Máy ảnh ống kính rời ngắm-chụp
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 8 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 107 bài trong đề mục
vinhsaigon 15.03.2009 11:22:56 (permalink)
Máy ảnh ống kính rời ngắm-chụp

Ngắm chụp qua LCD, các chế độ chụp sẵn có và nhiều tính năng tiện lợi khác, máy ảnh số ống kính rời (SLR – single-lens reflex) ngày càng dễ dùng và càng giống với dạng máy ảnh ngắm-chụp đơn giản, trong khi giá vẫn tiếp tục giảm. Các máy ảnh SLR trong bài là những sản phẩm "nóng" nhất, có cả model cao cấp khiến dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng không thể làm ngơ.
Tính phức tạp của dòng máy ảnh ống kính rời SLR trước đây nhanh chóng bị xóa mờ. Máy ảnh SLR cũng có những tính năng rất dễ dùng giống như dòng máy ảnh ngắm-chụp. Xét về tính tiện lợi, tuy máy ảnh số SLR vẫn chưa thể thay thế được dòng máy ảnh ngắm-chụp bỏ túi nhưng ngày càng nhiều người dùng từng bước nâng cao kỹ năng nhiếp ảnh của mình khi bắt đầu chuyển sang dùng máy ảnh số SLR.
Tám trong số 10 máy ảnh SLR trong bài thuộc loại sản phẩm mới và đều mang lại cho bạn nhiều thứ hơn so với cùng số tiền bạn bỏ ra trước đây. Chúng ta không đề cập đến độ phân giải dù nó cũng ngày càng cao. SLR cấp thấp bây giờ cũng có được những công nghệ trước đây chỉ có trên những model chuyên nghiệp, cũng như ngày càng nhiều tính năng vốn chỉ có trên máy ngắm-chụp.
Máy ảnh SLR càng đắt tiền thì càng có nhiều tính năng cộng thêm như tốc độ khung hình/giây (fps) cao hơn (để chụp vật chuyển động nhanh) cũng như chỉ số ISO cao hơn (tăng khả năng chụp ở môi trường ít ánh sáng hoặc ban đêm). Và chiếc Nikon D90 (giá khoảng 1200 USD) được PC World Mỹ đánh giá cao nhất trong nhóm này, là chiếc máy ảnh SLR có khả năng quay phim (ở độ phân giải 720p) đầu tiên. Đương nhiên, nó không thể bằng máy quay thực, nhưng chúng ta còn sẽ thấy chức năng quay phim này xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian sắp tới (Canon 5D Mark II full-frame có thể quay phim ở 1080p).
Chế độ chụp theo cảnh dạng ngắm-chụp, nhận diện gương mặt và ngắm trực tiếp qua LCD (live view) càng ngày càng phổ biến. Những model trong bài đều là máy ảnh SLR cấp thấp, như chiếc Nikon D60 (giá khoảng 549 USD) không có ngắm qua LCD. Hãng này trội hơn hãng kia ở chức năng ngắm live view này. Sony đặt thêm một cảm biến ảnh trong chiếc DSLR A300K (giá khoảng 678 USD) để chụp nhanh hơn, chính xác hơn; Nikon và Canon sử dụng chức năng lấy nét tự động dựa trên vùng tương phản (phase-detection) bằng cảm biến lấy nét được thiết kế riêng trên thân máy, đồng thời cũng sử dụng kỹ thuật lấy nét tự động dựa trên độ tương phản của cảm biến chính (contrast-detection) khi ngắm chụp qua LCD, ví dụ Nikon D90 và Canon EOS 50D.
Chỉ có 1 model trong bài là chiếc Olympus E3 (1600 USD, chỉ tính thân máy) không có chế độ chọn cảnh định sẵn để người chụp chuyển đổi nhanh thiết lập trong điều kiện môi trường nào đó. Và cách nay 1 năm, đã có 1 máy SLR có chức năng nhận diện khuôn mặt và đến năm nay, chiếc D90 và 3 trong 4 model của Canon (trừ EOS 40D) đều có tính năng này.
Chống rung cũng là một xu hướng mới của SLR. Trong khi vài nhà sản xuất như Canon và Nikon đặt chức năng chống rung trên ống kính thì các hãng khác lại đặt chức năng này trên thân máy, như Pentax có chiếc K20D (giá 1000 USD); Olympus và Sony cũng có model tương tự.
Chức năng tự động chùi cảm biến ảnh bên trong thân máy hiện nay rất phổ biến. Dù vậy, bạn đừng cậy vào nó mà thỉnh thoảng cũng nên tự chùi cảm biến. Dù sao, nó cũng giúp loại bỏ được một phần bụi bẩn khó chịu làm dơ ảnh chụp (hạt bụi càng rõ nếu khẩu độ ống kính càng lớn).
Các máy SLR mới nhất chứng minh rằng bạn vẫn có thể chụp được những tuyệt tác mà không phải chi nhiều tiền: model EOS Digital Rebel XS (giá 570 USD) của Canon thuộc dòng máy phổ thông, đứng đầu về giá trong nhóm. Chiếc EOS 50D cũng vậy, tiếp theo là chiếc EOS 40D (giá 780 USD, chỉ tính thân máy) có độ phân giải cao hơn. Cuối bảng trong nhóm máy ảnh thử nghiệm là Pentax K20D với những tính năng chụp độc đáo và tốc độ xử lý nhanh.


1. Nikon D90

Nikon D90 là máy ảnh SRL số đầu tiên có chức năng quay phim. Tính năng này còn hạn chế nhưng nếu xét D90 như là công cụ cho nhiếp ảnh gia thì máy vẫn là tùy chọn đáng giá trên vài phương diện.
D90 12,3 triệu điểm ảnh (Mp), có màn hình LCD 3 rất tuyệt, cũng như chức năng ngắm live view, nhận diện gương mặt và chỉnh hình ngay trong thân ảnh.
Thân máy thiết kế khá tốt, không quá lớn. Các mấu cầm nắm thoải mái và thiết kế trực quan. Hệ thống menu dễ dàng định vị cho dù khá nhiều mục, có các mục dễ dùng như My Menu, lưu lại các thiết lập mà bạn thường dùng.
Phía sau máy có một nút để bật/tắt chức năng ngắm live view, nút này kiêm cả chức năng chụp hình và quay phim (720p, 24fps). Với khả năng chụp ảnh, chức năng ngắm live view của D90 còn khó chịu và chức năng tự lấy nét quá chậm so với sử dụng qua ống ngắm thông thường.
Trước khi quay phim, bạn phải thiết lập chức năng tự lấy nét trên chủ thể qua màn hình LCD. Trong suốt quá trình quay, D90 tự động điều chỉnh khẩu độ nhưng không tự chỉnh điểm lấy nét. Bạn có thể tự mình chỉnh lấy nét trong lúc quay nhưng sẽ rất khó thực hiện nếu không sử dụng chân máy. Cũng vậy, vì cách mà CMOS ghi hình nên bạn có thể thấy những vệt nhiễu bên dưới chân hình.
Âm thanh mà micro ghi được cũng chưa thật hay và bạn không thể sử dụng micro này để ghi chú cho ảnh.
Theo đánh giá của PC World Mỹ về chất lượng hình ảnh, D90 rất xuất sắc, đứng thứ 2 chỉ sau Canon 50D. Máy lấy nét nhanh và thường lấy đúng điểm; đèn Flash tự động làm việc rất tốt. Nhưng D90 thường có khuynh hướng bị chai màu ở những điểm cực sáng và có những biểu hiện quang sai nhỏ ở rìa những vùng có độ tương phản mạnh. Ảnh vẫn còn hiện tượng nhiễu khi chụp ở ISO trên 400.


2. Canon EOS 50D


Trong số những model D-SLR hiện nay, Canon EOS 50D là một trong những model có "chấm" cao nhất, đạt đến 15,1Mp. Model này được PC World Mỹ đánh giá loại "Ưu" về chất lượng hình ảnh. Hình ảnh có độ bảo hòa màu và độ chính xác màu rất tốt, ngay cả khi chụp bằng đèn flash lẫn khi dùng ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, qua thử nghiệm về độ nhạy ISO, 50D gần như giống hệt với
EOS 40D: ở ISO 3200 chất lượng ảnh khó chấp nhận được và ở ISO 1600 ảnh tạm ổn.
50D là chiếc máy ảnh SLR đầu tiên của Canon có chức năng nhận diện gương mặt (cho cả ngắm qua ống ngắm lẫn live view) và tự động chỉnh lấy nét phù hợp với ống kính. Nó có tốc độ chụp liên tục 6,3fps và chụp được tới 90 ảnh JPEG khi dùng với thẻ nhớ CompactFlash UDMA (chiếc 40D đạt 75 ảnh JPEG). Màn hình LCD kích thước 3 có độ phân giải 920.000 điểm ảnh/inch, hơn khá nhiều so với 40D.
Chế độ ngắm live view có thể gây nhiều thất vọng cho người dùng tuy sử dụng khá thuận tiện nhờ vào một nút được thiết kế riêng. Và ở khả năng tự động lấy nét, nó hỗ trợ cả 2 kỹ thuật lấy nét: phase detection và contrast detection. Dù vậy, máy vẫn khó có thể khóa "chết" được điểm lấy nét.
Mặc dù giao diện menu có vẻ mang dáng dấp đồ họa hơn, nhưng chúng vẫn có những nét giống với các model Canon khác. Một điều phiền toái là nếu muốn thay đổi điểm lấy nét bạn phải thực hiện 2 bước và khi chỉnh, bạn buộc phải rời xa ống ngắm.
Nói về ống ngắm, khung hình của máy lại chưa thật khớp với ảnh mà cảm ứng chụp.
 (Còn tiếp)

(nguồn PCWORLD)



#1
    BanHien 15.03.2009 11:44:34 (permalink)
    Tôi không đồng ý với PCWorld khi so sánh Canon 50D với Nikon D90. Nếu có so sánh thì nên so sánh như sau (* là những con số).

    Pro: Canon *D với Nikon D*
    Semi Pro: Canon **D với Nikon D***
    Amatuer: Canon ***D với Nikon D** (từ 80 trở lên)
    Entry level: Canon ****D (hay ****) với Nikon D** (từ 70 trở xuống).

    BH
    #2
      lang thang 15.03.2009 12:20:48 (permalink)
      Thực ra nếu so 450D là dòng cao nhất của ***D với D90 thì hơi bất công cho D90. Nhưng nếu D90 mà so với 50D thì lại bất công cho 50D
      Đúng là cũng nên có 1 thớt re viu máy ảnh nhỉ, tạo thuận lợi cho người mới như LT chẳng hạn.
       
      #3
        Lá Chanh 15.03.2009 12:32:15 (permalink)
        Dzậy...dzậy...có chỗ nhỏ tí xíu nào cho nhét cái Sony H5 của Lá vào so sánh không dị? hỏi mà mắc cỡ quá! Đệ tử tính mua máy mới nữa hả?....nhớ là Sư phụ đặt chỗ...xin máy cũ của đệ tử đó....đừng quên.
        #4
          lang thang 15.03.2009 13:12:40 (permalink)
          Kiếm cho sư phụ mấy cái hình Sony H9, cũng như H5.
           

           

           

           
          Không rõ zoom H5 là bao nhiêu, nhưng cỡ 10X gắn cái teleconverter vào là chụp tới chị hằng luôn
          Chụp closeup thì phải có filter close up thì sẽ xóa phông mịn màng, khỏi PS.
          Mà sư phụ chụp ảnh cũng ngon quá xá, nay thấy ảnh này thì hết xảy luôn hen. Khỏi lo đổi máy
          Cái máy của đệ từ được tặng lúc giáng sinh, chụp du lịch thì đã đời rồi. Nhưng zomm hơi ngắn, chụp chim cò hỏng đã. Tính kiếm cái zoom to xíu, mình đi sở thú chụp hổ báo khỏi sợ bị nó vồ, lúc trước tính mua dòng entry level nhưng nay thấy nhịn ăn sáng , đi bộ vài năm mới đủ để mua, chắc chọn compact cho khỏe.
           
          Máy compact như sony H, nikon P90, panasonic Fz...thì đều có zoom cao, khi chọn thì nên kiếm cái có chống rung để chụp zoom lớn.
          Nhưng nhược điểm là thời gian chụp lâu, chụp ảnh chuyển động mà mình canh xong, máy chụp thì chủ thể chạy mất tiêu. Thêm nửa cảm biến nhỏ nên chụp thiếu sáng rất tệ, nhiễu nhiều.
          Có 1 dòng máy cũng ống kính liền như H5, nhưng cảm biến to (to nhất trong dòng máy nghiệp dư), khắc phục mọi nhược điểm của dòng compact, đó là Fujifilm S100fs.
          Thời gian chụp nhanh, chống nhiễu tốt (do cảm biến lớn), zomm xa tương đương  28mm-400mm ở máy phim. Chống rung bằng ống kính. Tính năng không thua máy chuyên nghiệp, nếu mua máy chuyên mà gom đủ dàn ống kính theo tiêu cự trên cũng khẳm tiền.
          Tuy nhiên giá cũng theo chất lượng, giờ khoảng <=$500.
          Sư phụ có ngân sách thì coi thử, không cần đầu tư thêm về ống kính như dòng dSLR, tuy khử nhiễu ở ISO cao không bằng dòng dSLR, nhưng cỡ iso800 là đẹp, coi bằng máy tính chứ không in khổ lớn thì không lo.  
          #5
            HÀN PHONG 15.03.2009 18:17:43 (permalink)
            Cho Gió nói leo chút :)
             
            Cái máy của lá như vậy không cần đổi làm gì, hơn nhau 1 chút mà lại tốn bộn tiền cũng phí, mấy cái hình của Duy Mỹ chụp bằng H9 zoom 15x (hơn máy Lá, nhưng người ta ở ngay rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên nên chụp chim cò nhiều, nếu chủ yếu chụp hoa khỏi cần.
             
            Nói đến con S100fs của FuJi thì khỏi bàn, con này là đỉnh nhất dòng P&S của Fuji rồi, chỉ thua DSRL chút xíu, nhưng đỡ tốn ống kính. Còn hiện nay nghe nói con Pentax X70 cũng trùm lắm, zoom quang 24x đáng sợ, lại còn chống... đủ thứ nữa, LT coi con này xem, Gió chưa thấy hình nó chụp, còn con Fuji thì thấy rồi, rất tuyệt.
             
            Nếu không kiếm tiền bằng máy ảnh thì P&S vừa nhẹ nhàng, vừa đỡ tốn kém, ảnh có xấu chút cũng...khỏi bị chê
             
            Gió thì sớn sơ, sớn xác chụp ngay con Fuji S5800, được coi là hàng lỗi, hàng loại của Fuji , nhưng được cái giá rẻ như bèo, chụp ra cũng giống...bọt
             
            Ở đây ai có đổi máy còn thừa ống kính cũ cho Gió xin về chế...kính thiên văn để xem trăng nhá.
            #6
              lang thang 15.03.2009 23:42:12 (permalink)
              Cái Pentax vẫn chưa có ra thị trường, dự tính tháng 4 mới có nên chắc không có ảnh để xem. Nhưng nhìn giá tiền khoảng $400 thì chắc nó sài cảm biến nhỏ của compact, có lẽ nhỏ hơn cả G9 để tận dụng giá rẻ. Chỉ có điều zoom 24X thì khiếp thật.
              Cái bất tiện duy nhất là không bắt dính hình ảnh chuyển động nhanh.
              Dòng Fuji hình như màu sắc rất nổi đúng không huynh HP.
              LT thích cái loại chụp file RAW, nhiều ưu điểm hơn Jpeg, mấy ông chuyên nghiệp còn nói là định dạng chuẩn của tương lai nhưng LT nghĩ không bao giờ, vì nó lớn và phải xử lý, chẳng tiện dụng cho ảnh phổ thông hàng ngày.
               
              Máy PnS có nhiều cái lợi, đỡ tiền ống kính hơn, khỏi lau sensor, khỏi lo chống ẩm. Muốn tele thì gắn cái teleconverter, muốn close up dữ dội thì làm cái filter là không thua lens chuyên. Huynh thử kiếm cái filter về chơi thử xem? Trong này không có nhiều hình macro lắm.
              #7
                HÀN PHONG 16.03.2009 08:24:37 (permalink)
                lang thang

                Cái Pentax vẫn chưa có ra thị trường, dự tính tháng 4 mới có nên chắc không có ảnh để xem. Nhưng nhìn giá tiền khoảng $400 thì chắc nó sài cảm biến nhỏ của compact, có lẽ nhỏ hơn cả G9 để tận dụng giá rẻ. Chỉ có điều zoom 24X thì khiếp thật.
                Cái bất tiện duy nhất là không bắt dính hình ảnh chuyển động nhanh.

                 
                Như vậy con Fuji S100fs xem ra không có đối thủ, nhưng hiện tượng lóe tím vẫn chưa khắc phục được, chỉ còn cách cứ chọn hoa màu tím mà chụp, khỏi ai thấy. Mà chủ yếu chụp cái gì chuyển động chậm chậm thôi huynh, máy dòng này lấy nét lâu mà chụp cũng lâu nữa.

                Dòng Fuji hình như màu sắc rất nổi đúng không huynh HP.
                 
                ặc, HP dùng thì thấy nó cũng bình thuờng lắm, hình bị ám xanh nhiều. nhưng với PTS thì có thể cho nó tươi như Nikon, trung thực như Canon hay...vàng như Sony đều được

                LT thích cái loại chụp file RAW, nhiều ưu điểm hơn Jpeg, mấy ông chuyên nghiệp còn nói là định dạng chuẩn của tương lai nhưng LT nghĩ không bao giờ, vì nó lớn và phải xử lý, chẳng tiện dụng cho ảnh phổ thông hàng ngày.

                cái này chỉ dành cho dân chuyên nghiệp, người bình thuờng thì chỉ Jpeg là chính, chụp đâu rửa đó.

                Máy PnS có nhiều cái lợi, đỡ tiền ống kính hơn, khỏi lau sensor, khỏi lo chống ẩm. Muốn tele thì gắn cái teleconverter, muốn close up dữ dội thì làm cái filter là không thua lens chuyên. Huynh thử kiếm cái filter về chơi thử xem? Trong này không có nhiều hình macro lắm.

                HP cũng đã có coi qua lâu rồi, nhưng cỡ ống kính 46mm rất khó tìm nên thua, dùng cái kính viễn cũng được nhưng hình trông hơi kém nên dẹp luôn, bây giờ có sao chụp vậy như Lá Chanh í, khoẻ
                #8
                  lang thang 16.03.2009 10:46:53 (permalink)
                  @Ống 46mm thì hơi cay nhỉ 
                  Giờ không có gì chụp có lẽ LT đợi cái X70, rồi HX1 để xem thử. Công nhận càng tìm hiểu càng thấy lùng bùng cái đầu.
                  Nay có SX1IS quay Full HD, có lẽ chỉ thua S100fs ở khỏan noise tại iso800, trên nửa thì 2 con đều mờ như nhau Fuji hơn chút xíu nhờ kích cở sensor.
                  G10 cũng tuyệt cho macro nhưng zoom thì thua, đi chụp lén là bị ăn đá liền
                  #9
                    Lá Chanh 16.03.2009 11:23:13 (permalink)
                    Một Sư phụ, một đệ tử...lúc đầu còn hiểu hiểu, một bên nói qua, một bên nói lại...Lá điếc luôn![sm=crazy.gif] Đã sài P&S cho nó rẻ tiền mà còn phải sắm thêm zoom, adapter, teleconverter ...v...v...còn hơn tiền mua cái DSLR entry level ! Mà đệ tử vào sở thú thì chụp con... khỉ cho chắc, chụp cọp thì chụp râu thui, chụp răng cọp làm gì rồi lại lo...nó vồ sỉa răng.
                    #10
                      lang thang 16.03.2009 12:31:47 (permalink)
                      Làm sao mà mắc hơn dòng pro chứ sư phụ. Đầu tư cái đó gọi là cho đỡ lên cơn ghiền
                      Chứ dòng pro kia, cái lens nó mắc hơn cái máy, hỏi Suối xem
                      #11
                        vinhsaigon 16.03.2009 16:44:53 (permalink)
                        Hi, Các bác tranh luận dzữ quá hhee, tư liệu này dùng để tham khảo thui mà - Vì ngay chính trong giới chuyên nghiệp cũng chia thành hai phe : Canon và Nikon - Coi như là hai "môn phái" mạnh nhất trong làng chụp ảnh chuyên nghiệp . Còn tụi mình là amateur mà hihih
                        ------------------------------------------------------------------------------------------------------


                        3. Canon EOS Digital Rebel Xsi (Canon EOS 450D)

                        Chiếc Canon Digital Rebel XSi có độ phân giải 12,2Mp, chụp ở chế độ chụp liên tục đạt 3,5fps. Màn hình LCD của máy khá rộng, kích thước 3 (nhưng không có độ phân giải cao) và có chức năng ngắm live view. Chế độ live view sử dụng cảm biến để xem trước hình ảnh và thực hiện chức năng chụp nên những gì bạn thấy trên màn hình cũng là những gì bạn chụp được khi bấm máy. Mặc dù đây là mặt mạnh nhưng tốc độ ngắm live view của máy lại chậm hơn so với chiếc Sony Alpha DSLR-A300K.

                        Có một tính năng mới nằm trên vòng chỉnh là A-Dep, chỉnh trường ảnh (depth of field) để cho mọi chủ thể bạn ngắm đều rõ nét. Dân chuyên nghiệp sẽ thích chế độ đo điểm (spot metering) và ưu tiên vùng sáng (highlight tone) của XSi. Ở chế độ ưu tiên vùng sáng, ảnh chụp ở những vùng có tông màu sáng sẽ thể hiện được nhiều chi tiết hơn, nhưng lúc đó bạn sẽ mất ISO 100. Chế độ khử nhiễu giúp bạn chụp được ở ISO cao.

                        Qua thử nghiệm, ảnh của XSi sắc nét và phơi sáng tốt. Anh rất ít hiện tượng hạt ở vùng tối và ít bị quang sai ở rìa những vùng tương phản cao.

                        4. Canon EOS 40D


                        Chiếc Canon EOS 40D được PC World Mỹ đánh giá rất tốt về chất lượng hình ảnh. Ảnh rất cân bằng và độ bão hòa màu tốt và chính xác, cả dưới ánh sáng đèn lẫn ánh sáng tự nhiên.

                        Trong số các tính năng của máy, 40D 10,1Mp có LCD 3, ngắm live view và độ phân giải LCD 230.000 điểm ảnh. Máy có chức năng không dây, chế độ ưu tiên vùng sáng để thể hiện vùng sáng nhiều chi tiết hơn. Cảm biến tự động lấy nét 9 điểm lấy nét nhanh và chính xác.

                        Một ích lợi khác của 40D là hệ thống khử bụi nhiều tầng (hiện cũng có trên 50D và Rebel). Bạn có thể thiết lập cho cảm biến tự chùi khi bạn bật máy, quá trình này khá nhanh, bạn không phải chờ cho máy xử lý xong để chụp.

                        Nhưng NTN nhận thấy rìa ảnh lại "ăn" ra ngoài nhiều hơn một chút so với hình ảnh thấy trong ống ngắm. Và trong chế độ Program, bạn không thể thay đổi thiết lập ISO.
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.03.2009 16:48:28 bởi vinhsaigon >
                        #12
                          HÀN PHONG 16.03.2009 18:59:04 (permalink)
                          Trích đoạn: lang thang

                          Làm sao mà mắc hơn dòng pro chứ sư phụ. Đầu tư cái đó gọi là cho đỡ lên cơn ghiền
                          Chứ dòng pro kia, cái lens nó mắc hơn cái máy, hỏi Suối xem

                          ***

                          có những cái thân máy vài trăm $, có những cái ống kính vài ngàn $, có mắc gì đâu hả LT?

                          À quên, cảm ơn bác VinhSaiGon đã đưa những tư loệu này lên cho mọi người tham khảo. Còn cuộc chiến giữa Ca và Ni chẳng rõ bắt đầu từ khi nào, cũng chưa biết bao giờ kết thúc.
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.03.2009 19:02:24 bởi HÀN PHONG >
                          #13
                            suoimohg 16.03.2009 20:30:07 (permalink)
                            @HP: He he. Lại lôi suối vào rùi, suối chỉ thích thẩm du thiết bị thôi(ảnh thì dở ẹc) nên suối thu thập các loại luôn, từ đồ cổ tới đồ kim
                            #14
                              vinhsaigon 16.03.2009 22:20:38 (permalink)
                              5. Sony Alpha DSLR-A300K

                              Chiếc Sony alpha DSLR-A300K có màn hình LCD ngắm live view linh động, hoạt động theo thời gian thực. Vì trong chế độ ngắm này, máy sử dụng một hệ gương và cảm biến riêng để truyền những gì thấy được lên LCD nên máy không bị chậm khi cảm biến chính xử lý hình ảnh trong lúc bạn chụp. Điểm đáng thất vọng là màn hình 2,7 chỉ gập ra/vào được theo chiều dọc.
                              Máy có chế độ chụp liên tục 3fps (2fps nếu bạn chụp ở live view). Máy cũng có thể chụp cận cảnh (macro) và có chức năng chống rung trong thân máy.
                              Máy chụp rất ít nhiễu mà không cần đến quá trình xử lý nhiễu, vẫn còn có hiện tượng quang sai ở rìa vùng tương phản cao. Dù vậy, PC World Mỹ đánh giá model này ở mức rất tốt về chất lượng ảnh tổng thể, trong đó có khả năng chụp với đèn Flash là xuất sắc.
                              Những người mới cầm máy có thể rất thích thiết lập Exposure Shift: đầu tiên bạn thử đo sáng cho đúng, sau đó chức năng này giúp bạn đưa ra những mức đo sáng tương đương sử dụng những kết hợp khác nhau giữa tốc độ và khẩu độ.



                              6. Olympus Evolt E-510

                              Chiếc Evolt E-510 10Mp của Olympus là máy ảnh cứng cáp, cơ động, chụp ảnh tốt trong hầu hết mọi điều kiện môi trường.
                              Vòng chỉnh phía trên của máy có sẵn 5 chế độ (scene) cân chỉnh sẵn; 13 chế độ còn lại cho những tình huống chụp đặc biệt (từ chụp pháo hoa cho đến tài liệu, ảnh toàn cảnh panorama) dễ truy cập qua menu.
                              Thêm vào những chức năng sẵn có để đo sáng, máy ảnh này còn có chế độ cho đèn Flash và chỉnh cân bằng trắng. Bạn còn có 2 mức chống rung, một nút xem trước trường ảnh, các chế độ lấy nét đa điểm và chức năng khử bụi, rung cảm biến.
                              Chế độ ngắm live view của E-510 khá tiện lợi nhưng nếu sử dụng thường xuyên, cảm biến dễ bị nóng và ảnh chụp sẽ dễ bị hạt. Điều đáng nói đầu tiên là giao diện cho một số chức năng cao cấp hơi khó chịu. Một khuyết điểm khác là không có nút chuyển lấy nét trên ống kính Olympus; bạn phải thay đổi thiết lập lấy nét tự động trong máy.
                              Độ chính xác và bão hòa màu rất tốt, E-510 dễ dàng xử lý được hầu hết mọi điều kiện chụp. Ở tầm ISO thấp, ảnh ít bị hạt nhưng khi chỉnh lên ISO 800, hạt bắt đầu xuất hiện nhiều, dù vậy, nó không thua gì các máy ảnh có cùng mức giá.

                              (Sưu Tầm)
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 8 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 107 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9