XUYÊN THỜI GIAN-truyện huyễn tưởng
Khải Nguyên HT 25.02.2009 16:19:34 (permalink)
XUYÊN THỜI GIAN
Truyện  huyễn tưởng của Khải Nguyên


Chương 1.
ƯỚC MƠ CỦA HAI CẬU HỌC TRÒ NGẠI HỌC

      Có hai bạn nhỏ cùng tuổi, đang học cấp hai. Một bạn tên là Tâm, nhà trong thành phố. Bạn kia tên là Thái, ở thôn quê. Tâm khoái trò chơi điện tử. Cũng có ngó đến bài học, bài làm khi mắt bắt đầu ríu lại. Thái thì ở một vùng rất chi là thú vị: có đồi, có suối, có rừng cây, có bãi cỏ. Cậu “ngự” trong một cái trại hơi biệt lập. Ngày thường, ngoài một buổi học ra, cậu chỉ phải giúp nhà chăn mấy con bò và bê. Tha hồ thả diều, ngụp suối, sục rừng,…, mùa nào có trò nấy. Vậy mà tối về, còn bụng dạ để sờ đến sách với vở cơ đấy. Hai nhà là chỗ bạn bè cực thân; một ngày nọ Tâm được cho về nghỉ hè tại nhà Thái một tháng để tận hưởng thiên nhiên phóng khoáng. Tâm mang theo một ít đồ chơi và sách đọc. Thái dẫn bạn tung tẩy trên “giang sơn” của mình. Khi đã thân nhau đến mức có thể “dốc” hết với nhau cả chuyện hay lẫn chuyện dở, hai cậu mới vỡ lẽ ra rằng cả hai có cùng một “nỗi khổ” khó bày tỏ cùng ai: ấy là cái sự rất muốn làm những chuyện phi thường mà chẳng phải học nhiều.
      Một chiều kia, nắng đã dịu, gió hây hây, hai cậu bé nằm nơi rìa một bãi phẳng ven đồi, trong bóng râm của một cây vông cổ thụ, dưới lưng là lớp cỏ non dày êm. Tay Tâm cầm một cuốn sách mà họ đang đọc dở, định đưa lên đây đọc chung. Đọc sách chẳng phải là sở thích của hai chú bé. Nhưng cha mẹ lại hay làm theo lời khuyên của các thầy, cô giáo trước khi bước vào kì nghỉ hè, biết làm sao được! Cuốn truyện kể về một gia đình ở thế kỉ 19. Đọc cũng “tạm hay”.
      - Đời xưa lạc hậu hơn bây giờ nhiều, nhỉ! - Thái bỗng lên tiếng.
      - Quá nhiều ấy chứ. - Tâm nghển cổ nhìn sang bạn - Này! bọn ta mà sống vào thời trước thì chẳng cần học hành gì thêm nữa cũng đã là bác học. Người xưa biết thế nào là tế bào, vi khuẩn, biết thế nào là điện; đến xe đạp cũng chẳng biết nữa là.
      - Ước gì có phép lạ nào …
      - Mình nghe nói nếu chế tạo được một con tàu vũ trụ có tốc độ vượt tốc độ ánh sáng thì có thể quay lại dĩ vãng được.
      - Bắt cái bóng dĩ vãng à ?
      - Một lần, mình nghe thầy giáo mình trả lời bạn, một câu hỏi y như câu cậu vừa nói, bằng một câu mà mình không hiểu nhưng nhớ mãi: “Biết đâu vũ trụ chẳng là một chuỗi tồn tại trong thời-gian-tốc-độ-ánh-sáng ?”.
      - Thầy giáo mình lại bảo tốc độ ánh sáng là cao nhất rồi theo thuyết tương đối của Anh-xtanh. - Ngừng một chút, Thái mơ màng nói - Giá có ông Bụt hay bà Tiên ban cho phép lạ…
      Hai cậu gối đầu lên tay, ngửa mặt nhìn lên. Trời xanh bao la, càng nhìn lâu càng thăm thẳm. Ngoài xa xăm ấy là gì nhỉ ? Có nơi nào đó có “người” không ? Thấy bảo ở nước nào đó, bên Nga hay bên Mĩ sao đó, người ta đồn là có người ngoài trái đất đến. Nhiều người cho là tin vịt. Nhưng cũng có người tỏ vẻ tin. Có lẽ vì họ mong mỏi đấy thôi. Nếu có người từ các hành tinh khác đến thăm trái đất chúng ta thì chắc chắn trình độ khoa học của họ phải “siêu” cực. Biết đâu họ chẳng có thể chế tạo ra con tàu ngược quá khứ ? Không bảo nhau mà hai chú bé nghĩ ngợi và mường tượng hầu như trùng nhau.
      Chúng đang thiu thiu, sắp vào cõi mộng… “khò” thì đất trời bỗng sáng loà lên trong một nhoáng. Hai đứa giật mình mở mắt.
      - Cái gì vừa rực lên thế nhỉ ? - Tâm ngơ ngác hỏi.
      - Sao băng chắc ? - Thái hỏi lại.
      - Ai trông thấy sao băng giữa ban ngày bao giờ. - Tâm cười khẩy.
      Hai cậu lại im lặng thả hồn vào cõi bao la của trí tưởng tượng, ngủ vùi khi nào không biết.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.02.2009 14:58:44 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Khải Nguyên HT 26.02.2009 14:45:02 (permalink)
    Chương 2. CHUYỆN LẠ…THẬT

           Thái chợt tỉnh, cảm thấy có ai đang nhìn mình, bèn nhỏm dậy. Mé trái, trên một cái gò cách chẳng mấy xa, hai thằng bé lạ mặt trạc tuổi cậu đang đứng nhìn. Cả hai ăn mặc nom lạ hoắc. Quần áo một người màu xanh biển; người kia, màu xanh trời; đều anh ánh phớt hồng. Trời chẳng lạnh chút nào mà họ “diện” găng tay- mà chỉ đeo một bên, và trên đầu đội… chẳng ra mũ nồi, chẳng ra mũ lưỡi trai, trùm gần kín đầu.
           “Tâm! Tâm! Dậy mau!”, Thái hối hả lay mạnh bạn. Tâm hấp háy mắt, càu nhàu: “Cái gì mà ồn lên thế ?”. “Nhìn kìa!”. Thái quay người chỉ vào chỗ…chỉ có hai lùm cây con. Cậu lơ láo đưa mắt sục quanh quất. “Cậu ấm ớ thật.- Tâm bực mình- Phá người ta, đang ngon”. “Chúng biến đi đâu ấy nhỉ ?”- Thái lẩm bẩm. “Ai ?”. “Hai thằng bé đứng chỗ kia kìa”. “Cậu không mơ đấy chứ? Hay định chơi tớ ?”. “Mình đã đánh lừa cậu bao giờ chưa ? - Thái vẫn hồ nghi- chẳng lẽ có ma thật ?”. “Có đấy. Chẳng ma bùn thì ma lanh, đang ngồi trước mặt tớ đây này”. “Cút cậu đi !” Từ ngày quen nhau, Tâm mới thấy Thái cáu, chứ không phải là mình. Cậu xuống giọng: “Thôi, ta chơi trò gì đi. À, tớ đãi cậu một chầu “hiện đại” hết ý”.
           Tâm có mang theo một thứ đồ chơi vào loại “sang”. Thực ra, loại này ở thành phố chỉ bọn “nít” hơn nữa mới thật sự ham. Bọn “choai” chóng chán. Cậu định bụng sẽ trưng ra vào đúng lúc “hắn chịu nhất”. Loè hắn ta chút xíu cũng khoái. Đó là một chiếc xe điện tử loại tối tân (!). Tâm trao đồ chơi cho Thái, hướng dẫn cách vận hành. Thái đưa xe ra khoảng đất trần gần đó. Cậu ấn nút, chiếc xe chạy thẳng nổi còi “pin, pin…” tiếp đó là một điệu nhạc.
           - Nó biết nghe lệnh đấy nhá. - Tâm ngồi tại chỗ nói- Nào! Rẽ trái ! - Chiếc xe rẽ trái thật - Quay phải ! - Tâm tiếp tục ra lệnh. Chiếc xe quay sang phải. Mỗi lần đổi hướng là đổi điệu nhạc.
           - Đi thẳng nào ! - Thái thử ra lệnh. Chiếc xe chẳng tuân lời cậu- Nó biết cậu là chủ à ? Nghĩa là nó nhận ra giọng cậu à ? - Thái quá đỗi ngạc nhiên.
           Tâm cười phá lên, chìa ra cái điều khiển từ xa:
           - Lại đây ! Nút 1 là chạy thẳng, nút 2 là rẽ trái, nút 3 là rẽ phải, nút 4 là chạy lùi, nút đỏ là tắt máy. Cậu thử đi !
           - Từa tựa sai bảo máy thu hình nhỉ ? - Thái cầm lấy cái điều khiển và để cho oai, hắng giọng hô: “Tiến” cùng lúc ấn nút 1. Chiếc xe quay phải - Ơ! Nó không tuân theo mình- Thái kêu lên.
           - Cậu nói vớ vẩn gì thế ! Sai khiến xe là các nút bấm chứ không phải tiếng hô. Đưa xem nào !
           Tâm giằng lấy cái điều khiển trong tay bạn, ấn nút 1. Cái đồ chơi tiến một chút rồi lùi. Cậu ấn nút tắt, đoạn ấn nút 3. Chiếc xe vừa quành phải đã trở lại đi thẳng. Cậu trừng mắt ngó Thái:
           - Cậu làm thế quái nào mà rối mẹ (!) nó mạch điện tử rồi.
           - Mình cầm nhẹ nhàng chứ có làm gì đâu.
           - Không làm gì ? Đấy ! Nó không tuân theo nút điều khiển nữa đây này.
           Chợt nghe tiếng cười hơi lạ tai. Hai đứa cùng ngửng lên. Trên bãi cỏ cách chừng mười mét, Thái thấy hai thằng bé lúc nãy đang nhìn với bộ dạng muốn làm quen. Đang bực, Tâm quát:
           - Cười, cười cái gì ?
           Thái huých nhẹ cùi tay vào người Tâm: “Hai thằng vừa rồi đấy”. Hai đứa bé lạ vẫn tươi cười.
           - Chúng cháu chào hai cụ ạ. - Đứa mặc áo màu xanh biển nhũn nhặn thốt lên.
           Tâm nghĩ chúng diễu mình vùng dậy chạy lại “cho một bài học”. Chú nắm tay nhằm mặt thằng vừa lên tiếng chào tống một chưởng “tai-xơn”(tyxon), ngón đòn “cực” chú vẫn khoe ở trường mà chưa có dịp dùng thử (tên ngón đòn của chú là một “liên danh” Tàu - Mĩ). Tay chú chưa chạm mặt đối phương đã đau buốt như đấm phải chùm gai xương rồng, đồng thời bị xô bật trở lại.    Không định mà chú lũi mấy bước đưa bàn tay trái đỡ nắm tay phải vừa xoa vừa nhìn “đối thủ” lom lom. Hai kẻ lạ vẫn bình thản và tươi tỉnh:
           - Chúng cháu chào hai cụ mà.
           Thái thấy nên đáp lời:
           - Ừ, hai cụ chào hai cháu. Các cháu từ đâu đến vậy ? - Cậu làm mặt nghiêm, song giọng vẫn lộ ý bỡn cợt.
           - Từ xa lắm. - Đứa mặc áo xanh da trời trả lời.
           - Đến chơi ai ở đây ?
           - Chúng cháu…
           - Thôi ! Đùa vậy đủ rồi. - Thái ôn tồn nói - Đừng xưng hô vậy nữa.
           - Nhưng chúng cháu thuộc lớp hậu thế của các cụ. - Áo xanh trời lễ phép nói.
           Thái tròn mắt: “Sao ?”. Còn Tâm thì cau mặt: “Cái gì ?”. Cậu đã trở lại đứng cạnh Thái, lòng nghi hoặc: Hai tên này là quỉ hay sao ?
           Hai kẻ lạ đi tới gần. Áo-xanh-biển nói:
           - Các cụ đang sống vào năm 2001 phải không ạ ? Chúng cháu từ thế giới của năm 2350 đến đây.
           - Ha, ha…- Thái cười to - Các bạn nhộn thật đấy. Y như truyện khoa học viễn tưởng.
           - Con xin lạy hai bố. - Tâm cáu lắm, nhưng nổi khùng lúc này thì có thể làm gì được ! - Phịa cũng phải có sách chứ.
           - Thật mà. - Áo-xanh-biển vẫn hồn nhiên- Cái điều khiển xe của hai cụ chẳng hỏng đâu. Vừa rồi không xuôi là do chúng cháu muốn thử uy lực điều khiển của chúng cháu thôi. Các cụ hãy xem!
           Áo-xanh-biển cầm cái điều khiển của Tâm rồi chĩa vào cái xe bấm các nút trước mắt hai “cụ”. Chiếc xe- đồ chơi tiến, lùi, rẽ trái, rẽ phải theo đúng lệnh cái điều khiển. Áo-xanh-biển nói tiếp:
           - Lúc nãy, chúng cháu đã chế ngự các lệnh của cái điều khiển này.
           - Vậy cái điều khiển của các cậu đâu ? - Tâm ngờ vực hỏi.
           - Đây. Không cần ấn nút, có thể điều khiển bằng ý nghĩ. -Áo-xanh-trời nói và chìa bàn tay đeo găng về phía chiếc xe.Chiếc xe liền hoạt động. Tâm thử dùng cái điều khiển của mình lái khác đi nhưng chẳng lại được.
           Tâm và Thái đưa mắt cho nhau. Vậy ra…Chẳng nhẽ chuyện tào lao hai đứa tán vừa nãy lại là chuyện thật ! Khó tin ! Khó tin nhưng gợi trí tò mò. Biết đâu… , song lại sợ mắc lỡm.
           - Các bạn ngồi xuống đây ! - Thái bảo hai vị khách “nhí”- Kể chuyện cho chúng tôi nghe đi.
           - Thưa hai cụ…- Áo-xanh-trời vừa mở lời thì Tâm đã xua tay:
           - Thôi! Thôi! - Tâm nhăn mặt - Chúng tớ có sợi râu nào đâu. Đều còn trẻ ranh như các cậu cả.
           - Nhưng hai cụ thuộc thế hệ tổ tiên…
           - Lúc này các bạn đang ở đây với chúng tôi, năm 2001. - Thái vui vẻ nói- Ta coi nhau cùng lứa cho dễ nói chuyện, được không nào ?
           - Vậy thì xin vâng. -Cả hai cậu bé khách cùng nói. Áo-xanh-biển nói thêm - Chỉ e khi trở về, chúng tôi bị trách cứ là đã lợi dụng khái niệm tương đối về thời gian để “cá mè một lứa”, hỗn xược với tiền nhân.
           - Chúng tôi yêu cầu cơ mà. À, mà các bạn tên là gì ? Tôi là Thái, còn bạn này là Tâm.
           - Ở chỗ chúng tôi, tên người có kèm kí hiệu và con số để tiện mã hoá khi cần thiết. Các bạn cứ gọi chúng tôi là Xanh Biển và Xanh Trời theo màu quần áo của chúng tôi đang mặc đây vậy.
           Bốn trẻ ngồi lại với nhau. Tâm vẫn còn hồ nghi:
           - Có thật là các bạn từ thế kỉ 24 đến không ?
           - Thật. Phải nói là trở lại mới đúng.
           - Các bạn đi như thế nào ?
           - Chúng tôi dùng tàu xuyên-thời-gian.
           - Tàu đâu rồi ?
           - Chỗ kia. - Xanh Biển trỏ tay về dãy đồi bên phải - Nhưng các  bạn chẳng thấy được đâu. Trong tàu có bộ phận gây nhiễu các tia sáng phản xạ, - tất nhiên là với mọi tia thăm dò từ ngoài như sóng ra-đa chẳng hạn đều phải vậy-, tạo ra một thứ ảo ảnh như trên sa mạc, con tàu bị lẫn vào cảnh vật. Có ai tình cờ bước vào vùng nhiễu, khá rộng, sẽ bị cái bẫy vô hình đánh lừa dắt đi quanh quéo bên rìa rồi lộn trở ra mà chẳng hề biết.
           Thái sực nhớ: - Có phải hồi nãy các bạn dùng cách ấy để tàng hình không ?
           Xanh Biển nói: - Tàng hình kiểu ấy cũng được. Vừa rồi chúng tôi dùng cách di hình. Nói rõ để các bạn hiểu được thì khó. Cách này tạo ra tia sáng phản chiếu đi từ một vật nào đó, như lùm cây chẳng hạn, vào mắt các bạn.
           - Chúng tôi xem tàu được không ?- Tâm đưa ý kiến.
           - Được. - Xanh Biển đáp - Hai bạn là khách đầu tiên của tàu chúng tôi. Hai bạn nhắm mắt lại để chúng tôi dắt. Dọc đường chớ mở mắt ra, có hại đấy.
           - Còn hai bạn ? - Thái thắc mắc.
           - Chúng tôi có máy dẫn đường. - Xanh Biển trỏ vào mũ trên đầu.
           Hai “cụ” nhắm tịt mắt, mỗi người bám một “cháu”. Cũng không khó đi lắm. Bãi phẳng và cỏ êm. Tâm vẫn nghi hai Xanh có trò gì muốn giấu đây.   Được một quãng, cậu thử hé một mắt ra, định làm như thầy địa lí làng Tả Ao xưa. Xưa, ông Tả Ao đi học nghề địa lí ở bên Tàu. Lúc ông thành tài trở về nước, thầy Tàu căn dặn qua núi nọ phải nhắm mắt lại, nếu không sẽ bị mù. Đến khi qua núi đó, vì tò mò ông chỉ nhắm một mắt, phòng có chuyện thật thì giữ được mắt ấy. Ông nhìn thấy một mạch đất cực tốt, làm huyệt mộ có thể phát đế vương. Thì ra thầy Tàu bịp ông, sợ huyệt ấy vào tay người Nam thì bất lợi cho nước họ, họ không muốn nước Nam thịnh vượng lên. Chuyện này Tâm được ông ngoại kể cho nghe. Bây giờ cậu áp dụng. Cậu thấy nhoáng nhoàng, đầu óc quay cuồng, ngã lăn ra đất. Xanh Biển, người dắt cậu, đỡ cậu dậy, trách: “Đã dặn kĩ rồi: chớ mở mắt ra. Mở mắt thì phải chịu cho vành đai vô hình dẫn dắt mới an toàn cho con mắt và bộ óc”. Họ lại tiếp tục đi.
           - Mở mắt được rồi ! - Câu nói làm Tâm và Thái nhẹ cả người.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.02.2009 14:56:54 bởi Khải Nguyên HT >
    #2
      Khải Nguyên HT 28.02.2009 16:32:34 (permalink)
      Chương 3. CON TÀU XUYÊN-THỜI-GIAN
       
                Một vật thể màu nhũ bạc như màu của bồn chứa xăng đập vào mắt hai vị khách “măng”. Các cậu đã chắc mẩm sẽ được nhìn thấy một cái đĩa bay như trên màn truyền hình hay trong sách báo vẫn tả, hoặc cái gì tương tự. Vật trước mắt nom tựa một quả cam khổng lồ. Ba cái trụ có đế thò ra tì vào mặt đất giữ cho “quả cam” thăng bằng.
                Xanh Biển đến đứng dưới tàu chĩa thẳng bàn tay đeo găng lên, đồng thời ngước nhìn. Một tiếng “xịch” rất khẽ, một cánh cửa từ từ mở ra, cùng lúc một cái giỏ trắng bằng vật liệu tổng hợp có dạng cái thuyền thúng tròn trượt theo một trong ba cái trụ xuống. Bốn người trèo vào ngồi trong. Cái giỏ được nhẹ nhàng nâng lên chui vào trong tàu. Cửa tự động khép lại. Đứng ngoài chẳng thấy cửa rả gì cả mà vào trong khoang tàu vẫn thấy ánh sáng trời, không phải bật đèn. Xanh Trời bảo cần tận dụng ánh sáng tự nhiên qua thiết bị riêng.
                Thái và Tâm những lo là vào trong tàu sẽ hoa mắt vì nào bảng, nào đồng hồ, nào đèn hiệu, nào nút bấm,… rắc rối, ít ra thì cũng không kém khoang tàu Hoà Bình của Liên Xô xưa mà hai đứa đã thấy trên màn truyền hình. Ở đây quang quẽ, gọn gàng.
                - Chẳng có vẻ gì là khoang tàu vũ trụ cả. - Thái nhận xét.
                - Đây là phòng của đoàn phi hành.- Xanh Trời giải thích- Khoang thiết bị kĩ thuật ở sau cánh cửa kia. Tàu này trang bị cũng gọn nhẹ lắm. Khoa học và công nghệ ở thời chúng tôi không còn như ở thời các bạn. Vả lại, đây không phải là tàu không gian.
                - Điều khiển tàu này hẳn là khó. - Tâm nói - Khó hơn lái các tàu của người Nga, người Mĩ hiện nay là cái chắc.
                - Khó nơi những lĩnh vực khác.-Xanh Trời mủm mỉm cười- Còn điều khiển nó lại khá đơn giản.
                Xanh Trời ấn  vào một cái nút trên vách tàu. Hai cái ghế hiện ra, nom như ghế cắt tóc hay ghế chữa răng, tất nhiên là chẳng giản đơn như thế, mà lạ lùng. Xanh Trời ngồi vào một ghế, bảo một trong hai người ngồi vào ghế kia.  Tâm “xung phong” ngay. Nói là ngồi nhưng do vị thế của ghế thành ra ngửa người gần như nằm. Giữa hai ghế là một cái hộp nhô lên từ vách tàu. Xanh Trời sờ vào một cái chốt, nắp hộp bật lên do lò xo (Xanh Trời giải thích: trường hợp này không cần tự động hoá để tiết kiệm năng lượng). Lộ ra cái mà Xanh Trời gọi là “bản điều khiển”. Cậu chỉ vào một cái cần nhỏ màu ngà:
                - Đây là cần điều khiển. Muốn lùi về quá khứ thì đẩy nó theo vạch vàng này; trên thước có khắc độ thời gian. Muốn trở lại nơi xuất phát chỉ việc đẩy nó về chỗ cũ. Phải thật đúng chỗ cũ. Một xê xích dù tí xíu cũng dẫn tới một sai số lớn trên chặng thời gian. Muốn chính xác phải xem trên máy điện toán. Mọi dữ liệu đều đã cho vào bộ nhớ. Ấn nút chỗ này.
                Tàu này, - Xanh Trời nói tiếp- trình độ tự động hoá rất cao. Tỉ như ghế ngồi tự biến đổi cơ cấu và dịch chuyển vị thế sao cho nhà phi hành thuận tiện nhất và an toàn nhất.
                - Vậy tên lửa đẩy đâu ?- Tâm giọng thành thạo, hỏi.
                - Tàu-xuyên-thời-gian hoạt động theo những nguyên lí và định luật được tìm ra vào đầu thế kỉ 24. Không như tàu vũ trụ vượt không gian.
                - Có thể vượt vào tương lai không ? -Thái hỏi.
                - Thì đẩy cần điều khiển theo phía này, vạch xanh. -Xanh Trời ngập ngừng một chút- Đó là trên lí thuyết. Chúng tôi, nói đúng ra là “Hội đồng khoa học siêu nhiên quốc tế” của chúng tôi, định đến năm 2365 mới thử chuyến đầu tiên. Thử vượt đến năm 3000 thôi, vượt đến một tương lai khá gần có thể ức đoán được. Đi trước vào tương lai, con người phải đủ những tố chất cần thiết. Phải dự đoán trình độ văn minh của thế hệ mình định tiếp cận. Họ đã phát triển đến mức nào về thể chất, về trí tuệ, về tâm hồn ? Rồi môi trường trái đất thời đó ra sao; phải biết để rèn luyện cho thích ứng. Cũng không thể không lường trước những tình thế ngặt nghèo, những trạng huống xấu phải đối phó.
                Ngược về quá khứ thì có hai điều thuận. -Xanh Trời đang hăng giãi bày- Một là, khỏi phải dự đoán các điều kể trên, mà chỉ phải tìm hiểu dựa vào những tài liệu lịch sử, bảo tàng, di chỉ,… Hai là, trình độ văn minh thời trước không thể vượt thời sau, ít ra là vậy. Nếu xẩy đến tình huống không lợi cũng dễ đối phó hơn.
                Tâm hỏi: -Tôi nghe nói nhiên liệu là một trong những khó khăn hàng đầu.
                Xanh Biển nói:- Nhiên liệu do con người tìm mọi cách điều chế chẳng thể nào đủ cho suốt một hành trình dài về thời gian, hoặc không gian, hoặc không-thời gian. Phải nạp thêm năng lượng vũ trụ. Năng lượng tản mát trong vũ trụ thừa thãi, phí phạm,… Trong con tàu này, có thiết bị thu và dự trữ năng lượng vũ trụ.
                - Ờ, phải rồi! -Tâm kêu lên- Những người ngồi thiền thụ khí, họ nạp điện vũ trụ vào người họ đấy.
                - Thôi đi cậu! -Thái gạt đi- Chuyện ấy chưa nói chắc được đâu. Anh tôi ở thủ đô về bảo rằng những người có thể tin được thì kín tiếng, chẳng rõ sự thật của họ ra sao; người khác thì bịp; có những người do hoang tưởng.
                - Chuyện thu năng lượng vũ trụ vào người, thời chúng tôi cũng có. Luyện rất công phu, một phần cũng dựa vào tố chất từng người. Phẩm chất nữa. Nôn nóng hoặc có tà ý thì khó mà thành công.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.02.2009 16:37:40 bởi Khải Nguyên HT >
      #3
        Khải Nguyên HT 02.03.2009 16:01:56 (permalink)
        Chương 4. VẪN LÀ CHUYỆN HỌC VÀ TẬP

               Thái chợt hỏi: - Sao các bạn dường như chẳng có gì khác với chúng tôi, kể cả cách ăn nói ?
               Xanh Biển và Xanh Trời đều cười xoà. Xanh Biển nói:
               - Chúng tôi có cởi bỏ những thứ khoác trên người thì các bạn cũng chẳng nhận ra có gì khác. Phải là những nhà cơ thể học. Nhưng chẳng dễ thấy đâu.   Chỉ ngôn ngữ là biến đổi rõ, chủ yếu là về từ vựng. Bình thường thì chúng ta sẽ phải chật vật mới hiểu được nhau. Hai thời đại chúng ta cách nhau ba thế kỉ rưỡi; biết bao biến đổi và tiến hoá đã diễn ra trong ngôn từ diễn đạt, giao lưu, trong cách biểu đạt. Trước khi chúng tôi làm các cuộc du hành vào thời quá vãng, các chuyên gia đã nghiên cứu kĩ từ điều kiện tự nhiên, tình hình xã hội đến con người các nơi định đến; biết những nét cơ bản về cách ăn ở, tục lệ, ngôn ngữ, vân vân… Do vậy, chúng tôi biết, chẳng hạn, vì thiếu chỗ chơi nhiều bạn lấy đường phố làm sân đá bóng, thậm chí làm bãi thả diều.
               - Chuyên gia của các bạn giỏi quá ta! - Tâm thán phục- Có khi phải nghiên cứu cả một đời.
               - Công việc dễ đi nhiều nhờ các “từ điển lưu trữ”. Chúng tôi có từng bộ, hoặc chuyên đề, hoặc biên niên, ví như “Việt Nam thế kỉ 20”,   “Thế kỉ 21- Những xung đột  xã  hội  toàn cầu”, …
               - Bộ “Việt Nam thế kỉ 20” chắc phải chật một tủ lớn.
               - Chỉ gói gọn trong một cái ống lưu trữ cỡ ngón tay út thôi.
               - Vậy là các bạn học làm người thời chúng tôi, - Thái hỏi- như tập diễn kịch hay đóng phim ấy, đúng không ?
               Xanh Biển ngó Xanh Trời cười. Xanh Trời cũng cười, lên tiếng:
               - Ở trường tôi học, đã có lần tôi làm một diễn viên tồi, nên từ đó tôi cạch rồi. Trước khi được phép du hành, chúng tôi có học và tập về thời sẽ trở lại, nhưng vẫn cần “máy giao lưu” được chế tạo ra căn cứ vào những hiểu biết về các thời đó. Thí dụ, chúng ta đang nói chuyện với nhau đây, bộ phận dịch của máy biến những lời của các bạn ra ngôn từ thời chúng tôi để truyền cho chúng tôi; Khi chúng tôi nói với các bạn thì những lời phát ra cũng đã được chuyển đổi ra ngôn từ thời các bạn rồi.
               - Máy ấy ở đâu ? - Tâm hỏi.
               Xanh Trời trỏ vào cái mũ trên đầu mình. Tâm nói như reo:
               - Có cái máy này thì học ngoại ngữ khoái phải biết! - Với cậu, cái món tiếng nước ngoài là cái của nợ. - Mà chẳng phải học hành gì cho phí công, cứ mang máy đi khắp thế giới, tha hồ nói và nghe như với người cùng phố.
               - Chẳng đơn giản vậy đâu. - Xanh Trời lắc đầu- Máy này chỉ hỗ trợ thôi. Phải nắm được những hiểu biết sơ đẳng về ngôn ngữ mình định vận dụng thì máy mới “thiêng”. Ngôn ngữ giữa hai thời chúng ta có khác nhau do những biến tướng qua quá trình sử dụng hàng mấy trăm năm, chứ về căn bản vẫn là một. Vậy nên đeo máy vào chúng tôi giao tiếp với các bạn dễ dàng. Còn với các dân tộc có ngôn ngữ khác, chúng tôi đâu có ngon như vầy. Đây không phải là máy phiên dịch thẳng.
               - Thời nào thì cũng phải học và tập. - Xanh Biển nói- Máy móc chỉ giúp cho công việc trở nên dễ hơn và nhanh hơn mà thôi. Thời chúng tôi, nhờ các thiết bị tinh xảo, những người có chí trong một tháng có thể cùng lúc học nắm vững hai ngoại ngữ, sử dụng chúng không cần đến máy phiên dịch hỗ trợ.
               Thái đề nghị hai bên thử chuyện trò không dùng máy giao lưu. Quả nhiên, họ nghe nhau rất khó như người ngoài Bắc đầu thế kỉ 20 giao tiếp thẳng với người trong Nam cuối thế kỉ ấy, giả dụ chuyện này có thể xảy ra.
               Tâm muốn được dùng thử máy. Hai người bạn-hậu-sinh vui vẻ chấp thuận, hướng dẫn tỉ mỉ cách đội, cách sử dụng. Đúng là nhờ cái mũ vũ trụ, theo cách nói của Tâm, đại diện của hai thế hệ cách nhau hơn ba trăm năm lại nghe hiểu nhau bình thường.
               Tâm ngắm nghía khoang tàu, nhận xét: “Giá không bị cách biệt với bên ngoài mù tịt như thế này thì ở trong đây cũng thú đấy chứ nhỉ”. Xanh Trời cười nụ, đến ấn một cái nút màu xanh lơ. Tâm và Thái bỗng nhìn thấy quang cảnh quanh tàu rõ mồn một như là chẳng hề có vách tàu. Xanh Trời ấn tiếp vào cái nút màu tím. Thốt nhiên, nghe tiếng cu gáy xa xa, cả tiếng gió thổi. Tâm tấm tắc: “Chà! đem khoang tàu này đặt giữa thành phố thì thú vị phải biết”.
               Xanh Biển hỏi: - Thành phố của bạn ở phía nào ?
               Tâm chỉ tay chếch về bên trái.
               - Cách bao xa ? - Xanh Biển hỏi tiếp.
               - Chừng ba chục ki-lô-mét đường chim bay.
               Xanh Biển hướng mặt về một phía vách tàu nói lên một câu gì đó, ngắn, mà Thái và Tâm không hiểu. Lập tức, một màn hình hiện ra to cỡ chiếc chiếu đôi. Xanh Trời đi vào khoang bên. Xanh Biển nói tiếp một câu gọn nữa. Màn hình bật sáng và hình ảnh từng phần của một thành phố lần lượt diễu qua. Tâm nhìn thấy quảng trường chính của đúng thành phố mình ở, lúc này đang có một tốp thiếu nhi từ nhà triển lãm đi ra, nghe cả tiếng họ gọi nhau. Tâm thích thú:
               - Đài truyền hình đang chiếu cảnh thành phố tôi.
               - Chẳng phải vậy đâu. - Xanh Biển nói- Chúng tôi thu trực tiếp đấy.
               - Làm sao mà các bạn quay được ? -Tâm ngạc nhiên.
               - Giải thích thì phải lâu. Bây giờ chưa được.
               Thái tranh thủ hỏi: - Vừa rồi, bạn đọc phù chú cho màn hình hiện ra phải không ?
               Xanh Biển cười: - Bạn muốn nói trò phù thủy chứ gì. Ngay thời các bạn cũng đã không còn trò bịp ấy nữa rồi mà. Lúc nãy, tôi điều khiển bằng tiếng nói.
               - Tôi tưởng điều khiển từ xa bằng sóng điện chứ. Có thể điều khiển bằng âm thanh ư ?
               - Bộ óc người biết nhận lệnh, phải không nào ? Ở đây, có bộ óc nhân tạo, nhưng nó chỉ nhận được những lệnh đã cài đặt trước, mã hoá từng âm tiết, cả âm sắc; nói kiểu phù phép là những câu yểm.
               - A ha! “Vừng ơi, mở cửa!”, y như trong “Nghìn lẻ một đêm”.- Tâm khoái chí- Nhưng mà khi mở cửa tàu không thấy các bạn niệm thần chú ?
               - À, lúc đó là điều khiển bằng sóng điện như thường vẫn làm. Dùng lời thì đối tượng chỉ tuân lệnh câu hô đúng từng âm tiết câu yểm đã đành mà còn phải đúng giọng nữa. Các bạn biết mỗi người có một giọng riêng, do vậy “yểm” giọng ai thì chỉ người ấy sai khiến được. Để bảo mật mà.
               Bốn người rời tàu. Họ vừa đi ra, Xanh Biển thấy một con vật thân tròn mà dài, khúc vàng, khúc đen, nằm khoanh trong một lùm cây định đến xem. Thái vội giữ lại: “Chớ! Rắn cạp nong đấy. Cắn chết người đấy!” Con vật thấy động ngóc đầu lên lo le cái lưỡi nom rất hãi. Xanh Trời rút trong túi ra một đồ vật tựa cái bút bi chĩa vào con rắn. Xanh Biển quát khẽ: “Đừng!”. Con rắn hơi nẩy đầu và cổ rồi xẹp xuống, thân giật mấy cái, im luôn. Xanh Biển nghiêm mặt với Xanh Trời: “Không nhớ lần bắt chim non à ? bị cấm đến Vườn Chơi hai tuần còn nhẹ lắm sao ?” Xanh Trời cúi đầu thẻn mẻn, vẻ biết lỗi. Xanh Biển quay lại nói với Thái và Tâm: “Loài vật này, ở thời chúng tôi không thấy có”. Tâm chép miệng: “Chúng được các bợm nhậu thăm nom cẩn thận trong các quán đặc sản bên ta, bên Tàu, …suốt từ thời chúng tôi làm sao sống sót nổi tới thời các bạn! Lại còn các bình rượu rắn nữa. Không tuyệt chủng mới là lạ”. Thái hỏi: “Các bạn phù phép ra sao mà con rắn chịu nằm bất động vậy ?” Xanh Biển nói: “Nó chết rồi”. “Sao vậy?”. “Xanh Trời vừa dùng súng la-de bắn”. 
               Tia la-de, Tâm và Thái đã từng nghe nói là có thể dùng làm dao mổ của các thầy thuốc, không ngờ có súng la-de, lại được thấy tận mắt. Xanh Biển chỉ dẫn về cây bút-súng cho Thái và Tâm, nút hãm, nút bắn; và cho biết khẩu súng tí hon này chỉ có hiệu quả trong vòng mười mét. Tâm những muốn được bắn thử, còn đang lựa lời thì Xanh Trời đã nói:
               - Chúng tôi sẽ phải tạm biệt hai bạn ít lâu. Một trong những sứ mệnh của chúng tôi là nghiên cứu một số công trình xây nên từ thời các bạn, ở thủ đô.  Trải qua các thời, những lần tu bổ đã làm cho pha tạp, lai căng. Chúng tôi muốn phục hồi nguyên dạng. Tài liệu cũ bị thất lạc nhiều. Các nhà nghiên cứu tranh cãi nhau mãi. Đành phải phái người quay lại quá khứ xem xét nguyên mẫu tại chỗ. Còn những sứ mệnh khác, có khi còn quan trọng hơn, song nói ra các bạn khó hình dung được.
               Mắt Tâm ánh lên một nét ranh mãnh. Xanh Trời biết ý:
               - Hẳn bạn khó tin vì sao lại phái trẻ con đi chứ gì. Thời chúng tôi, những thiếu niên sớm tỏ khả năng đều được vào viện thần đồng, có từ thế kỉ 23, học tập, nghiên cứu và làm những công việc thích hợp.
              - Chúng tôi đưa các bạn đi được không ?- Thái đề nghị- Để các bạn đỡ lớ ngớ. Đường sá, các phương tiện đi lại chắc chắn là lạc hậu nhiều đối với các bạn.
              - Cảm ơn. - Xanh Biển nói- Chúng tôi có cách đi riêng. Bây giờ các bạn về chỗ ban nãy đi. Chúng tôi sẽ đến đó ngay. Ở trong này đi ra, cứ nhìn thẳng mà bước đừng nghiêng ngó, thì sẽ không chịu tác động của vùng nhiễu.

               Thái và Tâm đến nơi đã thấy hai Xanh đợi ở đó. Hai cậu ngạc nhiên quá.  Càng ngạc nhiên hơn khi thấy mỗi Xanh ngồi trong một cái “ngai”, hai chân đút trong bệ ngai phía trước, tay tựa vào tay ngai, lưng và đầu áp sát vào lưng ngai.
               - Chúng tôi dùng “ghế phi hành” nên đi nhanh hơn các bạn.- Xanh Trời đoán được ý hỏi của hai “cụ”.
               - Đi bằng phản lực như tên lửa chứ gì ?- Tâm ra vẻ hiểu biết.
               - Không. Nguyên tắc hoạt động của ghế là “phản trọng lực”. Các bạn hẳn đã biết trọng lực thực ra là sức hút của các vật thể đối với nhau. Chúng ta cũng hút trái đất, nhưng sức hút ấy quá “muỗi” so với sức hút khổng lồ của nó. Sức hút là tác động của luồng hạt graviton. Làm cân bằng được tác động ấy tức là khỏi bị nó chi phối. Với ghế này, không làm cân bằng hoàn toàn trọng lực quả đất. Một khi đã làm giảm nhẹ hẳn thì dùng tay khoát không khí cũng đi lại được trên không như lặn trong nước. Năng lượng tiêu hao chủ yếu là vào việc tạo phản trọng lực; để di chuyển ghế thì chẳng bao nhiêu.
               Thái hỏi: - Như vậy ngồi trên ghế kia cũng giống như ở trong con tàu vũ trụ bay quanh quả đất ?
               - Khác chứ.- Xanh Trời nói- Ngồi vào ghế đang hoạt động cũng cảm thấy “gắn bó” với ghế gần như bình thường nhờ sức hút của ghế do một thiết bị ẩn bên trong tạo ra. “Khối” người và ghế không thoát li hoàn toàn sức hút của trái đất. Trạng thái từa tựa như của thợ lặn ngụp trong nước với đầy đủ trang bị.
               Tâm sốt sắng: “Chúng tôi thử được không ?”
               Hai Xanh gật đầu, rời khỏi ghế bay. Xanh Trời bấm một cái nút trên thành ghế, chiếc ghế tự xếp gọn lại vừa bằng một cái cặp sách học sinh bé. Lại bấm nút, cái “cặp sách” bung ra thành lại cái ghế. Hai Xanh bảo hai người-chủ-nay-thành-khách ngồi mỗi người vào một ghế, bày cho họ cách sử dụng bảng điều khiển đặt bên tay ngai phải. Bay lên, dừng lại, hạ xuống, rẽ phải, rẽ trái, tiến, lùi, nhanh, chậm… Thái cẩn thận vẽ sơ đồ và ghi chú vào cuốn sổ vẫn mang theo người. Xanh Biển dặn: “Hai bạn đến ngọn đồi trước mặt thì quay lại nhé!”.
               Tâm và Thái bấm nút khởi hành gần như cùng một lúc, và cùng thận trọng cho ghế bay chậm. Hai chiếc ghế từ từ bốc lên. Hai nhà “phi hành” bay cách mặt đất chừng mươi mét. Thái hơi ngợp. Tâm thì đã quen với một số trò chơi “cảm giác mạnh” ở thành phố rồi.
               Đến đúng nơi Xanh Biển đã giao hẹn, Thái cho ghế bay quay lại. Tâm đang cao hứng, cho ghế vọt lên toan vượt qua đồi. Khi đã tới phía trên đỉnh đồi, cậu định hạ xuống xem sao. Cậu bấm nhầm nút. Cái ghế thăng thiên. Cậu ấn nút tiếp, cái ghế tăng tốc. Cậu  đã bộp chộp và quá tin vào trí nhớ của mình. 
        Hoảng quá, cậu bấm nút đỏ, biết chắc đó là nút dừng. Chiếc ghế lửng lơ giữa trời. Cậu thử dùng tay bơi, song chẳng ăn nhằm gì. Nhìn xuống, cậu nhận ra gió đang đẩy mình từ từ sang phía tây. Phải liều ấn nút, thế nào cũng dò ra, cu cậu định bụng. Cậu chưa kịp ra tay thì chiếc ghế bỗng giật nhẹ một cái. Nó lại bay. Tâm đinh ninh nó quay về, nhưng nó bay nhanh hơn rồi lượn vòng. Ban đầu cu cậu thấy khoái. Cái ghế cứ lượn mãi  như theo một đường vạch sẵn trong không trung. Cu cậu phát ớn và cảm thấy ngộp. Cậu ấn nút dừng, cái ghế chẳng nghe theo. May quá! Lúc cậu bắt đầu hốt thì cái ghế bỏ vòng lượn bay trở về. Chiếc ghế bay đậu xuống trước ba người đang đợi. Xanh Biển tủm tỉm cười bảo Tâm: “Bạn đừng nên sai hẹn chứ”. Tâm hiểu ra ngay: Xanh Biển đã điều khiển từ xa để “sửa” cái xấu chơi của cậu.
               Tâm không định nói lảng:
               - Thời các bạn đi lại khoái nhỉ. Có thể bay như chim. Chẳng phải cuốc bộ, mà cũng chẳng cần tàu, xe.
              Xanh Trời lắc đầu:
               - Ghế bay này không đi xa được; việc sử dụng nó phải hạn chế vì nhiều lí do, trước hết vì chế tạo khó và tốn kém. Chúng tôi vẫn dùng xe, tàu. Có điều đường sá khác nhiều thời các bạn. Cách vận hành các phương tiện giao thông cũng khác. Năng lượng, không còn dùng thứ bốc mùi khét lẹt làm bẩn môi trường.
               - Dùng động cơ điện chứ gì.- Tâm lại ra vẻ thông tỏ- Và không cần người lái.
               - Có động cơ điện song không đơn giản như người ta viết trên một số tài liệu thời các bạn mà tôi đọc được. Quan trọng là nguồn điện năng và cấu tạo động cơ.
               - Trình độ công nghệ thời các bạn hẳn là giải quyết gọn mọi chuyện.
               - Chẳng bao giờ gọn được. Không nói thời chúng tôi con người đã lên vũ trụ ở dài ngày. Ngay ở trái đất, có thành phố trong lòng đất, thành phố trên biển, thành phố trong lòng biển. Phải tạo được những phương tiện đi lại thích ứng mọi môi trường giao thông.
               - Một chiếc xe có thể vừa chạy trên mặt đất, vừa bơi trên mặt nước, vừa lặn dưới nước, vừa bay lên trời. Hoan hô! Số dách!- Tâm bốc lên.
               Hai Xanh cười xoà. Xanh Trời nói: - Bạn giàu trí tưởng tượng thật đấy. Giá bạn sinh vào thời chúng tôi nhỉ. Thôi, ta nói chuyện kia sau.
               Đã đến lúc tạm chia tay. Thái, cả Tâm nữa, có vẻ bần thần. Hai cậu còn nhiều chuyện cần hỏi. Ngộ nhỡ hai Xanh đi luôn thì sao! Xanh Biển rút trong túi ra một cái găng tay y hệt cái cậu đang mang trao cho Thái: “Các bạn dùng cái này mà chơi với cái xe của các bạn cho đỡ buồn, chờ chúng tôi quay lại. Các bạn phải tập trung cao độ ý nghĩ mới điều khiển được; các bạn chưa luyện mà”.

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2009 16:25:20 bởi Khải Nguyên HT >
        #4
          Khải Nguyên HT 05.03.2009 09:46:51 (permalink)
          Chương 5.
          TỌC MẠCH VÀ HIẾU ĐỘNG QUÁ
          CÓ THỂ PHIỀN TO

                 Xanh Biển và Xanh Trời tạm biệt Thái và Tâm dùng ghế bay ra đi. Con tàu đã có vành đai vô hình trông coi rồi.
                 Vắng hai người bạn mới gặp chưa bao lâu, xa mà gần, gần mà xa, Tâm và Thái buồn thấy rõ, cảm thấy như hẫng hụt cái gì. Bãi cỏ ven đồi này chính là nơi chúng gặp gỡ hai Xanh. Nơi đây vốn là chốn ưa thích của chúng; nhưng hôm nay chơi trò gì cũng chán. Tâm bàn:
                 - Hay là chúng mình thăm con tàu đi. Sẵn găng tay đây. Biết cách vào tàu rồi.
                 - Chủ nhân đi vắng.- Thái gạt đi.
                 - Chỉ vào xem thôi mà. À, nhưng mà…- Tâm sực nghĩ ra- Không có chúng nó dắt thì làm sao lần ra đường đến đấy được.
                 - Tớ không thích vào trộm nhà riêng người ta thôi, chứ khó gì.
                 - Bốc phét!
                 - Có phải con tàu ở chỗ mấy ngọn đồi kia không ? - Tức khí, Thái chỉ tay về hướng có con tàu xuyên-thời-gian đang ẩn, nói- Đi như thường thì sẽ bị thiết bị bảo vệ đánh lừa, dẫn vào trận đồ bát quái, quanh quẩn mãi cũng chỉ nhìn thấy đồi cỏ, rừng cây thôi. Nay cứ nhắm mắt xông thẳng vào. Đến sát chân ba trụ đỡ thì hết vùng nhiễu. Cậu không nhớ hôm được dẫn tới đó sao ?
                 - Giỏi! Thằng này tưởng lù khù thế mà giỏi. Ta đi thôi!
                 - Mình thấy không nên.
                 - Cậu không đi thì mình tớ đi.
                 Thái sợ bạn vào trong tàu được rồi sẽ nổi hứng nghịch bậy thì phiền, đành miễn cưỡng theo.
                 Hai đứa hướng mặt vào đúng nơi định đến rồi bảo nhau nhắm mắt thẳng tiến. Đi vậy thì phải dò dẫm. Các cậu hơi hé mắt dòm chừng. Thế thì làm sao ra ngoài ảnh hưởng của cái bẫy vô hình được! Quanh quẩn hồi lâu rồi đành quay lại chỗ cũ. Thái hiến kế: một người nhắm mắt thẳng bước dắt người kia hé mắt dòm chừng (người mù dắt người lành!). Nhớ lại lần được Xanh Biển dắt, mình đã dại dột hé mắt nhìn…, Tâm lắc đầu quầy quậy.
                 Xem chừng có khi phải bỏ cuộc. Hai đứa mệt mỏi và chán nản nằm dài trên bãi cỏ nhấm đọt lá non và nhìn giời. Mắt nhắm thì thật khó mà tiến thẳng băng được. “Phải tập!”, Tâm nói to. Cả hai bật dậy. Một người bịt mắt dò dẫm bước, người kia theo dõi, uốn nắn, rút kinh nghiệm. Thay phiên nhau tập cho kì thuần thục. Khi đã cảm thấy được rồi, Tâm và Thái nắm tay nhau nhắm mắt cùng dò dẫm bước. Điều gì đã khiến Thái quên những lời khôn ngoan khuyên bạn chưa lâu ? Hai đứa đi khá chậm, tập trung tinh lực cao độ. May mà mặt đất thoai thoải và phẳng, đầy cỏ mềm. Một lúc lâu, khá lâu, Thái cảm thấy một cái gì đó rất khó gọi tên, như là sự nhẹ nhõm sau khi giải xong một bài toán khó.    Cậu hé mắt và cái nhìn đầu tiên đụng ngay một cái cột kim loại; cái càng đỡ của con tàu. Cậu nén một tiếng reo:
                 - Tên Tâm kia! Quay đằng sau, chạy! Mau!
                 Tâm sinh nghi, mở mắt, và …nhảy tới thoi cho bạn một quả, rồi lộn người đi bằng hai tay.
                 Không kịp nghỉ, Tâm xỏ găng vào tay đến đứng dưới tàu đúng chỗ Xanh Biển đã đứng hôm trước và lặp lại đúng những động tác Xanh Biển đã làm. Hai người lọt được vào trong khoang điều khiển của con tàu. Chúng đi thăm thú khắp. Thái luôn luôn nhắc bạn cẩn thận khỏi làm suy suyển. Thấy những “ống kem đánh răng” biết ngay là những ống thức ăn du hành, vì Xanh Trời đã có lần nói qua, Tâm muốn “thưởng thức cho biết mùi”. Thái bảo: “Thế là ăn vụng”. Tâm muốn nổi khùng “cho một chưởng”, nhưng nghĩ lại thấy bạn đúng.
                 Tâm muốn nhảy dựng lên khi nhìn thấy trong một ngăn tủ hai cái “cặp sách”-ghế phi hành, chắc là những thứ dự trữ của hai Xanh. Cậu định bụng sẽ mượn tạm để đi chu du một phen. Khối người sẽ phải lác mắt, nhất là bọn bạn học cùng trường.
                 Ấn nút cho hai cái ghế điều khiển hiện ra, Tâm rủ Thái ngồi vào. Thái lưỡng lự, rồi ý muốn “thử cho biết” đã thắng. Ta đã biết Tâm là một cậu bé tọc mạch và hiếu động. Mặc dù cũng tự nhủ phải dè chừng cơn bốc đồng, cậu vẫn muốn xem lại bảng điều khiển. Nắp hộp được mở ra, Tâm giơ tay sờ cái cần gạt, chỉ định sờ xem chất liệu thôi. Thái sợ bạn làm liều bèn kéo tay cậu ta lại.   Chẳng ngờ động tác ấy khiến ngón tay Tâm, lúc đó đã kịp bám vào cái cần, kéo nó trượt theo vạch vàng.Một cái rung nhẹ gần như mơ hồ, hai đứa tối tăm mặt mũi rồi chẳng biết gì nữa.

          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.03.2009 09:58:29 bởi Khải Nguyên HT >
          #5
            Khải Nguyên HT 09.03.2009 11:28:07 (permalink)
            Chương 6.
            CHUYỆN NHỎ TRONG RỪNG RẬM

                   Thái và Tâm tỉnh lại trong ghế chỉ huy. Hai đứa rời ghế. Tâm có vẻ phởn, song không được lâu. Bắt chước Xanh Trời hôm trước ấn cái nút màu xanh lơ và cái nút màu tím, cậu há hốc mồm ra. Quanh tàu là một khu rừng rậm thâm u. Hai nhà- du-hành-bất-đắc-dĩ khó nghĩ quá. Đi ra thì lọt thỏm vào giữa rừng già, biết lối nào mà lần. Chẳng lẽ cứ ngồi tịt tại đây? để làm gì? Lúc này thì chưa buồn. Được thoả thuê ngắm những cây cổ thụ vừa cao vừa to, mươi người ôm chưa chắc đã xuể; những dây leo thân bằng cột đình; … cả một rừng đại ngàn chưa từng thấy, trên màn truyền hình cũng chưa. Nghe tiếng chim ríu ran, tiếng vượn hót đâu đây, và dường như có tiếng suối mơ hồ như gần, như xa. Cả hai bỗng giật mình toàn thân nổi da gà. Một tiếng gầm nổi lên tưởng chừng ở ngay cạnh tàu. Hai cậu hốt hoảng nhìn quanh, cảm thấy trống trải quá. Lùm cây cách tàu chừng chục mét xao động, rồi một con vật vằn vện trên nền vàng sậm đi ra. Hổ! Con hổ to gấp đôi con to nhất ở vườn Thủ Lệ nơi thủ đô. Hai nhà du hành thót tim, tưởng như đang phơi ra trước hàm răng mãnh thú. Con hổ thủng thẳng đi khuất dần. Chưa lúc nào cái thở phào có ý nghĩa như lúc này. Hoàn hồn, Tâm và Thái hiểu rằng con vật chẳng thấy con tàu, càng không thấy được họ.
                   Rõ ràng đây là một khu rừng bí hiểm đầy bất trắc rình rập. Rời khỏi tàu dấn thân vào thì cái gì đang chờ ? Nhưng đã trót (hay được ?) đến đây không lẽ chẳng tìm hiểu, dẫu là chút xíu, xem sao. Đây là đâu? thời nào? Phải đi mới biết. Tâm sực nhớ đến hai cỗ ghế bay bèn lấy ra. Cậu còn phát hiện một khẩu súng la-de cất trong một cái hộp giống hộp bút và hai cái mũ giao lưu. Thái cẩn thận đem theo mấy ống thực phẩm của nhà du hành. Hai đứa giúp nhau đội mũ rồi ngồi vào ghế tự hành. Rút bài học hoảng hồn trên ghế bay mới đây, Tâm mượn sơ đồ ghi các nút điều khiển nhẩm kĩ cho kì thuộc lòng.
                   Hai cậu lướt là là trên một khu rừng già nhiệt đới mênh mông, đi bằng hai chân khó lòng ra khỏi, không làm mồi cho thú dữ thì cũng bị lạc rồi bỏ thây giữa chốn hoang vu. Chợt có tiếng nước xối ầm ào nghe vang động một điệu trầm trầm. Chắc có một cái thác nước đâu đây, phải đến ngó xem. Rừng rậm chẳng những phong toả các lối đi mà còn làm rối hướng âm thanh, tiếng động như lẩn quất trong đám cây dày, nghe lúc đằng này lúc phía khác. Người đi rừng nặng đầu óc dị đoan tin là ma quỉ trêu ngươi. Phải bay vòng vèo một lúc hai nhà phi hành của chúng ta mới tìm thấy cái muốn tìm. Đúng là một thứ thác nước. Lưng chừng một tấm tường đá lồi lõm cao vài mươi mét, một luồng nước ào ạt tuôn ra từ lòng đất qua một miệng đá khổng lồ xối xuống một vũng rộng và sâu dưới chân tường rồi băng băng trượt dài thành một con suối rộng chừng vài mươi mét. Cảnh nơi đây thật kì thú. Từ phía trên đỉnh thác, rủ xuống một rèm dày lá xanh điểm những màu sắc rực rỡ của hoa và bướm. Dưới chân thác, bọt tung trắng xoá. Bụi nước bốc lên tạo một màn sương mù lãng đãng. Hai bên suối, đó đây những cây cổ thụ nghiêng soi bóng. Từng quãng, có những bãi cát mịn trắng tinh. Nước suối rất trong, nhìn rõ sỏi và đá cuội bị nước bào nhẵn.
                   - Xuống tắm một cái khoái tỉ lắm đây. - Tâm reo lên.
                   Thái chưa kịp tỏ ý tán đồng hay can ngăn thì Tâm đã hạ xuống cái bãi cát thè ra lòng suối như cái lưỡi trai. Không thể làm khác, Thái phải xuống theo.  Hai đứa cởi quần áo đánh truồng nhảy xuống nước. Suối không sâu lắm, hơi chảy xiết. Tâm vốn quen tắm vòi gương sen và bồn tắm sang trọng chưa bao giờ cảm thấy khoái như lần này. Tha hồ vùng vẫy. Nước mát lạnh. Khí trời thoảng thơm hương rừng.
                   Bỗng Thái hoảng hốt kêu lên trỏ tay vào bờ. Hai con khỉ đang vọc đồ đạc của hai cậu. Nghe tiếng Thái kêu, chúng chỉ hơi ngoảnh nhìn rồi lại thản nhiên lục lọi, xáo tung mọi thứ. Chúng đã kịp lấy mũ đội lên đầu. Hẳn lúc nãy chúng đã rình sẵn thấy đầu hai “con vật lạ” trùm cái “chóp”, tội gì không làm theo. Đúng là trò khỉ! Tâm và Thái vội chạy lên bờ, vừa chạy vừa hò hét quát nạt. Hai con vật chạy đi, vẫn đội mũ, mỗi con còn mang theo một thứ “chiến lợi phẩm”. Bọn trẻ xem lại thì thấy mất thêm cái quần của Thái và cái áo của Tâm. Thật là chết dở. Trông lên, hai con khỉ đang ngồi trên cây gần đó ngó xuống lom lom. Những thứ chúng cuỗm được vắt hờ qua vai và cổ. Một con lấy tay gãi gãi vào háng, con kia hơi nhếch mép nhe một bên răng như cười chế diễu. Tâm nhặt đá định ném. Thái ngăn lại bảo chớ xua chúng đi mà khổ. Tâm sực nhớ đã đọc được ở đâu đó một chuyện kể rằng: Một người buôn “mũ trùm đầu” vào ngủ trong một căn nhà hoang ở bìa rừng. Sáng ra, bọc hàng đã biến mất. Anh ta chạy ra ngoài thấy tay nải và một ít mũ vung vãi trên mặt đất. Nhìn lên các cây gần nhà thấy một bầy khỉ đang ngự, đầu con nào cũng đội mũ. Thì ra anh ta trùm đầu khi ngủ nên lũ khỉ bắt chước. Anh ta tức điên lên lượm đá ném. Các đối thủ cũng hái trái cây ném xuống. Anh ta bứt tai, vò tóc, sờ phải chiếc mũ trên đầu bèn nghĩ ra một kế. Anh ta lột mũ ra và ném. Lập tức, bọn khỉ cũng lột mũ ném xuống. Anh nhà buôn chỉ việc thu lại hàng của mình. Tâm bảo Thái cùng cuộn áo quần chít lên đầu, hò hét, rồi lột ra ném hai tên “cướp ngày”. Hai tên khỉ chỉ “khẹc, khẹc” thản nhiên nhìn như xem làm trò. Nhìn quanh nghĩ ngợi, Tâm vớ lấy cái găng điều khiển đeo vào tay rồi chĩa vào con khỉ gần hơn.
                   - Cậu làm gì vậy ?- Thái ngạc nhiên.
                   - Cái này sai khiến được ghế bay thì cũng có thể…
                   - Bí đâm nghĩ quẩn rồi. - Trong cảnh huống xem ra bi đát này mà Thái cũng không nhịn được tức cười. - Cái ấy chỉ điều khiển được thiết bị điện tử, chứ tác động đến cơ thể sống thì chắc là phải loại khác; hai Xanh chắc có nhưng chưa trưng ra vơi chúng ta.
            Tâm không đáp, cố tập trung cao độ ý nghĩ để hòng đòi con vật trả đồ đạc cho người. Con vật cũng chĩa thẳng tay vào đối phương và nhăn mặt làm trò. Chán quá !
                   “À, cái súng la-de!” Tâm kêu lên. Nhưng cái súng lại cất trong túi áo cậu ta, lúc này đang trong tay bọn khỉ. “Sao cậu lại đặt cái áo của tớ lên trên để khỉ chúng vớ được ?”- cậu quay ra vặc bạn. Thái biết bạn vô lí, song chẳng nên gây chuyện cãi nhau, nhất là lúc này.
                  Hai con khỉ chợt nhao nhác lột vội mũ và áo quần ném bừa xuống rồi chuyền cành biến đi đâu mất. Tâm và Thái nhẹn tay nhặt nhạnh các thứ, lo mặc quần áo, đội mũ. Trong đám cây, có tiếng lào xào và tiếng lắc rắc như tiếng nhánh cây khô gẫy. Chưa ai kịp để ý thì ào một phát và Thái thét lên.  Cậu cảm thấy vật gì trơn nhẵn, tròn to như thân cây chuối hột quấn quanh người mình. Tâm định thần nhìn thì ra con trăn, một con trăn gió to chưa từng thấy ở bất cứ vườn thú hay sàn xiếc nào mà cậu đã xem, kể cả trên màn ảnh. Khúc thân con trăn lớn nhất được giới thiệu trước nay chỉ bằng bắp đùi người lớn vạm vỡ nhất là cực. Con này thì có thể nuốt gọn được người lớn. Cỡ con này, tin rằng trên thế giới chúng ta bây giờ chẳng đâu có. Mấy con khỉ ban nãy, có lẽ do bản năng tự vệ đã đánh hơi được kẻ thù nguy hiểm nhất sắp tới gần, vội đánh bài chuồn. Chậm một chút, nguy ngay, nhất là để con trăn “chiếu tướng” thì có khi chúng tự động chui vào họng nó do bị thôi miên. Qua cơn hoảng kinh, Thái nhớ lời cha trong các câu chuyện đường rừng. Trăn quấn bao giờ cũng thít dần vòng cuốn cho đến khi thật chặt; nó om xương con mồi cho gọn rồi mới nuốt. Bởi vậy, phải cố đừng để cho nó quấn sát thân mình ngay để còn có thì giờ tìm cách thoát thân hoặc gọi người cứu. Cậu lên gân hai cánh tay khuỳnh ra hai bên. Nhưng cậu thấy rõ sức mình không lại. Cậu cũng có ý định tìm đuôi con trăn để bẻ gập. Nghe nói làm thế, con vật có thể phải buông con mồi ra. Chẳng biết đuôi nó ở đâu chỉ thấy đầu nó vươn cao trên cái cổ cong, cái lưỡi lo le, đôi mắt trừng trừng- kiểu thôi miên con mồi.
                   Tâm cũng hoảng chẳng kém gì người đang bị nạn. Tuy vậy, cậu cũng thấy bạn đang nguy ngập, nếu không tìm cách cứu ngay thì … Tay cậu chạm phải cái túi đựng khẩu súng la-de. Như sắp chết đuối vớ đúng phao cứu hộ, cậu run bắn người, lập cập lấy ra. Cậu hít một hơi thật sâu tiến lại gần chĩa cái bút bi vào mang tai con quái vật. Cậu mím môi bấm nút, bụng thấp thỏm lo không hiệu nghiệm. Đầu con trăn gật nhẹ một cái, rướn thẳng lên, rồi ngả vật ra. Cái đuôi của nó còn  vung vẩy một lúc. Các vòng thân nó quấn quanh Thái lỏng dần, lơi ra. Tâm đến đỡ bạn, Thái vừa ngất đi. Thái đã gồng mình chịu đựng đến cùng. Thần kinh căng thẳng tột bậc trong khoảng một phút lúc này chùng ra, cậu lịm đi. Tâm vốc nước suối vã lên mặt bạn. Thái hồi tỉnh, muốn đứng dậy mà người cứ bải hoải như không còn gân cốt. Tâm xoa bóp cho bạn một lúc, rỏ vào miệng bạn mấy giọt từ cái ống thực-phẩm-du-hành. Thái dần lại sức.
                   Hai cậu gấp gáp thu gọn hành trang để chuồn. Tâm chợt thốt lên: “Kìa!”. Thái giật mình quay lại ngó theo hướng nhìn của bạn. Con trăn đang chuyển mình, cái đầu hơi ngóc lên lắc lư. Cả hai đứa sợ cứng người. Tâm vội lần cái súng tí hon. Nhưng con trăn đã vươn cổ, trườn mình về phía đám cây rừng rồi lao đi mất hút. Tâm lè lưỡi:
                   - Bị bắn đúng sọ mà nó không chết. Thứ súng này cũng không “thiêng” mấy.
                   - Có khi là tại vì chúng mình ở hậu thế không thể quay về can thiệp vào những diễn biến quá khứ. - Thái dè dặt nói.
            Tâm nghe chưa xuôi, song máu tranh luận của cậu lúc này đang nguội. Phải lập tức rời suối. Hai cậu từng nghe nói trong rừng sâu, những nơi có nước thường thu hút các loài thú, nhất là bọn thú ăn thịt hay đến rình con mồi đến uống nước. Chẳng nên hứng thêm một con hoảng như vừa rồi.

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.03.2009 11:36:04 bởi Khải Nguyên HT >
            #6
              Khải Nguyên HT 11.03.2009 16:20:20 (permalink)
              Chương 7. LỢN MÀ CŨNG LÀ THÚ DỮ Ư ?

                     Bay trên thảm mây xanh quả là thú. Đang là buổi sáng. Trên trời những vầng mây trắng trôi chậm. Những mảng màu thiên thanh rải ra khắp trời, nơi khép dần, nơi mở từ từ. Phía dưới là giang sơn bí ẩn của cây, của vật. Nghĩ tới những chương trình “thiên nhiên hoang dã” trên màn ảnh nhỏ, hai cậu ước gì mình có các phương tiện ghi hình, thu tiếng như của các nhà khoa học hay các phóng viên làm chương trình. Phong phú và kỳ lạ phải biết. Hơn đứt. Các cậu quên tự hỏi có dám len lỏi và mạo hiểm như người ta không; có chịu khổ được không; có kiên nhẫn được không? lắm khi phải chờ hàng buổi để quay một cảnh, chẳng hạn một con vượn cho con bú. Chưa nói cần tri thức và kĩ năng vào hạng “siêu”.
                     Bay thế này không phải không nguy hiểm. Một lần, bay trên một cây cổ thụ cao vượt lên, hai cậu thấy một tổ chim rất to, kết rất khéo, bèn ghé xem. Nghe động, bốn con chim con thò đầu ra, há to mỏ đón mồi. Chúng tưởng cha mẹ chúng về. Chim gì, Thái vốn là “vua” bắt chim đã giải nghệ, không loại chim nào trong vùng mà cậu không biết, lúc này cũng chịu. Nom cái tổ, nom chim con cũng biết là loại chim to. Với Tâm, chim chưa ra ràng như vầy là của lạ. Cậu sán đến để nhìn cho rõ, muốn cầm lên để xem. Bỗng nghe tiếng ràn rạt, một luồng khí mạnh tạt qua, bàn tay Tâm vừa bị cái gì đó nện mạnh. Cả hai chiếc xe bay xiêu đi. Một con chim lông cánh màu nâu xám, chân chì, mỏ vàng, to cỡ con chim ưng lớn vừa làm một cú không kích ngoạn mục. Nó đang vòng lên trên lấy đà bổ xuống nữa. Cách chừng dăm chục mét một con thứ hai cũng đang lao tới. Chẳng biết con nào là chim chồng, con nào là chim vợ. Xem ra hai con đều dữ. Chúng tha mồi về thấy có kẻ xâm hại tổ ấm làm ngơ sao đặng. Tâm và Thái vội vàng lánh xa. Một trong hai con chim về với con. Con kia còn đuổi theo bọn phá quấy một đỗi. Bàn tay Tâm bị toạc một vệt, may máu đã đông.
                     Hai nhà du hành thoát nạn, nhìn thấy phía xa có một khoảng trống lọt giữa đám cây rừng. Ngao du trên không một hồi đã thấy thèm được đặt chân lên mặt đất. Vẳng lại tiếng người quát  lác và tiếng chó sủa loạn xạ. Hai cậu thận trọng lại gần, núp trong một tán cây cao nhìn ra. Một trảng cỏ khá rộng, lác đác những bụi cây. Tầm mắt bị thảm rừng bạt ngàn căng ra, gặp cảnh này có thể cảm thấy nhẹ nhõm, khinh khoái. Song hai cậu không kịp cảm nhận điều ấy. Những gì đang diễn ra trên trảng cuốn hút chúng. Một con vật to bằng con lợn hai tạ, chân cao, vóc mảnh, thân xám đen, trên gáy lông cứng xù cả lên, đặc biệt là hai cái răng nanh như hai quả chuối mắn chìa ra vểnh ngược. Tâm còn phân vân, Thái đã nhanh trí đoán ngay là con lợn lòi. Lúc này, con vật đang đứng hơi chụm chân mắt long lên thủ thế giữa đám người và chó vây quanh. Tay người nào cũng lăm lăm một ngọn giáo săn: một lưỡi mác nhọn cắm đầu một cái cán dài bằng tre đực hoặc gỗ rắn chắc.
                     Ngày trước, rừng Việt Nam có rất nhiều lợn rừng, gọi là lợn lòi. Những khi khan cái ăn hay động rừng, chúng dám mò ra các làng bản ven rừng phá hoa màu. Tại các làng bản đó thường có những toán thợ săn nghiệp dư. Những trai tráng khoẻ mạnh thích săn bắn sắm sẵn cái mác săn. Vào những lúc nông nhàn, họ rủ nhau vào rừng săn. Bình thường hễ có thú săn xuất hiện, nhất là những con thú đe doạ cuộc sống bản làng, họ cũng tập hợp nhau lại để vừa bảo vệ ruộng vườn, vừa kiếm thịt rừng. Chó săn là chó nhà nhưng có khiếu săn và đã được luyện ít nhiều. Vật săn có thể là hươu nai, chồn cáo, lợn lòi, đôi khi cả hổ, gấu. Săn lợn lòi, chẳng phải ai cũng tham gia được vì khá nguy hiểm. Lợn rừng thường đi theo đàn mươi con hoặc nhiều hơn; con bé cũng đã có răng nanh thò ra. Mõm lợn rừng rất khoẻ dùng để đào và dũi đất tìm củ, rễ cây, đồng thời cũng là vũ khí tự vệ với những cái răng nanh lợi hại. Khùng lên, cả đàn có thể xông vào anh quật mõm, cắn xé, quần cho nát tươm. Đi săn mà gặp lợn bầy thì tốt nhất là xé lẻ chúng ra. Xua chó dồn đuổi và hò hét dậm doạ.  Người đi săn phải biết lựa lúc, lựa chỗ mà phóng mác đâm. Da lợn rừng rất dày. Với những con trưởng thành, đâm không đúng chỗ phạm thì không thể hạ được nó; lúc ấy hãy coi chừng! Nó có thể xông vào anh “thăm hỏi” cẩn thận. Nếu anh bị ngã, có nằm giả vờ chết cũng không xong đâu. Gấu thì có khi nó bỏ đi, còn lợn lòi thì nó vần, nó nhằn cho bằng thích. Chỉ những thợ săn dày dạn, có bản lĩnh mới “một chọi một”. Thường thì mấy người quây lại tấn công một con. Đi săn lợn rừng gặp lợn bầy là may, gặp “lợn độc” thì gay hơn. Lợn độc là lợn đực đi một mình, đến mùa giao phối nó mới tìm đến lợn cái. Lợn độc thì ngay hổ cũng kiềng. Da nó dày tựa da voi, và cứng. Người ta bảo nó hay cà mình vào gốc trám cho nhựa cây phủ bết lên da, từng lớp từng lớp khô quánh lại thành thứ áo giáp. Răng nanh của nó có thể đâm lòi ruột cả hổ.
                     Con lợn lòi trước mắt Thái và Tâm lúc này chính là con lợn độc. Trên bãi “chiến trường” hai bên địch thủ đang giữ miếng nhau. Con thú thì đang vừa đề phòng bị tấn công vừa tìm kẽ hở để sổng ra. Phía toán người, được bầy chó đang sủa loạn xạ hỗ trợ, lăm lăm tay mác vừa thủ thế vừa chờ thời cơ hạ con vật. Tiếng người hò la náo động. Tiếng chó sủa đinh tai. Người hò la để nát con thịt, cũng là để tăng nhuệ khí cho nhau. Chó thì con này con kia vừa sủa vừa xông vào, nhưng khi đến gần, con lợn vừa hất đầu một cái đã chạy lùi lại và càng sủa dữ hơn. Bọn chúng đánh dứ. Chợt một cái phất tay ra hiệu của người đầu nậu toán thợ săn, bọn chó đồng loạt xông vào. Chúng né phía đầu con thú chồm tới đớp mông, chân, lưng. Con lợn chỉ hơi đổi chỗ hai chân sau, né chân chèo, dận hai chân trước tạo đà quay ngoắt lại. Thoáng chốc, một con chó, con to nhất và hăng nhất, nằm quay lơ kêu ăng ẳng, một bên mình nó chỗ giáp chân trái trước bị toạc một miếng đỏ lòm. Để cứu con chó, năm người áp vào gần như cùng lúc lao lưỡi mác vào con vật. Các mũi mác đều bật ra hoặc chỉ sượt da như gãi. Một người định đâm vào chỗ hiểm: Mé trái nơi cổ liền thân con vật, nếu biết cách có thể thọc vào tim nó. Nhưng con lợn văng mõm đớp ngay lưỡi mác vừa đâm tới ngậm chặt.
                     Trong “lịch sử” săn lợn rừng từng có chuyện một con lợn độc táp lưỡi mác đâm tới, định tước vũ khí kẻ thù. Người đâm cố nắm chặt cán mác, lưỡi mác ngập phần mũi trong miệng lợn. Con vật rướn tới, người phải lùi từng chút dốc toàn lực tì vào cán mác. Lưỡi mác tuồn vào ít một từ từ, cả người cả lợn hầu như không nhận thấy, sâu dần trong miệng con thú, rồi họng nó. Khi nó muốn nhè lưỡi mác ra thì đã muộn. Lưỡi mác đã vào quá sâu…
                     Con lợn rừng mà chúng ta đang nói tới ngậm chặt lưỡi mác nhưng mũi mác lệch ra ngoài miệng nó. Không có cơ xẩy tình huống như vừa kể. Người săn cố bảo toàn khí giới của mình. Có nguy cơ lưỡi mác bị mõm lợn vặn gãy. Rút ra không được, mà cũng nguy hiểm như là buông mác, con thú sẽ xốc tới ngay, người khó chạy kịp. Con thú dấn lên; anh ta lùi lại vấp phải mô đất ngã ngửa ra. Con thú chồm tới. Tình thế vô cùng nguy cấp. Tâm muốn dùng súng của mình nhưng xa quá. Đang tính bay tới gần, - lộ dạng trong tình huống này thì bất lợi, song để cứu người  thì phải liều thôi!-, thì một người to lớn như lực sĩ trong đám thợ săn nhảy phốc tới tóm hai chân sau con lợn bốc lên lật nghiêng phần thân sau của nó rồi vặn ngửa. Lập tức hai người khác chạy tới. Con vật chỉ mới kịp phản ứng: vùng vẫy để lật mình lại thì đã bị mỗi người nắm chặt một chân trước banh ra hai bên. Hai chân sau cũng bị “lực sĩ” làm như vậy. Con lợn nằm ngửa tênh hênh hộc lên kinh khủng. Bây giờ thì những chỗ yếu trên cơ thể nó đều phơi ra. Những mũi mác nhọn sắc “ung dung” cắm phập vào. Máu phun có vòi. Vốn sợ máu, Tâm kéo Thái bỏ đi.
                     Nổ ra một cuộc tranh luận nho nhỏ. Người thì cho rằng đâm chết con lợn lòi cũng phải. Người thì bảo lợn rừng cũng là động vật quí hiếm.
                     - Cậu ở gần rừng mà chẳng có ý thức bảo vệ lộc rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. - Tâm hăng lên, cố vận dụng những gì còn nhớ được khi xem truyền hình- Thế giới người ta bày ra sách đỏ để làm gì nào ?
                     - Ông cụ non ơi!- Thái nín cười- Ông quên mất là chúng ta đang lạc về thời xưa. Thời xưa thì lợn rừng đông chẳng kém lợn nhà đâu.
                     - Thời xưa hay thời nay thì cũng rứa!- Tâm đánh bài “tháo lui trong danh dự”.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.03.2009 16:26:12 bởi Khải Nguyên HT >
              #7
                Khải Nguyên HT 13.03.2009 11:55:20 (permalink)
                Chương 8. ĐÚNG LÀ HỔ VÀO TRÒNG
                 
                 
                 
                       Hai chiếc ghế bay đưa Tâm và Thái ra gần tới bìa rừng. Đã thấy thấp thoáng những mái nhà tranh xa xa. Rất đông người quanh một ngọn đồi thấp thoai thoải trên đó mọc lau sậy và những bụi cây cao tầm đầu người trở xuống. Người ta đang chuyển những cành, nhánh cây tươi nguyên lá đốn từ rừng cây gần đồi đến chất đống liền nhau tạo thành một vành đai vây quanh sát chân đồi. Đàn bà và trẻ con cũng tham gia, hăng hái và vui vẻ. Chọn nơi nấp gần và lắng nghe, hai cậu được biết có một “ ông ba mươi” đêm vào bản bắt lợn. Tinh mơ, đám thợ săn nghiệp dư của làng bản đi lùng thì biết nó lẩn vào đấy. Gõ cồng, thanh la xua, nó chẳng ra. Người vào sục thì nguy hiểm, biết nó ẩn náu ở đâu. Bị vồ lén thì biết đằng nào mà chống đỡ. Chó thì chẳng trông mong gì được. Mới ngửi thấy mùi cọp, họ nhà khuyển đã quắp đuôi lỉnh, chỉ quẩn bên chân người mà sủa nhặng lên thôi.
                       - Chắc họ quây lại để phóng hoả. - Tâm bảo nhỏ Thái- Cành lá tươi vậy thì nhóm lửa thế nào! Sao họ không dùng rơm rạ và củi khô nhỉ ?
                       - Đốt thì gay. - Thái chỉ tay- Cháy lan ra rừng; cháy cả làng bản. Gió to, phía ấy dưới gió.
                       Lúc này, đám người dàn ra vây quanh đồi. Hầu hết là đàn ông, có cả người già, tóc búi tó, đóng khố, mình trần phô màu da rám nắng. Đàn bà tóc vấn khăn, mặc váy, đeo yếm, lưng hong nắng gió. Họ đồng loạt dùng nạng, đòn tay đẩy dồn cái luỹ bằng lá cành tươi nhích dần vào phía trong, trườn vượt qua các vật cản là các lùm cây, tảng đá. Trẻ con và những người yếu thì lượm những mẩu rớt lại ném theo.Cái “đê” kì lạ cứ nhích tới theo lối cuốn chiếu và thít lại, to dần và cao dần, bởi độ dài càng lúc càng co lại. Hễ tiến đến lùm rậm nào người ta lại xỉa giáo, mác vào thăm dò, trước khi cho cái luỹ di động trườn qua. Thật ra, trong tình thế này, chẳng con thú nào có gan náu mình sát cái vòng vây cả. Thái và Tâm không hiểu người ta định làm cái trò gì. Ra mặt hỏi han thì chưa dám. Chưa chuẩn bị tiếp xúc, có gì sơ suất thì phiền. Đành cứ lặng lẽ theo dõi. Trong “vòng thòng lọng” đang thu lại, khu đồi vẫn yên tĩnh, chẳng có gì chứng tỏ có cọp, có beo! Đã vượt chừng hai phần ba khoảng cách từ chân đồi tới đỉnh. Con “đê” đã cao lù lù ngang nóc nhà bình thường. Người ta dùng thang, ghế cao để điều chỉnh, quan sát. Bỗng một tiếng gầm dữ dội nổi lên. Tâm và Thái thót tim, chưa kịp trấn tĩnh thì nghe “roạt” một tiếng, một con vật mình vàng vằn đen từ đâu nhảy phóng ra rơi xuống đống cành lá men chân đê phía trong. Chú kễnh này to gần bằng con lợn lòi vừa nãy. Nó nhận ra nguy cơ khí chậm. Sức vóc của nó vượt vật cản cao vài mét, rộng dăm mét chẳng mùi gì. Bây giờ thì … Với đống bùng nhùng như kia , đi còn khó nói chi là nhảy với chạy! Nó đã dại dột mà phóng bừa - chẳng qua là vì hoảng, - đang sa lầy trong đám cành lá lổn nhổn, chân dẫm trầy trật chẳng đặt được vào điểm tựa nào.   Con thú dữ ngoi ngóp, chẳng phải trong nước, chẳng phải trên đầm lầy, mà giữa cái mớ “chẳng ra cái quái gì cả”! Nhiều ngọn mác đã tập trung lại chực xỉa. May sao, hai chân trước của con hổ khua trúng một hòn đá tảng trồi lên mặt đất. Nó bèn nhún cẳng nhảy tọt vào phía trong. Chẳng ra nhảy mà kéo lê nửa thân sau trượt vào nhờ cái đà bật lên của hai chân trước. Vừa thoát cái “bẫy” dớ dẩn, nó chồm dậy, gào thét, lồng lộn, song cũng chỉ loanh quanh trong phần đồi còn lại của cái luỹ lỏng mà chặt, không dám liều mạng nhảy qua bức tường vây đang kiên nhẫn lấn tới. Một lúc, con cọp chừng xuống sức, thôi hung hăng tìm lối thoát. Nó ngồi chồm hỗm trên một khoảng đất trống, chống hai chân trước giương mắt canh chừng. Chỗ ấy gần một phía luỹ nhưng chưa đủ gần để đâm mác hay phóng lao. Người ta đưa tới một cái nỏ cứng. Một tay thiện xạ đứng trên thang phía ngoài giương nỏ chĩa vào con mồi. Con hùm sa cơ ngồi yên nhìn. Hẳn nó chẳng biết tên với nỏ là gì, nhưng tất hiểu là lũ người kia đang sắp “chơi” nó. Nó nhìn chừng chừng. “Phựt!”. Gần như đồng thời với mũi tên được bắn ra, con cọp quật mạnh đuôi nhảy phóc một phát về phía người xạ thủ. Cú nhảy “xuất thần” hay “cùng đường” ấy có thể vượt mọi kỉ lục của loài chúa sơn lâm. Nếu bức “vách” không đủ cao và khoảng cách không đủ xa thì ắt là con mãnh thú đã “sờ” được địch thủ bằng móng vuốt của nó. Chỗ con hùm rơi xuống chỉ cách anh ta chưa đến một sải tay. Tuy vậy, xạ thủ cũng bị thương do cái luỹ bị xô làm cái thang đổ nghiêng. Thương thay cho chúa tể rừng xanh. Lần này thì chẳng khác nào sụp bẫy, có dẫy dụa khoẻ đến mấy thì cũng đành phơi mình mà hứng những mũi mác. Huống chi nó đã bị thương trước khi sa “lầy”. Mũi tên nhằm mắt nó, khi nó nhảy lên cái bụng hứng trọn.
                       Trước khi cho khiêng con cọp chết về làng, người trưởng thôn bắt đốt trụi râu mép của nó. Chuyện này, Thái từng nghe ông nội kể rất li kì, cậu giữ Tâm nán lại để nhìn tận mắt. Ông nội kể rằng giết được hổ rồi việc đầu tiên phải làm là thủ tiêu râu nó. Râu mép hổ đem lén giắt nơi măng tre sẽ sinh một loại sâu róm. Lông loại sâu này cho vào thức ăn ai ăn phải sẽ bị ốm mòn mà chết. Sâu róm ấy là “ma thuốc độc”. Ai nuôi nó sẽ được nó phù hộ cho ăn nên làm ra. Nuôi nó phải giấu trong chum, cho ăn thịt gà sống. Phải hết sức bí mật, để người lạ nhìn thấy là hỏng. Nếu lại bị kẻ ác ý cho vào chum một nhúm muối thì lũ sâu sẽ tan ra máu và cả nhà chủ nuôi sẽ tiêu vong. Nghe chuyện mà kinh.  Ông nội cũng chỉ nghe truyền lại theo lời đồn vậy thôi. Chẳng ai dám thử xem có sinh sâu róm thật không, bởi nếu nảy sâu róm thật mà người thử không mang về nuôi thì mang họa. Người ta đốt bỏ râu mép hổ để phòng lỡ ra … mà cũng để phòng kẻ có tà tâm.
                       Chính mắt mình thấy người ta thui râu mép hổ, Thái biết chuyện hoang đường kia ăn sâu vào các đầu óc mê tín dị đoan từ đã lâu lắm rồi.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.03.2009 11:59:52 bởi Khải Nguyên HT >
                #8
                  Khải Nguyên HT 15.03.2009 10:44:02 (permalink)
                  Chương 9. CẦU ĐƯỢC ƯỚC THẤY

                        

                         Thái muốn ở lại xem thêm nhưng Tâm thấy không nên nấn ná mãi vùng rừng rú. Còn những nơi khác cần tìm hiểu nữa. Hai cậu bay vượt ra ngoài bìa rừng bỏ lại rất xa sau lưng “chiến địa” của một cuộc săn mà chúng chưa từng biết, chưa từng nghe ai nói. Hai chiếc ghế bay hạ xuống một bãi cỏ mướt xanh. Thái bàn tìm nơi giấu ghế bay đã. Chúng thấy một cái miếu hoang còn nguyên vẹn và vững chãi. Chúng mở cửa đi vào. Thấy động, mươi con dơi bay túa ra.  Vào trong mới thấy dở miếu, dở chùa. Chúng giấu hai cái ghế đã thu gọn cùng vài thứ sau hai pho tượng trên cùng. Tâm nói tếu: “Chúng tôi gửi hai vật quí cho các ông, nếu có gì không ổn, các ông phải chịu trách nhiệm đấy nhá”. Thái làm mặt nghiêm: “Phỉ thui!”, rồi chắp hai tay khấn: “Xin các vị đừng chấp thằng bạn tôi lêu têu ăn nói lung tung. Các vị phù hộ độ trì cho chúng tôi đi đến nơi về đến chốn”. Tâm sắp xùy cười nhưng nhìn bộ dạng Thái, cậu nín tắp.   Thằng bé này thật hay vờ đây ? Bố mình nói mấy lâu nay, dân thành phố hình như còn mê tín dị đoan hơn dân nông thôn, nhất là trong giới làm ăn và giới có chức có quyền. Chẳng lẽ nó lại “mê” hơn mình ? Thực ra, thoạt tiên Thái cũng chỉ định “chơi” Tâm. Nhưng chợt nghĩ đến tình cảnh đang lạc bước đến chốn lạ, cái nọc mê tín dị đoan truyền đời từ thuở con người  còn bán khai vẫn náu trong mỗi con người làm dấy lên nỗi lo mơ hồ, cậu đã đi từ vờ sang thật. Đã đến lúc phải đi. Ra ngoài, hai người khép chặt cửa miếu lại.
                         Trước mặt là một cánh đồng rộng. Trời nắng nóng. Gió lướt trên những thửa ruộng trơ gốc rạ. Một con diều giấy đang chao lượn tít trên cao. Tiếng sáo vi vu, khi “u… u…” cao vút, khi trầm xuống “oà… oà…”. Xa xa, thấp thoáng dăm mái nhà tranh nhập nhoà trong nắng. Xứ sở thanh bình nhưng có vẻ quê mùa như trong truyện cổ tích. Hai cậu bé của chúng ta chưa biết chúng đã trở về thời của tiên tổ xa xưa như chúng đã ước lúc nằm trên cỏ dưới bóng râm của cây vông. Liệu chúng có được coi là “bác học” không ? Ta hãy chờ xem.

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2009 10:47:33 bởi Khải Nguyên HT >
                  #9
                    Khải Nguyên HT 15.03.2009 10:55:55 (permalink)
                    Chương 10. QUẢ BƯỞI DƯỚI HỐ SÂU
                     
                     
                     
                           Dưới gốc đa gần cổng làng có một đám trẻ trạc lứa Thái và Tâm đang chơi. Hình như chúng đang tranh cãi truyện gì. Bọn chúng đều mặc quần áo vải thô nhuộm nâu, phần nhiều có miếng vá. Có đứa để trần phô cái rốn lồi ra như quả cà. Đầu đứa nào cũng gọt trọc chỉ chừa một túm tóc trên đỉnh. Hai cậu tới gần. Bọn trẻ đang mải mê không để ý. Một đứa trong bọn, đứa có vẻ tươm tất hơn cả, nói to:
                           - Đấy! Đứa nào lấy được quả bưởi dưới hố lên thì được trèo lên cây ổi trong vườn nhà tao, muốn ăn bao nhiêu tuỳ thích, muốn xách tay về bao nhiêu mặc sức.
                           - Bay ơi!- Một đứa kêu lên- Đắc sách nhất là lấy que tre dài vót nhọn thọc xuống mà xiên.
                           - Xì!- Đứa khác bĩu môi- Mày có thấy được trái bưởi dưới đó không ? Cậu Vinh đố oái oăm thật.
                           Tâm và Thái nhớ ngay đến mẹo lấy quả bưởi rơi xuống hố sâu của Trạng Lường Lương Thế Vinh hồi bé mà hai đứa đều đã đọc trong sách. Tâm không dằn được nói to, Thái không kịp ngăn:
                           - Múc nước mà đổ cho đầy hố.
                           Đám trẻ giật mình quay nhìn, cùng trố mắt ra. Bọn họ chắc là chưa bao giờ thấy ai có cung cách ăn mặc cùng bộ dạng như vậy. Thái vội tươi nét mặt: - Chào các bạn.
                           Im lặng. Ánh mắt dò xét. Một đứa đứng chống nạnh hất hàm:
                           - Chúng mày từ đâu đến ?
                           - Từ đầu thế kỉ hai mươi mốt. - Tâm nhanh nhảu.
                           - Cái gì ? - Vẫn thằng bé ấy, nhăn mặt như ăn phải khế chua- Mày nói bá láp gì thế ? Cho chúng nó tắm ruộng, bay!
                           Cậu bé bày trò moi trái bưởi bấy giờ mới lên tiếng ngăn lại:
                           - Đừng! - Cậu quay sang Tâm- Này! Cậu vừa nói “thế kỉ hai mươi mốt” là sao ?
                           Tâm lúng túng. Thái đỡ lời:
                           - Bây giờ đang thuộc đời nào ?
                           - Hả ? - Cậu bé nọ ngó hai kẻ lạ chằm chằm- Đang là đời Thái Hoà mà cũng không biết à ?
                           Thái thuỗn mặt ra nhìn Tâm. Tâm cũng chẳng hơn gì. Cả hai đứa đều coi môn Sử chỉ là môn phụ. Hỏi “Lê Lợi là ai ?” có khi còn tịt. Huống hồ Thái Hòa là niên hiệu đầu của vua Lê Nhân Tông, ngay những người học nhiều ngày nay dễ đã mấy ai biết, tra cứu sách còn khó. May, Tâm đã đọc giai thoại về Trạng Lường. Khi ông đã làm quan, một lần theo hầu vua Lê Thánh Tông đi thuyền trên sông, vua muốn thử tài bơi của trạng bèn giả say xô trạng xuống nước…  Cậu khẽ hỏi Thái: “Vua Lê Thánh Tông ở vào thế kỉ nào ấy nhỉ ?” Thái lào thào đáp: “Thế kỉ mười lăm thì phải”.
                           - Xin lỗi. - Tâm thẳng người, lấy giọng cứng cỏi- Nói cho các bạn dễ hiểu thì chúng tôi sinh sau các bạn hơn năm trăm năm.
                           Bọn trẻ cười ầm lên. Có tiếng nói to:
                           - Hai thằng này đúng là trùm nói trạng, không phải nói trạng nữa mà là nói khoác. Đừng hòng bịp chúng ông !
                           - Thật mà.- Tâm cố cãi- Chúng tôi thuộc thế hệ cách đây mấy chục đời. Đời sau nên mới biết được chuyện “quả bưởi rơi hố” chứ.
                           - Làm sao biết ? Và biết như thế nào ? - Cậu bé tên là Vinh hỏi.
                           - Đọc trong sách, tôi biết mẹo đổ nước cho quả bưởi nổi lên. Tôi cũng biết ai đã nghĩ ra cái trò đó. Chắc bạn là Lương Thế Vinh. 
                           Cậu bé nghiêm mặt:
                           - Các ngươi là bọn hậu thế mà dám ăn nói càn rỡ vậy à ? Dám gọi tên ta một cách xách mé, lại xưng hô như với kẻ bằng vai!
                           Tâm và Thái đưa mắt cho nhau, cùng nghĩ thầm: “Bọn mình xử sự bình đẳng với bọn hai Xanh, tưởng đây cũng…”. Thái gật nhẹ đầu với Tâm, cả hai cùng chắp tay trước ngực:
                           - Chúng cháu sơ ý, xin các cụ bỏ qua cho.
                           “Cụ trẻ” Lương- đến đây ta phải gọi như vậy, cụ Lương Thế Vinh đang lúc là bé con-, cụ trẻ dịu ngay nét mặt, sờ cằm (chưa có râu để vuốt):
                           - Được! Biết lỗi rồi thì thôi. Các cháu hãy nói đầu đuôi cho chúng ta nghe.
                           - Dạ, cũng khó nói.- Tâm ấp úng vì đúng là khó nói, do lẽ khác, khó xưng hô- Chúng cháu đi ngược thời gian.
                           - Nhờ phép tiên à ?
                           - Dạ không. Dùng khoa học kĩ thuật.
                           - Ngươi nói gì nghe lạ tai quá! Ta thuộc làu kinh sử mà chẳng thấy thánh hiền nói tới bao giờ.
                           “Cụ trẻ” nhỉnh nhất trong đám nói to:
                           - Nãy giờ chúng nó nói chẳng câu nào đáng để lọt tai. Cậu Vinh à, hay đây là bọn quái ?
                           Chòm tóc trên đầu cụ trẻ Lương gật gù. Cụ trẻ ngẫm nghĩ rồi nói, giọng trẻ con mà ý tứ rất người lớn:
                           - Lưu Thần, Nguyễn Triệu xưa lên cõi tiên có mấy ngày mà về nhà thấy đã qua mấy đời. Mấy người này, - cụ trẻ ngập ngừng- lại từ đời sau đến. Có khi có một loại cõi tiên khác. Hãy tạm tin thế. - Cụ trẻ quay lại hai vị khách-trẻ-nít-không-mời- Thôi được! Các ngươi giỏi giang như thế thì hãy lấy trái bưởi lên đi!
                           - Phải có nước và có đủ nước để múc chứ ạ. - Tâm nói.
                           - Ao đằng ấy đủ nước cho các cháu múc đấy. Còn kia là chậu.
                           Mấy cái chậu to, cái bằng sành, cái bằng nan tre phết chất gì đen đen, chắc là nhựa trám hay sơn ta, Thái đoán. Như ở thế cưỡi hổ chẳng thể từ nan, Tâm và Thái hăm hở chạy đi múc nước. Các cậu chọn dùng chậu nan tre đan, nhẹ hơn mà cũng khó vỡ hơn. Cái hố sâu nhưng không rộng, đường kính chỉ độ 30 cm, các chú ngỡ chỉ mươi chậu là nước đầy tràn hố. Nào ngờ đổ đã hơn hai chục chậu mà nước trôi đi đâu mất.
                           - Cái hố này không đáy. - Tâm nói to.
                           Cụ trẻ Vinh đến bên hố:
                           - Các cháu thấy đất ở thành hố thế nào ? Đất pha cát, hút nước rất dữ. Đổ như các cháu thì chẳng đủ nước cho nó hút.
                           - Chúng cháu đọc truyện thấy cụ làm thế mà. - Thái gãi đầu- Có nhà làm phim…
                           - Phim là cái gì ?
                           - À, cháu quên. Người ta diễn trò theo tích này cho nhiều người xem, giống như diễn chèo mà không hát. Đáng tiếc là cái hố của họ nom từa tựa hố xây, nông choèn, đứng trên miệng nhìn rõ quả bưởi, như vậy thì cần gì phải đổ nước. Đúng là “trò trẻ” bôi bác làm hỏng tích hay. Còn ở đây chúng cháu áp dụng mẹo của cụ đúng như sách kể sao lại không “đắt” nhỉ ?
                           Cụ trẻ Lương cười: “Ta định chứ đã làm đâu”. Cụ gọi riêng mấy người trong đám bạn của cụ ra bảo nhỏ. Cả bọn hè nhau bắt tay vào việc. Một tốp đắp khoanh một vũng bằng cái nia ở góc ao. Tốp khác moi ở đâu ra những tảng đất dẻo trắng phau. Thái biết là đất sét trắng, Tâm thì chịu. Đám trẻ bỏ đất sét vào vũng dẫm đạp cho sục lên thành một thứ nước bùn loãng. Bấy giờ mới múc đổ vào hố. Chưa đến hai mươi chậu, nước đã dâng lên tới gần miệng hố, nâng quả bưởi lên theo. Thái và Tâm cùng trố mắt ngạc nhiên.
                           Cụ trẻ Vinh hỏi: - Thế nào ?
                           Tâm nói chữa ngượng: - Các cụ tài thật đấy.
                           Thái sực nghĩ ra nhưng thấy không nên nói, cụ trẻ đang đắc ý. Cụ tươi cười bảo:
                           - Có gì đâu mà tài. Này nhé! Nước bùn đất sét đổ xuống hố, nước bị hút đi, bùn đọng dần trên vách làm cho khó thấm nước. Có vậy thôi mà.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2009 11:02:45 bởi Khải Nguyên HT >
                    #10
                      Khải Nguyên HT 18.03.2009 20:51:02 (permalink)
                      Chương 12. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG ĐƯỢC
                                                     MỘT NGÔI ĐÌNH ĐỒ SỘ ?
                       
                       
                             Cụ trẻ Vinh dẫn Thái và Tâm lên đê. Phía ngoài đê, hai cậu bé-khách thấy một ngôi nhà ngói to đùng, điều lạ ở nơi hầu như chỉ có nhà tranh. Có nhiều người đang bận rộn ở đó. Ba người đi tới. Thì ra đó là một ngôi đình bề thế năm gian. Cụ trẻ Lương cho biết đình làm toàn bằng gỗ lim, kể cả ván thưng và sàn. Mái đình lợp ngói âm dương, rêu phong. Bốn góc mái cong vút lên, vừa thanh thoát vừa dữ dội. Cột cái rất to, một người lớn ôm không xuể, cao hơn năm mét. Các cột đều kê trên những hòn đá nguyên khối được đẽo gọt tròn trịa và chạm những cánh sen cách điệu. Đầu các cột và trên các xà, có nhiều bức chạm lộng tinh tế.
                             Hai cậu bé ngạc nhiên thấy những thanh gỗ dài và chắc được buộc một đầu vào các cột đình, chìa ra ngoài tua tủa tứ phía, quãng giữa mỗi thanh tì lên một cái giá đỡ, đầu phía ngoài đeo một cái giỏ tre lớn tướng. Cạnh mỗi giỏ là một đống to những viên gạch đều nhau. Cụ trẻ Lương nói:
                             - Ngôi đình này ở ngoài đê nên những lần lụt to thường bị ngập nền, lắm khi tới hàng thước. Dân làng bèn bàn cách tôn nền lên.
                             - Sao không chuyển vào trong đê ạ ? - Thái hỏi.
                             - Dựng đình phải chọn nơi, chọn hướng chứ, chẳng phải bạ đâu cũng được cả. Các cụ trong làng bảo đình này đặt đây là được đất. Vả lại, di chuyển đình lắm chuyện nhiêu khê.
                            - Thế thì cứ dỡ ra, đắp tôn nền xong dựng lại. - Tâm góp ý.
                            - Dỡ ra, dựng lại, có tránh được suy suyển không ?- Cụ trẻ Lương hỏi vặn, rồi tự trả lời - Suy suyển nhiều ấy chứ. Chỉ riêng chỗ các mái ngói này đụng đến cũng đã lôi thôi to.
                            - Giá là thời bọn cháu thì dùng cần cẩu bay nhoáy cái là xong.- Tâm bốc máu huyênh hoang.
                            - Cần cẩu bay là cái gì ?- Cụ trẻ Lương lạ lùng, hỏi.
                             Tâm cao hứng khoe cái máy bay lên thẳng mà cậu chưa một lần được sờ. “Máy bay lên thẳng khổng lồ có thể nhấc cái đình này lên như chơi”.
                             - Nhấc lên như thế nào ? - Cụ trẻ Lương thấy khó tin- Móc vào đâu để kéo lên ? Chưa nói các mối nối và các chỗ lắp ghép đều dùng mộng gỗ, vênh quá đi một tí là nứt hoặc gãy, các mái ngói hễ đụng mạnh là có thể tan hoang. Các người tỏ tường chuyện … chuyện gì có “học” có “thuật” gì đó, nói rõ ra xem.
                             Thái lườm Tâm “Hắn làm mình bối rối lây”. Hai đứa quả đã từng thấy những cái cần cẩu cao nghễu nghện cẩu hàng, - thấy tận mắt, và những cái máy bay lên thẳng câu những khối nặng lên chuyển đi như không, -thấy… trên vô tuyến truyền hình. Người ta cẩu những hòm, những vật gọn, cách làm cụ thể ra sao chúng còn mù tịt, huống chi với cái đình này, làm sao mà hình dung ra cách thao tác để cẩu! Cụ trẻ Lương thì nghĩ rằng đã nói được tức là đã làm được. Tâm chống chế:
                             - Không có cái cần cẩu bay ở đây khó giãi bày lắm (!)
                             Chợt một hồi trống nổi lên. Cụ trẻ Lương bảo:
                             - Sắp bắt đầu đấy. Chúng ta hãy xem đã.
                             Lúc ấy, quanh ngôi đình, cạnh mỗi giỏ tre đều đã có hai người đứng. Giữa sân đình, có một người mặc bộ quần áo sồi nhuộm nâu non, đầu chít khăn nhiễu điều, lưng thắt dây lụa điều, tay phải cầm dùi trống đứng trước một cái trống cái. Cụ trẻ Lương cho biết đó là người cầm trịch. Người đó giơ cao dùi trống nện mạnh lên mặt trống “tùng!”. Lập tức, hai người bên mỗi giỏ tre tiếp nhau đặt nhẹ nhàng một viên gạch vào giỏ. Bấy giờ không một ai được ở trong đình. Chung quanh lặng phắc theo dõi. Hễ một tiếng trống vang lên là người ta nhất loạt bỏ vào giỏ một viên gạch. Cứ vậy. Gạch đã đầy lưng mỗi giỏ. Tâm xem chừng sốt ruột, cho rằng cái “trò” này sẽ chẳng đi đến đâu. Bỗng một tiếng “rắc” rất khẽ nhưng mọi người đều nghe thấy. “Đình đã chuyển”, cụ trẻ Lương khẽ nói. Tất cả những người có mặt ai cũng tươi hẳn lên. Công việc càng nhịp nhàng và thận trọng hơn.
                             Toà đình nhích lên ít một, ít một, hầu như không nhận ra. Đến một lúc, thấy rõ các chân cột đều hẫng, lửng lơ trên các hòn đá kê. Khi cả toà đình đã được nâng lên khoảng hơn một mét, một hồi trống ngắn báo hiệu dừng. Đến đây công việc cơ bản đã xong. Các việc phải làm tiếp ít khó khăn hơn nhiều.
                      Tâm và Thái lan man nghĩ. Người ta đã dùng nguyên tắc đòn bẩy. Nhưng … cánh tay đòn, điểm đặt, phân lực và hợp lực, .v.v…tính toán ra sao? Hai cậu bé thấy ngợp. Một sơ suất nhỏ, là đình xiêu, là tai hoạ. Chỉ bằng kinh nghiệm, có khi chẳng vạch ra giấy, chỉ nhẩm trong đầu, những “cụ Khốt” đã tìm được một cách độc đáo để nâng cả toà đình đồ sộ lên. Ngay với kĩ thuật đầu thế kỉ hai mươi mốt cũng không dễ thực hiện một cách ngon lành. Những đầu óc ấy mà được học hành như trong thời đại công nghiệp hoá thì phải biết! Thì đấy! thời nay một “kĩ sư vườn” ở đồng bằng sông Cửu Long tự mầy mò học hỏi, nghiên cứu mà dời được cả nhà xây có tầng lầu!
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.03.2009 20:55:07 bởi Khải Nguyên HT >
                      #11
                        Khải Nguyên HT 20.03.2009 11:26:27 (permalink)
                                                        Chương 13.
                        CŨNG PHẢI TRỔ TÀI MỘT LẦN CHỨ!
                         
                               Một cụ trẻ chăn trâu đầu trọc lóc ngồi nặn một con voi bằng đất sét khá đẹp. Chỉ phải cái dở là nó cứ đứng ỳ ra, xem mãi cũng nhàm. Một cụ trẻ khác bèn bảo bắt bốn con cua đồng làm “giày” cho bốn chân voi. Bốn con cua được đặt thuận chiều nhau. Con voi di chuyển được. Tâm nháy Thái định nói hớt, nhưng Thái bấm cậu ra hiệu bảo im. Các trò tiếp theo diễn ra đúng như hai đứa đã được đọc trong sách kể chuyện người xưa: một con giun đất được dùng làm vòi, một con đỉa làm đuôi, hai con bướm làm tai. Con voi đất sinh động hẳn (1). Các cụ trẻ reo ầm lên. Tâm nghĩ thầm: trò này còn thua xa các đồ chơi lên dây cót, nói gì … Không kịp đắn đo, cu cậu rút phăng cái xe tự hành - đồ chơi ra khỏi túi, nói to:
                               - Thưa các cụ, cháu xin góp một trò chơi. Có voi rồi, cần có xe nữa.
                               Cậu đặt cái xe xuống đất. Bọn các cụ trẻ xúm lại. Tâm vội nói: “ Xin các cụ dãn ra cho rộng chỗ trò này mới hay”. Mọi người lùi ra, quây thành một vòng. Tâm chìa bàn tay đeo găng ra: chiếc xe tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái. Các cụ trẻ trố mắt, há hốc mồm. Tâm những tưởng họ sẽ công kênh mình lên, hoặc “gay” hơn, như trong một truyện mà cậu đã đọc, họ sẽ sụp xuống tế. Nhưng không, mấy người đưa mắt nhìn cụ trẻ Lương chờ đợi. Cụ trẻ mím môi, trầm ngâm ra vẻ nghĩ lung lắm. Cụ trẻ cầm cái xe xem xét, xoay ngược, xoay xuôi, lại đặt xuống đất lấy ngón tay hích. Tâm định kệ cho cụ trẻ loay hoay, nhưng nghĩ lại, cậu đưa ra cái điều khiển từ xa và chỉ dẫn cách chơi. Cụ trẻ thích chí lắm như trẻ con vẫn vậy trong trường hợp tương tự. Các cụ trẻ khác lần lượt chơi thử.
                               Cụ trẻ Lương hỏi: - Con người làm ra đó à?
                               - Vâng. - Thái đáp.
                               - Ta làm được không?
                               - E không được. Thời chúng cháu mới làm được.
                               - Các cháu làm được chứ?
                               Tâm định gật liều, nhưng Thái đã nói: - Không. Chúng cháu cũng không làm được.
                               - Vậy thì ai làm?
                               - Ở một số nước (cậu định nói “nước phát triển” nhưng kịp ngừng lại), người ta làm ra rồi bán cho những ai muốn mua.
                               - Vậy ra… - Cụ trẻ Lương lẩm nhẩm - Tưởng các người cái gì cũng biết, hoá ra học mót thiên hạ mà chẳng xong.
                              Cái đồ chơi bỗng khật khừ, chạy tiếp được một đoạn rồi không chịu nhúc nhích nữa. “Nó mệt rồi. Phải cho nó nghỉ thôi”. Tâm nói rồi nhón lấy cái xe đút túi. Cu cậu chẳng muốn lộ ra là xe hỏng chỗ nào đấy hoặc hết pin, sợ phải giải thích lôi thôi. Mà giải thích thế nào? Cu cậu chỉ biết chơi, hiểu gì đâu mà giải thích!
                         

                        1) Mượn một chuyện dân gian, thường gán cho trạng Nguyễn Hiền lúc bé.
                         
                         
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.03.2009 11:33:03 bởi Khải Nguyên HT >
                        #12
                          Khải Nguyên HT 22.03.2009 10:57:14 (permalink)
                          Chương 14.
                          CUỘC RÚT LUI KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC

                                 Tâm và Thái xin phép đi dạo quanh xem phong cảnh. Các cụ nhỏ nhìn theo chúng, tranh cãi điều gì đó. Hai chú bé của chúng ta nghe loáng thoáng “người trời”, “phù thuỷ”. Tâm có vẻ đắc ý. Thái hơi nghi ngại.
                                 Đường làng hẹp, gồ ghề; những đoạn có lát gạch đặt nghiêng cũng quanh co. Nhiều vườn cây trồng pha tạp: mít, cam, bưởi, ổi, … “chung sống” trong một khoảnh đất chẳng lấy gì làm rộng lắm. Được cái mát mắt, và thích nhất là rộn tiếng chim.
                                 Hai đứa đang đi đến cây đa giữa đồng, chợt nghe tiếng nói to giật giọng phía sau: - Chúng nó kìa!
                                 Hai cậu ngoảnh lại thấy một đám người đang hùng hổ chạy tới. Có người cầm gậy. Có người cầm cả cái thuổng lấm bùn. Chúng không biết rằng có một cụ trẻ thuộc phái tin là  “người trời” lén đi theo đã lâu. Cụ trẻ này muốn rình xem hai người trời khi đi riêng với nhau có trổ tài lạ không, biết đâu chẳng biến hoá thần thông. Đúng là có “lạ”, nhưng chẳng phải là phép.
                                 Lúc đi kề một khu vườn có cây ổi, mùi quả chín thơm nức, Tâm định xé rào, chui vào trèo lên hái mấy quả ăn chơi. Thái can: “Làm vậy, khác nào ăn trộm”. Tâm cáu, nhưng rồi cũng nghe theo. Đến một nơi có vũng nước như cái ao tròn, hẹp và sâu, nước trong, có bờ hơi cao, Tâm đứng vạch quần đái. Thái kêu lên: “Chết rồi! Giếng của người ta đấy”. Tâm cãi: “Cái vũng này mà là giếng à ?”. Thái bảo: “Ngay ở thời chúng ta, khi chưa có phong trào nước sạch cho nông thôn thì có nơi cả xóm chỉ dùng chung một cái giếng như thế này. Có chỗ còn dùng nước ao để ăn nữa kia”. Tâm tặc miệng: “Khiếp”. Cụ trẻ “trinh sát” thấy và nghe hết những chuyện ấy. Thì ra chúng nó cũng rình để vặt trộm quả, cũng phóng uế bừa bãi như vài đứa trẻ hỗn trong làng. “Người trời” gì mà tệ vậy ? Cụ trẻ bèn hộc tốc chạy tìm người để báo. Vừa hay, gặp một toán người đang sửa ao. Nghe kể lại sự tình, mọi người nửa tin nửa ngờ, không hiểu  hai thằng kia là loại người gì, chẳng lẽ lại là phù thủy ? Thôi, cứ bắt lại tra hỏi xem đã. Thế là có cuộc lùng bắt.
                                 Tâm định chờ tốp người chạy tới để hỏi xem có chuyện gì, nhưng Thái nhìn khí thế và khí sắc của họ thấy không ổn, phải lập tức tránh đi. Tâm sờ khẩu súng lade, Thái ngăn lại. Hai đứa chạy gần đến cây đa thì bị đuổi kịp. Hai người lực lưỡng tóm lấy hai kẻ đào tẩu. “Hề, hề,… người trời hay phù thuỷ hãy giở phép mầu ra xem nào?” Tâm la lên: “Sao các người bắt chúng tôi ?”. Thái điềm tĩnh hơn: “Chúng cháu có làm điều gì xấu đâu?”. “Chúng mày bịp chúng ông!”. “Bịp sao cơ?”. “Cũng trộm vặt, cũng đái bậy mà làm ra vẻ người trời”. Thái liếc xéo Tâm; Tâm điếng người.
                                 Có tiếng hô: “Lột truồng chúng ra!” Hai “tù binh” thất kinh. Không chỉ vì sợ bị làm nhục, mà còn lo những thứ “bửu bối” mang trong người bị tước. May thay, một người khác đã lên tiếng: “Khoan đã! Hãy giam chúng lại, chờ cậu Vinh đi học về bàn cách phân xử”. Họ đem nhốt hai “kẻ gian” vào gian sau một cái điếm canh đầu lối vào làng, buộc cửa phía ngoài rồi bỏ đi. Ngày thường, điếm vẫn bỏ không.
                                 Thái và Tâm ở trong phòng biệt giam mầy mò tìm cách thoát thân. Đây là nơi tạm giữ những kẻ bị bắt trước khi giải đi, ngay người lớn cũng khó trốn ra nói gì hai cậu bé. Chán nản, Tâm cằn nhằn với Thái: “Giá cậu đừng ngăn tớ dùng súng thì đâu đến nỗi bị nhốt nhục nhã thế này. Rồi còn chưa biết sẽ ra sao nữa kia. Không khéo chết oan, chết dại”. Thái định trách lại bạn, bởi do tính lêu têu, tùy hứng bất tử của Tâm mà nên nỗi, song cậu nghĩ lúc này cắn rứt nhau càng làm cho tình thế thêm bi đát. Cậu nhỏ nhẹ bảo bạn: “Chẳng nhẽ bọn mình đang tay giết người ư ? Cái cớ tự vệ chẳng ăn nhằm gì vào đây cả”. Cậu xài một từ trong Nam cho nhẹ bớt câu nói. Trong tình thế bí bách, hai cậu đã không còn nhớ chuyện con trăn.
                                 Cả hai ngồi bệt trên nền đất, tay bó gối trong ánh sáng mờ mờ, hắt hiu. Chợt nghe tiếng lạch cạch ngoài cửa, rồi ánh sáng oà vào. Vào theo là cụ trẻ Lương, tay cầm cái ấm sành, nách cặp một cái gói bằng mo cau, những thứ lạ lẫm đối với Tâm. Cụ trẻ đặt các thứ xuống cái bệ đất vốn dùng làm chỗ “ngơi” cho những kẻ bị giam, nói giọng thoáng chút lo âu: “Ta vẫn tin các cháu không nói dối. Ta đã khuyên can người làng nhưng họ định giải lên quan. Quan cứ theo sách mà tra xét thì nguy đấy. Vừa rồi, đứng ngoài nghe các cháu than thở, ta càng thấy ta nghĩ không sai. Đây là nắm cơm, đây là ấm nước vối. Hãy ăn uống mà giữ sức. Ta sẽ buộc hờ cửa phía ngoài. Chờ nhọ mặt người thì trốn đi. Ta sẽ tìm cách giữ chân họ cho đến lúc trăng lên, khoảng đầu giờ Tuất”. Cụ trẻ Lương đi ra; nghe kì cạch bên ngoài một chốc rồi yên ắng trở lại.
                                 Hai cậu dở mo cơm ra. Bên trong, ngoài nắm cơm còn có muối vừng và bốn quả cà muối. Đang “rối tơ vò”, nhưng một là đói, hai là đã có lời cụ trẻ Lương, nên nuốt cũng trôi. Tất nhiên là ăn bốc. Ăn xong, bê ấm tu thẳng nơi vòi. Thứ nước “nhà quê” này, Thái chẳng lạ. Với Tâm, cậu “phát hiện” cái dư vị ngọt trong cổ lưu lại khá lâu sau khi uống. Tỉnh tỉnh người rồi, Tâm bảo bạn là phải chuồn ngay. Thái bàn hãy chờ sẫm tối như cụ trẻ Lương dặn. Tâm nói: “Chúng mình còn phải đến cái miếu hoang lấy ghế bay kia mà. Trời tối biết đâu mà mò. Lại còn rắn rết nữa, tớ sợ lắm”. Thái nghe xuôi tai. Tâm đẩy cánh cửa, ẩy mạnh mấy cái nó mở ra ngay. Xung quanh vắng ngắt. Hai đứa lò dò đi ra ngoài làng. Chúng đi chưa được bao xa thì có người nhìn thấy “hai thằng phù thủy đang trốn”. Cuộc đuổi bắt lần này thật dữ dội. Trống và mõ dậy lên như đụng kẻ cướp vậy.
                                 Hai kẻ “phiêu lưu ngoài kế hoạch” chạy vào cái miếu cổ mà ta đã biết. Hai đứa leo lên bệ thờ lấy những thứ “gửi” sau mấy pho tượng ra. May quá! Không suy suyển gì. Chẳng kịp nói lời cảm ơn các vị đã có lòng giữ hộ vì còn mải lo “đánh bài chuồn” cho mau. Đang tính đi ra khỏi miếu thì đã nghe tiếng nhiều người chạy tới, cùng với những lời hò hét: “Chúng nó trốn trong cái miếu”. “Vây bọc lại! Chúng nó có chạy đằng trời!”. Hai đứa vội đóng cửa lại, chốt kĩ phía trong. Khen cho cái gan lì của Tâm, trong cảnh huống ấy mà còn nháy mắt với Thái cười tủm, nói nhỏ: “Chúng tôi chạy đằng trời thật đấy, các cụ ạ”. Chúng định lẻn ra bằng cửa sau. Nhưng phía sau cũng đã nhộn nhạo tiếng người. Đằng trước có tiếng xô cửa, rồi tiếng đạp cửa. Hai đứa leo lên trốn phía sau ban thờ cao nhất, có thể chạm tay vào mái. Bên ngoài, tiếng phá cửa rầm rầm, cả trước cả sau. Tâm thử dỡ ngõi. A! Có thể được. Chúng nhẹ tay moi được một khoảng đủ rộng để chui ra. Vướng một cái rui, nếu không, có thể ngồi lên ghế bay từ trong miếu nhót ra ngoài mà chẳng ai thấy vì chẳng ngờ, mọi người còn mải phá cửa. Cái cửa trước có vẻ núng lắm rồi, sắp bục đến nơi. Hai cậu đã lọt ra ngoài cùng các thứ đồ lề. Chúng vừa nép mình trên mái thì cánh cửa trước đổ. Khoảng hai phút sau, cánh cửa sau đổ nốt. Đám người ùa vào sục sạo. Hai cậu cho ghế phi hành mở ra, ngồi vào. Nếu không vì cái ý định tốt lành mà hai cậu từng trao đổi với nhau là không nên để các người kia tin là có người trời thật, thêm mê tín dị đoan, (Chúng không ngờ rằng rồi người ta quên béng ngay chuyện xẩy ra. Chẳng qua chỉ như gặp trong mộng thôi), thì Tâm đã “e hèm” đánh tiếng chọc tức trước khi chuồn. Hai chiếc ghế bay vút đi, còn nghe từ trong miếu vọng ra tiếng lao xao hỏi nhau: “Quái! Chúng biến đi đâu nhỉ ?”. Rồi tiếng la: “Kìa! Chúng chui mái nhà. Ra ngoài lùng mau!”.  Trong ghế phi hành có bộ phận định hướng nên hai “người trời” giả tìm đến chỗ con tàu chẳng mấy khó khăn.
                                 Thái và Tâm về đến nơi con tàu xuyên-thời-gian đỗ, ngồi bệt lên cỏ nghỉ chưa vào trong tàu vội. Bây giờ thoát hiểm rồi, hai đứa, nhất là Tâm, mới thấm nổi cay đắng lẫn hổ ngươi. Mang danh người đầu thế kỉ hai mươi mốt về với các cụ “khốt” của thế kỉ mười lăm lạc hậu hơn năm thế kỉ những tưởng có thể dư sức “làm thầy”, nào ngờ… Bị truy đuổi như những tên đại bịp, nhục quá là nhục! Vốn kiến thức “chưa đầy một nắm” may ra chỉ đủ loè những ai khờ hoặc cả tin thôi. Giở cái trò “xe tự hành” ra chẳng làm cho “oai” hơn, “đáng mặt” hơn, bị coi là trò phù thủy chẳng oan chút nào. Thở ra một hơi rõ dài, Tâm quay sang bạn nghĩ tới chuyện trở về. Hai đứa nhìn nhau không nói ra nhưng đọc được nỗi lo trong mắt nhau. Lúc “hạ cánh” xuống đây ngoài ý muốn đã phải lo hoảng rồi. Giờ là cái lo khác. “Trở về” ra sao đây ? Ngộ nhỡ lại lạc đến một “thời” nào đó thì sao ? Còn chuyện năng lượng nữa, không đủ thì rầy rà! Biết rằng ngồi lo quanh thì chẳng đi đến đâu, hai cậu quyết định dù sao thì cũng phải quay về. Vào trong khoang chỉ huy tàu, chúng ngồi vào ghế điều khiển. Tâm nhường Thái phát động con tàu. Phút giây quyết định, Thái nhìn sang Tâm bắt gặp cái nhìn đầy ý nghĩa của bạn; cậu nín hơi đẩy cái cần màu ngà về vạch “năm 2001”, rồi yên trong ghế đón cái rung nhẹ. Lần này thì các cậu đi vào giấc mê một cách êm đềm, bởi dù sao tinh thần cũng coi như được chuẩn bị ít nhiều. Dường như sự kì diệu đã xẩy đến với hai “nhà du hành vũ trụ” không được tập luyện.
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.03.2009 11:03:36 bởi Khải Nguyên HT >
                          #13
                            Khải Nguyên HT 24.03.2009 10:59:57 (permalink)
                            Chương 15. RÕ RÀNG VỀ ĐÚNG NHÀ MÌNH MÀ…
                                                    - CÁI ĐÃ QUA, KHÓ LẤY LẠI

                                    Khi Thái và Tâm tỉnh dậy, ấn nút để nhìn ra thì thấy quanh tàu chẳng còn rừng rậm mà là bãi cỏ xen các đám cây gần giống như ngày rời đi. Hai cậu lo thu xếp cho khoang tàu được y như cũ rồi rời tàu. Tụt ra ngoài, chúng thấy khung cảnh khang khác. Tâm chỉ cảm thấy. Thái vì là dân “thổ địa” nên nhận thấy bãi cỏ hẹp đi, cây nhiều lên. Hai đứa thẳng bước tìm đến bãi chơi quen thuộc. Ô! rừng cây lấn mất quá nửa.
                                   Thái dẫn bạn về nhà mình, cả hai đều đang thèm ăn. Đường về làng, lạ quá! có vẻ hẹp hơn, gồ ghề hơn. Thái băn khoăn, chẳng gặp ai để hỏi. Nhà cậu ở trong một khu vườn rộng tách biệt khỏi xóm dân cư. Tâm trấn an bạn: “Chúng mình vừa từ thời xưa trở về như từ một thế giới khác nên cảm thấy vậy thôi”.
                                   Hai cậu đã về tới trước cổng nhà Thái. Ủa! Lại sự lạ nữa. Vườn nhà Thái trồng chủ yếu là nhãn và vải, mà nay lại là vườn cây táp nham y như lúc chưa được cải tạo. Thái và bạn lò dò đi vào. Cậu chững lại. Nhầm nhà rồi! Sao lại sân đất ? Nhưng nhìn kĩ ngôi nhà thì rõ là nhà mình. Con chó vàng nữa đây này. Con Vàng mừng Thái nhưng lại nhe răng với Tâm, nếu chủ nó không nhanh thì có thể cậu khách đã bị nó đớp. Quỉ thật! Nó đã từng thân với bạn chủ chẳng kém gì với chủ. Thái cho nó một đá, “mới đó mà mày đã quên khách quen!”
                                   Vừa bước vào trong nhà, chính Tâm cũng biết đã có sự thay đổi cách bài trí. Thái nhìn thấy cái máy thu hình đen trắng. Quái! Chẳng lẽ nhà mình lại bán cái máy thu hình màu đi, sắm lại loại máy này! Tâm chợt đập vào vai bạn trỏ tay vào tờ lịch treo. Hai cậu cùng há hốc mồm: Dưới bức ảnh phong cảnh Hạ Long, trên chỗ in ngày tháng, đập vào mắt là chữ in đậm đỏ chót “1999- Kỉ Mão”.
                                   - Hai năm nữa mới là thời hiện tại của chúng mình.- Tâm lầm bầm- Cần điều khiển tàu chưa được đẩy đến thật đúng vạch “năm 2001”.
                                   - Chết thôi! Sao mình ngu vậy nhỉ ?- Thái vò đầu- Vạch 2001 đã được đưa vào bộ nhớ của máy điều khiển, Xanh Biển nó đã bảo rồi, tại sao không dùng cách tự động mà lại dùng tay!
                                   Hai đứa, dẫu vậy, cũng chưa lường được là may hay là rủi. Từ gian bếp nghe có tiếng dỗ dành:
                                   - Cháu ơi! Cố mà uống thuốc đi cho chóng khỏi để còn đi học chứ. Đắng một chút thôi. Thuốc đắng dã tật mà. Bà đã sắp sẵn kẹo cho cháu đây. Uống xong, nhai kẹo là hết đắng.
                                   Thái thì thào: “Bà nội mình đấy. Năm ngoái bà mới mất. Năm trước đó mình hỗn với bà; bà mất rồi mình ân hận mãi. "Đi lạc" thế này lại hoá hay, mình có dịp chuộc lỗi đây”.
                                   - Cháu thèm vào thứ kẹo ấy. - Tiếng một đứa trẻ léo nhéo. Tâm nghe rất quen- Bà thích thì bà uống. Không…
                                   Thái vội chạy xuống bếp. Vừa kịp nghe phần đuôi câu nói “thì đây này!” đã nghe “choang” một tiếng, chiếc bát đựng thuốc vỡ ngay trước mắt cậu. Cậu nhìn thấy một thằng nhỏ hơn cậu, thấp chừng một cái đầu, mặc chiếc áo thun đỏ cụt tay mà cách đây hai năm cậu vẫn thích mặc, đang ngồi trên giường vùng vằng chân tay, môi dẩu ra, nom dễ ghét. Giá cậu có ngay một cái gương để soi lúc ấy thì cậu sẽ thấy thằng nhỏ giống cậu lạ lùng. (Thường thường chúng ta khó nhận ra người có mặt mũi giống mình nếu không được đem đối chiếu trực tiếp, soi gương hoặc so ảnh. Cũng như nghe tiếng mình qua băng ghi âm thấy lạ hoắc. Không tin thì các bạn thử nghiệm xem). Cậu quên khuấy đang lâm vào tình thế bất bình thường, chỉ thấy tức, bèn quát lên: “Sao mày dám hỗn láo với bà nội, hử?” và chạy lại giơ tay định tát. Một bà cụ chạy lại ngăn: “Đừng đánh nó! Cháu là ai?”. Thái ôm lấy bà: “Bà ơi! Cháu Thái của bà đây mà. Cháu đã có lần trót láo với bà như thằng kia kìa. Cháu xin lỗi bà!”. Bà cụ đẩy Thái ra nhìn lom lom:
                                   - Hử? Thằng Thái đang ngồi kia, còn Thái nào nữa? Cháu nhầm bà với ai rồi.
                                   - Không nhầm đâu. -Thái bật khóc rấm rứt- Chính bà là bà nội của cháu mà.
                                   Khi đó, Tâm đi vào bếp định để đỡ lời bạn. Bà cụ hỏi:
                                   - Còn ai đây nữa ?
                                   - Con bác Phúc ở thành phố về nghỉ hè với nhà ta. - Thái đáp- Bạn ấy tên là Tâm.
                                   - Các cậu lẫn nhà rồi. - Bà cụ nghiêm mặt- Nhà tôi chẳng có ai từ thành phố về chơi cả. Các cậu đi đi! Người lớn nhà này đi làm sắp về cả đấy.
                                   Hai cậu lủi thủi đi ra. Bà cụ nói một mình, có ý cho hai đứa nghe: “Ở đâu đến nhận chằng bà cháu. Dễ ai cũng mất cảnh giác cả đấy”. Bà đứng nơi cửa thông lên nhà trên trông theo canh chừng.
                                   Bị đuổi ra khỏi nhà mình, mà lại do bà mình chẳng chịu nhận mình, Thái tủi thân chực oà khóc. Tâm vội kéo bạn đi, bảo khẽ:
                                   - Chúng mình đúng là nhầm, nhầm lúc. Cậu quên rồi sao? Cậu với tớ là người của năm 2001. Còn thằng bé ngồi trên giường nhõng nhẽo chính là cậu năm 1999. Chúng mình trở về đúng thời điểm cậu phạm lỗi với bà cậu năm xưa. Cậu không nhận thấy thế à ?
                                   Thái như người mê sực nghĩ ra, bạn nói đúng. Bà nội nhận thêm một thằng Thái nữa sao được. Cậu cảm thấy chua xót trong lòng. Chẳng còn bao giờ chuộc lỗi với bà được nữa. Sao mình không sớm nghĩ ra điều này khi bà còn sống ? Có những sa sẩy khó lòng vớt lại; cũng như những dịp để làm điều tốt không biết nắm lấy, vuột khỏi tầm tay. Bây giờ có nán lại chờ gặp các người thân khác cũng chỉ gây rắc rối thôi. Cậu bảo bạn: “Thôi, chúng mình về với thời của chúng ta”.
                                   Tâm ngần ngừ: - Tớ định tranh thủ về nhà tớ xem sao.
                                   - Nên không ? Cậu thấy tình cảnh của mình vừa đấy thôi.
                                   - Trường hợp tớ có khác. Bà của cậu già quá rồi, quanh năm chỉ ở nhà quê, khó nghe ra. Tớ tin sẽ không gặp chuyện quá khó xử ở nhà mình đâu. Tớ muốn được thấy lại tớ và người nhà của tớ cách nay hai năm. Làm gì có được dịp hay như thế này nữa! Cha mẹ tớ chắc phải trố mắt thấy tớ lớn bổng lên 

                            bằng này.
                                   - Trong lúc cậu đi, mình làm gì ? Chẳng lẽ cứ lang thang…
                                   - Hay là đi với mình.
                                   - Mình ngán chết đứng như vừa nãy rồi.
                                   - Vậy cậu ra tàu chờ mình. Mình chỉ đi một ngày thôi. Cầm lấy cái găng này.
                                   Sắp từ giã bạn, Tâm còn dặn, nửa đùa, nửa thật: -Này! Đừng có mà vù một mình. Bỏ lại tớ là gay cho tớ đấy.

                                    - Càng hay cho cậu chứ sao. -Thái miễn cưỡng đùa- Cậu cứ sống bình thường với mọi người và như mọi người; có điều, cậu biết trước những gì sẽ xẩy ra trong hai năm trước mắt, cậu thành nhà tiên tri "số dách".
                                   Nghe vậy, Tâm có vẻ phởn, nhưng kịp nghĩ lại, cậu lẳng lặng chia tay bạn.
                                   Tâm phải đi bộ hơn một ki-lô-mét ra đường liên tỉnh vẫy xe khách. Khi cậu trả tiền, tay phụ lái tròn mắt nhìn tờ giấy bạc, cau mặt hỏi: “Mày lấy đâu ra tờ này?” Tâm giật mình, biết ngay mình đã sơ ý đưa tờ bạc phát hành năm 2001. Nhanh trí, cậu nói chữa: “À, nhầm. Để lẫn tiền âm phủ”. May mà trong túi cậu có loại giấy bạc in năm 1993. Hú vía! suýt nữa thì lôi thôi to, vào tù vì tội làm bạc giả không chừng.
                                   Tâm về tới thành phố mình ở. Cậu không sao lần ra nhà mình. Đúng ra là cậu đã đứng trước nơi có ngôi nhà mình đang ở trước khi đi lạc thời gian -vốn là một ngôi nhà hai tầng, nhưng chỉ thấy một ngôi nhà trệt cấp bốn cũ kĩ, sứt sẹo. Thấy cu cậu đứng bần thần ngó, một ông già bước ra hỏi cậu tìm ai. “Cháu tìm nhà ông Phúc”. “Phúc nào? Phúc hải quan phải không? Ông ta vẫn còn ở phố bờ sông. Mua nhà này, nhưng cuối tháng mới chồng tiền”. Quái quỉ thật! Tâm vò đầu. Mình mà lại lú lẫn thế! Nhà tại đây, mãi đến giữa năm  ngoái mới làm xong và dọn đến ở. Cậu nhảy xe máy ôm bảo đưa ra phố bờ sông.
                                   Trong sân nhà cũ, cậu thấy thằng Lê “lì”. Nó với mình không nhìn mặt nhau nữa từ hôm nó đòi chép bài kiểm tra của mình không được (của đáng tội, bài ấy mình làm có ra gì đâu!), đón đường đánh mình. Nó khoẻ hơn, mình cự không lại, bị nó đánh chảy máu mũi. Bây giờ mày lại vác mặt đến đây, ông cho mày một trận, mày biết tay ông. Tâm bừng bừng xông tới, Lê giương mắt nhìn ngạc nhiên. Tâm chẳng nói chẳng rằng tống cho “kẻ thù” một quả vào mặt. Tập sách vở Lê đang cầm trong tay tung toé ra đất. Đúng là Lê lì ! Chẳng thèm hỏi “sao mày vô cớ đánh tao?”, hắn xông vào đối thủ “chơi” luôn. Tâm lớn hơn Lê- lúc này, dĩ nhiên-, nhưng chưa chắc “mèo nào cắn mỉu nào”. Chợt một thằng bé cùng lứa với Lê chạy tới kêu: “Đồ cậy lớn đi bắt nạt!” Nó xắn tay áo chực đánh hôi giúp Lê. Trong nhà có tiếng gọi ra: “Tâm”. Tâm nghe thằng bé đến sau “dạ”. Tiếng hỏi tiếp: “Làm gì xộn rộn ở ngoài ấy thế ?”. “Một đứa từ đâu đến bắt nạt bạn con”- Thằng bé nọ trả lời. Tâm chưng hửng. Thằng kia chính là mình! Sao lại đi bênh thằng Lê ? À, chết thật! cuối năm học vừa qua, mình với Lê mới có chuyện với nhau. Một người đàn ông tuổi hòm hòm mở cửa đi ra, hỏi: “Đứa nào?”. Ông ta chỉ tay vào Tâm (lớn): “Thằng này…”, câu nói không trọn. Ông ta nhìn Tâm chằm chằm, đưa mắt qua con mình, rồi lại chiếu mắt vào Tâm. Tâm toan kêu lên: “Bố”. Nhưng ông ta đã lạnh mặt, mắt cụp xuống, khoát tay bảo Tâm (bé) và Lê: “Hai đứa vào nhà đi!”. Ông ta quay gót. Hai thằng bé theo vào.
                                   Còn lại một mình, Tâm đứng trơ như phỗng, mặt chảy ra như cái khăn mặt ướt. Cậu hiểu: cha cậu không thể nghĩ là có “hai Tâm mà một”. Nhưng cậu không hiểu là ông ta có thể có lí do riêng để ngại gặp phải những đứa trẻ giống con mình.
                                   Chán quá! Chán hơn cả lúc ở nhà Thái ra. Nhưng Tâm không muốn mình oà khóc. Chẳng có ai để trút nỗi niềm. Tiếc là đã không nghe lời bạn. Huyênh hoang ra cái  vẻ: Tớ sẽ không gặp khó xử ở nhà mình đâu! Lại còn cú “trả thù vặt” vô duyên. Thật chẳng hay ho gì. Không biết cu Thái lúc này ra sao ? Phải về tàu thôi!
                                   Chặng đường trở lại làng của bạn đối với Tâm thật dài và nặng nề, - khỏi phải nói! Đến nơi, cậu ra thẳng nơi con tàu tìm Thái. Vì không ngờ còn phải quay lại tàu ngoài ý muốn như vậy, nên không mang cái mũ có kính định hướng theo, do vậy, Tâm cũng như Thái đến được chỗ con tàu khá là vất vả, dẫu đã có kinh nghiệm lần trước. Lần này, mỗi đữa phải mò mẫm một mình.
                            Thái thấy Tâm từ xa, khi cậu đang ngồi trong khoang chỉ huy của tàu. Cậu ra ngoài tàu đón. Khỏi cần hỏi han, nhìn mặt bạn, Thái đã đoán ra ngay cơ sự. Nó cũng nông nổi như mình. Chẳng thể lấy lại đoạn đời đã sống, càng không thể nắn lại những gì bất như ý. Có con tàu ngược thời gian thì may lắm cũng chỉ có thể nhìn lại mà thôi, như người ngoài cuộc.
                                   Vào trong tàu, hai cậu nhắc nhau “hỏi” máy điện toán đã. Trên màn hình, vạch cần điều khiển chỉ đúng năm 1999. Hai đứa thở phào nhìn nhau, ngồi vào ghế điều khiển xong xuôi, ấn nút tự động đẩy cần gạt về đúng vạch năm 2001 mà hai Xanh đã đưa vào bộ nhớ.

                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.03.2009 11:52:50 bởi Khải Nguyên HT >
                            #14
                              Khải Nguyên HT 27.03.2009 16:11:01 (permalink)
                              Chương16. CÁC CỤ THẬT LÀ…

                                     Chuyến này đúng là trở về. Hành trình trót lọt. Khi hai nhà du-hành-bất-đắc-dĩ đã tỉnh táo chuẩn bị ra khỏi tàu thì các cậu mới sực nghĩ tới một chuyện quả là gay: sẽ ăn nói sao đây với Xanh Trời và Xanh Biển ? Hay là cứ lờ đi như không hề có gì xẩy ra. Không xong! Chúng mình là bậc tổ tiên của chúng cơ mà. Thật ra, con tàu “phóng đi” là chuyện vô tình. Thế thì chuyện lẻn vào tàu người ta có vô tình không ? Phải nói thực thôi. Phải nhận lỗi thôi.
                                     Sau khi đã yên trí rằng mọi thứ đã được xếp đặt trở lại đâu vào đấy, hai đứa ra khỏi tàu. Chúng nằm dài trên cỏ, khoan khoái. Thích quá! Mùi cỏ cây, mùi đất thân quen. Hứng chí, chóng quên ngay chuyện vừa mới đó thôi, Tâm bàn:
                                     - Sẵn tàu xuyên-thời-gian, mà hai Xanh chưa quay lại, hay là chúng ta làm một chuyến “du” vào tương lai, gần gần thôi ?
                                     - Không được!- Thái lắc đầu vội- Tự tiện một lần đã là quá. Vả lại, chúng mình chưa chuẩn bị. Vừa rồi, vào quá khứ còn lớ ngớ thế, có cơ không về được, huống hồ vào tương lai. Ít ra thì cũng làm trò cười cho lớp người “hậu bối” của chúng ta.
                                     - Hay là chúng ta thử gạ hai Xanh. - Xem ra Tâm chưa “tỉnh ngộ” bao nhiêu- Nếu chúng vui lòng, chúng mình có được hai hướng dẫn viên thật “chúa”. Cứ thử xem. Hầy! May ra…
                                     - Hăng máu vịt! Hãm lại đi! - Thái nghiêm nghị bảo bạn.
                                     Hai cậu nhắm mắt lơ mơ, rồi ngủ quên. Đột nhiên, cả hai cùng choàng mở mắt. Xanh Biển và Xanh Trời đã ở trước mặt tự lúc nào. Hai đứa nhoẻn người, nhưng vẻ mặt hai Xanh không đón nụ cười ấy.
                                     - Các cụ không tốt. - Xanh Biển lạnh lùng nói. Chỉ gọn có thế. “Cụ” chứ không “bạn”.
                                     Nét cười ngưng nửa chừng trên môi khiến mồm hai “cụ” biến dạng. Nom mặt các “cụ” lúc này thật khó coi. (Bạn nào chưa thấu từ “tẽn” thì hãy nhìn vào đấy!)
                                     - May mà các cụ không bị lang thang bất định trong thời gian. - Xanh Trời tiếp lời, giọng rầu rầu như là thương hại cho các trò nghịch dại của hai “cụ”. Im lặng ngắn. Tiếng Xanh Trời lại cất lên, nghiêm nghị - Năng lượng trên tàu có phải là vô hạn đâu. Chúng cháu vừa xem lại, chỉ còn đủ cho chúng cháu quay về.
                                     - Có thể nạp năng lượng vũ trụ kia mà. - Có dịp cho Tâm cất lời.
                                     - Các cụ nghĩ là nạp đơn giản vậy sao! - Khoé môi Xanh Trời hơi có nét cười- Và muốn là có ngay sao! -Xanh Trời thở dài nhè nhẹ- Chuyến đi này của chúng cháu, năm đầu của thế kỉ hai mươi mốt đây mới chỉ là chặng dừng thứ nhất. Còn mấy mốc thời gian phải cập bến nữa. Nhưng bây giờ đành phải bỏ dở thôi.
                                     Thái nãy giờ vẫn cúi mặt ngồi bứt lá cỏ vu vơ, ngửng lên:
                                     - Chúng tôi có lỗi, song không cố ý dùng trộm tàu của các bạn. Bây giờ không còn cách nào khắc phục được ư ?
                                     Xanh Biển lắc đầu: - Khó, sẽ rất lâu. Nếu chúng cháu về muộn hơn hạn định thì “ở nhà” sẽ lo, có thể phóng đi tìm. - Cậu lấy lại vẻ mặt tươi tỉnh, hồn nhiên như trước- Thôi, chúng ta chia tay nhau ở đây. Rất mừng là đã được gặp hai cụ. Nếu có điều kiện, chúng cháu sẽ trở lại.
                                     Lòng dạ Tâm và Thái rối bời. Bao nhiêu dự định đi tong! Nhiều điều định hỏi, về “thế giới” của hai Xanh, về chuyến đi thủ đô của họ. Nhất là những tưởng còn được thấy hai Xanh “trổ tài”. Vậy mà đột nhiên “gút bai”!
                                     Xanh Biển và Xanh Trời mở rộng hai cánh tay: “Nào! Các cụ cho chúng cháu ôm hôn từ biệt”. Thái nhảy vào vòng tay Xanh Trời, Tâm vào vòng tay Xanh Biển. Cả hai đều cảm thấy mắt mình ứa nước, cố nén để không cho trào ra. Hai Xanh cũng vậy. Lâu chừng một phút, họ lại đổi cặp. Họ rời nhau ra đứng lặng nhìn nhau, gượng mỉm cười. Xanh Trời nói:
                                     - Bây giờ các cụ hãy đi xa ra. Đừng lưu luyến quay nhìn lại: các cụ đã biết tác động của vành đai vô hình bảo vệ tàu rồi đấy. Đi thật xa nhé! Tốt nhất là đến chỗ chúng ta gặp nhau lần đầu ấy.
                                     Thái và Tâm thui thủi đi ra, buồn não nề. Không thể ngoái lại vẫy chào giã từ hai người bạn. Vâng! bạn chứ chẳng “cụ-cháu”. Ra khỏi vòng ảnh hưởng của vùng nhiễu, chúng quay lại nấn ná nhìn về phía con tàu, và có ý chờ xem con tàu phóng vào không-thời gian ra sao, và cũng là để nhìn tiễn Xanh Trời và Xanh Biển.
                                     Đất trời bỗng loà sáng và hai cậu lịm đi. Có lẽ họ đứng hơi gần. Phải một quãng khá xa nữa mới tới bãi cỏ quen thuộc.
                                     Lúc Tâm và Thái tỉnh dậy thì trên nền trời đã thấp thoáng đó đây những vì sao “ăn cỗ đi trước”. Hai cậu đứng lên nhìn trời, nhìn quanh, rồi nhìn vào mắt nhau: chẳng lẽ họ vừa qua một giấc mơ dài? Như người xưa trong một tích cũ nằm ngủ chốc lát dưới gốc cây hoè mà “du” trong mộng suốt hơn hai mươi năm!

                              Viết tặng các bạn trẻ giàu ước mơ
                              Hải Phòng , 1997 - 2000
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2009 16:22:02 bởi Khải Nguyên HT >
                              #15
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9