Cúm gà, vịt, chim...
Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 6 của 13 trang, bài viết từ 76 đến 90 trên tổng số 188 bài trong đề mục
HongYen 20.11.2005 21:40:13 (permalink)
18 Tháng 11 2005 - Cập nhật 00h03 GMT

Tamiflu không an toàn cho trẻ em?


Tamiflu hiện là thuốc hữu hiệu nhất để điều trị cúm gia cầm ở người


Cơ quan về an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã nêu lên những quan ngại về mức độ an toàn trong việc sử dụng thuốc chống cúm Tamiflu ở trẻ em.
Trong một biên bản ghi nhớ được công bố hôm 17.11.2005, cơ quan này nói đã ghi nhận được 12 trường hợp trẻ em tử vong trong thời gian 13 tháng qua.

Biên bản ghi nhớ của cơ quan về an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ nhắc tới 75 trường hợp khiến người ta lo ngại về việc sử dụng thuốc tamiflu cho trẻ em.

Trong số 12 trường hợp tử vong, có bốn trường hợp đột tử, một trường hợp rối loạn thần kinh và một số trường hợp khác bị truỵ tim phổi.

Cũng có 32 trường hợp khác bị rối loạn thần kinh, trong đó có cả trường hợp bị ảo giác.

Bản phúc trình nói chưa có đủ thông tin chi tiết để đánh giá nguyên nhân gây bệnh, thế nhưng các trường hợp xảy ra hết sức bất thường, khiến cần phải nghiên cứu thêm.

Cho tới nay, Tamiflu là thuộc phòng chống virus quan trọng nhất trong cuộc chiến chống bệnh cúm gia cầm và nguy cơ bùng phát bệnh dịch.

Roche đang tăng sản lượng thuốc tamiflu lên 300 triệu liều mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu thế giới.

Cúm gia cầm gây tác hại nghiêm trọng, bất thường đối với những bệnh nhân trẻ, và nguy cơ tử vong ở trẻ em là cao hơn ở người lớn.

Roche tuyên bố rằng tỷ lệ tử vong và bị rối loạn tâm thần không hề khác biệt giữa những người sử dụng thuốc Tamiflu và nhữung người bị cúm.

ttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/11/051117_tamiflu_sideeffects.shtml
#76
    HongYen 20.11.2005 21:42:15 (permalink)
    19 Tháng 11 2005 - Cập nhật 19h13 GMT


    Vaccine cúm gà sẽ được 'ưu tiên sản xuất'


    Virus cúm gà có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm
    Bộ trưởng y tế các nước trên thế giới nhất trí thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine chống đại dịch cúm gà tại một hội nghị tổ chức tại Rome, Ý.
    Các nước sẽ chia sẻ thông tin và công nghệ để đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất thuốc và cũng sẽ đảm bảo sao cho cung đáp ứng đủ cầu.

    Bộ trưởng y tế Anh quốc Rosie Winterton tham gia cuộc họp tại Rome.

    Anh đã cam kết cung cấp vaccine cho dân một khi xuất hiện đại dịch và xác định được chủng virus, cũng như tăng cường dự trữ thuốc kháng virus Tamiflu.

    Hiện chưa có một loại vaccine cụ thể, nhưng một số vaccine đặc trưng bảo vệ con người khỏi virus H5N1 đang được sản xuất.

    Đã có nhiều người lo ngại rằng sản xuất sẽ không đáp ứng đudr nhu cầu về vaccine khi có đại dịch xảy ra vì như vậy hàng triệu người sẽ cần thuốc mà các công ty lại không có nhiều thời gian để sản xuất.

    Điều mà người ta không thể biết được là liệu dịch cúm gà sẽ bùng lên ở mức nào. Chính phủ Anh đang chuẩn bị cho nhiều tình huống khác nhau, từ mức 20.000 người đến 750.000 người chết.

    Tại hội nghị Sáng kiến bảo vệ sức khỏe toàn cầu, các bộ trưởng y tế, trong đó có các bộ trưởng Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật và Mexico, cũng nhất trí sẽ hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới để phát triển và thử nghiệm những biện pháp ngăn chặn sớm các đợt bùng phát dịch.

    http://newsimg.bbc.co.uk/media/images/41019000/jpg/_41019778_tamiflu203.jpg
    #77
      HongYen 20.11.2005 21:45:54 (permalink)
      Những vụ bộc phát cúm gà xuất hiện tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thái Bình và Hòa Bình

      18-November-2005


      AP

      Vi rút cúm gà, gây tử vong cho 42 người ở Việt nam, mới đây lại lây lan ở 3 tỉnh miền Bắc. Theo tin của hãng thông tấn Reuters đánh đi từ Hà nội hôm thứ sáu, những vụ bộc phát cúm gà ở gia cầm đã xuất hiện tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thái Bình và Hòa Bình khiến vài ngàn gia cầm bị toi hoặc bị tiêu hủy.

      Những vụ bộc phát này nâng tổng số các tỉnh thành có dịch ở Việt nam lên tới 17 kể từ khi bắt đầu xuất hiện hồi đầu tháng 10. Cũng trong ngày thứ sáu, chủ tịch Trần Đức Lương cho biết ông dự kiến là các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh Apec ở Nam Triều tiên sẽ nhận lời mời của Việt nam nhằm tổ chức một hội nghị các bộ trưởng y tế của Apec tại Hà nội vào năm tới để thảo luận về những vấn đề như sản xuất vaccine và thuốc trị cúm gà.

      Mặt khác, khoảng 43 tấn vaccine do Trung quốc sản xuất đã được chở tới Việt nam trên 3 chuyến bay đặc biệt được thực hiện trong 3 ngày vừa qua. Tường thuật của Tân hoa xã trích lời một viên chức thuộc lãnh sự quán Trung quốc ở thành phố Hồ Chí Minh cho hay chuyến bay đầu tiên chở vaccine đã tới phi trường Tân sơn nhất hôm thứ ba và chuyến chót đã hạ cánh hôm thứ năm.

      Việt nam đang nhập khẩu vaccine từ Trung quốc để tiến hành kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ gia cầm trên cả nước trước cuối tháng 3 năm 2007.


      http://www.voanews.com/vietnamese/2005-11-18-voa21.cfm
      #78
        HongYen 21.11.2005 06:01:50 (permalink)
        20 Tháng 11 2005 - Cập nhật 12h27 GMT

        Việt Nam và cuộc chiến chống cúm gia cầm


        Jonathan Head, Phóng viên BBC viết từ Việt Nam



        Dịch cúm gia cầm đã gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam


        Việt Nam là nước có số người chết vì cúm gia cầm nhiều nhất, nhưng như Jonathan Head tìm hiểu, chính phủ Việt Nam tin rằng họ có thể ngăn chặn được vấn đề nhờ vào việc dùng vaccine của Trung quốc.

        “Người Vịêt Nam có thể đánh bại con virus này.”

        Ông Quang, người phụ trách nhóm phóng viên chúng tôi của Bộ ngoại giao, nói với sự tự tin cao độ trước các phóng viên.

        Đó là sự tự tin về một đất nước đã từng đánh bại Nhật, Pháp và Mỹ.

        Trong khi các nước khác đang hoảng hốt trước sự xuất hiện của cúm gà, Việt nam nói họ sẽ thắng.

        Và điều đó thật là quan trọng.

        Khi tuần vừa rồi có tin Trung quốc có bệnh nhân đầu tiên qua đời vì cúm gà, nhiều người đặt câu hỏi không biết bao nhiêu trường hợp nữa có thể đã bị che giấu tại đó.

        Nhưng cũng phải nói rằng Việt nam là nơi có nhiều người chết vì virus này hơn bất kỳ nước nào khác.

        ‘Huy động’

        Nếu quả thực một đại dịch toàn cầu đang hình thành, có nhiều khả năng nó sẽ xảy ra tại những cánh đồng lúa xanh mướt của đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long nằm ở hai đầu lãnh thổ trải dài của nước Việt nam.

        Tại đó hàng triệu người sống liền kề với hàng chục triệu con gà vịt.

        Các chuyên gia tin rằng con virus này đang là virus có tính đặc hữu tại Việt nam.

        Và có lẽ nó sẽ không bao giờ có thể bị xóa sổ.

        Một khi trung ương đã ra lệnh, toàn bộ cả nước được huy động chống cúm gà.


        Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Sở Thú Y tỉnh Hà Tây

        Tuy nhiên, các nhà chức trách Vịêt nam đang cố gắng hết sức.

        Chính phủ Việt nam đã tuyên bố rằng toàn bộ 260 triệu gia cầm trong ngành chăn nuôi sẽ được tiêm chủng bằng vaccine của Trung quốc trong vài tháng tới.

        Bạn có thể nghĩ đó là một việc gần như không thể làm được, nếu tính đến số hộ gia đình có một vài con gà vịt.

        Ông Nguyễn Xuân Vui, giám đốc cơ quan thú y tỉnh Hà Tây, nơi chúng tôi được phép tới thăm, nói: “Các ông thấy đấy, đó là lợi thế của việc sônsg trong một hệ thống cộng sản.”

        “Một khi trung ương đã ra lệnh, toàn bộ cả nước được huy động chống cúm gà.”

        Bản thân tôi có thể nghĩ đến một số điểm không mấy ‘lợi thế’!

        Với sự kiểm soát nặng nề đối với những gì phóng viên có thể tới chứng kiến, tôi không hiểu họ đang thành công được bao nhiêu.

        Một buổi sáng, họ đưa chúng tôi tới một trong những điểm kiểm tra trên đường phố Hà nội lúc 6 giờ 30 sáng.

        Các quan chức từ Bộ Nông nghiệp đang chật vật mặc vào những bộ quần áo chống thấm nước và đi ủng cao su.

        Họ có những điểm kiểm tra đối với tất cả gia súc và gia cầm được đưa vào thủ đô. Đấy là họ nói với chúng tôi như vậy. Nhưng chắc chắn rằng điềm kiểm tra này đã không kịp bắt những người nhanh chân tới sớm mang hàng ra chợ.

        Một chiếc xe máy được mời dừng lại bên đường, chiếc lồng sắt nhét đầy gà còn sống chở phía sau. Người ta té thuốc khử trung lên chiếc lồng.

        Một số người dân Hà nội cho chúng tôi biết họ làm như vậy chỉ là để đề phòng trường hợp một số gà vịt sống vẫn có thể truyền virus mặc dù không có dấu hiệu bệnh.

        Đặc biệt là vịt.

        Đó là một khó khăn đối với Việt nam.

        Vịt sống gần nơi người ở và thường được đưa ra bơi lội tại những cánh đồng lúa, và có khả năng thả xuống nước rất nhiều virus H5N1.

        Tranh cãi về vaccine

        Chúng tôi được phép xem một nhóm các chuyên gia tiêm vaccine tại làng Phú An. Họ đeo kính và khẩu trang, trên tay lăm lăm một chiếc xi-lanh rất to bằng kim loại.

        Họ làm việc rất nhanh, mỗi lần túm vài con vịt ngang cổ và ấn chiếc xi-lanh vào ức chúng.

        Ông Trịnh Văn Ổn, chủ trại vịt không hề kêu ca gì.

        Ông lo lắng liếc mắt nhìn các quan chức đang đứng xung quanh và bày tỏ sự biết ơn chính phủ.

        Ít quốc gia nào dựa vào các vắc-xin mới chưa được thử nghiệm kỹ càng để chống cúm gia cầm.

        Đa số các quốc gia tin rằng một hệ thống giám sát tốt cùng với việc tiêu hủy gia cầm là cách tốt nhất để ngăn chặn vi rút.

        Nhưng Tổ chức Lương Nông Thế giới tỏ ra thông cảm với Việt Nam.

        Họ nói với tôi khi tôi tới gặp họ ở văn phòng Hà Nội: ''Vắc-xin có thể không diệt hẳn được vi-rút.

        ''Nhưng ít nhất nó cũng giảm số vi-rút xuống tới mức có thể kiểm soát được.''

        Hơn nữa, Việt Nam cũng không thể bồi thường cho tất cả các nông dân nuôi gia cầm có gà vịt bị tiêu hủy.

        Nhưng khi tôi nhìn các quan chức đi cùng chúng tôi nốc hết chai bia này tới chai bia khác mà họ buộc chúng tôi phải mua cho họ, tôi không rõ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thực sự chiến đấu chống lại cúm gia cầm như họ đã chiến đấu trong các cuộc chiến trước đây hay không.

        http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2005/11/051120_viet_bird_flu.shtml[image][/image]
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.11.2005 20:49:14 bởi HongYen >
        #79
          HongYen 23.11.2005 20:55:50 (permalink)
          Phát hiện 4 ca bệnh cúm gà nơi gia cầm tại Rumanie

          21-November-2005



          Xét nghiệm cho thấy 4 con gà bị toi ở làng Caraorman bị nhiễm vi rút H5N1(AP)

          Các giới chức Rumanie cho hay có 4 ca bệnh cúm gà nơi gia cầm đã được phát hiện tại một ngôi làng hẻo lánh trong vùng đồng bằng sông Danube.

          Bộ trưởng Nông nghiệp Gheorghe Flutur hôm nay nói rằng các cuộc xét nghiệm do một phòng thí nghiệm ở Anh thực hiện cho thấy 4 con gà bị toi ở làng Caraorman bị nhiễm vi rút H5N1. Tháng trước, hai ngôi làng khác ở Rumanie cũng xuất hiện loại vi rút này nơi gia cầm.

          Trong khi đó bộ nông nghiệp Trung quốc cũng xác nhận là cúm gia cầm đã gây bệnh cho gà vịt hồi tuần trước ở vùng Nội Mông và tỉnh Hồ Bắc thuộc trung bộ Trung quốc.

          Hôm qua, bộ trưởng Y tế Hoa kỳ ông Mike Leavitt nói rằng Hoa kỳ cần phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm mới có thể sản xuất 300 triệu liều vaccine để giúp dân chúng phòng ngừa đại dịch cúm có thể xảy ra.


          http://www.voanews.com/vietnamese/2005-11-21-voa18.cfm
          #80
            HongYen 23.11.2005 20:58:02 (permalink)
            Một thiếu niên tại Hải Phòng bị nhiễm virut H5N1

            22-November-2005

            Các số liệu chính thức của Việt Nam cho thấy có tổng cộng 92 ca bệnh cúm gà kể từ cuối năm 2003 (AP)

            Hôm thứ ba, các giới chức y tế Việt Nam cho hay một thiếu niên Việt Nam đã bị nhiễm virut H5N1 gây bệnh cúm gà.

            Các bác sĩ thuộc cục y tế thành phố Hải Phòng nói với hãng thông tấn Reuters rằng các thử nghiệm cho thấy em Vũ văn Hòa, 15 tuổi đã nhiễm virut và đang được điều trị tại một bệnh viện ở địa phương.

            Tuy nhiên, theo tin của AFP thì giới hữu trách Hà Nội bác bỏ thông tin này. Bác sĩ Nguyễn Trần Hiền, giám đốc viện vệ sinh dịch tễ, nơi thực hiện các cuộc thử nghiệm, phủ nhận việc người bệnh có thử nghiệm dương tính.

            Một phát ngôn viên của bộ y tế là ông Trần Đức Long cũng nói rằng Việt Nam không có báo cáo về ca bệnh cúm gà mới nào trong vòng vài tuần qua.

            Trong khi đó, giới hữu trách thuộc viện Pasteur ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết một người đàn ông 54 tuổi xã qua đời hôm chủ nhật tại bệnh viện bệnh nhiệt đới sau khi bị khó thở, sốt cao và nhiễm trùng phổi.

            Thử nghiệm về các mẫu máu của người đàn ông ở tỉnh Vĩnh Long này đang được thực hiện tại viện.

            Các số liệu chính thức của Việt Nam nay cho thấy có tổng cộng 92 ca bệnh cúm gà kể từ cuối năm 2003, trong đó có 42 người chết. Con số người chết này chiếm hơn 2 phần ba tổng số người chết vì cúm gà trên thế giới.

            Trong mấy tuần qua, đã có nhiều cái chết khả nghi và nhũng ca bị nhiễm bệnh.

            Tính đến nay cúm gà đã phát tác ở 19 tỉnh thành tại Việt Nam kể từ khi có những vụ bột phát hồi đầu tháng 10, nhưng theo website chính thức của bộ nông nghiệp thì chỉ có 16 tỉnh có gà vịt bị nhiễm bệnh. Bộ cũng nói rằng khoảng 150 triệu trong số 220 triệu gia cầm trên khắp nước đã được tiêm chủng tính đến hôm thứ hai vừa qua. Chưa có sự kiểm chứng của các nguồn tin độc lập.

            http://www.voanews.com/vietnamese/2005-11-22-voa11.cfm
            #81
              HongYen 23.11.2005 21:01:01 (permalink)
              Trung Quốc và Nga báo cáo thêm những ca bệnh cúm gia cầm

              23-November-2005





              Trung Quốc và Nga cho hay đã có thêm những trường hợp cúm gia cầm, trong khi các giới chức Trung Quốc chấp thuận các cuộc thử nghiệm đầu tiên về thuốc chủng ngừa bệnh cúm gia cầm cho con người.

              Theo các tin tức truyền thông của Nhà Nước Trung Quốc thì đã có thêm các trường hợp cúm gia cầm với vi rút H5N1 trong các khu vực Tân Cương và Ninh Hạ ở về phía Tây Bắc, và tỉnh Vân Nam ở phía Tây Nam của Trung Quốc.

              Các giới chức hữu trách đã tiêu hủy hàng chục ngàn gà vịt trong các nông trại, gần nơi có gia cầm bị chết.

              Còn tại Nga, các giới chức chính phủ nói rằng 250 con thiên nga đã bị chết vì loại vi rút H5N1 tại vùng đồng bằng sông Volga.

              Trong khi đó các giới chức thuộc cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm của Nhà Nước tại Trung Quốc nói rằng chính phủ đã chấp thuận việc thực hiện những cuộc thử nghiệm thuốc chủng ngừa cúm gia cầm cho con người.

              Theo các cơ quan truyền thông Nhà Nước thì các báo cáo sơ khởi cho thấy rằng loại thuốc chủng ngừa này là tương đối an toàn và công hiệu.

              Sáng hôm thứ Ba, Nhật bản, Hồng Kông, Đài Loan và Hoa Kỳ đã áp dụng lệnh cấm tạm thời việc nhập khẩu các loại gia cầm từ tỉnh British Columbia của Canada sau khi vi rút cúm gia cầm đã bị phát hiện nơi 1 con vịt tại tỉnh này.

              http://www.voanews.com/vietnamese/2005-11-23-voa1.cfm
              #82
                HongYen 24.11.2005 16:14:25 (permalink)
                Các giới chức y tế EU mở cuộc thao dượt để chuẩn bị cho đại dịch cúm gia cầm

                23-November-2005

                Các giới chức y tế của liên hiệp Châu Âu đã bắt đầu cuộc thao dượt trong 2 ngày để chuẩn bị cho một đại dịch cúm có thể xảy ra, vào lúc Trung Quốc loan báo có thêm một người nữa chết vì bệnh cúm gà.

                Bộ y tế Trung Quốc cho biết 1 phụ nữ nông dân trong tỉnh An huy chết ngày hôm qua. Tỉnh này đã báo cáo một người khác đã chết vì bệnh cúm gà.

                Các giới chức y tế toàn cầu đang lo ngại rằng virut gây bệnh cúm gà có thể phát triển và lây lan từ người qua người. Một phát ngôn viên của Ủy Hội Âu châu cho biết cuộc thao dượt sẽ thử nghiệm việc thực hiện quyết định và phối hợp ở cấp quốc gia và Âu Châu trong trường hợp xảy ra một vụ bột phát bệnh.

                Tại Canada, các giới chức cho hay họ đã phát hiện thêm nhiều ca bệnh cúm gà tại một trại nuôi gà vịt ở British Columia, nhưng nói thêm rằng đây là một hình thức bệnh yếu hơn virut H5N1 đã làm khoảng 60 người thiệt mạng ở Châu Á.

                Trong khi đó, cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc men của Trung Quốc cho biết đã chấp thuận các cuộc thử nghiệm lâm sàng để tìm ra một loại thuốc chủng ngừa cúm gà.

                Trung Quốc cho biết đã phát hiện những vụ bột phát virut H5N1 tại 3 tỉnh Tân Cương, Ninh Hạ và Vân Nam. Còn Nga thì báo cáo có 250 con thiên nga đã chết vì một loại cúm H5 trong vùng châu thổ sông Volga.

                http://www.voanews.com/vietnamese/2005-11-23-voa18.cfm
                #83
                  HongYen 26.11.2005 08:21:32 (permalink)
                  Một bệnh nhân nghi nhiễm cúm gà trốn khỏi bệnh viện ở Tiền Giang

                  25-November-2005



                  Cúm gà tiếp tục lây lan ở Việt Nam

                  Dịch cúm gà tiếp tục lây lan ở Việt nam trong lúc một bệnh nhân nghi nhiễm cúm gà trốn khỏi một bệnh viện.

                  Tường thuật hôm thứ sáu của hãng thông tấn AP trích thuật một thông cáo của Cục Thú y cho biết những vụ bộc phát mới nhất đã xảy ra ở tỉnh Long An, nâng tổng số tỉnh thành ở Việt nam xuất hiện dịch cúm gà từ tháng 10 đến nay lên tới 20.

                  Trong khi đó, một người đàn ông ở tỉnh Bến Tre đã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền giang hôm thứ năm để điều trị vì chứng sốt cao và khó thở, nhưng sau đó lại trốn khỏi khu vực cách ly của bệnh viện. Trước đó, bệnh nhân này cho biết nhà ông có nuôi gà công nghiệp, bị bệnh chết nhiều và ông đã tự tiêu hủy hết cách đây hơn một tuần đồng thời còn tự làm thịt gà để ăn.

                  Các giới chức Bến Tre đang tìm cách thuyết phục bệnh nhân quay lại bệnh viện để khám xét và điều trị. Mặt khác, bộ Nông nghiệp và bộ Tài chánh mới đây đã đề nghị thủ tướng Phan Văn Khải cung cấp hỗ trợ tài chánh 5 ngàn đồng mỗi gia cầm cho những hộ nông dân nuôi hơn 500 gia cầm ở những vùng không có dịch.

                  Đề nghị này được đưa ra vì hiện có nhiều người tránh tiêu thụ gia cầm, ảnh hưởng đến đời sống của người chăn nuôi. Được biết, hiện nay giới hữu trách Việt nam hỗ trợ 15 ngàn đồng một gia cầm cho những nông dân phải tiêu hủy gia cầm ở những vùng có dịch.

                  Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến cho hay tại cuộc chất vấn ở quốc hội rằng Bộ đã yêu cầu thủ tướng Phan Văn Khải dành một ngân khoản 4,9 tỉ đồng, tương đương với 310 triệu đô la, để chi tiêu cho công tác phòng chống cúm gà từ nay cho đến cuối năm 2006.

                  Trong khi đó, giới hữu trách thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu chiến dịch thuốc chết bồ câu và chim hoang để loại bỏ nguy cơ cúm gà lây lan từ chim chóc sang gia cầm và người. Ông Huỳnh Hữu Lợi, Giám đốc Sở Thú y thành phố Hồ Chí Minh, cho phái viên Reuters biết thêm rằng giới hữu trách thành phố cũng ra lệnh cấm dân chúng nuôi chim cảnh trong thành phố cho đến khi cả nước hết dịch cúm gà.

                  http://www.voanews.com/vietnamese/2005-11-25-voa8.cfm
                  #84
                    PCCC 01.12.2005 05:48:46 (permalink)
                    Các bạn truy cập vô đây để coi những thông tin về dịch cúm gia cầm.

                    http://www.cumgiacam.gov.vn
                    #85
                      LXMai 01.12.2005 08:58:59 (permalink)

                      PCCC
                      Bạn Thâm Giao


                      Chào Bạn PCCC

                      Xin phép cho Mai lập lại nhé.

                      Cám ơn Bạn.

                      Mong Bạn tìm cho những web kiểu Phòng Cháy Chữa Cháy nầy.

                      Vui



                      #86
                        HongYen 06.12.2005 19:32:02 (permalink)
                        15 Tháng 11 2005 - Cập nhật 03h22 GMT

                        Diễn biến cúm gia cầm tại Việt Nam


                        Dịch cúm gia cầm đã gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam

                        Trong khi cúm gia cầm tiếp tục lan rộng thêm ở nhiều nơi tại Việt Nam, ngày càng có nhiều quan ngại về chuyện đại dịch có thể xảy ra ở người.
                        Hải Phòng là tỉnh thứ 10 chính thức tuyên bố có dịch cúm tại ba huyện.

                        Tin tức từ trong nước cho hay có nhiều người bị nghi nhiễm cúm A - là loại cúm bao gồm virus H5N1 gây chết người - phải nhập viện, từ trung ương tới các địa phương.

                        Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa cấp cứu Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới, nói rằng số lượng bệnh nhân đó phần nhiều là viêm phổi, có các triệu chứng về hô hấp nên nhiều người thường lầm tưởng là nhiễm cúm gia cầm.

                        Điều đó, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, là do các biện pháp tuyên truyền gần đây cũng có tác dụng hơn, và người dân biết nhiều hơn về rủi ro của cúm gia cầm.

                        Theo bác sĩ Hà, điều quan trọng cần làm hiện nay là phải theo dõi tình trạng bùng phát dịch cúm gia cầm và hiện tượng lây nhiễm tại các điểm dịch để kịp thời ngăn chặn.

                        Hôm thứ Hai, một vài nguồn tin cho biết nghiên cứu từ Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có thể virus cúm gia cầm H5N1 ở VN đã có những bước đột biến nhất định về gen.

                        Tiến sĩ Cao Bảo Vân, người thực hiện nghiên cứu này, cho biết đến thứ Ba, viện Pasteur mới họp báo và chính thức công bố những gì họ phát hiện.

                        Dịch bệnh các nơi

                        Cho đến thứ Hai, 14/11, Việt Nam khẳng định cúm gia cầm đã bùng phát ở 10 tỉnh thành tại cả ba miền trên cả nước.


                        Người dân tại các đô thị lớn ở Việt Nam giờ đã sợ gia cầm

                        Ở tỉnh Quảng Ngãi, dịch cúm đã lan rộng ra thêm hai xã nữa, trong khi Hải Phòng là tỉnh thứ 10 tuyên bố có dịch cúm.

                        Bà Phạm Thị Thuận, phó giám đốc chi cục thú y của Hải Phòng, cho biết Hải Phòng đang đợi kết quả kiểm tra các mẫu bệnh phẩm để xem có phải dịch là do virus H5N1 gây ra hay không.

                        Tuy nhiên, tình trạng gà vịt chết vẫn diễn ra tại nhiều nơi chưa tuyên bố có dịch, như Kiên Giang, Đà Nẵng.

                        Được biết dịch cúm đang diễn ra mạnh tại các tỉnh miền bắc trong khi lại có vẻ hơi tạm lắng ở các tỉnh miền nam.

                        Mới đây, Cục Thú y Việt Nam ra công điện lệnh cho các tỉnh là phải thiết lập các điểm, các chốt kiểm dịch gia cầm.

                        Báo chí trong nước cho biết, lãnh đạo cấp cao của VN tỏ ra quan ngại và muốn mạnh tay hơn nữa, thế nhưng việc phòng chống dịch ở nhiều địa phương diễn ra cũng có vẻ cầm chừng, có lẽ là do "phép vua thua lệ làng".

                        Chẳng hạn ở tỉnh Hưng Yên - nơi mới tuyên bố bùng phát dịch - được biết tình trạng buôn bán gia cầm không có kiểm dịch vẫn diễn ra thường xuyên, và người dân cũng chẳng lo sợ gì.

                        Hay ở Long An, tình trạng nuôi vịt, ăn thịt gia cầm vẫn là chuyện thường ngày.

                        Ngoài ra, việc tiêu huỷ gia cầm tại nhiều nơi vẫn không diễn ra ráo riết, được biết là do chuyện bồi thường quá thấp, người dân xót của nên chưa muốn tiêu huỷ vội.

                        http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2005/11/051115_vietbirdflu.shtml
                        #87
                          HongYen 10.12.2005 16:19:25 (permalink)
                          Thức ăn chay giả ... gà bán chạy!


                          SÀI GÒN 8-2.- Trước khi có dịch cúm gà, thịt gia cầm chiếm khoảng 20%-30% lượng thực phẩm tiêu thụ, đó là chưa kể những món ăn có sử dụng trứng. Theo tin VNNet, dịch cúm gà xảy ra, nhiều người không đủ “can đảm” để tiếp tục chọn món khoái khẩu này dù có thể rất thèm.

                          Nắm bắt được nhu cầu này, nhân mùa chay rằm tháng Giêng năm nay, một số quán cơm chay ở Sài Gòn đã nhanh chóng chế biến những món... gà chay. Bán rất chạy!

                          Ở Sài Gòn, nhắc đến xóm Giá, không một người dân nào ở Q.5, Q.6 là không biết, bởi nơi đây chỉ bán mỗi một loại thức ăn chay. Dọc con đường Hồng Bàng (P.1, Q.11) dài chừng hơn 100m nhưng có đến trên mười quán chay. Vào những ngày mùng một, rằm, khách đến ăn nườm nượp, chật cả hẻm ra vào. Những ngày qua, thực đơn ở các quán chay này đã xuất hiện nhiều hơn các món... gà chay. Cũng có đầy đủ những món “gà rán”, “hamburger gà”, “gà xé phay”, “gà rô-ti nước dừa”, “canh chua măng gà”, “canh chua thơm gà”, v.v.. Có điều những món này không phải được làm từ thịt gà mà là từ bột chiên, đậu, sương sa... Bằng tài chế biến của các thợ bếp, những món “gà” này có hình thức và hương vị không khác gì gà thật. Ðiều này làm mãn nhãn và “sướng miệng” những người khoái khẩu thịt gà. Tại quán Tịnh Hương (Hồng Bàng, Q.5), có khá nhiều món ăn chay giả thịt gà, như “gà rán”, “gà rô-ti”, “gà kho”, “canh chua măng gà”... Mới nhìn, rất khó phân biệt được đó là những món được làm từ những nguyên liệu không dính dáng gì đến... gà. Chị Bích Nga, đầu bếp quán, cho biết: “Trước, quán cũng có làm món giả gà nhưng không nhiều. Từ lúc có dịch gà đến giờ, tụi tui làm thêm ba món mà bán cũng hết vèo”.

                          Tương tự, ở các nơi bán thức ăn chay nổi tiếng khác như Thái Nhân (Nguyễn Ðình Chiểu, Q.3), Tịnh Viên (Nguyễn Văn Ðậu, Bình Thạnh) hay các buffet chay ở Nhà hàng Lan Anh (291 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10), Nhà hàng Xích Lô (1 Ðồng Khởi, Q.1)... cũng có bán khá nhiều và rất chạy các món ăn giả gà nói chung và gia cầm nói riêng.

                          ÐÃ ĂN CHAY, SAO CÒN NGHĨ TỚI MÓN MẶN?

                          Với nhiều người dân Việt Nam, thịt gia cầm là một loại thực phẩm khó có thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày. Nó không chỉ là nguồn nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng mà còn là món ăn hợp với khẩu vị của nhiều người.

                          Tuy vậy, trước tình hình dịch cúm gia cầm lây lan mạnh và nguy hiểm như hiện nay, đồng thời nhà cầm quyền trung ương CSVN cũng đã cấm buôn bán, kinh doanh thịt gia cầm, nhiều người đã không khỏi “nhớ và thèm” loại thực phẩm này. Chính vì thế, việc họ tìm đến các quán bán thức ăn chay để thưởng thức những món chay... giả gà cũng là điều dễ hiểu.

                          Tại quán chay Thái Nhân (Nguyễn Ðình Chiểu, Q.3), rất nhiều khách gọi các món ăn chay giả gà. Nguyễn Tấn Ðức, nhân viên một công ty tin học ở Q.3, tâm sự: “Tôi rất thích các món ăn từ thịt gà, nhất là gà rô-ti, nhưng từ khi có dịch đến giờ, tôi không dám ăn. Trước giờ tôi cũng chưa bao giờ ăn chay. Nhưng vừa rồi nghe đứa bạn mách ở đây có bán những món chay giả gà rất ngon, tôi cũng đi ăn thử cho biết. Lâu rồi không được ăn thịt gà, nhìn thấy những món chay được chế biến giống y như thịt gà, quả hấp dẫn và rất ngon”.

                          Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với việc các quán chay bán những loại thức ăn giả thịt động vật. Bà Sáu Khanh (phường 25, Bình Thạnh) cho biết: “Tui ăn chay trường đã gần hai chục năm nay rồi. Tui thấy giờ nhiều quán chay trổ tài bằng cách nấu chay mà giả mặn, rồi đặt tên món ăn mặn; hay nắn thành hình con chim, gà, vịt hay thịt bò, thịt heo... Làm như vậy chẳng khác nào gợi cho người ta nhớ món ăn mặn. Mà với người ăn chay, đã ăn chay thì sao còn nghĩ tới những món ăn mặn?”

                          Tương tự, chị Nguyễn Thị Khánh Linh, (nội trợ, nhà ở phường Tân Ðịnh, Q.1) bày tỏ: “Tôi không hiểu nổi tại sao đã bán thức ăn chay mà người ta còn lại giả thịt này, thịt nọ? Mấy bữa nay đi ăn ở các quán chay, tôi thấy đâu đâu cũng bán những món giả thịt gà. Như thế chẳng khác gì vô tình xúi giục người ăn chay nghĩ đến món mặn. Với người ăn chay, miệng ăn rau dưa mà lòng tưởng nhớ đến thịt cá thì không nên ăn chay làm gì”.

                          http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=689&z=14
                          #88
                            HongYen 11.12.2005 14:05:16 (permalink)
                            Vắc-xin kém phẩm chất tăng nguy cơ


                            Sử dụng vắc-xin kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ lây lan cho người


                            Các loại vắc-xin thú y kém chất lượng có thể làm tăng tốc mức lan tràn của virus cúm gà trong các đàn gia cầm theo như tuyên bố của các khoa học gia hàng đầu.
                            Phát biểu tại hội nghị về cúm gia cầm của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh Quốc, một nhà virus học quốc tế đã cảnh báo việc sử dụng các loại vắc-xin không đạt yêu cầu có thể gia tăng nhanh chóng nguy cơ đại dịch cúm ở người.

                            Tiêm chủng cho gà là một trong những phương cách hiệu quả để ngăn chặn sự lan tràn của virus cúm gia cầm. Nhưng các nhà khoa học đang phát hiện thấy việc sử dụng vắc-xin kém phẩm chất tại một số khu vực ở Trung Quốc và Indonesia.

                            Những loại vắc-xin này điều trị các triệu chứng của cúm gia cầm nhưng không làm giảm số virus trong gia cầm bị lây nhiễm. Gia cầm trông như khỏe mạnh nhưng trên thực tế lại truyền virus sang các con khác và vì thế làm tăng nguy cơ lây truyền virus giữa người và người một cách dễ dàng.

                            Giáo sư Robert Webster thuộc đại học tổng hợp Hồng Kông nói các tiêu chuẩn quốc tế phải được tuân thủ để chỉ sự dụng các loại vắc-xin đạt phẩm chất:

                            "Mới đây tại châu Á đã xuất hiện một loại các dòng virus mới, phát triển từ H5N1 và do, tại một số quốc gia, người ta đã sử dụng các loại vắc-xin kém chất lượng.

                            "Sẽ tốn kém hơn khi dùng các loại thuốc đúng tiêu chuẩn nhưng tôi tin rằng nó hiệu quả và đáng giá đối với công nghiệp chăn nuôi và cả với việc ngăn chặn sự tiến hóa của loại virus nguy hiểm cho người.

                            "Ở đây, điều mà chúng ta đang nói đến là việc bảo vệ nhân mạng qua việc sử dụng vắc-xin trong nông nghiệp."

                            Các loại vắc-xin cúm của người phải có hàm lượng kháng thể tối thiểu. Điều này đảm bảo rằng vắc-xin sẽ có hiệu quả khi được sử dụng nhưng những quy định như vậy lại không hiện hữu khi vắc-xin được để chủng phòng cho gia súc.

                            Các nhà máy quốc doanh của Trung Quốc sản xuất các loại vắc-xin chất lượng cao nhưng nguy cơ nằm tại các loại vắc-xin do các nhà máy dược phẩm độc lập bào chế. Thậm chí đã xảy ra một trường hợp tại Trung Quốc nơi các khoa học gia đã phát hiện một chai nước được bán như vắc-xin chủng cúm gia cầm.

                            Việc thiếu hụt các hướng dẫn phương thức bào chế vắc-xin cúm gia cầm có nghĩa với việc các khoa học gia không kiểm soát được số lượng đã được sử dụng. Thiếu số liệu này họ sẽ không thể tính toán được nguy cơ thực sự đối với sức khỏe con người.

                            http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/12/051208_birdfluvaccine.shtml

                            #89
                              HongYen 13.12.2005 18:15:34 (permalink)
                              11 Tháng 12 2005 - Cập nhật 23h46 GMT

                              Virus cúm gia cầm lan tràn tại Romania


                              Romania là nước Âu châu đầu tiên phát hiện virus cúm gia cầm

                              Hai tháng trôi qua từ khi trường hợp cúm gia cầm hay cúm chim đầu tiên được phát hiện tại Âu châu ở khu vực châu thổ sông Danube tại Romania.
                              Cho đến nay virus đã tiếp tục lan tràn ở miền đông Romania với tổng số 10 vụ bùng nổ riêng biệt ở hai địa hạt.

                              Mới gần được một tuần trôi qua không có thêm vụ bùng nổ cúm gia cầm mới nào ở Romania. Đã có sáu vụ bùng phát bệnh tại tỉnh Tulcea nằm trong địa hạt châu thổ sông Danube. Và đáng lo hơn cho các nhà chức trách là bốn vụ tại tỉnh Braila nằm về phía tây.

                              Đến nay, chừng 50,000 gia cầm đã được các nhân viên thú y thu gom, làm ngạt bằng ga và thiêu hủy sau đó. Để sắp xếp công tác phòng chống tốt hơn, các nhà chức trách đã xử dụng các biện pháp trừng phạt.

                              Người đứng đầu ngành thú ý tại tỉnh Braila đã bị cách chức sau khi việc thiêu sống gia cầm bị phát hiện. Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng các sứ quán khác đã hỗ trợ tài chính cho một chiến dịch tuyên truyền tại các khu vực bị lây nhiễm.

                              Chính phủ Romania tự coi họ là tiền đồn của cuộc chiến hạn chế sự lan tràn của virus cúm gia cầm. Adrian Tsibu, phát ngôn nhân của bộ nông nghiệp Romania cho biết:

                              "Chúng tôi đang hành động không chỉ vì riêng lợi ích của Romania nhưng cũng vì các quốc gia tây Âu. Nếu chúng tôi thực hiện tốt công tác phòng chống trong nước thì qua đó chúng tôi đã giúp đỡ các quốc gia tây Âu trở nên an toàn trước nguy cơ của bệnh.

                              Virus đang lan ra do những đàn chim di trú sâu trong nội địa từ các khu vực đang trong mùa đông của vùng châu thổ.

                              Tuy tình trạng lan tràn đang hiện hữu nhưng ông Tsibu và các quan chức khác tự tin rằng ít nhất, ở Romania, thì virus có thể được khoanh vùng trong hai địa hạt nơi sự xuất hiện của virus đã được xác nhận.

                              Tuy nhiên, một khi thời tiết lạnh lên, thì không gì có thể ngăn chặn những đàn chim hoang dã di chuyển từ phía tây sang phía nam với nguy cơ đem theo virus.

                              http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/12/051211_birdfluromania.shtml

                              #90
                                Thay đổi trang: << < 456 > >> | Trang 6 của 13 trang, bài viết từ 76 đến 90 trên tổng số 188 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9