Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ
nguoique 11.03.2005 03:46:55 (permalink)
Xuân giang hoa nguyệt dạ
Trương Nhược Hư* - Sơ Đường

Xuân giang triều thủy liên hải bình
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện
Nguyệt chiếu hoa lâm giai như tản
Không lý lưu sương bất giác phi
Đinh thượng bạch sa khan bất kiến
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân
Đản kiến trường giang tống lưu thủy
Bạch vân nhất phiến khứ du du
Thanh phong phố thượng bất thắng sầu
Thùy gia kim dạ thiên chu tử
Hà xử tương tư minh nguyệt lâu
Khả lân lâu thượng nguyệt bồi hồi
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ
Đảo y châm thượng phất hoàn lai
Thử thời tương vọng bất tương văn
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân
Hồng nhạn trường phi quang bất độ
Ngư long tiềm dược thủy thành văn
Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa
Khả lân xuân bán bất hoàn gia
Giang thủy lưu xuân khứ dục tận
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà
Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ
Kiệt thạch Tiêu tương vô hạn lộ
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ

*Trương Nhược Hư người Dung Châu (nay thuộc tỉnh Giang Tô) cùng Hạ Tri Chương, Trương Húc và Bao Dung được người đương thời gọi là "Ngô trung tứ sĩ" - Bốn danh sĩ đất Ngô.

Bản Dịch ý của cụ Trần Trọng Kim

Xuân giang hoa nguyệt dạ* là một bức tuyệt tác tổng hợp cảnh vật, tình cảm, triết lý vào trong một (đêm) (xuân) co' (trăng) sáng, trên con (sông), bên cạnh một rừng (hoa). Câu chuyện đi từ cảnh xa cho đến gần, cảnh vĩ đại cho dến cảnh đơn thuần (con trăng), cảnh chuyển qua tình, từ triết lý nhân sinh đi tới nội tâm của con người rồi của chính mình, một lúc nào đó cảnh và người hòa hợp với nhau, không còn phân biệt đâu là Trang đâu là bướm.

Lồng trong câu chuyện, mặt trăng là vai chính, từ lúc mới lên cùng với thủy triều, cho đến lúc lừng lững giữa trời không, cho đến lúc lặng xuống, cho ta hình ảnh rõ ràng của một du khách (trên sông) qua một đêm không ngủ, lặng nhìn trăng sáng, thưởng thức trọn vẹn một Xuân giang hoa nguyệt dạ.

Nét bút tả cảnh tả tình của thi nhân thật là huyền diệu. Còn gì huy hoàng thơ mộng hơn cho bằng lặng lẻ nhìn vũ trụ từ từ hiện ra trước mắt mình qua hìn ảnh của một mặt hồ mênh mông, và ánh trăng vằng vặc. Còn gì thẫn thờ hơn cái ngẫn ngơ của linh hồn trước một thiên nhiên vô cùng, bí mật, còn gì cô đơn hơn con thuyền lẽ loi trên mặt sông, không biết về đâu. Còn gì thương nhớ vô vàn hơn nổi tương tư của hai người xa cách chỉ còn biết nhờ trăng gởi cho nhau nổi thân tình tới người yêu.

Còn gì bàng hoàng hơn giây phút cuối cùng của câu chuyện, có ai như mình không nhĩ, ngồi đây với bao nhiêu nỗi niềm, muốn bao trùm cả vạn vật, nhớ đến câu: "Tịch dương vô hạn hảo, Chỉ thị cận hoàng hôn" mà bàng hoàng ngẫn ngơ ...

Âm luật tiết tấu trong bài thơ cũng rất đặc sắc, diễn tả tâm trạng của thi nhân trong đêm đó, không kịch liệt, không ai oán, không cấp xúc, mà là mộng ảo, ôn nhu, hòa hài, tình cảm thâm trầm mà nhiệt liệt, tự nhiên, bình hòa như máu chạy trong tim, nhịp theo quy luật, tiết tấu. Cả bài có 36 câu, 4 câu lại đổi vần, bình trắc đổi nhau vận dụng, như một bài nhạc đi theo tình cảm trong thơ.


*Đời vua Hậu chủ nhà Trần ở Nam triều cùng với các nữ học sĩ và các triều thần làm thơ, rồi nhặt những bài thơ đóng thành tập gọi là "Xuân giang hoa nguyệt dạ". Tác giả lấy cái đề ấy làm bài thơ này, là một bài thơ cổ rất haỵ

1. Sông mùa xuân, nước triều vào bằng với nước biển
2. Trên mặt biển, trăng sáng cùng nước triều lên
3. Diễm lệ làm sao cùng theo sóng đi ngàn vạn dặm
4. Chỗ nào trên sông xuân mà không có trăng soi sáng
5. Sông chảy uốn quanh rừng thơm ngát
6. Trăng chiếu trên rừng hoa trông trắng toát như tuyết
7. Trong không khí đọng sương mà không thấy bay
8. Cát trắng trên bãi sông nhìn không thấy
9. Trời sông một màu không mảy bụi
10. Vằng vặc giữa trời một vầng trăng cô quạnh
11. Bên cạnh sông, ai là người đầu tiên thấy trăng
12. Trăng trên sông năm nào đầu tiên chiếu người
13. Kiếp con người đời này qua đời nọ không cùng
14. Trăng trên sông năm này qua năm nọ vẫn thế
15. Không biết trăng trên sông đang chiếu ai
16. Chỉ thấy sông dài đẩy nước đi đi mãi
17. Một mảnh mây trắng trôi mãi đi đâu
18. Những cây phong màu xanh trên bãi nhìn sao mà buồn thế
19. Nhà ai đêm nay đậu thuyền lênh đênh
20. Nơi đâu có người ngồi trên lầu trăng sáng đang tương tư
21. Thương thay trên lầu trăng như bồi hồi
22. Chắc đang chiếu người sầu bi đang soi mình trong gương
23. Xô đẩy hoài cư ở trong cửa trong màn không chịu đi
24. Lật áo đập quần phủi đi rồi cũng trở lại
25. Giờ đây chỉ trông ngóng nhau mà không nghe được nhau
26. Xin được cùng trăng theo đến chiếu bên nàng
27. Chim hồng nhạn bay được xa, ánh sáng lại bay không tới
28. Cá rồng vẫy vùng lặn hụp nước dợn thành sóng lăn tăn
29. Đêm trước nằm mơ thấy hoa rụng bên đầm
30. Thương cảm thay đã nửa đời mà còn chưa về được nhà
31. Nước sông trôi hết tuổi xuân rồi còn đâu
32. Trăng trên sông đầm giờ đã lặn về tây
33. Trăng xuống mờ mờ trong sương sa trên biển
34. Kiệt thạch, Tiêu Tương xa biết dường nào
35. Không biết ngắm trăng có mấy người về lại
36. Trăng xuống xôn xao tình ý đầy cả sông và rừng

Dịch thơ.
Bản dịch Trần trọng Kim

Sông liền biển nước sông đầy dẫy
Trăng mọc cùng triều dậy trên khơi
Trăng theo muôn dặm nước trôi
Chỗ nào có nước mà trời không trăng
Dòng sông lượn quanh rừng thơm ngát
Trăng soi hoa trắng toát một màu
Trên không nào thấy sương đâu
Trắng phau bãi cát ngó hầu như không
Không mảy bụi trời sông một sắc
Một vầng trăng vằng vặc giữa trời
Trăng sông thấy trước là ai
Đầu tiên trăng mới soi người năm nao
Người sinh hóa kiếp nào cùng tận
Năm lại năm trăng vẫn thế hoài
Trăng sông nào biết soi ai
Dưới sông chỉ thấy nước trôi giữa dòng
Mảnh mây bạc mông lông đi mãi
Rừng phong xanh trên bãi gợi sầu
Thuyền ai lơ lững đêm thâu
Trong lầu minh nguyệt chỗ nào tương tư
Trên lầu nọ trăng như có ý
Vào đài trang trêu kẻ sinh ly
Trong rèm cuốn cũng không di
Trên chày đập áo phủi thì vẫn nguyên
Mong nhau mãi mà tin bặt mãi
Muốn theo trăng đi tới cạnh người
Nhạn bay trăng cứ đứng hoài
Cá rồng nổi lặng nước trôi thấy nào
Đêm trước thấy chiêm bao hoa rụng
Thương quê người chiếc bóng nửa xuân
Nước sông trôi hết xuân dần
Trăng sông cũng lặn xế lần sang tây
Trăng xế thấp chìm ngay xuống bể
Cách núi sông xa kể dường bao
Cõi trăng về ấy người nào
Cây sông trăng lặn nao nao mối tình

Bản dịch Ngô Tất Tố

Liền mặt biển , sông xuân nước rẫy,
Trên làn khơi, trào đẩy trăng ra,
Sóng dồn muôn dặm bao la,
Sông xuân một giải, đâu là không trăng?
Dòng sông lượn, theo chừng bờ bãi,
Như tuyết bay, trăng dọi rừng hoa.
Giữa trời lấm tấm sương sa.
Kề sông, cát bạc lóa lòa trên xoi.
Không mảy bụi, nước, trời một sắc.
Vành trăng côi vằng vặc bầu không.
Hỏi ai đầu thấy trăng sông?
Năm nao trăng mới soi trong cõi người?
Kiếp lại kiếp, cuộc đời bao hết!
Trăng trên sông, tuần tiết không sai,
Biết rằng trăng có riêng ai?
Dưới sông, chỉ thấy nước trôi lờ đờ.
Mảnh mây bạc thẩn thơ đi mãi,
Ngàn bàng xanh như gợi cơn sầu,
Kìa ai thuyền dóng đêm thâu?
Dưới trăng có nhớ nếp lầu nơi nao?
Trên lầu ấy, trăng cao ngấp nghé.
Vào đài trang, trêu kẻ biệt ly,
Trong rèm cửa… cuốn không đi,
Trên bàn rặt áo… lau thì lại in.
Trăng cùng ngắm mà tin vẫn vắng.
Muốn theo trăng soi thẳng tới người,
Nhạn bay, ánh sáng chẳng rời,
Cá rồng ngầm nhẩy, mặt vời đùn tăm.
Đêm trước mộng trên đầm hoa úa.
Nửa chừng xuân vẫn chửa về nhà,
Nước trôi, xuân đã hầu qua,
Trên sông, trăng lại tà tà về tây.
Trăng chìm lặn, bể mây mù mịt,
Thẳm xa xa núi Kiệt, sông Tương,
Theo trăng, bao kẻ về làng?
Trăng đi, tình vẫn mơ màng ngàn cây!

Bản dịch Khương Hữu Dụng

Đêm hoa trăng trên sông xuân

Sông xuân triều dậy mặt biển bằng,
Trên biển trăng cùng tiều nước dâng.
Dờn dợn vời theo muôn dặm sóng,
Sông xuân đâu chẳng sáng ngời trăng.

Quanh co sông lượn cồn hương chảy;
Trăng chiếu rừng hoa như tuyết rải.
Từng không sương tỏa tưởng không bay,
Cát trắng bên doi nhìn chẳng thấy.

Trong vắt trời sông suốt một màu;
Trên sông vằng vặc một trăng cao.
Ai người đầu đã trông trăng ấy,
Trăng ấy soi người tự thuở nao?

Người cứ đời đời sinh nở mãi;
Trăng vẫn năm năm sông nước giãi.
Soi ai? Nào biết được lòng trăng,
Chỉ thấy sông dài đưa nước chảy.

Mây bạc lưng chừng trôi đến đâu;
Cành phong xanh bến xiết bao sầu.
Đêm nay ai mảng buông thuyền đó;
Ai ở lầu trăng nhớ chốn nào?

Trăng lầu quanh quẩn đáng thương ôi!
Soi mãi đài gương kẻ lẻ đôi.
Cửa ngọc cuốn rèm xua vẫn ở;
Hòn châm đập áo xóa liền soi.

Chừ đây cùng ngóng, bẵng tăm hơi;
Mong quyến theo trăng đến rọi người.
Bay mỏi, nhạn khôn mang ánh được,
Vẫy ngầm, cá chỉ vẫy tăm thôi.

Đêm qua thanh vắng mộng hoa rơi,
Nhà chửa về, xuân quá nửa rồi!
Nước cuốn xuân đi trôi sắp hết,
Vòm sông trăng lại xế sang đoài.

Trăng khuất mù khơi chìm chậm chậm,
Dòng Tương non Kiệt ngàn muôn dặm.
Nương trăng mấy kẻ nhớ về theo,
Trăng lặn xao tình cây nước gợn.

bản dịch Vu Sơn...

Sông Xuân Đêm Trăng Hoa

Sông xuân nước nối liền mặt biển
Biển cùng trăng sóng quyện nhấp nhô
Vạn ngàn dặm sóng giang hồ
Xuân giang đâu chẳng điểm tô trăng vàng ?

Sông uyển chuyển điện hoàng vây bọc
Tuyết rải đều trăng ngọc rừng hoa
Vùng không óng ánh sương sa
Một bờ cát trắng bao la thấy gì...

Chẳng hạt bụi , sông trời một sắc
Một vùng không vằng vặc trăng soi
Bên sông ai thấy trăng rồi
Sông trăng năm ấy chiếu người sơ giao ?

Người kiếp kiếp thuở nào tận được
Năm cùng năm trăng nước như nhau
Bến trăng biết đợi ai đâu
Sông dài chỉ thấy một màu nước trôi...

Mảnh mây trắng bồi hồi trôi nổi
Bờ phong xanh chẳng gội sầu tan
Đêm nay ai với thuyền lan
Lầu trăng đâu đó chưa nhàn tương tư...

Thương gác ngọc trăng như vướng víu
Soi đài trang sầu nhuộm chia ly
Rèm châu cuốn mãi không đi
Chày kia giũ áo làm chi cứ về... !

Lòng mỏi ngóng trông tin chẳng biết
Nguyện theo trăng tha thiết cùng ai
Ánh chưa thấu nhạn đường dài
Ngư long lặn ruổi nước khơi thành vần...

Mộng đêm trước hoa tàn đầm vắng
Thương nửa đời xuân chửa hồi gia
Nước đưa xuân sắc trôi xa
Sông hồ trăng rụng bóng tà về tây...

Bóng nguyệt chìm khuất mây mù biển
Sông núi dài biết chuyển đường nao ?
Theo trăng về lại chốn nào
Rừng cây bóng đổ dạt dào sông trăng...
(Nguồn: Vietkiem.com)

- Người quê cũng võ vẽ tập dịch bài thơ này, rất mong nhận được sự góp ý của các bạn. Đồng thời, người quê xin mời bạn nào có nhã hứng cùng tham gia với người quê cho vui.
Trong các bản dịch thơ ở trên, người quê thích nhất bản dịch của "Đại lão tiền bối" Khương Hữu Dụng, do vậy mà bản dịch thơ của người quê có phần nào bị ảnh hưởng.

Bản dịch người quê
Đêm hoa trăng trên sông xuân


Sông liền biển nước triều sông đẫy.
Biển dậy, triều trăng lộng lẫy dâng.
Muôn dặm sóng vời nâng diễm ảo
Sông xuân chốn chốn nhuốm màu trăng.

Sông trôi uyển chuyển rừng hương ngát
Trăng chiếu, ngàn hoa như tuyết dát
Tầng không sương áp ngở không hay
Bãi trắng cát phơi ngờ chẳng khác.

Một sắc trời sông chẳng bụi mờ.
Trời sông vằng vặt một trăng mơ
Bên sông ai đã đầu tiên thấy?
Trăng ấy bao giờ gợi ý thơ?

Người đời kiếp kiếp vần xoay mãi
Trăng nước năm năm vẫn như vậy
Trăng sông nào biêt rọi lòng ai?
Chỉ thấy năm dài theo nước chảy.

Mây trắng một mình trôi mãi đâu.
Ngàn phong xanh bến chẳng vơi sầu.
Đêm nay ai thả thuyền bên ấy
Ai nhớ lầu trăng, ai nhớ nhau.

Thương chốn lầu cao trăng ngẩn ngơ
Đài gương soi lẻ dáng ai chờ.
Cuốn rèm đuổi mãi vùng vằng lại
Đập áo xua hoài dủng dẳng trơ.

Cùng ngắm. Không cùng gởi tiếng thương!
Ước được theo trăng đến rọi nàng.
Nhạn chở tin hồng. Trăng chẳng thể!
Cá chìm nước bạc. Sóng khôn đương!

Đêm qua đầm vắng mộng hoa rơi
Hơn nữa đời xuân lạc xứ người!
Nước cuốn, xuân trôi, xuân sắp hết
Bờ Tây trăng cũng xế kia rồi.

Chầm chậm trăng chìm trên biển quạnh
Bờ Kiệt, dòng Tương sương thấm lạnh
Theo trăng mấy kẻ hướng về thăm
Trăng rụng, tình gieo, cây bến đẫm.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.03.2005 04:14:13 bởi nguoique >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9