GHI DƯỚI BẦU TRỜI VIỄN XỨ.-bút kí (tiếp, từ phần 10)
Khải Nguyên HT 14.03.2009 21:01:43 (permalink)
10. Một chuyên gia Ai Cập
      

      Ở khách sạn L.D., y từng gặp một chuyên gia người Ai Cập và đã từng tranh luận tay ba -y, người  Ai Cập kia và một cô khảo cổ học người  Pháp  đến châu Phi thực tập,- về vô thần với hữu thần. Người Ai Cập kia gây ấn tượng về một người  Bắc Phi cởi mở và sính tranh luận. Mấy tháng sau, y gặp và thân quen người  Ai Cập khác mà tính cách cũng khác.
      Mô-cơ-lít Hat-xam (Moklis Hassam) mang theo vợ và bốn con. Vợ có cái tên  đọc nghe  dễ thương Ô-mai-ma (Ômaima), da trắng như da người Âu chính cống, mà đầy đặn có hơi  hướng  đông phương. Chồng người gọn, da thoáng nâu. Các con sàn sàn tuổi nhau, xinh xắn, dễ thương. Có hai bé mang dáng dấp người da trắng hoàn toán. Một buổi chiều, mấy đứa bé vờn bóng  trong khu nhà chuyên gia, y gọi lại cho mấy cái kẹo, chúng vui vẻ nhận và cảm ơn, chẳng rụt rè, chẳng tỏ ra cách biệt. Mô-cơ-lít đỗ tiến sĩ  vật lí ở Pháp. Trước đây, Mô kí hợp đồng với chính phủ An-giê-ri dạy đại học trong bốn năm, lương tháng 18500USD. Đuợc hai năm, anh nhớ Ai Cập, huỷ hợp đồng trở về, vợ can không được. “Tôi phát điên lên rồi”, anh bảo vợ. Về quê hương, Mô cũng  dạy đại học, lương chỉ  300USD  mỗi tháng. Vợ làm kế toán, lương khoảng dăm chục đô la Mĩ. Mô phải mở lớp riêng dạy thêm, “rất mệt”, anh nói. Mô bèn xin đi làm chuyên gia ở Cônggô, dạy trung học vì  đã hết suất dạy đại học. Lương hiện tại của anh là 1200USD/ tháng; Mô bảo sẽ đòi thêm, bởi bạn anh cũng dạy trung học ở đây mà lương tháng  những 1800USD. Các chuyên gia Ai Cập tại đây thuộc chương trình viện trợ của chính phủ  Ai Cập cho chính phủ  Cônggô. Có nghĩa rằng: số tiền viện trợ (chẳng cho không) bao gồm cả thiết bị, hàng hoá, vật liệu và lương chuyên gia, nhân viên từ Ai Cập đưa sang. Với các nước khác cũng tương tự. Do vậy, lương chuyên gia nước họ được trả khá hậu và đúng hạn do chính phủ Ai Cập chi thay chính phủ Cônggô. (Lương của các  chuyên gia Việt Nam do chính phủ Cônggô trực tiếp chi trả nên khí eo hẹp và trễ, càng về sau càng trễ).  Với số lương ấy, gia đình Mô sống khá dễ chịu. Họ sống trong một căn hộ vốn dành riêng cho ba chuyên gia độc thân, gồm ba phòng ngủ, một phòng khách và khu công trình phụ. Ngày thường, chồng làm việc, vợ lo nội trợ và trông nom con cái. Lũ trẻ còn bé chưa đến tuổi đi học. Nếu Mô làm việc lâu dài ở Cônggô, chẳng biết sẽ giải quyết việc học hành của con cái ra sao. Mô ít giao du, ngoài mấy chuyên gia đồng hương ở một khu  chuyên gia gần đấy, người nước ngoài mà Mô đi lại thân tình duy nhất có lẽ là y. Một lần, Mô sang hỏi y về một bài toán trong một cuốn sách tiếng Pháp mà anh ngờ là có sai sót. Trở nên thân quen lúc nào chẳng biết, dầu y vốn kém về xã giao. Hôm có trận mở màn vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới, Mô rủ y sang nhà một giáo sư về môn kế toán, là đồng hương với anh, xem bằng máy thu hình màu, hồi đó chưa có nhiều ( y chỉ được trang bị một máy thu hình đen trắng). Chủ nhà tiếp y tự nhiên và lịch sự, mời uống nước hoa quả.    Thỉnh hoảng, Mô mời y sang chơi nhà. Lần nào y sang, chủ nhà cũng mời ăn hay uống  thứ gì đó. Ngay lần đầu đã mời chè, cà phê, bỏng ngô. Mô than phiền với y: “Mệt thật! Chẳng có nơi nào để ra khỏi nhà thư dãn. Bên nước ông có vậy không?  Bên nước chúng tôI, cứ khoảng năm giờ chiều người ta đã ra khỏi nhà, nếu không thì đến nhà bạn bè”. Chẳng biết có vội quá không, y nhận xét gia đình người  Ai Cập này có cái dáng dấp nề nếp Á đông  cổ xưa. Ô-mai-ma, đẹp dịu dàng, hơi rụt rè. Theo lệnh chồng, chị mang thức đãi khách ra, trả lời “gọn nhẹ” những câu xã giao của  khách rồi rút lui. Bọn trẻ cũng không lân la đến gần. Thảng hoặc khách có gọi lại hỏi han vài câu, chúng lễ phép và hồn nhiên nói chuyện tí chút rồi lảng ra chơi với nhau hoặc  vào  nhà trong. Hai người đàn ông ngồi lại với nhau, chuyện trò cởi mở. Nói đúng ra, y hầu như không nói về mình, về đất nước mình bởi Mô không hỏi và y cũng không có gì nhiều để phô. Vả, y thích tìm hiểu. Hôm đó, Mô có vẻ lử khử, y tưởng anh ta ốm. Mô nói đang là Tuần chay của đạo Hồi. Hàng năm, tuần chay kéo dài một tháng, từ ngày tháng nào  đến ngày tháng nào thì tuỳ từng năm theo lịch đạo Hồi -lịch trăng. Từ bốn giờ rưỡi sáng, tức là từ lúc chưa có các tia đen, trắng trên bầu trời, cho đến sáu giờ chiều, tức là lúc đã tắt nắng, các tín đồ không được ăn uống, ân ái.  Từ sáu giờ chiều cho đến bốn giờ rưỡi sáng hôm sau thì tuỳ thích, nhưng trước bốn giờ rưỡi, mọi thứ trên người đã phảI sạch sẽ, nếu không, linh hồn  sẽ không được Đức Ala (Allah) tiếp nhận. Ai ốm, hoặc đang có thai, hoặc đang kì tháng phụ nữ thì được hoãn, sau đó “truy” tháng chay.  Trẻ con được miễn. Mô cứ rủ rỉ kể, không có vẻ là người sùng đạo, có chỗ y cảm thấy vương chút dí dỏm; tuy nhiên, Mô vẫn là dân ngoan đạo. Lúc đã tương đối thân, Mô kể chuyện lấy vợ. Tục lệ người Ai Cập, muốn cưới vợ phải sắm sẵn nhà cửa, đồ đạc, tư trang cho người vợ tương lai. Sau này, người chồng muốn li dị vợ thì phải ra đi tay không. Nếu người vợ đòi li hôn mà toà xử lẽ phải thuộc về nàng thì cũng vậy. Mô “sắm” trên giấy mọi thứ cần thiết như tục lệ qui định rồi trao cho bố vợ tương lai và được phép cưới. Mô nói: nếu về sau “có chuyện gì” do anh thì anh phải bồi hoàn cho vợ đúng theo giấy đó. Tờ giấy đóng vai trò một tấm séc hay một giao kèo nợ.
      Mô cho biết kinh tế Ai Cập đang khó khăn. Trước đây, một pao Ai Cập, (Egyptian pound) ăn khoảng 1,3 đô la Mĩ, nay ba pao mới được một đô la. Chính trị cũng  phân hoá và “xuống cấp”. Hồi xưa, con rể Nat-xe, tổng thống đầu tiên của Ai Cập sau cuộc cách mạng lật đổ nền quân chủ mấy ngàn năm, thời cách mạng Ai-Cập đang lên, ăn lương 20USD/tháng luôn miệng nói: “chủ nghĩa xã hội”, nay đang sống ở Anh, với tài sản 20 triêu USD, miệng vẫn chưa thôi nói đến chủ nghĩa xã hội.
      Mô tậu một máy thu hình màu lắp ăngten hiện đại có thể thu được các đài Âu, Mĩ, mời y sang xem. Y khen  đùa “biết chơi”. Cũng đúng thế thật. Chốn này người ta không dạo phố, công viên chẳng có ghế ngồi, ngoại thành thừa thãi thiên nhiên nhưng hoang vu và không dễ mà  đến được. Vợ chồng con cái Mô, lâu lâu mới kéo nhau ra ngoài hoặc tới nhà đồng hương, còn thường chỉ quẩn quanh hết trong nhà lại xuống sân đùa bóng. Có cái máy thu hình màu giải quyết được nhiều chuyện.
      Gia đình Mô thích được là hàng xóm với chuyên gia Việt Nam. “Chỉ người Việt Nam mới không ồn ào”. Y nghe Mô bình, sướng bụng, cảm kích nữa, nhưng cũng cười thầm: chẳng phải bao giờ, và người Việt nào, kể cả  y,  cũng được vậy. Lúc bấy giờ, hàng xóm của Mô là một nữ chuyên gia người Việt dạy nhạc. Mô nói: “Mong bà ta cứ ở đấy mãi. Người bản xứ đến ở thì họ sẽ gây chiến với lũ trẻ nhà này”. Ngay trên chỗ ở của Mô là căn hộ của một quan chức phủ thủ tướng nước sở tại.  Anh chàng nầy “biết” giữ bộ dạng và vẻ mặt long trọng hệt một số quan chức có vai vế xứ ta; duy khác ở chỗ nhân vật nước ta thường ít khi “dám” lên mặt với người nước ngoài làm chuyên gia cho nước mình. Mô hóm hỉnh bảo y: “Nó chỉ là cái đuôi của con chó; người ta chặt cái đầu thì cái đuôi phải thõng thôi”. Anh muốn ám chỉ tin đồn thủ tướng nước này sắp bị thay. Trong khu vực bọn y ở đang có một số quan chức người bản xứ thuộc phủ tổng thống, phủ thủ tướng mới đến ở, thái độ nói chung là phải chăng.
      Mô là người khá thành thật và hay nói thẳng. Biết người phụ trách chuyên gia Việt Nam bên cạnh sứ quán Việt đã đỗ tiến sĩ ở Cộng hoà Dân chủ Đức, anh ta cười xoà: “tiến sĩ của người nước ngoài ở Liên-Xô và các nước Đông Âu là con số không tròn trĩnh. Thằng bạn tôi ở Đông Đức ba năm làm tiến sĩ thì năm đầu học tiếng, năm thứ hai học chủ nghĩa Mác-Lê nin, chỉ  còn năm cuối cùng để làm luận án”. Các ông Nghè Tây (để phân biệt với Nghè nội hoá) của ta ắt không chịu được nhận xét này bởi họ được học tiếng và học chính trị trước khi du học.
      Mô cũng là người chân tình. Được tin mấy người Việt sắp lên đường về nước, một tối anh mời y sang chơi để chia tay. Chủ nhà mời y món ăn nhẹ do Ô-mai-ma làm. Y được thưởng thức một thứ bánh tráng bằng bột mì ăn với trứng chưng, đu đủ chín cắt nhỏ kiểu hạnh nhân, nước trà đường. Kiểu ăn thân tình buổi tối của xứ sở các Kim tự tháp. Chiều tối hôm sau, y và C. lên ta-xi ra sân bay lúc gần bảy giờ, Ô-mai-ma chào biệt y, nói rằng chồng chị đã chờ để tiễn y nhưng đến sáu giờ phải đến sứ quán Ai Cập dự lễ  mừng quốc khánh  nước mình, nhờ chị chuyển lời chúc lên đường. Lúc nãy, Mô tìm y khi y đang ở  chỗ bác sĩ M. ăn liên hoan giã từ. Bữa ăn hơi kĩ về thời gian, bữa ăn cuối cùng của y trên đất Phi châu có món nem sở trường của nữ nghệ sĩ dương cầm S. và món canh chua Nam bộ của bà bác sĩ.
      Kỉ niệm về người  bạn Ai Cập Mô-cơ-lít Hat-xam (Moklis Hassam) là kỉ niệm hồn  nhiên trong chuyến đi của y, một chuyến đi không được suôn sẻ lắm song  làm giàu cho y về tinh thần, cả cuộc hành trình. Sau này, y lấy làm tiếc đã không giữ liên lạc với Mô sau khi y về nước.   Ngoài lí do y “chậm nghĩ ra”, còn lí do ngại “trắc trở”, chẳng phải về vật chất, ngày ấy.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.03.2009 13:49:01 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9