GHI DƯỚI BẦU TRỜI VIỄN XỨ.-bút kí (nhiều phần)
Khải Nguyên HT 21.02.2009 11:59:14 (permalink)
     1.Dằng dặc hành trình
    ...
    3.Trôi trên sa mạc Xahasa
    ...
    3.Brazza-Thành phố xanh

        Y rời ga bay Lô-mê mang theo lên máy bay một tờ báo mà hai cô da đen xinh xẻo nài nỉ để được... biếu. Đó là tờ báo “chuyên đề” quảng cáo thuốc lá Malboro. Các hãng thuốc lá nổi tiếng của các nước tư bản giàu có hàng đầu tìm “đất sống”, tìm chốn để hốt tiền tại chính các nước chậm phát triển châu Á, châu Phi. Thuốc lá, biết là có hại nhiều mặt vẫn tha hồ được quảng cáo (công khai hoặc trá hình) và tiếp thị. Y đã nghiệm ra rằng ở các nơi “văn minh” như Pari, như Mat-xcơ-va, đi rạc cẳng mới tìm được nơi có bán thuốc lá; ở những xứ lạc hậu như ta thì nhan nhản đụng đâu cũng mua được thứ khói độc đó. Xứ sở  y sắp đến góp phần minh chứng.
        Khoảng tám giờ tối,  giờ địa phương, máy bay hạ cánh xuống sân bay Maya-maya của Thủ đô nước bạn, vẫn được mệnh danh là “thành phố xanh”. Đồng hồ trên tay y vẫn giữ giờ Việt Nam chỉ hai giờ sáng của ngày hôm sau. Ga sân bay nhỏ, nhỉnh hơn Nội Bài một chút. Cảm giác đầu tiên: hơi bức, khá sốt ruột đợi lấy hành lí; ngoài ga tối nhọ nhem càng khó gây thiện cảm (có lẽ do sự cố điện sao đó, bởi, một năm sau trở lại, y thấy quanh ga ban đêm sáng choang cả một khu vực rộng). Y theo chân B., người được sứ quán phái ra đón, chẳng thấy vui, chẳng thấy buồn. Hơi lo lo.Người ta đồn xứ này có lắm tai ương. Có thứ “bệnh ngủ”, người cứ mụ mị đi dăm ba tháng rồi ”đi” luôn. Trong bóng đêm, y cứ sợ con gì ấy. Thật ra, “bệnh ngủ” là do ruồi tsé-tsé truyền; loài này sống ven sông suối, chỉ hoạt động từ gần trưa cho đến chiều chưa tắt nắng. Không nhiều người bị bệnh này. Duy bệnh sốt rét là khá phổ biến, tương tự ở Việt Nam, song dường như ở châu Phi dễ chết hơn, nhất là với người nước ngoài.
        Bọn y được đưa về khách sạn Le Djoué của vợ chồng một Việt kiều tại ngoại vi thành phố, trên bờ con sông lớn nhất Trung Phi. Trong giới chuyên gia và nhân viên sứ quán Việt Nam loan ra tin về một sự “liên kết” nào đó giữa chủ khách sạn và một số quan chức chính phủ sở tại có dính với công tác chuyên gia, một sự “liên kết” bất lợi cho túi tiền nhà nước, tất nhiên.
        Buổi tối hôm mới đến, nhìn ra bên kia sông thấy  đèn sáng như sao sa kéo dài một dải bất tận. Hỏi ra, biết đó là Kin-sa-xa (Kinshasa) thủ đô nước Dai-ra (Zaire – sau này khi tên độc tài Mobutu bị lật đổ thì đổi thành Cộng hoà Dân chủ Công-gô). Y liên tưởng tới cảnh tượng khi đứng nơi Thủ Thiêm nhìn ra bên kia sông Sài Gòn. Người ta nói Kin-sa-xa rộng và nhiều cao ốc, vẻ ngoài có thể sánh nhiều thành phố châu Âu; song dân đen nước này thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất thế giới. Nếu “chiếc áo choàng không làm nên thầy tu” (ngạn ngữ phương Tây) thì vẻ ngoài hào nhoáng của một thành phố chỉ báo hiệu những sự thật bị che lấp.
        Y thức giấc lúc 4 giờ sáng (đồng hồ trên tay y đang chỉ mười giờ- giờ Việt Nam). Hẳn chẳng phải do đồng hồ sinh học trong y chuă chuyển kịp theo múi giờ địa lí. Y nằm nghe mưa rơi. Mưa rất to, kéo dài cho tới gần sáng. Ai đó bảo mưa xứ này giống như mưa ở Thành phố Hồ Chí Minh, thoắt mưa thoắt tạnh. Nói bậy! Y thầm nghĩ.
        Mờ sáng, ra sân sau khách sạn tập thể dục. Trời đẹp. Khí mát lạnh thấm vào thịt da. Sông Công-gô cuồn cuộn sóng, đang mùa nước to. Nước chồm lên, trào bọt, mường tượng một đoạn sông Đà hung dữ đầy ghềnh đá ngầm mà Nguyễn Tuân từng miêu tả. Song nơi đây rộng hơn sông Đà nhiều, chừng một kilômét. Người ta bảo trên kia, chỗ có cảng sông bên hai thành phố Br. và K., rộng tới dăm kilômét. Chếch phia dưới, gần đuôi thác, có một cái đảo xanh um cây cối, trên đó ẩn một di tích cổ. Năm trước, một chuyên gia Việt Nam, nguyên giảng viên trường đại học Bách khoa Hà Nội, trong khi chờ về nước đã thuê thuyền độc mộc ra đó chơi; hồi hương được ít lâu thì mắc “bệnh ngủ”. Nghe nói anh ta có dối dăng lại: Dù được bạc triệu cũng chớ đi  rước lấy cái bệnh quái ác này. “Ông này chủ quan thật! Ăn mặc thế không sợ à?”; một bạn đồng hành mặc kín người, kể cả tất chân, thấy y “trang bị” chỉ quần đùi, may ô bèn bảo vậy. Vẫn là nỗi sợ “những con gì” ngay giữa ban ngày.
        Brazzaville–Thành phố Brazza-(lấy tên của tay thực dân Pháp đầu tiên đặt chân lên đất này), được mệnh danh Thành phố xanh Brazzaville-La verte. Bên kia sông, Kinshasa vốn là Lê-ô-pôn-vin (Léopolville- thành phố Lê-ô-pôn, lấy tên một vua Bỉ). Người ta nói người Bỉ đến đất Công gô bên kia bằng bạo lực nên phải đổi tên thành phố kia. Còn Brazza đến đất Công gô bên này một cách hoà bình nên chẳng cần phải đổi tên thành phố này. Brazzaville trải dài men sông đến vài chục kilômét; bề ngang kẹp giữa sông và núi nên chỗ rộng nhất chỉ chừng dăm kilômét. Phần lớn nhà cửa trong thành phố là một tầng, trừ khu trung tâm. Rải rác đó đây một số nhà trên mười tầng, kiến trúc độc đáo, nhìn ngoài rất đẹp ngay cả trong con mắt người châu Âu. Năm 1990, khánh thành toà nhà tháp tròn.
        Đó là một tháp –nhà hình trụ, hơi loe hai đầu, cao 104 mét, 29 tầng, ngự trên một diện tích 8100 mét vuông bên sông Công gô hùng vĩ. Công trình do Pháp giúp vốn, kĩ  thuật và tự đứng ra thi công trong  3 năm. Toà nhà vào hàng cao nhất và độc nhất về kiểu dáng ở lục  địa đen cho đến thời điểm ấy. Dự định sẽ cho các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp lớn thuê  làm trụ sở. Người dân Công gô tự hào về “ngọn” Na-băng-ba (Nabemba) ngự ngay tại thủ đô -người ta lấy tên ngọn núi cao nhất đất nước đặt tên cho toà nhà. Từ trước, bên kia sông, những toà nhà cao vút của Kin-sa-xa vẫn kiêu hãnh soi bóng trên mặt nước. “Bên đó  có nhiều nhà chọc trời, nhưng cao nhất cũng chỉ hai mươi sáu tầng”; một giáo sư đại học nói với y. Có thể ngầm hiểu:”Từ nay, bên kia sông nhìn sang...”. Một ngày cuối năm, lang thang như một lữ khách gõ gót giày trên hè phố; đang đi chợt ngửng lên thấy dựng trước mặt mình một cái “cột” khổng lồ bao bọc bởi những tấm kính hình chữ nhật. Gặp một nhà báo quen, y được giới thiệu với bà người Pháp đang quản lí toà nhà tháp, bấy giờ chưa đưa vào sử dụng (gọi là “bà” là theo lối lịch sự Việt Nam, đúng ra phải gọi bằng “cô”, dù đã xế bóng, vì bà chưa chồng). Y được mời vào thăm khắp bên trong. Y lên tận nóc tháp,  từ đấy dõi mắt ngắm gần như toàn cảnh thủ đô nước bạn, một đoạn sông mênh mang, và phóng tầm mắt qua bên kia biên giới, thủ đô Kin-sa-xa trải xa tít tắp.   Thủ đô Hà Nội khuất nơi chân trời cách sáu múi giờ, phía ấy hướng đông-đông-bắc. Y thấy lạnh. Trên cao, gió lộng.
        Kin-sa-xa rộng lớn hơn Bra-da-vin nhiều. Người Công gô bên này bảo gấp bốn lần. Người Dai-ia bên kia bảo gấp mười. Bên kia vốn là thuộc địa của Bỉ, một đế quốc tí hon. Bên này vốn thuộc Pháp, một đế quốc vào hàng anh chị. Y có nhận xét: Các công trình, các đô thị... tại các nước thuộc địa Pháp thường là nhỏ nhoi, tủn mủn kém xa  các thứ tại thuộc địa các đế quốc khác, dầu là loại đàn em như Bỉ, như Bồ Đào Nha, như Hà Lan... Y nhớ có lần Giáo sư Trần Văn Giàu nói: “Các đế quốc khác ăn thịt còn dành cho dân thuộc địa tí ruột gọi là lòng. Còn đế quốc Pháp thì chẳng những ăn luôn ruột mà ăn cả thứ trong ruột”. Đúng là “đã làm dân thuộc địa thì khốn nạn rồi, mà làm dân thuộc địa Pháp thì càng khốn nạn nữa”.
        Các đô thị Việt Nam có một “hậu phương”  nông thôn bao quanh tiếp giáp phố phường. Còn ra khỏi Br., hầu như không gặp làng mạc, vườn tược. Ngay giữa thành phố có những khu đất trống, nhưng để mặc cây hoang làm chủ hoặc trồng lam nham hết sức thô sơ, cây sắn và vài thứ rau. Dường như đất đai ở đây chỉ được đánh thức để làm nhà, làm đường khi cần thiết.
        Sự đô thị hoá ở đây, như nhận xét của một tờ báo Pháp, không chú trọng các cao ốc, xây cất lè tè vài ba tầng lầu rất phung phí đất đai. Xứ này đất rộng người thưa, mật độ dân cư kém nước ta hơn 30 lần. mà còn bị phê phán nặng nề như vậy. (Mớí thấy người Tàu nhìn xa. Mật độ dân cư chỉ bằng nửa ta, mà họ chú trọng xây mới những nhà hai ba mươi tầng, ngay cả ở những nơi núi non hẻo lánh như  Bằng Tường).
        Br. có một số chung cư vài ba tầng, có tường bao, sạch sẽ, thoáng đãng, thường dành cho công chức. Khác với ở ta, họ chỉ được ở khi đương chức, thôi việc là phải trả lại nhà. Có những khu biệt thự kín đáo, yên tĩnh, sang nữa, của tầng lớp trung lưu trở lên nhưng phải thuộc loại thần thế.
        Ở Br. không thấy những ngôi nhà quá tồi tàn, những khu nhà ổ chuột, những “xóm liều”, những “nhà cọc” ven kênh, ven sông như ở nhiều thành phố Việt Nam. Một lần, S., một giáo sư đại học lái xe đưa y đi tham quan “khu bình dân”, “khu cùng khốn” như anh ta nói. Những nhà trệt xây gạch không trát vữa, lợp tôn, hơi lộn xộn bên những đường phố hẹp, thật ra chưa đến nỗi nào, còn chắc chắn hơn những nhà cấp bốn ở ta.
        Những phố nhỏ ở Br. là đường đất. Đất pha cát chặt và nặng, trời nắng không lầm bụi, trời mưa không bị lầy, xe qua lại không đào thành rãnh, thành ổ. Kể ra rất hiếm xe cộ đi vào những đường phố này, trong khi trên những đường phố chính rải nhựa, xe tuôn không ngừng.
        Ban ngày hay ban đêm đều rất ít gặp người đi bộ, cả ở khu trung tâm có mấy phố sầm uất, nhiều cửa hàng sang trọng. Một đoạn ngắn họ cũng đi xe buýt, ai khá giả thì đi taxi hoặc xe riêng. Hầu như dân không đi dạo, người ngoại quốc cũng vậy. Các công viên không có ghế ngồi ngơi. Ban đêm đường phố rất vắng người; dân sẵn tiền chỉ tới các tiệm nhậu hoặc tiệm nhảy
        Br. có mấy nơi thâm nghiêm, người dân ít lai vãng mà cũng ít được biết. Dinh tổng thống, có lẽ là dinh toàn quyền thời thuộc Pháp, kiến trúc đường bệ, hơi nặng nề. Trước dinh là một công viên rộng. Một tấm biểu ngữ dài: “ Các anh hùng nhân dân bất tử” treo cao chạy suốt trên một dãy mười chân dung lớn, trong đó: Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh, Găng-đi, Chê Ghê-va-ra, Lu-mum-ba,... Trong công viên phía bên kia đường là tượng đồng toàn thân của Ngouabi (Ngu-a-bi), tổng thống thứ ba từ ngày độc lập, người có uy tín nhất cho đến nay, đã bị giết hơn mười năm trước. Y muốn đến gần để đọc tên một số chân dung. T., người cùng đi, cản lại, cho biết năm trước anh ta đến gầnđó đã bị cảnhvệ ra bắt. Y giơ tay chỉ trỏ hỏi một người bản xứ qua đường. Anh ta tỏ ra sợ hãi, bảo: “Không được chỉ tay như  thế!”. Mấy người đi qua nghe y hỏi đều lắc đầu vội vàng bỏ đi.
        Ở một khu vực tân tạo của thành phố, “Cung nhân dân” được xây lên cách chừng mười năm làm nơi họp Quốc hội. Một công trình đồ sộ trong một khung cảnh rộng lớn hơn khuôn viên cạnh hội trường Ba Đình của ta. Bên kia con đường lớn khá đẹp là khán đài gỗ, dài chừng trăm mét, cao chừng mươi mét, có bậc ngồi như ở sân vận động dành cho các quan khách ngồi xem diễu binh, diễu hành. Khán đài để phơi ra, chẳng rào dậu, cũng chẳng canh gác. Y mấy lần bước lên đi dạo, nghĩ bụng : nếu là ở Việt Nam  thì nếu không bị “mượn” làm chốn bày hàng bán thì cũng bị người ta ngày ngày trèo lên chơi, nghịch phá, trước nhất là lũ trẻ, tệ hơn nữa là gỡ trộm về dùng. Ở đây, hơi xa khu dân cư song chẳng phải là lí do. Có thể là người dân tôn trọng hoặc sợ những nơi như thế.
        Trong công viên trước nhà văn hoá Pháp có tượng Đơ Gôn-cái đầu đặt trên một cột vuông cao chừng hai mét, đặt đúng nơi mà người ta cho là năm 1943 ông này đã đứng tuyên bố rằng: các dân thuộc địa góp phần cùng “nước mẹ” đánh phát xít  thì sẽ được đền bù. Sau này có một sự nhập nhằng lịch sử: Có người cho ông ta là người “giải thuộc địa” (décolonisateur) . Sự thật thì ngay sau khi Pari được giải phóng khỏi  ách Hít-le, ông ta đã  lên tiếng đòi giữ chặt các thuộc địa. Chính ông ta, năm 1945, đã phái quân đi hòng chiếm lại Đông Dương. Năm 1959, ông ta cho “trưng cầu ý dân” tại các nước thuộc địa còn lại về độc lập chẳng qua chẳng thể đừng sau khi quân Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ, buộc phải bỏ Đông Dương và đang sa lầy tại An-giê-ri. Trong một cuốn sách đồ sộ viết về châu Phi, xuất bản tại Pari, năm 1973, có viết: “ Sau 1945, các mẫu quốc đã quên  những lời hứa của họ. Hi vọng nhường chỗ cho thất vọng và bất bình. Gương của Ấn Độ đòi tự do năm 1947, gương của Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc từ 1946 cổ  vũ các phong trào dân tộc chủ nghĩa”.
        Dấu ấn của Pháp còn khá đậm ở Công-gô. Không chỉ tiếng Pháp được dùng làm ngôn ngữ chính thức. Không chỉ đồng FCFA, đồng tiền chung của các nước Trung-Tây Phi nói tiếng Pháp, nằm dưới sự bảo trợ của đồng phơ-răng Pháp. Không chỉ các chuyên gia Pháp là đông nhất. Không chỉ sứ quán Pháp là một trong ba toà nhà bề thế nhất (hai toà kia là của Liên-xô và Mĩ)... Từ năm 1990, dấu ấn ấy càng đậm lên (đồng thời bắt đầu nặng hơi hướng Mĩ. Trước đó, chỉ ở nước láng giềng Dai-ia mới đậm dấu ấn Mĩ, cùng với dấu ấn Trung Quốc).
       Tại khu phố đẹp nhất Br., sau khu trung tâm, có một nơi được gọi là “Lều Đơ Gôn”. Thời Pháp mất nước vào tay Đức, chính phủ kháng chiến Pháp của Đơ Gôn lấy Br. làm thủ đô từng đóng ở đây. Nay dùng làm chốn ngụ của người thuộc sứ quán Pháp. Ngụ sở nằm bên bờ sông Công-gô trong một khu vườn lớn nhiều cây cổ thụ; phía trước có bãi rộng cỏ xanh và cây to. Kề đó là đài kỉ niệm Xa-vooc-nhăng đơ Bra-da (Savorgnan de Brazza) và tuỳ tùng, những người Pháp thực dân đầu tiên đến khai thác đất này. Toàn cảnh tĩnh và đẹp. Ban đêm, giá mà được đứng ở đây đón gió sông và nhìn  qua sông rực ánh đèn. Nhưng... hỡi ôi! một bãi rác không nhỏ choán cả bờ sông mé phải trước khu nhà và bao gần kín đài kỉ niệm. Mùi xú uế nồng nặc. Tuy nhiên... chỗ sáng đèn trước đài rất đông học sinh, sinh viên đứng ngồi cặm cụi học bài, và trong bóng cây mép sông một đôi trai gái đang tình tự!
       Thời gian y đang ở đây, Br. ít xây dựng thêm; dấu hiệu xuống cấp bàng bạc mọi nơi. Công viên không hoang phế, chưa hoang phế, nhưng không có hơi người. Vườn trẻ phía trước khách sạn y đang trú ngụ có cái cổng bề thế với những dòng chữ “ác liệt”; bên trong khá rộng chia khu vực: nhà, vườn hoa, vườn cây, bãi cỏ, sân thể thao... cho thấy ý đồ xây dựng qui củ và hiện đại trước đây chưa lâu, hồi không khí cách mạng cao trào, nay tiêu điều và bẩn. Y vào thăm trường Trung học kĩ thuật, vốn là trường Bách nghệ thời thuộc Pháp. Xưởng trường khá qui mô với các phân xưởng cơ khí, cơ khí chính xác, điện, điện tử, mộc... ; có đến hàng trăm máy chữ cho học sinh tập đánh (nhưng rồi để làm gì?) . Thấy rõ từ đã lâu, trang thiết bị không được đổi mới. Khắp nơi trên các bức tường, học sinh bôi bẩn đủ các kiểu “lưu niệm”.
        Vườn thú Br. khá rộng, cỡ vườn Bách thảo Hà Nội cũ. Rậm cây, mát mẻ nhưng nghèo nàn, mang vẻ hoang phế. Khách tham quan chỉ có hai người Việt, Ng. và y, cùng mấy đứa trẻ người bản xứ. Voi to hơn voi nơi vườn Thủ Lệ-Hà Nội. Nhiều chuồng khỉ, vượn. Một con chimpanzé, một loại đười ươi, to bằng con người, chìa tay xin chuối. Nó cứ chìa tay cho kì hết chuối trên tay bọn trẻ. Xong, nó bóc vỏ ăn ruột, hết ruột, nó ăn nhẵn cả vỏ. Xong xuôi, nó moi từ một cái lỗ trên nền nhà một nắm đất bột, thò tay qua chấn song ném vào những người vừa cho nó, rồi cuộn người lộn một vòng chạy trốn. Ng. mắng: “Đồ vô ơn! Đồ phản phúc!”. Chẳng biết con vật có hiểu được tiếng Pháp không. Tính ranh ma và tráo trở có phải là bản năng của loài có họ hàng xa của thuỷ tổ loài người không? Hay là nó mới nhiễm từ con người “văn minh”? Ở một góc, chỗ lùm lưa thưa cây con, thấy biển đề: “Lợn Việt Nam” (porc du Việt Nam). Hai con vật, to cỡ trái bí  đao loại vừa, gầy trơ xương, đang rúc mõm tìm thức ăn trên mặt đất khô xác, hiếm cả cỏ. Mép chúng răng nanh mọc dài. Thì ra là “lợn lòi”. Việt Nam đã tặng nước bạn cặp lợn rừng của đất nước mình, nhưng chắc không bảo kĩ họ, nên đáng lẽ đề sanglier  họ lại đề  porc. Hay chẳng lẽ vốn là lợn nhà nhưng bị (được) thả sống hoang dã nên đã “lại nòi” thành lợn rừng? (!). Y đã định tìm người phụ trách vườn thú bảo cải chính song lại bỏ qua, như bao lần y đã dùng dằng không quyết để sau đó lại tự trách mình hoài. Hai con vật khốn khổ hẳn sẽ sớm tiêu vong. Và không biết người ta sẽ nghĩ sao về “giống lợn” Việt Nam?!
        Hôm ấy, Ng. và y ở vườn bách thú đi ra, có một con chó vàng xám khá to, béo tốt, bị thương -bị người đánh hay bị chó khác cắn, đi theo. Hai người cuốc bộ xem phố xá. Con vật cứ lẽo đẽo đằng sau không dám lại gần quá, cũng không để bị bỏ xa. Nhiều lúc họ vượt qua đường, xe cộ nườm nượp ngược xuôi, đã tưởng “cắt” được nó. Nhưng chỉ một chốc đã thấy nó bám đằng sau. Cứ thế đến hơn hai ki-lô-mét. Bọn y rẽ vào trung tâm văn hoá Pháp. Sân rộng, lộn xộn người và xe vào ra. Con chó dừng lại ngoài khuôn viên, hóng theo hai người. Y đã vào phòng ngồi đọc báo, ngoái nhìn thấy nó vẫn có vẻ kiên trì đứng chờ. Y mải đọc, chừng nửa giờ, khi ra chẳng thấy con vật đâu nữa. Y nghĩ: giá có nhà riêng đưa con chó “vô gia cư ” này về nuôi thì nó trung thành phải biết. Y kể chuyện này với một giáo sư đại học-chuyên gia, anh ta ra bộ tiếc rẻ, chẳng biết thật hay đùa: “Chà, hoài của! dử nó về khu chuyên gia thì được bữa mộc tồn đặc biệt, hả?”. Ít hôm sau, cùng L., một bạn chuyên gia khác, đi “bát” loanh quanh vào một phố không rải nhựa, vắng và thưa nhà, trái nẻo những phố hôm trước, y trông thấy một con chó giống y con hôm nọ về vóc dáng và màu lông, đã bị kẻ nào lấy dây thép buộc mõm, cột chân vất giữa đường. Con vật chết chưa lâu, đôi mắt hé ra như muốn gửi người qua đường một lời hỏi. Có phải do nó quá đói nên đã “làm càn” hay đơn giản chỉ do cái ác tâm không ưa kẻ cơ nhỡ khả nghi? Nếu con vật rơi vào xứ ta thì ắt là đã tạo “hạnh phúc” cho vài kẻ sẵn tiền bên bàn nhậu! Chẳng là gì cả, chỉ là “chuyện chó chết” vậy mà ám ảnh y hoài. Rõ là “khéo dư mủi lòng”!.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.02.2009 16:20:35 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9