Xa xăm
Hơn nửa đời người với tất cả những cay nghiệt của cuộc sống
Tôi làm được gì ? nhận được những gì và mất những gì...?
Qúa khứ của một thời tuổi trẻ đầy mơ ước và khát vọng đã đi quá xa...
Dăm lần đánh mất cơ hội ,dăm lần đánh mất niềm tin để rồi bây giờ ngồi gặm nhấm nỗi tiếc nuối...
Tự nhủ lòng thôi thì bằng lòng đi với thực tại , dù biết rằng cái thực tại bây giờ cũng cay nghiệt không kém
Hạnh phúc ư ! tôi may mắn thừa hưởng một hạnh phúc thật dung dị ,một mái ấm gia đình và cuộc sống cứ từng ngày trôi qua một cách bình lặng...
Nhưng tự trong tiềm thức , cái khao khát được thoát khỏi bốn bức tường của số phận cứ chực chờ nổi loạn... Nghỉ học ...Nắng...nắng như đổ lửa ,cái nóng oi bức của buổi trưa hè cứ châm chích như muốn xé toạc manh áo mỏng manh để đốt cho bằng xạm những mảng da non nớt...Cô bé cứ lầm lũi bước ,cổ họng khô khốc vì khát ,bụng sôi ùn ục vì đói...
Đoạn đường hơn 5 cây số từ nhà đến trường và hơn 5 cây số từ trường đến nhà hôm nay như dài thăm thẳm...
Thỉnh thoảng một chiếc xe vụt qua ,một vài con mắt nhìn nó ái ngại . Nhưng cũng chỉ đựoc có thế rồi thôi . Cuộc đời là thế mà ,đâu ai từ tâm đến mức sẵn sàng giúp một ai mà không nghỉ đến việc kẻ ấy sẽ phải trả ơn mình bằng cái gì !?
Nó rất đông bạn bè , đa phần là những đứa có hoàn cảnh tương tự ,cũng có một vài bạn nhà tương đối khá giả muốn kết bạn với nó ,nó cũng chơi nhưng không thân lắm , chưa bao giờ nó nghĩ đến chuyện nhờ vả một ai kể cả việc nhỏ nhất như xin mực ,mượn bút...
Cái nghèo đã hình thành tính tự trọng trong nó , nó không muốn lệ thuộc một ai ,không muốn bạn bè nhìn nó bằng cặp mắt thương hại ,không muốn bọn nó khinh miệt.
Trong lớp nó cũng có rất nhiều con nhà giàu được ba mẹ đưa đón mỗi ngày hoặc cưỡi trên một chiếc xe mini xinh xắn (ngày đó , đứa nào sở hữu một chiếc xe đạp mini được coi như sở hữu cả một gia tài ). Nó chưa hề lân la làm quen để được đi nhờ ,nó không thích mình mang bị mang tiếng là kẻ xu nịnh . Bạn bảo nó ngang ngạnh và khó tính , ừ ! có thể nó khó tính ,có thể nó ngang ngạnh . Nhưng nó không bao giờ ngỗ ngáo . Nó học rất giỏi ,suốt năm năm tiểu học nó lúc nào cũng đứng hạng nhất ,lơ là lắm thì cũng chỉ đứng hạng nhì ,ba. gia tài duy nhất của nó là một xấp "bảng danh dự" dầy cộm thầy hiệu trưởng trao hàng tháng đựơc nó trang trọng đặt nằm trên ....một góc của giường ngủ ( nhà làm gì có góc học tập ,nó học di động thường thì trên cái bàn duy nhất đặt giữa nhà để tiếp khách , nhưng những hôm có bạn của ba tụ họp đánh cờ thì nó đành phải rút vào chiếc gường và cứ thế bò lăn ra mà học )
Lên cấp 2 ngoài chị lớp trưởng ra nó chưa hề để mình tụt hạng sau bầt kỳ một ai khác (chị ấy sau này đựoc đi du học bên Nga và bây giờ cuộc sống khá hơn nó rất nhiều ,có lẽ đó cũng là một phần của số phận chăng ? )
Nhà nghèo đến nỗi chỉ độc nhất một chiếc xe đạp cà tàng , nó cà tàng đến nỗi mỗi lần đạp là phát ra tiếng kêu cọc cà cọc cạch ...tuy thế đó vẫn là phương tiện quí giá duy nhất cho ba nó đi làm ,thi thoảng lắm nó mới được chiếm hữu một ngày (ngày nó đựơc mang chiếc xe cà tàng ấy theo đến trường lại là ngày nhà nó mất 2 lít gạo tiền lương của ba ) , dù rất thích đi học bằng xe cho đỡ mệt nhưng nó chưa bao giờ dám mơ ước được đạp xe mỗi ngày đến lớp ,tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo .
Thôi thì đành đi bộ vậy ... ...Trời chưa sáng hẳn , nó phải lồm cồm bò dậy . thao tác đánh răng xúc miệng chỉ gói gọn trong vòng 1 phút bằng một loại "kem" hỗn hợp gồm muối ăn trộn với than đã dược cà thật nhuyễn vả nhanh gọn hơn trong bộ đồng phục áo trắng quần đen ,chiếc áo được may bằng loại vải tám cứng ngắt dầy cộm , còn chiêc quần...không biết nên gọi đấy là kiểu thời trang nào ? khi nó được nối lại bằng những mảnh vải thừa lấy ra từ những chiếc quần khác ,hai ống quần đến những tám mảnh vải cùng tám loại hoa ...nhưng dù sao thì nó cũng rầt vui vì đấy là chiếc quần bằng vải mới (thường thì nó phải mặc những chiếc quần được sửa lại cho vừa với khổ người nhỏ bé của mình khi các chị vô tình làm rách một chỗ nào đó hoặc sờn mông ..(sáng kiến của mẹ cho những cái quần bị sờn mông là đảo ngược ống lên thành đáy và thế là một cái quần nhỏ hơn sẽ dành riêng cho nó )
Quãng đường dài hơn 5 cây số rồi cũng chấm dứt ,nó cắm cổ chạy thụt mạng khi chợt nghe văng vẳng tiếng trống "thùng thùng ..." gọi vào lớp ...và loáng một cái ,nó đã kịp đứng trước của lớp của mình .Thầy cô chưa bao giờ khiển trách nó trong những lúc nó vào lớp trể 5 , 10 phút vì hiểu cảnh ngộ của nó ,nhưng nó lúc nào cũng tự hứa với mình là dứt khoát không bao giờ đi học trễ ...
Nó không thể nào chịu đựng nổi những cặp mắt của bè bạn cứ nhìn chăm chăm vào khi nó bẽn lẽn xin lỗi cô thầy lý do đi trễ của mình .. ( nó là thế , ngang ngạnh và bướng bỉnh ) Nhưng nó chưa làm phật lòng ai bao giờ ,thậm chí các thầy cô đương nhiên xem nó như một tấm gương của sự vượt khó , nó không thích như vậy nên nó bằng đủ mọi cách để thật bình thường như các bạn ,nó phải dậy thật sớm ,thật sớm mới có thể làm đựợc điều nó muốn và ...nó đã làm được .
Ngay từ hồi học tiểu học nó đã có mơ ước đựơc đi du học (ngày xưa chỉ cần học thật giỏi là có thể đạt được mơ uớc ấy mà không cần phải nhiều tiền ) nên dù mẹ khuyên cách nào nó vẫn chọn khối A (anh văn ) mà không chọn khối P (Pháp văn ) để đựơc các anh chị kèm cặp ...
Nhưng mơ ước ấy đã tan theo làn bụi phấn của các thầy cô chỉ vì một cuộc cãi cọ vô lý của ba và mẹ . ( Cho mãi đến tận hôm nay ,nó vẫn không thể hiểu nổi tại sao ba và mẹ lại vô lý đến thế )
Xuất phát từ sự xót xa của mẹ khi nhìn đứa con bé bỏng của mình ngày lại ngày phờ phạc hẳn trong những buổi tan trường .Mẹ bảo ba tìm cách xin cho nó được chuyển về ngôi trường cấp hai gần nhà . Nhưng ngày ấy những người làm cách mạng ,những "cán bộ 30/4" thật đúng là những kẻ cục bộ và kém hiểu biết " Nếu chúng tôi giải quyết cho anh ,thì chúng tôi phải giải quyết cho một đống những xin xỏ khác !!! "
Mẹ nóng tính ,rất nóng tính nên : " không cho thì nghỉ ...nghỉ ...con gái thì học nhiều để làm gì ,cuối cùng cũng ...ôm con !? "
Cái vô lý này cộng cái vô lý kia để rồi nạn nhân duy nhất lại là nó ...!
Thế là hết ..Mơ ước đi du học : hết . Mơ ước được làm một nữ luật sư : hết . Mơ ước thoát ra khỏi cảnh nghèo : hết ...
Nước mắt chảy dài trên gương mặt trắng trẻo thông minh của nó ,nó khóc lóc năn nỉ ...nhưng vô ích .Ý mẹ muốn là trời muốn ,ba hiền đến nỗi chỉ biết ngồi im ... phục tùng . Nó không muốn nghỉ học ."Mẹ ơi ! con không muốn nghỉ học đâu ..."
Vô ích ! mẹ nó làm sao hiểu được khi cả đời mẹ chưa hề đặt chân đến lớp ,một chữ cắn hai không bể và cái quan niệm nam trọng nữ khinh còn in sâu trong nếp nghĩ ...!?
Con gái thì không cần học cao ..con gái thì không cần hiểu rộng !!!
Mẹ ơi ! con gái thì sao ? Con không hiểu mẹ ,không tài nào hiểu mẹ ...
Một tuần lễ trôi qua...
Cứ mỗi sáng sớm là nó bật dậy theo thói quen ,thay đồng phục theo thói quen và chờ đợi mẹ lên tiếng cho phép...nhưng mẹ hình như không hiểu nỗi khao khát được đi học của nó . Sự tức giận đã lấn át lý trí mẹ rồi chăng ?
Nó nhìn mẹ và nhận lầy cái liếc mắt giận dữ : " đi vào ! đã bảo nghỉ học là nghỉ học ,không được cãi...! ".Nó lũi thũi quay vào , lũi thủi thay bộ đồng phục ra và âm thầm rút vào một góc nhà để khóc...Nó chưa hề cãi mẹ bất kỳ điều gì . Nó sợ mẹ hơn sợ ba . Ôi ! giá mà ba lên tiếng ,giá mà ba có thể quyết định mọi việc trong gia đình . giá mà ba giỏi hơn mẹ nó một chút...Nó không thích tính hiền lành của ba một chút nào - hiền lành đến nhu nhược.tất cả mọi chuyện dù lớn hay nhỏ đều phải do mẹ quyết định , một cái chế độ mẫu hệ nửa vời dần hình thành trong gia đình nó . Nó nhìn ba bằng cặp mắt van xin cầu cứu...nhưng vô ích !
Không ai thương nó... À không ! mẹ thương nó lắm ,mẹ không chịu đựng nổi cảnh nó ngày ngày lội hơn 10km đi về...Nhưng tình thương đầy ích kỷ ấy đã vô tình hất đổ cái mơ ứơc nhỏ nhoi mà nó nung nấu từ lúc nhìn thấy tên nó được nằm trong danh sách những thí sinh đậu vào lớp đệ thât ( thi vào lớp 6 ngày ấy gọi bằng thi đệ thất ) . Trường trung học lúc ấy tuyến sinh rất khắt khe ,cả lớp của nó gần 40 học sinh thế mà ngoài nó ra chỉ có thêm bốn bạn khác thi đậu thôi
Cảm giác hụt hẫng nó khó chịu đến như thế nào chắc có lẽ không ai hiểu được
Nó hụt hẫng đến chới với...
Nó buồn như chưa bao giờ buồn...
Nó cảm thấy cả bầu trời như tối sầm...
Nó lặng lẽ khóc...khóc mãi...khóc mãi...và ngủ lịm đi trong góc nhỏ của ngôi nhà.
...................
Huỳnh Gia
...Hồi còn nhỏ nó đựợc nghe kể rất nhiều lần chuyện cổ tích Tấm Cám ,nó thích nhất là ông bụt hiền lành và tốt bụng ,ông đã luôn luôn kịp thời hiện ra để thực hiện mơ ước của cô Tấm . Nó lầm thầm khấn nguyện ông bụt hãy hiện ra trước mặt để xin mẹ giúp nó...nó thầm thầm khấn mãi khấn mãi.... Quay về lớp học. Nó bắt đầu tập hiểu là kể từ hôm nay nó không còn được tiếp tục đi học , Nó bắt đầu tập cho mình quên đi thói quen dậy đúng giờ như thường lệ mỗi buổi sáng sớm. Nó bắt đầu tập cho mình thói quen quên đi khỏang thời gian học và làm bài mỗi buổi tối sau giờ cơm. Nó bắt đầu tập cho mình thói quen bơm cho đầy ống mực vào cây bút xinh xắn...Vì nó biết rằng bây giờ việc cắp sách đến trường là việc khó khăn nhất mà sức nó không thể nào vượt nổi Buổi sáng ,nó không buồn bước chân xuống giường dù thói quen dậy thật sớm vẫn chưa bỏ được. Nó không dám bước ra cổng nhà vì nó không tài nào ngăn được không khóc khi nhìn thấy từng tốp , từng tốp các bạn cùng trang lứa đang tung tăng cười nói với nhau trong những bộ đồng phục tươm tất đi ngang qua ngõ. Thời gian bây giờ đối với nó thật là dài... Nó bỗng bừng tỉnh giấc , không tin vào những gì nó đang nghe thấy , nó lồm cồm ngồi dậy thật lẹ và chạy ào lên nhà khi nghe giọng nói quen thuộc của cô giáo dạy văn chủ nhiệm lớp nó . Cô đang nói chuyện với mẹ ở nhà trên . Nỗi mừng vui hiện rõ trong đôi mắt nó , nó chạy vụt lên nhà và đứng nhìn cô trân trối mà quên cả chào hỏi . Ông bụt hiện đến rồi chăng ?
Cô giáo chào mẹ nó ra về sau khi đưa mắt nhìn nó và nháy nháy....cái nháy mắt của cô thật nhiều ý nghĩa . Nhưng tiếc là cô chỉ nháy đựơc mỗi lần đó...
Con người luôn gắng liền đời mình với cái gọi là số phận , nó chưa hiểu số phận là gì bởi nó vẫn còn quá nhỏ , còn tuổi học tuổi chơi...
Nó chỉ biết vui thật vui lúc đó . Vậy là từ ngày mai nó sẽ lại được đến lớp , sẽ được gặp bạn bè ,sẽ được hoà mình vào cái thế giới mà nó đã vạch sẵn cho nó từng bước đi....
Ngày mai , nó sẽ ôm hôn nhỏ bạn gái thân nhất ở gần nhà ngay trứoc mặt các bạn vì nó biết nhỏ bạn đã giúp nó ( chính nhỏ ấy đã cùng khóc với nó khi biết nó không được đi học và cũng chính nhỏ bạn ấy hứa sẽ năn nỉ cô giáo đến nhà xin mẹ...)
Ngày mai...ngày mai...cả bầu trời như bừng sáng , nó nhìn đâu cũng thấy đẹp
Nó khe khẽ hát....chạy tung tăng...tung tăng...khắp nơi
Ngày mai nó sẽ không xin mẹ tiền ăn sáng
Ngày mai nó sẽ dậy sớm hơn để đến lớp sớm hơn
Ngày mai...nó sẽ ngoan hơn
Nó tự hứa cho những gì tốt đẹp của ngày mai...
Còn ngay hôm nay , bao nhiêu là bài bị bỏ sót đang chờ nó học và làm cho xong , cũng may là nhỏ bạn đã dành cả một ngày chép bài giúp nó còn nó thì cắm cúi học...học...và học
Ngày mai thôi...
.....................==============................................
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn thường hay ước ao : giá như cuộc sống của tôi khá hơn ,đầu óc không còn phải lo toan vất vả cho từng miếng cơm manh áo có lẽ tôi sẽ tiếp tục cắp sách đến trường để học ...
Ý chí của con người thì ra cuối cùng cũng không thoát ra khỏi số phận . Bằng lòng với số phận
Ngày ấy lớp của chúng tôi bao giờ cũng vượt trội so với các lớp khác về mọi mặt như học tập ,lao động ,văn thể mỹ . Ngày ấy phong trào văn nghệ và báo chí báo tường trong khối trường học vô cùng sôi nổi ,hầu như ngày lễ nào trong năm nhà trường cũng tổ chức thi đua làm báo tường . Những ngày lễ quan trọng thì cắm trại , đương nhiên những cuộc cắm trại không thể nào thiếu vắng những chương trình thi đua rồi . Với vai trò lớp phó văn thể mỹ ,tôi tham gia bằng tất cả năng lực và nhiệt tình của mình . Và lớp tôi bao giờ cũng là lớp điểm , lớp tiên phong...
Thầy Quang Nhường dạy toán đặt biệt yêu thương lớp chúng tôi hơn các lớp bạn .Thầy có khuôn mặt của một lãng tử ,một tâm hồn của nghệ sĩ hơn là một thầy giáo . Ngoài những tiết học bao giờ thầy cũng nán lại để dạy chúng tôi hát ,dạy chúng tôi múa...Hoăc những ngày chủ nhật , chúng tôi tụ tập đến căn hộ thầy ở để học chữ , học hát , học cả đàn nữa...Đã mấy chục năm rồi ,bây giờ thầy ra sao tôi cũng không biết...
Cầu nguyện cho thầy sự bình an .
Đó là những tháng ngày rất đẹp của tuổi học trò mà cho đến bây giờ nó hằn rất sâu trong ký ức của tôi...
Năm tôi học lớp 9 ,chiến tranh biên giới Tây Nam bỗng nổ ra dữ dội , Hàng ngày những quả bom từ bên kia biên giới luôn chực chờ đổ ập bất cứ nơi nào ,có nhiều lúc đang đi trên đường phải nhảy ào xuống những cài hầm dã chiến nằm cách khoảng ở hai bên lề đường khi nghe tiếng đề - pa. Một lúc sau khi không gian tương đối yên tĩnh ,chúng tôi lại trèo lên và cố rảo bước thật nhanh cho kịp đến trường (hay về nhà ) Cuộc sống đã khắt nghiệt lại cộng thêm khắt nghiệt...Nhiều lúc đang học , cả thầy lẫn trò phải chạy ào đến hầm để tránh những đợt pháo kích . Những tiếng ầm đùng vang lên chát chúa , miểng bom bay xổn xoảng xung quanh những căn hầm trú ẩn của thầy trò chúng tôi ,rơi loãng xoảng trên mái tole của lớp học , sự sống và cái chết hình như chỉ cách nhau trong gang tấc.... Chiến tranh tưởng đã dẩy lùi sau ngày 30/4 , thế nhưng nó vẫn lãng vãng cho đến những năm sau đó...mãi cho đến ngày Cam - pu - chia thật sự hoà bình
Những tháng ngày ấy ,tôi và các bạn đã vất vả biết bao .lo sợ biết bao Và tôi - cũng trong những tháng ngày ấy đã dừng lại và buông rời bao hoài bão lẫn ước mơ trong một nỗi buồn tưởng không có gì xóa nổi.
Thật ra tôi cũng có thể giống như các bạn , kiên trì bám lớp học dù cho có vất vả như thế nào. Nhưng...cái tình thương đầy ích kỷcủa mẹ đã không cho phép tôi có sự chọn lựa nào khác. Con đường tương lai của tôi đành phải cắt ngang trong những tháng ngày căng thẳng đó...
Tôi không muốn kể tỉ mĩ mọi việc . Có thể mẹ có cái đúng của mẹ , đã là chiến tranh thì chuyện gì cũng có thể xảy ra... Thôi thì cái số phận đã dành sẵn cho tôi ,tôi phải đón nhận nó thôi
Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn thường hay nằm mơ thấy mình đến lớp ,có thể cái khao khát được học nó sẽ đeo đẳng tôi đến suốt đời này ....
Một bước ngoặt của cuộc đời ...cho tôi và cho những bước đường gian khó đang chờ đón tôi ở phía trước... Huỳnh Gia
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.03.2009 23:19:39 bởi Huỳnh_Gia >
Tuổi thơ của tôi lặng lẽ trôi đi trong nỗi khó khăn đến cùng cực , đôi lúc tôi tự nhủ liệu các bạn trẻ bây giờ có vượt qua nổi như chúng tôi lúc ấy hay không nếu cuộc sống lại thêm một lần rơi vào khốn khó như những ngày ấy....?
Vựơt sóng... Cái mốc lịch sử 30/4 , tôi chưa hình dung được sẽ mang lại cho tất cả mọi người trong đó gia đình tôi cái gì gọi là hạnh phúc khi được sống trong không khí hòa bình .Tôi chỉ loáng thoáng nghe chữ "hạnh phúc , ấm no"...còn thực tế thì...bao nhiêu là gian khó khổ cực bắt đầu đổ ập đến ...
Trong những năm mới giải phóng ấy cái đói lúc nào cũng chực chờ đe dọa . Gia đình tôi vốn đã nghèo giờ lại càng thêm nghèo ,tiền bán những chiếc nón lá do mẹ và chị tôi làm ra không đủ trang trải cho chi tiêu hàng ngày. Đã thế mẹ lại lâm bệnh nặng ,tất cả gì có thể bán đựơc đều mang đi bán để có tiền điều trị cho mẹ ...Thậm chí chỉ cần cái áo hoặc cái quần nào còn mới là các chị tôi cũng phải mang ra chợ trời bán mắc bán rẻ để đổi lấy hai bữa cơm cho gia đình ( một mình ba làm sao cưu mang nổi cả gia đình gồm 9 miệng ăn) . Gánh nặng bắt đầu sang tay ba chị em chúng tôi ,hai chị tôi bắt đầu tìm đủ mọi nghề để xoay xở , lúc thì vạt mì phơi khô để bán , khi thì ngồi đổ từng cái bánh tráng ép nhuôm màu xanh đỏ , lại có lúc phải thức từ 1 giờ khuya mỗi ngày chiên từng cái bánh chuối... để mang ra chợ bán . Tôi bây giờ cũng không còn đầu óc đâu để mà mơ học mơ hành gì nữa ,cái đói đang chờn vờn trước mắt...
Mười lăm tuổi đầu ,tôi đã biết bương bả ngoài chợ để kiếm tiền giúp gia đình như bán củ mì nấu , bán trái cây ,bán tương chao thậm chí đi "buôn lúa lậu" , gọi thế vì ngày ấy lúa thu hoạch xong rất khó vận chuyển từ nơi này đến nơi khác nếu không có giấy phép đã đóng thuế cho các trạm kiếm soát (trạm kiểm soát thì mọc khắp nơi ). Từ nhà đến khu Bến Đổi thuộc địa phận Cẩm giang là một đoạn đường rất xa , xa gấp mấy lần đoạn đường từ nhà đến trường học , ngày hai lần tôi cùng đứa em trai nhỏ hơn tôi một tuổi phải gò mình trên hai chiếc xe đạp ( nhà tôi bây giờ đã mua được thêm một chiếc xe đạp cũ mèm để làm phương tiện ) chở trên baga hai thùng lúa cố lòn lách cho qua được trạm kiểm soát để mang về chợ Long Hoa bán lại cho lái kiếm tiền lời . Muốn kiếm được nhiều tiền hơn , bận đi tôi mang theo những cây kẹo đậu phộng mua từ chợ và mang đổi với thợ gặt để lấy từng lít lúa gom lại cho đủ thùng để chở về....
Cái nghèo cái khổ đã vô tình dập những mơ ước của tôi - một cô bé mười lăm tuổi tắt ngấm . Hiện tại tôi chỉ còn biết phụ chị lo cho hai bữa cơm của gia đình . Tìm đâu ra những tháng ngày vô tư lự chỉ biết tung tăng ca hát ,tìm đâu ra bè bạn thầy cô , tìm đâu nữa ...! Một cái mốc của cuộc đời...
Nghèo - đói , hai con chữ tưởng như đơn giản thế lại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hai con chữ sống - chết tiếp theo nó.
Sau ngày giải phóng , bao nhiêu lương thực đều được tập trung cả về miền Bắc để ổn định cuộc sống sau chiến tranh ,thế là Miền Nam -sau chiến tranh lại phải gánh tiếp nỗi khốn khổ của nghèo - đói và dịch bệnh...Mỗi buổi sáng thức dậy ,việc chúng tôi nghĩ đến trước tiên là hôm nay làm gì có tiền để mua gạo...?
Cuộc sống của gia đình chúng tôi cứ xoáy mãi theo dòng xoáy của sự nghèo - đói cho đến lúc không còn cách nào khác là bỏ nhà lên rừng khai khẩn đất hoang để tìm nguồn lương thực mới...
Cuộc sống xoay sang một chiều hướng khác...Bàn tay nhỏ nhé chưa làm việc nặng của tôi bắt đầu hiện lên những đốt phồng rộp chảy nước...và tiếp theo đó là sự hình thành của những vết chai sần thô ráp...
Không làm thì lấy gì mà sống???
Hầu như tất cả những công việc nặng nhọc của đồng áng như trỉa lúa , làm cỏ mía , đậu...cắt lúa, hái đậu...trồng - chặt mì...và cả việc nặng nhọc và khó chịu nhất là chặt mía , tôi đều nhúng tay vào làm , làm tất chỉ vì miếng cơm manh áo.
Làn da trắng mịn màn của cô bé 17 tuổi đầu dần đen xạm khô ráp vì nắng -gió , nhưng lúc ấy tôi không còn quan tâm đến đều gì khác ngoài việc cắm đầu mà làm với mong ước một ngày nào đó gia đình thoát khỏi cái đói....
"Không làm lấy gì mà sống ???" Lúc đó trong đầu tôi - một cô bé đang ngấp nghé tuổi mộng mơ chỉ còn hiện hữu duy nhất suy nghĩ ấy... "Không làm thì lấy gì mà sống " ...................... Huỳnh Gia
.......
Tôi và mùa đông
Là đứa con của vùng đất miền đông Nam bộ quanh năm chỉ có hai mùa mưa - nắng . Lại sinh ra vào tháng 3 , lúc ấy vẫn còn là mùa xuân , có lẽ cả đời mình tôi sẽ không có được diễm phúc được nhìn thấy bốn mùa thay phiên nhau đi qua trong một năm . Ngòai mùa Hạ vàng rực nắng kèm theo tiếng ve kêu râm ran cùng mùa Xuân ấm áp với ngàn hoa đua nhau khoe sắc và những chộn rộn tất bật cho cái tết cổ truyền ra tôi sẽ không được thả hồn ngắm những chiếc lá vàng bay theo gió của mùa Thu , mùa làm nao lòng những ai có tâm hồn thi sĩ - và lặng mình ngắm cái đẹp rất lạ của mùa đông giá rét với băng - tuyết và những cơn gió như xóay sâu vào lòng người ở những vùng địa đầu của đất nước .
Ở nơi tôi sinh ra chỉ có mưa và nắng , bắt đầu từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 đã là mùa nắng - nắng lúc này không hét lắm vì ảnh hưởng bởi cái lạnh của mùa đông từ phía Bắc tràn vào -Khoảng thời gian của tháng 10 thì mùa đông (có thể gọi như thế ) bắt đầu đến... thi thoảng chỉ nghe lất phất cái se se của những cơn gió mùa bị lạc đường ... Cái gọi là mùa đông ấy ở nơi tôi không đủ lạnh đến căm căm nhưng cũng đủ để hầu như tất cả mọi người nhất là đám trẻ thi nhau khoe những chiếc áo ấm - áo khoác đủ màu đủ kiểu ...
Mùa đông của quê tôi chỉ có như vậy thôi - thoáng qua và đi mất - Thế nhưng không hiểu vì sao Tôi lại thích mùa đông đến lạ ....
Tôi thích cái cảm giác như mơn man da mặt - thích những cơn gió lồng lộng vào mỗi buổi sáng sớm như xoáy tê vào từng thớ thịt . Thích cái nắng nhè nhẹ e ấp và dịu dàng cứ như cô gái mới lớn đang nép nhẹ vào vòng tay mạnh mẽ bao la của chàng gió ...Thích được cuộn tròn trong chiếc chăn thật dày để cảm nhận sự cách biệt rạch ròi của hai mảng không gian ...
Rất thích ...Nhưng ...
Mùa đông của tuổi thơ tôi là một chuỗi những vất vả nối tiếp nhau diễu hành trên đoạn đường đời rộng lớn , không hề được nũng nịu nằm co tròn trong vòng tay mẹ như những những đứa trẻ cùng trang lứa hệt những chú gà con mới nở đang cần được che chỡ bảo vệ ...
Mùa đông của tuổi thơ tôi là những giây phút dang mình giữa cái lạnh căm căm của mùa gặt lúa - trên đôi tay là những xâu kẹo đậu phộng và những chiếc bánh ngọt ...lang thang khắp các bờ đê gập ghềnh , lõm chõm những viên đất bùn to - nhỏ bị nắng phơi cô cứng đến phồng rộp đôi bàn chân nhỏ bé , mắt dáo dát nhìn khắp mọi nơi mong chờ cái ngoắt tay hay tiếng gọi " Này cô bé !" mà đổi lấy những lít lúa vừa mới đập còn thơm mùa rạ ...và như thế , suốt cả buổi có khi chỉ gom được chừng vài chục lít mang về chêm vào chiếc thùng được ba tôi ghép lại bằng 4 tấm ván mỏng làm "kho" lương thực cho hơn 10 miệng ăn lớn nhỏ trong nhà và làm vốn mua lại những xâu kẹo , những chiếc bánh cho ngày hôm sau của những lập lại tương tự...
Mùa đông của tuổi thơ tôi ngày ấy là những đêm phải thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng để phụ ba - má và các anh chị nắn từng cái bánh chuối nho nhỏ rồi chiên phồng lên kịp cho buổi chợ sớm - cái lạnh tạm thời được đẩy lui một lát vì bên cạnh mình là cái bếp lửa đỏ rừn rực ... Nhưng rồi ...khi buông tay để chuẩn bị cho một buổi học mới - cái lạnh cộng cái buồn ngủ đủ khiến tôi vừa đi vừa chạy lại vừa có cảm giác như đang bay lơ lửng trên mây ...mãi cho đến lúc giật bắn cả mình khi nghe tiếng trống dồn dập gọi vào lớp học ...
Mùa đông của tuổi thơ tôi ngày ấy không hề có diễm phúc được cùng các bạn đồng trang lứa khoe khoang những chiếc áo ấm đủ màu sắc . Trên tấm thân mỏng mảnh gầy gò là 2 chiếc áo chồng vào nhau ( một ngắn tay và một dài tay ) Cái lạnh tuy không đến đỗi cắt da nhưng cũng đủ cho một cô bé 9-10 tuổi phải cắn chặt hai hàm răng đang đánh vào nhau cầm cập , cả người run lên bần bật và đôi tay bé nhỏ phải xoa liên tục vào như để tìm dù một chút hơi ấm ...Như thế có lẽ dường như đã đủ để qua một mùa đông ... một mùa đông chưa thật sự gọi là mùa ...
Lớn lên một chút ... mùa đông của tôi là những buổi chiều đạp xe hàng chục cây số để chở những bao bột mì về cho các chị đổ thành những chiếc bánh đủ màu sắc và những buổi sáng phải lội bộ đi và về hơn 12 km để đến trường cùng thầy bạn ...
Mùa đông của tôi tiếp sau đó là những khốn khó - đói nghèo , có những buổi phải nấu khoai ăn thay cơm ...có những buổi phải ăn rau muống nấu với mì sợi thay cơm và có những buổi phải nằm co quắp vì không còn gì để ăn ...Đêm các anh chị em phải nép chặt vào nhau chờ thân nhiệt tỏa ra thay chăn ấm ...
Những mùa đông sau đó nữa là những lận đận lao đao , gian nan đến đỗi không thể tiếp tục học lên đại học như các bạn cùng trang lứa dù tôi thừa khả năng chỉ vì ... không có tiền ...Gian nan đến đỗi phải lăn lóc ngoài chợ từ sáng sớm với thúng khoai mì nấu còn đang bốc khói để đổi lấy đồng tiền ít ỏi cho chi tiêu trong nhà , gian nan đến đỗi đêm nào cũng phải thức đến hơn 12h khuya với cái tủ thuốc lá lẻ - đậu phộng , hạt dưa ...trên tay trong những buổi ca nhạc cải lương ngoài bãi hát để thành quả sau đó là mâm cỗ đơn giản cho ngày lễ - tết ...Cái rét căm căm thấm vào lòng thật sự khi một thân một mình cố rảo bước thật nhanh về nhà trên quãng đường vắng vẻ vào lúc hơn nửa đêm - Cái sợ hãi bóng đêm - sợ cái gọi là "ma" cộng thêm cái lạnh của gió đêm ...tất cả hòa quyện vào nhau đủ làm cho đầu óc như tê dại hẳn đi ...
Những mùa đông tiếp theo đó của tuổi 17 - 18 là những ngày phơi mình trên nương rẫy với đủ những việc đồng áng như chặt mía - làm cỏ -nhổ mì - trỉa và thu hoạch lúa đậu v..v...và v ..v.. Hầu như tất cả mọi việc liên quan đến đồng áng tôi đều có thể làm đựợc ...và làm rất giỏi là đằng khác . Sáng sớm chỉ cần một vài chén cơm cùng một ít khô - mắm đơn giản - Tôi lại bắt đầu với một ngày mới của mình với hàng khối những công việc vượt quá sức cô bé với cơ thể nặng chưa đầy 40 kg . Lúc ấy mùa đông đối với tôi là một người bạn vô tình và nhẫn tâm nhất . Dù hiểu thế , bản thân tôi đâu còn cách chọn lựa nào khác , tất cả chỉ vì miếng cơm và manh áo ...
Mùa đông ngày xưa ...của tôi...là như thế ...
Tôi chỉ có thể hưởng cái cảm giác đắm mình trong mùa đông một cách thích thú thật sự khi bước vào ngưỡng cửa 20 , chỉ có thể tận hưởng cái cảm giác lâng lâng trong gió bấc khi cùng đám bạn làm chung cơ quan lang thang khắp nơi trong những đêm noel lạnh lẽo và đầy gió ...
Ngày ấy tuổi 20 -Tôi chỉ là một cô gái vừa rời khỏi rẫy nương - người đen nhẻm , mặt đầy những đốm tàn nhang - quê mùa và thô kệch .
Tôi không phải là một cô gái đẹp đúng nghĩa của nó - Tôi chỉ mang dáng dấp của một thiếu nữ mảnh mai trắng trẻo và tương đối dễ nhìn , nhưng sau những năm tháng tuy ngắn được dầm mình trong nắng gió , cái trắng trẻo thư sinh ấy tạm thời được phủ một lớp sạm sạm ...cái mảnh mai yếu đuối ấy tạm thời được che chắn bởi sự chắc lõi của những tháng ngày lao động cực nhọc ...Mãi rất lâu , những vết chai cứng trên đôi bàn tay nhỏ bé thon dài của tôi mới dần dần tan đi trả lại cho tôi dáng vẻ ban đầu của nó ...
Những mùa đông năm sau nữa ... Tôi thật sự tạm gát lại những cam go vừa trải qua của cuộc sống để hòa mình vào tập thể của một Cty thuộc nghành văn hóa -"Cty phát hành phim và chiếu bóng ". Bằng sức sống hừng hực của tuổi trẻ - Tôi kịp hòa mình hưởng thụ những đam mê - những thành công nhất định bằng chính khả năng thiên phú của mình ...Mùa đông bấy giờ đối với tôi thật là tuyệt vời đến lạ lẫm ...Tôi hát - Tôi rong chơi - Tôi nhảy múa - Tôi như cánh chim nhỏ được bay vào khung trời xanh bao la và trong vắt ... Tôi bắt đầu cho cuộc dạo chơi không mệt mỏi - Tất cả những gì được xem là năng khiếu - là sự thông minh của khối ócđang bị kìm nén từ bấy lâu , nay được dịp bừng sáng lên như ngọn lửa . Tôi như quên hết những gì không vui đã qua để bắt đầu cho một sang trang đầy hấp dẫn và lý thú ...
Tôi và mùa đông cùng bước vào đời ...
" Cán bộ tuyên truyền phim" là chức danh cuối cùng và tương đối có uy tín nhất trong ngành mà tôi có được . Những mùa đông tiếp theo , tôi được đi khắp các trường học - cơ quan lập danh sách hội viên thành lập CLB người yêu phim .Đựơc đi khắp nơi mỗi dịp lễ -tết để tuyên truyền phân tích và giới thiệu nội dung những bộ phim hay sắp được công chiếu ,được đi khắp nơi để thuyết minh cho những bộ phim nước ngoài nhằm phục vụ các chiến sĩ biên giới - thao trường ...Được đi khắp nơi để giao lưu học hỏi những kình nghiệm trong ngành ...Đi khắp nơi để làm quen với phong cảnh đẹp của quê hương .
Chỉ tiếc là những trong lúc những đam mê của tôi còn đang nóng bỏng thì đột ngột cty phải giải thể sau một thời gian sát nhập với cty nhiếp ảnh và bị thua lỗ . Áp lực của nền kinh tế đang suy thoái thời bấy giờ và quy luật của sự đào thải là việc tất yếu không thể nào tránh khỏi sau thời kỳ bao cấp. Tôi và mùa đông của tôi từ đó phải dừng lại nơi khúc ngoặc mới - khúc ngoặc với hàng chuỗi những cam go vất vả mới - Khúc ngoặc đẫm nhiều nước mắt nhất- Khúc ngoặc đáng nhớ nhất nhưng cũng đáng quên nhất của cuộc đời ...mà tôi sẽ đề cập đến vào dịp khác ...
Mùa đông của tôi chỉ là thế - nó không hẳn đơn giản như mùa đông của nơi tôi ở - cũng không quá khắt nghiệt như những mùa đông thật sự của băng giá - tuyết và mưa ...của xứ người ...Nhưng suy cho cùng đã gọi là mùa đông cho dù có nửa vời hay đúng nghĩa thì tất nhiên dù ít , dù nhiều bản thân nó vẫn là sự giá rét . Tôi - nó và những năm tháng tuổi thơ đã từng có những bước song hành như thế đó ...
Nhưng , cho dù bốn mùa có thay đổi như thế nào - Cho dù cuộc đời tôi có thăng trầm như thế nào , ở một khía cạnh khuất lấp nhất nào đó của trái tim tôi , mùa đông vẫn là mùa Tôi yêu thích nhất mà không thể giải thích nổi "vì sao ?"
Huỳnh Gia
Viết xong vào lúc 0h15 ngày 21-11-2009
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.12.2011 21:28:57 bởi Huỳnh_Gia >
Đã mang vào thư viện
Chúc Huynh_ Gia luôn vui
HG cảm ơn Cly nhé !
Đây là những hồi ức chân thật nhất từ chính cuộc đời người viết , HG sẽ cố gắng viết...như là một kỷ niệm của đời người
Đội chiếu bóng nữ - Một thời để nhớ...
Tôi từng tự hứa với mình rằng bằng khả năng có thể sẽ cố gắng viết một chút gì đó , dù chỉ một chút thôi gọi là hồi ức để tặng cho khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình . Khoảng thời gian của những ngày tháng có thể gọi là bắt đầu chập chững bước chân vào đời , khoảng thời gian ấy dù không dài lắm nhưng rất thú vị đối với tôi , đó chính là khoảng thời gian được nhận công tác làm một cô công nhân máy chiếu của một đội chiếu bóng .
Ngày hôm nay , sau buổi họp mặt của nhóm bạn CB của ngày xưa , khi nhìn những mái tóc đều đã lấm tấm những sợi bạc đang cùng ngồi lại bên nhau vui cười rộn rã và ôn lại từng kỷ niệm , cảm xúc như bừng lên trong tôi và thế là bây giờ tôi quyết định không chần chờ nữa ...Tôi sẽ viết ...
.......................................
Từ đây cho đến cuối năm chỉ còn gần hai tháng ngắn ngủi, hai tháng cho tôi bước qua tuổi mới -Tuổi 50 . Với gần 50 năm có mặt trên cuộc đời này tôi dường như nếm trải gần đủ cả mọi thứ ...hạnh phúc cũng có , bất hạnh cũng có , thành công có - thất bại có - Vui có - buồn có - chán nản có - hy vọng có , tuyệt vọng cũng đều có cả ...v..v...
Nhưng có lẽ trong khoảng thời gian của gần 50 năm đã đi qua trong cuộc đời này , thì khoảng thời gian của hơn 10 năm làm việc trong ngành chiếu bóng chính là khoảng thời gian đẹp nhất , khoảng thời gian đã để lại cho tôi nhiều " thước film tư liệu" đáng nhớ và đáng để nâng niu nhất ...
( Chuyện công tác trong thời bao cấp thì có lẽ ai từng trải qua cũng đều hiểu rõ , ở nơi đây tôi chỉ kể về một khía cạnh nào đó rất nhỏ nhoi được gọi nôm na là " Kỷ niệm "của riêng tôi )
Mười năm tuổi trẻ tôi lúc ấy là 10 năm của sự lăn xả trong công việc không hề biết nhàm chán , của khát vọng về một tương lai tươi tắn , của mối tình đầu rất ngây ngô của một thời con gái và của những gì được xem là lãng mạn nhất của đời người ...
Ngày ấy tôi là một cô gái vừa tròn 20 tuổi chân ứơt chân ráo từ vùng kinh tế mới quay ngược trở về nhà để bắt đầu cho một bước ngoặc mới ...Đi làm cho một cơ quan thuộc ngành văn hoá thông tin . Một chút e dè ngượng ngập , một chút bỡ ngỡ , một chút lo lắng bất an ...v...v...rất nhiều "một chút" đã đến với tôi trong ngày đầu nhận tờ quyết định nhân sự của lãnh đạo . Bắt đầu từ hôm đó , tôi chính thức bước vào môi trường mới , môi trường tập thể , là một công nhân viên của một cơ quan nhà nước .
Thủ trưởng của cty tôi ngày đó là một phụ nữ năng động, cầu tiến và đầy nhiệt huyết , chị được thuyên chuyển phân cấp từ cty phát hành phim và chiếu bóng tỉnh về quản lý cty chiếu bóng huyện . Việc đầu tiên của chị sau khi ổn định nhân sự là trình ngay lên cấp trên văn bản đề nghị thành lập đội chiếu bóng nữ - đội chiếu bóng nữ đầu tiên của cả nước . Sáng kiến đựơc xem là táo bạo lúc bấy giờ đã được các vị lãnh đạo của sở VH nhanh chóng phê duyệt . Thế là đội ngũ chiếu bóng nữ được ra đời trong đó có tên tôi , chúng tôi gồm 5 cô gái tuổi trên dưới 20 được đào tạo cấp tốc trong vòng một tháng khoá sơ cấp quản lý và vận hành máy chiếu để kịp chiếu phục vụ nhân dịp ngày 2/9 - ngày quốc khánh - ngày khánh thành bãi hát ngoài trời của xã Hiệp Ninh ( Bây giờ là phường 4 thuộc địa bàn thị xã TN ) .
Ngày đó không có net , chưa có phim vidéo .... Vì chưa có nhiều phương tiện giải trí như bây giờ nên ngoài giờ học , giờ làm lụng trong ngày , người dân chỉ giải trí bằng cách mua vé vào các bãi hát để coi ca nhạc - coi cải lương và thịnh hành nhất là đi coi phim .
Phim lúc ấy toàn là phim nhựa được du nhập từ các nước XHCN rất nhiều . Nhiều nhất là phim Liên Xô ( nhưng không hiểu vì sao người xem không yêu chuộng lắm những bộ phim của quốc gia đứng đầu khối liên bang xô viết này )nên phim của các nứơc XHCN như Tiệp Khắc( Cộng hoà Czech ) - Bungary - Đức - Ba lan và một số nước khác vv...rất ăn khách , nhất là khi chiếu những bộ phim thần thoại hoặc tâm lý xã hội ...những đêm đó thường là 1-2 ngàn vé có lúc nhiều hơn( những ngày lễ tết , có đêm lên đến trên dưới 4 ngàn vé ) cho 1 suất chiếu .
Phim chuyển về với Cty chúng tôi hàng tuần theo sự sắp lịch của ngành dọc , tức là Cty CB Huyện chịu sự quản lý chuyên môn của cty chiếu bóng tỉnh , cty chiếu bóng tỉnh lệ thuộc từ lịch phân phối của fafilm thành phố HCM - Pafilm Thành phố lại lệ thuộc Fafilm trung ương ... Nó lòng vòng dây nhợ dài ngoằng như thế , nên việc một Cty cấp huyện chủ động lựa chọn phim để chiếu là không thể .
Ngoài những công tác đơn giản như bán vé - kiểm soát vé thì hai khâu chuyên môn quyết định " vận mệnh đêm chiếu " chính là thuyết minh phim và công nhân vận hành máy chiếu . Tôi cùng một cô bạn cùng lúc về đơn vị mới đã được "ưu ái" nhận nhiệm vụ đảm trách một trong hai khâu quan trọng đó :" Cô công nhân máy chiếu "
Lúc nhận quyết định công tác , trong tôi thích thú lắm - háo hức lắm , nhưng đến khi được bàn giao tài sản nhìn thấy hai cổ máy vuông vuông 35 ly của Liên Xô mỗi cổ nặng mấy chục kg đang nằm trong 2 chiếc thùng gỗ hình chữ nhật kia ...chúng tôi mới giật mình hốt hoảng , với 2 thân hình cao chưa đầy 1m60 của hai cô gái mảnh mai yếu đuối nếu mang cân dồn lại nhiều lắm cũng chỉ nặng chừng hơn 80kg thì chuyện hàng ngày phải nâng đặt lên 2 chiếc chân máy cao khoảng hơn 1m tựa như chiếc kiềng ba chân sừng sững kia và bắt ốc vít vào cho chắc chắn rồi sau khi chiếu xong phải khiên hạ xuống cất vào 2 cái thùng gỗ hình chữ nhật xanh xanh màu hy vọng kia ...là chuyện nhất thời không tài nào làm nổi ,bên cạnh đó còn một số công việc lẻ tẻ có liên quan đến điện như bắt loa , đi dây điện , câu bóng đèn thắp sáng , đèn thuyết minh .v.v... đã đủ phức tạp . Nặng nhọc không kém là khâu dựng tấm màn ảnh rộng , tấm vải làm màn ảnh rộng là một tấm vải bạt rất chắc trắng tinh có chiều rộng khoảng 4-5 m gì đó ( tôi không nhớ chính xác ) được may viền xung quanh bằng một tấm vải khác màu xanh dương đậm , mục đích để hạn chế độ nhoè của ánh sáng nếu cự ly từ máy chiếu đến màn ảnh không đúng khoảng cách cho phép , tấm vải đó là một loại vải rất dầy và bền cũng được nhập từ LX đủ để gió trong một thời gian dài không nhanh chóng xé rách , kèm theo nó là hai chiếc trụ sắt cao nghệu gần bằng hai cây ăng - ten truyền hình và cuối cùng là bốn chiếc cọc sắt cứng cáp có một đầu được bo nhọn quắt hình dáng tựa như một cây đinh khổng lồ . Sau khi đến điểm chiếu , dựng máy xong cả đội phải hì hục dựng tiếp tấm màn ảnh thẳng đứng lên , việc tiếp theo đó nữa là đóng 4 cái cọc cho thật chắc - thật sâu cố định vào 4 góc , đất chỗ đóng cọc cũng phải thật cứng để giữ thăng bằng cho tấm màn ảnh không bị nghiêng chao . Có đôi khi gió lớn quá chỉ sau vài cuộn phim tấm màn ảnh không chịu nổi độ bọc của gió đã bức cọc và ngã lăn đùng xuống thảm cỏ sân bãi , lúc ấy cả đội phải ngưng chiếu tập trung lại cùng nhau hì hục dựng thêm lần nữa chắc chắn hơn , vui nhất là thời điểm này , trong lúc chờ đợi "khắc phục sự cố" ấy đã có rất nhiều khán giả cùng xúm lại phụ giúp chúng tôi để chiếc màn ảnh nhanh chóng được phục trạng rồi ...bình thản quay lại chỗ ngồi để xem tiếp bộ phim đang đến hồi gay cấn ...
Có lẽ hiểu được điều hạn chế đó cho nên thời gian đầu , ban lãnh đạo Cty đã đặc cách biệt phái thêm một nhân viên nam hỗ trợ những khâu khiên vác nặng nhọc , 2 chúng tôi cũng phải cùng làm với anh ấy . Hàng ngày sẽ vừa cùng đứng chiếu vừa học việc cho đến lúc nào chúng tôi có thể thao tác thành thục thì Cty sẽ rút anh ấy khỏi đơn vị nữ .Thôi thì : " Đường tuy khó - không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì ngại núi e sông " vậy ....
Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đi chiếu ,trước đó Cty đã may sẵn cho đội chúng tôi nói riêng và các đội khác nói chung những bộ đồng phục màu xanh từa tựa như những bộ đồng phục của các anh chị thanh niên xung phong . Đối diện cánh cửa mới toanh đang mở dần ra trước mắt , tôi bất giác nghe lòng mình rộn lên một sự háo hức thật khó tả ....Có lẽ đó chỉ đơn giản là nhiệt huyết của tuổi trẻ , có thể là thế cũng có thể là không phải mà là một điều gì khác tương tự thế , nhưng cho dù là điều gì đi chăng nữa thì đó chính là cảm xúc thật nhất mà tôi từng trải qua ...
Buổi chiếu được bắt đầu từ 21h tối sau khi các vị lãnh đạo đã làm xong mọi thủ tục cần thiết cho một buổi lễ , máy móc - phim ảnh và chiếc màn bạc mới toanh đều đã sẵn sàng ... tâm trạng tôi lúc ấy rất hồi hộp tựa như nàng dâu ngày đầu tiên đi ra mắt mẹ chồng vậy nhưng rồi cuối cùng cũng kịp "chỉnh đốn tư tưởng" bởi vì trong suốt buổi chiếu đầu óc tôi cần phải tập trung cao độ không để xảy ra sơ suất , ( nguyên tắc của một buổi đứng máy là phải giữ bình tĩnh trong từng thao tác một vì có đôi lúc do chất lượng phim kém nên rất dễ xảy ra tình trạng bị đứt phim giữa chừng , lúc ấy độ nhạy bén là yếu tố quan trọng nhất của người công nhân vận hành) . Cuối cùng rồi buổi chiếu cũng kết thúc , vì là buổi khánh thành bãi hát nên đương nhiên phim mang chiếu sẽ là một bộ phim chiến đấu của Việt Nam , thời ấy lượng phim ảnh không quá đa dạng như bây giờ nên cho dù là phim gì cũng ít nhiều thu hút được khán giả đến xem . Bãi hát đêm khánh thành rất đông , chật nêm cả , mọi người vừa xem vừa bình luận rôm rả cả lên . Không biết các bạn tôi lúc ấy tâm trạng như thế nào riêng tôi thì cảm giác lạ lắm ,có một chút lâng lâng pha một chút hãnh diện khi có rất nhiều những cặp mắt không tập trung vào phim mà cứ chăm chăm nhìn mình đầy ngưỡng mộ , tiếp theo đó là những bước chân lân la đến gần , những câu chào hỏi làm quen những câu hỏi được đặt ra ... kèm theo những tiếng trầm trồ đầy thán phục ( có lẽ đó là chuyện được mọi người xem là " chuyện lạ có thật " cũng nên ) nên không khí của buổi chiếu đầu tiên ấy rất là nhộn nhịp .
Sau khi phim kết thúc ,tất cả khán giả đã ra về , chúng tôi bắt đầu dọn dẹp máy móc để mang về nơi tạm trú của đội thì bất ngờ trời đổ ập một cơn mưa thật lớn và thế là bọn chúng tôi phải cố gắng bằng mọi thứ có được tìm mọi cách che chắn để những hộp phim và máy không bị vào nước dù chỉ một vài giọt , và rồi cả đội lóp ngóp dầm cả mình ngoài trời mưa lạnh ngắt để khuân vác , di chuyển máy móc về nơi tạm trú thật an toàn ,khi xong mọi việc nhìn đồng hồ đã hơn 0h , việc cuối cùng là thay phiên nhau tắm rửa thay đồ - ăn khuya và ...lăn ra ngủ vì quá mệt nhọc .
Sáng hôm sau khi bật thức dậy , cả đội bỗng nhìn vào nhau cười rộ lên thích thú vì ... chỉ sau một cơn mưa lúc đêm thôi toàn thân chúng tôi đều được nhuộm một màu xanh giống như cô gái dân tộc Na'vi trong bộ phim 3D có tựa đề AVATAR vừa chiếu hồi năm rồi.
Những ngày tháng sau đó chúng tôi rồi cũng quen dần với công việc , đội chiếu bóng nữ chúng tôi ngoài các buổi chiếu tại bãi hát chính , thỉnh thoảng cũng phải đưa máy đi phục vụ rất nhiều nơi nếu có yêu cầu . Trường học , cơ quan , quân trường , nông trường , hội nghị ..v..v...đều có cả . Chúng tôi và hai cổ máy to kềnh kia đã đi rất nhiều nơi , đã chiếu rất nhiều phim , đã dầm rất nhiều những cơn mưa tương tự ...
Chúng tôi - những cô gái trẻ phơi phới sức sống lúc ấy do điều kiện công tác không cho phép phải chấp nhận tạm gát lại những cuộc vui riêng lại chỉ vì những buổi chiếu . Những ngày lễ - ngày tết , trong khi các bạn đồng lứa khác đi chơi với bạn , đi hẹn hò với người yêu thì chúng tôi phải tăng thêm suất chiếu , năm ấy khi kim đồng hồ chạm vạch 0h báo thời khắc giao thừa đã đến , tiếng pháo nổ râm ran khắp nơi , chúng tôi vẫn phải đang tập trung cả ngoài bãi hát chiếu suất phim cuối cùng của đêm để "Chào năm mới "cho một lượng khán giả khổng lồ đang ngồi đợi chật cứng cả bãi.
Thế là tôi biết thêm một chút nữa về cảm giác không có mặt ở nhà cùng gia đình để đón giao thừa... Tuy có hơi buồn nhưng bù lại cái không khí cùng đón năm mới với khán giả cũng thật vui , thật thật náo nhiệt . Công việc của chúng tôi là thế đó , câu:" đi chơi lễ -tết " với chúng tôi từ đó về sau đã dần dà trở thành những câu từ xa lạ...nhưng bù lại chúng tôi có thêm nguồn vui mới , có thêm rất nhiều những người bạn mới , chúng tôi trưởng thành hơn từ bước ngoặc đó...cái bước ngoặc ngẫu nhiên nhiều lý thú của cuộc đời...
Tiếc là do công việc tương đối nặng nhọc , sức khoẻ của những cô gái trẻ chúng tôi dù cố gắng đến đâu cũng không thể kham nổi nên chỉ không đầy 1 năm , đội chiếu bóng nữ của tôi tự động giải tán , các thành viên của đội được Cty điều về các đơn vị mới với công việc mới tương đối nhẹ nhàng và phù hợp với sức mình hơn như thuyết minh phim - bán vé ...Riêng tôi lại được đào tạo thêm một khoá nữa đó là khoá tuyên truyền thuyết minh phim , sau đó nhận công tác thuyết minh phim ở đơn vị chiếu bóng của bãi hát Hoà Thành thêm một năm và rồi nhận quyết định về làm cán bộ tuyên truyền phim của khối văn phòng Cty ...
Thế đó , 10 năm tuổi trẻ của tôi đã đi qua nhiều lắm những kỷ niệm rất khó quên , những ngày tháng đã xa đó dù chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn thôi cũng khiến tôi bây giờ thỉnh thoảng nghe lòng nhớ đến quay quắt ...
Và còn nữa ... còn nữa ...còn rất nhiều nữa ... còn đủ cho tôi của hôm nay - ngày mai và những ngày tiếp theo sau có được cho riêng mình một vùng đất mang tên hoài niệm để thỉnh thoảng có thể viết :
" Một chút cho Tôi và một chút cho Người "
Huỳnh Gia
Viết xong lúc 21h30 ngày 20/11/2011
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.11.2011 10:43:08 bởi Huỳnh_Gia >