Bệnh Tâm Thần
HongYen 06.03.2009 00:18:24 (permalink)



Tìm hiểu bệnh tâm thần: Tầm quan trọng của việc chữa trị


04/03/2009


Đời sống thời hiện đại đầy rẫy những áp lực, từ công ăn việc làm, sinh hoạt hằng ngày, những mất mát về vật chất lẫn tinh thần, thiên tai, môi trường và sức khỏe luôn luôn đặt con người trước những lo toan không thể tránh. Những áp lực như vậy, đôi khi vượt quá sức chịu đựng của chúng ta. Đó là lúc mà con người cần đến sự giúp đỡ nhất của ngành tâm bệnh học. Tuy nhiên, đại đa số chúng ta, nhất là người Á Đông rất ngần ngại khi phải đến bác sỹ chữa trị bệnh tâm thần, và ngay cả trong y khoa, địa vị của ngành tâm thần vẫn chưa được công nhận đúng mức.

Với mục đích tìm hiểu về những thể bệnh tâm thần và đánh tan những thành kiến về các chứng bệnh này, bác sỹ Lê Phương Thúy, chuyên khoa về bệnh tâm thần, tốt nghiệp tai St. Mary Hospital and Medical Center tại San Francisco, hiện đang hành nghề tại San Jose, bang California, đã vui lòng chia sẻ những kiến thức của bà với ban Việt ngữ đài VOA trong lãnh vực này.

Trước khi đi vào một số các thể bệnh tâm thần, mời quí vị nghe lời trình bày của bác sỹ Lê Phương Thúy về những thành kiến mà mọi người vẫn thường có đối với các chứng bệnh tâm thần và tầm quan trọng của việc chữa trị. Mời quí thính giả theo dõi với Lan Phương sau đây.

Càng ngày người ta càng có nhiều chứng cứ cho thấy tinh thần ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, những thất bại, đau khổ, buồn phiền, lo lắng tột cùng có thể là những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các chứng bệnh thể chất. Tuy nhiên, nếu bị những chứng bệnh thể chất thì bệnh nhân không ngần ngại tìm đến bác sỹ chữa trị, trong khi vẫn không có ít người mang mối e dè đối với các chứng tâm bệnh.

BS Thúy: Tâm trí của con người coi như trung tâm đầu não của cả đời sống của con người. Càng ngày người ta càng thấy rằng stress, tức là những căng thẳng trong đời sống, mà mình có những triệu chứng về tiêu hóa, tim mạch, đau nhức...Và những thống kê cho thấy rằng những người mắc bệnh tim mạch là đến từ những căng thẳng torng đời sống, những buồn phiền, những bệnh về tâm trí, trầm cảm, depresion; cho nên một trong những phương pháp trị liệu những bệnh về cơ thể là phải quan tâm đến những vấn đề tâm lý, tình cảm, những yếu tố ảnh hưởng lên toàn diễn đời sống của con người. Ngày nay cái quan niệm về 'mind and body continuum' là sự tập hợp toàn diện về tâm trí, về bộ óc và cơ thể là một quan niệm mà hầu như là ai cũng công nhận.

Cũng liên quan đến ngành tâm thần, một số trong y giới cho rằng chữa dứt bệnh cho một người mang chứng bệnh thể chất như tim mạch, lao phổi...thì họ đã giúp giải quyết một vấn đề về sức khỏe của một người, nhưng nếu như chữa trị cho một người mang bệnh tâm thần để người đó có thể sống một cuộc sống bình thường trở lại thì không những chỉ giúp cho bệnh nhân đó mà còn giúp cho cả gia đình họ và cho nguyên cuộc đời của bệnh nhân.

BS Thúy: Lấy ví dụ một em 17, 18 tuổi chẳng hạn, bị những bệnh về tâm trí mà nếu không trị thì cả cuộc đời của em có thể sẽ chìm đắm trong căn bệnh và đi về một hướng khác, chẳng hạn như trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội, không làm việc được, không học được, mất đi tương lai của mình, bởi vì tâm trí của mình là trung tâm để học hỏi, để thăng tiến, để thi cử, để giao thiệp, để xông xáo ngoài cuộc đời. Nhưng nếu mình bị bệnh tâm trí thì chắc chắn mình không thực hiện được những điều đó, và tương lai đi về một ngả khác hoàn toàn. Trong khi nếu một em 17 tuổi được hướng dẫn về mọi phương diện, về tâm lý, có những bệnh tâm trí và được điều trị thì em ấy có thể không những trở thành một người hữu dụng cho xã hội mà còn hạnh phúc và sống một đời sống rất bình thường mà còn có thể thành công trong xã hội nữa. Như vậy chắc chắn là em trở thành niềm vui cho gia đình và an toàn, hữu ích cho xã hội.

Trong con mắt của bác sỹ, bệnh tâm thần cũng là một chứng bệnh như không biết bao nhiêu chứng bệnh thể chất khác như tim mạch, tiểu đường, v..v... tuy nhiên một số rất đông công chúng có những thành kiến sai lầm về bệnh tâm thần, nhất là những người Á châu, trong số này có người Việt.

BS Thúy: Riêng về người Việt Nam của chúng ta thì phải nói rằng chúng ta đi sau những nước tây phương về quan niệm bệnh tâm trí bởi vì chúng ta có những thành kiến, những niềm tin từ ngàn xưa chẳng hạn như là bệnh tâm thần là do thiếu phúc đức, cho rằng chắc rằng ông bà mình ngày xưa làm điều gì ác đức lắm nên bây giờ con mình mới mắc bệnh điên, mới bị chậm khôn...Đó là một thành kiến làm cho người ta rất là dè dặt khi mà cho người khác biết là mình có bệnh tâm trí hoặc là con cháu mình bị bệnh tâm trí và từ đó cũng ngại đến bác sỹ để khám. Nếu mình bị bệnh tim, hay té gãy tay gãy chân thì nhiều khi mình rất thích tâm sự với mọi người để được thương yêu và chăm sóc, nhưng nếu mình có những xáo trộn trong đời sống tâm lý thì lại ngậm đắng nuốt cay, một mình mình biết, một mình mình hay.

Kính thưa quí vị, Bác sỹ Lê Phương Thúy vừa trình bày về tầm quan trọng của việc chữa trị bệnh tâm thần và một số những thành kiến sai lầm về các chứng bệnh này. Trong kỳ tới chúng tôi sẽ đề cập đến đề tài 'bệnh tâm thần phân liệt'.

http://www.voanews.com/vietnamese/2009-03-04-voa34.cfm
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9