ĐỨC KHIÊM TỐN
huydungpro 10.02.2009 21:53:20 (permalink)
                             ĐỨC  KHIÊM  TỐN                                                   
                                       (TIỂU   LUẬN)
 
     Trên 1 tờ lịch trong mấy ngày đầu năm Kỷ Sửu này vô tình đọc được câu “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại (ngạn ngữ Cổ Hy Lạp)”. Bỗng nhớ lại trước Tết này tôi đọc được trong bài của Thái Doãn Hiểu, nhà lý luận phê bình thơ, có nhận xét sắc sảo mà đại ý là người thật sự giỏi thơ thì rất khiêm tốn, người có chút tiếng tăm về thơ thì hay vỗ ngưc hoặc xem trời bằng vung, thậm chí lục bát tạm sạch lỗi chỉ mới dăm bài đã, như ai nói, liền gọi Nguyễn Du bằng anh ngay !.      
      Tôi thích thú hai chuyện trên và rất nhiều câu chuyện tương tự, vì một đời tôi coi vấn đề này rất quan trong, Bởi vậy tôi xin được trích mấy ý chính từ bài tiểu luận ‘Khiêm Tốn’ tôi đăng từ 5-12-1997 (NXBTHtpHCM):
                                                      ***
Nhìn nhận một con người có chân chính hay không, có trải rèn luyện từ gốc-tâm hồn hay không, có thể căn cứ một điểm, người đó có đức khiêm tốn hay không. Nó tựa như một trong các tiêu chí đầu tiên vậy. Nghe vậy có người không đồng ý hoặc trong lòng giật mình thon thót. Vì sao?
 
Thói thường con người ta rất dễ đánh giá sai thành tích và thành công của bản thân mình. Người được ca ngợi nhiều thành tích, nhiều tác phẩm, xét ra thành công đích thực cũng chỉ là một góc nhỏ nhoi, nếu thao thao khoe khoang bất tuyệt thì tránh sao khỏi lố bịch. Không những lố bịch mà còn mắc cái thông bệnh Chủ Quan, trầm trọng bậc nhất về góc độ ngộ nhận: tự cho mình là cần thiết nhất, không thể gì thay thế được! Trong khi ở đời, đến như các bậc vĩ nhân cũng chỉ dám nghĩ mình ‘có thể có ích’ cho người mà thôi, chẳng phải là ‘nhu thiết’ - cần thiết đến không thể ai thay thế! Câu vừa rồi, chúng ta nghe thấy quá đúng và đương nhiên nữa, nhưng là câu từ 4 thế ki trước CN - của Trang Tử (-370 đến -298) tóm lược cả một quan điểm triết học trong phần nói về cái đạo trị nước, ở thiên ‘ứng đế vương’(Nam Hoa Kinh, Nội thiên). Càng thông thái, thì càng hiểu  sâu hơn về tầm vóc của nhân dân, xã hội và lịch sử.
Dễ chịu thay khi sống chung, làm việc, giao tiếp với người khiêm từ, nhã nhặn thực lòng. Người sống khiêm tốn có sức cuốn hút, thật dễ gần. Dễ gần, dễ chia sẻ, dễ mến, từ đó dễ cộng tác.
Đẹp thay những con người nhượng từ, tự khiêm. Ở họ có cái gì thật cao sang do sự tường tận lẽ đời, đạt tới đức khiêm tốn, đạo khiêm cung (cung kính, tôn trọng).
Tất nhiên không thể lộn sòng vào chỗ này những
kiểu cách khách sáo đầu lưỡi và bề ngoài, những
kiểu cách lễ nghi nhún nhường giả dối trong khi bụng dạ tự kiêu ngất trời (“một ‘khiêm tốn’ [giả] - bằng bốn tự kiêu”).
Khiêm tốn là chân thành tự đáy lòng với sự lượng giá trung thực, đặc biệt nghiêm túc đối với bản thân, mắt không bị loá bởi màn hoả mù tự huyễn hoặc, mình tự lừa dối mình, theo hướng huyễn ngã thói thường. Như vậy họ có thể tự hào có lẽ sống của bề sâu tâm hồn. Có thể bị nhiều thiệt thòi, họ có sá chi. Nhưng đời rất công bằng, tuy có thể công bằng đến muộn, ‘hữu xạ tự nhiên hương’, thực tài người hiền rồi người đời đều sẽ thấy và trân trọng:
“Để mình ra sau, mình lại đứng trước.
“Bỏ mình ra ngoài, mình lại vẫn còn” (Lão Tử)
Còn người kiêu căng, thật khó chịu thay khi phải sống chung, làm việc, giao tiếp với họ. Người đời, ai cũng chê cười những kẻ sống tự cao tự đại thành hợm hĩnh, hãnh tiến. Mà đâu có kéo dài mãi thế được. Cũng là kiểu sống ‘ăn xổi ở thì’ mà thôi. Tâm hồn nếu như thế thì quả là nông cạn hời hợt, và đáng thương nữa vì cái lõi bên trong méo mó-rúm ró, vô sắc-‘tối thui’ và cô độc. Còn đáng thương vì thường xuyên tự trách than và hối tiếc quá nhiều: những người tự mãn dương dương tự đắc, huênh hoang ấy hẳn phải tự mình xấu hổ với mình lắm khi dám thầm liếc nhìn vào bên trong bản thân mình đã nhận rõ thực chất còn yếu kém về các mặt chính trực, công bằng, thành tín, kiên tâm, cần cù, dũng khí, kiến thức và cả về mặt chất phác dễ mến nữa mà họ chẳng tài nào có nổi.
Kiêu ngạo là cố tật nguy hiểm nhất trong các cố tật của con người, làm cho tâm hồn không còn cơ hội triển nở. Bạch Vân Cư Sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm răn :
“Làm người chớ thấy tài mà cậy
“Có nhọn bao nhiêu lại có tù”
    (Bạch Vân Quốc Ngữ thi tập, bài số 11)
“Có thuở được thời mèo đuổi chuột,
“Đến khi thất thế kiến tha bò”
 (Bạch Vân Quốc Ngữ thi tập, bài số 81)
Sách cổ Ấn Độ Panchatantra (đã dẫn ở trên) viết:
“Ai vì kiêu ngạo không tôn trọng mọi người,
kể từ người lớn, kẻ vừa và bé,
thì dù có được vua yêu, cũng sẽ thất bại”
Có thể lẫn lộn chăng, một bên là đức khiêm tốn-
đạo khiêm cung, với bên khác là tự ti, tự hạ, vô bản sắc, vô cá tính, dựa dẫm ba phải? Không thể. Chúng ta đương nhiên phân biệt rành mạch được, khác nào phân biệt giữa nước trong và nước đục. Sự thiếu cá tính, thiếu bản lãnh, tầm thường, kém cỏi, nhạt nhẽo mờ nhạt ấy đều phần nào do ít rèn luyện học tập, không tiến bộ được. Ngày nay, để phát huy hết tài năng, ‘con người MỚI’ chống tự ti, rất cần tự tin, tự tôn-tự trọng, điều này không hề trái ngược với đức khiêm tốn. Ngược lại càng tự trọng với bản thân thì càng hiểu lẽ khiêm cung với người khác, luôn xử sự thật biết điều.
Cũng không thể lẫn lộn về một dạng mất khiêm tốn gốc từ ‘tự ti mà lại hiếu danh’. Một số ‘kẻ sĩ’ thời hiện đại suốt đời luôn sống trong tâm lí sợ người ta không thấy giá trị của mình, lo không ai biết chức vị, bằng cấp mình, luôn đụng chạm với người xung quanh bằng cái tự phụ của mình, đòi hỏi những phong tặng cao hơn sự đóng góp thực, xúc tiến ‘đời’ viết quá sớm cho mình những bài ‘chân dung’ – nghe tựa hồ thể loại văn tế sống –, hoặc đúc tượng ‘sớm’ cho mình – nom mượng tượng ngôi sinh từ xây cho ‘đại gia’! –. 
Bởi vậy cho nên khiêm nhường không những được coi là một phẩm đức lớn mà còn là nền tảng của đạo đức, là cả một đạo lí. Với Lão Tử, khiêm tốn được khái quát lên thành cái ĐẠO của con người thông minh, cái đạo không thể thiếu trong xử thế. Chính bản thân Khổng Tử khi trẻ, một lần gặp Lão Tử xin lời ‘chỉ giaó’, đã cảm động tiếp thu sâu sắc cái đạo khiêm tốn trong Lão học. Theo Lão Tử,
        “Kiêu Ngạo, ham muốn, nộ khí, ý nghĩ lệch lạc quá nhiều, chỉ có hại mà thôi”;
  “Người càng mạnh càng cần khiêm nhường,
    càng cần ‘lòng trống như vực sâu’”.
Từ đạo khiêm tốn ngẫm tự thuở ấy, Khổng Phu Tử đã đạt tới nhân cách hoàn mỹ với ôn hoà, cung kính, nhân nhượng, thẳng thắn … Người nhận định: “Bệnh lớn nhất của cuộc đời là kiêu ngạo- kẻ cầm đầu của ‘chúng ác’, trong khi khiêm tốn là cái nền của ‘chúng thiện’” Những lời bình sau đây từ thuở đó là ‘xưa’ nhưng không hề ‘cổ’, nghe sao mà hợp ‘thời sự ’ hiện nay đến vậy: “Thích khoe khoang; dù hiểu biết nửa vời cũng   ham hố đàm luận; tất cả đều thuộc về tính kiêu ngạo, thật khó tiến bộ”
Được hiểu khiêm tốn thuộc cả một phạm trù đạo làm người như trên, nên chi những năm 1970, lúc chúng tôi công tác ở Âu châu, nghe sự thuyết giảng chính thống rằng “khiêm tốn là tính xấu của hạng thấp hèn” thì mặc dù chúng tôi hiểu rất rõ và thông cảm do nguồn gốc nào mà hình thành một tà thuyết như thế, nhưng quả thực nền văn hoá sâu sắc lâu đời của phương Đông không khỏi thương hại cho sự bất cập tư duy này.
Khiêm tốn là tự đáy tâm hồn. Cho nên trong nội dung ‘Luyện từ gốc-tâm hồn’ luyện từ bên trong mà chúng ta đang bàn ắt là không được bỏ sót ‘luyện khiêm tốn’. Có luyện khiêm tốn, một đức khiêm tốn thực sự chân thành từ gốc tâm hồn, thì mới mong đạt tâm hồn cao đẹp để làm Người. Còn các kiểu ‘dạy’ ki xảo bề ngoài ví dụ dạy rằng “lúc nào cũng như lúc nào, .. trên khuôn mặt phải như có cái mặt nạ” (Ramond de Saint Laurent, sách ‘Học cách…thành công’,NXB Trẻ, 10/2000 tr 63) thì thử  hỏi làm sao bén tới khiêm tốn đích thực của lẽ làm Người đặng!
                                         HUY DUNG
     (Gs.Ts.Bs, BV Chợ Rẫy,Trường&BV ĐHYD,Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.02.2009 22:25:32 bởi huydungpro >
#1
    Huyền Băng 05.03.2009 05:10:38 (permalink)
    Cám ơn chú Huy Dung đã viết bài này, chuyện thì nghe xưa mà chẳng xưa chút nào!
     
    Có thể chẳng ích gì có những kẻ đã đẩm thấm cái tính kiêu ngạo, nhưng là bài học cho những người trẻ cầu tiến, cố vươn mình lên thóat khỏi cái tôi để ngày càng lợi ích cho mình cho gia đình và xã hội.
     
    Huyền Băng
    #2
      phimanh 28.05.2011 04:06:40 (permalink)
      Đức khiêm tốn là một đức hạnh không làm khổ mình, khổ người, luôn mang niềm vui hạnh phúc đến cho chính mình và mọi người, giúp tâm hồn luôn thanh thản an vui và vô sự.


      Đức khiêm tốn thường thể hiện qua từng hành động, lời nói và suy nghĩ không khoe khoang hay nói:
      • Những gì mình biết, mình giỏi (nấu ăn giỏi, chuyên môn, …)
      • Những gì mình có (của cải, sự giàu sang từ cái nhà, chiếc xe, quần áo model nhất, thức ăn ngon, vật dụng điện tử mới nhất, cho tới những vật dụng nhỏ nhất trong nhà)
      • Những gì mình đã đạt được, đã làm được (đã học xong bằng tiến sĩ, vừa mới ráp được một hệ thống chống trộm,…)
      • Những gì mình hiểu (lời dạy của Phật, của Chúa, của vị nào đó, của ai đó,…)
      • Về những bằng cấp, chứng chỉ, bằng khen, huy chương,…
      • Về những việc làm tốt, việc làm từ thiện, những việc giúp người, giúp thú vật, giúp thành phố bằng cách bỏ thời gian, công sức, trí tuệ, tiền của, vật chất hay những lời khuyên,…
      • Về những quan hệ của mình với những người có danh, có thế lực, nổi tiếng, giàu sang hay có đức trọng,…
      • Về cái đẹp, cái thông minh, sự giàu sang, sự hiểu biết hay học thức, cái tài, gia đình, dòng họ, dân tộc, đất nước của mình.
      • Không thổi phồng hoặc tự đánh giá cao về mình. 

      Ngoài ra những người khiêm tốn còn
      • Không tham gia vào những trò thi đấu hơn thua, tranh tài.
      • Không tham gia vào những nơi đông đúc, ồn náo mà chỉ thích sống một mình, trầm lặng tư duy về cuộc sống thiện ác để tránh xa điều ác, tăng trưởng điều thiện.
      • Tránh xa những người giàu có, có thế lực, có uy quyền, …
      • Làm việc gì cũng không cần ai khen, chỉ biết làm tốt, làm cho xong việc và rất cẩn thận.
      • Làm theo ý kiến, yêu cầu, đề nghị của người khác để người vui, mình vui. Không bao giờ làm theo ý mình, cho ý mình là hay là đúng nhất,…
      • Luôn thưa hỏi người khác trước khi làm việc gì mà không tự ý làm theo ý của mình.
      • Ai nói gì, khen hay chê, nói tốt hay xấu, nói về người khác thì người khiêm tốn đều im lặng không bình luận đúng sai, phải trái.
      • Không nhiều chuyện phân tích chuyện của người, chuyện đời, chuyện kinh tế, chính trị của xã hội,…
      • Không tự nói lên ý kiến của mình mà chỉ trả lời những gì người khác hỏi.
      • Ăn mặc giản dị, gọn gàng sạch sẽ.
      • Sống đơn giản, không cầu kỳ, khoe trương ta cũng có thứ này thứ nọ như mọi người, không chạy theo vật chất thế gian, không chạy theo cách sống của người khác. Họ sống rất thiểu dục tri túc, không ăn xài phung phí, biết suy nghĩ tính toán, tư duy kỹ trước khi làm điều gì.
      • Biết lắng nghe người khác, không chú trọng “cái tôi”, mà biết quan tâm đến vấn đề của người khác.
      • Luôn không ngừng học hỏi những cái hay của mọi người xung quanh, chứ không bó chặt vào những gì mình biết.
      • Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người.
      • Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người dù là một em bé, người nhỏ tuổi, người nghèo hèn, người hầu, người không quen biết, phụ nữ, người tàn tật, người tội phạm, người bị xã hội ruồng bỏ.
      • Luôn nhường nhịn, nhún nhường người khác như nhường cho người khác làm trước, nói trước, đứng trước, nằm trước, ăn trước, nghỉ trước, ngồi trước, nói chung là nhường quyền ưu tiên cho người khác kể cả nhường giải thưởng, vị trí cao nhất, chức vụ cao, quyền hành, bổng lộc cho người. Nhường nhịn những gì ngon nhất, đẹp nhất, hay nhất, tốt nhất, tiện nhất, phù hợp nhất,… cho người.
      • Luôn mong mọi người chỉ lỗi cho, chỉ chỗ sai, chỉ cái xấu của mình để sửa đổi thành tốt hơn.
      • Luôn tự đánh giá về những gì mình làm là chưa hoàn hảo, chưa toàn diện, chưa đủ, chưa chất lượng, chưa tốt. Do vậy mà luôn muốn lắng nghe mọi người góp ý kiến sửa đổi để tốt hơn.
      • Khi thưa hỏi thì dùng danh từ lịch sự như “Kính thưa,…”
      • Không so sánh mình với bất kỳ ai, hơn kém hay bằng người.
      • Người khiêm tốn sống để phục vụ người, mang lợi ích đến cho người chứ không phải mong rằng sống để người khác phục vụ mình hay nhớ ơn mình.
      • Người khiêm tốn luôn sống ly dục ly ác pháp, vì nếu không biết sống ly dục thì sẽ bị ác pháp chi phối, ác pháp chi phối thì tâm tham sân si mạn nghi đều đầy đủ và lộ ra ngoài.
      • Khiêm tốn thừa nhận sự thiếu khiêm tốn của mình. 

      Tóm lại khiêm tốn là một đức hạnh diệt ngã xả tâm, giúp cho tâm hồn thanh thản an lạc và vô sự, người khiêm tốn
      • Không khoe khoang,
      • Không đề cao bản thân,
      • Không cần tạo ấn tượng với ai,
      • Không tỏ ra mình hơn người khác,
      • Không cần lôi kéo sự chú ý của ai về mình,
      • Không bao giờ tự mãn về những điều mình có, mình đạt được hay mình biết, mà luôn mở lòng học hỏi, trau dồi từng lời nói, hành động, suy nghĩ và từng cử chỉ nhỏ nhặt.
      • Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người.
      • Luôn biết nhún nhường chứ không tranh dành.
      • Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người. 

      Lòng khiêm tốn dễ đưa mọi người đến gần nhau, làm lan tỏa mối thân thiện giữa môi trường làm việc cũng như trong quan hệ bằng hữu, tình yêu, giao tiếp, ngoại giao,….

      (trích từ blog Nghệ Thuật Sống)

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.05.2011 04:58:28 bởi phimanh >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9