Ct.Ly
-
Số bài
:
23631
-
Điểm thưởng
:
0
|
RE: Ngày lễ tình yêu (Valentine’s Day)
-
13.02.2009 05:46:34
Đàn ông yêu đàn bà bằng gì? YÊU BẰNG MŨI? Trong số báo “Ngày Nay Houston” của người Trương Trọng Trác mới đây, tác giả Nguyễn Ngọc Bảo có bài bàn về “yêu” mang tựa đề bên trên. Bài hay. Tác giả ra công vinh danh cái hơi hướm nơi người đàn bà và dõng dạc khẳng định rằng: “Chúng tôi yêu các bà bằng mũi!!!” Ông Bảo viện dẫn từ những câu Quan Họ như: “Cô kia có áo mới may, xin cho tôi mượn vài ngày lấy hơi.” (Xin có tí ý kiến: áo mới may thì không thể có hơi của nàng được, nếu có ắt là của... ông thợ may thôi. Cẩn thận kẻo bé cái nhầm thì nguy!) Miền Nam cũng thế: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng; Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.” Tới Tự Đức thì: “Xếp tàn y lại để cầm hơi.” Đến Thúc Sinh cứ tưởng Kiều chết, bao đêm trăn trở nhớ nhung để: “Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa.” Và gần hơn cả là câu thơ bất hủ của Quang Dũng: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới; Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm.”Nhớ cái hương gái Hà Thành (ngày xưa thôi!) mà khi ngóng qua biên giới mắt chàng cứ trợn dọc như người lên kinh phong thế kia thì kể là ghê thật, cái hơi hướm của người đàn bà quả là đáng nể thật! Người viết đọc xong rất là tán đồng với tác giả, kể cả việc ông khéo léo khuyên một số chị em “... rằng mỗi phụ nữ có một hơi hướm tự nhiên, nhưng mức độ quyến rũ của những thứ hơi này lắm khi khác nhau một cách khá phũ phàng. Ấy thế nhưng các chị đừng lo, ngành công kỹ nghệ mỹ phẩm đã bổ túc những khuyết điểm Tạo hoá lỡ mắc phải khi tạo nên con người các chị. Các chị còn chần chừ gì nữa? Hãy ghé shopping nhanh nhanh lên...” Tán đồng là vì trong nghề viết của chúng tôi, chúng tôi cũng đã lắm phen... hít hà bày tỏ những điều tương tự. Cứ thử tưởng tượng mùa đông ở đây lạnh lùng là thế, những ngày nghỉ ngồi nhìn qua cửa sổ, nghe gió rét vi vu thổi trên những cành Lê cành Đào trơ xương, nhìn bầu trời ảm đạm và vầng thái dương thì như một con mắt mù lòa, còn ảo giác nào đẹp hơn khi lời cầu nguyện củamột nhạc sĩ: “... Ôi có phép lạ nào, cho tự nhiên trời, mùa đông rực sáng, về đây tà áo còn thơm mùi nắng...” trở thành sự thật. Trời ơi, một người đẹp Gia Long của một ngày xưa nào đó chẳng hạn, hiện đến với mình mà từ tóc tới chân đều thơm một mùi nắng Sài Gòn... Nhưng việc tán đồng vụ cái mũi vẫn có một giới hạn, và chắc quý bạn đọc cũng đồng ý với người viết như thế. Cứ thử tưởng tượng một người đẹp... thơm ơi là thơm, được mai mối cho một người đàn ông tuyệt nhiên không bị bệnh nặng tai, và câu đầu tiên nàng thủ thỉ vào tai chàng sẽ như thế này: “Reâ xu ma... tìm ra cái quán chỗ anh hẹn này thật naø rêm rả hết cả tứ chi, cứ như bị quân rữ nó rằn ấy thôi!” Giọng oanh như thế có mà không nhảy chàng vẫn cứ tưng lên khỏi mặt ghế chư chơi! Người viết, vì đó, lại hơi tin rằng đa phần cánh đàn ông nếu được tuyên bố, sẽ nói: “Không, chúng tôi yêu các bà bằng tai cơ!” YÊU BẰNG TAI? Thưa vâng, chẳng có lớp nhạc vỡ lòng nào trên thế giới từ cổ chí kim mà các môn sinh lại không từng nghe giảng câu châm ngôn này: “Có Âm Nhạc Trước Tất Cả Mọi Sự!” Thủa hồng hoang đã có gió thổi trên cây, nước chảy trong khe... Rồi bên cái khe nào đó có cây táo mọc trong vườn địa đàng. Cứ thử hỏi lúc bị con rắn rù quến, bà E-và nhà ta mà cọc cằn như nhà mụ Tú Bà thì làm sao xúi nổi ông A-dong dám muốn to ngang bằng Chúa đến nỗi liều nuốt quả táo để mắc kẹt nơi họng? Ôi tiếng nói ấy phải bùi tai lắm, phải ngọt như mật và thấm thía như đường phèn mới tạo ra được nông nỗi... ở truồng cả đám và bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Vừa nhắc đến Tú Bà thì người viết làm sao tránh khỏi liên tưởng đến Kiều, đến anh chàng Kim Trọng! Lúc sơ ngộ, Kim Trọng nào có sử dụng chi đến cái mũi. Rõ ràng là chàng đã sử dụng cái tai. Để thử xem giọng nàng tốt xấu ra sao, chàng bèn “Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường.” Thơ Trọng hay đến nỗi vừa trao cho Kiều xem, nàng đã phải buột miệng khen rằng: “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.” Ơ hay, bộ người ta huỗn lắm sao mà phóng thơ ra để chỉ nhận được một lời khen công thức! Kiều vốn thông minh, lại “pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm” thì nhất định là nàng đã lấy giọng ngâm ngay bài này. Vâng, người viết nói không sợ ngoa ngôn, có số bách phân rất cao là Kim Trọng đã đi vào mê lộ của Kiều bằng ngã này, ngã lỗ tai. Francis Lais đã mở đầu tình ca nổi tiếng của ông, “Love Story,” bằng câu “With the first hello...” có lẽ vì ông cũng là một người... yêu bằng lỗ tai. Thử tưởng tượng chữ “hello” ngắn ngủi ấy được người đẹp nói ra mà không tạo nổi một chấn động âm thanh lớn trong lòng nhạc sĩ, biết đâu ông đã không tắt ngấm ngay ở trường canh thứ 2 và trần gian đã không có được bài hát hay như vậy. Vâng, chúng tôi yêu quí nương vì cái giọng nói sang, êm, lôi cuốn, phát âm chỉnh và có sức mạnh đến nỗi khi quí nương ngâm thơ thi sĩ phải thức đêm đến bơ phờ mà làm thêm thơ, khi hát nhạc sĩ phải xin nghỉ sở ở nhà mà sáng tác thêm nhạc, và khi đọc truyện thì nhà văn chỉ có nước thác vì lỡ bỏ bút từ lâu, và việc viết trở lại không bao giờ là một việc dễ dàng. Nói tóm lại, đám đàn ông phần lớn yêu người đàn bà vì cái giọng trước tiên, nhất là giọng ấy, nói một cách thậm xưng, có sức lôi cuốn làm cho “kiến đang dưới lỗ phải bò ngay lên.” Giong ấy không thể là “giọng chuông vàng thủ đô.” Người đàn ông yêu người đàn bà bằng cái tai mà giọng nàng lại dội như cái chuông thì bố ai mà chịu thấu. Người viết không hiểu nổi hồi xưa ai xúi dại các bà Kim Chung Kim Chưởng để đi lấy cái câu “Tiếng chuông vàng thủ đô” mà quảng cáo cho đoàn hát của họ. Ngày ở Sài Gòn thời tiền 75 cái băng đánh chén thường xuyên của người viết gồm Nguyễn Vương, Anh Việt Thu, và anh Hưởng (giám đốc đoàn Kim Chung). Đã có lần người viết hỏi anh câu này anh đã bí rị. Nhảm thật. Hỏi thử đời này mấy ai dám đem lòng yêu một người đàn bà có giọng nói vang như tiếng chuông. Đinh tai nhức óc lắm nếu nói về sự chấn động, còn nói về tinh thần thì tiếng chuông chùa chỉ làm người ta nghĩ đến chuyện... diệt dục, và tiếng chuông thánh đường chỉ khiến người ta cố làm sao để nếu không trở thành “em hiền như ma soeur” được, thì ít ra cũng phải hiền như một... mon frère. Người viết lần đầu tiên được người lớn dẫn đi coi tuồng “Lan và Điệp” ở Hà Nội năm 1953. Khi cảnh Lan cắt đứt dây chuông đoạn tình với Điệp, xin thú thật chú lỏi tôi thời ấy đã... hực lên mà khóc. Sau vào Nam, khôn lớn dần, có lúc nghĩ lại và tự hỏi tại sao hồi ấy mình khóc. Câu tự trả lời là: Thương anh Điệp dại khờ quá. Gõ cửa không gõ, cứ giật chuông chùa thì cái dục (nếu còn sót lại) ở Lan chắc chắn đã bị turned off và nàng cắt đứt luôn dây chuông cho đỡ bực mình là phải. Hồi còn sống dưới miền Nam California người viết từng lâm những cơn hãi hùng. Ở dưới đó có một đài trong vùng mà cô em xướng ngôn có giọng nói không ai đoán nổi cô vốn sinh đẻ ở miền nào của đất nước. Chỉ biết mỗi điều ông chủ đài và cô xướng ngôn đều có vẻ hơi coi thường thính giả. Vâng, quý vị đã bao giờ vượt biên bằng ngả Bạc Liêu chưa? Cuối năm 80 từ tỉnh lỵ Bạc Liêu đi ra quận duyên hải Vĩnh Châu chỉ có một con lộ duy nhất trải đá, không phải đá vụn, đá sỏi hay đá cuội nhỏ đâu, nó là loại đá núi, tảng nào tảng nấy to như cái ấm tích nước. Mỗi ngày từ Bạc Liêu chạy ra Vĩnh Châu chỉ có một chuyến xe chở hành khách duy nhất (bằng một chiếc GMC ngày cũ), thế mà cánh vượt biên dám liều mạng đánh đường này. Thật là kinh khủng. Đoạn đường đã nhồi họ như những cầu thủ bóng rổ nhồi quả bóng. Xuống tới Vĩnh Châu già trẻ đều như gãy hết xương sống. Giờ quý vị hãy tưởng tượng phải nghe một giọng phụ nữ đọc một đoạn thơ sau đây bằng cái giọng không hiểu là nam, bắc, hay trung, và tất cả mọi dấu hỏi đều được thay bằng dấu ngã: Anh hõi rằng em mấy tuỗi rồi, Em rằng còn trẽ lắm anh ơi; Chồng em thì chữa, vâng em chữa, Nhưng đám con em đã bẫy rồi... Em ỡ nơi này tưỡng đã lâu, Anh nào đễ ý đến em đâu. Người chi giờ hõi vô duyên nhĩ! Mập đấy, còn đâu được bễ bầu... Đại khái thế. Nghe một giọng oanh vàng gồ ghề khấp khểnh đến như vậy mà làm truyền thông thì thật là cỡi xe GMC trên đoạn đường đá tảng Bạc Liêu—Vĩnh Châu e đau lưng cũng đến thế là cùng. Nhưng giọng sang, êm, phát âm chỉnh, lôi cuốn... coi vậy mà vẫn có thể chưa đủ. Chữ nghĩa còn phải giàu và phải tao nhã nữa mới được. Cứ thử tưởng tượng cô em đi chơi lần đầu với chàng, mua sắm nhiều, rồi khi trở ra xe, thấy chàng loại “vai năm tấc rộng lưng mười thước cao,” người đẹp chìa cái giỏ đựng đầy trái cây, nói như rót mật vào tai chàng: “Anh ơi, anh đô con phát khiếp thế kia, anh cầm giùm em cái đồ này được không” là muốn hỏng kiểu đến nơi rồi. Ấy là chưa kể sau đó cả hai kéo nhau vào tiệm ăn, thấy chàng cứ ngồi thừ người ra mà nhìn mình, nàng gắp bỏ vào bát chàng thức ăn, rồi dịu dàng bảo: “Anh ăn cái cục thịt này đi, nó hầm với cái quỷ sứ gì mà ngon tàn nhẫn!” KẾT LẠI Đến đây đọc lại từ đầu người viết có hơi giật mình và tự thấy không nên lan man thêm, vì cứ lan man kiểu này sợ rồi cánh viết lách không lâu nữa đều sẽ trở thành những bác sĩ tai mũi họng hết. Vả lại, càng nghĩ, càng thấy cánh đàn ông yêu đàn bà còn nhiều trường phái lắm chứ chẳng riêng gì trường phái tai mũi họng. Xem, nhà thơ Đinh Hùng nếu còn tại thế mà đọc bài này có thể ông cũng cao hứng viết ngay một bài “Tôi Yêu Đàn Bà Bằng Tay” vì thơ ông có câu “Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc” (Tóc thì để vuốt mà lẽ tất nhiên vuốt thì phải bằng tay); hoặc giả ông Lý Bạch cũng thế, còn sống dám ông cũng viết một bài “Tôi Yêu Đàn Bà Bằng Mắt” vì ông đã có thơ tán tụng Dương Quý Phi rằng “Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung” (Nhìn y phục mà nghĩ đến mây, nhìn nhan sắc mà nghĩ đến hoa); hoặc ngay kẻ viết bài này, tư nhiên giật mình tự hỏi không rõ mình từng yêu đàn bà theo trường phái nào, khi mà năm mười bảy tuổi, trong một lần... hoảng hốt đã làm một bài thơ có ý tạ lỗi trong có câu “Nếm nước mắt em thấy tình mằn mặn...” Vậy thì thôi vậy, xin tự xếp đề tài trên vào ngăn kéo của những vấn đề bất khả tranh luận. HÀ THÚC SINH
|