Tiếng Việt tình tôi
Hàn Lệ Nhân 18.03.2009 20:44:58 (permalink)


Tiếng Việt tình tôi
Hàn Lệ Nhân
 
Nếu ai hỏi tôi yêu Quê Hương nào nhất ?
Tha thiết trả lời : Nơi tôi ra đời !
Nếu ai hỏi tôi yêu ngôn ngữ nào nhất ?
Hãnh diện trả lời: Tiếng Việt mà thôi !

 
Mười thế kỷ Bắc thuộc và sau non mười thế kỷ giành lại nền độc lập, nước ta vẫn tiếp tục dùng chữ Hán rồi chữ Pháp là văn tự chính trong hành chánh và học đường, đặc biệt trong học đường mãi đến hơn nửa đầu thế kỷ XX tiếng Việt mới được chính thức dùng làm chuyển ngữ ở bậc đại học – cụ thể là ở nước Việt Nam Cộng Hoà trong thập niên 1960, tuy tiếng Việt từ Bắc chí Nam trước nay luôn luôn là ngôn ngữ phổ thông trong gia đình, trong xã hội.
 
Thịnh thời của chữ Hán, tiếng Nôm bị các cụ nho gia Giao Chỉ cho là "nôm na" ; qua thịnh thời của thực dân Pháp tại Việt Nam, tiếng Việt lại bị chính một số ông Tây An Nam rẻ rúng là "mách qué", đại để là vì tiếng Việt lúc bấy giờ, theo họ, chưa có các danh từ, dụng ngữ, thuật ngữ khoa học như phương tây.
 
Vậy bốn chữ "Nôm na, mách qué" ngụ ý gì ? "Nôm" là cách đọc trại từ chữ Nam của mấy nhà nho với hậu ý chê bai. Na chỉ là âm đệm, ở đây không có nghĩa gì cả, như khi nói Nết na, hoặc Lóng liếc, Học hiếc, Tiếng tây tiếng u. Ăn nói nôm na tức ăn nói mộc mạc theo cách bình dân của người không có học chữ "thánh hiền", trong văn viết ta thường gặp hai chữ diễn nôm. Mách qué hàm ý thiếu văn hoá, như khi ta nói giở trò mách qué, ăn nói mách qué. Nôm (Nam) còn ngụ ý đối lại với Bắc (ám chỉ Trung Hoa).
 
Trong một bài viết cũ, tôi có trình bày đôi ba suy nghĩ về chuyện nôm na này, nay xin trích lại để hiến chư vị quân tử:
 
« Suốt gần 5.000 năm dựng nước, triền miên điêu đứng với "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây", dân tộc Việt Nam đã lần lượt hấp thụ hai nền văn hoá phong kiến Tàu và thực dân Tây mà không hề đánh mất bản chất, sắc thái riêng biệt:
 
Sau một thời gian xâm nhập Việt Nam, chữ Hán liền bị biến thể thành chữ Nôm, Hàn Thuyên, một người việt đã can đảm khởi xướng phong trào làm thi phú quốc âm việt bằng chữ Nôm với những luật tự biến chế phỏng theo Đường Luật (luật nầy sau gọi là Hàn luật). Chữ Nôm đã cho ta những tác phẩm bất hủ, tuy nội dung hay bối cảnh vay mượn của Tàu, như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du ; Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…

Tóm lại chữ Hán đã đem một phần hùn lớn cho ta. Ngày nay đọc hay nói những chữ khái niệm, xã hội, quá khứ, quốc gia, độc lập… ta không còn thấy sượng sùng, xa lạ nữa.
 
Thời Pháp thuộc cũng vậy, những chữ Pháp nào lọt vào Việt Nam đều bị "nung nấu" việt hoá cả. Ví dụ: cái bù-loong (boulon), cái tách (tasse), trái banh (balle)…» (Hàn Lệ Nhân, “Nguồn gốc Thơ Mới”). Thậm chí:
 
Bút huê thảo tình thơ uyn-lét (a)
Hỡi me-sừ con-nét moa chăng (b)
Vu còn nhi-ét bao zăng (c)
Đon moa kết ngãi phe giăng-đờ-rờ (d)

 
Những chữ in nghiêng là phiên thẳng từ tiếng Pháp: (a) một bức thư ; (b) ông có biết tôi không ; (c) ông còn đứa cháu gái bao nhiêu tuổi ; (d) cho tôi làm rể. (dẫn theo Đào Trọng Đủ)

Trước 1954, ở Bắc đã có vài tác phẩm về văn phạm Việt ngữ: Sách Mẹo Tiếng Nam của Nguyễn Hiệt Chi và Lê Thước (HN 1926), Luật Hỏi Ngã của Nguyễn Đình (LNH, HN 1939), Khảo Cứu Về Tiếng Việt Nam của Lê Ngọc Vượng (HN 1942)…

Trước 1975, ở Nam đã có chủ trương "thuần khiết ngôn ngữ Việt" được ghi lại trong các tác phẩm như Việt Văn Qui Tắc của J. Lương ngọc Luông (SG 1935), Ngôn Ngữ Học Việt Nam của Nguyễn Bạt Tụy (SG 1959), Văn Phạm Việt Nam của Bùi Đức Tịnh (SG 1952 và 1967), Chánh Tả Việt Ngữ và Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của Lê ngọc Trụ (SG 1960), Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương quảng Hàm (in lần thứ 7, SG 1960), Ngữ Học Nhập Môn của Nguyễn Đình Hoà (SG 1962), Khảo Luận Về Ngữ Pháp Việt Nam của Nguyễn Hiến Lê và Trương văn Chình (Huế 1963)… Đặc biệt tôi không nhớ cụ bà, cụ ông nào đã tặng tôi 2 tập bản thảo gõ bằng máy đánh chữ, còn nhiều thủ bút bên lề của cụ Nguyễn Khắc Xuyên:

1/ Việt Ngữ Khái Luận dịch từ nguyên tác La-ngữ của cố Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết năm 1651, trong này có trích đoạn từ Phép giảng tám ngày do cố Đắc Lộ viết bằng chữ Việt theo lối abc La-tinh ;
2/ Vấn đề hình thành Chữ Quốc Ngữ, viết tại Đà Lạt năm 1962-1964.
 
Năm 1976, vấn đề Thống Nhất Tiếng Việt đã được rầm rộ đưa ra tại một hội nghị bàn về những vấn đề của Tiếng Việt, nhưng chẳng đi đến đâu. Tháng 10 năm 1978, có hội nghị về vần đề Thống Nhất Chính Tả, trưởng ban tổ chức là ông Hoàng Tuệ từ Hà Nội vào. Cuối năm 1979 có Hội nghị khoa học toàn quốc ở Hà Nội, trong nghị trình có đề tài "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" với các đề nghị định chế và thống nhất chính tả, văn phạm, phiên âm tên người tên đất ngoại quốc, v.v.

Ngày 30-4-75, sông Bến Hải không còn bị ngăn đôi: Toàn cõi VN một lần nữa bị xáo trộn tận gốc trên mọi phương diện, trong đó có vấn đề Tiếng Việt ! Tiếng Việt của tôi vốn 99% do học lóm, đa phần qua sách báo Việt ngữ Miền Nam từ xứ người. Phải chăng vì là nhà nho mà ông thân tôi có những câu nói mà tôi không quên được, chẳng hạn: "Đọc sách báo là cách hay nhất để tự xoá dần sự dốt nát, mở dần cõi lòng, hàm dưỡng dần nhân cách. Muốn khá Việt ngữ thì phải vững Hán-Việt mà các ấn bản Việt dịch từ Đông Châu, Thủy Hử, Tam Quốc là kho Hán Việt. Còn nói và viết đúng tiếng mẹ đẻ là cách tỏ lòng thành cụ thể nhất đối với cội nguồn". Nhờ thế, tuy mới lõm bõm tiếng Việt nhưng thời đó – 16, 17 tuổi – có dịp là tôi tìm đọc sách việt. Bấy giờ nơi sinh quán tôi có nhà sách Hồng Yến và tủ sách cho thuê của anh chị Huệ-Phiên. Tôi khoái tiểu thuyết của Từ Kế Tường, của Duyên Anh, của Nguyễn Thụy Long… ; mê nhất là truyện chưởng Kim Dung, Ngoạ Long Sinh, Cổ Long qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn, Phan cảnh Trung, Đà Giang Tử… và thường xuyên tra Từ điển Pháp-Anh ra Việt hay ngược lại. Phần Hán Việt tôi dùng cuốn Tiếng Hán Việt Thông Dụng của Thanh Nghị và Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, khi gặp khó khăn về ngữ cảnh trong câu thì đã có cuốn Từ điển sống trong nhà là ông cụ. Ông thân tôi khá chữ nho ra sao tôi không biết, chắc chắn một điều sinh thời ông là người "cho chữ" trong tang hôn tế lễ của người Việt trong cả tỉnh Savannakhet. 30 năm sau, khi trở về chịu tang Mẹ năm 2004, tôi mới biết có bác Nguyễn Đình Phiên ở xóm Hay-Doòng cũng khá chữ nho.

Tôi chăm đọc từ điển lắm. Mới xa nhà không lâu thì cuốn từ điển sống đột ngột qua đời, cho nên để tiếp tục tự "xoá dần sự dốt nát", lần hồi trong tủ sách của tôi có 47 cuốn từ điển đủ loại. Khi tập viết, có chút thắc mắc về ngữ nghĩa, về Hỏi-Ngã là tôi tra ngay. Đó là tôi noi gương cụ Nguyễn Hiến Lê, tác giả tôi kính yêu nhất:
 
, 乱爱 ,
, ,
( )
 
"Trị ái thư, loạn ái thư, thư trung hữu hữu;
Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại không không."
 
(Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có;
Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không).
(Nguyễn Hiến Lê)



Năm 213 trước Công Nguyên, nghe lời quân sư Lý Tư, Tần Thủy Hoàng ra lệnh «phần thư khanh nho» ; năm 1966 Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách Mạng Văn Hoá long trời lở đất ròng rã mười năm (1966-1976): «Mao tự hào về cách mạng đó lắm. Tây phương chê ông ta là Tần Thủy Hoàng ngày nay, ông ta mỉm cười bảo Ông  hơn  Tần Thủy Hoàng cả trăm lần chứ, vì Tần Thủy Hoàng chỉ chôn sống có 460 kẻ sĩ, còn ông thì giết tới 46.000 trí thức» (2).
 
Năm 1956, ông Hồ "du nhập và nhuần nhuyễn vận dụng sáng tạo" gương Cải cách điền địa, Bách hoa tề phóng - Bách gia tranh minh từ bên Tàu vào "hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam" với kết quả "cơ bản thành công" trong thảm kịch mang tên Cải cách ruộng đất và Trăm hoa đua nở (Nhân văn-Giai phẩm).

Năm 1976 và năm 1978, chính quyền CHXHCNVN – dưới triều TBT Lê Duẩn, noi gương bác Mao, tiến hành quốc sách thiêu hủy triệt để sách báo được xuất bản và phát hành tại nước VNCH trong thời kỳ 1954-1975, đồng thời bắt hàng loạt văn nghệ sĩ Miền Nam đi "học tập cải tạo" (4). Bơi ngược dòng chảy của lịch sử lúc đó, ở Paris, từ hè 1976, tôi bắt đầu làm ngược lại cuộc "đốt sách" bằng cách truy tầm lại sách "ngụy" ven sông Seine (3). Trong thập niên 1980, những sách "ngụy" được tái bản tại Hoa kỳ, một mớ không nhỏ là mượn từ tủ sách cũ của tôi. Xin thú thật là thời đó tôi không hề nghĩ tới hai chữ tác quyền: Tôi chỉ muốn cự lại câu nói vẫn đè nặng lòng tôi: "Bốn ngàn năm văn hiến, sách không đầy một xe"!

Vốn liếng tiếng Việt trong tôi, như đã nói qua, phần lớn là nhờ chịu thương chịu khó mót từ sách "ngụy", cho nên năm 1978, khi bắt đầu sinh hoạt với đồng bào thuyền nhân trong các trại tị nạn tại Pháp, Đức, Hoà Lan tôi nhiều phen ngớ cả người khi nghe những từ Hán-Việt chẳng hạn nhất trí, đột xuất, tham quan, chất lượng, hải quan, di lí … ; nhất là trong các buổi bù khú đàn hát và kể chuyện tiếu lâm đỏ với những "dụng ngữ thuần Nôm" lạ lẫm như cái nồi ngồi trên cái cốc, đồng hồ 2 cửa sổ, tàu sân bay, xưởng đẻ, nhà ỉa, chị nuôi, máy bay lên thẳng, làm việc…(5). Rồi từ khi phong trào máy vi tính và Internet nở rộ tôi bắt gặp cơ man "thuật ngữ khoa học" nào Ổ cứng, Phần mềm, Ổ mềm, Phần cứng, Bộ nhớ, máy quét… ; nào Ác liệu, Mạng mạch, Phần mềm gián điệp, Trực tuyến

Đọc và nghe riết rồi cũng hơi hơi quen, song để cho chắc mình đã hiểu mớ Chữ Việt Mới này đúng sai thế nào, tôi đã mày mò soạn một bài sơ kết có tựa "Dạ, để em đọc lại thêm lần nữa", sau bổ túc thành "Người Việt mới, tiếng Việt mới". Xin trích lại cho chư vị quân tử khắp nơi cùng thưởng lãm hương vị quê hương “đương đại”:

« Chú cán bộ công an Ái Quốc giải phóng thím phó giáo sư tiến sĩ Diên Tân nhân một tai tệ nạn trong một sự cố giao thông ở vùng sâu xa, hùng hiểm ngoài Bắc, chú phát hiện thím đẹp cực kỳ. Sau cuộc gặp ấn tượng đó, thím là đối tượng của chú. Chú thím thành sơ hữu, âm thầm chú tích cực truy kích tư liệu, làm rõ nhân thân, lý lịch trích ngang của thím, của cả các thành phần trong gia tộc thím. Té ra, thím là chị ruột của một nghệ nhân nghiệp dư trong làng Quan Họ và là cô ruột của một siêu sao trong làng VPop. Rồi chú tranh thủ liên hệ với thím. Thi thoảng, rỗi công tác, chú đột xuất đón thím về tham quan đa số cảnh quan Hà Nội. Qua liên hệ, lần hồi chú trọng thị thím, đả thông thím, thống nhất thím, cuối cùng đăng ký, nhất trí tranh đấu quản lý đời thím bằng một đám cưới thuộc diện đại trà, nào thực đơn cao cấp, lễ tân chiêu đãi chất lượng cao, vì khách chủ yếu gồm đủ mặt quan chức các ban ngành, các nghệ sĩ ưu tú, các nghệ sĩ nhân dân (6) quanh thủ đô ngàn năm văn vật, cách mạng anh hùng cho tương thích với vị trí của chú.
 
Cưới được vợ đẹp xong, chú hồ hởi đăng ký làm chiêu sinh ngành hải quan, nên được gửi đi chuyên tu một khoá bồi dưỡng văn hoá cấp 3. Nhờ ơn đảng và nhà nước, chú lại trúng thưởng xổ số quốc gia được 800 triệu. Chú kiên định cải tạo mặt bằng căn hộ của chú, nâng cấp thành tổ ấm đúng tiêu chuẩn EU. Rồi chú mua một cái đài, một đầu máy ; xịn nhất là một giàn vi tính HP với bộ vi xử lý P4 đương đại, với bộ nhớ đầy 2 tỉ bai nên truy cập cực kỳ nhanh, điều phối LCD to đùng cực kỳ mịn, 2 ổ cứng cực kỳ vĩ đại, tổng cộng là 500 tỉ bai, đầy đủ phần mềm như cơ sở dữ liệu, bộ gõ TCVN, truyền dữ liệu, ác liệu, phần mềm gián điệp, mạng mạch, lại nạp luôn phần mềm 3Đ... cọng thêm máy quét, máy in lê-dờ, máy in tia mực màu, máy ảnh kỹ thuật số.
 
Quá bận ở cơ quan, chú chỉ khẩn trương về nhà thao tác máy vi tính độ nửa giờ buổi đêm nên có nguy cơ không đạt yêu cầu để trúng tuyển cấp thủ trưởng ở cơ quan hải quan xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Việt-Kampuchia, chú quá bức xúc nên tâm tánh chú chao đảo rồi bị cao huyết áp.
 
Một hôm đi nhờ máy bay lên thẳng, chú thím về thăm quê ngoại các cháu, tình cờ gặp lại một người bạn trước là lính thủy đánh bộ (Từ điển tiếng Việt còn gọi là hải quân đánh bộ/hải quân lục chiến), diện anh hùng tiên tiến nên giấy khen và huân chương cứ gọi là, có vợ trước kia là chị nuôi trong phủ thủ tướng bên Bờ biển ngà. Hai chú bèn đưa 2 thím về nhà rồi khẩn trương bá cổ nhau tham quan đa số chợ trời miệt cửa khẩu Việt-Trung, duy ý chí truy tầm và mua được một đùi cầy tơ về nhắm với rượu quốc lủi. Chú Ái Quốc say rồi tinh tướng gây thím Diên Tân, với lý do là thím chỉ chuộng ngoại, đã gần hai 30 và bằng cấp tại chức đầy tay mà chỉ thích cầu thị mánh mung của tụi em nuôi chân dài...Vợ chú nhiếc chú là đồ tập kết chuyên tu biến chất, hủ hoá và hăm he đi đề xuất với bí ban. Chú quát:
 
- Cái thứ đàn bà chưa ai vẫy đã le te đi ủng hộ như mày, ngủ thì tích cực lắm, mà làm thì chẳng thấy có kiên định gì sất.
 
Bất ngờ, chú táng thím một bạt tai cật lực, mồm quát tiếp:
 
- Đề xuất à, đề xuất à... Muốn đề xuất để ông đi đề xuất cho một thể, ông trường kỳ với mày mà...
 
Đâu ngờ, thím Diên Tân chưa kịp đi đề xuất với bí ban thì ông hàng xóm đã đi khai báo với tổ trưởng dân phố, thế là tổ trưởng dân phố khẩn trương đến mời chú Ái Quốc lên cơ quan làm việc, nhưng vừa bước vào căn hộ thì nhận ra ngay chú công an Ái Quốc là bạn đồng khoá lớp bổ túc văn hoá cấp 2, ngay sau thời Tem phiếu-Bao cấp lẫy lừng chuyển qua thời mở cửa, thời Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy là vụ việc tiêu cực coi như được thông qua trong tinh thần xử lí nội bộ, giữa bầu không khí hưng phấn bạn học cũ gặp lại nhau...»
 
(Chắc chắn là bản sơ kết này còn nhiều sơ suất, rất mong quí bạn đọc nhín chút thời giờ phụ dịch ra tiếng Việt trước 1975. Mong thay!)

(đọc tiếp trang kế)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.04.2009 17:37:11 bởi Hàn Lệ Nhân >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9