Trầm cảm là gì?
HongYen 08.03.2005 16:06:24 (permalink)
TRẦM CẢM



Bác sĩ Nguyễn văn Đích



Kỳ này, mời quí độc giả đọc bài viết của Bác sĩ Nguyễn Văn Đích về bệnh tâm thần trầm cảm, còn gọi là bệnh buồn sầu hay buồn chán (depression).

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức



Trong chương trình phát thanh “Sức Khỏe” hàng tuần, chúng tôi đã đề cập đến những đề tài như cao áp huyết, tiểu đường, viêm gan, khám ngừa ung thư. Hôm nay chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác của đời sống cũng rất quan trọng và phổ biến mà chúng ta nhiều khi còn chưa chú ý đầy đủ, đó là sức khoẻ và bệnh về tinh thần.



Thưa quý vị, mỗi ngày khi người Mỹ hay Âu châu gặp nhau, họ đều hỏi, “Hôm nay ông/bà làm sao?” Ta dịch là, “Ông/ Bà có khoẻ không?” Chữ “khoẻ” của ta thiên về cơ thể, chữ “làm sao?” của Âu Mỹ có tính chất toàn thể, hỏi về nhận định của người được hỏi về tình trạng chung của người đó.



Người hỏi muốn bày tỏ quan tâm giữa người và người; câu hỏi đã trở thành tục lệ trong giao tế, được lặp đi lặp lại, trở thành thông lệ, và người được hỏi cũng trả lời theo thông lệ: “Tôi cảm thấy tốt, còn ông/bà thì sao?” Tuy ai cũng hỏi và trả lời giống nhau nhưng nghe cách trả lời, người hỏi đánh giá được tình trạng tâm lý của người được hỏi và ước đoán thái độ của người đó.



Hàng ngày, nếu chúng ta không đăng ký và trả tiền để ngăn chặn sự quảng cáo bằng điện thoại thì chúng ta có thể nhận đuợc nhiiều cú điện thoại không mong muốn của những người không quen biết đường đột gọi đến để mời chào dụ dỗ chúng ta mua hàng, đi du lịch giá rẻ, v.v.. Họ bao giờ cũng bắt đầu bằng cách hỏi thăm dò, “Hôm nay ông/bà thế nào?” Tùy theo cách chúng ta trả lời, nếu chúng ta nói tôi cảm thấy tốt, khỏe, thì họ sẽ tiến tới, nói liên tục, mồi chài đủ thứ; nếu chúng ta nói không cảm thấy tốt, họ sẽ rút lui ngay, hẹn lại một ngày khác thuận tiện hơn.



Tôi đưa ra hai thí dụ trên để đi vào một vấn đề quan trọng trong đời sống hàng ngày, đó là cảm nhận của mỗi người về bản thân mình và hệ quả của nó trong quan hệ với người khác.



Cảm nhận về bản thân, cũng giống như áp huyết, đường trong máu, mỡ trong máu, luôn luôn thay đổi, nhưng với đa số mọi người, sự thay đổi ở trong một giới hạn gọi là “bình thường”, phù hợp với đời sống bình thường. Ở một số người, cảm nhận về bản thân thấp hơn bình thường, gọi là trầm cảm.



Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một tình trạng bệnh lý mà người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn bã chán nản, thấy cuộc sống vô nghĩa, không có hứng thú, không thiết sống, không có hy vọng, họ mất tự tin, cảm thấy mình thấp kém và bất lực.

Trầm cảm là bệnh khá phổ biến, nhiều khi bị bỏ sót, không được chẩn đoán ra. Ước tính có 17 triệu người Mỹ bị trầm cảm, con số này cũng bằng số người bị tiểu đường. Trầm cảm xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. Phụ nữ hay bị trầm cảm hơn nam giới. Ít nhất 10% những người đi khám bệnh ngoại trú bị trầm cảm, ngay cả một nửa số người mang bệnh cơ thể cũng có những nét trầm cảm.

Trầm cảm biểu lộ như thế nào?

Người bị trầm cảm thường có vẻ khiêm tốn, ít hoạt động, nói nhỏ và chậm, ngồi yên, thụ động, nhìn xuống. Hội Tâm thần Hoa kỳ kiệt kê những triệu chứng của trầm cảm như sau:

- hàng ngày buồn bã, đặc biệt vào buổi sáng,

- không còn thích thú trong những công việc mà họ vốn ưa thích,

- giảm hoặc tăng cân nặng,

- khó ngủ hoặc ngược lại, ngủ nhiều,

- chậm chạp, hoặc ngược lại dễ bị kích thích, dễ gắt gỏng nóng giận,

- mệt mỏi, ngay từ buổi sáng,

- cảm thấy không có giá trị hoặc có mặc cảm tội lỗi,

- không tập trung suy nghĩ được hoặc không quyết định được,

- nghĩ đến sự chết hoặc có ý định tự tử.

Có những mức độ nặng nhẹ khác nhau, có người chỉ mệt mỏi chậm chạp, làm việc kém hiệu năng, có người chỉ ở nhà, không giao dịch với ai, khóc một mình, không ăn không ngủ được, gầy ốm suy kiệt, có người muốn tự tử, tìm cách tự tử, có người tự tử chết.

Chẩn đoán

Như đã nói, trầm cảm là một bệnh có biểu lộ tinh thần nên không có xét nghiệm nào cho thấy trầm cảm. Chẩn đoán dựa vào thăm khám tinh thần qua tiếp xúc giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Tiêu chuẩn để chẩn đoán là thời gian kéo dài của triệu chứng (trên 2 tuần) và ảnh hưởng của các thay đổi tinh thần trên đời sống của người bệnh, nghĩa là hậu quả đối với bản thân và quan hệ xã hội.

- hậu quả đối với bản thân: người bệnh không ăn ngủ được bình thường, bị gầy ốm, giảm thể lực và sự minh mẫn, không tập trung suy nghĩ được do đó học hành và làm việc kém, không thăng tiến được;

- hậu quả trong quan hệ: gia đình không vui vẻ, mất hạnh phúc, không yên tâm làm ăn, con cái không được dạy dỗ tốt, giảm ý chí cầu tiến;

- hậu quả trong việc làm: chậm chạp, kém năng suất, thiếu sáng kiến, mất ngày công lao động, không hòa hợp với người cùng làm, cãi cọ, gây sự, kiện tụng, giận dỗi.

Tuy không có xét nghiệm để xác định trầm cảm, bác sĩ bao giờ cũng làm xét nghiệm để loại bỏ các bệnh cơ thể có thể cho triệu chứng giống trầm cảm như thiếu máu, tiểu đường, bệnh của tuyến giáp trạng.

Điều trị

Tuy có nhiều hậu quả nặng nề, trầm cảm lại là bệnh có thể chữa được. Nếu được điều trị, người bị trầm cảm sẽ trở lại vui vẻ, hết than đau những bệnh không giải thích được bằng một nguyên nhân thể xác. Sự điều trị có thể thay đổi hẳn con người trầm cảm, làm cho họ vui vẻ yêu đời, sống có ý nghĩa và có ích lợi cho bản thân và mọi người.

Có nhiều loại thuốc chữa trầm cảm:

- các thuốc mới (SSRI), làm tăng chất serotonin, là một chất cần trong sự dẫn truyền các tín hiệu thần kinh trong não bộ, thuốc rất hữu hiệu, ít tác dụng phụ;

- các chất chống trầm cảm cũ thuộc nhóm tricyclic antidepressants (TCA), tác động trên nhiều chất trung gian hóa học trong sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh, cũng hữu hiệu nhưng có nhiều tác dụng phụ, ít còn được dùng;

- các thuốc ức chế monoamine oxidase (MAO), dùng trong những trường hợp đặc biệt;

- các thuốc ổn định thái độ tự cảm (mood stabilizing) như tegretol, valproic axid, lithium và các thuốc chống loạn thần mới như olanzapine, risperidone dùng trong trường hợp trầm cảm trong rối loạn luỡng cực (bipolar disorders).

Điều trị tâm lý (psychotherapy) cũng có kết quả nhưng chậm, khi cần có thể kết hợp sau khi đã bắt đầu điều trị bằng thuốc.

Các điều đáng chú ý là:

- các thuốc chữa trầm cảm đều có thể có một ít tác dụng phụ, nên cần bắt đầu bằng liều nhỏ rồi tăng dần, cần chọn thuốc phù hợp với từng người,

- thuốc không có tác dụng ngay, trong tuần lễ đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy dễ ngủ, sau 3 tuần mới dần dần thấy khoẻ hơn, bớt buồn chán, dễ chấp nhận các khó khăn thử thách hơn, bệnh nhân nhiều khi không nhận thấy sự khác biệt, chỉ có người chung quanh nhận thấy, do đó, bệnh nhân không biết lợi ích của thuốc,

- bệnh nhân cần điều trị lâu dài, ít nhất 6 tháng, nhiều khi lâu hơn nữa vì bệnh dễ bị tái phát nếu ngưng thuốc.



Tóm lại, trầm cảm là:

- bệnh phổ biến, có hậu quả rõ rệt đối với bệnh nhân, gia đình và xã hội,

- là bệnh chữa được, kết quả của việc trị liệu rất khích lệ,

- người ta thường có thành kiến, cho tâm thần là một bệnh xấu nên không chấp nhận, tìm cách lẩn tránh, không chấp nhận bệnh,

- nhiều khi không được nhận biết, bị bỏ sót, nhầm lẫn với các bệnh cơ thể khác khiến đi tìm và chữa các bệnh cơ thể không có hiệu quả,

- bệnh nhân không hợp tác với điều trị, vì người bị trầm cảm thụ động, không tìm đến điều trị, thuốc lại có tác dụng phụ, không có tác dụng ngay lập tức, và phải uống thuốc liên tục trong nhiều tháng hay nhiều năm.

Kết luận

Ta cần lưu ý đến khía cạnh tinh thần của đời sống, giữ gìn sức khoẻ tinh thần, vốn rất quan tọng. Phải gạt bỏ thành kiến vốn cản trở sự hành động và tiến bộ, phải tổ chức để khuyến khích, duy trì sự điều trị trầm cảm.



Mô hình gia đình cổ truyền của Việt Nam là một cơ cấu tốt, nâng đỡ nhau giảm bớt trầm cảm nhất là đối với người lớn tuổi. Trong xã hội Mỹ, có các nhóm hỗ trợ và các hội chuyên nghiệp (như Hội Tâm thần Quốc gia - National Mental Health Association - và National Alliance for the Mentally Ill), có mục đích giáo dục quần chúng và nâng đỡ những người có vấn đề về tinh thần.

Bác sĩ Nguyễn văn Đích

Atlanta, Georgia

Oct. 24, 2004

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9