Những Cơn Gió Thoảng
BanHien 20.02.2009 17:25:59 (permalink)




Khi thấy hai người cùng họ, cùng cả chữ lót thứ ba, và tên gọi rất gần gũi với nhau Hòang tưởng Nguyệt và Nga là hai chị em. Một hôm, khi dẫn xe ra cổng trường vào giờ chơi, thấy Nguyệt và Nga đi chung với nhau Hòang hỏi:
-    Hai em là chị em ruột hả?
Nguyệt cười lớn:
-    Không, nhưng thầy mới chỉ hỏi tụi em là chị em ruột thôi. Có vị còn tưởng tụi em là chị em sinh đôi nữa vì hai đứa em cùng ngày sanh.
Nga tiếp luôn:
-    Hai đứa em chẳng những không phải là chị em mà chẳng bà con họ hàng gì hết. Quê em ở Vĩnh Long trong khi quê Nguyệt ở Trảng Bàng.
Hòang cười, nói bâng quơ:
-    Lạ ha, thôi thầy phải đi qua trường khác cho kịp. Lúc nào sẽ hỏi hai em sao lại có sự trùng hợp hi hữu vậy.
Hòang chẳng hiểu sao mình lại thắc mắc lảng xẹt như vậy. Hòang nghĩ mấy cô học trò láu cá này thấy Hòang mới về nên chọc cho vui. Thế nào chúng cũng có liên hệ gì đó với nhau chứ sao lại giống nhau và thân thiết với nhau như thế.
Hôm sau, muốm tìm ra sự thật, Hòang vào văn phòng hỏi cô thư ký học vụ:
-    Cô cho tôi mượn hồ sơ lớp đệ Tam A2 một chút.
Cô thư ký đứng bên cạnh trong lúc Hòang lật hồ sơ xem. Cầm hai tờ khai sinh của Nguyệt và Nga, Hòang hỏi cô thư ký:
-    Cô thấy có lạ không, hai đứa giống nhau, cùng họ, gần như là cùng tên, cùng ngày, tháng, năm sinh mà chẳng liên hệ gì với nhau hết. Hôm qua chúng nó nói nhưng tôi không tin. Học trò đời này mà, nhưng bây giờ tin rồi.
Lúc đó cô thư ký mới để ý:
-    Ừ há! Sao thầy mới về mà để ý chuyện này. Tôi đây có bao giờ để ý đến chúng nó đâu. Mà thầy biết không, hai đứa tụi nó như sam vậy.
Hòang trả chồng hồ sơ lại cho cô thư ký, cám ơn cô và sang phòng giáo sư ngồi đợi đến giờ lên lớp. Lại một lần nữa Hòang không hiểu tại sao Hòang để ý đến chuyện này.
Tuần sau đó, trong lúc đưa tay ra dấu cho cả lớp ngồi xuống, Hòang thấy Nguyệt ra hiệu cho Nga điều gì nhưng Nga lắc đầu. Hòang bắt đầu hai giờ liên tiếp như thường lệ. Đây là lần thứ tư Hòang có giờ ở lớp này.
Một hồi chuông reo, Hòang dặn dò thêm vài điều cho tuần sau rồi xách cặp đi ra. Cả lớp đứng dậy, Hòang bước ra khỏi cửa nhưng Nguyệt ra theo:
-    Thưa thầy …
Hòang đứng lại hỏi:
-    Em muốn hỏi chuyện gì?
-    Không, tại sao thầy không tin tụi em?
Thì ra cô thư ký chắc đã nói gì với Nguyệt và Nga. Cũng có thể cô chỉ tò mò muốn hỏi thêm hai đứa. Hòang cười trả lời:
-    Thầy tin chứ nhưng cũng muốn chắc, bây giờ thì tin thật rồi.
Lúc đó Nga cũng đã ra tới nơi. Nga nhìn Hòang có vẻ trách móc. Nhìn thấy đôi mắt của Nga tự nhiên Hòang thấy như hồi còn nhỏ đi chơi đêm bị các bạn chọc: hình như có một luồng điện chạy dọc xương sống của Hòang. Hòang phải chấm dứt câu chuyện:
-    Thầy tin rồi. Thôi thầy phải đi cho kịp.
Thật khổ tâm cho Hòang khi phải chấm bài của Nguyệt và Nga vì cả hai làm bài hầu như giống nhau hòan tòan. Hòang biết, khi bạn bè thân nhau rất dễ giúp nhau trong vấn đề bài vở. Nhưng nếu Hòang đi đến kết luận là “hai em chép bài của nhau” thì có thể độc đóan quá chăng. Để cho công bằng trong lớp, một lần khi trả bài tập cho cả lớp, Hòang bảo:
-    Hai em Nguyệt và Nga vào giờ chơi mang bài vừa trả lên văn phòng gặp tôi.
Nguyệt và Nga có lẽ đóan ra chuyện gì nên khi lên văn phòng gặp Hòang, Nga đã nói ngay:
-    Chắc thầy nghi chúng em chép bài nhau chứ gì? Chúng em có học chung và bàn luận chung nhưng sau ai về nhà nấy làm bài.
-    Thế thì cũng như chép bài của nhau, vì các em còn giữ giấy nháp.
Rồi Hòang trấn an:
-    Nhưng thôi, các em học chung như là học nhóm cũng tốt thôi. Có điều là phải nhớ bài chứ đừng ỷ vào nhau để các bạn khác phải thua thiệt.
Hòang chỉ nói vậy vì thấy cũng không cần thiết khi Nguyệt và Nga, cả hai hầu như thông minh như nhau. Giá mà một giỏi và một yếu thì Hòang có thể quyết đóan ngay. Hòang quyết định đợi bài thi lục cá nguyệt hoặc coi lại học bạ những năm trước của Nguyệt và Nga. Thấy ngại lại phải giải thích này nọ với cô thư ký, nên Hòang không coi học bạ nữa mà đợi bài thi lục cá nguyệt.
Thường mỗi tháng Hòang chỉ ra bài kiểm tra một lần là cùng. Như vậy cũng phải chấm ngót 400 bài đó là chưa kể hơn 200 bài ở trường khác. Thường Hòang cho bài tập về nhà làm rồi mỗi lần lên lớp Hòang chỉ gọi chấm chừng 15 bài. Trong khi đó truy bài là có đủ ít nhất hai cột điểm hàng tháng cho mỗi học sinh.
Hòang đã ngạc nhiên đến xửng xốt khi chấm bài thi lục cá nguyệt của Nguyệt và Nga. Tuy ngồi gần nhau nhưng Hòang chắc thầy hoặc cô nào coi thi hôm đó không thể để cho Nguyệt và Nga dễ dàng chép bài của nhau được. Tuy cả hai bài không hòan chỉnh 100% nhưng cũng đủ cho Hòang đặt bút cho 20/20, điểm cao nhất Hòang cho từ trước đến nay sau hơn 4 năm đi dạy. Hòang cũng mang chuyện này ra hội đồng giáo sư họp sau kỳ thi và ngay sau buổi họp cô thư ký đã gặp Hòang:
-    Nghe nói thầy cho hai cô học trò cưng điểm tối đa phải không?
Hòang chưa hề nhìn nhận Nguyệt và Nga là hai học tro “cưng” ngay với chính mình. Tự nhiên cô thư ký hỏi như vậy làm Hòang phải cẩn thận:
-    Sao cô biết tôi có học trò cưng? Tôi chưa “cưng” ai bao giờ thành ra không thể gọi Nguyệt và Nga là học trò cưng của tôi được.
Cô thư ký mỉm cười bí mật:
-    Thầy nói thế thì em tin thầy, cả trường này ai chẳng biết thầy có hai cô học trò cưng.
Chết, Hòang dạy cả thảy 7 lớp ở trường, gần 400 học sinh trong số hơn 2500 học sinh. Hòang mới về trường chưa được nửa niên khóa vậy mà đã bị mang tiếng là có học trò cưng, mà lại là nữ sinh nữa thì có chết không. Cây ngay không sợ chết đứng, Hòang trả lời cô thư ký:
-    Tôi mới về đây chưa đầy nửa năm học. Thầy chưa biết trò, trò chưa biết thầy thì làm sao có học trò cưng với không cưng. Vả lại tôi là người khó tính và rất nguyên tắc thì khó có học trò nào ưa tôi lắm.
Cô thư ký lại mỉm cười:
-    Em nghe vậy thì nói vậy thôi!
Trên đường ra về, Tính đi xe Vespa song song với Hòang. Tính học chung với Hòang thời trung học tại một trường công lớn vùng Gia định. Không ngờ bẵng đi một thời gian hai thằng gặp nhau ở cùng một trường. Tính dạy có 3 lớp vì môn của Tính là môn chính, thêm vào đó vợ Tính là dược sĩ có tiệm thuốc tây nên Tính có vẻ thảnh thơi hơn Hòang.
Hòang và Tính thỉnh thỏang cùng về với nhau. Trên đường về, đôi bạn kể lại cho nhau những chuyện vui trong trường và liên hệ đến những ngày hai thằng cùng ngồi chung lớp thuở nào. Hôm nay, trên đường về, Tính thình lình nói:
-    Tớ thấy cô thư ký cũng được lắm và có vẻ mết cậu đấy. Thôi thì cũng lo liệu là vừa cho anh em chung vui với chứ. Thấy cậu cứ cu ki một mình tội quá.
Không hiểu sao tự nhiên ông bạn qúy hóa lại động vào chuyện vợ con với mình. Hòang hỏi lại:
-    Lại tin đồn ở đâu rồi chứ gì?
-    Chẳng đồn với đại gì hết, cậu mới về ít tuần là tìm cách xáp vào cô thư ký. Hai người chớp đèn với nhau hòai. Cả hôm nay nữa, có chuyện gì mà sau khi họp cậu phải đi báo cáo với cô thư ký ngay vậy?
Thế là chết Hòang rồi, ông bạn biết tính Hòang từ hồi xửa hồi xưa mà bây giờ còn phán như vậy thì nhiều người, nhất là đám học sinh chắc phải đồn đại ghê gớm lắm. Vậy mà Hòang không biết. Hòang muốn tìm hiểu thêm câu chuyện liên quan tới mình:
-    Dĩ nhiên là không có lửa sao có khói. Tớ có tiếp xúc với cô thư ký vài lần nhưng là chuyện khác, liên quan đến công việc, không tình ý gì hết.
Tính cười:
-    Cậu cũng công nhận khói với lửa. Nói cho cậu biết mà mừng, cô ấy là em bạn dì với bà xã tớ đấy. Để chúng tớ làm mai cho, không xẩy đâu.
-    Ấy chết, đừng có mai với xuổng gì hết, tội tớ lắm và tội cho cô ấy lắm.
Tới gần chỗ rẽ, Tính với tay đập vào vai Hòang:
-    Thôi, về đây, suy nghĩ kỹ đi, chúng tớ sẵn sàng giúp.
Hòang tiếp tục trên đường về nhà với bao nhiêu chuyện thắc mắc trong đầu. Hòang nghĩ mãi không ra là mình đã làm gì để mọi người tưởng rằng mình đang có tình ý với Tuyền – cô thư ký học vụ của trường. Hòang tự kiểm điểm và thấy mình chưa hề làm điều gì khiến mọi người phải thêu dệt câu chuyện. Có chăng là đã gặp riêng Tuyền vài lần do công việc chứ hòan tòan không có ý gì khác.



(Còn tiếp)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2009 08:49:18 bởi Ct.Ly >
#1
    BanHien 21.02.2009 08:22:33 (permalink)
    Dắt xe vào nhà, Hòang quăng chiếc cặp lên bàn rồi đi tắm. Những giọt nước mát nhưng thiếu áp suất, chảy chậm chạp qua chiếc vòi hoa sen cũng đủ làm Hòang sảng khóai. Hòang chợt nghĩ đến

    Tuyền. Tuyền khá đẹp và xinh xắn nhất là trong những chiếc áo dài ngắn tà khiến Tuyền trẻ trung hơn nhiều. Những ngày Tuyền mặc áo dài trắng, người ta dễ lẫn Tuyền với học sinh trong

    trường. Hòang chưa để ý tìm hiểu Tuyền nên chẳng biết gì hơn. Nay được biết Tuyền là bà con với Lan – vợ của Tính - nên việc tìm hiểu về Tuyền chắc không có gì là khó, nhất là Tính lại còn

    có ý làm mai cho mình.

    Nhưng đó là nếu Hòang để ý đến Tuyền kìa. Còn không thì hỏi “lý lịch” của Tuyền làm gì để cho thêm nhiều người hiểu lầm. Nhưng không sao, mình cũng qua cái tuổi 25 rồi, chưa để ý đến ai,

    nay có để ý đến Tuyền cũng chẳng sao. Thêm vào đó, vợ chồng Tính muốn làm mai tức là Tuyền chưa có chỗ. Và nếu Tuyền có chỗ rồi cũng chẳng sao, đâu phải cứ làm mai là thành.

    Trong lúc mặc quần áo, Hòang nhẹ húyt sáo và thấy đời tự nhiên vui hơn, đẹp hơn. Hòang chải đầu, nhìn thấy mình trong gương, tuy không bảnh trai nhưng tự tin vì nhìn có vẻ trí thức chứ

    không đến nỗi tệ.

    oOo

    Lấy lý do là ăn thôi nôi đứa con đầu lòng, Tính và Lan đã mời Hòang và Tuyền đến nhà ăn cơm vào một ngày chủ nhật thật đẹp trời. Tính còn cẩn thận nhờ Hòang đến nhà Tuyền đón nàng đi chung.

    Kể ra hơi ngược đường một tý vì Hòang phải đi từ Phú nhuận ngược lên Bàn cờ đón Tuyền rồi mới đến nhà Tính ở Đa kao.

    Bạn nhờ thì chịu vậy, nhất là bạn cố tình tạo cơ hội cho mình gần gũi Tuyền, nên Hòang chuẩn bị tươm tất và không quên xịt một ít nước hoa đàn ông trước khi đi đón Tuyền.

    Gọi là Bàn cờ nhưng nhà Tuyền không đến độ khó kiếm, dù số nhà có đến hai cái “xẹc”. Nhà khá kín cổng cao tường, với hàng song sắt quây kín cả vỉa hè. Hòang đưa tay bấm chuông, có tiếng chó

    sủa và có bàn tay vén tấm màn cửa. Khuôn mặt Tuyền sau khung cửa sổ thật tươi và rạng rỡ. Có lẽ Tuyền cũng đã chuẩn bị sẵn sàng và đang đợi Hòang đến. Tuyền ra mở cổng:

    -    Em đã chuẩn bị xong rồi, sợ thầy phải đợi.

    Những lần nói chuyện với nhau trước đây bao giờ Tuyền cũng xưng tôi và gọi Hòang là thầy. Hôm nay, lần đầu tiên Tuyền xưng em với Hòang tự nhiên Hòang cảm thấy mình già đi vì dù không đứng

    lớp nhưng bề nào Tuyền cũng là một đồng nghiệp. Tuyền tiếp:

    -    Nhưng dù sao cũng mời thầy vào dùng ly nước đã.

    Hòang theo Tuyền vào nhà. Tuyền mời Hòang ngồi ghế rồi vào trong lấy nước. Có lẽ Tuyền chuẩn bị trước nên chỉ chốc lát bưng ra hai ly nước đá chanh muối:

    -    Mời thầy dùng nước chanh muối và xí mụi muối do em làm đấy.

    Hòang cám ơn, cầm chiếc muỗng quậy nhẹ ly nước. Hoàng không biết mở đầu câu chuyện ra sao vì tự nhiên vào thế bí. Đàn ông con trai có cái lạ là khi chuẩn bị tấn công thì hăng lắm. Nhưng khi

    thấy địch thủ êm ru thì sợ, hoặc khi thấy địch thủ tỏ vẻ khác thì đâm ra lúng túng. Hòang mở đầu:

    -    Tính hẹn năm giờ chiều mà bây giờ mới ba giờ, tôi chưa mua gì cho cháu cả, hay là mình đi sớm một tý ghé qua chợ Tân định mua cho cháu cái gì. Chắc phải nhờ Tuyền cố vấn, vì tôi chưa

    mua đồ cho trẻ con bao giờ.

    Tuyền đáp:

    -    Em cũng chưa mua gì hết, tại lười. Định chỉ cho nó bao đỏ rồi mẹ nó muốn mua gì cho nó thì mua. Thầy đợi em một chút rồi mình đi.

    Tuyền vào trong. Hòang nghĩ có lẽ Tuyền vào soi lại khuôn mặt hay tô thêm lớp son trên môi. Sách viết thế chứ Hòang nào biết gì về đàn bà con gái.

    Tuyền từ trong nhà bước ra. Hôm nay Tuyền rất lạ, nàng không mặc áo dài như mọi ngày mà mặc một chiếc quần tây bó xát với áo sơ-mi tay phồng. Trông Tuyền lạ hẳn trong dáng dấp của một thiếu

    nữ Tây phương mà Hòang thường thấy trên báo, hơn là một cô gái Việt nam.

    Tuyền ngồi lên xe của Hòang và cẩn thận sửa lại thế ngồi vài lần. Đợi Tuyền yên vị, Hòang nói:

    -    Cô thấy thế nào, đây là lần đầu tiên tôi đèo một phụ nữ nên không biết là phải ngồi sao cho thỏai mái.

    Tuyền cười:

    -    Thật hả? Đây là lần đầu tiên em ngồi sau xe của một người không phải là người nhà nên cũng không biết ngồi sao cho thỏai mái.

    Mà thật vậy, những năm trước Hòang đi xe Honda. Họa hoằn lắm mới cho cô bạn đồng nghiệp quá giang. Với một tỉnh vùng biển nhỏ bé, Hòang không muốn cả tỉnh coi chuyện Hòang chở cô Thanh đi

    làm là chuyện đương nhiên. Phần Thanh cũng vậy, tuy có cảm tình với Hòang nhưng cũng không muốn Hòang hiểu lầm.

    Đổi về Saigon, Hòang bán chiếc Honda và dùng tiền để dành vài năm đắp vào mua chiếc Vespa. Bây giờ chi phí ăn ở lại chẳng tốn kém bao nhiêu vì tiền nhà và tiền ăn đã được bà chị họ bao cho

    hết, bù lại mỗi tối “cậu coi cháu cho chị vài giờ, nó dốt quá” do đó Hòang chỉ giữ một ít tiền lương còn bao nhiêu gửi về để bố mẹ giữ hộ.

    Kèm cho đứa cháu không khó, chỉ bắt nó ngồi học và sau đó kiểm tra khỏang 15 phút. Hòang nhất định không nhận kèm cho Thọ nhưng người chị nài nỉ mãi nên phải giao hẹn là “em chỉ coi cháu 4

    tối mỗi tuần thôi, nhưng nếu nó cứ yếu quá thì xin chịu kẻo mang tiếng chết”. Kết qủa cũng không đến nỗi tệ, từ đội sổ liên tục Thọ đã bò lên được khỏang 20 rồi nằm lì ở đó. Hòang không lấy

    làm thỏa mãn nhưng bà chị và ông anh rể rất mừng. Thêm vào đó Thọ rất mến Hòang nên nó ở bên nhà Hòang nhiều giờ hơn là ở nhà, ngay cả những lúc Hòang vắng nhà.

    Hòang vào số xe, rời khu Bàn cờ, ra đường Phan Thanh Giản đi về hướng Tân định. Tuyền vẫn còn dè dặt, thỉnh thỏang lại lùi lại phía sau vài mi-li-mét do quán tính đã đưa thân Tuyền về phía

    trước. Hòang rẽ vào đường Hai Bà Trưng, tìm chỗ gửi xe rồi cả hai vào chợ. Tuyền mua cho cháu bộ quần áo và Hòang cuối cùng chọn một món đồ chơi cho con của bạn.

    Đến nhà Tính, sau khi chào hỏi xã giao, Tuyền xuống bếp ngay phụ giúp Lan để Tính và Hòang chơi với đứa bé. Tính mở đầu câu chuyện:

    -    Tuyền hôm nay có vẻ lạ lắm đấy, chắc chịu cậu rồi. Mau để làm cột chèo họ với tớ.

    Rồi Tính chỉ vào đứa bé:

    -    Rồi có con như tớ đây, bận nhưng vui lắm.

    Hòang cười, đáp:

    -    Có gì đâu mà vội, cứ từ từ đã, ông bà bô tớ có cháu rồi nên tớ chẳng vội. Thằng em tớ nó nhanh chân nhanh tay lắm. Vả lại phải tìm hiểu nhau một thời gian đã chứ.

    Trong khi đó, ở dưới bếp, Lan cũng nói một câu tương tự với Tuyền:

    -    Chú, dì và Giang có khỏe không? Còn mày thấy anh Hòang ra sao? Liệu đi chứ kẻo cái già nó tới chạy không kịp.

    Nói tới chuyện này, dù biết là chuyện rất bình thường, nhưng trực tiếp đến mình nên Tuyền suy nghĩ một chút mới trả lời:

    -    Chuyện đâu còn có đó, nếu nó đến là nó đến. Cũng phải từ từ chứ.

    -    Anh Tính biết Hòang từ hồi học đệ thất đến giờ. Tao cũng biết Hòang từ ngày tao với anh Tính biết nhau. Hòang tốt, đứng đắn và đàng hòang lắm. Tụi tao đã nhắm là hết xẩy vả lại cũng

    trời xui đất khiến, vì mấy năm trước anh chàng dạy ở Gò công chứ có ở gần đây đâu. Đùng một cái đổi ngay về Saigon, không như anh Tính nhà tao. Bố tao phải lo mãi tận trên bộ Giáo dục để

    đưa anh ấy từ Long khánh về. Thời buổi này thanh niên đi lính hết, gặp các chàng con một, con độc nhất mà lại có nghề nghiệp vững chắc mà mày còn chần chừ gì nữa.

    Tuyền phá lên cười:

    -    Bà cứ làm nếu không chộp ngay ông bạn qúy hóa của chồng bà thì tôi ế đấy. Thôi bà ơi, cái ông bác sĩ gì đó xin cưới bà, ông ấy cũng có nghề nghiệp, dù là lính nhưng bệnh viện ở ngay

    chân cầu xa lộ mà sao bà lại cứ nhè ông thầy ở Long khánh mà lấy. Để cho tôi yên thân yên phận, trời chỉ đâu đánh đó.

    Các món ăn đã chuẩn bị xong. Đúng lúc đó ông bà Tuân, bố mẹ Lan đến. Mục đích chính của Tính và Lan là để cho Hòang và Tuyền có cơ hội gần gũi nhau nên mang tiếng là làm thôi nôi cho con

    nhưng chẳng mời ai cả ngọai trừ bố mẹ Lan vì cũng để có cơ hội cho ông bà “xem mắt” Hòang vì Lan đã kể cho mẹ nghe hết chuyện và dự định của vợ chồng mình.

    Sáu người ngồi vào bàn ăn, mẹ của Lan nhất định đòi ẵm cháu để cho nó ăn chung. Bố mẹ của Lan thực ra còn trẻ lắm, chưa tới năm chục. Lan là con đầu lòng, nay trở thành con một vì sau Lan

    có một em gái đã mất từ nhỏ và một em trai mới tử trận hơn năm nay. Lan lập gia đình với Tính khi đang học năm thứ tư và sau khi tốt nghiệp ít lâu bố mẹ cấp vốn cho mở ngay nhà thuốc Tây.

    Năm đầu tiên lấy nhau Tính vẫn còn dạy học ở Long khánh và phải đi về gần như là hàng ngày rất vất vả. Bố Lan tuy làm trong ngành y nhưng bạn cũ làm bên bộ Giáo dục khá đông nên ông vận

    động đưa con rể về Saigon không khó lắm.

    Hòang khen Lan làm món ăn ngon, khen tài hướng dẫn lâu năm của mẹ Lan và không quên khen bố Lan và ông bạn thân may mắn có người nội trợ đảm đang trong nhà, mặc dù thừa điều kiện để thuê

    người làm. Trong lúc vui miệng, ông Tuân đã nói chuyện về các món ăn miền Bắc, miền Nam, các món ăn Việt nam. Ông nói do không sống ở miền Trung nên không rành các món ăn miền Trung. Ông

    kết luận với Hòang:

    -    Tóm lại, món ăn ngon cần có gia vị và nước chấm. Trong mâm cơm Việt Nam, chúng ta không thể thiếu chén nước mắm là nước chấm chính yếu. Người miền Bắc pha nước mắm đơn giản hơn người

    miền Nam hoặc không pha gì cả như ông cụ thân sinh của tôi thường nói “pha nó ra thì còn gì là nước mắm”.

    Như nhớ đến chuyện gì, ông tiếp:

    -    Tôi có mấy người bạn hiện ở ngọai quốc, thỉnh thỏang thân nhân phải gửi vài lít nước mắm để ăn dần. Thậm chí có người nghiền nước mắm đòi tự làm lấy rồi chẳng hiểu học được cách làm ở

    đâu, đi mua cá cơm về ướp muối đợi thành mắm. Làm mắm cũng giống như làm rượu, cần có các thùng đặc biệt và cần phải có nhiệt độ thích hợp để cho cái men của rượu, cái men của mắm nó tác

    động.

    Rồi ông cao hứng kể thêm:

    -    Hồi xưa lính Pháp khi mới đến Việt Nam nó không chịu được mùi mắm nhưng sau một thời gian nó còn nghiền hơn mình. Có đứa còn ăn cả mắm tôm, mắm tép, mắm cua, mắm ruốc … còn phân biệt

    rành rõi hơn cả người mình.

    Sau bữa ăn, Lan cũng tổ chức cho con cắt bánh mà Lan đã làm quen được từ những ngày còn học ở Marie Curie. Ông bà Tuân ăn bánh, uống trà qua loa rồi về để cho bọn trẻ tự do. Tuyền phụ dọn

    dẹp với Lan thêm một lúc rồi cũng xin về để cho Tính và Lan nghỉ, nhất là đứa bé đã bị căng thẳng khá lâu.

    Hòang cám ơn vợ chồng Tính, cùng Tuyền ra về. Tính bảo còn sớm và nháy đùa Hòang là phải dẫn Tuyền tới chỗ nào ấm cúng để tâm sự thì tình nó mới đến. Hòang chỉ biết cám ơn bạn đã tận tình

    với mình nhưng trong thâm tâm Hòang thấy cũng cần từ từ chứ vội quá không được.

    Đến khu gần khu Bàn cờ, Hòang hỏi Tuyền:

    -    Tuyền có cần về nhà ngay không?

    Nghe Hòang hỏi vậy làm Tuyền lúng túng vì không biết trả lời ra sao. Tuyền vừa trả lời, vừa hỏi lại rất ngớ ngẩn:

    -    Em cũng chưa cần về nhà vội, thầy muốn em làm gì?

    Hòang đáp:

    -    Muốn mời Tuyền ghé đầu đường Phan đình Phùng ăn chè. Chè chỗ này khá lắm, không thua chè ở Đa kao đâu.

    Thực ra khu Bàn cờ nổi tiếng về những quán chè, quán nước giải khát nhất là những quán dọc đường Phan đình Phùng ngược về khu đường Nguyễn thiện Thuật và Lý Thái Tổ. Hồi còn đi học, Tuyền

    và bạn bè hay đi ăn đậu đỏ bánh lọt ở chiếc xe gần góc đường Cao Thắng và Phan đình Phùng. Sau này thỉnh thỏang cuối tuần dẫn Giang đi ăn, nhất là những tuần cô em tình nguyện giúp chị vài

    chuyện vặt trong nhà mà bố mẹ giao cho hai chị em từ nhiều năm nay.

    Bố mẹ Tuyền có hai người con gái là Tuyền và Giang. Mẹ Tuyền đẹp hơn mẹ Lan nhiều nhưng cả họ bên mẹ đều cho là vì mẹ Tuyền đẹp nên cao số, lấy chồng không được bằng chị bằng em. Mẹ Tuyền

    rất bất bình chuyện này vì khi lập gia đình bà đã chọn người bà yêu chứ không cần phải có bằng cấp này nọ hay có địa vị trong xã hội. Bố Tuyền thì bất cần, ông bảo lấy được vợ đẹp và thương

    yêu mình là đủ rồi, mình lấy vợ chứ có lấy họ nhà vợ đâu mà bàn ra tán vào.

    Tuy họ bên mẹ không thân mật với gia đình Tuyền lắm nhưng bố mẹ Lan lại rất khắng khít với bố mẹ Tuyền. Nhất là Lan, Lan luôn coi người dì là gương mẫu của cuộc sống hàng ngày. Thêm vào đó,

    Lan có nhiều nét giống mẹ hơn giống cha và sắc xảo như người dì. Hai dì cháu có chồng cùng trong một nghề nên qúy mến nhau lắm. Trong hai năm học thi “bac” Lan đã được ông chú (dượng) hướng

    dẫn thêm rất nhiều.

    Cả hai ghé vào quán thạch chè trên đường Phan đình Phùng, nằm giữa đường Lý Thái Tổ và Nguyễn thiện Thuật. Trong lúc nói chuyện, Hòang đã kể cho Tuyền nghe những quán cháo, quán bò viên, …

    trong khu Bàn cờ như là một “thổ địa”, đặc biệt trong thời kỳ Hòang học Đại học ở trường tọa lạc trên đại lộ Cộng hòa, rồi Hòang nói đùa:

    -    Rành rẽ như vậy mà không biết có người ở Bàn cờ, chắc tại người ấy kín cổng cao tường quá.

    Tuyền cũng không vừa:

    -    Người ta có ăn quà thì ăn ở chỗ khác, ai dại gì mà ăn quà gần nhà. Từ Trưng Vương về đến Bàn cờ thiếu gì quán.

    Sau khi học 7 năm ở Trưng Vương Tuyền quyết định học thương mại hay hành chánh chứ không học bình thường nên xin cha mẹ cho vào học Vạn Hạnh. Nhưng chỉ được 1 năm Tuyền nghỉ để đi làm và do

    bố xếp đặt trở thành thư ký học vụ. Tuyền nghĩ có lẽ do Trời định vì gần hai năm làm ở trường cũng lắm thầy độc thân mà có bao giờ Tuyền để ý đến ai đâu. Ngay năm Tuyền vào làm cũng là năm

    Tính đổi về trường vậy mà không ai biết hai người có lên hệ bà con, điều đó càng chứng tỏ Tuyền rất kín đáo.

    Vậy mà tự nhiên có ông “thần nước mặn” đổi về. Tuyền biết Hòang là ông thần nước mặn do Tính nói vì Hòang ở Gò công đầu đuôi 3 năm. Bãi biển Tân Thành đã “muối” Hòang thành thần nước mặn.

    Nói đến “thần nước mặn” là nói đến một người tính không bình thường, gàn gàn ương ương nhưng theo Tính thì Hòang không phải “típ” người như vậy, gọi Hòang là “thần nước mặn” chỉ vì hơi hướm

    của những giàn đáy, hơi hướm của bãi biển cát đen bám vào Hòang.

    Vì mới ăn cơm khách nên cả hai không thấy chén chè đậu xanh thơm, ngon nữa. Nhưng cả hai, lần đầu tiên nhận ra được những quán thạch chè, những quán cà phê, quán kem nổi tiếng không phải

    chỉ do ngon mà cần có không khí nữa.

    Giang

    Do không mang theo chìa khóa cổng nên Tuyền phải bấm chuông cổng nhà mình. Đã hơi trễ nên Tuyền rất sợ vì đây là lần đầu tiên Tuyền về trễ mà lại đi chung với một người đàn ông. Thế nào

    cũng bị bố mẹ rầy, nhưng chịu vậy thôi.

    Người ra mở cửa là Giang. Hòang giật mình và Giang cũng khựng tay lại khi tra chìa khóa vào ổ khóa. Tuyền đang lo chuyện khác, hỏi Giang:

    -    Cậu mợ đã nghỉ chưa? Chị về hơi muộn.

    Giang vẫn còn suy nghĩ gì đó nên chưa trả lời. Hòang nói với Tuyền:

    -    Thôi tôi về nhé, chúc Tuyền ngủ ngon.

    Rồi nói với Giang:

    -    Và cả Giang nữa, chúc Giang ngủ ngon.

    Giang không trả lời, tim Giang đang đập mạnh, Giang đang ngộp mà không hiểu tại sao. Tay Giang run lên khóa lại cổng và đi vào. Tự nhiên Giang thấy chóng mặt.

    (còn tiếp)

    #2
      BanHien 23.02.2009 11:21:37 (permalink)
      Không biết tại sao "Copy" and "Paste" lại ra nông nỗi như trên - xin cáo lỗi

      Trên đọan đường từ phòng giáo sư ra nhà xe, Hòang bị Nguyệt và Nga đón đường hỏi:
      -    Hôm qua thầy đi chơi có vui không?
      Hòang hỏi lại:
      -    Làm sao các em biết tôi đi chơi hôm qua?
      Nguyệt cười trong khi Nga đứng đằng sau bạn, nhìn vào khỏang không gian như đang suy nghĩ chuyện gì. Nguyệt trả lời:
      -    Chúng em gặp thầy ở trong quán thạch chè, thầy đi chung với cô Tuyền thì phải.
      Hòang làm bộ nhớ ra:
      -    À, chúng tôi ở nhà thầy Tính về, còn sớm ghé qua quán vậy thôi.
      Nga vẫn nhìn vào một cõi thật xa. Khi Hòang chuẩn bị nổ máy xe Nga mới nhìn thẳng vào Hòang với ánh mắt vẫn như nhìn vào cõi thật xa nhưng làm Hòang nổi gai ốc. Một cảm giác thật lạnh chạy dọc xương sống Hòang. Đây là lần thứ nhì đôi mắt Nga làm Hòang có cảm giác như vậy.
      Trên đọan đường khỏang nửa giờ chạy từ trường này sang trường khác, Hòang không nhớ là mình đã chạy xe ra sao, chạy như thói quen hay do một ma lực nào dẫn Hòang đi. Trên đường Hòang đã nghĩ đến hai ánh mắt của Giang khi Hòang mới gặp lần đầu tiên tối qua và mới đây, ánh mắt của Nga mà Hòang đã thấy mấy tháng nay nhưng hôm nay mới nhận ra.
      Người ta có câu nói “con mắt là cửa sổ của tâm hồn” nhưng không nói người nhìn ở bên trong cửa sổ hay bên ngòai cửa sổ. Ở bên ngòai cửa sổ nhìn vào, chưa chắc người ta đã nhìn thấy được tâm hồn nếu đó là một tâm hồn khép kín, một tâm hồn không bật đèn lên. Ngược lại, nếu tâm hồn ở bên ngòai thì nó muôn hình vạn trạng như một cửa sổ trông ra bãi biển, một cửa sổ trông ra một công viên, một cửa sổ rông ra cánh đồng, một cửa sổ trông ra một khu rừng hay một cửa sổ trông ra một nghĩa địa.
      Ánh mắt của Giang sắc và sáng như muốn cắt đứt những mạch máu trong người Hòang, như muốn soi thấu tâm can Hòang. Ánh mắt ấy đã làm Hòang trằn trọc cả đêm qua mà Hòang không thể hiểu tại sao.
      Ánh mắt của Nga hôm nay buồn xa xăm, buồn diệu vợi, như hờn trách, như thù hận, như nhắc nhở Hòang phải làm một việc gì mà Hòang cũng không hiểu tại sao.
      Có một điều chắc chắn là từ tối ngày hôm qua, từ lúc gặp Giang, Hòang thấy mình hòan tòan thay đổi như đang đi trong một khỏang không và ánh mắt của Giang vẫn lởn vởn trước mặt Hòang. Lần đầu tiên Hòang thấy mình rung động, xôn xao như những lá cây gặp làn gió thỏang.
      Đi làm về đến nhà Hòang thấy bứt rứt. Hòang cảm thấy không khí hình như nóng hơn, Hòang lấy áo quần đi tắm. Thọ mang cơm sang, thấy Hòang còn trong nhà tắm nên đợi ở ngòai, khi Hòang ra Thọ nói:
      -    Sao cậu hôm nay lạ vậy, trời mát thế này mà cậu đi tắm. Mẹ cháu bảo mời cậu tối sang nhà cháu dùng cơm vì có bác cháu đến chơi.
      Hòang nghỉ ở nhà buổi chiều và ngủ được một giấc buổi trưa để bù lại sự trằn trọc đêm qua. Sau khi rửa mặt cho tỉnh táo hơn, Hòang ngồi vào bàn chấm bài kiểm tra sáng nay. Hòang có thói quen ra bài hôm nào chấm ngay hôm đó vì để trễ sẽ lười không chấm hết. Hòang giật mình khi chấm đến bài của Nga vì Nga đã để hai dấu chấm than và chẩm hỏi khá lớn ngay đầu trang 2. Bài của Nga làm vẫn bình thường tuy nét chữ có vẻ không đều như mọi khi. Hòang định đặt bút phê một câu: “không được vẽ bậy vào bài làm” nhưng nhớ đến ánh mắt của Nga nên Hòang lại một lần nữa cảm thấy lạnh tòan thân phải đứng lên, bỏ dở số bài đang chấm.
      Sau bữa cơm, Hòang về nhà ngay và bảo Thọ sang học cho sớm. Khi Thọ mới học được hơn nửa tiếng thì bà Tân, mẹ Thọ sang bảo Thọ về để mẹ nói chuyện với cậu. Hòang ngạc nhiên hỏi:
      -    Có chuyện gì quan trọng không đợi được mà chị phải nói chuyện ngay vậy?
      Người chị cười, đáp:
      -    Tháng rồi bà vào thăm cậu có nhờ chị làm mai cho cậu. Bà bảo cứ để cậu lông bông không người chăm xóc hòai thì bà không yên tâm. Tối nay anh chị Minh đến chơi là do anh chị mời, anh Minh là anh cả của bố cháu Thọ và cô Miên mà cậu gặp chiều nay là con cả của anh chị Minh. Chị định làm mai Miên cho cậu đấy.
      Hòang phá lên cười:
      -    Thôi chị ơi, chị đòi làm quan tắt mấy lần nữa? Từ một cô gái lên bà úy rồi tá bây giờ đang là chị lại còn đòi làm thím em nữa. Ai chứ em không chịu đâu?
      Người chị họ ôn tồn:
      -    Ai bảo chị muốn làm thím cậu bao giờ. Chị thấy Miên nó ngoan, hiền, đẹp, dễ thương nên muốn em có nó thì thật là hạnh phúc mà bà cũng yên tâm. Bà biết chuyện rồi, ông bà không câu nệ chuyện thông gia thì có gì mà cậu phải lo.
      Hòang vẫn cảm thấy không ổn:
      -    Cám ơn anh chị nhưng phải để cho em nghĩ lại. Mà anh chị Minh có biết chuyện mai mối của chị không?
      -    Có, anh chị có nói thế nào cũng phải cho Miên đến là vậy. Thôi để cậu suy nghĩ, cũng không có gì vội nhưng người ta bảo: “cưới vợ phải liền tay” đấy.
      Hòang lắc đầu nói:
      -    Chị cũng khéo ví von nhỉ. Người ta nói vậy là nói với các cặp đang chơi với nhau kìa, đằng này hai bên lạ hoắc mà chị bảo cưới liền tay với liền chân là thế nào. Cứ để từ từ đã.
      Trước khi ra về, bà chị còn nói thêm:
      -    Gái có thời thôi đấy, anh chị tìm cách cho hai người gặp nhau thêm nếu cậu muốn. Cứ suy nghĩ đi rồi cho chị biết.
      Hơn hai mươi lăm tuổi đầu, chưa hề chính thức quen hay hẹn hò cùng ai. Đùng một cái bạn làm mai, chị làm mối và tâm lòng Hòang đang lờ mờ, chập chờn, bâng khuâng về bốn ánh mắt đang làm Hòang ngật ngừ như người sau rượu.
      Tự nhiên Hòang để ý đến mình, thấy các bộ phận bên trong cơ thể mình đang làm việc khác thường, không còn đồng điệu, đồng nhịp nữa. Tối qua tự nhiên con tim nhảy nhanh hơn, sáng nay tự nhiên mồ hôi rịn ra trên trán mạnh hơn và chiều nay mồ hôi tự nhiên đổ ra trên tay khi chấm bài.
      Cơ thể con người như một cái máy: sáng thức dậy làm các động tác như nhau, đi đến một chỗ hầu như không thay đổi, làm những việc gần giống nhau. Rồi ăn, rồi ngủ, rồi thức. Có người cho con người như lũ chim, sáng tung cánh bay ra, chiều bay về tổ. Nhưng con người vẫn là con người, không thể là chim, không thể là máy vì con người có tâm thức, con người biết giận hờn, biết yêu thương, biết rung động.
      Hòang thấy con người mình chưa đầy đủ. Là con cả của một gia đình trung lưu, được cha mẹ lo lắng cho ăn học. Lớn lên mọi chuyện hình như được xếp đặt, được an bài, muốn gì được nấy. Ngay cả công việc, muốn vui với bạn đi Gò công là được đi Gò công. Đến khi bạn bị trói buộc chuyện vợ con không còn giờ vui chơi với mình nữa muốn về lại Saigon là được về. Chỉ có một điều không muốn hay chưa muốn thì đùng một cái nó đến. Tự nhiên Hòang phải suy nghĩ, Tuyền, Giang, Nga và cả Miên nữa. Tại sao trong vài ngày mà nhiều chuyện xảy đến như vậy.

      Hòang tin đôi chút vào số mạng, vào nghiệp chướng, vào nhân quả. Hòang tin vào sự thiện, ác, tin vào cứ ăn hiền thì ở lành. Số con người có lúc hưng thịnh, có lúc bất trắc. Mỗi người sinh ra được gắn liền với một sao, có sao sáng, có sao tối nhưng là sáng và tối đối với con mắt trần do độ xa gần của mỗi vì sao. Một đôi khi cái nhìn tương đối đó cũng đúng, ít ra là đang đúng cho riêng Hòang vì Hòang biết, ngay lúc này đây, như một dòng dông, số mình đang bắt đầu một khúc quanh và một người con gái, người ấy có thể lại là cái tay lái để mình phải nắm mà quẹo theo khúc quanh cuộc đời.
      Lên giường ngủ, Hòang lại ngây ngất, chập chờn với những cặp mắt của Giang, của Nga, của Tuyền và của Miên. Hòang thấy hơi chếch chóang nhức đầu, có lẽ tại không quen uống rượu chăng. Và Hòang ngủ thiếp đi, chìm trong một giấc mơ. Trong giấc mơ Hòang thấy Tuyền, Giang, Nga và Miên khiêng Hòang vất xuống biển Tân thành ở Gò công trong khi Nguệt đứng vỗ tay cười như một người thắng trận.
      oOo
      Hôm nay không có giờ dạy sớm nên Hòang không để đồng hồ báo thức. Cả đêm Hòang không biết mình thức giấc mấy lần. Hầu như mỗi lần giật mình thức giấc là mỗi lần vừa trải qua một cơn mộng. Kể cũng hay, có những giấc mơ thật dài xảy ra trong khỏang khắc rất ngắn trong giấc ngủ, rồi khi thức giấc ta quên hết. Hòang mở mắt ra, ngó lên trần nhà. Hai con thạch thùng1 đang đuổi nhau, có lẽ chúng đang tranh nhau một miếng mồi.
      Thạch thùng thật hay, nó chạy rượt tứ tóe trên trần, trên tường, mà không sợ rơi xuống. Hòang nhớ những ngày còn nhỏ, Hòang và đứa em trai hay dùng dây thung và xếp giấy làm “đạn” bắn thạch thùng. Có những ngày rảnh rang, hai anh em còn chuẩn bị cọng lá sắn tầu8586để làm đạn. Rồi bất kể ngày hay đêm, khi nào rảnh rang và có thạch thùng xuất hiện là hai anh em thi nhau bắn để lấy mồi cho hai con cá tai tượng.
      Nhiều con thạch thùng cũng khôn lắm, chúng biết câu cá, nhất là những con cá đá háu ăn. Chúng trả thù hai anh em Hòang bằng cách thả đuôi vào lọ cá, khi cá cắn vào đuôi, chúng giật mạnh đuôi lên cho cá văng ra ngòai. Hòang nghe nói chỉ có mèo là dùng cách bắt cá như thạch thùng. Tạo hóa sinh ra muôn vật và vật này ăn thịt vật kia để sinh sống. Ngay cả những sinh vật li ti tưởng rằng bất lực cũng có thể quật ngã những con vật to lớn nhất.
      Hòang uể ỏai ngồi dậy, với tay bật chiếc radio. Một đọan vọng cổ do một nghệ sĩ danh tiếng đang hát dở dang: “. . . anh chỉ xin làm làn gió thỏang, không dám thổi mạnh để lá rụng và làm tan những áng mây trắng trên trời cao ….”. Vốn không phải là tay rành về cải lương và vọng cổ nhưng hôm nay Hòang chăm chú nghe hết cả bài. Tự nhiên Hòang thấy tâm trạng của người nghệ sĩ và tâm trạng của mình có điểm nào đó giống nhau.
      Hòang đi tắm rửa và chuẩn bị ra khỏi nhà. Đứng trước gương, khi nhìn thấy đôi mắt của chính mình trong gương, Hòang thấy đôi mắt mình hôm nay có nhiều mệt mỏi. Chính đôi mắt ấy đã chuyền những dòng điện vô hình từ đôi mắt của Giang và của Nga vào cân não Hòang để rồi theo mạch máu dồn ập mạnh vào trái tim của Hòang. Những dòng điện ấy, giống như những dòng điện dùng để tra tấn tội phạm, không đủ giật chết người nhưng đủ làm cho người bị tra tấn phải khai. Mà tại sao lại tới bốn con mắt.
      Hòang đi ngang qua nhà người chị, đưa tay nhấn chuông điện. Người bếp từ trong nhà chạy ra, Hòang bảo khỏi phải mở cổng, nói:
      -    Nhờ chị nói với chị tôi là trưa nay tôi đi ăn ngòai rồi đi làm luôn, chiều mới về.
      Hòang chẳng đi đâu xa, ra tiệm phở cách nhà khỏang vài cây số làm một tô rồi chạy xe lên Khai Trí tìm mua một cuốn sách. Khi tới nhà sách Khai Trí Hòang tự thắc mắc không hiểu mình đến đây làm gì. Cuối cùng mua vài cuốn truyện về đọc. Hy vọng những câu chuyện sẽ làm Hòang quên chuyện đang xảy ra cho mình. Hay tốt hơn, chúng làm Hòang mau buồn ngủ.
      Hòang không dạy buổi chiều ở trường chính. Xế chiều trên đường về, Hòang nảy ra ý định ghé vào trường đón Tuyền. Người gác cổng ngạc nhiên khi thấy Hòang đến trường vào buổi chiều:
      -    Ủa, có chuyện gì mà thầy vào trường chiều nay?
      Hòang trả lời cho qua chuyện:
      -    Tôi có chút việc. Rồi cười xã giao, đi vào văn phòng.
      Mấy người trong văn phòng thấy Hòang cũng có vẻ ngạc nhiên. Khi thấy Hòang chào xã giao rồi đến thẳng chỗ Tuyền họ đóan ngay ra được lý do Hòang đến trường vào lúc này. Được cái từ ông chánh văn phòng đến các cô giám thị ai cũng đã đứng tuổi cả nên coi chuyện Hòang gặp Tuyền là chuyện dễ hiểu, đáng khuyến khích. Chẳng ai quan tâm, tiếp tục vào công việc đang dở dang.
      Tuyền cũng ngạc nhiên không kém khi thấy Hòang. Tuyền cảm thấy rất hồi hộp:
      -    Thầy Hòang, không có giờ mà thầy đến trường có chuyện gì vậy?
      Rõ ngớ ngẩn, Tuyền thấy mình thật ngớ ngẩn khi hỏi như vậy. Hòang đáp:
      -    À, đến đón Tuyền.
      Từ ngạc nhiên, ngớ ngẩn, Tuyền cảm thấy hãnh diện vì giờ đây Tuyền sẽ được thăm hỏi, đón đưa và hẹn hò. Tuyền sẽ lột xác, như từ một đứa trẻ trở thành một thiếu nữ, dù rằng Tuyền đã ngòai hai mươi. Tuyền nói:
      -    Để em thu xếp cho gọn chỗ này rồi mình về.
      Cả hai chưa ai nói với gia đình nên cùng quyết định Hòang chỉ đưa Tuyền về nhà. Sau đó Hòang về kẻo trưa đã bỏ cơm mà chiều bỏ cơm nữa thì không được, nhất là chưa cho bà chị biết.
      Buổi tối, nằm vắt tay trên trán, Hòang thấy hối hận khi hình dung tới Tuyền tay run run xếp đặt lại các hồ sơ học sinh để chuẩn bị về. Hòang đã gian lận trong trò chơi. Giờ đây, lúc này đây Hòang mới thấy rõ động cơ đến đón Tuyền không phải vì Tuyền mà chính vì cặp mắt của Giang.
      Trong các cuộc chơi hay trong các trò chơi, bao giờ cũng có người gian lận. Trong cuộc sống, bao giờ cũng có người ăn gian, chỉ muốn thắng bằng cách đi đường tắt, đi ngang. Nếu suy rộng ra, ăn gian còn bao gồm cả những người xí phần mà không làm, nhận mà bỏ lửng, lợi dụng chuyện này để làm chuyện khác. Trong cuộc chơi này. Hòang đã nhận ra mình là người đang ăn gian. Muốn đến với Giang, muốn được gặp Giang, Hòang đã đến gần với Tuyền.
      Hòang tự phân tích mình, thấy rõ ràng mình đang rung động với Giang. Mỗi lần nghĩ đến đôi mắt Giang, Hòang không thể quên đôi mắt của Nga và cứ thế bốn con mắt, tám con mắt, mười sáu con mắt. Hòang chợp đi và lại nằm mơ, những giấc mơ thật ngắn, đứt quãng, không nối vào nhau, không liên hệ với nhau nhưng chỉ tòan là mắt.
      Một vài tiếng gà gáy. Sao hôm nay gà gáy rõ thế, tiếng gà gáy như chói vào hai tai Hòang. Hòang nhớ lại vài giấc mơ và lại thấy hối hận. Hòang cần phải nói cho Tuyền biết và nhờ Tuyền giúp làm nhịp cầu liên hệ với Giang. Mà chẳng sao, Giang cũng là em bà con với Lan, chỉ cần nói thật cho Tính và Lan. Biết đâu Tính và Lan đổi ý làm mai Giang cho Hòang không chừng.
      Hòang vào tới cửa lớp đệ Tam A2. Cả lớp hơn năm chục học sinh cùng đứng dậy. Hòang bước lên bục, để chiếc cặp xuống bàn và đưa tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Đưa mắt xuống chỗ Nga ngồi, Hòang thấy một chỗ trống. Tim Hòang tự nhiên thắt lại, tại sao Nga nghỉ học? Chắc chắn chín mươi chín phần trăm là tại mình. Có thể Nga sợ hai dấu trên bài kiểm tra hay Nga sợ phải nhìn thấy Hòang mà không biết phản ứng của Hòang ra sao. Hòang bắt đầu bài học:
      -    Tôi chưa chấm xong bài vì có một số việc bận thình lình. Chúng ta bắt đầu bài mới.
      Nguyệt để ý theo dõi Hòang từ ngay giây phút Hòang bước chân vào lớp. Rất tinh ý, Nguyệt nhận ra ngay việc Hòang biết Nga vắng mặt. Mọi lần, trước khi giảng bài mới, bao giờ Hòang cũng hỏi bài cũ. Có khi chỉ vài câu, nhưng cũng làm cho các cô yếu bóng vía hoặc quên bài phải khổ sở. Có cô rụng rời tay chân nếu chẳng may ông thầy gọi ngay tên mình.
      Vừa đi từ từ xuống cuối lớp Hòang vừa nhấn mạnh đến những điểm quan trọng của bài học. Theo thói quen, trước khi bước trở lên phía bảng đen, Hòang dừng lại khỏang vài giây để nhấn mạnh một điểm trong bài giảng. Hôm nay, nhìn những mái đầu cúi xuống chăm chú ghi chép những lời của mình, Hòang nhận ra rằng lũ học sinh trước mắt Hòang không còn là một lũ con nít nữa. Chúng đã là những thiếu nữ đang học làm người lớn và lần đầu tiên Hòang cảm thấy hương thơm con gái ngập đầy trong phòng học, ngập đầy trong phổi Hòang.
      Một hồi chuông ngắn vang lên. Hòang dặn cả lớp chuẩn cho bài kỳ sau, rồi bước ra. Nguyệt nhanh chân theo Hòang ra ngòai:
      -    Thưa thầy …
      Hoàng quay lại hỏi Nguyệt:
      -    Có chuyện gì? Mà em có biết tại sao Nga nghỉ hôm nay không?
      -    Nga không cho em biết chuyện gì, nó chỉ nói nó chán đi học rồi và hôm qua nó thấy thầy với cô Tuyền đi với nhau. Em đóan chuyện bắt nguồn từ đó.
      Không cần đợi Nguyệt hết câu, Hòang đóan ngay ra đầu đuôi câu chuyện. Nga nghỉ học là vì mình, nhưng Hòang cần phải gạt chuyện ra bên ngòai:
      -    Em không được đóan hay nhận xét như vậy!
      Rồi Hòang bước sang lớp khác. Như cái máy, Hòang hỏi bài, giảng bài trong lúc đầu óc nghĩ đến Nga. Phải hành động, đối phó ra sao đây vì Nga là học trò của Hòang. Chuyện dù có kín đến mấy mà qua sự bàn ra tán vào của học trò nó sẽ bùng nổ lớn. Người bị mang tiếng không ai ngòai Hòang. Để cứu vãn tình hình, Hòang thấy chỉ còn cách công khai với Tuyền là mọi sự yên ổn hết.
      Nghĩ như vậy Hòang thấy mình càng thiếu lương tâm hơn. Một mặt Hòang đang muốn dùng Tuyền để đến với Giang nay lại muốn dùng Tuyền để che mặt thiên hạ. Hòang thấy mình khổ tâm hơn lúc nào hết và trách ông trời sao óai oăm như thế. Biết thế không đổi về đây.
      Trên đường về, Hòang tính kế làm sao để đưa Nga đi học lại và coi như không có chuyện gì xảy ra. Tự nhiên Hòang đi vào ngõ bí. Hòang nghĩ đến những người viết truyện. Khi họ đưa nhiều nhân vật, nhiều tình tiết éo le vào truyện rồi không biết giải quyết ra sao bèn cho vài người chết, vài người đi tu, lên rừng sống v.v.. Nhưng đó là chuyện tầm phào, tưởng tượng. Trong chuyện này Hòang là con người thật, đang đối phó với một vấn đề thật.
      Về đến nhà, Thọ đã đưa cơm sang và đang ngồi đợi Hòang. Thấy cậu về, nó hỏi:
      -    Sao hôm nay cậu về muộn vậy?
      Thì ra Hòang cứ suy nghĩ và chạy xe lòng vòng trên đường chứ không về thẳng nhà. Để trấn an Thọ, Hòang đáp:
      -    À, cậu có chút việc ở trường nên về muộn.
      Tự nhiên mình trở thành người nói dối. Hòang rất ghét, rất kỵ chuyện phải nói dối. Vậy mà chính con người tôn trọng sự trung thực lại phải nói dối. Hơn thế nữa Hòang còn đang kế họach một cuộc nói dối có hệ thống để dối với chính mình và với những người chung quanh. Hòang cần nói dối để đánh lừa dư luận, đóng kịch với mọi người chỉ vì vài chuyện tình cảm cỏn con. Có lẽ đó là cái số, ngôi sao định mệnh của Hòang đang đi vào một quỹ đạo mới hay đang đi vào một khúc rẽ khác.



      (còn tiếp)


      #3
        BanHien 01.03.2009 15:27:39 (permalink)
        Người chị họ đích thân sang báo tin cho Hòang:
        -    Chủ nhật này bác cả của các cháu mời anh chị và cậu sang dùng cơm trưa. Chị chưa nhận lời, đợi quyết định của cậu.
        Coi bộ bà chị làm mai có hiệu quả quá. Chưa gì gia đình ông bà Minh đã có vẻ “kết” Hòang và mời đến ăn cơm. Hòang chưa kịp trả lời thì bà Tân, chị họ của Hòang, thêm vào:
        -    Tháng trước bà đi coi bói, coi tướng ở đâu bảo số cậu phải lấy vợ năm nay mới tốt. Bây giờ đến Tết chỉ còn tám, chín tháng, phải phiên phiến lên mới được.
        Hòang nhìn chị, phì cười:
        -    Chuyện vợ chồng là chuyện trọng đại mà chị bảo phiên phiến lên là thế nào, phải tìm hiểu nhau xem có hợp nhau không đã chứ!?
        Bà Tân chữa:
        -    Ý chị muốn nói là phải quan tâm, để ý vào thì nó mới tiến triển. Ai chẳng biết là chuyện trọng đại nhưng ngày xưa ông bà mình chỉ cần mai mối là xong, mà nhà nào cũng hạnh phúc đề huề, đầy con đầy cháu. Thì đây là lúc tìm hiểu nhau, để hai người biết nhau rồi tiến tới.
        Hòang ngắt ngang:
        -    Vậy nếu em không đi chị có cho em ăn trưa không? Nói đùa vậy chứ, em nhận lời, có gì đâu mà rắc rối. Đỡ củi đỡ dầu cho chị.
        Là chị em bạn dâu nhưng bà Minh và bà Tân rất thân nhau. Khi bà Tân ngỏ ý chuyện muốn làm mai Hòang với Miên bà Minh đồng ý liền:
        -    Cháu Miên nhà tôi nó cũng lớn rồi, dù nó còn đi học nhưng cũng sắp xong đến nơi. Nghe thím ngỏ ý lo cho cháu như vậy tôi cũng mừng. Được chỗ tin cậy thì còn gì bằng. Mọi sự giao cho thím, hễ nó bằng lòng là chúng tôi bằng lòng. Có điều cậu Hòang có chịu không, vì đang ngang hàng với thím lại phải xuống hàng dưới.
        Bà Tân nói vào:
        -    Ối giời! Thời buổi này hơn gì cái danh xưng. Nó lấy chồng cho theo chồng, nó gọi tôi bằng chị cũng chẳng sao, mình càng thấy trẻ.
        Gần trưa Chủ nhật, ông bà Tân cho Thọ sang nhắc Hòang:
        -    Bố mẹ cháu dặn cậu sửa sọan đi, đi chung xe với gia đình cháu cho tiện.
        Lần đầu tiên đi tới “nhà gái”. Hòang không lạ gì việc đi ăn cơm khách, nhưng đây là lần đầu tiên Hòang biết sẽ có người lạ để ý đến Hòang. Ai để ý cũng được, miễn Miên không biết chuyện Hòang đến là do cha mẹ và chú thím xếp đặt cho Miên và Hòang là được. Mặc dù đã gặp và biết nhau mấy ngày nay, nhưng mình là người đi coi mắt chứ không đến để Miên coi mắt mình.
        Tuy thế Hòang cũng thấy hồi hộp. Đành rằng chưa tình ý gì nhưng để cho con gái “coi mắt” mình thì chán chết. Nghĩ vậy nên trên đường đến nhà Miên, Hòang hỏi nhỏ bà Tân:
        -    Miên có biết chuyện chị mai mối em với Miên không?
        -    Không. Không biết chị Minh có cho nó biết không. Chị chắc là không.
        Vừa đến nơi, Thọ và Hùng - em của Miên - rủ nhau đi chơi ngay. Hai đứa nhất định không ở nhà ăn cơm. Bà Tân xuống bếp cùng người chị chỉ huy bà người làm nấu ăn để cho Minh, Tân và Hòang ngồi nói chuyện với nhau. Hòang để ý xem Miên ở đâu nhưng không thấy, có lẽ Miên còn ở trong phòng riêng trên lầu.
        Quả nhiên, vài phút sau Miên từ trên lầu xuống trong một bộ quần áo xanh, màu Hòang rất thích. Không hiểu sao Miên khéo chọn đến thế. Thấy chú và Hòang, Miên lễ phép chào:
        -    Thưa chú mới đến.
        Rồi quay sang Hòang, khẽ gật đầu:
        -    Chào thầy.
        Qua cách đối xử của Miên, Hòang nhận ra ngay là Miên không biết lý do Hòang đến nhà nàng hôm nay. Hòang chào lại:
        -    Chào Miên.
        Ông Minh lúc đó quay sang bảo Miên:
        -    Con bảo mẹ với thím dọn cơm đi, ba với chú và thầy Hòang đói rồi.
        Trong bữa ăn, ông bà Minh và ông bà Tân nói nhiều về gia đình Hòang hơn là Hòang tưởng. Hòang ra hiệu cho người chị từ từ lại nhưng hầu như bà Tân không để ý. Được cái chuyện gì cũng tốt và đúng hết nên Hòang cũng an tâm. Nhất là những chuyện hồi còn bé của Hòang bà Tân nói trúng vanh vách.
        Ngồi đối diện với Miên nhưng Hòang tránh không nhìn thẳng. Miên còn cố ý tránh hơn nữa. Nói chung Miên là một thiếu nữ đẹp, thùy mị, không sắc xảo nhưng có vẻ trội hẳn hơn Tuyền và Nga. Còn Giang, do chưa có cơ hội nhìn kỹ nên Hòang không thể so sánh đựợc.
        Miên học luật công pháp vì mộng của Miên là sẽ được làm trong ngành ngọai giao, để được đi đây đi đó. Bà Minh nhất định không chịu, bà muốn con làm tập sự rồi mở một văn phòng luật sư hay có chồng ở nhà nuôi con như bà cũng được. Bà muốn Miên có chỗ chắc chắn trước, sợ ra trường rồi con gái "học cao" khó kiếm chồng. Bà Minh thấy trong thời buổi chiến tranh, thiếu gì người vợ góa nên bà không muốn con bà trở thành người thiếu phụ khóc chồng quá sớm. Khi biết Hòang là con duy nhất còn lại, chắc chắn Hòang sẽ không bị động viên, con bà sẽ ít ra an tâm phần nào nếu lấy Hòang.
        Sự chết chóc đã làm con người sinh ra ích kỷ. Có người tránh lính, có người trốn lính, có người lỡ đi lính rồi thì rán tìm chỗ yên ổn khỏi phải trận mạc. Người ta chạy chọt, thậm chí bỏ tiền ra mua giấy tờ giả để làm sao thóat khỏi binh nghiệp. Tuy những người ở vào trường hợp Hòang khá nhiều nhưng cũng là truờng hợp ngọai lệ. Cả hai em trai Hòang đều “nhập ngũ tòng quân” nên khi Hòang tốt nghiệp đại học thì trở thành người ở “hậu phương” kiến thiết đất nước.
        Sau bữa trưa, hai anh em ông Minh rủ nhau đi đến nhà một người bạn. Dĩ nhiên hai bà vợ cũng đòi đi để cho Hòang và Miên ở nhà. Hòang biết đó là sự dàn cảnh của người chị vì nhất định bảo Hòang đi chung xe mà không để Hòang đi riêng. Cả bốn người bảo đi lâu lắm là vài tiếng, dặn Miên phải ở nhà tiếp Hòang và nếu hai “ông mãnh” về thì bảo chúng ăn cơm kẻo đói.
        Chắc được sự dặn dò của chủ nên bà bếp pha một bình nước chanh và cắt trái cây lên để Miên tiếp khách. Hòang mở đầu câu chuyện với một câu hỏi bâng quơ:
        -    Vậy là chỉ vài tháng nữa Miên ra trường, chắc từ nay đến đó bận lắm nhỉ?
        Miên nghĩ khác, Miên cho rằng Hòang định rủ Miên đi chơi nhưng sợ Miên lấy cớ học thi mà từ chối nên phải vòng vo như vậy. Miên đáp:
        -    Bận hay không là tùy mình, nếu mình biết thu xếp giờ giấc học bài.
        Hai người quay ra nói chuyện về học hành, về những ngày còn học tiểu học, qua những năm trung học rồi đại học. Hòang thêm vào câu chuyện:
        -    Thực ra cái lối học của mình quá từ chương, dễ đưa đến học gạo, học tủ. Trong trường sư phạm chúng tôi được dạy về cách dạy học của các nước tân tiến. Thấy lối dạy và học của họ rất hay nhưng chúng tôi không có điều kiện áp dụng. Áp dụng sao được khi lớp học của chúng ta còn phải nhét trên dưới sáu chục. Thậm chí ở một số trường tư, sĩ số dễ lên đến cả trăm.
        Lúc đó bốn người lớn về đến nhà, hai chị em bà Minh tiếp tục câu chuyện bỏ dở trên xe. Tân thân mật đến hỏi Hòang:
        -    Cậu và Miên có nhiều chuyện vui không?
        Nghe cách xưng hô của Tân, Hòang biết ngay là anh em Minh chấp nhận chuyện Hòang và Miên, nếu thành. Theo lẽ thường, Miên là cháu, Tân sẽ không xưng hô cách ấy. Miên cũng nhận ra cách xưng hô của chú vì Tân luôn xưng chú, cháu với Miên. Trong những lúc thật thân mật Tân còn xưng mày, tao với các cháu nữa. Hòang cười trả lời:
        -    Em và Miên nói chuyện hồi Miên còn nhỏ. Chuyện của em chị đã nói hết lúc dùng bữa rồi nên em được nghe nhiều chuyện của Miên lắm.
        Rồi quay qua Miên, Hòang tiếp:
        -    Phải thế không Miên?
        Đứng trước mặt Hòang và người chú ruột, Miên tự nhiên cảm thấy mình nhỏ đi vì dù sao Hòang cũng là em của chú Tân. Ngay trong lúc nói chuyện mới đây, Miên vẫn gọi Hòang là “thầy” dù Hòang đã nhắc Miên vài lần:
        -    Tôi là thầy với học trò của tôi chứ đâu có thể là thầy của Miên.
        Nhưng Miên đã đáp:
        -    Lúc thầy đi dạy Miên còn đang học trung học. Thầy dạy ở Gò công chứ dạy ở Gia Long thì đương nhiên là thầy của Miên dù Miên có học thầy hay không.
        Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của Hòang, Miên quay sang ông chú:
        -    Chú về la thằng Thọ cho cháu, nó dám nói xấu cháu với thầy Hòang.
        Tân và Hòang cùng cười. Tân nói với Hoàng và Miên:
        -    Vậy là bây giờ hai người biết nhau thêm rồi. Cậu Hòang nay biết nhà Miên rồi, thỉnh thỏang đến dẫn Miên đi chơi. Chứ cứ thấy cậu ở nhà hòai và Miên cũng chỉ lú dú ở nhà không hà.
        Tân nói thế để gián tiếp cho hai người biết là cả hai chưa ai có liên hệ với người khác.
        Thọ và Hùng vừa về đến nơi. Tân bắt con chào hai bác ra về ngay. Trên đường về, bà chị nóng lòng hỏi cậu em:
        -    Thế nào? Có cảm được hay không?
        Thọ tinh ý biết ngay:
        -    A ha, thì ra bố mẹ rủ cậu Hòang đến hỏi chị Miên.
        oOo
        Không khí trong trường bắt đầu uể ỏai sau kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt. Ngọai trừ các lớp đi thi, các lớp còn lại trở nên lười và cả thầy cô giáo cũng có vẻ nới lỏng với học sinh đôi chút. Nga đã trở lại học bình thường và Hòang mỗi lần vào lớp Tam A2 là chỉ mong cho chóng hết giờ. Hòang bỏ hẳn thói quen đi tới, lui trong lớp mà chỉ đi lại trên bục giảng. Hòang cũng tránh hẳn không nhìn về phía Nga vì vẫn sợ đôi mắt Nga làm Hòang xao xuyến.
        Do bận bịu cho những bài thi, Tuyền và Hòang cũng không có dịp tiếp xúc với nhau và Hòang quên hẳn Giang. Mấy lần Tính hỏi Hòang xem chuyện đến đâu rồi, Hòang chỉ ầm ừ cho qua nên Tính không hỏi thêm nữa.
        Ngay tuần đầu sau khi nghỉ hè, nhà trường tổ chức cho các lớp Đệ Tam đi du ngọan vài ngày và yêu cầu các thầy cô đi chung. Đây cũng là cơ hội để nhân viên nhà trường có dịp đi nghỉ hè tương đối rẻ. Các thầy, cô giám thị và nhân viên văn phòng cũng ghi danh đi. Mới đầu Hòang chần chờ không định đi vì Tính được một vị Linh mục hiệu trưởng một trường công giáo nhờ chuẩn bị mở các lớp luyện thi cho năm học tới. Tính đã nhờ Hòang giúp cho một tay nên Hòang sợ bận không tham gia chuyến du ngọan. Sau đó Hòang cũng ghi danh đi cắm trại, tham quan do vị hiệu trưởng nhờ giúp một tay vì ít ra Hòang cũng biết tên biết mặt hầu hết học sinh.
        Cuộc du ngọan sang ngày thứ hai thì một biến cố xảy ra: khi đòan xe đò vừa đến khu chân thác nước đã thấy một đám người bu chung quanh một sự việc gì. Lúc xuống xe Hòang nghe lóang thóang khách tham quan người nói này, người nói nọ. Người bảo đó là do tự tử, người bảo tai nạn.
        Do hiếu kỳ, cả đòan cũng đến gần để xem. Lúc ấy xe cứu thương đến chở xác người chết mang đi. Câu chuyện được bàn tán trong đám học sinh và các thầy, cô giáo. Đi ngang qua một nhóm, Hòang thấy Tuyền, Nguyệt, Nga và hai học sinh khác. Tuyền thấy Hòang nói ngay:
        -    Có thầy Hòang đây, thầy có biết thêm chuyện gì không?
        Hòang trả lời và ý không muốn nhắc đến sự việc:
        -    Không cô ạ, vả lại chuyện người ta tôi chẳng để ý làm gì?
        Lúc ấy Nguyệt nói chen vào:
        -    Cũng tội nghiệp cho người chết, nếu tai nạn thì đáng thương còn nếu tự tử thì đáng số.
        Nga nghe vậy nói ngay:
        -    Nếu tự tử chắc phải có lý do. Nếu thật buồn, thật chán đời thì Nga thấy tự tử là lối thóat nhẹ nhàng, dễ dàng và nhanh chóng nhất.
        Hòang giật mình, tim đập thật mạnh khi nghe Nga có tư tưởng đó. Nga đã “bịnh” nghỉ học một lần rồi và có tư tưởng điên rồ như vậy thì Nga dám làm lắm. Hòang phải trấn an:
        -    Sao em lại nghĩ như vậy, chuyện gì trên đời cũng giải quyết được, cũng có lối thoát. Vấn đề là chúng ta cần phải nhìn sự kiện cho rõ ràng, phải suy nghĩ chín chắn, phải nhìn ra cái gì đúng, cái gì không đúng.
        Nga biết ngay là Hòang đang “lên lớp” mình và Nguyệt cũng hiểu điều đó. Trong khi ấy, Tuyền tự nhiên thấy Hòang nói có vẻ nhiều nên cũng trố mắt nhìn còn lại hai học sinh kia đang tìm cách đi chỗ khác, có lẽ vui hơn là nghe ông thầy thuyết giảng “giáo lý” trong lúc đi du ngọan. Nga nhìn Hòang như thầm nói: “thôi đủ rồi”, lại chính cái nhìn ấy và chính đôi mắt ấy làm Hòang khựng lại và trở nên lúng túng:
        -    Thôi, để các em và cô Tuyền tranh luận với nhau. Tôi có chuyện khác lý thú hơn chứ nói chuyện chết chóc chán phèo.
        Lúc ấy cả đòan đã tản mác rộng và từng nhóm, từng nhóm, đang lo chụp hình cho nhau. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng cười đùa vang cả một khu vực. Ban tổ chức lên máy phóng thanh:
        -    Chúng ta có thêm một giờ nữa ở đây, em nào muốn leo lên ngọn thác thì theo thầy Thành, cô Lan và cô Điệp ngay đi mới kịp.
        Hòang cũng đi theo một nhóm học sinh leo lên phía ngọn thác. Trên đọan dốc ngoằn ngòeo khỏang nửa cây số, Hòang lại nghĩ thật nhiều về những đôi mắt. Hình như đôi mắt của Giang, đôi mắt của Nga đang lởn vởn trước mắt Hòang. Hòang quên hẳn mình đang đi với khỏang mười đứa học sinh, đâm ngang vào một gốc cây nhỏ đưa hai bàn tay ôm lấy nó mà lay. Một học sinh thấy vậy lên tiếng:
        -    Thầy định nhổ cây về trồng ở sân trường hay sao vậy?
        Hòang cười, chẳng hiểu nói với ai:
        -    Thấy cây nó sống vô tư thật.
        Khi nhận ra có người hỏi mình, Hòang đáp:
        -    Đúng, nhưng sau khi nhổ lên thầy nhờ các em khiêng về nhé.
        Đám học sinh cười khúc khắc. Không ngờ ông thầy đạo mạo của mình cũng biết nói đùa. Hòang cùng đám học sinh tiếp tục leo lên đến ngọn thác.
        Ba ngày du ngọan đi qua. Đám học sinh thích đi biển hơn đi núi nhưng chúng cũng cảm thấy ba ngày đi quá nhanh. Trong ba ngày chúng không phải lo nghĩ gì ngòai chuyện vui đùa và chọc phá nhau. Đêm cuối cùng là đêm lửa trại, có cả phần văn nghệ bỏ túi. Bất ngờ vào phút chót, một ban văn nghệ của một trường nam sinh đang đi cắm trại gần đó sang giúp vui. Không khí đêm lửa trại sôi động hẳn lên.
        Hòang không để tâm theo dõi những diễn biến trong đêm. Đôi khi Hòang nhìn thẳng vào ánh lửa bập bùng. Hòang thấy ở trong ánh lửa ấy, lúc ẩn lúc hiện, vẫn là ánh mắt sắc như dao của Giang và ánh mắt vời vợi, mời gọi và nóng như lửa của Nga.
        Tự nhiên Hòang thấy mình yêu bốn con mắt trên hai khuôn mặt lạ lùng ấy. Nhận thức và cảm giác đã bắt đầu xâm nhập vào mạch máu, vào trái tim của Hòang. Nói là yêu thì không đúng vì không ai yêu hai người một lúc. Hòang nghĩ ông Trời cũng công bình lắm, chỉ cho mỗi người một trái tim để chỉ yêu một người. Hòang mỉm cười nghĩ đến một anh chàng dạy chung, lâu lâu vỗ ngực xưng là mình có trái tim năm ngăn, tha hồ chứa ân tình. Nhưng nói rung cảm thì có lẽ Hòang đã rung cảm thật sự. Không trối cãi, Nga đang để riêng cho Hòang những cảm tình đặc biệt mà không chỉ riêng Hòang biết. Chắc chắn Nga cũng đã tâm sự với Nguyệt.
        Lửa trại tàn, một số học sinh do la hét nhiều nên mệt, kéo nhau đi ngủ. Số khác còn quây quần quanh đống lửa co đến lúc ban tổ chức lên máy gọi về phòng mới chịu tan hàng.
        oOo
        Nghỉ hè đã được hơn nửa tháng. Sau cuộc du ngọan, Hòang bắt tay ngay vào phụ với Tính trong việc chuẩn bị lớp luyện thi cho năm tới. Cha hiệu trưởng giành tòan quyền cho Tính mời người dạy, dù thầy hoặc cô giáo không phải là người đang dạy tại trường. Trường nhắm vào học sinh ngòai hơn là học sinh của trường. Sau khi đã ổn định và chuẩn bị quảng cáo, Hòang về nhà thăm cha mẹ ở Vũng tàu và thực sự nghỉ hè.
        Nhà cha mẹ Hòang ở rất gần bãi biển. Từ hôm về nhà đến nay, chiều chiều Hòang dẫn đứa cháu gọi bằng bác ra tắm biển. Hôm nay, vừa ra đến bãi, Hòang ngạc nhiên khi thấy hai thiếu nữ đang dạo chơi trên bờ biển trước mặt Hòang không ai khác hơn là Nguyệt và Nga. Nguyệt thấy Hòang trước, với giọng rất ngạc nhiên:
        -    A thầy Hòang! Chào thầy, thầy ra Vũng tàu bao giờ vậy?
        Hòang vui vẻ đáp:
        -    Tôi về thăm gia đình hơn tuần nay rồi. Còn hai em ra đây từ bao giờ?
        Nguyệt vẫn nhanh nhẩu, tay chỉ vào đứa bé trai:
        -    Thầy nói về thăm gia đình, vậy em đó là con thầy hở?
        Hoàng cười:
        -    Tôi nói gia đình là ba má tôi. Còn đây là cháu gọi tôi bằng bác. Tôi không ở gần ba má tôi nên bố mẹ nó phải trông nom ông bà thế tôi.
        Lúc đó Nga mới góp chuyện:
        -    Em đi với gia đình Nguyệt, và chúng em mới ra đến đây chiều nay. Gia đình Nguyệt sẽ ở chơi đây tới Chủ nhật.
        Nguyệt thêm vào:
        -    Tụi em thích biển lắm nên vừa đến đây là tụi em thay áo quần ra biển liền. Mấy tuần trước đi chơi núi tụi em không thích lắm.
        Những ngày ở trường, Hòang chỉ thấy tòan một đám áo dài trắng. Hôm nay thấy Nguyệt và Nga mặc quần áo ngắn và có vẻ người lớn hơn là học sinh. Trái với lần đi du ngọan vài tuần trước, các cô đóng áo lạnh đầy người. Thanh thiếu niên ở tuổi này lớn và phát triển nhanh lắm. Hòang nhớ hồi ở Gò công, khi gặp một thanh niên ngòai phố chào mình, Hòang tưởng là ai đó biết Hòang mà chào thôi. Đâu có ngờ đó là một học sinh lớp đệ Tứ năm trước, nay sang trường nông nghiệp bên Mỹ tho học. Có những học sinh, chỉ qua một mùa hè, đang từ một trẻ con trở thành thiếu niên hay thiếu nữ mà chính bản thân không hay biết.
        Hòang giải thích thêm:
        -    Từ bữa về nhà đến nay, ngày nào hai bác cháu tôi cũng ra đây tắm. Bãi này nhỏ nhưng nó êm và không xô bồ như các bãi lớn. Thêm vào đó, từ nhà đến đây bác cháu tôi chỉ đi bộ chừng mười phút.
        Vẫn chỉ có Nguyệt đối thọai với Hòang:
        -    Vậy mà tụi em tưởng quê thầy ở Saigon chứ.
        Lúc này Nga mới lên tiếng:
        -    Sao bồ ngu thế, thầy là người Bắc thì làm sao quê thầy ở Saigon được.
        Ba người mải nói chuyện làm đứa bé chưa được xuống biển, nó sốt ruột kéo tay Hòang:
        -    Bác hai cho cháu xuống tắm nhé.
        Hòang dặn đứa bé chỉ ở trên cát thôi, không được xuống nước, rồi quay lại nói với Nguyệt và Nga:
        -    Hai em chỉ đi bộ thôi hay định đi tắm biển?
        Nguyệt trả lời với vẻ ranh mãnh:
        -    Chúng em chỉ đi dạo thôi. Thầy xuống tắm với em bé đi kẻo nó đợi, tụi em loanh quanh ở đây xem thầy bơi cũng được.

        Trong lúc Nguyệt hỏi chuyện Hòang về con nước và thời tiết, Nga đứng yên đưa mắt nhìn ra biển. Những cơn gió biển nhẹ làm tóc Nga bay ngược về phía sau. Hòang đưa mắt nhìn Nga thật nhanh, dáng của Nga trong bộ quần áo trắng tương phản với mặt biển đã ngả sang màu xanh thật đậm. Hòang thấy dáng của Nga chập chờn như những ngọn sóng xa thật xa mặc dù Nga chỉ đứng cách Hòang vài bước.
        Nguyệt tiếp nối câu chuyện với Hòang:
        -    Chắc thầy bơi giỏi lắm vì ở gần biển từ nhỏ?
        Hòang cuời:
        -    Trái lại là khác, dù gia đình ở đây nhưng tôi vào Saigon từ lâu để học thành ra chỉ biết bơi chứ không thể gọi là giỏi được.
        Nguyệt tỏ vẻ thân mật, không còn khỏang cách thầy trò:
        -    Nga bơi giỏi lắm, còn em thì không biết. Như vậy ngày mai em bắt thầy va Nga dạy em bơi.
        Hòang chưa biết phải trả lời ra sao trong khi Nguyệt cười rất vui, tiếp luôn:
        -    Tụi em quấy rầy thầy và em bé quá, em bé không bằng lòng đâu. Thôi tụi em đi để thầy chơi với em bé. Nhớ là ngày mai chín giờ sáng chúng em đợi thầy ở đây.
        Người ta xin mình, không cần biết mình có nhận lời hay không nhưng người ta cứ quyết định. Công nhận Nguyệt to gan thật, đã coi Hòang như một người rất thân, như một người bạn.
        Đợi Nguyệt và Nga đi được một quãng xa Hòang mới quay lại chơi với cháu. Thế là ngày mai Hòang phải đổi chương trình. Hòang đã dự định sáng mai đi sang Long hải thăm một người bạn cũ. Nhưng không sao, Hòang còn ở lại nhà hơn nửa tháng nữa mới vào Saigon. Qua tuần sau sang thăm bạn cũng được.
        Lên giường, Hòang trằn trọc mãi không ngủ được. Ngày mai không biết là mình nên ra trước hay ra sau. Lại nữa bọn chúng chỉ hẹn bâng quơ, rồi gia đình chúng không cho phép thì Hòang ra biển một mình à. Nếu mình không ra sẽ lỡ hẹn với Nguyệt và Nga, rồi mất uy tín đi khi chúng bảo "Thầy hứa lèo". Mà mình có hứa với chúng đâu.
        Hòang dậy hơi trễ. Sau khi ăn sáng, Hòang lấy xe chạy vào chợ và căn giờ lúc về sẽ đi ngang qua bãi. Hòang tính nếu thấy Nguyệt và Nga, Hòang sẽ nói là mình ra chợ mua báo về rồi hẹn ít phút nữa ra bãi. Còn nếu không thấy Nguyệt và Nga cũng chẳng sao, Hòang yên tâm chạy sang Long hải.
        Khi về ngang bãi biển Hòang thấy Nguyệt và Nga đang đi dạo với hai người khác. Hòang đóan có lẽ là cha mẹ của Nguyệt cũng nên. Do Nguyệt và Nga trông đợi Hòang đến, nên khi thấy xe của Hòang chạy vừa tới Nguyệt đưa ta làm loa, nói lớn:
        -    Thầy Hòang, tụi em ở đây nè.
        Hòang dựng xe, bước xuống bãi. Vẫn tiếng của Nguyệt:
        -    Chào thầy! Đây là ba má em. Ba má em không tin là thầy ở gần đây nên không cho tụi em ra đây tắm.
        Rồi quay sang cha mẹ, Nguyệt tiếp:
        -    Ba má thấy không! Con đã nói mà ba má không tin.
        Hòang và ba má của Nguyệt chào nhau. Ba của Nguyệt lên tiếng:
        -    Chiều qua hai đứa chúng nó bảo gặp thầy ở đây, nhà thầy ở gần đây và thầy nói bãi này yên lắm. Mấy đứa con trai của chúng tôi nhất định đòi ra bãi sau. Có thầy đây thật tốt phước cho chúng tôi quá, chúng tôi có thể yên tâm sang bãi sau với mấy đứa kia.
        Hòang trả lời:
        -    Hôm qua tôi ra đây chơi gặp hai em Nguyệt và Nga, các em có nói là hôm nay sẽ ra bãi này tắm. Tôi mới ra chợ mua tờ báo về, để tôi về nhà thay quần áo rồi ra.
        Mẹ của Nguyệt nói vào:
        -    Mấy khi gặp được thầy, vậy tối nay mời thầy đi dùng cơm tối với gia đình chúng tôi.
        Hòang nói chưa nhận lời được, để về nhà xem tối nay có bận gì không. Cha mẹ Nguyệt ra xe sau khi dặn Nguyệt:
        -    Khỏang hơn bốn giờ chiều ba má đến đón con và bạn con. Nhớ phải mời bằng được thầy Hòang đi dùng cơm tối với gia đình mình nghe chưa.
        Cha mẹ của Nguyệt chào Hòang thêm một lần nữa rồi lên xe. Nga từ nãy đến giờ vẫn chưa nói gì, ngay cả chào Hòang. Thấy xe của cha mẹ Nguyệt đã khuất qua khúc quanh, Hòang quay lại Nguyệt và Nga nói:
        -    Các em ra sớm nhỉ. Các em có chương trình gì cho ngày hôm nay không?
        Bây giờ Nga mới lên tiếng chào Hòang:
        -    Chào thầy, từ nãy đến giờ mọi người nói hết nay em mới được nói. Tụi em định tắm và phơi nắng ở đây tới trưa rồi đi ăn sau đó ra bơi và phơi nắng tiếp.
        Hòang cũng chưa biết phải có chương trình ra sao nên đưa ra ý kiến:
        -    Theo tôi nghĩ, chúng ta ở ngòai nắng nhiều quá không tốt. Chúng ta chỉ tắm đến trưa thôi rồi về nghỉ. Tôi muốn nói là về nhà tôi nghỉ.
        Cả Nguyệt và Nga đều nói "tùy thầy", Nguyệt thêm vào:
        -    Vậy từ giờ tới trưa em có bơi được hay không? Thế nào kỳ này về em cũng khoe là đã biết bơi và được thầy Hòang dậy ở Vũng tàu.
        Tự nhiên Hòang trở thành người giữ trẻ và một lát nữa đây lại trở thành huấn luyện viên bơi lội. Thấy Nguyệt có vẻ quyết chí học bơi, Hòang nói:
        -    Muốn học bơi thì phải học trong hồ bơi chứ ai ra biển mà học bao giờ. Nếu em quyết chí thì tôi cho một bài lý thuyết rồi thực hành. Không bảo đảm là từ nay đến trưa em có thể bơi được. Các em đợi đây một chút.
        Hòang đi vào một chỗ khuất cởi chiếc quần dài. Nếu không có Nguyệt và Nga, Hòang có thể đứng ngay ở bãi cởi chiếc quần dài. Thực ra Hòang luôn mặc quần ngắn đi bộ từ nhà ra đây. Hôm nay biết là sẽ gặp lại cha mẹ Nguyệt nên Hòang còn mặc cả quần dài khi ra bãi biển.
        Hòang giảng giải cho Nguyệt cách bơi trong khi Nga cứ đứng cười. Đợi Hòang xong, Nga nói:
        -    Em biết bơi sơ sơ, nhưng nếu theo đúng lý thuyết của thầy thì em phải học lại từ đầu.
        Hòang bắt đầu xuống nước, khi mực nước tới ngang bụng Hòang gọi Nguyệt và Nga ra. Theo phần lý thuyết, Hòang và Nga đứng đối diện, hay tay nắm vào nhau để cho Nguyệt nằm trên tay hai người mà đập chân cho đều.
        Nguyêt và Nga đi từ từ đến chỗ Hòang đứng. Hòang đưa tay ra đợi Nga tới. Khi tay Nga vừa chạm vào tay Hòang thì Nga rụt lại ngay và Hòang như vừa bị một cú điện giật. Ngòai hai mươi lăm tuổi Hòang mới đụng tay vào tay một người con gái. Trước đây, trong những trò chơi cộng đồng, chuyện Hòang nắm tay hay một người khác phái là chuyện thường nhưng chưa bao giờ Hòang thấy lạ như hôm nay.
        Hòang làm như không có gì, nói với Nga:
        -    Để em nắm tay tôi, nếu buột ra mà Nguyệt phải uống nước là lỗi tại em.
        Sau vài giây đầu tiên, Nga đã nắm chặt hai tay Hòang. Hòang thấy tay Nga hơi run. Hòang bảo Nga để tay thấp xuống cho Nguyệt nằm trên tay hai người. Lúc này nới phiên Nguyệt, Nguyệt thấy tòan thân như nổi gai khi đụng vào tay Hòang. Cả Nga và Hòang thấy hai cánh tay Nguyệt nổi "da gà", Nga nói với Nguyệt:
        -    Bộ bồ lạnh hả?
        Nguyệt trả lời "không", Nguyệt không lạnh thật nhưng Nguyệt vừa trải qua một giây phút lạ không biết giải thích ra sao. Hòang ôn tồn nói với Nguyệt:
        -    Bắt đầu đập chân thật đều, khi đều rồi em sẽ có cảm giác là mình đang nổi. Có nổi thì mới bơi được.
        Nguyệt tập khá nhanh, chỉ khỏang nửa tiếng là đã đập hai chân rất đều. Hòang bảo Nga cứ bơi chung quanh đây còn Hòang đi từ từ và cho Nguyệt vị hai vai dùng chân đập nước phía sau. Hòang dặn Nguyệt:
        -    Khi nào em thấy nổi, đừng hỏang hốt, bỏ hai tay ra và khua nước ttiến tới, như vậy là đã bơi được. Em cứ coi Nga kìa, các động tác cần nhất là phải đều thì mới nổi và đẩy mình tới được.



        (còn tiếp)

        #4
          BanHien 11.03.2009 16:20:44 (permalink)
          Nguyệt đã có thể bơi được vài thước và rất thích thú với thành quả của mình. Hòang thấy Nguyệt vui nên cũng vui lây nhất là thấy lần đầu tiên dạy một người biết bơi trong vòng có nửa ngày.
          Hòang cảm thấy đói, nhất là họat động khá nhiều từ sáng đến giờ. Hòang ngó đồng hồ, đã gần một giờ. Hòang nói với Nguyệt và Nga:
          -    Đã quá trưa rồi, chắc chúng mình phải đi ăn đã. Hai em thấy đói chưa? Tôi thấy đói rồi.
          Hòang dẫn Nguyệt va Nga vào một quán ăn gần đó để ăn trưa. Sau bữa ăn Nguyệt nhất định đòi trả tiền để trả công thầy dạy bơi. Người chủ quán không xa lạ gì với Hòang, thấy vậy nói đùa:
          -    Thì ra hai cô là học trò của thầy Hòang ở Saigon. Ai chứ thầy Hòang với chúng tôi là chỗ quen biết nên hai cô không phải lo trả phần ăn của thầy Hòang.
          Hòang không nói gì, Nguyệt vẫn chưa giải quyết xong công chuyện, nói với người chủ quán:
          -    Còn ngày mai, ngày mốt và thứ Bảy nữa. Bác cũng không lấy tiền phần ăn của thầy Hòang à?
          Rõ ràng là mấy cô học trò này có ý bắt Hòang, chưa hỏi ý mà coi như là Hòang đã chấp nhận dạy bơi cho Nguyệt luôn mấy ngày. Để giải quyết nhanh gọn, Hòang quyết định:
          -    Ngày mai chúng ta có kế họach khác.
          Hòang cùng với hai cô gái trở ra, thấy còn sớm mà thực ra Hòang cũng chẳng còn hứng thú dạy Nguyệt bơi, nên đề nghị:
          -    Bây giờ lại ra bơi nữa thì không tốt vì mới ăn cơm no. Hai em tìm chỗ nào mát nằm nghỉ tốt hơn. Tôi về qua nhà một tý rồi trở ra.
          Nguyệt bao giờ cũng đưa ra ý kiến làm người khác khó chối từ:
          -    Sao thầy không cho tụi em về nhà thầy luôn, thầy sợ tụi em làm dơ nhà thầy hay sao?
          Hòang không ngờ Nguyệt ranh mãnh thật, trả lời:
          -    Nếu các em muốn thì được, không sao hết. Lúc này nhãn chưa chín chứ không cho các em vào vườn hái nhãn cũng được. À nhà có mấy cây na, tôi không để ý lúc này chúng nó ra sao. May ra thì các em có lộc.

          Cả Nguyệt lẫn Nga đều không hiểu Hòang nói gì. Nga thắc mắc:
          -    Cây na là cây gì hả thầy? Người ta chỉ nói hái lộc lúc Tết chứ em chưa nghe ai nói lộc vào mùa hè bao giờ hết.
          Rồi Nga nhấn mạnh:
          -    Chắc thầy phải "giảng" cho hai đứa tụi em.
          Hòang cười, giải thích:
          -    Cây na tức là cây mãng cầu dai. Quanh đây chỉ có Cần giờ là nổi tiếng với lọai trái cây này vì trái to, thơm, ngọt. Ba tôi lấy giống từ bên ấy về trồng nhưng dù chăm sóc mấy cũng không thể bằng bên Cần giờ. Còn có lộc tức là được hưởng cái gì đó. Các em về hỏi thầy hay cô dạy Quốc văn thêm chứ tôi chỉ hiểu như vậy.
          Cả ba vừa đi vừa nói chuyện khỏang mười lăm phút về đến nhà Hòang. Thằng cháu thấy bác về chạy ra:
          -    Bác hai đã về, bác đi đâu từ sáng đến giờ vậy?
          Lúc đó em dâu Hòang đi ra, thấy Nguyệt và Nga tưởng là bạn của anh chồng mình, chào:
          -    Chào hai chị, mời hai chị ngồi chơi để em đi pha nước.
          Hòang cười, nói với em dâu:
          -    Hai cô này là học trò của tôi trong Saigon, các cô ấy đi với gia đình ra đây nghỉ hè. Tôi gặp chiều qua và hẹn đi tắm biển từ sáng đến giờ.
          Nguyệt lễ phép thưa lại với em dâu của Hòang:
          -    Thưa thím, cứ để mặc tụi em. Thầy Hòang bảo cho chúng em ra vườn hái na của ông.
          Nguyệt và Nga đưa mắt nhìn Hòang tỏ ý đợi phép. Hòang nói:
          -    Hai em có một tiếng ở ngòai vườn, nhớ là đừng hái trái còn xanh quá. Sau đó chúng mình phải ra biển lại kẻo gia đình của Nguyệt không biết đâu mà tìm.
          Hòang thay quần áo cho tươm tất, dù sao Hòang cũng phải tiếp xúc với phụ huynh học sinh nên không thể xuề xòa được. Tới giờ, Hòang gọi Nguyệt và Nga bảo cả hai đi bộ ra bãi trước, Hòang chạy xe ra sau vì Hòang sẽ đi riêng.

          Chiều bắt đầu xuống nhưng nắng vẫn còn khá gắt. Tới bãi biển, cả ba không tắm nữa, thả bộ trên bãi biển vắng. Hòang nghĩ thật ngộ nghĩnh, không ngờ có lúc đi dạo bãi biển với hai người con gái. Nếu hai cô gái không phải là học trò của Hòang thì còn gì thú vị bằng. Hòang thấy mình cũng hơi tham, nhưng giá chỉ có mình Nga thì dứt khóat Hòang không có can đảm đi dạo chung ngòai bãi biển vì Hòang biết sức mình, nhất là đã có những lúc bâng khuâng với ánh mắt của Nga.

          Nguyệt bàn với Nga phá Hòang bằng cách vốc cát bỏ vào cổ áo Hòang khiến Hòang phải chạy ngược vào bờ trong khi Nguyệt và Nga cười như nắc nẻ. Bình thường, có lẽ Hòang không ngại tham dự trò chơi này, sẵn sàng vộc cát bỏ lại cho bõ ghét. Cái ranh giới thầy - trò đã làm cho Hòang phải nghiêm chỉnh, đạo mạo hơn.
          Gia đình của Nguyệt theo giờ hẹn đến bãi đón Nguyệt và Nga. Thấy Hòang đã tương đối tề chỉnh, mẹ Nguyệt nghĩ ra ngay là Hòang đã nhận lời, nhưng vẫn mời lại sau những lời chào xã giao:
          -    Như đã thưa với thầy sáng nay, xin mời thầy đi dùng cơm chiều với gia đình chúng tôi một bữa.

          Hòang nói là còn sớm, hẹn địa điểm rồi sẽ đến sau. Khi Nguyệt và Nga lên xe đi rồi, tự nhiên Hòang cảm thấy trống vắng, có cái gì thiếu nhưng không biết thiếu cái gì. Hòang chậm rải thả bộ bờ biển, tưởng chừng những tiếng cười của Nguyệt và Nga còn văng vẳng đâu đây. Hòang nhìn xuống cát, còn nhận ra những dấu chân nhỏ đạp lẫn vào nhau. Tối nay nước triều lên sẽ xóa đi mất.

          Hòang đến quán ăn trễ một chút. Là khách mà, ai lại đến sớm làm gì. Trên đường đến quán ăn, Hòang ghé mua một chai whisky, không biết Hòang học được lối "đóng góp" này ở đâu, có lẽ ở nhà anh chị Tân.

          Nguyệt là người đầu tiên thấy Hòang đến trong khi Nga có ý trông đợi Hòang. Trong lúc Hòang còn đang dựng xe bên ngòai, Nguyệt vội chạy ra đón Hòang và dẫn Hòang vào chỗ ngồi.

          Cha mẹ Nguyệt rất lịch thiệp và xã giao, thấy Hòang dù vu tính nhưng rất đạo mạo nên cả hai luôn tỏ ra cẩn trọng vì biết Hòang luôn giữ ý trước mặt học trò. Trong bữa ăn mỗi người một ý bàn chương trình hôm sau. Cuối cùng mọi người chấp nhận sáng hôm sau đi thăm các khu tôn giáo ở Bến Đá, Bến Đình. Sau cơm trưa sẽ đi xem các khẩu súng xưa đặt trên núi và sau đó sẽ lại đi tắm biển. Hòang đồng ý tháp tùng vì mang tiếng là dân địa phương nhưng Hòang cũng ít đi đến các thắng cảnh và khu du lịch quanh Vũng Tàu.

          Hòang hơi chếnh chóang trên đường về nhà, sau khi dựng xe Hòang đi tắm và đi ngủ liền. Hòang đã nằm mơ thấy một mình trên một bãi biển vắng, ngồi lấy cát dựng lên những lâu đài thật đẹp ở trong đó Hòang để những con búp bê giống hệt Nga, Nguyệt, Miên, Tuyền và Giang. Trong lúc moi cát, Hòang bắt gặp một chai nhỏ và một vị thần từ trong chai bay ra cho Hòang ba điều ước. Hòang tỉnh dậy, thấy khát nước, trên đường từ giường ra ngòai phòng khách lấy nước uống, Hòang thấy buồn cười vì thật sự không biết phải ước gì nếu đột nhiên có vị thần hiên ra ngay đây với Hòang.
          Hòang lấy lý do bận không đi ăn tối với gia đình Nguyệt. Thật ra Hòang áy náy vì bữa ăn trưa Hòang đòi trả tiền nhưng ba của Nguyệt nhất định không cho. Chẳng còn chỗ đi chơi, Hòang bảo chiều hôm sau ra bãi, cho dù Nguyệt đã tiến bộ rất nhiều nhưng vẫn cần có người canh chừng và nhắc nhở.

          Thời gian đi qua thật nhanh, mới đây mà hôm nay đã là thứ Sáu. Mặt trời đã lặn quá nửa, một nửa còn rừng rực chân mây và một nửa đã như chìm vào đại dương. Chỉ còn Hòang, Nguyệt và Nga đang bơi lội trên bãi vắng.

          Ở một chỗ mực nước chỉ ngang ngực, Hòang quanh quẩn bên Nguyệt, không giám bơi xa Nguyệt ngòai tầm tay trong khi Nga bơi lòng vòng cách Hòang và Nguyệt trên mười mét. Đột nhiên Hòang thấy Nga hét lớn và chìm xuống. Hốt hỏang, Hòang bảo Nguyệt đi vào bờ ngay và phóng ra chỗ Nga. Hòang đã ôm được Nga, nâng đầu Nga lên khỏi mặt nước và vội vã đưa Nga vào bờ.

          Hòang bảo Nguyệt lấy chiếc khăn lau của Nga đến, đặt Nga nằm trên và bắt đầu vận dụng trí nhớ của mình làm hô hấp nhân tạo cho Nga. Được chừng năm sáu lần, thấy tay Nga nắm lấy cánh tay mình Hòang mừng rỡ:
          -    Nga tỉnh rồi, thật may mắn, nếu không tôi biết ăn nói làm sao.
          Nga đã tỉnh hẳn, nắm chặt hơn cánh tay Hòang, mở mắt nhìn Hòang tỏ ý cám ơn. Hòang vội tránh ánh mắt ấy vì với khỏang cách không đầy hai mươi phân, Hòang sẽ bị ngã qụy nếu để Nga thôi miên Hòang.
          Nguyệt lo ra mặt, ngồi kế bên. Thấy Nga tỉnh lại Nguyệt hỏi liền:
          -    Bồ thấy làm sao, khỏe lại chưa?
          Nga tỏ ý muốn ngồi dậy vì lúc đó Hòang vẫn còn ở thế của một người cứu thương. Hòang đỡ Nga dậy, nói:
          -    Em làm tôi và Nguyệt hết hồn, thôi bỏ chuyện bơi lội đi, quên biển đi.





          Hòang nói vậy là để nói. Từ mấy ngày nay tự nhiên Hòang yêu biển lạ lùng. Bãi vắng gần nhà Hòang không bao giờ để ý đến nay đã trở thành một bãi tắm dễ thương vì đã mang dấu chân Nga, dấu chân Nguyệt. Quên biển đi, chắc Hòang không thể quên được, không thể quên giọt nước biển mặn trên môi Nga đã thấm vào vị giác của Hòang khi làm hô hấp nhân tạo cho Nga.
          Nga nắm lấy tay Hòang, không còn e dè như trước:
          -    Cám ơn thầy đã cứu em, nhưng xin thầy và Nguyệt hứa là không cho bất cứ ai biết chuyện này.
          Dĩ nhiên là Nguyệt hứa ngay nhưng Hòang hơi phân vân, cuối cùng Nguyệt và Nga nêu lên bao nhiêu là cái bất lợi nên Hòang bằng lòng giữ kín và tuyên bố chấm dứt chuyện bơi lội từ giờ này.
          Hòang quyết định về nhà do đã hẹn gia đình Nguyệt đến đón Nguyệt và Nga ở nhà mình thay vì ở bãi. Nắng đã tắt nhưng trời còn sáng lắm. Cả ba không ai nói với ai lời nào trên đọan đường từ bãi biển về nhà Hòang.


          oOo


          Hòang không hẹn Nguyệt và Nga nhưng khi chạy bộ buổi sáng về đã thấy cả hai đang đợi Hòang ở nhà. Thấy Hòang về, Nga ra cửa nói ngay:
          -    Tụi em đến bắt cóc thầy đây. Nguyệt cần phải ôn bài và mai là tụi em phải về rồi. Thầy phải dẫn tụi em ra bãi hôm nay.
          Giọng nói của Nga nhẹ nhàng nhưng có vẻ rất cương quyết. Hòang dù không muốn đi ra bãi biển nữa nhưng cảm thấy không đi là không xong với Nga. Vả lại chẳng biết phải làm gì cho hết ngày nên đồng ý đi với điều kiện:
          -    Nga không được xuống nước, nếu có xuống nước phải ở giữa tôi và bờ, không được bơi khỏi hàng rào đó.
          Nga đáp "dạ" rất nhanh rồi nói:
          -    Đi nhanh lên kẻo trễ rồi!
          Hòang bảo cả hai ra trước, Hòang sẽ ra sau:
          -    Hai em ra trước nhưng không ai được xuống nước khi chưa có mặt tôi.
          Nguyệt và Nga chào Hòang rồi cùng nhau đi về hướng bãi tắm. Hòang nhìn theo lắc đầu thở dài vì tự nhiên có họa vào thân. Sau vụ Nga tý nữa chết đuối Hòang tưởng cả hai sợ không đi biển nữa, ai dè hôm nay Nga còn có vẻ hăng say đi bơi hơn là Nguyệt.
          Hòang ăn vội đĩa xôi mẹ để riêng cho ăn sáng. "Có thực với vực được đạo", nhất là tối qua Hòang ăn rất ít vì chưa trấn an được sau vụ cứu Nga ngòai biển.
          Đến bãi biển, Hòang thấy Nguyệt và Nga đang lấy cát làm những lâu đài nho nhỏ. Nhớ lại giấc mấy đêm trước làm Hòang thấy vui hơn. Hòang đến bên Nguyệt và Nga hỏi:
          -    Các em đang làm gì vậy?
          Nga đáp ngay:
          -    Chúng em vâng lời không xuống nước trước nên đắp mấy lâu đài này để ...
          Rồi Nga bỏ lửng câu nói, đứng lên, chạy thẳng xuống nước, vui vẻ nói lớn:
          -    Có thầy đây rồi, mình được quyền bơi.
          Thấy Nguyệt vẫn ngồi đắp cát để xây thêm lâu đài, Hòang nói:
          -    Sao hôm nay Nguyệt không hung hăng nữa mà còn ngồi đây?
          Nguyệt cười, đáp:
          -    Em phải đắp xong lâu đài này đã rồi sẽ đợi thủy triều lên kéo xập nó.
          Hòang nghĩ rõ rắc rối lũ con gái, hôm thế này, hôm thế khác. Hòang không có em gái nên không biết tính tình con gái ra sao trên thực tế, Hòang chỉ biết qua sách vở. Ở sư phạm, Hòang được học một môn học về tâm lý thanh thiếu niên nhưng chỉ coi đó là môn phụ nên không lưu ý. Hòang thường cho rằng dạy một học sinh rất dễ nhưng giáo dục một học sinh rất khó nhất là những học sinh ở lứa tuổi như Nga, như Nguyệt dù là nam sinh hay nữ sinh.
          Có người bảo dạy các ở trường hỗn hợp dễ hơn dạy ở các trường riêng rẽ vì ngay chính học sinh, chúng sẽ kìm giữ nhau nhiều khi không cần thầy, cô giáo. Chúng sẽ đưa nhau vào khuôn khổ mà không cần các vị giám thị. Người ta nói là vậy nhưng trong thực tế lại khác một trời một vực.
          Thấy Nga đã ở dưới nước khá lâu, Hòang cũng bước xuống nước. Lúc ấy Nga lên tiếng:
          -    Đố thầy bắt được em đấy.
          Hòang bực mình la lớn:
          -    Đi vào gần bờ ngay, tôi không muốn xảy ra một lần nữa.
          Nga bơi gần tới bên Hòang:
          -    Sao thầy khó vậy? Nếu thầy bắt được Nga, Nga sẽ vâng lời ngay.
          Rõ ràng là "được đằng chân, lân đằng đầu". Hòang nghĩ có thể Nguyệt và Nga thấy Hòang dễ dãi, thân thiện mấy bữa nay nên "lờn" mặt chăng. Cũng được, muốn rượt bắt ta sẽ rượt cho mà chừa.
          Hòang bung người tới đuổi Nga, Nga cười vang bơi nhanh nhưng không đầy năm phút đã bị Hòang bắt và nhất định lôi vào bờ:
          -    Em đã nói nếu tôi bắt được thì phải vâng lời. Bây giờ phạt em ngồi trên bờ không xuống nước nữa.
          Thấy Hòang và Nga lên, Nguyệt không biết chuyện gì xảy ra, hỏi:
          -    Ủa, thầy với Nga không bơi nữa à?
          Hòang nghiêm chỉnh nói:
          -    Tôi phạt không cho Nga xuống nước nữa vì đã dặn chỉ được ở giữa tôi và bờ nhưng không nghe.
          Nguyệt cười nói với Hòang:
          -    Em không biết bơi nên dù thầy không ra lệnh, em cũng chỉ xin đứng giữa thầy và bờ thôi. À thầy và Nga coi lâu đài em xây có đẹp không?
          Hòang xoay người, nhìn tới, nhìn lui những ụ cát nhỏ Nguyệt đắp và gọi là lâu đài. Hòang chưa kịp có ý kiến, Nguyệt đã đứng lên và chuẩn bị xuống nước:
          -    Thầy tha cho Nga đi, tụi em hứa là chỉ bơi ở giữa thầy và bờ thôi.
          Biết cũng chẳng làm gì hơn nên Hòang bằng lòng đề nghị của Nguyệt. Cả ba đi từ từ ra đến mực nước ngang ngực thì dừng lại. Nga dùng tay tạt nước vào chỗ Hòang đứng, có lẽ đang nghĩ ra một trò chơi mới.
          Nguyệt bắt đầu bơi qua bơi lại những đọan ngắn. Thấy Nguyệt cố gắng Hòang đến bên khuyến khích trong khi Nga bắt đầu bơi xa Hòang và Nguyệt. Thấy vậy Hòang giang hai tay ngang, nói lớn:
          -    Bơi đâu thì bơi nhưng không được bơi ra phía sau của tôi.
          Nga cười, nói lớn lại:
          -    Thầy đừng lo, em chỉ bơi ngang chứ không bơi ra xa đâu.
          Hòang vẫn chưa hiểu tại sao hôm nay Nga "lắm miệng" đến thế và ngược lại, Nguyệt đã hòan tòan khác, không còn là Nguyệt mọi ngày. Thấy Nga bơi xa hơn, Hòang gọi lớn:
          -    Nga, vào gần đây ngay.
          Có thể Nga không nghe thấy, Hòang vội bảo Nguyệt:
          -    Em vào bờ đi, để tôi bắt Nga vào, không để cho Nga đi xa hơn được.
          Nguyệt nói với Hòang với giọng thật da diết:
          -    Thầy đừng lo, Nga không thể chết đuối đâu, Nga bơi lội giỏi lắm.
          Hòang vẫn còn ám ảnh chuyện hôm qua:
          -    Giỏi gì, hôm qua không cứu kịp thì "hà bá" đã mang đi rồi. Thôi em vào đi để tôi đi bắt Nga vào.
          Lúc đó Nguyệt nghiêm trang nói:
          -    Em đã bảo Nga không thể chết đuối được đâu. Thầy không biết hôm qua Nga giả chết đuối à? Nga đã thú thật với em tối qua là Nga chết giả chết đuối và muốn thử xem thầy sẽ làm gì. Thầy biết đó, Nga nó yêu thầy nhưng có một điều thầy không biết là em với Nga cùng ngày sanh, chúng em có cùng chung một số mạng và có một điều có lẽ chúng em không muốn chung là yêu cùng một người. Nhưng không ngờ ...lẽ ra em là người không biết bơi, em phải chết đuối mới đúng.
          Hòang ù tai, chóang váng. Diễn tiến sự việc xảy ra nhanh thế và không thể tưởng tượng được là Nguyệt đã cả gan nói với mình như vậy. Hòang nghĩ đến chiều qua khi Nga được Hòang bế vào bờ. Hòang đã ôm chặt Nga trên tay không phải do động lực nào khác mà lo sợ trách nhiệm đã để một người dưới sự giám sát của mình gặp nạn. Hòang đã thở hơi vào miệng Nga và hơi thở từ hai lá phổi của Hòang đã thấm vào buồng phổi Nga để tạo oxy cho những mạch máu li ti chạy khắp cơ thể của Nga, chỉ với mục đích làm cho Nga thóat nạn. Nhưng đối với Nga, có lẽ Nga đang nhắm mắt để nếm hương vị những hơi thở ấm áp của Hòang như những nụ hôn đầu đời. Hòang đã bị lừa, mặc dù đó là một cuộc lừa đảo êm ái.
          Hòang hét lên thật lớn:
          -    Sao các người ác với tôi vậy!
          Rồi Hòang chìm xuống. Hòang thấy Nga bơi nhanh về phía mình. Bốn bàn tay của Nga và Nguyệt nắm lấy Hòang như những cái râu của một con bạch tuộc thật lớn.



          (còn tiếp)
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.03.2009 04:53:58 bởi Ct.Ly >
          #5
            BanHien 15.03.2009 11:47:22 (permalink)
            Hai ngày liền Hòang không dẫn cháu ra biển. Trong thâm tâm, Hòang rất muốn ra để tìm lại những phút giây thần tiên đã qua, nhưng lại sợ. Hòang sợ nếu cứ nghĩ đến Nguyệt và Nga, Hòang sẽ bị sa lầy vì Hòang chỉ là một con người bình thường.
            Hòang biết mình có những vấn vương trong lòng với Nga nhưng cũng không thể chiều theo tình cảm của mình vì Nga còn nhỏ. Tuổi trẻ dễ quên, nếu Hòang không tỏ cho Nga biết, Hòang hy vọng sẽ có một lúc Nga quên đi và quên Hòang.
            Với Nguyệt, thật là bất ngờ. Nguyệt được Nga tâm sự hết mọi điều, vậy mà Nguyệt vẫn còn cả gan nói lên tình cảm của mình. Hòang nghĩ có thể chỉ là một lúc bốc đồng mà Nguyệt nói lên như vậy cũng nên. Hòang hy vọng lúc này đây, Nguyệt đã quên những gì mình nói và vẫn hồn nhiên như ngày nào.
            Thấy hai ngày không dẫn cháu ra bãi biển, mẹ Hòang thắc mắc, hỏi Hòang:
            -    Mấy hôm nay anh khó ở hay sao mà không thấy rủ cháu đi biển?

            Hòang vào hùa theo:
            -    Vâng, mấy hôm nay con cảm thấy ơn ớn trong người thành ra chẳng ra biển làm gì.
            Mẹ Hòang tỏ vẻ nghĩ ngợi, nói:
            -    Anh cũng lớn rồi, không lo chuyện gia đình cho thầy mẹ yên tâm. Thầy mẹ có nhờ anh chị Tân mai mối chắc anh đã biết. Nghe nói con gái người ta cũng "công, ngôn, dung, hạnh" đủ cả. Nếu anh bằng lòng thầy mẹ lo liệu ngay. Có vợ có chồng những lúc khó ở có người giúp cho.
            Hòang cười trấn an mẹ:
            -    Hơi gì thầy mẹ lo, thầy mẹ đã có cháu bồng rồi. Phần con, con lo lấy được mà.
            Mẹ Hòang tỏ ý không bằng lòng:
            -    Đâu có được, nhà mình phải có tôn ti trật tự chứ. Anh lớn rồi nhưng còn thầy mẹ, anh là con trưởng đâu có thể chỉ mình anh lo là được.
            Nghĩ là mẹ hiểu lầm lời mình, Hòang giải thích thêm:
            -    Ý con muốn thưa là để con tự tìm hiểu, tìm người. Khi nào muốn thành vợ thành chồng thì con phải thưa với thầy mẹ chứ. Đâu phải cứ mang về, rồi thầy mẹ không nhận dâu thì có chết không.
            Rồi Hòang cười lớn:
            -    Nếu con không lập gia đình, cứ ở vậy thì sao? Đã có cháu Tấn nối dõi tông đường rồi thầy mẹ còn lo gì nữa.
            Mẹ Hòang cũng cười. Ngay từ hồi Hòang còn đang đi học, mẹ Hòang cũng đã lo mai mối chỗ này, chỗ nọ cho con để khi Hòang ra trường làm đám cưới. Hòang cứ khất lần rồi đi Gò công mấy năm. Mùa hè nào mẹ Hòang cũng nhắc đến chuyện vợ, con với Hòang; trong khi đó, ba Hòang đôi khi về hùa với con:
            -    Anh cả nói vậy mà đúng, cứ để tự do đã. Dính vào vợ con sớm làm chi cho mệt.
            Những lúc như thế mẹ Hòang đã ngúyt chồng, kể tội:
            -    Ông thích tự do, vậy năm ông xin lấy tôi ông bao nhiêu tuổi ông còn nhớ không?
            Dĩ nhiên là ba Hòang cầu hòa:
            -    Xưa khác, nay khác. Hồi đó con gái ngòai hai mươi là lo ế dài ra. Phần vì quá mê bà, phần sợ bà ế nên tôi phải xin cưới sớm chứ bộ.
            Mẹ Hòang cũng không vừa:
            -    Tôi ở đó mà ế, chứ không phải ông sợ người khác hỏi tôi mất nên phải ngày đêm học cho xong cái tú tài rồi xin cưới liền.
            Thỉnh thỏang được nghe cha mẹ cãi nhau về những chuyện bâng quơ khiến Hòang buồn cười. Cha mẹ Hòang chỉ có ba người con trai. Hòang nghe mẹ kể lại là khi bà có thai lần thứ tư, hai ông bà mong có được đứa con gái, nhưng chẳng may bà hư thai và ngưng sinh đẻ từ đó.
            Hòang không bay bướm như hai em. Cả hai em đều bị cha mẹ ép lập gia đình sớm để có người kìm chân vì kỷ luật nhà binh cũng không đưa các cậu vào khuôn khổ được. Quả nhiên cả hai ông bà đã quyết định đúng. Hai cô em dâu của Hòang đều ngoan và hiền nhưng tài trị chồng thì không biết làm sao mà hai chàng cứ nhũn như con chi chi sau khi có vợ. Thỉnh thỏang Hòang chọc các em:
            -    Thấy các chú mà tôi ớn. Ngày xưa tác oai tác quái bao nhiêu mà bây giờ "vợ gọi dạ, con bảo vâng". Các chú còn như vậy huống chi tôi, lấy vợ để cho vợ "đì" thì thà ở vậy còn hơn.
            Các em Hòang thường sửa ông anh:
            -    Chứ không phải anh chẳng có ma nào ngó nên cứ phải ôm gối một mình. Nghe nói bên Nhật Bổn họ có sản xuất lọai gối ôm đặc biệt. Thế nào cũng phải kiếm cách mua tặng anh một cái thôi.
            Mấy năm trước, Hòang chẳng hề nghĩ hoặc để ý đến ai. Có bạn còn chọc Hòang là "bê đê" nhưng Hòang chỉ cười. Có bạn còn nói là tại Hòang quá kén, coi chừng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" cũng nên.
            Thế mà chỉ trong vòng có một niên học, mọi sự thay đổi hòan tòan. Hòang thực sự biết rung động, xao xuyến, nhớ nhung và biết chắc có người để ý hoặc yêu thương mình. Hòang lại nhớ đến Nga, nhớ hôm đầu tiên nhìn Nga trong lớp học. Nhớ giây phút thấy dáng Nga trên bãi biển chiều hôm. Nhớ lúc bế Nga vội vã vào bờ sợ Nga chết đuối. Nhớ những gịot nước biển mặn trên môi Nga thấm vào miệng mình lúc làm hô hấp nhân tạo cho Nga. Nhớ đôi bàn tay đặt lên ngực Nga để làm động tác hồi sinh. Tự nhiên Hòang cảm thấy đôi môi mình như tê dại, đôi bàn tay trở nên tội lỗi vì lúc đó Nga tỉnh, thật tỉnh, chứ không mê.
            Vô tình, Hòang đã hôn trên đôi môi của một người con gái. Vô tình, Hòang đã đặt tay lên bờ ngực êm ái của một người con gái. Có lẽ lúc giả chết đuối Nga cũng chẳng biết Hòang sẽ làm gì. Hòang phải công nhận Nga thật lỳ và giả chết thật hay. Đến độ cả Hòang và Nguyệt đều không biết là Nga đã giả chết đuối.
            oOo
            Ngày hè qua mau. Hòang vào Saigon một tuần trước khi khai giảng để họp hội đồng và nhận Thời khóa biểu. Chỉ có vài tuần mà biết bao thay đổi: Tân được bổ nhiệm làm Tùy viên quân sự cho một sứ quán đồng minh ở Nam bán cầu. Tân và gia đình sẽ sang Úc trước Noel nên bà chị họ của Hòang càng muốn đám cưới của Hòang đến thật nhanh:
            -    Anh chị mong cậu và Miên kết hôn trước khi anh chị đi để nhờ hai người trông coi nhà cho anh chị.
            Hòang cười ha hả:
            -    Hóa ra chị bàn chuyện lợi cho chị thôi. Không có Miên bộ chị không tin mà giao nhà cho em sao. Nói cho chị buồn năm phút: muốn Hòang này coi nhà hộ phải thuê chứ thân này không ở coi nhà "chùa" đâu.
            Khi được vị giám học trao cho tờ Thời khóa biểu, Hòang giật mình từ chối ngay:
            -    Xin thầy thông cảm cho, dạy lớp nào cũng được nhưng tuyệt đối không phải các lớp Đệ nhị và nếu được các lớp khác buổi càng tốt.
            Vị giám học không bằng lòng:
            -    Thầy không cho biết trước, thêm vào đó theo học trò lên lớp càng dễ dạy chứ sao vì thây biết trò, trò biết tính thầy rồi.
            Hòang năn nỉ:
            -    Chuyện khó nói lắm, nhưng xin thầy thông cảm cho để có giờ đi học thêm và kiếm thêm tý cháo.
            Vị giám học suy nghĩ một lúc rồi nói:
            -    Cũng được, xếp lại cho thầy các lớp Đệ Tam. Có cô Hạnh mới trình diện sáng nay để cô dạy các lớp Đệ Nhị cũng được.
            Dù không được như ý muốn là không dạy các lớp đệ Nhị và khác buổi, nhưng Hòang phải chấp nhận và chỉ còn biết cầu xin hai chữ "bình an". Một lần đã gần chết với các nữ sinh đệ Tam, đừng để xảy ra lần thứ nhì.
            Hòang đến trường dạy đúng giờ và hết giờ là ra về ngay. Ngòai giờ dạy thêm tại một trường tư, Hòang còn nhận dạy ở các lớp luyện thi do Tính tổ chức nên cũng bận cả tuần. Các giờ ở trường chính được trải đều trong 4 buổi sáng và các giờ dạy phụ được trải đều trong 4 buổi chiều thành ra trục lộ Phan Thanh Giản, Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký, Trương Tấn Bửu, Võ Tánh và Võ Di Nguy trở thành những con đường quen thuộc Hòang phải đi hàng ngày.
            Trời bắt đầu mưa khi Hòang vừa quẹo trái từ Trương Tấn Bửu qua Trương Minh Giảng. Mưa nặng hạt và đổ ào xuống khiến Hòang phải tắp vào cổng Viện Đại Học Vạn Hạnh đứng trú. Hòang nhìn đồng hồ, còn sớm, có mưa cả tiếng nữa Hòang cũng chẳng quan tâm. Dòng Chúa Cứu Thế có cả mấy lễ vào các chiều thứ Bảy. Hòang nghĩ nếu có quay về thì Chúa cũng đã chấp nhận công lao của Hòang rồi. Hòang mỉm cười, nghiêng đầu ra ngó trời và lúc quay lại chạm ngay ánh mắt của Giang trong số trên chục người đang đứng trú mưa.
            Tim Hòang đập thật mạnh, Hòang dựng xe bước đến bên Giang hỏi một câu hơi thừa:
            -    Ủa, Giang trú mưa ở đây à?
            Giang nhận ra Hòang ngay dù chỉ mới gặp nhau một lần. Giang làm sao quên được lần gặp gỡ ấy vì nó lạ, thật lạ và Giang tâm niệm sẽ cất dấu cho riêng mình. Giang còn sợ là sẽ còn phải gặp lại "anh ấy" rất nhiều vì "anh ấy" là bạn của chị Tuyền. Người ta có khi chỉ gặp nhau một lần nhưng nhớ nhau muôn đời.
            Thấy Giang chưa trả lời Hòang sợ lầm người. Lầm làm sao được, ánh mắt ấy làm Hòang mất ăn, mất ngủ. Ánh mắt cắt sâu vào trái tim Hòang, Hòang không thể lầm:
            -    Chào Giang, Giang đi đâu mà trú mưa ở đây?
            Lúc đó Giang mới như tỉnh lại, chỉ vào phía trong, đáp:
            -    Giang học trong này mà, vừa ra đến đây gặp trời mưa. Chạy vào cũng ướt nên đứng đây đợi cho chắc ăn.
            Hòang và Tuyền chưa khi nào nói chuyện về Giang. Hòang dù muốn biết cũng không thể hỏi, chỉ biết lờ mờ là Giang đang học đại học. Hòang hỏi:
            -    Giang học gì ở đây?
            -    Giang học Kinh Tế Thương Mại. Năm ngóai Giang xin bố mẹ lên Đà Lạt học Chánh Trị Kinh Doanh, nhưng mẹ bảo tốn kém qúa nên vào Vạn Hạnh vậy. Giang xin học Thương Mại vì ngành học này dễ kiếm việc khi ra trường.
            Những năm gần đây, các trường đại học tư đã tỏ ra đáp ứng nhu cầu hơn là các trường đại học chính quy. Nhất là qua sự thành công vượt bực - ít ra trên đường công danh - của các sĩ tử xuất thân từ trường Chánh Trị Kinh Doanh Đà lạt ở hai ba năm đầu. Cả hai chị em Giang đều chọn ngành Thương mại nhưng Hòang không rõ vì lý do gì Tuyền bỏ ngang.
            Mưa nhẹ hạt rồi ngưng hẳn. Một số người trú mưa đã tiếp tục lên đường, chỉ còn vài cô do áo dài mỏng sợ ướt sẽ thành chuột lột. Hòang nhớ lại thuở còn đi học bằng xe búyt, đọan đường Phú Nhuận - Bà Chiểu thật vui vào những ngày mưa. Thế nào bọn Hòang cũng có cơ hội bàn tán đến các nữ hành khách cùng tuyến đường đi học, hoặc về học như bọn Hòang.
            Thấy Giang không dắt xe, Hòang mở lời:
            -    Giang đã định về chưa để anh đưa về?
            Hòang chưa hề xưng anh với một người con gái nào ngọai trừ những người thân. Đàn ông, con trai cũng lạ, thích được phái nữ gọi bằng anh. Ông nào bị gọi bằng chú là bụng dạ lo nơm nớp vì như vậy là không còn cơm cháo gì. Chẳng thế mà còn có ông vung vít viết "Xin đừng gọi anh bằng chú", nhất là đã có nhiều trường hợp như truyện của Chu Tử khi cháu bắt đầu "yêu" chú từ cái ngày chú "công kênh" cháu đi tắm biển.
            Giang cười, đáp:
            -    Để Giang về một mình cũng được, anh đi lo công việc của anh đi.
            Lại là lần đầu tiên Hòang được nghe một người gọi mình bằng anh. Miên, dù có thể cũng đóan lờ mờ về việc Hòang đến nhà mình nhưng vẫn gọi Hòang là thầy. Nga và Nguyệt công khai nói yêu Hòang nhưng vẫn phải gọi Hòang là thầy. Tuyền có lẽ gọi Hòang là thầy theo thói quen. Chỉ có Giang là người đầu tiên gọi Hòang là anh, có lẽ Giang coi Hòang là bạn của chị chăng, nên xưng hô cách ấy. Hòang đáp:
            -    Chiều nay thứ Bảy, tôi hay đi Dòng Chúa Cứu Thế dự lễ vậy thôi, chẳng có công việc gì quan trọng hết, để anh đưa Giang về cũng được.
            Khi "tôi", khi "anh". Hòang tự nhiên bối rối và khớp dưới ánh mắt của Giang. Hòang chẳng giật mình trong những giấc mơ và rung động, hồi hộp khi nghĩ đến ánh mắt ấy hay sao.
            Mưa đã tạnh hẳn, Hòang đạp máy xe và mời Giang ngồi yên sau. Y hệt Tuyền lần đầu ngồi xe của Hòang, Giang cũng lấy thế ngồi cẩn thận trước khi Hòang vào số, rời cổng trường Vạn Hạnh. Không ngờ xe của Hòang mới chở có hai người con gái mà lại là hai chị em.
            Hòang chạy theo đường Trương Minh Giảng, tới Trần Qúy Cáp mới quẹo phải đi về hướng Bàn Cờ. Dọc đường Hòang hỏi Giang về việc học của Giang. Đến ngã tư Lê Văn Duyệt - Trần Qúy Cáp, Hòang đề nghị với Giang:
            -    Mình ghé chỗ nào uống nước đi để anh nghe thêm chuyện của Giang chứ, đâu có dịp may cho anh như thế này:

            Hòang nói vậy có hai mục đích, thứ nhất Hòang muốn nói chuyện thêm với Giang và thứ nhì nếu Hòang có đến nhà Giang, Hòang cũng chẳng gặp được Giang, vì mọi người đều cho là Hòang đến với Tuyền và để Tuyền tiếp Giang.
            Cả hai vào một quán kem. Sau khi ngồi vào bàn, Hòang gọi cho Giang một ly kem theo ý Giang, cho mình một ly cà phê sữa và tiếp tục câu chuyện:
            -    Anh chưa gặp mẹ Giang nhưng nghe Lan nói mẹ Giang đẹp lắm, chắc Giang giống mẹ nhiều hơn.
            Biết Hòang gián tiếp khen, Giang đỏ má:
            -    Người ta bảo con gái giống cha mới tốt, chị Tuyền giống ba hơn. Mẹ Giang đẹp hơn Giang nhiều vậy mà nhiều người bảo vì đẹp nên số không giầu. Mẹ Giang chẳng phiền hà gì hết mà còn rất hãnh diện về chồng con.
            Khi nói chuyện với Tuyền, mỗi khi nói về ba má Tuyền bao giờ Hòang cũng gọi là "bác". Khi nói chuyện với Giang, tự nhiên Hòang thấy gần gũi thân mật hơn nhiều nên trong câu chuyện Hòang gọi mẹ của Giang là "mẹ" và thấy nó rất ăn khớp với các lời nói.
            Ngay phút đầu gặp lại Hòang, Giang thấy xao xuyến và bàng hòang. Biết mình không thể tránh khỏi sự lôi cuốn của Hòang nếu Hòang mở lời đi đâu, hay đi tới bất cứ chân trời nào chắc Giang cũng không thể từ chối. Nếu đời người có một "cú đờ phút" thì lúc Giang mở cánh cổng sắt nhỏ cho chị vào nhà chính là lúc Giang bị "cú đờ phút" trong cuộc đời.
            Tình cảm nói chung và tình yêu trai gái nói riêng, nó có nhiều cái éo le rắc rối. Đã là người phàm không ai mạnh miệng bảo mình thóat được. Trái tim của mỗi người tuy có cấu trúc giống nhau và làm công việc quan trọng như nhau nhưng khi rung động hầu như không ai giống ai. Nếu thình lình tim của một người rung cùng tần số với một người nào đó thì hoặc là éo le rắc rối thêm hoặc là rất đơn giản và thật thơ mộng, nhẹ nhàng.
            Ngòai trời lại có vẻ muốn mưa. Hòang thấy cần phải đưa Giang về trước khi Tuyền đi làm về. Tự nhiên Hòang cảm thấy thẹn với lòng và sợ Tuyền biết chuyện. Hòang muốn trốn chuyện Hòang đã rủ Giang đi, không muốn cho Tuyền biết. Hòang nói với Giang:
            -    Thứ Bảy nào Giang cũng có giờ học ở Vạn Hạnh à?
            Giang đáp:
            -    Vâng, tại ông thầy là Thứ trưởng của một bộ nên ông chỉ dạy chiều thứ Bảy. Giang thấy các trường họ khôn lắm. Họ cố gắng mời mấy ông lớn dạy để khi học trò ra trường dễ kiếm việc, và nhờ vậy trường dễ được coi là thành công. Không phải nói, thế lực bên Công Giáo họ mạnh lắm nên trường Dalat bây giờ thiếu gì người làm lớn. Ở nước ta có cái tật phe phái, cùng xuất thân một chỗ người ta giúp nhau hết mình. Giang còn nhớ vài năm mới đây, và cả ngay bây giờ, chúng ta có phe Mỹ về và phe Pháp về. Họ sẵn sàng đè nhau, thậm chí còn bôi bẩn nhau nữa.
            Hòang hắng giọng, cười. Giang tiếp:
            -    Xin lỗi, anh đi Dòng Chúa Cứu Thế nên chắc anh là một người Công Giáo, Giang có động chạm gì đến anh không?
            Hòang sợ lại quay qua chuyện khác lung tung, nên đi thẳng vào vấn đề:
            -    Như vậy cứ thứ Bảy anh đến đón Giang ở trường, sau đó mình đi chơi một lúc rồi hãy về được không?
            Giang không ngờ Hòang ngỏ ý đúng như ý muốn của mình. Giang nghĩ có lẽ sự "thần giao cách cảm" của hai người đã được thăng hoa. Nhưng Giang còn ngại vì Hòang và Tuyền đã quan hệ với nhau công khai, nhiều người biết. Nếu ai bắt gặp Giang đi với Hòang họ sẽ nghĩ sao. Giang e dè đáp:
            -    Tùy anh, nhưng Giang sợ người đời dị nghị.
            Hòang biết ngay Giang ngại chuyện giữa Giang và Tuyền, nếu Giang cứ đi chơi với Hòang. Để trấn an, Hòang nói:
            -    Anh biết Giang nghĩ gì. Không sao đâu.
            Tuy nói mạnh như vậy nhưng cả Hòang lẫn Giang đều tính tóan giờ giấc rất kỹ trong những lần đi chơi, sau mặc dù không ai nói lý do tại sao.
            oOo
            Thấm thóat đã tới ngày gia đình Tân phải lên đường sang Úc nhận việc. Hòang bằng lòng dọn sang nhà Tân coi nhà và tìm người cho thuê hộ trong 3 năm hoặc hơn. Tân còn nói đùa với Hoàng:
            -    Nhận được tin cậu và Miên thành hôn anh chị về ăn cưới ngay, và cứ để cậu và Miên ở nhà này cho đến khi mua tổ ấm mới. Anh chị đi 3 năm nhưng có thể hơn.
            Hôm tiễn gia đình Tân ở Tân Sơn Nhất, Miên thông báo là đã hòan tất học trình và muốn được bay nhảy đó đây. Ước mong của Miên là được làm trong ngành ngọai giao, ngọai trừ có việc gì đó kéo chân Miên lại. Nghe đến đấy người chị của Hòang nháy Hòang:
            -    Cậu mà không níu Miên lại để nó bay đi mất đừng có hối nhé.
            Hòang cười, nói với người chị:
            -    Đã bảo là chuyện đâu còn đó. Nếu có duyên có nợ thì dù Miên có lên trời đi chăng nữa em cũng tìm đến.
            Từ ngày gia đình Tân rời Việt Nam, Hòang bận thêm một việc là phải lo nấu nướng lấy. Bà Tân có giới thiệu chỗ nấu ăn tháng cho Hòang, nhưng Hòang quyết định thử tự túc một thời gian xem sao. Do ăn bữa đực bữa cái, Hòang xuống cân mà không biết cho tới một ngày đang cùng Giang đi dạo trên bến Bạch Đằng thì gặp Nguyệt và Nga. Vừa thấy Hòang, Nguyệt nhanh nhẩu lên tiếng ngay:
            -    Chào thầy, lâu lắm mới gặp lại thầy, thầy hồi này sao ốm vậy?
            Trong phút chốc, những kỷ niệm hơn nửa năm trước quay về thật nhanh. Hòang liếc nhanh xem phản ứng của Nga. Nga vẫn như xưa, vẫn đôi mắt vời vợi hướng về Hòang nhưng như nhìn vào khỏang không gian thật xa. Hòang cười, nói:
            -    Cám ơn em đã hỏi thăm, các em đi dạo mát hả?
            Lúc này Giang mới để ý, quả thật Hòang có vẻ gầy hơn một chút. Giang gặp Hòang gần như mỗi tuần nên không thấy được sự thay đổi trên Hòang. Nguyệt nhìn Giang rồi như nhận ra:
            -    Chị là chị Giang bạn học chị Thanh của em phải không ?
            Đúng là trái đất tròn, Hòang nghĩ trong đầu. Saigon có mấy triệu người vậy mà có mấy cô gái Hòang biết đến đều liên hệ với nhau cách này hoặc cách khác. Hòang mỉm cười khi nghĩ đến chuyện Nga và Miên, nếu hai người lại quen biết nhau nữa thì đúng là đủ bộ.
            Chiều đã xuống thấp, gió sông mát rượu thổi lên và len lỏi qua những cặp tình nhân nắm tay nhau đi dạo hoặc ngồi trên ghế đá bên bờ sông. Thật hạnh phúc cho những người đang yêu nhau. Hoàng tự hỏi mình đang ở trong sự hạnh phúc đó hay không nhưng vẫn chưa thấy câu trả lời thoả đáng. Hoàng đang có Giang bên cạnh nhưng lại mất đi cái khắc khoải, nhớ nhung lúc ban đầu. Khi người ta no, người ta không còn thấy miếng ăn là qúy chăng?
            Đầu tuần, khi đến trường, Hoàng gặp Tuyền ngay trước của phòng giáo sư. Khi Hòang vui vẻ chào Tuyền, Tuyền đã đổ vào Hòang một bát nước lạnh:
            -    Sao thầy không đến nhà chơi mà phải lén lút hẹn hò em Giang như vậy?
            Như vậy là Tuyền biết chuyện, Hòang không thể tránh nữa, tuy hơi mất bình tĩnh nhưng vẫn ôn tồn:
            -    Thực ra chuyện đâu còn có đó, để từ từ tôi sẽ giải thích rõ, chuyện đó nói ra ở đây không tiện.
            Hòang không ngờ chỉ một chút lơ đễnh mà sự thể trở nên trầm trọng đến thế. Hòang không biết tại sao Tuyền biết chuyện Giang và Hoàng. Do Nga và Nguyệt kể lại cho Tuyền chăng? Hòang và Giang đi chơi với nhau mỗi tuần cả mấy tháng nay thì không cần ai nói chắc Tuyền cũng biết. Cũng tại Hòang hết, tại sao lại không cho Tuyền biết ngay từ lúc đầu mà cứ tránh né. Hòang không nói gì thêm, vào kệ lấy mấy viên phấn rồi đi thẳng đến lớp dậy.
            Tan giờ dậy, Hòang đi thẳng đến nhà Giang. Hòang chần chừ một lúc rồi gõ cửa. Một người đàn bà bước ra mở cửa hỏi Hòang:
            -    Cậu muốn tìm ai?
            Hòang đóan chắc chắn đó là mẹ của Giang vì bà rất giống mẹ của Lan, và như Lan nói bà đẹp hơn mẹ Lan nhiều lại còn rất trẻ. Hòang đáp:
            -    Cháu là bạn làm cùng trường với Tuyền...
            Chưa để cho Hòang nói hết câu, người mẹ nói ngay:
            -    Em Tuyền đi làm chưa về, sao cậu về sớm vậy?
            Hòang thấy hớ vì câu giới thiệu của mình, nên quay qua cách trực tiếp hơn:
            -    Cháu đứng lớp nên chỉ ở trường có một số giờ nhất định. Cháu đến để gặp em Giang.
            Lúc này mẹ của Giang vui vẻ và thân mật hơn. Bà đoán biết Hoàng là ai, bà có cảm tình ngay vì ít ra Hoàng cũng là một đồng nghiệp với chồng bà. Lại nữa, Hoàng là người làm việc cùng chỗ với con lớn của bà và có thể là người đang đeo đuổi con thứ của bà. Bà nói:
            -    Em Giang đi học đến chiều mới về, mời cậu đến chiều trở lại.
            Hòang không thể làm sao hơn được, xin cáo từ:
            -    Cũng chẳng có gì quan trọng, nhờ bác nhắn lại với Giang là có cháu tới, cháu sẽ gặp lại Giang sau.
            Sáng hôm sau, khi vừa đến văn phòng trường, Hòang đảo mắt ngay qua chỗ Tuyền nhưng không thấy Tuyền đâu. Giờ ra chơi, Hòang đến gặp bác kế tóan viên và được biết Tuyền không đi làm hôm nay, không ai rõ lý do. Trong giờ chơi, phòng giáo sư nhộn nhịp hẳn lên vì bộ giáo dục cho trường đến hai học bổng tu nghiệp ở ngọai quốc, vậy mà Hòang cũng không để ý. Vừa hết giờ dạy, Hòang đi đến nhà Tuyền ngay và mạnh dạn gõ cửa. Hòang thấy cần phải giải quyết mọi chuyện cho xong.
            Mẹ của Tuyền ra mở cửa, khi thấy Hòang, bà tỏ vẻ khác hẳn ngày hôm qua:
            -    Cậu là thầy giáo Hòang phải không? Nhà này không có ai muốn tiếp chuyện với cậu hết.
            Hoàng biết chuyện chẳng lành đã xảy ra cho Hoàng và Giang. Hoàng tỏ vẻ nài nỉ:
            -    Cháu biết tất cả mọi chuyện là lỗi của cháu, cho cháu gặp Giang để giải thích.
            Hoàng cố tình không nhắc đến Tuyền để cho câu chuyện bớt phức tạp. Bà mẹ lạnh lùng từ chối:
            -    Tôi đã bảo là nhà này không ai muốn tiếp cậu hết, cậu đi về đi. Xin chào cậu.
            Tới tình cảnh này, Hoàng đành chào, ra về:
            -    Cháu sẽ đến nhà thưa chuyện với hai bác sau. Có lẽ lúc này bác và em Giang còn bối rối nên cháu xin chào bác, cháu về:
            Hoàng nổ máy xe, ra về. Hoàng không thấy buồn nhưng thấy hơi thẹn với chính mình, và thấy mình hơi nhát vì đã không nhìn thẳng vào sự thật ngay từ lúc đầu. Tự nhiên Hoàng có ý định bỏ đi, đi thật xa nơi này để không còn thấy mà nhớ gì hết. Những tình cảm của Hoàng với Nga, Nguyệt, Giang và Tuyền sẽ như những cơn gío thoảng, nhẹ nhàng, êm đềm, chua cay nhưng thật lãng mạn.
            Hoàng sẽ quên Nga, quên hơi thở ấm áp, run rẩy vì lo lắng của Hoàng kề trên miệng Nga. Hoàng sẽ quên hình ảnh bàn tay Hoàng đặt trên ngực Nga, mà qua lớp áo tắm ướt Hoàng đã nhìn thấy Nga đang trổ lớn. Hoàng sẽ quên ánh mắt vời vợi của Nga, ánh mắt làm Hoàng quên ăn quên ngủ và mơ đến từng đêm.
            Hoàng sẽ quên Nguyệt, quên hẳn lời tỏ tình mạnh dạn trong lúc vội vã của Nguyệt. Quên hẳn cái hồn nhiên lúc nào cũng rạng rỡ trên ánh mắt, trên đôi môi của Nguyệt. Hoàng sẽ quên hẳn những lông tơ trên bờ vai Nguyệt đã dựng đứng lên khi Nguyệt tập bơi trên tay Hoàng. Hoàng sẽ quên hẳn hơi thở của Nguyệt nhẹ nhàng sau gáy của Hoàng. Hoàng phải quên hẳn.
            Hoàng sẽ phải quên Giang, quên người tình nhân đúng nghĩa đầu đời. Sẽ không còn những chiều thứ Bảy đi ăn kem. Sẽ không còn những chiều thứ Bảy giải thích cho Tuyền sao Dòng Chúa Cứu Thế đông người đến dự lễ như vậy. Quên lúc Giang đã quỳ bên hang đá Đức Mẹ Lộ Đức thầm xin một điều gì.
            Hoàng sẽ quên Tuyền thật nhanh vì giữa Hoàng và Tuyền không có gì nhiều để nhớ. Và Hoàng cũng sẽ quên Miên, dù có những lúc Hoàng coi Miên thân thiết như người nhà.
            Sau khi nhận được thư của Giang cho biết Giang sẽ lên Dalat học và xin Hoàng hãy quên Giang đi mà trở về với Tuyền. Hoàng quyết định nộp đơn xin đi tu nghiệp và học thêm ở ngoại quốc. Hoàng hy vọng sau khi học xong Hoàng sẽ xin làm về nghiên cứu trên bộ chứ không đi dạy nữa.

            oOo
            Nhận tin của bộ Giáo dục cho biết đã được học bổng, Hoàng lo báo cho bố mẹ cùng các em và gia đình Tân. Gia đình người em gái út của Tân phải lo chăm xóc nhà cửa cho Tân sau khi Hoàng rời Saigon. Hoàng xin phép nghỉ ít ngày để di chuyển đồ đạc cá nhân vễ Vũng tàu và sẵn sàng lên đường.
            Bố mẹ Hoàng và đứa cháu nội lên Saigon tiễn Hoàng. Hôm ra phi trường Hoàng còn thấy có mặt Nga và Nguyệt. Giang không đến tiễn vì đã lên Dalạt. Gia đình Tính cũng có mặt đủ ở phi trường. Gia đình Minh biết Hoàng đi nhưng Miên không ra tiễn. Hoàng thấy chuyện không cần thiết lắm.
            Trong lúc mẹ Hoàng đang nhắn nhủ con như tất cả những người mẹ, Nguyệt và Nga cùng tới chào Hoàng. Mẹ Hoàng nhận ra ngay:
            -    Hai cháu cũng đi tiễn thầy Hoàng hả?
            Hoàng, Nga và Nguyệt cùng cười. Hoàng nói:
            -    Vậy mà chẳng mấy chốc hai em sẽ xong trung học. Thầy mong các em luôn chăm chỉ và chúc các em đậu cao ...
            Nguyệt vẫn nhanh miệng nói ngay:
            -    Để được học bổng và chúng em sẽ xin sang cùng chỗ với thầy.
            Hoàng thấy Nga đưa tay nhéo Nguyệt. Hoàng biết bây giờ có nói đùa cũng chẳng sao:
            -    Như vậy cũng tốt thôi, nhưng nếu gặp nhau ở ngoại quốc thì thầy sẽ không đi tắm biển chung với các em nữa đâu.
            Máy bay cất cánh. Thế là Hoàng đã bỏ lại sau lưng được nhiều thứ và hy vọng khi nhớ đến sẽ không là cái khắc khoải, mất ăn, mất ngủ. Nỗi nhớ ấy chỉ còn là những kỷ niệm, những kỷ niệm thầm kín, chỉ có những người trong cuộc mới thấy đẹp.
            Sau gần 12 giờ bay, người phi công cho biết chiếc máy bay sẽ đáp xuống Auckland trong ít phút. Giờ này Auckland đang là mùa hè, khá nóng. Sau mười mấy tiếng Hoàng đã đi từ một vùng đang cuối Đông sang vùng đang giữa Hè. Hoàng còn nhớ lời của mẹ dặn Hoàng ở tân Sơn Nhất:
            -    Nghe nói bên Tân Tây Lan lạnh lắm, con phải lo cho đủ áo ấm đấy nhé.
            Hoàng mỉm cười, thấy thương mẹ vô vàn. Lúc nào mẹ cũng coi Hoàng như một đứa trẻ.
            Lấy hành lý xong, Hoàng ra bên ngoài. Trong lúc còn nhớn nhác, lạ nước lạ cái, Hoàng nghe có người gọi tên mình nên quay về hướng có tiếng gọi. Hoàng nghĩ có thể các du học sinh đi những năm trước ra đón Hoàng chăng. Hoàng ngạc nhiên, dụi mắt, người đứng trước mặt Hoàng chính là Miên, Hoàng lên tiếng:
            -    Miên ! sao Miên ở đây?
            Miên cười đáp:
            -    Miên nghe chú Tân bên Úc báo là thầy sang Tân Tây Lan học nên ra đón. Cũng nhờ ba và chú thu xếp nên Miên vào được ngành ngoại giao. Miên hiện làm cho toà lãnh Việt Nam sự ở Auckland. Mình có toà đại sứ, nhưng ở thủ đô chứ không ở đây.
            Miên vẫn gọi Hoàng là "thầy", Hoàng cười, nói:
            -    Lẽ ra hai ngày nữa tôi mới đi với một số bạn cùng đợt, nhưng anh Tân đánh điện tín về bảo tôi nên qua trước ít ngày. Đâu ngờ được gặp Miên ở đây.
            Hoá ra Tân đã thu xếp để cho hai người tự nhiên hơn. Đi chung với hơn chục người nữa làm sao Hoàng có thể xé lẻ, nếu Miên ra đón thế này.
            Như một người rành đường đất, Miên dẫn Hoàng ra bãi đậu xe để đưa Hoàng đến đại học xá, nơi Hoàng cư ngụ. Chiếc xe rời phi trường và bắt đầu tăng tốc độ. Do xe chạy lề bên trái nên Hoàng cảm thấy những chiếc xe chạy ngược chiều như đang đâm vào mình. Hoàng thấy lâng lâng, chóng mặt, không biết vì xe cộ, vì mới xuống máy bay hay do hương thơm dịu từ phấn kem thoa mặt của Miên toả ngập trong chiếc xe nhỏ đóng kín cửa.
            Máy lạnh của xe bắt đầu có hiệu quả. Hoàng thấy sảng khoái hơn, nhẹ đưa mắt sang nhìn Miên. Đúng lúc đó Miên cũng đưa mắt sang nhìn Hoàng định nói điều gì. Bốn ánh mắt chạm nhau thật nhanh và cả hai cùng im lặng.
            Hoàng mỉm cười nhớ lại lời nói với người chị họ: "Nếu có duyên có số, dù Miên ở tận đâu em cũng sẽ đến gặp được Miên".



            (Hết)

            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9