Cúng đình Phú Lâm (quận 6) 16 tháng Giêng hàng năm - ảnh Đ.H
Cúng đình, cúng thần còn được gọi là cúng kỳ yên. Ở Việt Nam, tại hầu hết các miền quê đều có đình, tùy nơi mà làng xã, xóm ấp có đình nhiều hay ít. Đình làng đều có một sắc thần, sắc phong của vua ghi nhận công lao vị thành hoàng của ngôi đình. "Uống nước, nhớ nguồn" là truyền thống lâu đời của người Việt nên hàng năm các đình làng thường tổ chức cúng kỳ yên, cúng đình cũng là ngày hội đông vui nhất làng.
Mùa hội cúng đình
Đình làng Việt Nam
Do vậy, sắc thần là “bảo bối”, là biểu tượng linh thiêng của mỗi ngôi đình. Hàng năm, vào độ tháng 10, 11 âm lịch, sau mùa vụ, nông dân nhàn rỗi, thư thả tổ chức cúng Kỳ yên tạ ơn, cầu nguyện cho quốc thái, dân an, cầu khấn, nguyện ước cả những điều tốt đẹp riêng cho mình. Tùy theo điều kiện kinh tế mỗi người, mỗi địa phương, lễ vật cúng đình có thể là hiện kim, hiện vật (gà, heo quay, hoa quả) đặc biệt xôi nếp là lễ vật không thể thiếu, vì lễ vật này tượng trưng cho thành quả lao động nông nghiệp. Hiện kim, hiện vật do ban quý tế (dân bầu ra) đình lưu giữ, quản lý dùng vào việc thu chi lễ hội, trùng tu đình...
Nước ta thời xưa đại đa số là nông dân, nên tháng cuối cùng của một năm, khi ruộng đã làm xong, lúa đã cất vô bồ, thì phần lớn thời gian còn lại dành để lo các lễ cúng, tiệc tùng để tạ ơn Thần Nông hoặc cúng đình. Nói đến lễ cúng đình, phải nói đến hát bội để cúng Thần. Ngày xưa, Hương Cả là người đứng đầu chủ xướng lễ cúng đình, cầm chầu để đánh những hồi trống chầu thưởng phạt nghệ sĩ. Người cầm chầu phải theo luật lệ mà thưởng phạt công minh đối với nghệ sĩ. Ngày trước, hát bội cho các lễ cúng đình còn được gọi là hát chầu. Mặc khác, dù cho Hương Cả là người có thực quyền trong làng, nhưng tiếng trống chầu không phải lúc nào cũng làm hài lòng hết thảy mọi người, nên ông cũng bị chê trách như thường! Vì thế, dân gian mới có câu:
Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu!
Cúng đình thời... @ Phụng Nghi Đình, một tuồng hát bội quen thuộc trong lễ cúng đình ở miền Nam ngày trước
Ngày nay nghi thức làm lễ không thay đổi, cũng có đội học trò lễ, cũng tế thần là heo trắng, thời điểm hành lễ cũng đúng 24 tiếng. Trưa hôm sau tổ chức đãi ăn cho bá tánh. Ngày xưa, năm được mùa có khi lễ cúng đình tổ chức vui chơi kéo dài đến 2-3 ngày đêm và mời các đoàn hát bội về diễn cho bà con xem. Tất nhiên cả làng kéo đến xem đông nghẹt! Ngày nay, lễ kỳ yên - cúng đình tuy nghi thức hành lễ, thời gian vẫn không thay đổi nhiều, nhưng người đi cúng đình không chỉ là nông dân mà có đủ các thành phần dân cư. Do điều kiện phát triển kinh tế, ranh giới của đời sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị đã thu hẹp, khắp nơi đều có các phương tiện hiện đại phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân. Vì vậy, không còn hình ảnh kéo nhau đi cúng đình để xem hát tuồng, hát bội nữa.... Bây giờ đi cúng đình để bà con xóm ấp có dịp gặp nhau mà thăm hỏi, bàn chuyện làm ăn kinh doanh, sản xuất, trao đổi kinh nghiệm làm mùa, giống má, chăn nuôi... Trước thành hoàng thì người ta cầu nguyện cho tương lai, sự nghiệp, gia đạo, học hành và cả ... chuyện tình yêu. Qua lễ hội kỳ yên - cúng đình, người ta có thể "đánh giá" được mức tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương.
Hội hè đình đám là phong tục lâu đời của dân tộc ta. Qua bao thăng trầm lịch sử, lễ cúng đình vẫn tồn tại, nói lên mức sống, thành quả lao động của người dân. Hội hè đình đám còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Việt.
Cây đa trốc gốc,
Đè nóc đình làng.
Căm hờn quân giặc hung tàn,
Làm cho cây ngã, đình làng vẹo xiêu .
Da tàn, quán đổ đìu hiu,
Bao nhiêu lá rụng, bấy nhiêu điêu tàn!
Còn đâu túp quán đình làng,
Có cô quán nhỏ bán hàng hữu duyên.
Còn đâu những buổi kỳ yên,
Đèn lồng, cờ phướn treo trên cổng đình.
Còn đâu những mối duyên lành,
Hẹn hò mỗi độ cúng đình kỳ yên. (Thơ "Quán đình làng" của nhà thơ Kiên Giang)
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages