Tập truyện ngắn của VU THI.
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 28 trên tổng số 28 bài trong đề mục
vuthi 02.04.2009 17:30:21 (permalink)
LÃO HÀNG XÓM

 
Hắn sống lâu đến mức những người yêu hắn cũng phải thành ghét hắn. Mà ngẫm cho cùng Thần Phật còn bị bào mòn nữa là hắn, nhưng hắn vẫn buồn, mà buồn thì cũng phải thôi, đang trơn tru bỗng xù xì gai góc. Đạo lý còn có lúc thăng, lúc trầm nữa là hắn. Ai nói cũng không tỏ, người ngỏ cũng chẳng hay, cái vẻ đẹp nào đó trong hắn vẫn nguyên hình, nguyên khối!
trên đời có bao nguyên lý chừng như không đổi! y thế rồi mà đổi, cái lẽ tầm thường như vậy mà hắn nghĩ cũng không ra, mà có phải trẻ trung gì đâu! Ngoài năm mươi rồi chứ đâu còn nhỏ nhắn gì nữa mà ra vành ra vẻ. Cứ nhìn hắn mà lại thêm nẫu ruột, ấy thế mà hắn vẫn sống, mà xưng xỉa với đời. Cõi sống có hạn! Mà hắn thì muốn sống lâu thêm nữa. Không hiểu lẽ sống gì mà dai dẳng bền lâu đến thế, sao không đứt phựt một cái cho xong. Cứ nhìn thấy hắn là tôi lại ngẫm - Ngẫm cho mình, ngẫm cho hắn. Cái bóng thì để làm gì? Có nhiều khi tôi tự hỏi: liệu cái bóng có hồn phách gì không, nó cứ lẳng lặng mà dán lên cõi đời, cõi sống! Chẳng thà tan biến mẹ nó đi cho xong, đỡ bận mắt loài người. Cả cõi đời đang xình xịch đi lên… nhưng lại vướng phải hắn, họ cứ tưởng là ma, là quái, ấy thế mà hắn vẫn cứ sống vất vưởng trên đời. Khổ nỗi nhà tôi gần nhà hắn quá! Cách nhau chỉ bằng bức vách. Khi hắn còn hơi, còn sức, nghe hắn nói chẳng ai chịu nổi! Lời nói gì lại như đóng đinh vào tai người khác! Mà hắn có hiểu gì đâu! Đinh đóng cũng phải rỉ, đời mỗi ngày mỗi khác, thằng khố rách áo ôm lại bàn đến chuyện váy đầm, váy hẫng thì bố ai nghe nổi! y thế mà hắn vẫn nói, người ta chẳng nghe hắn vẫn nói, mà nói lợi ích gì cho hắn cơ chứ? Ngẫm cũng lạ, ở đời có những thanh âm rền rĩ đều đều như nước chảy, nó cứ róc rách làm thành lời ru cho gà hàng xóm ngủ. Và chợt có một ngày lão không nói! Lòng tôi thấy nhớ… thấy như hụt hẫng! Chẳng lẽ lại gõ vách cho hắn phát ra lời nói! Song có lẽ thằng già bị câm – Hắn bị câm thật rồi! Đang nói như thế mà câm thì rõ khổ! Tôi thực sự thương hắn. Tâm trạng như vậy thì tù túng lắm! Nó cứ như cái loa phóng thanh bỗng gặp ngày xấu trời, giọng rè rè rồi câm hẳn, chẳng còn ho he được câu nào nữa. Cứ nghĩ đến lão mà thương lão, cõi đời thì cứ trôi, còn lão có lẽ là cái bóng - Một cái bóng câm lặng. Nhưng không phải! Lão chưa câm hẳn! Mắt hắn vẫn nói, mà nói gì mọi người chẳng ai biết được thì mới bực! Thà rằng lão chết quách đi cho xong. Hàng xóm trùm lên mồm hắn vòng hoa, xông vào họng hắn mấy thẻ hương cho tịt hẳn còn đỡ bực, chứ đằng này, hắn giải quyết mọi nỗi bất bình chỉ bằng ánh mắt thì cụ ai mà chịu nổi! Thế mới khổ… chẳng biết hắn có khổ không? Còn tôi, nhân danh hàng xóm tôi khổ quá. Không biết vợ con hắn sống ra làm sao bên thằng câm mà lại có cái nhìn như thế? Thế mà họ vẫn chịu, thằng con vẫn đi nhảy đầm, còn bà vợ thỉnh thoảng lèo nhèo như chảo mỡ sôi cho đời có chuyện. Có thể lão đã cố thủ mà nằm xuống! Nhưng không phải, từ nhà mình tôi vẫn nhìn thấy cái bóng lão đi đi, lại lại nhưng câm lặng. Cái bóng như nhìn tôi và chấm hết! Bực quá tôi muốn cầm gạch ném vào mồm hắn, nhưng làm thế sao được nên tôi đành thầm ước: “Hỡi thằng già đến cõi kia ơi! Mày hãy nói lên đi! nói gì cũng được, kể cả mày chửi bố tao cũng được, miễn rằng mày đừng là cái bóng đi đi, lại lại mà câm lặng”. Nhưng lão vẫn câm, vẫn nhìn như thách đố tất cả!
Trong mắt lão cả cõi đời này như đã chết, như con tàu chìm nghỉm trên đại dương mà lão là kẻ dõi nhìn! Không lẽ ngày mai tôi lại phải là kẻ lắm mồm thay hắn! Mà thay hắn đâu phải dễ! Phải có thời gian mà tu, mà luyện! Mẹ kiếp cõi đời mà câm lặng thì khổ thực! Yên tĩnh quá thì khổ lắm, ngẫm mà thương đời hắn như mọc rễ xuống bùn, chỉ mọc rễ mà không ngoi lên được! Có thể kêu mãi cũng chẳng có người cứu nên hắn câm, mà có lẽ câm thì đỡ lún. Cái nguyên lý này có vẻ chấp nhận được nên tôi đỡ bực. Tuổi tác lão có lẽ sắp lún ngập đầu, mà lúc ấy sẽ chẳng còn bóng lão để mà tôi bực.
 
Ngày 15-2-2002


 
#16
    vuthi 08.04.2009 17:55:45 (permalink)
    MẤT MÌNH

     
    Ai cũng khuyên hắn nên nhìn ngắm cõi đời vừa phải thôi, mọi thứ chưa làm gì đến nỗi, vết thương đã chết người đâu mà đã u uất làm vậy! Có thể hắn đang nghĩ về thời gian - thời gian của hắn, một dòng thời gian đóng khuôn trong cái đồng hồ hình tròn có kim có vạch! Hắn như hòn gạch được đóng khuôn… chỉ có thế, sáu cạnh là sáu cạnh không làm sao khác được! Đời người chỉ có vậy không làm thế nào khác được nữa! Có cựa quậy mấy đời hắn cũng chỉ là hòn gạch đóng khuôn… hòn gạch biết nhìn, biết thở, mà còn thở dài được nữa - nhưng dứt khoát hắn chỉ là hòn gạch, vợ hắn cũng là hòn gạch, con hắn cũng vậy và tất cả chỉ là những hòn gạch. Mọi người đều giống nhau là phải sống, nên từng hòn một chồng chất lên nhau thành hàng để mà xây cất nên cõi đời thực tại. Từng hàng một liên kết với nhau bằng sự ham muốn khổ đau! Cái thứ vữa bủn xỉn mà cõi đời suy ngẫm ra được. Gắn thằng người nọ dính vào người thằng kia xem ngộ nghĩnh làm sao. Người ta hoà quyện gạch với gạch để mà xây cất nên từng thế hệ. Thế hệ sau đè lên thế hệ trước, từng từng lớp lớp mà hoàn thiện và hoàn thiện ra sao thì khó ai mà biết. Chúng ta tự hào, chúng ta suy ngẫm, rồi ta buồn thảm. Các vị cứ thử nghĩ mà xem, mỗi hòn gạch là một cuộc đời có suy nghĩ thì bức tường kia sẽ ra sao? Cuộc đời đè lên cuộc đời, suy nghĩ đè lên suy nghĩ thì rõ khổ. Vợ tôi thường nói: “Anh phải sống sao cho khuôn khổ” - nhưng tôi xin lỗi, đừng mang hòn gạch đời tôi mà xây vào bức tường ấy mà tốt nhất hãy để tôi là đất, đừng mang đi đóng gạch - tôi sợ mọi loại khuôn vì loại khuôn nào cũng vậy sẽ chỉ đúc ra được một sản phẩm giống nhau đều tăm tắp như ta đẻ ra một đứa con nó phải giống cha từng nét vẻ hình hài, suy tư giống hệt, nó phải là một thằng con tái bản… Để đến một hôm chính ta phải kinh tởm về sự giống nhau đến thế! Mà nếu nó không giống thì cũng thật khổ! Ta sẽ nghi hoặc, lo sợ vì sao nó không giống. Tất cả mọi chuyện tồi tệ này đều sinh ra bởi cái khuôn tù đày khốn khổ… Người ta luôn luôn quên rằng kẻ đứng bên cạnh mình là một người khác, nên học hỏi nhau mà sống thì hay biết bao nhiêu. Họ luồn lạch trong thời gian mà nặn nhào người khác ép vào khuôn cho rõ khổ. Cứ đời nọ lê theo đời kia mà ấn vào khuôn khổ, tất cả đều giống nhau đều tăm tắp như cát bụi, những cái tôi nhỏ nhoi tụ họp lại làm thành cái chúng ta khốn khổ. Chính bản thân hắn không định hình nổi cái tôi cho bản thân! Một sự ích kỉ đến bần tiện. Hắn muốn tập thể là cái tôi của riêng hắn, được ngụy trang bằng hai từ “chúng ta”, thật hoa mỹ và rộng lớn, nó dường như là tất cả cái khoảng mênh mông của cõi đời và những cái tôi yếu đuối, bồng bềnh, trôi trên mặt biển chúng ta cuồng sóng. Quả là vĩ đại khi bản giao hưởng chúng ta cất lên với biết bao là tiết tấu thét gào cuồng nộ cả một đại dương âm ba sôi động đến hãi hùng… Chừng như ta bị cuốn trôi đâu mất để rồi như con tàu đắm! Hắn chợt ngẫm - mình là gì nhỉ? Một gã bủn xỉn bần hàn, thích hoà đồng trong hai từ chúng ta cho đượm vẻ! Mà nếu có ai xẻ hắn ra khỏi tập thể chúng ta, thì hắn chẳng bằng con giun, con dế… Hắn thuộc về tập thể từ trong trứng, hắn lớn lên trong chúng ta và hắn thuộc về tập thể, có một khối óc nào đó mang danh chúng ta đã định hình tất cả… Hắn phải làm giống như bố hắn, vợ hắn và nòi giống của hắn - hắn phải vui khi trong lòng hắn chẳng vui - thời gian dường như là của ai! cứ hiện hữu trong hắn và cò kè trong hắn. Khi tất cả đều phải giống nhau tại sao hắn lại buồn phiền than vãn? Hắn cứ phải sống mà đi hết thời gian, mà hi vọng… Thời gian như đánh luống trong đời hắn, mỗi một năm hắn phải làm một điều gì đó như như ai trên thửa ruộng đời mình… Hắn thấy mình nhỏ bé và ti tiện dần lên! Ngày hôm sau ti tiện hơn ngày hôm trước. Hắn buồn phiền khi trông thấy ruộng của gã nhà hàng xóm tốt hơn thửa ruộng nhà mình! Ở đây - trong hắn một cái tôi ti tiện làm sao! Nhưng đó là cái tôi của hắn - hắn muốn giằng mình ra khỏi cái chúng ta hòa quyện vì hắn chợt thấy mình chưa bao giờ là mình! Những khát vọng trong nghèo đói như con sóng làm cho người ta bé lại, cái tôi đời hắn mờ đi, đầy thèm thuồng ước muốn, nhưng hắn chẳng làm sao xoay sở nổi. Người ta mang hắn ném tới cộng đồng… khi hắn chưa là hắn. Một thằng già đầu bạc của ngày hôm nay, ngồi đây trong thất vọng! Hắn là kẻ bị người ta đóng khuôn trong thời gian của mình, hắn như cái mặt nạ hiện sinh trong nỗi bất lực cuộc đời, hắn sẽ đi đâu, về đâu trong thời gian của hắn? Loài người không chấp nhận cái chết, dù rằng nó sẽ đến - Ở cuối thời gian của hắn là nó, bóng dáng của sự suy sụp cứ hiện lên khi ta đã đi qua bán cuộc đời - song ở hắn không có canh bạc, chẳng có được thua, hắn như toa tàu về ga mệt mỏi, não nề. Dưới chân hắn lặng lẽ hai đường ray có vậy! Hãy nghỉ đi và ngày mai vẫn thế, nhưng có lẽ không phải… Hắn sẽ ti tiện hơn mà chạy trong đời… Toa tàu của hắn sẽ chở lũ buôn lậu cho bõ tức - thế đấy - đó là tư hữu, đó là cái tôi… Hắn phải thấy mình cái đã - hình ảnh của hắn dưới vũng nước hay trong tấm gương có dáng hình của hắn - một sự khoái cảm, xem hắn ra sao khi còn sống! Sự vật vã thấy mình, khẳng định mình thì mới lạ! Giữa một vườn hồng đỏ choét đầy hoa mà hắn phải tìm mình trong màu sắc ấy, có lẽ hắn là ngọn cỏ! Hắn hài lòng vì hắn là cỏ, tối thiểu phải là thế, vì hắn hiện sinh là hắn - dẫu rằng đã già… nhưng hắn phải là hắn - một thằng già tóc bạc đầy mưu mô sảo trá trong chúng ta… Chúng ta bao dung hắn, nhưng chính hắn không sao chịu nổi chính mình – như linh hồn không có chỗ trong thể xác. Tất cả mọi thứ trong hắn cứ yểu đi trong thời gian mà chiếc đồng hồ đã đóng khuôn cho hắn. Hỡi thằng già, chúng ta chỉ cho mi đến thế! Hãy chạy đi, trên hai đường ray mà kiếm miếng. Nhân loại hay tập thể không cho hắn tình yêu! Tình yêu là sự nhân lên từ chính hắn, có một thứ le lói cứ nhân lên hiện hình ra hắn thì mới khoái, hắn phải là mình - muốn là mình thì phải làm lại cho ngay ngắn mới sợ… làm lại thì quả là lâu và dài, khi đời hắn tiếng chuông đã điểm những hồi thu không trong chiều. Tiếng chuông như thức tỉnh, như dẫn dụ hắn trở về một miền đâu đó xa vời cõi thực, hắn nhìn vào trong hắn, một linh hồn ọp ẹp khổ đau. Hắn chợt ngẫm… - Đức Phật là hiện sinh của cái tôi vĩnh cửu, ngài tự khẳng định được mình trong cõi sống khổ đau, không gọi ai đến, chẳng đuổi ai đi, ngài muốn mọi chúng sinh hãy tự khẳng định cái tôi của mình trong thời gian hữu sinh của họ. Khi tất cả đã giác ngộ thì cõi đời này thật hạnh phúc. Hắn thấm thía về cái tôi “Phật học”. Một cái tôi con người không mờ đi trong chúng ta tập thể. Hắn phải là hắn, độc lập mà sáng tạo và suy ngẫm. Hắn là cỏ cũng được, bén rễ vào lòng đất mà tìm lấy cho mình sự sống dù chỉ là một điểm nhỏ dưới chân, nhưng hắn khoái cảm vì mình đứng dậy. Trước mắt là bao ngả đường mà hắn phải tự quyết định đi vào, hắn là kẻ phải quay lại cái ban đầu tập đi như đứa trẻ lần mò vào cuộc sống - không thể khác được - đó là cách duy nhất mà mỗi người phải làm… Phải bắt đầu từ cái tôi chính mình - một cái tôi hoàn thiện mà hoà vào cõi sống. Từng cái tôi hoàn thiện hoà đồng sẽ làm ra cái “chúng ta” hoàn thiện. Những kẻ dựa dẫm thì không thể làm ra cái tôi ra hồn. Hắn như hòn gạch mê sảng mà nhìn vào tập thể. Cái tập thể mà có lúc mọi người xô nhau đập chết cái tôi tư hữu mà xây dựng nên, một sự dựa dẫm chung đụng đến hão huyền… Để đến hôm nay họ lại thét gào mà xoá đi tập thể. Cuộc hành trình tìm lại chính mình trong đống vụn vỡ khổ đau, trong tiếng hú mê sảng của một thời đã nguội! Đời hắn, vợ con hắn, cái tập thể gia đình hắn sẽ phải bắt đầu từ đâu?
    Cõi sống phải chăng là một lối mòn mà loài người cứ đến mà đi vào? Con người thuộc về ai? Cá thể sống là một sự khẳng định không thể nào khác được… Nòi giống và tự nhiên sẽ dạy hắn cách làm người, hắn vĩnh viễn sẽ là hắn. Có một thứ tình yêu và thù hận sẽ nảy mầm trong tim hắn, đó là sư giằng xé vĩnh cửu cho từng đời người không nghỉ, để đến một chiều hắn cảm thấy hài lòng ngơi nghỉ mà trở về với đất. Hắn là nhân tố cá thể đi trong loài người, bài ca của hắn có một thời cất lên vui buồn trang trải, nó như nắng như mưa, ưu phiền và xa ngã nhưng hắn vĩnh viễn là hắn, là thằng người của hôm nay và ngày mai thức dậy. Hắn sống trong thời gian của hắn, hắn đi trên con đường của hắn không lạc loài và ân hận bởi hắn là hắn. Tất cả dường như chỉ có thế, một thằng người đứng trên đôi chân của mình và suy nghĩ vì mình, đó là cá thể, là hạt cát trong vô vàn hạt cát nhưng hắn là chính hắn, còn mọi thứ tình yêu, hoà đồng, khổ đau va xảo trá chỉ là những phản ứng mà khi ta muốn. Cõi sống là những nhân tố phân dã hợp thành… có hoà đồng hay không? Xin hãy hỏi từng người khi mà họ muốn. Mọi đạo nghĩa trên đời sẽ mỉm cười cùng họ khi lẽ sống bắt đầu từ chính mình.
     
     2003
    #17
      vuthi 08.04.2009 17:59:42 (permalink)
      ĐỒ RỞM

       
      Nhân đến chơi nhà người bạn. Vợ chồng họ vừa tậu được chiếc xe máy “đờ rim” của tàu. Chiếc xe thật lộng lẫy, chợt ngẫm! son phấn ở đời, nhiều khi cũng đắc đạo, mà có lẽ đời phải thế! Đồ thật đắt khủng khiếp họ chẳng dám mơ, những gần ba mươi triệu, đắt gấp năm lầm xe tàu. Song cũng là nỗi khổ cho ông chủ và khách tiêu dùng đồ thật. Chiếc xe mọi phụ tùng đều bị cắt giảm chất lượng xuống nhiều lần, họ chỉ bảo đảm sao cho hình hài giống y thật, cứ đà này các cụ trên nóc tủ sẽ nhận được từ con cháu gửi quà hàng mã chất lượng cao. Mà ngẫm cho cùng người tàu họ giỏi thật sự, thực giả y sì cứ đều tăm tắp như mẹt cháo quẩy, ta mà học mót thì cũng còn mệt! Rởm mà như thật thì mới vui chứ! Nó cứ như hai nửa âm dương quện lại, mà niềm vui thật vui cho cái nghèo của bạn. Mà đời cũng nên thế, có đồ thật đồ rởm mà trang trải buồn vui cho mọi chỗ, kẻ nghèo cũng phải mút mát chút đỉnh mới phải lẽ, ta nên cảm ơn đồ rởm dành cho cõi đời. Mà có lẽ các ông chủ thật rởm cũng hiểu ra điều đó nên chỉ cãi vã qua loa cho phải phép còn phó mắc cho đời nhấm nháp, họ nghèo mà vui thì mới tuyệt chứ, khi thật rởm cứ giống nhau như đúc, như hai chị em sinh đôi, cứ như tôi nhìn thì cũng xin chịu!
      Mà người nghèo thì suy ngẫm hay ngắn. Cái giấc mơ triệu phú trong vài năm có nghoẻo thì cũng là đã rồi! Còn trước mắt thì cứ là hoan hỉ cái đã. Cầu trời cái gì cũng rởm như vậy thì đỡ tủi biết bao, đồ rởm cần nhiều hơn đồ thật, có lẽ đồ thật nên nằm trên biển quảng cáo.
       
      2001
      #18
        vuthi 08.04.2009 22:36:00 (permalink)

        CÁI ĐÍT NỒI
         
        Đến một hôm hắn chợt thấy mọi thứ quanh mình dường như đang cũ đi, đen đủi, dúm dó như cái đít nồi nhôm Liên Xô. Thời gian nung nấu như phết lên nó một thứ bồ hóng khổ đau đen đúa mà chẳng làm sao gột rửa nổi, thân hình dúm dó tiều tuỵ làm sao. Tất cả mọi thứ ở đời dều nằm trong thời gian hữu hình của nó, mọi vật thể hữu hình đều có tuổi, tháng, năm mà tồn tại. Cái đít nồi là cái đít nồi, nó có tuổi để mà kho mà nấu. Niềm mơ ước có cái nồi, cái xoong Liên Xô để mà hầm mà ninh cho đã đời – cứ ngẫm mà thú vị, một thứ nhôm dầy dầy bền chắc như chẳng bao giờ hỏng và hắn cảm thấy thú vị về cái nồi nhôm. Người dân Nam ta chẳng mấy ai tin vào đồ nội địa - Vừa mỏng, vừa điêu – cứ phải là đít nồi Liên Xô, vừa giày vò và giữ mình bền chắc.
        Hắn lặng lẽ nhìn cái đít nồi – lạy giời đời hắn cũng chỉ đến thế - Đời hắn như cái đít nồi hầm Liên Xô, đen đủi và méo mó – cái niên hạn cho cái đít nồi giống như đời hắn - hắn tồn tại như cái đít nồi và hắn giống nó – cái đít nồi nhôm Liên Xô. Thời gian đang nung nấu mọi thứ từ đời người cho đến cái đít nồi, tất cả đều chỉ là chất hữu cơ - đó là vật chất. Muôn năm vạn vật như nhau - mọi thứ hữu hình như đời ta hay cái đít nồi cũng vậy - Cái bóng là sự phản chiếu của cõi đời hai thứ chỉ là một. Cái đít nồi méo mó và đời hắn là hai tì vết mà cõi sống không chịu nổi – cũ quá! Khổ đau quá, phải có một thứ gì mơi mới mà dụ dỗ cho loài người muốn sống. Và lạy giời - thiên hạ sinh ra thêm cái nồi Inox, đun mãi chẳng đen mà cứ lỳ lợm trắng tinh như còn mới. Niềm sung sướng như tiếp sức cho cõi đời chẳng già - thật thú vị khi ta chẳng già mà bóng loáng như cái đít nồi Inox. Lạy giời ai lại phát minh ra những thứ lạ lẫm như vậy? Hắn chợt thấy mình đen đủi làm sao! Cứ như cái đít nồi nhôm Liên Xô đen đủi và méo mó. Mọi chất hữu cơ dường như luôn đổi – hắn là gì bên cạnh cái đít nồi méo mó. Mọi thứ đều trôi đi trong thời gian và công thức là sự chắc bền tồn tại – mọi thứ cứ phải được nhìn thấy sờ nắn được như củ khoai, củ sắn, bởi nó là hữu hình, có hạn. Hắn cảm thấy nghi hoặc mà ngẫm nghĩ về cái đít nồi Inox - nó là thứ nguyên liệu gì mà lì lợm và bền chắc đến thế? Có lẽ thời này họ phải chuẩn bị những cái nồi chắc bền như vậy để mà chịu đựng cái tuổi thọ của loài người hiện đại. Thật là thú vị khi đời người cứ bóng lên như cái đít nồi trường thọ thì quý hoá làm sao - Dứt khoát phải là như thế – cứ thử ngẫm – các cụ ta xưa dùng nồi đất mà nung nấu nên tuổi thọ chẳng được là bao, rồi là chết non, chết yểu. Cho dến thời nồi đồng, nồi nhôm, có nhỉnh hơn một tý và con người cũng phải bẹp – có lẽ đến thời ta thì khác hẳn, có thể khoa học sẽ kéo dài ra cho mọi thứ - dài đến đâu thì hắn chẳng rõ nhưng dứt khoát phải là thế. Cứ ngẫm ngày xưa người ta đi bộ, sau nữa người ta đi xe đạp đến hôm nay cưỡi hẳn xe máy và ô tô, chẳng phải mất sức gì mấy mà được việc nhanh nhẹn làm sao, có thể cao hơn nữa chúng ta sẽ tự bay như chim trong đời là cái chắc - hắn cảm thấy thương mình vì đến lúc thú vị ấy đời hắn có lẽ sẽ tan ra thành cám, và chắc hẳn câu chuyện sẽ xảy ra như thế.
        Thật thú vị, lớp trẻ ngày nay văn minh hiện đại làm sao, để chuẩn bị cho bữa ăn cứ như là nghi lễ thì mới lạ, xoong chảo sáng ngời loá cả mắt, họ đặt vào đó những con tôm tảng thịt to bằng cả bàn tay thì mới lạ - có lẽ loài tôm cũng thích nghi với cái thời hiện đại mà lớn nhanh đến thế và họ bật lửa tự động chỉ đánh cách một cái là ngọn lửa xanh biếc chẳng có khói tẹo nào hiện lên - ngọn lửa chắc phải có sức nóng kinh khủng gấp mấy lần cái bếp rạ ngày xưa là cái chắc. Chỉ một loáng con tôm, miếng thịt cứ là vã mồ hôi mà bốc mùi thơm tho sản vật. Mà đi theo con tôm hay miếng thịt đâu phải là dễ, nào gia vị, bột ngọt, hạt tiêu, rau thơm, hành hoẹ… cứ xếp hàng nhao đầu vào lửa mà góp phần cho con tôm, tảng thịt cao quý, mọi thứ cứ quện lại mà toả lên mùi thơm thú vị. Người ngày nay họ ăn cả bằng mắt, bằng mũi và bằng tai, cứ thứ tự mà hưởng thụ thì mới khoái. Mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, mồm nhai ngáu nghiến những sản vật mà nền văn minh tân kỳ đã nghĩ ra và làm nên được. Nền văn minh thật lợi hại làm sao, nhiều khi nghĩ đến hắn lại phát thèm rỏ dãi. Đời hắn như cái đít nồi nhôm Liên Xô cứ nghĩ mà thêm khổ, con tôm, con tép, đũa muối thìa tương, chấm chấm, mút mút, ăn nhịn để dành cho cái ngày hôm sau bao lo ngại. Cứ ngẫm mà buồn cười chua xót làm sao, hắn sợ chính cái ngày hôm sau đời mình - có lẽ cũng phải thôi – những đứa con bé nhỏ há hốc mồm chờ miếng – ở đây cái nồi sẽ đứng ở vị trí quan trọng làm sao bên cạnh đời hắn - Nó như người bạn song hành trong suốt khoảng đời hắn phải chịu đựng. Đầu tiên nó cũng mới và sung sức như hắn để rồi nó cũng già đi như hắn ngày hôm nay. Tất cả mọi thứ thời ấy đều bị thời gian bào mòn xói lở. Ở đời bao giờ cái cũ cũng đứng cạnh cái mới, họ hằn học nhìn nhau mà suy ngẫm - nó bóng bảy và cứng khỏe lắm, dễ đến cả nghìn năm cũng chẳng mòn.
        - Nó già cỗi quá, bẩn thỉu quá thế mà cũng sống nổi. Có thể đó là những suy ngẫm của hai cõi sống gối nhau trên cùng một dòng thời gian đang chảy, nó như một cái cây rụng lá bên những mầm non vươn lên trào lộng trong trời, nó như cái đít nồi nhôm Liên Xô đen đủi, dúm dó đặt bên một cái nồi Inox của Anh của Mỹ. Giờ đây họ chẳng buồn đánh nhau nữa, bực tức là họ gõ đít nồi hay lấy tay vỗ vào đít vì ở mông đít có cái ví đựng tiền. Quả là nhẹ nhàng và hiệu nghiệm, tiếng đít nồi có thể còn oai hơn cả tiếng trống đồng của các cụ ta xưa. Nhưng cũng còn được cái may cho các cụ, thỉnh thoảng thời nay họ đào bới ở đâu đó được vài thứ mảnh chum, cái trống đồng của tổ tiên thì quý hoá lắm. họ bảo trọng như kỷ vật thời tiền sử, giá trị đắt hơn cả vàng, họ đặt ở những nơi trân trọng nhất trong nhà, coi đó là niềm tự hào dân tộc. Cái trống mốc xanh mốc đỏ, ngượng ngập trước anh đít nồi bóng loáng trâng tráo cứ ngẫm mà buồn cười làm sao.
        Cũng có thể đến một niên đại xa xôi nào đó, loài người lại móc hắn lên từ dưới đất, bộ xương hắn oai vệ phải biết, đầu đội mũ cối Trung Quốc, tay cầm cái nồi Liên Xô, chân đi dép cao su đúc. Có lẽ lúc ấy đời hắn mới hả sau bao năm vật lộn với đời, con cháu phải đặt hắn ngồi trên nóc nhà cho bõ tức. Thật rõ khổ khi mọi thứ trong hắn cứ cũ đi mà hắn không làm sao thay đổi được cho mình nữa, quanh hắn mọi thứ cứ khập khiễng và choáng ngợp, như vùi lấp lên hắn một thứ bụi vàng trĩu nặng của ngày hôm nay, hắn cố nhoai lên xong sức lực tiêu tan đâu mất cả. Có lẽ cái cũ đang qua đi cho một ngày mới đang tới, ánh mặt trời óng ánh như cái đít nồi Inox toả sáng hoà tan trong tiếng cười của những kiếp người thức dậy.
         
        Tháng 11 năm 2004
         
        #19
          vuthi 04.07.2009 11:50:09 (permalink)
          Chân dung tự bạch
           
          Hắn như vật thể lạ hiện hữu trên cõi đời… Thân hình tiều tuỵ và méo mó. Hắn làm ta liên tưởng tới một loài vật nào đó ốm yếu đang cố bấu víu vào cõi sống. Thật kì lạ - ở đời xưa nay vẫn thế, mọi người chẳng muốn rời xa sự sống, dù rằng nó cứ leo lét như phao dầu cạn, hay ánh lửa nến sắp tàn. Có thể hiện sinh đời hắn là vậy! cứ lặng lẽ trầm tư đi trên hè phố.
          Cái dáng dấp gầy nhẳng rã rời, khuôn mặt mờ tối dưới mái tóc bù xù không chải, dường như ở dưới mái tóc kia, trong cái nhá nhem gương mặt, hiện lên cái tia sáng nhỏ nhoi còn đang thức… đó là đôi mắt hắn – có lẽ phải thế thì hắn mới còn đi được đó đây mà lạc lõng trong cả bể người huyên náo ở đời. Cơ thể vàng ệch, bủng beo như quả cam ủng, móp mép đang thối rữa và có lẽ đời hắn như trái cam kia đã có thời hi vọng… nhưng để rồi bị vứt bỏ. Người ta không ăn quả cam đời hắn, thời gian gạt hắn vào sọt rác như trái cam ủng. Nhưng đời hắn khác quả cam… mà dứt khoát là thế vì hắn là thân phận thằng người có khả năng bấu víu vào cõi sống mà tồn tại. Hắn chẳng khác chi mấy kẻ ăn mày, tay cầm bát, lặng lẽ đứng trước cổng chùa mà chờ đợi lòng hỉ xả của khách thập phương ghé thăm vãn cảnh Phật, chẳng phải làm lụng gì mà nhiều khi được “khối” - vì trò bố thí ở ta bây giờ đang là mốt… nó như một chiến công nho nhỏ để làm thành câu chuyện cuối ngày, vừa vui vẻ và có lẽ còn làm nhẹ cả cái phần thể xác tham lam của họ. Đã nhiều lần hắn dự định đi ăn mày! Song hắn hiểu – sẽ chẳng ai cho hắn một xu – dù rằng nỗi khốn khó, khổ đau như nhau – nhưng hắn thì không được, sẽ chẳng ai bố thí cho hắn. Không lẽ vì cơ thể hắn bốc mùi như quả cam thối chẳng hạn, có thể là như thế, sự suy ngẫm thối nát, sự hiểu biết thối nát và cả tình yêu thương trong hắn cũng thối nát. Mọi thứ tồn tại trong hắn – cả linh hồn và thể xác đang bốc mùi thối nát trong cõi sống hữu hình. Hắn hiểu được đời hắn đã thấm mệt, đã chấm dứt, chẳng còn tranh đua gì với đời, thời gian băm vằm lên thể xác hắn bao dấu tích già nua. Hắn lạc lõng trong nhà và ngoài đường – nhưng dù sao ngoài đường hắn còn dễ lẩn trốn hơn ở nhà, có thể vì cõi đời rộng lớn nên ít ai nhìn ngắm ai cho tường tận. Ở đấy họ tưởng hắn là kẻ bệnh hoạn hay ăn mày hoặc thằng điên dại nên xa lánh cũng được, và cũng có thể hắn như một tì vết trở ngại trong đời và cũng có thể vẻ đẹp đứng cạnh một cục phân như hắn lại tương phản mà tôn thêm cho vẻ đẹp cũng nên.
           “Cũng chẳng sao!” hắn luôn tự an ủi mình như vậy, ta cứ đi đâu đó cho một ngày chóng qua và cứ thế cái thể xác dã rời cứ lay lắt lênh đênh trôi đi như một ảo ảnh trong đời. Chân hắn bước, đầu hắn nghĩ – bởi đời hắn là thằng người bị cõi đời xa thải. Hắn như quả cam bán cả ngày chẳng được, họ bỏ vào kho, ngày hôm sau lại bán mà kém tươi thì đời vứt bỏ. Ở ta có rất nhiều kho như vậy – nếu bề ngoài kém tươi thì họ vứt vào đấy để quên lãng hay để cho chuột tha đi cũng chẳng ai cần quan tâm…
          Người ta muốn xây dựng một mô hình con người mới hoàn hảo, trong sạch và khoẻ khoắn hơn, với dáng vóc phải như ông Phù Đổng chẳng hạn - đại để phải là một sự đột biến về con người, chung đúc đủ mọi điều mới lạ để có thể giải quyết mọi nỗi bất bình trong xã hội mà ông cha chúng ta không làm nổi. Theo họ nghĩ, đó mới là một mẫu người vẻ vang khủng khiếp – mà muốn xây dựng được típ người như vậy – công việc đầu tiên họ tính đến là phải đoạn tuyệt với những người như hắn hay cũng là đoạn tuyệt với quá khứ - vì quá khứ luôn luôn chứa trong mình một sự bất cân bằng về nhiều mặt. Nó giống như ta đang yêu một cô gái và chợt lại thích cô khác thì chỉ còn cách đoạn tuyệt cắt bỏ cô gái cũ đến mà ủ ấp cô gái sau.
          Phải làm như vậy mới là “cải cách” hắn cứ suy nghĩ sự việc nôm na như vậy “thế là họ vứt bỏ - đoạn tuyệt với quá khứ – chỉ để lại vài ông như ông Phù Đổng chẳng hạn - đột biến trong lòng dân tộc, tất cả tinh hoa của mọi thời họ tạm thời vứt bỏ”. Hậu quả là những lớp người cũ có suy nghĩ cứ vào kho mà ngồi cho đỡ nhức đầu xã hội. Đến ngành y họ cũng chẳng cần vì thuốc tây kê đơn quá tốn kém – nên ngành tây y cũng vậy, được san phẳng như nhau - cả xã hội dùng thuốc lá lẩu cổ truyền dân tộc và khốn nạn thay đời hắn một đứa trẻ mười sáu tuổi cũng chịu chung số phận. Hắn cũng lủi thủi như mọi người ngồi xó mà hun đúc một điều gì đó cho cái ngày mai bất tận. Họ phải lao động rèn luyện như người nông dân và được ăn cơm kẻng – họ bị xã hội nguyền rủa vì không biết lao động chân tay. Một năm chưa tốt thì hai năm và cứ thế nhân lên có thể đến hai mươi nhăm năm, cho đến khi nào kỳ tốt như ý họ muốn. Hắn phải giống như một người nông dân thuần tuý “con trâu đi trước cái cày theo sau”, đó là mô hình truyền thống mà người nông dân vẫn làm và họ muốn cải tạo mọi người phải được như thế và lạy trời hắn đã thành con trâu – con trâu tự kéo chẳng cần người theo quất roi thúc. Cỗ xe bò như lôi hắn vào cuộc – cỗ xe bò hai bánh, hắn lôi nó trên những nẻo đường Hà Nội nơi gia đình hắn đang ở - hai anh em, một kẻ ở tù về cầm càng và người lính thương binh gò lưng đẩy – nào gạch nào ngói, vật nặng, vật nhẹ, anh em hắn đều làm miễn là ra cơm ra gạo đổ vào nồi. Đối với hắn lao động là sự sống - đời hắn chỉ có thế - đừng suy nghĩ gì nữa – hãy làm việc đi – hãy giống mọi người phải lao động, hắn cố gắng uốn nắn cho mình làm sao giống như mọi người… có nhiều khi hắn hài lòng vì bản thân giống hệt như ông hàng xóm và hắn luôn thú vị vì mình đã cố gắng làm được như thế. Hắn lấy vợ và có con như mọi người, cái gia đình nhỏ nhoi của hắn ấm cúng làm sao. Hắn thương vợ, thương con và vợ con cũng thương yêu hắn, một cái tổ ấm nghèo khổ đùm bọc lấy nhau mà tồn tại trong cõi sống. Mọi thứ cứ đè nặng lên gia đình hắn – nào ăn, nào mặc, nơi ăn, chốn ở, tất cả dường như được lèn vào một góc nhỏ tù túng, mùa hè thì nóng, mùa đông lạnh giá, giường nằm chẳng có, cả nhà còng queo trên hai phiên giát giường ọp ẹp.
          Hắn lặng lẽ đi trên hè phố, buổi chiều mùa hạ như đốt lửa trên đường, cái nóng ngột ngạt cho hắn thứ cảm giác nghèn nghẹn trong phổi, nỗi mệt mỏi như tràn qua cơ thể hắn, luồng hơi nóng như bốc lên từ đôi chân, bùng cháy trong gan ruột và trào lên đỉnh đầu hắn. Mọi thứ trên đường như mờ đi ảo giác, những vệt pha đèn quét qua, quét lại trong đầu hắn như bao làn roi vút – hắn lại thấy thứ cảm giác bị hành hạ tù đầy – mà nào có ai định bỏ tù hắn nữa đâu – mà bỏ tù hắn làm gì cơ chứ? Khi tất cả mọi thứ trong đời hắn đã bị họ chặt đi tất cả - từ ý nghĩ đến tay chân, mắt nhìn và bao mùi vị ở đời hắn đều mất cả! Hắn đã già, chẳng còn là sự nguy hiểm cho xã hội, người ta đã nói thẳng vào mặt hắn – hỡi thằng tù già - xã hội cho mày được tồn tại là một cơ may, phải thấm nhuần như một người vô sản – và đúng thế – hắn đang là người vô sản như họ muốn.
          Những ngọn đèn đường vụt sáng như bén lửa trong chiều, mặc bóng tối khơi lên từ những vòm cây đứng lặng, nó nhẹ êm như ngọn khói lam chiều rồi dần dần sẫm lại trong những hốc cửa sổ bên đường, như những cửa hang há mồm đón đợi. Đường bờ sông trải dài theo con đê quai mới được làm bằng bê tông cốt sắt, chạy vòng vèo như ôm lấy thành phố. Tạo cho ta thứ cảm giác tù túng như đang sống trong một pháo đài cổ thời xưa. Bờ đường bên kia, những căn nhà mới cũ nhấp nhổm chen lấn nhau, tạo nên một sự bấp bênh bệnh hoạn đến khó tả.
          Ở ta có cái lệ xây nhà theo phong trào – nhà anh A xây thì anh B cũng lồng lộn vay mượn mà xây cho hả dạ và thời gian sau nếu có mốt mới thì lại đập đi làm lại, họ cóc cần theo công thức nào và họ cảm thấy thú vị về việc xây lên rồi lại đập – mà việc gì cũng thế – ví dụ cả con đường vừa rải nhựa mới toanh được vài hôm họ lại sẻ ngang sẻ dọc để đặt ống nước hay cáp điện. Theo tôi nghĩ dứt khoát đó là kiểu Việt Nam - ta cứ đào lên lấp xuống cho có sự mới lạ - cứ loanh quanh như vậy mà nên chuyện – như đứa trẻ nhỏ ngồi nặn đất sét chẳng hạn, cứ nặn đi nặn lại cho đến khi thành voi thành chuột ở đời, sẽ chẳng ai mà đi bắt tội đứa nhỏ cho thêm mệt.
          Hắn chợt nhớ tới một câu triết lý phương đông “Cõi sống là sự lặp lại và sự ngu dốt cũng vậy” nó cũng lặp lại cho từng tháng năm… Ở thời ta cái gì cũng tuyệt đối, nào là trung thành tuyệt đối, nào là tin tưởng tuyệt đối, hay đổi mới tuyệt đối, hoặc vâng lời tuyệt đối song tất cả đều chỉ là huyễn hoặc trong hai từ tuyệt đối – cái tuyệt đối đã chìm nghỉm trong thuyết tương đối và sau đó còn thuyết bỏ mẹ nào nữa không thì chưa rõ – song hắn tin tưởng sẽ có một học thuyết quái quỉ nào nữa sẽ sinh ra để cho hai thuyết trên nương tựa mà lừa đảo cõi đời – hắn luôn tin tưởng là như thế – sẽ phải có một cái gì đó mà dụ dỗ những kẻ khờ dại trong đời. Chân lý thuộc về vật chất hữu hình, đó là sức mạnh vật chất, nó như ánh mặt trời trơ tráo mà đun nấu kiếp người trong nỗi đói khát khổ đau. Loài người cứ đi tìm một thứ gì đó cho mình và mãi mà không thấy. Cõi sống như câu chuyện Tàu bàn về hai từ “mâu thuẫn” bát sà mâu đâm đâu cũng thủng và cái thuẫn không cái gì đâm thủng.
          Con đường dưới chân hắn như hút vào đêm - bờ đê như con rắn trườn về đâu chẳng rõ, càng xa trung tâm thành phố, ánh đèn thưa dần như trả lại cho đêm tối. Hắn lặng lẽ hoà mình trong nó với nỗi dã rời sảng khoái. Những đợt gió giải nồng hiếm hoi từ dưới sông phả lên, khoả đi những nung nấu trong hắn, một bóng đêm đen bóng là đêm – thứ cảm giác như từ giã cõi sống trong hắn bỗng trồi lên êm dịu làm sao! Chẳng lệ thuộc vào ai nữa, chỉ có hắn và bóng đêm, chẳng sợ ai dòm dõi, chỉ có hắn trong cái vùng đen sẫm tự do không còn ràng buộc. Những đợt gió sông Hồng căng dần lên thổi tới như xua đi mọi nỗi muộn phiền trên đời, hắn như thấy mùi bãi ngô và tiếng thì thào toả ngát cứ lộng lên bao nỗi niềm không tỏ. Trong cô đơn, con người như nghe được tiếng nói của vạn vật cựa mình, tiếng con nước trên sông cuồn cuộn trong đêm và mọi thứ muộn phiền trong hắn được thoát đi theo con nước, chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông cõi lòng. Có lẽ đó là sự trống rỗng đầu tiên mà đời hắn thấy được, dù chỉ là khoảng khắc, cuộc đời hắn như hoà tan trong gió, như thấm vào đất trong nỗi dã rời, hắn như nhìn thấy và nghe thấy sự mênh mông trời đất, đời hắn như vo lại bé nhỏ trong đêm vũ trụ bao la… Vạn vật như cây ngô trên bãi, ngọn cỏ ven sông, con đò trên bến đều có một điểm tựa cho mình trong cõi đất trời, tất cả dường như bỏ lại hắn chênh vênh sống trong bóng tối điệp trùng vô tận. Đời hắn bồng bềnh không chỗ đứng, không bóng dáng, chẳng hình hài bé nhỏ như hạt cát lẩn vào đêm. Hắn cố cưỡng lại cảm giác hụt hẫng ấy, đó là bản năng tồn tại con người – hắn lặng lẽ ngoảnh đầu quay lại – xa xa, cái vùng ánh sáng nhờ nhờ như mê sảng trong đêm - là kẻ đứng trong bóng tối nhìn vào chỗ sáng – phải về thôi – hắn tự nhủ lòng như vậy. Loài người thật giống như con thiêu thân lao mình vào lửa – có lẽ hắn cũng vậy – cõi đời như bó đuốc dụ dỗ hắn về đấy – hắn lặng lẽ trở lại con đường cũ như kẻ thiếu nợ nộp mình. Dưới chân hắn những mảng màu nham nhở, loang lổ sáng tối chập chờn buồn thảm, hắn lặng lẽ quay về, bỏ lại phía sau một vùng đêm cựa mình trăn trở.
          Phải về thôi – hắn cằn nhằn trong miệng – nỗi buồn như món nợ đè nặng trong hắn – có lẽ ai ai cũng thế – nó làm ta trăn trở không sao sống nổi - ta cứ phải sống mà giày vò vì nó - sự đeo đẳng trong ý nghĩ, dưới mỗi bước chân lạc lõng ở đời – phải về thôi – nhà hắn – cái món nợ mà ai ai chẳng thế – mọi thứ như hiện lên – vợ hắn, người phụ nữ đã can đảm lấy hắn là một thằng tù. Ngẫm cũng lạ - đêm tân hôn của đôi vợ chồng hắn kì quái làm sao – quần áo cưới đi mượn, giường ngủ cũng mượn của khách, chăn mượn, màn mượn, ruy đô mượn – mà lạy trời nếu trừ đi những thứ mượn ấy vợ chồng hắn sẽ nằm trơ trên nền đất. Rồi mọi khốn cùng cũng qua đi, đời người có thời giờ đâu mà ngồi ôn lại bao kỉ niệm tủi cực như vậy, sự khốn khó như dìm họ trong thực tại, không quá khứ, chẳng tương lai, mọi suy nghĩ vật lộn chỉ cập nhật từng ngày, mọi người chỉ còn đủ sức nghĩ đến mình là vừa gọn, gia đình hắn phải tựa lưng vào nhau mà sống cho qua ngày. Hắn có con – từ tấm bé thằng bé quặt quẽo làm sao, vợ hắn đi làm nhà nước, còn hắn lặng lẽ làm ngoài, vì sẽ chẳng cơ sở nhà nước nào lại thèm thuê mướn hắn. Cả gia đình, ai ai cúng thèm khát một cái gì đó – nhỏ bé thôi – một bữa ăn có thịt – một giấc ngủ không lo và một ngày được nghỉ.
          Có lẽ, giấc mơ là bài ca sám hối cho mọi kiếp người – có lẽ là vậy trong cái thời cơ khổ ấy. Người ta có thể giành dật nhau với đứa trẻ miếng bã cam đã được vắt hết nước - trời ơi! con hắn – chính con hắn thèm thuồng miếng bã cam ấy – nỗi đau đớn như hằn vết trong trái tim hắn – miếng bã cam – một sản phẩm thiên nhiên mà cõi đời đã vắt cạn mà vẫn làm đau đớn những kiếp người – hắn vẫn như nhìn thấy thời khắc khổ đau ấy nó buồn bã làm sao… như con đường dưới chân hắn đang đi về đâu?
          Bóng tối dường như vẫn thế – chỉ là một màn đêm trải khắp và chứa đựng, dãy đèn ven đường như khoét vào đêm một vết thương sâu thẳm. Cái bóng hắn đổ dài lênh đênh trên phố, như chiếc lá hay một loài bò sát đang cựa mình trăn trở. Hắn dừng lại nhìn cái bóng - ảo ảnh đời hắn dán trên hè – một bức chân dung vô hồn vô sắc – phải chăng đó là năm mươi năm hun đúc ở đời – một cái bóng sẽ hiện lên lặng câm trên hè phố.
          Đâu đó nhà ai vọng lại tiếng nhạc Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, lời ca giống như đời hắn được mở ngoặc và đóng ngoặc trong lời hát ru trầm bổng trên hè.
          Hắn đã già - thời gian như trả hắn về cho loài bò sát, cõi đời dường như không còn là của hắn nữa, cuộc chen lấn, sô đẩy đã gạt hắn ra khỏi vòng chơi, hắn như cái bong bóng lặng câm nhìn người trong cuộc. Hắn đã hiểu và nhìn thấy nhiều thứ trong bao năm tháng trôi qua.
          Phố đầu cầu, nhịp sống vào đêm dường như vấn còn nóng, xe thồ, xe đạp, người gánh, kẻ gồng chen lấn xô đẩy, cãi cọ om sòm. Trong cái khung cảnh nửa sáng nửa tối ở khu chợ đêm như cuốn hút mọi người nhao vào sự sống.
          Những lời nói phỉnh phờ, co kéo, bao bộ mặt sống động điêu ngoa, toan tính, ỡm ờ – có lẽ ở đây đang cô đọng hiện lên một khuôn mặt khắc khổ già nua, một bức tranh hiện sinh toàn xã hội. Bác nông dân mang nông sản về chợ, cánh con buôn tới cất hàng cho buổi sáng bầy bán – hầu như tất cả các chợ nội thành đều tụ tập ở đây trong đêm để lần mò mua bán cho ngày hôm sau buổi chợ. Mọi thứ tệ nạn trong thành phố chung đúc tại đây mà kiếm chác, từ cờ bạc bịp, trộm cắp, trấn lột, cướp giật, mại dâm, cứ nhung nhúc bâu lấy những con người kẻ chợ, chỉ sểnh một tí thôi có thể mất hàng hay mất tiền như bỡn. Hắn lặng lẽ hoà vào trong dòng người không ngủ. Thời bao cấp, nhà nước thu mua tại từng xã và cung cấp lại một vài thứ ít ỏi cho mọi người, ai tự do buôn bán sản phẩm của mình là phạm pháp và bị cắt đi nhiều quyền lợi cung cấp. Nhưng về sau cả hai thứ cung và cấp đều chẳng có nên nhà nước thây mặc, mọi người phải tự cung tự cấp cho mình và xã hôị sau bốn mươi năm thay đổi lại quay về như ngày xưa – trong xã hội có người tài và kẻ bất tài, có lẽ đó là khởi nguồn của bao cảm hứng sướng vui và đau khổ, song dứt khoát là hơn thời bao cấp, mọi người được làm chủ bản thân trong mọi công việc đời mình. Có lẽ đó là động cơ cho cái chợ đêm đầu cầu còn thức và nó sẽ thức thâu đêm cho đến sáng – những bộ mặt tưng bừng mặc cả, cãi lộn, lườm nguýt, đề phòng, do dự như làm cho lòng hắn ấm lại trong đêm – gia đình hắn cũng thế, cãi vã nhau từng ngày từng giờ để mà tồn tại.
          Hắn lặng lẽ đi ra khỏi chợ đêm như kẻ dật dờ say tỉnh, sự huyên náo chợ búa trôi đi trả lại cho hắn một con đường vắng lặng ven đê âm thầm heo hút, cả dãy phố chìm sâu trong giấc ngủ, có lẽ nhà hắn cũng vậy – sự thanh bình tự nhiên sẽ tháo bỏ cho loài người bao nỗi buồn cơ cực, họ được thoát ra khỏi mình chìm vào quên lãng, có thể một vài nơi, niềm an lạc tự nhiên bị bỏ quên như hắn và khu chợ – nhưng chẳng sao, nhân loại là loài vật hữu hình có sức bền cơ học dẻo dai nhất, vượt qua sức bật của muôn loài mà tồn tại - càng cơ cực thì ta càng muốn sống, họ vượt qua mọi lô-gíc ở đời mà tồn tại.
           Xã hội lại tạo ra địa chủ, cường hào, tư sản, lại đẳng cấp giàu nghèo như xưa thì đã sao? Có thể đó là sự lôi cuốn cho loài người thức dậy – song đời hắn không nằm trong khu chợ kia, người ta đã cướp đi của hắn mọi thứ, hắn khéo tay và cần cù lao động, họ đã đóng lên đời hắn cái số tù không thể nào xoá được. Ông cha hắn khi xưa là quan lại, địa chủ và tư sản là thành phần bị xã hội loại bỏ, nhưng hôm nay ông cha hắn đã được xã hội chấp nhận vì giai cấp vô sản ngày nay đã trở thành địa chủ và tư sản và còn vượt trội hơn nhiều lần. Còn lại những thằng tù thì chưa được – có thể vì nó còn sống nên xã hội thật khó lí giải – chẳng lẽ xã hội lại bỏ tù nhầm thì bỏ mẹ – nên thây mặc, nó sống mà như chết cũng chẳng sao – mà sự thực cũng chẳng được như thế. Ra khỏi tù hắn tưởng là hết tội. Hắn lăn lóc lao khổ làm người – thà rằng cơ thể hắn mọc sừng, mọc đuôi như con bò còn đỡ khổ, vì con bò còn được nghỉ – cuộc đời hắn ngơi tay thì phải nghĩ – phải nghĩ cho cái ngày mai phải làm – có lẽ đó là sự khôn khéo nhất mà xã hội đã làm được – hắn phải nghĩ và nghĩ để rồi phải làm, cái vòng tròn ấy như thít lấy đời hắn như cái thòng lọng treo cổ.
          Hắn thật nghèo nhưng đôi bàn tay thì khéo léo nên nhiều khi công việc nhận làm quả là chẳng khó, nhưng nhiều khi công việc lại là điều tệ hại đối với hắn, người ta tạm ứng cho hắn một phần nhỏ để làm, vài ngày sau cái lý lịch của hắn bị phát giác và thế là hỏng bét – không đủ tiền để làm nên hắn cứ phải vá chỗ nọ vào chỗ kia lấy kinh phí mà làm việc, trẻ nhỏ cần ăn và cả vợ chồng hắn cũng thế nên phần lớn công việc thường bị nhỡ hẹn – cái lý lịch đời hắn – cái con dấu đỏ choét “Việt nam dân chủ cộng hoà” đóng vào bản lí lịch đời hắn như là dấu chấm hết cho mọi chuyện đời người – ai muốn làm hại hắn quả là dễ, chỉ cần một câu nói về quá khứ là hắn đủ khổ.
          Đứng trước xã hội hắn phải vác trên vai cái lý lịch đời ông, đời cha và đời hắn. Ba sức nặng quan lại, tư sản, tù tội dường như đè bẹp gí hắn xuống cõi đời – hắn cố gượng đứng lên - đứng lên mà tự đầy ải đời mình trong cõi sống. Anh em trong gia đình ái ngại thương hắn – người cho cặp lồng thịt, kẻ cho cân đường, manh quần tấm áo – những giọt nước mắt nòi giống nhỏ xuống cho tâm hồn hắn hạn hán sa mạc, nó làm cho trái tim hắn đau hơn nỗi đau của kẻ làm người không vực nổi cho chính mình.
          Nền kinh tế tự lập không đồng đều, có kẻ giàu người nghèo, ông chủ và người làm thuê, tạo ra bao nỗi bập bềnh cho xã hội – người nghèo suy nghĩ như bao năm qua mà họ được chế độ dạy bảo, trong khi đó người giàu thì như thoát ra khỏi một thời quá độ. Họ vừa như tấm gương vừa như một cái mốc cho mọi người thù địch. Vì đã từ lâu, ở ta cái nghèo luôn là người bạn đường cho xã hội, bao nhiêu nỗi khát thèm mới lạ như chảy đến đây cái vùng đất chúng quê hương hắn. Mọi thứ mới lạ cứ như công thức sống và con người vội làm quen học tập. Họ sung sướng đón nhận mọi điều như những món quà mới lạ - đó là những vật phẩm phù du suốt bao năm dân ta quên lãng – ngày hôm nay mọi người đua nhau thèm muốn – nó như chất kích thích cho cả xã hội ganh đua. Phụ nữ đua nhau áo quần, son phấn, đàn ông thích xe cộ, máy móc âm thanh nghe nhìn. Mọi vật dụng cứ như những cái đích cho con người nhao tới trong cuộc chạy đua cho toàn xã hội.
          Gia đình hắn cũng không thoát khỏi cái vòng xoáy đời thường ấy, bao khao khát mà hai đứa con hắn thèm muốn bên sự cơ khổ mà đời hắn không sao thoát ra nổi. Sau khi ra tù người ta lại nhốt hắn vào một nhà tù mới khốc liệt hơn đó chính là quê hương và gia đình, hắn tự giam mình trong đó, vợ con là cánh cửa là những hàng song sắt, hắn như con chó bị xích ngồi canh cái hạnh phúc gia đình, họ đã chặt đi tất cả mọi thứ chi giác, thả đời hắn trong chiếc lồng gia đình bỏ mặc hắn lồng lộn vật vã trong sự khốn cùng uất hận! Đứa con lớn căng thẳng nói với hắn – Bố nuôi con cả đời trong khốn khổ – còn đứa em sau một lần đi chơi đêm về muộn – bố quở mắng – nó đã thẳng thắn nói lại – Sau giờ làm con phải được chơi – Có lẽ hắn đã già cùng cái thời mà hắn đã sống – cái nguyên lý sau ngày làm, con người phải nghỉ ngơi để phục sức cho ngày mai đã trở thành lỗi thời.
          Niềm ao ước khi các con lớn, gia đình hắn sẽ đoàn kết làm ăn cùng thoát khổ đã tiêu tan mất cả… “con đường mà hắn dẫn dắt gia đình đã trở thành cổ hủ già nua…”.
           Khi xưa con người bị khuất phục bởi cái đói – hôm nay con người bị khuất phục trước mọi ham muốn đời thường – mọi thứ vẫn chỉ là như thế, nỗi quẩn quanh với bao điều không thể. Người ta không chuẩn bị cho con người chịu đựng đói khát và con người phải sống trong đói khát. Người ta chẳng chuẩn bị cho con người làm quen với nền văn minh và con người phải sống trong nền văn minh hiện đại. Đó là lối dẫn dắt mà người dân Nam ta xưa nay vẫn phải làm – những kiếp sống không có sức chứa nhưng phải đựng - đó là sự quá tải đè lên cõi sống – Họ nhòm ngó và đoạ đầy lẫn nhau bởi bao điều không tưởng – Quá khứ và tương lai chỉ còn là những mặc cảm hão huyền…
          Hắn cứ lặng lẽ bồng bềnh trôi trên đường phố, dưới những chùm ánh đèn đêm, hắn như cái hồn ma ẩn hiện, chênh vênh không siêu thoát. Đợt gió đêm hè xới lên tiếng lào xào lá rụng. Hắn như kẻ bị cõi đời bỏ rơi trên con đường hoang vu tịch lặng, hắn như giọt dầu loang lênh đênh trên mặt nước cõi đời, vĩnh viễn không hoà vào nhau được. Người ta đã lấy đi mọi thứ thuộc về hắn, bao tình cảm thiết tha và đầm ấm mà đời người ấp ủ. Trên con đường tự dẫn giải, hắn cam phận nộp mình cho bao điều đổ vỡ đang chờ trong căn nhà mà hắn suốt đời tha thiết, những khuôn mặt người thân cứ hiện lên rồi lại nhoà đi trong xa mờ ảo ảnh… Nỗi đau đớn cứ nhói lên trong tim, như tiếng mõ cổ trâu gọi đàn, như tiếng kẻng cơm trong trại, như tiếng chuông chùa thức dậy… Hắn mệt mỏi ngồi xuống ven hồ, một ban mai đang dậy, những tia nắng còn ướt loé lên phía bờ xa Tây Hồ như một bàn tay lửa nâng dần lên cho thế gian một ngày mới – một ngày của đời hắn...
           
          Bên bờ vực cõi đời sao vắng thế?
          Chỉ có ta và dưới ấy vực sâu
          Ngửng mặt lên, trời bát ngát trên đầu.
          Ta ché mé giữa hai bờ thế giới.
           
          2005
           
           
           
           
          #20
            vuthi 04.07.2009 13:17:21 (permalink)
            Cơn ốm
            Tặng bác sĩ Nguyễn Trung Linh
            Tại sao lại ốm được cơ chứ? - Khi hắn đang còn là cỗ máy vận hành trên cõi đời - Dù rằng là cỗ máy đã cũ xong hắn luôn đinh ninh là hãy còn tốt chán, bởi vì hắn vẫn còn bao nỗi đam mê, nào thơ phú, nhạc hoạ, rượu chè, hút xách, nói chung sở thích cứ phải trồng lên tận nóc nhà có thể còn chưa hết. Sống trong cái thời hiện đại này có ai mà lại không thế? Cho hẳn đến những ông sư hay bà sơ cũng chẳng sao mà thoát khỏi bao sở thích. Thời đại ta như cái bụng đói vừa ăn xong là lại thấy thèm ăn liền, nó cứ như cái véc xi quả bóng, càng thổi càng to mà càng to thì thật là oách, lạy giời quả bóng thời đại đừng bị châm kim thì thật hoài. Biết bao là hơi sức mới to lớn được đến thế, trông rõ oai vệ và thèm ăn, càng ăn nó càng to lớn… Ước gì nó phải lớn như ông Phù Đổng ở ta thì mới thú… Giặc ngoại xâm cứ nhìn thấy đã đủ sợ… Đối thủ to thế kia thì thật rõ chờn… Mọi người từ già trẻ lớn bé ai ai cũng cảm thấy tự hào vì cái cơ thể khổng lồ thời đại chứa đựng họ, tôi cũng thế - mà tại sao lại không thế cho được - già rồi mà vẫn còn lớn thì sung sướng xiết bao. Tôi cam đoan cùng quý vị thời đại ta có thuốc cải lão hoàn đồng - sở nhà táng cứ đợi đấy chờ mốc mép - Mọi thứ cứ hừng hực vươn lên thì còn lâu loài người mới chết. Có lẽ nghĩa địa bỏ không nên tạo thành cái vườn hoa cho khỏi phí, tôi nghĩ dứt khoát phải là như thế – khi cả nước chẳng ai thèm chết. Có lẽ họ được sống thay cho bao người nằm trên nghĩa địa Trường Sơn cũng nên. Mà nếu là như thế thì bao kẻ chết rồi lại được sống lại trong người khác và họ lại là những kẻ chưa chết… Cứ nghĩ mà thêm thú vị, cả nước chẳng ai chết thì cái nghĩa địa Trường Sơn rồi đây chúng ta cũng nên xoá bỏ. Theo tôi nghĩ, dựng quách một pho tượng ông Thánh Gióng khổng lồ vai khoác ba lô tay cầm cà mèn thì thú vị phải biết. Có thể ai đó sẽ kêu lên phản kháng… pho tượng Thánh Gióng to như thế phải cầm khẩu lê 40 thì mới hợp. Và tôi xin trả lời ý kiến của họ thật quả là thông minh… nhưng còn thiếu cái sâu xa của khoa lịch sử nước nhà. Các cụ ta xưa quả là minh mẫn, các cụ nhớ đinh ninh hình ảnh ông Thánh Gióng ở ta tay vác bó mía mà phang quân thù, có thể vừa phang vừa chén cũng nên, vừa đỡ lãng phí mà còn no bụng, cứ thử nghĩ không ăn no thì còn đánh đấm được ai? Khi mọi cuộc chiến tranh trên thế giới đâu đâu cũng chỉ vì ăn mà dầy vò đánh lộn, nên tôi dứt khoát tượng Thánh Gióng ở ta tay phải cầm cái cà mèn thì mới hợp lẽ, ở thời này mọi lẽ phải thích hợp với cái kích cỡ khổng lồ như vậy, mọi thứ không phù hợp là chúng ta bỏ đi liền. Giả dụ như tượng nàng Tô Thị bồng con chờ chồng hoá thành đá thì mới khổ, mà chẳng biết ai lại nỡ tô vẽ vớ vẩn đến thế là cùng! Cứ như thời ta không có mày thì tao làm lấy, mà khi đói thì phải có cái ăn là cái chắc - kể cả ăn thịt nốt cả nàng Tô Thị cho bõ bực, và ở ta họ đã làm như thế. Tất cả mọi thứ đều phải thích ứng với cái véc xi thời đại, mọi thứ đều thiết thực như cái dạ dày. Thỉnh thoảng có nốt dò rỉ ở đâu đó cũng chẳng sao đã có miếng vá ngoại quốc hàn gắn tức thì - thật quả là một công nghệ có khác… mọi thứ đã được nghĩ tới trước, những rủi do sẽ được khắc phục tức thì, cả xã hội chỉ việc vươn lên.
            Mà tại sao tôi lại ốm được cơ chứ? Khi quanh đây mọi thứ cứ sừng sững vươn lên, có thể ốm đau là chuyện nhỏ, cuộc đời tôi mới là cái lớn, cái đáng kể ở đời. Đang ốm mà vẫn thích thú… mà không sợ ốm, ở thời đại ta ai ai cũng muốn khoẻ như nhau và chúng ta hay gọi đó là tầm vóc. Chẳng ai còn dám đánh nhau với ta nữa, mà ta đánh ai cũng thắng. Các bạn thử nghĩ xem niềm tự hào ấy có đáng giá đồng tiền bát gạo không? Mà nếu ta có chết thì hồn ta lại nhập vào thể xác con cái và ta lại sống. Con cái là kiếp sau của cha mẹ, sự oai vệ lại được nhân lên gấp hai gấp ba – quả là thích thú khi đời ta vĩ đại, chẳng còn biết sợ điều gì, cứ lớn mạnh thêm lên từng giờ từng khắc. Lạy giời – quả bóng mỗi ngày mỗi lớn – lớn lên mãi liệu có bị quá sức mà nổ tung ra không? Các nhà bác học có tính đến chuyện này chưa? Nhưng cóc cần quả bóng to lớn xã hội nếu chẳng may có vỡ thì nó lại đầu thai vào thời đại khác – mà đầu thai và đâu? Điều này cũng làm tôi hơi lo…
            Hà Nội, ngày 27-1-2004
            #21
              vuthi 04.07.2009 13:19:13 (permalink)
              Cái hàm thiếc
               
              Người ta chẹn vào họng hắn một que củi, người ta thọc vào óc hắn một thỏi thép, trong khi mắt hắn vẫn tinh tường còn nhìn thấy, tai hắn minh mẫn còn nghe được, và mũi hắn còn thưởng thức được bao mùi vị ở đời. Thật đau đớn khi ai đó chặt quách đi một giác quan nào đó trong cơ thể… có lẽ, ta gần hơn với loài súc vật, mọi phản xạ dường như bỗng trở thành hỗn loạn, điên khùng, hắn chợt như thằng câm, hắn chợt giống thằng điên. Nhìn thấy đấy mà chẳng làm gì được… hắn muốn gào to lên đấy nhưng cứ ư ử như chó bị giọ mõm… Trong khi ấy, mọi giác quan cứ thả sức phè phỡn tung hoành, nó giống như một con người chẳng có chim và đừng có bướm, hắn cứ lừng lững sống ở đời mà vật vã với biết bao là đau khổ. Hắn phải là đàn ông hay đàn bà chứ! Hắn chẳng có âm dương mà ve vãn đùa cợt cùng nhau thì rõ khổ ơi là khổ! Hắn như cái xe máy còn tốt gầm gào muốn chạy mà bị thỏi thép chặn ngay vành, thật rõ khổ… tiên sư cái thỏi thép, thằng bỏ cha, bỏ mẹ nào quái ác mà lại chơi đểu làm vậy. Mọi thứ muốn sống mà đành lặng đứng im, thế mới thật bỏ cha, bỏ mẹ cho cái đời hắn, cứ heo hút lặng lẽ trong trời, chẳng thà như cái lá cứ rụng quách cho xong… và hắn chẳng được như thế thì mới khổ… cái lá đời hắn vẫn xanh, nhưng lặng ngắt như trong tranh, hay bị bàn tay nào cầm giữ thì mới tức. Quanh hắn mọi người cũng thế, cứ im phăng phắc mà hắn phải giống họ thì hỏi có buồn không – nếu cứ gào rống lên thì nhận lấy cái nhục chẳng bằng người… mang cái tiếng là thằng khốn, không chịu đựng giỏi như người khác, và lạy giời hắn im thin thít như người câm, mà đã câm thì luôn kèm theo điếc, mà có lẽ thêm cả mù nữa cho hoàn hảo. Ở thời ta, người ta nuôi chó công nghiệp, cả đàn mấy chục con, họ chọc cho thủng màng nhĩ, chẳng còn nghe ngóng gì được nữa nên chó quên cả tiếng sủa, cứ việc ăn cho béo và họ làm thịt. Họ chẳng cần chó săn bắt, nên con chó thời ta chẳng còn mấy tác dụng, mà ngẫm cũng phải, chó má quái gì mà lại đi xơi cả bả, lăn đùng ngã ngửa ra mà chết hỏi có buồn cho loài chó hay không? Thời đại văn minh, loài người săn chó mà thịt – loài vật rõ gần người, ta chẳng phải mò mẫm gì mấy và miệng dễ có thịt xơi, quả là rõ tiện, khi loài chó chẳng còn đáp ứng được nhu cầu săn bắt mồi trong thời đại văn minh ngày nay, thì chó chết cũng là đáng, chó điếc, chó câm cũng là phải! Cứ câm điếc mà được ăn rồi được chết cũng là cái may cho loài chó. Vạn vật hữu tình rồi cũng đều chết cả cơ mà, đó là chân lý của trời! Chó chết trong miệng thằng người rồi thằng người cũng phải chết vùi thân trong đất. Tựu chung, chó người cùng được về với đất cả. Cứ chui về đấy mà quyến luyến bên nhau cho bõ bao bực tức ở đời. Cứ ngẫm cái nọ ăn thịt cái kia có lẽ là cái việc của trời cũng nên. Hắn lại nghĩ câu chuyện xưa các cụ kể lại, có những dân tộc từ thời cổ đại, khi những người già chẳng còn đắc dụng, họ lặng lẽ cầm mẩu thừng vào rừng sâu, tìm tới chỗ âm u tịch lặng, tự tay thắt thòng lọng vào cổ mình, chèo lên cây lớn, buộc đầu dây còn lại lên chạc cành và lặng lẽ buông mình từ giã con cháu mà về với tiên tổ. Thời nay, họ coi hành động trên là tiêu cực, là thủ tiêu cách mạng, nhưng hắn thì nghĩ khác – hắn thấy đó là hành động dũng cảm nên làm – sau khi đã sống hết mình nuôi dạy nòi giống, đời người đã mỏi mệt với bao điều suy ngẫm và họ lặng lẽ mà làm vậy theo tôi nghĩ thì cũng phải! Họ đã nhìn đủ, nghe đủ, nói đủ, và làm đủ mọi sự ở đời, thì mẩu dây thừng kia, cái thòng lọng ấy như vòng nguyệt quế toả ánh hào quang mà đưa người lìa cõi.
              Mà ngẫm cũng lạ, người già thời nay thường ham sống và rất sợ chết. Họ cứ cố mà dai dẳng ở đời thì mới tức – dù khổ mấy, nhục mấy họ vẫn cứ là muốn sống… không lẽ họ ngượng ngập với tổ tiên nhiều điều chi đó mà lúc sinh thời chẳng làm được. Có lẽ là thế, hắn cũng như họ – những người già, chỉ được nhìn, chẳng được nói, và không được nghĩ… và cứ là sống để may ra còn nói lên được đôi điều chi đó cho thoả cái vận hóc xương… tôi cho dứt khoát phải là thế thì người già thời ta mới thèm sống dai đến vậy. Các vị cứ thử nghĩ mà xem, một lão già mắt loà, răng móm, tai nghễnh ngãng, chân tay lủng lẳng chẳng buồn cựa mà vẫn thèm được sống… mà tôi xin cam đoan họ chẳng khác mấy pho tượng nặn dở bằng sành bày bán ngoài chợ. Quả là ở đây – trong chuyện này – phải có một điều gì đó còn vướng mắc, còn dang dở, mà họ chưa làm cho được… dứtkhoát phải là thế… chứ ai đã già đến thế mà còn ngồi ăn vạ cõi đời không bõ nhục, mà cũng có thể các cụ cứ ngồi đấy cho cháu con nhìn thấy cái nhục đời mình làm người mà mãi còn dang dở. Dẫu có hỏi các cụ sẽ chẳng nói đâu… chỉ nhìn thôi – cái nhìn như bảo: “Mẹ bố chúng mày cứ sống đi rồi khắc biết”.
              Khi sinh con, cha mẹ nào chẳng muốn dạy nó biết đi, biết cười, biết nói, để rồi biết suy, biết nghĩ, hiểu thế nào là nóng, lạnh và đau đớn, mừng vui, đó là niềm hoan hỉ trong lòng cha mẹ, có ai ở đời mà không muốn thế – con trẻ nó cứ cười, cứ nói bi bô mà nhận biết cõi đời, sự sống cứ chợt hiện, chợt tan trong từng ngày hé mở, họ khoái trá vì con mình khôn ngoan, hiểu biết hơn con người, mắt tinh, tai thính hơn con người khác. Nhưng rồi mỗi lớn nó cứ câm dần, điếc dần, như bao người khác, như hắn hôm nay chẳng hạn, có lẽ vì mọi người hiểu sự sống của họ chỉ hiện lên có một lần, thật quý hóa làm sao nên cứ lẳng lặng mà sống như ai ở đời, chẳng cần nghĩ ngợi bàn cãi chi lắm thêm khổ, thêm mệt. Sự sống đã được đúc kết sẵn, chẳng phải lo lắng lằng nhằng và cứ như vậy là xong chuyện. Mà nghĩ cho cùng, mọi giác quan sinh ra chỉ nhằm vào sự tranh giành ngớ ngẩn, có lẽ vứt bớt đi thì đời người đỡ khổ hơn chăng? Cả cõi đời cứ im lặng mà sống có hơn không? Vạn sự đã có trời phật toan định, thế mà hắn thấy ngứa ngáy, muộn phiền thì mới lạ…
              Ở ta, phật sống hiện lên thành người, phật ông có, phật bà chẳng ít. Ông ngồi salông, ông ngồi trên sập, có ông gầy còm kham khổ, lắm ông béo phì như ông Di Lặc dáng trần. Vạn sự ở đời các ngài đều toan tính cho cả, non nước cứ đều đều trôi chảy mà hỉ sả mới hên. Ai cũng như ai, có gạo, có rau, có vừng, có lạc mà sinh sống, cứ lặng lẽ xếp hàng, tuần tự mà đong, mà đếm cho qua ngày. Ai cũng như ai, quân bình phẳng lặng, cả nước tu hành nên thịt cá chẳng cần nhiều chi lắm, cứ ít dần, ít dần cái khẩu phần sát sinh, nặng nghiệp nên con người cứ hiền khô, chẳng buồn vật lộn với nhau nữa, cả nước dốc lòng hướng về chính quả. Nhưng thỉnh thoảng trong cả ngàn vạn người cũng có một vài thằng điên, thằng dại mà nhiều khi cứ ngẫm thấy hắn lại buồn cười, mọi người ai ai cũng thế… mọi thứ cứ đều đều từ văn chương, báo chí, nhạc hoạ, cứ na ná mà tiến lên trên con đường hành đạo, thì hẳn mấy thằng điên lại rước hoạ muộn phiền, mọi cơ quan truyền thông đều đả phá, lẩn tránh họ. Cả nước chẳng ai giống họ mà họ cứ làm mới khổ, ở đời có ai lại đi chống phật bào giờ không cơ chứ – rõ bọn hắn là mấy thằng điên đứt đuôi chẳng còn cãi vào đâu được.
              Cứ ngẫm trong sử sách, ở ta nào truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, rồi là Nỏ thần chẳng hạn… có nhiều khi hắn phát sợ… dứt khoát là phật phải nhiều phép lạ thần thông hơn… mà nhiều đứt đuôi nữa là đằng khác… nên hắn sợ. Có lẽ vì hắn sắp điên nên thành phát sợ, thế nào phật cũng biết hắn sắp bị phát điên. Các ông phật nghìn mắt, nghìn tay thì thôi rồi, đời hắn cứ là bỏ mẹ… Hắn sợ hãi nhìn ngắm cõi đời… Có người nào phát bệnh như hắn không? Có đấy – hắn nhìn thấy, nghe thấy bao kẻ đã phát điên, phát rồ mà còn nặng bệnh hơn hắn nhiều. Một niềm vui kỳ lạ thổi bùng trong hắn, thứ cảm giác lạ lùng về những thằng điên – những chấm sáng lập loè đom đóm trong đêm, trên kia là những vì sao, dưới này lập loè của lửa đời đom đóm, vạn vật, bóng đêm và bóng đêm, hắn cứ thiêm thiếp trong nỗi buồn điên dại.
              Đêm đêm, khi cõi đời tắt đèn đi ngủ thì hắn thức dậy, lặng lẽ bật đèn – bật thật nhỏ thôi - hắn nhủ thầm như thế với chiếc máy ghi âm, hắn bật băng nhạc của người điên lên ngồi thưởng thức. Hắn bật chiết áp nhỏ lắm – nhỏ đến nỗi âm thanh chỉ bằng đầu kim mà sâu vào lỗ tai hắn. Bao âm thanh nhen nhóm, như còn, như mất, bồng bềnh nổi trôi, như gió thoảng qua hồn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” Hắn khoan khoái về lời ca, giọng hát ấy, nhạc sĩ điên nghĩ về hạt bụi và ca sĩ Khánh Ly hát về hạt bụi ấy. Hạt bụi ban đầu trôi trong không gian lại trở về hạt bụi. Nhưng ở khoảng giữa nó, hạt bụi ban đầu và hạt bụi sau cùng có lẽ bằng không. Hắn hoan hỉ về số không đời hắn vì nếu đã là không thì chẳng cần phật pháp – hắn lẩm nhẩm trong đêm – lạy phật, con cóc cần ngài, khi đời người là không, thì… hắn cảm thấy sợ hãi… liệu phật có nghe thấy hắn vừa nói đấy không? Hắn sờ tay lên miệng… cái hàm thiếc vẫn còn – hắn tự nhủ – có lẽ khoảng không là hỗn mang nên lòng ta hãi sợ. Chẳng thà mình cứ là hạt bụi quách đi có hơn không?
              Cõi đời như không như có – lời phật dạy mấy ngàn năm còn đó, để đến hôm nay đời hắn cũng như có như không. Mọi chân lý bỗng trở thành mai mỉa trong khoảng trống rỗng ấy. Cõi đời và những cái hàm thiếc như neo bám vào nhau trong sự trống rỗng, vô tình đến quái đản – cái hàm thiếc ngáng lấy mồm hắn và hắn ngoạm lấy như con cá đớp phải lưỡi câu… nghe thấy đấy… mắt nhìn thấy đấy… khối óc suy nghĩ đấy… nhưng mà không – không nói lên được - đôi tay chẳng làm nên được hắn như con rối trong rạp xiếc, chờ dây giật mà thể hiện hình hài – rõ là thằng người quái đản, hắn đang trôi trong không gian, thời gian và chẳng là gì sất cả! Mọi thứ đang bị thời gian gặm nhấm cho tàn tạ đi, như hắn, mớ giẻ rách ở đời cố trùm đúm mà lau lia đi mọi thứ, nếm chải khổ đau trong một thời đã nguội.
              2005
              #22
                vuthi 04.07.2009 13:26:53 (permalink)
                Lời tựa
                 
                Cõi sống là những kiếp người mà thời gian bện chúng ta lại. Sợi dây thừng cõi đời cứ nối dài tưởng chừng như vô tận, có thể là những mùa hoa êm ru sắc lá, có thể là nắng, là mưa, là ngọt nhạt của muôn loài hoa trái. Tất cả dường như kết nối lại mà cất lên bản trường ca cõi đời! Sự giao hoà giữa sự sống với sự sống, bài ca ấy sẽ mãi mãi ngân lên cho từng ngày, từng tháng, từng năm mà chúng ta hằng sống. Những âm ba đổ vỡ hay sinh sôi, khổ đau hay vui sướng, mãn nguyện hay hận thù, song ta không thoát ra khỏi sợi dây thừng cõi sống! Nó như thít lại tất cả trong vòng xoắn hữu hình của nó. Có bao kẻ như được nó kéo lên và bao người bị nó giằn xuống! Dường như chính nó – Cái sợi thòng lọng muôn thuở dành cho loài người và muôn vật, để đến một chiều ta quỳ xuống trong khổ đau! Hỡi Thượng Đế ngài hãy chỉ cho chúng con: “Tình yêu đâu trong cõi sống? Hay chăng là sợi dây thừng đang từ từ thít lại”. Một ngày mới sẽ qua và bình minh đang dậy cả vũ trụ chất chứa trong đó tất cả mọi thứ của ngài! Có máu và nước mắt – Tình yêu và xảo trá, tất cả mọi thứ dường như được phân định! Song lại là không định. Cõi đời! Sự huyễn hoặc đến vô cùng - Cho từng ngày, từng tháng, từng năm mà ta hằng sống. Hãy lặng lẽ mà đi vào chúng! Trong sự kết dính thời gian, có thể ta sẽ giành lại cho mình một mẩu thừng thân phận.
                "Thừng bện xong rồi tự trói ta
                Tre non chẻ lạt trói tre già
                Một dây vô lại tình nhân thế
                Gỡ được cho rồi cũng nát da".
                 
                Hà Nội, ngày 20-3-2003
                #23
                  vuthi 18.07.2009 20:31:17 (permalink)

                  Hồi ký “Cây bút”
                   
                  Theo tôi nghĩ, phát minh đầu tiên lớn lao nhất của loài người là cây bút. Nó như một thứ vũ khí để tạo khắc trên cõi đời những suy nghĩ, tư tưởng của nhân loại. Nó làm cho cõi sống tuần hoàn và sinh động hơn nhờ vào sự hiểu biết những kinh nghiệm đã qua. Tôi không thể tưởng tượng thể loại bút nào xuất hiện đầu tiên trên cõi đời? Cây que hay lông thú? Nhưng ở thời tôi đã sống, có lẽ cây bút mà tôi còn nhớ được là cái ngòi "777". Cái loại ngòi bút được cắm trên quản gỗ tiện. Mỗi khi sử dụng phải chấm vào lọ mực. Người ta hay nướng ngòi bút trên ngọn lửa để đốt sạch dầu mỡ và làm mềm đầu ngòi bút, khi viết nét chữ sẽ mềm và linh hoạt hơn. Mà ngẫm cũng khổ, giấy má thời ấy sao mà tồi tệ đến thế. Trông cứ thâm sì sì mà lại còn lồi sà lồi sồi không phẳng, tờ giấy cứ cứng đơ đơ như cán bằng gỗ chứ đâu như bây giờ. Ấy thế mà thời đó, mọi thứ quý như vàng. Tôi muốn được mua một cái ngòi bút mới thì cha mẹ phải được nghe tường trình đâu vào đó về nỗi bất hạnh của cái ngòi bút hỏng. Đối với tôi nỗi bất hạnh của cái ngòi bút là vô kể. Tôi bị các cụ mắng mỏ thường xuyên về cái ngòi bút và áo quần sách vở giây mực. Biết là ăn đòn nhưng mà chẳng làm sao sửa nổi. Có lẽ vì trong đầu trẻ thơ chưa có nhiều ký ức nên chẳng có gì để viết, nên tác dụng của cây bút thì ít nhưng tai hoạ lại nhiều. Cứ ngẫm cậu họctrò thời ấy, cắp cái túi đi học, vá vài chục mảnh bằng các loại vải tiết kiệm đủ các loại hình thù: tam giác, vuông, lục lăng, xanh, đỏ, tím, vàng, đủ mọi màu sắc. Tất cả những mảnh vải nghèo đói ấy hoà quện lại thành cái túi xách học trò. Trong cái túi xách ấy, cây bút phải an phận nằm cạnh đủ mọi loại bát nháo. Nào sách nào vở, nào sỏi chơi ô ăn quan, nào quả bàng xanh trên phố, nào thỏi nam châm. Tất tật các thứ lỉnh kỉnh ấy cứ chen lấn mà đè lên cây bút. Thử hỏi khi đến lớp hay về nhà thì cái đầu hạt gạo nơi ngọn bút còn gì là hồn vía, hôm thì cong tớn, hôm thì mất một bên. Bài vở lem nhem, áo quần tím ngắt, và thế là lại xe điếu. Tôi còn nhớ mông đít tôi đã vằn lên nhiều "con lươn" tím ngắt, để rồi ngày mai vẫn thế. Cha mẹ mong muốn con mình hoàn hảo, nhưng trẻ thơ thì đâu cần. Những bài học đâu có chỗ trong cái dạ dày lép kẹp vì đói khát, có lẽ sự đùa nghịch giúp cho trẻ con quên đi nỗi cào cấu của cái đói. Mẹ tôi thường nhắc: "Hiên ba bát rồi"? Ba bát là chấm hết cho nhu cầu dinh dưỡng của nửa ngày, và cứ thế nhân lên cho một thời thơ trẻ. Tôi đói lắm nên chẳng cần ngòi bút với manh áo nâu mẹ khâu bằng bao đựng đường Cu Ba viện trợ. Tôi cắp túi lên đường có lẽ chẳng đúng! Các cụ xưa có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện" nếu đặt câu nói này vào thời đó thì phù du quá? Mà phải ngẫm nghĩ câu của trẻ con thường nói "Nhân bất "khợp" bất chi lý". Trẻ em bóp méo câu nói của các cụ thật đúng và tài tình vì thời đó sự sống còn dưới mức để cho chúng suy nghĩ đến việc học. Còn chúng lôi những đứa trẻ con thì cứ đùa nghịch cho quên đói.
                  Cái ngòi bút 777 sinh ra vào cái thời đói kém giáp hạt như vậy? Cái loại ngòi bút bất tiện cho lứa tuổi, làm phiền cho đói khát!
                  Câu chuyện bắt đầu vào một hôm mẹ xách làn đi chợ, đưa tôi rẽ vào thăm bà bác? Phố Nguyễn Biểu, một khu phố lặng lẽ, thanh bình. Đâu phải do đầu phố có nhà thờ Cửa Bắc. Sự thanh bình có lẽ là tính cách sẵn có của phố Nguyễn Biểu. Thời các cụ thì nó thuộc về tầng lớp quyền quý. Thời ta thì nó thuộc về các vị tai to mặt lớn. Thỉnh thoảng, có xen kẽ vài số nhà bình dân, xong có lẽ nó là những nét tô điểm cho sự bình dị của các nhà sang trọng. Thời ấy quan chức ai cũng muốn tỏ ra hoà mình xong có lẽ hoà chẳng nổi nên cứ lênh đênh trên ngôi cao sự sống.
                  Nhà bác tôi số 18 nằm gần đầu phố, trước mặt là nhà thờ Cửa Bắc và chạy song song với phố Đặng Dung, nơi gia đình tôi ở. Hai con phố đều có một nét giống nhau đó là cái tĩnh lặng thanh bình, nhưng phố Đặng Dung thì ít các vị chức sắc vì bản chất nó là nhà ở của các tư sản thời Tây, sang thời ta họ bị đánh bẹp nên im lìm nằm thở và gia đình nhà tôi cũng im lìm như họ, sự tĩnh lặng quả là có nhiều lẽ!
                  Tôi theo mẹ tiến vào nhà bác, một khu biệt thự hai tầng trang nhã có ngõ rộng trải sỏi và hiên lớn nhìn ra đường. Những dãy cửa sổ lớn sơn màu nâu giản dị mà sang trọng. Tôi len lén theo mẹ tiến vào phòng khách. Bác tôi thời Tây làm quan tri huyện, không hiểu sao sang thời ta bác tôi lại làm quan chức ở Phủ Thủ tướng. Kể cũng lạ, bác tôi khéo léo làm sao mà tránh khỏi bị đánh bẹp và sướng luôn cả hai thời? Bác tôi là một ông già nghiêm khắc. Khi chúng tôi gặp bác thì đã sang thời ta, nghe đâu Bác Hồ vận động bác tôi ra hoạt động kháng chiến có ít ngày mà gia đình bác tôi thoát khổ. Quả là may mắn! Bố tôi không được cái may như vậy, nên cứ còm cọm với đời từ con địa chủ xuống trung nông rồi bần nông và chấm hết vì có lẽ chẳng còn bậc nào để mà xuống nên gia đình tôi cứ vậy! Mỗi khi sang nhà bác tôi, gặp lại cái không khí quan huyện thời xưa và quan cách mạnh thời ta làm cho con cháu chúng tôi cứ rờn rợn mà kinh hãi! Mà kinh hãi thì cũng phải vì trong phòng khách nào sập gụ tủ chạm, đồ sành đồ sứ cổ la liệt trong phòng! Bác tôi là một người quắc thước, rất nghiêm khắc, cho dù giọng nói có hơi lắp song chẳng hề hấn gì tới cái phong cách uy nghi trong gia đình. Hôm ấy có lẽ mẹ tôi sang vay tiền thì phải, vì nhà tôi chẳng còn gì mà bán. Mọi thứ đồ đạc bán được chừng như vô duyên với gia cảnh đói kém nên nó cứ lặng lẽ ra đi theo từng bước thăng trầm. Sự phát mại chỉ được dừng lại trước bàn thờ tổ tiên vì trên ban có ông nội tôi đội mũ cánh chuồn trông thật nghiêm khắc. Dứt khoát vì lẽ ấy nên mẹ tôi hay phải đi vay mượn đó đây anh chị em trong gia đình họ hàng.
                  Tôi len lén nép sau lưng mẹ lí nhí chào bác rồi tiến vào phòng khách. Mẹ tôi ngồi trên ghế sa lông đối diện với bác gái, tôi đứng đằng sau, bác trai lừ lừ một vài câu xã giao rồi lặng lẽ đi vào nhà trong! Có lẽ đó là đặc tính riêng của mọi quan chức thời ấy? Họ không muốn tiếp xúc với tất cả mọi loại thứ dân hay người thân quen đến cầu cạnh? Khi xưa một người làm quan cả họ được nhờ nhưng thời ấy thì có mà đợi? Khi bác quay vào lúc đó tôi mới được hoàn hồn. Là đứa trẻ hiếu động, tôi chạy đến bên chiếc bàn gỗ lớn, trên mặt để nhiều tập sách lớn nhỏ chắc đó là nơi làm việc của bác trai. Trèo lên ghế, với lên mặt bàn và bắt đầu hí hoáy với mọi thứ lạ lẫm trong đời, trên bàn. Nào là những nghiên mực bằng thuỷ tinh pha lê, những giá cắm giấy tờ bằng gỗ mun đen bóng. Tiện tay tôi với được cây bút bi - Mà quả thực lúc đó tôi không hề biết đó là cây bút, chợt vạch lên giấy thấy có mực và thế là tôi thoả trí vẽ vời quên cả mẹ và bác gái đang trò chuyện. Đến khi mẹ tôi gọi về thì tôi mới tỉnh cơn nghịch. Về đến nhà tôi vẫn cầm trên tay cây bút bi của bác và lại say mê với cây bút của lạ, cứ thế mà vẽ vời cho đến lúc anh trai con bác tôi vỗ vai:
                  - “Này cậu em, sao mà gian thế, cho anh xin lại cây bút em cầm nhầm" - Tôi mới tỉnh cơn say trả lại cây bút cho anh mang về!
                  Có lẽ bác thấy tôi vẽ vời vớ vẩn nên phát hiện ra cây bút tôi cầm nhầm. Đối với đứa trẻ lên sáu tuổi đang học lớp vỡ lòng thì lời nói như vậy là quá nặng, nhưng lúc ấy tôi chưa hiểu. Sau khi anh về, bố cầm xe điếu lôi tôi ra trước bàn sa lông:
                  “Hiên! Con có biết đó là hành động gì không?”
                  Tôi lặng lẽ không trả lời vì có biết gì đâu - Đó là ăn cắp? Lấy của người khác không hỏi là ăn cắp. Cha tôi là một con người nhân hậu ngay thẳng, nhưng nếu cha tôi không giải thích tường tận đến vậy thì đời tôi có lẽ không đến nỗi! Ngày hôm ấy hai cái từ "Gian quá" "ăn cắp" cứ lởn vởn trong đầu tôi như một nỗi ám ảnh. Tôi ngượngngùng với mọi người trong gia đình nên thường lảng tránh những ánh mắt của người thân, cả tâm hồn dường như thu nhỏ lại. Mỗi khi và mãi cho tới những ngày sau khi cầm đến cây bút tôi lại có cảm giác hãi hùng như vậy. Tôi luôn luôn có cảm giác mọi người đang nghĩ xấu về mình. Nó như vết gợn đầu tiên và đeo đẳng tôi mãi mãi về sau, như một con bệnh dai dẳng cứ lớn dần lên để trở thành thù hận. Tôi luôn căm thù cây bút, suốt những năm đi học tôi luôn phải dùng duy nhất loại bút quản bằng gỗ, ngòi 777 vì bố mẹ không lo nổi cho con chiếc bút máy. Tôi rơi vào tình trạng vừa căm ghét vừa thèm muốn cây bút. Có lẽ suốt cả đời tôi không có nổi lấy một cây bút nên mỗi khi nhìn thấy các bạn có bút mới tôi đâm ra ganh tị bực tức, đã mấy lần thó thực sự của các bạn về giấu trong thạp gạo. Càng căm ghét cây bút thì tôi lại càng bị nó mê hoặc? Các bạn đi học gọn gàng sạch sẽ bao nhiêu thì tôi luộm thuộm chừng ấy, áo quần luôn nhem nhuốc vì cái lọ mực chết tiệt. Có lẽ cả quãng đời ấu thơ là sự thèm thuồng đói khát - Một sự đói khát chính đáng mà cha mẹ tôi không sao lo nổi và anh chị em tôi thực sự hiểu điều ấy! Tất cả cứ bị nén xuống như những quả cà trong vại. Cha tôi - từ một công chức Nhà nước lương cao, nuôi dưỡng cả một gia đình 14, 15 người sung túc, trong nhà người ăn kẻ ở, vú em cho từng đứa con mà mẹ tôi mỗi tháng còn để ra được mấy lạng vàng. Thế mà lúc ấy mức lương cha tôi chỉ còn bằng 1/20 thì hỏi rằng một gia đình sẽ ra sao? Có lẽ đó là một cú trượt dốc kinh khủng. Con người lúc đói chỉ còn duy nhất một mục đích là miếng ăn, một sự cân bằng đến kinh hãi. Người ta chỉ còn gặp nhau ở cửa hàng gạo phân phối hay ở cửa hàng mua thịt bán theo tem, người ta tranh dành, người ta trò chuyện? Có lẽ các ông bà nông dân muốn hoán vị chỗ đứng của mình cho bọn địa chủ và tư sản nên xã hội bỗng rơi vào trạng thái đói kém thế này, họ chẳng muốn chơi với ai hết như ông bác tôi chẳng hạn. Còn tôi, cái đứa trẻ tàn tật vì đói khát. Tôi chẳng cần chi nữa ngoài việc ăn...
                  Đúng như câu nói của các cụ ta xưa "Dân dĩ thực vi tiên" nên ngọn đòn đầu tiên có lẽ là cái đói! Cứ đói thì mọi chân lý của họ sẽ sáng lên, con người ta mới ngửa mặt lên mà cầu ông trời ban lộc. Có thể vì lúc đó tôi còn nhỏ quá - Cầu cha mẹ thì chẳng có nên cũng đành lăn như hòn bi con quay ngoài phố cho đỡ tủi. Thời ấy cha tôi thật hay đánh con cái? Tất tật mọi lỗi lầm đều cứ là xe điếu. Cha tôi đánh con nhiều lắm, đánh đến nỗi cha tôi còn mệt, vì hồi ấy cha tôi đang đau dạ dày. Mãi về sau này tôi mới hiểu và thương cha, một con người chăm lo sự sống cho mười mấy người thì còn thời gian đâu mà dạy dỗ con mình! Càng thương con cha tôi càng đánh, chân lý thì vẫn thế - Sự đói khát là điều không thể thiếu cho một xã hội đi lên - Mọi thứ Nhà nước lo cả, từ áo, quần, chăn, chiếu, cơm, gạo, tất tật cứ là xếp hàng. Tùy theo chỗ đứng, mức lương mà phân phối còn những kẻ không có chỗ đứng thì bình quân, cả xã hội không có tư nhân bán lẻ.
                  Một mình cha tôi cứ lặng lẽ mà làm, người càng ngày càng ít nói? Chị gái tôi đi học về phải ngồi cột điện mà đan len và ôn bài đến tận nửa đêm. Tôi và thằng em cũng phải học đan mà kiếm miếng, cứ đi học về là lại vào việc, hết đan thì quay tơ. Cả gia đình tôi là một công trường nho nhỏ. Tất cả dành cho cái miệng! Bài học hữu ích vì cái đói hiệu nghiệm làm sao. Sau này tôi còn chuyển qua cả nghề bốc vác, kéo xe bò làm thêm vì nghề này có vẻ hợp hơn với tôi bởi tính thích ngao du nghịch ngợm cùng bè bạn. Thời ấy tôi thực sự sợ hãi khi ở nhà - Vì ở đó trong nhà tôi có một cái gì na ná như địa ngục? Tác dụng cải tạo một xã hội quả là ghê gớm! Cứ đảo lộn lên cõi đời sẽ thấy cần ai! Sau này lớn lên tôi mới hiểu các bậc đàn anh của ta như Liên xô hay người Tàu chơi với đàn em Việt Nam cũng thế? Họ cũng trói cái bao tử của nhau để mà sai khiến, còn ta có lẽ là tương kế tựu kế định dùng họ để mà đắc lợi? Chúng ta thành công nhưng quả là mệt - Mà mệt thực sự nữa đằng khác! Vì cả một dân tộc đói ăn khi được ăn thì cứ phải là ăn đã - Mà kể cả bội thực cũng ăn thế đấy hãy đặt cái đói trước mặt chúng ta sẽ thấy vâng lời? Như cha tôi phạt cơm thì thằng em lặng lẽ dúi cho anh nửa phần cơm đỡ đói.
                  Thời ấy cả gia đình tôi sống trong một biệt thự, về sau này ở phố Châu Long, ngôi nhà thật to nhưng rỗng tuếch. Tôi còn nhớ mãi cái trường Yên Thành hồi cấp một! Các bạn tôi không bị quất ngọn roi thành phần thì có vẻ còn sáng sủa, anh em tôi thì ảo não làm sao - áo sơ mi mẹ khâu bằng bao bột mì, nhấn nâu còn nguyên cả cái triện như thằng tù "Đường Cu Ba", anh em tôi rất ngượng? Song để bù vào đấy tôi sẵn sàng đánh tất cả những đứa nào coi thường manh áo khốn khổ mẹ khâu và cứ thế một thời thơ ấu qua đi trong đói khát tủi nhục. Anh chị tôi trầy trật rồi cũng xin được vào một vài trường vớ vẩn nào đó cho có chỗ đứng nhưng mỗi người mỗi nơi, nên cái chỗ đứng ấy dường như chẳng có tác dụng gì mấy cho gia đình nhưng như thế còn hơn vì anh chị em tôi may ra còn có một chỗ đứng, cái nghề tư sản hay địa chủ có vẻ được nương nhẹ đi chút ít. Cả tháng hay cả tuần gia đình tôi may ra mới có dịp đông đủ và hôm ấy có lẽ là ngày luận tội nghịch ngợm của thằng em vì hồi này sau khi đi học về tôi lại theo bạn đi bán nước vối nóng và bán kem ở trên tầu điện, mà tôi rao thật khéo nghe cứ ảo não làm sao "Lào ai lước vối lóng đê, lước vối lóng lào... " lời rao như méo đi nghe thật thú vị vì tôi nói có ngọng đâu nhưng đối với khách hàng cứ như đùa cợt, ấy thế mà bán được. Một đứa trẻ con nhà quyền quý lên tầu đi bán que kem kể cũng thật vui! Người ta nặn sao chẳng được - Cải cách sai thì họ làm lại, nghe mới thật ghê? Nhưng theo tôi nghĩ chính những con người trong cõi sống bắt buộc họ phải làm lại. Cứ thử ngẫm một đất nước nhà nào chỉ biết nhà ấy, kèn cựa, nhòm ngó, bon chen nhau tất tật chỉ vì miếng cơm manh áo? Tôi tự hỏi: Đồng ruộng xưa nay vẫn thế, khung cửi dệt vải vẫn vậy, sao con người lại đói kém đến thế? Các ông to như bác tôi chẳng hạn, có cửa hàng cung cấp riêng, đi đưa về đón, vẫn kiểu cách như xưa, họ hoán vị chỗ đứng cho nhau nhưng chỉ có khác họ tranh đấu vì họ mà thôi. Họ có thể gửi cha mẹ là thành phần địa chủ lên Hà Nội chơi cờ bạc ở phố Hàng Bạc để ở nhà rảnh tay mà đâm mà chém những gia đình địa chủ khác. Thế đấy? Họ chỉ có thế! Khi sức mạnh đã trong tay họ thì chẳng còn gì là khó là không làm được. Họ dùng chính cái đói để làm mâu thuẫn xã hội và khi có mâu thuẫn thì có đấu tranh giai cấp, mọi thứ tất tật họ đổ cho đế quốc sài lang, họ chẳng bận tâm với bất kể vật cản nào trên đường, người lớn thì có trại tập trung, trẻ con thì có trại giáo dưỡng? Ngẫm quả là gớm - Khi có quyền lực thì gớm thật. Họ dựng bác nông dân dậy, cho ở nhà của địa chủ. Bác nông dân rồi cũng thay tâm, đổi tính, ăn lắm, ít làm, thích đè nén dạy bảo người khác cho ra vẻ, khi có chuyện thì họ gào ầm lên mà lao vào san bằng đạp đổ. Mà ngẫm cho cùng thì các ông to bà lớn thời ấy có mấy ai là con nhà bần nông. Tôi cứ ngẫm mãi, có lẽ họ tự đánh vào đít mình trước rồi họ làm thịt thiên hạ sau thì phải? Từ ngày xưa có thằng đế quốc nào giết đến cả triệu người dân Nam bao giờ đâu? Ấy thế mà họ làm được - Mà làm vẻ vang nữa đằng khác cơ chứ.
                  Ở làng tôi các bác nông dân được chia nhà địa chủ, họ dỡ dần ra mà bán rồi cuối cùng lại bán lại cho con cháu nhà địa chủ thì mới lạ? Thế đấy trò đời thật chớ trêu. Gia đình địa chủ bị đè nén nhưng họ vẫn cần cù làm ăn, học hành vươn lên để giành lại cuộc đời của họ. Quả thật loài người đặt trước cái đói thì khủng khiếp xiết bao, họ đóng cửa, bế quan toả cảng để mà nhào mà nặn một lớp người đói khát biết xếp hàng, bon chen và kèn cựa lẫn nhau, chẳng cần biết ông già người lớn hay trẻ nhỏ tất tật đều bằng phẳng như nhau mà hứng chịu.
                  “Bác ơi, nếu như bác có linh hồn thì thời ấy cháu đói - Cái đứa trẻ lên sáu, cháu của bác đang đói! Sao bác không cho nó yến gạo, manh áo, cái bút hay quyển vở?
                  Hay chăng bác tôi to quá rồi chưa phải đói bao giờ nên khỏi bàn này nọ? Sau này tôi mới rõ - Bác tôi thời đầu là chánh công an Bắc kỳ (có nghĩa tầm Bộ trưởng Bộ công an thời nay) rồi bác tôi còn làm đến trưởng phòng Lập pháp Phủ thủ tướng. Thật quả là những công việc to lớn nên bác làm gì còn thời gian đâu mà lo đến ai trong họ hàng làng nước nữa. Nhiều khi tôi ngẫm nếu như cách mạng xã hội chủ nghĩa đã san bằng xong mọi bất bằng trong xã hội mọi gia đình cả nước ai cũng như ai thì phản ứng nào sẽ xảy ra nữa đây? Một cõi sống không bất bình, không cao thấp chẳng có tài năng hơn kém thì thật kỳ lạ - Thế mà hồi đó dân ta cứ tin như là kinh Phật đà không bằng?
                  Họ thành lập hợp tác xã, một hình thức công bằng ai cũng như ai để rồi đồng ruộng chẳng có ai chuyên tâm mà làm. Nào là phong trào năm tấn lúa/ha, nào là ba đảm đang cho chồng vào Nam đánh giặc. Thôi thì đủ thứ, cuối cùng cả xã hội ai cũng chỉ muốn làm cho riêng mình, từ ông to bà lớn cho đến bác nhà nông và cuối cùng thì lại là quyền tư hữu và cái lầm lỡ thì ai chịu đây? "Ta sai ta sửa!" chỉ có thế!
                  Tất tật chỉ có thế! Theo tôi nghĩ nỗi khổ lớn nhất là nỗi khổ cha mẹ không bao dung nổi những đứa con mình và giờ đây mỗi khi nghĩ đến cha mẹ tôi và một đàn con lít nhít mọi lứa tuổi tôi lại thầm ước: Nếu có thiên đường và địa ngục? Thì trời ơi? Tôi cầu cho ông bác tôi được đứng cạnh vạc dầu mà xem khổ hình của bao kẻ ác độc trên đời đã làm hại cho non cho nước. Cuộc đời tôi cứ mất? Đầu tiên tôi mất mẹ, một năm sau tôi mất cha, rồi tôi mất dần biết bao người bạn thân yêu khác? Cõi sống thật bình dị thiết tha, nhưng sao cuộc đời tôi không cớ, dường như tất cả đều chỉ là huyễn hoặc? Một cõi sống tạm bợ cho những cuộc đời tạm bợ cơ cầu, dường như những nhà chính trị Việt Nam đã ru ngủ non nước này cho bao ý đồ của họ. Tôi căm thù hai từ “chính trị”, cứ thấy họ là tôi lại nghĩ Họ đang định làm việc gì bịp bợm ta đây? Mỗi kiếp người là bao điều đáng kể! Nhưng ở tôi chỉ có bao điều sợ hãi? Tôi vào tù khi còn rất trẻ sau bao năm tôi ra tù, nhìn lại gia đình mình buồn bã làm sao. Cha mẹ tôi đã bán ngôi biệt thự lấy tiền lo cho con cái và mua một căn nhà mới thật nhỏ tận cuối làng. Bố tôi vẫn còm cọm đi làm, mẹ tôi vẫn ngồi bên guồng sa quay sợi. Cả nước vẫn giữ lại một nét đặc trưng dường như không đổi là cái nghèo. Chẳng nhẽ cái nghèo là một quốc sách? Bố mẹ tôi con cái đã lớn, nhưng chỗ ở thì hẹp hơn tất cả chen chúc trong một buồng và phải sống - Phải sống để chờ xã hội đi lên. Đả đảo "đế quốc Mỹ sài lang" để rồi đến quan hệ Việt - Mỹ, rồi thì hội nhập kinh tế thế giới - Ngẫm đời cũng hay – Con đĩ chưa tụt váy người ta đã hiểu sau lớp váy kia là cái gì! Thế mới khổ, thế mới lạ - Đài báo vẫn chửi - Tay chính khách thì bắt tay cho quan hệ. Và cái thời ăn no ló mặt! Người ta bực mình vì hợp tác xã không đạt! thế là rũ bỏ giao giả chúng mày. Đồng ruộng trổ đòng, lúa mọc bội thu, mấy bác nông dân cứ là tha hồ được dịp - Chẳng phải họp hành, đừng phải chấm điểm, nhà cửa, đài đóm, cứ là lũ lượt hiện lên sau khi xã hội thoát khỏi thời bao cấp. Tôi chợt nghĩ, không hiểu con người nào chủ trì trong việc đưa đất nước vào thời bao cấp? Tôi chắc chắn rồi bác nọ lại đổ cho bác kia, mỗi bác gánh tội một tí nên tội to thành tội nhỏ mà tội nhỏ thì chẳng bõ thế là hoà. Chỉ khổ mấy bác nông dân tưởng đời thăng hoa để rồi vẫn thế. Mà cái giống đang bị trói chặt, bỏ đói khi thả ra thì thú vị siết bao? Cứ là ăn, cứ là nhậu, đài thì phải đài xịn, xe thì phải xe sang, toàn những là hàng hoá của tư bản, cái xe đạp có ném về quê chẳng khác gì cho nhau mớ rau mới lạ. Họ chơi với ta quả là hậu hĩnh chứ đâu như anh Nga, anh Tàu cứ là khoá cái bao tử để mà sai bảo. Đất nước cần xoá đói giảm nghèo thì họ cho vay? Tôi còn nhớ có thời người Mỹ cấm vận dân ta thật khổ? Nhưng chẳng hề hấn gì - Dân Việt Nam quen bướng đầu tuân theo kỷ luật sắt, nên họ có cấm nữa thì ta đâu có sợ, chẳng còn gì để mất? Nhưng rồi không hiểu sao họ lại bỏ cấm vận thì mới lạ? có lẽ họ chơi đến bài vỗ béo cho ăn, cho vay. Mà cái giống đói lâu dễ bội thực, nằm lâu cuồng cẳng gặp xe máy là cứ muốn phi thẳng lên trời. Tôi chợt nghĩ đến lời mẹ khi xưa: “Không nên ăn no vì ăn no không muốn làm việc - Không nên đắp ấm quá vì đắp ấm quá không muốn đứng dậy - phải nhìn thấy lỗi của mình thì mới sửa được. ” Mà sửa thế nào đây? - Khi chúng ta còn gì đâu mà sửa, một lũ trẻ nhuộm da, nhuộm tóc lởn vởn khắp đời. Chúng đã quen ăn không ngồi rồi, thích mình thành ông thần ông thánh, vì chúng luôn tự hào là tương lai của gia đình, đất nước. Quả thật đằng sau những người đi trước là một thế hệ đi sau. Vòng tuần hoàn cứ trải dài vô tận, người ta kế thừa, người ta cắt bỏ, và bao giờ cái mới cũng khoẻ và sắc hơn.
                  Ngẫm đến đây lại nhớ đến ông bác tôi khi về già. Vào một hôm tới thăm, bác đã già và chậm chạp hơn xưa. Căn phòng khách khi xưa, nay thuộc về con cái, bác lui về căn phòng gần gầm cầu thang. Hôm tôi đến các anh đang sửa nhà thật là ầm ĩ. Ngôi biệt thự được chia thành ba bốn chủ. Hợp ý ai người ấy làm, vương quốc này không còn là của bác nữa, nên cái quan trọng uy nghi dường như tan biến đâu mất. Tôi chào bác, xong ông chẳng nhận ra là ai. Theo tôi nghĩ có lẽ bác đã thấm hiểu bọn chúng tôi đều như nhau - Chẳng đứa nào muốn vào cái hợp tác xã của bác cho thêm mệt. Bác gái đã mất lâu trong một tai nạn lúc sang sửa nhà cửa nên bác trai cứ phải lủi thủi một mình trong căn nhà thật rộng, với một thế hệ con cháu không cùng ý tưởng. Cái bó đũa gia đình đã dỡ tán loạn trên mâm! Nỗi mệt mỏi cứ đến dần mà thấm vào trong bác. Cái niềm tin cõi sống nhạt nhoà dần đi, thời gian trả lại đâu đây nỗi cô đơn khơi dậy, bác là cái bóng của một thời cứ mờ dần trong kỷ niệm. Chú em tôi có mặt khi bác mất. Anh chị thay áo quần lần cuối cho bác, họ tìm thấy trong túi áo ngực một bức ảnh thời trẻ ngày hai bác mới cưới nhau. Đằng sau bức ảnh có dòng chữ bác viết "Bà ơi, cho tôi đi theo bà". Cả cuộc đời bác là một sự bất thành, không hiểu tại số phận hay con người? theo tôi nghĩ có lẽ tại cả hai, do vậy bác tôi cứ lui dần về quá khứ. Nhớ đến bác lòng tôi lại ngẫm về cây bút: Cây bút bi! Nếu như ngày hôm nay ai có nhu cầu tôi xin trịnh trọng mang biếu cả tá! ấy thế mà có lúc đời tôi tan nát đến vậy! Tôi căm thù cây bút!
                  Nhưng cái nghiệp cuộc đời lại là nhà văn nên mỗi khi hễ cầm đến bút tôi muốn dùng nó mà đâm toang hoang bao nỗi khổ trên đời cho hả một thời thơ trẻ tôi đã từng đau thương vì nó.
                  “Hỡi cây bút bi mà ta đang dùng để viết những trang hồi ký này, ta trả lại cho ngươi biết bao nhiêu đau khổ mà một đời người phải nếm trải”.
                   
                  Hà Nội ngày 20 tháng 2 năm 2003

                  #24
                    vuthi 25.07.2009 21:46:30 (permalink)
                    Tiến hoá

                    Thuyết tiến hoá của Đác-uyn đã chỉ ra rằng loài khỉ qua nhiều năm tiến hoá đã đứng dậy đi bằng hai chân và dần biết suy nghĩ như nhân loại chúng ta ngày nay. Phải cầu kỳ lắm trên hành tinh xanh chúng ta đang ở mới tạo nên loài người biết lao động, yêu ghét và có thể làm thêm biết bao điều oai hùng khác nữa. Tưởng cứ như thế là xong, nguyên lý đã rõ, chúng ta tiến lên từ khỉ chẳng có ông thượng đế nào cả, chúa trời phật pháp đều chỉ là vớ vẩn, chúng ta là khỉ thành tinh qua nhiều nghìn năm tiến hoá. Xong cũng lạ, mọi sự tiến hoá bao giờ cũng để sót lại một cái gì đó chưa hoàn hảo cho lắm – Chẳng hạn như có người còn sót lại một mẩu đuôi, không lẽ chúng ta lại nỡ đổ nghi ngờ cho một học thuyết vĩ đại như vậy… nghĩ thật xao đang – Còn tôi thì tôi mê học thuyết tiến hoá của Đác-uyn tới sái cổ, tôi trân trọng loài khỉ đến mê hoặc, cứ nhìn các cụ khỉ nhảy nhót leo trèo mà kính nể cái dòng tiến hoá bác học, mà đã là mê thì đi đến rắp tâm, một sự nỗ lực cá nhân nhưng thật là đáng kể. Vì thời ấy đang là thời bao cấp, thóc cao gạo kém, muốn xin được một việc làm thì quả là thật khó, mà lại càng khó khi ta muốn tự lựa ngành nghề, mà muốn được việc thì phải có chút gì gọi là nho nhỏ, cái phong bì có chút nhân chẳng hạn… Hồi đó sự đi lại có lẽ còn nhẹ nhàng nhân đạo, chứ như quãng này cứ phải là cả chai rượu remmi bạc triệu thì bố ai mà theo đuổi nổi, ấy thế mà bây giờ mọi người họ vẫn làm được mà làm vui vẻ là đằng khác, lại một lần nữa thuyết tiến hoá mở mắt cho tôi thêm về cái mãnh lực tiến lên của loài khỉ.
                    Ta lại phải quay lại câu chuyện của riêng tôi, không lỡ lại đi quá mất sự tiến hoá thời đó thì hỏng – Sự thể gia đình tôi hồi đó kinh tế cũng không được khoẻ mạnh gì cho lắm vì là thời bao cấp mà lị - Xong đứng trước một sở thích có lý của con mình – say mê về thuyết tiến hoá - mà cha mẹ tôi đã già có lẽ cũng muốn biết rõ liệu con người có phải là đồ con khỉ hay không? Hay là do chúa trời thần phật tạo ra cõi đời. Chung quy tính tò mò của loài khỉ đã tạo nên cái đột biến mà gia đình quyết định tòi ra ít tiền để chạy cho tôi vào cái phòng thí nghiệm của khỉ. Tiền có ít nên công việc cũng vừa phải, thật là khiêm tốn không được như ý muốn, nhưng cũng đành, miễn làm sao là được tiếp cận với cái khoa học mê say về tiến hoá loài người. Công việc thì chẳng có gì vất vả cho lắm, mà lại được ở gần loài khỉ hàng ngày thì cũng lý thú biết bao. Không làm thì chẳng bao giờ biết về việc nghiên cứu loài khỉ quả là phức tạp. Đứng đầu cơ quan tôi là một vị giáo sư già có nhiều kinh nghiệm, học thức uyên thâm và có một tấm lòng yêu khỉ đến kính nể. Ông thường coi công việc nghiên cứu như chính việc nhà mình, ông thương yêu lũ khỉ như con và đứng đằng sau ông có cả tá nhân viên kĩ thuật viên sừng sỏ. Nào phòng xét nghiệm, nào phòng tâm lý, nào phòng dinh dưỡng, nào phòng vệ sinh. Tôi được cái vinh dự trưởng phòng mà chẳng cần chạy chọt chút nào, xong có lẽ phòng tôi chỉ cần có một người nên cũng chẳng sợ phải bon chen leo trèo lên ai nên tôi cứ là thả phanh mà hót cứt. Trưởng phòng vệ sinh nghe thì có tủi nhưng lại có cái lợi được gần lũ khỉ nhất, gần đến nỗi nhiều khi tôi bị các cụ đái cả lên đầu. Ở đời ai cũng có cái tính là phải thích bằng được mà khi đã được có sao thì thôi cứ là phải chịu nó, như một anh chàng yêu một cô gái hắn ta rất hãnh diện với bạn bè nhưng khi phát hiện ra người yêu mình hôi nách trầm trọng không thể nào ngửi được thì cũng cứ phải là hãnh diện chứ sao. Tôi cũng thế - lúc đầu sau mỗi buổi làm là vội vàng lao vào nhà tắm mà xát xà phòng rồi biến cho nhanh. Nhu cầu xà phòng đối với tôi lúc ấy cần như cơm bữa, không đủ tôi lấy sạch của gia đình sau bị nói nhiều thì tôi chẳng cần lấy nữa, tôi kệ mẹ cái mùi hôi thối ấy cho bõ tức, mà có lẽ vì thế tôi đã tăng tiến trên bước đường tiến hoá, ngẫm cũng thú vị bầy khỉ cũng đỡ sợ tôi hơn. Nó có vẻ tiến hoá gần đến với con người một bậc còn tôi khi về nhà mệt phờ chẳng cần giặt rũ gì cho lắm vì chỉ nghỉ được vài tiếng thì đời đâu vẫn thế, mà thời gian đâu để mà suy ngẫm về mấy con khỉ trong chuồng. Ông giáo sư thì cũng khổ chẳng kém gì tôi, có vào nghề thì mới rõ mà thấy thương ông vô hạn, ông cứ trăn trở về mấy con khỉ xem có phương pháp nào cho nó tiến hoá tăng trưởng được nhanh hơn không. Mà nghĩ cũng phải, sự sốt ruột là có lý nếu cứ phải chờ cả ngàn năm thì đời ông lão đến ra bụi, vì thương ông mà ao ước lũ khỉ chóng thành người nên nhiều đêm trong mơ tôi chợt thấy lũ khỉ như ngộ không biến thành những nàng tiên bằng xương bằng thịt mà ao ước thì cũng thật là tốt cho cả người lẫn khỉ. Ông lão cứ dính vào chúng mà chăm lo, nào ngô khoai, nào hoa, nào quả các cụ cứ là xơi đẫy. Ông thấy chúng ăn được lên càng lo tăng khẩu phần, mà càng tăng thì chúng càng ăng thêm khoẻ, nhưng ở đằng sau có một sự thể ông chẳng bao giờ rõ được. Chuyện là như thế này - mấy chị ở tổ chăn nuôi đầu tiên khi cho chúng ăn mấy cụ khỉ chê kém tươi không buồn ngó, các chị cho hoa quả đó vào cặp lồng mang về cho trẻ thì lũ nhỏ hoan hỉ mừng vui, lâu lâu rồi trở thành thói quen không bỏ được, vì các cháu nhỏ mà lũ khỉ thiếu ăn nên đâm ra ăn tạp, thôi thì tươi héo chung quy đều là được cả nên cả tổ có một thông điệp ngầm với nhau giành phần cho khỉ nửa già còn lại để mang về cho trẻ vì như vậy nên lũ khỉ thường thì bị đói. Ông lão thỉnh thoảng cho quà là chúng cứ nhao nhao lên mà tranh cướp nên ông lại nghĩ cách tăng thêm khẩu phần, mà càng tăng thì càng mất, các chị suy nghĩ thật chu đáo, khoá dần cái dạ dầy chúng lại, tôi thì đỡ phải hót cứt nên cũng là ngậm miệng ăn tiền, các chị thì cứ ăn còn tôi thì phó mặc, ở chỗ này thuyết tiến hoá chừng như đã được cân bằng nên lòng tôi ra phần chán nản. Lũ khỉ thì cứ nhởn nhơ nhảy nhót và con người thì nén lòng chờ đợi. Có lẽ cơ quan tôi phải sống cả ngàn năm mà chờ nó tiến hoá, nghe cứ là vô lý làm sao ấy, chả biết ông Đác-uyn sống được bao năm mà tuyên bố hùng hồn đến vậy. Thật khổ đã có lúc tôi định treo ảnh của ông lên đầu giường mà thờ - nhưng còn may là chuyện ấy chưa xảy ra. Cứ ngẫm mà thêm buồn, theo một đời đã mỏi mà còn chưa thấm vào đâu phải cả ngàn năm mới thấy thì tôi là thằng ngu nhất, thằng hót cứt cho học thuyêt của ông cũng xin tuyên bố vứt mẹ nốt cả ông đi cho rảnh. Ở đời trẻ con cần hoa quả và tôi cần hít thở. Trong chuồng khỉ tôi cứ vừa hót cứt vừa ăn năn cho cái việc làm khờ dại của mình – có ai lại đi tìm hiểu về người ta ỉa ra sao đâu cơ chứ, thế mà ở trên đời có cái thằng tôi như vậy, thôi thì phân nát, phân rắn khỉ ơi là khỉ, chỉ thiếu chút nữa là tôi đâm đầu vào song sắt mà tự vẫn cho xong - nhưng sĩ diện của một phòng nghiên cứu như ngăn tôi lại, đối với bè bạn tôi đang tự hào làm ở viện nghiên cứu nọ kia nhưng kỳ thực thối ơi là thối, khỉ ơi là khỉ - thế đấy - cuộc đời vẫn thế, cứ ngoan ngoãn mà hót cứt cho bầy khỉ Đác-uyn.
                    Đáng lẽ thì cũng chưa đến nỗi, tôi vẫn còn làm cái công việc không mấy gì trơn tru nhưng tối thiểu thì cùng giải quyết được cái miệng mình để mà tiến hoá hay tiêu hoá thì cũng được. Vì hai cái từ tiến và tiêu nó có vẻ đồng âm như nhau có lẽ vì đói khổ người ta hay nhầm lẫn như vậy và sự thể là như thế này - Một hôm ông xuống thăm bầy khỉ và chợt nảy ra một ý mới – thử cho chúng xơi thịt xem sao, và ông ký giấy cho phòng dinh dưỡng đi lĩnh năm kilôgam thịt bò về cho lũ khỉ ăn thử, và ông không quên nhắc chị em nhớ ghi lại những diễn biến trong lúc cho ăn vào sổ trực hàng ngày. Tôi thì chẳng thích thú gì với quyết định kia vì phân của lũ ăn thịt chắc thối tha nhiều hơn nữa, song cũng tặc lưỡi - đằng nào thì cũng hót cứt mà có thối hơn thì cũng mặc mẹ cái lũ khỉ ghê người. Ngày hôm sau mấy chị đi nhận thịt bò ở trên kho về, nhìn túi thịt tươi roi rói, loại thịt phải qua kiểm nghiệm kỹ càng khi cho thú ăn. Cái thứ thịt bò hảo hạng, cả phòng ai ai cũng muốn sờ mó thử túi thịt bò cho bõ thèm con mắt, cả tổ ai ai cũng muốn dành chân thái thịt, họ say mê thái nhỏ từng miếng thịt bò mà nhựa dường như dính tay với bao vẻ lưu luyến tiếc rẻ. Chúng ta còn nhớ thời ấy là thời bao cấp, tiêu chuẩn mỗi nhân viên được ba lạng thịt phiếu dành cho cả tháng mà có mấy ai dám mua thịt, họ chỉ mua mỡ nước mà xào nấu vớ vẩn cho đỡ nhớ, ấy thế mà bây giờ trước mắt họ cả súc thịt bò tươi năm ký đang được băm vằm dâng cho khỉ. Mẹ kiếp tiến hoá bỏ mẹ gì! Ngẫm cũng lạ! Nhưng đã là lệnh thì cũng đành mà liếm mép cho xong. Họ xẻ thịt vào máng đưa vào chuồng khỉ, lũ khỉ nhao nhao ào tới trước những đôi mắt tiếc rẻ của mọi người, nhưng chúng lại ào ào bỏ chạy leo tót lên các gờ giáo sợ hãi. Chờ mãi chúng vẫn chẳng ăn, chị tổ trưởng nghĩ ra một cách mới - mang xào thịt lên như cho người và dâng cho chúng xem sao, kết quả chỉ làm khổ thêm cho bao người nấu nướng, vì cái mùi thịt bò xào nó lại thức dậy trong lương tâm mỗi người. Thịt thì đã bầy trong chuồng nguội tanh nguội lạnh mà các cụ thì chưa buồn xơi, tới giữa chiều thì chị tổ trưởng đành quyết định cho mang ra thanh lý. Và cả tổ trong đó có tôi cũng được mời xơi một bữa thịnh soạn, thịt nguội nhưng sao mà ngon thế, chừng như đến tận bây giờ trong tôi vẫn còn cái dư vị bữa tiệc ngày hôm ấy. Cả tổ cứ là cảm ơn cụ Đác-uyn vì cái thuyết tiến hoá mà cụ để lại, đời họ vừa có việc đi làm, có cơm để ăn, có hoa quả để xơi và hôm nay có cả món thịt bò tiến hoá. Khi đã giải quyết xong năm ký thịt, giờ đây là lúc mọi người sẽ phải lý giải ra sao cho năm ký thịt bò đương được tiêu hoá. Cả tổ cứ nhao nhao mà nghĩ kế và rồi họ đi đến một kết luận đầy vẻ tiến hoá. Chị tổ trưởng ghi vào sổ giao ban: “Có chịu ăn thịt bò nhưng còn chậm”.
                    Ngày hôm sau ông lão xuất hiện đầy vẻ sốt ruột vừa gặp mọi người ông đã hỏi thế nào? “Thưa sếp chúng chịu ăn nhưng còn chậm”. Ông lão vui mừng ra mặt, mắt ông ánh lên một niềm hy vọng khôn cùng, và ông lão hân hoan ra lệnh cho cả tổ: “Cứ tiếp tục”. Và cái lệnh quý báu ấy được kéo dài trong mười ngày. Cả tổ chừng như ai cũng thương yêu cụ khỉ nhiều hơn nữa vì có ánh sáng của cụ mà họ được xơi thịt bò miễn phí, nhưng rồi đến một hôm vào cái ngày đen tối khi thịt bò đã được xào hành tây đâu vào đó thì ông lão xuất hiện, cả tổ đành nín thở đổ chảo thịt vào máng dâng cụ khỉ. Trước mặt ông lão bầy khỉ rú lên như phải bỏng, còn tôi thì muốn bóp cổ chúng cho câm họng thét gào. Có lẽ lũ khỉ bị dị ứng hành tỏi và để lại nỗi khổ cho bao người. Ông lão giận dữ lặng lẽ quay ra, bỗng ông quay lại nhìn thẳng mọi người quát lên trong phẫn nộ:
                    Các chị đã làm hỏng một công trình khoa học, ngày mai các chị nghỉ việc.
                    Chợt nhìn thấy tôi lóng ngóng đứng đó ông nói lên như gào:
                    Cả anh nữa…
                    Thật vô lý, xong có một cái lý mà tôi không sao cãi lại được vì tôi là tòng phạm. Ngày hôm sau phòng tổ chức cho gọi cả phòng dinh dưỡng lên gặp và trước mặt mọi người có cả tôi - trưởng phòng vệ sinh – Họ đọc quyết định nghỉ việc. Tất cả nhao nhao lên mà phân bua, mà khóc lóc, trong tôi một nỗi ê chề chán nản như trào lên, tôi lặng lẽ ra đi không bàn cãi – Xin vĩnh biệt đống cứt thối tha của thuyết tiến hoá, vĩnh biệt ngài Đác-uyn. Tôi không thể chờ được thành quả của ngài, vì đời tôi có hạn, hãy vứt cả ngàn năm của ngài vào sọt rác còn tôi chỉ cần sống và có miếng ăn. Mấy ngày hôm sau, số phận lại bắt tôi trở lại cơ quan, khi đi qua khu chuồng khỉ, bọn nó vẫn thế, cứ nhởn nhơ trên bước đường tiến hoá chỉ có khác đã xuất hiện một số người mới lại tiếp tục cái sứ mệnh nghiên cứu về cái thuyết tiến hoá, mùi vị bốc lên vẫn vậy, thật khốn khổ khi bụng đói mà phải ngửi cứt. Tôi vội vã lên phòng tổ chức lấy lại hồ sơ và lặng lẽ ra về không một lời chào hỏi, ra đến cửa tôi gặp ông lão cũng lững thững đi ra, tôi bực tức nhìn ông và tôi nhìn thấy sau cặp kính, tận đáy sâu trong đôi mắt ông một nỗi buồn thất vọng, tôi chào ông - ông lặng lẽ cúi đầu. Mãi sau này tôi mới được biết, sau những ngày chúng tôi bị buộc thôi việc chính ông đệ đơn xin từ chức. Có lẽ ông đã tính lại và nhìn thấy các nhân viên của ông cần tiến hoá hơn trên cõi đời.
                    2002
                     
                    #25
                      vuthi 07.08.2009 21:19:04 (permalink)
                      Trở về hoang dã
                       
                      Cuối cùng trong khoảng khắc thí mạng nó đã được tự do! Thật kinh hãi khi bà chủ trại gầm lên tiếng thét phẫn nộ, dang tay quất kẻ phạm luật giành ăn. Trong khoảng khắc nóng giận của chủ, Mực ta sợ hãi lao qua cửa chuồng và một hơi phóng thẳng ra cửa trang trại! Bỏ lại sau nó bao tiếng gào bực tức.
                      Cứ thế bốn cẳng chụm lại căng ra mà nâng cái thân hình đen sẫm, uyển chuyển như bay trong gió. Sự sợ hãi trả lại cho nó bản năng loài thú chừng như bị quên lãng. Cứ thế, nó lao về phía trước như làn gió. Không khí miết vào bộ lông đen sẫm, tai nó cụp xuống, toàn thân như trườn trong không gian kinh hãi, sảng khoái, tự do. Có lẽ trong đời từ lúc sinh ra, lần đầu tiên nó được chạy nhiều đến thế! Chẳng cần định hướng, nó cứ chạy trong cái không gian muôn chiều. Thỉnh thoảng nó dừng lại, nhìn về nơi xa xăm đã tù túng nó gần hết cuộc đời, tai nó dương lên như chọn trong không gian những âm thanh quen thuộc từng bao dung nó một thuở, rồi lại chạy, quả thực tác dụng của đòn vọt vẫn còn linh nghiệm! Nó như làm tiêu tan đi bản năng loài chó. Một hấp lực ghê người, khi tiếng gào dội lên, làn roi xé gió trên không, thì bản năng sinh tồn loài chó tiêu tan đâu mất! Nó chẳng biết tại sao! Song có lẽ từ đời ông cha nó đã như vậy! Tất cả đều co giúm gào lên sợ hãi, Mực có thể cắn xé, hạ thủ tất cả mọi con trong trang trại để giành lấy quyền lực, song nó không thể vượt qua cái quyền lực ghê gớm của chủ mình. Và cứ thế, từ lúc còn bé nỗi đeo đẳng cứ lớn hoài theo năm tháng. Một sự khuất phục truyền đời thứ mệnh lệnh mà họ hàng nhà chó không sao hiểu nổi. Nó cứ phải trung thành, thủy chung với tất cả gia đình nhà chủ. Đêm về là thế giới êm đềm dành cho loài chó. Khi gia đình ông bà chủ đã ngủ yên, cả trang trại như một nấm mồ tĩnh lặng, vạn vật lắng xuống, quên đi, bóng tối từ trong những ô cửa như tràn ra, lấp đầy cả không gian mờ ảo, có lẽ lúc đó loài chó thức dậy cựa mình. Có một thứ ánh sáng mọc lên trong mắt chúng, cái thứ ánh sáng thủy chung, trong sáng mà loài người mấy ai thấy nổi. Nó phản chiếu thứ ánh sáng tinh khiết xiết bao, tự tin và ấm áp, mong manh nhưng thấu suốt, chân thành và tin cẩn, có thể đó là những tia nắng mặt trời cuối cùng trong ngày được giữ lại trong đôi mắt chúng, đầy thủy chung và ấm áp trong đêm. Vĩnh viễn trong cái bóng tối ấy, xã hội loài chó nương tựa, hòa quện vào nhau mà sống. Không thứ gì động đậy trong đêm mà thoát khỏi mắt chúng, tất cả được kiểm soát và phân loại, mọi hành động như bện vào nhau mà che chở cho trang trại yên hàn.
                      Có lẽ chúng hiểu! Khi ánh mặt trời mọc lên là lúc cơ hàn dành cho loài chó! Mọi thứ khổ đau như mọc lên dưới ánh mặt trời. Nó rùng mình dừng lại, đôi tai nghếch lên như dọi vào không gian. Ánh nắng đang lịm dần trên những sườn đồi tím sẫm, bóng tối phả những lợt sương mỏng trên những đỉnh đồi. Một bóng đêm nhen nhóm khơi lên, lòng nó như thức dậy, nhưng đói khát dìm bốn chân nó xuống. Nỗi hoang vắng và mệt mỏi, trang trại và khẩu phần ăn, nỗi nhớ bầy, nhớ bữa, như khơi lên trong mắt nó. Vẻ hoang dã của thiên nhiên đánh thức nó dậy, nhưng nó lại lặng lẽ nằm xuống, hai chân trước ôm lấy cái đầu mệt mỏi, tai nó vểnh lên như suy nghĩ, như thiếp đi. Một bóng chiều lướt qua đời nó đầy hoang dã! Thỉnh thoảng nó lại chồm lên gầm gừ với những con thú nhỏ nhoi trên đường về tổ. Có lẽ cái bản năng về đêm đang thức dậy trong nó với đầy đủ sự hoang dã, cô đơn, song cái đói như dìm nó xuống. Ở trên đời có một chân lý chung dành cho mọi vật sống đó là cái đói! Vạn vật như mờ đi! Ảo ảnh! Mọi loài vật như nhau, bản năng sinh tồn thức dậy! Ánh lửa trong mắt nó bừng lên thiêu cháy, khi trong đêm cất lên tiếng hú man dại của loài sói gọi bầy. Nó vùng dậy xù bờm lao vào đêm tối.
                      Đó là chân lý! Sự đói khát có một ma lực tìm đến nhau! Trong đêm tối những ánh mắt lang sói hiện lên, những đốm lửa tìm nhau thèm khát, và cái vũ điệu ghê hồn của đêm cồn lên trong tiếng tru gào man dại, những tiếng dằng xé, như quện vào nhau trong cái bữa tiệc linh đình của muôn loài hoang dã. Thanh âm như xé cả một vùng đêm tối tả tơi. Thế rồi cái bản năng sinh tồn lại lần nữa cứu con Mực thoát khỏi những hàm nanh sắc lạnh của bầy sói cùng loài. Với thân hình tơi tả, cứ thế nó chạy như ma đuổi. Trước cái chết loài vật bao giờ cũng trở nên nhanh nhẹn, và lúc tàn hơi mọi sinh vật đều muốn tìm trở lại cội nguồn! Nó gục xuống bên bờ rào trang trại, như một đám bầy nhầy vấy máu. Khi ánh bình minh cất lên, những tia nắng đầu tiên ngời lên pha sắc máu, những vết thương trên cơ thể nó chừng như bén lửa, chỉ còn lại sự run rẩy trong đau đớn và đói khát. Phía bên kia hàng rào, những tiếng chó cùng bầy ư ử vang lên cái điệp âm như muốn chia sẻ cùng nó bao đau đớn. Cả bầy con nọ lách con kia chen nhau như muốn sát lại gần nó hơn. Trong không gian buổi sáng dưới ánh mặt trời, một bản tình ca đồng loại vang lên với bao tiết tấu trầm buồn vô vọng, nó như bản nhạc muôn đời khổ đau dành cho loài chó! Những ánh mắt bấn loạn thẫn thờ, những móng vuốt vật vờ, vô vọng. Một bờ rào đã tạo cho cuộc đời chúng những cung bậc thăng trầm muôn thuở, bao tiếng rên rỉ đè nén như bay lên và khỏa lấp trong cõi trời bao la. Nó lặng lẽ nhìn bầy rồi đau đớn liếm những vết thương trên bộ lông đen sẫm bê bết máu. Những cái mũi hít gió, những bàn chân quờ quạng trong cái không gian hạn hẹp tường rào như muốn chia sẻ cùng nó bao đau đớn lạc loài đói khát. Thời gian của một ngày như trả lại cho nó cái bóng chiều thoáng dịu, như muốn ru đi hai cõi sống dưới một bầu trời! Bên kia là miếng ăn cực nhục! Bên này là đói khát, tự do!
                      Có lẽ thượng đế ban cho cõi đời một màn đêm để mà suy ngẫm. Khi bóng tối đã che phủ khắp nơi cũng là lúc trang trại vang lên tiếng gõ nồi gọi chó. Cái thứ âm thanh khô khốc như tiếng vỡ đổ trong chiều. Con Mực xù bờm, rùng mình nghe tiếng gọi! Đàn chó ăng ẳng trở về nơi máng ăn! Chỉ còn lại mình nó trong bóng tối bên bờ rào trang trại. Nó nghển đầu hít một hơi dài cái dư vị bầy đàn xa dần trong bóng tối. Xa xa chỉ còn những tiếng sủa ăng ẳng và tiếng nguyền rủa vọng về. Nó rùng mình loạng choạng quay về con đường cũ – Con đường mà đêm qua nó trở lại. Có lẽ những giọt máu vương vãi trên đường đã khô, nhưng còn nóng trong ánh nắng ngày ảm đạm. Đêm đã về, cỏ cây như cựa mình thức dậy. Sự sống như tràn ngập cõi trời, nó đắm mình trong đêm tối. Ở đâu đó xa xôi vọng về tiếng gọi! Bóng nó nhạt nhòa rồi chìm hẳn trong đêm.
                       
                      2002
                      #26
                        vuthi 15.08.2009 18:38:17 (permalink)
                        Một suy ngẫm


                         Người rách việc là người hay nghĩ, mà cũng phải thôi, kẻ khó thường hay ngẫm ngợi, so sánh! Sự đời mỗi ngày mở ra như một trang vở mới, có kẻ nhìn vào đó tối sẫm như bức vách, có người như buổi sáng tinh mơ, nhưng chung quy tất cả chúng ta đều suy ngẫm. Một ngày mới thì chưa tới, chưa qua, song chúng ta đều bắt đầu đặt vào đó biết bao nhiêu hoài niệm, trái phải và tất cả chúng ta đều phải bước tới một ngày. Chỉ có vậy, một ngày là 24 giờ chẳng kém, nó cứ lững thững đi qua đời kẻ khó và chạy biến qua mọi cuộc vui.
                        Người ta so sánh thời gian của nhau để tìm ra khác biệt vui buồn, sướng khổ nên thời gian nhiều khi cứ như kẻ vô loài ác độc, nó như cái thước, như quan tòa cho mọi suy ngẫm trên đời! Người ta mầy mò, dòm dõi nó cứ như là của lạ mà thực sự thì có gì là lạ lắm đâu, thật giản dị, buổi sáng có ánh mặt trời, về chiều có bóng đêm đó là hai cực của một ngày trôi nổi, song con người ta vẫn cứ là suy ngẫm mà tất cả có ai bỏ một giờ nào trong ngày đâu, họ tận dụng thời gian như ăn quả dừa: nước uống, cùi ăn, vỏ làm gáo, có lẽ cõi đời thật tuyệt diệu nên loài người thường hay kêu ca về nó! Có thể chúng ta là thành tinh của loài khỉ nên hay thường tò mò tinh quái như vậy, chúng ta cứ sống mà dày vò, dằn vặt nhau cho đủ hai bốn giờ trong ngày, chẳng sót phút nào mà ngơi, mà nghỉ, mà suy, mà ngẫm.
                        Thời gian cứ căng thẳng như sợi dây đàn, mà tiếng kêu là loài người tri kỷ. Họ sống trong thời gian và kêu ca về nó, có lẽ loài người khổ hơn cây cỏ vì thiên nhiên có than vãn gì đâu, người ta chiêm ngưỡng nó, song không học được điều gì ở nó, có lẽ chỉ có Lão Tử là người duy nhất thoát khỏi muộn phiền, tự hòa mình vào thiên nhiên không thiệt hơn, đừng phải trái. Mà ngẫm cho cùng, chúng ta có làm được điều gì hơn đâu! Tất cả có lẽ đều chỉ là vớ vẩn.
                        2002

                        #27
                          vuthi 15.08.2009 18:43:25 (permalink)
                          Ngôi thứ ba
                          Cái động trong cái bất động nhiều khi biến cõi đời trở thành ảo! Giữa cái thật và cái không thật khi ta không còn nhận ra nữa thì đó là mù quáng - mà mù quáng thì có lẽ là không tồn tại! Một thứ cửu chương hai lần hai là bốn mà lại không phải là bốn! Nó như một anh chàng nhà quê khẳng định mình là nhà quê bên một nhà trí thức khẳng định ta là nhà trí thức, song hai kiếp người này chẳng khẳng định được gì cho nhau cả! Họ là hai thứ nghịch lý trái chiều! Có lẽ đó là cái bất động trong cái động! Và ở đây sinh ra một chàng thứ ba! Nông dân thì cũng chẳng mà trí thức thì cũng không, hắn ta xuất hiện giữa cái nghịch lý vô cùng! Mà cái giống đời, khi hai người cãi nhau chẳng đã thì họ hay tìm đến một người thứ ba, nông dân cũng chẳng, trí thức cũng không, có lẽ con người này sẽ chẳng thiên vị cho ai được. Mà đã là người hòa giải phải như vậy mới phải lẽ! Mà cái giống đã len ở giữa thì bao giờ cũng có sức mạnh – Mà sức mạnh ghê người cơ chứ! Thế là hắn cứ lấy thừng sỏ mũi chú nông dân và lấy dây trói cổ chàng trí thức kia lại, cột chặt họ lại với nhau, kẻ áo nâu sồng bên anh chàng đeo calavat. Và mặc cho họ trong cuộc hôn phối bẽ bàng. “Cứ mặc cha chúng!” cái giống đời lửa gần rơm lâu ngày thì bén, mà rõ chuyện đời bao giờ cũng thú vị! Thuận hay nghịch cứ như đàn ông với đàn bà, họ cứ ẩn nhau ra mà lại là xích lại. Nên ngẫm cho cùng cái anh chàng vô dụng thứ ba đâm ra đắc lợi! Mà cái nghề của hắn tôi tra trong từ điển bách khoa thì chẳng nói tới, thế mới là bỏ mẹ! Nghề mà lại không là nghề, ngỗng mà lại không là ngỗng, nó cứ như là ma, là quái ẩn hiện trên cõi đời mà len vào mọi chuyện! Mà có hắn nhiều khi cũng hay, bác trí thức và cậu nông dân kia trói gần nhau lâu ngày đâm bén mùi, nhớ vị và rồi đủ tháng đủ ngày họ sinh, họ nở cũng như ai! Mà đứa trẻ trông mới thật là vui cơ chứ! Vừa có máu nhà quê vừa mang hồn thành thị! Có lẽ sau này chắc nó vừa cưỡi trâu giải toán vi phân là cái chắc. Mà dứt khoát phải là như thế. Mẹ kiếp cái sáng kiến cứ trói cổ chúng lại với nhau mà được việc thật, cũng bõ cho một cái nghề còn cao hơn cả từ điển, mà từ điển thì đã là cái gì? Hắn đẻ nốt cả ra từ điển nữa ấy chứ! Có lẽ phải thế thì câu chuyện mới tuyệt mà tuyệt thật sự chứ chẳng đùa.
                          Tháng 3/2002
                          #28
                            Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 28 trên tổng số 28 bài trong đề mục
                            Chuyển nhanh đến:

                            Thống kê hiện tại

                            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                            Kiểu:
                            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9