dè hết đưa tay, rồi lại đưa chân cho Trọng Thuỷ hôn. Mấy lần đều bị Mỵ Châu tống cổ ra ngoài. Nhìn thấy Mỵ Châu xem ra yêu lậm Trọng Thuỷ rồi, khuyên can cũng vô ích thôi. Mấy ngày sau, Trọng Thuỷ xin phép về thăm cha mình. Chắc chắn đã tráo nỏ thần mang về cho cha mình, sau khi đã bảo Mỵ Châu cho xem. Ở lại, công chúa cứ ngày đêm nhớ nhung người chồng mới cưới. Còn An Dương Vương, du nhập môn cờ từ sông Dương Tử. Vua và Cao lỗ ngày nào cũng thi thố tài năng. Hồng Phát chạy chọt được một chức vệ sĩ cho vua, đứng coi hai người đánh cờ để có dịp khuyên can. Thuở ấy ai cũng mới chơi cờ tướng, đánh còn dở ẹt. Vua An Dương Vương thua Cao lỗ tè le, nhưng cứ rủ chơi miết, đánh đến khi tối tăm mày mặt cũng không chịu ngơi nghỉ. Bàn cờ trống rỗng bên trái, con sĩ của An Dương Vương đã chống lên. Còn con xe chưa ra quân. Vậy mà Cao lỗ, đâm xe xuống đòi chiếu tướng bắt xe. An Dương Vương thay vì lấy con xe đỏ ăn con xe xanh, lại ngồi buồn bã: - Chết xe đỏ ta rồi! Phải sập sĩ thôi… Hồng Phát nhắc nho nhỏ, nhưng vua không nghe rõ, đã kéo con sĩ xuống rồi. Còn Cao lỗ thấy Hồng Phát khều khều nhắc vua là lấy xe ăn xe, biết mình đi nước cờ hớ nên không quan tâm con xe đó nữa. Ai dè vua không ăn, sụp con sĩ. Cao lỗ mừng quá, đem xe bỏ chạy… - Nghỉ đi…mệt lắm rồi vua ạ! Nhà vua nhìn Hồng Phát, hỏi: - Ý ngươi là sao? - Dạ! Cao tướng quân đi hớ nước cờ. Thay vì vua ăn con xe xanh, vua lại sụp sĩ… An Dương Vương nhìn lại nước cờ, vỗ đùi tức lắm. Nhưng lỡ đi rồi. Hồng Phát giải thích tiếp tục: - Còn Cao tướng quân cũng vậy. Vua sập con sĩ, thì tướng quân ăn xe đỏ của vua. Đằng này, tướng quân đem xe xanh bỏ chạy… Cao Lỗ nhìn lại cờ tức quá, đúng là chơi cờ nhiều quá nên rối rắm. Nhưng cũng an ủi: - Cờ tướng mới có, biết đánh như vậy là hay rồi… Lúc này cả hai đều nghiện chơi cờ quá mức. Hồng Phát khuyên can mãi vua không nghe lời can gián. Biết là quân Triệu Đà sắp tấn công, Hồng Phát sửa soạn lại con đường bí mật, mà trước mình lẻn vào thành. Quân Triệu Đà đến sát bên thành, nhà vua vẫn còn ung dung đánh cờ. Đợi quân giặc đến sát thành, mới cho người đem nỏ thần giả ra bắn. Bắn mấy mũi tên, cứ quẹo đầu không trúng đâu vào đâu. Trọng Thuỷ gạt Mỵ Châu tráo nỏ giả. Quân Triệu Đà thừa thắng xông lên, lúc này An Dương Vương mới tỉnh trí ra, liền bảo Hồng Phát tìm công chúa Mỵ Châu để cùng trốn thoát. Hồng Phát dắt ngựa của nhà vua ra ngoài bằng đường bí mật, con đường mình thường lẻn vào phòng công chúa trước đây. Vài tên giặc đuổi theo, Hồng Phát có gài dây cho té ngã. Ra ngoài, rồi mạnh ai nấy chạy. Ngựa của An Dương Vương không chở nổi ba người. Nhà vua cứ chạy vòng vòng đánh lạc hướng. Cuối cùng, Hồng Phát đến ngồi đợi tại bờ biển. Nơi đó là đất Dạ Sơn, xã Cao Xá, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Chờ đợi quân Triệu Đà rượt đuổi An Dương Vương và Mỵ Châu đến cùng đường, nơi cuối chân trời góc biển. Mỵ Châu ngây thơ rứt lông ngỗng trên tấm áo gấm, Trọng Thuỷ cứ theo đó mà lần ra đuổi theo. An Dương Vương thắc mắc, sao cứ bị lần ra mãi. Mệt muốn đứt hơi mà quân giặc cứ ở phía sau lưng mình hoài. Ra đến biển hết đường chạy, sực nhớ đến thần Kim Quy, vua gào thét: - Sứ Thanh Giang đâu hãy cứu ta. Tại sao ta chạy đi đâu, cũng bị quân giặc đều biết hết vậy. Thần Kim Quy hiện ra, chỉ tay về phía Mỵ Châu nói: - Kẻ thù sau lưng ngươi đó. Nhà vua quay lại, thấy Mỵ Châu rứt lông ngỗng thôi là rứt, thấy vậy ông hỏi: - Con rứt lông ngỗng để làm chi vậy? - Dạ! Chàng Trọng Thuỷ có dặn con rằng. Nếu có khói lửa binh đao thì dùng cách gì để tìm nhau. Con nói có áo lông ngỗng con sẽ rứt, cứ theo lông ngỗng tìm con. Vua An Dương Vương tức quá, liền rút kiếm ra chém Mỵ Châu. Hồng Phát đợi ở đấy từ lâu, bỏ vào miệng mình một miếng bánh tráng to đùng ra. Tay cầm khúc sắt gãy của Thánh Gióng bay ra cản lại. An Dương Vương không biết là ai, hỏi: - Sao? Cuối cùng ngươi là ai? - Ta là Phù Đổng Địa Vương đây! Ta không thể cho vua giết con gái mình được. - Nó theo giặc hại ta, rồi còn gì…Hoàn toàn có lỗi. - Dù sao lỗi ấy là do người lớn sắp đặt, làm sao một người con gái yếu đuối đang tuổi yêu bồng cháy hiểu được âm mưu chính trị của bọn giặc. Vả lại, sao lúc ấy vua không cản trở việc cầu hôn ấy, làm vua phải cảnh giác chứ. Vua bị mắc mưu, rồi còn ghiền cờ, tưởng nỏ thần còn nên cứ chơi. Lơ là như thế vua trách ai, con gái vua còn khờ dại sao đổ hết trách nhiệm vào đầu nàng. Vua An Dương Vương nhìn thấy Mỵ Châu ngồi cứ mãi miết rứt lông ngỗng một cách vô tư, đưa thanh kiếm định chém lần nữa. Hồng Phát lúc này to cao, lực lưỡng. Tiếp tục cầm khúc sắt cố đỡ cây kiếm của vua An Dương Vương. Đánh nhau mấy hiệp, chủ yếu là cho thanh kiếm hay thanh sắt bị gãy, chứ không đâm chém nào. Thần Kim Quy cũng thấy ngán, nên nói: - Thôi ta đi! Có một đứa con gái, giết con mình làm gì…dù sao già cũng chết hết. An Dương Vương thở hổn hển, cầm sừng tê giác, leo lên lưng thần Kim Quy rẽ nước xuống biển. (Đó là năm 207 trước công nguyên, An Dương Vương làm vua được năm mươi năm). Trọng Thuỷ đến thấy Mỵ Châu còn sống, cám ơn Hồng Phát rối rít. Hai người ôm nhau hôn nồng nàn. Trọng Thuỷ vui vẻ lấy nỏ thần ra, đưa cho Hồng Phát: - Cái này cũng hết cần…ta cho đó. Hai người dìu nhau đi. Gió thổi phần phật trông rất đẹp. Tưởng Trọng Thuỷ giả vờ yêu thôi, ai ngờ tình yêu của chàng đẹp đẽ vô cùng. Hai người chỉ vì bị lợi dụng, chứ nào ai muốn chuyện xấu xảy ra. Nếu sau này không có ngọc trai, thì người ta làm ngọc trai nhân tạo. Chứ hai người chết đi, Hồng Phát quả thật không đành lòng. Hồng Phát lấy nỏ thần ra xem là cái gì, mọi người giành giật nhau chỉ vì nó. Cái nỏ là lạ, kéo thử mấy cái nghe như tiếng đàn. Táy máy sao đó Hồng Phát làm gãy lìa: - Úi chết rồi! Chắc chắn bà Phù Ái sẽ trách mắng ta không thôi. Khỏi phải nói, Bà Phù Ái trách mắng Hồng Phát một thôi một hồi: - Ngươi tốt có tốt thật, nhưng ngươi phá hoại cũng chừng ấy- Bà đeo cái kính lão xề xệ, nhìn thấy cái nỏ thần gục lên gục xuống. Bà tiêng tiếc - Phá quá…Mình làm việc gì tốt thì phải gìn giữ thành quả ấy đến cùng. Phá quá…- Bà chặc lưỡi, vẻ không hài lòng một chút nào. - Nỏ thần cũ xì, kéo nhẹ hều cũng gãy. Ta nói mà ngươi vẫn chưa chịu nghe, cãi lẫy. Biết nó cũ xì càng phải nhẹ tay lên chứ. Chú vệ sĩ và bàn cờ cá ngựa. Thỉnh thoảng Hồng Phát đòi mẹ vào siêu thị. Chú vệ sĩ đứng trước cửa là người Hồng Phát sợ nhất. Vào trong Hồng Phát đòi mua bàn cờ cá ngựa, mẹ bảo: - Bàn cờ có bốn người chơi, vậy ai chơi với con bây giờ…Thôi con mua cái khác nhe. Hồng Phát để lại bàn cờ cá ngựa, lấy con búp bê Baby nhỏ. Mẹ đi mua xà bông, vài cái khăn, còn mua cá ướp lạnh và rau muống. Đi về, Hồng Phát thuận tay lấy hộp cờ cá ngựa. Mẹ tính tiền, Hồng Phát không dám để bàn cờ cá ngựa lên quầy. Cô nhân viên vào bọc xong đưa cho mẹ, và cũng không thấy bàn cờ cá ngựa. Hồng Phát ra gần cửa, bỗng sực nhớ chú vệ sĩ. Núp bên hông của mẹ, nhưng chú vệ sĩ vẫn thấy được, trừng mắt: - Bàn cờ tính tiền chưa cháu? Hồng Phát không dám thốt nên lời, áp người vào chú vệ sĩ nịnh nọt: - Siêu thị này của chú hả? - Là của chú nhưng cũng không phải của chú, chú làm nhiệm vụ canh gác. - Chú giàu quá, siêu thị nhiều đồ quá… - Ờ! Nhưng cũng có khi ít đồ, có khi rất là nhiều thứ giá trị. - Vậy chú lãnh lương có nhiều không? - Chú cũng có thể có nhiều nhưng cũng không nhiều… - Cháu đi ra nghen? Mẹ cháu đợi… - Ừ ! Chú vệ sĩ bỗng thấy Hồng Phát dễ thương cho Hồng Phát mang ra cửa, vô tình để Giám đốc thấy: - Anh làm như thế không tốt cho một em bé, a dua việc làm xấu của em bé là hại nó. Anh làm không tốt nhiệm vụ được giao, tôi cho nghĩ việc. Hồng Phát còn đứng đó, nhưng cũng không chịu trả bàn cờ. Chú vệ sĩ bị đuổi việc vậy là nghèo lại rồi, đi ngang chú xoa đầu Hồng Phát một cái. - Chú ơi! Cháu trả bàn cờ lại đây… - Cháu cứ cất giữ, đằng nào chú cũng đã bị đuổi việc rồi. Mẹ Hồng Phát nghe hiểu câu chuyện, hết nhìn Hồng Phát trừng trừng, nhìn chú vệ sĩ ân cần rồi thốt lên: - Hay anh về chơi với cháu. Nó không ai trông chừng… - Chơi với cháu nghe chú… Chú vệ sĩ mỉm cười rồi gật đầu. Bắt đầu về nhà chơi với Hồng Phát cờ cá ngựa. Các con cờ cá ngựa cứ đi vòng vòng, không biết con nào vô địch. - Mai mốt cháu vào học, chú cũng đi theo chơi với cháu? - Cũng được… Bà sư Phù Ái thấy hai người chơi cờ cá ngựa, cứ đuổi nhau vòng vòng trên bàn cờ. Bà phù phép: - Các ngươi hãy ôm bàn cờ này trở lại quá khứ mà chơi… Dứt lời, một tiếng bùm loé xanh mát thường thấy. Bỗng chốc, Hồng Phát thấy chú vệ sĩ làm Triệu Đà, còn mình làm quan nhỏ của nhà Hán. Hai người ngồi chơi cờ cá ngựa, mang cục xí ngầu ra đổ lên cái chén. Nó nhảy lưng tưng, ra số mấy thì mang ngựa mình đi mấy bước. Chú vệ sĩ là Triệu Đà ngồi chồm hổm, Hồng Phát là sứ giả nhà Hán, tên là Lục Giả khuyên lơn: - Vương Tôn đánh chiếm được Âu Lạc của An Dương Vương, nhân cơ hội sụp đổ của triều đình Tần Thuỷ Hoàng thành lập nước Nam Việt. Nhưng Vương Tôn là người Hán, họ hàng thân thuộc và mồ mả cha mẹ đều ở Trung Quốc. Nhà Hán phong cho vương tôn làm Nam Việt Vương, được trao quả ấn và dây thao…Vậy nhập đất Việt vào Hán, kẻo bị nhà Hán đánh. Chú vệ sĩ làm bộ sợ: - Ơ! Ta làm vệ sĩ lâu ngày rồi, được trao nhiệm vụ canh giữ thì ta canh giữ…Đang ở đất Nam Việt thì phải coi thôi. - Chú không biết đóng kịch gì hết…- Hồng Phát nhắc chú vệ sĩ- Bây giờ chú là Triệu Đà. - Á quên! Ta nói lại thế này: “ Ta ở đấy này lâu ngày, thành ra quên hết tập tục người Trung Quốc”. - Đúng rồi! Triệu Đà nói như vậy! Để cháu là Lục Giả mới hỏi: “ Vua giờ là người nước nào?” - Ta tuy nhà Hán, nhưng bị đất Việt đồng hoá mất rồi. Trọng Thuỷ lấy Mỵ Châu, mai mốt ta còn truyền ngôi cho cháu nó. - Sao siêu thị không ra siêu thị, chợ không ra chợ vậy chú. - Ừ vậy đó…Mới mà. Từ từ sẽ định hình thôi, cũng như thời xa xưa…Nước Việt đang hình thành, dù sao thì Triệu Đà cũng là ông vua của Việt Nam mình. Vì ông lấy danh hiệu Nam Việt Vương. - Rồi đây, siêu thị không bán đồ chơi trẻ em nữa đây, sẽ có cửa hàng trẻ em. - Chỗ nào có trẻ em không cần vệ sĩ. Chú làm vệ sĩ ở chỗ người lớn, không lúng túng với trẻ em, nên không bị đuổi nữa. Hai người vừa chơi cờ cá ngựa, vừa nói chuyện Triệu Đà. Còn trí não ngây thơ của Hồng Phát lẫn lộn việc hiện tại với quá khứ. Hồng Phát còn tưởng tượng bà Phù Ái xịt khói vào người chú vệ sĩ nữa chớ. Nhưng thế nào đi nữa, Hồng Phát cũng biết: Triệu Đà sau truyền ngôi cho cháu là con của Trọng Thuỷ ( cũng là con của Mỵ Châu) tên là Triệu Hồ. Từ năm 207 trước công nguyên đến 111 trước công nguyên, nhà Triệu có cả thảy bốn vua. Sau Hán Vũ Đế chiếm nước Nam Việt để sát nhập vào đất Trung Quốc, nên Hồng Phát thắc mắc không biết là Triệu Đà có nên tính là vua Việt Nam hay không? - Chú à? mình chơi cờ cá ngựa có sao không? Có khi nào mình bị mất nước không? - Không đâu? Bây giờ người ta chỉ muốn thi thố nhau thôi, chứ không đặt nặng chuyện chính trị vào trò chơi làm gì. Nhưng mà, cờ ngựa mình chơi chỉ để giải trí, chứ không phải là một môn thể dục thể thao nào đâu? - Ủa? Vậy hả chú. Con nghĩ cờ Vua, cờ Tướng được thì nó cũng được chớ...Rõ ràng, ở đời có nhiều điều mình chưa ngã ngũ. Vậy thôi, con chơi bóng chuyền cho chắc ăn. Búp bê Baby và bong bóng xà phòng: - Đó ngươi lại cầm con búp bê cũ, lại nắm táy máy cái áo hư nữa đó. Con búp bê Baby trước mua ở siêu thị, quần áo may sơ sài. Hồng Phát nắm một cọng chỉ kéo thì tuột luốt hết. Hồng Phát lấy bọt xà phòng thổi to lên, trùm lên búp bê Baby. Bà Phù Ái nói: - Bọt xà phòng không thể che thân được con gái. Con trai sao chơi búp bê con gái, mà sao con bé Tiên Dung hôm nay không qua đây học nhỉ? Bà sư nói xong rồi vào trong một lát. Cô bé Tiên Dung mắt còn buồn ngủ mới sang, ngồi bệt xuống cạnh Hồng Phát. Cô bé thấy con búp bê Baby bị rách hết áo, chê con búp bê xấu không chơi. - Bà ơi, bà thổi bùa chú cho cháu đi- Bà sư Phù Ái vừa bước ra, Hồng Phát đã nhờ vả bà rồi. - Ta cho ngươi một bộ đồ thôi, ta lượm được một con rối nước. Bà Phù Ái lấy ra một bộ đồ: - Bồ đồ này là bộ đồ của Trưng Nữ Vương đó!- Bà kể: Bà Man Thiện sinh đôi được hai người con gái. Bà làm nghề tơ tằm, kén trứng nào tốt gọi là trứng chắc, kén trứng nào kém hơn gọi là trứng nhì. Thuở đó chưa có họ, lại theo Mẫu hệ. Có con, nên bà gọi hai đứa sinh đôi là trứng trắc và trứng nhì, y như kén tằm. Nhưng chữ viết của Trung Hoa lúc đó viết ra là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Bà Man Thiện hay kể chuyện các vua Hùng Vương ( hai ngàn năm trước ) cho các con nghe, còn dạy võ nghệ nữa. Hồng Phát mặc bộ đồ lại cho búp bê tóc vàng, rồi hỏi: - Trưng Nữ Vương có tóc vàng không bà? - Trưng Nữ Vương ư?- Bà Phù Ái gật đầu- Con trai chơi búp bê con gái, thì nhớ Trưng Nữ Vương đó nghe. - Vậy bà thổi bùa phép vào con búp này đi, cả bọt xà phòng cho cháu. Bà Phù Ái có vẻ mến Hồng Phát, bà lại thổi ( bong bóng ) một làn hơi vào búp bê. Con búp bê bổng chốc tóc màu đen, lại có một con nữa giống hệt. Hồng Phát nhìn thấy bọt xà phòng đủ màu mà tưởng tượng, cho là bà Phù Ái thổi bùa chú vào. Hồng Phát mang hai con búp bê xuống núi, vừa lấy đất sét nắn voi vừa để hai con búp bê lên lưng. “Bùm” lên một tiếng. Tức khắc, Hồng Phát đang điều khiển voi cho hai Bà giống như Hai bà Trưng, đeo theo một thùng xà phòng cho mấy chú voi thổi. Bong bóng bọt xà phòng bao quanh quân Bóng Tối, bị bay lơ lửng. Một tên có chức Thái Thú cũng bị bọt xà phòng cay mắt chạy về tìm vua Bóng Tối cầu viện. Cô bé Tiên Dung đóng vai bà Trưng Trắc, còn con búp bê là Trưng Nhị: - Tên Bóng Tối có chức Thái Thú bắt giết chồng ta , tấn công… Hồng Phát chăm nước xà phòng không kịp cho hai con voi. Hai con voi sẵn có cái vòi thổi bong bóng vào đám giặc. Dân chúng theo ủng hộ hai Bà, kéo voi nhà ra ủng hộ, đánh được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc nói: - Từ lâu nước Nam không có vua, nay ta xưng là Trưng Nữ Vương. Dân chúng tung hô vạn tế, bong bóng xà phòng được thổi đầy trời ăn mừng. Hồng Phát nói với mọi người: - Vui quá vui. Tính từ năm 111 trước công nguyên, Triệu Đà truyền ngôi được bốn đời, thì bị Hán Vũ Đế đánh thắng. Xác nhập nước Nam Việt vào nước Tàu. Đến bây giờ là năm 40 (sau công nguyên) mới có vua, vui ơi là vui. - Trưng Nữ Vương ở Ba Vì, Hà Tây nè. Mình cũng ở đó. Cô bé Tiên Dung dễ thương khoe với Hồng Phát như vậy, còn chớp chớp mắt. Hồng Phát đưa cho cô bé cái thổi bong bóng xà phòng. Cả hai dang tay ra gió, bong bóng bay khắp trời. - Cho bạn con búp bê này nè! Mình trở về mình mua con khác… - Cám ơn bạn đó, có dịp bạn đến Hà Tây mình chơi. - Ừa! Cứ hễ, Hồng Phát chơi búp bê Baby và bọt xà phòng là nhớ tới Hai bà Trưng. Bộ đồ bà Phù Ái cho, Hồng Phát mặc hẳn cho búp bê. Tựa như, Bà Trưng Trắc tóc vàng. Hôm đó, Hồng Phát toàn là kể chuyện. Bà sư Phù Ái nói: - Sao ngươi không đánh chúng nữa? Mà lại chơi mà chỉ kể chuyện cho cô bé ấy nghe không vậy. Bây giờ thì ngươi giỏi lịch sử, ngươi phải tính sao? Chứ học rồi chơi không coi sao được. Hồng Phát nghiệm lại, mình đã có thành Cổ Loa, tuy Nỏ thần bị gãy nhưng dán keo lại có thể dùng được. Còn Thủy tinh cũng có thể bên mình và quân đội được Lạc Long Quân và Âu Cơ giấu khắp nơi trên rừng dưới biển. Thời cơ khởi nghĩa xem ra cũng đủ rồi, nhưng mà phải có viên ngọc bích xanh lè nữa mới được. Tháng 9- 2008 ( hết tập 1)
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: