Những Cơn Gió Thoảng
BanHien 20.02.2009 17:25:59 (permalink)




Khi thấy hai người cùng họ, cùng cả chữ lót thứ ba, và tên gọi rất gần gũi với nhau Hòang tưởng Nguyệt và Nga là hai chị em. Một hôm, khi dẫn xe ra cổng trường vào giờ chơi, thấy Nguyệt và Nga đi chung với nhau Hòang hỏi:
-    Hai em là chị em ruột hả?
Nguyệt cười lớn:
-    Không, nhưng thầy mới chỉ hỏi tụi em là chị em ruột thôi. Có vị còn tưởng tụi em là chị em sinh đôi nữa vì hai đứa em cùng ngày sanh.
Nga tiếp luôn:
-    Hai đứa em chẳng những không phải là chị em mà chẳng bà con họ hàng gì hết. Quê em ở Vĩnh Long trong khi quê Nguyệt ở Trảng Bàng.
Hòang cười, nói bâng quơ:
-    Lạ ha, thôi thầy phải đi qua trường khác cho kịp. Lúc nào sẽ hỏi hai em sao lại có sự trùng hợp hi hữu vậy.
Hòang chẳng hiểu sao mình lại thắc mắc lảng xẹt như vậy. Hòang nghĩ mấy cô học trò láu cá này thấy Hòang mới về nên chọc cho vui. Thế nào chúng cũng có liên hệ gì đó với nhau chứ sao lại giống nhau và thân thiết với nhau như thế.
Hôm sau, muốm tìm ra sự thật, Hòang vào văn phòng hỏi cô thư ký học vụ:
-    Cô cho tôi mượn hồ sơ lớp đệ Tam A2 một chút.
Cô thư ký đứng bên cạnh trong lúc Hòang lật hồ sơ xem. Cầm hai tờ khai sinh của Nguyệt và Nga, Hòang hỏi cô thư ký:
-    Cô thấy có lạ không, hai đứa giống nhau, cùng họ, gần như là cùng tên, cùng ngày, tháng, năm sinh mà chẳng liên hệ gì với nhau hết. Hôm qua chúng nó nói nhưng tôi không tin. Học trò đời này mà, nhưng bây giờ tin rồi.
Lúc đó cô thư ký mới để ý:
-    Ừ há! Sao thầy mới về mà để ý chuyện này. Tôi đây có bao giờ để ý đến chúng nó đâu. Mà thầy biết không, hai đứa tụi nó như sam vậy.
Hòang trả chồng hồ sơ lại cho cô thư ký, cám ơn cô và sang phòng giáo sư ngồi đợi đến giờ lên lớp. Lại một lần nữa Hòang không hiểu tại sao Hòang để ý đến chuyện này.
Tuần sau đó, trong lúc đưa tay ra dấu cho cả lớp ngồi xuống, Hòang thấy Nguyệt ra hiệu cho Nga điều gì nhưng Nga lắc đầu. Hòang bắt đầu hai giờ liên tiếp như thường lệ. Đây là lần thứ tư Hòang có giờ ở lớp này.
Một hồi chuông reo, Hòang dặn dò thêm vài điều cho tuần sau rồi xách cặp đi ra. Cả lớp đứng dậy, Hòang bước ra khỏi cửa nhưng Nguyệt ra theo:
-    Thưa thầy …
Hòang đứng lại hỏi:
-    Em muốn hỏi chuyện gì?
-    Không, tại sao thầy không tin tụi em?
Thì ra cô thư ký chắc đã nói gì với Nguyệt và Nga. Cũng có thể cô chỉ tò mò muốn hỏi thêm hai đứa. Hòang cười trả lời:
-    Thầy tin chứ nhưng cũng muốn chắc, bây giờ thì tin thật rồi.
Lúc đó Nga cũng đã ra tới nơi. Nga nhìn Hòang có vẻ trách móc. Nhìn thấy đôi mắt của Nga tự nhiên Hòang thấy như hồi còn nhỏ đi chơi đêm bị các bạn chọc: hình như có một luồng điện chạy dọc xương sống của Hòang. Hòang phải chấm dứt câu chuyện:
-    Thầy tin rồi. Thôi thầy phải đi cho kịp.
Thật khổ tâm cho Hòang khi phải chấm bài của Nguyệt và Nga vì cả hai làm bài hầu như giống nhau hòan tòan. Hòang biết, khi bạn bè thân nhau rất dễ giúp nhau trong vấn đề bài vở. Nhưng nếu Hòang đi đến kết luận là “hai em chép bài của nhau” thì có thể độc đóan quá chăng. Để cho công bằng trong lớp, một lần khi trả bài tập cho cả lớp, Hòang bảo:
-    Hai em Nguyệt và Nga vào giờ chơi mang bài vừa trả lên văn phòng gặp tôi.
Nguyệt và Nga có lẽ đóan ra chuyện gì nên khi lên văn phòng gặp Hòang, Nga đã nói ngay:
-    Chắc thầy nghi chúng em chép bài nhau chứ gì? Chúng em có học chung và bàn luận chung nhưng sau ai về nhà nấy làm bài.
-    Thế thì cũng như chép bài của nhau, vì các em còn giữ giấy nháp.
Rồi Hòang trấn an:
-    Nhưng thôi, các em học chung như là học nhóm cũng tốt thôi. Có điều là phải nhớ bài chứ đừng ỷ vào nhau để các bạn khác phải thua thiệt.
Hòang chỉ nói vậy vì thấy cũng không cần thiết khi Nguyệt và Nga, cả hai hầu như thông minh như nhau. Giá mà một giỏi và một yếu thì Hòang có thể quyết đóan ngay. Hòang quyết định đợi bài thi lục cá nguyệt hoặc coi lại học bạ những năm trước của Nguyệt và Nga. Thấy ngại lại phải giải thích này nọ với cô thư ký, nên Hòang không coi học bạ nữa mà đợi bài thi lục cá nguyệt.
Thường mỗi tháng Hòang chỉ ra bài kiểm tra một lần là cùng. Như vậy cũng phải chấm ngót 400 bài đó là chưa kể hơn 200 bài ở trường khác. Thường Hòang cho bài tập về nhà làm rồi mỗi lần lên lớp Hòang chỉ gọi chấm chừng 15 bài. Trong khi đó truy bài là có đủ ít nhất hai cột điểm hàng tháng cho mỗi học sinh.
Hòang đã ngạc nhiên đến xửng xốt khi chấm bài thi lục cá nguyệt của Nguyệt và Nga. Tuy ngồi gần nhau nhưng Hòang chắc thầy hoặc cô nào coi thi hôm đó không thể để cho Nguyệt và Nga dễ dàng chép bài của nhau được. Tuy cả hai bài không hòan chỉnh 100% nhưng cũng đủ cho Hòang đặt bút cho 20/20, điểm cao nhất Hòang cho từ trước đến nay sau hơn 4 năm đi dạy. Hòang cũng mang chuyện này ra hội đồng giáo sư họp sau kỳ thi và ngay sau buổi họp cô thư ký đã gặp Hòang:
-    Nghe nói thầy cho hai cô học trò cưng điểm tối đa phải không?
Hòang chưa hề nhìn nhận Nguyệt và Nga là hai học tro “cưng” ngay với chính mình. Tự nhiên cô thư ký hỏi như vậy làm Hòang phải cẩn thận:
-    Sao cô biết tôi có học trò cưng? Tôi chưa “cưng” ai bao giờ thành ra không thể gọi Nguyệt và Nga là học trò cưng của tôi được.
Cô thư ký mỉm cười bí mật:
-    Thầy nói thế thì em tin thầy, cả trường này ai chẳng biết thầy có hai cô học trò cưng.
Chết, Hòang dạy cả thảy 7 lớp ở trường, gần 400 học sinh trong số hơn 2500 học sinh. Hòang mới về trường chưa được nửa niên khóa vậy mà đã bị mang tiếng là có học trò cưng, mà lại là nữ sinh nữa thì có chết không. Cây ngay không sợ chết đứng, Hòang trả lời cô thư ký:
-    Tôi mới về đây chưa đầy nửa năm học. Thầy chưa biết trò, trò chưa biết thầy thì làm sao có học trò cưng với không cưng. Vả lại tôi là người khó tính và rất nguyên tắc thì khó có học trò nào ưa tôi lắm.
Cô thư ký lại mỉm cười:
-    Em nghe vậy thì nói vậy thôi!
Trên đường ra về, Tính đi xe Vespa song song với Hòang. Tính học chung với Hòang thời trung học tại một trường công lớn vùng Gia định. Không ngờ bẵng đi một thời gian hai thằng gặp nhau ở cùng một trường. Tính dạy có 3 lớp vì môn của Tính là môn chính, thêm vào đó vợ Tính là dược sĩ có tiệm thuốc tây nên Tính có vẻ thảnh thơi hơn Hòang.
Hòang và Tính thỉnh thỏang cùng về với nhau. Trên đường về, đôi bạn kể lại cho nhau những chuyện vui trong trường và liên hệ đến những ngày hai thằng cùng ngồi chung lớp thuở nào. Hôm nay, trên đường về, Tính thình lình nói:
-    Tớ thấy cô thư ký cũng được lắm và có vẻ mết cậu đấy. Thôi thì cũng lo liệu là vừa cho anh em chung vui với chứ. Thấy cậu cứ cu ki một mình tội quá.
Không hiểu sao tự nhiên ông bạn qúy hóa lại động vào chuyện vợ con với mình. Hòang hỏi lại:
-    Lại tin đồn ở đâu rồi chứ gì?
-    Chẳng đồn với đại gì hết, cậu mới về ít tuần là tìm cách xáp vào cô thư ký. Hai người chớp đèn với nhau hòai. Cả hôm nay nữa, có chuyện gì mà sau khi họp cậu phải đi báo cáo với cô thư ký ngay vậy?
Thế là chết Hòang rồi, ông bạn biết tính Hòang từ hồi xửa hồi xưa mà bây giờ còn phán như vậy thì nhiều người, nhất là đám học sinh chắc phải đồn đại ghê gớm lắm. Vậy mà Hòang không biết. Hòang muốn tìm hiểu thêm câu chuyện liên quan tới mình:
-    Dĩ nhiên là không có lửa sao có khói. Tớ có tiếp xúc với cô thư ký vài lần nhưng là chuyện khác, liên quan đến công việc, không tình ý gì hết.
Tính cười:
-    Cậu cũng công nhận khói với lửa. Nói cho cậu biết mà mừng, cô ấy là em bạn dì với bà xã tớ đấy. Để chúng tớ làm mai cho, không xẩy đâu.
-    Ấy chết, đừng có mai với xuổng gì hết, tội tớ lắm và tội cho cô ấy lắm.
Tới gần chỗ rẽ, Tính với tay đập vào vai Hòang:
-    Thôi, về đây, suy nghĩ kỹ đi, chúng tớ sẵn sàng giúp.
Hòang tiếp tục trên đường về nhà với bao nhiêu chuyện thắc mắc trong đầu. Hòang nghĩ mãi không ra là mình đã làm gì để mọi người tưởng rằng mình đang có tình ý với Tuyền – cô thư ký học vụ của trường. Hòang tự kiểm điểm và thấy mình chưa hề làm điều gì khiến mọi người phải thêu dệt câu chuyện. Có chăng là đã gặp riêng Tuyền vài lần do công việc chứ hòan tòan không có ý gì khác.



(Còn tiếp)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2009 08:49:18 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9