SIDA * AIDS * HIV
HongYen 17.03.2005 13:35:11 (permalink)
15 Tháng 3 2005 - Cập nhật 17h35 GMT
Thách thức cho phòng chống HIV/AIDS ở VN


Khoảng 10.000 người có HIV/AIDS được phát hiện mỗi năm ở VN

Lê Quỳnh
Ban Việt ngữ đài BBC


Tại Việt Nam tuần này diễn ra hai cuộc hội thảo với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc với chủ đề giảm sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Một là buổi toạ đàm chức sắc tôn giáo với vấn đề phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS diễn ra ở Hạ Long hôm 15-3.

Cùng ngày ở Hà Nội, có hội thảo về vai trò của phụ nữ trong truyền thông giáo dục góp phần giảm sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 90.000 người có HIV/AIDS được phát hiện, ở tất cả 64 tỉnh thành phố.

Theo như nhiều chuyên gia, sự phân biệt đối xử của cộng đồng chỉ mới là một trong nhiều thách thức mà Việt Nam đối diện trong việc phòng chống HIV/AIDS.

Một con số thống kê công bố vài ngày trước cho biết số người nhiễm HIV /AIDS ở Việt Nam đã tăng gấp 40 lần sau 10 năm.

Điều này xảy ra mặc dù kinh phí nhà nước dành cho HIV sau 10 năm đã tăng gấp đôi.

Nguy cơ

Có thể nói kể̉ từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, HIV đã trở thành một vấn nạn ở Việt Nam.

Có khoảng câu lạc bộ đồng cảm ở VN nhằm giúp người có HIV/AIDS vượt qua khủng hoảng

Theo thống kê chính thức, hiện có khoảng 90.000 người có HIV/AIDS được phát hiện trên toàn quốc.

Tuy nhiên, con số ước tính còn cao hơn vì nó bao gồm những người bị nhiễm nhưng chưa đi kiểm tra.

Bà Nancy Fee, chuyên gia của chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS tại Việt Nam, nói ước tinh mới nhất cho biết có khoảng 215.000 người có HIV tại Việt Nam.

Và đây mới chỉ là con số ước đoán lưng chừng, nhưng lời giải thích của Nancy Fee, người đang làm việc tại Việt Nam:

“Con số ước tính của Bộ y tế là từ khoảng 185.000 đến 245.000 ca. Nên người ta cần phải phân biệt giữa con số báo cáo và con số ước tính lớn hơn và gần với sự thật hơn.”

AIDS được xem là đạt tới mức đại dịch ở một quốc gia nếu như con số người nhiễm HIV/AIDS vượt quá 1% dân số.

Con số này ở Việt Nam hiện tại là 0.44%. Nancy Fee nói như vậy vẫn còn lạc quan hơn một số nước trong vùng, nhưng có lý do để quan ngại:

"Campuchia khi ở thời kì cao điểm của bệnh dịch, có con số người nhiễm chiếm 4% dân số. Giờ họ đã giảm xuống còn 3%. Thái Lan từng có tỉ lệ 2% và nay nó còn 1%. Tình hình HIV / AIDS ở Việt Nam chưa đến mức như ở các nước này, nhưng đây là một bệnh dịch đang gia tăng."

Một báo cáo gần đây của chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS nói rằng có ba nước tại châu Á nơi bệnh dịch gia tăng nhanh nhất, đó là: Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Biện pháp

Chính phủ đã kêu gọi có một phản ứng mang tính chiến lược quốc gia đối với vấn đề.

Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS lần đầu tiên được Việt Nam công bố vào tháng Ba 2004 và được Liên Hiệp Quốc ca ngợi là một trong các văn bản tốt nhất tại châu Á.

Tuy nhiên, vẫn có các thách thức lớn, theo lời ông Trần Tiến Đức, giám đốc Dự án Policy tại Việt Nam với mục đích thúc đẩy một môi trường thân thiện hơn cho người có HIV/AIDS:

"Cần tăng cường hơn nữa sự cam kết chính trị, chuyển từ tuyên bố thành hành động. Ví dụ, cần xây dựng một môi trường pháp lý phù hợp để việc phòng chống trở thành việc của tất cả các ngành và của người dân, chứ không chỉ riêng ngành y tế."

"Công tác truyền thông phải sâu rộng đến từng người dân, phù hợp với từng nhóm đối tượng."

Bà Nancy Fee nói một khó khăn khác là làm sao đảm bảo việc sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước và quốc tế:

"Tiền của chính phủ đã tăng lên, từ bốn triệu đôla một năm nay tăng thành năm triệu. Sự hỗ trợ của quốc tế cũng tăng lên. Tức là sự hỗ trợ về phương diện tài chính đã tăng rất nhiều, đó là một điều tuyệt vời."

"Nhưng nay hệ thống đang đối diện thách thức là làm sao nâng cấp được vấn đề quản lý để đáp ứng tình hình.”

"Người ta cũng cần phải xây dựng khả năng ở cấp tỉnh thành để làm sao các cán bộ, nhân viên có hành động đầy đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm của bệnh dịch.”

Theo vị chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, nếu không có sự tham dự của toàn xã hội, HIV sẽ còn tiếp tục lan rộng tại Việt Nam.

"Cần vận động cả xã hội tham gia, không thể chỉ xem HIV là vấn đề sức khỏe đơn thuần. Cần phải thúc đẩy các bộ ngành khác như bộ giáo dục, rồi các thành tố khác trong xã hội tham gia công cuộc đấu tranh chống HIV.”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/03/050315_vietnamhiv.shtml
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.11.2005 21:06:52 bởi HongYen >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9