truyện ngắn::Mưa Mùa Đầu::Trần Trí Dũng
Trần Trí Dũng 07.02.2009 21:48:39 (permalink)
Mưa Mùa Đầu
 
Tôi thấy nàng lần đầu trong một trận đá banh. Hôm đó, đội banh trường tôi có dịp gặp một đội đàn anh khét tiếng của thành phố: Đội của bộ-ba-chân-vòng-kiềng. Đó là các anh khoảng mười tám, hai mươi. Chúng tôi lúc đó mười bốn, mười lăm tuổi, đứa nào cũng đứng thấp hơn họ một cái đầu. Trước đối thủ trên cơ rõ rệt, hết hiệp đầu, thủ thành chúng tôi đã bị lủng lưới bốn lần. Tôi và dàn công bên trên đã không gỡ được bàn nào cho đội nhà, mà đứa nào đứa nấy bơ phờ như vừa đá ba trận banh liên tiếp vì phải chạy từ đầu sân tới cuối sân kiếm banh. Tôi rụng rời lết khỏi sân, nghĩ mình còn sức đâu mà đá tiếp hiệp thứ hai, làm sao nói chuyện với ông thầy khó tánh đây. Vừa ngang qua chỗ đối phương đang ngồi nghỉ, tôi chợt nghe tiếng ai đó nói vu vơ, thần mã ọt-rơ ơi, chạy từ từ thôi em, chạy nhanh quá, trái banh rượt em không kịp!  Trước khi tôi kịp phản ứng, hai lỗ tai đã bị ù vì mấy chục tiếng cười cùng rộ lên một lúc. Cả ông thầy luôn miệng hò hét om xòm của đội tôi cũng cười ha hả. Có vẻ như tất cả mọi người trên sân banh lúc đó đều cười khoái chí, ngoại trừ tôi. Tôi nhìn quanh cố tìm ra ai là kẻ chơi mình như vậy thì... hỡi ôi, chính là một anh trong cái bộ-ba-chân-vòng-kiềng nọ. Sẵn một trái banh nằm trong tầm chân, tôi vít về phía ba người đó, tỏ ra mình cũng ngon lành lắm, đâu có dễ bị chơi quê. Trái banh vừa lìa mũi bàn chân cũng là lúc tôi nhận ra một đứa con gái đang đứng lom khom trước mặt họ. Nhưng đã trễ. Trái banh “liếm” khẽ bờ vai cô nhỏ trước khi rơi xuống cát. Lúc này tôi thật sự quê độ, cắm đầu lủi thẳng.

Sở dĩ người ta gọi đội banh đó là đội của bộ-ba-chân-vòng-kiềng vì cái xương sống của họ không ai khác hơn là ba anh em sinh ba có dáng đi chân vòng kiềng nổi tiếng. Trong đời tôi chưa gặp ba anh em nhà ai giống nhau hơn họ. Ba viên bi có khi còn ít giống hơn. Ngoài tướng đi không kể, họ cao bằng nhau, kiểu tóc giống nhau, nét mặt như đúc cùng một khuôn, ngay cả cách lừa banh cũng láu lỉnh y chang nhau. Hôm đó, chung cuộc chúng tôi thua trắng tay 8-0. Riêng ba anh em họ đã góp hết năm bàn thắng cho phía đối phương. Phần tôi bị phạt ọt-rơ cũng đúng tám lần. Tôi có tiếng là vua-ọt-rơ vì cái tật cắm đầu cắm cổ rượt banh mà quên rằng mình bị gài vô thế “ăn cắp trứng gà”. Thỉnh thoảng, có người khen tôi chạy nhanh như ngựa. Nhưng chỉ sau màn cười nhớ đời đó, mọi người mới bắt đầu gọi tôi là thần-mã-ọt-rơ.  Sau trận banh, cầu thủ hai đội nằm ngồi ngổn ngang bên lề sân nghỉ mệt. Tôi thấy cô nhỏ khi nãy đang lính xa lính xính xung quanh bộ-ba-chân-vòng-kiềng, nghĩ mình cũng nên xin lỗi một tiếng. Cởi đôi giày vắt trên vai, tôi đi về phía họ. Chúng tôi nói giỡn qua loa về trận banh, rồi tôi nhắc lại vụ trái banh đi lạc vào giờ nghỉ giữa hiệp. Một anh trong số họ nhanh trí:  "Không có gì! Em đâu cố ý... Sẵn anh giới thiệu em gái tụi anh với em luôn...” Đến lúc đó, tôi mới nhìn kỹ nàng. Cảm giác đầu tiên hiện lên trong tôi là nàng không hề giống các anh nàng. Bộ-ba-chân-vòng-kiềng có chung một gam màu vàng đất, từ mái tóc khét nắng, tới tay chân lấm láp đất cát trộn lẫn mồ hôi. Cả màu mắt họ cũng không hẳn đen. Còn ở nàng, đôi mắt và mái tóc đen kỳ lạ. Có thể vì sự tương phản lạ lùng giữa họ, cũng có thể vì chiếc áo trắng nàng mặc hôm đó ngay từ đầu đã xí gạt giác quan của tôi, tôi chỉ biết mình đã tin ngay tức khắc, mái tóc đen óng mượt mà và đôi mắt đen tuyền đó chỉ có ở nàng. Tôi nhìn nàng, bao ý nghĩ lẫn lộn xẹt trong đầu, một hồi mới lắp bắp được hai chữ: “Xin lỗi!...” Ngay cả chữ “tui” đơn giản để đầu câu cũng mắc nghẹn trong cần cổ tôi. Nàng không nói gì, chỉ hơi cúi đầu cười mỉm, đôi mắt liếc nhìn tôi rất nhanh. Tôi thắc mắc hoài về cái cười và ánh mắt đó. Có một chút gì vừa mắc cỡ, vừa tinh ranh, vừa bí mật.


Năm đó, đội banh trường tôi gặp lại đội của bộ-ba-chân-vòng-kiềng vài lần nữa. Đội tôi không còn thua nặng nề như trận đầu tiên. Tôi hay lân la học lóm họ vài mánh khóe đá banh. Từ từ chúng tôi thân nhau. Có một lần họ nhờ tôi đưa nàng về nhà vì phải theo đội banh đi đâu đó. Giữa đường thấy khát nước, tôi tỉnh bơ rủ nàng ghé một quán nước mía. Không biết những hẹn hò khác khởi sự khó khăn gây cấn kỳ diệu ra làm sao; chuyện nàng và tôi lúc ban đầu hồn nhiên và giản dị chỉ vậy, tự nhiên như sông gặp biển.  Về sau, hai đứa hay cùng đi la hò tới khan cổ vì các anh nàng. Và nàng cũng thường có mặt mỗi khi tôi mang giày ra sân. Thỉnh thoảng chúng tôi đi chơi riêng với nhau. Tôi không nhớ có con đường nào trong thành phố mà nàng và tôi chưa từng lăn bánh xe đạp qua. Nhiều lần hai đứa đạp xe song song bên nhau hàng giờ đồng hồ, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển mà nếu muốn ghi lại, một ngàn năm chưa chắc đã xong. Thành phố đó đông dân nhứt xứ, một thời thơ ấu to lớn lắm đối với chúng tôi, vậy mà khi đi chung, mặc kệ dòng người, xe cộ tuôn chảy nườm nượp, hai đứa vẫn thấy người ta sao mà ít, và thành phố trở nên tí hon. Lần nào đi chơi, trên đường về nàng và tôi cũng ghé ngang quán nước mía hôm đầu tiên. Có khi hai đứa chỉ ngồi lặng thinh, lắng nghe vị ngọt của nước mía lịm dần trong miệng. Chúng tôi mơ hồ cảm thấy giờ vui bên nhau qua nhanh quá, nhưng ngày đó nào có ý nghĩ làm sao níu giữ lại thời gian! Một lần ngồi uống nước như vậy, nàng đưa tôi cuộn băng nhạc, nói đó là những bài hát nàng thích. Nàng đố tôi bài nào nàng thích nhất. Để vui lòng nàng, tôi nằm dài cả buổi tối tụng nguyên băng nhạc. Trong tất cả các thứ đam mê của tôi hồi đó, âm nhạc đứng hàng sau chót. Tôi chỉ biết giọng ca sĩ trong cả cuộn băng là Elvis Phương. Làm sao tôi có thể đoán ra câu hỏi khó khăn của nàng. Gặp lại nhau, nàng hỏi tôi đoán ra không. Tôi thiệt thà nói không, làm nàng giận, im ru suốt buổi. Tôi phải năn nỉ không biết mấy chục lần, nàng mới chịu nói, bài Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang đó. Ồ! Nàng liếc xéo tôi, bất mãn thấy rõ, vô duyên!  Trong khoảnh khắc xuất thần, tôi nhớ lại cái trận cười hôm nào., thần mã ọt-rơ ơi! Bất chợt tôi hiểu ra điều bí mật giữa tôi và nàng bấy lâu nay. Nhưng...Thần-mã-ọt-rơ và... ngựa hoang có liên quan gì tới nhau chứ, tôi cãi. Nàng xoay xoay ly nước mía trong tay, cũng... là ngựa hoang hết! Tôi chỉ mong nàng hết giận là mừng. Thiệt tình, lúc đó tôi nghĩ nàng là con gái suy nghĩ lung tung, lãng mạn. Chuyện tôi đá banh, chạy lẹ, có ăn thua gì tới con ngựa hoang của ông Elvis Phương. Nhưng tôi giả đò làm lơ.

 
Thấm thoát đã gần hết năm học. Cuối tháng Tư, thành phố nóng hừng hực như thể bị ông Trời úp nguyên thau lửa lên mình. Cái nóng hắt ra từ những vách tường trắng bong vôi loang lỗ hầm hập chụp xuống từ những mái tôn mục rã; thổi lên ran rát từ những mặt đường nứt nẻ rào rạo muôn vàn xác lá me khô li ti. Lại thêm những tàn cây bắt đầu loe hoe bông phượng đỏ chói chang lóa mắt giữa bầu trời xanh không gợn một bóng mây. Như con cá thoi thóp vì mắc cạn, thành phố khô ran nằm chờ những giọt mưa đầu mùa.Một hôm gặp tôi nàng nói, mẹ cho mấy anh... đi rồi... Những năm đó, ở thành phố đó, nghe chữ “đi” người ta hiểu ngay nó có nghĩa gì. Cũng không khó khăn để đoán ra lý do. Các anh nàng mười tám tuổi, sắp ra trường trung học, chiến trường Cam Bốt đang đùng đùng súng đạn... Trong xóm tôi có vài anh bị đưa qua bên đó rồi không thấy trở về. Người ta rủ nhau liều mạng đi “vượt biên”. Có người nói Thượng Đế bất công, tôi không biết thiệt hay không. Nhưng với tôi, Thượng Đế có những hành động không người phàm nào có thể hiểu nổi. Nỗi trầm lắng ngột ngạt ở nhà nàng trong khi chờ đợi tin tức ba người anh của nàng cuối cùng vỡ tan tành trăm mảnh. Tôi nhìn thấy cảnh mẹ nàng ôm nàng, hai mẹ con quấn vào nhau tức tưởi, và mãi mãi tôi không thể nào hiểu được Thượng Đế. Tôi nhìn thấy một bà mẹ và một cô con gái khóc mà không dám để tiếng khóc mình bể ra. Tiếng khóc như luồn sâu vào da thịt họ, dồn nén lại, rồi dâng lên vai từng đợt sóng bần bật, nấc nghẹn. Tôi còn nhớ bàn tay run lẩy bẩy của mẹ nàng lúc bà trao tôi một bao thơ đóng con dấu Mã Lai. Vài người trên chuyến ghe may mắn sống sót, được một tàu buôn kéo vô trại tỵ nạn. Ở đó, họ viết thư về kể tường tận chi tiết cuộc thảm sát tàn khốc của công an tuần tra duyên hải. Tôi không tin nổi trước mắt mình một sự thật hiển nhiên: những thần tượng của tôi, bộ-ba-chân-vòng-kiềng mới hôm nào, lúc chết lồng ngực rách nát vì đạn súng đại liên. Những ngày sau, tan trường xong tôi đều chạy qua nhà nàng, chỉ để nhìn nàng khóc, nhìn mẹ nàng lâm bịnh nặng hơn và nặng hơn. Sự chịu đựng của người phụ nữ tội nghiệp đã vượt mức giới hạn. Chồng chết mất xác trong tù, ba đứa con trai chết tan xác giữa biển. Một hôm, tôi thấy có vài người lạ trong nhà nàng. Rồi tôi biết nàng sắp theo họ hàng đưa mẹ nàng về quê. Buổi chiều cuối gặp nhau, nàng chỉ khóc. Nàng để nước mắt mình rơi trong im lặng, trôi xuống gò má, xuống bờ môi nhỏ xíu, tràn qua lớp khăn mùi-soa trên đôi bàn tay tôi chưa hề nắm, chảy xuống cằm, rồi rơi thành hàng xuống ngực áo ướt đẫm. Lúc tôi ra về, trời bất ngờ nổi giông. Cơn mưa đầu mùa trút xuống dữ tợn thình lình như thác đổ từ đầu ghềnh, sấm chớp vang động ầm ì. Giàn dâm bụt trước ngõ nhà nàng bị gió xé rách bươm, những búp hoa mềm mại tội nghiệp rụng bay lảo đảo khắp nơi. Tôi dắt xe đạp đi miên man trong trời mưa, nghĩ về nàng, chợt hiểu ra những giọt nước mắt ấy là cho ai. Mười lăm tuổi, tôi biết mình thương một người con gái.
 
Tôi không hề nghe bất cứ tin tức gì về nàng nữa. Một thời gian sau, gia đình tôi sang Mỹ. Cuộc sống thứ tự trôi ngày tiếp theo ngày, xen giữa bao mối lo toan. Những năm đầu tiên trên xứ lạ, tôi bận bịu chuyện học hành, lo hội nhập vào xã hội mới, hầu như quên bẵng nàng. Thời gian bước đi nhanh hơn người ta vẫn nghĩ. Cái tuổi thiếu niên rong ruổi miệt mài cùng trái banh với tôi bây giờ, giống như làn sương khói mỏng manh vắt ngang dải núi đồi xa xa những buổi chiều chớm đông. Tôi đâm ra mê nhạc. Bao nhiêu tiền làm dư tôi mua dĩa nhạc về chất đầy nhà. Tự hồi nào tôi thích bài hát Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, chỉ với Elvis Phương, dù tôi có hơn mười bài do nhiều người khác nhau hát. Rồi tôi nhớ nàng. Ngày đó, tôi biết mình đã lỡ thương nàng. Nhưng mười mấy năm sau tôi mới thật sự thấm thía vị ngọt ngào nguyên thủy đó. Cũng như đá banh khi đã lỡ ọt-rơ, làm sao có thể đá trái banh về vị trí cũ tôi đã lỡ thương người con gái đó, tôi đã ọt-rơ... Ở đây không có hai mùa mưa nắng rạch ròi như quê tôi. Mưa tới bất cứ tháng nào trong năm, không hề báo trước, không cần trời quét những đợt nóng điên cuồng lên phố xá. Nhiều hôm đi làm về, trời mưa, tôi lái xe chạy miết, mong không bao giờ phải dừng lại, để đầu óc mình trôi bềnh bồng trong kỷ niệm... Năm tháng lạnh lùng trôi. Càng lúc tôi càng cảm thấy một nỗi trống trải mênh mông xâm chiếm, tràn ngập tâm hồn mình. Không gì ngăn cản được. Không gì khỏa lấp được.


(1998)


Trần Trí Dũng

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9