Tối qua cu Bi chẳng chịu ăn gì. Cụ ngoại ôm cu Bi nựng nịu mấy câu rồi chợt buông cu Bi ra, thờ thẫn nhìn ra ngoài ngõ. Mãi sau cụ mới kể lại chuyện xưa trong hai hàng nước mắt.
Cả nhà ngồi lặng nghe cụ kể, cu Bi cũng thôi không nghịch, ngồi gọn trong lòng cụ, khẽ xoa hai bàn tay bé xíu lên đôi tay của cụ.
Cụ kể rằng, năm cụ lấy chồng là năm 1944, năm ấy cuộc sống đã trở nên rất khó khăn. Sang năm 1945, cụ chưa kịp sinh con đầu lòng thì xảy ra nạn đói.
Cái đói làm cho mắt mờ, tay run. Cụ ông phải bỏ nhà đi ở cho một nhà giàu nơi phố huyện, cụ bà ở lại nhà chăm sóc cha mẹ chồng. Cuộc sống gia đình lúc đó chỉ trông chờ vào ít củ sắn hoặc ít cám mà cụ ông được trả công. Lúc đầu, cụ bà còn đi hái lá Bìm bìm, lá Cúc tần về nấu chung với cám để ăn thay bữa. Rồi sau, cả Bìm bìm và Cúc tần cũng không còn nữa. Cái đói từ đâu kéo về cứ từng ngày, từng ngày một nhưng lại vững như cỗ xe nặng nề mà không ai đủ sức đẩy lui được.
Bố mẹ chồng thay nhau qua đời vì đói. Cụ bà cũng muốn xin đi ở, nhưng lúc ấy người chỉ còn da bọc xương, lại yếu đuối nên không nhà nào nhận. Đồ tiếp tế của cụ ông cũng thưa dần rồi hết hẳn. Bản thân cụ ông cũng chẳng biết còn hay mất, hay đã phiêu bạt nơi nào. Cụ bà chỉ còn lại một mình, muốn tìm đường về nhà mẹ, nhưng lại không muốn làm ma đói giữa đường nên đành cố bám víu lại nơi nhà chồng. Hàng ngày cụ lên đồng, mót từng chút rau rệu thậm chí cả lá khoai ngứa để ăn qua ngày. Rồi cụ nghe tin bố và các anh chị em đều chết đói cả, chỉ còn mẹ chẳng biết ở nơi nào, đau lòng như cắt, nhưng cũng chỉ biết chiều đến trông ra đầu ngõ, ngong ngóng về quê mẹ mà khóc ròng. Nhưng lúc ấy nào ai còn để tâm đến người đàn bà khóc vì thương nhớ hay vì đói khát.
Rồi có một chuyện làm cụ mỗi khi nhớ đến lại không cầm được nước mắt. Đó là một chiều hè, khi ánh nắng cuối cùng vừa tắt, cụ lại ra ngõ trông về quê mẹ như mọi ngày. Khi những dòng nước mắt đã làm mờ đôi mắt đùng đục của cụ, cụ chợt thấy một bóng người xiêu vẹo, đội chiếc nón mê rách tả tơi, chống cây gậy tre đang đi về phía cụ. Khắp người cụ chợt gai lạnh, vừa mừng, vừa tủi, vừa đau đớn, xót xa khi cụ nhận ra đó chính là người mẹ đã sinh ra mình. Bóng người gần đến, cụ chỉ muốn lao ra, được mẹ ôm vào lòng, rồi mời mẹ vào nhà, rót cho mẹ chén nước, nấu cho mẹ bát cơm. Nhưng đôi chân cụ như chùng xuống, nặng trĩu, chẳng thể cất bước lên được. Mấy ngày rồi cụ cũng có gì vào bụng đâu. Người mẹ trôi dạt đến nơi này, có lẽ cũng vì mong được gặp con gái lần cuối. Nhưng lúc gặp nhau, chỉ cách nhau có mấy bước chân mà cái đói làm người mẹ không nhận ra đó là con gái mình, hay là cơn đói đã thôi thúc mạnh mẽ hơn cả tình mẫu tử khiến đôi chân bà cứ phải nhất mực bước đi. Cụ ôm mặt khóc ròng, khóc đến đôi mắt gần như không còn nhìn được nữa. Thế rồi ít hôm sau, thật may là lại có tin tức của cụ ông. Cụ ông nhờ vốn sức khoẻ trời cho nên đã kiếm được việc làm mới. Ít nhiều lại có chút đồ gửi về, khi ít bắp ngô khô, khi chút sắn khô, rồi cám rồi khoai. Nhờ đó mà cụ bà đã qua được cơn đói.
Cụ khẽ gạt nước mắt, ôm cu Bi thật chặt vào lòng. Đôi mắt cu Bi cũng rưng rưng nước, rồi nó gọi Mẹ:
- Mẹ ơi! Mẹ cho con ăn cơm!