NƠI LƯU DẤU NGƯỜI XƯA (chuỗi bút kí)
Khải Nguyên HT 15.02.2009 21:34:33 (permalink)
Nơi lưu dấu người xưa


 
      Ở nước ta ngày nay, tham quan-du lịch (trong nước) thường không tách rời lễ bái. Chẳng phải vì đền chùa miếu mạo thường gắn với thắng cảnh. Đúng là kiến trúc (tôn giáo) làm đẹp thêm cảnh và cảnh có hạng tôn thêm không khí linh thiêng, nhưng ở nhiều nước viếng cảnh không đi đôi với hành hương, trừ những dịp lễ hội. Có lẽ tuỳ dân trí chăng?
    Chúng tôi đến đền Kiếp Bạc vào một buổi sáng nắng đẹp, không oi. May, không là những ngày hội. Tôi không thích đến vào những ngày hội như hay gặp hiện nay. Cái ồn ào, náo nhiệt, xô bồ làm tổn hại cái linh thiêng. Mùi khói nhang không át được "mùi dịch vụ". Có lẽ đây chỉ là ý nghĩ của một anh gàn hoặc không thức thời.
    Ảnh cổng đền Kiếp Bạc trong sách giáo khoa tiểu học còn ghi dấu trong trí nhớ của tôi. Nhưng tôi không sao hình dung có những gì đằng sau bức tường cổng đền hoành tráng, uy nghi - có lẽ là độc nhất vô nhị trong số các cổng đền chùa ở Việt Nam. Nhớ một lần đã lâu, một anh bạn - một nhà sáng tác kịch bản và nghiên cứu chèo đã có tiếng tăm, phàn nàn: "Người ta buộc trâu ngay trong sân đền Kiếp Bạc!". Bây giờ đang cao trào phục hồi lễ hội và cầu cúng chắc là chẳng đền, chùa, đình, miếu nào vị bỏ quên.
    Đền Kiếp Bạc hiện ra trước mắt tôi đẹp hơn cái mà tôi hằng tưởng tượng. Tôi đã nghiệm thấy rằng trước khi đến tham quan nơi nào đó mà trí tưởng tượng quá tô lên thì thường ít nhiều thất vọng; đôi khi lẩn thẩn nghĩ: giá đừng xem tận mắt có khi giữ được ấn tượng hay hơn, kể cả một số điểm du lịch nổi tiếng của một nước láng giềng. Hiếm có ngôi đền nào ở ta có được dáng dấp và khung cảnh khang trang, bề thế như đền Kiếp Bạc. Sân đền rộng rãi, có cây cổ thụ. Ngoài đền, phía trước và hai bên, có nhiều đất trống, giá ở gần đô thị thì khó mà "yên", nếu không với những ông, bà "cai quản chuyện nhà đất" thì cũng với những ông, bà quan chức hoặc dân "tháo vát". Mặt bằng ấy thuận tiện cho lễ hội. Rất tiếc quanh đền đã không được qui hoạch thành vườn cây và vườn hoa để tôn thêm cảnh quan; không phải nơi nào cũng có điều kiện như ở đây. Những "công trình" mới thêm vào là những gian nhà xây thấp nhỏ trong sân đền dọc tường, chắc làm nơi bán hàng vào dịp lễ hội, nghĩa là để nặng thêm mùi "dịch vụ". Một người Anh gốc Hoa lai Việt, lấy vợ Việt, ra đi từ những ngày nước ta bị o ép nặng nề ở biên giới phía Bắc và phía tây - nam, thường đến nghỉ ở nhà riêng tậu ở ngoại thành Hải Phòng, nhận xét khi đi dạo trong sân đền: "Cộng sản vô thần nên bỏ bê những nơi thờ phụng như thế này" (Anh ta từng có lúc là đảng viên cộng sản Việt Nam). Thật ra, ở Việt Nam lúc này, điều đáng trách nơi các đền chùa chẳng phải là sự bỏ bê về mặt thờ phụng mà là sự sao nhãng về mặt du lịch. Điểm khác, lễ hội hơi nhiều, có phần rộ và lan tràn hơn thời còn chìm đắm trong xã hội tiểu nông xưa, phí phạm về thời gian, tiền của và công sức; trong sự phục hồi "vốn cổ" có nhuốm màu hủ tục.
    Đền Kiếp Bạc tọa lạc trên phần đất trang ấp xưa của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, một địa thế tuyệt đẹp. Phía sau, bên phải, bên trái là núi, xưa kia chắc kín rừng, nay là núi trọc nhưng đã lác đác bóng thông. Trước mặt là sông; trên sông ấy, một bãi cát nổi lên hình thanh kiếm, tương truyền đó là thanh kiếm của vương sau ba lần phá giặc xâm lược phương bắc đã đem ngâm sông để rửa sạch máu thù. Chọn nơi này về trí sĩ, vì danh tướng hàng đầu thế giới cổ kim quả có tâm hồn một nhà thơ và một nhà hiền triết.
    Đền đang được tu bổ lại. Chẳng công trình nào trên đất Việt Nam này là không chịu sự tàn phá của thời gian và chiến tranh. Riêng đền Kiếp Bạc trong cuộc kháng chiến chín năm của dân ta, giặc Pháp đã cướp đi hàng trăm đồ thờ bằng vàng và gần chục cái chuông đồng. Chiến lợi phẩm chiến tranh ư? Không! Đó là ăn cướp, xâm phạm tín ngưỡng, xâm phạm di sản lịch sử và văn hoá của một dân tộc. Nước Pháp có trách nhiệm chăng tìm hoàn lại những thứ ấy? và các thứ khác ở các nơi khác?
    Không phải ngày hội vẫn có khách hành hương, không đông, nhưng không lúc nào ngớt. Gọi là "hành hương" đúng hơn nói "tham quan", bởi vừa chân ướt chân ráo tới nơi người ta xăm xăm đi lễ đã. Đồ lễ thì sắm sanh từ nhà rất chu tất. Đoàn chúng tôi cũng vậy. Mấy bà kháo nhau: đến nơi nhờ các "tổ dịch vụ" sửa lễ thì bao giờ cũng bị "chém đẹp", nhất là những chốn như đền bà Chúa Kho. Vậy mà không tránh khỏi bị quấy rầy. Vừa xuống xe trước đền, đã bị vây bởi những người chào mời mua hương, vàng giấy,…, thậm chí có người còn giơ ra một ống đầy những thẻ tre nài khách bói lộc, bói duyên. Một người đàn bà chẳng gầy chút nào rao bán những đồng tiền đồng mỏng dính dập theo mẫu những đồng tiền cũ cho người ta dùng gieo quẻ. Lẩn mẩn nghĩ: có lẽ đây là một trong nguyên nhân mất trộm từ những mẩu dây điện bằng đồng trở đi, những đồng tiền kia khó mà "thiêng" được! Trước bàn thờ bên trái toà hạ điện, một người đàn bà béo tốt, tuổi hòm hòm, vóc to mặc quần xanh xám, áo đỏ đứng trên chiếc chiếu hoa trải trên nền nhà, tay múa may, người lắc lư, nói xưng xưng: "(Ta là) con gái họ Đỗ đã băm bảy năm làm tôi con cửa thánh họ Trần… Hễ ai có mặt tại đây hãy quì xuống!…".Có dăm phụ nữ, già có, trẻ có, sụp xuống xuýt xoa khấn khứa. Một bà từng cầm triện tại một "cơ quan chữ nghĩa" vào loại có tiếng ở địa phương nọ cũng ghé vào quì xuống vái, chợt thấy tôi đứng xem, vội đứng lên lỉnh đi không quên ban cho tôi một nụ cười giải hiềm. Những trò mê tín, dị đoan hầu như được tháo khoán từ nhiều năm nay, gần như được khích lệ (!), - điều khó mà tự hào với người nước ngoài đang càng ngày càng nhiều trên đất nước này. Dân "mê" đáng trách; dân buôn thần, bán thánh đáng trị; còn các nhà chức trách thì đáng gì? Xin mạn phép cụ Đồ Chiểu nhại mấy câu thơ của cụ: "Hỏi ông
chức trách rày đâu vắng? Nỡ để dân "mê" mắc nạn này!"
      Cũng có những con người đáng thương nhiều hơn đáng trách. Những em bé ôm một xấp vàng giấy và tiền "âm phủ" lẵng nhẵng theo khách nài nỉ. Tội hơn, mấy bé lên núi nhặt quả thông bán với cái giá một trăm đồng ba quả mà chẳng ai nhòm tới, có chăng là mấy cái máy ảnh và camera của du khách nước ngoài. Chẳng qua do nghèo! Có đâu nên thơ như trong truyện "Lẳng quả thông" của Pa-u-tốp-xki!
    *  *  *

      Côn Sơn cách Kiếp Bạc hơn mười ki-lô-mét đường đồi khuất khúc. Đường xấu ngay từ thị trấn Sao Đỏ rẽ vào. Dường như ở xứ mình thói ăn xổi, kiếm chác tủn mủn khó gột. Gặt hái thứ gì cũng chỉ muốn hớt ngọn, ít chịu chăm chút từ gốc.
    Lần thứ hai tôi đến Côn Sơn. Năm 1980, trong dịp kỉ niệm sáu trăm năm sinh Nguyễn Trãi, đi từ Hải Phòng phải qua bến Bình, đã ngỡ là bến Bình - than, nhiều người nói, hoá ra là "bến Bình… than!". Đợi qua sông hơn một tiếng đồng hồ. Một anh bạn ứng tác mấy câu thơ rất chi "có lập trường, quan điểm": "Bến Bình… than đợi phà/ ức Trai ở bên ta". Bây giờ đường tốt hơn nhiều, có cả một đoạn gần mười ki-lô-mét đường cao tốc từ Tiền Trung đến gần cầu Phú Lương mới rẽ. Bến Bình đã có cầu, chững chạc, duyên dáng vắt ngang qua sông Kinh Thầy. Chẳng biết những người bán vé phà, thường thu tiền mà không trao vé, và những người bán hàng quán hai bên bến nay làm ăn ở những nơi đâu. Những chiếc cầu nối những bờ xa, rút ngắn khoảng cách thời gian, không "gợi chút niềm thân mật" (Tràng giang - Huy Cận) mà gợi chút niềm hoài cổ. Chỉ với những lứa tuổi nào đó trở lên thôi. Mai đây, những cái tên Tam-soa, Bình, Ghép, Bến Thuỷ, …, rồi Gianh, cả Mĩ Thuận nữa chẳng gợi gì nhiều, kể cả khi đã có những trang văn, chẳng hạn như của Hồ Dzếnh nhớ về bến Ghép.
    "Trước đây, tôi vẫn thường nghĩ về Côn Sơn như là một nơi thâm sơn cùng cốc vắng dấu chân người. Rồi cây cối um tùm, chim kêu vượn hót; rồi đường núi khuất khúc bên những dòng suối đêm ngày thầm thĩ với gió ngàn; rồi không khí huyền bí và cổ kính, … Khung cảnh giả tưởng đó rõ ràng là không thích hợp, và chắc hẳn người xưa không mong ở đời sau một sự tưởng niệm kiểu ấy. Tuy nhiên, cần giữ và tạo một khung cảnh đáp ứng hơn nữa sự chờ đợi của khách viếng thăm, xứng đáng một di tích lịch sử và thắng cảnh được biết tiếng khắp nước và cả ở nước ngoài. Biết bao người đứng trầm ngâm bên dòng suối Thạch Bàn vào mùa khô hạn rồi trao đổi khẽ với nhau, ước ao rằng đến một lúc nào đó bên bờ suối trúc lại mọc đầy, và rừng cây lại phủ kín những sườn và đỉnh núi, để cho con suối cũ nhờ nước mạch mà quanh năm có thể dạo bản đàn "Lưu thuỷ" tự thuở ức Trai "Côn Sơn có suối rì rầm/Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai". Biết bao người ngẩn ngơ bên gốc thông già chỉ còn lưu dấu vết. Những vạt thông hiện tại thưa thoáng quá, lẻ loi quá, lại kém vẻ cổ thụ. Nào đâu cái nền của tứ thơ "Lâm tuyền ai rặng già làm khách?". Trên đây là những dòng tôi đã ghi lại lần đến Côn Sơn trước. (1)
    Côn Sơn giờ đã khác nhiều, từ quang cảnh cho đến không khí,   - còn khó gợi không khí hoài niệm hơn cách nay gần hai chục năm. Không thể không ghi nhận những việc tôn tạo: nhà cửa, tường bao, đường lên núi, cây cối, bia, … Trước đây thường phải mầy mò, bây giờ đã có các biển chỉ đường, các bảng tên di tích, một số ghi chú vắn tắt. Trên các sườn núi thông đã dầy lên, tuy chưa phải "Trong ghềnh thông mọc như nêm". Suối đã có nước. Tuy vậy đã vào mùa mưa mà nước cũng chỉ róc rách, chứ chưa được "rì rầm". Có lẽ rừng cây che phủ núi chưa đủ rậm chăng? Tôi tìm hoài mà không gặp trúc. Câu thơ Nguyễn Trãi: "Trong rừng có bóng trúc râm". Bốn bạn thiên nhiên trong Côn Sơn ca vẫn còn thiếu một. Một liên tưởng không mấy thú vị: Vì mến một câu thơ về chiếc lá đa rơi, lần trước tôi chưa kịp nhìn thấy cây đa đã phải lên xe vì trời sắp tối, lần này tôi quyết hỏi cho ra. Khốn thay! "Ở đây làm gì có đa! Họ phịa ra đấy". Phịa ra ư? Nghệ thuật có quyền và cần phải hư cấu, hư cấu như thật, hơn thật. Nhưng với một địa danh thực, lại là địa danh lịch sử mà mỗi dáng núi, mỗi hình đá, mỗi tên cây đều gợi nhớ thời xưa thì có nên vì một vần gieo mà "phịa" không? Dẫu tôn trọng hư cấu nghệ thuật thì cũng khó tránh cái cảm giác khó chịu về một sự dối trá, một sự báng bổ, báng bổ nơi lưu dấu người xưa, báng bổ lòng ngưỡng vọng của bao người.
    Thật bất ngờ, trong rừng thông mọc rất nhiều sim; đến mùa chắc là tím những màu hoa. Tôi gặp hai cô gái nhỏ đang bó những thân cây con cháy sém. Hỏi ra mới biết có những "du khách"chơi bời sao đó đã gây lửa bén. May mà… tôi rùng mình. Nếu lửa kịp bắt vào các cây thông thì sao! Việc chăm nom, bảo vệ nơi đây ra sao nhỉ? Những tấm bia đá tại các nơi Thạch Bàn, Thanh Hư động, nền nhà cũ của Nguyễn Trãi ghi các bài thơ, bài kí của Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Trần Nghệ Tông, Nguyễn Mộng Tuân dựng chưa bao lâu mà mặt khắc chữ đã bị vật cứng rạch nhăng nhít khắp cả. Riêng bài "Thanh hư động bi minh" Trần Nghệ Tông làm tặng Trần Nguyên Đán, ông ngoại Nguyễn Trãi, được viết bằng sơn trên tôn ốp mặt sau một tấm bia thì bị vạch sứt mẻ nham nhở không sao còn có thể đọc được. Cùng cảm tưởng "bị bỏ bễ" khi thăm "vườn thực vật Côn Sơn". Thấy nói vườn này do học sinh một trường phổ thông trung học ở thủ đô mang tên tác giả đại cáo bình Ngô xây dựng nên. Nom vườn tàn tạ, hoang phế. Các cháu học sinh ở xa vậy khó mà chăm sóc thường xuyên được. Các cháu đã có lòng và có công, sao địa phương không hỗ trợ? Có thể tổ chức cho một trường địa phương gần đấy kết nghĩa với trường Nguyễn Trãi nói trên để cùng lo chung được chăng? Hoặc giả mời một tổ phụ lão địa phương đỡ đầu; các cụ sẽ kết hợp trồng các cây thuốc, chẳng hạn?
    Nếu như bên Kiếp Bạc chỉ đứng nơi đất phẳng của đền cũng có thể thâu tóm được một vùng địa thế thì ở Côn Sơn phải trèo lên cao mới bao quát được cảnh trí vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Mới vượt chân núi sau chùa Côn Sơn dăm chục mét đã thấy hồ trước mặt, núi thấp hai bên vòng chếch ra phía trước như hai tay ngai, một cánh đồng mở ra, và rặng núi xa án ngữ. Muốn hưởng trọn vẹn cảnh sắc Côn Sơn thì phải dẻo chân leo lên đỉnh núi Kì Lân. Khá mệt đấy nhưng không dốc bằng Yên Tử và không xa bằng Hương Tích. Năm xưa, tôi đã ghi lại những dòng này: "Đứng trên đỉnh núi Kì Lân, ta tận mắt nhìn thấy sông Lục-đầu, một tên sông từng khêu gợi, ám ảnh trí tưởng tượng trẻ thơ của ta những giờ học địa lí và lịch sử. Sáu đầu sông đang trải ra trước mắt ta kia về phía  tây - bắc. Nơi đó, mùa hè năm 43, tướng giặc Mã Viện từng bị quân Hai Bà Trưng vây đánh kịch liệt suýt đại bại, may nhờ đạo quân Tây Thục sang tiếp viện kịp thời. Nơi đó, năm 1076, là một đầu mối của chiến tuyến sông Cầu nổi tiếng của Lí Thường Kiệt, cùng với trại thuỷ quân Vạn Xuân, chặn bước tiến của quân Tống xâm lăng, buộc Quách Quì phải giảng hoà rút quân về nước. Nơi đó gắn liền với bến nước Bình-than, chỗ họp hội nghị chính trị - quân sự tối cao thời Sát Thát; với Dược Sơn, kho thuốc sống (sinh dược) tại chỗ của quân đội nhà Trần; với chiến địa Vạn Kiếp đánh bồi quân Mông - Nguyên xâm lược năm 1285 đang rút chạy, khiến Tổng - nguyên - suý Thoát Hoan phải chui ống đồng trốn về bên kia cửa ải; với đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Xa xa, phía đông - bắc là dãy núi Yên Tử, chốn tu hành bí ẩn của ông vua anh hùng Trần Nhân Tông, một chiến khu thời tiền khởi nghĩa năm 1945, một căn cứ luyện binh và dụng binh thời kháng Pháp và thời chống Mĩ cứu nước. Côn Sơn với núi Kì Lân, núi Ngũ-nhạc cùng dãy Yên Tử nhìn xuống trấn ngự một trong ba đường tiến quân cướp nước xưa kia của bọn phong kiến Trung Quốc. Phía nam và đông - nam là hệ thống sông Thái Bình, cùng với hệ thống sông Lục-đầu, bao quanh vùng Côn Sơn và nối liền với vùng đông - bắc của Tổ quốc, một cửa ngõ nhòm ngó của "thiên triều" mọi loại, với những cái tên Bạch Đằng, Vân Đồn lừng lẫy sáng mãi trong lịch sử và sống mãi trong tâm trí muôn đời sau. Đứng trên đỉnh núi, ta còn thấy được sự tổng hoà của dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Còn đây những chùa miếu cũ, những tên đất lâu đời; còn đây núi đồi nhấp nhô, sông lạch uốn lượn;… Sông núi vẫn là sông núi xưa còn lưu lại chiến tích oanh liệt của nhiều thế hệ và dường như còn phảng phất các anh hồn quá khứ. Cảnh trí không còn mang vẻ hoang sơ thời trước. Bốn bề bát ngát đồng ruộng, đan xen những con đường mới mở hoặc mới đắp. Thị trấn Sao Đỏ đã mọc lên. Nhà máy nhiệt điện Phả Lại vươn cao ống khói. Đó đây, những khu nhà cao tầng chen vào bức tranh cố hữu của đồng nội và núi rừng; những cột điện cao thế rải dài. Đổi thay thật ra chưa nhiều; hơi hướng văn minh hiện đại còn quá khiêm tốn. Dù thế nào lịch sử vẫn phải tiếp nối và đi tới; non nước phải được bảo tồn và khởi sắc". (2)
    Đỉnh núi Kì - lân bằng phẳng đủ rộng cho hàng trăm người cùng lúc thưởng ngoạn. Giá cắm trại vào đêm trăng vằng vặc thì lòng có thể phơi phới lên tiên. Ở đấy, có bàn cờ tiên. Năm 1991, người ta xây lên một thứ ki-ốt ngoại cỡ trống bốn mặt, hai tầng mái ngói. Chẳng lẽ để cho các vị tiên yên tâm đánh cờ vì thời nay tiên cũng đã trở nên dễ cảm mạo không còn quen dãi dầu phong sương, mưa nắng? Nhưng còn bàn cờ đâu nữa, con rùa đội tấm bia ngự mất rồi!
    Đọc trong bài kí của Nguyễn Phi Khanh ca ngợi động Thanh-hư của nhạc phụ Trần Nguyên Đán: "Hoa dọc suối, cỏ ven rừng, màu biếc sắc hồng phấp phới; bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem, …, tiếng suối tuôn reo, xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt tâm hồn người ta…" (viết năm 1384). Cảnh tình ấy, ngày nay khó gợi ra với khách viếng thăm. Người ta đến, lễ và dạo qua phong cảnh, leo núi, ăn uống rồi về. Nếu lưu lại thì cũng chìm trong không khí ồn ào, nếu không lễ hội thì cắm trại. Mấy ai tha thẩn thưởng ngoạn và nghĩ suy. Chẳng có nơi và lúc để "nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu, tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng", nói chi nghe được "cha ông thuở trước ca hát mừng non nước hôm nay"! Thời thế khác có những cách tưởng niệm khác cùng những mối quan tâm khác. Câu chuyện đã một thời khơi gợi nhiều và sáng như một giai thoại đẹp: Hồ Chủ-tịch về thăm Côn Sơn nghỉ trong chùa ăn bữa cơm đạm bạc mang theo, cơm nắm với dưa và cá kho, trên một chiếc mâm gỗ mộc mạc và cũ kĩ, bây giờ ít được nhắc tới. Chuyện chưa đủ cũ để trở thành cổ tích, nhưng đủ cũ để không "hợp thời", để "phôi pha" trong không ít người!

     Có ai đã một lần được ngồi một mình trong không gian tĩnh lặng dưới bóng cây đại mà có lẽ thân cành từng vương tiếng giảng bài thâm trầm, lời bình văn sang sảng của người thầy lỗi lạc gần sáu thế kỉ trước cho tâm hồn lắng lại để thông linh tâm trạng người xưa: 
                                "
Bui một tấm lòng ưu ái cũ
                                "Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông"?

 
Hải Phòng, 6 - 1997


------------------
(
1) và (2) trong bài "Thăm dấu tích anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi" đăng trên báo Người giáo viên nhân dân số ra ngày 10/5/1980 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2009 11:15:44 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9