Tác giả : Võ thị Điềm Đạm
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/2452/7EA75D17681B46E7ADCA3189261AEEAA.gif[/image]
Tên thật: Võ Thị Điềm
Quê quán: Đại Nẫm, Phan Thiết
Cựu học sinh Phan Bội Châu, Phan Thiết
Lương văn Can, Sư Phạm, Văn Khoa Sài Gòn
HiO, Norway
Cộng tác với nhiều tạp chí, đặc san và trang mạng.
Đã in chung: Tuyển Tập Bản Hoà Tấu - Việt.no - 2006
Tuyển Tập Phụ Nữ Việt 2005 - Phunuviet.org
Tuyển Tập Phụ Nữ Việt 2006 - Phunuviet.org
Sẽ in: Thiên Thanh - tập truyện
Thơm Ngát Hương Chanh - truyện dài
Thời gian gần đây trên báo chí cũng như các diễn đàn điện tử xuất hiện khá nhiều tác phẩm của Võ Thị Điềm Đạm, trong đó, ‘Hai Má Con Nó’ đã gây nhiều ấn tượng với độc giả sau khi truyện nầy đoạt giải nhất truyện ngắn Viet.No 2006. Hôm nay, vừa tròn sáu tháng kể từ ngày nhận giải, tác giả lại hân hạnh gởi đến bạn đọc tác phẩm đầu tay, ghi dấu sự nghiệp của mình bằng một tuyển tập với đề tựa nghe thật dễ thương : Mai Nở Miền Tuyết Trắng.
Mai rừng Phan Thiết nở trên đồi tuyết Oslo là những hình ảnh tuyệt đẹp và quý giá mà tác giả đã dày công mang hơi nóng mùa xuân từ quê nhà qua sưởi ấm người miền cao tuyết lạnh. Na-Uy, vùng đất thanh bình yên tỉnh, tuyết phủ quanh năm chính là môi trường thuận lợi, là điều kiện thích ứng giúp cho tình yêu con người dễ dàng nhạy cảm, chín mùi và bộc phát nồng nhiệt, nhất là đối với những người đàn bà Việt Nam mà nguồn Thơ Văn đã có sẳn từ trong huyết quản.
Trăm hoa đua nở bất cứ nơi đâu có dấu chân người tỵ nạn, từ ba mươi năm nay người Việt tha hương đã giới thiệu thế giới một nền văn hoá nhân bản nhằm phục vụ con người, trong đó vai trò người vợ, người mẹ được đánh giá đưa lên hàng đầu.
‘
Tình cảm nhẹ nhàng mà tha thiết, hành động kín đáo mà quyến rũ, thái độ hời hợt mà nóng bỏng, cử chỉ dịu dàng mà phẫn nộ’…là những bí quyết tuyệt vời của người đàn bà Việt Nam qua lối xử thế với đời, trong tình yêu lứa đôi cũng như nếp sống hạnh phúc gia đình….đã được ngòi bút tác giả trình bày qua những nhân vật điển hình trong tuyển tập Mai Nở Miền Tuyết Trắng.
Bối cảnh dựng chuyện của Võ Thị Điềm Đạm phần đông xoay quanh trong liên hệ gia đình, người thân tại quê nhà cũng như nơi vùng đất tạm bợ. Nhưng những hình ảnh tác giả vẽ lên thật sống động, người xem có thể nhớ lại dễ dàng những nổi suy tư của người dân miền Nam cũng như hình dung được bức tranh xã hội sau những ngày tháng mất nước. Nhờ đó bạn đọc, nhất là lớp trẻ sau nầy, có thể hiểu được thế nào là ‘tình người tình đời’ để rồi có một lối phán đoán chính xác những gì đã xảy ra trong liên hệ gia đình cũng như giữa người thân, bạn bè, làng xóm trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hay nói đúng hơn, của người đối với người dưới hai chế độ Tự Do và Cộng Sản.
Xúc động trước một mẫu tin trên báo Người Việt Oline, tác giả dựng lại thành ‘Hai Má Con Nó’, câu chuyện sống động và thương tâm của em Nông Văn Phương tại miền Bắc Việt Nam. Tác giả đã viết về nổi bất hạnh của những thành phần nghèo khổ, cô đơn thất thế bị xã hội ruồng bỏ và xua đuổi chẳng qua là vì kiến thức ngu muội của giới cầm quyền, cũng như đã nói lên thân phận khốn cùng của người đàn bà Việt Nam dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào giữa mẹ với con vẫn còn một tình thương tha thiết bao la, một bổn phận thiên liêng cao quý mà tác giả muốn vinh danh người đàn bà. Bằng lối hành văn trong sáng ngắn gọn với những lời đối thoại mộc mạc của những người dân quê bằng lòng an phận trong tận cùng của sự đau khổ, tác giả đã diễn tả trọn vẹn hình ảnh một bà mẹ bao la, một người vợ phi thường, một người đàn bà can đảm trong cái xã hội mà tình người đã mất từ lâu và lương tâm không còn nhắc đến.
Nhưng ngược lại trong ‘Cành Rong Biển Chưa Khô’, ngòi bút tác giả hướng về những tư tưởng xung khắc chính trị giữa hai người đang yêu đồng thời đưa độc giả trở lại giai thoại châm biếm của dân miền Nam sau năm 1975. Một lối châm biếm nhẹ nhàng nhưng sắc bén, nhắm thẳng vào kẻ chiến thắng mà giới bình dân trong Nam xử dụng hằng ngày như một vũ khí của những người trong tay không có được một tất sắt : Loan một nữ sinh viên vừa ra trường sau ngày mất nước, đã nhanh chóng nhập vào giới chợ trời, một môi trường hợp thời với những gia đình thuộc chế độ cũ, nghĩa là trong nhà còn cái gì thì bán cái đó để sống qua ngày. Trong thời gian nầy, Loan đã phải lòng với một ‘Việt kiều yêu nước’ vừa trở lại quê hương sau ngày ‘hòa bình thống nhất’. Dù yêu nhau nhưng không thể kết hợp hai tư tưởng đối nghịch trong cuộc sống lứa đôi, Loan đã bỏ lại sau lưng cuộc tình và âm thầm vượt biển tìm cho mình một lối thoát…
Trong chuyện tình ‘Cành Hoa Hồng Tím Thẫm’, Võ Thị Điềm Đạm đưa đọc giả quay trở lại những chuyện học trò trong thời chiến, ‘Tình anh lính chiến và em gái hậu phương’ ngày nào. Câu chuyện tình thật đẹp từ buổi ban đầu tại Việt Nam, anh là thương binh oai hùng em là nữ sinh trong trắng, nhưng cuối cùng khi ra định cư xứ ngoài, tác giả đã giết chết cuộc tình…làm cho đọc giả phải ngậm ngùi nuối tiếc vào hồi kết cuộc.
Đối với tôi, tác phẩm gây nhiều ấn tượng nhất, ‘Bắt Phong Trần Phải Phong Trần’ qua lối nhận xét độc đáo, khi tác giả mượn lời Hai Nụ vạch trần mục đích những người đàn ông thuộc loại nhiều quyền lắm bạc mỗi lần đến với đàn bà : ‘
Tôi đẹp từ mái tóc nâu dợn đến bàn chân trắng thon, nhưng những người đàn ông đến với tôi, nhìn tôi, chỉ thấy từ bụng trở xuống’. Tác giả cũng so sánh lối hành xử của công chức chế độ cũ thời trước và cán bộ Cộng sản sau nầy đã đến với Nụ : ‘
Ở thời nào thì đàn ông cũng đến với tôi như một con thú.. Nhưng cái khác nhau là một con thú nhà được nuôi dưỡng trong nếp sống chứng mực, biết chờ biết hưởng thụ và một con thú rừng, nuốt không kịp nhai, hưởng thụ trong tân trạng gầm gừ , lo sợ bị khám phá, bị tranh giành’. Võ Thị Điềm Đạm đã chứng minh ngòi bút già dặn trong việc dựng truyện, lối viết đối thoại và cốt lõi câu chuyện qua nhân vật chánh : Lớn lên trong một gia đình đông con, không cha, mẹ vô trách nhiệm, Hai Nụ chưa qua khỏi bậc tiểu học nhưng nhờ nhan sắc trời cho, nàng tự kiếm cho mình một lối thoát để sống và vươn lên với tất cả mánh lới trường đời. Thành công và giàu có trong vòng tay đùm bọc của những người đàn ông thường dối vợ, ăn cắp của công… Nhưng rồi một ngày Nụ phải tự trả một giá thật đắt cho việc làm sai trái của mình. Tác giả dựng câu chuyện để gởi đến chúng ta một thông điệp quan trọng về chữ tín, một đức tính cần thiết phải có trong đời sống con người.
Đến đây xin mời lên xứ lạnh ngắm hoa nở trên tuyết…. Những đóa mai vàng rực rở và quý hiếm chắc chắn sẽ tươi mãi trong vòng tay những người yêu thơ văn. Hãy tìm đọc để mai rừng Phan Thiết tiếp tục đâm chồi nẩy nụ, biến thành những loài hoa khác, dù dưới khung trời nào cũng giữ được gốc nguồn cội rễ và hương hoa vẫn mãi mãi đượm tình quê hương.
Đinh Lâm Thanh Paris, 22.10.2006 Sách gía $20 kể cả cước phí Mọi chi tiết xin liên lạc:
Trong nước Mỹ: Phan Ba Thuy Duong:
phanbathuyduong@yahoo.com Ở châu Âu và Na Uy: Vo Thi Diem Dam:
diemvost@yahoo.no
http://vnthuquan.net/truyen/tacpham.aspx?tacgiaid=1665
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.02.2009 19:41:11 bởi Viet duong nhan >