Loạt bài nói về đặc công Việt Nam
tuoihongthongay 16.03.2005 03:45:50 (permalink)
Đặc công Việt cộng tấn công sào huyệt B.52 Mỹ


Làm lễ truy điệu trước khi xuất kích
Ra đời trong cuộc chiến tranh chống Pháp tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, lực lượng đặc công không ngừng lớn mạnh; trở thành binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, là nỗi khiếp sợ của giặc thù.




Đánh B.52 ngay tại sào huyệt Utapao

Đặc điểm của lính đặc công là giỏi sử dụng nhiều loại vũ khí. Từ vũ khí thông thường đến các loại pháo như ĐKZ, ĐKB... Và họ cũng là "chuyên gia" bậc thầy về các loại chất nổ, bộc phá. Chuẩn bị trận đánh kho xăng Nhà Bè năm 1973, qua nghiên cứu có 49 bồn chứa lớn, mỗi bồn phải đặt ít nhất 10 kg chất nổ C4 mới phá hủy nổi. Như vậy phải cần gần 500 kg chất nổ cho trận đánh. Một tổ tám người xuất kích không thể mang vác nổi khối lượng đó. Trước đây đã từng thử dùng pháo ĐKZ bắn trúng nhưng không cháy. Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, anh em liền cưa trái bom 750 cân Anh bị lép, lấy 100 kg thuốc sản xuất 50 trái mìn lõm, mỗi quả chỉ nặng 1 kg. Lấy vỏ trái bom cho đánh thử, xuyên phá tốt. Kết quả là kho xăng bị đánh cháy suốt 12 ngày đêm, thiêu hủy 250 triệu lít xăng.

Đặc công còn là những chiến sĩ giỏi đánh cận chiến, kể cả bằng tay không và dao găm. Những thế võ đặc công trong các trận giáp lá cà với lính Mỹ, lính chư hầu Nam Triều Tiên, làm cho đám lính khét tiếng thiện chiến này phải kinh hồn. Gặp trường hợp bị vây hãm, đặc công sẵn sàng chấp nhận hy sinh, hoặc mạng đổi mạng để giữ bí mật và khí tiết người lính. Như ở trận đánh kho xăng Nhà Bè, hai chiến sĩ Bao và Tìm khi bị địch bao vây tứ phía, liền "cưa đôi" quả lựu đạn với chúng. Một cựu tư lệnh đặc công cho rằng tinh thần chiến đấu quyết tử của đặc công làm nên phẩm chất anh hùng của người lính, khiến cho quân địch sợ hãi và khâm phục.

Đã có nhiều trận đánh và những chiến công được nói đến. Riêng trận tập kích sân bay Utapao (Thái Lan) lâu nay rơi vào im lặng. Utapao là căn cứ không quân rất lớn của Mỹ tại Thái Lan hồi đó, và đây cũng là cũng là sân bay duy nhất ở Đông Nam Á mà máy bay chiến lược B.52 có thể hạ, cất cánh. Máy bay B.52 của Mỹ thường xuất phát từ nơi đây và đảo Guam để ném bom miền Bắc nước ta. Chính phủ ta ngày ấy từng ra tuyên bố: địch xuất phát từ đâu, ta có quyền đánh trả ngay nơi sào huyệt của chúng. Dựa vào tuyên bố ấy và trên cơ sở phân tích tin tình báo chiến lược, phán đoán đúng ý đồ của Mỹ, tháng 10/1972, Bộ Tư lệnh Đặc công giao cho thượng tá Nguyễn Đức Trúng, Tham mưu trưởng binh chủng, nghiên cứu và chuẩn bị phương án đánh thẳng vào căn cứ máy bay B.52 của Mỹ, khi chúng tăng cường ném bom thủ đô Hà Nội.

Khó khăn nhất là sân bay Utapao ở sâu trong nội địa Thái Lan, việc đảm


Đại tá Nguyễn Đức Trúng (bìa phải)


bảo hậu cần hầu như không thực hiện được. Lúc đầu, bộ tư lệnh đề nghị cấp trên cho sử dụng đường dây Việt kiều. Ban Bí thư và Quân ủy điện trả lời tuyệt đối cấm sử dụng lực lượng này. Một tổ đặc công đánh xa có 3 người được chọn. Trong đó, hai chiến sĩ Lại và Phương vốn là hai Việt kiều Thái hồi hương về miền Bắc, thông thạo địa hình, nói sõi tiếng Thái. Một biệt đội hơn ba chục người đi theo làm nhiệm vụ yểm trợ. Đoàn đã lập trạm chỉ huy ở khu rừng Đôn Ka Thom nằm ở ngã ba biên giới Thái Lan - Lào - Campuchia. Đây là khu rừng nguyên sinh cây cao ba tầng, quanh năm không thấy ánh mặt trời. Từ đây, các tổ tiền tiêu được phái đi trinh sát 14 lần dọc theo dãy núi Prếch Vihia. Có một sáng kiến được đưa ra. Đó là dùng kỹ thuật ém lương thực theo kiểu sâu đo. Ba chiến sĩ mỗi người mang 32 kg lương khô, đến vị trí A để lại 10 kg, chôn kỹ và đánh dấu rồi quay về. Cứ thế từng chuyến lương khô được chuyển đến vị trí B, C, D... suốt chặng đường dài. Cần nói rõ lương thực là điều kiện sống còn của người lính đặc công, cả trên đường đi đến mục tiêu cũng như khi quay về.

Vấn đề còn lại là phương tiện liên lạc để nhận lệnh tiến công đúng thời điểm. Các chiến sĩ đặc công không thể đem điện đài, vì sẽ ảnh hưởng tới khối lượng chất nổ cần thiết phải mang theo. Đoàn trưởng liền hạ lệnh: mang theo máy radio để nghe tin tức, khi nào nghe tin đài BBC hay VOA đưa tin B.52 đang đánh dồn dập Hà Nội, lúc ấy được quyền khai hỏa. Ba chiến sĩ đặc công của ta, một bảo vệ bên ngoài để hai người xâm nhập tận trong sào huyệt, sờ mó tận tay từng chiếc B.52. Đúng lúc cao điểm 12 ngày đêm Mỹ đánh phá Hà Nội, chiến sĩ đặc công điểm hỏa đánh cháy 6 chiếc, phá hỏng 2 chiếc. Vậy là có 8 chiếc B.52 bị loại khỏi vòng chiến đấu, không còn cơ hội ngang dọc trên bầu trời miền Bắc gây tội ác nữa. Ngày hôm sau, các hãng thông tấn phương Tây đã đưa tin, bình luận. Mỹ đã thật sự hoảng hốt, chúng không ngờ ta với tay xa và phối hợp ăn ý đến như vậy. Qua đài kỹ thuật (bí mật), chúng trao đổi với nhau mà không hiểu điều gì đã xảy ra. Lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe tin liền điện hỏi Bộ Tư lệnh Đặc công, bộ tư lệnh vội điện hỏi trạm chỉ huy. Sau này nghe thượng tá Nguyễn Đức Trúng báo cáo lại đầy đủ chi tiết, đại tướng không ngớt lời khen ngợi.

#1
    tuoihongthongay 16.03.2005 03:47:55 (permalink)
    Huyền thoại về đặc công "Việt cộng"


    Chiến sĩ đặc công với vũ khí đặc biệt: bộc phá sào.
    Với cách đánh luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng yếu huyệt và cơ quan đầu não đối phương, hai tiếng "đặc công" nhuốm đầy màu sắc huyền thoại.



    Giày lò xo

    Chướng ngại đầu tiên người lính đặc công phải vượt qua là các loại rào kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp như : rào bùng nhùng, rào mái nhà, rào chống B40 và cả hàng rào điện tử. Giữ kỷ lục là căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu (Quảng Trị) với hàng rào dày tới 23 lớp. Bên dưới lớp rào là bãi mìn dày đặc với các loại claymore, con cóc, mìn râu, mìn lá... nhiều tầm sát thương. Người lính phải biết vận dụng đủ giác quan, từ xúc giác của tay để sờ, khứu giác để ngửi, thính giác, thị giác để để quan sát, nghe ngóng, phán đoán và cả... giác quan thứ sáu để thoát hiểm. Đó là phương châm thuộc nằm lòng "tai nghe, mắt thấy, tay sờ, chân đến và đoán đúng". Những chuyến đi trinh sát điều nghiên như vậy tuyệt đối không được để lại dấu vết. Khi đêm xuống, một tổ đặc công trườn người sát đất, lặng lẽ móc từng móc rào lên, đánh dấu, vô hiệu hóa các loại mìn, chui sâu vào hang ổ kẻ thù, giữa hàng rào lính địch tuần tra, canh gác dày đặc. Lúc trở ra, họ phải tái lập hiện trường như cũ để không bị phát hiện. Bước vào trận tấn công, nếu toán thọc sâu bị lộ, lực lượng nằm vòng ngoài có thể dùng kỹ thuật cá nhân nhảy qua từng vòng rào vào sâu cứu viện. Các phương tiện tuyên truyền của địch thường lu loa rằng đặc công Việt cộng được trang bị loài giày "lò xo" đặc chủng của Liên Xô có thể phóng xa và cao cả chục mét. Kỳ thực, đây là kỹ thuật hoàn toàn do tập luyện đến độ thành tuyệt kỹ, mà đối phương, theo cách nghĩ thông thường, không thể nào hiểu nổi.

    Trị thú dữ

    Vòng trong các căn cứ đóng quân, căn cứ hậu cần, kho bom đạn, kho nhiên liệu, sân bay... luôn có đám quân khuyển berger được huấn luyện để lùng sục, đánh hơi và rất hung dữ. Đây cũng là một kẻ thù đáng gờm, và như các chiến sĩ đặc công từng nói, một con berger còn đáng sợ hơn một tiểu đội lính Mỹ. Để hạ bọn thú này, có nhiều bí quyết. Cách thông thường là trước khi đột nhập, lính đặc công mặc độc một chiếc quần lót nằm phơi sương mấy đêm liền, làm mất hết hơi người, hoặc bôi vào người một loại thuốc khử mùi. Nhiều khi đặc công đang ém mình ngụy trang, chó berger đến ngửi từ đầu đến chân rồi bỏ đi. Coi như cái mũi đánh hơi nhạy bén của lũ berger không còn tác dụng. Cũng có khi phải đụng đầu trực diện, như trong trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ, bên trong có đội quân khuyển hơn 100 con. Khi phát hiện ra trinh sát ta, một con berger to như con bê lao tới. Chỉ bằng một cú xoay người và lia ngang một đòn dao găm, cổ con berger bị cắt đứt gọn.

    Nào chỉ có chó, ngay cả đàn ngỗng cũng được huấn luyện thành những tên lính cảnh giới đáng sợ. Ngỗng có khả năng đánh hơi và phát hiện tiếng động dù rất nhẹ. Phản ứng của chúng là kêu toáng lên báo động và kéo cả đàn cùng tấn công. Bị vây giữa đám giặc có mỏ và có cánh này kể như phiền phức to. Tuy nhiên ngỗng lại rất sợ rắn. Lính ta chỉ cần bứt những cọng môn (dọc mùng) hay những sợi dây dài giả làm rắn. Gặp phải thứ rắn giả này, ngỗng chỉ còn biết co cổ, nằm im.

    Trong các đội quân chư hầu tham chiến tại chiến trường Việt Nam, quân một nước hay sử dụng nhiều cách phòng thủ "quái chiêu" nhất. Một trong những cách đó là sử dụng rắn độc làm "hàng rào"che chắn. Tại nơi đóng quân (Long Thành), ban đêm địch thả rắn ra chung quanh vòng rào, ban ngày dùng tiếng sáo gọi rắn về, giống như các thuật sĩ Ấn Độ chuyên điều khiển rắn vậy. Đây là loại rắn rất nhỏ nhưng lại cực độc, một cú mổ có thể làm chết người trong vài phút. Đối phó lại, lính đặc công có loại thuốc kỵ rắn. Mang thuốc này theo người, coi như rắn cũng... chịu phép.

    Tàng hình

    Nói về tài "tàng hình" của đặc công, có rất nhiều giai thoại. Một lính địch đang phiên gác, lén che nón sắt ngồi hút thuốc. Xong, hắn ném tàn thuốc xuống lùm cỏ trước mặt và... tè luôn lên đó. Hắn nào có hiểu đám cỏ nằm im kia lại biết di động: một chiến sĩ đặc công đã áp sát, và số phận tên lính được định đoạt trong giây lát. Hoặc một đồn địch được mật báo trước có đặc công vào đánh. Tên đồn trưởng đốc thúc đám lính thuộc quyền canh gác, tuần tra cẩn mật tưởng chừng con kiến không chui lọt. Vậy mà đúng nửa đêm, đặc công đã vào trong mà kẻ địch hoàn toàn không hay biết. Đại tá Lê Bá Ước giải thích: "Đây chỉ là kỹ thuật ngụy trang đến mức tài tình. Trong bóng tối, có thể cởi trần bôi màu cho tiệp với màu đất, màu cỏ. Hoặc biết lợi dụng địa hình, địa vật để che giấu. Khi địch rọi đèn pha, lợi dụng sự phản xạ của mắt đối với ánh sáng và bóng tối, hoặc lúc hai luồng quét giao nhau, mà lính đặc công có thể nằm im hay vận động xâm nhập".

    Cao Thụ

    #2
      tuoihongthongay 16.03.2005 03:54:35 (permalink)
      Bây giờ chị ở đâu?


      Chị cũng từngcó một thời thanh xuân như thế... (Ảnh trong bài này chỉ có tính chất minh họa)
      TTCN - 30 năm về trước, chúng tôi - những sĩ quan và chiến sĩ cảm tử của Z28 (mật danh một đơn vị thuộc lữ đoàn đặc công - biệt động 316) - được lệnh luồn sâu vào tận Sài Gòn để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt là phải bảo vệ bằng được cây cầu An Phú Đông không cho đối phương phá sập.

      Vào thời điểm đó những cây cầu ở cửa ngõ thành phố được đối phương bảo vệ rất cẩn mật bằng những đơn vị mạnh nhất và với nhiều tấn thuốc nổ bọc quanh các mố cầu. Cây cầu này chỉ dài 25m nhưng cực kỳ quan trọng vì nằm trên xa lộ Đại Hàn (nay thuộc phường An Phú Đông, Q.12, quốc lộ 1A) ở ngay cửa ngõ nối vào trục đường Võ Di Nguy (nay là trục đường Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm, Gò Vấp) chạy thẳng vào cổng Phi Long của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn với khoảng cách chừng 6km đường chim bay.

      Buổi chiều ngày 28-4-1975, chúng tôi ngồi rải rác lẫn trong những đám cây dừa nước ở một cánh đồng bưng ngoài rìa của xã An Phú Đông sát nách Sài Gòn để đợi lệnh xuất kích. Đơn vị chúng tôi đã ém ở đây rất lâu từ ngày 12-4 trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Mọi chiều, pháo địch vẫn bắn về phía Củ Chi và Tây Ninh để thị uy và máy bay trinh sát quần đảo thăm dò dọc sông rạch, nhưng không hiểu sao buổi chiều đó im ắng đến lạ thường, có lẽ giống như biển lặng trước cơn giông bão lớn, thời gian ngưng đọng báo trước một trận đánh sinh tử sắp diễn ra.

      Có một lúc chừng 15 phút khung cảnh yên tĩnh đó bị phá vỡ: đó là khoảng 4 giờ chiều, khi những chiếc máy bay A.37 ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất mà sau này chúng tôi mới biết đó là trận oanh kích của phi đội anh hùng Nguyễn Thành Trung. Chúng tôi nhìn về phía Sài Gòn trong một tâm trạng ngổn ngang thật khó tả. Dường như ai cũng hiểu đây là trận đánh cuối cùng, nếu sau trận đánh này còn sống thì có nghĩa là những ngày hòa bình tiếp theo. Tôi ngồi trên bờ thả chân xuống con rạch nhỏ nghĩ mông lung về cha mẹ, anh em và bè bạn, có những lúc dường như chẳng nghĩ gì cả. Chợt có một người ngồi xuống bên cạnh tôi, im lặng.

      Nhìn nghiêng, tôi nhận ra một phụ nữ Nam bộ, còn trẻ. Như tôi, chị cũng nhìn về phía Sài Gòn, mãi một hồi lâu sau chị mới khẽ hỏi: “Em người Bắc phải không?”, “Dạ”. Tôi biết chị hỏi cho có vậy thôi, bởi trong đơn vị chỉ có duy nhất mình tôi là người miền Bắc rất dễ nhận ra, còn anh em khác là người miền Nam, người Hoa, Khơme. Họ là những người lính thiện chiến, ra vào Sài Gòn như cơm bữa để bắt bọn thám báo, chiêu hồi, và đưa đón các cán bộ tình báo nội thành ra vào căn cứ, không ít người đã từng là tù binh bị cầm tù ở Phú Quốc.
      Chúng tôi ngồi cạnh bên nhau rất lâu mà không nói thêm gì nữa. Tôi đoán chừng chị là cán bộ tình báo nội thành hoặc an ninh T4, hơn tôi độ 3-4 tuổi gì đó.

      Chị nhỏ nhắn, mình dây, mũi cao, trắng, tóc dài và trông rất trí thức. Như mọi nữ giải phóng quân khác lúc đó, chị bận bộ đồ bà ba đen, dây lưng có máng võng dù, biđông nước, cây đèn pin của Mỹ. Cho đến hơn 7 giờ tối, chúng tôi được lệnh chuẩn bị xuất phát. Phía sau chúng tôi là một vài cán bộ ra tiễn mà chúng tôi không được biết họ là ai, chỉ biết là họ cũng “xuống đường” như chúng tôi nhưng với một nhiệm vụ khác. Ngay từ chiều mọi người đã nhìn chúng tôi với một tình cảm thật đặc biệt và đầy thương cảm.

      Chúng tôi đọc được suy nghĩ ái ngại của họ và cũng hiểu được tình thế của mình, chỉ với 22 con người trang bị vũ khí rất nhẹ, vẻn vẹn hai cây B41, hai B40, còn lại là M79, AK và lựu đạn. Thế mà chúng tôi sẽ đi vào giữa vòng vây trùng điệp của kẻ thù, sự hi sinh là cầm chắc trong tay. Chúng tôi cũng xác định trước như vậy và nếu hi sinh sẽ là vô danh bởi tất cả giấy tờ tùy thân đã đốt bỏ hết ở căn cứ Bời Lời, Tây Ninh trước khi xuống đường, và trước khi xuất kích lại một lần nữa kiểm tra để đảm bảo bí mật tuyệt đối.

      Sau này có nhiều nhà văn, nhà báo viết rằng những người lính chúng tôi không hề biết sợ trước mỗi trận đánh, điều đó không hẳn đúng, nhất là trước trận đánh cuối cùng này, bởi chúng tôi cũng là con người, cũng có những người thân, cũng có rất nhiều điều để nuối tiếc nếu phải ra đi khi còn quá trẻ, và thực tế đã có người trong đơn vị tôi bảo toàn tính mạng chỉ bằng một cú tự ngã xuống kênh, mà hành động đó với chúng tôi trong đêm tối thật đơn giản.

      Đúng lúc chúng tôi đang siết chặt lại dây lưng, kiểm tra súng đạn để chuẩn bị thả người xuống dòng kênh lạnh giá tiến vào cái quầng sáng rực rỡ, cái quầng sáng mà bất kỳ ai nhìn vào cũng thấy nôn nao đến khó tả, thì chị bước đến sát bên tôi sửa lại chiếc quai bồng và lấy chiếc khăn rằn trên cổ chị choàng qua cổ tôi, rồi nhìn tôi thật lâu và sau đó thật bất ngờ chị áp hai tay vào hai bên má tôi một lúc, khẽ nói: “Đi mạnh giỏi nghe” - một câu nói quen thuộc mà bất cứ người chiến sĩ miền Đông nào khi chia tay đều nói như vậy. Trời tối, tôi không nhìn rõ mắt chị nhưng nghe tiếng nấc nhẹ. Tôi hiểu chị và mọi người đang khóc thầm vĩnh biệt chúng tôi, tất cả mọi người tin chắc chúng tôi sẽ không thể nào trở về được nữa…

      Công việc của một thành phố mới giải phóng thật ngổn ngang trăm bề cứ cuốn hút chúng tôi, khiến tôi không thể nào dứt ra được để đi tìm chị. Tôi có hỏi thăm mấy lần nhưng không tìm được chị. Chiếc khăn rằn chị tặng tôi ngày ấy cũng không còn nữa, tôi đã dùng nó để cột vào cổ chân người đồng đội quê ở xã Xuân Thới Thượng tên Nguyễn Chí Thiện hi sinh vào 8 giờ sáng 29-4. Để đề phòng kẻ địch gài trái nổ dưới lưng tử thi, chúng tôi buộc phải kéo đồng chí của mình dọc con mương nhỏ trong khu vườn đầy hoa nhài thơm ngát lẫn mùi thuốc súng khét lẹt của nhà ông Mười ngay bên cạnh bót Nhà Làng ở đầu cây cầu từ phía sông Sài Gòn tới.

      30 năm trôi qua tôi không biết chị còn hay mất, còn công tác hay đã nghỉ hưu. Tôi chỉ biết chị quê ở Bến Tre, chị đẹp lắm và cứ đến ngày 28-4 hằng năm là tôi lại có cảm giác hai má mình nóng lên từ hơi ấm của đôi bàn tay chị. Một cảm giác thật kỳ lạ, giống như một người mẹ, người chị và người bạn gái đã truyền cho tôi sự ấm áp, lòng tự tin để bước vào trận tử chiến.

      Ai đó sẽ ngạc nhiên khi tôi nói đấy là lần đầu tiên một người phụ nữ nựng khuôn mặt tôi, ngoài người mẹ yêu dấu của tôi. Chị ở đâu nếu còn sống hãy cho tôi một lời nhắn. Tôi chắc là chị không bao giờ quên địa danh An Phú Đông và anh lính trẻ “Bắc kỳ” duy nhất của đội quân cảm tử trong cái đêm đáng nhớ ấy.

      PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA
      (Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM)
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9