GHI DƯỚI BẦU TRỜI VIỄN XỨ.-bút kí (tiếp, từ phần 10)
Khải Nguyên HT 14.03.2009 21:01:43 (permalink)
10. Một chuyên gia Ai Cập
      

      Ở khách sạn L.D., y từng gặp một chuyên gia người Ai Cập và đã từng tranh luận tay ba -y, người  Ai Cập kia và một cô khảo cổ học người  Pháp  đến châu Phi thực tập,- về vô thần với hữu thần. Người Ai Cập kia gây ấn tượng về một người  Bắc Phi cởi mở và sính tranh luận. Mấy tháng sau, y gặp và thân quen người  Ai Cập khác mà tính cách cũng khác.
      Mô-cơ-lít Hat-xam (Moklis Hassam) mang theo vợ và bốn con. Vợ có cái tên  đọc nghe  dễ thương Ô-mai-ma (Ômaima), da trắng như da người Âu chính cống, mà đầy đặn có hơi  hướng  đông phương. Chồng người gọn, da thoáng nâu. Các con sàn sàn tuổi nhau, xinh xắn, dễ thương. Có hai bé mang dáng dấp người da trắng hoàn toán. Một buổi chiều, mấy đứa bé vờn bóng  trong khu nhà chuyên gia, y gọi lại cho mấy cái kẹo, chúng vui vẻ nhận và cảm ơn, chẳng rụt rè, chẳng tỏ ra cách biệt. Mô-cơ-lít đỗ tiến sĩ  vật lí ở Pháp. Trước đây, Mô kí hợp đồng với chính phủ An-giê-ri dạy đại học trong bốn năm, lương tháng 18500USD. Đuợc hai năm, anh nhớ Ai Cập, huỷ hợp đồng trở về, vợ can không được. “Tôi phát điên lên rồi”, anh bảo vợ. Về quê hương, Mô cũng  dạy đại học, lương chỉ  300USD  mỗi tháng. Vợ làm kế toán, lương khoảng dăm chục đô la Mĩ. Mô phải mở lớp riêng dạy thêm, “rất mệt”, anh nói. Mô bèn xin đi làm chuyên gia ở Cônggô, dạy trung học vì  đã hết suất dạy đại học. Lương hiện tại của anh là 1200USD/ tháng; Mô bảo sẽ đòi thêm, bởi bạn anh cũng dạy trung học ở đây mà lương tháng  những 1800USD. Các chuyên gia Ai Cập tại đây thuộc chương trình viện trợ của chính phủ  Ai Cập cho chính phủ  Cônggô. Có nghĩa rằng: số tiền viện trợ (chẳng cho không) bao gồm cả thiết bị, hàng hoá, vật liệu và lương chuyên gia, nhân viên từ Ai Cập đưa sang. Với các nước khác cũng tương tự. Do vậy, lương chuyên gia nước họ được trả khá hậu và đúng hạn do chính phủ Ai Cập chi thay chính phủ Cônggô. (Lương của các  chuyên gia Việt Nam do chính phủ Cônggô trực tiếp chi trả nên khí eo hẹp và trễ, càng về sau càng trễ).  Với số lương ấy, gia đình Mô sống khá dễ chịu. Họ sống trong một căn hộ vốn dành riêng cho ba chuyên gia độc thân, gồm ba phòng ngủ, một phòng khách và khu công trình phụ. Ngày thường, chồng làm việc, vợ lo nội trợ và trông nom con cái. Lũ trẻ còn bé chưa đến tuổi đi học. Nếu Mô làm việc lâu dài ở Cônggô, chẳng biết sẽ giải quyết việc học hành của con cái ra sao. Mô ít giao du, ngoài mấy chuyên gia đồng hương ở một khu  chuyên gia gần đấy, người nước ngoài mà Mô đi lại thân tình duy nhất có lẽ là y. Một lần, Mô sang hỏi y về một bài toán trong một cuốn sách tiếng Pháp mà anh ngờ là có sai sót. Trở nên thân quen lúc nào chẳng biết, dầu y vốn kém về xã giao. Hôm có trận mở màn vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới, Mô rủ y sang nhà một giáo sư về môn kế toán, là đồng hương với anh, xem bằng máy thu hình màu, hồi đó chưa có nhiều ( y chỉ được trang bị một máy thu hình đen trắng). Chủ nhà tiếp y tự nhiên và lịch sự, mời uống nước hoa quả.    Thỉnh hoảng, Mô mời y sang chơi nhà. Lần nào y sang, chủ nhà cũng mời ăn hay uống  thứ gì đó. Ngay lần đầu đã mời chè, cà phê, bỏng ngô. Mô than phiền với y: “Mệt thật! Chẳng có nơi nào để ra khỏi nhà thư dãn. Bên nước ông có vậy không?  Bên nước chúng tôI, cứ khoảng năm giờ chiều người ta đã ra khỏi nhà, nếu không thì đến nhà bạn bè”. Chẳng biết có vội quá không, y nhận xét gia đình người  Ai Cập này có cái dáng dấp nề nếp Á đông  cổ xưa. Ô-mai-ma, đẹp dịu dàng, hơi rụt rè. Theo lệnh chồng, chị mang thức đãi khách ra, trả lời “gọn nhẹ” những câu xã giao của  khách rồi rút lui. Bọn trẻ cũng không lân la đến gần. Thảng hoặc khách có gọi lại hỏi han vài câu, chúng lễ phép và hồn nhiên nói chuyện tí chút rồi lảng ra chơi với nhau hoặc  vào  nhà trong. Hai người đàn ông ngồi lại với nhau, chuyện trò cởi mở. Nói đúng ra, y hầu như không nói về mình, về đất nước mình bởi Mô không hỏi và y cũng không có gì nhiều để phô. Vả, y thích tìm hiểu. Hôm đó, Mô có vẻ lử khử, y tưởng anh ta ốm. Mô nói đang là Tuần chay của đạo Hồi. Hàng năm, tuần chay kéo dài một tháng, từ ngày tháng nào  đến ngày tháng nào thì tuỳ từng năm theo lịch đạo Hồi -lịch trăng. Từ bốn giờ rưỡi sáng, tức là từ lúc chưa có các tia đen, trắng trên bầu trời, cho đến sáu giờ chiều, tức là lúc đã tắt nắng, các tín đồ không được ăn uống, ân ái.  Từ sáu giờ chiều cho đến bốn giờ rưỡi sáng hôm sau thì tuỳ thích, nhưng trước bốn giờ rưỡi, mọi thứ trên người đã phảI sạch sẽ, nếu không, linh hồn  sẽ không được Đức Ala (Allah) tiếp nhận. Ai ốm, hoặc đang có thai, hoặc đang kì tháng phụ nữ thì được hoãn, sau đó “truy” tháng chay.  Trẻ con được miễn. Mô cứ rủ rỉ kể, không có vẻ là người sùng đạo, có chỗ y cảm thấy vương chút dí dỏm; tuy nhiên, Mô vẫn là dân ngoan đạo. Lúc đã tương đối thân, Mô kể chuyện lấy vợ. Tục lệ người Ai Cập, muốn cưới vợ phải sắm sẵn nhà cửa, đồ đạc, tư trang cho người vợ tương lai. Sau này, người chồng muốn li dị vợ thì phải ra đi tay không. Nếu người vợ đòi li hôn mà toà xử lẽ phải thuộc về nàng thì cũng vậy. Mô “sắm” trên giấy mọi thứ cần thiết như tục lệ qui định rồi trao cho bố vợ tương lai và được phép cưới. Mô nói: nếu về sau “có chuyện gì” do anh thì anh phải bồi hoàn cho vợ đúng theo giấy đó. Tờ giấy đóng vai trò một tấm séc hay một giao kèo nợ.
      Mô cho biết kinh tế Ai Cập đang khó khăn. Trước đây, một pao Ai Cập, (Egyptian pound) ăn khoảng 1,3 đô la Mĩ, nay ba pao mới được một đô la. Chính trị cũng  phân hoá và “xuống cấp”. Hồi xưa, con rể Nat-xe, tổng thống đầu tiên của Ai Cập sau cuộc cách mạng lật đổ nền quân chủ mấy ngàn năm, thời cách mạng Ai-Cập đang lên, ăn lương 20USD/tháng luôn miệng nói: “chủ nghĩa xã hội”, nay đang sống ở Anh, với tài sản 20 triêu USD, miệng vẫn chưa thôi nói đến chủ nghĩa xã hội.
      Mô tậu một máy thu hình màu lắp ăngten hiện đại có thể thu được các đài Âu, Mĩ, mời y sang xem. Y khen  đùa “biết chơi”. Cũng đúng thế thật. Chốn này người ta không dạo phố, công viên chẳng có ghế ngồi, ngoại thành thừa thãi thiên nhiên nhưng hoang vu và không dễ mà  đến được. Vợ chồng con cái Mô, lâu lâu mới kéo nhau ra ngoài hoặc tới nhà đồng hương, còn thường chỉ quẩn quanh hết trong nhà lại xuống sân đùa bóng. Có cái máy thu hình màu giải quyết được nhiều chuyện.
      Gia đình Mô thích được là hàng xóm với chuyên gia Việt Nam. “Chỉ người Việt Nam mới không ồn ào”. Y nghe Mô bình, sướng bụng, cảm kích nữa, nhưng cũng cười thầm: chẳng phải bao giờ, và người Việt nào, kể cả  y,  cũng được vậy. Lúc bấy giờ, hàng xóm của Mô là một nữ chuyên gia người Việt dạy nhạc. Mô nói: “Mong bà ta cứ ở đấy mãi. Người bản xứ đến ở thì họ sẽ gây chiến với lũ trẻ nhà này”. Ngay trên chỗ ở của Mô là căn hộ của một quan chức phủ thủ tướng nước sở tại.  Anh chàng nầy “biết” giữ bộ dạng và vẻ mặt long trọng hệt một số quan chức có vai vế xứ ta; duy khác ở chỗ nhân vật nước ta thường ít khi “dám” lên mặt với người nước ngoài làm chuyên gia cho nước mình. Mô hóm hỉnh bảo y: “Nó chỉ là cái đuôi của con chó; người ta chặt cái đầu thì cái đuôi phải thõng thôi”. Anh muốn ám chỉ tin đồn thủ tướng nước này sắp bị thay. Trong khu vực bọn y ở đang có một số quan chức người bản xứ thuộc phủ tổng thống, phủ thủ tướng mới đến ở, thái độ nói chung là phải chăng.
      Mô là người khá thành thật và hay nói thẳng. Biết người phụ trách chuyên gia Việt Nam bên cạnh sứ quán Việt đã đỗ tiến sĩ ở Cộng hoà Dân chủ Đức, anh ta cười xoà: “tiến sĩ của người nước ngoài ở Liên-Xô và các nước Đông Âu là con số không tròn trĩnh. Thằng bạn tôi ở Đông Đức ba năm làm tiến sĩ thì năm đầu học tiếng, năm thứ hai học chủ nghĩa Mác-Lê nin, chỉ  còn năm cuối cùng để làm luận án”. Các ông Nghè Tây (để phân biệt với Nghè nội hoá) của ta ắt không chịu được nhận xét này bởi họ được học tiếng và học chính trị trước khi du học.
      Mô cũng là người chân tình. Được tin mấy người Việt sắp lên đường về nước, một tối anh mời y sang chơi để chia tay. Chủ nhà mời y món ăn nhẹ do Ô-mai-ma làm. Y được thưởng thức một thứ bánh tráng bằng bột mì ăn với trứng chưng, đu đủ chín cắt nhỏ kiểu hạnh nhân, nước trà đường. Kiểu ăn thân tình buổi tối của xứ sở các Kim tự tháp. Chiều tối hôm sau, y và C. lên ta-xi ra sân bay lúc gần bảy giờ, Ô-mai-ma chào biệt y, nói rằng chồng chị đã chờ để tiễn y nhưng đến sáu giờ phải đến sứ quán Ai Cập dự lễ  mừng quốc khánh  nước mình, nhờ chị chuyển lời chúc lên đường. Lúc nãy, Mô tìm y khi y đang ở  chỗ bác sĩ M. ăn liên hoan giã từ. Bữa ăn hơi kĩ về thời gian, bữa ăn cuối cùng của y trên đất Phi châu có món nem sở trường của nữ nghệ sĩ dương cầm S. và món canh chua Nam bộ của bà bác sĩ.
      Kỉ niệm về người  bạn Ai Cập Mô-cơ-lít Hat-xam (Moklis Hassam) là kỉ niệm hồn  nhiên trong chuyến đi của y, một chuyến đi không được suôn sẻ lắm song  làm giàu cho y về tinh thần, cả cuộc hành trình. Sau này, y lấy làm tiếc đã không giữ liên lạc với Mô sau khi y về nước.   Ngoài lí do y “chậm nghĩ ra”, còn lí do ngại “trắc trở”, chẳng phải về vật chất, ngày ấy.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.03.2009 13:49:01 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Khải Nguyên HT 17.03.2009 13:27:12 (permalink)
    11.Một cuộc phiêu lưu văn chương
              (hay là chuyện“điếc không sợ súng”)


     
        Tháng ngày hầu như đọng lại tại thủ đô nước bạn trong khi chờ về nước. Y đã đi gần khắp thành phố Brazavil (Brazzaville). Bằng xe buýt, bằng tacxi, đi bộ và có một lần đi thuyền độc mộc trên sông Công-gô.
       Một hôm nhìn bản đồ nước bạn, y chợt nhận ra nó giống một khẩu súng luc có đầy đủ kẹp đạn. điều mà trước đó y chẳng để ý. Một tứ thơ loé ra bằng... tiếng Pháp. Cần phải nói ngay rằng trình độ tiếng Pháp của y rất xoàng chỉ đủ giao tiếp thông thường ở mức khiêm tốn nhất; đọc sách báo muốn lĩnh hội một chút phải kè kè quyển từ điển . Vậy mà nảy ra ngay mấy câu mở đầu:
       Un pays en forme d’un revolver
       Avec son chargeur
       qui ne vise
       presque rien que la misère
       et le sous-développement
       (Một xứ sở có dạng một khẩu súng tay/ cùng với kẹp đạn / chẳng nhằm vào gì khác / ngoài sự khốn cùng / và sự kém phát triển).
       Y hoàn thành khá nhanh so với viết bằng tiếng Việt, nhờ người thầy duy nhất là cuốn từ điển. Làm xong mới nghĩ đến đầu đề. Cũng nảy nhanh: Chanson terrestre (Tiếng hát đất đai). Chẳng dám đưa ai trong đám chuyên gia Việt Nam xem. Các vị đều là giáo sư, kĩ sư, bác sĩ, dầu gì cũng là dân trí thức, song lúc đang rỗi hơi này, chuyện thơ thẩn dớ dẩn sẽ là đề tài đàm tiếu cho họ là cái chắc. Sực nhớ tới Alombé, người bản xứ. Hôm y ra ga bay Maya-maya để nhờ gửi thư qua đường Liên xô cho nhanh và rẻ gặp anh ta cũng ra đấy tiễn bạn đi Matxcơva, anh ta đưa danh thiếp và mời đến chơi nhà.
       Y tìm đến khách sạn, nơi Alombé được phân một phòng ở tạm. Y gõ cửa . Tiếng đàn bà nói ra bằng tiếng Pháp: “Tôi không có chìa khoá“, tự giới thiệu là vợ Al., lên tiếng phân trần và tỏ ra thích được nói chuyện tuy cách bức. Chị là người Nga,vốn làm ở một hiệu ăn tại Lêningrat, theo chồng sang đây đã hai năm. Chồng đi chơi đâu đó, khoá cửa nhốt người vợ đang bị sốt rét trong nhà. Hôm sau, y lại đến, đúng lúc Al. vừa đi về, tay xách một cái bị tướng. “Tôi vừa đi chợ trung tâm về,-anh ta nói-cố cho kịp, vợ tôi bảo ông hẹn mười giờ”-. Đúng hẹn chẳng phải đức tính của hầu hết những người bản xứ mà y đã gặp. Al. bảo vợ mình đang ốm, mời y vào ngồi trong một cái “lều”. Trong khuôn viên khách sạn có nhiều lều như thế rải ra giữa các cây xanh, bồn hoa và lối đi dành cho các nhóm khách nhỏ hoặc các cặp cần tình tự. Hôm ấy, chủ nhật mà vắng teo. Xứ nầy, khách ăn, chơi chỉ đông vào buổi tối . Alombé từng học ở Liên xô từ 1973 đến 1980 và từ 1985 đến 1987, có bằng tiến sĩ ngôn ngữ, lại từng tu nghiệp tại Pháp, về nước làm tại báo “Ngôi sao” của chính phủ, tờ báo hàng ngày duy nhất ở nước này, và dạy ở trường chính trị cao cấp. Al. kể nhiều chuyện hồi còn ở Liên xô. Anh bảo Liên xô đông người nhưng không ồn như Pháp. Người Nga không ích kỉ như người Pháp (?). “Không thể gõ cửa một nhà người Pháp xin miếng bánh”.
           Y đưa bài thơ “Bài ca đất đai”. Al. đọc rồi thốt lên: Formidable (tuyệt vời). Y ngỡ ngàng thật sự, bởi y thấy xoàng thôi. Y hỏi lại một câu đến là ngớ ngẩn: “Ông nói với nghĩa tốt hay nghĩa xấu?”; đáp “Formidable bao giờ cũng có nghĩa tốt”. Al. bỗng đứng lên bảo y chờ rồi đi về phía toà nhà khách sạn, chỉ chốc lát, anh trở lại mời y đi theo. Vợ chồng Al. và một bé gái con vợ trước người bản xứ của anh ta, ở trong một căn hộ một phòng không rộng lắm tương tự các căn hộ trong chung cư tại nước ta phân cho cán bộ, công nhân viên thời bao cấp. Người bản xứ không tiếp khách trong phòng ở, ít ra là với người nước ngoài. Không có phòng riêng thì họ tiếp khách trong hiên hoặc sân trước nhà. Nay y được mời vào nhà. Y cho là do bài thơ, một bài thơ nói về đất nước anh ta, không tâng bốc suông. Al. giới thiệu khách với vợ và đưa bài thơ cho chị xem. Người đàn bà Nga cũng khen. Y nghĩ chị khen xã giao. Chồng chị thì khen thành thực song chưa chắc đã vì nghệ thuật bài thơ. Bà vợ đưa ra thết khách nước chè đường vắt chanh và một thứ bánh ngọt cắt hình thoi gồm 2 lớp bằng bột mì đường. Không thật hợp khẩu vị, y vẫn cảm ơn: “Tác phẩm của chị? Theo kiểu Nga? Ngon lắm!”. Al. nói sẽ đưa bài thơ cho một người bạn, tổng biên tập tờ Maintenant (Ngày nay), tờ báo hàng tháng của trí thức thủ đô. Người này làm ở bộ ngoại giao.
       Như được khích lệ, y lại “ không sợ súng”, đẻ ra bài thơ tiếng Pháp thứ hai: Équateur (Xích đạo) dài tới hơn ba chục câu:
       On me trace définitivement en ligne nette
       Sur les cartes
       d’autant plus qu’invíible je suis
       Je ne partage
       ni continent, ni océan
       Ni êtres inanimés, ni êtres vivants
       (Họ vạch tôi nên đường nét rạch ròi/ trên các bản đồ / nhất là vì tôi vốn vô hình / Tôi chẳng phân chia / lục địa, đại dương / vật sống, vật vô tri/...).
       Hôm sau, y rủ C., một kĩ sư nông nghiệp từng làm Chánh văn phòng Hội đồng bộ trưởng, theo lời ông ta, hiện cũng là chuyên gia, đến toà soạn báo La semaine africaine (Tuần Phi châu), một tờ báo tiếng Pháp của giáo hội Gia tô La mã phát hành ở các nước Phi châu nói tiếng Pháp, cả ở châu Âu. C. đang bận tiêu thụ hàng họ song cũng muốn thăm dò báo với một ý định mà về sau y mới hiểu. C. rất khá tiếng Pháp, ai hỏi sẵn sàng chỉ vẽ. Nhưng nếu là việc viết bài đăng báo thì không. Tháng trước, y viết một bài ngắn nói về cây đỗ đen, mặc dù y mù tịt về nông nghiệp. Ở xứ này cây đỗ đen mọc hoang, người dân không trồng đã đành mà cũng không biết dùng, bỏ phí một thứ thực phẩm ngon và bổ. Y đưa bài cho C. nhờ góp ý. Anh ta xem xong chẳng nói gì. Sau đó y xem lại phát hiện ra một chỗ đánh máy sai và bảo cho C. biết. Anh ta nói: “Tôi cũng có thấy”. Y nghĩ thầm: ”Vậy mà hắn lờ đi, chẳng bảo gì mình”. Ở toà soạn báo La semaine africaine sáng hôm ấy, bọn y gặp phó tổng biên tập, một nguời Phi, và một uỷ viên ban biên tập, một linh mục da trắng người Pháp rậm râu. C. quen lối ngoại giao xuề xoà với người sở tại gặp ngoài đường, trên xe buýt, nói nhiều và hơi quá thân mật. Hai người kia ngồi nghe với vẻ nghi hoặc, nhất là ông thầy tu. Trả lời đề nghị cộng tác viết bài, ông cố đạo nói: “Chúng tôi rất ít khi đăng bài của người ngoài. Lúc cần, chúng tôi lấy cộng tác viên tại chỗ”. C. thất vọng, toan đứng lên. Y hỏi người của toà báo: “Vậy các ông có đăng thơ của người ngoài không? “. C. ngạc nhiên liếc y. Anh ta không ngờ y mà lại làm thơ bằng tiếng Pháp. Người phó tổng biên tập nói: “Có”. Y bèn đưa bài thơ Équateur chép tay cho ông ta. Đọc xong, ông ta ngần ngừ: “Chúng tôi chỉ sử dụng bản thảo đánh máy”. Chắc là tạ cớ, y nghĩ bụng. Ông rậm râu cầm lấy bài thơ từ tay người cộng sự cấp trên, về danh nghĩa. Ông ta đọc rất nhanh và quyết định luôn : “Publier” (đăng). Ông ta đã trao tờ giấy cho phó tổng biên tập lại lấy về: “À, để tôi chữa một chữ đã”. Có một động từ chia sai nhóm. Y phục sát đất: Lão ta chỉ liếc qua mà… Ông linh mục vừa chữa vào bản thảo của y, vừa hỏi tác giả: “Ông có tấm ảnh nào không? Ảnh ông có liên quan đến phong cảnh châu Phi càng tốt”. Nhân không khí cởi mở, C. bèn ngỏ lời viết một bài về chế biến bột sắn thành đường mạch nha và được chấp thuận chẳng khó khăn. Trước khi từ biệt, y hỏi bao giờ bài thơ được đăng, phó tổng biên tập trả lời: "Trong vòng hai tuần”. Chao ôi, nếu biết cái hai tuần ấy rồi ra sẽ như thế nào thì nhà-thơ-bất-đắc-dĩ chẳng khoái đến như thế. Người y lâng lâng. Không muốn hưởng cái sướng một mình, y giục vị “nông học” viết gấp bài. C. cũng không không bỏ lỡ dịp, chỉ sau năm ngày đã thân chinh đưa bài và ảnh mình đến toà soạn; vừa may gặp ngay ông thầy tu người Pháp đang trực tại đó. Hai tháng sau, bài viết về chế biến bột sắn được đăng. Còn bài thơ của y thì chẳng thấy đâu.
       Bọn y vẫn trong cảnh chờ đợi dài dài để hồi hương.. “Buồn tình”, y làm tiếp một bài thơ nữa: “À toi, ma soeur africainne” (Gửi em, người em gái Phi châu). Bài này xem ra có vẻ “dễ chịu” hơn hai bài trước, y tự ngẫm, có những câu:
       De la peau ne te soucie pas!
       La beauté noire a tout droit
       à la diversité des fleurs parlantes
       d’être fière prendre part!
       (Đừng bận tâm về màu da! /Giai nhân đen có mọi quyền / về sự đa dạng của những bông hoa biết nói / được hãnh diện góp phần. )
       Hay là: 
       Si on l’avait vraiment peu estimée
       Par qui
       Auraient surgi les métis? 
       (Nếu người ta thưc sự chẳng ưa/ ở đâu ra những đứa con lai? . )
       Mãi chẳng có tin gì từ hai tờ báo đã hẹn đăng hai bài thơ. Khỏi nói y nóng lòng chờ đợi đứa con tinh thần của mình ra đời trên xứ lạ. Cùng với sự nóng lòng đợi phía nước bạn giải quyết mọi “tồn tại” để về nước. Ngộ nhỡ mình đi rồi… Y tìm gặp tổng biên tập tờ Ngày Nay. Ông ta nói: “Bài Chanson terresstre có tứ nhưng không hay đến mức như Alombé đánh giá. Mỗi người một ý kiến, chẳng sao. Tôi đã đưa vào số 5. Báo in ở Kin- sa-xa, chắc là xong rồi. Tôi đã định đi lấy nhưng chính trị nước tôi có cơ biến động, e có bãi công hoặc lộn xộn gì đó người ta có cớ đóng cửa biên giới, mình sang K. sẽ bị kẹt không về được”. Kin-sa-xa là thủ đô nước láng giềng cách một con sông rộng.(Bấy giờ ở các nước Đông Âu đang rục rịch biến đổi chính trị; Nước CHND Cônggô không phải là nước XHCN nhưng cũng bị ảnh hưởng). Thế là chờ. Nhiều người bảo ở xứ này mà đã phải chờ thì cứ dài cổ ra mà chờ.
       Y đến toà soạn tờ Tuần Phi châu. Tổng biên tập, một người Phi tốt nghiệp đại học tại Pháp, ra tiếp, xin lỗi: “Họ quên”. Y nói: ”Ông đã quyết định và đã vào chương trình. Quên thì làm sao có sẵn bài để thay thế?”. Ông ta lúng túng: “Chúng tôi… sẽ có giải pháp. Ông có bài nào nữa cứ đưa cho tôi” . Ông ta bảo y nên đưa ảnh đen trắng để in cho rõ, báo ông ta không in màu, và đích thân đưa y đến bộ phận chuyên môn để lấy lại tấm ảnh đưa trước. Dọc đường, chủ và khách trò chuyện cởi mở. Tổng biên tập rủ rỉ kể rằng: ông ta đang chuẩn bị luận án tiến sĩ, đề tài chính trị: vấn đề nhất thống châu Phi, sẽ bảo vệ tại Pháp. Y nói đưa đà, đáng lẽ nói sujet (đề tài) subtil (tế nhị) thì lại lỡ lời là stérile (nhạt, khô khan). Có vẻ như người đối thoại hơi ngớ ra một chút, y nói thêm: (và) fatigant (nhọc sức, cũng có thể hiểu là ngấy, chán). Ông ta gật đầu: “Très, très fatigant”. Y ra khỏi toà báo, lòng tràn phấn khởi vì những lời hứa hẹn. Ba tuần lễ trôi qua, ngày nào y cũng ra quầy báo. Chẳng có tăm hơi gì.Y lại đến toà soạn. Tổng biên tập tiếp y với vẻ mặt của người sắp phải hầu kiện. Mới gặp vài ba lần, y cũng nhận thấy ông ta là ngưòi chân thật, nhũn nhặn, xử sự ra người có học. Loanh quanh một lúc, tổng biên tập nói: “Người phụ trách mục thơ không chịu vì xưa nay báo này chỉ đăng thơ của người thuộc giáo hội. Anh ta bảo: hoặc là đăng chùm thơ kia hoặc là tôi, ông hãy chọn một”. Y hỏi: “Anh ta đưa tối hậu thư và dọa từ chức?”. “Vâng”, Tổng biên tập gật, vẻ chịu đựng. Y nói lời cảm thông và rút các bản thảo về. Ra tới sân, y gặp ông linh mục người Pháp. Ông này thân mật bắt tay: “Bài thơ đã được đăng rồi chứ?”. Y hơi lạ là không lẽ ông ta chẳng theo dõi các số báo đã in ra, nhưng cũng nói qua sự tình. Ông cố đạo đề nghị y đưa lại mấy bài thơ, ông ta xem qua rồi chọn bài “Gửi em, người em gái Phi Châu” chứ không phải bài “Xich đạo” mà ông ta đã chấp thuận trước đấy. Ông ta hẹn tuần sau. Đúng hẹn trở lại, y được tổng biên tập trao cho bài thơ đã biên tập kèm thư của người phụ trách mục thơ nói rằng anh ta đã sửa bài thơ cho thích hợp và nếu tác giả đồng ý thì sẽ đăng ngay vào số tới. Thì ra ông thầy-tu-biên-tập-viên lại “thiêng” hơn chánh, phó tổng biên tập nhiều. Tay phụ trách mục thơ buộc phải đăng nhưng hắn ta “cưỡng hiếp” bài thơ đến mức y phải khước từ. “...Tôi không còn nhận ra đứa con tinh thần của mình nữa. Nếu tôi cứ bằng lòng cho nó chào đời dưới cái tên tôi thì tôi sẽ thành kẻ bất lương”. Anh ta, trong thư phúc đáp, phân trần rằng: mục thơ của báo Tuần Phi châu mang tựa đề chung “Atelier des poètes” (Xưởng(!) các nhà thơ) nên tất có sự cùng gia công sửa chữa như mọi “atelier” khác(!). Chẳng thể hiểu người ta quan niệm “xưởng” trong chuyện làm thơ như thế nào nữa! Vậy là chấm dứt một “màn” phiêu lưu. 
       Một hôm, trong một hiệu sách gần trung tâm thành phố, y gặp một thanh niên người Sát (Tchad), một nước Trung Phi, cử nhân Pháp văn, biên tập viên văn nghệ của tờ Le Fanion (Cờ hiệu), một tạp chí hàng tháng nhưng không ra đều kì lắm của nhà đại tư bản anh ruột đương kim tổng thống. Tạp chí có cả một bộ phận toà soạn ở Pari, và được in cũng ở đấy. Tờ báo được in và trình bày đẹp không thua tờ Paris Match, tờ tạp chí hàng đầu của Pháp. Quen nhau, Neato, chàng nhà báo người S. mời y đến nhà chơi. Y đưa cho N. xem ba bài thơ. Anh ta chăm chú đọc rồi kêu lên: “Vous êtes un grand écrivain!” (ông là một nhà văn lớn). Đáng lẽ phổng mũi thì y lại tự cười thầm. Nếu là những danh hiệu “rẻ tiền” ! N. nhận đăng cả chùm ba bài trong số Cờ hiệu tới dưới cái tên chung Méditations d’un voyage en Afrique (những suy tưởng trong một chuyến đi tới châu Phi), cùng với ảnh và ít lời về tác giả. Ít hôm sau, anh ta cho biết cả toà soạn ngạc nhiên “không ngờ một người Việt Nam lại làm được những bài thơ như thế về châu Phi”. Ngồi trên xe buýt trở về nơi ở, y nảy ra ý định làm bài thơ nữa Mélodie pénible (Giai điệu nhọc nhằn). Đầu đề bài thơ bật ra bất ngờ khi ý và tứ mới chớm hiện ra. Bài thơ được hoàn thành về cơ bản trong hai hôm. Viết tiếng Việt chưa bao giờ y làm nhanh được như vậy. Y cảm thấy có bài này nữa thì mới coi là tạm “lấp đầy” Những suy tưởng... Y muốn thêm vào chùm thơ đã trao cho Le Panion nhưng N. nói toà soạn đã duyệt và đã gửi sang Pari để in. Lại những ngày ngong ngóng. Mãi rồi số báo cũng ra. Nhưng... phèo! Neato xin lỗi và phân trần: “Vì số báo này ra chậm, lùi lại đúng vào dịp giải vô địch bóng đá thế giới nên tổng biên tập ra lệnh gác lại một số bài để đăng bài về cuộc chơi này”. Y chán quá, ngỏ ý đòi lại bài và ảnh về. N. nói: “Hiện đang ở Pari cả. Ông cứ yên tâm. Chúng tôi nhất định đăng vào số sau. Nếu ông về nước, cứ để địa chỉ lại, khi nào in xong chúng tôi sẽ gửi sang”. Lại hứa!
       Nhà thơ hụt, nhà thơ “trái mùa” là y không muốn cho ai biết mình làm thơ và đang chờ đăng. Một hôm, y nôn nóng nên gọi điện cho Neato. Cả khu chuyên gia Việt Nam chỉ có mỗi máy điện thoại đặt tại phòng của ông T., người được bên nước cử sang phụ trách chuyên gia. Mỗi khi có ai đến gọi nhờ điện thoại, T. đều ra ngồi bàn nước mé bên pha trà hay “bận” làm gì đấy. Hôm đó, y gọi xong vừa toan đi ra thì T. giữ lại. Anh ta pha nước mời uống, rồi cười rất tươi, dịu dàng nói: “Bác K. ạ (trước nay anh ta vẫn gọi y là “anh”, y còn kém tuổi anh ta), giao thiệp với người nước ngoài là lôi thôi lắm. Tôi có ông thày ở Cộng hòa dân chủ Đức, từng hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ, viết cho tôi năm, sáu lá thư mà tôi không dám trả lời. Mà với nước xã hội chủ nghĩa hẳn hoi đấy nhé. Sơ sẩy là bị để ý ngay. Phiền lắm. Họ nắm sự việc để đấy, đến lúc cần mới đem ra xét, có khi mình đã quên rồi”.
       - Rồi ảnh hưởng việc lên lương, lên chức... -y không nín được, thản nhiên nói với vẻ đùa đùa.
       - Chuyện ấy còn chưa là vấn đề –T. cười vô tư- Có khi tôi không được có mặt ở đây. Rồi còn tiền đồ con cái nữa. Bác uống nước đi!
       Chờ y nâng chén uống xong, vị phụ trách tiếp:
       - Anh em với nhau, tôi xin nói thật: Cán bộ mình muốn gửi bài cho báo nước ngoài phải được phép đấy
       - Lần trước, theo gợi ý của anh, tôi nói với anh Th., đại sứ, là tôi định gửi bài cho báo “Đoàn kết” của Việt kiều ở Pari về chuyện... Anh Th. không ngăn, chỉ nói vấn đề ấy hình như có nhà văn trong nước đã đề cập. Do vậy, tôi cứ gửi.
       - Nhưng chuyện thơ này, anh nên đưa tôi xem. Có gì, tôi góp ý sửa. Chỉ có lợi cho anh; có sơ suất, tôi chịu trách nhiệm anh cũng đỡ đi.
       Hẳn anh ta phải biết bài đã nằm ở tòa báo rồi chứ qua cuộc điện đàm vừa rồi của mình, y thầm nghĩ. Vừa lúc, V., giáo sư vật lí đi vào. V. vẫn có lệ sáng và chiều đến hầu trà thuốc thủ trưởng. Chẳng biết anh này nghe thủng chuyện ra sao, vừa ngồi xuống đã nói chen:
       - Anh T. nói “đưa xem” là nói nhẹ, nói lịch sự. Theo em phải nói trắng ra là đưa duyệt. 
       - Anh T. ạ, - y làm như không nghe V. nói gì- chuyện sửa chẳng cần đâu. Sao lại bắt anh gánh trách nhiệm cho tôi.
       - Nhưng nếu có chuyện gì thì về nước tôi phải hứng chịu.
       - Được rồi! Lúc đó, tôi sẽ nói anh T. đã có khuyên can song tôi vẫn gửi đi.
       T. chìa tay cho y bắt, vừa lắc lắc, vừa bảo y, tươi tỉnh: “Cảm ơn anh”.
       Chuyện này, có phải y cũng “điếc không sợ súng”?
       Y vẫn nghĩ tới “đầu ra” cho mấy “đứa con tinh thần” hẩm hiu của mình. Mang về nước, chúng sẽ chỉ còn là những thứ “lưu niệm” khá vô duyên ngay cả trong mắt những người thân. Ở các quán báo, y thấy tờ báo tiếng Pháp Ngouvou, tờ tuần báo dành cho học sinh trung học, cả cho sinh viên. Ngouvou, tiếng thổ ngữ nghĩa là Con hà mã. Theo chỗ ghi giá bán ngoài bìa thì báo phát hành cả ở Pháp, Bỉ và Canada. Tìm mãi địa chỉ tòa soạn trên tờ báo chẳng thấy, y bèn đến bưu điện trung ương hỏi, dựa vào số điện thoại ghi trên báo. Sau hai ngày, họ cho biết một nơi ở. Y tìm đến mới hay nơi đó dành cho tổng biên tập cũ của tờ báo; ông ta đã về Pháp năm trước. Y đang ngán ngẩm thì một bà đầm Pháp chính cống lái xe đến định tìm ai đó. Bà này bảo cho y biết rằng tổng biên tập hiện tại của tờ Ngouvou là Nadette Richard, một chuyên gia Pháp tại “Trung tâm bồi dưỡng giáo sư trung học”. Bà ta ân cần mời y lên xe thân đưa đến gặp N.R. ở một nơi cách vài ki-lô-mét. Nadette Richard ở chung với một người đàn ông tên là Yvon, cũng là chuyên gia Pháp, trong một biệt thự bề ngoài cũng xoàng. Họ tiếp y lịch sự nhưng dè dặt. Y tự giới thiệu rồi vào ngay việc: đưa chùm thơ bốn bài. Nadette đọc chăm chú rồi nói (chẳng hiểu có phải là do lối lịch sự Pháp không):
       - Những bài thơ tuyệt diệu (merveilleux poèmes), nhất là bài “À toi, ma soeur africaine”, tôi rất xúc động về bài này. Vậy mà ông nói ông không thạo tiếng Pháp.
       - Đúng là tôi rất kém tiếng Pháp như bà đang nghe tôi nói đây. Tôi ngẫu hứng làm kiểu tài tử (amateur), phải dựa vào từ điển.
       - Bel amateur! (Hảo tài tử! – tôi chưa tìm ra từ ngữ tiếng Việt thích hợp hơn-K.N.). Ông dùng cà phê nhé!
       Y nói mấy lâu nay tim y hơi “nặng”. Người chồng đưa ra mấy chai bia. Y vốn tửu lượng kém lắm, chỉ một cốc bia nhỏ mà mặt bừng bừng, cảm thấy ngượng:
       - Thứ lỗi cho tôi, tôi không quen uống những thứ có cồn.
       - Chúng tôi cũng vậy thôi -Hẳn Nadette có ý nói đỡ cho khách.
       Bà tổng biên tập hứa sẽ đăng cả chùm bốn bài thơ vào hai số từ tháng Chín tới, bởi lúc này đang nghỉ hè. Bà ta bảo y đưa ảnh và viết mấy dòng vắn tắt về tác giả. Yvon đưa tặng y tám số Ngouvou. Ông ta là quản lí của tờ báo. Trong hội đồng biên tập cũng có nhiều giáo sư người Phi châu. Nadette ghi lời đề tặng vào trang bìa của một trong những tờ báo đưa tặng: “Với những tình thân ái và những lời cảm ơn của tôi về những bài thơ tuyệt vời mà Ngouvou sẽ đăng trong những số tới. Toàn ban báo chúc ông, thưa ông Nguyễn Nguyên Khải, một chuyến hồi hương tốt đẹp. Chúng tôi cũng mong tiếp tục liên hệ với ông” (*). (Về tới nơi ở đọc những dòng này, y cảm kích song lại nghĩ bụng: “Trên thế gian này, dùng mĩ từ có lẽ người Pháp là nhất”). Lúc chia tay, Nadette hỏi y về tiền nhuận bút. Y nói: “Không sao”. Trong xe, lúc đưa y đi, bà bạn của Nadette đã nói cho y biết người ta làm báo Ngouvou không có thù lao. Chắc Nadette và Yvon chẳng thể ngờ rằng với một chuyên gia Việt, trả lời như vậy là “dũng cảm” lắm. Hai người tiễn chân y ra tới cổng. (Về sau, khi biết mối quan hệ này, C. chê y không biết tận dụng khi qua Paris).
       Ít lâu sau, trước ngày rời Bra-da-vin, y đến thăm Nadette. Bà ta đã về Pháp nghỉ hè từ đầu tuần, Yvon cũng một giờ nữa ra sân bay. Ông ta cho biết chùm thơ của y đã được hội đồng biên tập thông qua, có sửa một đôi từ cho phù hợp với trình độ học sinh. Ông ta hứa sẽ gửi cho y mỗi số báo có đăng thơ y năm bản.
       Y không rành ngôn ngữ xã giao của người Pháp lắm, song vẫn nghĩ họ không “đãi bôi”. Người bản xứ thì hay sai hẹn, ý kiến chung của các chuyên gia nước ngoài tại đấy, kể cả chính người Phi. Người thuộc các xứ văn minh ắt khác chứ, y tin vậy. Hỡi ơi! Về nước, y chờ hoài mà chẳng thấy tăm hơi. Le Fanion đã đành, Ngouvou mà cũng bặt. May y còn vớt vát được tí tẹo từ phía ít ngờ. Người ta gửi cho y, qua P.H.Bằng, tùy viên sứ quán Việt Nam, ba bản Maintenant số 6 đăng bài thơ Mélodie pénible, bài thơ y đưa cho tổng biên tập tờ báo trước ngày y lên máy bay. Bài thơ được đăng bốn tháng sau khi y đã rời đi. Số có đăng bài Chason terrestre, người tổng biên tập đã quên (?) gửi như đã hứa. Dẫu sao, ông ta cũng còn ít nhiều giữ lời. Y hơi tiếc: giá đưa luôn cả chùm bốn bài thơ cho Maintenant! Y còn quá hi vọng ở các báo kia. Có thể họ đã đăng mà quên gửi báo biếu.
       Về nước rồi, một lần y đưa chùm bốn bài thơ cho người thường trực tờ “Le Courrier du Việt Nam”. Ông ta chẳng mấy mặn mà, nói: “Đã đăng ở nước ngoài rồi thì không dùng được” ( thật ra chỉ mới đăng hai bài).
       Chấm dứt vĩnh viễn một chuyện “phiêu lưu văn chương”.

    -----------------------------------
    (*) Avec mes amitié et mes remerciements pour ces poèmes que Ngouvou sera heureux de publỉer dans de prochains numéros. Toute l’équipe du journal vous souhaite, monsieur Nguyen Nguyen Khai, un excellent retour dans votre pays. Nous espérions aussi continuer à correspondre avec vous.
     Nadette Richard



    <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2009 12:13:49 bởi Khải Nguyên HT >
    #2
      Khải Nguyên HT 19.03.2009 16:29:41 (permalink)
       
      Phụ lục
      Méditations d'un voyage
      (Groupe de quatre poèmes

                      dans le même processus d'inspiration)
      Par Nguyễn Nguyên Khải
         (Khải Nguyên)

       
      I. Chanson  terrestre

      Un pays en forme đ' un  révolver
      avec son chargeur
      qui ne vise
      presque rien  que la  misère
      et le sous-développement
      Nuits et jours
      le Congo, Fleuve-Mère
      gémit
      hurle
      rugit
      pour réveiller
      son plateau
      sa savane
      ses forêts
      ses gisements
      notamment le patron
      d' une terre
      en friche
      Et les vagues de l'Océan Atlantique
      elles aussi
      grondent
      et grondent
      les terres vagues
      les ressources endormies
      les esprits ralentis
      les coeurs endurcis
      Afin que
      puissent
      les ondes du  Fleuve
      saluer le lever
      les flots de l' Océan
      chanter la chute du jour
      dignement
        
      Brazzaville, 01-1990


       
      2. Équateur

      On me trace
      définitivement
      en ligne nette
      sur les cartes
      d' autant plus
      qu' invisible je suis
      Je ne partage
      ni continent
      ni océan
      ni  êtres inanimés
      ni  êtres vivants
      Quiconque scinde
      la terre
      en hémisphères
      Nord et Sud
      S' il était "friand"
      cet "Etre fini"
      des signes de convention
      ce serait son affaire
      Seulement, à travers moi, au rythme universel
      se répartissent les saisons
      Mais, en quel terme entre eux, à présent  
      "Nord"
      "Sud"?
      Depuis quand ces termes représentent
      les pays pauvres et les pays riches
      la Misère et le Luxe
      Oh! le langage politique!
      est-ce qu' on recourt à un autre "équateur"
      qui doit être sans doute
      que de fois gelé
      - Quand "débâcle" donc surement la compréhension?

      ***
      Ah! Ce laique poteau
      si humble et si vulgaire
      on l' a vu sur une rive de la Likouala - Mossaka à Makoua (1)
      marquant cette ligne imaginaire
      Par un petit pas
      voila on est au Nord
      voila on est au Sud
      Combien de pas
      pour l' autre "Nord"(2)
       l' autre "Sud"?(2) 
      Que jamais entre eux
      ne s' ouvre
      le gouffre
      même le gouffre du passé
      même le gouffre du jeu politique ou économique!
      -----------------

      (1) un district de la région de Cuvette du Congo
      (2) Termes politiques modernes désignant les pays riches et les pays sous-diveloppés

      Brazzaville, 02-1990


       
       
      3. À toi, ma soeur africaine!

      Redresse la tête
      non pas d' un parvenu
      non pas d' un vantard
      d' une antilope non phus
      mais d' un être pensant
      conscient de son destin
      Te voila passionnément dansante
      agitant
      "galopant"
      le postérieur
      qui  évoque l' ouragan
      ténébreux
      de la forêt primitive,
      du désert,
      de l' histoire
      et présage le vent
      stimulant - aussi tourbillonnant
      de l' ère nouvelle
      Danse!
      danse phus!
      danse encore!
      ta danse a fait bien des hypocrites
      du "monde civilisé"
      danser;
      et maintenant les racistes
      ne savent sur quel pied
      danser.
      De la peau
      ne t'en soucie pas!
      La beauté noire
      a tout droit
      à la diversité des fleurs parlantes
      d' être fière de prendre part.
      De qui la témérité
      d' affirmer
      que la beauté du diable lui manque?
      Si on l'avait vraiment peu estimée,
      par qui
      auraient surgi
      les métis?
      "Une partie de la terre qu' a oublié Dieu"
      Cette obsession
      depuis la nuit des temps
      débarrasse-toi-s-en!
      L'oubli divin
      pour l' oubli humain
      mille fois moins terrible.
      Toutefois s' effacer
      c' est le plus horrible!
      Danse et danse!
      et chante!
      la vie ne pourrait en être privée
      la Vie, cependant,
      ne pourrait continuer
      son existence
      par et pour cela seul!

      Brazzaville, 26-27/3/1990


       
       
      4. Mélodie pénible

      *Il y avait un temps
      non même maintenant
      On dit
      sans  aucun  regret
      que c' est par là ou par ci
      continent de l' anophèle
      de la tsé-tsé
      continent òu le lion seul digne de la majesté
      et la tortue - héros dans les légendes  éternelles
      continent de l'inondation, de la sécheresse
      de la désertification, de la disette
      continent des pygmées de corps ou de cervelle
      de la sauvagerie et de la barbarie
      continent en un mot arriéré
      et de pitié
      Tel est qu' a dit la langue malsaine inconsidérée.
      * Il y avait un temps
      non! pas déjà longtemps
      on dit de ses champions sportifs:
      - Bah! Ils ont seulement des muscles
      (Sans hésitation on hausse les épaules froidement)
      et de ses écrivains, ses artistes, ses experts, ses savants:
      - Euh! don égaré de Dieu
      bonnes grâces des races supérieures
      (Toujours les mêmes  gestes méprisants et prétentieux)
      et de l' Egypte antique, de la Carthage,
      de la culture bantoue:
      - Ah ca! (on fait la moue)
      * Il y avait un temps
      non! même jusqu' à présent
      on voudrait bien oublier
      ou faire semblant d' oublier
      que ses resources, ses mains-d' oeuvres et même ses existences
      à la prospérité
      de pas mal de Puissances
      ont contribué
      et l' ambition, la brutalité et l'esprit des conquérants européens
      sans la sueur, les larmes et le sang des esclaves africains
      la face de l' amérique contemporaine n' auraient pu transformer
      O! le berceau de l' humanité
      le plus ancien
      à qui  et à quoi  servent réellement ses biens?
      Quel  fruit de l' accession à l' indépendance
      pour ses descendants
      si gentils
      au point d' être naifs  et  crédules?
      * Il y avait un temps...
      et pourtant
      laisser le passé
      en face de l'avenir regarder
      Ce continent est quand même, à la civilisation moderne, obligé
      il devrait, toutefois, au "monde civilisé"
      son  du^  réclamer!
      L' écho du  cor  traditionnel  des  temps  lointains
      dans le monde des ondes électroniques encore planant
      exhorte les vivants.

      Brazzaville, 4-1990
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.03.2009 16:56:25 bởi Khải Nguyên HT >
      #3
        Khải Nguyên HT 21.03.2009 10:08:21 (permalink)
        12. Khi “con cháu” Lãn Ông chịu phong trần


               Đi làm chuyên gia ngành y tại châu Phi có hai loại: loại giảng dạy và loại chữa bệnh. Loại giảng dạy thì theo chế độ chung cho các chuyên gia giáo dục của MESS (Bộ Giáo dục trung học và đại học). Họ dạy ở các trường đào tạo nhân viên y tế, các cô nuôi dạy trẻ,... Thời hạn chỉ gói gọn trong  hai năm học. Nước bạn lo vé máy bay rất muộn, có khi đến ba tháng, cho nên thời gian thực sự hành nghề và hưởng lương chỉ hai mươi tháng hoặc hơn chút ít. Loại chữa bệnh, thời hạn có thể dãn ra nếu các bệnh viện còn cần thầy thuốc mà chua có người thay thế. Do vậy,  nói hai năm song có thể kéo ra đến ba năm. (Thói thường, người đương nhiệm  nơi nước bạn thì muốn kì hạn kéo dài ra, còn người đang chờ đến lượt bên nước mình thì mong nhiệm  kì của kẻ đi trước mau chấm dứt). Các chuyên gia y tế ở các bệnh viện còn được cấp ô tô để giúp lo phong trào phòng bệnh; cùng với xe là số tiền xăng dầu và bảo dưỡng “tùy nghi sử dụng”. Các vị chuyên gia nhà ta có lắm sáng kiến để càng ít dùng xe càng tốt, tất nhiên chẳng phải vì thương xe, quí xe. Các vị còn có khoản “thù lao“ của các bệnh nhân khá giải về tiền tài và địa vị xã hội, nhất là vào trường hợp các bệnh hiếm, bệnh kín, hoặc các cái thai bị “nhỡ”. Thu nhập của các vị cầm ống nghe bở hơn các vị cầm phấn nhiều. Ấy vậy mà vẫn có nhiều bác sĩ bệnh viện tị với các bác sĩ trường học là “ba tháng hè không làm gì cũng hưởng lương!”. Rõ là “trâu ăn” lại ghét “trâu buộc”. Thật là kì! Âu đó là tâm lí tự nhiên của đông đảo “chúng sinh” chúng ta chăng?
            Cũng như chuyên gia các ngành khác, các chuyên gia y tế, theo nguyên tắc, được chọn kĩ. Tuy nhiên, xứ ta hay có ngọai lệ. Do vậy, có trường hợp người ta  thắc mắc rất có lí rằng: “Tiếp nhận thầy thuốc hay bệnh nhân đây?”. Bởi vị chuyên gia nom hom hem quá!   Không lạ, có những vị  nhuộm cho tóc đen trở lại. Dầu sao, nói chung, họ  làm việc tận tụy. Và chẳng phải  bác sĩ điều trị nào trong số các chuyên gia Việt Nam cũng hám nhận “thù lao“ của người bệnh. Bác sĩ T. kể: Hôm ấy, bệnh viện nhận một cháu bé sáu ngày tuổi bị uốn ván. Trẻ sơ  sinh bị thế thường là chết. T. bảo bệnh viện trưởng người bản xứ: rằng mình có đọc một  tài liệu về cách chữa, may ra hiệu nghiệm. Bệnh viện trưởng nói: “Đằng nào thì có phần chắc là nó chết, ông cứ thử chữa, thành công thì hay”. Bác sĩ T. pha một liều  thuốc chống co thắt vào huyết thanh rồi truyền cho bệnh nhân nhí. Điểm mấu chốt ở đây là liều lượng; quá liều thì ngộ độc; dưới liều thì không chống được co thắt, người bệnh bị nghẹt thở chết ngay. Phải trông coi ngày đêm để điều chỉnh kịp thời. Y tá trực có lúc ngủ quên khó bảo đảm. T. giao luôn cho cha mẹ đứa bé dặn kĩ phải thường xuyên theo dõi đồng hồ giữ cho được nhịp  50 giọt /một phút. Và bày cho cách điều chỉnh nhanh, chậm. Thế rồi thằng bé qua được. Cha mẹ cháu mừng khôn tả, biếu 100 USD, T. không nhận. Cha đứa bé là chủ một cửa hàng thực phẩm ở thị trấn, bán đủ các thứ từ hàng tươi sống cho đến  hàng khô, đồ hộp... Từ hôm đó, hễ T. đến mua gì, trả tiền một thì được giao hàng gấp đôi. T. đòi trả thêm tiền, chủ hàng cười cười xua tay. Các thầy thuốc chuyên gia vẫn tự nấu ăn lấy, bèn giao cho T. vai tiếp liệu thực phẩm. Sau này, T. tâm sự: Thật ra, công đầu là của bà C.. Bà C. vốn là bác sĩ khoa gây mê hồi sức tại một bệnh viện lớn trong nước, nhận làm chuyên gia ở cương vị y tá vì vào thời điểm đó đã hết suất bác sĩ. Tay nghề tiêm chích của bà C. cao; nếu không thì làm sao mà lần ra  tĩnh mạch của một đứa bé mới sinh có sáu ngày, da đen nhẻm. Còn phác đồ điều trị thì đã có sẵn trong sách.
            Các chuyên gia y tế cũng như các chuyên gia giáo dục được phân thành nhóm nhỏ về các trường học  hoặc các bệnh viện ở các địa phương rất cách xa nhau và không thuận đường đi lại. Họ đối xử với nhau nói chung phải chăng, nếu không va chạm quyền lợi. Chuyện này ít xảy ra bởi thường thì mỗi người một khoa riêng. Tuy nhiên cũng khó nói chắc. Nữ bác sĩ M. cùng làm ở một bệnh viện tỉnh lẻ với bác sĩ Ph. và cô Th. kĩ thuật viên. Ở bệnh viện này có nhiều các bà các cô đến giảI quyết  cái thai bị “nhỡ”, điều mà nước này không khuyến khích, nói  trắng ra là cấm, nhưng lãnh đạo bệnh viện lờ đi. Ph. chỉ là bác sĩ ngoại khoa, nhưng anh ta cứ giữ rịt bộ dụng cụ chuyên khoa sản dành cho mục đích này ở phòng làm việc của  mình, tranh phần việc của M. là bác sĩ sản khoa chính hiệu. Nhân bệnh viện trưởng hỏi đến, M. đề nghị đưa các dụng cụ kia về đúng  khoa của nó, và được chấp thuận. Ph. đùng đùng nổi giận đòi M. phải rời bệnh viện lấy cớ là M. đã đến hạn. Đúng là bác sĩ M. đã hết hạn theo giấy tờ song chưa có chuyên gia sản khoa sang thay; tất nhiên chị có quyền ở lại. Ph. có vóc người đậm, béo tốt, dáng đi oai vệ, chỉ phảI cáI hơi  “mắt lươn”. Anh ta ăn nói có lí có lẽ, hay khoe từng  đấu đá ở nhà để giữ chức và lên chức ra sao. Anh ta giảng cho cô Th. rằng: “Cơ” trong “tích cốc phòng cơ” là cơ hội . Rất “tháo vát”. Một lần, anh ta đứng chủ cô-ta mua xe máy “tân trang” của Nhật (nói nôm là xe “bãi rác”). Đến một cơ quan của nước bạn lo giấy tờ, anh ta bảo thẳng nhân viên phụ trách: “Nếu ông giảm được cho tôi khoản phụ thu đó, tôi cho ông năm mươi phần trăm”. Việc được giải quyết chóng vánh. Bác sĩ Ph. căm bác sĩ M. có lẽ còn vì trong chuyện anh ta thổi  cơm chung, theo nghĩa đen, với Th., M.tỏ ý nghi: e rằng còn đúng theo nghĩa bóng nữa. Th. còn khá trẻ, rất khoẻ mạnh, có chồng con ở nhà. ỏ khu tập kết chuyên gia có ông nào đùa cô ta tí chút là Ph. nổi  ghen, dở tài ăn nói để vô hiệu hoá. Trong giao du, trong hội họp, Ph. tỏ rõ, tự giác hoặc bất tự giác, sự sành sỏi và tư thế thủ lĩnh. Vậy mà khi được một người đưa đến gặp bà P. Việt kiều, chủ một khách sạn, thì lại tỏ ra một Ph. khác hẳn. Anh ta cởi mở ngay nhưng nhũn nhặn, gọi “chị” xưng “em” rất ngọt, mặc dù P. kém tuổi anh ta. Hẳn là anh ta muốn dựa thế vợ chồng bà ta trong doanh trường và chính trường xứ này. Lúc bấy giờ nhà nước Việt Nam đã “tháo khoán” cho các chuyên gia Việt Nam có thể tự lo hợp đồng riêng với chính phủ sở tại miễn là được sứ quán đồng ý. Ph. đã hết hợp đồng đang chờ về nước, có thể anh ta muốn có dịp làm ăn nữa chăng?
            Các người của ngành y chẳng phải ai cũng có ý thức thường trực về vai trò thấy thuốc của họ ở mọi nơi, mọi lúc, không  cần đến sự nhắc nhở của hơi đồng tiền. Tại nơi tập kết các chuyên gia Việt đợi hồi hương cũng vậy, - trong một thời gian nhanh ra cũng hàng tháng. Trừ một số không nhiều. Bác sĩ Th. là chuyên gia vùng ngực, giỏi chuyên môn, thạo việc và cả “thạo sống” – có nghĩa là rất hiểu lẽ đời và giỏi xử thế. Tất nhiên những chuyện này chẳng ăn nhập  gì với chuyện y đức. Trong các chuyên gia đồng hương, ai se mình đều được Thấu tận tình khám và cho đơn vô tư (ở xứ này, việc khám và kê đơn rất đắt), và nếu có sẵn thuốc anh sẵn sàng cho không. Chẳng phải người nào cũng làm được như vậy, dẫu rằng thuốc này do những tay chào hàng  cho các hãng dược phẩm đem đến tận nơi làm việc để biếu. Có những người như bác sĩ H. gạ các chuyên gia đồng hương “ngoại đạo” mua với những lời lẽ rất chi là tử tế: “Bọn bác sĩ chúng tôi được mua những thuốc này với giá hạ 10 %,- anh ta chỉ giá ghi trên bao bì để người nghe dễ thấm –tôi muốn các anh, chị cũng được hưởng sự ưu tiên này”. Những  thuốc kia mang về Việt Nam bán sẽ  chẳng được giá, bởi hồi ấy thuốc của các nước Đông Âu và Liên-Xô khá rẻ mà chất  lượng chẳng hề kém. Những thứ quí hiếm  thì tất nhiên họ chẳng chào bán như vậy. Một bác sĩ khác, bác sĩ Mai thì có những quan tâm nhẹ nhàng, giúp cả việc chợ búa, nấu ăn khi cần,-chị vốn là tay nội trợ giỏi. Người đàn bà hiền hậu, có phần dè lặng, một hồi bị bác sĩ Ph. làm khó đến nỗi có hôm, để khỏi phát điên, đi lang thang vật vờ, suýt bị Ph. ám hại, theo lời mấy nhân viên bệnh viện người bản xứ yêu thương chị. Chị nhận được nhiều thư của các y tá, hộ sinh viên, dục nhi viên và các bệnh nhân tỏ ý muốn hợp đồng chuyên gia của chị được kéo dài thêm. “Chúng tôi tìm thấy ở bác sĩ Mai, qua lời nói và việc làm của bà, một  người có tinh thần trách nhiệm, một người mẹ biết khuyên nhủ và dạy bảo. Giữa chúng tôi, những người của bệnh viện và những bệnh nhân, với bác sĩ Mai có một không khí chan hoà...” – có người đã viết như vậy.

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2009 12:37:18 bởi Khải Nguyên HT >
        #4
          Khải Nguyên HT 23.03.2009 12:59:28 (permalink)
          13. Một người năng nổ


                Phan vào loại cao tuổi nhất trong chuyên gia Việt Nam ở châu Phi những năm ấy. Ông ta vốn là kĩ sư nông nghiệp nhưng từ lâu đã là nhà chính trị hành chính chuyên nghiệp. Trong mắt tôi, Phan là người cực kì tháo vát. Từ Việt Nam đi, trong khi mọi người dồn đống ở Hà Nội chờ đến lượt hãng máy bay Pháp Air France cho đăng kí ghế ngồi nhỏ giọt mỗi lần ba, bốn chỗ, thậm chí một, hai thì ông ta lẳng lặng một mình xin tự nhận đi đăng kí vé lấy. Ông ta trước hết bay qua Băng-cốc. ở đấy ngày nào cũng có chuyến máy bay của Air France đi Pari, số ghế  được dành rộng rãi. Trong khi ở Việt Nam máy bay Pháp chỉ tới sân bay Tân Sơn Nhất, tuần ba chuyến, số ghế dành cho khách đi Pháp rất hạn chế mà lại còn có ý dành cho dân di tản hợp pháp. Phan có được thông tin ấy và cũng dám liều. Cứ như tối thì chẳng dám. Sang Thái Lan mà rồi phải chờ với đợi như ở ta thì phải làm sao đây; mỗi chuyên gia chỉ được tạm ứng 50USD. Ngày ấy đi đến các nước tư bản còn hiếm lắm, chẳng biết thế nào, “sẩy nhà” thì chỉ có... ăn xin cũng chẳng xong.
               Phan rất khá tiếng Pháp và nắm được chuyện môn. Ông ta được phân về dạy tại trường trung cấp nông nghiệp ở O., cực bắc nước này. Phan giảng dạy nghiêm chỉnh, giao du rộng, được tín nhiệm. Ông ta có cái thính của người buôn từ hối còn là học sinh trường Cao đẳng tiểu học Vinh, như lời ông ta tự kể. Ông ta tìm hiểu thị trường rồi khi về nghỉ hè sắm hai bao hàng tướng lúc ghé qua Liên Xô. Thời ấy hàng hoá Liên Xô vẫn giữ giá in sẵn cố định từ hàng mấy chục năm theo giá hối đoái chính thức, một rúp ăn 1,3 USD. Do vậy, hàng tiêu dùng của nước này đúng là “rẻ như bèo” so với hàng các nước Tây Âu, Mĩ... Hàng ấy lại hiếm do không có buôn bán qua lại giữa Liên Xô và châu Phi, khá được ưa chuộng ở Công-gô. Điều Phan không lường  tới là nước bạn huỷ hợp đồng chuyên gia vì những lí do mơ hồ. Giá như họ lo ngay được cho các chuyên gia “lỡ sang” hồi hương thì Phan “ôm hận” to. Số hàng vốn định dành sẽ tiêu thụ trong cả một niên khoá, chẳng thể đẩy đi nhanh được. Nếu không bán đổ bán tháo thì chỉ còn nước biếu không; chẳng lẽ lại mang về nước những thứ biết chắc là lỗ to và những thứ vốn là của giả bên nhà. Trong khi phần lớn những người “lỡ sang” ngồi buồn không biết bán những tháng ngày rồi cho ai thì Phan rạc cẳng đi suốt ngày. Có hôm ông ta bày hàng bán ngay bên hè chợ. Tôi ra chợ, từ xa nhìn thấy đã lảng đi cho ông ta yên tâm ngồi bán. Nhưng cách này chẳng ăn thua, đành đi rong tìm cách “tiếp thị”. Vừa hay, ông ta có mang sang một số thuôc cổ truyền Việt Nam thích hợp với một số bệnh “vặt” người bản xứ  hay mắc; dùng chúng dọn đường thế mà đắc sách. Xưa kia bọn lái buôn phương Tây muốn xâm nhập xứ lạ thường tăng tượng chúa Giê-su kinh thánh trước đã. (Nếu không được lúc đó mới tặng đạn bom). Đằng này, Phan bán –tuy chẳng rẻ- thuốc chữa bệnh, vậy là dễ thương hơn nhiều, phải không? Dĩ nhiên, đây chỉ là kiểu so sánh đùa vui. Những món hàng còm trao tay lối cò con sánh thể nào được với chuyện làm ăn của giới tư bản dẫu ở thời kì đế quốc phôi thai. Khi đã cạn số thuốc mang theo, Phan tận dụng ngay mảnh vườn nhỏ nửa bỏ hoang trong khu nhà dành cho chuyên gia Việt. Ở đó, mọc rậm những bụi lá lốt chắc là theo chân các chuyên gia từ Viễn đông sang, cũng như một số cây khác nữa: ngải cứu, rau muống, bí... Phan kín đáo gom nhặt cây lá lốt dùng điện sấy khô rồi đóng từng gói nhỏ bán cho người ta chữa tê thấp hoặc thấp khớp. Cũng có trường hợp tặng làm món quà đi trước. Phan đi quá nhiều, có hôm bị đau bại lưng dưới không đi được. Tôi lo cho ông ta, tuổi già nơi đất khách quê người. Tôi vận dụng một số kĩ thuật bấm và xoa bóp học từ nhà đỡ cho ông ta phần nào. May mà rồi qua được, cái chính là do ông ta tự chữa và sau đó có lời khuyên của bác sĩ T.
                Phan ngoại giao vỉa hè giỏi. Dễ bắt chuyện, dễ gây cảm tình, những ưu điểm cần cho tiếp thị. Một lần, Phân lên xe buýt chưa kịp ngồi thì tay phụ lái đã đấm bộp bộp vào thành xe cho xe chạy. Ông ta nghiêng ngả, chao đảo, suýt nữa ngã dúi dụi vào những người ngồi cạnh. Hành khách nhao nhao lên tiếng quở lơ xe. Anh ta cãi: “ Xe sau giục! Sao các người không nhanh chóng dồn chỗ vào?”. Phan bảo hắn: “Tôi có thể xét đoán đất nước anh qua anh đấy. Ngưới ta nói Công-gô là Thuỵ Sĩ của châu Phi. Tôi thấy cũng đúng. Tôi hỏi thăm đường, được chỉ dẫn rất tận tình, có người còn đưa đến tận nơi...” Một hành khách lên tiếng: “Hắn ta là người Công-gô nhưng xử sự không phải Công-gô. Hắn có cơ làm gãy lưng ông”. Phan cười xoà, vui vẻ bắt chuyện, hỏi han mọi thứ và được đáp lại hết sức cởi mở. Phan xuống xe, chào biệt mọi người; họ gần như đồng thanh: “Ông ta thật là tốt”. Phan bảo lần ấy qua hỏi dò trên xe ông ta tìm được mấy mối để giao hàng. Lần khác, Phan đang tìm đến hiệu tạp hoá của một người Xê-nê-gan (Sénégalais) theo hẹn thì một người da đen đang ngồi quán uống bia gọi vào. Anh ta nài cùng uống và tự giới thiệu là chủ một xí nghiệp lớn, thích làm quen với người da trắng (dân châu Phi đen coi người da vàng cũng là dân da trắng) Phan đang do dự không biết có nên chào hàng hay không thi một người da đen khác đi vào. “Ông là người Việt Nam à? Ông giống anh bạn tôi ở Liênxô. Tôi học lái máy bay ở đó, mới về năm ngoái”. Hắn từ ổ con chuồn chuồn mà ra, Phan nghĩ bụng, giờ phô hàng Liênxô ra thì nước non gì! Anh phi công đang đà bộc lộ: “ Lão Sassou (tổng thống đương nhiệm) là dân da đen như chúng tôi nhưng khác là  máu đen, óc cũng đen. Trở thành thủ lĩnh, óc càng đen. Độc lập của các ông phải trả bằng máu. Chúng tôi trước đây bị người Pháp cai trị, nay tự cai trị lấy mà chẳng ra sao. Tình hình này không thể kéo dài. Họ có thể lừa nông dân, khó mà lừa chúng tôi...”.  Phan hơi hoảng; nói chuyện chính trị kiểu này không ổn. Phí thì giờ của ông! May mà người kia dừng lại, chiêu một ngụm bia, rồi chợt nói: “Anh bạn tôi nhờ mua một cái máy ảnh Liênxô loại Zenith 12. Loại này gần đây khó kiếm”. Được lời như cởi tấc lòng, Phan nói ngay: “À, thế thì may rồi, ông bạn tôi thừa một cái định bán, tôi sẽ hỏi hộ. Chiều nay, ông đến địa chỉ này, tôi sẽ đưa cho”.  Cái máy ảnh ấy đang nằm trong túi ông ta mang bên người.
                Lần hồi, Phan giải phóng được số hàng tồn đọng, lãi to, gửi mua được hơn chục xe máy “tân trang” bên Nhật (tục gọi là xe “bãi rác”). Ông ta kết với Ph., một bác sĩ nhiều bản lĩnh mà  tư cách lại rất thấp, tỏ ra có thớ trước các chuyên gia đồng hương song lại sẵn sàng xun xoe trước một bà chủ khách sạn Việt Kiều có thế lực. Tự Phan cũng đứng chủ  một con-ten-nơ. Ông ta giấu tôi. Một sáng, tôi vừa ngủ dậy, ông ta đã gõ cửa. Vừa vào phòng, ông ta đưa cho tôi một con tem Liên-xô. Hồi đó, muốn gửi thư về nước vừa nhanh vừa rẻ chỉ có cần dán tem Liên-xô rồi ra ga bay nhờ người nào đó đi Mat-xcơ-va sang tới đấy bỏ vào thùng thư hộ. Hôm trước, tôi có hỏi Phan tem thư Liên-xô, ông ta bảo không còn. Bây giờ, ông ta nói: “Tôi vừa giở cuốn sổ thấy có con tem này”. Tôi nghĩ bụng: vừa bảnh mắt mà đã  giở sổ ư! Song không nói ra. Phan hỏi thăm sức khoẻ, tin nhà, vòng vo một lúc rồi mới ngỏ lời vay một số tiền “vì việc đột xuất” không lâu sau sẽ trả. Giá ông ta đừng có những “động tác giao đãi” thì việc vay nhẹ nhàng biết mấy; tôi sẽ thoải mái và quí ông ta hơn dầu biết tỏng ông ta dồn tiền để gửi mua xe. Ông ta rất tâm đắc cuốn  Đắc nhân tâm của một tác giả Mĩ và đem ứng dụng với tôi; thật chẳng hợp chút nào, cũng thật  không may cho tôi. Ông ta đã có lần khuyên tôi “cần đọc” cuốn sách đó. Tôi đã đọc qua và thấy phần lớn trường hợp chẳng qua cũng chỉ là thủ thuật, thủ đoạn sống mà thôi. Phan chẳng phải là người hám tiền như bác sĩ Ph., nhiều lúc tỏ ra chân chất, song con người ta vốn là một mớ mâu thuẫn mà! Phan có một tính tốt mà tôi tự cảm thấy  không bằng: ai nhờ mà có thể giúp được, ông ta rất tận tình. Nhưng ông ta cũng hay tính toán một cách “vô tư”. Samba giáo sư viện phát triển nông thôn người bản xứ hay trao đổi với ông ta và đưa đi thăm cơ sở thực nghiệm nông nghiệp; ông ta cần những cái đó cho ý đồ “hậu chuyên gia”. Vậy mà có lần Samba đánh xe riêng định đưa Phan và tôi đi thăm thú thủ đô, ông ta bảo tôi: “Chơi với thằng này chẳng ra tiền, mất thì giờ!”. Hôm Samba mời ăn Réveillon (bữa đêm Nô-en), tôi bàn phải có quà. Phan có nhiều thứ trong túi hàng có thể làm quà tốt nhưng ông ta lờ đi, tận dụng những thứ còm mà tôi có. Ông ta có những lời nói thật thà nghe cám cảnh: “Về bên nước rồi thì có thể tha hồ mà đãi đằng, còn ở bên này thì phải tính toán từng xu, chẳng nên trách nhau”. Ông ta chủ trương “bỏ qua chuyện vặt” miễn là không phải “từng xu” dính dáng đến mình. Trường nông nghiệp mà ông ta dạy thi tốt nghiệp kết quả kém, tay hiệu trưởng viết báo đổ tại chuyên gia Việt Nam, mà thật ra môn học sinh bị rớt nhiều lại do người bản xứ dạy. Tôi hỏi ông ta: “Sao anh không viết bài đáp lại?”. Ông ta bảo: “Thì nó nói cả làng Vũ đại chứ riêng gì mình”. Chẳng lẽ ông ta lẫn chuyện làng xôi thịt với quốc thể?!
                   Đợi mãi, chính phủ bạn mới lo được vé máy bay cho mấy chuyên gia “lỡ sang” về nước. Kèm với vé chỗ ngồi là phiếu cước hành lí đi kèm lên tới 40 kg, ngoài hành lí tuỳ thân miễn phí. Phiếu này vốn dùng để chuyên chở vật dụng sinh hoạt cần thiết khi sang làm việc và khi kết thúc nhiệm vụ về nước. Các chuyên gia Việt chẳng có gia đình kèm theo nên phiếu này thực sự chẳng có tác dụng gì. Có thể làm một chuyến buôn nhỏ chứ? Tiền cước được người ta chịu cho rồi, ngon ơ! Khốn nỗi, hàng hoá ở Công-gô rất đắt. Giá là ở Liên-xô hay các nước Đông Âu thì dùng đôla Mĩ đổi chui ra tiền nước sở tại mua hàng công nghiệp mang về Việt Nam thì khỏi phải bàn! Chuyên gia Việt tại Angola có người đã nghĩ ra “diệu kế”: dùng hòm gạch đá cho đủ trọng lượng qui định, đến nơi trung chuyển có hàng hoá rẻ thì bỏ ra thay hàng chính cống vào. Mẹo này chẳng thể áp dụng cho các vị từ Công-gô về nước, bởi ga bay trung chuyển của họ là Pari,  nơi nổi tiếng đắt đỏ. (Thật ra, mẹo kia dùng ở A. vài lần bị lộ, hết thiêng). Nhờ tài xoay xở của những ai đó từ  mấy đợt trước, phiếu  chuyển được ghi bằng tiền với ý nghĩa là có thể chuyển hàng hoá lúc nào cũng được, -trong phạm vi một năm, và ở đâu cũng được-, trên hành trình từ Công-gô về Việt Nam của hãng bay cấp phiếu. Điều kiện đã rộng rãi ra nhiều nhưng vẫn chẳng kiếm chác gì được với nơi trung chuyển là Pari. Ở đây, có công ti V.D. của Việt kiều. Họ nhận tiêu thụ “hộ” với ba điều kiện: 1)số tiền ghi trên phiếu bằng phơ-răng Pháp; 2)tuyến đường là Pari-Thành phố Hồ Chí Minh; 3)không ghi rõ là chở hàng gì. Ngoài ra, người có phiếu phải dùng số tiền ghi trên  phiếu để mua hàng của công ti V.D, không được đòi họ thanh toán tiền mặt. Ba điều kiện trong phiếu là khó, bởi hãng bay đòi phải có giấy yêu cầu của bên trả tiền tức chính phủ Công-gô. Đại diện cho chính phủ C. trong việc này là Di-cu, vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế của Bộ MESS, luôn luôn tránh mặt. Hôm trước, tổng giám đốc hãng bay đã nhận tiếp, Phan tìm bài hoãn vì chưa lấy được giấy của “bên trả tiền”, bảo cô thư kí: “Cảm ơn cô đã bố trí cho tôi, nhưng tôi có việc bận, xin hẹn cho hôm khác”. Cô thư kí cuống quít: “Ấy! Tổng giám đốc đã nhận tiếp ông sáng nay. Hoãn thì phiền cho chúng tôi lắm”. Vậy là Phan cứ liều vào gặp. Tổng giám đốc là một người da đen cao lớn đứng tuổi. Phan giở “sách” quen thuộc ra. Trước tiên, thăm hỏi thân tình, rồi: “Nhà ông có ai đau răng không? Tôi có thứ thuốc dân tộc cổ truyền, tôi luôn mang theo để phòng thân”. Ông ta lấy ra một lọ hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng. “Tôi sẽ còn sang đây với tư cách cố vấn (ông ta vận động để được thế thật). Bạn tôi có vợ đang công tác tại Liên-xô. Em tôi cũng đang ở đấy. Chúng ta còn nhiều dịp gặp nhau. Tôi sẽ còn mang sang cho ông nhiều thứ khác, giản dị mà rất có tác dụng”. Mức độ thân tình đã tới điểm, bấy giờ Phan mới đưa ra “ba yêu cầu” trong phiếu cước. Tổng giám đốc trầm ngâm, nói: “Tuyến đường từ Pari đến Việt Nam do hãng A.F tiếp chuyển từ chúng tôi. Nếu không có giấy bên trả tiền đề nghị thì sau này hãng sẽ rất khó đòi họ thanh toán. Ông hãy kiếm cho được giấy của họ, viết tay cũng được”. Đành  phải đi tìm tay vụ trưởng láu cá mà Phan nhận xét “ti tiện và khả ố một cách trơ tráo”. Phải chi cho hắn số tiền tương đương 70 USD. Tay này còn khá trẻ; có dễ hắn đã học được bài bản từ người Việt chúng ta, ít ra là ở những dịp người phụ trách chuyên gia Việt Nam biếu xén. Phan kể: “Tôi đến bộ MESS, Di-cu chìa giấy nghỉ ốm ra. Tôi bảo: Hôm nọ, ông bảo ông K. bạn tôi rằng hôm nay ông giải quyết mà. Nó kể là nó phải tiêu tốn này khác, tôi phải xuỳ cho nó 10.000 FCFA. Bấy giờ nó mới hẹn 13 giờ đến khách sạn L.D. Đến đấy, nó lại giở quẻ, đành phải cho nó thêm 10.000 FCFA nữa”.
                Cái năng nổ của Phan có lúc không thiêng. Tôi có một vé của hãng hàng không Liên-xô (Aeroflot) từ Matxcơva đi Hà Nội khứ hồi không dùng đến, thời hạn còn nhiều. Hi vọng được thanh toán. Phan sốt sắng cùng đi tới đại diện của hãng tại Bra-da-vin. Theo “sáng kiến” của ông ta. cả hai đóng bộ “complê-cravat” vào, mặc dù xứ này chỉ thích hợp với quần áo mỏng. Phụ trách phòng đại diện là một người trung niên, dáng đậm, mặt mũi cũng khôi ngô nhưng kín bưng. Vừa bước vào phòng, Phan đã ôm hôn thắm thiết. Tay người Nga không tỏ ra xúc động, ngạc nhiên cũng không. Phan vào đề bằng cách kể lại chuyện mình đã gặp đồng chí Vichto ở Phmom Pênh hồi làm cố vấn cho chính phủ Campuchia, hai năm trước. Phan từng cho tôi biết Vichto đóng vai cố vấn Liênxô tại Campuchia, nhưng thực chất là của dân tình báo (KGB). Tôi nghĩ bụng: không khéo anh Liênxô này lại tưởng có chuyện liên hệ mật vụ chi đây, và sẽ bị hẫng to! Sau khi đã “hàn huyên” vừa đủ, Phan đưa cái vé máy bay ế ra. Giá tiền trên vé hơn nghìn đôla Mĩ. Vị đại diện hãng tính toán một hồi, trừ trước khấu sau, rồi đưa ra con số 34.000 FCFA (chừng 120 USD). Tôi ngán ngẩm quá song tự bảo: nếu hắn ta chịu trả tiền mặt, dẫu là tiền địa phương thì cũng đành vớt vát một ít vậy. Nhưng tay người Nga lại nói: “Số tiền này qui ra rúp, một rúp ăn 2000. Vậy là 17 rúp”. Hồi này, tiền Liênxô ở Matxcơva 15 rúp mới đổi được 1 USD tại thị trường tự do (trong khi giá hối đoái niêm yết là 1 USD ăn 0,64 rúp). Vị đại diện nói thêm: “Số rúp này chỉ được dùng mua vé hay tính cước ở Aeroflot thôi”.  Tôi vừa bực vừa buồn cười, những muốn nói: “Số rúp này ngươi có trả ta tiền mặt, ta cũng chẳng bõ cầm”.  Ra tới ngoài tôi bảo Phan: “Chả lẽ hắn không biết đồng rúp đã quá xuống giá ngay tại đất Mẹ của hắn ”.   Phan chửi ầm lên bảo: “Cứ cái thói nước lớn bắt nạt, trách chi người trong phe XHCN cũng ngán ”. Tôi thì tôi chỉ nghĩ đó là hậu quả của một cách làm ăn cứng nhắc, lỗi thời. Nhiều tháng sau, đại diện hãng Aeroflot ở Pari giải quyết cái vé khá linh hoạt; tôi thu hồi được gần nửa số tiền, tất nhiên không bằng tiền mặt.
                Một hôm, tôi rủ Phan đến toà soạn tuần báo S.A.  Ban đầu, họ nói không cần cộng tác viên ngoài. Nhưng khi tôi đưa một bài thơ ra, người Pháp trong ban biên tập nhận đăng; nhân đó, Phan đề nghị viết một  bài về chế biến sắn, họ đồng ý. Quả nhiên, bài được đăng. Ngoài chuyện hàng họ, Phan hi vọng sẽ có công chuyện làm ăn nông nghiệp ở xứ này. Mỗi khi cần tiếp cận với ai, ở đâu, trang báo được trưng ra hơn mọi lời giới thiệu. Ban đêm, Phan cặm cụi viết một đề cương về phát triển nông thôn; ông ta khoe với tôi là đã được một quan chức bản xứ có cỡ đánh giá là “của một nhà nông học tài năng”. Triển vọng một hợp đồng khai thác nông trại; vốn thì do bà P.,Việt kiều, bỏ ra, nhân công bản xứ, cán bộ và thợ chuyên môn đưa từ Việt Nam sang dưới sự chỉ đạo của Phan, người sẽ đồng thời là chuyên gia cố vấn của bộ  Phát triển nông thôn của bạn. Ông ta bảo tôi tạm thời hãy giữ kín. Ông ta thổ lộ: đất này dễ làm ăn và có thể kinh doanh, chẳng hạn “chở một công-ten-nơ bơm thuốc trừ sâu sang đây, để dùng một số rất ít, còn thì tung ra bán sẽ lời to”. Tôi vừa nghe vừa buồn, vừa muốn cười. Chưa “đỗ ông Nghè” đã “đe trò ma”! Đêm về, nằm ngủ tôi mường tượng nghe có tiếng cảnh báo: Này! Xứ này còn chất phác lắm. Đưa người sang đây làm ăn mà để lọt một tên bất lương như đã xẩy ra không chỉ một lần với Liênxô và một số nước Đông Âu thì có thể làm loạn nước người ta lên đấy! Chỉ cần một tên thôi!
          Dự định, nói đúng hơn là ước mơ, của Phan không thành. Ông ta chỉ đạt một việc làm khiêm tốn hơn rất nhiều, mà cũng rất riêng tư... Một Phan khác với hồi đương chức ở nhà, cũng khác với khi được một nhà ngoại giao tầm cỡ là bạn thân đón tiếp nơi một thủ đô danh tiếng.
                Phan có một số bạn thân người bản xứ, chẳng hạn như một ông giáo sư trung học nguyên là thị trưởng một thủ phủ vùng. Lúc chia tay, ông ta tặng Phan cái bưu ảnh “Thuyền độc mộc trên sông” rất đẹp với lời đề tặng: “ Chúc bạn sức khỏe và hạnh phúc. Cầu cho những lục địa và đại dương từ nay ngăn cách chúng ta không dập tắt được ngọn lửa tình bạn chúng ta”.  Đất và nước không chia cắt được nhưng cái eo sèo đời thường thì làm được. Nhiều tháng ngày dài lưu lại thủ đô nước bạn, Phan không một lần thư từ với ông bạn nơi thị xã cực bắc đất nước.

          <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2009 12:38:02 bởi Khải Nguyên HT >
          #5
            Khải Nguyên HT 25.03.2009 11:03:38 (permalink)
            14. Xứ người, Tết năm ấy
             

                Anh thức dậy sớm hơn mọi lần. Đêm qua, có lúc thức giấc, anh ngỡ nghe mưa sùi sụt trên các tán lá ngoài vườn tựa mưa dầm. Anh thấy lạnh, nằm co người trong chiếc chăn mỏng, mường tượng như đang ở quê nhà vào lúc ấy đã là sáng 30 Tết âm lịch. Rất lâu sau anh mới ngủ lại được. Anh nằm nán trên giường, dõi theo một tiếng động mơ hồ để tự ru mình, sau sực nghĩ ra là tiếng máy điều hòa nhiệt độ anh đã quên tắt trước khi ngủ (Ở bên nhà, phải là cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất mới được hưởng tiêu chuẩn có máy điều hòa nhiệt độ). Tết năm nay, bên ấy mưa rét hay tạnh ráo? Tập thể dục và vệ sinh cá nhân xong, anh định quét dọn lại căn phòng, -như ở nhà anh vẫn được vợ giao “trọng trách tổng vệ sinh nhà cửa” vào dịp này- và kiếm một bó hoa! Sang căn hộ bên cạnh của các chuyên gia y tế, chưa tới cửa, đã nghe tiếng bác sĩ K.:
                - Mày không tốt. Kèn cựa, ghen ăn.
                - Mày ít tuổi hơn mà ăn nói thế tao đánh bỏ mẹ - Tiếng bác sĩ Ph.
                - Tao sợ mày à! (sấn đến).
                Anh vừa kịp nhìn thấy hai người xáp lại túm cổ áo nhau. Ph. đậm người, có dáng đi bệ vệ, ăn nói sành sỏi, có tài xoay xở. K mảnh có vẻ thư sinh, tính toán giỏi. Cả hai đều đã ngoài năm mươi và là bạn thân. Họ đã qua mấy cái Tết nơi xứ người. Thoáng thấy anh, họ buông tay.  Anh quay gót bỏ đi. Xuống gác, qua sân, anh gặp V., một giáo sư trung học, đang lật đật đi đến phòng “sếp”. Anh biết V. có lệ sáng chiều đến chỗ sếp “hầu trà, thuốc” và để được sai phái “công tác cũng như tư tác” như ai đó hài hước nói. Anh đã toan gợi chuyện, nhưng lại thôi. Chẳng có ai lẩn thẩn như mình, anh nghĩ.
                Ở nam bán cầu đang cuối hạ đầu thu. Hoa xứ này hiếm. Chỉ ở chợ trung tâm, nơi hầu như dành cho người Âu là sẵn, tất nhiên với cái giá khó chấp nhận với túi tiền các chuyên gia Việt. Anh ra vườn ngắt mấy nhánh cây đuôi gà và cây gì đó không rõ tên, có các lá lốm đốm nhiều màu sặc sỡ. Cắm vào bình, thêm mấy bông hoa đại điểm xuyết, thế cũng thành lọ hoa. Anh có vẻ đắc ý. Nhưng buổi trưa, khi ghé qua nhà nữ nghệ sĩ S., anh bị hẫng ngay. Bàn tay nữ tài hoa có khác, chẳng mấy công của mà nổi đình đám. Nhà bên, nữ bác sĩ M. đang làm mứt. Hơi hướng Tết tỏa nhẹ trong căn phòng hẹp.
                Năm ngoái, khu nhà dành cho các chuyên gia Việt  Nam khá đông đúc, nhưng vào ngày này, mọi người vẫn bận rộn với công việc. Theo hợp đồng, họ có quyền nghỉ các ngày lễ tết của dân tộc. Song phải báo trước. Và như thế thì các đồng nghiệp bản xứ và người các nước ngoài khác sẽ đến chúc mừng. Sẽ rất phiền! Do vậy, họ cứ làm việc bình thường, ý niệm Tết có chăng thì cũng để trong lòng, chờ đến chiều tối họp mặt gọi là để đón “giao thừa”. Năm nay, phía bạn đã xóa hợp đồng trước thời hạn. Số chuyên gia Việt  Nam bị kẹt lại không nhiều. Rỗi mà không khí Tết vẫn chẳng được nhóm lên. Anh đi lang thang qua các đường phố thưa thớt người đi bộ, chỉ đông các dòng ô tô. Tâm tưởng anh bay về nơi quê nhà cách một phần tư vòng quả đất –sáu múi giờ- phía đông-đông bắc. Lúc này, hẳn đang rộn rịp trong nhà, tất bật ngoài đường, sắm hoa, sắm Tết. Anh ra bờ sông, con sông dài rộng nhất nhì châu lục, nước sẫm mầu nâu ngả đen. Vừa mới ngồi xuống kè đá chốc lát, anh đã đứng lên, tâm tư có gì bất ổn. Chẳng biết tâm tư những người lưu vong ra sao nhỉ? Chợt nghe câu chào phía sau. Ngoảnh lại, tổng biên tập tờ Ngày nay (Maintenant), tờ báo nhận đăng bài của anh. Một lần, ông ta ngỏ với anh rằng rất muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam mà không tìm đâu ra sách báo, tài liệu; chỉ mới đọc được vài tác phẩm của Hồ Chí Minh. Anh hỏi: “Thế giới kỉ niệm năm thứ 100 ngày sinh Hồ Chí Minh theo sáng kiến của UNESCO, vậy mà sao báo chí ở đây chẳng có bài viết nào, ngay cả báo của ông, một tờ báo chuyên về văn hóa:”. Ông ta tỏ ý tiếc: “Chúng tôi không có tư liệu”. Anh có nói chuyện lại với tùy viên văn hóa sứ quán, một thanh niên đẹp trai, to khỏe, dễ thương. Chàng ta bảo: không có điều kiện để mang nhiều tư liệu từ nước mình sang. Vậy đó! Chẳng nên nói về Tết dân tộc với ông ta. Ông ta có Tết dân tộc không? Chẳng phải lúc gợi ra.
                Năm giờ chiều, anh đi đến sứ quán Việt Nam. Nhân viên sứ quán và chuyên gia tụ họp vừa gọn trong phòng khách. Không như năm trước, người ngồi tràn cả ra hiên, ra sân. Đúng 18 giờ địa phương- đúng giao thừa bên nhà- đại sứ đứng lên chúc Tết. Ông nói ngắn. Ông chẳng có gì nhiều để dài dòng. Người ngồi cạnh ghé tai anh: “Ông này còn phải chăng đấy. Cách đây ba mươi năm, các chuyên gia Việt  Nam ở nước Tây Phi nọ đã được nghe một bài chúc Tết như thế này: ‘Tôi là đại sứ bạc mệnh vô quyền, nhưng tôi khuyên các anh đừng lượn xe máy vù vù ngoài đường phố nữa. Phải giữ cái nết khiêm nhường, cái tư thế trí thức xã hội chủ nghĩa...’. Chẳng ai dám cười". Mấy người nữa đứng lên chúc Tết. Tiếp đến là văn nghệ tự phát. Đọc thơ - thơ "chánh phẩm" và thơ “dòng Bút Tre”, thơ nhại. Đố vui. Và hát. Kỹ sư C., người từng có một vai trò ở Hội đồng bộ trưởng hát Thiên thai, đại sứ hát Trương Chi, hai bài mà nữ nghệ sĩ S. đã hứa với anh sẽ hát vào dịp này, nhưng chị phải đi duyệt tiết mục cho tốp ca quân đội bạn vào đúng tối nay. Đại sứ bà, một người có dáng dấp cán bộ phụ nữ hồi kháng chiến chống Pháp hát hai bài hát “đỏ” thời ấy. Cử tọa a lên: “Đại sứ thưởng phu nhân đi”. Ông bèn tặng bà một nụ hôn, nhưng chỉ dừng ở mức hôn má. Nếu giả dụ các tác giả bài hát có mặt chắc chẳng nỡ trách mấy “ca sĩ” thừa nhiệt tình kia “nhạo báng nghệ thuật”. Khuấy nhộn không khí Tết lên lúc này chỉ cần có vậy! Cỗ Tết được dọn ra. Thức uống khá phong phú: nước cam hộp, bia lon, rượu vang trắng, đỏ, cùng với táo tây tráng miệng, -những thứ mà những Tết trong nước, anh chưa một lần nếm thử. Thức ăn thì khiêm tốn hơn: nem rán, bò xào hành, gà luộc, bánh phồng tôm, nộm; tất nhiên là vắng bánh chưng xanh. Quả là đơn sơ so với cỗ Tết trong nước. Anh nhớ lại hôm rồi dự bữa đêm Nô-en tại nhà một giáo sư đại học nước bạn. Cả hai vợ chồng chủ nhà đều học ở Pháp về. Họ là dân Gia tô giáo; bữa ăn đêm Nô-en có ý nghĩa như cỗ Tết của ta. Vậy mà không kể bánh mì, cơm, bánh sắn (chế biến công phu) thì chỉ có ba món ăn, trong đó có món nem rán Việt Nam thuê một tiệm ăn Việt kiều làm. Xem ra về mặt cỗ bàn hoang phí, người Việt Nam ta chỉ nhường người Tàu!
                Có lẽ để kéo dài không khí sum vầy, sứ quán có nhã ý mời mọi người ở lại xem phim vidéo. Tại đây có hai máy thu hình màu loại lớn cùng với đầu vidéo. Sứ quán chỉ có sáu người. Họ chỉ bận rộn khi còn chuyên gia Việt Nam làm việc tại nước này. Nay thì hầu như rảnh. Họ có thì giờ để xem những băng phim chưởng lồng tiếng Việt dài lê thê hàng mấy chục tập. Có lần, Ph., bác sĩ thạo đời, nói: “Sứ quán Việt Nam ở đâu cũng coi người nước mình ra ngoài công tác, không thuộc loại vai vế, chẳng ra gì đâu”.  Anh nghĩ: ở đây khá hơn ở Pari, ở Matxcơva chứ. Ờ, nhưng mà ở Pari có mấy cháu nhỏ người nhà sứ quán rất dễ thương. Các cháu mới thật là biểu hiện sinh động của cái câu: “Tình người xa nước gặp đồng bào…”.
                Mặc dù ít được xem phim ti-vi màu, anh đã không ở lại. Đường phố vắng ngắt. Tưởng đâu đêm đã ngả về sáng như ngày ở nhà đón giao thừa xong. Xem đồng hồ tay mới tám giờ tối. Anh như sực tỉnh, khí vị Tết được khơi lên ở chỗ họp mặt, dẫu chỉ phảng phất, đã hầu như tan biến. Giờ đây, tất cả lại là giờ giấc châu Phi, không khí Phi, nếp sinh hoạt lặp đi lặp lại trên đất Phi bao lâu nay. Chung quanh, ánh đèn từ các chung cư, biệt cư vẫn toả sáng thản nhiên. Trong các sân, trên các bãi trống hoang, ngoài đường, ban đêm thường chỉ có thanh niên đàn đúm, hóng mát (đặc biệt là không bao giờ có trẻ con).  Tối hôm nay lại vắng hẳn bóng người, tiếng người. Người bản xứ và người nước ngoài có biết đến tâm trạng những người Việt Nam sống kề họ lúc này đang ra sao không nhỉ? Câu tự hỏi đến là vớ vẩn.
                Anh sực nhớ gần đấy có nhà một Việt kiều, bà M., người Phúc Yên cũ, xưa từng là du kích chống Pháp, chồng chết, lấy một hàng binh Âu Phi. Năm 1964, theo chồng hồi hương, mang theo cả hai người con của bà với người chồng trước. Họ tiếp khách trong sân như mọi người bản xứ. Người chồng nói tiếng Việt khá sõi nhưng ít lên tiếng. Bà vợ kể lể:
                - Từ khi có sứ quán Việt Nam  và có các chuyên gia nước mình sang làm việc bên này, em mới biết thế nào là ngày tết nhất. Mà biết cũng chẳng làm thế nào được. Muốn thắp nén nhang cũng chẳng có. Em ở đây đã hai mươi mấy năm trời mà vẫn như người nước ngoài. Chồng thì chậm mồm chậm miệng. Hai đứa con thuần Việt thì đang sống ở Pháp, mà chúng cũng đã quên hết tiếng mẹ đẻ rồi. Em giờ yếu lắm. Con cái chẳng giúp được gì. Con gái 16 tuổi đã lo theo giai, ông ạ. –bà bỗng ứa nước mắt- Em đành là chết ở đây, chẳng còn dịp nào thấy lại quê hương. Tiền đâu mà mong về thăm.
                Anh hỏi  người chồng còn nhớ Tết Việt Nam không. Ông ta ngượng ngùng kể lại lần đầu ăn bánh chưng đã lúng túng ra sao.
                - Mồng một Tết, em thường đến sứ quán mình chúc Tết - bà M. vẫn theo dòng thổ lộ- Thỉnh thoảng em vẫn đến đấy để khỏi quên mình là người Việt Nam. Vâng, ở đây còn có bốn gia đình  Việt kiều nữa. Họ là chủ cửa hàng, chủ khách sạn. Biết có bà cũng hay về nước, nhưng em chẳng dám đến hỏi chuyện. Vâng, mấy chuyên gia người Việt trước làm việc gần đây vẫn đến thăm chúng em.
                (Lúc anh viết mấy dòng này thì sứ quán Việt Nam tại nước đó đã tạm đóng cửa. Chẳng biết bà M., nếu còn sống, có cách nào để biết đúng ngày Tết cổ truyền của dân Việt hay không?).
                Sáng hôm sau, tiếng chim liếp chiếp sau vườn đánh thức anh. Anh nhớ ra giờ này đã là trưa mùng một Tết bên quê nhà. Chẳng biết đêm qua ở đây có ai thao thức đợi sang canh không?  Mà có “sang canh” nào? Anh tự buồn cười mình. Anh ra ban công. Gió hây hẩy mang hơi thở Đại tây dương thoảng mát. Chẳng phải cái lạnh thanh tân đầu năm mới.
                Mấy câu thơ Thế Lữ chợt hiện về: “Rũ áo phong sương nơi gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”.  Anh mỉm cười buồn. Nơi này đang vào thu. Chẳng có những đoàn người ăn mặc đẹp đi chúc Tết hoặc chơi xuân. Hôm nay là ngày làm việc bình thường trên xứ người. Anh nhớ lại câu thơ mình đọc tại nơi họp mặt tối hôm qua:
                            Năm cũ giã từ non nước Việt
                            Giao thừa lạc nẻo đất trời Phi
                   Với người Việt, ngoài đất Việt phong vị Tết khó có nẻo để về.

            Hải Phòng, sau Tết 1994
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2009 12:39:00 bởi Khải Nguyên HT >
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9