Diễn biến dịch cúm gia cầm ngày càng phức tạp
http://www.vov.org.vn Theo thông báo từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 85 xã, phường thuộc 51 huyện, thị của 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số gia cầm tiêu huỷ là hơn 430.000 con. Dịch cúm gia cầm diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp và nguy cơ về một đại dịch vẫn có thể xảy ra.
Chỉ trong ngày 16/11, cả nước đã có thêm 24 xã, phường có dịch cúm gia cầm. Sơn La là tỉnh mới nhất bổ sung vào danh sách các địa phương có dịch với điểm tái phát tại xã Chiềng Hắc và Nông trường Mộc Châu, thuộc huyện Mộc Châu. Tại một hộ chăn nuôi ngan ở xã Hát Lót, huyện Mai Sơn cũng có hiện tượng hàng chục con gia cầm chết, nghi do nhiễm cúm, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương.
Tại Đồng Tháp, ngày 16/11, ông Dương Nghĩa Quốc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, địa phương vừa phát hiện 30 con cồng cộc bỗng dưng bị chết tại khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp Mười) - một trong những khu du lịch chim trời nổi tiếng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, tại huyện Tam Nông cũng đã phát hiện 349 con vịt bị chết mà không rõ nguyên nhân. Cán bộ thú y đã lấy mẫu đưa đi xét nghiệm để có kết luận cụ thể.
Trong 3 ngày từ 13-15/11, tại xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ và Đồng Thịnh, huyện miền núi Yên Lập đã xuất hiện hiện tượng thuỷ cầm chết hàng loạt. Chi cục Thú y Phú Thọ đã giao cho Trạm Thú y thị xã Phú Thọ, huyện Yên Lập tiếp tục theo dõi, tổ chức khử trùng tiêu độc cho các gia đình có đàn gia cầm và thuỷ cầm bị chết. Tiến hành khử trùng tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở những thôn, xóm có thuỷ cầm chết, tổ chức tiêu huỷ theo đúng quy trình kỹ thuật.
Tại Hà Tây - tỉnh có số lượng gia cầm đứng đầu trong cả nước (khoảng 10,5 triệu con) - thời gian qua toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch nên trên địa bàn chưa có dịch bệnh phát sinh. Nhưng hiện nay, cán bộ và nhân dân đều rất lo ngại về nguy cơ dịch cúm sẽ bùng phát ngay trong đàn gia cầm thương phẩm, bởi lẽ, tại thời điểm này có tới 4,5-5 triệu con gia cầm đã đến tuổi xuất chuồng mà không bán được. Hộ chăn nuôi lớn đứng trước hậu quả thua lỗ đành phải nuôi cầm chừng, bỏ đói, dẫn đến gia cầm giảm sức đề kháng và dịch bệnh dễ phát sinh. Nguy cơ dịch bệnh dễ xảy ra nhất là ở những vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hoà, Phú Xuyên…, có tới trên 500 hộ có đàn gia cầm, thuỷ cầm từ 500 con trở lên. Trong đó, có gần 200 hộ nuôi gia công từ 1.000-8.000 con gia cầm.
Tính đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm phòng cho gia cầm, thuỷ cầm, trong đó, nhiều tỉnh thành phố tiêm sang mũi 2 với tổng số lượt gia cầm được tiêm là hơn 118 triệu con. Ngày 16/11, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã có quyết định thành lập 9 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch cúm gia cầm.
** Bổ sung hơn 1.300 tỉ cho cho phòng chống cúm A ở người
Ngày 15/11, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định QĐ 1239/QĐ-TTg bổ sung thêm 1.306 tỉ đồng kinh phí để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cúm A (H5N1) ở người trong năm 2005. Phần kinh phí bổ sung này, theo quyết định của Thủ tướng, sẽ dược dùng mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất... phục vụ cho phòng chống dịch.
Trong số tiền này, Bộ Y Tế sẽ được bổ sung 1065,2 tỉ đồng, các bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải được bổ sung tổng cộng 41,4 tỉ đồng. Số kinh phí 199.8 tỉ đồng còn lại sẽ được bổ sung có mục tiêu cho 64 tỉnh.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6596 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc nhập khẩu vaccine phòng chống dịch cúm gia cầm, nội dung nêu rõ:
Theo báo cáo của một số địa phương đã xuất hiện tình trạng gia cầm đã tiêm vaccine phòng dịch, song, sau khi tiêm một thời gian, đàn gia cầm vẫn bị dịch chết hàng loạt và phải tiêu huỷ cả đàn. Nguyên nhân có thể do vaccine nhập không đủ tiêu chuẩn, không đúng chủng loại và chất lượng kém.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Y tế, Quốc phòng, Công an, các ngành liên quan và UBND các tỉnh biên giới chủ động tăng cường các biện pháp đề phòng, đấu tranh ngăn chặn không để các loại vaccine không đủ tiêu chuẩn xâm nhập tiêu thụ tại Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị được phép nhập khẩu vaccine phòng, chống dịch cúm gia cầm phải xem xét lại hợp đồng đã ký kết, chủ động có biện pháp đối phó, đề phòng trường hợp đối tác lợi dụng thông tin về vaccine không đủ tiêu chuẩn để thay đổi hợp đồng, nâng giá, ngừng cung cấp tiếp... Cần yêu cầu đối tác phải thực hiện đúng hợp đồng, đúng chất lượng vaccine để kịp thời phòng, chống dịch cúm gia cầm.
** Miễn phí cuộc gọi qua đường dây nóng chống cúm gia cầm
Bộ Bưu chính Viễn thông vừa yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai thiết lập ngay đường dây nóng theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm Trung ương và địa phương, đáp ứng nhu cầu phản ánh thông tin của người dân liên quan đến dịch cúm gia cầm và miễn cước tất cả các cuộc gọi qua đường dây nóng.
Chỉ thị về việc triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người vừa được Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành nêu rõ: Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có nhiệm vụ thiết lập hệ thống thông tin hội nghị từ xa nối Văn phòng Chính phủ với một số địa bàn trong cả nước, nhằm thực hiện các cuộc hội nghị truyền hình khi cần thiết của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.
Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình phối hợp với VNPT triển khai thiết lập hệ thống thông tin hội nghị từ xa, đồng thời xây dựng chuyên mục riêng và tăng thêm thời lượng tuyên truyền cho công tác phòng, chống dịch.
Trang web của các cơ quan đơn vị thuộc bộ, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và Internet, đặc biệt là các báo điện tử mở chuyên mục “Thông tin ngay-ngăn chặn kịp thời đại dịch cúm gia cầm” nhằm đảm bảo trao đổi thông tin 2 chiều tới mọi người dân.
** Hai loại virus H3 và H4 không gây hại cho gia cầm
Theo ông Ngô Thanh Long, Trưởng phòng Dịch tễ Trung tâm thú y vùng thành phố Hồ Chí Minh, 4 mẫu lấy từ đàn thuỷ cầm được xác định là có virus H3 và H4, được gửi sang Phòng xét nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Australia xác định đã có kết quả. Cụ thể, đây là các loại virus H3N6 và H4N6, những loại virus này không gây hại và nguy hiểm cho đàn gia cầm.
Tuy nhiên, một nguồn tin y tế khác cũng cho biết, các chủng virus này vẫn có thể kết hợp với chủng virus H5N1 và làm tăng độc tính của H5N1. Vì vậy, vẫn cần đề phòng sự lây lan của các chủng virus này.
** Hà Nội diễn tập về phòng chống đại dịch cúm ở người
Thông tin tại buổi họp giao ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người chiều 16/11 cho biết, kể từ ngày 1/10 đến 14/11, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 14 tỉnh, thành phố là Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Nam, Sơn La và Bắc Ninh. Hàng trăm nghìn con gia cầm đã bị tiêu huỷ. Từ đầu tháng 11 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm H5N1. Các trường hợp nghi nhiễm khác xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Như vậy từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát đến nay, Việt Nam có 92 trường hợp bị nhiễm cúm A (H5N1) và 42 người đã tử vong. Tuy nhiên, về vấn đề tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, đại diện của Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới rất bức xúc, do trong thời gian qua việc khám chữa bệnh đối với các bệnh nhân có liên quan đến các bệnh về đường hô hấp gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tại các bệnh viện ở tuyến dưới, khi bệnh nhân chỉ mới có một chút ít biểu hiện về phổi hoặc về hô hấp là đã được gửi ngay lên các bệnh viện tuyến trên, gây ra tình trạng quá tải về khám chữa bệnh.
Cũng tại cuộc giao ban này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn đã thông báo về kế hoạch diễn tập phòng chống dịch cúm ở người do Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của thành phố tổ chức. Theo kế hoạch, dự kiến buổi diễn tập sẽ được thực hiện vào sáng 27/11 với quy mô lớn, huy động khoảng hơn 1.000 tham gia. Địa điểm được chọn diễn tập nằm trên địa bàn quận Long Biên, gồm: Trường tiểu học Việt Hưng, Uỷ ban Nhân dân phường Việt Hưng và Bệnh viện Đức Giang. Cuộc diễn tập sẽ tập trung vào 4 nội dung chính: điều hành của Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm của thành phố Hà Nội và của Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm trên địa bàn diễn tập khi phát hiện ổ dịch; việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch và điều tra ổ dịch; khả năng đáp ứng của cơ sở y tế về đón tiếp, điều trị bệnh nhân bị nhiễm dịch; triển khai tại cộng đồng một bệnh viện dã chiến có quy mô 250 giường là nơi phân loại, theo dõi, điều trị các bệnh nhân cúm trong cộng đồng.
Tình huống được đặt ra trong diễn tập là phát hiện có dịch cúm tại phường Việt Hưng (quận Long Biên). Tại khu vực có dịch có 100 hộ gia đình với 300 bệnh nhân bị nhiễm cúm, trong đó có 50 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch cần phải đưa vào Bệnh viện Đức Giang cấp cứu và 250 bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị tại nhà. Cuộc diễn tập sẽ được thực hiện ở 3 khu vực. Khu vực 1 ở tại trường tiểu học Việt Hưng (quận Long Biên). Đây là nơi diễn tập về cách điều hành của Ban chỉ đạo thành phố và đồng thời là nơi triển khai diễn tập bệnh viện dã chiến. Khu vực 2 đặt ở Uỷ ban Nhân dân phường Việt Hưng sẽ diễn tập về hoạt động giám sát, khoanh vùng và xử lý môi trường. Khu vực 3 đặt tại Bệnh viện Đức Giang sẽ thực hiện diễn tập về khả năng đáp ứng về y tế khi có bệnh nhân cúm nặng nhập viện. Bộ Y tế sẽ huy động 20 xe cứu thương cùng nhiều trang thiết bị y tế hỗ trợ cho các bệnh viện được chọn diễn tập để triển khai các tình huống giả định.
Mục tiêu của cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, xử lý của Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp từ thành phố xuống các xã, phường khi phát hiện có dịch cúm ở người xảy ra; khả năng phối hợp liên ngành sẵn sàng đáp ứng với tình huống xảy ra đại dịch cúm ở người; nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của Sở Y tế, Ban quân dân y thành phố và các đơn vị y tế nhằm rút kinh nghiệm đề hoàn thiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống đại dịch cúm ở người. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn khẳng định, việc diễn tập sẽ được thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, triển khai tốt các nội dung diễn tập, đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia diễn tập, thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa trung ương với địa phương và các đơn vị, lực lượng liên quan.
Thực hiện công điện số 33 ngày 4/11/2005 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội về nghiêm cấm các quận, huyện nội, ngoại thành không được nuôi gia cầm, đến ngày 15/11, trên toàn bộ địa bàn quận Long Biên nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung đã giải quyết gần như dứt điểm việc nuôi gia cầm, thuỷ cầm và chim trên địa bàn toàn thành phố. (Thanh Hà)
** Thành phố Hồ Chí Minh: Tiêu hủy trên 66,7 tấn gia cầm
Ngày 16/11, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã họp đánh giá tình hình giết mổ, ngưng nuôi gia cầm và triển khai các biện pháp sắp tới. Theo báo cáo của Chi cục Thú y thành phố, đến nay thành phố đã cơ bản hoàn tất việc ngưng nuôi gia cầm. Trong 5 ngày qua, Công ty Môi trường Đô thị thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành đốt và chôn tiêu hủy trên 66,7 tấn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhiễm dịch hoặc vận chuyển và mua bán trái phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kỹ sư Trần Đại Đồng - Phó Giám đốc Công ty, cho biết Nhà máy xử lý rác y tế Bình Hưng Hòa chỉ có khả năng đốt thêm 3-5 tấn gia cầm/ngày, do đó chủ yếu phải xử lý bằng cách chôn an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường với khối lượng lớn từ 30-40 tấn gia cầm/ngày tại Công trường xử lý rác Đông Thạnh
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: trước ngày 21/11/2005, chính quyền các địa phương phải mời các hộ kinh doanh nhà hàng, quán cơm, bếp ăn tập thể, hộ bán gà quay, vịt quay trên đường ký cam kết không mua gia cầm không qua kiểm dịch để chế biến, đồng thời đăng ký địa chỉ sẽ mua gia cầm. Nếu sau ba ngày không đăng ký được địa chỉ mua gia cầm thì lực lượng quản lý thị trường yêu cầu tạm ngưng kinh doanh.
UBND thành phố cũng yêu cầu cơ quan thú y các địa phương vận động đưa chim kiểng đang nuôi trong nhà ra khỏi thành phố (đến các địa phương không cấm) hoặc tự tiêu hủy. Ngành thú y đảm bảo ngay các thủ tục kiểm tra huyết thanh, xác nhận chim không nhiễm bệnh để di chuyển ra khỏi thành phố. Sau ngày 30/11/2005 không duy trì nuôi chim kiểng trong nhà trên toàn địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chủ tịch UBND thành phố thông báo: các cơ sở giết mổ gia cầm phải chấm dứt giết mổ trước ngày 17/11, nếu không sẽ xử lý tiêu hủy và không hỗ trợ. Sở Thương mại thành phố cũng cho biết đến nay đã có 4 đơn vị tham gia dự trữ lương thực cho nhu cầu thành phố là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, hệ thống siêu thị Co.op Mart và Metro với gần 4.000 tấn thực phẩm. Trong vài ngày tới sẽ tiếp tục vận động thêm các doanh nghiệp có tiềm năng để tham gia dự trữ lương thực.
** Hải quan Lào Cai phát hiện nhiều vụ buôn lậu trứng gia cầm
Ông Phùng Thế Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết, từ tháng 8/2005 đến nay, Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã phát hiện và bắt giữ 27 vụ nhập trái phép trứng gia cầm và các chế phẩm từ gia cầm, bao gồm: 1.650 quả trứng gà, 10kg chân gà. Hàng ngày có gần 600 lượt người qua lại cửa khẩu Lào Cai. Dân buôn thường chia lẻ trứng, gà đã chế biến rồi giấu lẫn vào các loại hàng hoá khác để tránh sự kiểm tra của hải quan. Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện kịp thời để ngăn chặn tình trạng nhập trái phép các loại gia cầm và chế phẩm gia cầm qua cửa khẩu.
** Cần Thơ: Giám sát chặt chẽ thuốc Tamiflu
Trong suốt hai tuần qua, tại thành phố Cần Thơ đã xuất hiện hiện tượng một số cơ sở kinh doanh thuốc có dấu hiệu đầu cơ, tích trữ, nâng giá bán thuốc Tamiflu để thu lợi bất chính. Tình trạng này xuất phát từ việc một số người do thiếu thông tin về dịch cúm gia cầm, các quy định chuyên môn về sử dụng thuốc Tamiflu... đã đổ xô tìm mua thuốc để dự phòng. Sau khi được thông báo về tình trạng này, Sở Y tế thành phố Cần Thơ có Công văn số 152/SYT-TB thông báo về việc lưu thông, phân phối thuốc Tamiflu theo qui định của Bộ Y tế và yêu cầu các đơn vị chỉ đạo, giám sát các nhà thuốc, đại lý, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn quản lý chỉ được bán thuốc Tamiflu cho bệnh nhân khi có đơn của bác sĩ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh thuốc để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp đầu cơ, tích trữ, nâng giá thuốc bất hợp lý. Nếu phát hiện mẫu thuốc Tamiflu (từ nguồn viện trợ của Đài Loan) có bán ra thị trường phải tiến hành kiểm tra hoặc báo cáo ngay về Phòng Quản lý Dược hoặc Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ để có biện pháp xử lý./.
(VOVNews tổng hợp
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.11.2005 05:03:05 bởi PCCC >