GIẤC MƠ BỌ NGỰA,-tập truyện thiéu nhi.
Khải Nguyên HT 09.02.2009 15:27:14 (permalink)
 
GIÂC MƠ BỌ NGỰA
                                     -truyện ngắn-
 
      Buổi tối, cha và mẹ đi dự một cuộc họp mặt long trọng để Bé ở nhà một mình ; cửa ngoài và cổng sắt khoá kĩ. Mỗi khi như vậy, Bé ngồi trong phòng riêng chỉ biết làm bạn với lũ đồ chơi các loại, trò chơi điện tử và phim vi-đê-ô. Bé khoái nhất là những trò đánh đấm. Gần đây, cha đưa về cho Bé món trò chơi ảo. Ngồi một chỗ trước máy vi tính mà tha hồ phiêu lưu, kể cả làm người hùng. Bé vừa làm một chuyến như thế trở về. Khoái thì khoái thật song, như khi ăn quá no, bải hoải cả người. Ngoài kia trăng tỏ, cả một vườn cây chơi vơi trong ánh trăng. Bé muốn ra đấy quá chừng.
    
     Bé đang thiu thiu chợt nghe : “Chào cậu!”. Bé ngơ ngác nhìn quanh. Trên nóc máy vi tính có con gì đang ngọ nguậy. “Tôi đây mà. Cậu quên rồi  ư ?”.  À, con bọ ngựa.  “Ở đây bí quá chẳng hơn cái hộp cậu dành cho tôi”.
                                                                           x  x  x
     Bé vừa mở túi quà cha trao đã kêu lên kinh ngạc pha chút sợ hãi. Một chú bọ ngựa chui ra giương đôi mắt như hai hột bi tí hon nhìn ngơ ngác. Cha của Bé không biết con bọ này bám theo mình như thế nào. Cha vừa đi nước ngoài về, một xứ xa tít mù tắp phải ngồi hai lần máy bay mới tới. Cha nhớ lại hôm trở về đang trên cao cả chục ki-lô-mét mải dò nhìn biển xa xanh phía dưới qua những kẽ hở của tầng mây trắng chợt thấy một con bọ ngựa đậu mé trên ô cửa kính tàu bay. Một con bọ ngựa rất khác thường chẳng biết ở đâu tòi ra. Cha bắt lên xem bị nó cắn cho một phát toé máu ngón tay. Cha nghĩ bụng : Khỏe gớm! Thuở nhỏ mình bị bọ ngựa ở nhà cắn chỉ hơi đau tí ti thôi. Cha thả nó ra rồi quên luôn. Hẳn đúng là con này? Bé có cảm tình với bọ ngựa từ ngày mẹ đọc truyện “Võ sĩ bọ ngựa” để ru Bé ngủ. Ngày ấy chưa lâu, Bé hay vòi mẹ khi đi ngủ và mẹ còn quí truyện văn học cho thiếu nhi. Bây giờ mẹ chẳng muốn Bé mất thì giờ vào việc đọc truyện sợ ảnh hưởng đến việc học ; mà Bé cũng không thích đọc truyện nữa. Nhưng con bọ ngựa-võ sĩ lại là chuyện khác. Thêm nữa, các đồ chơi, dù là tự động, dù là điều khiển từ xa, cũng chỉ là vật vô tri ; các trò điện tử dù là “siêu cực” cũng chỉ nhoáng nhoàng trên màn hình ; cả món trò chơi ảo nữa khi ra khỏi biết ngay là giả. Con bọ ngựa thì khác, nó là vật sống, nó là võ sĩ trong thế giới của nó. Nó đến từ cây cối xanh tươi và đất trời thoáng đãng. Con này nom lạ hoắc. Nó là bọ ngựa ngoại, bọ ngựa Tây,-gọi vậy để phân biệt với bọ ngựa ta tức bọ ngựa “nội”, theo cách ngưòi mình bây giờ gọi bất cứ người nước ngoài nào cũng là Tây. Nó lại đã từng ở cao trên chín tầng mây. Ờ, phải rồi ! biết đâu...
     Bé làm một cái “nhà” sang trọng cho con bọ ngựa bằng một hộp bìa cứng có một mặt bên lắp kính trong suốt. Nó ăn gì nhỉ ? Hãy cứ cho vào hộp một chén nhỏ nước đường đã. Nước thì dứt khoát cần rồi. Đường thì nuôi sống được, chắc thế, và chẳng riêng con người mới thích. Những con vật làm xiếc chẳng vẫn được thưởng đường là gì ! Cứ vậy đã. Chưa biết sẽ chơi với nó ra sao ; với lại nó đang có dáng lử khử, hẳn là đường xa vất vả, mệt.
                                                                           x  x  x
     Làm sao nó ra đây được nhỉ? Ờ, có khi nó đúng là sinh vật từ ngoài trái đất sa vào trong cái máy bay cha Bé đã đi , hoặc là...  Ờ, một siêu-bọ-ngựa, có thể lắm chứ ! Con bọ ngựa bỗng bay vù lên về phía cửa sổ để mở thấp thoáng hình cô mặt trăng đang nhòm qua song.
     -Giá mình được như con bọ ngựa kia ! –Bé ước.
     -Cầu được, ước thấy. –Bé nghe văng vẳng lời phán.
     Bé bỗng cảm thấy người nhẹ tênh. Trong gương trên cánh cửa tủ, một con bọ ngựa đang ngự trên chiếc ghế Bé vẫn ngồi. Con này vóc dáng giống con vừa bay đi, chỉ khác ở bộ cánh màu lơ, màu của chiếc áo cậu mặc tối nay.
     Bé-bọ ngựa chỉ bật mình một cái và đập cánh đã bay lên được bèn qua cửa sổ thoát ra ngoài. Chú đậu lên giàn thiên lí nghỉ lấy hơi. Ánh trăng rười rượi, gió se se, không khí thoảng thơm, người nhẹ lâng, đầu óc nhẹ lâng, khoái quá chừng!  Chú có ý tìm con bọ ngựa Tây , à, con siêu-bọ-ngựa.. Chợt thấy mấy con bọ ngựa ta nối nhau bay tới một góc giàn. Tò mò, chú nhẹ nhàng lần tới. Thì ra con bọ ngựa lạ đang ở đấy. Chẳng biết do đâu, nhờ đánh hơi hay nhờ linh tính giống loài, mấy con bọ nội biết mà tìm đến. A ha ! Sắp có cuộc đụng độ nẩy lửa đây! Ta đứng vào phe nào nhỉ? Khó đây!  À, bên nào yếu thế thì ta giúp. Có vậy mới là cứu khốn phò nguy chứ. Dưng mà bên đông, bên một mình, thế trận đã rõ. Có điều bên ít lại là siêu... Để coi. Mấy con bọ ngựa ta tụ tập trước con bọ ngựa lạ công nhiên nhìn soi mói, công khai bình phẩm, y như bọn rỗi hơi kháo nhau về một kẻ vắng mặt. Bọn này nom có vẻ già giặn, điệu bộ khụng khiệng,  ăn nói kiểu “cha chú” :
     -Vật gì từa tựa giống bọ ngựa chúng ta ấy nhỉ? Ngó bộ mới choai choai mà đã lêu nghêu.
     -Đếch phải. Họ hàng bọ ngựa đâu có lạc loài một đứa cổ dài ngoẳng quá quắt thế, lại chẳng ngoẹo tí nào. Không ngoẹo cổ thì chẳng có thớ bọ ngựa.
     -Đúng rồi! Bọn ta có ai dài xọc vậy đâu, dài gần gấp rưỡi bọn ta. Cổ mảnh quá ; cái bụng hơi thon. Bọ ngựa chính tông thì cái bụng phải bự và bè ra chứ. Thằng này nếu cũng là bọ ngựa thì chắc hẳn thuộc nòi chẳng ra gì.
     -Coi kìa! Mới nứt mắt vậy mà đã diêm dúa. Cánh ngoài màu nâu mép xanh. Thân màu nâu nhạt. Chú út của chúng ta toàn thân một màu xanh non nom rất nhã và khiêm tốn, có đâu lố bịch thế kia !
     Chợt lại có ba con bọ ngựa ta bay đến. Bọn này có vẻ non tơ. Một con vừa đậu xuống đã lúng liếng đôi mắt tròn, ngạc nhiên :
     -Chu cha! Ở đâu ra một chàng đẹp mã dữ vầy?
     Cô nàng,- qua câu nói vừa thốt ra đoán được là thuộc phái giống cái- cô nàng định tiến lại gần nhưng bị con bên cạnh giơ càng ghìm lại. Con thứ ba cũng không giấu giọng thán phục :
     -Kiếm đâu ra bộ cánh ấy nhỉ? –Nó gật gật cái cổ vẹo ra ý chào- Ngài từ đâu tới?
     Siêu-bọ-ngựa giơ một càng chĩa lên cao.
     -Từ... từ trên trời á ? –Con vừa hỏi lắp bắp.
     Như có một làn gió lạnh thoảng qua đám bọ ngựa nội.
     -Thảo nào mà khác hẳn chúng ta. Không chừng...  –Ai đó e dè thốt lên.
     Chợt một tiếng quát : -Chẳng ra cái thể thống bọ ngựa gì cả ! –Đó là con có cặp giò vậm vạp nhất và đôi kiếm răng cưa dài nhất đám, có lẽ là con bọ đầu đàn –Này, kẻ kia ! Lẻn vào vùng sinh sống của chúng ta định làm gì hả ?
     -Xin đại ca đừng nóng. -Một bọ ta can- Để kẻ lạ biết đến xứ sở tươi đẹp của ta cũng là điều hay phải không ạ.
     -Nhưng cái cổ của nó cứ thẳng đơ ra, chướng mắt lắm.
     -Thì cũng phải để cho họ học dần.
     -Được thôi ! Hoặc ngoẹo cổ như chúng ta hoặc cuốn xéo. Cho năm phút để cân nhắc. Năm phút nữa bọn ta quay lại. Đi ! Bọn bay !
     Cả bọn lục tục bay theo bọ đầu đàn, trừ con vừa lên tiếng can ngăn. Bấy giờ nó mới lại gần con bọ Tây đang còn chưa hiểu mô tê ra sao cả.
     -Ngài đừng thất ý, chỉ là một sự hiểu nhầm thôi mà.
     -Sao các vị lại bảo có vẹo cổ mới ra bọ ngựa?
     -Chúng tôi vốn thuộc dòng giống anh hùng thượng võ. Nghe kể lại : Ngày xưa cụ tổ chúng tôi đi khắp nơi thách đấu võ ăn giải. Cụ cũng có thắng không ít. Một lần, cụ bị đối thủ đá trật khớp cổ, cái cổ vẹo đi không nắn lại được. Con cháu mới đặt ra lệ họ là bất kì ai trong họ, ở đâu, đi đâu, cũng phải nghểnh cao đầu cho có tư thế song phải luôn luôn ngoẹo cổ cho ra dòng giống cụ tổ. Lâu dần, ở xứ này nói đến bọ ngựa là người ta nghĩ tới cái cổ ngoẹo.
     -Vậy ư. Nhộn thật !
     -Ngài thừa sức ngoẹo cổ. Dáng ngài mà ngoẹo cổ thì nom đàng hoàng phải biêt.
     -Tôi không làm vậy được đâu. Tôi vừa thử nhưng trái tự nhiên quá.
     -Thế thì ngài nên tạm quá bộ rời đi. Chẳng nên chấp bọn họ.
     -Tôi từ nơi xa xôi lạc tới đây ; khung cảnh lạ, cây cỏ lạ, bầu trời cũng lạ, biết đi đâu bây giờ!
     Bé-bọ ngựa không nhịn được quát lên từ chỗ đang náu mình :
     -Chẳng phải đi đâu cả. Đây là vườn nhà ta, ta chẳng đuổi chúng thì thôi, chứ...
     Bỗng nghe lào rào, bọn bọ ngựa ban nãy nhất loạt đậu xuống bao quanh. Con đầu đàn hắng giọng :
     -Đứa nào vừa đòi đuổi chúng tao đấy?
     Bọngựa-Bé nhảy ra :
     -Tao đây. Không được cậy đông ! Có giỏi thì một chọi một.
     -A! Một thằng cũng dài đuỗn khó coi như thằng kia, cổ cũng chẳng vẹo nổi. Đồng bọn hở? Được ! -Bọ đầu đàn dằn giọng, khinh thị- Cho mi biết tay này !
     Hắn phóng tới phạt chéo một kiếm. Bọngưạ-Bé né mình tránh, thuận đà húc một cái vào bụng đối phương. Hắn té ngửa nhưng kịp đá một cú vào bên đầu địch thủ. Bé-bọngựa điếng người, đầu và cổ ngật qua một bên. Chú than thầm : “Mình cũng thuộc họ-ngoẹo-cổ mất thôi”. Hăng máu, chú dồn sức vào hai cẳng-kiếm-răng-cưa bổ xuống bọ- đầu-đàn vừa vùng dậy. Hắn vung hai kiếm của mình lên đỡ. Nghe hai tiếng “bập” gần cùng một lúc. Hai võ sĩ cùng rút kiếm về nhưng những mấu răng cưa đã mắc cứng vào nhau không sao gỡ ra được. Cả hai cùng phì phò thở. Bọ-khuyên-can lên tiếng :
     -Thôi ! Thử sức nhau như vậy là đủ rồi. Giảng hoà đi thôi.
     -Hoà là hoà thế nào! -Bọ-đầu-đàn sẵng giọng, vẫn thở dốc.
     -Hoà, đâu có được! -Bọ-Bé lắc đầu quầy quậy, hào hễn nói.
     Bọ-khuyên-can những chờ “sinh vật ngoài trái đất” giở trò lạ ra can thiệp nhưng siêu-bọ-ngựa cứ giương mắt nhìn, đầu thuỗn ra như đang suy tính điều chi. Nó bèn sẽ sàng nói :
     -Loài bọ ngựa chúng ta được tiếng là võ sĩ phải chuyên làm việc tốt, có đâu vì tức khí mà đấu đá nhau. Ngoẹo cổ hay chẳng ngoẹo cổ đều là bọ ngựa cả. Ngài khách lạ đây đến tìm hiểu xứ ta, đừng để ngài thất vọng.
     “Ngài khách lạ” bỗng vụt bay lên, cánh chấp chới ánh trăng rồi mất hút. Chẳng nhẽ ngài... Đám bọ ngựa rỗi ngây ra nhìn nhau, cổ tự nhiên hết vẹo. Mãi rồi bọ-khuyên-can mới thốt lên : 
     -Ngài về trời ư.
     Hai võ sĩ đang kẹt càng cố vùng một cái, hai cặp kiếm đang mắc vào nhau bật ra, hai đứa cùng ngã lăn. Bọ-đầu-đàn bị văng mạnh hơn rơi xuống vũng nước phía dưới. Hắn lóp ngóp mãi không vào bờ được. Bé-bọngựa quên ngay chuyện thù địch vừa rồi. (Cũng phải thôi, loài bọ ngựa có để bụng lâu chuyện gì bao giờ!). Chú dùng càng cặp một nhánh cây khô thả xuống vũng nước. Kẻ bị nạn loay hoay một lúc rồi bò lên được. Hắn mệt phờ ra nhưng cũng chắp càng xá kẻ cứu mình : “Đa tạ ông anh”. Bọ-khuyên-can bỗng có sáng kiến : “Hay là ta bầu huynh đây làm thủ lĩnh. Huynh có thể dẫn dắt bọn ta theo chân ngài vừa nãy”. Bọ-đầu-đàn miễn cưỡng không phản đối.
     Bé-bọngựa đâm ra khó nghĩ. Nào chú có biết siêu-bọ-ngựa từ đâu đến và bây giờ bay đi đâu. Mà nói thật ra thì... có phải ai cũng đủ gan đâu ! Chú ngửng nhìn trời. Qua vòm cây, mặt trăng như gần lại. Cách chưa lâu, chú vừa làm một chuyến phiêu lưu ảo lên chị Hằng. Mặt trăng hoang vắng mà huyền hoặc kì lạ. Chú đã đụng độ với người vũ trụ. Chúng đã chuồn. Bây giờ thì mình đã có thể tự bay lên được. Còn bọn này... Chú nảy ra một ý :
     -Này ! Bọn ta bay lên cung trăng đi ! Lên đấy thì tha hồ. –Chú không nói rõ “tha hồ” gì.
     Bé-bọngựa cất cánh vù lên. Tất cả cất cánh theo. Cô Trăng đang cười. Chúng bay lên...
                                                       x  x  x
     Cha và mẹ về nhà hơi khuya. Mẹ nhòm vào phòng con thấy cậu quí tử đang ngủ ngồi trên ghế. Con bọ ngựa lạ đậu trên tóc cậu bé. Đầu cậu ngật sang một bên khẽ rung theo nhịp thở ; mỗi lần như thế cổ con bọ lại mơ hồ đung đưa. Mẹ bế Bé lên giường. Bé nói mớ, nghe rõ lời : “Uýnh cho tan cái bọn phóng tên lửa cản đường ta ! “

                                                                                           --                 

Hải Phòng, cuối năm 2001



















 

   







<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2009 12:38:23 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Ct.Ly 15.03.2009 07:11:39 (permalink)
    #2
      Khải Nguyên HT 08.04.2009 12:44:27 (permalink)
       
      CÓ MỘT CHÚ CU GÁY

      Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
      Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
      (Đi giữa đường thơm-Huy Cận)


             So với Bé-người thì Bé-cu gáy tôi hơn đứt về mọi mặt. Này nhá! Tôi tự mổ vỏ trứng chui ra, có đâu như Bé-người cứ nằm ỳ trong bụng mẹ khiến mẹ mình phải vật vã, kêu la, rặn mãi mới chịu ra cho. Lại nữa, vừa chào đời là tôi đã ngồi ngay dậy biết há mỏ cho bố mẹ mớm thức ăn. Còn Bé-người thì phải nào là ấp ủ ư, nào là bồng bế ư, đến là lôi thôi! Không như Bé-người sau một năm mới lẫm chẫm đi, Bé-cu gáy tôi khoảng bốn tuần là đã đủ lông đủ cánh. Chỉ hiềm nỗi cái chuyện tập bay cũng hơi phiền. Phải tập nhún chân, phải tập đập cánh. Ban đầu là đứng trong tổ; rồi ra đứng trên cành cây chuyền từ cành nọ sang cành kia cách quãng ngắn. Nhẽ ra là phải tuần tự như thế. Tôi không được ngoan như chị tôi. Bước ra khỏi tổ tập tành qua loa là tôi đã vẫy cánh đạp chân lao vào khoảng không. Ôi chao! Cái thân bé bỏng của tôi nặng ơi là nặng. Tôi chới với, đâm hoảng, đập cánh loạn xạ, chấp chới rồi hạ mình lên đám cỏ rậm, đúng ra là thả mình chứ chẳng phải là hạ. Tôi nhìn quanh thấy vướng vít, lộn xộn không như khi từ trên cao nhìn xuống. Tôi chợt nghe mấy tiếng “meo, meo” từ xa thoảng lại theo hơi gió. Mẹ chim của tôi vội sà xuống cạnh tôi. Bà gù nho nhỏ trong cuống họng an ủi, động viên tôi. Bà cất mình bay lên một cành cây thấp gần bên làm mẫu cho tôi. Tôi ngó lên, sao mà cao vậy! Tôi rún chân nhảy lấy đà và quạt cánh phành phạch, chưa lên tới đích đã như bị ai kéo xuống. Tôi loạng choạng sà xuống đất. Mẹ chim của tôi lại nhảy xuống khích lệ tôi. Đúng lúc đó, có tiếng sột soạt khá gần rồi một vật gì vằn vện đen trắng có bốn chân, to quá là to, hơn cả mẹ con tôi gộp lại, tôi chưa từng thấy bao giờ, hiện ra. Hắn giương cặp mắt xanh lè nhìn chúng tôi, chân hơi khuỵu xuống, cái đuôi ngo ngoe. Mẹ chim của tôi xù lông chừng để cho to tợn trong mắt đối thủ, phần thân trước hơi chúi xuống, vươn cổ nhìn con vật chằm chằm. Tôi sợ bà lao thẳng vào hắn; nhưng không, bà xê dịch vần quanh hắn. Còn hắn thì rón cẳng, chuyển mình rê theo bà, rồi bất thần nhảy chồm tới. Mẹ chim bay vụt lên. Hắn quơ chân trúng đuôi bà thì phải, mấy cái lông lả tả rơi ra. Con mèo, như con người vẫn gọi hắn, gào lên một tiếng để xả tức hay để ra oai chẳng biết, đảo mình hướng tới chỗ mẹ chim vừa đậu xuống. Bà vẫn ở trong tư thế sẵn sàng nghênh địch. Đối thủ chộp lần thứ hai. Lần này, mẹ chim cất mình bay khi kẻ thù vừa dợm nhảy. Bà né tránh con vật xa hơn lần trước. Hình như bà có ý dụ hắn ra xa chỗ tôi. Hắn ngó theo bà rồi quay lại phía tôi. Hắn lừ lừ tiến lại. Chẳng kịp nghĩ ngợi, đắn đo gì, tôi hẩy mạnh đôi chân, đập mạnh đôi cánh vụt bay lên. Sức lực ở đâu dồn đến, thân tôi nhẹ hẳn. Tôi đậu được lên cành cây như thế nào tôi chẳng nhớ nữa. Ngoảnh nhìn xuống, tôi thấy con vật ác đang nghếch nhìn theo tôi, lưng gù, đuôi quắp, một chân trước còn giơ lên như vẫy chào. Hẳn là hắn vừa làm một cú vồ trượt. Sau lần hút chết ấy, tôi chăm chỉ tập bay chuyền còn hơn cả chị tôi. Suýt nữa tôi thiệt thân đã đành mà còn làm hại mẹ tôi.
           Đã đến lúc chúng tôi, chị tôi và tôi, mỗi người sống tự lập. Họ nhà cu gáy chúng tôi thường sống tại những vùng có cây cao và có nhiều tầng cành lá. Đặc biệt là các vùng quê có vườn cây, có ruộng lúa. Khốn một nỗi, con người cứ như là kẻ phá hoại truyền kiếp đối với loài chim ra sức gọt trọc các rừng cây và phá vườn để thay vào đấy những thứ mà loài chim chẳng trông cậy gì được; đến bọn chim sẻ có khi cũng chịu. Nhiều vườn còn giữ được thì họ chặt hết những cây cao và trồng những cây thấp tè. Họ cần những cây sớm cho quả. Tốt thôi! Nhưng họ phải dành lại cho loài chim chúng tôi đồi cây, rừng cây mà chúng tôi có thể sinh sống được chứ. Thử hỏi mặt đất này mà thiếu vắng tiếng chim thì còn ra làm sao !
           Ấy, vùng cư trú của chúng tôi trở nên khó khăn vậy đó. Tôi được cha mẹ chỉ cho một khoảng vườn và đồi kề sát nhau bên đồng ruộng xa những nhà của con người. Chị tôi bay về phía gần núi hơn. Trước khi cho chúng tôi ra riêng, cha mẹ chúng tôi dặn kĩ hai điều. Một là, phải dè chừng con người. Đang đậu trên cao mà thấy họ nghiêng nghé nhìn lên thì phải cảnh giác. Nếu họ giương cái gì đó chĩa về phía mình thì phải chuồn cho mau. Có lần chim bố của tôi mải mê ca “cúc cù cu…”, giữa chừng ngừng nghỉ, đang nghiêng đầu lắng tiếng vọng xa xăm, chợt trông thấy một chàng trẻ tuổi đang giơ một “cái gậy” kềnh càng tì vào vai, nheo một bên mắt, nhắm vào ông. Ông chưa kịp hiểu mô tê gì thì nghe có tiếng nói lớn của một người có tuổi: “Để nó gáy cho vui làng xóm!”. Bố tôi giật mình vội vàng bay đi trước khi vang lên một tiếng nổ “đoàng” làm rung cả một vùng cây đang im ắng. Giống người chẳng phải xấu cả, - ông dặn kĩ-, song phải coi chừng, nhất là bọn còn trẻ hay hăng máu, thích là làm. Hai là, phải biết sử dụng đúng tiếng gáy. (Chị tôi và cu gáy mái nói chung cũng biết gáy nhưng không dài hơi và đĩnh đạc bằng lũ cu gáy trống chúng tôi, nhất là không biết gù). Có tiếng gáy báo cho kẻ lạ biết “giang sơn” đã có chủ. Có tiếng gáy tìm bạn đời. Có tiếng gáy làm vui vùng quê. Tiếng cu gáy trong buổi trưa hè vắng lặng ru giấc ngủ con người, nhất là của cụ già, của trẻ nhỏ. Với bọn cu trống, tiếng gáy tức khí dễ kích máu anh hùng rơm. Vậy nên, nghe tiếng của đứa ở xa chẳng xâm phạm gì bờ cõi mình thì đối đáp thân ái cho vui. Nếu có cơ nó đột nhập vùng của mình thì gáy cảnh cáo xua đi, chớ có ham hố chọi nhau! Bất đắc dĩ mới phải choảng để tự vệ. Tôi tâm niệm lời nhắc nhở của song thân, nhưng khi lâm sự lại quên béng. Và tôi đã phải trả giá.
           Tôi đã đến thời kì tìm bạn đời. Muốn có bạn đời thì hoặc là lần đến chỗ nàng theo tiếng gáy gọi; - theo cách này thì thường hay chạm trán với các chàng trống khác, và tất nhiên khó tránh đụng độ, so mỏ, so cựa với nhau; hoặc là ở trong khu vực của mình cao giọng gáy mời gọi các nàng. Giang sơn của tôi đẹp cảnh, phong phú thức ăn, nên tôi thử theo cách thứ hai. Vả, tôi nghĩ tôi rất có mẽ con nhà, các nàng phải bay theo tôi là cái chắc. Tôi mới lớn, tưởng sự đời luôn luôn suôn sẻ. Hôm đó, tôi đang dọn giọng để hát lên bài ca quen thuộc của họ nhà cu gáy thì bỗng nghe tiếng gáy giọng trống ngay trong bờ cõi của mình. Tôi lên tiếng ngay: “Cúc cù cu - Ai đấy ?” Tiếng đáp lại thản nhiên: “Cúc cù cu - Ta đây”. Tôi đã hơi nóng đầu: “Cúc cù cu - Có việc gì mà vào đất ta ?”. “Cúc cù cu- Thì sao nào?”. Tôi bay đến ngọn cây nơi phát ra tiếng gáy nghịch tai nhìn xuống. Một thằng béo tốt hơi sồ sề, bộ lông đậm hơn của tôi, vòng cườm cũng nổi hơn, đang dậm chân loanh quanh trong cái mà con người gọi là cái lồng. Tôi gù mấy tiếng nắn gân; nó gù lại thách thức. Tôi điên tiết, lông phía trước mình dựng cả lên: “Gù…ù…ù - Cút đi!”. Nó cũng xù lông cổ: “Gù…ù…ù- Mày cút ấy!”. Thật chẳng còn trời đất gì nữa! Tôi bèn đáp xuống ngay trên đỉnh lồng của nó định cho một bài học. Tôi vừa đậu xuống cái que chổng ngang thì bỗng như trời sập trên đầu, một tiếng “soạch”, bao nhiêu dây rợ chụp xuống tôi. Tôi kêu lên choe choé, ra sức vùng vẫy để thoát thân, nhưng càng quẫy thì lại càng bị bó thêm. Một tiếng người reo to. Cái lồng đung đưa mạnh, hạ thấp xuống, rồi có bàn tay con người tóm lấy tôi, gỡ tôi ra. Tôi càng hoảng.   Đến khi tôi định thần lại được thì đã thấy mình bị vứt vào một cái lồng gần giống như cái của thằng cu gáy kia, cái thằng đã khiến tôi sa lưới. Tôi tìm cách sổ lồng. Tôi thử chui qua khe giữa các nan. Không được. Tôi cuống lên. Tôi cáu. Tôi húc đầu. Tôi quặp chân vào nan lồng đập cánh loạn xạ, chẳng ăn thua. Tôi thoảng nghe tiếng gù khẽ: “Cứ hung hăng nữa đi! Chẳng ăn thua gì đâu chú em ạ”. Tôi ngoái nhìn sang: lồng nhốt thằng kia cũng treo gần chỗ tôi cùng dưới mái hiên nhà của con người. Tôi mệt rũ ra, nằm mọp. Trong lồng của tôi có sẵn nước trong, sẵn những hạt thóc vàng ươm- thứ tôi rất khoái ăn, nhưng tôi chẳng thèm đụng mỏ. Ở lồng bên, anh chàng láng giềng của tôi vẫn an phận thơ thẩn trong lồng, cứ nhởn nhơ hết ăn uống lại rỉa lông, hứng lên thì cất tiếng gáy. Tôi muốn quát cho nó im đi nhưng ghét mặt chẳng thèm trao lời. Nó hướng sang tôi, ái ngại: “Này! Cố mà ăn tí chút, giữ sức không thì chết đấy chú em ạ. Họ không nướng chả thì cũng quẳng cho mèo. Sống ở đây rồi cũng quen đi thôi”. Quen được cảnh này ư ? Không đời nào ! Phen này mình đành chịu bỏ thây ở đây. Bỗng vang lên: “Có khách! Có khách!” nhại tiếng con người nghe rất chối tai. Tôi hé mắt nhòm. Một con sáo lông màu đen bẩn, mỏ vàng, đang “nhảy chân sáo” theo sau một cậu bé-người choai choai; vừa nhảy nó vừa dẻo mỏ kêu loé xoé. Cậu bé-choai đến thêm thóc và thay nước trong lồng anh hàng xóm của tôi. Cu ta bước rảo trong lồng, chẳng biết để đón chào hay để né tránh. Tôi vẫn bẹp mình trong lồng của tôi. Cậu bé mở cửa lồng bên kia để làm vệ sinh hay sửa sang gì đấy. Tôi đang nằm chợt nghe nhói dưới bụng, hình như có con kiến vừa đốt. Tôi nẩy người rẫy đành đạch. Cậu bé vội bỏ dở việc đang làm quay sang chỗ tôi mở cửa lồng thò tay vào nhẹ nhàng nắm lấy tôi đưa ra ngoài. Cậu tưởng tôi rẫy chết. Cậu vuốt lưng tôi, hà hơi vào mỏ tôi. Tôi quẫy một cái, tuột khỏi tay cậu ta. Lập tức tôi vỗ cánh bay đi. Phía trước là ngàn cây thoáng đãng, bên trên là bầu trời cao rộng. Cậu bé tiếc rẻ, ngẩn ngơ nhìn theo. Trong lồng kia, chàng cu gáy tù binh dáo dác nhìn cửa lồng để ngỏ, thò nửa người dòm quanh quất, rồi cũng phóng ra bay nốt. Nhưng chỉ được một quãng ngắn nó chúi xuống đất. Nó quá béo, lại đã lâu không dùng đến đôi cánh. Cậu bé chạy đến chộp được cu chim sổng. Đậu trên một cành cây cao thở cho lại sức và hoàn hồn, ngó xuống tôi thấy tội nghiệp cho nó. Biết bao giờ con người biết nghĩ lại mà thả nó ra! Mà được thả ra, nó có tự kiếm sống được không ? có hoà nhập được vào cuộc sống tự nhiên không ?- Nó quen được nuôi trong lồng rồi. Bọn sáo đấy, được con người nuôi lâu thì bám rịt, đố có dám rời xa. Đó là bọn vô tích sự, thật ra chẳng giúp ích được gì cho con người; chẳng hề biết gáy hoặc hót, chỉ biết kêu “choét, choét”. Cũng có đứa được dạy nói tiếng người, nhưng chỉ mỗi câu ngắn ngủn cứ lặp đi lặp lại “như vẹt” (Sao con người không bảo “như sáo” nhỉ ? Lũ vẹt phải gánh cả tiếng xấu cho bọn sáo!). Có con bị cậu bé-người xấu tính nào đó tập cho nói tục, chửi bậy, cứ xoen xoét cả với khách khứa nhà người ta. Chúng chỉ thật sự có ích khi thong dong trên đồng, trên bãi, nhặt bọ, nhặt rận cho trâu bò, làm bạn với trẻ chăn. Thật chẳng hiểu sao con người, nhất là các cậu bé, lại ưa nuôi cái bọn có mỗi “tài” là ỉa bậy và hóng hớt! Họ cu gáy chúng tôi, cũng như nhiều họ chim khác, chỉ ưng làm bạn với con người giữa thiên nhiên phóng khoáng và trong lành.
           Tôi nhớ tới lời than thở của mẹ-chim tôi rằng họ nhà cu gáy ngày càng hiếm đi, loài chim nói chung cũng vậy. Do con người! Tôi rầu lòng tạm rời xứ sở của con người bay về phía ngàn xanh.

      Hải Phòng, tháng 1 năm 2001

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.04.2009 11:42:37 bởi Khải Nguyên HT >
      #3
        Khải Nguyên HT 11.04.2009 12:22:42 (permalink)
         
        CHUYỆN TRONG NHÀ

               Bé nghe người ta nói: “lên voi xuống chó”. Cha của Bé giảng: “Lên voi” là được lên cao như cưỡi voi ấy. Bà nội bảo: Không phải! Nếu vậy thì “xuống chó” là xuống thấp như cưỡi chó à ? Ở đây, có ý so sánh với thân phận con voi, con chó. Bé nghe chẳng hiểu mấy, song biết chắc một điều là con chó bị coi rẻ. Chẳng có kẻ mắng người khác là “đồ chó!” đấy ư! Tội nghiệp con chó xứ mình! Xem truyền hình thấy ở nhiều nước con chó được coi trọng biết bao.  Ở mình, vẫn quí chó nhưng theo kiểu “chủ- tớ”, trừ giống chó Nhật, một dạo.  Dạo ấy, đang “cơn sốt” chó Nhật. Cha lại mới kiếm được một con. Có người khách đến ngắm nghía mãi, trầm trồ: “Chà! đúng típ mặt Thanh Oa, da Ái Dân, chân Ba Tẻn”. Cha thích chí, song cũng hỏi lại: “Chú nói vậy là sao?”. Khách gật gù: “Ông anh không thấy nó trán dô, mặt gẫy như mặt nghệ sĩ Thanh Oa ư; lông trắng bong như da ca sĩ Ái Dân ư; chân vòng kiềng như chân cầu thủ Ba Tẻn ư! Được chuộng nhất trên thị trường hiện nay đấy. Lại thêm bốn vó “đi tất” nữa, tức là lông trùm cả bàn chân ấy mà. Hơi tiếc là mắt đen; nâu thì còn quí hơn. Ông anh để lại cho em đi!”
              - Tôi mua để chơi mà.
              - Con trước ông anh mua để chơi rồi cũng bán đấy thôi. Em trả mười hai triệu đấy.
              - Cha tặc lưỡi: - Thôi được! Bao giờ chú bắt ?
              - Chừng dăm bữa nữa em sẽ quay lại. Em đưa trước một trăm nghìn đồng. Dứt khoát không để cho ai khác nhé!
              Con chó Nhật này được đặt tên là Li-li, được đối đãi như một tiểu thư, như một công chúa. Trong nhà còn có một con chó choai thuần Việt, lông vàng sậm, mõm đen, một vệt trắng trên trán. Cả nhà gọi nó là Vàng. Vàng lớn hơn Li-li nhiều. Chắc là để giữ gìn cho con chó Nhật mà buổi đầu Vàng  thường bị xích.
              Thật ra thì Li-li chẳng để cho Vàng bắt nạt mà trái lại. “Cô tiểu thư” tỏ ra ta đây đến trước phải là đàn chị, và rất đanh đá. Đến bữa ăn, cô nàng khủng khỉnh đi lướt qua chỗ Vàng đang ăn lừ mắt gầm gừ. Thật là hết biết! Thức ăn của nó, đến con người chẳng phải ai cũng dám mơ tới; còn của kẻ đồng loại cùng nhà với nó chỉ là cơm rau, hoạ hoằn mới có thêm ít thịt cá thừa của người. Vàng dường như biết phận, nhẫn nhục lờ đi. Song cũng có lần nó không nhịn được phản ứng sơ sơ, tỉ như ngửng lên chun mũi một chút, lập tức Li-li nhảy tới cắn cổ luôn. Răng chó Nhật loại này ngoạm vào lông chó ta thì chỉ như gãi thôi. Vàng không trả miếng chỉ cất cao cổ lên để giằng thoát khỏi đứa nanh nọc. Ông chủ chẳng trách mắng gì con vật cưng của mình. Chỉ khi nào con Li- li bám dai quá treo cả người lên mới tới gỡ ra. Bà nội móm mém cười bảo: - Nay đừng ví “khi lên voi, lúc xuống chó” nữa mà ví “khi lên chó Nhật, lúc xuống chó ta”. Bé thấy con Li-li cũng hay, nhưng nom lôi thôi, tiếng sủa lách nhách chẳng đường hoàng chút nào. Vàng linh hoạt hơn nhiều, tiếng sủa cũng dõng dạc. Thêm nữa, Vàng biết nô với trẻ con, biết chơi trò đuổi, nhặt. Nhưng cha của Bé cứ quí Li-li hơn Vàng thì biết sao được.

              Thấy Vàng tốt nết, bố giao cho nhiệm vụ bảo vệ Li-li. “Nàng công chúa” này sểnh ra là mò ra khỏi phòng. Cô nàng không thích cấm cung, tha thẩn mãi trong một không gian hẹp cũng chán.Nó đâu biết có những kẻ chỉ chờ sơ hở là cuỗm nó đi. Khó xử cho Vàng! Chẳng thể dùng sức mạnh với Li-li được, Vàng vốn đã nhường nhịn; mà thật ra cũng không được phép. Tuy nhiên, mỗi khi Li-li nhăm nhe lẻn đi là Vàng ngăn lại mặc cho có bị phản ứng dữ dội chăng nữa. Nếu quá lắm thì nó sủa lên báo chủ. Về sau, hễ Vàng lên tiếng báo động là Li-li biết ý quay trở vào ngay.
              Chờ mãi không thấy người hẹn quay trở lại. Giá chó Nhật bỗng hạ. Cứ ngỡ giá cả xuống xuống lên lên là chuyện thường. Chẳng ngờ nó hạ từng ngày. Cho đến lúc chó Nhật ế đầy ra. Biết là khách mua đã chạy làng! Cha đem cho, chẳng ai lấy. Chăm nom nó công phu và tốn kém như tiếng đồn, người ta ngại.  Cha toan “bỏ quên” nó ngoài công viên, bà nội ngăn lại: “Nuôi chơi cũng được, cho con Vàng có bạn”. “Nàng công chúa thất sủng” chẳng biết do đâu bữa ăn của mình trở nên tệ hại đến thế. Chẳng hơn gì của Vàng. Trước đây, toàn cao lương mĩ vị cô nàng còn khảnh ăn nữa là… Mấy hôm đầu, cô nàng nhấm nháp qua loa rồi lử khử bỏ đi. Cũng chẳng buồn gây sự với Vàng. Dần dà cũng phải quen, Li-li chia sẻ cảnh đạm bạc với Vàng. Con người có khi lại khó thích nghi hơn. Những kẻ nhẵn mặt ở các nhà hàng, khách sạn cao cấp, xài những đồng tiền "không sạch", không may sa vào bữa cơm tù thì không nuốt nổi nên cần những “kẽ hở” để ở tù mà không phải sống như tù, một nghịch lí khó bề dung thứ! Trở lại chuyện Li-li.  Bây giờ thì cô nàng tha hồ muốn đi đâu thì đi. Ngoài đường không hiếm chó Nhật lang thang. Bà nội bảo: -Rõ là “khi lên chó Nhật, lại lúc xuống chó Nhật”. Vàng được miễn cái nhiệm vụ chán ngắt, nhưng mỗi lần Li-li mon men ra ngoài, nó cũng ngó theo. Thực ra, “cô tiểu thư hết thời” cũng chỉ quanh quẩn trong sân là cùng. Nó chẳng phải thuộc dòng “lãng tử”.
              Ấy vậy mà có lần Li-li đi biệt. Bữa trưa, chính Bé là người đầu tiên nhận thấy. Cả nhà ngạc nhiên nhưng chẳng ai tỏ ý đi tìm nó về. Đến bữa chiều lại không thấy Vàng. Lần này thì cả nhà xôn xao hẳn. Chập tối, Vàng dẫn Li-li về. Nom cô nàng thật thảm hại. Bộ lông trắng muốt trước kia, lâu không còn được tắm gội bằng xà phòng thơm vốn đã xuống màu xỉn, nay lấm lem bùn đất. Một tai nó bị toạc, rớm máu. Không chừng… Bố tắm sạch cho nó, trách mắng qua loa, chẳng giận dữ mà cũng chẳng âu yếm. Mọi người đều cho qua. Riêng Bé phân vân không hiểu Vàng đi tìm Li-li hay tình cờ bắt gặp. Thật khó mà biết được. Rồi nữa, Vàng dẫn Li-li về hay con chó Nhật theo về ? hay tự nó tìm về ? Cũng khó biết. Lấy bụng con người suy ra bụng con vật, dẫu là loại vật tinh khôn, thì chẳng ăn nhằm gì. Từ đấy, hai “đứa” gần gụi nhau. Li-li rồi cũng biết nô giỡn kiểu chó ta. Có điều, đôi khi nó vẫn ra dáng đàn chị ở cái vẻ cứng đầu và đỏng đảnh. Vàng thì vẫn vô tư.

        Hải Phòng, cuối năm Rồng-đầu 2001
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2009 12:39:32 bởi Khải Nguyên HT >
        #4
          Khải Nguyên HT 15.04.2009 11:46:24 (permalink)
          MẸ CON “CÔ” MÈO CỦA BÀ TÔI

                 Con mèo mướp của bà tôi đẻ được bốn nhỏ. Người ta xin, bà cho hết ba đứa, chỉ giữ lại nhỏ út có bộ lông đặc biệt: vàng sẫm điểm xuyết những vệt đen và trắng. Ai cũng khen: “Con mèo có cái mã y như hổ”.
                 Con mèo con này được mẹ mèo cưng chiều hết nước. Sáng ra, “cô” được mẹ liếm rửa mặt cho. Đến bữa ăn, sau khi người ta cho thức ăn vào đĩa, mèo mẹ kêu “meo, meo” mấy tiếng nho nhỏ gọi con. Cô nàng đủng đỉnh đi tới, đôi khi còn oằn mình duỗi dài chân, vươn vai một cái làm dáng rồi mới bước đến bên đĩa thức ăn. Cô ta chẳng “meo” lên tiếng nào mời mẹ, cứ thản nhiên ăn.  Mẹ mèo lảng đi để cho con được tự nhiên. Mụ nằm hơi xa xa một chút, mắt lim dim, ra chiều nghĩ lung lắm như nhà thơ bí vần hay như học sinh đi thi bí lời giải. Cô mèo ăn nhỏ nhẹ như … mèo. Thức ăn là cơm trộn rau với ít cá vụn hay thịt vụn. Cái mõm nho nhỏ và cái lưỡi xinh xinh của cô rà vào đĩa cơm như chọn nhót từng hạt, và thường là dành rau lại, Mèo mẹ chờ cho con ăn xong rồi mới đi tới ăn nốt chỗ còn thừa.
                 Cô mèo có dáng đi yểu điệu rất “tiểu thư”. Nhưng cô chỉ quanh quẩn trong nhà. Hễ cô chớm mon men ra cửa là mẹ mèo đến ngoạm vào gáy tha trở lại.
                 Lạ một điều là khi mèo con đã to bằng mẹ, mèo mẹ vẫn đối xử chẳng khác: vẫn liếm rửa cho con, vẫn nhường con ăn trước, vẫn ngăn con ra ngoài.
                 Lần đó, mèo mẹ tha về một chú chuột nhắt. Mụ thả con mồi xuống trước mặt con. Cô nàng đã đủ lớn để săn chuột. Con vật nằm im như chết. Nhưng nhìn kỹ cái bụng thấy hơi phập phồng, biết cu cậu giả vờ. Cô mèo chỉ đứng nhìn, lạ lẫm. Mẹ mèo ngồi xệp hai chân sau, chống thẳng hai chân trước, đuôi khẽ phơ phất, nheo mắt chờ. Cô con liếm mép và … cũng chờ (!). Con chuột bỗng bươn chạy. Miu ta chưa có phản ứng gì. Mèo mẹ vươn mình giơ chân chộp một phát, chú chuột đã nằm gọn dưới các vuốt chân. Một bài mẫu vồ mồi thật ngọt. Mèo mẹ buông chân. Chú chuột khốn khổ nằm thin thít. Mèo con vẫn ngơ ngơ như xem trò lạ. Một chốc, chú chuột lại chạy. Mèo mẹ kêu “meo” một tiếng giục con ra tay, nhưng cô nàng cứ giương mắt ngó. Mèo mẹ vội vàng nhảy tóm giữ tên đào tẩu lại. Suýt nữa thì hắn sổng mất. Cái trò đó diễn đi diễn lại mấy lần. Rồi, chẳng biết vì chán hay muốn thử cô con quí hoá, mèo mẹ bỏ mặc con chuột nằm bất động lảng ra góc nhà. Cô miu con nhìn theo mẹ rồi lại gần con vật - tù binh giơ chân như chỉ định sờ xem. Bất đồ, chú chuột vùng chạy. Cô mèo “phì” một cái, chừng như hoảng, cái chân chưa kịp hạ xuống.  Mèo mẹ nhảy xổ lại, nhưng chậm mất rồi. Chú chuột nhắt đã mất dạng. Giá trong thế giới loài người thì hẳn đứa con khờ đến vậy đã được (hoặc bị) ít ra là vài câu răn dạy. Đằng này mèo mẹ coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lát sau, đã thấy con thì nằm lơ mơ, còn mẹ thì đang liếm trán con ra tuồng an ủi.
                 Một hôm, đã đến bữa ăn vẫn không thấy mèo mẹ. Thường mụ vẫn sang nhà hàng xóm bắt chuột (Vì cái nết “hay chuột” nên có lúc nào đó mụ vơ nhầm phải thức ăn của người để hớ hênh, người ra cũng không nỡ phạt. Vì thật ra mụ cũng chẳng biết như vậy là ăn vụng. (“Chó treo, mèo đậy” mà!) Nhưng đến bữa chẳng bao giờ mụ vắng mặt. Không có mẹ trông chừng, miu con vẫn ăn bình thường. Ăn xong đi nằm. Mãi vẫn chẳng thấy mèo mẹ đâu. Đang có “dịch” ăn “thịt hổ đồng bằng”- tên dân nhậu gọi thịt mèo. Nảy nòi ra những kẻ chuyên săn trộm mèo bán cho các quán “đặc sản”. Chẳng lẽ con mèo- mẹ đã sa cơ ? Không! Cũng còn may! Chập tối hôm sau, thấy mèo mẹ len lén dẫn thân về. Nhưng nom thảm thê quá. Lông trên mình, chỗ xù ra, chỗ bết lại. Trán toạc máu. Tai trái bị rách. Chừng mèo ta vừa trốn thoát từ một chỗ nhốt bất lương nào đấy. Thật là từ cõi chết trở về! Vừa về tới, mẹ đã đến liếm mặt con.  Cô con đứng yên lim dim mắt đón sự chăm sóc, chẳng biểu lộ nét mừng nào.  Giá là cô chó thì chắc là đã nhảy cẫng lên rồi.
                 Đêm kia, có một con rắn cạp nia lẻn vào nhà kho kề bếp. Giống này thường chỉ có mặt ở những nơi vắng con người. Chẳng biết con rắn này lạc tới từ bụi cây, bờ cỏ rậm rịt nào. Nhà có mèo nên vắng chuột, mèo mẹ chỉ đi tuần qua loa lấy lệ cho phải đạo… mèo. Nhưng mụ rất tỉnh ngủ và thính tai, thính mũi như mọi “dân” họ nhà mèo tự trọng và tự tin. Thấy động, mèo mẹ lẹ làng nhỏm dậy và rón rén đi về hướng khả nghi. Đèn canh đêm phía ngoài chỉ lọt vào mờ mờ, nhưng cặp mắt … mèo phát hiện ra ngay tên gian. Mụ ém mình lấy thế rồi nhảy tới chộp. Ban đêm, rắn chẳng rù rờ chút nào. Mèo mẹ vồ hụt bị con rắn phản công bằng cú mổ ghê gớm của nó. Mụ gào lên, né mình, lại xông vào. Cuộc xáp chiến quyết liệt. Mèo thoăn thoắt nhảy, vừa tránh đòn, vừa tìm cách chộp cổ địch thủ. Rắn thì oằn mình quăng quật, vừa sử dụng cái “truỳ” đầu mang chết chóc, vừa rình thời cơ để lẩn. Mèo mẹ gào liên hồi.  Chẳng biết có phải do thói quen của họ nhà mèo, hoặc tự động viên mình để tăng nhuệ khí, hoặc dùng võ mồm để nát đối phương cho mất tinh thần. Miu con biết mẹ đi xuống nhà dưới, nhưng nó vẫn tiếp tục ngủ lơ mơ. Sau nghe ồn quá, chị chàng mới tới xem sao. Thoạt đầu, nó tưởng chỉ là một trò mới của mẹ, nghĩ có nên tham dự không hay là về ngủ lại. Sau, nó hiểu là có sự gì lôi thôi đây, phải giúp mẹ một chân. Nhưng cô nàng chỉ làm mẹ vướng. Lại còn tạo thêm mối lo cho mẹ: lớ ngớ như nó thì ngon làm mồi cho cú mổ của kẻ địch. Một chân mèo mẹ đã chộp được cổ rắn. Con vật vừa tròn vừa dài này quằn quại quật mình cố thoát khỏi vuốt chân mèo. Cái miệng nó há ra sẵn sàng đớp. Đúng lúc ấy, cô miu lại xớ rớ trong tầm mổ của nó. Mèo mẹ vội vàng lấy đầu hất con ra. Mụ hơi sểnh chân một tí, con rắn thừa dịp bật khỏi cái “gọng kìm” đang chịt cổ, và nhanh như chớp phóng một “mũi tiêm” nọc độc trúng mèo mẹ. Mèo ta cảm thấy nhói đau nơi mũi. Hăng lên, mụ sấn tới ngoạm chặt cổ rắn. Con bò sát quăng mình quấn mấy vòng quanh cổ đối phương. Răng mèo càng lúc càng cắm sâu vào thịt rắn, và vòng thân rắn càng lúc càng thít chặt cổ mèo. Khi người trong nhà đoán ra là đã có chuyện xuống xem thì con mèo mẹ chỉ còn thoi thóp. Con miu, con nó, luẩn quẩn bên cạnh ngước nhìn người kêu “me…e..eo” một tiếng khẽ và dài nghe thật buồn trong khung cảnh ấy. Bà nội ra lệnh phải cố cứu con vật dũng cảm và tội nghiệp, nhưng nó không tỉnh lại. Người thì đoán nó chết do bị nghẹt thở. Người thì cho là do nọc rắn. Trên chót mũi nó còn găm lại cái vỏ bọc răng đặc trưng của loài rắn độc.   Thương thay! Con mèo mẹ yêu chiều con biết mấy. Thiếu mẹ, con miu tha thẩn trong nhà có lúc đứng cửa ngóng ra, một lát mới quay vào (chắc nó còn nhớ phép tắc của mẹ). Xem ra cô nàng cũng không đến nỗi quá vô tâm.
                 Tuy nhiên, miu vẫn cứ là miu, chỉ vài ba bữa là lại chỉ ăn và ngủ, như khi còn mèo mẹ. Song, nó không đáng mặt miu- càng không đáng gọi là mèo. Nó không biết bắt chuột. Bữa nọ, một con chuột khá bự bị nhà bên đuổi đánh chạy tọt qua mũi cô miu đang đứng hóng gió ở cửa. Miu ta giật mình giơ một chân lên và … ngó theo. Trong nhà đã có ý kiến: “nuôi làm gì cái đồ ăn hại, đem bán cho quán nhậu đặc sản còn được món tiền”. Bà tôi bảo: “Người ta nuôi mèo chỉ làm vật trưng, có sao. Nhà ta nuôi cho chuột nó hãi. Từ nay, cứ gọi nó là con mãn”. Có lẽ bà còn tiếc cái mẽ “y như hổ”.

          7 - 1996
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.04.2009 11:50:40 bởi Khải Nguyên HT >
          #5
            Khải Nguyên HT 18.04.2009 16:39:32 (permalink)
            CHÚ VỊT LẺ BẦY
             
                  

                       Trong chạn bếp có mươi quả trứng vịt, mẹ mua để dành cho tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn thích ăn cơm với trứng chưng cà chua. Nhân có một con gà mạ được cho ấp ổ, tôi lén đặt vào dưới bụng nó một quả trứng vịt lấy trong số đó. Thế rồi nhà tôi có một đàn gà con líp nhíp mỏ nhọn lạc vào một con mỏ bè, ngón chân có màng nối. Biết chuyện, mẹ bảo:
                   - Con làm liều, không rành mà chẳng chịu hỏi ý kiến người lớn gì cả. May đấy! Vịt đàn thường không có đực nên trứng chỉ để ăn thôi không cho ấp nở được. Mớ trứng vịt kia là của người làng bên, họ nuôi ở nhà chắc là có lẫn vịt đực.
                   Mẹ gà con vịt mà hay đáo để. Gà mẹ chẳng có phân biệt đối xử gì sất. Đàn con theo mẹ đi dạo hoặc tha thẩn kiếm ăn đều quấn túm bên nhau. Nhiều lúc bé vịt cũng chen vào quẩn bên chân bà mẹ hờ. Mỗi khi người ta vãi tấm ra sân, lũ gà con ùa tới, vịt con ta cũng lạch bạch chạy không để bị rớt lại. Bọn gà con hạ mỏ mổ lia lịa trúng phóc từng hạt tấm. Vịt con thò mỏ ra lia, mẩu tấm có khi cứ dịch đi, quơ được vất vả hơn thấy rõ; hạt tấm mà lọt xuống khe hẹp là vịt ta chịu phép. Nhưng nếu là cám trộm nước cho vào máng thì cái mỏ bè lợi hại lắm lắm. Vịt con rúc mỏ vào xốc từng chặp, gà con mổ liên hồi cũng không sao bì kịp. Có lần mẹ gà moi được một con giun đất nhỏ, chỉ cỡ chân que nhang. Nó kêu “cục, cục” gọi đàn con. Lũ trẻ xô nhau chạy tới thi nhau mổ. Chẳng thể nuốt gọn như với hạt tấm, hạt vừng. Chúng bèn dùng mỏ giữ và lôi, giằng nhau, đứa nào cũng muốn giành lấy. Đang cơn láo nháo, vịt ta quắp chặt con mồi nơi mỏ giật mạnh, mấy cái mỏ nhọn bật ra, nó tha chạy. Lũ anh chị em gà rối rít đuổi theo. Được một quãng chúng bị tụt lại đứng lơ ngơ rồi quay về với mẹ, trừ một con đuổi riết. Cu cậu này níu được một đầu con giun. Hai đứa ngậm hai đầu con mồi chơi trò kéo co bằng mỏ, khi căng khi chùng theo đầu con vịt gật lên gật xuống. Mỗi lần chùng là cái “dây” ngắn đi một chút. Cho đến khi gà con nhà ta thấy mỏ của mình sắp chạm vào mỏ đối thủ. Con vịt văng đầu một cái, đầu giun tuột khỏi mỏ gà chui tọt vào mỏ vịt. Về tài nuốt chửng thì gà sánh với vịt sao được! Lợi thế trước hết ở mỏ và cuống họng.
                   Một bận, gà mẹ dẫn đàn con đến bên bờ ao. Vịt ta nhào xuống nước. Chẳng phải do nổi hứng mà hẳn là do bản năng. Mẹ gà hoảng hồn la: “Cục! cục! chết! chết!”. Vịt con cứ ung dung bơi lội thoải mái. Mẹ gà cuống cả lên, lại e bọn nhỏ còn lại theo chân đứa bất trị. Bọn này chẳng hiểu mô tê gì chỉ nháo nhác một chốc rồi túa đi chỗ khác. Mẹ gà không biết làm thế nào, không đành bỏ mặc đứa ngỡ là đang sa sẩy dưới ao mà cũng không thể rời đám con kia. Vịt con đang khoái bồng bềnh trong nước chợt nhận ra tiếng lao xao của bầy trẻ đang xa dần bèn leo lên bờ. Mẹ gà kêu “tốt, tốt”, mừng hết chỗ nói.
                   Bọn nhỏ gà, vịt bắt đầu mọc lông đuôi, lông cánh. Khi chúng đang khoác toàn lông tơ nom thích hơn; chúng chạy lăng xăng, những mẩu vàng mơ loáng thoáng đen bằng nắm tay con nít mới sinh lon ton thật ngộ . Bây giờ, chúng như những đứa trẻ mặc áo chỉ có ống tay và vạt đuôi sau; những con trống phô ra những mảng lưng và đùi đỏ hỏn. Lúc này cũng là lúc chúng hiếu động hơn và hay xích mích hơn. Đặc biệt mấy chú trống bốc lên là “cà khịa” nhau, y như mấy cậu bé chúng ta hiếu thắng hay gây gổ. Xem kìa! Hai chú gà trống con đứng đối mặt nhau, chúi đầu về phía trước, chìa mỏ ra, xù túm lông cổ còi, nhìn nhau chằm chằm. Thường thì chỉ đến vậy thôi, chẳng ai can cơn anh hùng rơm cũng tự lui.  Hai đứa thản nhiên bỏ đi hoặc tiếp tục dạo bước bên nhau như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Trẻ nhỏ không hay để bụng. Nếu là bọn gà trống choai thì còn là mệt. Nhỏ vịt con đã rõ ra là một chú vịt đực. Chuyện đụng độ không thấy xẩy ra giữa chú với chú gà con nào.
                  Đàn con dần dà phủ áo kín mình. Chúng không quẩn bên gà mạ nữa. Mẹ chúng cũng lơi dần việc chăn dắt. Chúng tản ra trong sân, trong vườn cào bới hoặc nô giỡn. Riêng chú vịt năng lội xuống ao. Sự khác biệt gà, vịt lộ rõ. Những chú gà trống diện bộ đồ màu đỏ nâu diêm dúa, bộ đuôi đen nhánh giương cao uốn cong về phía sau, đầu đội cái mào đỏ gay. Chú vịt thì diện bộ đồ trắng xám mốc điểm xuyết những lông dài đen biếc nơi cánh, khăn choàng cổ màu xanh nền nã rất riêng mà con người rất ưa thường gọi là màu “cổ vịt”, đáng tiếc là đuôi ngắn ngủn và đầu thì trơn mượt chẳng thấy mũ mãng đâu cả. Con người hay ví “nước đổ đầu vịt” với người không chịu nghe lời nói phải. Thật ra, lông toàn thân vịt đều không thấm nước. Lông gà đụng nước lâu sẽ bết lại. Gà phải lo trú mưa; Vịt trái lại, khoái dầm mưa. Gà trống nhí, dẫu còn dưới tầm cả loại “chíp hôi”, đi đứng bệ vệ ra dáng kẻ có thớ, đầu ngửng cao, đuôi cong vòng vổng lên. Chú vịt đực nhép thì đi khụng khiệng như kẻ làm cao, đầu lơ ngơ, đuôi ngúc ngắc. Gà thích ăn khô. Vịt thích ăn chan. Gà biết ca một câu dài “kéc kè ke...e...e...” để đánh thức người. Vịt thì biết báo động “kẹp, kẹp, kẹp,…”. Chập tối, gà nhảy tót lên chuồng; vịt không theo chân được, ì ạch leo lên bệ đất cạnh chuồng.
                   Có vẻ con vịt con an phận với khoảnh vườn, khoảnh ao trong giang sơn của gà.
                   Bỗng một hôm chú vịt biến mất. Hỏi tìm mãi không thấy, cả nhà tiếc ngẩn ngơ. Hôm trước, một đàn vịt chăn vừa trẩy qua cánh đồng đầu xóm. Ngày ấy, người ta chăn vịt theo mùa, hễ đồng lúa gặt xong là lùa vịt đến càn quét mót thóc rơi thóc rụng, cả cá cua tôm ốc. Hẳn rằng con vịt nhà tôi đánh hơi hoặc nương theo tiếng trẩy vịt đàn rào rào vẳng lại từ khá xa, chỉ tai vịt của nó mới cảm nhận được, đã tìm đến nhập bầy.
             
            16-3-2002
             

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.04.2009 16:59:56 bởi Khải Nguyên HT >
            #6
              Khải Nguyên HT 21.04.2009 12:43:02 (permalink)
                ĐÔI VỢ CHỒNG VOI
               
               
                     Con vỏi con voi / Cái vòi đi trước… Thuở bé tôi hát mãi mấy câu này mà chưa hề biết con voi mặt mũi ra sao. Tới một hôm, có đôi voi chiến về trú trong làng. Cái tên “voi chiến” là do mấy người ưa chuyện gọi cho oai. Đúng ra là voi vận tải chuyên thồ hàng quân sự. Bấy giờ đang là những năm kháng chiến chống Pháp cam go. Cặp voi đã đỡ sức người không ít.  Đây là đôi vợ chồng voi.
                     Người ta chất lên lưng mỗi con cả đống bao hàng, hòm xiểng. Chúng cất bước đường bệ, nom chậm rãi mà lũ trẻ chúng tôi đi xem phải chạy gằn mới theo kịp. Nhìn khối hàng to đùng trên lưng con voi thì phát ngợp song nhìn chân voi cất bước thì lại thấy thong dong. Hai con voi cần mẫn, chịu khó lại thông minh. Chất hàng lên lưng chúng mà còn nhẹ, nài voi ra lệnh đi, chúng chỉ nhấc một chân trước lên rồi lại đặt xuống và ve vẩy vòi. Nhưng nếu chất nặng quá, bảo đi chúng cũng đứng yên không động đậy, cái vòi để thõng cho đến khi người ta biết ý dỡ bớt hàng xuống.
                     Mãi đến khi trông thấy voi tôi mới thật hình dung ra và hiểu truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”. Thoạt nhìn, tôi sững sờ. Trên đời lại có loài vật đồ sộ đến thế! Trâu mộng đã là to, vậy mà cho đứng cạnh voi ta thì đúng là vịt đứng cạnh ngỗng. Hai con voi gần bằng nhau, voi chồng chỉ nhỉnh hơn voi vợ tí chút. Nom chúng khá buồn cười. Đuôi chỉ thả được quá khoeo chân một tẹo mà mũi thì dài lòng thòng có thể kéo lê dưới đất. Đuôi đã ngắn lại chỉ một túm lông nơi chót đuôi thưa thớt như chổi xể cùn bị tụi trẻ con nghịch rút tỉa bớt chỉ còn lèo tèo mấy cọng. Cái đuôi cũn cỡn đó phải hoạt động liên tục, quất lên lưng, lúc bên phải lúc bên trái, để xua lũ ruồi đến ám; cũng chỉ quanh quéo phần sau cái thân hình to kềnh thôi. Lông đuôi voi đã thưa, quản tượng thỉnh thoảng lại rứt một chiếc cho những ai đến cầu cạnh bằng bao diêm hay gói thuốc. Họ xin về làm tăm xỉa răng. Nghe nói xỉa răng bằng lông đuôi voi ngừa được sâu răng. Nếu quả vậy thì các bác sĩ răng hết nghề còn gì !
                     Hai con voi sau một đợt vận chuyển lại được về xả hơi tại xã tôi. Dân làng đến xem thường mang làm quà cho chúng những bó lá mà họ nhà voi khoái khẩu, tỉ như lá chuối, và những quả “cây nhà lá vườn”. Vòi voi tung tẩy như múa mà lợi hại đáo để. Nó vươn ra quơ lấy món quà một cách điệu nghệ, thoắt cái đã tóm gọn và ném tọt vào cái miệng khổng lồ. Tiếng nhai và nuốt nghe ồm ộp như vọng ra từ cái thùng rỗng. Trước khi cho túm lá vào mồm bao giờ voi ta cũng vung vòi rũ mạnh mấy cái. Người ta bảo voi sợ ăn phải kiến đau bụng. Biết đâu giống voi ưa ăn sạch thì sao. Tôi e ngại cái vòi ve vẩy. Nó mà cuốn lấy thì phiền to! Tay cầm quả dứa giơ lên, tôi đang lựa khoảng cách an toàn thì cái vòi voi đã thòng tới rất nhẹn, quả dứa bị bứt khỏi bàn tay tôi; tôi bị chúi về phía trước suýt xô vào chân con vật. Tôi chưa kịp định thần thì đã cảm thấy vật gì ươn ướt mềm mềm mơn trên mặt. Con voi đưa vòi “hỏi thăm” tôi. Chẳng biết nó trấn an tôi, xin lỗi tôi hay là cảm ơn tôi; cũng có thể nó muốn vòi quà nữa. Tôi bạo dạn hẳn lên, đưa tay sờ hết chân đến bụng ông xạng- tên gọi voi của người vùng núi quê tôi, chắc là “tượng” nói trại ra. Con vật lim dim dôi mắt, ve vẩy đôi tai có vẻ khoái. Có một lúc cái vòi dụi vào bụng tôi khiến tôi bị nhột, nhưng mà tôi cũng khoái.
                     Tôi vẫn cho là mỗi loài có cách ăn riêng. Gà thì mổ, mèo thì lắt; lợn thì vục; vân vân. Voi thì chỉ có việc đưa vòi vơ đút mồm. Cùng loài, con nào cũng ăn hệt nhau. Đúng vậy mà không hẳn vậy. Nết ăn của cặp vợ chồng voi này có điểm khác nhau. “Bà” vớ được quả dứa là chén luôn cả cuống. Còn “ông” thì bao giờ cũng tì vào ngà bẻ gẫy cuống vứt đi đã.
                     Được đưa về một chỗ nghỉ ngơi song đôi voi bị quấy rầy không ít, vì lòng ái mộ của người làng, vì sự tò mò nữa. Không chỉ chuyện xin lông đuôi. Thỉnh thoảng voi ta phải biểu diễn trò quì xuống đứng lên, hoặc “pha” khéo vòi nào đó (như con người khéo tay). Thường thì quản tượng mang vẻ mặt của người có vai trò quan trọng nghiêm nghị bảo: “Ông bà (voi) cần nghỉ”. Các cô gái, phải xinh dòn một tí, yêu cầu thì rất ít khi bị từ chối. Đôi khi anh ta cũng làm mặt khó nhưng các cô chỉ lườm yêu một cái: “Gớm! Chi mà khó tính rứa!” là xuôi ngay. Có cô đòi được “thử” trèo lên lưng voi. Anh nài lắc đầu quầy quậy: “Không được. Voi không ưa hơi phụ nữ”. Cô nàng nói tỉnh bơ: “Anh chẳng học sử rồi. Bà Trưng, bà Triệu chả cưỡi voi là gì ?” Anh ta đành lệnh cho voi khuỵu chân hạ cái mình to cộ xuống chìa một đầu gối ra cho vị “con cháu bà Trưng bà Triệu” trèo lên lưng nó. Cô gái trầy trật bươn mãi không được, cái vòi voi phải đỡ lên. Con voi đứng dậy. Cô nàng thấy mình ngất ngưỡng cao vòi vọi so với ngồi trên lưng trâu, lại chẳng phẳng bằng. Con voi không đứng yên một chỗ, hết bước tới lại bước lui, quanh bên nọ quành bên kia, người ngồi trên lưng nó cứ tròng trành, nhấp nhổm. Chẳng biết có phải quản tượng muốn chơi khăm, ngầm điều khiển con vật không. “Nữ tướng” la oai oái đòi xuống. Anh nài cứ đánh bài lờ, ý chừng để cho cô gái phải nhào tới ôm chầm lấy mình đang thảnh thơi ngồi trên đầu voi. Nhưng cô ta thà nằm xệp xuống lưng voi còn hơn. Sau này, khi xung phong vào một đội vận tải quân sự đường núi, cô trở thành nữ tướng cưỡi voi thực thụ.
                     Nhìn quen mắt rồi thì thấy voi không có vẻ kềnh càng, thô nặng nữa. Chúng mang nét đẹp riêng, nhất là hoạt động linh lợi, khéo léo cực kì. Không nói voi xiếc có thể “cầm” dao cạo râu cho người. Chính con voi chồng dùng vòi nhặt quả trứng tươi dưới đất lên đặt vào tay tôi nguyên vẹn. Chuyện sau đây chứng tỏ tài sử dụng vòi “siêu cực” của voi nhưng hơi kinh. Một chị bế một đứa bé chưa tròn tuổi tôi giơ lên trước “ông” voi. Trong chớp mắt, ông tung vòi ôm lấy con người tí hon đút nhanh vào miệng mình rồi đưa ra ngay trao trả cho bà mẹ. Mấy người đàn bà nữa cũng làm như vậy. Họ tin rằng thế là “lấy khước” cho trẻ hay ăn chóng lớn và tránh được tật bệnh. Ông nội tôi lắc đầu, bảo: “Tin nhảm! Hại cho đứa bé”. May, không thấy đứa bé hề hấn gì. Tôi những tưởng nó phải khóc thét lên. Liệu nó có khiếp vía không ?
                     Dân làng kháo nhau đôi voi khôn như người (!). Một bận, chẳng biết sao chúng sổng ra xông vào vườn chuối của người ta ăn phá tan hoang. Quản tượng tìm về xích vào gốc cây cổ thụ, mắng: “Ông bà đi ăn trộm của dân. Xấu! Xấu!” Hai vợ chồng đứng im, nước mắt chảy ròng. Nghe chuyện, ông nội tặc lưỡi: “Tại cho chúng ăn đói chứ gì!”.
                     Đôi voi được chuyển vào phía trong. Bẵng đi khá lâu, chúng tôi nghe một tin chẳng lành về chúng. Con voi đực phát điên. Nó phá phách vườn tược của dân làng. Một lần, nó tóm quản tượng quăng ra xa. May phúc, anh ta rơi vào đống rạ chỉ bị vẹo cổ mất mươi ngày. Từ đấy, anh nài không thể nào lại gần nó được. Người ta lừa nó sa hố rồi quyết định xử tử nó. Hai dân quân được lệnh thi hành án. Hai khẩu súng trường giương lên nhắm vào kẻ chịu tội. Đột nhiên, con voi cái xông tới đứng che cho con voi chồng. Quản tượng quát to: “Bà tránh ra! Nếu không, bà sẽ bị xử cùng với ông đấy”. Chẳng biết con vật có hiểu ý người không, nó lùi ra một chút rồi lập tức trở lại, không chịu rời đi. Cô “nữ tướng” ngày nọ, bấy giờ đã rất gắn bó với con voi này, đến vỗ về. Nó cọ vòi vào cánh tay cô song vẫn chẳng chịu tránh xa. Thật là khó xử. Có người bàn rằng đành phải loại bỏ cả hai. Người khác bảo phải tìm cách đưa con voi vợ ra chỗ khác, xa khuất. Nhưng như vậy nó sẽ chết sầu mất, - ý kiến của “nữ tướng”. Cuối cùng, người ta quyết định thử thả chúng vào rừng. “Thử”, bởi phóng thích voi đã thuần dưỡng, - voi nhà, không đơn giản; một con lại đang bị điên. Nữ tướng nhỏ to với con voi cái: “Bà đưa ông về rừng đi! Họ nhà voi vẫn biết tìm lá cây để tự chữa bệnh mà. Ông khỏi rồi, ông bà trở lại đây cũng được”. Con vật ứa nước mắt. Phải mưu mẹo lắm mới đưa được con voi đực ra khỏi hố. Nó lử khử, có lẽ do đói và mệt. Con voi cái còn dùng dằng, có vẻ quyến luyến. Người ta “tiễn” chúng bằng hai phát súng bắn xua.
                     Từ đấy, bặt tin đôi vợ chồng voi. Thời chống Mĩ, tôi gặp nơi đường Trường Sơn một cặp voi vận tải. Có khi chính là đôi vợ chồng voi ngày nọ.
                     Cho tới bây giờ tôi vẫn băn khoăn không hiểu có đúng là con voi đực bị điên không hay chỉ là một sự phản ứng lại việc chăn nuôi thiếu chu đáo ?
               
              3 - 2002
               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.04.2009 12:48:16 bởi Khải Nguyên HT >
              #7
                Khải Nguyên HT 25.04.2009 12:29:02 (permalink)
                 
                QUẢ CAM

                 
                       Trong vườn có một cây cam cao to, sum sê lá. Cây cam có một quả trái vụ nhỏ và còn xanh. Một cậu bé khoảng mười tuổi chắp tay sau lưng đứng ngắm vẻ không hài lòng:
                      - Cam gì mà bé tí tẹo, lại chẳng chịu chín cho.
                       Quả cam lắc lư, giọng rầu rầu:
                      - Có con sâu hằng ngày gặm cành, nhấm lá, tôi lớn làm sao được.
                      Chú bé hỏi, vẻ hoài nghi:
                     - Sâu đâu?
                     Con sâu thò đầu xuống nhìn cậu bé thách thức:
                     - Sâu đây!
                      Con sâu dài chừng gang tay và to hơn quản bút. Nó rùng mình mấy cái, lông xù dựng đứng cả lên, cái đầu ngọ nguậy vươn dài. Cái mõm há to đầy răng. Cậu bé tức khí:
                      - À! Mày định dọa tao. Dọa này!
                      Cậu vớ một cái gậy dài vung lên định đánh. Con sâu phồng mồm phun ra những tia nước vào cậu bé. Cậu bé la lên:
                      - Kinh quá! Thối hoăng.
                     Cậu nhắm mắt lùi lại. Cậu chợt nhớ ra, rút túi quần ra cái súng  cao su, giương bắn. Con sâu chế nhạo:
                       - Ấy! Đừng làm rụng lông chân của tôi đấy nhá!
                       “Cạch!” Viên đạn chạm cành cây sát đầu con sâu. Sâu la lên:
                       - A, ghê nhỉ! Đồ gà trống nhép hung hăng!
                       Nó hoảng hốt bò lên cao lẩn trốn sau đám cành lá rậm. Cậu bé bắn tới tấp.  Lá cam lả tả rơi xuống. Quả cam lúc lắc mạnh.
                       - Ôi, cậu phá nát các nhà máy chế biến thức ăn của tôi mất! Cậu chưa học à! Lá xanh là nơi luyện nhựa nuôi cây đấy.
                       Cậu bé gãi đầu lúng túng chữa ngượng:
                       - Biết làm thế nào được? Nhưng mà nó cũng sợ hết hồn rồi. Nó còn phá phách thì cứ gọi tớ. Tớ đi kiếm cái gì chén đây.
                       Cậu bé bỏ đi. Con sâu từ trong vòm lá ló ra cười, nhại:
                       - Cứ gọi tớ! Hí! Hi! Rõ anh hùng rơm chưa!
                       Một cô bé dưới mười tuổi đi vào. Cô nhìn quả cam, dịu dàng:
                       - Cam ơi! Cam chóng lớn, chín ngon, chín ngọt nhanh lên nhé! Bà tôi mấy hôm nay không được khoẻ.
                       Quả cam khẽ lay, giọng buồn buồn:
                      - Có con sâu nó phá tôi, cô bé ạ.
                       Cô đưa mắt tìm:
                       - Sâu đâu?
                       Tiếng con sâu ồm ồm từ trong vòm lá:
                       - Sâu đây!
                       Nó bò tụt xuống cành thấp thưa lá giở trò dọa như khi nãy.
                       Cô bé thu người lại:
                       - Eo ơi! Khiếp quá!
                       Cô bé sợ muốn bỏ chạy. Con sâu cười phá lên:
                       - Hô! Hố! Cô bé biết điều đấy!- Nó hướng về quả cam quát - Quả cam khốn kiếp kia! Mày là hay mách lẻo lắm. Tao thì cắn đứt cuống mày cho đáng đời.
                       Cô bé nghe thấy thế hết cả sợ, thét lên:
                       - Không được!
                       Con sâu trơ tráo:
                       - Cô bé cỏn còn con ơi! Cô làm gì được ta nào?
                       Cô bé tức giận chạy đi. Con sâu cười đắc chí:
                       - Kha! Kha! Kha! Tao xử tội quả cam đây!
                       Nó bươn nhanh đến chỗ quả cam. Nhưng cô bé đã khệ nệ bê ra một bình phun thuốc trừ sâu, giương vòi, hối hả phun vào con sâu. Con sâu lao vội lên cao vẫn không thoát, bèn đùn ra một lớp bọt trắng trùm lấy mình. Cô bé càng kéo cần phun khỏe. Con sâu giọng run rẩy:
                       - Cô bé xỉnh xình xinh ơi! Tôi đùa tí thôi mà. Cô hãy dừng tay nghỉ đã.   Chúng ta hãy ca hát với nhau có vui không nào!
                       Cô bé nói trong tiếng thở gấp:
                       - Không ca hát với quân phá hoại.
                       Cô phun thuốc liên hồi. Con sâu co rúm lại, rơi phịch xuống đất giãy đành đạch, rồi nằm chết cong queo.
                       Quả cam lúng liếng:
                       - Cảm ơn cô bé. Cô trông đây!
                       Quả cam lớn phình lên trông thấy, rồi từ từ chín vàng, một màu vàng ươm. Cô bé vỗ tay:
                       - Hoan hô cam! Lát nữa tôi mang cái túi ra, cam rụng vào túi để tôi mang biếu bà tôi nhé!
                       Quả cam đung đưa, giật giật như người ta gật đầu. Cô bé nhảy chân sáo đi ra, vừa đi vừa hát:
                          La là la lá
                          Quả cam xinh xinh
                          Sởn sơ trên cành
                          Em lo chăm sóc
                          Cho cam chín nhanh.
                       Cậu bé lại vào vườn, nhìn lơ láo, chợt reo lên:
                - A ha! Quả cam chín rồi. Vàng mọng thế kia thì ngon phải biết. Lại to nữa. Mình chưa thấy quả cam to như thế bao giờ. Hà! Phải hái xuống chén ngay thôi.
                Cậu chạy tới. Quả cam bỗng thu nhỏ lại ngay trước mắt cậu bé. Cậu dụi mắt:
                - Ơ! Sao mới đó mà đã lại hoá ra bé tẹo thế này? Bé cũng chén.
                Cậu ngửa mặt, vươn tay, định nhảy lên hái. Cành cam nhanh nhẹn thõng xuống đập quả cam vào mũi cậu bé rồi bật lên ngay đưa quả cam lên cao hơn. Cậu bé kêu “ối” một tiếng, đưa tay xoa mũi. Nhưng cậu vẫn cố hái quả cam. Cứ mỗi lần cậu nhảy với lên, quả cam lại dịch cao một tí. Cáu tiết, cậu rút súng cao su ra:
                - Tao sẽ tóm được mày cam ạ. Chim sẻ đậu trên nóc nhà cao tít, tao còn bắn hạ như chơi nữa là.
                Song mỗi phát cậu bắn lên, quả cam đều liệng tránh được.
                Chợt cô bé xách túi bước vào. Cô sững người nhìn rồi chạy lại giữ tay cậu bé:
                - Kìa! Anh làm gì thế? Bắn nát cam bây giờ! Em dành biếu bà ăn cho chóng khỏi bệnh đấy.
                - Xì! Bà thèm vào ăn quả cam bé tí ấy. Đó! Em có giỏi thì hái đi.
                Cô bé giơ tay vẫy:
                          Cam ngon, cam ngọt
                          Hiến mật cho đời
                          Mau xuống với tôi
                         Bà tôi đang ốm.
                       Quả cam nhớn phổng lên như cũ rồi từ từ hạ xuống, nhưng khi cậu bé cũng chìa tay ra thì nó lại vọt lên. Cô bé ẩy anh ra:
                - Anh làm cho cam sợ. Anh tránh ra đi!
                Cậu bé lùi ra, quả cam lại hạ xuống. Cậu bé nhảy vội tới, quả cam lại vọt lên, mấy lần như thế. Cô bé dậm chân giọng như có pha nước mắt:
                - Tại anh đấy! Anh có thương bà không? Anh đi vào đi!
                Cậu bé miễn cưỡng ra khuất. Cô bé giơ cái túi, phanh miệng túi, quả cam rơi tọt vào trong. Cậu bé ở đâu đã chạy lại:
                - Để anh mang biếu bà cho.
                - Ứ! Dọc đường anh lại chẳng ăn hết ấy.
                - Anh xin thề là đi đường anh không đụng đến vỏ quả cam. Em phải rửa ấm chén cho bố nên anh giúp em thôi mà.
                - Được, anh giúp em nhé! Em xong việc, em cũng sẽ sang thăm bà.
                Cô bé vào nhà. Cậu bé hí hửng xách túi đựng cam đi. Được một quãng, cậu thò tay vào túi lấy quả cam ra ngắm nghía: “Cam ngon, cam ngọt! Thế là chú mày vào tay ta rồi nhé! Còn đỏng đảnh làm bộ nữa thôi? - Cậu nuốt nước bọt - Thế nào bà cũng cho mình một nửa. Bà ăn gì mà chẳng chia cho các cháu. Con bé còn bận rửa ấm chén ở nhà chẳng biết gì đâu. Hi! Hi!- Cậu chẹp chẹp miệng - ngon ơi là ngon!”.     
                Cậu bé bỗng kêu lên một tiếng kinh ngạc: Quả cam đã trở lại y nguyên là một quả xanh. Cậu bé chán ngán:
                - Cam xanh thế này thì ăn uống gì! Có mà chua rụt lưỡi lại ấy- Chú bực lên - Đồ đểu! - Rồi tần ngần - Mang đến biếu bà, bà lại mắng cho là phá quả xanh.
                Cậu giận giữ ném quả cam ra xa. Quả cam tung lên, lượn vòng phía trên đầu cậu bé, rồi bay vụt đi. Cậu bé vội đuổi theo vì tiếc và vì tò mò. Bỗng cậu bị sa vào một cái hố chỉ còn nhô lên cái đầu.
                Cô bé tung tăng đi tới, thấy anh đang loay hoay trong hố:
                - Ơ! Anh làm gì dưới ấy thế.
                Cậu bé cuống quít:
                - Cứu anh với!
                Cô bé chạy đi rồi trở lại ngay, vai vác một cái thang nhỏ thả xuống hố cho cậu bé leo lên. Cô bé xuýt xoa phủi đất cát trên quần áo anh. Xong, cô sực nhớ đến quả cam:
                - Anh đã biếu cam bà chưa ?
                Cậu bé nói buông thõng:
                - Rồi!- Nhưng cậu không đành nói dối, nên cáu kỉnh đáp- Cam thế mà cũng đòi biếu bà! Tao quăng đi rồi.
                Cô bé ngạc nhiên:
                - Cam làm sao cơ ?
                - Xanh lòm lòm.
                Cô bé ấm ức:
                - Anh nói dối! Anh không thương bà. Anh chén rồi.
                Cậu bé bứt đầu, bứt tai:
                - Khổ quá! Ai thèm nói dối.
                Cô bé càng khóc to. Cậu bé bối rối chưa biết làm thế nào thì chợt nghe một tiếng dặng hắng: “E hèm!”. Hai anh em giật mình nhìn lại thấy quả cam đang lủng lẳng trên cây cam, đúng nơi cũ.
                Cậu bé thốt lên:
                - Ơ kìa! - Cậu trấn tĩnh lại lên giọng bảo em- Đấy! Em xem có đúng là quả cam còn xanh không nào ?
                Cả hai cùng chạy tới, cô bé chìa tay ra:
                           Cam ngon, cam ngọt
                           Sao trở lại xanh ?
                           Cam hãy chín nhanh
                           Xuống đây với tôi !
                       Quả cam lắc ngang, như người ta lắc đầu. Cô bé hỏi:
                - Anh tôi làm cam giận phải không ?
                Quả cam giật giật. Cô bé quay lại anh, vẻ trách móc:
                - Anh đã làm gì thế ?
                - Anh có làm gì đâu. Anh giở ra xem, nó bay vụt đi.
                Quả cam lắc, cô bé lay anh:
                - Anh nói dối rồi. Anh trông quả cam kìa!
                Cậu bé sượng sùng:
                - À, à… anh giở ra xem, thấy nó xanh, anh quẳng đi.
                - Tại sao quả cam lại hoá xanh trở lại nhỉ ?
                - Anh chẳng biết.
                Quả cam quẫy mạnh. Cô bé nhìn vào mắt anh:
                - Anh lại nói không thật rồi.
                Cậu bé bối rối:
                - Anh không biết thực mà.
                Cô bé khẩn khoản với cam:
                          Cam ơi, cam hỡi
                          Cam hãy nói đi
                          Xảy ra chuyện gì
                          Làm cam phật ý ?

                       Quả cam đu đưa một lát:
                          Anh không thật bụng
                          Đưa biếu cam bà
                          Ý định ranh ma
                          Giấu em, ăn hớt.
                       Cô bé phụng phịu với anh:
                - Ra anh là thế! Đúng là anh chẳng thật bụng thương bà. Em không chơi với anh nữa.
                Cậu bé nín lặng quay mặt đi. Cô bé lại hướng về quả cam:
                - Cam ơi! Cam hãy chín trở lại rồi xuống với tôi đi! (Quả cam vẫn lúc lắc) - Kìa anh nói với cam đi!
                Cậu bé, sau một chút ngập ngừng, nói với quả cam:
                - Cam cứ xuống đi! Anh em tôi mang biếu bà. Nếu bà có cho anh em tôi vài múi, chúng tôi mà từ chối thì lại chẳng vui lòng bà.
                Quả cam trầm giọng:
                - Này cậu bé ơi! Cậu thích ăn cam nhưng lại lười chăm sóc cam.
                - Tôi chẳng đã cho con sâu một trận là gì ?
                - Cậu chỉ hăng máu vịt một lúc thôi. Cậu phá cam thì có, chứ có đụng được chút lông nào của con sâu đâu.
                - Ứ, ừ! Con sâu đã phải trốn biệt- Chú tình cờ nhìn xuống đất- mà nó nằm chết nhăn răng kia kìa!
                - Ơ hơ, cậu bé lại nhận chằng rồi. Chiến công này là của cô bé đấy.
                Cậu bé trố mắt nhìn em, bỗng đỏ mặt, cúi đầu nín thinh. Cô bé lên tiếng:
                - Cam ơi! Anh tôi biết lỗi rồi, - ngoảnh lại anh- phải không anh ? Kìa! Anh nói đi! Anh cứ gật cũng được.
                Cậu bé vẫn cúi đầu, gật nhẹ. Quả cam cứ lắc lư.
                - Anh phải gật mạnh lên cơ !
                Cậu bé lé mắt nhìn quả cam rồi gật mạnh đầu luôn mấy cái. Quả cam bèn giật giật, trở lại vàng ươm rồi rơi gọn vào tay cô bé. Cô bé mừng reo:
                - Hoan hô cam! Cảm ơn cam! Đi anh! Chúng mình đến thăm bà đi!
                Cô bé lon ton bước, hai tay trân trọng nâng quả cam. Cậu bé cũng nâng hai tay hờ một cách nghiêm trang đi cạnh em gái. Quả cam chợt nhảy sang tay cậu bé. Cậu bé thẳng người, hai tay đỡ quả cam, hoan hỉ bước đi. Thoắt cái, quả cam lại nhảy sang tay cô bé. Cứ thế… Hai anh em hớn hở vừa đi vừa hát:
                           Lá la là la
                           Quả cam chín mọng
                           Cái vỏ vàng ươm
                           Công em sớm hôm
                           Chăm cây tươi tốt
                           Cam thơm cam ngọt
                           Cháu dành biếu bà

                           La lá là la
                           Bà khen rằng ngọt
                           La lá là ngọt
                           Bà khen rằng thơm
                           La lá là thơm
                           La là lá la …
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.04.2009 13:27:24 bởi Khải Nguyên HT >
                #8
                  Khải Nguyên HT 30.04.2009 17:26:13 (permalink)
                  CUỘN DÂY DIỀU
                   
                   
                          Mực gắn bó với bé Thanh từ khi còn là một chú cún con bé tí. Bé yêu chú chó Mực của Bé, tưởng rằng chẳng bao giờ Bé đánh Mực. Thế mà có đấy, có một lần đấy. Lỗi tại Bé hay tại Mực, các bạn cứ đọc tiếp đi.
                         Buổi tối hôm trước, Bé ở nhà một mình, à quên, còn chú Mực nữa. Ông nội đi thăm bạn của ông mấy hôm. Mẹ đi họp. Mẹ đã mắc sẵn màn cho Bé và dặn rằng học bài xong, nếu mẹ chưa về thì cứ đi ngủ trước. Bé sắp ngồi vào bàn học thì nghe một tiếng huýt sáo khẽ ngoài ngõ. Bé nhận ra ngay hiệu gọi của bạn Vũ. Vũ học cùng lớp với Bé, vì hay vòi mẹ nên bạn bè gọi là cu Vòi. Cu Vòi lớn hơn Bé một tuổi, hai năm ngồi ở ghế lớp một nên bây giờ cùng lớp với Bé. Biết chắc ông nội và mẹ Bé đi vắng, cu Vòi bàn với Bé một chuyện “quan trọng”:
                         - Này! Tớ vừa nghĩ ra một kiểu diều giấy. Này nhá! Chúng nó vẫn làm hình chữ nhật. Giờ bọn ta làm giống hình con bướm. Dán hai bên cánh hai ngôi sao vàng, đính thêm hai cái râu dài bằng giấy thiếc mỏng, đuôi thì bằng giấy xanh, đỏ. Cực kỳ chưa? Làm ngay thôi! Ngày mai bọn chúng cứ là lác mắt.
                         - Bây giờ còn phải học bài - Bé từ chối.
                         - Xì! Mai chỉ có mỗi bài học thuộc lòng. Cách đây mấy tuần cô giáo gọi cậu đọc bài rồi thôi.
                         - Nhưng mà … ông và mẹ đi vắng…
                         - Tớ đã có sẵn mọi thứ rồi. Ta làm một nhoáng rồi học bài cũng kịp mà.
                         Bé vẫn do dự. Cu Vòi làm bộ dỗi:
                         - Được. Tớ đi rủ thằng Thái vậy. Mai đừng có mà chầu rìa nhé !
                         Thế là Bé xuôi tai. Hai cậu cặm cụi làm diều, yên trí chẳng sợ ai nhòm ngó cả, quên cả chú Mực. Góc học tập của Bé kề cửa sổ trông ra hiên nơi Mực nằm. Đi tuần quanh nhà xong, Mực lại về nằm đấy. Mọi tối, Mực vẫn quen thấy Bé ngồi học ngay cạnh mình. Đôi khi Mực ghé đầu nhìn cậu chủ chăm chú học bài, làm bài. Thỉnh thoảng, Bé quay ra xoa đầu Mực một cái. Tối nay, góc học tập tối om. Đã mấy lần Mực tới bên cậu chủ lấy đầu hích hích như nhắc nhở, nhưng đều bị Bé gạt ra. Một lần, Mực suýt dẫm chân vào chiếc diều đang làm dở, cu Vòi bèn xui Bé đẩy Mực ra ngoài đóng chặt cửa lại. Mực bị ra rìa, chẳng yên tâm chút nào. Mặc cho Mực tha hồ gại chân vào cánh cửa và rít lên, hai cậu bé chẳng thèm ngó đến.
                         Cái diều làm xong, cu Vòi nhận đưa về cất. Bé ngồi vào bàn định học. Song đầu óc cứ nghĩ đến ngày mai tụi bạn sẽ lác mắt, nên học chẳng vào. Ngồi một chốc thấy mệt rũ ra. Bé bèn đi nằm một tí, không ngờ “khò” luôn.
                         Sáng hôm sau, cu Vòi sang rủ bé đi học sớm đến nửa giờ. Mọi hôm thì chẳng thế đâu. Cu Vòi hay đi muộn. Cu Vòi nói với mẹ của Bé là hai đứa phải đi làm trực nhật. Bé trố mắt ra nghĩ là cu Vòi nhầm, tuần sau mới đến phiên cơ mà! Bé chưa kịp lắc đầu thì cu Vòi đã nháy mắt và lôi bé đi. Bé không yên bụng vì Bé không quen nói sai. Nhưng cu Vòi đã liến láu:
                         - Này! Sáng nay có gió sớm, chúng mình thả thử cái diều đi!
                        Bé ngập ngừng:
                        - Đến lớp muộn mất. Mà gió này diều chẳng lên đâu.
                        - Lên tốt. Cứ thử xem! Còn sớm chán. Không thử, chiều bị hố với bọn thằng Thái thì sao?
                         Bé lại bùi tai. Hai cậu rủ nhau ra cái bãi cạnh xóm, quẳng cặp và mũ vào một chỗ kín đáo rồi hè nhau kẻ đâm diều, kẻ cầm dây. Lúc này, Mực đang lởn vởn cạnh đó, cứ đưa cặp mắt ướt chớp chớp nhìn cậu chủ. Gió rất mát, song chỉ se se. Cái diều lại hơi nặng đầu nên cứ chúi xuống như con gà bị bệnh, rồi lao xuống đất ình ịch. Cu Vòi cau có:
                         - Cậu không biết đâm diều. Lại cầm lấy dây này!
                         Cu Vòi đâm cũng chẳng hơn gì. Nó hét:
                         - Chạy đi chứ!
                         Bé co giò chạy. Cái diều loạng choạng trên không như say rượu rồi bổ chửng xuống cỏ. Cái dây lôi nó loạc xoạc. Cu Vòi lại hét:
                         - Đứng lại! Chẳng trông gì cả. Đứt mẹ nó đuôi rồi! Nghe cu Vòi hét, Bé đã bực. Lại văng tục nữa. Khiếp! Bé quẳng cuộn dây đang cầm ở tay xuống, đi lại chỗ cất cặp sách. Vừa lúc đó, tiếng trống trường vẳng đến. Cu Vòi cuống quýt:
                         - Kìa, bỏ mặc tớ à?
                         Bé cũng đang cuống và cáu, nhưng bỏ mặc bạn lúc này thì chẳng hay. Bé nhặt cuộn dây lên cuốn nhoáng nhoàng. Chẳng nhìn xem cu Vòi giấu cái diều vào đâu, cậu giúi vội cuộn dây vào dưới một khóm cây, rồi xách cặp chạy. Cái mũ vải của Bé nằm bẹp dưới chiếc cặp bị bỏ quên. Mực thấy chủ chạy chẳng hiểu mô tê gì vội kêu lên: “Gâu! Gâu! Có tôi!” và sải bốn vó chạy theo. Chắc có trò vè gì thú vị đây! Chú đuổi kịp, áp sát bên chân Bé, nghiêng nghiêng đầu nhìn chủ: “Ử, Ử, vui cậu hử!”. Bé bị vướng, bợp Mực một cái vào đầu. Mực cụt hứng, chùn lại, nhưng còn cố chạy theo một quãng và gọi hóng mấy tiếng: “Cậu! cậu!”. Nhưng cậu đang mải phì phò chạy, còn nhớ gì đến ai! Mực chạy chậm dần rồi đi bước một. Chú hấp háy mắt, liếm mép. Hẳn chú đang nghĩ: “Cậu bé hôm nay làm sao ấy”. Song chú cho qua luôn, thủng thẳng quay trở lại. Chú tha thẩn một lúc nơi bãi thả diều. Hiếm khi chú đi lang bang như thế.  Chỉ tại cậu chủ lêu têu, khiến chú cũng đâm ra lêu têu, quên cả bổn phận trông nhà. Có lẽ sực nhớ ra, chú định quay về. Nhưng cái gì thế này ? À cái mũ của cậu chủ. Mực đưa mũi dò xung quanh. A, lại cuộn dây diều đây nữa. Cậu chủ bỏ quên cả đây! Mọi khi Bé vẫn vờ quên đồ vật như mũ, dép rồi sai Mực nhặt đem lại cho mình. Mực quắp cuộn dây thả vào lòng cái mũ đang nằm ngửa. Chú há miệng ngoạm cái mũ cùng cuộn dây nhấc lên, mắt hấp háy. Chú đắn đo rồi bước nhanh. Và chú chạy. Chú không phóng mà chạy lúp xúp. Cổng trường đây rồi. Sân trường chẳng có người nào. Chú dừng chân một lát. Đã mấy lần chú theo Bé đến đây, nhưng ít khi chú được vào trong sân. Khó xử quá! Chú trông trước, trông sau, trông phải, trông trái rồi quả quyết đi vào. Chú bước từ tốn, dè dặt, vừa đi vừa nom dòm, tìm kiếm.
                         Bé và cu Vòi kịp vào lớp trước khi cô giáo đến. Sau khi gọi tên xong, cô giáo giở sổ điểm, Bé ngồi rụt cổ cố thu nhỏ người lại, tưởng đâu nhờ đó mà cô giáo quên mình đi… Kìa! Ngọn bút của cô giáo đang dò từng tên học sinh. Cô chấm một cái rồi! Cô sắp gọi. Bé vẫn nhìn xuống bàn mình, nhưng tai dỏng lên, tiếng tim đập như tiếng trống ếch gõ. Cô giáo gọi đây này!
                         - Trần… (Bé giật thót) Ngọc… (Bé nhẹ hẳn người) À! Xin lỗi! Trần Nguyên… Thanh!
                         Bé như bị ai chích, giật nảy người, máu dồn lên mặt. Cu Vòi ngồi chếch ở bàn trên quay lại liếc nhìn bé, hiu mũi một cái. Bé còn lần chần chưa đứng dậy. Cô giáo hỏi:
                         - Em Trần Nguyên Thanh đâu ?
                         Bé từ từ đứng lên, người trở nên nặng làm sao! Bé cầm cuốn vở học rụt rè đi lên bàn cô giáo.
                         - Em đọc thuộc lòng bài ca dao cô cho chép hôm thứ ba đi!
                         Bài này thì Bé đã học qua nhưng chưa thuộc. Đã định tối qua học kĩ. Chỉ tại cái diều! Không! Tại…  Cu Vòi mắt nhìn vào vở, tay chống hờ một bên má để che mắt cô giáo, miệng giả vờ nhẩm bài đủ cho Bé có thể nghe. Nhưng Bé không thích thế. Cô giáo bảo gian dối là xấu. Ông nội cũng bảo thế. Mẹ cũng bảo thế. Cậu quay đi, cố nặn óc. Bài ca dao chỉ có bốn câu.
                                        “Làm đồng đang buổi ban trưa
                                 “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
                                        “Ai ơi bưng bát cơm đầy
                                 “Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần!”
                         Cô giáo cũng đã giảng nữa. Nhưng không chịu học tử tế thì nó vào óc sao được! Bé chỉ nhớ lõm bõm. Gì “đồng” ấy nhỉ ? “Cày đồng”… không phải “Cày” thì “ruộng” chứ! “Ban” gì nhỉ? Ban ngày… hình như không phải. Chẳng lẽ ban đêm! Và Bé đọc ngắc ngứ:
                         “- Cày a… ruộng a đang buổi ban a ngày…”
                         Có tiếng rinh rích dưới lớp - tiếng cười cố nén của mấy học sinh đang cúi mặt xuống. Cô giáo cau mày:
                         - Em có học bài không ?
                         Bé ấp úng:
                         - Thưa cô, em chưa học kĩ ạ.
                         - Vì sao ? Em có thể cho cô biết không ?
                         Cu Vòi nói leo:
                         - Thưa cô, bạn ấy ốm ạ.
                         Cô giáo nghiêm khắc nhìn nhanh cu Vòi, rồi ngoảnh lại Bé chờ trả lời. Bé không nhìn cu Vòi:
                         - Thưa cô, không phải thế đâu ạ. Em… em…
                         Bé không muốn nói dối. Nhưng nói thật chuyện này thì khó quá. Nói “quên học” cũng là dối. Bé nuốt khan nước bọt.
                         Đúng lúc đó, Mực lù lù dẫn xác vào, miệng ngậm thứ gì như là một cái túm. Cả lớp nhớn nhác. Những em ngồi bàn đầu thì nhốn nháo, co vội chân lên. Cô giáo giật mình đứng dậy. Bé cũng bị bất ngờ, ngây mặt ra. Mực thấy đông người lố nhố, hơi hoảng. Chú đi thẳng tới cậu chủ giúi cái túm vào tận tay. Bé sực tỉnh, quát khẽ: “Mực! Đi ra!”.
                         Cô giáo lấy lại bình tĩnh, hỏi Bé:
                         - Chó nhà em đấy à ?
                         - Vâng ạ.
                         Cu Vòi nhanh nhảu:
                         - Thưa cô, con chó nhà bạn ấy khôn lắm đấy ạ.
                         Cô giáo lại hỏi Bé:
                         - Nó mang đến cho em cái gì thế ?
                         Bé buộc phải cầm lấy cái túm. Cái mũ phanh ra và cuộn dây diều rơi xuống lăn lóc trên nền nhà. Cả lớp cưòi ồ. Bé đỏ dừ mặt đến tận mang tai. Chú Mực xong việc, nghe tiếng cười rộ lên như xua đuổi, vội nhót khỏi phòng. Ra tới sân, chú còn quành cổ nhòm lại rồi mới chuồn thẳng. Khổ thân Bé, thật là ngao ngán, chẳng biết làm gì với cái mũ và cuộn dây cả.
                         Cô giáo bảo lớp giữ trật tự. Cô cho Bé về chỗ và nhẹ nhàng bảo:
                         - Giờ ra chơi em lên văn phòng gặp cô nhé!
                         Bé lí nhí: “Vâng ạ!” và đi nhanh xuống lớp. Cậu tránh không nhìn ai. Giận cu Vòi, giận Mực, giận mình. Nhưng Bé đã quyết. Khi lên gặp cô giáo, cô hỏi, Bé đã kể hết, trừ mỗi một điều là tại cu Vòi xui dại. Cô giáo nhìn Bé, ánh mắt dịu đi:
                         - Cô hơi buồn vì em vốn ngoan ngoãn, chăm học và học khá. Nhưng cô cũng lại vui vì em đã thành thật. Em đã hứa sửa chữa. Cô tin em. Dù vậy cô cũng phải cho em điểm kém vì em không học bài. Cô sẽ nói rõ với lớp để làm gương cho các bạn em. Cô sẽ gọi em lần khác để em có dịp chuộc lỗi và gỡ điểm.
                         Bé trở về lớp, không vui, nhưng cục nặng trong lòng đã vợi bớt. Cu Vòi mon men đến gạ chuyện, Bé ngoảnh mặt đi.
                         Hết buổi học. Bé bước về nhà, chiếc cặp sách trĩu một bên vai. Bị điểm một! Biết ăn nói với ông và mẹ như thế nào đây? May mà ông đi vắng. Như thường lệ, Mực đón Bé ở đầu ngõ. Thấy cậu chủ buồn xỉu. Mực không nhảy dựng lên đón mừng mà chỉ khẽ phe phẩy đuôi. Chú vươn cổ, há mồm định đón chiếc cặp mang về như vẫn làm. Nhưng Bé giơ cao chiếc cặp lên và quát: “Cút đi”. Mực né người, kêu khẽ như ngạc nhiên. Bé đi qua rồi Mực còn đứng giương mắt nhìn theo, thè lưỡi liếm mép, cái đuôi ngo ngoe. Chẳng hiểu ra thế nào cả! Sao hôm nay, cậu ta trái chứng thế không biết? Chú lắc mình rồi chạy theo. Chú chạy lúp xúp phía sau, không dám đến sát, cũng không dám vượt lên.
                         Vừa đến sân, Bé thấy ông nội ở trong nhà. Ông đã về rồi. Chết cha. Ông nghĩ sao về cái điểm một xúi quẩy? Mẹ thì đã đành! Bé chào ông và mẹ rất khẽ, lặng lẽ đến góc học tập cất cặp sách và cởi khăn quàng đỏ. Bé đứng đó hơi lâu. Mẹ đưa mắt cho ông nội. Ông dặng hắng một tiếng:
                         - Cháu ông hôm nay có chuyện gì vậy?
                         - Không ạ. À … dạ …cháu bị điểm một bài học thuộc lòng ạ.
                         Bé không giấu ông và mẹ điểm xấu bao giờ. Đành rằng được điểm tốt thì vẫn dễ nói hơn. Ông nội ho khan một cái:
                         - Hả? Điểm một à? Gay đấy! Tối hôm qua cháu không học bài ư?
                         - Dạ, tại cháu ….tại cháu mải … - Có cục gì chẹn ở trong cổ ấy cứ toan làm cho nước mắt ứa ra. Đừng! Khóc thì vô lí quá. Ông bảo phải dũng cảm. Ông kể chuyện ông đi đánh Tây có lần không phá được đồn giặc, phải rút, ông rất buồn. Bé hỏi: “Buồn, ông có khóc không?”. Ông bảo: “Ai lại khóc! Hỏng thì làm lại chứ”. Bé không ấp úng nữa. Bé nói nho nhỏ: “Tại cháu mải làm diều ạ”.
                         Nghe rõ tiếng mẹ thở dài. Hình như ông lắc đầu.
                         - Hừm! Thì ra thế! Thôi, cháu đi rửa mặt và tay chân rồi ăn cơm.
                         Cả nhà cơm nước xong, mẹ ngồi vào bàn, bảo Bé đứng bên cạnh. Mẹ hỏi, giọng nghiêm và buồn:
                         - Như vậy con phạm lỗi nặng hay nhẹ?
                         - Hơi nặng …à, nặng ạ.
                         - Thế thì con biết phải làm gì rồi.
                         Mẹ chỉ cần nói có vậy. Bé từ từ đi vào góc nhà đứng quay mặt vào tường.  Mẹ nhìn con một lát:
                         - Con phải đứng đó mười lăm phút. Khi nào ông cho thôi thì phải đi nghỉ trưa ngay. - Mẹ thưa với ông nội - Ông ạ, từ rày chiều chiều không cho cháu ra ngoài chơi nữa.
                         Đã lâu lắm, Bé mới lại bị phạt kiểu này. Cậu bần thần mất một lúc rồi nghĩ lan man. Cái diều hình thang cân chúi đầu nhảy lọc xọc trên bãi cỏ. Phải xén ngắn hai râu đi. Cái que dọc thân cũng to quá như một cái cọc. Cái cọc! Con số một cũng như cái cọc, đứng trơ ra trong sổ điểm của cô giáo. Bài ca dao ngắn thế mà mình không thuộc. Mấy chữ đầu là gì nhỉ ? Không phải “cày ruộng”. Viết thư cho bố ở trên biên giới biết nói thế nào đây ? Có vật gì êm và ấm giụi giụi vào đùi. Con Mực, Bé bực mình đá một cái.
                         - Sao cháu lại đánh chó ? - Ông nội lên tiếng.
                         Bé phụng phịu:
                         - Hôm nay nó làm cháu ê cả mặt ở lớp.
                         - Sao ? Nó ra tận lớp cơ à ?
                         - Nó tha… (xấu hổ chết đi được) nó tha… cái mũ và cuộn dây diều vào chỗ cháu đang đứng đọc bài.
                         - Cháu bỏ quên phải không ?
                         - Cái mũ thì cháu quên.
                         - Thế là nó có công chứ! - Ông nội rất muốn cười, nhưng ông nhịn được, ông chỉ cười trong mắt thôi- Nó có là người đâu mà biết rằng tự dưng xồng xộc vào lớp học người ta là vô phép.
                         Mình lại sai nữa! Bé đưa mắt nhìn quanh tìm Mực. Song Mực đã bỏ ra hiên nằm. Có lẽ nó hờn dỗi. Nhưng Mực chỉ hờn mát thôi, nó không giận dai, cũng như Bé không để bụng lâu. Buổi chiều, Bé ngồi học bài, làm bài. Mực vẫn nằm cạnh ngoài hiên. Thỉnh thoảng chú thò đầu vào thăm cậu chủ. Bé học miệt mài cả chiều, cả tối, đến nỗi trưa hôm sau, vừa đi học về, Bé đã hớn hở khoe với ông nội và mẹ điểm chín toán, điểm mười đọc bài. Mực đứng ở cửa nhìn vào, cái đuôi ngoáy lia lịa.
                         Dẫu vậy, Bé vẫn còn bị cấm ra ngoài chơi khi chiều xế. Trước đây, khi đã nhạt nắng, Bé được phép đi chơi với bạn ở đồng, ở bãi vì nhà bé ở ven thị. Chú Mực cũng được phép đi theo. Cu Vòi ban đầu thấy bạn bị phạt không được đi chơi thì chỉ áy náy tí chút. Nhưng vắng Bé, chơi gì cũng tẻ. Ngẫm nghĩ, cậu ta thấy rõ lỗi mình đầu têu. Một hôm, cu Vòi lần sang nhà Bé. Cu cậu cảm thấy Mực ta chẳng như mọi lần, cứ nhìn lừ lừ. Có lẽ do cu cậu tự nát mình thôi. Cậu phải gọi Bé ra đưa vào. Cu Vòi rụt rè chào ông nội của Bé, hỏi chuyện lòng vòng mãi rồi mới lúng búng nói được cái câu thật là khó nói:
                         - Ông ạ, tối hôm ấy, tại cháu rủ rê bạn Thanh làm diều.
                         - Hà! Các cháu như những anh chàng ngốc trong một chuyện vui, đáng lẽ đi gặt thì họ lại bày cỗ ra đánh chén. Các cháu biết nhận lỗi về mình, không đổ vấy cho nhau, vậy là khá. Từ rày phải bảo ban nhau học ra học, chơi ra chơi.
                         Ông nội bàn với mẹ tha phạt cho Bé. Buổi chiều Bé lại được phép đi chơi. Bé nhảy phóc một cái từ thềm xuống sân. Còn Mực thì chạy cỡn vòng quanh, thoắt cái đã ra ngõ xung xăng chạy trước.
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.04.2009 17:39:31 bởi Khải Nguyên HT >
                  #9
                    Khải Nguyên HT 08.05.2009 16:47:36 (permalink)
                    BÉ THANH ĐI HỌC

                          Bé Thanh năm nay lên sáu, vừa đến tuổi học lớp Một. Bố và mẹ đã sắm cho bé sách vở, bút mực, phấn, một chiếc bảng con và cả một chiếc cặp xinh xinh, lại một bộ quần áo mới nữa chứ. Nhưng có vẻ bé vừa thích, vừa không thích. Thích vì rõ ràng là bé đã lớn. Không thích vì bé đã quen lớp mẫu giáo rồi. Ở lớp mẫu giáo, bé được cô giáo dạy hát, dạy múa suốt ngày. Ở lớp mẫu giáo có nhiều trò chơi. Chơi trò mà biết được nhiều điều ghê. Chẳng hạn chơi trò “Nguyệt thực” ở lớp về, bé hỏi chị Thuỷ học lớp bốn rồi mà chị chịu bí đấy. Đi mẫu giáo thú thế cơ mà! Lên lớp một cũng hay hay song lại phải học. Bé nói với chị Thuỷ: “Em thích cứ đi mẫu giáo cơ!”. Chị Thuỷ bỗng đố Bé: “Năm nay là năm 2009, bé lên sáu, vậy bé sinh năm nào?”. Bé đứng ngẩn tò te. Chị Thuỷ huơ tay cười, ê bé. Bé ức muốn khóc. Bố mới bảo: “Đấy, bé đi học lớp một, rồi lớp hai, rồi nữa nữa thì trả lời được thôi mà”. À, thì ra thế! Nhưng bé vẫn hờn chị Thuỷ. Bé không chơi với chị Thuỷ nữa. Bé đến bên bà vòi bà kể chuyện cổ tích. Bà cười: “Bà hết chuyện rồi. Cuốn truyện cổ Việt Nam trên bàn kia có khối chuyện hay, nhưng mắt bà đã kém, không đọc được, bé đọc cho bà nghe, bà nhớ, tối bà sẽ kể lại”. Bé gãi tai. Khó nói quá! Bà nhờ bé xâu chỉ vào kim hộ, bé làm được ngay. Còn bà nhờ bé đọc thì … Vậy đấy. May lúc ấy nhà nhận được thư chú Hùng đi bộ đội đóng ở Trường Sa gửi về, bé lảng chuyện được. Bố bảo chị Thuỷ đọc thư cho cả nhà nghe. Chú Hùng viết dài dài là, kể bao nhiêu chuyện : Chuyện biển khơi, chuyện trồng rau trên đảo,... Chú hỏi thăm sức khoẻ bà, hỏi thăm sức khoẻ công việc của bố và mẹ. Chú hỏi cháu Thuỷ hoạt động hè có vui không? Giúp đỡ gia đình những gì? Chăm sóc bé Thanh ra sao? Chú chúc chị Thuỷ sang năm học mới vẫn được là học sinh tiên tiến và cháu ngoan Bác Hồ. Chú hẹn khi nào chú về phép sẽ có thưởng. Sắp đến lượt chú Hùng nói với bé đây. Bé giỏng tai chờ. Chị Thuỷ đọc: “Đoạn chú sắp viết đây thì để bé Thanh tự đọc lấy nhé!”. Chị Thuỷ ngước lên nhìn bé cười tủm tỉm và chìa lá thư cho bé! Bé nguẩy người, giấu tay sau lưng, nửa cười, nửa mếu:
                         - Ứ!Chị Thuỷ bịa để trêu em. Em ghét chị Thuỷ rồi.
                         Chị Thuỷ xoè lá thư ra phân bua:
                         - Rành rành chú Hùng viết đây này, bé lại bảo chị bịa.
                         Bố cầm lá thư xem rồi cười bảo bé:
                         - Đúng đấy.
                         Bà chép miệng:
                         - Chú Hùng quên mất là bé mới bắt đầu học lớp một thì đã biết đọc ngay thế nào được.
                         Mẹ nói:
                         - Thôi thì chị Thuỷ cứ đọc cho em nghe, rồi viết thư báo lại với chú Hùng cũng được. Chú chẳng giận bé đâu.
                         Chị Thủy định xin lại lá thư để đọc thì bố ngăn lại:
                         - Khoan đã! Lúc nãy Thủy chưa đọc hết chỗ chú dặn- Bố nhìn vào lá thư đọc - “Khi cháu của chú đã đọc được, tức là viết được. Lúc đó, chú cháu ta sẽ bàn bạc kĩ thêm qua thư. Bé của chú có đồng ý không?”
                         Bố quay sang hỏi bé:
                         - Thế nào? Con có đồng ý với chú Hùng không?
                         Bé Thanh cúi đầu di di ngón chân cái lên sàn nhà. Bố làm như sắp trao lá thư cho chị Thuỷ:
                         - Thế là bé không thể chờ để tự mình đọc lấy. Thuỷ đọc đi vậy.
                         Chị Thuỷ giơ tay toan đỡ lấy thư thì bé vụt kêu lên:
                         - Không! Chị Thuỷ đừng đọc!
                         Cả nhà cười xoà. Bố gấp lá thư lại vui vẻ nói:
                         - Có thế chứ! Thuỷ không phải làm thay em nữa. Em nó sẽ cố học giỏi để tự đọc lấy, tự viết lấy thư cho chú Hùng nữa kia. Bố ngoảnh lại bé- Bố cất lá thư vào tủ, khi nào con cần lấy ra để đọc thì bảo bố nhé.
                         Bé lí nhí:
                         - Vâng ạ.
                         Bà khen:
                         - Cháu bà thế là ngoan, là giỏi.
                         Chị Thuỷ vỗ tay:
                         - Hoan hô! Hoan hô bé Thanh!
                         Bé vội chạy đến sà vào vòng tay bà, giấu mặt trong lòng bà.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.05.2009 21:28:15 bởi Khải Nguyên HT >
                    #10
                      Khải Nguyên HT 11.05.2009 12:00:35 (permalink)
                      VIỆC NHỎ
                       


                             Bé nài chú Út cho mượn cái máy-ảnh-du-lịch, - tên gọi mà chú vẫn hãnh diện, cái máy ảnh đi đâu chú hay mang theo “để chụp chơi”. Bé thì chẳng mượn để chụp chơi. Nhưng không tiện nói rõ cho chú biết.
                             Khu Bé ở có một cái công viên nho nhỏ hôm nào cũng bị chó đến tương bậy. Kề đó, có mấy nhà nuôi chó, nhà nào cũng kín cổng, chẳng biết chó nhà ai mà hư thế. Ở nơi đẹp nhất công viên, cạnh một tượng đài! Bác trưởng khu dân cư phát loa, yết bảng nhắc nhở, kêu gọi hoài chẳng ăn thua.
                             Bé là thành viên của nhóm môi trường. Chẳng phải bạn nào cũng được nhận vào nhóm đâu. Phải học từ khá trở lên, là trò ngoan, lại phải biết quí chuộng cảnh quan sạch đẹp, không khí trong lành, biết yêu thiên nhiên, …
                             Cái công viên bé tí một thời bị bỏ bê trở nên hoang hoá. Có người đã tính đến chuyện chia chác xây nhà cửa. May mà dân đã kịp có ý kiến. Bây giờ công viên đã được sửa sang, có cây che mát, có hoa tứ thời, có lối đi dạo, có ghế ngồi chơi. Khu dân cư sang trọng hẳn ra. Chỉ riêng chuyện mỗi lần đi ngang qua thấy mát mắt cũng đã đáng yêu, đáng quí rồi. Trường tiểu học gần đó nhận đỡ đầu công viên, vai trò chính giao cho nhóm môi trường của Bé. Những việc nặng, tỉa cây, xén cỏ, chăm hoa, dọn vệ sinh, đã có người lớn làm định kì. Bọn trẻ chỉ phải chăm nom sao cho công viên luôn luôn sạch đẹp. Đừng tưởng là nhẹ việc. Những người đến công viên chẳng phải ai cũng có ý thức tôn trọng cảnh quan, môi trường. Theo thói quen xấu, họ hay tiện tay vứt bừa xuống quanh chỗ mình đi, đứng hoặc ngồi. Từ que diêm cháy dở, đầu thuốc, mẩu giấy đến vỏ trái cây, chai rỗng, … Rồi lại chuyện bẻ cành cây, phóng uế bừa, … Họ như vô cảm trước những  biển cấm. Bé và các bạn trong nhóm mỗi lần đến phiên trực công viên thường mang theo sách vở để học hoặc đọc. Buổi đầu, thấy ai “tiện tay” các em đến lễ phép nhắc nhở. Có người vui vẻ nhận lỗi,- thường đó là những người có tuổi. Có người cười trừ, rồi vẫn “quên”. Không ít người mắng át đi. Bé nảy ra một ý được cả nhóm tán đồng. Hễ thấy ai vứt rác ra công viên, các em trực lẳng lặng đến nhặt cho vào túi chất dẻo đã chuẩn bị sẵn. Mãi rồi, những người vô tâm nhất, hoặc cù lần nhất, cũng thấy vứt bậy là khó coi. Chỉ còn con chó nào đấy, nói đúng hơn là chủ chó nào đấy. Sáng sớm nào cũng thấy vật thải của nó nơi hôm trước đã được dọn sạch. Bọn trẻ để tâm theo dõi. Chia phiên hai em một rình nhiều hôm liền mà chẳng phát hiện được gì cả. Các cậu đến công viên thật sớm mà thủ phạm đã hành động xong chuồn rồi. Bữa đó, Bé và một bạn nữa quyết đến đó lúc còn mờ đất, ẩn mình quan sát. Tinh mơ, bóng đêm còn lởn vởn, hai em thấy cổng một nhà bên kia đường hé mở đủ để một con chó lai béc-giê to gần bằng Bé ra lọt. Con vật nhót đến chỗ công viên quen thuộc làm cái việc đáng lẽ làm nơi dành riêng cho nó.  Xong, nó thản nhiên đi ra. Một tiếng huýt sáo phía trong cổng, con chó nhanh chân chui tọt vào. Cánh cổng sắt khép kín lại.
                             Bé lựa lúc kể chuyện với chú Út. Chú cũng giận, nói:
                             - Sao không bảo thẳng chủ nó ?
                             - Bác tổ trưởng bảo rồi nhưng ông ta chối phắt, còn tỏ ra phật ý.
                             - Vậy thì rủ mấy người nữa rình nện chết tươi con chó. Chó thả rông, phóng uế bừa, ai cũng có quyền triệt.
                             - Cháu thấy tội cho nó; chẳng phải lỗi của nó. Con chó đẹp lắm chú à.
                             - Thế cháu định sao ?
                             - Bọn cháu định chụp ảnh quả tang.
                             - Thì ra cháu mượn máy ảnh để làm chuyện đó. - Chú Út bất bình kêu lên- Chu cha! Máy-ảnh-du-lịch lại đem đi chụp ảnh chó “ị” à ? Bậy quá! Chú là chú chụp ảnh nghệ thuật, cháu hiểu không ?
                             Bé ỉu xìu, nom đến tội. Chú Út thấy bất nhẫn, bảo:
                             - Thôi, để chú chụp cho cháu một kiểu ảnh. Mặt cháu xị thế kia thì vào ảnh đẹp phải biết.
                             Mặt Bé tươi lên:
                             - Ở công viên chú nhé.
                             - Ừ, đi ngay bây giờ.
                             - Sáng mai cảnh nơi ấy mới đẹp chú ạ.
                             - Ờ, sáng mai cũng được.
                             Hôm sau, hai chú cháu thong dong ra đi. Bé được xách cái máy ảnh bọc trong cái bao da. Bé dẫn chú Út vào chỗ công viên mà chúng ta đã biết. Chợt chú dừng phắt lại, chun mũi; - Quái quỉ gì thế này!
                             Bé nói: - Hôm qua các cô trong tổ vệ sinh đã dọn sạch sẽ rồi. Lại con chó ấy!
                             - Được rồi! - Chú Út bất ngờ quyết định- Thế này thì chú sẽ cho cháu mượn máy ảnh. À, nhưng mà cháu có biết chụp đâu. Thôi, chú sẽ đi cùng các cháu, chú chụp.
                             - Chú cứ hướng dẫn cho cháu là được thôi mà. Chú khỏi phải lịch kịch dậy quá sớm. Chú đã thức khuya xem truyền hình rồi.
                             Chú Út ngần ngừ, song Bé nói khéo nên cuối cùng chú cũng chịu. Để ăn chắc, chú cho Bé chụp thử trước.
                             Bữa Bé đi “chộp tang chứng phạm tội” như lời chú Út nói vui, cả nhóm đòi cùng đi, nhưng Bé chỉ nhận hai bạn thôi. Phải bảo đảm bí mật chứ! Vì nóng lòng, ba cậu đến hơi sớm, phải chờ có dễ đến nửa giờ. Chú Út dặn: phải chọn cái “phông” sao cho nhìn ảnh là người ta biết đúng là chốn công viên này. Bé chụp luôn hai kiểu. Lúc con chó đang chui trở vào trong cổng, Bé làm thêm một “pô” nữa.
                             Nhìn một trong ba tấm ảnh, được in cỡ 9 x 12, chú Út ôm bụng cười ha hả. Con chó đang oằn mình và cái vật đang trườn ra dưới cái đuôi ngỏng lên của nó.
                             - Thật là một bức ảnh có một không hai trên thế giới: - Chú tuyên bố- Phải đem trưng bày trong cuộc họp tổ dân phố. À không, phải triển lãm ở phường, rồi lên trên nữa, chủ đề “giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường”. Dưới bức ảnh đề “Ai là ông chủ yêu của con chó quí hoá này?”.
                             Ông nội can:
                             - Đừng làm mất mặt người ta. Để bà tổ trưởng nhân dân đến nhà nói cho họ nghe ra. Có quá quắt lắm mới làm to chuyện.
                             Sau vụ này, Bé và các bạn càng gắn bó với nhóm môi trường. Các em biết là muốn làm cho tốt chẳng dễ chút nào. Ngay ở nhà Bé, các ngày lễ, tết, bà nội và mẹ đốt hàng tập dày đồ vàng mã khói um lên. Rõ ràng làm ô nhiễm môi trường không chỉ riêng nhà mình. Bé biết làm thế nào! Ông nội “ủng hộ” Bé nhưng chính ông cũng chưa thuyết phục được bà. Biết vậy. Còn nhiều việc khác để làm và có thể làm được. Chẳng hạn, khu phố đang có phong trào “cây xanh cho các đường và ngõ phố”. Để giữ cho cây trồng xuống phát triển tốt tươi, không bị xâm phạm, bà con có phần trông cậy vào nhóm môi trường của Bé. Vất vả đấy! Nhưng mà đến khi nào các cây xanh lớn lên trùm mát lối phố thì thật là thích. Nếu lại gọi được chim về, dẫu chỉ mới là những chú chim sâu, chích choè, thì hay biết mấy.
                       
                      Tháng tư - 2002
                       
                       
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.05.2009 12:18:26 bởi Khải Nguyên HT >
                      #11
                        Chuyển nhanh đến:

                        Thống kê hiện tại

                        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                        Kiểu:
                        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9