Xa xăm
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 19 trên tổng số 19 bài trong đề mục
Huỳnh_Gia 28.11.2013 11:19:34 (permalink)
Cái " bóp đầm " của Má
Nó chỉ  đơn giản là một cái bóp xách tay giả da hình vuông không hề đc trang điểm thêm một thứ gì quí giá , ấy vậy mà má đã giữ thật kỹ từ hơn 30 năm . Và cho đến hôm nay từ ngày Má mất , nó vẫn còn gần như mới .

Ngày má mất , tôi đã âm thầm đi thu gom hầu hết những gì má tôi đã giữ gìn , nó không phải là tài sản có giá trị mà chỉ là huững thứ nhỏ nhặt như một chiếc vòng tay đã bể , khăn lau trầu , khai đựng trầu cau , mắt kính - giày dép , vài bộ bà ba còn mới , chiếc võng má nằm suốt thời gian bị bệnh không thể tự đi lại , mắt kính , bông tai và ... " chiếc bóp đầm " này . Tất cả những thứ đó tôi xếp lại cẩn thận cất vào chiếc rương gỗ - chiếc rương do chính tay ba tôi đóng  , sau đó khóa lại cẩn thận và mang về cất giữ cho đến hôm nay .

Ngày đó nhà tôi rất nghèo , nghèo lắm ... cơm còn không đủ để ăn thì nói gì đến chuyện quần là áo lụa , hàng ngày má tôi chăm chút từng chiếc nón lá để đổi lấy miếng ăn . Chúng tôi còn rất nhỏ nên hầu như không phụ trợ đc việc gì . Hàng ngày công việc chầm nón lá của má bắt đầu từ ...một giờ khuya . Công việc đầu tiên của một ngày là vuốt lá , những tàu lá mật cật được xòe ra từ lúc chiều và tiếp theo đó bắt buộc phải  vuốt trên một mảnh chảo dùng nấu cơm trong bếp ăn nhà binh đã bị vỡ được úp khum khum trên bếp lửa nóng , dụng cụ dùng để vuốt phẳng lá là một bọc vải đựng đầy cát mịn đc cột lại một đầu , đoạn vải túm lại bên trên dùng để cầm và như thế từng chiếc lá dc áp chặt trên mảnh chảo vỡ kia và ấn chiếc bọc cát xuống dùng lực để kéo ...cứ độc một động tác như thế cho đến sáng mới có đủ lá cho một ngày chầm nón .Công việc vuốt lá này tưởng như đơn giản nhưng thật ra nó đòi hỏi rất nhiểu ở sự khéo léo , bởi vì nếu vuốt không đều tay hoặc lửa không đều ngọn thì miếng lá kia sẽ không trắng và bóng , điều đó tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của những chiếc nón khi thành phẩm .

Đó là nghề của má , cái nghề muôn đời không thể làm giàu , nhưng chính nhờ nó má đã nuôi bọn chúng tôi khôn lớn , dù không đầy đủ ...

Khi nói đến chiếc " bóp đầm " có lẽ ai ai cũng sẽ nghĩ đến hình ảnh của một phu nhân giàu có biết cách chưng diện , còn ở đây là má - một người đàn bà lam lũ đang phải đầu tắt mặt tối để lo sinh kế từng ngày .bởi công việc của ba tôi không lúc nào ổn định . Vậy thì mua bóp đầm để làm gì ?

Vào đầu thập niên 70 , lúc ấy tôi vẫn còn rất nhỏ nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in rằng mỗi khi ra đường mọi người ăn mặc rất tươm tất  chứ không xô bồ như bây giờ , má tôi ngày ấy mỗi lúc có việc cần đi đâu đó hơi xa một chút thì trang phục nhất định phải là chiếc áo dài và phụ kiện kèm theo tất nhiên sẽ là chiếc bóp đầm xách tay . Và để trang bị cho mình chút hình thức má đã phải trích ra một khoản tiền kha khá bằng mấy ngày công chằm nón để sắm cho mình bộ trang phục với cái bóp đầm kia .

Từ đó mỗi khi có đám tiệc - lễ lộc  ... cái bóp đầm này luôn luôn đc kèm theo như là một vật trang điểm quí giá và trang nhã .

Hôm nay , ngày cưới đứa cháu gái tôi muốn mang cái bóp đầm này theo trong buổi đưa dâu , nhưng do không cẩn thận nên khi đến nhà chị tôi , một chiếc quai xách bị đứt rời . Nhìn chiếc quai bị đứt , tôi cảm thấy như mình đã làm một chuyện gì đó có lỗi với Má.

Day dứt một nỗi buồn ...




<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.11.2013 11:20:39 bởi Huỳnh_Gia >
#16
    Huỳnh_Gia 11.12.2013 14:35:39 (permalink)
    Thử một lần viết thật ở ...nơi đây .
    Bởi vì viết thật cho nên tôi không hề dám mang đăng bên FB vì nơi đó là không gian mở , nơi đó đa số bạn bè ảo của tôi đều là những người thuộc tầng lớp giàu sang . Tôi không hề thích họ nhìn tôi bằng đôi mắt ... thương hại ... Vì thế ở FB , tôi sẽ chỉ nên có tiếng cười ... dù tiếng cười cũng rất ... ảo . 

    Nhưng có lẽ viết là phương cách cuối cùng và hiệu quả nhất giúp tôi trút ra đc những thứ đang đè nặng tâm trí . Viết như một cách tâm sự với ... riêng tôi , với căn nhà này ... Hay có khi cho một ngày mai nhìn lại ...

    Chỉ vậy thôi  .
     



      Tất cả của Tôi là ... đây .
    ==================================

    Thế là sắp thêm một cái tết nữa từ lúc Tôi và gia đình dọn về căn nhà mới nằm ở một khu vực thuộc thôn quê tương đối  xa chợ ... 


    Ngôi nhà mới tềnh toàng đc xây dựng bằng tất cả công sức lao động cả ngày lẫn đêm của Anh - người bạn đời đã cùng tôi trải qua năm lần bảy lượt những thăng trầm của cuộc sống .


     Thất bại ... không có nghĩa là đầu hàng số phận . Nhưng với hai bàn tay trắng , mà không - là cả bốn bàn tay của tôi và anh gộp lại mới đúng , bây giờ vốn liếng mất sạch , khoảng nợ ngân hàng vay cho con đi học vẫn chưa có điều kiện hoàn trả thì làm sao để vượt lên số phận đây ...? 


    Hạnh phúc ? Vâng !  tôi đang rất hạnh phúc vì  hai đứa con rất ngoan , chúng hiểu rất rõ ba và mẹ chúng đã khổ sở và chật vật như thế nào để lo cho chúng , nên hầu như không hề than thở hoặc đòi hỏi bất kỳ thứ gì ...


    Ngoài tiện nghi của cuộc sống - hay nói chính xác là ngoài sự thiếu thốn về tiền bạc ,  tôi bằng lòng với hạnh phúc ấy ... 
    Phải chăng ông trời chỉ an ủi chúng tôi bằng cách ban tặng món quà này thôi ư ?



    Rất nhiều lúc ngồi một mình , tôi thầm ao ước :" Phải chi mình có tiền để cho con học thêm những thứ bọn trẻ thích , hay mua cho bọn trẻ những món đồ có giá trị hơn một chút ..."  . Có những lần phải cố kìm nén không cho mình bật khóc trước mặt con khi nghe thằng bé xuýt xoa reo vui trước cái áo mẹ vừa may xong để mặc đi đám cưới bằng khúc vải không quá ... 50 ngàn ... Hay câu trả lời của nó: " chiếc điện thoại này tốt chán rồi , không cần mua cái khác đâu mẹ ! " khi tôi ướm lời " để mẹ thay chiếc đt khác cho con !" ( Chiếc nó đang xài là chiếc nokia đời cũ màn hình trắng đen chị nó mua cho giá không đến  ...200 ngàn )  . Tôi thừa biết nó rất thích những bộ đồ mới có giá trị - Tôi thừa hiểu nó vẫn trầm trồ những chiếc Iphone của bạn bè nó - may mắn đc sinh ra trong những gia đình khá giả đang sở hữu...


    Nhưng nó thương ba - yêu mẹ . Nó yêu thương sự nghèo khó của gia đình nên nó biết an phận mình . 


    Rồi những đêm trở giấc trằn trọc mãi không dỗ lại đc giấc ngủ vì chợt nhớ đứa con gái bé bỏng phải hàng ngày vất vả với công việc để rồi đến kỳ lĩnh lương lại vừa phải trả tiền nhà tiền điện giúp em ,vừa đóng học phí cho khóa tiếng anh giao tiếp . Số còn lại ít oi chỉ đủ cho những bữa cơm nhạt nhẽo nhưng không một lời than thở , và cứ phải trả lời mỗi một câu :" Dạ ! con còn , mẹ . " khi mẹ hỏi: " Còn tiền không con ? " . 
    Mẹ biết đó là câu nói dối đáng yêu nhất của con ... nhưng chỉ còn cách gật đầu lặng thinh vì không thể làm gì khác .

    Thế đó !



    Thêm một cái tết ... Có nghĩa là cuộc đời sắp rút ngắn đi thêm một chặng ... Với đôi bàn tay trắng - mà không , với hai đôi bàn tay trắng của hơn 50 năm , cuộc đời sẽ thử thách chúng tôi bao nhiêu lần nữa đây ? 


    Nhiều lúc muốn buông trôi tất cả ...Nhưng rồi chính hai đứa con ngoan là động lực vực tôi đứng dậy để ... bước tiếp . 


    Tôi thừa biết những bước chân của hôm nay không còn nhiều sức lực nữa , nhưng tôi vẫn phải cố bước tiếp ... Cho đến khi nào con tôi thành đạt và đủ sức tự đi một mình trên quãng đường riêng của chúng ...


     Tôi thừa hiểu ý chí đã bị bào mài đến mòn vẹt ... Nhưng tôi bắt buộc phải động viên nó :" Cố gắng lên !"
    Vận may đã bỏ quên tôi 
    Cơ hội đã lãng tránh tôi ... 
    Và những người đc xem là ruột thịt cũng tránh né ... Đơn giản bởi chúng tôi NGHÈO .


     Giàu cha giàu mẹ thì ham 
    Giàu anh giàu chị ... ai làm nấy ăn 


    Vậy thôi ! nên tôi không hề trách cũng không buồn . Chỉ hơi buồn cười trước sự tránh né của họ mặc dù trước họ tôi không hề than thở hoặc xin xỏ , mượn mỏ bất kỳ thứ gì , cái ý chí quật cường của lòng tự trọng không bao giờ cho phép tôi làm như thế 


    Đôi lúc cùng tâm sự với nhau tôi hay nói với chồng :" Bên nhà anh kể cả Má , đâu ai biết đc rằng chúng ta đang rất thiếu thốn và khổ sở , nói chính xác là nghèo rớt mồng tơi  , đúng không anh ? " Rồi ... cười ...


    Nhưng ... NGHÈO đâu phải là cái tội . Phải không ?


     Và Tôi ơi ! hãy vững niềm tin vào một ngày mai tươi sáng .
    Có thể ngày mai không hẳn tươi sáng như niềm tin của tôi , nhưng tôi vẫn cứ tin .


    Vậy nhé !


    Huỳnh Gia 
    11/12/2013


     
    #17
      Huỳnh_Gia 17.07.2014 00:36:19 (permalink)
      Nhật ký những chuyến đi . Trang thứ 2


      Về An Giang Châu Đốc
       
      Nhận quyết định  là thành viên chính thức của hội VHNT tỉnh từ những ngày đầu năm 2013 , tính đến hôm nay tôi  chỉ được xem là một lính mới với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình có cơ hội được tháp tùng với những cây bút đã từng góp rất nhiều công sức cho tập thể lớn mang tên" Hội VH "mà mọi người thường trân trọng đặt cho một cụm từ thật hoa mỹ " Cây Đa - Cây Đề " thế cho nên mãi đến ngày hôm nay tôi chưa lần nào được ghi tên trong danh sách đội ngũ đi thực tế sáng tác trong hoặc ngoài tỉnh trừ chuyến duy nhất về xã Phước Lưu huyện Trảng Bàng được tổ chức gói gọn trong một ngày sau khi kết thúc lớp học bồi dưỡng kỹ năng viết . 

      Có lẽ trong cuộc sống đời thường , ngoài tài năng ra thì yếu tố may mắn luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng . Thường thì tôi chỉ tin vào những gì thực tế nhất mình đã và đang làm được ,luôn bằng lòng với những thứ mình nhận được có thể kém một chút hoặc tương đương với công sức mình vừa bỏ ra , "may mắn"  theo tôi nó chỉ là một cụm từ rất nhỏ không đáng chú ý mà thỉnh thoảng tôi mới có dịp cảm nhận thoáng qua . 

      Mãi cho đến hôm nay khi được góp mặt cùng các anh chị em của phân hội văn học trong chuyến thực tế sáng tác xuôi về miền Tây sông nước  cụ thể là tỉnh An Giang - Châu Đốc , cụm từ nhỏ " may mắn" đã khiến tôi bắt đầu chú ý và cảm nhận rõ nét hơn . Tôi trân quý và cảm ơn nó .

      Nguyên nhân cụ thể chính là : " chuyến thực tế dành riêng cho phân hội VH đợt này chỉ được phép gói gọn 15 thành viên được xem là những người nồng cốt " . Khi  mạnh dạn ngỏ lời đăng ký tôi không hy vọng mình được đồng thuận ,bởi danh sách đã được BLĐ hội chốt duyệt từ rất nhiều ngày trước .Chính là sự " may mắn"  khi đến giờ chót có một thành viên vì lý do công việc không thể tham gia nên chiếc vé vớt cuối cùng mới được ghi tên tôi với tư cách khách mời  . 

      Đúng kế hoạch của lịch trình bắt đầu khởi hành từ ngày 13/7/2014  , một phần vì thấp thỏm lo ngại , nôn nao và một phần không muốn gây phiền hà cho tập thể nên khi kim đồng hồ vừa điểm mốc 5 giờ sáng tôi đã chỉnh tề hành lý , có mặt tại nhà anh trưởng đoàn chờ các anh chị cùng đi .

      Ngày 13/07/2014

       Đến hẹn lại lên 

      6giờ  sáng - chiếc xe khách 15 chỗ ngồi chở anh cả phân hội trưởng La Ngạc Thụy - cây bút tình thơ hàng lão làng Vũ Miên Thảo - nữ tác giả trẻ của những bài cổ nhạc da diết Hồng Ngự đã đến điểm hẹn ấn định . Riêng chú Vũ Thiện Khái - tác giả những câu  truyện ngắn lay động tình người từ Tân Châu và nhà thơ Lê Minh Tâm đã có mặt tại nhà anh đoàn trưởng Nguyễn văn Tài từ chiều hôm trước . Nhà văn - nhà báo Nguyễn Khắc Luân cũng kịp thời có mặt ngay trước thời điểm xe chuẩn bị lăn bánh .

      Sau ly cà phê sáng rất nhanh và gọn , xe tiếp tục lăn bánh xuôi hướng Trường Đông đón nhà văn trẻ Phùng Thị Tuyết Anh rồi men theo con đường Thiên Thọ Lộ đã được tu sửa trải nhựa rộng thoáng rẽ ngoặc ra quốc lộ thẳng tiến đến Gò Dầu - Trảng Bàng rước thêm nhà thơ trẻ Trần Nhã My , các anh chị Nguyễn Xuân Khanh , Lê văn Thật , Nguyễn Thanh Nhàn , Trọng Tranh - hội viên trực thuộc nhóm thơ Bình Thạnh . Ngoài chị Xuân Khanh từng có mặt ở trại sáng tác Nha Trang năm vừa qua  , các anh còn lại cũng giống như tôi lần đầu tiên có mặt trên chuyến đi rất ý nghĩa và bổ ích này ....

      Chuyến thực tế lần này theo cảm nhận của cá nhân tôi không đặt nặng tính khuôn khổ của hình thức bởi quỹ thời gian của chuyến đi rất ngắn  gói gọn trong ba ngày , điểm nhấn của chuyến thực tế là buổi giao lưu 5 giờ chiều ngày 14/07/2014 cùng các anh chị em VNS thuộc hội VHNT thành phố Tân Châu ,toàn bộ quỹ thời gian còn lại đoàn sẽ tổ chức sinh hoạt tự do nhưng cần thiết vẫn phải tuân thủ theo lịch trình , có lẽ vì vậy nên chuyến xe cứ thế mà thong thả lăn bánh , được phép tấp vào một  quán cà phê nho nhỏ thuộc địa phận tỉnh Long An để anh chị em chúng tôi có cơ hội ngắm kỹ hơn phong cảnh tuyệt đẹp hữu tình của các khu vực miền Tây sông nước ...

      12g trưa , đoàn chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi và cơm trưa tại quán ăn Tám Ri thuộc Cái Bè -Tiền Giang .Bữa cơm đơn giản với ba chiếc lẫu cá Ba Sa và om cá lóc kho mặn kèm rau luộc đầu tiên không ngờ đã ngốn hết tiêu chuẩn kinh phí của một ngày khiến không riêng trưởng phó đoàn mà cả chúng tôi cũng bị lây lan cảm giác lo ngại .Nhưng rồi " không nên để không khí bị chùng xuống " vì những việc tạm gọi gọi là cỏn con ấy ..." chúng tôi lại hăm hở ổn định tư tưởng bước lên xe cho chặng đường tiếp theo ...

      Bên lề một chút nhé !chỉ cần hòa nhập vài giờ cùng mọi người , tôi có thể nói rằng thật sai lầm nếu có một ai đó nghĩ rằng đã là những  ông già bà lão ngấp nghé hàng U50 -U60- U70  đương nhiên bắt buộc phải giữ cho mình cái phong cách đạo mạo chuẩn mực ...  . Không hề ! đơn giản bởi vì ở chính không gian này - thời điểm này  chúng tôi trở nên hồn nhiên đến lạ , vô tư đến lạ ... như được quay trở lại mấy mươi năm trước ... để là những con người biết cười biết khóc bằng một trái tim chân thật nhất , trẻ trung nhất và bản năng nhất . Chính những tiếng cười râm ran vang lên từng giây giờ từng khắc này đã góp phần xóa dần cảm giác mệt mỏi khi phải ngồi một khoảng thời gian dài trong chuyến đi . 

      Tôi vốn rất giỏi khi ngồi xe nên không có gì để nói nhưng trên hai chiếc ghế hai bên tôi lại là hai cô gái trẻ bị căn bệnh " buồn nôn", trước khi lên xe đã phải uống  những viên thuốc "trấn áp"  mà tác dụng phụ sẽ là những cơn buồn ngủ ... Thế nhưng , chính những câu chuyện tiếu lâm - những tiếng cười vô tư sảng khoái  đã vô tình hô biến thành một " liều thuốc cười" hữu hiệu nhất đánh thức mọi người xuyên suốt chuyến đi . 

      13g ngày 13/07/2014 

      Xe lăn nhanh đến chân cầu Mỹ Thuận - chiếc cầu rất đẹp thuộc tỉnh Vĩnh Long , là một trong những chiếc cầu đầu tiên đánh dấu  sự phát triển của ngành giao thông Việt Nam  , tôi cố căng mắt ra ngắm thật kỹ, cố lưu giữ thật kỹ hình ảnh những sợi dây cáp khổng lồ được bố trí cố định xòe ra thành hai chiếc quạt rất đẹp  ,hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến hai chiếc quạt khổng lồ đan bằng lá Mặt Cật - loại lá cây chỉ mọc ở miền Tây ,đương nhiên nhiệm vụ chính của " hai chiếc quạt " khổng lồ này không phải là quạt mát những chuyến xe qua lại mà là để chằng giữ thật chắc chắn những nhịp cầu được xây dựng rất kiên cố ,qui mô .

      Qua khỏi cầu Mỹ Thuận , xe chạy thêm một chặng nữa là đến chiếc cầu lớn thứ hai của miền Tây - cầu Cần thơ , lần đầu tiên tôi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của cây cầu dây văng từng được xây dựng không chỉ bằng bê tông cốt thép mà có cả máu và nước mắt của những con người hiền lành chân chất của cả ba miền đất nước Việt Nam Tôi  . 

      Chiếc cầu Cần thơ được mệnh danh là " chiếc cầu lớn nhất và đẹp nhất Đông Nam Á " nối liền hai bờ sông Hậu với nguồn kinh phí hổ trợ lên đến 5 ngàn tỷ đồng . Khi xe lăn bánh ngang qua cầu , tôi nghe dường có một cảm giác gì đó mơ hồ thoáng qua rờn rợn ... thứ cảm giác hơi nghèn nghẹn ,ray rức xen lẫn nỗi xúc động rưng rưng rất khó tả ... 

      Xin một phút mặc niệm thật lặng thầm để cảm ơn đời - Cảm ơn người - Cảm ơn những hy sinh lẽ ra không nên có cho sự hoàn thiện công trình mang tầm cỡ thế giới này .  Ở nơi xa xôi ấy , xin tất cả hãy nhận lấy từ trái tim tôi lời cầu nguyện an nhiên  nhất .

      Nhìn giòng nước Hậu giang  đang chảy lặng lờ không  gợn sóng mang theo những đám lục bình xanh mởn đơm chi chít những chùm hoa tím nhạt hồn nhiên trôi ...trôi ... dạt ...dạt ... như muốn phiêu du lang bạt khắp nơi kia  , tôi trộm nghĩ có lẽ  lời cầu nguyện của tôi hôm nay cùng lời cầu nguyện của những  người ở lại trong thời khắc đau buồn ấy đã được chấp nhận , thế nên dù  mang nặng sự đau buồn vì mất mát , 
      chiếc cầu cũng chính là niềm hãnh diện của người dân Cần Thơ , nó đã góp phần tôn vinh một vẻ đẹp thiên nhiên rất đặc trưng của xứ sởTây Đô hiền lành hiếu khách 

      Tất cả đã hòa quyện vào nhau thật hài hòa tạo ra một khung cảnh bình yên và nên thơ mang âm hưởng câu hò mái chèo mái đẩy mà tôi từng được nghe qua  :


      Hò ơ ...! 

      Cần Thơ gạo trắng nước trong
      ai đi đến đó lòng không muốn về ...



      Ngoài hai chiếc cầu mang tính quy mô gây ấn tượng đẹp này ra , Tôi trông thấy còn rất nhiều những chiếc cầu  khác mà tôi không đếm xuể  , nào Cái Răng - Cái Tắc - Cái Vòm .v.v...cái tên nào cũng chân chất đến dễ thương ...cái tên nào cũng đáng yêu  đến lạ . Cũng có những chiếc không được đặt tên nhưng không vì thế mà nhận về mình sự kém khuyết bởi tất cả đều được xây dựng bằng một loại vật liệu duy nhất " Bê tông cốt thép "  . Có lẽ chỉ cần một khoảng thời gian thật ngắn  nữa thôi  , những chiếc xuồng ba lá - những chiếc độc mộc mỏng manh hay những chiếc cầu khỉ chấp nối bằng thân tre ...chắc chắn chỉ còn là hình ảnh hoặc hiện vật được lưu trử trong khuôn viên những nhà bảo tàng lịch sử  .

      Tôi vẫn biết trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước , đó là đều tất yếu phải xảy ra  , nhưng không hiểu sao trong lòng cảm thấy có một chút tiếc nuối rất nhẹ thoáng qua . Rồi đây biết nghe ở đâu tiếng hò khoan nhặt , tìm ở đâu tiếng khua lao xao của những mái chèo len lõi trong từng nhánh nhỏ sông Hậu - sông Tiền ? Tìm sao ra chiếc cầu khỉ lắt lẻo đong đưa ? ... Để thi ca có cớ vịnh vào đó mà cho ra đời những tác phẩm đậm nét  mộc mạc chân quê ?



      14giờ 30 ,kết thúc nửa chặng đường  , đoàn dừng chân tạm nghỉ . Khách sạn Việt Phúc - trạm nghỉ chân đầu tiên của đoàn rất sạch đẹp .Cung cách phục vụ của các em tiếp tân cùng chiếc bảng giá được công khai đặt ở vị trí dễ quan sát nhất càng phản ánh rõ nét hơn nữa sự chân chất và hiếu khách của người con xứ Tây Đô .Thật tuyệt ...( Tôi cảm thấy thích thú với phát hiện nho nhỏ này của mình )

      7 giờ tối , mưa bắt đầu nhỏ giọt ...lâm râm ...
       Như đã nói " khó khăn lắm mới có được những ngày đặc biệt " như thế này nên hầu như tất cả mọi người trong đoàn đều rất sẵn sàng cho những giây phút được cùng lang thang khắp nơi , cho dù cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt vẫn khó cản trở chuyện dạo quanh khu chợ đêm để mua sắm những món hàng đẹp - đa dạng nhưng giá cả rất phải chăng , hay đảo một vòng công viên bến Ninh Kiều để ngắm chiếc du thuyền đẹp đến lung linh đang lượn lờ soi dáng hình kiêu sa trên mặt nước ...

      Nhưng rồi thì cơn mưa giữa mùa ương ngạnh đã không biết cách chìu lòng du khách nên mỗi lúc thêm tầm tã , chúng tôi đành quay về khách sạn sau một tiếng đồng hồ gói gọn cho buổi dạo chơi này . Bởi nắm bắt thời cơ từng giây , từng phút , các anh chị em trong đoàn đã kịp ghi lại thật nhanh hình ảnh trước khi tạm chia tay bến Ninh Kiều xinh đẹp , kết thúc một nửa dấu mốc cảm nhận của chuyến đi ...

      Ngày 14/07/2014 

       
      Lịch trình bắt đầu  của một ngày tiếp theo là hòa vào không khí mua bán tấp nập cùng khu chợ trên sông nổi tiếng từ rất lâu và mặc nhiên trở thành điểm du lịch mà không đoàn du lịch nào khi đến miền Tây muốn bỏ qua , đó chính là khu chợ nổi Cái Răng . Khu chợ tự nhiện " mọc" trên sông .

      Cái khung cảnh nhộn nhịp của khu chợ nổi này từng được một nhà báo miêu tả bằng những động từ rất sinh động như : "Tiếng máy nổ ầm ì , tiếng chèo khua nước , tiếng sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền cùng tiếng cười  nói rôm rả của người mua kẻ bán ... Tất cả đã tạo nên cảnh sầm uất của chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ"  ...



      Đoàn của chúng tôi không có cơ hội cảm thụ nó  bởi vì từ 4-5 giờ sáng mưa lại đổ như trút nước , nhưng do quá nôn nao nên cả đoàn chỉ còn cách duy nhất là lên xe nhờ em tài xế chở vòng vèo men theo bờ để tất cả mọi người có thể ngắm chợ từ bên trong khuôn kiếng thoát hiểm của xe  , cũng bởi do trời mưa nên chúng tôi chỉ còn cách nhìn từ xa những chiếc ghe hàng đang neo bến im lìm  trong khung cảnh mờ đục của màn mưa , tôi cố rướn mắt kiếm tìm những cây bẹo treo hoa quả hàng hóa , cố hình dung ra tiếng sóng - tiếng cười nói râm ran ...Buồn hiu vì không được ngắm nhìn những cái cây treo bẹo , không được thưởng thức ly cà phê hay tô bún riêu chợ nổi , mua vài trái cóc - trái ổi , vài trái sơ ri hay vài quả khóm để có thể ghi lại cho mình thêm một kỷ niệm thật đẹp cho trang nhật ký của ngày mai ...

      Xe quay về khách sạn mang theo một chút ánh sáng của sự luyến tiếc đang ánh lên trên từng đôi mắt , vì dù sao được  tận mắt ngồi trên xuồng máy để len lõi khắp khu chợ nổi vẫn thú vị hơn xem qua ảnh hoặc clip phải không nhỉ ! Tiếc thì có tiếc thật nhưng thôi thì hẹn một ngày thật gần ta lại gặp ta chợ nổi Cái Răng Cần Thơ nhé ! 
      Rời khu chợ nổi , tôi dường nghe đâu đó loáng thoáng câu hò :

      Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
      Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
      Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng
      Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ.


      Có một ai đó khẳng định " Một khi về Hậu Giang mà không ghé chợ nổi Cái Răng sẽ được coi là chưa từng đến " . Thế mới biết chợ nổi chính là điểm du lịch hấp dẫn nhất của miền sông nước . Thật tiếc .


      9giờ sáng ngày 14/07/2014

       Theo lịch trình đã vạch sẵn , chúng tôi đành tiếc nuối chia tay chợ nổi Cái Răng và Cần thơ để bắt đầu chặng kế tiếp của hành trình về Châu Đốc .Từ lúc này dường như tất cả mọi người ai cũng muốn nhìn ngắm từng cột mốc , từng con sông - khúc rạch ... Đến cột mốc biểu thị ranh giới hai huyện Thốt Nốt - Vàm Cống , bắt gặp một đồng sen đang nở rộ ven đường  , em tài xế hiền hòa vui tính chiều ý chúng tôi tạm dừng lại khoảng 10 phút để những chiếc máy ảnh kịp  tách ... tách ...ghi lại hình ảnh mộc mạc của hàng ngàn những đóa sen đang vươn mình khoe sắc đẹp đến nao lòng kia ...

      14 giờ ngày 14/07/2014 

      Lịch trình kế tiếp là khu di tích Núi Sam - Bà Chúa Xứ , khu di tích được hình thành , tôn tạo và thờ phụng bằng tín ngưỡng của người dân từ những năm trước thế kỷ thứ 19 và cũng là khu du lịch nổi tiếng của thành phố Châu Đốc . Ngoài khuôn viên chùa bà , đoàn tiếp tục viếng thăm khu lăng mộ vị quanThoại Ngọc Hầu , người có công lớn trong việc khai sinh con kênh đào mang tên Vĩnh Tế  .Đến bây giờ, con kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam .

      17 giờ ngày 14/07/2014

       
      Rời khu di tích núi Sam , đoàn đến thăm và dự buổi giao lưu kết nghĩa cùng các anh chị em thuộc hội VHNT thành phố Châu Đốc , là điểm nhấn mấu chốt của chuyến thực tế , buổi gặp gỡ diễn ra thật vui vẻ và ấm áp bằng thứ tình cảm nồng nhiệt của những người bạn thân lâu ngày mới gặp . Do chỉ là một thành viên khách mời đặc cách nên tôi chỉ có thể được tham dự bằng tư cách của một khán giả dự thính ...Dẫu sao đi nữa thì tôi vẫn kịp ghi nhận và lưu giữ cho mình tấm chân tình từ sự tiếp đãi ân cần của các anh chị em ,  bằng sự chân tình này của các anh chị em tỉnh bạn , tôi mới có thể ngồi lại như bây giờ - tịnh tâm như bây giờ để hình thành  những trang nhật ký mang tính nghề nghiệp này ...



      Và cũng chính nhờ chuyến đi này , tôi  hiểu thêm thật nhiều điều cần hiểu , quen biết thêm được nhiều người cần quen biết .Điều quan trọng nhất chính là được xếp thêm vào chiếc vali hành trang cuộc đời một lớp tương đối dày và đa dạng những kinh nghiệm thật quý báu, trong đó có cả niềm vui lẫn nỗi buồn để từ đó có thể mang  trộn lẫn vào nhau tạo nên một sắc thái mới cho bức tranh muôn màu của cuộc sống 

      Cảm ơn BLĐ 
      hội VHNT tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện về mặt vật chất và phương tiện . Cảm ơn các anh - những người lãnh đạo trực tiếp phân hội VH đã tạo điều kiện về mặt tinh thần để cho tôi - một cây viết không chuyên được bắt đầu dấn thân vào những cuộc hành trình mà trước mắt vẫn còn rất nhiều ngả đường cho những cuộc phiêu lưu không đoạn kết  .
       Cảm ơn cả niềm vui lẫn nỗi buồn . Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi niềm tin vào nghị lực và cảm ơn tất cả những ai là bạn của tôi . 


      Xin một lời hẹn ước cho những chuyến đi tiếp theo để những trang nhật ký này của tôi có thêm cơ hội được đánh dấu bằng những con số 3 ... số 4 ... số 5 ... Và nếu có thể , sẽ là những con số không giới hạn được cơ hội nối tiếp ... nối tiếp ...
      Chia tay miền Tây sông nước  ,tôi quay trở về với những tất bật thường nhật nghe dường âỉ mãi một lưu luyến khó mờ phai


        Tạm biệt những cái bắt tay không muốn buông
      Tạm biệt những cái ôm ấm nghĩa nồng tình ... 

       Tạm biệt những người bạn mới quen
      Và hẹn một ngày thật gần Tôi sẽ quay lại nơi này để viết tiếp những trang nhật ký số tiếp theo ...

      Huỳnh Gia  

      Viết xong lúc 15h ngày 16/07/2014


       
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2014 01:14:48 bởi Huỳnh_Gia >
      #18
        Huỳnh_Gia 04.01.2015 22:57:30 (permalink)
        Thư gửi mùa Xuân 28


        " Ba nó " thương yêu  ! 

        Lần đầu tiên sau mấy chục năm chung thân , hôm nay tự nhiên "Mẹ nó" lại muốn viết thư ...Chắc là " Ba nó" có chút ngạc nhiên nhưng bên cạnh đó sẽ rất vui cho mà xem . 

         Thấm thoát mà đã 27 năm rồi kể từ ngày hai con người xa lạ bỗng chốc hóa thân quen rồi "Ba nó" nhỉ ! 

         Nhớ ngày xưa ấy ," Mẹ nó " vốn là một cô gái 25 tuổi rất năng động và có một chút tài năng . Không đẹp gái nhưng có một chút kiêu kỳ ... Kiêu kỳ không phải vì " Mẹ nó ' con nhà quyền thế gì, kiêu kỳ đơn giản vì xung quanh " Mẹ nó " có rất nhiều " ong - bướm" lượn lờ . Đương nhiên rồi , vì lẽ đó cũng nên để cho " Mẹ nó " mặc nhiên sử dụng cái quyền quan sát - so sánh - chọn lựa và kỹ tính một chút phải không nhỉ ? 

        Thế rồi một ngày không đẹp trời là mấy , " Ba nó " xuất hiện trong văn phòng công ty - nơi " Mẹ nó" đang công tác .  Nghe nói do không phục vị thủ trưởng cục TK bảo thủ và cứng nhắc  , "Ba nó" bỏ phắt không cần chờ nhận quyết định biên chế chính thức sau 18 tháng thử việc mà chuyển công tác về cty CB để làm lại từ đầu . Ngẫm "Ba nó"cũng ngang ngạnh thiệt đó . 

         Thật lòng mà nói thoạt đầu " Mẹ nó "  không có ấn tượng gì mấy về chàng lính mới mang vẻ mặt khắc khổ và đen đúa này , bởi nhìn bao quát  "Ba nó " sao mà lôi thôi - lếch thếch với chiếc sơ mi trắng bèo nhèo ngã màu và chiếc quần tây  xanh rêu được một cô thợ may nào đó đắp vào mông hai chiếc " tivi" bằng hai miếng vải đen rất mất thẩm mỹ ... 

        " Ba nó" được phân công tác CN máy chiếu của đơn vị bãi hát . 

        Suốt một thời gian tương đối dài sau đó , mỗi lần đụng mặt trên văn phòng , " Mẹ nó " cũng chỉ gật đầu chào cười nhẹ bằng phép xã giao tối thiểu và trao đổi những vấn đề có liên quan đến chuyên môn ... Rồi thôi . 

        Cho đến một ngày ... 

        Sắp sửa đến tuần lễ phim , Cty biệt phái " Mẹ nó" lên kế hoạch tiếp đón đoàn làm phim từ thành phố HCM ... Nào tổ chức gặp mặt cộng tác viên điện ảnh , nào lên lịch chiếu cho các đơn vị  , nào lên chương trình giao lưu , nào đặt tiệc chiêu đãi v..v... và  v...v  . Bởi vì " Mẹ nó " lúc đó là cán bộ tuyên truyền của Cty nên những việc đó chính là một mảng của công tác chuyên môn không có người phụ trợ .  

        Công việc dồn ứ đến nỗi ngoài 8 giờ hành chính , " Mẹ nó " phải làm thêm buổi tuối cho kịp ... Thế là suốt một tuần lễ , " Mẹ nó " cứ gõ lộc cộc trên chiếc máy đánh chữ ( thời đó làm gì có vi tính ) xong rồi lại gạch gạch - viết viết - xóa xóa ... không thể để bị chi phối dù phía bên ngoài bãi hát cách văn phòng Cty chỉ vài trăm bước , đêm nào phim cũng chiếu ầm ào ... lao nhao ... 

         Cho đến ngày cuối cùng sau khi đã hoàn tất mọi chuyện ( Lúc này đã vãng phim , khán giả về hết cả rồi ) " Mẹ nó " mới thở phào nhẹ nhỏm lững thững bước ra ngoài bãi hát để hóng chút gió và duỗi tay chân cho bớt mỏi trước khi ra về . Vừa bước ra bậc thềm văn phòng , " Mẹ nó " nghe loáng thoáng có tiếng đàn và tiếng kèn hòa quyện  ...  

        Ủa ! ai đang hợp tấu với nhau vậy ta ? ( "Mẹ nó" tự hỏi rồi bước nhanh đến xem là ai ...) 

        À ! thì ra ... 

        "Mẹ nó" ngớ người ra ngạc nhiên thán phục . Trên  hàng băng ghế được ghép lại bằng những tấm vỉ sắt dành cho khán giả ngồi coi phim , chàng lính mới đầu quân  tay thì ôm đàn guitar - miệng thì ngậm cây kèn Harmonica , đang một mình hòa tấu bài Romeo & Juliet - khúc nhạc ngoại mà " Mẹ nó " rất yêu thích . Thấy " Mẹ nó " tới gần , " Ba nó " ngừng lại tháo kèn ra và ngượng nghịu mỉm cười , cái mỉm cười thật có duyên ( Mãi sau này " Mẹ nó " mới thú nhận với "Ba nó"rằng chính cái nụ cười mỉm mỉm này đã " đánh gục" "Mẹ nó " ngay lúc ấy ...) 

        Bắt đầu từ ngày hôm đó , có một cô gái tuổi 25 thỉnh thoảng thường hay tìm cớ để dành lại một ít công việc đang làm của 8 giờ hành chính cho buổi tối,  mà không biết vì lẽ  gì  ...  

        Và cũng từ ngày hôm đó , giữa khoảng thời gian của 8 giờ hành chính , cái nụ cười mỉm mỉm  lướt qua khung cửa sổ của bộ phận tuyên truyền dường như đều đặn hơn , bớt dè dặt hơn một chút …

        Cho đến một buổi sáng của mùa xuân , trên khung cửa sổ của bộ phận tuyên truyền ấy xuất hiện một lá thư ... 

        " Mẹ nó " trước đó cũng từng có mối tình đầu ghi dấu và một vài mối tình lưng lửng …Nhưng tất cả đều đã trở thành kỷ niệm . 

         " Ba nó " tội nghiệp hơn , yêu đơn phương cô bạn học chung trường để rồi từ đó không dám yêu ai nữa cả bởi mặc cảm - tự ti .  

        Nghèo thôi mà ! “Mẹ nó” không hề quan tâm đến điều đó .. 

        Thế là một lá thư hồi âm ... 

        Những buổi hẹn hò của " Ba nó"  và  "Mẹ nó " thường là những ly yaourt đá hoặc những tô cháo khuya bình dân ... Không hơn nữa . 

        ”Mẹ nó” còn nhớ hồi đó gia tài duy nhất của "Ba nó" chỉ có một chiếc xe cà tàng cọc cạch , vậy mà cứ sau buổi chiếu "Ba nó" lại đạp lạch cạch xuống nhà "Mẹ nó" cho dù chỉ được chừng  mười - mười lăm phút ngắn ngủi để khi thì vài trái chôm chôm , lúc thì miếng bánh ngọt hoặc quả ổi ...trái quít  kèm theo vài ba câu ngắn ngủi rồi lại quày quả đạp lọc cọc quay trở về khu tập thể cơ quan , cứ đều đặn hàng ngày như thế  …. “Mẹ nó” còn nhớ có lần “Mẹ nó” bị bệnh phải xin nghỉ phép , tối đó trời mưa rất lớn ngỡ rằng mưa như thế chắc "Ba nó" sẽ không đến , nào ngờ  ... "Ba nó" gõ cửa chỉ để trao cho Ngoại chiếc bọc nilon đựng chục trứng gà kèm lời thăm hỏi rồi cứ như thế dầm mưa quay trở về ... 

         Ngoại vốn là người rất tình cảm , nhìn thấy Ba nó thiệt tình và hiền hậu như thế nên Ngoại rất thương  . 

         Ngoại bảo "Ba nó" : " Hai đứa lớn cả rồi , bước tới đi tao gã " 

        Ngoại biết "Ba nó" nghèo , Ngoại cũng lo "Ba nó" nghèo - " Mẹ nó" sẽ khổ . Nhưng Ngoại không sợ gã "Mẹ nó" cho người nghèo vì Ngoại thường hay nói :  

        " Nghèo không phải là một cái tội " 

        ..............................

        Mua con heo đang nuôi của người chị họ , mướn thợ xẻ thịt móc hàm một nửa còn một nửa để nấu tiệc . Vậy là đám cưới "Ba nó" và "Mẹ nó" cũng có chục mâm cỗ đãi bà con và bạn bè đến chung vui , nhưng bởi vì "Ba nó" nghèo nên Ngoại chế lễ rước dâu 

        Sau ngày cưới , "Ba nó" và "Mẹ nó" dọn vào khu tập thể cơ quan để sống tự lập . Cân đối xong số tiền vay mượn từ con heo người chị , số còn nợ lại là khoản ứng lương cơ quan sẽ được trả dần từ tháng kế tiếp bằng một phần lương  , phần lương thứ 2 cty cho lĩnh để trang trải chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày 

        Lương thời bao cấp thì làm gì mà đủ để ăn sung mặc sướng . Phần lương còn lại của một người tằn tiện dữ lắm cũng chỉ đủ để mua gạo - gia vị cùng chai nước tương . Hàng ngày sau giờ làm việc ,"Mẹ nó" chỉ còn cách lần qua bãi hát xin mớ rau lang người chị làm cùng cơ quan trồng để nuôi heo mà mang về luộc ...  Chị ấy bảo :

           - Mi được ưu tiên ngắt ngọn , chừa lại thân cho mấy chú ỉn của Tau ... ( sau bao nhiêu năm đến lần gặp lại chị , kỷ niệm này " Mẹ nó" mang nhắc lại đã khiến chị rơi nước mắt )

        Bữa ăn hàng ngày của hai vợ chồng trẻ sau hôn nhân cứ lặp đi lặp lại hàng mấy tháng trời như thế . 

        Thời gian trôi qua ...lần lượt hai đứa con một gái - một trai chào đời trong hoàn cảnh thiếu thốn . Nhưng túp lều tranh ( chính xác là thế ) nằm trong khu tập thể cơ quan luôn rộn rã tiếng cười , tiếng ê a học bài của lũ trẻ  ...

         Hạnh phúc đơn giản nhưng ngọt ngào kéo dài thêm được vài năm nữa thì một biến động tương đối lớn đã khiến cuộc đời "Ba nó" và "Mẹ nó" rẽ ngoặc sang hướng khác ... 

        Cty chiếu bóng nơi “Ba nó"  và "Mẹ nó” cùng công tác đột ngột tuyên bố giải thể sau một thời gian  ngắn sát nhập ba Cty lại với nhau và thua lỗ . 

           Là công ty thuộc ngành văn hóa có thu ,  thu nhập chính của nhân viên là tiền bán vé sau cân đối thu chi và nộp ngân sách . Nhưng lúc bấy giờ , làn sóng video ập đến rất nhanh , lấn lướt dần  mảng phim nhựa. Nhà nào cũng ráng dành dụm  sắm cho mình đầu máy video . Băng đĩa thì đủ các thể loại phim được chất đầy ngoài các cửa hàng , họ cạnh tranh nhau mà giảm giá để cho thuê . Người ta thuê băng dĩa về để cả nhà cùng coi . Vậy là cái thú chiều chiều đi mua vé coi phim chiếu bóng dần dần biến mất , phim nhựa ế ẩm đến mức mỗi tối chỉ bán được chừng vài chục vé ...thì chuyện giải thể cty là chuyện tất yếu mà thôi  . 

        10 năm công tác của “Mẹ nó” và 3 năm công tác của "Ba nó" được nhà nước quy đổi trả một lần bằng mấy trăm ngàn chế độ nghỉ việc 

         Ra khỏi cơ quan bắt đầu cuộc sống mới với nỗi lo không nghề nghiệp đã khiến một thời gian hơn 10 năm sau đó "Ba nó"  và "Mẹ nó" phải vất vả thăng trầm đến gần như kiệt sức với đủ các loại nghề ... Phải chuyển nhà năm bảy lần từ thị trấn lùi dần về nông thôn để có thể dôi ra một nửa giá trị căn nhà được xây dựng bằng mồ hôi nước mắt mà trang trải cho việc học của hai đứa con ... 

        Nghèo đi đôi với khổ   

        Nếu mang hai chữ nghèo khổ này đi phân tích cặn kẽ ra chắc là rất nhiều thứ để kể " Ba nó " nhỉ !  Nhưng mà cuối cùng thì "Ba nó " và "Mẹ nó" đã vượt qua được phải không ? Chính bằng sự kiên trì vượt gian khó , chính bằng sự tin tưởng ,yêu thương , nhường nhịn và chia ngọt xẻ bùi với nhau . 

        Từ hai bàn tay trắng cùng thắt lưng buộc bụng để ngoi lên .Từ năm lần bảy lượt cùng nhau vượt những ngọn sóng cao của giông bão ... 
         Cho đến mùa xuân năm nay , tất cả cũng được coi là tạm ổn rồi " Ba nó" hén ! 

        "Ba nó" thương yêu ! 

        Thì ra hạnh phúc không phải là nhà lầu xe hơi hay ruộng đất cò bay thẳng cánh . Hạnh phúc chính là mỗi sáng - mỗi chiều hoặc mỗi tối , căn nhà  nhỏ tềnh toàng không đầy đủ tiện nghi của hai chúng mình luôn rộn rã tiếng cười vui 

        Hạnh phúc cũng không phải là chiều mỗi tuần cùng nhau đi cà phê , hoặc mỗi tháng cùng nhau đi du lịch dã ngoại . Hạnh phúc chính là mỗi tối “Mẹ nó” sau khi xong việc , tựa cửa lắng tai nghe tiếng xe của “Ba nó” rõ dần ...  

        Hạnh phúc hơn nữa chính là hai đứa con ngoan ngoãn biết vâng lời Ba mẹ và rất chăm chỉ học hành . Chính là ("Mẹ nó" biết "Ba nó" chắc chắn cùng ý nghĩ) " Gầy dựng cho hai đứa con ngoan một tương lai tương đối sáng sủa hơn một chút để chúng nó đừng bị khổ như Ba Mẹ nó ngày xưa “

        Hạnh phúc chính  là "Ba nó"  và  "Mẹ nó" luôn thật nhiều sức khỏe để chứng kiến cảnh những đứa cháu nội- ngoại tung tăng đùa giỡn chung quanh mình . 

        Hạnh phúc” chỉ cần đơn giản như thế , không ở đâu xa . Phải không “Ba nó” ! 

        Còn một thứ hạnh phúc nữa mà "Mẹ nó" biết mình cần phải rất khéo léo để dung hòa , đó chính là niềm đam mê thơ ca của riêng mình , "Mẹ nó" viết không phải vì háo danh hám lợi mà là viết để cảm thấy vui vì biết rằng ít ra ở lứa tuổi cận chiều của cuộc đời , " Mẹ nó" vẫn còn có ích . Một khi hòa mình vào nhịp sống chung của thơ ca " Mẹ nó" làm sao tránh được những giây phút gặp gỡ giao lưu cà phê cà pháo hay họp hội  hoặc thi thoảng đi du lịch thực tế ... với bạn bè cùng chung đam mê ."Mẹ nó" tuyệt đối không bao giờ để tư tưởng mình bị chi phối đến méo mó lệch lạc đâu - tuyệt đối . "Ba nó" nhất định phải hiểu – tin tưởng và ủng hộ tinh thần "Mẹ nó"  nhé ! 

        Đôi khi nhìn lại quãng thời gian đã đi qua  , "Mẹ nó" cảm thấy rất tự hào để có thể thừa nhận với tất cả rằng " Hai đứa chúng mình quả thật rất kiên cường - rất giỏi "   

        Ngoài kia con gió bấc vẫn còn mê chơi lẩn quẩn như còn tiếc nuối chút đông , nhưng khoảng không gian riêng của chúng mình quả thật là ấm áp . Có phải không "Ba nó" ? 

        " Ba nó" thương yêu ơi !

        - Mùa Xuân thứ 28 của riêng mình sắp sửa đến gần rồi đó ... 

        .....................


        Huỳnh Gia  


        Viết xong lúc 21h40 ngày 04/01/2015 

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.01.2015 20:16:29 bởi Huỳnh_Gia >
        #19
          Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 19 trên tổng số 19 bài trong đề mục
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9